Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All posts by Diên Hồng

Dưỡng lão Diên Hồng: Chia sẻ nỗi lo chăm sóc mẹ già

Mẹ chồng tôi năm nay đã 82 tuổi về làm dâu phố Hàng Lược – một con phố cổ Hà Nội đã được gần 60 năm. Bà chỉ có một người con trai duy nhất là chồng tôi nên ba mẹ chồng tôi dồn hết tình yêu thương chăm sóc và dạy dỗ. Mẹ chồng tôi rất chịu khó, tần tảo. Bà đảm đương việc bếp núc rất chu đáo và cẩn thận. Tôi hầu như không phải lo chuyện cơm nước, chợ búa. Ba mẹ chồng tôi là cán bộ nghỉ hưu, sống rất tình cảm. Ông bà luôn tâm tình thủ thỉ và đi đâu cũng có nhau, cho tới khi ông mất năm 2019, bà như mất đi chỗ dựa tinh thần. Kể từ đó bà rất buồn phiền, không biết tâm sự, nói chuyện cùng ai, sinh ra u uất, trầm tư. Con cháu đi làm, đi học cả ngày từ sáng đến tối. Bà ở nhà một mình, không giao lưu và đi ra ngoài, bà lấy tivi làm vui. Công việc của chồng tôi nhiều khi không chủ động được thời gian, còn tôi thì bận rộn, sáng rời nhà khi trời còn tối và kết thúc công việc cũng đã tối trời. Con gái tôi đang tuổi ăn học, cháu đi học suốt ngày từ chính khóa đến ngoại khóa. Vì tính chất công việc bận rộn nên tôi thường đi chợ cho cả tuần, mẹ tôi ở nhà tự lo việc ăn uống, nhiều khi bà ăn uống qua loa và cũng đại khái với sức khỏe của bản thân. Bà rất ngại đi bệnh viện, mỗi khi mệt hoặc đau yếu thì bà thường nói chồng tôi đi mua thuốc, không mấy khi đến bệnh viện thăm khám.  

Bà Yến tham gia cuộc thi Olympic tại Diên Hồng

Công việc cứ hối hả cuốn đi cho đến ngày mẹ tôi phải nhập viện cấp cứu. Bà bị tai biến và bị liệt nửa người, không đi lại và tự chăm sóc bản thân như trước được nữa. Bà phải điều trị dài ngày ở bệnh viện. Chăm sóc bà như thế nào đây? Những lần nhập viện trước bà không chịu để người ngoài chăm sóc nhưng lần này bà yếu hơn nên dù bà có phản đối thì chúng tôi vẫn phải tìm người chăm sóc bà những lúc vợ chồng tôi đi vắng. Và may là bệnh viện có dịch vụ chăm sóc nên chúng tôi cũng không phải vất vả ngược xuôi như trước.

Rồi thời gian điều trị của bà ở bệnh viện cũng sắp hết. Hai vợ chồng tôi loay hoay suy tính về việc chăm sóc mẹ tôi như thế nào sau khi trở về nhà. Gia đình tôi rất neo người. Hai vợ chồng đi làm cả ngày? Làm thế nào đây? Chúng tôi có thể nghỉ ít ngày nhưng dài ngày thì tính sao? Cũng không thể để mẹ ở nhà một mình như trước. Tìm người giúp việc tại nhà ư! Có nhiều bất tiện trong sinh hoạt khi có người lạ trong nhà. Rồi người giúp việc có kỹ năng chăm sóc người bệnh không, có làm mình làm mẩy như nhiều gia đình khác không. Hay nay xin về mai xin nghỉ. Một ngày, một tuần có thể cố gắng nhưng kéo dài thì làm thế nào. Trăm thứ phải suy tính!!! 

Tôi chợt nhớ có đồng nghiệp đã từng chia sẻ khi đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão. Tôi hỏi kinh nghiệm và được cậu em đồng nghiệp chia sẻ những điều mà tôi đang băn khoăn như chăm sóc các cụ cao tuổi như thế nào, chi phí ra sao, tâm tư của các cụ khi vào trung tâm. Ngay hôm đó, tôi tìm hỏi mấy viện dưỡng lão mà cậu em đồng nghiệp giới thiệu, nhưng đa phần ở xa, không thuận tiện với gia đình chúng tôi.

Tôi search thử trên google thì biết đến dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 3 tại số 9 ngõ 649 Lĩnh Nam. Cơ sở cũng khá gần nhà và thuận tiện cho đi lại, thăm nom. Tôi mừng như tìm được phao cứu sinh. Sau đó gọi cho cơ sở để trao đổi về nhu cầu và mong muốn của gia đình. Tôi được cháu Tùng Anh tư vấn, hướng dẫn rất nhiệt tình. Khi đã có thông tin sơ bộ, chồng tôi đã đến trung tâm tìm hiểu về cơ sở vật chất, trao đổi các thủ tục cần thiết trước khi đưa bà vào. Khi về chồng tôi chia sẻ những thông tin và tôi thấy dưỡng lão Diên Hồng – cơ sở 3 rất phù hợp với gia đình chúng tôi, tôi cảm thấy như nhẹ đi phần nào những băn khoăn lo lắng trong lòng.  

Hôm sau mẹ chồng tôi xuất viện, về đến trung tâm đã hơn 12h trưa. Bà được các cháu ở đây làm thủ tục nhanh chóng. Vì quá giờ trưa bà cũng khá đói nên các cháu đưa lên tầng ăn trưa và nghỉ ngơi. Mặc dù gia đình tôi còn chưa hoàn tất thủ tục. Cuối tuần tôi đến thăm mẹ và tham quan cơ sở vật chất. Cơ sở 3 là một tòa nhà 6 tầng, có thang máy, có sân rộng cây xanh mát mẻ, sạch sẽ, không gian yên tĩnh, thoáng mát rất phù hợp với người cao tuổi, người bệnh. Tôi được các cháu giới thiệu các tầng, các phòng chức năng từ nhà bếp, phòng tập đến nơi sinh hoạt chung. Các cụ được chăm sóc từ ăn uống, vệ sinh cá nhân và vui chơi hàng ngày để các cụ vui vẻ, khỏe mạnh và không cảm thấy gò bó khi ở một nơi không phải nhà mình.  

Tôi thực sự thấy yên tâm khi gửi mẹ vào dưỡng lão Diên Hồng vì ở nhà chúng tôi cũng không thể chăm sóc bà đầy đủ. Ở trung tâm mẹ tôi được chăm sóc y tế, sinh hoạt tập thể như chơi thể thao, đọc sách, hoạt động văn nghệ, làm đồ thủ công…Những ngày lễ, tết có các hoạt động rất vui và ý nghĩa như tổ chức ngày hội chợ tết với tên gọi “Phiên chợ quê” cho các cụ và các gia đình có người thân đang an dưỡng tại Trung Tâm, các gia đình tham gia rất vui. Ở nhà mẹ tôi rất ít khi ra khỏi nhà, ngại giao tiếp vậy mà khi vào Trung tâm bà như được trẻ lại, bà hát bài “Đôi bờ” bằng tiếng Nga, điều mà con cháu chưa bao giờ nghe hoặc biết.  

Mẹ tôi là người tính khí thất thường, vui đó buồn đó, cũng khó chiều ngay khi ở nhà, giờ giấc ăn uống – sinh hoạt không khoa học, nhiều hôm nhịn ăn sáng hoặc ăn sáng muộn là bỏ bữa trưa. Vào Trung tâm sinh hoạt phải đúng giờ nên nhiều khi bà thấy khó chịu, đến giờ chưa muốn ăn làm các cháu phải thủ thỉ, dỗ dành rất nhiều. Chăm sóc các cụ cao tuổi mỗi người mỗi tính như làm dâu trăm họ rất áp lực, Tôi cảm phục tinh thần của các cháu, vì ngay cả chúng tôi là con cháu cũng không thể chu toàn hơn. 

Mẹ tôi bị tai biến, liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Khi vào trung tâm bà phải nhờ sự chăm sóc của các điều dưỡng viên từ xúc ăn, vệ sinh cá nhân và hỗ trợ phục hồi chức năng. Bà được các cháu chăm sóc và hỗ trợ phục hồi chức năng như kiểm tra huyết áp định kỳ, hỗ trợ các bài tập phản xạ, các phương pháp chống loét rồi khích lệ tinh thần, tạo tâm lý vui tươi, lạc quan. Đến giờ đã sang tháng thứ 6 ở Trung tâm, bà đã bước đi những bước đi đầu tiên, bà rất phấn khởi và các con cũng yên tâm công tác. 

Những hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các cụ làm gia đình phần nào tin yêu Diên Hồng hơn. Việc đưa cha mẹ vào các Trung tâm dưỡng lão với nhiều người là hành động “bất hiếu” điều đó làm tôi suy nghĩ mãi nhưng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tôi thấy việc gửi mẹ vào Trung tâm là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Tôi yên tâm khi ở đó có các thiết bị, có đội ngũ điều dưỡng viên chuyên nghiệp, có trách nhiệm và sẽ chăm sóc tốt hơn khi bà ở nhà. 

Cũng còn rất nhiều những kỷ niệm, những câu chuyện mẹ tôi được quan tâm, được chăm sóc mà tôi muốn nói và viết ra để cảm ơn các điều dưỡng ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cũng như để các gia đình khác có thể hiểu được phần nào những băn khoăn trăn trở khi đưa cha mẹ vào các viện dưỡng lão. 

 

 

Xem thêm

Những trái tim dũng cảm

Diên Hồng – Mỗi khi nhắc về nơi ấy, mình lại thổn thức bồi hồi. Diên Hồng như một chiếc công tắc khi ai hỏi, ai nhắc đến mắt mình lại sáng trưng để tự hào chia sẻ. 3 năm có lẻ, mình gắn bó, mình thương, mình khóc cười nơi ấy. Mỗi năm một dấu ấn, mỗi ngày một kỷ niệm, nhưng chắc điều mà mình nhớ nhất là đợt giãn cách xã hội năm 2021.

Trước khi chính phủ ban hành chỉ thị 19, toàn thể cán bộ nhân viên Diên Hồng đã nhận được lời “hiệu triệu” của Tổng giám đốc Đỗ Trần Hồ Thắng về việc “3 tại chỗ” tại trung tâm. Lời hiệu triệu như một tiếng chuông gióng lên khiến mọi người gác lại bộn bề công việc, lo toan gia đình sẵn sàng vác vali đến Diên Hồng.

Cô gái 23 tuổi chưa từng ở tập thể và mới lấy chồng nên cũng có những đắn đo, trăn trở. Nhưng rồi cô gái ấy cũng quyết tâm xếp hành trang xin phép bố mẹ chồng được vào ở trung tâm, kề vai sát cánh cùng mọi người “chống dịch”. 

14 ngày lại 14 ngày, gần 2 tháng chúng tôi cùng nhau trải qua những khoảnh khắc đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa và có thật nhiều kỷ niệm thật đẹp. Những lúc căng thẳng, thiếu người nhưng mọi người vẫn cố gắng chăm sóc các cụ thật tốt. Chẳng thể nào quên những giọt mồ hôi ướt đẫm áo dưới thời tiết nắng nóng đưa các cụ đi tiêm phòng. Hay hình ảnh cô điều dưỡng viên nhỏ nhắn cõng các cụ trên vai tuy bình dị nhưng lại thật lớn lao. 

Cũng lo lắng đấy, cũng căng thẳng đấy, nhưng mọi người đã có những giây phút sống chậm lại. Buổi chiều làm xong cùng nhau chơi tạt lon, nhảy dây, tối đến thì cùng nhau chơi Poker, pang pang. 2 tháng nhiều tiếng cười cũng nhiều nước mắt, ai cũng nhớ nhà nhớ con, ai cũng muốn về thăm gia đình. Hôm đó chú Thiệu bảo với mình: “Ơ chắc ở đây có mình Hải mới lấy chồng, cũng buồn mà chẳng thấy ai hỏi gì nhỉ”. Nghe chú nói vậy mình òa lên khóc nức nở vì tủi thân. Con người ta cũng buồn cười nhỉ, dễ khóc, dễ cười.

Mình vẫn nhớ như in giọng nói nghèn nghẹn và giọt nước mắt của Sếp Thắng khi gọi mọi người nói về kịch bản đỏ, kịch bản đen, và việc có thể cắt giảm lương của mọi người trước tình hình khó khăn. Điều mình thực sự thấy hạnh phúc, tự hào là tất cả mọi người đều đồng lòng khi đối mặt với khó khăn. Không ai phàn nàn, không ai oán trách, chỉ có những ánh mắt quyết tâm và nụ cười kiên cường. Một tinh thần Diên Hồng, đoàn kết chung tay chung sức chung lòng, sẵn sàng ứng phó. Giờ đây, khi nhìn lại những ngày tháng gian nan ấy, mình thấy cảm thấy vô cùng tự hào. Cảm ơn các siêu nhân, những người đã sát cánh bên nhau trong suốt hành trình đầy gian nan. Cảm ơn đã cùng nhau cố gắng để gặt những thành quả ngọt ngào!

Xem thêm

Viện dưỡng lão Diên Hồng và Autowells ký kết hợp tác thử nghiệm thiết bị theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi

Ngày 16/4/2024, một sự kiện hợp tác mang tính đột phá đã diễn ra giữa Viện dưỡng lão Diên Hồng và Autowells. Hai bên đã chính thức ký kết hợp tác về việc thử nghiệm các thiết bị theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi không ràng buộc, không giới hạn dựa trên vi rung cơ thể con người (FHV*) và AI (trí tuệ nhân tạo) sử dụng BCG (điện tâm đồ đạn đạo). Thiết bị cảm ứng sẽ được đặt dưới đệm tùy theo từng bệnh nhân và có thể đo các tín hiệu sinh học với độ chính xác cao ngay cả khi ở nhiều tư thế, đồng thời cảnh báo đến các thiết bị theo dõi khi có bất thường.

Đại diện Diên Hồng và đại diện Autowells ký biên bản ghi nhớ hợp tác

Sự hợp tác này đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam nói chung và Diên Hồng nói riêng. Thiết bị theo dõi sức khỏe của Autowells được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người cao tuổi, bao gồm:

  • Theo dõi sức khỏe liên tục và chính xác: Thiết bị có thể theo dõi các dấu hiệu sức khỏe quan trọng của người cao tuổi 24/7, giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.
  • Không ràng buộc, không giới hạn: Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, nhẹ nhàng và thoải mái khi đeo, không gây bất kỳ cản trở nào cho người sử dụng.
  • Dễ sử dụng: Thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại nhưng dễ dùng, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Tiết kiệm chi phí: Thiết bị giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi bằng cách theo dõi sức khỏe từ xa và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.

Triển khai lắp thử nghiệm thiết bị theo dõi trên các giường chăm sóc đặc biệt

Viện dưỡng lão Diên Hồng được đánh giá cao là một trong những cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi có quy mô và uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Việc hợp tác với Autowells sẽ giúp Diên Hồng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hy vọng sau thời gian thử nghiệm tại Diên Hồng, sản phẩm sẽ sớm được đưa vào sử dụng rộng rãi để có thể cải thiện quá trình theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi được nhanh chóng và chính xác.

Xem thêm

Diên Hồng Cup: Sân chơi thể thao chào mừng sinh nhật 10 tuổi

Trong không khí hân hoan chào đón kỷ niệm 10 năm thành lập Diên Hồng, một giải thể thao đặc biệt đã được diễn ra để tôn vinh tinh thần thể thao trong tập thể. Với sự tham gia nhiệt tình của gần 200 cán bộ nhân viên, Diên Hồng Cup không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu mà còn là cơ hội để các đội cọ sát, thi đấu và thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng.

Diên Hồng Marathon – chặng đua nhiều cảm xúc

Diên Hồng Marathon không chỉ là một cuộc thi chạy đơn thuần mà còn là biểu tượng cho sự quyết tâm và sức mạnh. Với 2 cự ly thi là 4500m và 1500m đã thu hút đông đảo cán bộ nhân viên tham gia. Mặc dù tổ chức vào lúc sáng sớm, thời tiết không thuận lợi nhưng cũng không ngăn được bước chân của các vận động viên.

Cô Lan – tạp vụ tại cơ sở 2, dù đã gần 50 tuổi nhưng bằng sự quyết tâm và bản lĩnh, cô đã chuyển từ cự ly 1500m sang 4500m ngay trước giờ thi đấu và xuất sắc vượt qua nhiều vận động viên trẻ tuổi hơn.

 

Anh Lê Bắc, dù đối mặt với chấn thương, nhưng anh vẫn hoàn thành hạng mục 4500m với thành tích đáng nể và đem về cho mình một huy chương đồng. Không chỉ có họ, mà cả các vận động viên từ cơ sở 5, dù đường sá xa xôi nhưng đã sớm có mặt để cổ vũ và tham gia cuộc đua. Bất ngờ hơn có đến 6/7 vận động viên đăng ký ở cự ly 4500m.

Đặc biệt, đường đua năm nay còn có sự tham gia của người thân các cụ. Bạn Đăng Quân, cháu của một cụ bà đang an dưỡng tại trung tâm cũng đã đăng ký cho mình cự ly 4500m và xuất sắc giành được chiếc huy chương bạc.

Nhiều cán bộ nhân viên dù chưa đạt được giải nhưng họ cũng là người thắng cuộc khi vượt qua được giới hạn của bản thân.

Giải bóng đá – kịch tính trên từng đường bóng lăn

Trước khi đến với trận đấu, 5 cơ sở và văn phòng tổng được bốc thăm chia thành 3 đội. Sau đó các đội thi đấu vòng tròn tính điểm. 6 đội với 8 ngày thi đấu đã thu hút sự chú ý của mọi người với những pha bóng kịch tính, căng thẳng và sôi động

Đội nữ 1 và 3 đã chứng tỏ tài năng của mình khi giành vé vào chung kết chỉ sau 2 trận vòng loại. Trong trận chung kết bằng sức mạnh, sự khéo léo các cầu thủ nữ đội 1 đã 3 lần làm rung lưới đối phương mang về chiến thắng chung cuộc với tỉ số 3-2. Giải thưởng Vua phá lưới thuộc về điều dưỡng Nguyễn Hiền – cơ sở 1 với những đường bóng căng, dứt khoát và 3 lần đưa bóng vào gôn đội bạn.

Đội nam cũng đã gây ấn tượng sâu sắc với khán giả bằng những bàn thắng quyết định từ 3 đội. Đặc biệt là màn lội ngược dòng của đội 1, giúp họ tiến vào chung kết giữa một khe cửa hẹp. Trận chung kết đội nam được diễn ra căng thẳng nhưng cũng không kém phần thú vị và hài hước. Sau 60 phút thi đấu ngôi vị quán quân đã thuộc về đội 2 với tỉ số ấn định 4-1.

Diên Hồng Cup kết thúc nhưng niềm vui và dư âm vẫn còn trong lòng mỗi người. Đây không chỉ là một sân chơi thể thao mà còn là dịp để mọi người cùng nhau tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ.

Xem thêm

Chuyện tình đẹp của vợ chồng Hà Nội cùng đi viện dưỡng lão

(Dân trí) – Ông Hiểu và bà Sơn đã bên nhau 56 năm, vượt qua mọi khó khăn để cùng nắm tay đi đến cuối con đường. Về già, sức khỏe yếu dần, ông bà chuyển đến sống ở viện dưỡng lão, cưới lại lần nữa.

Trong đêm nhạc mang tên “Bản tình ca mùa đông – Ngày chung đôi” diễn ra tối 17/12, người dẫn chương trình đọc một bức thư tình xúc động.

“Anh nuối tiếc không cho em một đám cưới trọn vẹn. Anh ước gì mình cố gắng hơn, khấm khá hơn, để em được là người hạnh phúc nhất thế gian”.

Lời vừa dứt, ông Nguyễn Gia Hiểu (87 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (80 tuổi, Hà Nội) được người thân dìu lên sân khấu. Trong bộ váy cưới màu trắng, bà Sơn cười hạnh phúc bên người bạn đời hơn nửa thế kỷ.

Sau 56 năm, ông bà một lần nữa được làm cô dâu – chú rể. Đám cưới do trung tâm dưỡng lão cùng nhóm sinh viên tổ chức. Trong khoảnh khắc xúc động, ông tặng hoa, trao bà nụ hôn nhẹ nhàng.

Khi được hỏi “hôm nay bà Sơn xinh không?”, cụ ông bẽn lẽn nói “bà xinh lắm”. Cô dâu cũng tấm tắc khen chú rể “lúc nào cũng phong độ”. Cả hai như sống lại những ký ức đám cưới, mừng rỡ và hạnh phúc khôn xiết.

Trên sân khấu đêm nhạc, bà Sơn kể lại chuyện tình và đám cưới chỉ có chậu rửa mặt và bánh xà phòng.

Hai người quen nhau khi cùng học chung khóa 1961, tổ 2, chuyên ngành vô tuyến điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trước đó, ông Hiểu là công nhân sửa đèn đường cho thành phố.

“Trên giảng đường, chỗ nào không hiểu bài, tôi được ông chỉ bảo và giảng lại tận tình”, bà Sơn nhớ lại.

Ông Hiểu tiết lộ đã thích người bạn đời từ cái nhìn đầu tiên. Còn bà yêu ông từ những lần cả hai chọn hội trường Đại học để tâm sự và giảng bài cho nhau.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cặp đôi tổ chức đám cưới đơn giản vào ngày 20/1/1967. Tiết trời giá lạnh, chiếc áo dài hay áo len khoác ngoài đều được bà Sơn mượn từ người bạn thân.

Khách mời chỉ có gia đình hai bên, họ hàng và một số bạn bè, được tổ chức vỏn vẹn trong căn nhà nhỏ bao cấp của ông Hiểu. Thay vì rước dâu, bà Sơn tự sang nhà chồng để tổ chức đám cưới.

Điều bà nhớ nhất là đám cưới nghèo chỉ có quà cưới là chậu rửa mặt và bánh xà phòng thơm.

Do thực hiện chủ trương sinh nở có kế hoạch, cặp vợ chồng son khi đó chưa vội sinh con. Một năm sau, chiến tranh chia cắt họ. Bà Sơn tham gia chiến trường, nhận công việc thường trực thông tin, còn ông Hiểu ở lại trường giảng dạy, sau sang Hungary du học.

Trong 6 năm từ 1968 đến 1974, họ tạm xa nhau, chỉ liên lạc qua những bức thư tay. Ngày đất nước hòa bình, họ tìm được nhau, xây dựng hạnh phúc và sinh hai cô con gái.

Hai người con trưởng thành đều định cư ở nước ngoài, vợ chồng già chuyển đến sống tại một cơ sở của trung tâm dưỡng lão cao cấp ở Hà Nội. Tại đây, ông bà vẫn luôn dành cho nhau những cử chỉ yêu thương và quan tâm.

Khi nghe về ý tưởng đêm nhạc kỷ niệm 56 năm ngày cưới của bố mẹ, chị Đức (con gái lớn) rất hưởng ứng. Chị đã nhờ gia đình bạn thân đến tham dự và mua một món quà nhỏ chúc mừng bố mẹ.

“Tôi rất xúc động khi bố mẹ vẫn khỏe mạnh và yêu thương nhau”, chị nói.

Trên sân khấu, bà Sơn cũng bày tỏ xúc động, cảm ơn trung tâm dưỡng lão, cảm ơn khán giả – những người bà chưa hề gặp, nhưng đã đến chúc mừng hạnh phúc vợ chồng bà.

Là một trong những người tham gia đêm nhạc kỷ niệm 56 năm ngày cưới của ông Hiểu và bà Sơn, chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ trung tâm dưỡng lão, nói rất xúc động trước chuyện tình của ông bà.

Trải qua bao năm tháng khó khăn đến cuối con đường, ông bà vẫn hạnh phúc có nhau. Ai cũng mong ước sau này về già được như ông bà.

“Hôm đó thời tiết Hà Nội rất lạnh nhưng mọi người như được sưởi ấm bởi tình cảm của ông bà, nhiều bạn xúc động không kìm được nước mắt”, chị Hà nói.

Trên mạng xã hội, chuyện tình và đám cưới thời bao cấp của ông bà khiến nhiều người thổn thức.

“Ngày chung đôi chính là ngày ông bà cưới lại lần nữa. Ông bà thật đẹp đôi, chúc ông bà nhiều sức khỏe, mãi hạnh phúc bên nhau”, một tài khoản bình luận.

“Thật sự rất ngưỡng mộ tình yêu hơn nửa thế kỷ của ông bà. Dù mắt đã mờ chân đã mỏi nhưng tình cảm mà ông bà dành cho nhau vẫn mãi như ngày đầu tiên”, một người khác viết.

Theo báo Dân Trí

Xem thêm

Chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò đầy cảm xúc của người cao tuổi tại viện dưỡng lão Diên Hồng

Nhân ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, người cao tuổi tại viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 đã có một chuyến tham quan đầy ý nghĩa đến Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Đoàn tham quan chụp ảnh kỷ niệm tại nhà tù Hỏa Lò

Trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng tại đài tưởng niệm, các ông bà đã trầm mình dâng hương để tri ân những anh hùng, những người liệt sĩ đã hy sinh vì sự độc lập và tự do của Tổ quốc.

Dâng hương tại đài tưởng niệm

Sau khi dâng hương các ông bà tiến vào tham quan từng khu vực của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi mà thực dân Pháp từng giam giữ và tra tấn những người con yêu nước của dân tộc. Mỗi người trong đoàn đều tràn ngập nỗi xúc động và nghẹn ngào khi đối diện với những hình ảnh, vật dụng còn lại tại nhà tù. Đặc biệt, bà Biển đã nhận ra một người đồng nghiệp từng cùng chồng bà chia sẻ những ký ức đau thương trong quá khứ.

Chiến tranh có thể đã trôi qua, nhưng những dư âm, nỗi đau của nó vẫn âm ỉ trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Sự may mắn khi được sống và trưởng thành trong thời bình không thể phủ nhận. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần biết trân trọng và gìn giữ những gì mình đang có.

Chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò không chỉ giúp các ông bà hoài niệm về quá khứ chiến tranh bom đạn, mà còn là cơ hội để lớp trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử. Để nhớ về những hy sinh của những người đi trước và để giữ lửa lòng yêu nước, tôn trọng hơn những giá trị quý báu mà chúng ta đang có. Chúng ta là những người may mắn, và trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ sau.

Xem thêm

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng ký kết hợp tác cùng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa

Ngày 16/11/2023 tại Diên Hồng cơ sở 4 đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng và Trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Bách khoa.

Tham dự buổi lễ có ông Đỗ Trần Hồ Thắng – Tổng Giám đốc trung tâm. Bà Trần Thị Thuý Nga – Phó Tổng Giám đốc trung tâm. Cùng ban giám đốc cơ sở 4, đại diện các phòng ban và người cao tuổi đang an dưỡng tại trung tâm. Về phía nhà trường có TS Lê Kim Dung Hiệu trưởng nhà trường; Ths Hà Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Cô Phạm Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện các phòng ban chức năng.

Với mục đích khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện học tập tốt hơn cho sinh viên đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa trung tâm và nhà trường, hai bên đã thông qua các hạng mục hợp tác để thúc đẩy mối quan hệ ngày càng phát triển.

Cụ thể hai bên nhất trí gửi và tiếp nhận sinh viên chuyên ngành điều dưỡng, sơ cấp hộ lý đến thực hành, thực tập tại cơ sở. Phối hợp tổ chức cho cán bộ của hai bên đến tham quan, nghiên cứu thực tế, đào tạo hoặc tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Đồng thời nhất trí trao đổi, chia sẻ việc áp dụng các mô hình hoặc giáo cụ trực quan trong đào tạo sinh viên và chia sẻ thông tin chuyên môn, tài liệu, giáo trình.

Phát biểu tại buổi lễ Anh Đỗ Trần Hồ Thắng nhận định sau hợp tác lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển và đi đến hợp tác sâu hơn, rộng hơn về sau này.

TS Lê Kim Dung cũng bày tỏ ấn tượng sâu sắc khi đến Diên Hồng bởi những giá trị mà Diên Hồng đang theo đuổi cũng như mang lại cho người cao tuổi. Bên cạnh đó cô còn ấn tượng bởi sự gần gũi của Cán bộ nhân viên Diên Hồng. Bởi vậy dù mới gặp 1 lần nhưng nhà trường đã quyết định gửi gắm sinh viên của mình. 

Xem thêm

Những ông bà độc thân tìm được hạnh phúc trong viện dưỡng lão

Sau bao nhiêu năm sống một mình, nhiều ông bà không vợ/chồng, không con cái đã lựa chọn viện dưỡng lão Diên Hồng làm nơi an hưởng tuổi già và đối với bà, đây là lựa chọn đúng đắn cho chương cuối cuộc đời.

Bà Quý không kết hôn để được chăm sóc mẹ cả đời

Đang ngồi trên giường, bà Quý vừa tỉ mẩn cắt từng miếng quả bơ mà người em trai gửi vào vừa buôn chuyện với các bà bạn trong phòng. Thi thoảng các bà lại cười phá lên vì những phát biểu thật thà của bà Quý. Bà Quý sinh ra trong gia đình có hai người em trai và một người em gái. Lúc còn trẻ bà đi lên Lục Ngạn, Hà Bắc (hiện là tỉnh Bắc Giang) để trồng mía, xây dựng kinh tế mới. Bố của bà lên thăm con thấy vất vả quá nên xin cho bà vừa học vừa làm ở một thư viện. Sau đó, bà thấy tình yêu với các em bé nên lại chuyển sang làm ở trường mầm non. Sau khi các anh em trong nhà kết hôn và ra ở riêng, bà sống cùng với bố mẹ. Vì yêu mẹ già, thương mẹ, muốn được chăm sóc mẹ cho trọn nghĩa trọn tình nên bà Quý từ chối kết hôn để ở nhà với mẹ. Sau này khi cả bố và mẹ ra đi, bà mới bị hụt hẫng, buồn tủi. Bà Quý tâm sự: “Các anh em trong nhà đã có gia đình riêng lại không ở gần nên tôi luôn sống một mình. Khu tôi sống lại ít người già nên bản thân mình luôn cảm thấy cô đơn. Những lúc mưa gió bão bùng ngập nước tôi cảm thấy lo lắng vô cùng. Trộm nghĩ nếu lỡ có vấn đề gì thì cũng không biết gọi ai.”

Những cô đơn, buồn tủi của bà Quý đã dừng lại sau cánh cửa viện dưỡng lão. Cho đến bây giờ bà Quý vẫn luôn cảm thấy may mắn và thầm cảm ơn người em trai tìm được và đưa bà đến Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Bao khó nhọc đã qua đi, giờ đây bà tìm được niềm vui bên những người bạn già cùng phòng. Nhiều khi chẳng cần phải ra khỏi chỗ, cứ mỗi người 1 giường nói chuyện với nhau cũng đủ thấy vui rồi.

Ông Bách mải công việc quên lấy vợ

Khi gặp ông Bách, tôi bị ấn tượng bởi vẻ ngoài ngầu, mái tóc ngố và cặp kính thời trang chống bụi. Ông có vẻ như một nhà khoa học với ánh mắt sáng, lương thiện và luôn sẵn sàng cười. Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh và trải qua những khó khăn trong nạn đói lịch sử năm 1945. Sau đó, ông đến Hà Nội để học tập và di cư vào Nam để theo học tại Đại học Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về dạy toán tại một trường trung học phổ thông tại Bến Tre. Ông chia sẻ rằng dạy học ở miền Nam không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông đã mải mê học tập và quên mất chuyện tìm vợ.

Sau khi về hưu sớm, ông chuyển vào chùa Phật Tích ở Bắc Ninh. Đến khi sức khỏe trở nên yếu hơn, ông được người thân gửi vào Diên Hồng. Cuộc sống được chăm lo đủ đầy giúp ông vơi bớt những lo lắng thường nhật về sức khỏe, ăn uống. “Thoải mái, khoan khoái, không có kẻ thù”, ông nhấn mạnh. Không tích cóp được nhiều tiền dưỡng già nhưng may mắn là các cháu lo lắng và hỗ trợ. Không biết ngày mai như thế nào, ông tâm niệm cứ sống hết mình trong hiện tại là đủ rồi.

Tôi nhận ra rằng ông là một kho tri thức về lịch sử, triết học, khoa học và dược học thông qua cuộc trò chuyện với ông. Ông có thể kể chuyện về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thế kỷ 20, một cách say mê và sinh động. Những câu chuyện về vua Bảo Đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ông Trần Văn Giàu được ông kể bằng cách thức sống động khiến những người trẻ như chúng tôi bị cuốn hút. Ông cũng nói tiếng Pháp thành thạo và hàng ngày ông cùng hai người bạn là ông Cảnh và ông Toàn “buôn chuyện” bằng tiếng Pháp, khiến chúng tôi chỉ biết cười nhìn nhau. Có lúc ông nói về chúng tôi mà chúng tôi không biết được. Cách ông nhìn nhận cuộc sống và con người cũng đáng để học hỏi. Ông dạy chúng tôi rằng “Chúng ta phải sống hòa hợp với mọi người xung quanh, không tỏ ra kiêu căng, không khinh thường người khác và nếu có thể, hãy giúp đỡ người khác.”

Không phải ai cũng có được một cuộc đời suôn sẻ nhưng sự sống vốn dĩ đã là một món quà tuyệt đẹp và vô giá mà Đấng tạo hóa dành cho mỗi người. Vậy nên chúng ta cứ tận hưởng giây hiện tại nhất là đối với những người cao tuổi còn không hiểu thời gian để sống để có được an yên và hạnh phúc.

Xem thêm

Xin chào tuổi già

Nhiều người thường lo lắng về tương lai của mình, đặc biệt là khi họ trưởng thành và già đi. Tuy nhiên, khi tuổi già đến, chúng ta có thể tìm thấy những hạnh phúc mà tuổi trẻ không có được.

Thứ nhất khi về già, con người ta không còn phải lo lắng về sự thành công hay áp lực của xã hội như khi còn trẻ. Thay vào đó, chúng ta có thời gian để dành cho bản thân mình. Làm những điều mà mình thực sự yêu thích. Khám phá sở thích mới, phát triển kỹ năng mới, thực hiện những dự án mới. Hoặc dành thời gian bên gia đình, bạn bè.

Thứ hai, khi về già chúng ta sẽ là một kho tàng kiến thức và kinh nghiệm sống quý báu. Vì vậy chúng ta sẽ trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho những người trẻ tuổi bằng cách chia sẻ những câu chuyện, bài học tích cực. Từ đó tạo ra ảnh hưởng tích cực và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Tuổi già đến bạn có thể tìm thấy một cộng đồng những người cùng tuổi. Bạn có thể tham gia vào các câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện. Hoặc tham gia các khóa học và hoạt động mà mình quan tâm. Qua đó có thể gặp gỡ và kết nối với những người có cùng sở thích giúp đời sống tinh thần thêm phong phú. Bên cạnh đó việc tham gia các hoạt động xã hội còn giúp bạn có thêm những người bạn mới và xây dựng mối quan hệ xã hội bền vững.

Thứ 4, tuổi già sẽ giúp chúng ta bình an trong tâm hồn. Đôi khi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống lại khiến ta hài lòng và vui vẻ cả ngày. Chúng ta trân trọng và nâng niu những gì đang có dù nó chỉ là một khoảnh khắc giản đơn. Và cảm thấy hài lòng với những gì mình có.

Khi tuổi già đến, có thể có những hạn chế về sức khỏe và thể chất. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Chúng ta có thể tập trung vào những hoạt động yêu thích, dành thời gian cho bản thân. Duy trì một lối sống lành mạnh, tạo ra môi trường tích cực. Khi đó chúng ta có thể thấy rằng tuổi già không phải là một cái kết, mà là một khởi đầu mới để khám phá và trải nghiệm những niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.

Xem thêm

Muôn kiểu băn khoăn có nên đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão

Lo lắng không biết bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão có dễ hòa nhập không, bố mẹ có được chăm sóc tốt không cũng như những định kiến của anh em, họ hàng đã khiến nhiều người hoang mang về việc gửi cha mẹ vào dưỡng lão.

Nhiều người mong muốn đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão nhưng phải đấu tranh không chỉ với anh chị em trong nhà mà bản thân họ cũng có nhiều mâu thuẫn nội tâm. Sống ở viện dưỡng lão có thể là trải nghiệm mới mẻ với nhiều người nên dễ khiến họ băn khoăn.

Thực tế, quyết định về việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân, bao gồm sức khỏe, yêu cầu cuộc sống, tình trạng tài chính và mong muốn của cha mẹ. Nếu cha mẹ cần được chăm sóc và hỗ trợ hàng ngày và không có ai trong gia đình có thể làm điều đó, viện dưỡng lão có thể là một lựa chọn tốt. Ở đây cung cấp môi trường an toàn và chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.

Ở trung tâm dưỡng lão người già được sống tốt hơn

Tuy nhiên, viện dưỡng lão có thể sẽ tăng thêm 1 khoản chi phí đương đối lớn với các gia đình. Cha mẹ có thể phải chuyển từ nơi ở của họ hoặc từ môi trường quen thuộc. Đối với các ông bà khỏe mạnh, mức phí ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng từ 7.800.000đ đến 8.500.000đ nếu ở phòng tập thể. Nếu ở phòng riêng thì chi phí ở mức từ 11.000.000đ đến 15.000.000đ. Vì vậy, nếu đang có ý định gửi cha mẹ vào dưỡng lão, chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố trước khi quyết định.

Trên tất cả, quan trọng nhất là đảm bảo rằng cha mẹ của chúng ta có đủ chăm sóc và hỗ trợ cần thiết để có một cuộc sống tốt và an toàn và nhất là sức khỏe tinh thần. Đôi khi việc sống chung với các con trong khi con cháu bận rộn không dành được nhiều thời gian cho cha mẹ hoặc xung quanh hàng xóm ít người già thì việc sống chung với những người bạn cùng lứa tuổi sẽ là một lựa chọn tốt.

Nhiều người cũng e ngại việc đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão là bất hiếu. Thực tế không phải mọi việc mà con cái làm cho bố mẹ của họ là bất hiếu. Chỉ khi gửi bố mẹ vào dưỡng lão, chúng ta mới biết rõ thực sự cuộc sống ở dưỡng lão như thế nào. Chính những người chưa có hiểu biết rõ về dưỡng lão mới đưa ra những ý kiến tiêu cực.

Quan trọng nhất không phải là ở mong muốn của con cháu mà là ở tâm tư nguyện vọng của cha mẹ. Quyết định về việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão cần phải được thảo luận với bố mẹ và các thành viên trong gia đình để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều đồng ý và hiểu rõ những lợi ích và hạn chế của viện dưỡng lão. Trong trường hợp cần thuyết phục cha mẹ, hãy để ông bà được trải nghiệm thử để có góc nhìn đúng đắn.

Điều quan trọng nhất không phải là việc nên đưa cha mẹ vào dưỡng lão hay không mà là ở đâu là tốt nhất cho bố mẹ mình. Khi mọi quyết định xuất phát từ hiểu biết và thương yêu thì cha mẹ mới có thể hạnh phúc.

Xem thêm