Sinh, lão, bệnh, tử là điều không ai tránh khỏi. Thời gian qua đi, tuổi thọ của mỗi người càng cao đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật. Do vậy, người cao tuổi cần có có biện pháp để duy trì sức khỏe, chống lại bệnh tật.
Có rất nhiều cách để người già duy trì sức khỏe, thoải mái về tâm lý, tinh thần. Một cuộc sống khỏe luôn cần một tinh thần khỏe mạnh và chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Dưới đây là một vài cách giúp người già sống khỏe mỗi ngày.
Kiểm soát stress
Trong cuộc sống có muôn vàn khó khăn và áp lực khiến con người stress, căng thẳng, mệt mỏi. Đây là một tác nhân mạnh mẽ làm gia tăng lão hóa. Muốn làm chậm lại quá trình lão hóa sinh học thì phải biết kiểm soát stress. Hạn chế để cơ thể rơi vào trạng thái stress trong thời gian dài. Những người sống thọ và khỏe mạnh thường có tính cách ôn hòa, lạc quan, quan tâm đến mọi người.
Luôn tạo tâm lý thoải mái bằng cách thường xuyên duy trì hoạt động trí óc và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Trí não được hoạt động thường xuyên là chìa khóa để giảm tốc độ lão hóa. Người già nên đọc sách, học, chơi cờ… vào thời gian rỗi để kích thích tư duy, phát triển trí tuệ.
Người già cũng là những người hay bị rơi vào trạng thái cô đơn. Do vậy, người già cần tìm cho mình những người bạn để tâm sự. Hoặc tham gia vào một số hội dành cho người già để tránh stress. Những người tính tình cởi mở, có quan hệ xã hội rộng, nhiều bạn bè thường ít bị ốm hơn người sống cô đơn, khép kín.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Thừa cân và béo phì là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như đái tháo đường, tim mạch, ung thư… Đó là những căn bệnh gây tử vong hàng đầu. Để phòng ngừa các bệnh này đòi hỏi trong chế độ ăn cần hạn chế chất béo, chất đường và muối ăn, ăn đủ chất đạm, giảm lượng calo trong ngày và cung cấp thỏa đáng các vitamin, muối khoáng. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý làm giảm trung bình 6 – 10 năm tuổi thọ.
Cách ăn của người cao tuổi: Tránh ăn quá no, đặc biệt khi có bệnh tim mạch; Nấu thức ăn mềm và chú ý ăn canh; Xây dựng thực đơn thay đổi món ăn giữa các ngày; Bữa ăn phải bảo đảm đầy đủ chất bột để cung cấp năng lượng, chất đạm, béo, rau xanh và hoa quả chín, hạn chế bia rượu; Đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người già nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Và nên ăn nhiều vào bữa sáng vì sau một đêm cơ thể đã hấp thu và tiêu hóa hết lượng thức ăn cung cấp nên cần bổ sung vào bữa sáng, không nên nhịn.
Chế độ ăn cũng nên đa dạng nhiều chất xơ, đảm bảo về nhu cầu dinh dưỡng. Nên có đủ 4 nhóm thực phẩm trong ngày như tinh bột, protein, chất xơ và vitamin. Người cao tuổi nên ăn nhạt và ăn ít đường, uống đủ nước và nên uống các loại sữa ít béo.
Hạn chế các thói quen có hại
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc uống rượu, bia, hút thuốc, sử dụng các chất ma túy… làm tăng tốc độ già hóa các cơ quan trong cơ thể. Mặc dù hậu quả không biểu hiện ngay lập tức và chúng ta ít khi cảm nhận được.
Theo tính toán, những người nghiện thuốc lá bị giảm tuổi thọ 8 – 9 năm, nghiện rượu giảm 10 – 15 năm với người bình thường.
Rèn luyện thể lực
Trong khoảng giữa 30 và 70 tuổi, cơ thể chúng ta mất khoảng 30 đến 40% khối lượng cơ bắp. Lúc này, hiệu quả cung cấp máu của tim cũng giảm không dưới 30%. Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ làm chậm lại những thay đổi này khoảng 20 năm. Nhiều loại hình tập phù hợp với tuổi trung niên và tuổi già. Ví dụ như: Đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp, ngồi thiền, yoga (tối thiểu 3 buổi trong một tuần, mỗi buổi 30 – 40 phút). Ở người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cùng với thời gian và tuổi tác nên rất dễ bị mắc các bệnh mạn tính. Vì vậy nên cần duy trì chế độ vận động hợp lý và đều đặn.
Ngủ đủ giấc
Người ngủ quá nhiều hay quá ít đều có tình trạng giảm sức khỏe kém hơn người ngủ đủ giấc. Một người trung bình ngủ 7 giờ/ngày có tỷ lệ tử vong thấp nhất, còn 9 giờ/ngày có nguy cơ cao.
Một giấc ngủ trưa ngắn sẽ giúp trí óc người già tỉnh táo. Chỉ cần dựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại và thư giãn một vài phút. Trí óc sẽ minh mẫn và sáng suốt hơn trong nhiều giờ sau đó. Tốt nhất là hãy ngủ thật ngon trong 15 phút vào buổi trưa. Một giấc ngủ ngắn buổi trưa sẽ phục hồi sức lực cho cả buổi chiều làm việc của bạn và mang đến một trạng thái tinh thần tốt hơn.
Đi khám sức khỏe định kỳ
Người già nên đi thăm khám bác sỹ ít nhất một lần trong một năm. Ngoài khám lâm sàng, nên làm thêm cận lâm sàng như: Điện tim, siêu âm tổng quát, xét nghiệm đường máu, mỡ máu… Từ đó có thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của mình và áp dụng các biện pháp điều chỉnh kịp thời.