Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All posts by Diên Hồng

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cùng Hadu Việt Nam

Vừa qua Diên Hồng cơ sở 1 đã diễn ra chương trình chăm sóc sức khỏe do Diên Hồng phối hợp cùng Hadu Việt Nam tổ chức.

Lần đầu tiên Diên Hồng và Hadu bén duyên với nhau là chương trình Ngày hội sức khoẻ cách đây 2 năm. Sau thành công của ngày hội đó, các chương trình hợp tác của 2 bên ngày càng được đẩy mạnh. Hadu là một công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có lĩnh vực đào tạo và thực hành nghề mát xa trị liệu. Chính vì vậy định kỳ 1 tháng 1 lần các bạn học viên sẽ qua Diên Hồng để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các cụ. 

Các bạn học viên được phân chia ra theo từng tầng, từng phòng. Dưới sự hỗ trợ của nhân viên điều dưỡng, các bạn nhanh chóng làm quen được với các cụ. 

Sau lúc bỡ ngỡ ban đầu, các cụ và các bạn học viên đã nhanh chóng làm quen với nhau

Bước đầu người cao tuổi sẽ được ngâm chân thảo mộc để giúp lưu thông máu trong cơ thể. Sau đó những đôi tay khéo léo sẽ xoa bóp nhẹ nhàng cho các cụ. Mặc dù nhẹ nhàng nhưng lại mang theo một lực nhất định để tác động vừa phải lên các huyệt đạo. Người già thường hay mắc các bệnh về xương khớp, đau vai gáy, hay tê bì chân tay. Vì vậy khi thực hiện thao tác xoa bóp, các cụ sẽ thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Được các bạn xoa bóp nên các cụ ai cũng thích mê

Các cụ ở Diên Hồng ai cũng mê mẩn các bạn học viên. Không chỉ được xoa bóp mà ông bà lại có thêm người trò chuyện, tâm sự. Người già chẳng sợ gì chỉ sợ cô đơn. Nên cứ mong cho nhanh hết tháng để lại được gặp các bạn học viên lần nữa.

Vừa được xoa bóp vừa có người trò chuyện tâm sự

Các bạn cũng yêu quý các cụ không kém. Mỗi lần ghé thăm đều phải chụp thật nhiều ảnh lưu niệm với các cụ. Diên Hồng tin chắc rằng, mỗi lần gặp gỡ thế này đều để lại cho các cụ cũng như các bạn học viên thật nhiều cảm xúc và kỷ niệm.

Xem thêm

Trầm cảm ở người cao tuổi

Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta khi chúng ta già đi. Trầm cảm người cao tuổi có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Từ sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi, thú vui và các mối quan hệ trong gia đình, xã hội

Hầu hết người già đều không thể nhận ra các triệu chứng khi họ bị trầm cảm. Vì vậy khi phát hiện ra thì tiến triển bệnh đã khá nặng. 

Các dấu hiệu trầm cảm ở người cao tuổi bao gồm:

  • Cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng.
  • Đau nhức không rõ nguyên nhân
  • Thiếu năng lượng, không có hứng thú với xã hội
  • Giảm cân hoặc chán ăn.
  • Rối loạn giấc ngủ (khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, ngủ quên hoặc buồn ngủ ban ngày).
  • Mất giá trị bản thân (lo lắng về việc trở thành gánh nặng cho con cái).
  • Sa sút trí nhớ.
  • Bỏ bê việc chăm sóc cá nhân (bỏ bữa, quên uống thuốc, không vệ sinh cá nhân).

Nguyên nhân trầm cảm ở người lớn tuổi

Những vấn đề sức khỏe. Bệnh tật, tàn tật, đau yếu đều có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

Cô đơn. Theo một nghiên cứu cho thấy những người già sống một mình khép kín, không có kết nối xã hội thường có tỉ lệ trầm cảm cao hơn.

Người già nên sống vui vẻ

Nỗi sợ hãi. Sau khi về hưu người già thường rơi vào khủng hoảng. Vì với họ về hưu là mất đi địa vị, sự tự tin, sự an toàn về tài chính cũng như tiếng nói trong xã hội. Họ sợ cảm giác dư thừa và vô dụng. Chính những suy nghĩ tiêu cực đó cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi.

Gặp những biến cố trong đời. Với người già khi họ mất đi người thân, bạn bè hay vật nuôi yêu thích cũng sẽ khiến họ rơi vào tuyệt vọng. Khi không thể vượt qua được nỗi đau đó họ dễ rơi vào trầm cảm ở người cao tuổi.

Ngoài ra các bệnh mãn tính đều có thể dẫn đến trầm cảm hoặc làm cho trầm cảm tồi tệ hơn. Bao gồm: Bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường, sa sút trí tuệ,…

Đừng bao giờ cho rằng việc mất đi sự nhạy bén về tinh thần chỉ là một dấu hiệu bình thường ở tuổi già. Đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ. Trầm cảm và sa sút trí tuệ có nhiều triệu chứng giống nhau, bao gồm các vấn đề về trí nhớ , giọng nói và cử động chậm chạp, và động lực thấp, vì vậy có thể khó phân biệt hai bệnh này. Và dù là bệnh nào thì nó cũng cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Cách giúp người lớn tuổi khi bị trầm cảm

Lắng nghe người cao tuổi với sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Đôi lúc chúng ta không cần phải cố gắng “chữa trị” chứng trầm cảm mà chỉ cần ở đó để lắng nghe. Khi người già chủ động chia sẻ thì cũng là lúc họ đang dần mở lòng hơn với thế giới bên ngoài.

Lên lịch cho các hoạt động xã hội thường xuyên. Trầm cảm ít xảy ra hơn khi cơ thể và tâm trí hoạt động. Chính vì thế các hoạt động xã hội, các chuyến đi chơi cùng gia đình, thăm bạn bè, hoặc các chuyến trải nghiệm tại viện dưỡng lão sẽ giúp người già không còn cảm giác cô độc. 

Tham gia các hoạt động vui chơi giải trí

Lên kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn lành mạnh. Những người trầm cảm thường chán ăn, ăn không ngon miệng. Một chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng lại càng làm cho bệnh trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy hãy đảm bảo rằng người thân của bạn đang ăn uống đúng cách. Tăng thêm nhiều nhiều trái cây, rau và protein lành mạnh trong mỗi bữa ăn.

Giúp người thân của bạn tìm được một bác sĩ tâm lý phù hợp, đi cùng họ đến các cuộc hẹn và hỗ trợ về mặt tinh thần. 

Trong trường hợp người cao tuổi có các triệu chứng trầm cảm vừa và nặng thì cần kết hợp thêm nhiều biện pháp hỗ trợ:

Dùng thuốc chống trầm cảm. Đây là loại thuốc có chứa các hoạt chất gây ức chế việc hấp thu serotonin có chọn lọc. Thuốc này giúp tăng hóa chất não trong việc chống trầm cảm. Nhưng có thể gây giòn xương, tăng nguy cơ gãy xương ở người già.

Liệu pháp sốc điện ECT: Đây là liệu pháp điều trị trầm cảm ở người cao tuổi cực kì hữu hiệu. Nhưng tác dụng phụ của nó lại có thể dẫn tới nguy cơ bị mất trí nhớ.

Trầm cảm thường tái phát khi ngừng điều trị quá sớm. Vì vậy chúng ta cần phải đồng hành cùng người cao tuổi để khuyến khích việc điều trị được theo đúng kế hoạch. Từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Việc đưa người già vào trung tâm dưỡng lão cũng sẽ giúp họ có thêm gắn kết với xã hội, thêm nhiều tác động tinh thần. Từ đó giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của trầm cảm.

Xem thêm

Hạnh phúc tuổi xế chiều ở viện dưỡng lão mùa Vu lan

Hạnh phúc tưởng chừng là một cái gì đó thật vĩ đại nhưng đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng dịp Vu lan, tôi mới hiểu rằng: Hạnh phúc là những điều giản đơn, trân trọng những người bên cạnh ta, biết hài lòng và thỏa mãn những gì đang có…

Mỗi khi nhắc đến viện dưỡng lão, mỗi người đều mặc định là nơi buồn tẻ, trong thế giới cô lập đó chỉ có những “cây cao bóng cả” lẳng lặng nhìn năm tháng trôi đi. Tuy nhiên, khi tới thăm Viện dưỡng lão (VDL) Diên Hồng (Thanh Oai, Hà Nội), tôi cảm nhận nơi đây là ngôi nhà chung ấm áp đầy tiếng cười và niềm vui.

“Thiếu con, mẹ mất đi tất cả…”

Đến thăm VDL Diên Hồng đúng lúc nghi thức bông hồng cài áo Vu lan được tổ chức cho các cụ nhằm thay lời muốn nói, bày tỏ hiếu kính với cha mẹ, dù đấng sinh thành vẫn còn hay đã khuất. Tôi cũng nhanh nhẹn cài lên ngực của một người phụ nữ trạc ngoài 60, bỗng đôi mắt bà ướt lệ, bà níu tay tôi ngồi xuống rồi tâm sự.

Dẫu lòng các cụ vẫn còn chất chứa nhiều nỗi niềm, nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời để “sống vui, sống khỏe”.

Xúc động, nghẹn ngào bà còn chẳng thể nhớ nổi họ tên và năm nay mình bao tuổi. Bà nói: “Nhìn con giống Tiến quá, thằng bé mới mất năm ngoài vì căn bệnh ung thư. Bao tâm huyết dành cả cho con, ngày Tiến mất tôi coi như mất tất cả, tinh thần suy sụp, sức khỏe ngày yếu đi nên quyết định vào đây để vơi đi nỗi nhớ, bầu bạn tuổi già”. Hỏi ra mới biết, bà là Vũ Thị Dung (sinh năm 1959, quê Hải Phòng).

Phải mất một hồi lâu, bà mới bình tĩnh để trò chuyện tiếp cùng tôi. Bà tâm sự: “Với tôi, Tiến là niềm vui và hạnh phúc. Cứ mỗi sáng mở mắt là tôi lại nhớ đến khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt long lanh, lúc nào cũng nói nhớ mẹ, rồi lại nước mắt ngắn nước mắt dài mỗi khi mẹ ốm nặng. Với tôi, hạnh phúc là thấy Tiến được sống, chỉ được ăn với Tiến những bữa cơm đạm bạc, hạnh phúc của tôi là có Tiến bên đời”.

Theo bà Dung, mỗi người ở VDL Diên Hồng đều có nỗi khổ riêng nhưng may mắn vì còn có nơi ăn chốn ở, có người lo cơm nước khi ốm đau bệnh tật. Ngoài bị tiểu đường, bà Dung còn bị bệnh tai biến nên việc ăn uống, phục hồi chức năng cũng được đặc biệt quan tâm, sức khỏe ngày càng tốt hơn so với trước khi vào.

Nhìn đôi mắt đẫm lệ của người mẹ đã mất con, hạnh phúc với bà Dung ở tuổi đã xế chiều có lẽ là được thấy anh Tiến vẫn còn hiện diện trên cõi đời, an nhàn, nghỉ ngơi. Đó cũng là điều hợp với lẽ tự nhiên, khi đã mệt nhoài với những năm tháng mưu sinh, đã ở bên kia cái dốc của cuộc đời thì chẳng niềm vui nào hơn là được nghỉ ngơi bên con cháu.

“Hạnh phúc là được đi cùng nhau, là đôi chân có thể đi…”

Chia tay bà Dung, tôi được điều dưỡng viên dẫn đến tầng 6, ở đó có một căn phòng gọi là “mái ấm hạnh phúc”. Sở dĩ, ở đó là nơi an hưởng tuổi già của hai vợ chồng ông Vũ Đình Bưởi (sinh năm 1930) và bà Vũ Thị Dành (sinh năm 1938) quê ở Hải Dương. Ông Bưởi từng là cán bộ Ban Tuyên giáo Thị ủy Lào Cai (nay là Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lào Cai), năm nay đã 68 tuổi Đảng.

Bà Dành cùng tấm ảnh chụp chung của ông bà dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân 2018 được bà gìn giữ và ngắm mỗi ngày.

Dáng người nhỏ nhắn, nhưng bà vẫn còn minh mẫn, khi tôi đến bà vẫn miệt mài chăm vườn rau xanh mướt đủ loại ở ban công. Bà phấn khởi giới thiệu: “Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng chúng tôi không muốn làm phiền con cái, sợ khiến con cái cảm thấy phiền lòng. Ngày ấy, hai vợ chồng tôi cũng chẳng biết viện dưỡng lão là gì, nhưng bán mảnh đất ở quê, chúng tôi dùng số tiền đó lên đây để an dưỡng tuổi già, mới đó mà cũng 4 năm rồi”.

Hai ông bà có đến 4 người con, mỗi lần nhớ con cháu thì cách duy nhất chính là liên lạc qua màn hình nhỏ. Khi nghe ai đó nói đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là rũ bỏ trách nhiệm, bất hiếu. Bà Dành khẳng định: “Tôi có đến 4 người con, nhẽ nào lại không trông nổi bố mẹ. Chúng tôi cũng có thiếu thứ gì đâu, thích ăn gì thì có thể tự mua, chẳng phiền đến đứa nào. Chúng nó chỉ cần quan tâm thật lòng đến mình thì mình cảm thấy vui vì con vẫn yêu. Thế là đủ rồi”.

Hạnh phúc với ông Bưởi và bà Dành chỉ đơn giản là bên nhau, chăm sóc khi ốm đau bệnh tật. Nhìn vào cử chỉ, cách người vợ chăm chút người đàn ông của đời mình, ai cũng hiểu bà thương ông nhiều lắm. Bà chẳng ước muốn hạnh phúc cao sang hơn, bà thầm cảm ơn vì lúc ông ốm đau bệnh tật vẫn có người bạn đời bên cạnh yêu thương chăm sóc. Món quà vô giá này chẳng thể mang lên cân đo đong đếm được.

Ở viện cũng như ở nhà, niềm vui đó được thể hiện trên gương mặt của người cựu chiến binh Phạm Văn Vương (sinh năm 1959, quê Ninh Bình). Dù đã bị liệt cả 2 chân do vận động thể thao nhưng ông vẫn đam mê với ca hát, luôn sẵn sàng góp vui những ca khúc cách mạng hào hùng mỗi khi viện giao lưu văn nghệ.

Dẫu đôi chân có bị liệt nhưng tinh thần và tâm hồn của ông Vương vẫn mạnh mẽ để vượt qua.

Trước khi vào VDL Diên Hồng, ông Vương từng là tổ trưởng tổ dân phố, sức khỏe vẫn còn “hừng hực như thời trai trẻ”. Biến cố ập đến khi ông đu xà bị gãy cột sống và liệt cả hai chân. Lúc ở Bệnh viện Việt Đức, con cái vẫn còn thay phiên chăm sóc, để không muốn bố cô đơn, lại có người chăm sóc nên họ đưa ông vào đây vừa phục hồi chức năng và có bạn trò chuyện hàng ngày.

Ông nói: “Con cái cũng bận công việc, đi xa cả năm mới về, tôi cũng đồng ý và về thu xếp “chuyển nhà” vào đây. Ở ngôi nhà thứ 2 này cũng được một năm rồi. Ngày mới về, tôi cũng cảm thấy cô đơn, trống trải vì xa nhà, chưa hòa nhập với môi trường mới. Nhưng rồi để nhanh thích nghi, tôi tham gia các hoạt động vui chơi tập thể với các bạn già”.

Mong ngày nào đó một phép màu sẽ đến với đôi chân của người cựu chiến binh.

Khác với các cụ ở đây, ông Vương chỉ nhớ quê, nhắc đến Ninh Bình hai mắt ông lại rưng rưng, ông nghẹn ngào nói: “Giá đôi chân có thể đi lại thì tốt, cũng chẳng phải xa quê như này. Ngày nào tôi cũng mong ngóng được trở về nơi mình đã gắn bó cả một đời người. Tình cảm này là tình cảm không gì có thể thay thế được, nó luôn ở mãi trong tim của tôi”.

Có thể thấy, mỗi người một phận, một câu chuyện nhưng lại gặp nhau ở ngôi nhà thứ 2 đầy ắp tình thương và tiếng cười. Họ đều ngậm ngùi chấp nhận, cầm lòng nhưng cũng có người thì da diết nhớ nhà, nhớ con; người dù có tỉnh táo khoanh vào tờ lịch từng ngày con cháu đến thăm nhưng ai cũng một mực khẳng định: “Con cái yêu thương, lo lắng cho mình, sợ không có ai chăm mới gửi vào đây cho có bầu có bạn, nào phải rũ bỏ trách nhiệm với đấng sinh thành đâu”…

Đến giờ tôi đã hiểu, hạnh phúc bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất. Trên bước đường đi tìm giá trị của hạnh phúc, có người đã tìm được câu trả lời và không ít người tìm mãi mà không thấy, dần dần đi vào bế tắc, tuyệt vọng như đi vào con đường không tìm thấy lối ra.

Biết là có người bầu bạn nhưng cũng chẳng thể so sánh bằng việc có con cháu quây quần ngày Vu lan ý nghĩa.

Mọi người thường nói là đi tìm và khám phá giá trị của hạnh phúc, cứ ngỡ rằng hạnh phúc là một cái gì đó cao siêu mà không nhận ra rằng hạnh phúc có ở quanh ta. Hạnh phúc không phải trên trời rơi xuống hay được ai ban phát mà nó nằm ngay trong cảm nhận, suy nghĩ và hành động của mỗi người.

Theo ông Đào Quang Đức, Phó giám đốc Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 cho biết, nơi đây là mái nhà sinh hoạt an dưỡng tuổi già của 120 cụ. Mỗi người có một hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau nhưng đều theo diện tự nguyện. Các cụ ban đầu vào trung tâm đều có chung cảm giác nhớ nhà, không có cụ nào vào là thích luôn. Tuy nhiên, sau khi ở một thời gian, các cụ quen với bạn bè đồng tuổi nên không muốn về nhà.

Với mong muốn giúp các cụ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, vơi bớt nỗi nhớ nhà, các điều dưỡng viên luôn bên cạnh để chia sẻ chuyện buồn vui cùng các cụ. Các buổi tham quan, tổ chức trò chơi để các cụ được tham gia vận động cơ thể và đem đến sự gắn kết giữa các thành viên trong trung tâm, đem lại niềm vui cho các cụ.

Một mùa Vu lan lại qua, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ…

Kết thúc buổi trò chuyện, đi tìm câu trả lời “hạnh phúc là gì?”, tôi rời trung tâm vào giữa trưa khi các cụ còn đang say giấc. Bước chân qua những căn phòng, tôi thấu hiểu hơn, đến tuổi bóng xế chiều ai rồi cũng đến lúc phải đối mặt với quy luật sinh lão bệnh tử. Vì vậy, dù sống ở nhà hay trung tâm dưỡng lão thì các cụ vẫn cần có sự quan tâm của người nhà, sống quây quần bên con cháu để có được sự an yên và đầm ấm hơn.

Vu lan là ngày đại lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.

Theo Hồng Phúc – Báo Quân Đội Nhân Dân

Xem thêm

Mùa Vu Lan: Ecopark mang hàng nghìn bông hoa trao tặng cho những người đặc biệt

 

“Tháng 7 mùa Vu Lan về là dịp để chúng ta nhớ đến bố mẹ, gia đình, người thân với tình yêu thương nhất”.

Nghe tin có đoàn tình nguyện viên đến thăm và tặng hoa, bà Nguyễn Thị Xuân bỗng vui và háo hức hơn hẳn.

Mỗi ngày, bà Vũ Thị Dư (65 tuổi) đều xuống sân tập thể dục cùng các cụ trong một viện dưỡng lão ở Hà Nội. Buổi sáng hôm nay bỗng đặc biệt hơn mọi ngày khi bà Dư nhận được một bó hoa sen thơm ngát từ tập đoàn Ecopark. “Gần 70 năm vất vả, đây là lần đầu tiên tôi nhận được bó hoa đẹp như thế này”, bà nói.

Ngắm nhìn những đóa hoa đặc biệt, bà Dư kể, gia đình bà có 6 người con, mỗi người mỗi nghề vất vả kiếm tiền sớm tối nhưng đều quan tâm chăm sóc mẹ hết lòng. Cuộc phẫu thuật não năm ngoái khiến sức khỏe bà giảm sút, liên tục đau nhức mỗi khi thay đổi thời tiết. Thương mẹ, các con thuê thêm giúp việc nhưng vẫn không an tâm để mẹ ở nhà.

“Ở đây tôi được chăm sóc tận tình nên chúng cũng yên tâm đi làm. Tôi thương con vất vả đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ”, bà Dư xúc động nói.

Nhận đóa hoa từ đoàn tình nguyên viên, ông Nguyễn Đình Kiên (85 tuổi, ở Hải Phòng) không thể hiểu hết ý nghĩa do trí nhớ suy giảm nhưng vẫn nở nụ cười tươi, miệng liên tục nói lời cảm ơn. Các con đều sinh sống ở nước ngoài, vợ cũng già yếu không thể chăm sóc nên ông vào viện dưỡng lão cho có bạn hàn huyên tâm sự. Tuổi cao, trí nhớ giảm sút nhưng ông vẫn được mệnh danh là “nhà thơ” của viện dưỡng lão khi có thể đọc vanh vách nhiều tác phẩm.

Nghe tin có đoàn tình nguyên viên đến thăm và tặng hoa, bà Nguyễn Thị Xuân bỗng vui và háo hức hơn hẳn. Nhắc đến lễ Vu Lan, bà lại nhớ nhà, nhớ con cháu. Bà Xuân kể, các con đều thành đạt, định cư ở nước ngoài nên bà chỉ sống một mình trong căn nhà ở Gia Lâm. Từ ngày sức khỏe yếu, con cái không thể ở bên chăm sóc nên tài trợ cho bà nghỉ dưỡng tại viện dưỡng lão.

Ngồi sau bà Xuân, khuôn mặt ông Lê Thế Điệp (57 tuổi) cũng rạng rỡ hơn khi đón nhận những bó hoa từ tình nguyện viên. Bị tai biến liệt nửa người hơn chục năm nay, mọi cử chỉ và lời nói đều khó khăn nhưng ông Điệp lúc nào cũng nở nụ cười tươi, vui vẻ ôm chặt bó hoa. Theo lời kể của nhân viên viện dưỡng lão, từ khi bị tai biến, một tay vợ ông chăm sóc bất kể ốm đau. Nhưng rồi sức khỏe phụ nữ cũng có hạn, con cái lớn đi làm ăn không có nhiều thời gian ở bên. Gia đình đưa ông vào để có người chăm sóc chu đáo hơn.

Không chỉ bà Xuân, ông Điệp, nhiều người khác đều không giấu được niềm vui, sự xúc động khi nhận trên tay bó hoa sen đặc biệt mùa lễ Vu Lan.

Ngoài những người ở viện dưỡng lão, những người lớn tuổi già, neo đơn và nhiều người đang điều trị trong bệnh viện cũng được nhận những bó hoa tươi từ Tập đoàn Ecopark nhân dịp lễ Vu Lan. Trong số đó, có người vẫn đủ minh mẫn để hiểu hết ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan song nhiều người chỉ còn sống trong ký ức chắp vá, lúc nhớ lúc quên. Dẫu vậy, trong mắt họ vẫn ánh lên niềm vui vì được sẻ chia yêu thương.

Rời viện dưỡng lão, bệnh viện, tập đoàn Ecopark tiếp tục dành tặng những đóa hoa sen cho những người cha, người mẹ vất vả, lam lũ trên phố.

“Tháng 7 mùa Vu Lan về là dịp để chúng ta nhớ đến bố mẹ, gia đình, người thân với tình yêu thương nhất. Những bông hoa này cũng thay cho lời Tập đoàn Ecopark muốn gửi gắm đến tất cả mọi người. Hãy tặng bông hoa này thay cho lời cảm ơn gửi đến những người bạn yêu thương nhất”, đại diện Ecopark cho biết.

Xem thêm

Dưỡng lão Diên Hồng tri ân ngày thương binh liệt sĩ

Ngày thương binh liệt sĩ là một ngày lễ lớn của dân tộc, là dịp để tri ân công lao to lớn của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà. Hòa chung không khí đó, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 đã tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và tặng quà tri ân cho các ông bà là cựu chiến binh, quân nhân đang an dưỡng tại trung tâm.

Để chuẩn bị cho chương trình, các bạn nhân viên đã ngày đêm tranh thủ tập luyện văn nghệ. Buổi trưa là lúc cho các cụ ăn xong, còn buổi tối thì tranh thủ giờ trực mọi người lại í ới gọi nhau đi tập. Mọi người không ai bảo ai, nhưng ai nấy đều cố gắng tập cho nhớ, cho đẹp, vì đó cũng là cách để tri ân các ông bà.

Mở đầu chương trình, các bạn nhân viên hóa thân thành những “cô gái mở đường” vượt qua mưa bom bão đạn để khai thông tuyến đường ra tiền tuyến. Những điệu múa như tái hiện lại một cách dí dỏm, đáng yêu công việc của các cô gái mở đường. Thấy các bạn múa, bà Thu cũng đứng dậy vỗ tay rồi vừa cười vừa múa theo.

Trong chương trình, các cụ được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, với những bài hát đi cùng năm tháng như: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, 5 anh em trên một chiếc xe tăng, Vết chân tròn trên cát, Tình nguyện,… Hay tiết mục múa “10 bông hoa bất tử” nói về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc lấy đi nước mắt của nhiều người. 

 

Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, nhưng nỗi đau thương mất mát dường như vẫn còn đó. Ở trong phòng, bà Dành lấy tay lau nước mắt, chiến tranh đã cướp đi của bà nhiều thứ. Bà nghẹn ngào kể về bố, về cậu em trai ra đi không về. Còn chồng bà thì đang là thương binh.

Còn bà Phúc cũng rưng rưng khi đọc lại bài thơ bà viết về người anh trai liệt sĩ của mình 

“Sao mãi anh chưa về

Hỡi anh trai liệt sĩ

Bốn chục năm có lẻ

Nước mắt đã cạn khô”

Cũng tại chương trình đại diện của trung tâm đã trao quà tri ân cho các cựu chiến binh, quân nhân đang an dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 2 với lời biết ơn vô hạn.

Sau chương trình tri ân, người xem như được sống lại một thời kỳ vô cùng gian khó nhưng cũng đầy hào hùng. Và lớp trẻ Diên Hồng lại càng thấm thía, biết ơn những người đã xuống cho sự hòa bình của dân tộc.

Xem thêm

Câu chuyện vào dưỡng lão của cụ bà 80

“Diên Hồng là viện dưỡng lão phù hợp nhất với bà”, cô Đinh Thị Vân Chi con gái bà Triệu Thị Phương Xuyến chia sẻ.

Khởi đầu

Bà Triệu Thị Phương Xuyến (80 tuổi) hiện đang sinh sống tại viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 4. Bà có 2 người con gái, con gái đầu ở Hà Nội, con gái út bên Mỹ. Trước đây ông bà không sống cùng với con cái, mà ở riêng tại Thụy Khuê cùng với một người giúp việc. Sau khi ông mất, bà cũng không về sống cùng các con, mà tiếp tục ở với giúp việc. Sau 7 năm, sức khỏe bà yếu hơn và bắt đầu có dấu hiệu lẫn tuổi già. Giúp việc lúc đó cũng xao nhãng việc nhà, lại không có chuyên môn y tế nên con gái quyết định tìm một nơi để bà được chăm sóc tốt hơn. 

Đầu tháng 12/2020, bà Xuyến bắt đầu với những ngày tháng đầu tiên tại trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2. Bà Xuyến ở cùng một cụ bà khác trong căn phòng gần 50m2 với đầy đủ tiện nghi. Mỗi ngày sau khi ăn sáng xong, 2 bà lại rủ nhau xuống phòng thể chất, rồi tham gia các hoạt động vui chơi tại trung tâm. Sau khi vào trung tâm bà được các bạn nhân viên xoa bóp, tập luyện nên căn bệnh đau lưng đã thuyên giảm không ít, bà ngủ ngon hơn, ăn uống cũng tốt hơn. Cô con gái thấy vậy cũng yên tâm phần nào.

Mặc dù đã ở quen và rất thích Diên Hồng nhưng lúc nào bà cũng có câu cửa miệng: “Mình phải ở nhà mình chứ, đấy đâu phải nhà mình”. Và bà bàn với con gái mua lại căn phòng mình đang ở. Ngồi trên ghế, bà cẩn thận viết từng chữ trong tờ giấy ủy quyền. Khi biết tin trung tâm đồng ý bán lại cho bà căn phòng đó, bà Xuyến phấn khởi lắm. Bà hí hửng cười bảo với bà Biển, người bạn cùng phòng: “Em mua căn phòng này rồi nhé, bây giờ chị cứ yên tâm ở với em, 2 chị em mình ở với nhau, không phải đi đâu hết”. Rồi bà ngồi ngắm nghía xem cái tủ mang từ nhà đến thì để ở đâu, rồi quần áo, đồ đạc.

Bà Xuyến tham gia hội thao Olympic tại trung tâm

Thay đổi

Cô Vân Chi, con gái bà chia sẻ: “Bà ở Diên Hồng được các bạn chăm sóc rất tốt, bà vui vẻ hẳn ra. Nhưng điểm trừ là không gian sân vườn của cơ sở không nhiều”. Chính vì vậy cô quyết định tìm nơi ở mới cho bà. Đó là một viện dưỡng lão tại Sóc Sơn với khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh, vườn tược, ao hồ. Nhưng lúc này bệnh đau chân của bà lại tái phát, bà không thể đi dạo được. Sân vườn rộng bây giờ cũng không còn phù hợp với bà. Hơn nữa đường xá đi lại xa. Trong lúc đó, cơ sở 3 của Diên Hồng vừa khai trương, vừa gần nhà, vừa có sân vườn, không quá rộng nhưng cũng đủ để các cụ thoải mái đi dạo. Thế nên sau gần 2 tháng ở Sóc Sơn, cô Vân Chi và bà một lần nữa trở về Diên Hồng. Hiện tại bà đang an dưỡng tại cơ sở 4. Hành trình đi dưỡng lão của bà đã được cô Vân Chi ghi lại và đăng tải lên kênh youtube của mình.

Sau những lần thay đổi nơi ở và gần 2 năm sinh sống tại Diên Hồng, cô Vân Chi nhận thấy “Diên Hồng là viện dưỡng lão phù hợp nhất với bà. Càng các cơ sở sau của Diên Hồng thì cơ sở vật chất càng khang trang và hiện đại. Khuôn viên của trung tâm đủ rộng để có cây xanh, bóng mát và không khí trong lành cho các cụ thư giãn. Các cơ sở của trung tâm đều ở những vị trí yên tĩnh, xanh mát, không quá xa trung tâm nên rất thuận tiện đến thăm. Các bạn nhân viên thì có chuyên môn, trẻ trung, yêu thương các cụ, lúc nào cũng vui vẻ và thân thiện. Bây giờ hầu như bà không còn bị đau yếu vặt vãnh như ngày trước nữa, nên cô rất yên tâm khi gửi gắm bà”.

Bà Xuyến cùng các cụ bà chụp ảnh nhân dịp Giáng sinh

Vì trước đây bà từng ở Diên Hồng, nên sau khi quay lại bà cũng đã quen với cuộc sống tại trung tâm. Nơi có những người bạn già, những cháu nhân viên quen thuộc. Sáng sớm bà và những người bạn cùng phòng đi tập luyện, xoa bóp, rồi đi dạo dưới sân, nhâm nhi cốc nước trà. Thi thoảng các bạn dẫn đi chơi đâu đó chụp hình, rồi đi cà phê thưởng thức bánh ngọt đồ uống. Mặc dù bây giờ bà đã lẫn hơn trước, có khi vừa ăn xong bà đã quên mình ăn món gì. Nhưng khi hỏi bà ở trung tâm có vui không, thì bà mỉm cười bảo vui lắm, Hỏi bà có về nhà nữa không, thì bà bảo đây là nhà rồi.

Xem thêm

Tăng cường canxi cho người già bằng việc đi bộ

Chúng ta thường nghĩ bổ sung nhiều canxi sẽ giúp xương chắc khỏe. Nhưng thực tế, chúng ta có bổ sung bao nhiêu đi nữa, điều này cũng là không thể. Ngay cả các phi hành gia sống thời gian dài trên tàu vũ trụ được bổ sung liên tục một lượng lớn canxi, khi trở về Trái đất, họ vẫn bị loãng xương như bao người bình thường khác.

Một điều chúng ta nên biết là dưới tác dụng của trọng lực, xương chúng ta luôn chịu sức ép, không được vận động một cách tự do. Do đó, xương sẽ ngày càng yếu đi. Để có xương cốt rắn chắc, tôi khuyên các bạn nên đi bộ nhiều nhất có thể. Xương của chúng ta càng gánh trọng lực nhiều bao nhiêu, lượng canxi trong xương càng tăng lên bấy nhiêu. Ngoài ra, ở một số trường hợp, như khi cơ thể đang ở tình trạng đói lả, hay vào mùa hè, chúng ta uống quá nhiều nước, khiến cho hệ bài tiết tăng bài tiết các chất khoáng như canxi, natri… qua nước tiểu. Chúng ta sẽ gặp phải vấn đề cơ thể mất đi lượng lớn canxi. Nhưng đó đều là những trường hợp đặc biệt.

Giờ đây các bạn sẽ đặt câu hỏi vì sao người già nói chung tuổi càng cao thì lượng canxi càng giảm. Để cho dễ hiểu chúng ta hãy hình dung xương giống như một ngân hàng mà có thể gửi canxi ở đó. Nếu canxi trong máu giảm ngay lập tức có canxi từ xương bù vào. Nếu điều này tiếp tục tái diễn sẽ dẫn đến hình thành bệnh. Tuy nhiên nếu chế độ ăn uống của chúng ta hợp lý thì lượng ion canxi trong máu hay trong xương đều sẽ được giữ ở mức cân bằng với nhau. Vì vậy lượng canxi nạp vào không quá ảnh hưởng đến chất lượng xương, xương giòn là do chúng ta đi bộ quá ít.

Cho nên ở người già vì ít vận động nên xương ngày càng giòn đi cho dù họ có uống bao nhiêu canxi đi nữa. Một phần lý do của điều này là sự suy giảm các hormone. Hormone dù là ở nam giới hay nữ giới đều kích thích chuyển hóa các protein, tăng cường độ cứng của xương, độ dẻo, dai bền của cơ. Ở nam giới một số trường hợp tới tận năm 80 tuổi hormone vẫn được tiết ra với lượng nhiều như thời trẻ. Còn ở nữ giới hormone bắt đầu suy giảm từ năm 25 tuổi và đến năm 50 tuổi. Vào thời kỳ mãn kinh lượng hormone hầu như không còn được tiết ra nữa. Như thế cơ thể không thể tự duy trì mãi lượng hormone tiết ra, vì vậy chúng ta cần bổ sung lượng hormon thay thế. Hormon có thể thay thế được ở đây là Androgen. Androgen là một hormone thuộc nhóm hormone nam, được sản sinh bởi tuyến thượng thận – cơ quan nhỏ nằm ở phần trên đỉnh thận và là một thành phần không thể thiếu trong nhóm hormone nữ dù hàm lượng chất này ở nữ giới là rất nhỏ.

Những yếu tố phân tích ở trên đều là những yếu tố làm cho xương ngày càng khó lưu giữ được canxi trong xương. Bên cạnh đó việc thiếu vận động khi về già sẽ dẫn đến những cơn đau khớp gối và thắt lưng ngày một rõ rệt. Các cơn đau này sẽ giảm khả năng vận động có thể đến mức phải ngồi xe lăn từ đó xương lại càng yếu hơn. Vòng luẩn quẩn như vậy cứ tiếp tục tái diễn. Khi tôi nói đến đây một số người vốn ít vận động sẽ trở nên hăng hái lạ thường, đến mức sẵn sàng bỏ thời gian ra để đi bộ lên núi ngay lập tức. Tuy nhiên nếu ai trong số các bạn định làm vậy thì không nên vì tăng hoạt động đột ngột sẽ dễ khiến xương và hệ cơ gân khớp bị tổn thương. Chúng ta nên từ từ xây dựng một thói quen, không nên nhất thời làm việc này như kiểu quét nhà “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy”

Tuổi xương của tôi là 28 trẻ hơn gần 30 tuổi so với tuổi đời, và tôi nghĩ có được điều này là do ngày bé tôi rất thích đi bộ. Cho nên quả thực sự lão hóa xương ở tuổi già có muốn liên hệ mật thiết với việc đi bộ lúc nhỏ. Do đó đi bộ khi trẻ rất tốt vì vậy nếu có con các bạn đừng để chúng ngồi yên trên ghế tàu điện hãy cho chúng tự do đi lại. Sự hoạt động đôi chân của chúng lúc đó quyết định sức khỏe của xương chúng mai kia.

Theo tác giả Yoshinori Nagumo

Xem thêm

Các cụ bà Diên Hồng trở về miền ký ức

Vừa qua, các cụ bà ở Diên Hồng đã được trở về với ký ức của những mùi hương thân thuộc trong buổi làm dầu dưỡng da tại Mộc Hương Việt Nam. Đây là một hoạt động rất thú vị mà không phải ai cũng có cơ hội để trải nghiệm thực tế.

Bước chân vào không gian nhỏ xinh của Mộc Hương, các bà ở Diên Hồng ngỡ ngàng bởi sự mộc mạc, gần gũi trong thiết kế. Trải nghiệm ấn tượng đầu tiên của các bà là được lựa chọn các loại gel rửa tay với hương thơm tự nhiên như thể đang cầm trên tay đúng loại quả, lá trong tên gọi. Mùi hương bạc hà, tía tô, hương nhu, cam, chanh, khuynh diệp làm các bà ngây ngất, ai cũng muốn thử thật nhiều mùi hương cho bõ công trải nghiệm.

Hoạt động làm dầu dưỡng cho người già

Sau khi hít hà đã đời khứu giác, các bạn Mộc Hương đưa các bà trở về những mùi hương quen thuộc trong ký ức. Đó là hương thơm ngát của lúa non mới lên đòng, hương hoa móng rồng ngào ngạt hay hương thơm quen thuộc của hoa bưởi, hoa chanh nồng nàn. Những câu chuyện vừa tếu táo, vừa thú vị xung quanh những mùi hương khuấy động không khí buổi workshop khiến tất cả cởi mở và hào hứng hơn.

Sau đó, các bà tiếp tục bước vào hành trình khám phá mùi hương đầy mê hoặc thông qua việc tìm hiểu các loại tinh dầu. Lần đầu tiên các bà được ngửi các mùi hương như hoắc hương, đàn hương, hoa cúc la mã, các loại quả mọng như quả mâm xôi, bách xù hay những mùi hương quen thuộc hoa nhài, cam, chanh, bưởi. Hàng trăm loại hương khác nhau được phân loại theo từng nhóm và tác dụng của chúng được nghệ sĩ mùi hương của Mộc Hương chia sẻ. Điều đặc biệt ấn tượng với các bà là mỗi loại tinh dầu mà Mộc Hương mua về đều là sản phẩm nguyên chất hữu cơ được nhập từ nước ngoài.

Hoạt động làm dầu dưỡng cho người già

Tiếp theo, các bà bước vào hoạt động chính của buổi workshop bằng việc lựa chọn cho mình ba loại tinh dầu thuộc ba nhóm khác nhau để mix cùng với dầu hạnh nhân an toàn cho mọi loại da với nhiều công dụng tuyệt vời cho da và tóc. Bởi vì mỗi tinh dầu có tác dụng khác nhau như giúp thư giãn, ngủ ngon, làm dịu da,… nên các bà cũng lựa chọn tinh dầu dựa theo nhu của mình. Sau khi cân đo đong đếm, mỗi bà đã tự cho ra đời sản phẩm dưỡng da độc nhất vô nhị với mùi hương mix yêu thích và đặt tên cho sản phẩm. Những cái tên như Dầu dưỡng Nguyệt Hương, Chiều Mưa, Hương Hội,… Bà Hồng – người làm xong đầu tiên hào hứng chia sẻ: “Đi như này thích quá, các bà vừa được cập nhật thêm kiến thức về các loại tinh dầu trong tự nhiên lại vừa được tự tay làm dầu dưỡng cho riêng mình. Bà rất vui vì được trải nghiệm, được trò chuyện, lại còn được mang quà về nữa.”

Các bà tự tay làm dầu dưỡng

Bà Tiện và bà Hội cũng vui ra mặt, các bà không chỉ cảm nhận mùi hương dầu dưỡng của mình còn thử dầu dưỡng của các bà khác và hứa hẹn sẽ chia sẻ cho nhau khi về trung tâm. “Đúng là một cơ hội trải nghiệm hiếm có mà chỉ ở Diên Hồng bà mới có được”, bà Tiện vui vẻ nói.

Workshop tự làm dầu dưỡng da tại Mộc Hương nằm trong chuỗi hoạt động cho người già của Trường học hạnh phúc Diên Hồng. Rất nhiều các hoạt động thú vị đang chờ các ông bà Diên Hồng tham gia và khám phá bản thân bởi lời hứa hẹn năm xưa “khi nào về hưu sẽ làm” vẫn còn nguyên giá trị.

Xem thêm

Tâm sự của những điều dưỡng trẻ tuổi đang chăm sóc người già

Người ta thường bảo nghề điều dưỡng “làm dâu trăm họ” vất vả. Nhưng làm dâu người già lại còn khó hơn bội phần.

Sau khi tốt nghiệp,  bạn bè của Hà Anh người thì tìm việc làm tại phòng khám, bệnh viện, người thì xin vào thẩm mỹ viện. Duy chỉ có Hà Anh lại lựa chọn công việc chăm sóc người cao tuổi tại Viện dưỡng lão Diên Hồng.

Công việc chăm sóc người già thường khá vất vả. Bởi vậy đâu ai nghĩ một cô bé mới ra trường lại lựa chọn nó làm điểm đến cho mình.

Chăm sóc các cụ ở Diên Hồng cho em cảm giác như được sống cùng với ông bà nội, ngoại. Từ bé em sống xa ông bà, nên em chỉ ước được gặp ông bà thật nhiều. Nhưng hiện tại thì ông bà em đều không còn nữa. Bây giờ em chỉ ước các ông bà ở trung tâm mãi luôn khỏe mạnh, sống lâu cùng với em và mọi người”, tâm sự của bạn Hà Anh, điều dưỡng viên Diên Hồng cơ sở 2 (23 tuổi). 

Hà Anh là một cô gái luôn tràn đầy năng lượng, hay mang lại tiếng cười cho mọi người. Nên ông bà và các bạn nhân viên ai cũng yêu mến. Vì xem ông bà ở đây như người thân của mình, nên Hà Anh hay tỉ tê tâm sự những lúc rảnh rỗi. “Hôm nào đi trực tầng 1, 2 thì em với bà Thanh lại tâm sự cùng nhau. Hai bà cháu kể cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện, nào chuyện gia đình, chuyện bạn bè, công việc, hay chuyện từ ngày xửa ngày xưa của bà. Bà còn hỏi có người yêu chưa, bao giờ lấy chồng thì nhớ mời bà nữa”. Hay những hôm có chuyện buồn, ngồi thủ thỉ lại được bà vỗ về, xoa đầu, cảm giác mọi muộn phiền trong cuộc sống đều tan biến.

Nói về những khó khăn khi làm tại đây, Hà Anh chia sẻ: “Lúc đầu chưa quen nên công việc khá nhiều. Xong em còn phải nhớ tên từng cụ, tình trạng bệnh lý rồi thói quen để chăm sóc các cụ dễ hơn. Có những cụ dễ tính, dễ gần lắm nhưng cũng có những cụ khó tính, trái tính, không vừa ý các cụ là bị chửi. Nhưng mà nghĩ lại, các cụ nói em như thế là để em tiến bộ hơn thôi”.

Giống với Hà Anh, điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo, điều dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 3 (20 tuổi) cũng gặp khá nhiều khó khăn trong chăm sóc người cao tuổi. “Em không được đào tạo bài bản như ở trường lớp, mọi kiến thức đều là em tự học online nên kỹ năng thực hành hầu như không có. Bởi vậy em cần phải cố gắng nhiều hơn mới có thể nắm bắt tình hình các cụ để chăm sóc các cụ tốt hơn”, Thảo chia sẻ.

Ở độ tuổi đôi mươi, không ai nghĩ Thảo lại lựa chọn công việc chăm sóc người già trong viện dưỡng lão. Công việc mà mọi người thường nghĩ là nặng nhọc và vất vả. Thảo mỉm cười, bảo: “Em yêu người già, muốn được chăm sóc các cụ. Em thấy đây không chỉ là làm công ăn lương mà công việc của em còn rất nhân văn, em tự hào về điều đó”. Tình yêu thương mà Thảo dành cho các ông bà ở Diên Hồng chính là nguồn động lực để Thảo cố gắng hơn mỗi ngày. “Các cụ mỗi cụ một tính, có cụ lẫn, có cụ tỉnh nhưng các cụ đều đáng yêu, đến cả cách cụ chửi em cũng thấy đáng yêu”, Thảo bật cười chia sẻ. 

Sau những giờ làm việc, Thảo cùng các cụ bà ngồi quây quần trên giường chơi trò chơi, tiếng nói tiếng cười rộn rã khắp tầng.

Minh Toàn, điều dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 4 (22 tuổi) chàng trai trẻ tuổi cũng mới chân ướt chân ráo bén duyên với nghề điều dưỡng chăm sóc người già. Ngày còn đi học, đi thực tập, Minh Toàn cũng chỉ tiêm truyền, chứ chưa bao giờ tắm, thay bỉm cho ai. Nên thời gian đầu học việc, Toàn đã rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Hôm ấy, sau khi được quản lý hướng dẫn cách đóng cabot, Toàn được giao nhiệm vụ đóng cho một cụ ông. Nhưng từ lý thuyết đến thực hành là quãng đường rất xa nên sau khi đóng, cabot đã bị tụt và ông ướt hết người. Sau lần ấy, Toàn đã chú ý và có kinh nghiệm hơn nên không bị xảy ra tình trạng tương tự. 

Khi hỏi về lý do làm việc tại Diên Hồng, Minh Toàn tâm sự “Em thấy người cao tuổi là đối tượng cần được quan tâm chia sẻ nhiều nhất, nên em muốn cống hiến hết mình cho công việc này. Hơn nữa sau này em cũng có kinh nghiệm để chăm sóc ông bà, bố mẹ của mình”. Mặc dù thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng sau gần 1 tháng học việc, Minh Toàn đã thông thạo gần hết công việc.

Anh Đỗ Trần Hồ Thắng (Tổng Giám đốc Diên Hồng) chia sẻ: “Nghề điều dưỡng đã khó, điều dưỡng chăm sóc các cụ già còn khó hơn. Bởi lẽ các bạn cần phải phối hợp với người không muốn phối hợp với mình. Cho các cụ ăn nhưng các cụ không chịu ăn, đưa các cụ đi tắm nhưng các cụ không chịu tắm,…Chính vì thế ngoài các phẩm chất của một người điều dưỡng, các bạn còn cần phải thật kiên trì, nhẫn nại và bao dung”. Không những thế các bạn còn phải làm bằng cả cái tâm và dành tình cảm cho các cụ thật nhiều.

Gia đình người cao tuổi cũng hay bảo: “Hiếm có viện dưỡng lão nào lại có nhiều điều dưỡng viên trẻ tuổi mà tâm huyết như ở Diên Hồng”. Có lẽ vì tình yêu của các bạn dành cho Diên Hồng, dành cho các cụ quá nhiều nên mới thế.

Xem thêm

Tạm biệt trong yêu thương

Trong suốt gần 8 năm hoạt động, Diên Hồng đã chứng kiến biết bao nhiêu ông bà ra đi. Thời gian đầu chưa quen, ai cũng cảm thấy hụt hẫng khi một người đã gắn bó với mình từ miếng ăn giấc ngủ không còn nữa. Một số điều dưỡng còn cảm thấy sợ hãi khi vệ sinh cơ thể của người đã khuất. Cũng ngần ấy thời gian người Diên Hồng cảm nhận được nỗi đau của gia đình các ông bà khi ông bà không còn nữa. Dẫu biết rằng có khóc hay đau đớn nhiều như thế nào thì người mất cũng không thể sống lại được nhưng Diên Hồng vẫn muốn chia sẻ cảm xúc này với những ai đang phải chịu đựng sự mất mát và hi vọng rằng bài viết dưới đây sẽ giúp được điều gì đó.
Tạm biệt một ai đó thật sự không dễ dàng, đặc biệt là người thân của mình, khi cơ thể mình là một phần cơ thể họ.
Chia tay người mình yêu thương cũng không dễ dàng gì, khi mà tâm trí mình đã hoàn toàn hướng tới họ trong một thời gian đủ dài.
Chia tay cơ thể mình càng khó hơn, khi mà tâm trí đã gắn với cơ thể đủ lâu để sử dụng nó cho mục đích và ham muốn của chúng.
Đau khổ, buồn bã, nhớ nhung, mặc cảm tội lỗi, giận dữ, trách móc,… là những cảm xúc thường trực sau sự kiện quan trọng đó. Cảm xúc sẽ lên rất mạnh khi bạn không có gì để làm, khi mặt trời không còn chiếu sáng, và đặc biệt khi bạn nhắm mắt lại.
Ừ, 3 điều trên đủ để biết công cụ chính xác là gì để bạn vượt qua nỗi đau này:
1. Ý nghĩa cuộc sống hiện tại của bạn là gì để giúp bạn làm việc, hướng tâm trí đến đó và biết rằng, người ra đi đã hoàn thành tốt trách nhiệm của họ. Còn bạn, nếu sống trong đau buồn thì bạn sẽ hoàn thành trách nhiệm như thế nào? Người ra đi liệu có vui, có thỏa mãn nếu thấy bạn cứ chìm vào cảm xúc của mình không?
2. Ánh sáng, lửa: Thanh tẩy cơ thể bằng ánh sáng mặt trời và lửa trong nhà. Tập thể dục ngoài trời, mở cửa đón sáng cả ngày, thắp đèn nến cả đêm. Ánh sáng trong căn nhà cũng giúp người ra đi thanh thản hơn. Yoga có Thiền Nến.
3. Sử dụng các kỹ thuật ngủ: Yoga Nidra & Thiền buông thư, các kỹ thuật ngủ có chủ đích để khi nhắm mắt, những hình ảnh gợi lên không tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực kéo bạn vào đau khổ. Các kỹ thuật ngủ có chủ đích cũng giúp bạn gặp được người đó theo hướng tích cực và yêu thương, chứ không phải trong những cao trào cảm xúc của giấc mơ hay ác mộng.
Cuối cùng: người thân và cộng đồng bạn bè luôn tích cực, ở bên cạnh động viên và tạo ra các hoạt động tích cực kéo tâm trí ra khỏi các suy nghĩ tiêu cực là rất quan trọng.
Mong rằng, sau mỗi cuộc chia tay, sau mỗi đau khổ đều là cơ hội cho người ở lại hiểu hơn về mình và sống có ý nghĩa hơn, xứng đáng với những gì người ra đi đã làm cho bạn.
Nguồn: Pham Laskmi
Xem thêm