Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Tâm sự

Tuổi trẻ bà cũng sống hết mình với thứ gọi là đam mê

Từ vào làm việc ở Viện dưỡng lão, lúc nào có thời gian rảnh tôi đều xuống các tầng trò chuyện cùng các ông bà, vừa là để có tư liệu cho công việc, vừa để say mê trong những ký ức đầy tự hào của ông bà. Những câu chuyện ấy lúc nào cũng hay ho, hấp dẫn đến lạ thường vì nó vừa mang những hình ảnh thời chiến, vừa mang theo những khát khao, đam mê của tuổi trẻ. Bảo sao các khóa sinh viên vào đây giao lưu, bạn nào cũng muốn ngồi thật lâu với ông bà. Có những bạn còn xin số điện thoại liên hệ với ông bà để thỉnh thoảng vào thăm.

Bà Hà cũng mới vào trung tâm được hơn nửa năm. Bà thân thiện, vui vẻ và rất yêu đời. Ngày mới vào, bà cho phòng Marketing một hộp vòng cổ rồi phụ kiện, khuyên tai đủ kiểu để cho những dịp Marketing chụp ảnh cho các cụ. Bà bảo bà điệu lắm, bà mang theo vào trung tâm rất nhiều quần áo, trang sức đi kèm. Mỗi ngày bà lại mặc những bộ váy được phối cùng áo khoác, giày dép khác nhau. Tủ đồ của bà có đủ các loại trang phục với đủ loại màu sắc đến các chất liệu, kiểu dáng khác nhau.

Ngày nào gặp bà tại trung tâm cũng thấy bà diện những bộ váy khác nhau

Ngày trước khi thi Hoa hậu Cao niên 2022, bà còn làm một bộ nail đỏ chỉ để cho vài giây vẫy tay và hôn gió trên sân khấu. Bà là người có quyết tâm và sẵn sàng thử thách. Trước cuộc thi Hoa hậu cao niên, ngày nào bà cũng lên hội trường để tập catwalk, tập hát, tập xoay làm sao cho đẹp nhất. Tuy không được giải nhưng bà không hề nhụt chí. Bà bảo “Năm sau bà tăng thêm 3 cân nữa là đẹp hơn, đủ tiêu chuẩn thi rồi”.

Bà Hà dự thi Hoa hậu cao niên trong bộ trang phục tái chế

Bà có một tuổi trẻ cuồng nhiệt, sống hết mình và được làm những gì mình thích. Cuộc sống của bà trước đây là niềm mơ ước của bao người. Có lẽ vì thế mà đến bây giờ, bà vẫn luôn vui vẻ, tận hưởng cuộc sống trong Viện dưỡng lão. Suốt bao nhiêu năm cuộc đời được gói gọn trong những câu chuyện bà kể. Nhìn bà gầy nhẳng, điệu đà như thế, chẳng ai nghĩ được rằng ngày xưa bà lại có đam mê với bộ môn trình diễn trên xe phân khối lớn. Bộ sưu tập ảnh của bà đã cũ chứa đầy những kỷ niệm của bà từ thời còn là thiếu nữ đôi mươi, cả ảnh bà chụp cùng đội tập biểu diễn trên xe ngày xưa nữa. Bà chỉ vào từng người trong ảnh “Bạn này mất rồi này, bạn này nữa. Bạn này thì người nước ngoài này”. Từng ký ức hiện về, trong bà dâng trào cảm xúc về những ngày thanh niên cùng các bạn đi tập moto. 

Hình ảnh bà cùng chiếc xe phân khối lớn những năm bà 20 tuổi

Năm 1961 – 1967, bà đang làm việc tại nhà máy DK 120 của Bộ Giao thông. Từ ngày ấy bà đã bắt đầu tập luyện biểu diễn trên xe moto. Các bài biểu diễn như đứng 2 chân trên xe, phi xe lên dốc cao rồi bay, đứng trên xe cầm súng ngắm,… toàn là những hành động mạo hiểm và cần tập luyện rất nhiều. Bà bảo ngày đấy thích ngã lắm, chẳng sợ gì cả. Mỗi tuần nhà máy cho bà đi tập 1 buổi với 1 buổi bà tập vào chủ nhật nữa. Lâu lâu có các buổi diễn ở sân vận động để mở màn cho buổi thi đấu thể thao thì sẽ có giấy của Liên đoàn thể thao về công ty, thế là công ty cho bà nghỉ phép để tham gia. Ngày ấy tham gia biểu diễn khắp nơi, đi thì không được tiền nhưng vui lắm, vì biểu diễn xong cả nhóm lại rủ nhau đi ăn. Chỉ có những dịp như thế mới có thời gian để tập trung lại đi ăn với nhau. 

Câu lạc bộ mô tô của bà không còn đầy đủ như xưa 

Lục tìm trong đống ảnh cũ, bà giơ lên chiếc bằng lái xe máy từ ngày xưa. Bà bảo không dễ mà có được tấm bằng này đâu. Phải thi bằng cả xe 2 bánh và xe 3 bánh. Mà xe mô tô có cái nào nhẹ đâu. Mỗi lần muốn nổ máy phải đánh đu lên xe mới nổ được máy. Lúc mình thi thì có một người ngồi cùng để ra đề cho mình. Người ta bắt tắt máy giữa dốc, xong lại nổ máy đi tiếp. Bà nhìn tấm bằng, ánh mắt ánh lên vẻ tự hào của người thắng cuộc.  

Giấy phép lái xe được bà cất cẩn thận cùng tập ảnh cũ

Phía sau sự thành công, niềm vui và hạnh phúc của bà là sự ủng hộ hết mình của bố. Ở những năm 60, 70 mà bố của bà lại có tư tưởng tiến bộ, luôn ủng hộ những đam mê của con gái, trong khi lại còn là môn thể thao mạo hiểm như thế. 

Năm 1973, sau khi học đại học và nghỉ việc ở công ty 3-2, bà về làm việc cho Bộ Ngoại  giao. Bà rõng rạc giới thiệu mình là Kỹ sư ô tô ở Bộ Ngoại giao, kiểm tra và quản lý đoàn xe chuyên đưa đón nguyên thủ quốc gia của Bộ. Từ ngày làm việc ở Bộ Ngoại giao, bà được đi rất nhiều nơi, từ Bắc vào Nam. Năm 1990, bà được cử sang Ukraina để học tiếng phục vụ cho công việc. Bà có một người chồng rất hiền lành, lúc nào cũng ở bên và đi cùng bà khắp mọi nơi. Bà kể “Ông ấy là nhiếp ảnh gia, nên cũng hay đi lắm. Nhưng mà cứ cuối tuần là bảo với mọi người hôm nay phải về nhà ăn cơm với vợ”. Cuộc sống hôn nhân viên mãn, hạnh phúc có lẽ cũng là lý do mà đến bây giờ, dù gần 80 nhưng bà vẫn rất yêu đời, rất xì tin. 

Bà Hà diện những bộ đồ cực chất ở độ tuổi tứ tuần

Con trai bà hiện đang sinh sống trong TP.Hồ Chí Minh, bà thì lại không muốn vào đấy. Bà muốn tuổi già của bà được sống ở đây, ít ra còn có bạn bè, người thân. Vào trong đấy toàn người xa lạ, đến lúc mình sa cơ lỡ vận thì biết nhờ cậy vào ai. Vậy nên, bà quyết định vào Viện dưỡng lão, vừa là để có người chăm sóc, vừa để bà có thêm những người bạn mới trong này. Những ngày bà ở Viện dưỡng lão, bà luôn vui vẻ, yêu đời, bà bảo tình cảm của các bạn điều dưỡng viên cũng làm cho bà cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều lắm. 

Mỗi người có một lựa chọn cho bản thân mình, có người lựa chọn một cuộc sống an toàn, không thích thử thách, mạo hiểm nhưng cũng có những người như bà Hà, bà muốn thử thách với những môn thể thao mạo hiểm, bà dám bỏ ngoài tai những lời phán xét của người khác để sống một cuộc đời rực rỡ. Vì dám sống với đam mê của mình, bây giờ bà luôn tự hào về tuổi trẻ cuồng nhiệt như thế, chưa từng hối hận. Vậy khi chúng ta còn trẻ, sao không thử một lần làm những điều chúng ta muốn, biết đâu đó lại là những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong đời thì sao. Không thử làm sao biết được nó có đáng hay không, bạn nhỉ.

Xem thêm

Những ông bà độc thân tìm được hạnh phúc trong viện dưỡng lão

Sau bao nhiêu năm sống một mình, nhiều ông bà không vợ/chồng, không con cái đã lựa chọn viện dưỡng lão Diên Hồng làm nơi an hưởng tuổi già và đối với bà, đây là lựa chọn đúng đắn cho chương cuối cuộc đời.

Bà Quý không kết hôn để được chăm sóc mẹ cả đời

Đang ngồi trên giường, bà Quý vừa tỉ mẩn cắt từng miếng quả bơ mà người em trai gửi vào vừa buôn chuyện với các bà bạn trong phòng. Thi thoảng các bà lại cười phá lên vì những phát biểu thật thà của bà Quý. Bà Quý sinh ra trong gia đình có hai người em trai và một người em gái. Lúc còn trẻ bà đi lên Lục Ngạn, Hà Bắc (hiện là tỉnh Bắc Giang) để trồng mía, xây dựng kinh tế mới. Bố của bà lên thăm con thấy vất vả quá nên xin cho bà vừa học vừa làm ở một thư viện. Sau đó, bà thấy tình yêu với các em bé nên lại chuyển sang làm ở trường mầm non. Sau khi các anh em trong nhà kết hôn và ra ở riêng, bà sống cùng với bố mẹ. Vì yêu mẹ già, thương mẹ, muốn được chăm sóc mẹ cho trọn nghĩa trọn tình nên bà Quý từ chối kết hôn để ở nhà với mẹ. Sau này khi cả bố và mẹ ra đi, bà mới bị hụt hẫng, buồn tủi. Bà Quý tâm sự: “Các anh em trong nhà đã có gia đình riêng lại không ở gần nên tôi luôn sống một mình. Khu tôi sống lại ít người già nên bản thân mình luôn cảm thấy cô đơn. Những lúc mưa gió bão bùng ngập nước tôi cảm thấy lo lắng vô cùng. Trộm nghĩ nếu lỡ có vấn đề gì thì cũng không biết gọi ai.”

Những cô đơn, buồn tủi của bà Quý đã dừng lại sau cánh cửa viện dưỡng lão. Cho đến bây giờ bà Quý vẫn luôn cảm thấy may mắn và thầm cảm ơn người em trai tìm được và đưa bà đến Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Bao khó nhọc đã qua đi, giờ đây bà tìm được niềm vui bên những người bạn già cùng phòng. Nhiều khi chẳng cần phải ra khỏi chỗ, cứ mỗi người 1 giường nói chuyện với nhau cũng đủ thấy vui rồi.

Ông Bách mải công việc quên lấy vợ

Khi gặp ông Bách, tôi bị ấn tượng bởi vẻ ngoài ngầu, mái tóc ngố và cặp kính thời trang chống bụi. Ông có vẻ như một nhà khoa học với ánh mắt sáng, lương thiện và luôn sẵn sàng cười. Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh và trải qua những khó khăn trong nạn đói lịch sử năm 1945. Sau đó, ông đến Hà Nội để học tập và di cư vào Nam để theo học tại Đại học Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về dạy toán tại một trường trung học phổ thông tại Bến Tre. Ông chia sẻ rằng dạy học ở miền Nam không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông đã mải mê học tập và quên mất chuyện tìm vợ.

Sau khi về hưu sớm, ông chuyển vào chùa Phật Tích ở Bắc Ninh. Đến khi sức khỏe trở nên yếu hơn, ông được người thân gửi vào Diên Hồng. Cuộc sống được chăm lo đủ đầy giúp ông vơi bớt những lo lắng thường nhật về sức khỏe, ăn uống. “Thoải mái, khoan khoái, không có kẻ thù”, ông nhấn mạnh. Không tích cóp được nhiều tiền dưỡng già nhưng may mắn là các cháu lo lắng và hỗ trợ. Không biết ngày mai như thế nào, ông tâm niệm cứ sống hết mình trong hiện tại là đủ rồi.

Tôi nhận ra rằng ông là một kho tri thức về lịch sử, triết học, khoa học và dược học thông qua cuộc trò chuyện với ông. Ông có thể kể chuyện về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thế kỷ 20, một cách say mê và sinh động. Những câu chuyện về vua Bảo Đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ông Trần Văn Giàu được ông kể bằng cách thức sống động khiến những người trẻ như chúng tôi bị cuốn hút. Ông cũng nói tiếng Pháp thành thạo và hàng ngày ông cùng hai người bạn là ông Cảnh và ông Toàn “buôn chuyện” bằng tiếng Pháp, khiến chúng tôi chỉ biết cười nhìn nhau. Có lúc ông nói về chúng tôi mà chúng tôi không biết được. Cách ông nhìn nhận cuộc sống và con người cũng đáng để học hỏi. Ông dạy chúng tôi rằng “Chúng ta phải sống hòa hợp với mọi người xung quanh, không tỏ ra kiêu căng, không khinh thường người khác và nếu có thể, hãy giúp đỡ người khác.”

Không phải ai cũng có được một cuộc đời suôn sẻ nhưng sự sống vốn dĩ đã là một món quà tuyệt đẹp và vô giá mà Đấng tạo hóa dành cho mỗi người. Vậy nên chúng ta cứ tận hưởng giây hiện tại nhất là đối với những người cao tuổi còn không hiểu thời gian để sống để có được an yên và hạnh phúc.

Xem thêm

Tuổi già của bạn sẽ thế nào?

Nếu như ai đó hỏi tôi “Bạn muốn cuộc sống về già như thế nào?”. Thì tôi sẽ trả lời rằng tôi muốn ở riêng, muốn có không gian riêng dành cho mình và không sống cùng con cái. Nhiều người cho rằng đó là suy nghĩ ích kỷ, chỉ quan tâm bản thân. Nhưng có lẽ nó lại giúp cho các thành viên trong gia đình thoải mái hơn. Tôi có thể ở nhà riêng hoặc ở viện dưỡng lão, thỉnh thoảng gặp con cái trong niềm hân hoan, còn hơn bo bo giữ con bên mình rồi nhìn nhau chỉ thêm áp lực.

Hai vợ chồng cùng thế hệ còn nhiều mâu thuẫn bất đồng, huống gì là nhiều thế hệ. Thời đại khác nhau nên quan điểm, suy nghĩ, lối sống cũng khó mà hài hòa. Vì thế, tôi không bắt ép con cháu phải sống cùng mình, và tôi cũng không làm gánh nặng cho con cái. Nó chỉ làm cuộc sống gia đình thêm khó xử và cũng tự làm khổ bản thân mình.

Hiện tại tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nên thay đổi quan điểm sống. Cha mẹ nên tìm niềm vui cho mình khi lo xong trách nhiệm với con cái. Mình nên tạo dựng cuộc sống riêng, niềm vui riêng cho bản thân. Đừng chỉ chăm chăm lấy con cái làm niềm vui rồi phụ thuộc vào chúng. Không nên suốt ngày chạy theo con cái bắt chúng nó phải theo ý mình. Để rồi khi không nhận được sự quan tâm như mong đợi thì lại buồn tủi, trách móc. Con cái cũng cần những khoảng trời riêng, hạnh phúc riêng của chúng.

Thật tuyệt vời khi về già được sống cuộc sống của riêng mình. Có thể thoả thích theo đuổi một đam mê nào đó. Hay nhàn nhã tận hưởng vui thú tuổi già, nào đọc sách, làm thơ, khiêu vũ,… Thậm chí nếu vào ở trong viện dưỡng lão thì ta có cả bầu trời mới cần khám phá. Có thêm những người bạn cùng trang lứa để chia sẻ tâm sự. Có không ít điều mà chính bản thân mình không dám chia sẻ cùng con cái nhưng lại có thể giãi bày với người lạ. Còn nếu đau ốm thì có bác sỹ, có điều dưỡng chăm lo. Nếu nhớ con cái thì thi thoảng gặp nhau trong vui vẻ là được. Tuổi già đầy đủ chu toàn như vậy thì có gì đâu mà lo lắng.

Để quyết định cuộc sống như vậy, tôi đã chuẩn bị đầy đủ về mặt tài chính. Nếu con cháu thu xếp, lo được phần nào thì lo, còn nếu không thu xếp được cũng không sao. Cuộc sống này đã quá áp lực vậy nên tôi không muốn tạo thêm áp lực cho con mình. Chỉ mong sau này về già mỗi lần gặp con cháu đều sẽ vui vẻ

Xem thêm

Viện dưỡng lão – giấc mơ của người già

Mấy năm trước bác họ của tôi được con gái gửi vào viện dưỡng lão. Bác có 2 cô con gái nhưng lấy chồng xa, bây giờ bác già yếu không có người chăm nên con cái bàn nhau gửi bác vào dưỡng lão. Lúc đó lương hưu của bác chỉ đâu đó 3,4 triệu. Nên 2 cô con gái quyết định hùn tiền để cho đủ phí chăm sóc hàng tháng.

Chi phí của bác tại viện dưỡng lão khoảng 7 triệu đồng một tháng. Được thời gian thì sức khoẻ bác yếu hơn, phải hỗ trợ thêm nên chi phí cũng cao hơn. Ngặt nỗi con cái cũng không dư dả gì, ít thì gồng gánh được chứ nhiều thì khó. Cuối cùng cả nhà bàn nhau bán căn nhà của bác ở dưới quê để lấy tiền chi trả, lo liệu.

Rất nhiều hàng xóm của tôi, có người già, lương hưu chỉ vào khoảng 3-4 triệu đồng mỗi tháng thì viện dưỡng lão chỉ là một giấc mơ xa xỉ. Tiền lương hưu chỉ đủ các cụ ăn bình dân thôi, còn các khoản như thuốc men, phụ phí khác là chưa có. Chưa kể những lúc ốm đau phải đi viện. Vì thế về già chỉ trông vào mỗi lương hưu thì không thể vào viện dưỡng lão được.

Vậy quyền lực tối cao của người già chính là tài chính. Mà muốn có tài chính thì lúc trẻ phải làm ăn tích cóp, thương con thương cháu thì càng phải lo cho mình thật tốt rồi dư dả thì mới cho chúng nó. Chứ trong cuộc sống này không thiếu những trường hợp cha mẹ có bao nhiêu thì cho hết con cái. Đến khi về già thì con cái chối bỏ trách nhiệm. Nhà cửa không có, thậm chí muốn vào viện dưỡng lão cũng không có tiền.

Hoặc chí ít nếu không có nhiều tài sản thì phải có nhà như bác tôi. Đến lúc bần cùng thì bán nhà lo cho mình. Con cái giàu có không nói làm gì. Nhưng con cái đủ ăn đủ mặc mà phải lo thêm cho cha mẹ già thì khổ cả đôi đường. Ai lúc về già mà nhìn lại mình trong tay chả có gì thì xác định luôn rằng tương lai mình sẽ khổ, con mình cũng khổ lây.

Nhìn tấm gương của bác tôi mà bố mẹ tôi và cả vợ chồng tôi cũng xác định phải tích cóp cho tuổi già. Lo cho con cái đến tuổi trưởng thành thôi, còn lại thì lo cho mình. Bảo hiểm xã hội dù ít thì vẫn nên đóng, sau này cũng có cái để trông chờ. Bên cạnh đó cũng phải nghĩ đến các khoản tiết kiệm, đầu tư để thêm nguồn thu nhập. Có người thì kinh doanh thêm, người tích trữ tiền vàng. Tiền không phải tất cả, nhưng thiếu tiền thì tất cả đều không có. Thời đại ngày nay không còn như xưa nữa. Về già dù ở nhà mình hay vào viện dưỡng lão thì cũng cần có kinh tế. Mỗi gia đình sẽ có cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất.

Xem thêm

Vào viện dưỡng lão để trút bỏ gánh nặng cho con cái

Nói đến việc vào viện dưỡng lão, mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau. Không bàn đến việc đúng sai thế nào bởi vì đó là lựa chọn của họ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chỉ khi nào ở trong câu chuyện của họ bạn mới có thể thấu hiểu. Nhìn cảnh chăm cha mẹ già bây giờ, tôi lại sợ con mình sau này cũng vừa phải lo cho gia đình nhỏ của nó, vừa phải gánh chữ ‘hiếu’ trên lưng. Vì vậy tôi luôn mong mình có đủ sức khỏe và tài chính để khi về già có thể vào dưỡng lão để các con đỡ khổ.

Ai đó hỏi tôi sao không gửi bố mẹ vào dưỡng lão. Thật ra suy nghĩ của ông bà vẫn còn rất lạc hậu, con cái là phải báo hiếu, chăm sóc cha mẹ già lúc ốm đau. Nên tôi sẽ hết lòng tận hiếu, còn đến thời của tôi thì không cần con cái phải như thế. Tôi hiểu điều đó vất vả như thế nào. Người ốm đã khổ nhưng người chăm còn khổ hơn.

Chồng tôi là con một nên tôi đang sống cùng gia đình và bố mẹ chồng. Hiện tại một mình tôi phải chăm sóc cả hai ông bà già yếu, bệnh tật suốt nhiều năm qua. Trước đây mọi người đều đi làm nên gia đình thuê giúp việc về trông nom ông bà. Nhưng bao nhiêu năm trôi qua, thay bao nhiêu giúp việc đều không ở được. Cuối cùng tôi phải gác lại công việc, chỉ làm bán thời gian để tiện chăm sóc bố mẹ.

Mẹ chồng tôi bị lẫn, bây giờ hầu như bà không còn nhớ được gì. Vừa ăn xong được lúc thì bà đã kêu đói vì mấy ngày rồi chưa được ăn uống gì. May mọi người cũng hiểu chứ nếu không chắc ai cũng nghĩ tôi ngược đãi bà. Đồ đạc thì cứ không cánh mà bay. Có hôm con trai tôi tìm thấy cái ấm siêu tốc trong tủ quần áo. Đêm đến mọi người đang ngủ thì bà đi gõ cửa từng phòng, có hôm thì la hét ầm ĩ lên. Đặc biệt bà rất hay đi, sơ sẩy một tí là bà đã ra đến đầu đường. Cả nhà bao phen hốt hoảng vì đi tìm.

Ngày trước ông khoẻ ông còn trông bà hộ con cái. Nhưng ngày ông bị tai biến nằm liệt giường thì không trông được nữa. Tôi vừa trông bà, vừa chăm ông. Mọi sinh hoạt hằng ngày của ông từ ăn uống, vệ sinh, tắm rửa đều tại giường. Tối về thì thêm chồng con phụ giúp. Nhưng nói chung là vất vả, chỉ ai chăm người già rồi mới thấu được. Vì thế tôi rất hiểu và đồng cảm với những người con phải chăm sóc cha mẹ già yếu, bệnh tật. Nhìn cảnh bố mẹ bây giờ, tôi lại lo cho con mình sau này.

Lúc 40 tuổi tôi xác định mình cần phải sớm chuẩn bị tài chính cho tuổi già. Bởi vì lúc đó tôi đã thấy sức khỏe, thể chất đi xuống hẳn. Đến bây giờ lúc chăm bố mẹ già tôi càng thấy quyết định của mình đúng đắn. Với số tiền tích luỹ hiện tại vẫn chưa đủ để tôi yên tâm vào dưỡng lão, nhưng tôi sẽ cố gắng. Tôi sợ mình sau này cũng nằm một chỗ giống bố mẹ, rồi lại phiền đến con cháu. Đã không giúp được gì cho con, nay lại mang thêm gánh nặng. Người làm mẹ như tôi thực sự không cam lòng.

Xem thêm

Trải lòng nghề điều dưỡng

Mình có một nhóm bạn học cùng với nhau từ hồi đại học. Sau này ra trường mỗi đứa một nơi nhưng thi thoảng chúng nình vẫn thường hẹn nhau đi cafe tâm sự về cuộc sống, công việc.

Ai cũng biết điều dưỡng là cái nghề “làm dâu trăm họ”, lương bèo bọt mà áp lực lại nhiều. Bạn mình có đứa làm ở viện công, viện tư rồi phòng khám đủ cả. Nhưng vô hình trung thì áp lực ở đâu cũng như nhau.

Một cô bạn làm ở viện kể lại, có lúc ấm ức quá chỉ biết chạy vào nhà vệ sinh rồi ôm mặt khóc. Áp lực từ công việc có thể gồng sức để vượt qua. Nhưng áp lực từ phía bệnh nhân và người nhà của họ thì chỉ có thể “ngậm đắng nuốt cay”. Cô ấy và đồng nghiệp cũng đã đôi lần bị chửi, bị tát, bị đánh. Và luôn nghe những lời cáu gắt từ bệnh nhân và người nhà. Có lần đi trực ngày lễ, bệnh nhân quá tải chưa kịp xếp giường thì người nhà đã túm lại chỉ vào mặt quát lớn: “Này cô kia, cô định để con tôi nằm đây chờ chết à ?”. Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện nghề.

Một cô bạn khác cũng đang làm ở bệnh viện tư khá nổi tiếng. Hôm đó là ngày cô đi trực. Nửa đêm có một bà mẹ bế con vào khám cấp cứu vì bé bị nôn và sốt. Sau khi lấy thông tin thì cô bạn điều dưỡng mới kẹp nhiệt kế vào nách đứa bé và nhờ mẹ giữ để không bị tụt. Nhưng lúc lấy nhiệt kế ra thì nó đã bị tụt từ bao giờ và chỉ số không còn chính xác. Để đảm bảo chẩn đoán được đúng, bạn có nhờ cặp lại nhiệt độ thì nhận được sự từ chối. Sau đó người mẹ này đã đánh giá kém trên trang của viện về người trực hôm đó. Và cô bạn ấy phải lên gặp sếp giải trình cũng như trừ thưởng.

Lương đã thấp lại còn hay bị phạt cũng là câu chuyện mà một đứa em kể lại. Làm lễ tân phòng khám nghe thì nhàn nhưng áp lực vô cùng. Suốt 8 tiếng đồng hồ không được ngồi, gặp bệnh nhân phải cúi chào và tươi cười niềm nở. Chỉ cần sơ suất một chút cũng bị quản lý check camera và phạt. Dù muốn nghỉ việc nhưng vì giữ bằng gốc nên cuối cùng vẫn phải cố gắng vượt qua.

Mỗi lần gặp nhau là mình lại được nghe muôn vàn câu chuyện khác nhau như vậy. Riêng mình, mình cảm thấy may mắn hơn các bạn. Môi trường nào cũng có áp lực nhưng cách bạn vượt qua áp lực mới là thứ quan trọng. Mỗi khi gặp các cụ khó tính, trái nết hoặc mắng chửi nhân viên thì bên cạnh mình luôn có đồng nghiệp và các sếp quan tâm, chia sẻ. Ở trung tâm đa phần các cụ khá dễ tính và yêu quý chúng mình, người nhà các cụ cũng vậy. Vì họ thấu hiểu được sự vất vả khi chăm sóc người cao tuổi là thế nào.

Nhiều lúc muốn rủ mọi người qua làm cùng nhau nhưng nghề chọn người. Và có lẽ mọi người cũng đã quen với điều đó. Nên cuối cùng vẫn là dành cả tình yêu với nghề để cố gắng.

 

Xem thêm

51 tuổi, ai lại nghĩ vào dưỡng lão ở cái tuổi này

Chú Nguyễn Hồng Vinh hiện đang là một cư dân của cơ sở 1 năm nay mới 54 tuổi. Ngày còn trẻ, chú từng tham gia vào chiến trường với nhiệm vụ lái xe cho quân đội. Đúng là người tính không bằng trời tính, sau lần tai biến đầu tiên, chú vẫn có thể đi lại được, nhưng rồi lần tai biến thứ 2 lại ập đến, khiến chú nằm bất động trên giường, không cử động được gì nữa. Trước đây, chú chưa từng nghĩ đến việc về già sẽ vào dưỡng lão, nhưng biến cố cuộc đời đã đưa chú đến với Diên Hồng, nơi chú được chăm sóc toàn diện khi sức khỏe đã không còn ổn định.

Nhớ ngày đầu tiên vào đây, khi ấy chú được đưa vào bằng cáng, người vẹo bên này, vẹo bên kia, mồm thì méo xệch, mắt thì lé. Khi ấy chú nằm ở tầng 1, phòng dành cho những cụ yếu nhất trung tâm. Chú bảo ngày ấy chứ như chết đi, nhưng nhờ Vũ Huệ đã cứu chú lại thành người. Ngày ấy chị Huệ đang phụ trách phòng Phục Hồi Chức Năng, chị là người đã đồng hành cùng chú trong suốt khoảng thời gian chú điều trị sau tai biến. Ngày ngày, chị Huệ giúp chú châm cứu và tập luyện. Và rồi sự kiên trì của 2 chú cháu cũng dần có kết quả. Dù vẫn còn liệt nửa người nhưng bây giờ chú đã có thể ngồi vững vàng và 2 tay có thể cử động bình thường. Chú bảo ngày ấy mất 10 phần thì bây giờ cũng đã lấy lại được 8 phần rồi. Bây giờ, hầu như mọi sinh hoạt của chú vẫn cần đến sự trợ giúp của các bạn điều dưỡng viên. Ngoài việc có thể tự ăn thì các hoạt động khác như tắm, đi vệ sinh, hay từ xe lên giường, từ giường xuống xe chú đều cần có người hỗ trợ. 

Hơn 3 năm gắn bó với Diên Hồng cũng là hơn 3 năm mà chú luôn được sống trong sự quan tâm, chăm sóc của các bạn điều dưỡng viên, của bác sĩ. Tiếp xúc với các bạn điều dưỡng viên hằng ngày, chú dần coi các bạn như con cháu trong nhà, tình cảm với các bạn cũng dần gắn kết hơn.

Ngày diễn ra vòng bán kết Hoa khôi – Nam vương 2022 tại cơ sở 1 dành cho các CBNV Diên Hồng, chú cũng tham gia cổ vũ. Hôm ấy, chú đặc biệt cổ vũ cho bạn điều dưỡng viên Tạ Tươi, chú bảo nhất định bạn ấy sẽ dành chiến thắng. Trong cuộc thi, chú luôn cổ vũ nhiệt tình, còn lấy điện thoại quay video lúc bạn ấy thi. Hôm ấy nếu hỏi chú bạn thí sinh nào đẹp nhất, chú sẽ luôn trả lời là bạn Tươi đẹp nhất. Thế nhưng, kết quả chung cuộc lại không như ý. Bạn Tươi đã trượt khỏi danh hiệu Hoa khôi, không những thế lại còn chỉ nhận cơ hội vào chung kết là 10%. Mọi người còn đang bận hò reo vì kết quả thì chú ngồi một dưới sân khấu với đôi mắt đỏ hoe. Những dòng nước mắt rơi lã chã. Bạn Tươi phải xuống dỗ mãi chú mới bình tĩnh lại. 

Hiểu rõ công việc của các bạn điều dưỡng viên, chú càng thương các bạn hơn vì những khó khăn trong công việc mà các bạn phải trải qua. Chú thương các bạn nhân viên, cũng thương các cụ nhiều. Chú dặn dò: “Cái nghề này của mình rất là khó khăn, phải có tâm lắm mới làm được. Nghề này không có tâm thì không làm được đâu. Các cụ tỉnh thì không nói, các cụ lẫn đâm ra chửi bới rồi đánh đập. Các cháu phải biết thông cảm vì các cụ lẫn rồi, lớn tuổi nên cứ quên quên nhớ nhớ. Nhiều cụ vào đây cũng tủi thân, họ nhớ nhà, nhớ lung tung hết. Nhiều khi chú cũng thương các cụ lắm nhưng cũng không làm sao được. Các cháu phải có tâm, thương các cụ một tí. Cái gì bỏ qua được thì bỏ qua cho các cụ.”

Mỗi người đến với Diên Hồng đều có những hoàn cảnh khác nhau. Có cụ thì đến vì tuổi già sức yếu, có cụ đến vì con cái không ở bên được, có cụ đến vì không thích ở nhà với con cháu nữa, hay xưng đột, vào đây cho vui,… Và cũng có những người như chú Vinh, đến với Diên Hồng vì tai biến, vì một căn bệnh nào đấy dù mới đang ở độ tuổi cuối trung niên.

 

Xem thêm

Bà chỉ sợ chúng nó đi mất …

“Vất vả”, “áp lực” là 2 từ mà ai khi nhắc đến công việc điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi cũng nói đến. Mỗi người mỗi nghề, với đặc thù ngành điều dưỡng là chăm sóc cho những người bệnh, dù bệnh nhân ở độ tuổi nào thì cũng có những khó khăn riêng. Với những bạn điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi đang làm việc tại Diên Hồng thì cũng không hề dễ dàng gì. Không chỉ người ngoài nhìn vào mà chính các cụ, người được các bạn chăm sóc hằng ngày cũng phải nhăn mặt khi nói về công việc của các bạn.

Bà Tĩnh là một bác sĩ đa khoa đã về hưu, hiện bà đang an dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 2. Khi hỏi cảm nhận của bà về công việc của các bạn điều dưỡng viên tại Diên Hồng, hàng lông mày của bà ngay lập tức nhíu lại. So với các y tá ở bệnh viện, bà thấy các bạn ở đây vất vả hơn nhiều lắm. Bà kể, ở viện lúc nào cũng cần có người nhà đi cùng, chăm lo cho mình, chứ không ai lo cho mình mấy cái lặt vặt đi vệ sinh giống ở đây đâu. Bây giờ một năm bà cũng đi khám 2 lần, mà ở viện bác sĩ với y tá cứ ở đâu hết ấy, không có người nhà đi cùng thì cũng vất vả lắm. Bà nói nhỏ: “Có một hôm tối muộn rồi, bà nhìn thấy có phòng le lói ánh điện, bà cũng tò mò đi lại xem sao thì thấy anh Đức – Giám đốc trung tâm đang thay tã cho một bà vừa đi nặng. Bà thấy anh ấy tận tâm lắm đấy, cả chị Thơm Phó Giám đốc cũng thấy chăm lo cho các cụ mà hòa nhã lắm. Còn các bạn điều dưỡng viên thì vất vả, nhiều cụ lẫn cứ chửi bới rồi đi vệ sinh không tự chủ được, các bạn ấy phải lau dọn thay tã bỉm, quá là vất vả.”.

Bà Hội vào cơ sở 3 trước bà Tĩnh một thời gian, có lẽ vì thế mà bà tiếp xúc với các bạn điều dưỡng được nhiều hơn, bà bảo:  “Bà thấy các bạn điều dưỡng rất nhiệt tình. Quý các cụ lắm, chăm sóc các cụ rất là tình cảm. Lại còn lễ độ lắm. Các bạn điều dưỡng của trung tâm rất là tốt, coi các cụ như người thân, ruột thịt ở nhà ấy, rất tình cảm lắm. Công việc của các bạn cũng vất vả lắm chứ không phải không đâu, sáng sớm các bạn phải dậy đi thay bỉm rồi kiểm tra sức khỏe cho các cụ, cho các cụ ăn sáng,… Nhưng lúc nào các bạn cũng vui vẻ, tình cảm lúc nào cũng như người thân ấy, thích lắm.” Bà vừa nói vừa cười, sự hài lòng ấy cứ thể hiện hết trên gương mặt phúc hậu của bà.

Bà Dung và bà Thúy ở cơ sở 1 cũng không ngớt lời khen ngợi các bạn điều dưỡng viên. Ở nhà với con cháu đương nhiên là vui, ai cũng muốn, nhưng không phải lúc nào các con, các cháu cũng ở bên. Thế nên ở nhà không tránh khỏi những khoảng thời gian các cụ cô đơn một mình. Cộng thêm những căn bệnh tuổi già mà lúc nào cũng cần có người ở bên để theo dõi sức khỏe. Bà Dung bảo trong này các cháu điều dưỡng nó ngoan lắm, nhí nha nhí nhảnh, như cháu ruột ở nhà vậy, chỉ mong các cháu ở đây với bà mãi mãi. Mỗi việc nghe tin có bạn điều dưỡng viên có người yêu làm khác nghề mà bà đã lo cháu nghỉ mất. Hay có bạn điều dưỡng nào nghỉ mấy ngày là các bà cũng phải hỏi xem có chuyện gì mà nghỉ thế, có ốm đau gì không. Các cháu nghỉ là các bà nhớ lắm, buồn lắm.

 Bà bây giờ đã coi Diên Hồng là ngôi nhà của mình. Ngày mới vào, bà cũng không thích, chỉ muốn được ở nhà của mình. Nhưng nhìn các cháu điều dưỡng không bao giờ cáu kỉnh với các cụ, kể cả với các cụ khó tính nhất, lúc nào cũng ân cần, vui vẻ làm bà yên tâm, dần dần rồi cũng không còn muốn về nhà nữa. 

Diên Hồng là một ngôi nhà chung nơi các cụ an dưỡng tuổi già. Dù không phải ở cùng con cháu, không phải là ngôi nhà mình đã ở bao nhiêu năm tháng qua nhưng tình cảm của các bạn điều dưỡng viên thân thương làm các cụ dần chấp nhận và coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình, coi các bạn điều dưỡng viên là con cháu trong nhà. Mong rằng những năm tháng tuổi già, các cụ sẽ luôn được sống trong điều kiện tốt nhất, luôn vui vẻ, an nhiên.

Xem thêm

Nghề nào mà chẳng có “sóng gió”

Bất cứ công việc nào cũng có những mệt mỏi, những áp lực. Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời cũng như ở mỗi công việc khác nhau thì áp lực chúng ta nhận được cũng khác nhau. Với nhân viên kinh doanh thì áp lực từ khách hàng, đơn hàng, kpis,… hay những áp lực của một nhân viên kế toán lại đến từ những con số, hóa đơn, chứng từ,… Vậy đối với những điều dưỡng viên hằng ngày ở bên, chăm sóc cho người cao tuổi thì áp lực là gì? 

Người ta hay bảo, điều dưỡng viên là nghề làm dâu trăm họ. Ai cũng biết người già thường khó tính, khó chiều hơn. Việc chăm sóc, yêu thương ông bà mình đã khó, công việc này còn khó khăn, mệt mỏi hơn rất nhiều. Không chỉ một mà rất nhiều người cao tuổi cần có sự chăm sóc của các bạn điều dưỡng viên. Các cụ tuổi cao, sức yếu lại còn mang trong người rất nhiều bệnh. Mỗi cụ lại mắc cơ số bệnh khác nhau mà các bạn điều dưỡng viên khi chăm sóc phải ghi nhớ để theo dõi.

Chị Lê Thị Tuyết, một điều dưỡng viên kỳ cựu đã gắn bó với Diên Hồng suốt 6 năm qua cũng đã không ít lần rơi nước mắt khi làm việc vì những áp lực chị gặp phải khi làm việc. Chị bảo công việc nào cũng có khó khăn, cứ làm lâu rồi mình quen dần thôi chứ áp lực làm sao hết được. Ngày nào cũng tiếp xúc với cả chục cụ, mỗi cụ một tính. Mỗi cụ mỗi bệnh khác nhau nên ăn uống cũng khác nhau. Thời gian đầu khi mới đi làm, chị cũng chưa quen được, mãi mới nhớ hết đặc điểm của từng cụ. Chị bảo cứ làm lâu rồi ắt sẽ nhớ hết, các cụ vừa là bệnh nhân, vừa là người nhà của mình, mình không chăm lo cho người nhà thì còn chăm lo cho ai.

Việc chăm sóc cho các cụ cũng đã có những áp lực riêng, thế nhưng, gia đình, người thân các cụ khi không hiểu rõ bệnh tình của bố mẹ mình làm các bạn điều dưỡng viên, không riêng gì chị Tuyết, đều cảm thấy mệt mỏi và áp lực hơn. Nhiều cụ bị lẫn nhưng gia đình không phát hiện ra, khi phải đưa ra các phương pháp xử trí cho các cụ thì gia đình không đồng ý. Hay có nhiều gia đình rất khó tính, phải làm theo yêu cầu riêng của gia đình khi chăm sóc các cụ. Mà số lượng điều dưỡng không nhiều, nên số lượng các cụ cần chăm sóc của 1 bạn rất nhiều. Chị bảo cũng may không phải gia đình nào cũng thế, nên chị cứ làm tốt nhất có thể thôi.

Cũng như chị Tuyết, chị Mùi cũng đã gắn bó với Diên Hồng cơ sở 2 hơn 4 năm. Đối với chị, chị không cảm thấy bị áp lực nhiều như những người khác. Chị bảo chị nhanh quên, ức chế lúc đấy thôi chứ về nhà nói chuyện vui vui với các bạn rồi lại thôi, lại quên, hôm sau đi làm lại bình thường. Cách giải tỏa stress của chị nghe thì đơn giản, nhưng đối với chị, nó lại là liệu pháp giúp tinh thần chị được hồi phục nhanh nhất.

Đương nhiên để có được tinh thần ổn định như bây giờ, chị cũng đã từng trải qua những sóng gió. Thời gian đầu khi mới làm việc, chị cũng không ít lần uất ức mà muốn bỏ việc. Chị chia sẻ: “Nhiều khi chăm các cụ lẫn, mình cũng ức chế. Rồi áp lực từ cấp trên nữa làm mình lúc đấy chỉ muốn nghỉ việc. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại là mình có tức với các cụ lẫn thì cũng không giải quyết được việc gì. Dần dần rồi cũng quen dần. Vào đây làm chị thay đổi tính cách nhiều lắm. Trước đây chị nóng tính, không tiết chế được cảm xúc. Mà bây giờ ở với các cụ lâu dần rồi cũng biết kiềm chế lại. Chắc vì thế mà chị không thấy công việc này áp lực nhiều nữa.”

Rõ là khi nhìn vào, mọi người đều thấy điều dưỡng viên là công việc rất mệt mỏi, áp lực. Nhưng theo như chia sẻ của chị Tuyết và chị Mùi, các chị đang lựa chọn một cách nhìn tích cực hơn, không vội vàng, dần dần làm quen với công việc và gắn bó với công việc mình đang làm. Đúng là công việc nào cũng có áp lực nhưng chỉ cần biết thông cảm, nhìn vào những điều tích cực trong công việc thì mọi khó khăn, áp lực chúng ta đều có thể vượt qua.
Xem thêm

Đặc quyền của người có chồng làm điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi là gì?

Mọi người thường lo sợ nếu sau này lấy vợ hoặc chồng làm ngành y, điều dưỡng, bác sĩ. Vì thời gian bên gia đình ít hơn bên người bệnh. Nhưng mình thì khác.

Duyên phận đưa đẩy cuối cùng mình gặp và cưới chồng mình. Ngày đầu mới quen mình có hơi ái ngại khi nghe anh nói anh làm điều dưỡng ở viện dưỡng lão. Một công việc mà mình nghĩ thường chỉ con gái mới làm. Qua lời anh kể mình biết được công việc của anh là chăm sóc từ A-Z cho người già như xúc ăn, tắm rửa và cả thay bỉm. Hồi ấy mình hỏi sao anh không làm ở viện thì anh bảo không hợp môi trường bệnh viện.

Sau thời gian quen nhau mình cũng dần hiểu hơn về anh. Anh là người khá vui tính, hài hước, cẩn thận và chu đáo nữa. Thi thoảng anh còn kể cho mình nghe về các cụ ở trung tâm. Mình từ một đứa luôn nghĩ người già thì khó tính, khó chiều cũng dần trở nên yêu quý các cụ hơn. Lúc nào có sự kiện gì lớn anh cũng rủ mình qua chỗ anh làm việc để tham dự cùng. Gặp gỡ các cụ mới thấy các cụ cũng hài hước và đáng yêu lắm, khác hẳn với suy nghĩ của mình.

Sau này chúng mình lấy nhau về chung một nhà, mình nhớ nhất là lần đi sinh em bé. Do chuyển dạ kéo dài và sinh lần đầu nên mình bị mất sức, mọi việc đều tự tay anh ấy làm hết. Trong khi các ông bố khác lóng ngóng chưa biết làm thế nào thì chồng mình đã bón cơm, vệ sinh cho mình rồi pha sữa thay tã cho con một cách chuyên nghiệp. Không biết có phải chăm các cụ quen rồi nên chăm vợ cũng dễ thế.

Có thể ngoài kia còn rất nhiều người chồng tốt nhưng với mình như vậy là đủ. Dù thời gian anh đi làm, đi trực làm thời gian ở nhà của anh ít lại, nhưng mỗi khi anh ở nhà, anh đều giúp mình làm mọi thứ, từ việc to đến việc nhỏ trong nhà. Mình cảm thấy tự hào khi có chồng làm điều dưỡng, mình thấy mình được chia sẻ và quan tâm nhiều hơn.

Xem thêm