Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Thanh xuân ở Diên Hồng

Đến với Diên Hồng qua một đợt thực tập, tôi lại có duyên gắn bó lâu dài, người xưa nói quả không sai: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.

Rồi những năm tháng thanh xuân của tôi bắt đầu ở đó, ở một nơi mà mọi người coi nhau như anh chị em trong gia đình. Diên Hồng có sếp Thắng đa tài, có sếp Nga khéo léo, có sếp Ngân cá tính và sếp Hảo nhiệt tình. Các sếp chị, sếp anh luôn tận tình chỉ bảo, quan tâm đến từng nhân viên. Ở nơi đó, có các anh chị điều dưỡng luôn yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, có các chú bảo vệ lúc nào cũng vui vẻ thân thiện, có các cô tạp vụ luôn chăm chỉ nhiệt tình và có các anh chị Bếp nấu ăn siêu siêu ngon.

Có một người bạn đã rất ngạc nhiên khi biết mình làm ở một viện dưỡng lão, làm việc với người cao tuổi. Chắc có lẽ bởi bạn ấy thấy mình vốn dĩ luôn chạy nhảy, muốn mọi thứ sôi động và vui tươi. Và cũng có lẽ, bạn ấy nghĩ rằng làm việc với các cụ trong viện dưỡng lão lúc nào cũng phải trầm lắng, nhẹ nhàng. Thế là mình lại có dịp giãi bày về nhịp sống cực kì vui tươi của các cụ và nhân viên tại Diên Hồng. Các cụ được vui chơi, ăn uống, chăm sóc như thế nào, hăng hái tham gia các trò chơi ra sao. Mình cũng không quên kể về các hoạt động của nhân viên tại nơi đây. Mọi người cùng nhau có những trận bóng nảy lửa, cùng nhau tham gia các hoạt động ngoại khóa, cùng nhau tổ chức các sự kiện cho các cụ, không khí sôi động, hào hứng không kém gì các sự kiện ở nhiều nơi khác. Điều đặc biệt ở Diên Hồng, bạn sẽ thấy được những nụ cười yêu thương đầy hạnh phúc của sự cố gắng, của sự nỗ lực từ chính các cụ sau mỗi giờ tập luyện phục hồi chức năng cùng với sự hỗ trợ của điều dưỡng. Được chứng kiến tình thương mến thương  mà các cụ dành cho nhau như chính những người ruột thịt trong gia đình.

Làm ở Diên Hồng, các cụ đã giúp cho mình hiểu được nhiều điều. Được tâm sự, hỏi han các cụ, được thấu hiểu những mong muốn rất đỗi đơn thuần, giản dị của các cụ để từ đó mình hiểu hơn về chính ông bà của mình. Được thấy các cụ vui khỏe hơn mỗi ngày, các cụ bớt lo âu suy nghĩ và có thêm những người bạn tri kỷ không chỉ mình mà bất kỳ ai được chứng kiến cũng đều cảm thấy hạnh phúc.

Mình đã từng nghe rất nhiều người  kể về tuổi trẻ của họ đã làm những gì cuồng nhiệt như thế nào, đi đến những nơi đâu. Còn mình, mình cũng sẽ kể cho mọi người nghe từng ngày thanh xuân mình đang làm những gì, cuộc sống của các cụ ra sao, các cụ vui mình cảm thấy thế nào. Có thể với nhiều bạn nó rất đỗi bình thường nhưng với mình đó là những ngày tháng của tuổi trẻ làm việc rất nhiệt huyết và sẽ tiếp tục nhiệt huyết hơn nữa.

Thấm thoắt thoi đưa, kể từ ngày mình biết đến Diên Hồng cũng đã gần 2 năm. Lần đầu, với tư cách là một thực tập sinh khi Diên Hồng tròn 3 tuổi. Còn lần này, với tư cách là một thành viên của chính gia đình ấy, mình đã cùng tất cả mọi người chuẩn bị rất nhiều thứ cũng như vài lời tâm sự này để chúc mừng sinh nhật Diên Hồng 5 tuổi. Chẳng hi vọng và mong mỏi gì nhiều, chỉ mong Diên Hồng sẽ luôn phát triển hơn nữa để hướng tới phổ dịch vụ dưỡng lão ở Việt Nam và trở thành một địa chỉ tin cậy để hỗ trợ các gia đình chăm sóc sức khỏe cho các cụ một cách tốt nhất như chính châm ngôn của Diên Hồng vậy, “Sẻ chia trách nhiệm – Vẹn tình yêu thương”.

Với nhiều bạn, thanh xuân là phải đi đây đi đó, phải làm những điều to lớn. Còn với mình, thanh xuân không có gì ngoài sức trẻ được làm điều mình thích với tất cả nhiệt huyết ở Diên Hồng là mình đã có một thanh xuân tuyệt vời rồi.

Cầm Thị Huyền – Bài dự thi “Tuổi trẻ của Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”

Xem thêm

Nụ cười của người cao tuổi chính là thanh xuân của tuổi trẻ

Tôi gắn bó với Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng một thời gian. Đây là lần thứ 2 tôi được đặt cây bút lên để viết bài dự thi chào mừng sự trưởng thành, lớn lên của Dưỡng lão Diên Hồng tròn 5 tuổi với chủ đề “Tuổi trẻ của Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”. Tuy chỉ là một bài viết dự thi nhưng nó cũng nói nên tất cả những gì mà thời tuổi trẻ của tôi đã gắn bó với nghề nghiệp chăm sóc người cao tuổi ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Thời còn mới ra trường ai cũng có ao ước mình sẽ được làm việc ở bệnh viện. Tôi đây cũng muốn được làm trong môi trường đó, vì đó là môi trường tốt để cho tôi được học hỏi chữa bệnh cứu sống mang lại niềm vui cho bệnh nhân khác. Vì vậy tôi chia tay Diên Hồng để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Thế nhưng tôi cũng chỉ làm ở bệnh viện được 1 thời gian vì cuộc sống bộn bề khiến tôi phải dừng ước mơ đó lại. Tôi không làm ở bệnh viện không phải tôi không làm được mà trái lại còn làm tốt. Thời gian làm ở bệnh viện giúp tôi học hỏi được rất nhiều cách xử lý cấp cứu mà Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đang cần đến. Vì vậy quyết định quay trở về ngôi nhà dưỡng lão xưa mà trước đây tôi đã từng gắn bó để tiếp tục cống hiến tuổi trẻ của mình.

Ở đây bệnh nhân hay còn gọi cách khác là Người cao tuổi mà tôi đang chăm sóc hàng ngày nó khác với môi trường bệnh viện mà trước đây tôi đã làm, ở đây Người cao tuổi mỗi người có một bệnh tình khác nhau không ai giống ai. Nhiều người hay bạn bè và cả người thân của tôi nghĩ rằng làm dưỡng lão chẳng học hỏi đúc rút được kinh nghiệm gì trong y học. Nhưng tôi lại học được một điều là biết chăm sóc Người cao tuổi mà rất ít người làm được việc này đó là chăm sóc từng cách ăn uống vệ sinh, nghỉ ngơi và sinh hoạt thể dục thể thao hàng ngày của các Cụ. Điều tôi đáng tự hào rằng mình học trong môi trường bệnh viện được những gì tôi đã đều áp dụng và xử trí cho Người cao tuổi, những pha cấp cứu ban đầu cần thiết ở mọi lúc mọi nơi trong Diên Hồng. Từ đó tôi đã từ bỏ ước mơ mà tuổi trẻ của mình để theo đuổi dưỡng lão Diên Hồng đến cùng, tôi muốn được đi học nhiều hơn nữa về chuyên môn chăm sóc Người cao tuổi và phục hồi chức năng cho những ai đang cần tới tôi, thì dưỡng lão Diên Hồng đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện ước mơ của mình, cho tôi một khóa học đào tạo phục hồi chức năng sau tai biến và đột quỵ tại một bệnh viện lớn. Tuy nó không phải là một khóa đào tạo dài ngày mà chỉ có 4 ngày thôi, mà tôi học được bao nhiêu điều biết tại sao Người cao tuổi sau khi tai biến hay đột quỵ cần phải phục hồi chức năng ngay để cho họ có thể làm những công việc sinh hoạt hàng ngày của mình. Làm ở Diên Hồng tôi thấy đáng buồn một điều rằng những cụ tai biến khá lâu mà người nhà không biết cách phục hồi chức năng sớm nên không thể hồi phục, đi lại như bao nhiêu người khác được mà phải ngồi xe lăn mãi mãi, nhưng đáng tự hào rằng tôi đã phục hồi cho họ biết cách vệ sinh răng miệng, rửa mặt, tự xúc cơm và cầm đồ vật lên…, đó là cái mà tôi đang làm được tại sau khi Diên Hồng đã tạo điều kiện cho tôi một khóa học ý nghĩa. Khi tôi với các bạn phục hồi cho các cụ nhiều lúc cũng nản trí lắm, tạo quá nhiều áp lực vì các cụ đều là bệnh người già không chịu hợp tác và sợ đau những chúng tôi đã rất kiên nhẫn chịu đựng để cho họ, ít ra cũng phải vận động làm được những cái cơ bản mà sinh hoạt hàng ngày thường làm.

Có những Người cao tuổi bị trầm cảm không nói chuyện với ai nhưng khi vào dưỡng lão Diên Hồng được chúng tôi chăm sóc từ A-Z kể cả ngồi nói chuyện cả buổi với cụ mà không thấy phản hồi gì và dỗ dành ăn cũng không ăn, đến ngày thứ 3 chúng tôi tiếp xúc với cụ thấy cụ đã tiến bộ lên rất nhiều rằng đã biết nở nụ cười với chúng tôi và đã tự ăn uống, khoảng 1 tuần sau thì cụ đã quen và bắt đầu đưa đi dạo cụ bắt đầu cởi mở trò chuyện, chúng tôi đã thấy mình thành công và giờ cụ ở được 2 tháng tất cả lối sống sinh hoạt cụ đã tự làm, chứ nhiều bạn trẻ thấy vậy sẽ từ bỏ luôn nhưng chúng tôi làm ở Diên Hồng đây sẽ không từ bỏ mà phải kiên trì “Vì tuổi trẻ là để mang lại tiếng cười niềm vui cho người khác”. Ở đây không chỉ các cấp lãnh đạo ngoài ra còn các bạn đồng nghiệp và các cụ ai cũng cởi mở nhiệt huyết cho công việc chăm sóc Người cao tuổi tại Diên Hồng đó là những điều mà tôi thích và cũng chính là tôi chọn Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng là ngôi nhà thứ 2 của mình vì vậy tôi và các bạn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để cho Diên Hồng phát triển mạnh mẽ hơn đó chính là sức mạnh tuổi trẻ thanh xuân của mình đầy nhiệt huyết mà tôi muốn dành cho Diên Hồng từ những bàn tay tuổi trẻ của chúng tôi. Vì vậy hãy chọn dưỡng lão Diên Hồng để được chúng tôi chăm sóc một cách tốt nhất.

Năm nay Diên Hồng đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc với những mục tiêu đã đề ra, để chào mừng ngày thành lập 5 năm của dưỡng lão Diên Hồng đó là một cách đáng tự hào nên chúng ta cần phải cố gắng để Diên Hồng có tầm nhìn vươn xa ra toàn thế giới. Vì thế tuổi trẻ của chúng ta không ngại ngần gì về chăm sóc Người cao tuổi vì Người cao tuổi cũng như những người thân của chúng ta trong gia đình.

“Vì tuổi trẻ là phải cho đi niềm vui và mang tiếng cười đến cho tất cả mọi người”


Đào Quang Đức – Bài dự thi “Tuổi trẻ Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”

Xem thêm

Nhiều tranh cãi khi đưa bố mẹ vào trung tâm chăm sóc người già

Đưa người già sống trong các trung tâm chăm sóc người già hiện nay vẫn còn là một lựa chọn mang đến nhiều ý kiến trái chiều không chỉ trong cộng đồng người cao tuổi mà cả với những người trẻ tuổi.

Những người ủng hộ đa phần có tư duy mở hoặc đã có những trải nghiệm nhất định liên quan đến việc chăm sóc người già trong gia đình. Chị Lương Diệu (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Xu hướng xã hội hiện nay là con người trước tiên sẽ học hành, tạo dựng sự nghiệp sau đó mới lập gia đình sinh con, số lương con ít. Đồng thời tuổi thọ trung bình tăng cao, tuổi nghỉ hưu cũng tăng lên khiến cho con cái không thể chăm sóc bố mẹ khi về già vì chính họ cũng còn đang bận công việc, bận chăm sóc con cháu của họ. Kể cả khi họ đã về hưu thì chưa chắc họ đã còn đủ khỏe mạnh để chăm sóc bố mẹ vì có khi bản thân họ cũng mang bệnh. Hơn thế nữa, nhiều thế hệ chung sống dưới 1 mái nhà dường khó khăn vì người già và người trẻ có nhu cầu, nhịp sinh hoạt khác nhau khó có thể dung hòa, khẩu vị cũng khác… Nói thật, cứ 2-3-4 thế hệ ở líu ríu với nhau xong phát sinh lắm chuyện, để y lời ăn tiếng nói gây nhau, chẳng vui vẻ gì. Bố mẹ già không thoải mái, con cháu cũng chẳng thích. Nhà dưỡng lão là tất yếu và phù hợp với nhu cầu cũng sự phát triển của xã hội. Ở đâu cũng được, miễn thấy vui vẻ, yêu đời chứ nặng nề chuyện trách nhiệm để rồi làm khó nhau mà làm gì. Tuy nhiên chi phí cũng cần phải cân nhắc vì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện đưa bố mẹ vào các trung tâm chăm sóc người già.”

trung tâm chăm sóc người già
Người già cùng tham gia các hoạt động tập thể tại viện dưỡng lão

Đồng tình với ý kiến này, anh Minh Khang (Hà Đông, Hà Nội) cũng tâm sự: “Biết rằng bố mẹ là người sinh ra mình đấy nhưng có ở trong hoàn cảnh này mới hiểu như thế nào là tốt nhất cho bố mẹ. Vậy nên đừng ai đánh giá chuyện con cháu gửi bố mẹ vào nhà dưỡng lão. Lựa chọn như thế nào là tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của từng nhà”. Như gia đình anh Khang, con cháu thì đi làm về muộn, người làm kinh doanh tự do, người làm công ty phải đi công tác nhiều thành ra bận bịu. Sáng vội vã đi làm, tối về lại chuyện con cái học hành thành ra cũng không có thời gian chăm sóc mẹ già. Chưa kể mẹ anh ở nhà cả ngày một mình, có lúc huyết áp tang, chóng mặt ngã xuống chẳng ai biết. Mà cụ quanh ra quẩn vào 1 mình trông nhà cũng chán. May có trung tâm chăm sóc người già khá gần nhà nên anh thấy yên tâm hẳn, tuần vài lần vào thăm mẹ, bà thì vui khỏe bên các cụ khác mà anh chị cũng yên tâm.

Đa phần mọi người đều đồng ý rằng nhà dưỡng lão là hợp lý nhất cho người già vì lối sống hiện đại nhiều mối quan tâm, con cháu không thể lúc nào cũng ở bên ông bà cha mẹ. Sinh hoạt của các cụ khác hẳn với con cháu: Ăn sớm ngủ sớm; chỉ ăn các món ăn truyền thống, món ăn mới lạ là không ăn được; ti vi chỉ xem hình không cho mở tiếng; ồn ào là không chịu được, bứt rứt, khó chịu.

Thậm chí một số người còn nhấn mạnh: “Vào trung tâm dưỡng lão các cụ có thêm bạn và có người chăm sóc đầy đủ. Vào đó giờ giấc sinh hoạt hợp lí, ăn uống đúng bữa đúng giờ lại có bạn già tâm sự thì hạnh phúc hơn nhiều ở nhà. Kể cả ở nhà có được chăm sóc tốt đến mấy nhưng không có người bầu bạn thì cũng như không. Đáng thương chính là các cụ bị nhốt ở nhà, nằm trên giường hoặc thui thủi 4 bức tường. Thậm chí có cụ bị trói chân tay mấy năm trời trước khi chết vì cứ giãy giụa hoặc giật bỉm ra. Đấy mới là đáng thương”.

Trước những ý kiến cho rằng đưa ông bà vào viện dưỡng lão là đáng lên án, cô Hồng Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra không hài lòng: “Nếu ông bà thoải mái thì vào trung tâm dưỡng lão cũng ko có gì là xấu. Với những người khỏe mạnh, tự đi xe bus, đi taxi đi chơi, thăm thú khắp nơi được thì không nói. Nhưng với những người cao tuổi, đi lại khó khăn muốn tìm người bầu bạn cũng rất khó. Trong khi con cháu còn đi học đi làm nên thường ở nhà 1 mình, ăn trưa một mình cũng rất buồn. Con cái có lòng thuê giúp việc đến vừa chăm sóc bầu bạn nhưng họ không có chuyên môn mà cũng khó tìm được người phù hợp. Thế nên ở nhà với giúp việc thì không thể yên tâm bằng ở trong trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Vào ở những chỗ như vậy mà ông bà đồng ý và thấy thích thì quá tuyệt rồi còn gì nữa.”

Không đồng tình với việc gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão, chị Thanh Tú (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Mình lại nghĩ các cụ tuổi cao như vậy rồi thì chẳng cần cơm bưng nước rót, chăm sóc từng ly từng tí như ở nhà dưỡng lão, có chăm thế chăm nữa các cụ cũng có sống thêm được bao lâu đâu. Chẳng thà để ông bà ở nhà với con cháu, dù có bận việc bận học cả ngày ít ra tối cũng về nhà nhìn mặt nhau một cái chứ. Còn loại con cháu mượn cớ bận bịu rồi cả tuần cả tháng chẳng hỏi han ông bà lấy một câu thì có ở nhà hay nhà dưỡng lão cũng như nhau cả thôi. Trước khi đưa ba mẹ vào đây các bạn hãy nghĩ đến cảm giác khi nhỏ bản thân mình bị ném vào 1 trường mẫu giáo khi mới 1 tuổi. Không ai thương con bằng ba mẹ, bây giờ ba mẹ già được cơ hội báo hiếu thì đùn đẩy trách nhiệm. Ai có con rồi sẽ hiểu, mình mang nặng đẻ đau nuôi con cực khổ như thế nào thì ba mẹ cũng đã từng nuôi mình cực khổ như vậy. Mình đối xử với ba mẹ như thế nào thì con mình sau này cũng sẽ đối xử với mình như vậy.”

trung tâm chăm sóc người già
Ở viện dưỡng lão, người già thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu với các đoàn sinh viên thực tập hoặc tình nguyện viên

Chị Thanh Tú cũng phản đối những ý kiến cho rằng không lo được cho ba mẹ không vì không có thời gian, con cái công việc. Chị chia sẻ: “Đẻ ra 3 đứa con , nuôi ăn học , cưới vợ gả chồng. Chưa bao giờ ba mẹ nói là bận công việc hay không có thời gian mà cho con vào trại mồ côi. Trong con cái thì nói do công việc thời gian mà phải để ba mẹ vào viện dưỡng . Vào trung tâm thì thấy sướng cơm bưng nước rót , ốm đau đã có thầy thuốc…  đấy là ta chỉ thấy bề nổi. Ông cha ta đã có câu “Trẻ cậy cha già cậy con” người già đôi khi thay đổi tính nết nhưng mãi mãi vẫn muốn sống gần các con đấy là niềm vui và an ủi nhất không gì so sánh được. Có những người mẹ người cha nẳm liệt giường nhưng con cái vẫn chăm sóc tận tình mặc dù chỉ còn là cái bóng nhưng bù lại họ được nhìn thấy hàng ngày được chuyện trò được tự tay chăm sóc cho tới cuối cuộc đởi không phải lăn tăn ân hận. Thật lòng riêng tôi không nỡ đưa bố mẹ già vào trung tâm chăm sóc người già cho dù có đủ điều kiện về kinh tế chằng nữa”.

Việc ủng hộ đưa người già vào sống trong trung tâm chăm sóc người già hay không là do quan điểm và hoành cảnh của mỗi người. Mọi sự so sánh đều khập khiễng bởi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Trẻ nhỏ thì đi học ở trường mầm non, người già sinh hoạt ở viện dưỡng lão cũng có cái lý riêng của nó. Chính vì vậy, điều tốt nhất chúng ta có thể làm chính là tôn trọng quyết định của mỗi gia đình, không nên áp đặt suy nghĩ của mình để gây áp lực cho những người không cùng quan điểm.

Xem thêm

Viện dưỡng lão dưới cái nhìn của chính người già

Khi nhắc đến viện dưỡng lão, người ta thường nghĩ đến những điều kinh khủng. Vì nhiều người vẫn quan niệm đưa cha mẹ vào đó là “đày đọa”, muốn rủ bỏ trách nhiệm. Nhiều người vẫn có cái nhìn ái ngại cho dù là các cụ tự nguyện vào sống trong viện dưỡng lão. Nhưng để hiểu hơn về cuộc sống ở nơi đây thì không gì hay hơn là đến tận nơi để cảm nhận và nghe chính người già đang sống trong môi trường ấy chia sẻ.

Vừa bước đến Diên Hồng đã nghe xa xa đâu đó tiếng các cụ cười nói rôm rả. Sau bữa sáng là các hoạt động tự do, bàn này các cụ ông đang chơi cờ. Ông Lâm giơ tay lên chống cằm, khuôn mặt đăm chiêu tính toán, suy nghĩ từng đường đi nước bước. Xen lẫn vào không khí căng thẳng là tiếng lách cách va chạm của quân cờ trên mặt bàn. Bàn bên kia các cụ bà ngồi chuyện trò hỏi han nhau: “tối qua bà có ngủ được không”, “hôm nay bếp nấu đồ ăn ngon nhỉ, bà có ăn hết suất không?”, “nhìn bà dạo này lại khỏe ra đấy nhé”. Hay là những nụ cười vui sướng trên khuôn mặt rạng rỡ khi khoe rằng hôm nay con cháu vào thăm mình.

Thời gian rảnh rỗi các cụ rủ nhau chơi cờ.

Vui nhất là gặp và nói chuyện với bà Liên (Hà Tĩnh). Bà đã vào Trung tâm được gần nửa năm. Hai mắt bà nheo lại, khuôn mặt đăm chiêu hồi tưởng lại cái ngày mà bà quyết định sẽ vào viện dưỡng lão. “Hàng xóm bảo bà đừng có vào trong đấy, trong đấy bẩn thỉu mà cái gì cũng thiếu thốn. Nhưng vì con cái khuyên nhủ nhiều quá, dù rất sợ nhưng bà cũng vào ở thử một thời gian xem thế nào”. Nhớ ngày đầu đến trung tâm, bà mang theo rất nhiều đồ, tay cầm cái gối, nách kẹp cái chăn, trong túi thì toàn đồ lỉnh kỉnh, đến cả cái khăn mặt, bàn chải, chậu rửa bà cũng mang theo vì sợ trong đó không có. Tới nơi, bạn điều dưỡng đưa bà đi thăm quan một vòng, bà ngạc nhiên đến độ không thốt nên lời. Và bà cứ hỏi đi hỏi lại: “Đây là viện dưỡng lão đấy à?” Bà chia sẻ: “Vì con cái bận không chăm sóc được cho bà, nên bà vào viện dưỡng lão. Thật lòng mà nói thì cũng nhớ con, nhớ cháu lắm, nhưng vào đây cho con cái yên tâm làm việc, rồi thi thoảng chúng nó vào thăm mình. Các cháu điều dưỡng cũng ngoan lắm, bà coi như con cháu trong nhà”.

Mỗi lần có các bạn tới chơi là bà Liên vui lắm.

Hay như trường hợp của bà Oanh (Hà Nội) vì con bà hay phải đi công tác xa, không thể chăm sóc được cho bà, thuê người giúp việc tầm 1 tuần thì không ai làm, mà để bà ở nhà một mình thì không yên tâm. Vì thế gia đình đã tham khảo và đưa bà vào Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng theo hình thức chăm sóc ngắn hạn. Vừa qua, con cái bà đi nghỉ lễ 2/9 nên gửi bà vào trung tâm. Bà kể, khi bạn bè đồng nghiệp của bà biết bà vào viện dưỡng lão thì ai cũng hỏi thăm. Có người còn bảo sao nhà bà có điều kiện thế lại để cho bà vào đây. Nhưng bà bảo: “Tôi vào viện dưỡng lão là đi nghỉ dưỡng đấy, ở đó sạch sẽ khang trang lắm, lại được chăm sóc cẩn thận, hàng tuần có bác sỹ kiểm tra sức khỏe định kỳ, các cháu điều dưỡng thì tận tình chu đáo”.

Ăn sáng xong các cụ tranh thủ xuống tầng 1 đi dạo.

Ông Đại cười cười, hài hước kể lại: “Ông vào Diên Hồng để thăm một người bạn sống ở đây, ông thấy thích môi trường như thế này, có những người bạn cùng trang lứa, cùng vui chơi theo kiểu tuổi già, đúng kiểu nghỉ dưỡng. Không chần chừ gì cả, ông quyết định vào trung tâm luôn”. Rồi thậm chí có cụ còn “trốn”, làm thủ tục vào trung tâm rồi mới báo với con cháu.

Diên Hồng nơi tình bạn thăng hoa.

Đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng, người già không chỉ được chăm sóc về mặt sức khỏe, có bác sỹ khám bệnh định kỳ, có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với từng loại bệnh lý mà còn được chăm sóc về đời sống tinh thần, được chia sẻ, tâm sự, được vui chơi làm điều mình thích. Đi đến cái tuổi gọi là gần hết đời người rồi thì cuộc sống chỉ cần giản đơn như thế, có người bầu bạn sớm tối, con cháu có thể thăm vào cuối tuần hay lễ Tết thì thì còn gì hạnh phúc hơn với người già.

Xem thêm

Bí quyết lựa chọn viện dưỡng lão tốt nhất ở Hà Nội (Phần 1)

Hiện tại ở Hà Nội có gần 2 chục cơ sở dưỡng lão. Sau đây là một vài yếu tố cần lưu ý để lựa chọn được viện dưỡng lão tốt nhất theo nhu cầu của mỗi người.

Môi trường

Địa điểm đó có gần gia đình và bạn bè của mình không? Có các trung tâm mua sắm hoặc buôn bán khác mà có thể đi bộ tới? Không khí có ấm cúng, gần gũi? Nơi ở đó có sạch sẽ và không mùi? Có các khu sinh hoạt chung đủ rộng cho các cụ ngồi cùng với nhau? Các cụ có thể ra vào tự do? Khách đến thăm có được ra vào tự do?

Kinh nghiệm chăm sóc người già 5 năm tại Viện dưỡng lão Diên Hồng cho thấy các cụ khỏe mạnh minh mẫn đều thích ra ngoài đi chợ mua sắm. Người cao tuổi thích rủ nhau đi xem giá cả thị trường thế nào, thi thoảng mua chút hoa quả, bánh trái về vừa nhâm nhi vừa trò chuyện. Và cũng bởi các cụ muốn gần gũi với con cháu nên cần một nơi gần nhà để con cháu tiện đến thăm.

Cả hai cơ sở của Diên Hồng đều thuận tiện đường đi, gần chợ, gần khu mua sắm, giao thông thuận tiện, do đó việc đến thăm các cụ là rất dễ dàng. Thi thoảng các cụ mua đồ ăn xong gói ghém phần cho các bạn điều dưỡng như thói quen cũ để dành cho con cháu.

Các bạn điều dưỡng cũng xem các cụ như ông bà của mình, những lúc rảnh rỗi cùng nhau nói chuyện, tâm sự.

Nhân viên

Để lựa chọn được viện dưỡng lão tốt nhất, các gia đình cần đến tận nơi để quan sát cách làm việc và thái độ phục vụ của nhân viên tại đây. Các nhân viên có vui vẻ khi làm việc không? Cách trao đổi tương tác với các cụ như thế nào? Họ có biết tên của các cụ? Cuộc trao đổi thân thiện, gần gũi không? Các nhân viên làm việc với nhau có chuyên nghiệp không? Họ có được huấn luyện, đào tạo liên tục, hoặc cấp bằng gì?

Chỉ khi điều dưỡng viên quan tâm, yêu mến các cụ, tâm huyết với công việc mình đang làm thì họ mới chăm sóc tốt cho các cụ được. Nếu có dịp đến Diên Hồng, khách hàng sẽ thấy điều dưỡng hiểu được cả thói quen, sở thích của các cụ, sẽ thấy các cụ trêu đùa điều dưỡng như người thân trong gia đình.

Hiện tại viện dưỡng lão Diên Hồng cũng thường xuyên tổ chức đào tạo về chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho nhân viên. Như gần đây nhất khóa học “phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ” rất cần thiết khi chăm sóc người cao tuổi.

Tính an toàn

Các cầu thang và hành lang có đủ ánh sáng và có tay vịn không? Xe lăn có thể di chuyển dễ dàng? Phòng ở có thiết bị gọi khẩn cấp không? Các cửa sổ và cửa ra vào có chốt khóa an toàn? Có hệ thống báo cháy tự động? Có thiết bị gọi khẩn cấp khi có vấn đề xảy ra với người cao tuổi không? Và nhất là cơ sở dưỡng lão đã được cấp phép chưa?

Hiện tại theo Sở lao động thương binh và xã hội thì ở Hà Nội chỉ có 9 cơ sở được cấp phép, trong đó có 3-4 cơ sở đã ngừng hoạt động. Và cả 2 cơ sở của Viện dưỡng lão Diên Hồng đều có đủ giấy phép hoạt động.

Viện dưỡng lão tốt nhất ở Hà Nội
Người cao tuổi tại Diên Hồng rủ nhau tập đi

An toàn cho người cao tuổi là một trong những vấn đề mà viện dưỡng lão Diên Hồng ưu tiên hàng đầu. Do đó việc trang bị những thanh chắn, tay vịn là không thể thiếu. Ngoài ra người cao tuổi cũng được cấp chuông riêng để thông báo khi có vấn đề xảy ra cần được trợ giúp.

Tiện ích

Các tiện ích tại viện dưỡng lão cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu khi tìm kiếm một viện dưỡng lão tốt nhất. Ở đó có đầu bếp riêng không? Đồ ăn có sạch sẽ, ngon miệng, có thực đơn riêng theo tình hình sức khỏe của từng người như chế độ ăn cho người tiểu đường, cao huyết áp…hay không? Nơi sinh hoạt có truyền hình cáp hay truy cập được Internet không? Người cao tuổi có được trang trí khu vực của mình theo ý thích hay không? Có khu vực riêng dành cho nhu cầu tâm linh không và có các dịch vụ ngoài như mát xa thư giãn, làm móng, cắt tóc… không?

Viện dưỡng lão tốt nhất ở Hà Nội
Diên Hồng có nhiều dịch vụ làm đẹp đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi

Dịch vụ chăm sóc y tế

Viện dưỡng lão có nhân viên phục vụ 24/24 hay không? Có bác sĩ thăm khám thường xuyên không? Người cao tuổi có được cho uống thuốc đúng giờ không? Nếu người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe thì trung tâm có đưa họ đi viện hay không? Nhà dưỡng lão có gần bệnh viện để khi có trường hợp khẩn cấp để đi cấp cứu nhanh chóng hay không?

Kinh nghiệm trong chăm sóc người cao tuổi

Ở Việt Nam hiện nay chưa có một trường đào tạo nào về nghề điều dưỡng chăm sóc người già. Chính vì vậy các viện dưỡng lão lâu năm sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc người cao tuổi. Các quy trình liên quan đến khâu chăm sóc người cao tuổi sẽ được chuẩn hóa để đảm bảo an toàn cho người cao tuổi. Nhiềucó các sự cố bất ngờ xảy ra, nếu có kinh nghiệm và quy trình rõ ràng, nhân viên điều dưỡng sẽ xử lý nhanh chóng và hiệu quả.

Vấn đề chi phí và hợp đồng

Một trung tâm dưỡng lão chuyên nghiệp cung cấp cho khách một bản hợp đồng chi tiết các điều khoản về chi phí và dịch vụ mà người cao tuổi được hưởng cũng như thủ tục tiếp nhận ban đầu như thông tin về sức khỏe, tiền sử bệnh tật, các lưu ý khi chăm sóc. Các khoản đặt cọc, thời điểm thanh toán phí dịch vụ cũng cần được trao đổi kỹ càng. Ngoài ra, các trường hợp phát sinh như về thăm nhà, khi đi viện cũng cần phải thống nhất từ đầu để tránh những sung đột không đáng có về sau. Cuối cùng, chất lượng dịch vụ có tương xứng với số tiền mình bỏ ra hay không chính là điều mà ai cũng cần quan tâm. Một nơi đáp ứng các nhu cầu của gia đình với mức phí phù hợp thì chính là viện dưỡng lão tốt nhất của gia đình đó rồi.

Thực tế Viện dưỡng lão Diên Hồng đang có mức phí hợp lý nhất trong các viện dưỡng lão ở Hà Nội. Trong khi đó chất lượng dịch vụ lại không thua kém gì các nơi khác. Chính vì vậy, Diên Hồng tự tin đón các gia đình đến tham quan, ở thử hoặc khuyến khích các gia đình đi tham khảo các nơi khác trước khi có lựa chọn cuối cùng.

Xem thêm:

Bí quyết lựa chọn Viện dưỡng lão phần 2 – Cơ sở vật chất

Bí quyết lựa chọn viện dưỡng lão tốt nhất phần 3 – Nhân viên chăm sóc

 

Xem thêm

Diên Hồng tình yêu trong tôi

“Diên Hồng “là cái tên mang cả một bầu trời dịu dàng và hy vọng. Nơi có những con người sống và làm việc với tấm lòng nhân ái và đầy nhiệt huyết, đó là nơi mà tôi không được sinh ra nhưng tôi chắc chắn đây là nơi mà tôi trưởng thành.


Đến với ngôi nhà Diên Hồng từ tháng 3 năm 2018, tôi lần thứ 2 bước vào trận chiến mưu sinh. Trải qua nghề tư vấn khách hàng tại một phòng khám, nơi tôi buộc mình phải nói những lời không xuất phát từ tâm. Tám tháng làm việc là tám tháng tôi cảm thấy áy náy và bất an với những gì mình đã nói mình đã làm, không thể ở lâu hơn được nữa tôi quyết định đi tìm một chân trời mới. Được sự giúp đỡ của bạn bè tôi biết đến Diên Hồng.

Có những đồng nghiệp luôn quan tâm giúp đỡ nhau

Chập chững những bước đầu tiên, tôi được các bạn nơi đây truyền lửa, truyền nhiệt huyết và truyền kinh nghiệm. Thời gian trôi qua nhờ vào những đồng nghiệp ở cơ sở 1 mà tôi trưởng thành và cứng cáp hơn đó cũng là hành trang để tôi cống hiến sức trẻ và tuổi thanh xuân cho ngôi nhà Diên Hồng. Tôi và 4 đồng nghiệp nữa được sếp tin tưởng cử sang cơ sở 2, nơi đây với 5 anh chị em luôn hòa đồng, đoàn kết, chúng tôi cùng nhau lan tỏa tình yêu thương, sự chăm sóc nhiệt tình ân cần và chu đáo,đúng như tiêu đề của Diên Hồng “chăm như chăm người thân”.

Được cùng cười, cùng vui với các cụ

Các bạn đang thắc mắc công việc của chúng tôi là gi chăng? Nói nhỏ cho các bạn nghe nhé, chúng tôi là những điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi đấy ạ. Nghe có vẻ lạ, nhưng thật vậy đấy đây là một nghành hoàn toàn mới, mới với chính đất nước chúng ta và mới với nơi tôi được sinh ra “Hà Nội”. Nhưng các bạn đừng lo mặc dù mới nhưng công việc này không hề khó đâu nhé! Chỉ cần có đầy đủ năm phẩm chất của Điều Dưỡng Diên Hồng: Thấu hiểu – Tôn trọng – Tận tâm – Trung thực – Trách nhiệm, thì chẳng có điều gì có thể làm cho các bạn đâu ạ.

Ngày đầu bước sang cơ sở 2, ngôi nhà Diên Hồng chỉ có vẻn vẹn 15 cụ với vật chất và nguồn lực nhân viên còn thiếu, trải qua một năm với sự thay đổi chóng mặt của xã hội và con người, hiện nay tôi tự hào thông báo cho các bạn biết cơ sở 2 chúng tôi đang chăm sóc gần 80 cụ và 1 đội ngũ nhân viên hùng hậu. Để có được thành tích như hôm nay không thể không nói đến Ban lãnh đạo của Công ty, với những con người trẻ về tuổi nhưng không trẻ về kinh nghiệm và kiến thức. Luôn cho chúng tôi chủ động trong công việc, thoải mái góp ý, đề xuất các nguyện vọng và sáng tạo, chính trong môi trường làm việc như thế tôi đã yêu nghề và quý nến các cụ khi nào không hay.

Yêu thương người già, chăm như chăm người thân

Mỗi cụ đến với ngôi nhà Diên Hồng đều có một lý do riêng, nhưng khi được các bạn điều dưỡng ở đây chăm sóc thì dù đó là lý do gì đi chăng nữa thì nó không còn quan trọng. Dường như các cụ cảm nhận được sự tận tâm, ân cần, niềm vui ấm áp như một gia đình khi ở nơi đây. Mỗi một ngày chăm sóc các cụ là một ngày tình yêu thương của tôi dành cho nơi này được đong đầy, từ lúc nào đó tôi không còn coi đây là nơi làm việc nữa mà coi đây là ngôi nhà thứ hai của tôi. Nơi có những người anh em thân thiết, luôn tư vấn và giúp đỡ khi tôi cần, quan tâm khi tôi mệt, động viên khi tôi buồn, trong cuộc sống chỉ cần vậy thôi là đủ các bạn ạ.

Diên Hồng nơi bắt đầu yêu thương và trao gửi niềm tin, đây sẽ là nơi tôi gắn bó, còn các bạn thì sao? Hãy tìm cho mình một nơi mà bạn có thể cống hiến cả tuổi thanh xuân nhé.
Chúc các bạn may mắn

Bài dự thi cuộc thi “Tuổi trẻ Diên Hồng là thanh xuân của tôi”

Nguyễn Thị Hạnh

Xem thêm

Có một Diên Hồng ở đầu cầu bên ấy

Quãng đường gần 20km từ nhà đến Diên Hồng phải trải qua mấy lần nắng, mấy lần mưa, vài lần tắc đường, phải đạp xe đạp điện lên một chiếc cầu thật là cao, rồi lại tuột dốc (có phanh) khi xuống cầu. Sẽ là nói dối nếu mình nói rằng mình không cáu gắt vì tắc đường, không mệt mỏi khi leo dốc hay không khó chịu vì bị mưa tạt. Nhưng ở đầu cầu bên ấy có gì mà có thể khiến mình quên đi những bực tức, xua tan được những khó chịu và mệt mỏi của mình như vậy?

Ở đầu cầu bên ấy có các cụ như ông bà của mình vậy

Ở đầu cầu bên ấy có các cụ ông, cụ bà ở Diên Hồng đang chờ chúng mình. Là những lời chào đón niềm nở: “Các con đến rồi à!”, “Có bị mưa ướt không?” của ông bà. Là những nụ cười khi tham gia trò chơi, những cái nắm tay thật chặt, những câu chuyện về gia đình, tâm sự mà ông bà tin tưởng chia sẻ cho chúng mình. Là những lần ông bà giục “Về sớm đi không lát lại mưa to, các con về cẩn thận nhé!”.  Là lời chúc thân tình “Các cháu học tập tốt, công tác tốt nhé!”.

Cùng nhau vui chơi, cùng nhau ca hát

Ở đầu cầu bên ấy có các anh chị điều dưỡng lúc nào cũng mở cửa cho chúng mình vào, dù hôm trước có trêu anh chị đến mức bị dỗi. =)) Là sự nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn của anh chị. Nhìn các anh chị chăm sóc ông bà chu đáo như người thân, mình cũng học được nhiều điều để về chăm chính ông bà của mình. Là chị bé bé tóc ngang vai hò mấy đứa “vào trong sảnh ngồi không ướt” khi thấy chúng mình đứng lúp xúp đợi nhau trong trời mưa ngoài cửa trung tâm, tận tình chỉ bảo chúng mình những kinh nghiệm trong nghề.

Cùng với các cụ làm điều mình thích

Ở đầu cầu bên ấy còn có bác bảo vệ tốt bụng của trung tâm. Có những ngày trời đang nắng đổ mưa bất chợt, dựng xe ở ngoài trời, trong lòng chắc mẩm là mũ và áo mưa thế nào cũng ướt hết. Nhưng đến lúc về lấy xe thì hóa ra bác bảo vệ đã cất mũ áo cho từ bao giờ. Có những ngày nắng đổ mồ hôi, bác lại bảo “mấy đứa uống cốc nước vối đi.”

Cùng Ban giám đốc chụp ảnh kỷ niệm

Một tháng thực tập 13 buổi, vậy mà cũng đã xong buổi thứ 13 rồi. Vừa mới thân, vừa mới thương, mà giờ đây đã phải chuyển sang giai đoạn nhớ. Xin gửi lời cảm ơn tới Diên Hồng, tới từng con người thân thương đã cho chúng mình một quãng thời gian thực tập đáng nhớ và tràn đầy niềm hạnh phúc. Với những dòng ngắn ngủi này, mình chưa thể diễn tả hết sự đáng yêu ở nơi đây, cũng chưa thể nhắc đến tất cả những con người mến thương ở nơi này. Vì vậy nếu muốn cảm nhận được hết những điều tuyệt vời ấy, hãy đến với Diên Hồng nhé!

Tô Thùy Dương

Xem thêm

Hẹn Diên Hồng ngày trở về

Vậy là khép lại một tháng thực tập ở Viện dưỡng lão Diên Hồng. Nghĩ thì lâu mà trôi qua nhanh quá. Một tháng nhen nhóm trong tôi thật nhiều cảm xúc kỷ niệm.

Phải lòng Diên Hồng từ lần đầu đến thăm, một không gian ấm cúng, hiện đại, trang trọng mà gần gũi. Có lẽ bởi không gian ấy, khiến chúng tôi thoải mái hơn trong việc xin thực hành ở đây.

Được tham gia hoạt động cùng các cụ và mọi người

Nếu cảnh vật của Viện dưỡng lão Diên Hồng để lại cho tôi ấn tượng thì con người Diên Hồng lại cho những cảm xúc khó quên. Con người Diên Hồng dễ thương lắm, mấy đứa lần đầu đi thực hành cứ lơ, nga lơ ngơ khiến các chị phải chỉ bảo từng tý một. Ấy thế mà các anh chị nhiệt tình lắm, anh chị điều dưỡng nào cũng hỗ trợ chúng tôi tổ chức hoạt động rồi luôn nói câu “cảm ơn các em” mỗi khi chúng tôi ra về. Một câu nói đơn giản lại để lại cho chúng tôi sự biết ơn. Biết ơn vì các anh chị luôn hết lòng giúp đỡ và luôn tạo động lực cho chúng tôi cố gắng làm tốt hơn.

Được cùng các cụ vui chơi

Một tháng thực tập ở Viện dưỡng lão Diên Hồng, có những lúc áp lực vì nghĩ phải làm gì để các cụ vui, phải làm gì cho không khí sôi nổi. Với một đứa sinh viên còn thiếu kinh nghiệm thì đây quả thật là một bài toán khó. Khó nhưng không có nghĩa là từ bỏ. Mỗi người mỗi ý rồi chúng tôi đã cùng nhau tổ chức được một vài hoạt động dành cho các cụ. Có thể nó chưa thật sự tốt, có thể nó chưa thật sự vui nhưng nó là sự cố gắng. Và thứ mà chúng tôi nhận lại được những tình cảm giản dị ông bà dành cho, những nụ cười vui vẻ của ông bà khi chơi cùng chúng tôi. Chỉ thế thôi là đủ.

Được tự tay làm những món quà lưu niệm gửi Diên Hồng

Viện dưỡng lão Diên Hồng khiến tôi thay đổi hẳn suy nghĩ không nên đưa ông bà vào viện dưỡng lão. Bởi ở đây tôi thấy các anh chị tận tình chăm sóc, tôi thấy nụ cười của ông bà khi những hoạt động được diễn ra. Từ sức khỏe đến tinh thần của ông bà đều được quan tâm chu đáo.

Tạm biệt Diên Hồng rồi, sẽ nhớ lắm những khoảnh khắc cùng ông bà chơi trò chơi, nhớ nụ cười nhớ cả những giọt nước mắt mỗi khi ông bà xúc động. Nhớ những lúc dỗ dành ông bà ăn cơm, nhớ những câu chuyện mà ông bà kể. Nhớ cái bánh ông bà cố ép phải cầm, ông bà bảo quý mới cho. Nhớ các anh chị điều dưỡng dễ gần dễ mến.

Vậy đấy, một tháng trôi qua, giản dị mà ý nghĩa, mệt nhưng vui và xứng đáng. Một tháng để học thêm nhiều thứ và nhận ra nhiều điều.

Cảm ơn Diên Hồng, hẹn ngày trở lại!

Nguyễn Thị Thanh Hải

Xem thêm

Cô điều dưỡng trẻ “bén duyên” với viện dưỡng lão

Người ta nói nghề nghiệp là cái duyên, không ai có thể yêu thích công việc ngay từ buổi đầu. Đặc biệt là ngành điều dưỡng, vất vả khó nhọc, thời gian dành cho người bệnh còn nhiều hơn dành cho gia đình, nhất lại là điều dưỡng trong viện dưỡng lão, phải yêu nghề, tâm huyết lắm thì mới làm được.

Tôi ghé thăm Viện dưỡng lão Diên Hồng 2, từ xa bóng dáng của người con gái ấy đã thu vào trong tầm mắt. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn len lỏi giữa hàng xe lăn để đưa đồ ăn sáng cho các cụ. Người con gái ấy chính là chị Hồng Thơm (Điều dưỡng trưởng cơ sở 2 Viện dưỡng lão Diên Hồng). Chị đến với Viện dưỡng lão từ những ngày đầu mới thành lập, là một trong số những người vun trồng hạt giống đầu tiên lên mảnh đất Diên Hồng.

Chị Thơm đang xoa bóp cho cụ bà

Chị nghiêng nghiêng mái đầu, mắt nhìn xa xăm kể lại 5 năm trước. Khi chị vừa mới ra trường và đang ở nhà chờ đợi một suất biên chế vào nhà nước, duyên phận lại đưa chị đến với Diên Hồng. Qua một người bạn, chị biết đến trung tâm. “Hồi đó khi nghe đến viện dưỡng lão thì thấy nó xa lạ lắm, chỉ được nghe trên ti vi, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm ở đây. Người ta bảo ở đó đáng sợ và kinh khủng lắm nhưng khi đến trung tâm ấn tượng với mình là rất sạch sẽ, khang trang, trông như một khách sạn”, chị Thơm chia sẻ.

Cùng các cụ đi dạo sáng sớm

Khi làm ở đây chị phải học rất nhiều thứ, công việc không còn ngồi ôm đống bệnh án, bơm tiêm như ở Bệnh viện mà thay vào đó là tã bỉm, cho ăn, tắm rửa vệ sinh. Với một cô gái trẻ như chị thì mọi thứ trở nên thật khó khăn. Chị bật cười, giọng hóm hỉnh kể lại lần đầu tiên chị đóng bỉm cho các cụ “Lúc đó chẳng có ai dạy cho mình là phải thay bỉm như thế nào, bắt đầu từ đâu cả. Mọi thứ là do mình tự tìm tòi ra, có lần thì đóng ngược, lần thì đóng lệch, lâu dần thì thành quen. Có như thế thì mình mới học được thêm nhiều điều”.

Tổ chức những hoạt động thật vui vẻ và ý nghĩa cho các cụ

Các cụ ở trong viện dưỡng lão trẻ cũng có, già cũng có, mỗi người mang trong mình căn bệnh khác nhau nên suy nghĩ, thái độ cũng khác nhau. Nhưng có một điểm chung là sâu thẳm bên trong đều có một ngọn lửa yêu thương và hy vọng đang âm ỉ cháy. Chị lấy điện thoại đưa cho tôi xem những bức ảnh của các cụ, chị nói “Ở Diên Hồng mình cảm nhận được tình yêu thương của các cụ, rất mộc mạc và chân tình. Nó chỉ đơn giản là những lời quan tâm động viên, hỏi thăm mỗi khi mình ốm đau hay chỉ là ngồi nghe các cụ tâm sự về cuộc đời. Rồi những lúc có đồ ăn ngon các cụ lại gói ghém để dành cho các cháu”. Thứ tình cảm thật tự nhiên, trong sáng và thuần khiết.

Được tham gia những khóa đào tạo để nâng cao kiến thức và tay nghề

Chị Thơm cho biết để “trở thành một điều dưỡng viên trong viện dưỡng lão, không chỉ cần kiến thức mà nó còn đòi hỏi phải làm bằng cả trái tim, cho đi mà không cần nhận lại”. Có cụ thì khó tính, gặp ai cũng mắng chửi. Có cụ thì bị lẫn, nhớ nhớ quên quên. Có cụ thì ngồi nói chuyện một mình cả ngày mà không chán. Mỗi cụ là một câu chuyện, đừng thấy đó là phiền phức. Càng các cụ khó mình càng phải quan tâm, chăm sóc và để ý đến các cụ hơn. Khi đã làm bằng cả trái tim thì cái mình nhận lại nhiều hơn một một công việc được trả lương. Các bạn điều dưỡng của Diên Hồng vẫn luôn cố gắng để mỗi ngày trôi đi, các cụ được sống ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Mỗi ngày sẽ là một kỷ niệm khó quên với các cụ.

Chị Thơm đang ngồi bên bàn xếp thuốc, mái tóc bay bay, những vạt nắng tinh nghịch nô đùa trên vai áo. Chị lại tiếp tục với công việc thường nhật của mình. Lòng tự nhủ chị đang giúp các cụ duy trì sức khỏe để tham gia được hết các hoạt động cùng nhau trong Diên Hồng.

Xem thêm

Có một thanh xuân mang tên Diên Hồng – nơi tuổi trẻ được trở về

Thấm thoắt mới đây mà đã hơn hai năm kể từ ngày tôi bước chân vào mái nhà Diên Hồng, hai năm không phải là thời gian dài cũng không phải là ngắn. Ở đây, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ anh chị lãnh đạo, từ các bạn, cũng như trau dồi được kĩ năng và đặc biệt là tình yêu thương cho đi không cần nhận lại đúng với câu slogan của trung tâm “ SẺ CHIA TRÁCH NHIỆM  – VẸN TÌNH YÊU THƯƠNG

Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng được thành lập từ ngày 21/09/2014, dưới sự dẫn dắt của anh chị Đỗ Trần Hồ Thắng và Trần Thị Thúy Nga, đến nay trung tâm đã trải qua 05 năm  (21/09/2014 – 21/09/2019)  trưởng thành và  phát triển.  Diên Hồng, thể hiện khát vọng của người sáng lập muốn xây dựng một Viện dưỡng lão kiểu mẫu theo đuổi các giá trị: Tận tâm chăm sóc người cao tuổi, Đồng cảm với cảm xúc, hoàn cảnh của người cao tuổi, cùng gia đình mang tới môi trường sống Vui vẻ giúp người cao tuổi sống tại đây yêu đời hơn, tìm lại được những sở thích và đam mê đang dần bị lãng quên.

Người sếp mà chúng em yêu quý

Những ngày đầu khi  Trung tâm mới thành lập chỉ có vài nhân viên, cơ sở vật chất chưa đầy đủ vậy mà nay  trung tâm đã có khoảng 150 người cao tuổi, hơn 30 nhân viên điều dưỡng và 02 cơ sở hoạt động. Đây là một con số không hề nhỏ. Để có được ngày hôm nay, tất cả cán bộ nhân viên cũng như Ban lãnh đạo phải nỗ lực, phấn đấu hết mình.

Nơi bạn bè như anh em một nhà

Chúng tôi, đến từ nhiều nơi khác nhau,  dù đến từ nơi đâu nhưng dưới mái nhà Diên Hồng thì ai cũng chung một mục đích là làm việc, cống hiến, chăm lo cho sức khỏe các cụ và phấn đấu vì sự phát triển của Trung tâm. Sở dĩ nói nơi đây là mái nhà chung bởi tại đây mọi người cùng nhau làm việc, cùng nhau ăn, cùng nhau ngủ, cùng nhau sinh hoạt. Không chỉ mình tôi mà tất cả mọi người đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi sáng đi làm khoác trên mình bộ đồng phục, đeo bảng tên có dòng logo Diên Hồng  và dòng chữ nhỏ “điều dưỡng viên Trần Văn Thủy” tôi thấy hân hoan, hãnh diện khi ai đó nhìn vào mình trong bộ đồng phục này, nó minh chứng cho thấy rằng tôi là một phần nhỏ của Diên Hồng. Không phải màu trắng như những bệnh viện hay phòng khám mà nó là một màu xanh – một màu xanh của hi vọng, màu xanh của riêng Diên Hồng.

Cùng các cụ gói bánh chưng khi Tết về

Ngày nay, những người trẻ tuổi nhất là ở các thành phố lớn, thay đổi công việc không có gì là lạ, bởi vì họ không muốn gắn bó lâu dài với một công việc nào đó, vì thế họ sẽ không cảm nhận được sự gắn bó , thân thuộc và đoàn kết, cũng như chứng kiến sự phát triển từng ngày của một tập thể lớn. Còn bản thân tôi, tôi cũng có những  ấp ủ, những dự định cho tương lai nhưng cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng. Tôi đã từng đi làm nhiều nơi , từ bệnh viện, phòng khám cũng như làm trái nghề. Mãi về sau, khi tôi biết đến Viện Dưỡng lão, tháng 03/2017 tôi  bắt đầu đến với ngôi nhà Diên Hồng, mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt, tôi hoàn toàn bị sốc vì công việc nó khác xa với những gì tôi được học ở trường và những nơi tôi đã từng làm. Mọi thứ trở nên khó khăn với một đứa con trai  như tôi.
Hơn hai năm trôi qua, chẳng biết từ khi nào Diên Hồng trở thành một phần trong cuộc sống của tôi , tôi đã dần yêu công việc này  và quãng thời gian đó đủ tạo cho tôi có những tình cảm nhất định với nơi đây cũng như các cụ.

Được tham gia các hoạt động ngoại khóa

 Trong thời gian tôi làm việc tại Diên Hồng, tôi và các bạn được ban lãnh đạo tạo điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa để giao lưu, đặc biệt là để gắn chặt sự đoàn kết của nhân viên với nhau.

Bởi lẽ, đôi khi đồng cảm không được tạo bởi sự trường kì của thời gian mà chỉ là trong khoảnh khắc cũng như đôi khi chúng ta thấy được ý chí cùng nhìn về một hướng. Xung quanh tôi là những bạn nhân viên giỏi, có nhiệt huyết và nhiệt tình giúp đỡ đồng  nên tôi có được nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm cho riêng mình.

Điều dưỡng hướng dẫn các cụ tập thể dục

Cuộc sống là tình yêu và công việc. Hai thứ này luôn tồn tại song song trong cuộc sống của chúng ta. Được làm việc và sống tại mái nhà Diên Hồng tôi cảm thấy như mình đang được hưởng thụ cuộc sống vì ở đây tôi cảm nhận được sự bình yên, tình yêu thương giữa con người với nhau.

Nơi đây, chúng tôi coi như là 1 gia đình, đồng nghiệp và các cụ như người thân. Cũng như ngôi nhà thứ hai để các cụ an dưỡng tuổi già, giao lưu, sinh hoạt chung, được chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là nơi chờ các con sau khi họ trút bỏ những xô bồ của cuộc sống sau lưng.

Nơi mà các cụ như ông bà của mình

Và điều cuối cùng, tôi muốn nói đó là niềm tin, nhiệt huyết của tôi đặt tại nơi đây bởi vì: ”Có một thanh xuân mang tên Diên Hồng”. Tôi yêu Diên Hồng, yêu công việc của tôi, cũng như tình yêu thương dành cho các cụ. Với tiêu chí: CHĂM NHƯ CHĂM NGƯỜI THÂN tôi tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa, nhiệt huyết hơn nữa để Diên Hồng càng ngày càng phát triển. Tục ngữ có câu : MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON vậy nên, tôi cũng hi vọng các bạn cùng tôi nỗ lực để: BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO. Nhân đây tôi cũng cảm ơn ban lãnh đạo đã tổ chức cuộc thi này, nhờ nó mà tôi có dịp viết lên những gì tôi nghĩ về nơi tôi đang làm việc.

Chúc cho Diên Hồng ngày một lớn mạnh !!!!!!

Trần Văn Thủy – Bài dự thi của cuộc thi viết “Tuổi trẻ của Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”

Xem thêm