Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Live concert cực chill giữa lòng Hà Nội, ngỡ như đang lạc trên Đà Lạt

Sau những giờ làm việc mệt mỏi, còn gì tuyệt vời hơn khi được hòa mình vào những giai điệu của một buổi live concert cực chill ngoài trời. Sự kì diệu của âm nhạc được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh rằng nó thực sự có tác dụng trong việc giải tỏa những căng thẳng, áp lực. Vậy nên, để giúp cho những nhân viên yêu quý đang làm việc tại Diên Hồng có một tinh thần làm việc tốt hơn, ban Lãnh đạo đã chuẩn bị một bữa tiệc âm nhạc ngoài trời rất nên thơ ngay tại sân Diên Hồng cơ sở 2.

MC Hoàng Ngân – người dẫn dắt cho buổi live concert thêm phần lôi cuốn

Dưới giàn hoa giấy đang độ nở rộ, trong làn gió hiu hiu se se lạnh làm người ta chỉ muốn xích lại gần nhau, live concert “Bay” như đưa khán giả vào một giấc mộng đầy tiếng ca. Sự góp mặt của band nhạc trong live concert khiến cho âm nhạc như được lên một tầm cao mới. Những giai điệu như những nấc thang đưa người nghe thăng hoa theo mọi cảm xúc mà các bài hát mang lại. Lời ca tiếng hát tuy chỉ là cây nhà lá vườn nhưng lại là liệu pháp giải tỏa tinh thần mà bất cứ ai cũng cần để nạp lại năng lượng sau những mệt mỏi, áp lực từ công việc và cuộc sống.

Anh Lê Bắc mở đầu cho live concert với giọng ca ngọt ngào, cảm xúc

Mở đầu cho live concert là bài hát Yêu lại từ đầu mang theo rất nhiều cảm xúc chất chứa từ anh Lê Bắc, cây văn nghệ của Diên Hồng, mở màn cho tất cả những live concert đã tổ chức trước đấy. Những bài hát như Suy nghĩ trong anh, Dành cho em, Ước gì,… đều là những bản tình ca mang theo rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình yêu. Từ tâm tư tình cảm của những chàng trai, cô gái đang yêu đơn phương cho đến tình yêu nồng cháy, tha thiết hay cảm xúc khi mối tình tan vỡ, những cảm xúc đau khổ cũng được tái hiện lại trong từng câu hát. Không biết có phải vì tình yêu dành cho âm nhạc của mọi người là rất lớn hay không hay do những trải nghiệm mà những câu hát lại trở nên chân thực và giàu cảm xúc đến thế.

Chị Thúy Nga – Phó Tổng giám đốc với ca khúc Ước gì

Anh Hoàng Anh với ca khúc Suy nghĩ trong anh

Bài hát “Vì một người ra đi” qua giọng hát nội lực của anh Việt Cường

Chị Minh Mùi với bài hát “Tìm lại giấc mơ”

Dù live concert dành cho CBNV nhưng bà Hà đã xin đăng ký hát một bài từ chiều. Bà cũng yêu âm nhạc, yêu cái không khí live concert cứ ngỡ như Đà Lạt này. Dù đã 80 tuổi, giọng cũng không còn tốt như trước, nhưng bà vẫn tự tin đứng trên sân khấu thể hiện mình. Hòa mình vào với các bạn trẻ, trong không gian âm nhạc này, bà bảo bà như được trẻ lại, như quay về những năm tháng thanh xuân. Âm nhạc với bà là liệu pháp tinh thần giúp bà luôn vui vẻ, tươi trẻ dù vỏ bọc bên ngoài đã không còn chống được sự tàn phá của thời gian. 

Bà Hà đã rất hồi hộp chờ đến phần hát của mình

Mong rằng live concert sẽ trở thành một phần ký ức thật đẹp trong tâm trí mỗi người tham gia. Những cảm xúc, những kí ức về live concert sẽ là nguồn năng lượng tích cực để mọi người có thể làm việc tốt hơn, giải tỏa đi những áp lực đang gặp phải trong công việc. Hy vọng, sự gắn kết của các CBNV Diên Hồng sẽ giống như tên chương trình, giống như một đàn chim cùng nhau bay về phương Nam, cùng nhau phát triển, lớn mạnh, đưa Diên Hồng ngày càng bay cao, bay xa.

Xem thêm

Ngôi nhà thứ 2 của mẹ tôi là Viện dưỡng lão

Khi nhiều người còn đang phân vân có nên gửi bố mẹ vào dưỡng lão hay không thì cô Mai, con gái bà Thưởng đã lựa chọn tin tưởng vào các bạn điều dưỡng viên, tin tưởng Diên Hồng để gửi bà vào đây từ 5 năm trước. Gắn bó với Diên Hồng đã lâu, bà Thưởng hay cô Mai dần dần cũng đã coi Diên Hồng là ngôi nhà thứ 2 của bà, nơi bà an dưỡng và được chăm sóc khi tuổi già sức yếu. 

“Mẹ tôi ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 1 sắp được 5 năm. Tôi đều đặn vào thăm mẹ hàng tuần nên có điều kiện tiếp xúc và hiểu rõ cán bộ, nhân viên của Trung tâm chăm sóc các cụ nói chung và mẹ tôi nói riêng rất chu đáo, ân tình. 

Tôi trân trọng tư duy của các anh chị lãnh đạo Trung tâm rằng Dưỡng lão Diên Hồng là nơi để người cao tuổi được hạnh phúc. Tôi cảm nhận đội ngũ CBCNV Diên Hồng luôn đoàn kết, nội bộ ấm áp chân tình, cùng hướng tới mục tiêu chung chăm sóc người cao tuổi ngày một tốt hơn. 

Mẹ tôi liệt nửa người, béo, nặng cân, nâng đỡ khó nhưng các bạn điều dưỡng luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân cho cụ sạch sẽ. Khi sức khoẻ của mẹ tôi có diễn biến bất thường Trung tâm đều kịp thời thông báo cho gia đình và kê đơn thuốc phù hợp. Khi mẹ tôi phải đi khám, chữa bệnh – điều dưỡng trưởng của Trung tâm hỗ trợ gia đình đưa mẹ tôi đến bệnh viện. Còn nhớ có lần mẹ tôi đi khám chữa răng, bác sĩ nha khoa nói với tôi: “Cậu này (bạn Quý điều dưỡng trưởng) khi còn nhỏ chắc được bà chăm bẵm lắm nên giờ mới chăm bà vậy. Tôi chưa thấy cháu nào chăm bà giỏi như thế”. 

Về ăn uống ngoài các bữa ăn của Trung tâm, gia đình gửi sữa và trái cây cho mẹ tôi các bạn điều dưỡng đều vui vẻ hỗ trợ.”

Những hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các cụ cũng làm cô phần nào tin yêu Diên Hồng hơn. Cô bảo các ngày lễ, Tết cô vào thăm bà đều thấy bà được tham gia các hoạt động do Trung tâm tổ chức. Từ văn hóa, văn nghệ đến cả hoạt động thể thao,… rất đa dạng, giúp đời sống tinh thần của các cụ luôn được vui vẻ. Những dịp không tham gia cùng bà được, cô đều được xem các hình ảnh trên trang của trung tâm hay được chị Huệ gửi ảnh, cô cảm thấy rất phấn khởi.

Với cô Mai, người đã đồng hành cùng Diên Hồng mấy năm nay, các bạn điều dưỡng viên cơ sở 1 giờ đây cũng như con cháu trong nhà của cô. Lúc nào cô gặp cũng thấy các bạn vui vẻ, lễ phép. Cô cũng hiểu không phải cụ nào cũng dễ tính, công việc cũng chẳng hề đơn giản, nhẹ nhàng nhưng lúc nào cô cũng thấy các bạn cười nói, ân cần với các cụ như với ông bà trong gia đình, không nề hà gì. 

“Mẹ tôi ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng gia đình tôi hoàn toàn yên tâm. Chúng tôi nhận thấy Trung tâm ngày một cải tiến để chăm sóc các cụ được tốt hơn. Xin cám ơn CBNV Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng! Chúc Trung tâm ngày càng phát triển bền vững!”

Xem thêm

Đặc quyền của người có chồng làm điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi là gì?

Mọi người thường lo sợ nếu sau này lấy vợ hoặc chồng làm ngành y, điều dưỡng, bác sĩ. Vì thời gian bên gia đình ít hơn bên người bệnh. Nhưng mình thì khác.

Duyên phận đưa đẩy cuối cùng mình gặp và cưới chồng mình. Ngày đầu mới quen mình có hơi ái ngại khi nghe anh nói anh làm điều dưỡng ở viện dưỡng lão. Một công việc mà mình nghĩ thường chỉ con gái mới làm. Qua lời anh kể mình biết được công việc của anh là chăm sóc từ A-Z cho người già như xúc ăn, tắm rửa và cả thay bỉm. Hồi ấy mình hỏi sao anh không làm ở viện thì anh bảo không hợp môi trường bệnh viện.

Sau thời gian quen nhau mình cũng dần hiểu hơn về anh. Anh là người khá vui tính, hài hước, cẩn thận và chu đáo nữa. Thi thoảng anh còn kể cho mình nghe về các cụ ở trung tâm. Mình từ một đứa luôn nghĩ người già thì khó tính, khó chiều cũng dần trở nên yêu quý các cụ hơn. Lúc nào có sự kiện gì lớn anh cũng rủ mình qua chỗ anh làm việc để tham dự cùng. Gặp gỡ các cụ mới thấy các cụ cũng hài hước và đáng yêu lắm, khác hẳn với suy nghĩ của mình.

Sau này chúng mình lấy nhau về chung một nhà, mình nhớ nhất là lần đi sinh em bé. Do chuyển dạ kéo dài và sinh lần đầu nên mình bị mất sức, mọi việc đều tự tay anh ấy làm hết. Trong khi các ông bố khác lóng ngóng chưa biết làm thế nào thì chồng mình đã bón cơm, vệ sinh cho mình rồi pha sữa thay tã cho con một cách chuyên nghiệp. Không biết có phải chăm các cụ quen rồi nên chăm vợ cũng dễ thế.

Có thể ngoài kia còn rất nhiều người chồng tốt nhưng với mình như vậy là đủ. Dù thời gian anh đi làm, đi trực làm thời gian ở nhà của anh ít lại, nhưng mỗi khi anh ở nhà, anh đều giúp mình làm mọi thứ, từ việc to đến việc nhỏ trong nhà. Mình cảm thấy tự hào khi có chồng làm điều dưỡng, mình thấy mình được chia sẻ và quan tâm nhiều hơn.

Xem thêm

“Thiếu nữ” 103 tuổi và những người bạn bên hoa Phong Linh, tạo dáng “chất” hơn giới trẻ

Những ngày vừa qua, cả mạng xã hội rần rần với con đường hoa Phong Linh ở Hà Nội.

Hàng hoa vàng rực rỡ dài khoảng 400m, nằm trong một khu đô thị tại quận Hà Đông (Hà Nội) trở thành địa điểm thu hút rất đông người tới chụp ảnh. Nhất là vào mỗi dịp cuối tuần thì ở đây lại đông nghịt người ra người vào. Ai cũng diện các trang phục rực rỡ khoe sắc bên dàn hoa mùa xuân.

Mới đây, mạng xã hội rần rần chia sẻ hình ảnh 3 cụ bà check-in tại con đường hoa Phong Linh này. Đáng chú ý, các cụ đã 103 tuổi nhưng vẫn cực kỳ khỏe mạnh, hào hứng bắt trend không thua kém gì thanh niên. Nhìn hình ảnh các cụ lần lượt tạo dáng bên dãy hoa khiến ai nấy đều phải trầm trồ.

Ba cụ bà hào hứng nắm tay nhau chụp ảnh khiến nhiều người trầm trồ. (Ảnh: Diên Hồng)

Dù đã trên dưới 100 tuổi nhưng các cụ vẫn cực kỳ khỏe mạnh, rạng rỡ. 

Được biết, ba cụ bà đến từ một trung tâm dưỡng lão trên địa bàn Hà Nội. Các cụ mặc 3 chiếc áo dài màu xanh, hồng, đỏ vô cùng nổi bật. Trên cổ các cụ cũng quàng thêm những chiếc khăn rực rỡ. Nhìn hình ảnh các cụ vui vẻ tạo dáng khiến giới trẻ cũng phải xuýt xoa vì quá đẹp. Thậm chí ngay cả chiếc gậy đang chống cũng được một cụ bà sử dụng làm đạo cụ tạo dáng của mình.

Ba cụ mặc 3 bộ áo dài sáng màu rực rỡ kết hợp thêm khăn đeo y như thanh niên. (Ảnh: Diên Hồng)

Ngay sau khi đăng tải những hình ảnh của 3 cụ bà đã thu hút sự chú ý lớn của độc giả. Ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi sự tươi tắn, rạng rỡ của các cụ. Dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn không ngại “đu trend”. Không ít bạn trẻ cũng hy vọng sau này bản thân đến tuổi của các cụ cũng có thể trẻ trung, yêu đời như vậy.

Màn tạo dáng không thể chất hơn khiến con cháu xuýt xoa ngưỡng mộ. (Ảnh: Diên Hồng)

Một số bình luận của độc giả bên dưới những bức ảnh này:

“Các cụ vừa đẹp vừa chất luôn í ạ, con ước ao về già được như các cụ.”

“Ui các cụ bà quá xì teen, các cháy xách dép chạy theo cũng không kịp.”

“Các cụ đẹp quá. Con còn chưa có bức ảnh chụp với hoa phong linh hihi”

Ai nấy đều ao ước sau này khi về già có thể được như các cụ.

Biểu cảm quá đỗi đáng yêu của cụ bà khiến ai nấy đều “lịm tim”. (Ảnh: Diên Hồng)

Bộ áo dài rực rỡ càng làm tôn thêm vẻ đẹp lão của cụ bà. (Ảnh: Diên Hồng)

Chính nhờ những hoạt động như vậy mà các cụ càng thêm trẻ trung, yêu đời. (Ảnh: Diên Hồng)

Xem thêm

Bí quyết giúp người già khoẻ – đẹp

Sinh, lão, bệnh, tử là điều không ai tránh khỏi. Thời gian qua đi, tuổi thọ của mỗi người càng cao đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật. Do vậy, người cao tuổi cần có có biện pháp để duy trì sức khỏe, chống lại bệnh tật.

Có rất nhiều cách để người già duy trì sức khỏe, thoải mái về tâm lý, tinh thần. Một cuộc sống khỏe luôn cần một tinh thần khỏe mạnh và chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Dưới đây là một vài cách giúp người già sống khỏe mỗi ngày.

Kiểm soát stress

Trong cuộc sống có muôn vàn khó khăn và áp lực khiến con người stress, căng thẳng, mệt mỏi. Đây là một tác nhân mạnh mẽ làm gia tăng lão hóa. Muốn làm chậm lại quá trình lão hóa sinh học thì phải biết kiểm soát stress. Hạn chế để cơ thể rơi vào trạng thái stress trong thời gian dài. Những người sống thọ và khỏe mạnh thường có tính cách ôn hòa, lạc quan, quan tâm đến mọi người.

Luôn tạo tâm lý thoải mái bằng cách thường xuyên duy trì hoạt động trí óc và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Trí não được hoạt động thường xuyên là chìa khóa để giảm tốc độ lão hóa. Người già nên đọc sách, học, chơi cờ… vào thời gian rỗi để kích thích tư duy, phát triển trí tuệ.

Người già cũng là những người hay bị rơi vào trạng thái cô đơn. Do vậy, người già cần tìm cho mình những người bạn để tâm sự. Hoặc tham gia vào một số hội dành cho người già để tránh stress. Những người tính tình cởi mở, có quan hệ xã hội rộng, nhiều bạn bè thường ít bị ốm hơn người sống cô đơn, khép kín.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Thừa cân và béo phì là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như đái tháo đường, tim mạch, ung thư… Đó là những căn bệnh gây tử vong hàng đầu. Để phòng ngừa các bệnh này đòi hỏi trong chế độ ăn cần hạn chế chất béo, chất đường và muối ăn, ăn đủ chất đạm, giảm lượng calo trong ngày và cung cấp thỏa đáng các vitamin, muối khoáng. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý làm giảm trung bình 6 – 10 năm tuổi thọ.

Cách ăn của người cao tuổi: Tránh ăn quá no, đặc biệt khi có bệnh tim mạch; Nấu thức ăn mềm và chú ý ăn canh; Xây dựng thực đơn thay đổi món ăn giữa các ngày; Bữa ăn phải bảo đảm đầy đủ chất bột để cung cấp năng lượng, chất đạm, béo, rau xanh và hoa quả chín, hạn chế bia rượu; Đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người già nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Và nên ăn nhiều vào bữa sáng vì sau một đêm cơ thể đã hấp thu và tiêu hóa hết lượng thức ăn cung cấp nên cần bổ sung vào bữa sáng, không nên nhịn.

Chế độ ăn cũng nên đa dạng nhiều chất xơ, đảm bảo về nhu cầu dinh dưỡng. Nên có đủ 4 nhóm thực phẩm trong ngày như tinh bột, protein, chất xơ và vitamin. Người cao tuổi nên ăn nhạt và ăn ít đường, uống đủ nước và nên uống các loại sữa ít béo.

Hạn chế các thói quen có hại

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc uống rượu, bia, hút thuốc, sử dụng các chất ma túy… làm tăng tốc độ già hóa các cơ quan trong cơ thể. Mặc dù hậu quả không biểu hiện ngay lập tức và chúng ta ít khi cảm nhận được.

Theo tính toán, những người nghiện thuốc lá bị giảm tuổi thọ 8 – 9 năm, nghiện rượu giảm 10 – 15 năm với người bình thường.

Rèn luyện thể lực

Trong khoảng giữa 30 và 70 tuổi, cơ thể chúng ta mất khoảng 30 đến 40% khối lượng cơ bắp. Lúc này, hiệu quả cung cấp máu của tim cũng giảm không dưới 30%. Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ làm chậm lại những thay đổi này khoảng 20 năm. Nhiều loại hình tập phù hợp với tuổi trung niên và tuổi già. Ví dụ như: Đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp, ngồi thiền, yoga (tối thiểu 3 buổi trong một tuần, mỗi buổi 30 – 40 phút). Ở người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cùng với thời gian và tuổi tác nên rất dễ bị mắc các bệnh mạn tính. Vì vậy nên cần duy trì chế độ vận động hợp lý và đều đặn.

Ngủ đủ giấc

Người ngủ quá nhiều hay quá ít đều có tình trạng giảm sức khỏe kém hơn người ngủ đủ giấc. Một người trung bình ngủ 7 giờ/ngày có tỷ lệ tử vong thấp nhất, còn 9 giờ/ngày có nguy cơ cao.

Một giấc ngủ trưa ngắn sẽ giúp trí óc người già tỉnh táo. Chỉ cần dựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại và thư giãn một vài phút. Trí óc sẽ minh mẫn và sáng suốt hơn trong nhiều giờ sau đó. Tốt nhất là hãy ngủ thật ngon trong 15 phút vào buổi trưa. Một giấc ngủ ngắn buổi trưa sẽ phục hồi sức lực cho cả buổi chiều làm việc của bạn và mang đến một trạng thái tinh thần tốt hơn.

Đi khám sức khỏe định kỳ

Người già nên đi thăm khám bác sỹ ít nhất một lần trong một năm. Ngoài khám lâm sàng, nên làm thêm cận lâm sàng như: Điện tim, siêu âm tổng quát, xét nghiệm đường máu, mỡ máu… Từ đó có thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của mình và áp dụng các biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Xem thêm

Những lo lắng của mẹ khi con gái làm điều dưỡng viên chăm sóc người già

“Nhiều khi cô thương con, thấy nó khổ quá…” đó là những lời mà cô Lã Thị Vân, mẹ chị Nguyễn Thị Hằng (hiện đang là điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng) chia sẻ.

Ở độ tuổi 60, cô Vân vẫn còn trẻ và khỏe khoắn, nhanh nhẹn lắm. Mọi người lúc nào cũng khen cô xinh đẹp, vui vẻ. Nhưng phía sau đấy là rất nhiều những tâm sự chất chứa. Ánh mắt cô không giấu khỏi sự tự hào khi nhắc về về người con đang làm điều dưỡng viên. Nhưng cũng phảng phất những nỗi buồn, sự lo lắng của người mẹ dành cho con thấy con vẫn còn nhiều vất vả.

Chị Hằng, con gái út của cô Vân trở thành điều dưỡng viên tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng từ cuối năm 2019. Vài tháng sau, chị cũng rủ cô vào làm tạp vụ tại trung tâm cho gần mẹ, gần con. Cô chia sẻ: “Lúc đầu, chú ở nhà cũng không muốn cho cô đi làm. Nhưng cô bảo thôi cứ đi xem thế nào. Ngày mới vào làm, cô cũng lúng túng không quen việc. Nhưng rồi mọi người hòa đồng, tận tình giúp đỡ, dần dần cô cũng làm được hết. Lại thêm anh Thắng, chị Nga cũng quan tâm đến nhân viên lắm, nên cô thấy làm ở đây như vậy cũng được”.

 Trước đây khi còn nuôi các con ăn học, cô chú đi bán rau ở chợ đêm, vất vả lắm. Thương các con đi học mà ngày nào cũng phải bó rau cùng bố mẹ đến 11, 12 giờ đêm. Cô bảo nhà cô điều kiện không có nên cũng buồn vì không cho các con học thành tài được, chưa ai thành công làm cô nhiều khi cũng buồn lòng. Thế nhưng các con cô ai cũng ngoan ngoãn, cả dâu rể cũng thế, thích lắm. Vừa nói cô vừa cười vui vẻ, mọi sự tự hào về con cứ thế thể hiện rõ trên gương mặt. 

Khi được hỏi về của chị Hằng, cô thật thà chia sẻ: “Hằng nhìn thế thôi chứ nó khổ lắm, lấy chồng cũng không khá giả nhưng được cái cả 2 vợ chồng đều chịu khó lăn lộn kiếm tiền. Trước đây khi Hằng vào đây làm, mẹ chồng Hằng không thích đâu, đôi khi còn nói những lời khó nghe, làm cô cũng lăn tăn theo. Công việc chăm sóc người già mà, có sung sướng gì đâu. Nhưng cô nghĩ rồi, thôi, việc nào làm cũng được. Cô cũng động viên là con yêu nghề nào thì con cứ làm nghề ấy. Cứ quyết tâm là con sẽ làm được, không ngại gì cả. Rồi em nó cũng quyết định đi làm, gắn bó với nghề.”

Cô tự cảm thấy con gái mình rất cố gắng, kiên trì làm việc khiến cô ít nhiều cũng có phần nể phục sự cố gắng ấy của chị. Dù là út nhưng lại phải cố gắng rất nhiều, hơn cả các anh chị. Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Hằng lại càng phải quyết tâm, cố gắng nhiều hơn những người khác. Theo lời cô, trước khi vào Diên Hồng, chị Hằng làm ở những chỗ khác, có con nhỏ còn dễ chạy đi chạy lại, tối thì có thời gian ở nhà với con. Nhưng bây giờ làm ở đây, thời gian ở nhà cũng ít hơn. Hai đứa ở nhà còn nhỏ, cần mẹ kèm cặp, dạy học nhưng mẹ lại đi làm suốt, ít có thời gian ở nhà. Nhất là những hôm trực đêm, thời gian tối ở nhà cùng con lại càng ít.

Cô Vân ngậm ngùi chia sẻ: “Hai đứa nhỏ ở nhà thì chỉ có Hằng mới dạy học được thôi, nhưng mà Hằng hay phải đi trực tối. Nhiều khi biết làm thế con cái thiệt thòi nhưng vẫn phải đi. Có khi còn xin trực nhiều hơn để có thêm thu nhập.”

Có mẹ luôn ở phía sau ủng hộ, động viên, chị Hằng vẫn đang làm tốt công việc của mình tại Trung tâm. Dù công việc có những áp lực, những vất vả nhưng lúc nào chị Hằng cũng trong tâm thế sẵn sàng làm việc, ân cần chăm sóc các cụ với nụ cười luôn nở trên môi. Những cố gắng của chị, những nỗ lực mà chị đem lại đã giúp cho tuổi già của các cụ có thêm những ngày tháng vui vẻ, khỏe mạnh hơn. Biết ơn chị, biết ơn những tình cảm, nỗ lực mà chị dành cho công việc đáng quý này. Biết ơn người chăm sóc.

Xem thêm

 Lương hưu – nỗi lo chi phí khi vào viện dưỡng lão

Hiện tại nhu cầu vào dưỡng lão của người già tăng cao. Tại Hà Nội có khoảng 40 nhà dưỡng lão từ bình dân đến cao cấp với chi phí dao động khoảng 7-15 triệu/tháng. Chưa kể nếu người lẫn, tai biến cần chăm sóc toàn diện thì chi phí sẽ còn cao hơn. Bên cạnh đó mức lương hưu trung bình của người cao tuổi chỉ từ 4-5 triệu/tháng. Vì vậy việc vào ở trong các trung tâm chăm sóc là điều xa xỉ với họ

Có 2 con trai và 2 con gái nhưng tuổi già của bà Lê Thị Mai (Hà Nội) lại sống một mình. Bà Mai rất muốn vào viện dưỡng lão ở nhưng con cháu lại không đồng ý. Vì “người ta lại bảo 4 đứa con mà không nuôi được 1 mẹ”. Sau vài năm ở như vậy bà quyết định nhờ hàng xóm đi tìm viện dưỡng lão. Tuy nhiên, khi xem bảng phí thì vượt quá khả năng chi trả. Lương hưu của bà chỉ gần 5 triệu. Bản thân bà lại không muốn thành gánh nặng cho các con.

Hay ông Võ Văn Tiến (Hà Nội) chia sẻ: “Ông thấy viện dưỡng lão rất văn minh nhưng chi phí thì không phải ai cũng có khả năng chi trả. Đa phần lương hưu thấp, phúc lợi không nhiều. Phần lớn để trang trải cuộc sống hàng ngày thì có thể đủ. Chứ vào viện dưỡng lão thì khó vì đều là các viện tư nhân chi phí cao”.

Người già tại viện dưỡng lão Diên Hồng

Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng. Chi phí này vẫn thấp hơn khá nhiều với bình quân để vào viện dưỡng lão thì vẫn thấp hơn khá nhiều. Thực tế tại viện dưỡng lão Diên Hồng, đa phần lương hưu của người cao tuổi đều không đủ để chi trả. Do đó con cái sẽ hỗ trợ chi trả thêm các chi phí chăm sóc tại viện.

Để giảm bớt nỗi lo về chi phí thì nhiều người thay vì trông chờ vào lương hưu họ đã chủ động và lên kế hoạch từ sớm. Cái cần quan tâm là phải có một nguồn quỹ cho tuổi già, không nhất thiết ở lương hưu. Nhiều người đầu tư vào con cái mà quên đi “giữ vốn” cho tương lai của chính mình. Điều đó khiến cho tuổi già trở nên chật vật.

Bà Trần Thu Hương (Hà Hội) là một trong số đó. “Tôi nghĩ xã hội phát triển thì phải hòa nhập quốc tế. Việc vào dưỡng lão là đương nhiên và văn minh. Vì thế, vợ chồng tôi đã sớm lựa chọn và chuẩn bị tài chính để khi về già vào viện dưỡng lão”. Với mức lương hưu hơn 10 triệu đồng của 2 ông bà thì không đủ cho 2 người vào viện. Bởi vậy ông bà đã dành dụm, vay mượn thêm để mua miếng đất. Khi nào được giá thì bán xem như thêm một khoản chi phí để dưỡng già. Còn với bà Thu thì “nhà cửa, tài sản là của bố mẹ. Cho nên đến tuổi vào viện dưỡng lão thì bố mẹ bán”. Xác định như vậy nên việc vào viện dưỡng lão cũng dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, để viện dưỡng lão có thể phổ cập hơn với nhiều người thì cần có thêm nhiều chính sách an sinh phúc lợi đến từ nhà nước.

Xem thêm

Vãn cảnh nơi đất trời linh thiêng cùng các cụ cơ sở 3 Diên Hồng

Nằm sâu trong con đường dẫn vào thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, chùa Long Hưng to sừng sững nằm bên mặt hồ yên ả. Đoàn xe chở các cụ đang an dưỡng tại Viện dưỡng lão Diên Hồng vừa đến nơi, các anh chị Phật tử đang tu tập tại chùa đã có mặt để đón tiếp các cụ. 

Quãng đường hơn 20km từ Viện dưỡng lão Diên Hồng đến chùa có vẻ không làm cho các cụ cảm thấy mệt mỏi. Nhìn thấy chùa từ xa, các cụ đã háo hức, phấn khởi. “Chùa to nhờ, đẹp quá”. Cho đến khi vừa xuống xe, các cụ đã ngay lập tức muốn đi tham quan nơi cảnh vật hữu tình này. Với sự giới thiệu nhiệt tình của anh Phúc Quang, các cụ đã hiểu hơn về từng vị trí, từng bức tượng Phật. 

Các cụ cầu nguyện trước tượng Phật Thích Ca Mâu Ni

Cây bồ đề ước nguyện được anh Phúc Tâm giới thiệu là rất linh nghiệm

Dù tượng Phật Di Lặc được đặt trên cao, các cụ vẫn cố gắng leo bậc thang để lên đứng trước tượng và cầu nguyện. Được sư thầy giải thích vì sao tượng Phật Di Lặc lại to, vì sao ngài lại ở trên cao, ai cũng chăm chú lắng nghe. Đứng trước tượng Phật Di Lặc, bà Nguyệt dù năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng bà chỉ ước có thật nhiều tri thức, đầu óc luôn minh mẫn. Ông Cường cũng xin Phật cho ông đôi chân khỏe mạnh như ngày xưa để ông có thể đi muôn nơi.

Sư thầy giải thích về ý nghĩa của chiếc bụng to của Phật Di Lặc

Các cụ sờ chân Phật và cầu nguyện

Khoảng sân trước đền thờ Mẫu và đền thờ tổ được anh Phúc Quang giới thiệu là nơi chúng ta có thể ngồi nghỉ, nghe âm thanh của tiếng chuông gió đang rung lên từng hồi, thánh thót mà thảnh thơi. 

Khoảng sân vừa là nơi dừng nghỉ, vừa là nơi để tịnh tâm

Các điện thờ đều rất to, đẹp và đều có dòng câu đối bằng tiếng Việt. Theo anh Phúc Quang chia sẻ, đây là điều đặc biệt mà không phải ngôi chùa nào cũng có. Bà Nguyệt và bà Hội đi đến đâu cũng chắp tay và cầu nguyện. Bà Nam, bà Thu thì lại thích khám phá, 2 bà cứ dắt tay nhau đi hết góc này đến góc khác để tìm hiểu.

Ở chùa Long Hưng, có một điều đặc biệt mà không phải ngôi chùa nào ở miền Bắc cũng có. Nằm sâu dưới lòng đất là nơi an nghỉ của những vong linh được người nhà gửi vào cửa chùa được gọi là Long Hưng Cực lạc đường. Không giống như những nghĩa trang khác, nơi đây đặc biệt vì không gian thanh tịnh, sạch sẽ, sáng sủa, không hề mang cảm giác sợ hãi mà lại mang cảm giác như những chung cư cao cấp cho người đã khuất yên nghỉ. Hằng ngày, các thầy đều sẽ xuống đây đọc kinh, niệm Phật. Lần đầu được nhìn thấy khung cảnh này, cụ nào cũng trầm trồ, tò mò đi tham quan và chăm chú nghe các bạn giới thiệu về nơi đặc biệt này.

Chung cư cao cấp của người đã khuất hiện đại, khang trang

Buổi tham quan kết thúc bằng một bữa ăn chay nhẹ nhàng tại chùa. Bà Hội bảo ngày xưa ở nhà, 1 tháng bà cũng ăn chay 6 ngày. Nhưng từ khi vào trung tâm, bà sợ phiền mọi người nên cũng không ăn chay nữa, bà bảo Phật tại tâm, mình cứ sống tốt, tâm thiện là tốt rồi. Vậy nên bữa ăn chay này làm các cụ thích thú lắm, có cụ còn ăn nhiều hơn cả ở trung tâm. 

Các cụ đều ra về với tâm trạng khoan khoái, thích thú. 12h30 xe bắt đầu xuất phát từ chùa về lại trung tâm. Trong khi các cháu lên xe là ngủ vì mệt thì các cụ vẫn ngồi nói chuyện với nhau đủ thứ trên đời. Bà Phương bảo ăn rồi nên bà khỏe lắm, không mệt tí nào. Có lẽ những buổi tham quan như thế này khiến tâm trạng các cụ thoải mái nên có lẽ các cụ cũng trở nên dồi dào sức lực hơn. Cứ thế, xe về đến trung tâm trong tiếng nói cười rôm rả của các cụ.

Xem thêm

Xuân Tình concert âm nhạc nên thơ giữa lòng Hà Nội

Mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của sự sống. Xuân đến ta thêm yêu đất trời, yêu cuộc sống, yêu người, yêu ta. Mùa xuân, muôn hoa khoe sắc thắm, đất trời giao hòa và tâm hồn con người cũng rộn rã niềm vui yêu đời, yêu người. Hòa chung không khí tràn đầy sắc xuân đó, Diên Hồng cơ sở 1 đã tổ chức một buổi live concert với chủ đề Xuân Tình, mùa xuân của tình yêu.

Mở đầu cho chuỗi ca khúc của concert là bài hát “mùa xuân đầu tiên” do phó tổng Trần Thị Thúy Nga trình bày. Bài hát với tiết tấu sôi động, vui tươi khiến mọi người tham gia đều hào hứng, phấn khởi.

Nếu mùa xuân đầu tiên của đất nước mang đến cảm xúc thiêng liêng, tự hào thì mùa xuân của đất trời lại tươi đẹp tinh khôi. Không những thế mùa xuân còn là mùa đơm hoa kết trái, đơm kết cho tình yêu của muôn loài, muôn vật. Và “mùa xuân đã đến bên em và mùa xuân đã đến bên anh thì thầm” sẽ là một nốt nhạc không thể thiếu trong bản giao hưởng của mùa xuân.

Tiết mục thì thầm mùa xuân do cặp đôi Tổng giám đốc và phu nhân trình bày

Tiếp nối những bản nhạc tình xuân là bài hát “biển tình” do anh Lê Bắc biểu diễn.

Chú Vinh đọc thơ Mùa xuân cho em

Điều dưỡng Tạ Tươi với ca khúc “Nắng có còn xuân”

Đến với concert Xuân Tình ông Nguyễn Trọng Việt, một cựu quân nhân, đã gửi đến tất cả mọi người bài hát Tình ca.

“Em ơi! nghe chăng lời trái tim vọng ra

Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

Qua núi biếc chập chùng xa xa

Qua bóng mây che mờ quê ta

Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha”

Đó chính là tâm tình của người chiến sĩ phương xa gửi về quê nhà. Nơi có người vợ hiền, con thơ, nơi quê nhà với bãi mía, nương dâu, bến nước Cửu Long. Bài hát hào hùng nhưng tình cảm khiến ai nghe cũng xúc động về thời đạn bom ác liệt.

Tiếp theo là bài hát “Trước ngày hội bản” do bà Đào Dung thể hiện. Bài hát là câu chuyện tình yêu đôi lứa trong trẻo của những cô cậu vùng cao trong ngày hội bản.

Chương trình với nhiều bài hát trữ tình lãng mạn đưa các cụ đi từ cung bậc này đến cung bậc khác. Bà Châu ngồi dưới ghế khán giả đung đưa theo điệu nhạc. Mỗi khi tiết mục kết thúc, bà lại vỗ tay cổ vũ thật nhiệt tình.

Bà Phi cũng ngại ngùng, bẽn lẽn không dám đứng ra giữa sân khấu để hát mà chỉ đứng gần chỗ ngồi, san sát các cụ bên dưới. Mới chỉ hát được một lời, bà chạy lại đưa mic cho MC rồi ngại ngùng về chỗ ngồi, miệng cười toe toét vì vừa vui vừa xấu hổ. Khi những bài hát được cất lên, ai nấy cũng đều thả hồn mình theo từng điệu nhạc, rong ruổi theo từng suy nghĩ.

Xem thêm

Tuổi già vào viện dưỡng lão là văn minh

Cái thời trẻ cậy cha, già cậy con hay tứ đại đồng đường không còn phù hợp nữa rồi. Bây giờ mỗi thế hệ nên có cuộc sống riêng của mình. Giờ không phải ăn no, mặc ấm, mà là ăn ngon mặc đẹp. Sống thọ nhưng phải sống có chất lượng và sống văn minh. Thay vì cứ ở nhà soi xét để ý các con, hay sống già nua trong căn phòng với 4 bức tường thì người già nên theo đuổi đam mê, mong muốn của chính mình.
Tuổi già không nên là rào cản vì không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Thứ mà có nhiều nhất ở tuổi già có lẽ là thời gian, vì vậy hãy bắt đầu lại với những thứ đã bị bỏ lỡ trong quá khứ. Ví dụ như một khoá học cắm hoa, làm bánh, mua cho mình món đồ yêu thích, gặp mặt bạn bè hay du lịch đây đó,….
Vẫn có nhiều quan niệm cho rằng, về già được sống cùng con cái là điều hạnh phúc nhất. Thế nhưng với nhịp sống hiện đại ngày nay thì điều đó không còn đúng. Nhiều người già lựa chọn sống cùng con cái để được gần con gần cháu và đỡ đần việc nhà. Thế nhưng khi con đi làm, cháu đi học, người già lại chỉ quanh quẩn một mình trong bốn bức tường. Chưa kể đến sự khác biệt về lối sống, lối suy nghĩ giữa các thế hệ cũng khiến cho mối quan hệ không còn tốt đẹp. Kết quả là dù sống trong ngôi nhà của mình, sống cùng con cái, nhưng người già lại thấy mình bị lãng quên, cảm thấy tự ái, cô đơn.
Như vậy, nếu ở cùng con cái nhưng con cái lại bận rộn mưu sinh để cha mẹ một mình ở nhà thì cả cha mẹ và con cái đều không thể hạnh phúc. Chưa kể người già thường hay bị các bệnh mãn tính, nếu không có chuyên môn và thời gian chăm sóc thì rất dễ xảy ra những chuyện không mong muốn.
Vì vậy để người già hạnh phúc, được sống khỏe, sống thọ, sống vui bên bạn bè, con cháu thì hãy để họ được sống trong một môi trường phù hợp, được làm những điều mình yêu thích. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người cao tuổi mà vẫn có những sinh hoạt tinh thần đều đặn, luyện tập thể dục thể thao phù hợp thì sẽ giữ được tinh thần minh mẫn và lạc quan.
Hãy tận hưởng tuổi già như đi nghỉ dưỡng. Buổi sáng thức dậy đi bộ vài vòng rồi về ăn tô phở thơm phức, nghi ngút khói. Xong về nhà đọc báo, nhâm nhi tách cà phê sữa nóng. Chiều đến thì tham gia câu lạc bộ dân vũ, gặp bạn bè trò chuyện. Cuối tuần thích thì sang nhà con cháu chơi, không thì xách vali đi du lịch. Hãy chuyển hóa những nỗi cô đơn, sợ hãi, sự chán chường của người già bằng cuộc sống tích cực hơn với những nụ cười luôn thường trực trên môi. Thay vì lựa chọn sống cùng con cái, nhiều người già lựa chọn sống cho chính mình, tìm đến những viện dưỡng lão tốt để tận hưởng một cuộc sống mới, vui vẻ, hạnh phúc với những người cùng thế hệ.
Xem thêm