Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Già cậy… viện dưỡng lão (Bài 2)

Không còn tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con” như trước đây, ngày càng nhiều người già thích vào sống tại các trung tâm dưỡng lão để an hưởng tuổi già.

Bài 2: Niềm vui ở viện dưỡng lão

 Coi viện dưỡng lão như ngôi nhà thứ hai của mình

Sau 11 năm chồng mất cũng là khi 6 người con đã trưởng thành, có gia đình riêng, cụ Nguyễn Thị Biển (quận Hà Đông, Hà Nội) đã chọn một viện dưỡng lão ở ngoại thành Hà Nội làm ngôi nhà thứ hai của mình.

Ở tuổi 94 nhưng cụ vẫn minh mẫn, lạc quan và tự chủ trong mọi việc.

Trong căn phòng rộng chừng 30m2, cụ Biển sống cùng một cụ bà khác. Mọi thứ đều được bài trí ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi như tivi, tủ lạnh, phòng vệ sinh khép kín.

Đưa cha mẹ vào sống trong viện dưỡng lão, cuối tuần đón cha mẹ về nhà chơi đang là lựa chọn của nhiều gia đình.

Cụ tâm sự, từ ngày cụ ông mất, cụ sống một mình, tự chăm sóc bản thân, chăm sóc vườn tược. Đến khi bị bệnh tuổi già (đau thần kinh hông; dạ dày…) cụ đều tự mình đi taxi vào, ra bệnh viện. Thấy tình trạng của mẹ như vậy không ổn, các con đã gom góp tiền gửi mẹ vào viện dưỡng lão.

“Sau gần 5 năm sống ở viện dưỡng lão, giờ tôi coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Hồi đầu, để tôi đỡ buồn, tuần nào các con, cháu cũng đến chơi. Sau này, khi dần quen cuộc sống ở đây, tôi bảo các con không phải đến thường xuyên mà thu xếp thời gian vào lúc nào cũng được.

Cuối tháng tôi lại được các cháu đón về nhà chơi. 5 năm qua tôi đều ăn tết tại trung tâm, vì ở đây vui hơn, có nhiều hoạt động thú vị hợp tuổi già”, cụ Biển phấn khởi cho biết.

Cụ Nguyễn Thị Biển (thứ 3 từ phải sang) cảm thấy vui và khỏe mạnh hơn sau 5 năm sống trong trung tâm dưỡng lão.

Theo cụ Biển, ở viện dưỡng lão, các cụ được chăm sóc sức khỏe và phục vụ ăn uống rất khoa học.

Hằng ngày, các cụ dậy sớm tập thể dục, được đo huyết áp, giờ ăn, giờ ngủ, sinh hoạt điều độ; các món ăn được chế biến phù hợp người già, được tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu, trò chuyện, chia sẻ giữa những người bạn già nên các cụ thấy rất thoải mái, vui và khỏe hơn.

“Nếu có điều kiện, các cụ nên vào viện dưỡng lão, vừa sướng thân mình, vừa giải phóng sức lao động cho con, cháu, để chúng có cơ hội phát triển sự nghiệp…”, cụ Biển chia sẻ.

Là người ở trung tâm dưỡng lão đã lâu, cụ ông Nguyễn Như Ngà (96 tuổi, phố Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, vợ chồng cụ có hai người con, một trai một gái. Người con trai đang công tác tại TPHCM, con gái sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Cụ bà hiện ở cùng người con trai tại TPHCM.

Các hoạt động thể dục và sinh hoạt điều độ ở viện dưỡng lão đã làm cho sức khỏe thể chất, tinh thần của các cụ được nâng cao.

Trước đây, cụ sống một mình, tự phục vụ bản thân do đã quen nếp sống trong quân đội (cụ Ngà nguyên là Thiếu tướng quân đội, nghỉ hưu đã 30 năm). Tuổi ngoài 80, cụ vẫn có thể đi du lịch nhiều nơi, cả trong và ngoài nước.

Bước sang tuổi 90, bị huyết áp cao, mấy lần gần như đột quỵ, rất nguy hiểm nên các con không yên tâm, muốn thuê người giúp việc nhưng cụ không muốn phiền hà.

Sau đó, các con tìm đã tìm đến viện dưỡng lão và đưa cụ vào. “Sống ở đây, có đội ngũ y tá trực 24/24 sẵn sàng xử lý những tình huống bất ngờ, thực hiện thăm khám hàng ngày, đo huyết áp 3 lần/ngày. Khi huyết áp lên cao được y tá cho uống thuốc nên rất yên tâm”, cụ Ngà chia sẻ.

Nơi góc phòng ở viện dưỡng lão hướng thẳng ra cánh đồng ở khu đô thị đầy ánh sáng, cụ Ngà bảo ở đây không khí trong lành thích hợp an hưởng tuổi già.

Hàng ngày, cụ thực hành lối sống lành mạnh, tập thể dục, tập khí công, thiền, đọc sách, ăn uống thực dưỡng và đặc biệt luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi dịp lễ, tết, 27/7, 22/12 hay sinh nhật… cụ đều được trung tâm tổ chức sự kiện, giao lưu đọc thơ, hát… nên rất vui.

Sống ở viện dưỡng lão, các cụ không chỉ được chăm sóc sức khoẻ, sinh hoạt điều độ mà còn được tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân những ngày lễ của riêng mình.

Các hoạt động thể dục và sinh hoạt điều độ ở viện dưỡng lão đã làm cho sức khỏe thể chất, tinh thần của các cụ được nâng cao.

Như cặp đôi ông bà Nguyễn Gia Hiểu (88 tuổi), Nguyễn Thị Sơn (81 tuổi) là ví dụ. Sống bên nhau 56 năm, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để nuôi dạy các con trưởng thành.

Về già, do con cái bận công việc, sức khoẻ yếu dần, để không phiền con, cháu hai cụ đã đến sống tại trung tâm dưỡng lão cao cấp ở Hà Nội. Nhân kỷ niệm 56 năm ngày cưới của hai cụ, Trung tâm dưỡng lão tổ chức “Lễ cưới kim cương” cho hai cụ.

“Thật xúc động khi chúng tôi sau 56 năm lại được làm cô dâu, chú rể một lần nữa”, bà Sơn nói.

Khi nghe trung tâm nói về ý tưởng tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 56 năm ngày cưới của bố mẹ, chị Đức (con gái lớn hiện sinh sống ở nước ngoài) rất hưởng ứng. Chị nhờ bạn thân đến tham dự và gửi quà chúc mừng bố mẹ.

“Tôi rất vui và xúc động khi thấy bố mẹ luôn khỏe mạnh và yêu thương nhau”, chị Đức nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

9 + one =