Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Báo chí viết về Diên Hồng

Viện dưỡng lão giá bình dân

Bà Lệ Hà (80 tuổi) háo hức ngày khai trương cơ sở mới của viện dưỡng lão có khuôn viên “đẹp như resort” nhưng quan trọng hơn là về đây sẽ giảm được chi phí.

Giữa tháng 7, bà Nguyễn Lệ Hà quyết định chuyển từ cơ sở ở Cự Khê (Thanh Oai) đến cơ sở mới ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). “Tôi nóng lòng muốn trải nghiệm quá nên một mình xuống đây ở trước cả ngày khai trương”, bà nói.

Bà Hà từng là kỹ sư ôtô, người chồng đã khuất từng làm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gia đình vốn có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên từ lúc ông bà nghỉ hưu, gia sản trong nhà cứ đội nón ra đi vì người con trai duy nhất.

Sau khi chồng mất năm 2021, anh con trai đòi mẹ bán nhà đưa tiền cho làm ăn. Số tiền còn lại không đủ mua một căn chung cư nên bà Hà chuyển vào viện dưỡng lão. “Con có thể bỏ cha mẹ nhưng chẳng cha mẹ nào bỏ được con. Nó xin tiền, tôi vẫn cho đến khi không còn khả năng nữa”, bà chia sẻ.

Trung tâm dưỡng lão mới mở ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, cách nội thành Hà Nội 50 km,

có mức phí khởi điểm 6 triệu đồng một tháng.

Một ngày đầu năm nay, khi hợp đồng sắp một năm sắp hết, bà Hà gặp ban giám đốc viện dưỡng lão tâm sự không thể ở đây được nữa. Bà không đủ tiền đóng tiếp, mức lương hưu hơn 5 triệu đồng cũng không đủ chi phí hàng tháng. Vì thế bà định ra ngoài thuê một căn phòng trọ sống cùng với sinh viên để chia tiền phòng.

Nghe bà Hà giãi bày, chị Trần Thị Thúy Nga, phó Tổng giám đốc trung tâm, bất ngờ và xót xa. “Ngày thường bà vốn thích ca hát, nhảy múa, ăn mặc rất tinh tế. Đâu ai ngờ đằng sau sự lạc quan, vui vẻ của bà lại khổ tâm như thế”, chị Nga chia sẻ.

Chị Nga nói với bà về cơ sở sắp mở của trung tâm sẽ có chi phí thấp hơn, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ thêm cho bà. “May nhờ có sự hỗ trợ này nên với đồng lương hưu của mình tôi có thể an tâm ở đây đến cuối đời”, bà chia sẻ.

Đang sống ổn định ba năm nay ở một viện dưỡng lão tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) nhưng lúc nghe tới cơ sở ngoại ô này có chi phí rẻ hơn, cụ bà Nguyễn Thị Thanh, 86 tuổi, chuyển nhà không chút do dự. “Đến chỗ mới vừa đẹp vừa có không gian, lại ít tiền hơn”, bà nói.

Cụ bà trước đây làm ở Sở Xây dựng, lương hưu chưa được 4 triệu đồng. Bốn người con đều có kinh tế bình thường. Năm ông xã mất, bà Thanh chới với, cảm thấy về ở với con nào cũng không ổn. Bà đã định về quê Thường Tín, song vẫn băn khoăn vì ở phố bao năm xa cách anh em họ hàng, giờ về đó cũng khó thích nghi.

“May sao vợ chồng cháu gái tôi cho đi viện dưỡng lão. Tôi áy náy vì phiền con cháu, nhưng cũng không còn biết giải pháp nào tốt hơn”, bà nói.

Ở cơ sở cũ, bà thuộc nhóm đóng phí thấp nhất đã 8 triệu đồng – nhiều gấp đôi lương hưu. Sắp tới đợt điều chỉnh tăng phí hàng năm nên số tiền phải đó có thể cao gấp 2,5 lần lương của bà. “Khi chuyển về đây, với mức lương hưu được tăng từ tháng này, tôi đã đỡ được một phần chi phí cho các cháu”, cụ bà chia sẻ.

 

Các cụ ăn trưa tại phòng sinh hoạt chung của viện dưỡng lão ở Xuân Mai, Chương Mỹ hôm 2/8. Trong tuần đầu tiên

mới mở, trung tâm có 5 cụ, sang tuần thứ hai trung tâm có hơn 10 cụ đang ở.

Khảo sát của VnExpress với 10 trung tâm dưỡng lão phân khúc tầm trung ở Hà Nội cho thấy chi phí nằm trong khoảng 8-20 triệu đồng mỗi tháng, tuỳ thuộc vào loại phòng, tình trạng sức khỏe và chưa bao gồm các chi phí khác như bỉm, sữa. Mức thấp nhất 8 triệu đồng dành cho các cụ khỏe, ở phòng tập thể 5-8 người.

Tại cơ sở mới mở này, phòng 4 người có chi phí 6 triệu đồng, phòng đôi 8 triệu đồng, phòng đơn 10 triệu đồng, ở bán trú 200.000 đồng một ngày, chi phí chăm sóc lễ Tết 500.000 đồng một ngày. Các phòng đều được trang bị vệ sinh khép kín và đầy đủ tiện nghi. Nếu so sánh, mức phí các dịch vụ tại đây thấp hơn 40% so với mặt bằng chung.

Việt Nam hiện có ba mô hình viện dưỡng lão gồm: viện dưỡng lão do nhà nước bảo trợ phục vụ những có công, đối tượng chính sách; cơ sở do các tổ chức an sinh xã hội xây dựng, chủ yếu nuôi dưỡng những người cao tuổi bất hạnh và cuối cùng là viện dưỡng lão hoàn toàn do tư nhân thành lập.

Hầu hết những người vào viện dưỡng lão tư nhân đều có lương hưu hoặc gia đình có điều kiện. Cả nước hiện có gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với mức trung bình 5,4 triệu đồng một tháng.

Một khảo sát hơn 6.000 độc giả của VnExpress, với câu hỏi “Gia đình bạn có thể cho cha mẹ vào viện dưỡng lão ở mức độ nào?”, 40% cho biết không đủ khả năng, 38% cho biết có thể chi 8-10 triệu đồng, 14% ở mức 10-15 triệu đồng và 8% trên 15 triệu đồng một tháng.

Chị Trần Thị Thúy Nga chia sẻ ngay từ khi bước vào ngành dưỡng lão, trung tâm của chị rất trăn trở khi rất nhiều người muốn vào nhưng thu nhập còn hạn chế. Không thống kê xuể những người hỏi “Khi nào trung tâm có viện dưỡng lão giá rẻ?”, cũng không ít những hoàn cảnh “đứt gánh giữa đường”.

“Khi đang loay hoay giải bài toán ấy, một tập đoàn chuyên về xuất khẩu lao động quyết định kết hợp với chúng tôi”, chị Nga cho biết.

Ngoài lý do ở ngoại thành, yếu tố giúp hạ chi phí là tập đoàn này có sẵn nguồn đất đai. Nhờ đó, cơ sở được xây dựng bài bản, không như một số viện dưỡng lão đang đi thuê đất nên không dám đầu tư. Ở giai đoạn một, trung tâm chứa tối đa 36 giường, bao gồm các phòng hai giường và bốn giường. Các phòng đều được trang bị đầy đủ tiện nghi. Đặc biệt khuôn viên có sân vườn, ao hồ, bể bơi, sân bóng, nằm trên diện tích 3 hecta.

Bà Lệ Hà, 80 tuổi cắm bình hoa làm đẹp cho phòng mình, hôm 2/8.

Sáng 6/8, bà Nguyễn Thị Phi, 75 tuổi, thuê chiếc xe 5 tấn chở tất cả quần áo, đồ dùng, xe đạp, tủ lạnh, TV vào viện dưỡng lão này. Vừa lên đến nơi mặt bà giãn ra, cười không nghỉ vì không gian sống từ đây tới cuối đời “tuyệt vời hơn cả những gì tưởng tượng”.

“Tôi vào viện dưỡng lão này gần một năm trước. Vốn tính ở một mình một phòng cho thoải mái, nhưng chi phí cỡ 15 triệu đồng mỗi tháng tôi không lo được, nên đành ở tập thể”, bà Phi chia sẻ.

Trước đây bà là giáo viên dạy Toán cấp 3, từng kết hôn hai lần nhưng không có con. Tuổi này vẫn khỏe mạnh nhưng thích được quan tâm và sinh hoạt cộng đồng nên bà quyết định vào dưỡng lão. Tính bà thẳng, thích tự do nên ở phòng đông rất bí bách.

Đây cũng là nỗi niềm của bà Thanh. “Mình còn minh mẫn nhưng ở với các cụ bị lẫn có khi cũng tổn thọ”, cụ bà nói.

Con cháu của bà Thanh đều ở nội đô. Không ai muốn để bà cách xa mình cả 50 cây số, song theo cụ bà bình thường con cháu bận nên một năm cũng chỉ vào thăm đôi ba lần. Trung tâm có nhân viên chăm sóc sức khỏe kỹ càng, nhiều người nói chuyện, nếu có vấn đề sức khỏe cũng chỉ khoảng một tiếng bà đã vào tới bệnh viện lớn.

Trước đây ở chỗ cũ cuồng chân muốn đi đâu phải nhờ cháu quẹt thang máy, nhưng vì không có khuôn viên nên cũng chỉ loanh quanh được từ sảnh về phòng. “Nay chỉ sợ không có sức thôi chứ đi thoải mái”, bà nói thêm.

Còn bà Lệ Hà, trong một tuần ở viện dưỡng lão một mình, bà đã đi hái khế, hái nhãn, câu cá và thăm thú được mọi chỗ. Khi các bạn già khác tới, cụ bà xung phong dẫn mọi người đi chơi khắp ngõ ngách.

“Mấy cháu điều dưỡng đang rủ tôi mặc đồ bơi xuống bể tắm. Tôi thì chỉ mong mùa đông nhanh đến để diện đồ cho đẹp, đi dạo ven hồ ở đây sẽ thích lắm”, cụ bà nói.

Xem thêm

Hình ảnh độc đáo của các cụ già ở viện dưỡng lão Hà Nội

Trong thời gian gần đây, các nền tảng mạng xã hội nổi lên trào lưu chụp hình bắt trend kiểu Mỹ. Vốn là một phong cách chụp ảnh với tạo hình năng động, mang đậm chất học sinh cá tính, nó đã không chỉ thu hút đông đảo các bạn trẻ mà còn cả sự tham gia của các cụ già ở một viện dưỡng lão tại huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Quá trình tạo ra bộ ảnh “chất lừ” bắt trend của viện dưỡng lão

Vốn nổi tiếng từ lâu với người dùng mạng xã hội bởi những bộ ảnh “siêu” bắt trend: MV “Trốn tìm”, “Đi tàu trên cao”, “Hoa dã quỳ”… lần này, một viện dưỡng lão ở huyện Thanh Oai đã gây sốt khi tung ra bộ ảnh kỷ yếu kiểu Mỹ. Sau khi đăng tải, người dùng mạng xã hội vô cùng thích thú trước sự đáng yêu và yêu đời của các cụ trong viện dưỡng lão.

“Mỗi lần tổ chức chụp ảnh, chúng tôi sẽ lựa chọn người phù hợp với concept được đưa ra, cụ nào thích nữ tính thì sẽ cho các concept bánh bèo, các cụ năng động thì concept thiên về cá tính”, đại diện viện dưỡng lão ở huyện Thanh Oai chia sẻ.

Và khi ý tưởng được nhen nhóm, họ đã lựa chọn cụ bà Linh Thuỵ (sinh năm 1941), cụ được nhận xét là người “vừa cá tính vừa đáng yêu” và cụ ông Quốc Định (sinh năm 1947) – một cụ rất yêu thích chụp ảnh và tạo dáng trước ống kính.

Khác với sự hứng thú và hồ hởi của cụ Quốc Định, ban đầu cụ Minh Thuỵ rất bối rối, xua tay từ chối: “Chụp cái gì mà chụp, già rồi”. Nhưng sau khi được đội chụp ảnh cho xem ảnh của những người khác chụp và hướng dẫn cụ, cụ Minh Thuỵ cũng thấy thoải mái hơn và bắt đầu làm việc với đội chụp ảnh.

Hai cụ Linh Thụy, Quốc Định vui tươi tạo dáng trước ống kính. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khoác lên mình những phụ kiện nổi bật của xu hướng chụp ảnh kỷ yếu kiểu Mỹ: sơ mi xanh, cà vạt, đeo tai nghe, ngậm kẹo mút,.. các cụ thể hiện sự thích thú và bắt đầu thực hiện các động tác trước ống kính.

Vốn chỉnh dáng cho các cụ rất khó, nhưng may thay các cụ rất tự nhiên mà không cần sự giúp đỡ của đội chụp ảnh. Quá trình diễn ra trong một tiếng rưỡi, bao gồm cả thời gian trang điểm, thay đồ và chụp ảnh. Sau khi kết thúc, các cụ vẫn rất vui vẻ thay vì thấy mệt mỏi.

Các cụ vui vẻ sau khi hoàn thành bộ ảnh

Sau quá trình hoàn thiện bộ ảnh, đại diện viện dưỡng lão bắt đầu đi in ảnh và đề xuất tặng cho các cụ làm kỉ niệm. Tuy vào độ tuổi đã xế chiều, nhưng khi nhìn lại những tấm ảnh ấy, tất cả mọi người đều tươi cười. Đặc biệt trên mạng xã hội cũng đã thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng khi họ xem các bức ảnh này.

Cầm trên tay những tấm ảnh, cụ Quốc Định nở ra nụ cười hạnh phúc và mãn nguyện. Khi được hỏi cụ thấy ảnh như thế nào, cụ liên tục gật đầu khen: “Lúc đầu tôi cũng không nghĩ đến việc chụp hình. Nhưng sau đó lại thấy rất đẹp”.

Cụ Quốc Định hạnh phúc khi nhìn lại ảnh của mình. Ảnh: Dương Hiền.

Còn cụ Minh Thuỵ cũng tỏ ra khá thích thú và trêu đùa với đội chụp ảnh. Khi nghe mọi người đề xuất về việc cụ hãy giữ bộ ảnh lại làm kỉ niệm, cụ nói: “Thôi, cứ để con cháu ngắm là được rồi, già rồi, giữ làm gì nữa”.

Cụ Minh Thuỵ (bên trái) hạnh phúc khi nhắc lại quá trình chụp ảnh. Ảnh: Dương Hiền.

“Dẫu tuổi có cao, có già, có nếp nhăn, các cụ vẫn rất trẻ trung không kém gì các bạn trẻ. Được nhìn nụ cười mãn nguyện của họ, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và xúc động, sau này viện dưỡng lão sẽ cố gắng tạo ra nhiều bộ ảnh hơn nữa cho các cụ tham gia”, chị Hoàng Thị Thu Ngân, đại diện viện dưỡng lão chia sẻ.

Xem thêm

“Thiếu nữ” 103 tuổi và những người bạn bên hoa Phong Linh, tạo dáng “chất” hơn giới trẻ

Những ngày vừa qua, cả mạng xã hội rần rần với con đường hoa Phong Linh ở Hà Nội.

Hàng hoa vàng rực rỡ dài khoảng 400m, nằm trong một khu đô thị tại quận Hà Đông (Hà Nội) trở thành địa điểm thu hút rất đông người tới chụp ảnh. Nhất là vào mỗi dịp cuối tuần thì ở đây lại đông nghịt người ra người vào. Ai cũng diện các trang phục rực rỡ khoe sắc bên dàn hoa mùa xuân.

Mới đây, mạng xã hội rần rần chia sẻ hình ảnh 3 cụ bà check-in tại con đường hoa Phong Linh này. Đáng chú ý, các cụ đã 103 tuổi nhưng vẫn cực kỳ khỏe mạnh, hào hứng bắt trend không thua kém gì thanh niên. Nhìn hình ảnh các cụ lần lượt tạo dáng bên dãy hoa khiến ai nấy đều phải trầm trồ.

Ba cụ bà hào hứng nắm tay nhau chụp ảnh khiến nhiều người trầm trồ. (Ảnh: Diên Hồng)

Dù đã trên dưới 100 tuổi nhưng các cụ vẫn cực kỳ khỏe mạnh, rạng rỡ. 

Được biết, ba cụ bà đến từ một trung tâm dưỡng lão trên địa bàn Hà Nội. Các cụ mặc 3 chiếc áo dài màu xanh, hồng, đỏ vô cùng nổi bật. Trên cổ các cụ cũng quàng thêm những chiếc khăn rực rỡ. Nhìn hình ảnh các cụ vui vẻ tạo dáng khiến giới trẻ cũng phải xuýt xoa vì quá đẹp. Thậm chí ngay cả chiếc gậy đang chống cũng được một cụ bà sử dụng làm đạo cụ tạo dáng của mình.

Ba cụ mặc 3 bộ áo dài sáng màu rực rỡ kết hợp thêm khăn đeo y như thanh niên. (Ảnh: Diên Hồng)

Ngay sau khi đăng tải những hình ảnh của 3 cụ bà đã thu hút sự chú ý lớn của độc giả. Ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi sự tươi tắn, rạng rỡ của các cụ. Dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn không ngại “đu trend”. Không ít bạn trẻ cũng hy vọng sau này bản thân đến tuổi của các cụ cũng có thể trẻ trung, yêu đời như vậy.

Màn tạo dáng không thể chất hơn khiến con cháu xuýt xoa ngưỡng mộ. (Ảnh: Diên Hồng)

Một số bình luận của độc giả bên dưới những bức ảnh này:

“Các cụ vừa đẹp vừa chất luôn í ạ, con ước ao về già được như các cụ.”

“Ui các cụ bà quá xì teen, các cháy xách dép chạy theo cũng không kịp.”

“Các cụ đẹp quá. Con còn chưa có bức ảnh chụp với hoa phong linh hihi”

Ai nấy đều ao ước sau này khi về già có thể được như các cụ.

Biểu cảm quá đỗi đáng yêu của cụ bà khiến ai nấy đều “lịm tim”. (Ảnh: Diên Hồng)

Bộ áo dài rực rỡ càng làm tôn thêm vẻ đẹp lão của cụ bà. (Ảnh: Diên Hồng)

Chính nhờ những hoạt động như vậy mà các cụ càng thêm trẻ trung, yêu đời. (Ảnh: Diên Hồng)

Xem thêm

Tết của những người bán nhà vào viện dưỡng lão ở và mong ước giản đơn ngày đầu năm

Trong năm mới, những người quyết định lựa chọn ở viện dưỡng lão đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã chia sẻ những mong ước của mình và gửi gắm nhiều điều bất ngờ tới con cháu

Tết của những người ở viện dưỡng lão: “Tết không có con bên cạnh cũng buồn nhưng cái gì lợi cho con mình làm được hết”
Chiều một ngày cuối năm, bà Nguyễn Thị Tú Tĩnh và Nguyễn Thị Biển (cùng 90 tuổi) đang sinh sống tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, KĐT Thanh Hà Cienco5, Hà Nội, ngồi cắm cành đào, trang trí lại căn phòng mình sinh sống để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bà Nguyễn Thị Tú Tĩnh (ảnh phải) và Nguyễn Thị Biển (ảnh trái) ngồi cắm cành đào, trang trí lại căn phòng mình sinh sống để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: Gia Khiêm

Nhìn cành đào đang bắt đầu nở hoa cùng cây quất được nhân viên trung tâm tặng đặt sát góc nhà lòng bà Tĩnh và bà Biển thêm bồi hồi. Đây là năm thứ nhất bà Tĩnh đón Tết xa nhà. Còn với bà Biển thì đây là năm thứ 2 bà không thể sum vầy bên con cháu trong những ngày Tết vì sức khoẻ không cho phép, một phần các con cháu đa phần sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Bà Tĩnh chia sẻ với PV Dân Việt. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Tĩnh kể, nhà trước đây ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cách đây 2 năm, chồng bà Tĩnh vĩnh viễn ra đi về cõi tạm. Hai con gái đều sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Cũng vì thế mà bà Tĩnh sinh sống một mình cùng giúp việc. Tuy nhiên, cách đây 1 năm bà Tĩnh suýt bị đột quỵ, cũng may lần đó con gái ở xa nhìn qua camera phát hiện ra gọi người thân đưa bà đi bệnh viện.
“Sau lần đó, các con bàn nhau đưa tôi vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc. Tôi mới được chuyển vào đây được vài tháng nay. Căn nhà gắn bó với mình bao năm qua không ai ở nên bán đi phụ cho con mua đất nước ngoài và một phần để mình an dưỡng tuổi già ở đây”, bà Tĩnh rõng rạc chia sẻ.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Tĩnh vẫn rất tinh anh. Hàng ngày, bà vẫn có thói quen chống gậy đi đến khắp các phòng trong trung tâm trò chuyện với những người cao tuổi và nhân viên.

Những cụ ông cụ bà được chăm sóc tại viện dưỡng lão. Ảnh: Gia Khiêm

“Tôi thích được đi dạo trò chuyện với mọi người. Cũng may ở tuổi này tôi vẫn khoẻ chứ nhiều người phải dựa vào nhân viên viện dưỡng lão chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân… khổ lắm”, bà Tĩnh nói rồi kể, mọi năm hai con gái thường thu xếp về trước hoặc sau Tết đón Tết cùng mẹ. Riêng năm nay, bà ăn Tết một mình.
“Mọi năm khi còn khoẻ vào ngày Tết tôi đi chợ mua bán bày biện đồ trong nhà. Khi Tết đến, điều cần làm nhất đó là di chúc Tết họ hàng, xóm giềng. Xưa trẻ tôi đạp xe cả đêm, đón giao thừa ngoài đường nhưng Tết này mọi thứ đã thay đổi. Tôi cũng không phải gấp gáp, mua bán gì nữa.

Hàng ngày, bà Tĩnh thích được đi dạo thăm hỏi, trò chuyện cùng mọi người. Ảnh: Gia Khiêm

Tết không có con cái bên cạnh cũng buồn chút nhưng cái gì có lợi cho con mình làm được hết. Ăn Tết ở đây xác định cuộc đời mình phải thế. Nếu con gái vì lo lắng cho mẹ mà bỏ con bỏ cái ở bên đó cũng khổ rồi phải xếp hàng ở Đại sứ quán xin cho về mới về, khó khăn không phải là dễ”, bà Tĩnh chia sẻ.
Đều đặn mỗi ngày, hai con gái cũng thay phiên nhau gọi điện trò chuyện với mẹ khiến bà Tĩnh cũng vơi đi nỗi nhớ mong. Còn với bà Tĩnh, được nhìn thấy mặt con là bà thấy yên tâm.
“Các con cũng muốn sang ở cùng nhưng tôi từ chối vì không muốn con phải bận tâm nhiều về mình. Ở đây, tôi cũng yên tâm vì có người chăm sóc mỗi ngày. Tôi chỉ mong con cháu gặp nhiều may mắn còn về mình tôi chỉ mong sống khoẻ, đi là đi luôn không đau ốm gì cho đỡ khổ”, bà Tĩnh lạc quan nói.

Tết của những người ở viện dưỡng lão: Mong ước của những cụ bà nơi viện dưỡng lão ngày Tết
Còn với bà Nguyễn Thị Biển, đây là năm thứ 2 bà đón Tết ở viện dưỡng lão. Năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà không thể về với con cháu. Năm nay, một phần do sức khoẻ yếu đi nhiều nên bà quyết định ở lại đây nghỉ ngơi. Những lúc nhàn rỗi, bà Biển lại tự tay ngồi may áo, đọc sách và lấy đó là niềm vui cho mình khi tuổi già.

Năm thứ 2 ăn Tết ở viện dưỡng lão nên bà Biển không còn bỡ ngỡ, bớt buồn hơn. Ảnh: Gia Khiêm

“Tôi nhớ năm ngoái các con mang quà Tết đến cho mẹ nhưng phải ở tít ngoài cổng, không được gặp. Cầm túi quà Tết con gửi, tôi khóc ngay tầng 1, các cháu ở đây phải dỗ. Một lúc sau mình trấn tĩnh được mới chịu. Nhớ con thương con đến thế nhưng rồi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác quen dần đi. Mình ở đây các con cũng yên tâm khi có người chăm sóc mẹ tốt hơn”, bà Biển nói.
Tết này, bà Biển mong ước các con cháu trong gia đình thật nhiều sức khoẻ, ai cũng có cuộc sống hạnh phúc. Đó cũng là điều bà luôn mong mỏi.

Bà Nguyễn Lệ Hà lau dọn lại căn phòng, bức ảnh vợ chồng chụp chung để chuẩn bị chào đón năm mới. Ảnh: Gia Khiêm

Còn với bà Nguyễn Lệ Hà (80 tuổi) thì đây cũng là cái Tết đầu tiên bà ở viện dưỡng lão. Bà lau dọn lại căn phòng, bày biện cành đào, cây quất. Trước đây, bà Hà ở khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhưng vì lo toan công việc của con trai bà đã quyết định bán căn nhà của mình cho con lập nghiệp, một phần bà lấy tiền ở viện dưỡng lão.

Năm nay tôi đón Tết ở đây một mình nên trong lòng thấp thỏm suy nghĩ. Việc tôi chọn ở viện dưỡng lão để con cháu yên tâm làm việc”, bà Hà nói.

“Năm nay tôi đón Tết ở đây một mình nên trong lòng thấp thỏm suy nghĩ. Việc tôi chọn ở viện dưỡng lão để con cháu yên tâm làm việc. Biết tin tôi ở đây nhiều người bạn ở các câu lạc bộ tôi từng tham gia cũng thường xuyên ghé đến chơi nên tôi vui hơn. Con cũng bảo tôi vào ăn Tết với con cháu nhưng suy nghĩ con chưa ăn nên làm ra, đi lại khó khăn nên tôi quyết định ở lại đây đây. Như vậy con cái cũng yên tâm hơn. Năm mới tôi ước mong mình khoẻ để không vướng bận đến ai. Con cháu luôn khoẻ mạnh, công việc tốt đẹp, thuận lợi”, bà Hà tâm sự.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cho biết, dịp Tết đến mọi người ở trung tâm hay nhớ nhà.
“Các cụ chọn ở lại đón Tết ở Diên Hồng hay nhớ con cháu, nhất dịp Tết đến xuân về khi chứng kiến các gia đình tấp nập vào ra, các cụ cũng mong được về nhà. Tuy nhiên để các cụ bớt đi nỗi nhớ, chúng tôi tổ chức một chuỗi hoạt động để các cụ có thêm niềm vui dịp Tết.
Trong những ngày qua, chúng tôi tổ chức tất niên cho các cụ, các hoạt động giao lưu văn nghệ, chợ Tết… Ai cũng phấn khởi khi mua được hàng hoá, lễ hội gói bánh chưng, bữa cơm tất niên cuối năm, cùng nhau đón giao thừa, lì xì chúc mừng nhau…”, bà Ngân nói.

Theo báo Dân Việt

Xem thêm

Nghề điều dưỡng giữ trọn tình thương với chữ Tâm

Mỗi ngày điều dưỡng phải hoá thân trong rất nhiều vai trò, đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro và cảm xúc khác nhau nhưng vượt qua tất cả, họ thầm lặng chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh

Cố gắng không ngừng nghỉ

11h trưa, trong căn phòng rộng rãi, sạch sẽ, gồm các dãy bàn ăn, chị Cao Ánh Vân (sinh năm 1993), nhân viên điều dưỡng tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) nhẹ nhàng, điềm tĩnh thực hiện nhiệm vụ của mình. Chị đi qua từng bàn hỏi han về bữa cơm của từng cụ ông, cụ bà.

Có người kiêng thịt gà, có người kiêng thịt bò, có người đã yếu, chẳng thể tự mình ăn uống, có người khó tính, chỉ chịu ăn khi có người dỗ dành,…Không nề hà, chị Vân vẫn nhẹ nhàng, kiên nhẫn và tỉ mỉ. Lúc thì lau dọn những hạt cơm vương vãi trên bàn, khi lại chạy đến hỏi han, trò chuyện hay lúc lại phải tự tay bón cho các cụ từng thìa cơm,…

Tình cờ biết đến và theo nghề từ khi vừa tốt nghiệp, chị Ánh Vân đã gắn bó với nơi đây gần 4 năm. Từng ấy thời gian, những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả không thể nói hết bằng lời. Nhưng chị vẫn quyết tâm bám trụ với nghề chỉ bởi 2 chữ “đồng cảm”.

Công việc nào cũng có khó khăn riêng. Với việc điều dưỡng, những khó khăn còn lớn hơn rất nhiều so với những ngành nghề khác. Phải thức khuya, dậy sớm, trực đêm, mệt mỏi, nhưng vẫn phải cố gắng bởi tôi luôn quan niệm, với người già, cần sự đồng cảm, quan tâm người già như chăm sóc chính những người trong gia đình mình” – chị Vân nói.

Tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 2000, quê Thái Bình) nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí điều dưỡng viên tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) với tâm thế hồi hộp xen chút háo hức, lo lắng. Háo hức vì sắp được đi làm theo đúng nguyện vọng và định hướng của bản thân. Lo lắng, hồi hộp bởi bản thân cô biết rõ, nghề điều dưỡng, lại về lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi vô cùng vất vả. Nghề này đòi hỏi người điều dưỡng cần nhiều kiến thức thực tế, sự kiên nhẫn hơn những lí thuyết đã được học trên sách vở.

Tuổi nghề còn non trẻ, Nhung không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong công việc bởi những đối tượng cô chăm sóc là người già yếu, phải hỗ trợ, từ vận động đến đời sống sinh hoạt.

“Học là 1 chuyện, ra trường làm là 1 chuyện. Những ngày mới vào làm tôi đã sốc vì khối lượng công việc và những yêu cầu đặc thù. Thế như sau 1 tháng thử sức, càng làm, tôi nhận thấy hợp với công việc và quyết tâm gắn bó.

Tôi luôn đặt địa vị mình như con cháu trong gia đình của các cụ. Tôi đón nhận những khó khăn như một thử thách và luôn tìm thấy niềm vui bên các cụ ông, cụ bà” – Nhung chia sẻ.

Trực đêm

Trời đêm lạnh giá nỗi nhớ mong

Nhân viên điều dưỡng đến bên phòng

Trôngg cho mọi người luôn yên giấc

Giữ trọn tình thương với chữ Tâm

Không gian lặng lẽ đang êm ả

Bỗng chợt nghe tiếng ho khan

Canh khuya sau tiếng ho vừa dứt

Bước nhẹ nhàng ghé sát giường coi

Nghe nhịp thở hỏi lời khe khẽ

Cụ mới ho cụ có mệt không

Tai nghe nói tay luôn công việc

Đắp lại chăn nâng gối kê đầu

Nhẹ nhàng đi tiếp các phòng bên

Trông cho mọi người luôn yên giấc

Một đêm dài mà sao ngắn vậy

Bởi trực đêm lắm việc phát sinh

Nào thay gối thay ra thay bỉm

Nào dắt người tắm rửa vệ sinh

Cứ như vậy hằng đêm như vậy

Thời gian dài soi tỏ trực đêm

Mong sao tiêu chí vững bền

Tình thương trách nhiệm vẹn toàn sẻ chia

Bài thơ do ông Nguyễn Trọng Việt (Hà Đông, Hà Nội), hiện đang sinh sống tại Viện dưỡng lão Diên Hồng sáng tác gửi tặng những cán bộ, nhân viên điều dưỡng không quản ngày đêm chăm sóc cho mình.

Dưới góc độ là nhà quản lý, bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng nhận định, những áp lực của người làm trong ngành y tế là rất lớn. Đối với ngành điều dưỡng, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc người già, áp lực này lại tăng lên gấp nhiều lần.

“Chúng tôi luôn trăn trở vấn đề thu nhập cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Hiện nay, mặt bằng chung lương của ngành điều dưỡng rất thấp. Tôi hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều chính sách tạo động lực cho đội ngũ cán bộ nhân viên, tạo môi trường làm việc vui vẻ, năng động” – bà Ngân chia sẻ.

Người ta thường gọi nghề điều dưỡng là nghề “lau mồ hôi, nở nụ cười”. Họ làm việc không ngừng nghỉ như những con thoi, chấp nhận mất ăn mất ngủ để lo cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Thế nhưng, không phải lúc nào họ cũng nhận được sự cảm thông, sẻ chia và cái nhìn đúng đắn của toàn xã hội,…

Áp lực, khó khăn luôn hiện hữu nhưng những điều dưỡng viên vẫn luôn vượt qua và chỉ có 1 mong muốn duy nhất là được chia sẻ, có thêm chính sách đãi ngộ để có thêm động lực, tiếp tục phấn đấu làm tốt công việc của mình.

Xem thêm

Cụ bà 102 tuổi tự tin trình diễn thời trang trong cuộc thi hoa hậu ở viện dưỡng lão

Ngày cuối tháng 11, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tổ chức cuộc thi hoa hậu, nhiều cụ bà đã háo hức đăng ký tham gia. Ngay khi các cụ bà xuất hiện trên sân khấu với gương mặt rạng ngời, tiếng vỗ tay, hò reo làm nền cho tinh thần tươi mới, yêu đời của các cụ. Tuy tuổi cao, có cụ 102 tuổi, chân yếu nhưng các cụ vẫn nỗ lực, tự tin bước đi với thần thái tuyệt vời trong các bộ trang phục thời trang tái chế.

Các cụ bà tự tin trình diễn phần thi của mình trong cuộc thi hoa hậu cao niên khiến nhiều người vui vẻ. 

Cả hội trường, nhất là người thân, bạn bè ngỡ ngàng trước sự thể hiện các cụ. Có cụ bà chỉ mới cách đây ít ngày còn đang nằm một chỗ vì ốm nhưng hôm nay như biến thành một người khác. 15 cụ bà với các nét cá tính khác nhau đã mang đến một bữa tiệc rực rỡ sắc màu.

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ, thông điệp của cuộc thi năm nay chính là “Sức sống mới” khuyến khích người cao tuổi làm những điều chưa từng làm để có thêm nhiều niềm vui và trải nghiệm mới. Các cụ bà ở Diên Hồng chính là những đại sứ tuyệt vời nhất để truyền cảm hứng cho những người khác vượt qua định kiến của xã hội.

Cuộc thi trở thành ngày hội của các ông bà trong viện dưỡng lão, giúp các cụ tươi trẻ, yêu đời, có thêm sức sống mới

Điều khiến mọi người bất ngờ chính là ở thái độ chuyên nghiệp khi đến với cuộc thi. Mỗi cụ bà tự chọn một huấn luyện viên để hỗ trợ trong quá trình thi. Các cụ bà cùng huấn luyện viên lên ý tưởng và làm thành trang phục để trình diễn trong phần thi catwalk, chuẩn bị thật kĩ cho phần thi tài năng. Có bà tập luyện bước đi mỗi ngày để có màn sải bước uyển chuyển, hút mắt, có bà lại chỉn chu từ màu sơn móng tay sao cho hợp nhất với trang phục.

Khác với những cuộc thi sắc đẹp khác, cuộc thi Hoa hậu cao niên Diên Hồng không có phần thi áo tắm hay áo dài, thay vào đó là các cụ bà ở tuổi xưa nay hiếm trải qua các phần thi tạo dáng trước ống kính, trình diễn thời trang tái chế, tài năng và chuyên gia gỡ rối.

Cụ bà Đặng Thị Khê (102 tuổi) trong bộ trang phục chủ đề công chúa được thiết kế công phu tỉ mỉ từ nguyên liệu túi nilon đã qua sử dụng

Cuộc thi trở thành động lực để các cụ bà hoàn thiện bản thân và sống một tuổi già đầy sinh động. “Tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi khi tham gia cuộc thi, được các cháu giúp đỡ nhiều. Sau cuộc thi này, tôi thấy mình cần nỗ lực rèn luyện sức khỏe để làm được những khả năng mình đã từng có để mang thanh xuân rực rỡ quay về”, bà Nguyễn Lệ Hà (79 tuổi) chia sẻ.

Được hai bạn trẻ đỡ ra trình diễn, cụ bà Đặng Thị Khê (102 tuổi) không khỏi xúc động. Bộ trang phục của cụ Khê với chủ đề công chúa được thiết kế công phu tỉ mỉ từ nguyên liệu túi nilon đã qua sử dụng, mang tới thông điệp hãy tái sử dụng các nguyên liệu để bảo vệ môi trường.

“Bà muốn gửi đến cuộc thi thông điệp dù lứa tuổi nào đi nữa thì hãy luôn làm điều mình yêu theo cách của mình yêu. Giống như việc làm công chúa ở tuổi 102”, bà Khê vui vẻ nói.

Bà Đào Thị Dung (85 tuổi, đứng giữa) vinh dự giành giải nhất cuộc thi

Kết thúc cuộc thi, bà Đào Thị Dung – 85 tuổi giành giải nhất cuộc thi. Bà tươi cười cho biết: “Tôi tưởng đâu là chỉ thi cho vui. Các cụ cụ nào cũng đẹp, giỏi, xuất sắc, cũng tốt. Nhưng không ngờ mình lại được đăng quang thì cũng vui, cũng mừng. Tôi cảm động lắm”.

Ngoài ra các cụ bà cũng tranh tài ở nhiều nội dung như thiết kế trang phục, cắm hoa, trang điểm… 

Một cụ bà đam mê trang điểm tham gia cuộc thi

Hay các cụ trổ tài cắm hoa

Niềm hạnh phúc của các cụ bà dự thi cũng chính là câu trả lời cho những rào cản về vấn đề người già có nên sống trong viện dưỡng lão hay không. Các cụ thể hiện cuộc sống được tự do làm điều mình thích bên bạn bè mới chính là tuổi già đáng sống.

“Tôi xúc động trước sự chu đáo của Ban tổ chức đã tạo ra một sân chơi tươi mới cho các cụ bà. Nhìn thấy mẹ vui và hào hứng cho cuộc thi, tôi yên tâm vô cùng. Tôi cũng thấy rất vinh dự khi mẹ được giải hoa hậu, mẹ thế này là hơn hẳn con các cháu ở nhà, con cháu xách dép cho cụ rồi”, chị Vũ Thị Linh Thủy (con gái bà Đào Thị Dung) tâm sự.

Xem thêm

Bao giờ mình mới được già?

“Bao giờ mình mới già? Thấy tuổi già vui quá”. Không chỉ để lại nội dung như vậy trên một fanpage, cô gái có tên Nguyễn Phương Thanh còn đính kèm tên nhiều bạn của mình vào lời nhắn ấy nữa.

Cảm xúc của cô ấy cũng giống hệt như tôi khi lướt qua những bức ảnh về tuổi già dễ thương. Nguồn ảnh từ Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng. Khi được đặt câu hỏi: “Tuổi già có gì vui?”, gần chục cụ già đã nhờ ai đó viết hộ vào tấm bảng đặt trước ngực những câu trả lời hết sức dí dỏm. “Khi già sẽ thoải mái yêu đương không sợ bố mẹ ngăn cản”; “Già không phải đi làm nên không bị sếp la”; “Không sợ nếp nhăn và tàn nhang”…

Muốn vơi mệt mỏi, áp lực, người trẻ đôi khi cần xoay chuyển góc nhìn về cuộc sống. Tương tự như vậy, để tuổi già vui khỏe, các cụ cũng cần chọn cho mình những lát cắt. Ở những “lát cắt” ấy sẽ không nhắc đến sự lú lẫn của trí nhớ, sự thừa thãi của chân tay.

Lối sống tốt đẹp của người già là luôn bao dung, nhường nhịn, luôn tự tại, không lo sợ khi nhìn về phía tương lai. Ngày xưa, người già có thể suốt ngày cận kề, xét nét, rao giảng đạo đức cho con cháu. Nhưng người già ngày nay, con cháu sẽ noi gương, sẽ tự cảm nhận được nguồn năng lượng bình an từ cốt cách, thần thái khỏe mạnh của ông bà mình.

Với tôi, mặc dù chưa đến ngưỡng lựa chọn cho mình lối sống như thế nào khi về già. Nhưng nhìn cách cha mẹ, ông bà, những người già xung quanh khu phố mình đang sống, có khi tôi cũng chợt chững lại rồi tự hỏi: “Bao lâu nữa mình sẽ già?”. Tôi biết, sức khỏe tinh thần sẽ quyết định chất lượng cuộc sống nên đôi khi tôi sợ. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng tâm hồn vì không được chăm sóc nên sẽ sớm cằn cỗi, già nua. Nếu già trong tâm hồn thì thân thể trẻ trung bên ngoài liệu còn có ích gì nữa?

Mới đây, tôi và chồng đã không ngớt trầm trồ khi cùng xem những bức ảnh thời trang của một cụ bà. Ở tuổi 69, bà Rosa Saito (một người Brazil gốc Nhật) quyết định làm một việc mà nếu từ chối, bà cảm thấy sẽ vô cùng hối hận: Trở thành người mẫu.

Trước đó, chiều cao 1,68m, nét đẹp cùng làn da căng tràn đầy sức sống của bà đã lọt vào mắt xanh của một công ty thời trang và một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Họ đã mời bà làm mẫu ảnh nhưng phải hơn một năm sau, bà mới nhận lời.
Một trong những lý do khiến Saito quyết định theo nghề người mẫu là vì bà đã sống vì người khác quá lâu. Rosa Saito sinh ra ở Araçatuba, Sao Paulo, Brazil.

Thời thơ ấu, bà là một đứa trẻ rất sáng tạo, có thiên hướng về nghệ thuật. Thế nhưng cuộc đời của bà có nhiều thử thách khi phải kết hôn sớm. Năm 22 tuổi, bà phải chăm sóc người mẹ nằm liệt giường. Sau đó, bà vừa phải làm mẹ vừa làm cha cho ba đứa con của mình vì mất chồng vào năm 2000. Sau khi chồng qua đời, bà lại dành một quãng thời gian dài chăm sóc các cháu.

Bây giờ, bà thường xuất hiện trên rất nhiều ảnh tạp chí, đồng thời, bà cũng là người mẫu quen thuộc trên sàn catwalk của Tuần lễ thời trang Sao Paulo – một trong những sự kiện thời trang lớn nhất thế giới.

Khi được hỏi về tuổi tác và công việc đang làm, bà trả lời: “Tôi không nghĩ lão hóa là một từ đúng để nói về tôi. Tôi luôn học hỏi và khi càng học nhiều, tôi càng thấy mình không biết gì cả. Chắc chắn là thời gian đang trôi, nhưng thời gian là gì? Nếu bạn hỏi tâm hồn tôi bao nhiêu tuổi, tôi sẽ nói tôi 22”.

Người già, chẳng nên tiết kiệm lời khen cho người khác. Nhưng cũng đừng quên dành thời gian cho bản thân mình. Bà Saito đã sống đúng theo phương châm ấy. Bà đã dám làm những điều mình thích.

Chồng nói với tôi, không phải ai già cũng vẫn còn đẹp để được tiếp tục theo đuổi những đam mê thuở nhỏ của mình như bà Saito.

Tôi trả lời: “Vẻ bên ngoài chỉ là tay lái, còn nội tâm luôn tươi trẻ bên trong mới thực sự là vị tài xế dẫn đường. Dấu hiệu rõ nhất cho việc ta đang già đi không phải là trí nhớ mai một, sức khỏe sa sút mà là việc dù ta có sức khỏe, trí nhớ tốt cũng không biết dùng nó vào việc gì. Ta không thể gọi tên được điều ta muốn làm, nơi ta muốn đến”.

Đừng ngại tuổi già vì những nếp nhăn, tóc bạc. Những gì đẹp nhất nếu không còn đọng lại trên thân thể cũng sẽ còn được lưu giữ, nối tiếp ở đôi mắt và sự đáng yêu của những người con, đứa cháu, ở những người em, người bạn mà ta yêu thương.

“Bao giờ tụi mình mới được già nhỉ? Bởi vì tuổi già có rất nhiều điều vui” – tôi hỏi ông xã. Anh cười nhạo: “Chắc ăn là em hãy già ngay từ lúc còn trẻ, để khỏi mong đợi, hồi hộp”.

Theo Minh Thi – báo Phụ nữ

 

Xem thêm

Bộ ảnh Ngày 20/10 của các cụ cho thấy phụ nữ dù độ tuổi nào vẫn sống như đóa hoa

Là phụ nữ, nhất định phải sống như một đóa hoa, dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ tỏa hương và rực rỡ.

Đó là thông điệp và cũng là lời chúc mừng của cán bộ nhân viên Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng gửi tới các cụ bà đang an dưỡng tại trung tâm nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Trong dịp lễ đặc biệt tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị dành tặng các cụ. Trong đó có hoạt động chụp ảnh kỷ niệm để giúp các cụ bà lưu giữ những khoảnh khắc vui vẻ, rạng rỡ bên những người bạn già của mình.

Hình ảnh vui cười hạnh phúc, đáng yêu của các cụ bên người bạn già của mình

Bên cạnh đó, các cụ bà còn nhận được những món quà, những chiếc thiệp xinh xinh tự gấp đầy màu sắc từ các cụ ông và các bạn nhân viên nhân ngày 20/10. Những món quà nhỏ xinh chứa đựng trong đó là những yêu thương dành cho các cô, các bà đang an dưỡng tại trung tâm. Tuy chỉ là món quà nhỏ, những lời nói yêu thương mộc mạc, không hoa mỹ nhưng cũng đủ làm các bà vui vẻ cả ngày.

Món quà nhỏ xinh các cụ nhận được nhân dịp 20/10

Ngoài ra, để chúc một nửa thế giới mãi xinh tươi rạng rỡ, các cụ ông đang sống tại Dưỡng lão Diên Hồng đã tham gia tranh tài giành giải “quý ông hoàn hảo”. Cuộc thi được tổ chức không chỉ là sân chơi bổ ích dành cho người cao tuổi, tăng sự gắn kết, vận động, mà đây còn là dịp để các cụ ông gửi tặng những lời tri ân tới các cụ bà, nữ nhân viên điều dưỡng nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Dưới đây là những hình ảnh vui vẻ, hạnh phúc của các cụ nhân dịp 20/10.

Theo An An/ Giadinhmoi.vn

Xem thêm

Xu hướng người cao tuổi chủ động “đón tuổi già” ở Viện dưỡng lão

Ngấp nghé tuổi 80, vì không muốn phụ thuộc vào con cháu, bà Hội (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) đã tìm đến một cơ sở dưỡng lão ngay trong nội thành để được chăm sóc phù hợp.

Quyết định của bà được đưa ra sau khi hoàn thành trách nhiệm chăm con cháu, người cháu ngoại lớn nhất của bà vào Đại học. Chia sẻ với nhóm phóng viên, bà Hội cho hay: “Nếu tôi ốm đau, con cháu đi làm, đi học cũng không yên tâm. Tôi còn khỏe, tôi chủ động. Tôi vào đây để đảm bảo sinh hoạt vẫn bình thường, không bị xáo trộn, căng thẳng gì cả.”

Bà bắt đầu buổi sáng hàng ngày bằng 56 động tác dưỡng sinh – bài tập phù hợp với sức khỏe mà bà ghi nhớ sau nhiều năm tham gia câu lạc bộ tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Bữa sáng trong ngày được phục vụ đến từng phòng để đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi, tránh các bệnh lây nhiễm. Thời gian còn lại trong ngày, bà có “bạn cùng phòng” để trò chuyện, hoặc tham gia các sự kiện mà trung tâm dưỡng lão tổ chức. Bà Hội cũng mang theo tràng hạt để niệm kinh Phật, cho tâm thanh thản.

Tuy cũng mắc bệnh lý tuổi già như mỡ máu cao, tăng huyết áp, xương khớp, bà Hội vẫn còn minh mẫn, dẻo dai ở tuổi 79. Vì thế, bà chọn dịch vụ phòng sinh hoạt chung với 2 người bạn khá khỏe mạnh khác tại cơ sở 3, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (tại Hoàng Mai, Hà Nội). Hàng tháng, bà vẫn về nhà tại Thanh Nhàn để lĩnh lương hưu và khám bệnh theo sổ bảo hiểm. Đặc biệt, các hoạt động tại khu dân cư như Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ, bà vẫn đóng góp đều đặn.

Cũng có câu chuyện gần giống với bà Hội, bà Hồng (83 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm) vốn sống cùng con gái và con rể. Tuy nhiên, bà tự đăng ký vào viện dưỡng lão vì vào đây có khuôn viên riêng của mình, không phụ thuộc vào con cháu. Bà đánh giá cơ sở dưỡng lão này ngang “khách sạn 3 sao”: “Vào đây cũng có cái vui của nó. Ba bốn bà ở với nhau, đêm hôm có vấn đề gì thì bà nọ hỗ trợ bà kia. Có thể bấm chuông gọi điều dưỡng lên, các cháu phục vụ cũng chu đáo.”

Bà Hồng từng tham gia một cơ sở dưỡng lão khác trên địa bàn Hà Nội, nhưng lại bị gò bó rất nhiều. Theo lời kể của bà, cơ sở đó không cho bật điều hòa khi nhiệt độ không quá 35 độ C. Giấy vệ sinh, người già và gia đình phải tự chuẩn bị. Những quy định cứng nhắc này khiến bà rời đi chỉ sau 1 tháng sinh hoạt.

Tuy nhiên, từ khi tham gia cơ sở 3 của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, bà đã gắn bó gần 1 năm rưỡi, và chưa có dấu hiệu “muốn về nhà”. Hàng tháng, trung tâm sẽ tổ chức sinh nhật cho các ông bà, các buổi giao lưu với nhà chùa, đôi khi đón các đoàn thiện nguyện đến thăm và động viên.

Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn cấu trúc dân số già được dự đoán kéo dài trong 28 năm (2026-2054). Khi ấy, tỷ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng đè lên vai những người chăm sóc như con, cháu càng nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các gia đình đều có ít con, thậm chí nhiều gia đình chỉ có một con. Bà Hội và bà Hồng đều có lương hưu, nên có thể chủ động lựa chọn gửi gắm mình cho một cơ sở dưỡng lão có tâm.

Tuy nhiên, không phải người cao tuổi nào cũng còn tỉnh táo, minh mẫn khi vào viện dưỡng lão. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, tại cơ sở 3 của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, người cao tuổi tham gia có độ tuổi đa dạng, hoàn cảnh và sức khỏe cũng khác nhau. Đa phần các cụ có bệnh của người cao tuổi, từ tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người đến sa sút trí tuệ tuổi già, Alzheimer. Chăm sóc những đối tượng đặc biệt này, cần phải theo dõi sát sao và xử lý kịp thời – việc mà người thân, con cháu không có chuyên môn khó có thể đảm nhiệm tốt.

Theo quan niệm về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới, việc duy trì các quan hệ xã hội trong quãng đời của tuổi xế chiều có tính chất vô cùng quan trọng. Tình cảm bạn bè và tương tác xã hội góp phần làm cho cảm xúc được phong phú, mang lại sự thoải mái và niềm hạnh phúc cho con người.

Bên cạnh chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, người cao tuổi tại Diên Hồng còn được quan tâm đặc biệt về sức khoẻ tinh thần qua các hoạt động xã hội. Đại diện của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết: “Thông qua các hoạt động mới mẻ, đa dạng hằng ngày và theo các dịp và ngày lễ, người già trong Diên Hồng dễ dàng lựa chọn được hoạt động yêu thích và tìm thấy những người bạn đồng điệu, hợp gu. Nhờ các hoạt động này, các ông bà có nhiều trải nghiệm ý nghĩa chưa từng có trong đời như giành huy chương Olympic, đạt danh hiệu Hoa hậu Cao niên, Quý ông Hoàn hảo, làm người mẫu ảnh…”.

Xem thêm

Cởi mở hơn với quan niệm “tuổi già vào viện dưỡng lão”

Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ gia nhập những quốc gia “siêu già”. Cùng với đó, việc chăm sóc người cao tuổi theo cách truyền thống “trẻ chăm già” dần thay đổi. Quan niệm “tuổi già vào viện dưỡng lão” của nhiều người đã cởi mở hơn.

Tự trả tiền vào viện dưỡng lão

Bà Nguyễn Thị Tiện (74 tuổi), quê ở Bắc Ninh, đang sống tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, cho biết: “Tôi ở đây được hơn 2 năm rồi, cuộc sống khá thoải mái. Mặc dù con cái ở gần nhưng tôi vẫn thích sống ở Trung tâm hơn. Ở đây, tôi cùng các bạn già đi tập thể dục, trò chuyện. Trước đây tôi phải ngồi xe lăn, giờ tôi khỏe hơn, được sống vui vẻ, vận động thoải mái nên đã đi lại được bình thường”. Bà Tiện cho biết, chi phí để sống ở Trung tâm hiện nay do tự bà chi trả.

Cũng “tự chủ tài chính” như bà Tiện, bà Lê Tuyết Hồng từng công tác ở Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), có tiền lương hưu và tự chi trả phí sinh hoạt tại nhà dưỡng lão. Bà Hồng chia sẻ: “Do tuổi cao, giờ giấc sinh hoạt cũng khác với người trẻ nên tôi quyết định vào nhà dưỡng lão. Con cái cũng không dư dả nên tôi không muốn trở thành gánh nặng cho con. Ở đây yên tĩnh, tiện nghi đầy đủ, thích làm gì là do mình, cùng xem ti vi với bạn già, cùng bình luận, trò chuyện. Thỉnh thoảng các con đón tôi về chơi, đi thăm bạn bè”.

Trung tâm Tuyết Thái có nhiều hoạt động phù hợp cho người cao tuổi

Ông Tạ Quốc Bảo (93 tuổi), ở Hà Nội, đang sống ở Viện dưỡng lão Từ Tâm, chia sẻ, cuộc sống ở viện yên tĩnh, xa thành phố ồn ào, xe cộ, không gian sống trong lành. Ông được chăm sóc sức khỏe, ăn uống, bồi bổ.

Diện mạo thị trường nhà dưỡng lão sẽ khác?

Theo bà Hồ Thanh Ngọc Uyên, Viện trưởng Viện dưỡng lão cao cấp Từ Tâm S-Merciful Hà Nội, trước đây, nhiều người quan niệm chỉ có người bất hạnh, bị con cái bỏ bê, hắt hủi mới vào viện dưỡng lão. “Vì vậy, chúng tôi đã cho ra đời mô hình viện dưỡng lão cao cấp với môi trường nghỉ dưỡng, dưỡng lão an tâm và hạnh phúc dành cho người cao tuổi”. Người dưỡng lão tại S-Merciful được chăm sóc sức khỏe toàn diện với hệ thống phòng khám Đông y, phòng Vật lý trị liệu chất lượng cao. Ngoài ra, viện còn có các tiện ích khác như: tập yoga, thiền, trà đạo, spa, bể bơi, rạp chiếu phim, siêu thị, xông hơi…

Viện dưỡng lão cao cấp Từ Tâm S-Merciful có nhiều tiện ích dành cho người cao tuổi như spa, bể bơi…

Bà Hồ Thanh Ngọc Uyên nhận định, khoảng 10 năm nữa, diện mạo thị trường dưỡng lão tại Việt Nam sẽ khác, đặc biệt là phân khúc viện dưỡng lão cao cấp kết hợp giữa nghỉ dưỡng và dưỡng lão.

Phân tích xu hướng phát triển của viện dưỡng lão ở Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Trần Hồ Thắng, Tổng Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, cho rằng, những người đang trong độ tuổi lao động sẽ có trách nhiệm chăm sóc trẻ nhỏ nhưng chăm sóc người cao tuổi lại không dễ dàng, bởi chăm sóc người cao tuổi liên quan đến sức khỏe nhiều hơn.

Sự thay đổi của cơ cấu gia đình Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con, tất cả đều tác động đến quan niệm của người con đối với việc đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão. Bản thân nhiều người già hiện nay cũng muốn tự hoạch định tương lai của mình. Có nhiều người chưa cao tuổi nhưng đã chọn viện dưỡng lão làm nơi an dưỡng tuổi già do nhu cầu được tâm sự, chia sẻ, giao lưu…

Người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, việc thành lập trung tâm, viện dưỡng lão hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về địa điểm, chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi lợi nhuận mỏng. Ngoài ra, những người vào viện dưỡng lão thường có nhiều bệnh. Điều này kéo theo gánh nặng chi phí về y tế cho viện.

Với mong muốn có một nơi sống an lành cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết thành lập Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Tuyết Thái trên diện tích hơn 7 nghìn mét vuông tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi tại Trung tâm tự trang trải chi phí chiếm khoảng 20%, còn 80% là phụ thuộc vào con cái. Bà Tuyết mong muốn được nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. “Hiện nay, chúng tôi phải thuê nhà của dân để làm. Quỹ đất để xây nhà dưỡng lão thực sự là một khó khăn mà nhiều người muốn làm trung tâm dưỡng lão nhưng chưa làm được”, bà Bạch Tuyết nói.

 

Xem thêm