Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Cuộc sống tại Diên Hồng

Vừa xong chợ Tết, các cụ đã xuống “bắt đền”

Chợ Tết Diên Hồng là món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Tết năm nay, Diên Hồng có hẳn cái chợ Tết ở 5 cơ sở. Có những cụ lần đầu đi chợ Tết, có những cụ đã đi chợ Tết Diên Hồng vài lần rồi, nhưng lúc nào cũng háo hức như lần đầu. Dù chợ Tết năm nay lạnh hơn nhưng cũng không thể làm các cụ nản chí. Cụ nào cũng mong chờ được hít hà một chút không khí chợ Tết để cảm nhận sự đông vui, náo nhiệt và tưng bừng của Tết Diên Hồng. 

Từ sáng sớm ngày diễn ra chợ Tết, cụ nào cũng chuẩn bị cho mình một bộ quần áo thật đẹp để buổi chiều còn đi chợ, chụp ảnh. Ngày hôm đấy các cụ sẽ được ăn sớm hơn để vẫn có thời gian nghỉ trưa trước khi tham gia vào hoạt động buổi chiều. Thế nhưng nhiều khi các cụ hồi hộp quá, chẳng thể nào chợp mắt. Ai cũng mang trong mình một tâm thế như lần đầu tham gia, cảm giác như đang quay lại thời trẻ hay thời thơ ấu, mong ngóng đến chợ Tết để được mua quà, được chơi các trò chơi được tổ chức trong hội chợ. 

Những món quà ăn vặt được bán trong chợ Tết làm các cụ thích thú

Gian trò chơi với nhiều hoạt động khác nhau cho các cụ tha hồ trải nghiệm

Chợ Tết có văn nghệ, có các gian hàng từ hàng ăn, đồ gốm, bánh kẹo, hoa quả đến hàng hoa rồi các khu trò chơi cho người tham gia trải nghiệm. Gian hàng đồ ăn của bếp được chuẩn bị đủ các loại khác nhau như bánh gai, bánh xu xê, bánh chưng rán, hoa quả dầm,… Gian hàng xén cũng không kém cạnh về sự đa dạng mặt hàng như đồ gốm, tranh vẽ, đồ trang trí Tết, lì xì, bưởi Diễn,… Các chủ gian hàng đon đả chào đón khách tới mua.

Gian đồ ăn tấp nập nhất chợ 

Gian hàng xén với đủ thứ đồ làm ai cũng tò mò muốn vào xem thử

Gian ông đồ mang nét Tết cổ truyền

Chợ Tết cơ sở 2 là chợ Tết cuối cùng trong chuỗi 5 chợ tết ở Diên Hồng năm nay. Thế nhưng vừa hết chợ Tết, ngày hôm sau các cụ đã “bắt đền”. Ông Trường hớt hải bước ra từ thang máy, đi thẳng đến bàn lễ tân hỏi “Sao hôm nay không thấy ai bán hàng nữa, sao lại chỉ bán có một ngày thôi. Hôm qua mua được mấy cái bánh gì dẻo dẻo nhân đậu xanh ngon quá mà hôm nay xuống thì hết mấy rồi, bây giờ tôi biết mua ở đâu được”. Mặt ông nhăn lại, tỏ vẻ giận dỗi. Thì ra thứ bánh mà ông muốn mua là bánh xu xê được bán trong phiên chợ hôm qua. Ông bảo ông còn muốn mua bưởi nữa để dành cho con gái ông mấy hôm nữa vào lấy mang về ăn Tết. 

Ông cứ đi ra đi vào hỏi xem còn bưởi không rồi mua bánh kia ở đâu được. Dáng vẻ hờn dỗi của ông lại vô cùng đáng yêu. Ở trung tâm còn mấy quả bưởi của CBNV, mọi người mang xuống bán lại cho ông 3 quả. Lúc này mặt ông như tươi tỉnh hẳn. Ông vui vẻ xách túi bưởi vừa mua được về phòng vẫn không quên nói vọng lại “Năm sau nhớ phải tổ chức 2-3 ngày cho nó vui nhé”. 

Bà Sao Mai cũng bảo bà đi chợ định tiêu ít tiền thôi, mà cuối cùng lại tiêu hết hơn 1 triệu. Bà mua bình gốm, mua hoa dâng Phật, mua bánh kẹo, mua bưởi,… Dù mua được rất nhiều đồ rồi nhưng bà vẫn còn tiếc nuối lắm. Bà muốn được đi chợ Tết tiếp, muốn được hít hà cái không khí nhộn nhịp của chợ Tết Diên Hồng.

Xem thêm

Chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò đầy cảm xúc của người cao tuổi tại viện dưỡng lão Diên Hồng

Nhân ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, người cao tuổi tại viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 đã có một chuyến tham quan đầy ý nghĩa đến Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Đoàn tham quan chụp ảnh kỷ niệm tại nhà tù Hỏa Lò

Trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng tại đài tưởng niệm, các ông bà đã trầm mình dâng hương để tri ân những anh hùng, những người liệt sĩ đã hy sinh vì sự độc lập và tự do của Tổ quốc.

Dâng hương tại đài tưởng niệm

Sau khi dâng hương các ông bà tiến vào tham quan từng khu vực của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi mà thực dân Pháp từng giam giữ và tra tấn những người con yêu nước của dân tộc. Mỗi người trong đoàn đều tràn ngập nỗi xúc động và nghẹn ngào khi đối diện với những hình ảnh, vật dụng còn lại tại nhà tù. Đặc biệt, bà Biển đã nhận ra một người đồng nghiệp từng cùng chồng bà chia sẻ những ký ức đau thương trong quá khứ.

Chiến tranh có thể đã trôi qua, nhưng những dư âm, nỗi đau của nó vẫn âm ỉ trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Sự may mắn khi được sống và trưởng thành trong thời bình không thể phủ nhận. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần biết trân trọng và gìn giữ những gì mình đang có.

Chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò không chỉ giúp các ông bà hoài niệm về quá khứ chiến tranh bom đạn, mà còn là cơ hội để lớp trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử. Để nhớ về những hy sinh của những người đi trước và để giữ lửa lòng yêu nước, tôn trọng hơn những giá trị quý báu mà chúng ta đang có. Chúng ta là những người may mắn, và trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ sau.

Xem thêm

Người cao tuổi gặp khó khăn trong môi trường tập thể

Càng lớn tuổi, chúng ta càng trở nên thu mình lại, ít giao tiếp với bên ngoài hơn. Bạn bè đồng trang lứa ở tuổi này không còn nhiều, mà còn ít gặp, ít tiếp xúc. Người ta bảo tuổi già trái tính trái nết, vì về già, khi cơ thể không còn khỏe mạnh, chúng ta thường dễ cáu gắt hơn vì không còn cơ thể khỏe mạnh như trước, cũng trở nên ích kỷ hơn giống như quay lại là một đứa trẻ. Nhiều gia đình chia sẻ ba mẹ giờ già khó tính quá, ở nhà con cháu làm gì cũng không vừa ý. 

Nhu cầu gửi bố mẹ vào dưỡng lão ngày càng nhiều kéo theo sự ra đời của rất nhiều những viện dưỡng lão mới. Vào viện dưỡng lão, ba mẹ sẽ có thêm những người bạn già, sẽ được chăm sóc về cả thể chất và tinh thần, có thêm người trò chuyện, những người bạn thấu hiểu mình, các cụ có thể thấy tinh thần thoải mái hơn. Các trò chơi tại trung tâm cũng giúp các cụ gắn kết hơn, thân thiết hơn. Ở Diên Hồng, có rất nhiều những đôi bạn thân, các cụ vào đây, gặp nhau, trò chuyện, sinh hoạt cùng nhau và trở nên thân thiết. Như cặp đôi bà Thân và bà Nhật cơ sở 4, hai bà rất thân với nhau, đi đâu cũng gọi nhau đi, làm gì cũng phải có 2 người mới chịu. Nhìn 2 bà lúc nào ở gần nhau cũng cười nói vui vẻ, trông rất hạnh phúc. Hay cặp đôi ông Dũng và ông Thịnh ở cơ sở 2,  ông lúc nào ăn cơm cũng ngồi cạnh nhau, đi ra ngoài thì phải nắm tay nhau cùng đi để không bị lạc mất. Dù đi cùng cả đoàn, có sự điều phối và quan sát của các bạn điều dưỡng viên, nhưng trong chuyến tham quan Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam, 2 ông vẫn luôn nắm tay nhau từ lúc đi đến lúc về.

Đôi bạn thân ông Dũng và ông Thịnh (cơ sở 2) lúc nào cũng nắm tay nhau đi

Nếu người cao tuổi vào dưỡng lão ai cũng được như vậy thì tốt quá. Các cụ ở trong này cứ hòa thuận với nhau thì lúc nào cũng vui vẻ. Thế nhưng, không phải người cao tuổi nào cũng dễ tính và dễ hòa đồng. Ở dưỡng lão không chỉ có các cụ khỏe mạnh, minh mẫn. Có rất nhiều người cao tuổi bị lú lẫn, từ nhẹ đến nặng. Nhiều người cao tuổi bị lẫn nhưng ở mức độ nhẹ, gia đình đôi khi không thể nhận ra và không tin rằng ba mẹ mình bị như thế. Có cụ thì luôn kể về một chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi, có cụ thì luôn nghĩ rằng có người ăn trộm đồ của mình,… Khi các cụ ở trong môi trường tập thể, những nghi ngờ, những suy nghĩ của bản thân các cụ đôi khi sẽ gây ra những mâu thuẫn với các bạn cùng phòng, rộng hơn là các bạn cùng tầng.

Buổi chia sẻ về văn hóa ứng xử dành cho các cụ

Để giúp các cụ đưa ra cách giải quyết khi bị vướng và một cuộc tranh luận, cũng như để hiểu hơn về các giải quyết của các cụ, Diên Hồng đã tổ chức buổi thảo luận về Văn hóa ứng xử tại Viện dưỡng lão dành cho các cụ. Buổi chia sẻ được bạn Thanh Hải thuộc bộ phận Tham vấn tâm lý chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ các tình huống có thật tại Diên Hồng, các bạn đã làm thành một tiểu phẩm ngắn để minh họa lại cho các cụ dễ hiểu hơn. Buổi chia sẻ được các cụ rất thích, rất ủng hộ. Các cụ không ngại nói lên ý kiến cá nhân về tình huống này nên xử lý thế nào, tình huống kia thì phải làm thế nào mới đúng. Các buổi chia sẻ đều được các cụ thảo luận rất sôi nổi. Khi sống tại môi trường tập thể, đôi khi các cụ cũng sẽ không tránh khỏi những bất đồng, những lần cáu gắt với mọi người và những lần có thể bị kéo vào một sự việc nào đấy mà mình không mong muốn. 

Tình huống dễ hiểu, gần gũi cho buổi chia sẻ thêm phần vui vẻ

Các cụ rất hào hứng với chủ đề này

Ai cũng muốn chia sẻ quan điểm cá nhân của mình để tìm ta cách giải quyết cho tình huống được đưa ra

Buổi chia sẻ tuy không quá dài, nhưng cũng giúp các cụ nhận ra rằng phải bình tĩnh trước mọi chuyện và phải thông cảm cho những cụ khác vì không phải ai cũng còn khỏe mạnh, minh mẫn. Cùng nhau chung sống hòa thuận là điều không dễ dàng, thế nhưng nếu mỗi người chịu nhường một tí thì cuộc sống của các cụ sẽ thoải mái hơn, cũng sẽ trở nên vui vẻ hơn rất nhiều.

Xem thêm

Cụ bà 80 tuổi vẫn phải cho tiền con, đành bán nhà tìm bình yên trong viện dưỡng lão

Bà Nguyễn Lệ Hà là một người cao tuổi đang an dưỡng tại Diên Hồng. Trước đây bà là Kỹ sư ô tô ở bộ Ngoại Giao. Bà có một tuổi trẻ đáng tự hào, một gia đình nhỏ ấm cúng cùng người chồng yêu chiều bà hết mực. Mỗi khi kể về tuổi trẻ của bà hay về chồng, bà đều tự hào lắm. Thế nhưng trải qua thời kỳ dịch bệnh Covid – 19 đầy khó khăn, bà đã mất đi người chồng thân yêu của mình. Bà chỉ có một người con trai và anh đi làm xa, ở nhà chỉ quanh quẩn mình bà. Suy đi tính lại, bà vẫn quyết định bán nhà để vào Viện dưỡng lão.

Bà lựa chọn Diên Hồng là chốn dừng chân, nơi bà có thể an hưởng tuổi già. Tiền bán nhà, bà đóng tiền 1 năm ở Diên Hồng. Bà còn khỏe mạnh, mọi sinh hoạt đều tự làm được nên chỉ cần đóng mức phí cơ bản. Ở độ tuổi 80, bà lúc nào cũng vui vẻ, tươi vui. Bà thích hát, thích nhảy múa vì Khi còn trẻ, bà ở trong câu lạc bộ khiêu vũ. Ai cũng cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà bà đem lại cho những người xung quanh. Nhưng mấy ai biết, dù đã 80 tuổi, bà vẫn đang ngày đêm lo lắng cho người con trai duy nhất của bà, giờ vẫn còn chưa ổn định. 

Những ngày cuối của bà Hà tại cơ sở 2 trước khi bà chuyển lên cơ sở 5

Bà bán nhà được hơn 1 tỷ, tính là sẽ chia đôi cùng con để con có vốn làm ăn, nhưng anh lấy nhiều, phần của bà chỉ còn mỗi 230 triệu. Với số tiền ấy, mỗi lần con trai xin tiền, bà đều cho, dù năm nay anh đã gần 50 tuổi.  Bà bảo con cái bỏ cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ bỏ con cái cả, nên dù biết anh nói dối để xin tiền, bà vẫn nhắm mắt cho qua. Số tiền tiết kiệm cứ thế vơi dần, cho đến khi quyết định vào dưỡng lão vì tuổi bà đã cao, cũng không có ai bên cạnh chăm sóc, bà chỉ còn lại 80 triệu cùng sổ tiết kiệm 50 triệu.  Đến tháng 4 năm 2023, bà xuống tâm sự với chị Trần Thị Thúy Nga – Phó tổng Giám đốc Diên Hồng là “Bây giờ bà còn mỗi 50 triệu trong sổ tiết kiệm, lương tháng của bà cũng chỉ hơn 5 triệu, chắc bà không ở đây với con được nữa rồi”. Bà kể với chị Nga ý định của bà sẽ là sang khu Cầu Giấy, thuê 1 căn phòng nhỏ rồi tìm 1 bạn sinh viên nào đấy ở với bà, hai bà cháu chia tiền phòng thì mỗi tháng bà chỉ mất 7 – 8 trăm nghìn. Như vậy, bà vẫn sẽ duy trì được lâu, lại còn có dư tiền để ra nữa. Những suy nghĩ ấy của bà khiến chị Nga sững lại, như có cái gì đang nghẹn cứng trong cổ họng.

Vẻ bề ngoài vui vẻ, năng động của bà ẩn dấu nhiều nỗi niềm khó nói

Từ khi thành lập, cũng đã có rất nhiều người tỏ ý muốn được ở Diên Hồng nhưng không đủ điều kiện kinh tế để vào. Rồi những câu hỏi “Khi nào Diên Hồng có viện dưỡng lão giá rẻ” nhiều vô kể. Là những người lãnh đạo, anh Thắng – Tổng Giám đốc hay chị Nga – Phó tổng giám đốc luôn trăn trở không biết phải làm cách nào để có một viện dưỡng lão giá bình dân giúp cho những người cao tuổi có thu nhập thấp cũng có thể được chăm sóc với dịch vụ tốt nhất. Rất may là trong thời điểm chị Nga cũng đang loay hoay tìm cách giúp bà Hà thì rất may mắn đã gặp được anh Kính và gặp được nhà đầu tư là phía tập đoàn EK cũng cùng chí hướng muốn phụng sự xã hội, dành nhiều sự quan tâm hơn đối với người cao tuổi. 

Anh có một sự quan tâm đặc biệt đối viện dưỡng lão, nơi chăm sóc các cụ khi tuổi già sức yếu. Với mong muốn được phụng sự xã hội và ở mỗi tỉnh sẽ có 1 viện dưỡng lão, Chủ tịch HĐQT EK đã dùng quỹ đất hiện có, kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài và sự hợp tác của đối tác Việt Nam để cùng nhau làm những điều ý nghĩa – xây dựng nhiều mô hình chăm sóc cho Người cao tuổi nước nhà. Vậy nên Diên Hồng cơ sở 5 có tên gọi đầy đủ là Trung tâm dưỡng lão EK Diên Hồng cơ sở 5.

Nghi thức cắt băng khánh thành trong buổi lễ khai trương cớ ở 5

Khi nghe được tin Diên Hồng sẽ có một viện dưỡng lão như thế, bà Hà mừng rỡ nhắn cho chị Nga “Thế là bà lại được ở Diên Hồng rồi, bà cứ ngỡ như mơ vậy con ạ”. Với bà, EK Diên Hồng cơ sở 5 mở ra như một giấc mơ giữa đời thực. Bà đã từng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để tạm biệt Diên Hồng, tạm biệt những người bạn tại Diên Hồng và không nghĩ sẽ có cơ hội nào cho bà để tiếp tục ở lại Diên Hồng.

Từ đầu tháng 6, bà đã sốt sắng chờ đến ngày được lên cơ sở 5. Cơ sở 5 hiện tại đang là cơ sở có chi phí rẻ nhất tại Diên Hồng nhưng vẫn rất khang trang, sạch đẹp, như một khu để các cụ nghỉ dưỡng vậy. Lên cơ sở 5 bà Hà thích lắm, vì bà vừa có thể ở lại trong Viện dưỡng lão, vừa phải trả chi phí thấp hơn mà trên đấy còn sạch đẹp, rộng rãi với nhiều cây ăn quả. 

Cơ sở 5 có phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát

Bà Hà rất thích cuộc sống yên bình tại cơ sở 5

Ngày khai trương EK Diên Hồng cơ sở 5, bà được mời lên để chia sẻ về cảm nhận của bà tại đây. Bà đã cẩn thận viết ra giấy nhưng có lẽ trong lúc lên sân khấu, bà có đôi chút xúc động nên phần chia sẻ chưa trọn vẹn lắm. Phía sau sân khấu, bà nói nhỏ “Bà muốn nói nhiều hơn, mà lên đấy bà lại chả nói được gì”. Bà biết ơn EK, biết ơn Diên Hồng vì đã có một cơ sở dưỡng lão thật tốt, thật phù hợp với tình hình kinh tế của bà. Trước khi lên cơ sở 5, bà bảo với chị Nga là “U lên đấy ở rồi sau u từ đấy đi luôn nhé.” Bà nói với giọng điệu vui vẻ, chẳng có đôi chút suy tư. Sau những chia sẻ, mọi người mới hiểu rõ hơn về bà, phía sau những nụ cười, sự tươi vui, lạc quan của bà là bao suy tư, bao sự lo lắng cho người con còn chưa ổn định, lo lắng cho tuổi già của bà đã từng chưa biết phải đi về đâu.

Bà Hà luôn tự tin, vui vẻ và làm những gì bà muốn tại EK Diên Hồng cơ sở 5

Vậy là giấc mơ đã hóa hiện thực. Giờ đây, không chỉ bà Hà mà những người cao tuổi có điều kiện kinh tế hạn hẹp hơn cũng có thể vào dưỡng lão, được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt với gia bình dân. Diên Hồng sẽ luôn là mái ấm, là ngôi nhà chung cho những người cao tuổi đang tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm một nơi để nghỉ ngơi, an dưỡng sau cả cuộc đời dài đằng đẵng vất vả, lam lũ. 

Xem thêm

“Nếm” hương vị gia đình tại Viện dưỡng lão

Mọi người thường bảo cao lương mỹ vị không bằng món ăn mẹ nấu. Hương vị mẹ nấu hay hương vị món ăn gia đình mình có gì đặc biệt mà ai cũng cảm thấy nhung nhớ mỗi khi xa nhà, cảm thấy mê đắm hơn bất kỳ món ăn nào khác. Mỗi gia đình lại có những cách chế biến, cách nêm nếm khác nhau nhưng chung quy lại đều mang sự ấm áp, quen thuộc của gia đình. Gia đình là thứ tồn tại quan trọng nhất, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người. Vậy nên những giá trị về gia đình luôn là thứ được mọi người tôn trọng và bảo vệ.

Để mang những nét đặc trưng của gia đình qua những món ăn đến gần hơn với người cao tuổi, lần đầu tiên sau gần 9 năm hoạt động, trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tổ chức cuộc thi nấu ăn mang tên “Món ngon nhà mình”. Người cao tuổi an dưỡng tại Diên Hồng, được thưởng thức không ít những món ăn khác nhau, có những cụ vào đây tăng cả chục cân vì hợp với đồ ăn tại Diên Hồng. Thế nhưng, trong sâu thẳm, các cụ vẫn luôn có những món ăn mà mình yêu thích nhất, những món ăn mà chỉ cần nhắc đến là các cụ lại nhớ nhà, nhớ lại những kỷ niệm xưa. 

Mâm cơm gia đình do bà Dành (cơ sở 2) cùng con gái bà chuẩn bị

Để thuận tiện cho việc di chuyển, các đội thi ở cơ sở 1 và 2 sẽ thi cùng nhau, cơ sở 3 và 4 sẽ thi cùng nhau. Có lẽ vì lần đầu thi nấu ăn, các đội thi đều lo lắng, hồi hộp. Có người còn mất ngủ cả đêm để chờ đến thời khắc thi đấu. Các gia đình đều chuẩn bị những món ăn mà ông bà, bố mẹ mình thích nhất để mang đến hội thi. Mỗi người một sở thích nên những món ăn được các gia đình mang đến cũng đa dạng, phong phú. Ở ngày thi đầu tiên của các đội thi cơ sở 1 2, bà Diệp cùng con gái đã mang đến món Salad Nga với sự kết hợp của nhiều loại rau củ quả được kết hợp cùng nhau. Món ăn tuy không cầu kỳ, phức tạp nhưng đối với bà Diệp, món ăn này rất ngon, rất bổ dưỡng và là món ăn mà bà cực kỳ yêu thích.

Bà Diệp (cơ sở 1) cùng con gái đang chuẩn bị món Salad Nga yêu thích của bà

Món ăn là sự kết hợp của rất nhiều loại rau củ quả

Món bún hải sản của đội bà Hà cũng là món ăn mang đậm hương vị quê nhà của bà. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Nam Định, bà Hà mê đắm những món ăn mang hương vị biển cả. Bún hải sản là sự kết hợp của rất nhiều các loại hải sản khác nhau như bề bề, tôm nõn, thịt cua,… Bà tự hào khi nhìn vào bát bún được con gái nấu, tự tin nói với ban giám khảo “Ăn thử đi, ngon lắm” với nụ cười thật tươi, thật hạnh phúc.

Món bún hải sản đặc trưng cho vùng biển Nam Định của bà Hà (cơ sở 1)

Đội thi của bà Dành lại mang hẳn 1 mâm cơm gia đình đến cuộc thi, có món canh cua, thịt luộc, dưa muối,… Những món ăn dường như đã quá quen thuộc với mâm cơm của mỗi gia đình, thế nhưng lại luôn là những món ăn làm bà cảm thấy ngon miệng nhất, tuyệt vời nhất.

Bà Dành đứng bếp chẩn bị món ăn

Bà Sao Mai chọn làm món ngọt thay vì các món mặn như bao đội thi khác. Bà cùng con gái chuẩn bị súp bí đỏ kem tươi như một món khai vị và chè hạt sen long nhãn để tráng miệng. Món ăn đều là những nguyên liệu tốt với sức khỏe như bí đỏ tốt cho não, hạt sen thì an thần. Món nào cũng ngon, mà còn trang trí đẹp mắt. Bà còn được cả đại gia đình đến ủng hộ, cổ vũ. Ngày hôm đấy, bà đã cười rất nhiều, bà rất hạnh phúc, rất vui vẻ.

Món ăn mà bà Mai mang đến cuộc thi vô cùng ngon và đẹp mắt

Cả đại gia đình đến cổ vũ cho bà 

Ngày thi của cơ sở 3 4 cũng mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Các đội thi cũng chuẩn bị tươm tất những món ăn mà mình sẽ mang đến cuộc thi. Nào là món canh khoai sọ yêu thích của bà Mai Phương, món thịt kho tàu mềm rục, thấm đẫm hương vị quê nhà của bà Xuyến. Bà Dung thì chuẩn bị một mâm cơm 3 món quen thuộc với canh cua đặc trưng cho mảnh đất Hà Nam của bà vì nơi ấy có rất nhiều cua. bát cà muối ăn cùng và một đĩa sườn xào chua ngọt được biến tấu theo khẩu vị của bà. Một mâm cơm đúng nghĩa có thịt, có canh rau mà ai nhìn vào cũng thèm thuồng cái không khí gia đình đầm ấm. 

Bà Mai Phương (cơ sở 3) tỉ mỉ trang trí món canh khoai sọ

Món thịt kho tàu quen thuộc trên mâm cơm nhà bà Xuyến (cơ sở 3)

Mâm cơm đơn giản với canh cua cà muối và sườn chua ngọt của bà Dung (cơ sở 4)

Bà Thịnh cùng cháu gái đã mang đến món bún nem đầy kỷ niệm của 2 bà cháu. Khi thuyết trình về món ăn, chị đã không giấu được những giọt nước mắt vì xúc động. Những kỷ niệm về ngày xưa ở cùng bà, được bà dạy nấu ăn bỗng chốc ùa về. Bà dạy chị cách chuẩn bị nguyên liệu như thế nào, cuốn nem, rán nem sao cho tròn đẹp. Tất cả những ký ức ấy chị vẫn mãi không quên, là hành trang để chị vào bếp nhiều hơn, học và làm theo những món ăn bà nấu. Bây giờ khi không ở bên bà nhưng chị vẫn luôn cố gắng vào thăm bà thường xuyên. Trong bài thuyết trình của mình, chị có nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng “Hãy yêu thương và dành thời gian ở bên ông bà khi ông bà còn hiện hữu. Đừng để đến khi ông bà không còn trên đời mới thấy hối hận, lúc đấy cũng đã quá muộn rồi”.

Bà Thịnh cùng cháu gái chuẩn bị cuốn nem

Những chiếc nem nóng hổi được dọn ra ăn cùng bún và dưa góp

Những rót nước mắt đã rơi khi chị nhắc về những ngày thơ ấu được bà dạy nấu ăn

Người chơi không đến cuộc thi vì giải thưởng mà là vì muốn trở lại những ngày tháng xưa cũ. Quay lại những ngày được cùng con vào bếp, mẹ là người dạy còn cách nấu món ăn này, nêm nếm ra sao để mang hương vị thân quen của gia đình. Những giọt nước mắt, những tiếng cười và những nụ cười hạnh phúc đã phần nào khẳng định những giá trị tinh thần mà cuộc thi mang lại đối với mỗi người tham gia. Đúng là dù có ở nơi đâu, dù làm gì thì gia đình vẫn luôn là thứ quý giá nhất trong cuộc đời mỗi người.

Xem thêm

Tết Đoan Ngọ đủ đầy của các cụ tại Viện dưỡng lão

Cứ vào Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 hàng năm, các gia đình lại quây quần bên nhau để làm lễ và phá cỗ giết sâu bọ. Người ta còn ví, ngày Tết Đoan Ngọ giống như Tết Nguyên Đán thứ 2 trong năm, cũng là dịp để các gia đình sum vầy, cùng nhau phá cỗ. Những thứ quả thường thấy trên mâm cỗ là những thứ quả tươi ngon đúng mùa như là mận, vải rồi có cả lạc luộc, rượu nếp, nếp cẩm,… Người xưa quan niệm rằng phải có các loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng trên mâm cỗ để “giết sâu bọ”.

Từ sáng sớm, các cơ sở đã hối hả chuẩn bị những mâm quả thật đẹp để dâng lên bàn thờ Phật thắp hương. Những mâm quả được trang trí đẹp mắt, nhiều màu sắc với hoa quả theo mùa như mận, vải và không thể thiếu là một chút cơm rượu nếp. Các bạn nhân viên còn trang trí cả hoa lá cho mâm quả thêm phần đẹp mắt.

Mâm quả của cơ sở 3

Dù xa cách gia đình, các cụ đang an dưỡng tại Diên Hồng sẽ không cảm thấy cô đơn trong ngày Tết Đoan Ngọ. Các bạn nhân viên và các bạn thực tập sinh đã tạo ra một không gian đầm ấm như gia đình, nơi các cụ được cùng nhau chia sẻ niềm vui và sự ấm áp. Mâm cỗ đủ đầy được sắp xếp với những món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan ngọ, hoa quả tươi ngon. Tất cả đều làm cho các cụ cảm thật thấy quen thuộc, thân thương.

Các cụ cơ sở 2 cùng nhau phá cỗ

Không khí ngãy lễ ở cơ sở 3 luôn tươi vui, nhộn nhịp

Bà Dành còn chia sẻ câu chuyện về tục lệ ngày xưa chỗ bà. Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người ta sẽ dùng lá móng để nhuộm móng tay cho trẻ em. Theo tục lệ xưa, nhuộm móng cho trẻ em không chỉ về vấn đề thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, tránh xa trẻ em.

Viện dưỡng lão không chỉ đáp ứng nhu cầu về chăm sóc và sức khỏe của người cao tuổi, mà còn là ngôi nhà thứ hai của các cụ. Vậy nên, Diên Hồng luôn cố gắng để trở thành một ngôi nhà thực sự của các cụ, nơi có tình yêu thương gia đình, có những phút giây sum họp, đầm ấm, là nơi mà các cụ đi xa lại muốn trở về.

Xem thêm

Những ông bà độc thân tìm được hạnh phúc trong viện dưỡng lão

Sau bao nhiêu năm sống một mình, nhiều ông bà không vợ/chồng, không con cái đã lựa chọn viện dưỡng lão Diên Hồng làm nơi an hưởng tuổi già và đối với bà, đây là lựa chọn đúng đắn cho chương cuối cuộc đời.

Bà Quý không kết hôn để được chăm sóc mẹ cả đời

Đang ngồi trên giường, bà Quý vừa tỉ mẩn cắt từng miếng quả bơ mà người em trai gửi vào vừa buôn chuyện với các bà bạn trong phòng. Thi thoảng các bà lại cười phá lên vì những phát biểu thật thà của bà Quý. Bà Quý sinh ra trong gia đình có hai người em trai và một người em gái. Lúc còn trẻ bà đi lên Lục Ngạn, Hà Bắc (hiện là tỉnh Bắc Giang) để trồng mía, xây dựng kinh tế mới. Bố của bà lên thăm con thấy vất vả quá nên xin cho bà vừa học vừa làm ở một thư viện. Sau đó, bà thấy tình yêu với các em bé nên lại chuyển sang làm ở trường mầm non. Sau khi các anh em trong nhà kết hôn và ra ở riêng, bà sống cùng với bố mẹ. Vì yêu mẹ già, thương mẹ, muốn được chăm sóc mẹ cho trọn nghĩa trọn tình nên bà Quý từ chối kết hôn để ở nhà với mẹ. Sau này khi cả bố và mẹ ra đi, bà mới bị hụt hẫng, buồn tủi. Bà Quý tâm sự: “Các anh em trong nhà đã có gia đình riêng lại không ở gần nên tôi luôn sống một mình. Khu tôi sống lại ít người già nên bản thân mình luôn cảm thấy cô đơn. Những lúc mưa gió bão bùng ngập nước tôi cảm thấy lo lắng vô cùng. Trộm nghĩ nếu lỡ có vấn đề gì thì cũng không biết gọi ai.”

Những cô đơn, buồn tủi của bà Quý đã dừng lại sau cánh cửa viện dưỡng lão. Cho đến bây giờ bà Quý vẫn luôn cảm thấy may mắn và thầm cảm ơn người em trai tìm được và đưa bà đến Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Bao khó nhọc đã qua đi, giờ đây bà tìm được niềm vui bên những người bạn già cùng phòng. Nhiều khi chẳng cần phải ra khỏi chỗ, cứ mỗi người 1 giường nói chuyện với nhau cũng đủ thấy vui rồi.

Ông Bách mải công việc quên lấy vợ

Khi gặp ông Bách, tôi bị ấn tượng bởi vẻ ngoài ngầu, mái tóc ngố và cặp kính thời trang chống bụi. Ông có vẻ như một nhà khoa học với ánh mắt sáng, lương thiện và luôn sẵn sàng cười. Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh và trải qua những khó khăn trong nạn đói lịch sử năm 1945. Sau đó, ông đến Hà Nội để học tập và di cư vào Nam để theo học tại Đại học Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về dạy toán tại một trường trung học phổ thông tại Bến Tre. Ông chia sẻ rằng dạy học ở miền Nam không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông đã mải mê học tập và quên mất chuyện tìm vợ.

Sau khi về hưu sớm, ông chuyển vào chùa Phật Tích ở Bắc Ninh. Đến khi sức khỏe trở nên yếu hơn, ông được người thân gửi vào Diên Hồng. Cuộc sống được chăm lo đủ đầy giúp ông vơi bớt những lo lắng thường nhật về sức khỏe, ăn uống. “Thoải mái, khoan khoái, không có kẻ thù”, ông nhấn mạnh. Không tích cóp được nhiều tiền dưỡng già nhưng may mắn là các cháu lo lắng và hỗ trợ. Không biết ngày mai như thế nào, ông tâm niệm cứ sống hết mình trong hiện tại là đủ rồi.

Tôi nhận ra rằng ông là một kho tri thức về lịch sử, triết học, khoa học và dược học thông qua cuộc trò chuyện với ông. Ông có thể kể chuyện về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thế kỷ 20, một cách say mê và sinh động. Những câu chuyện về vua Bảo Đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ông Trần Văn Giàu được ông kể bằng cách thức sống động khiến những người trẻ như chúng tôi bị cuốn hút. Ông cũng nói tiếng Pháp thành thạo và hàng ngày ông cùng hai người bạn là ông Cảnh và ông Toàn “buôn chuyện” bằng tiếng Pháp, khiến chúng tôi chỉ biết cười nhìn nhau. Có lúc ông nói về chúng tôi mà chúng tôi không biết được. Cách ông nhìn nhận cuộc sống và con người cũng đáng để học hỏi. Ông dạy chúng tôi rằng “Chúng ta phải sống hòa hợp với mọi người xung quanh, không tỏ ra kiêu căng, không khinh thường người khác và nếu có thể, hãy giúp đỡ người khác.”

Không phải ai cũng có được một cuộc đời suôn sẻ nhưng sự sống vốn dĩ đã là một món quà tuyệt đẹp và vô giá mà Đấng tạo hóa dành cho mỗi người. Vậy nên chúng ta cứ tận hưởng giây hiện tại nhất là đối với những người cao tuổi còn không hiểu thời gian để sống để có được an yên và hạnh phúc.

Xem thêm

Chia sẻ về cách nhận biết và phòng chống bệnh đột quỵ của Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thảo

Trong chuỗi Seris Chuyện NCT Diên Hồng có rất nhiều các chủ đề phù hợp dành riêng cho các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng. Các cụ khi về già tâm lý nhạy cảm hơn, cũng như hay nhớ về những ngày còn trẻ. Mục đích ban đầu của seris là để cùng các cụ trò chuyện, gợi nhớ lại những câu chuyện cũ. Vừa là để các cụ có cơ hội trò chuyện, chia sẻ, vừa là để các cụ trong trung tâm hiểu nhau hơn, gắn kết hơn.

Việc thành lập Seris Chuyện NCT Diên Hồng quả là một điều đúng đắn khi các cụ đều hứng thú tham gia. Bắt đầu từ những buổi chia sẻ về câu chuyện của nhau, Seris Chuyện NCT Diên Hồng được mở rộng bằng cách tổ chức các buổi chia sẻ theo yêu cầu của các cụ. Các cụ mang trong mình nhiều loại bệnh nên hầu như cụ nào cũng mong muốn được chia sẻ về những nội dung liên quan đến các căn bệnh tuổi già để làm sao có thể sống khỏe mạnh hơn.

Diên Hồng may mắn khi gặp được Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi bác sĩ Thảo đang nghiên cứu về bệnh đột quỵ trong khóa luận Tiến sĩ của mình. Biết được những mong muốn của các cụ về một buổi chia sẻ liên quan đến bệnh đột quỵ, bác sĩ Thảo ngay lập tức nhận lời đến Diên Hồng. Đột quỵ ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Vì vậy việc nhận biết nhanh những dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ sẽ giúp người bệnh hạn chế được những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.

Bác sĩ Thảo ở buổi chia sẻ cùng các cụ cơ sở 4

Nội dung buổi chia sẻ là những kiến thức dễ hiểu nhất để các cụ đều hiểu được

Là người đã đọc rất nhiều tài liệu từ trong đến ngoài nước, bác sĩ Thảo đã cố gắng chắt lọc những thông tin hữu ích cũng như dễ hiểu nhất để truyền tải đến các cụ. Có bác sĩ đến nên các cụ đều rất tập trung, chăm chú lắng nghe. Hơn ai hết, các cụ hiểu rằng căn bệnh tuổi già có thể khiến các cụ rơi vào đột quỵ bất cứ lúc nào. Các cụ tham gia buổi chia sẻ có những cụ chưa bị đột quỵ bao giờ, cũng có những người như chú Thúy (cơ sở 3) đã bị 2 lần rồi và đang trong quá trình phục hồi chức năng. Chú chia sẻ về những khoảnh khắc chú đã gặp phải khi chú bị đột quỵ để các cụ khác có thể nhận biết khi mình có dấu hiệu của bệnh.

Chú Thúy (cơ sở 3) chia sẻ về những gì chú trải qua sau 2 lần đột quỵ

Bác sĩ Thảo giải thích rất cặn kẽ và cụ thể về lý do hình thành bệnh, triệu chứng cũng như những cách có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ. Các cụ cũng rất chăm chỉ tương tác cùng bác sĩ. Bà Thịnh và bà Tuyết ở cơ sở 4 rất tập trung vào bài giảng của bác sĩ. Chẳng thế mà đến cuối giờ, bác sĩ hỏi lại những thông tin liên quan đến bệnh cả hai bà đều trả lời được hết, khiến bác sĩ Thảo cũng phải ngạc nhiên.

Bà Thịnh hăng hái trả lời những câu hỏi của bác sĩ

Các cụ đều rất thích buổi chia sẻ này

Chú Thúy rất tâm đắc với buổi chia sẻ của bác sĩ Thảo 

Kết thúc buổi chia sẻ, các cụ tấm tắc khen bác sĩ, khen buổi trải nghiệm ý nghĩa quá, hay quá. Có cụ còn nán lại để hỏi bác sĩ về bệnh tình của mình. Mong rằng ở những buổi chia sẻ tiếp theo, các cụ cũng sẽ luôn hăng hái tham gia như thế này thì những người tổ chức chương trình cũng sẽ vui lắm đấy ạ.
Xem thêm

Buổi giao lưu đầy tiếng cười của các bạn học sinh đến từ trung tâm Totochan và các cụ cơ sở 4

Từ ngày vào Diên Hồng, các cụ bảo thấy vui hẳn ra. Ngày trước ở quê thì chẳng nói, còn các cụ trên thành phố ở với con thì cứ quanh quẩn trong nhà, chẳng biết làm gì cho hết ngày. Thế mà vào đây cứ thỉnh thoảng lại đi chơi, rồi tham gia các hoạt động do trung tâm tổ chức, thấy cuộc sống nhộn nhịp hẳn ra. Từ các bạn nhỏ mầm non đến các đoàn có các cô, các bác lớn tuổi vào chơi, ai cũng cụ cũng quý, cũng thấy vui.

Buổi giao lưu lần này có đặc biệt hơn một chút vì Diên Hồng được đón các bạn học sinh đến từ Trung tâm dành cho trẻ tự kỷ Totochan. Các bạn ngoan ngoãn và lễ phép lắm. Trời nắng nóng, quãng đường đi đến Diên Hồng cũng khá xa, bạn nào mặt cũng ửng hồng vì nóng. Gặp các cụ các bạn nhanh miệng chào các cụ, làm các cụ ai cũng cười vui vẻ. Bà Lợi bảo “Cái đứa này nó ngoan với lễ phép quá. Không biết mình là ai nó cũng chào”.

Các bạn của trung tâm Totochan nhiều tài năng lắm. Từ hát múa đến đọc thơ rồi khiêu vũ, các bạn đều làm được hết. Bài nào cũng dài, cũng nhiều động tác nhưng các bạn vẫn rất thuộc bài và diễn hết mình.

Lúc đầu chưa quen, các cụ còn ngại ngùng. Bà Phi còn dỗi vì các bạn khiêu vũ mà quay lưng xuống khán giả. Thế mà lúc sau bà là người đầu tiên lên hát, rồi bài nào của các bạn cũng có mặt bà phụ họa nhún nhảy cùng.

 

không chỉ bà Phi, các cụ khác cũng không ngại lên sân khấu để đến gần hơn với các bạn đến từ Totochan. Bà Thân, bà Thịnh, bà Thi,… rồi cả các ông cũng lên sân khấu nhún nhảy theo điệu nhạc. Bà Thịnh vui lắm, vì vừa có các cháu đến giao lưu, lại đúng trước ngày sinh nhật Bác, bà cứ vừa đi vừa hát “Việt Nam. Hồ Chí Minh. Việt Nam. Hồ Chí Minh…”. Các ông cũng không chịu được nhiệt mà lên sân khấu lắc lư.

Cái già hòa cùng cái trẻ đã làm nên một buổi giao lưu đầy niềm vui và hạnh phúc. Các bạn Totochan dùng hết nhiệt huyết, đam mê để biểu diễn cho ông bà xem, ông bà cũng không ngần ngại đáp sự nhiệt huyết của các bạn mà lên sân khấu giao lưu cùng. Hẹn gặp lại các bạn trẻ của trung tâm Totochan tại các cơ sở khác của Diên Hồng để mang đến cho ông bà những giây phút thật vui vẻ, thoải mái.

Xem thêm

Tết hàn thực tại viện dưỡng lão

Tết hàn thực là ngày Tết diễn ra vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm. Theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Tại Việt Nam, Tết hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay. Và mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Vì vậy vào dịp này, các gia đình đều chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, thắp hương dâng lên ông bà, tổ tiên.

Hoà chung với ngày tết hàn thực, các ông bà tại Diên Hồng cũng đã cùng nhau làm bánh trôi, bánh chay. Bột nếp ngũ sắc thơm mát, viên đường ngọt lịm, vừng, dừa,… được các bạn nhân viên chuẩn bị từ sáng sớm. Các ông bà rửa tay thật sạch rồi bắt đầu nặn những viên bánh đầu tiên.

Nhiều cụ chia sẻ đây là lần đầu tiên được tự tay làm bánh nên còn vụng về, lúng túng. Viên bánh còn viên to, viên nhỏ, hình dáng cũng chưa được tròn trịa. Nhưng với sự hướng dẫn của các bạn nhân viên, cuối cùng các cụ cũng có thành quả ưng ý. Một số cụ khác có kinh nghiệm rồi nên tay làm nhanh thoăn thoắt.

Bà Thanh vừa làm bánh vừa suýt xoa: “Bây giờ hiện đại cái gì cũng cải tiến, đến bột bánh cũng nhiều màu sắc bắt mắt. Chứ ngày xưa bà làm bánh có mỗi bột gạo trắng tinh”. Nhìn đĩa bánh nhiều màu sắc mà các cụ ai cũng mê mẩn.

Vừa làm bánh các cụ vừa trò chuyện rôm rả. Từ đó mà mọi người cũng biết nhiều hơn về truyền thống của các ngày lễ tết cổ truyền.

Tương tự như bánh chưng, bánh giầy, thì bánh trôi, bánh chay được nặn hình tròn để thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 người con theo Âu Cơ đi xuống biển. Còn bánh chay tượng trưng cho 50 người con theo Lạc Long Quân lên rừng. Nhưng cũng có cụ kể lại rằng bánh trôi bánh chay để tưởng nhớ đến các Vua Hùng. Nhưng dù câu chuyện là thế nào thì ngày tết hàn thực cũng hướng chúng ta nhớ về nguồn cội của mình.

”Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non”.

Vừa luộc bánh bà Phương vừa ngâm nga mấy câu thơ trong bài “Bánh trôi nước”. Bà bảo thả bánh vào chờ đến khi bánh nổi hết lên là chín. Sau đó vớt ra cho vào bát nước lạnh, rồi vớt ra bày trên đĩa là xong.

Sau một hồi thì thành quả cũng đã xong. Những viên bánh tròn tròn mềm mịn với nhân đường ngọt thanh, rắc thêm chút vừng thơm phức là có thể dâng lên bàn thờ Phật. Sau đó là để mọi người cùng nhau thưởng thức. Thứ mùi đặc trưng của bánh trôi, bánh chay lan toả trong không khí càng làm cho ngày tết hàn thực thêm sôi động và ý nghĩa hơn.

Xem thêm