Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Chuyện những người vượt hàng nghìn km, khoá cửa nhà, rời con cháu vào ở viện dưỡng lão

Cụ bà vượt hàng nghìn km từ TP.HCM ra Hà Nội ở viện dưỡng lão

Đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 3, bà Đào Thị Dung (87 tuổi) thức dậy ở Viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội). Bà cùng mọi người gấp gọn chăn màn, ăn đồ ăn nhẹ xong liền cầm điện thoại gọi cho con gái đang sinh sống tại quận 2, TP.HCM.

Chuyện những người vượt hàng nghìn km, khoá cửa nhà, rời con cháu vào ở viện dưỡng lão- Ảnh 1.

Bà Đào Thị Dung vui vẻ sau 2 năm sinh sống ở viện dưỡng lão. Ảnh: Ngọc Hải

Thấy mẹ gọi, đầu dây bên kia liền trả lời: “Con nghe này má, má đang làm gì đó?”. Lúc này bà Dung vui vẻ trả lời: “Má vừa dậy, ba dậy chưa con?”. Người con gái nhanh nhảu: “Ba vừa dậy, giờ con cho ba dậy vệ sinh cá nhân rồi uống sữa. Má nay có gì vui gọi cho con à?”. Bà Dung cười vui: “Má nhớ thì má gọi thôi”… Cuộc hội thoại của hai mẹ con bà Dung cứ thế kéo dài ít phút rồi bà dừng bảo gọi sau vì có khách ghé thăm.

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Dung kể đã ở viện dưỡng lão đến nay 2 năm. Cũng từng ấy thời gian bà rời xa người chồng năm nay 93 tuổi và con cháu để đến đây sống những năm tháng còn lại của cuộc đời.

“Sở dĩ tôi đến viện dưỡng lão vì cả tôi và chồng sức khoẻ đều đã yếu, nằm một chỗ. Vợ chồng tôi có hai con gái, con gái đầu đang sinh sống làm việc ở nước ngoài. Tôi không muốn cha mẹ già thêm gánh nặng để con vất vả. Con còn công việc, các cháu nữa”, bà Dung chia sẻ.

Chuyện những người vượt hàng nghìn km, khoá cửa nhà, rời con cháu vào ở viện dưỡng lão- Ảnh 2.

Hàng ngày bà Dung vẫn thường xuyên gọi điện trò chuyện vui vẻ với con gái để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của chồng. Ảnh: Ngọc Hải

Chính vì thế, cách đây 2 năm, sau khi tìm hiểu kỹ bà đã vượt quãng đường hàng nghìn km ra Hà Nội sinh sống. Những tưởng sẽ buồn vì những ngày đầu không quen môi trường, cuộc sống mới nhưng bà Dung bắt nhịp rất nhanh. Bà ở cùng với 7 bà cụ khác một phòng. Tại đây, các bà hàng ngày cùng sinh hoạt, ăn uống và nhiều hoạt động thể dục, thể thao vui vẻ với nhau khiến bà nhanh chóng quên đi nỗi nhớ nhà, con cháu.

Chuyện những người vượt hàng nghìn km, khoá cửa nhà, rời con cháu vào ở viện dưỡng lão- Ảnh 3.

Bà Dung tham gia thi hoa hậu cao niên. Bộ trang phục bằng túi nilon do chính bà thiết kế. Ảnh: NVCC

Chuyện những người vượt hàng nghìn km, khoá cửa nhà, rời con cháu vào ở viện dưỡng lão- Ảnh 4.

Bà Dung đã giành giải hoa hậu cao niên năm 2022. Ảnh: NVCC

“Ở đây tôi có thói quen ăn ngủ đúng giờ giấc, có phòng chức năng luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt mỗi dịp lễ, Tết hay ngày nào đó chúng tôi được tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ rất vui vẻ. Có năm tôi còn được hoa hậu cao niên. Mọi người trong phòng đều cao tuổi có việc gì quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Ngoài ra, các nhân viên trung tâm cũng rất quan tâm nên tôi rất vui, con cháu ở nhà cũng yên tâm. Những lúc nhớ nhà tôi lại gọi điện hỏi thăm con cháu tình hình sức khoẻ của chồng ở nhà”, bà Dung tâm sự.

Chuyện những người vượt hàng nghìn km, khoá cửa nhà, rời con cháu vào ở viện dưỡng lão- Ảnh 5.

Bà vui vẻ khi chia sẻ với PV Dân Việt. Ảnh: Ngọc Hải

Bà Dung cho hay, kể từ khi ở viện dưỡng lão, bà thấy quyết định ấy của mình hoàn toàn chính xác. Bà thấy thoải mái hơn và con cháu cũng bớt phải lo lắng cho mình. Tết Nguyên đán vừa qua, bà trải qua một trận ốm nên không về quê ăn Tết cùng chồng con. Qua Tết bà được con cháu đón về quê vui chơi ít ngày rồi lại quay trở lại trung tâm. Bà cũng có ý định đón chồng vào viện dưỡng lão ở cùng nhưng do sức khoẻ ông quá yếu nên việc di chuyển xa vô cùng khó khăn.

“Trước đây nhiều người hay quan niệm để cha mẹ vào viện dưỡng lão không chăm sóc là con bất hiếu. Tôi cho rằng đây là suy nghĩ sai lầm, giờ phải nghĩ con cháu có hiếu mới đưa mình vào đây. Ở đây, các cụ chăm sóc nhau, mỗi người có một hoàn cảnh sống với nhau xa gia đình.

8 người chúng tôi ở cùng phòng với 8 hoàn cảnh không ai giống tính ai. Chúng tôi đều khuyên bảo nhau sống tốt, vui vẻ, có ích tuổi già. Chính vì vậy tôi quyết định sẽ ở đây đến phút cuối đời. Dịp nghỉ lễ nào con cháu đến đón về chơi ít ngày”, bà Dung nói thêm.

Đóng cửa nhà, vợ chồng già vào ở viện dưỡng lão

Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (80 tuổi) và ông Nguyễn Gia Hiểu (86 tuổi) đã quyết định đóng cửa nhà, chọn viện dưỡng lão là điểm đến cuối cùng sống trọn những năm tháng cuối của cuộc đời.

Sáng sớm dậy, ông Hiểu được nhân viên viện dưỡng lão lên đón đưa đi phục hồi chức năng. Ông Hiểu bị bệnh Parkinson nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Mọi việc đều phải có người hỗ trợ.

Chuyện những người vượt hàng nghìn km, khoá cửa nhà, rời con cháu vào ở viện dưỡng lão- Ảnh 6.

Vợ chồng bà Sơn, ông Hiểu quyết định chọn viện dưỡng lão là điểm đến cuối cùng của cuộc đời. Ảnh: Ngọc Hải

Chia sẻ với chúng tôi, bà Sơn cho hay, ông bà yêu nhau từ khi đang là sinh viên Trường Đại học Bách Khoa. Dù có nhiều người ngỏ lời yêu nhưng bà lại có tình cảm đặc biệt với ông Hiểu bởi sự thông minh, đẹp trai, tài giỏi. Sau này ông Hiểu được nhà trường cử đi học ở Hungari. Nhiều người vẫn hay gọi ông bà “sống với nhau bằng thư từ”. Bởi số thư hai người viết cho nhau chất cao hàng chục cm.

Chuyện những người vượt hàng nghìn km, khoá cửa nhà, rời con cháu vào ở viện dưỡng lão- Ảnh 7.

Hàng ngày vợ chồng ông bà vẫn có sở thích đọc sách, báo. Ảnh: Ngọc Hải

Hai ông bà có với nhau 2 con gái hiện đều sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Tuổi đã cao nhưng ông bà vẫn xưng hô là “anh, em” rất tình cảm.

“Với tôi, ông là mối tình đầu tiên và cũng là cuối cùng của cuộc đời mình. Chúng tôi về viện dưỡng lão tiếp tục bầu bạn, trò chuyện với nhau mỗi ngày. Hàng ngày vợ chồng tôi tập thể dục, ăn uống đầy đủ. Chúng tôi cũng có sở thích đọc sách báo mỗi ngày”, bà Hiểu nói.

Đáp lời vợ, ông Hiểu chia sẻ, nhiều người có quan niệm trẻ cậy cha, già cậy con không còn phù hợp trong xã hội hiện nay và nên thay đổi.

“Giờ con cái có công việc, cuộc sống riêng. Vợ chồng tôi chỉ mong sao mình sống vui, sống khoẻ đến cuối đời. Có như vậy con cháu mới yên tâm, không lo lắng quá nhiều cho mình. Đó là điều mà vợ chồng tôi thấy hạnh phúc, an lòng nhất”, ông Hiểu nói thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

8 − 6 =