Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All posts by Diên Hồng

Lễ tri ân những nhà giáo đặc biệt ở Dưỡng lão Diên Hồng

Lúc sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”. Chính vì vậy dù ở bất kỳ thời đại nào, người thầy luôn có một vị trí vô cùng quan trọng đối với xã hội. Và ở Diên Hồng cũng không ngoại lệ. Hằng năm cứ sắp đến 20/11, toàn thể đội ngũ cán bộ nhân viên ở cả ba cơ sở của Diên Hồng đều háo hức tổ chức các chương trình nhằm tri ân các cụ là cựu nhà giáo đang sinh hoạt trong trung tâm.

Mở đầu cho chuỗi chương trình tri ân chúc mừng ngày 20 tháng 11 năm nay đến từ tập thể cán bộ nhân viên của cơ sở 3. Những tiết mục văn nghệ ”cây nhà lá vườn” cùng bó hoa tươi thắm chính là những lời chúc các bạn điều dưỡng viên muốn gửi tới các cựu thầy giáo, cô giáo.


Cơ sở 3 tặng hoa các cụ nhân ngày 20/11

Cơ sở 2 cùng hòa chung với không khí tưng bừng rộn rã nhân ngày kỷ niệm bằng những màn đơn ca, song ca hay tốp ca cực kỳ sôi động. Bên cạnh đó là những màn chia sẻ cảm nghĩ của các cụ cựu giáo viên khiến cho cả hội trường hết sức xúc động.

Tổng Giám Đốc tặng quà chúc mừng các cụ cựu nhà giáo ở cơ sở 2
Các cụ nhà giáo có đôi lời chia sẻ

Cuối cùng là cơ sở 1 với những màn hóa thân cực kỳ ấn tượng. Những ”bạn học sinh tuổi đời 80, 90” trong trang phục áo sơ mi trắng, khăn quàng đỏ, tóc thắt bím cùng hát vang giai điệu của bài hát ‘’Mái trường mến yêu’’ chắc chắn sẽ là tiết mục gây thương nhớ trong lòng toàn thể cán bộ nhân viên của trung tâm.

Các cụ cựu giáo viên và các bạn điều dưỡng cơ sở 1

Thêm vào đó, Ban lãnh đạo còn phát động cuộc thi làm báo tường ở cả 3 cơ sở. Mỗi tờ báo đều chứa rất nhiều tâm huyết, rất nhiều tình cảm mà các cán bộ nhân viên muốn gửi tới các cụ là cựu giáo viên ở Diên Hồng nói riêng và gửi tới những người đã đang và sẽ hoạt động trong ngành giáo dục nói chung.

Sản phẩm báo tường thứ 1 của cơ sở 1
Sản phẩm báo tường thứ 2 của cơ sở 1
Sản phẩm báo tường thứ 3 của cơ sở 1
Báo tường của cơ sở 2
Báo tường của cơ sở 2
Sản phẩm báo tường của cơ sở 3

Cuối cùng Diên Hồng xin gửi lời chúc các cụ là cựu giáo viên thật nhiều sức khỏe và luôn có thật nhiều niềm vui trong cuộc sống. Cảm ơn các cụ đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Cũng xin gửi lời chúc đến tất cả những ai đã, đang và sẽ công tác trong ngành giáo dục một lời chúc trân trọng nhất. Chúc cho thầy cô sẽ luôn đủ “Tâm – Trí – Lực”, giữ vững nhiệt huyết để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người của đất nước.

Xem thêm

Việc làm nhẹ nhàng vừa kiếm được tiền vừa vui cho người già

Nhiều người già vẫn còn khoẻ mạnh sẽ cảm thấy bức bối khó chịu khi không được lao động. Một công việc nhẹ nhàng vừa có thêm thu nhập, vừa mang đến niềm vui sẽ là một giải pháp hợp lý.

Người cao tuổi luôn muốn thể hiện mình có ích trong gia đình. Ở nhà không làm gì vừa buồn vừa nghĩ ngợi lung tung không tốt cho người già. Tuy nhiên, để tìm được một công việc cho người già không hề đơn giản. Rất nhiều người trẻ vẫn đang gặp khó khăn để tìm được một công việc phù hợp. Vì thế, con cháu có thể tạo ra một số việc theo sở thích và sở trường của ông bà để giúp họ có thêm niềm vui trong cuộc sống. Dưới đây là một số gợi ý để các gia đình tham khảo.

Việc gia công tại nhà

Gấp phong bì, hộp giấy, túi đựng quà là công việc rất phù hợp với người già. Không phải đi ra ngoài gặp nguy hiểm, không sợ mưa nắng, cũng không tốn nhiều sức lực, nhiều cụ già rủ nhau làm những công việc như thế này để giết thời gian, tâm sự giải khuây.

Hơn nữa công việc này phù hợp với người già còn vì tính chất nhẹ nhàng không áp lực. Tự làm, tự hưởng, những người lao động này sẽ được tính thù lao theo số sản phẩm làm được và họ có thể làm bất cứ khi nào rảnh rỗi.

Việc đan lát, làm các sản phẩm thủ công

Nhiều cụ ông, cụ bà có năng khiếu làm đồ thủ công như đan len, móc khăn, đan rổ rá, vẽ tranh từ khi còn trẻ. Trước đây còn bận rộn nhiều việc chưa họ được thoả sức đam mê. Khi về già, có nhiều thời gian rảnh rỗi, con cháu có thể mua nguyên liệu để ông bà mình làm. Vừa có niềm vui trong công việc lại có thể kiếm được 1 chút ít tiền để cụ cảm thấy sung sướng khi vẫn còn làm ra tiền. Tuy nhiên, cũng không nên đặt nặng việc kiếm tiền khiến cụ cảm thấy công sức bỏ ra nhiều mà chẳng kiếm được bao nhiêu.

Người cao tuổi tại Diên Hồng đang làm đèn lồng dịp Trung thu

Chuẩn bị đồ ăn

Người già mà có sức khỏe tốt nếu muốn tìm việc làm thì chế biến món ăn được coi là một việc làm thêm tại nhà khá tuyệt vời. Hiện nay, có rất nhiều xưởng sản xuất thức ăn được mở ra để phục vụ nhu cầu ăn uống, đặc biệt là ăn vặt của giới trẻ.

Tuy nhiên công việc này khá vất vả và đặc biệt là những ngày hè nóng nực nên hãy suy nghĩ kỹ khi lựa chọn để đảm bảo sức khỏe cho mình. Không chỉ đòi hỏi sức khỏe, sự cẩn thận, tỉ mỉ mà công việc này còn cần người già có năng khiếu nấu nướng. Nhưng nhìn vào tính chất công việc thì đây có thể coi là việc làm cho người cao tuổi khá phù hợp. Các ông bà có thể làm món ăn với số lượng vừa phải phục vụ con cháu trong nhà trước, phần dư ra con cháu bán giúp. Nhận được những phản hồi tích cực về món ăn lại có thêm thu nhập sẽ khiến các ông bà cảm thấy yêu đời hơn.

Cho dù lựa chọn công việc gì thì người thân trong gia đình hãy quan tâm đến sở thích của cụ. Miễn là cụ cảm thấy vui và có việc để làm, không bị buồn chân buồn tay thì việc gì cũng được.

Xem thêm

Trải lòng của người con gái khi gửi mẹ vào Viện dưỡng lão

Mẹ tôi sinh ra trên mảnh đất Tuyên Quang. Bà ngoại tôi mất khi mẹ tôi mới lên 4 tuổi. Mẹ cùng người em ruột kém 2 tuổi phải sống trong cảnh dì ghẻ con chồng sau khi bà ngoại tôi qua đời, ông ngoại đi bước nữa. Cả tuổi thơ đã không đến với mẹ vì phải làm việc quần quật, với những trận đòn roi của dì ghẻ, tưởng chừng như cướp đi sinh mạng và nó còn để lại di chứng ở đầu, ảnh hưởng đến cuộc sống của mẹ sau này mỗi khi trái nắng trở trời.

Bà Hòa chụp ảnh kỷ niệm mùa sen.

Bố tôi đi kháng chiến đã gặp mẹ, ông bà nên duyên vợ chồng, sinh được bốn người con, ba gái một trai. Về già hai cụ sống riêng, không cùng con cái. Bố mẹ sống bên nhau 62 năm thì bố qua đời năm 2016. Mẹ như mất đi một chỗ dựa tinh thần. Tôi đã tìm người giúp việc chăm cho mẹ, khi mẹ chỉ còn lại một mình. Tôi cũng không còn nhớ đến người giúp việc thứ bao nhiêu. Mặc dù tiền công tôi trả cao, nhưng người thì trộm tiền, người kêu buồn, người không chịu làm mà chỉ cả ngày buôn điện thoại, người không lý do… Mỗi một lần như thế là một lần tôi lại lo lắng không yên; cho đến người giúp việc cuối cùng, làm được 12 ngày rồi nói với tôi: “chị ứng tiền cho em về giải quyết việc nhà, xong chiều mai em lại lên chăm bà”. Tôi không những trả tiền công lại còn biếu thêm tiền tàu xe đi đường nhưng cô ấy vẫn không quay trở lại làm nữa. Lòng tôi lại nặng trĩu, ý nguyện của mẹ là nhất định phải ở nhà của mẹ, nếu có đến cũng chỉ là nhà cô con gái mẹ yêu thương nhất ở phố Hàng Da. Tôi hết cách, vì tôi không phải là đứa con được mẹ chọn.

Bà Hòa chụp ảnh tham gia cuộc thi hoa hậu cao niên tại Diên Hồng

Cái nóng bức và oi nồng của thời tiết cuối tháng 5/2017 ấy khiến tôi không thể quên được. Tối hôm đó là ngày 26, tôi xuống thấy mẹ ngã dưới sàn nhà mà không đứng dậy được. Tôi đỡ mẹ dậy đưa mẹ lên giường, nằm cùng mẹ mà nước mắt tôi cứ chảy hoài. Lúc đó tôi nghĩ ra một quyết định, phải đi tìm trung tâm chăm sóc người cao tuổi đưa mẹ vào đó. Chứ để mẹ một mình thế này, các con ngoài giờ đi làm chỉ chạy qua chạy lại không thể yên tâm, còn tìm người giúp việc, không phải có được ngay, và chính họ làm mình lại căng thẳng.Ngay sáng sớm hôm sau, tôi chạy xe máy hơn 60km để đến 5 trung tâm được bạn bè giới thiệu và có trên mạng. Cuối cùng nơi tôi ưng nhất là trung Tâm dưỡng lão Diên Hồng ở khu đô thị Đô Nghĩa. Người tôi gặp đầu tiên là cháu Lan Anh, khi đó đang là cán bộ chăm sóc khách hàng cơ sở này. Tôi đã nói với cháu, có lẽ là trong nước mắt đang chảy tràn ra hai bờ mi, và trong cả sự sung sướng vì tôi đã tìm được nơi cho mẹ. Nhờ cháu tạo điều kiện nên ngay đêm đó, 27/5/2017, tôi đã đưa mẹ đến trung Tâm trong lúc các cụ đã ngủ ngon, đèn các phòng đã tắt chỉ còn lại một ánh đèn dưới phòng lễ tân chờ đón tiếp.

Sau khi biết mẹ tôi có các con đã trưởng thành nhưng vẫn vào Trung tâm sống, rất nhiều người thân quen, bạn bè, họ hàng chê trách. Tôi chỉ biết nói với những người đã quan tâm đến cuộc sống của tôi rằng: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Bà tham gia Olympic Diên Hồng

Thời gian này, Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16/CT-TTg; để đảm bảo an toàn cho các cụ, trung tâm thông báo không cho người nhà vào thăm tiếp xúc trực tiếp. Các cán bộ, nhân viên của trung tâm cũng phải ăn ở tập trung từ ngày 24/7. Mẹ tôi thì điều trị bệnh tim hết tháng thứ tư; hôm qua lại bị zona khắp một bên người, và hôm nay thì huyết áp cao, SpO2 thấp. Xót thương và lo lắng mẹ bị bệnh trong hoàn cảnh này, không thể vào bệnh viện được. Cũng may mắn nhờ cán bộ và nhân viên trong trung tâm mua thuốc, chăm sóc, cho mẹ thở oxy để mẹ khoẻ lại. Lúc này tôi càng cảm nhận được sự lựa chọn cho mẹ vào đây là hoàn toàn đúng đắn. Ở đó có các thiết bị cần thiết hỗ trợ người cao tuổi lúc nguy cấp, có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có trách nhiệm và kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi, chắc chắn sẽ hơn khi mẹ ở nhà, các con lúng túng khó xoay sở.Suốt gần 5 năm qua, mỗi lần mẹ ốm đau, là lúc tôi lo lắng nhất thì trung tâm như một vị cứu tinh giúp tôi vượt qua mọi trở ngại khó khăn đó.

Tôi xin được gửi lời biết ơn đến Ban lãnh đạo, toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên, của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Chúc sức khoẻ và bình an đến mọi người mọi nhà.

Xem thêm

Mùa dịch ăn gì để tăng cường sức đề kháng

Dinh dưỡng là một phần không thể thiếu cho cuộc sống, đặc biệt là trong tình hình dịch căng thẳng như hiện nay. Nhớ ăn đúng, đủ và giữ tinh thần lạc quan để vượt qua đại dịch nhé. Dưới đây là những thực phẩm hàng đầu giúp bạn tăng cường sức đề kháng, đừng bỏ qua nha.

Ổi

Ổi được mệnh danh là nữ hoàng của vitamin C. Hàm lượng C trong ổi cao hơn cả nước chanh và cam. Vậy nên trong nhà lúc nào cũng nên có ổi nhé, siêu ngon, bổ dưỡng mà lại tiết kiệm.

Gừng

Gừng được biết đến là một bài thuốc dân gian, có tác dụng làm ấm người, giải cảm, cúm, giảm đau và diệt khuẩn. Không những thế gừng còn có giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể. Các bạn có thể để sẵn củ gừng tươi hoặc mua bột gừng để trong nhà, kèm mật ong để dùng khi cần thiết nhé. Các món ăn hằng ngày cũng có thể kho hoặc hấp cùng gừng để thêm phần bổ dưỡng.

Củ nghệ

Curcumin trong củ nghệ là thành phần tuyệt vời giúp tái tạo các tế bào miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Curcumin giúp tiêu diệt các tác nhân lạ, tăng số lượng tế bào lympho T, tăng cường hoạt động của đại thực bào, đồng thời gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất Interleukin giúp nâng cao sức đề kháng.
Các bạn có thể làm các món kho nghệ, xào nghệ vừa ngon vừa tốt cho cơ thể. Tuy nhiên không nên uống quá nhiều tinh nghệ nếu không cần thiết hoặc hỏi qua tư vấn của bác sĩ nhé.

Bông cải xanh (súp lơ)

Đây là loại rau cực kì tốt cho lá phổi, giúp chống oxy hoá, loại bỏ độc tố và ngăn ngừa ung thư phổi nữa. Lưu ý khi chế biến bông cải xanh là ngâm rửa sạch trong nước muối hoặc nước rửa rau quả, hoặc sục ozon để loại bỏ chất bẩn trong kẽ búp. Thái hoặc nghiền theo hình dạng mong muốn rồi đợi một xíu trước khi nấu, để biến đổi cấu trúc vật lý các dưỡng chất trong bông cải thành dạng bền hơn với nhiệt nhé.

Ớt chuông đỏ

Vitamin C trong ớt chuông đỏ cao hơn hẳn ớt chuông vàng và xanh. Để tận dụng được lượng vitamin C tối đa, bạn nên thái mỏng trộn xà lách nhé.

Ngoài ăn uống dinh dưỡng, tập luyện thể dục, thể thao và tinh thần cũng rất quan trọng, không để bản thân rơi vào trầm cảm hoặc stress. Khi rơi vào căng thẳng hoặc trầm cảm, chính cơ thể mình sẽ tiết ra cortisol là độc tố là ảnh hưởng cả cơ thể, suy giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh hơn nhiều khi cơ thể vui vẻ tinh thần yêu đời. Chúc các bạn có một sức khỏe và một tinh thần tốt để chống dịch nhé.

Xem thêm

Cảnh sinh hoạt ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Trung tâm dưỡng lão là nơi chăm sóc người cao tuổi có bệnh nền, sức đề kháng yếu nên công tác phòng dịch COVID-19 được đặc biệt chú trọng. Khi thành phố Hà Nội thực hiện cách ly xã hội, các trung tâm dưỡng lão đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để chống dịch nhưng vẫn cố gắng duy trì trạng thái sống vui, sống khỏe cho các cụ.


Trong ảnh là cảnh sinh hoạt thể dục buổi sáng của các cụ trong trung tâm dưỡng lão lớn nhất Hà Nội hiện nay. Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách trung tâm dưỡng lão này đã chủ động áp dụng chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để thực hiện việc phòng ngừa bệnh dịch lây lan từ bên ngoài vào. Việc thăm nom trực tiếp của gia đình, người nhà đối với những cụ đang sinh sống tại đây dừng từ ngày 3/5. Thay vào đó là “thăm hỏi online” hoặc gọi điện thoại.

Từ ngày trung tâm áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các cụ rất ủng hộ, hưởng ứng. Trong ảnh, các cụ đang tham gia chuẩn bị đồ ăn cho bữa sáng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cao tuổi, bắt đầu từ ngày 24/7, nhân viên đã dọn đồ vào ký túc của trung tâm dưỡng lão này để làm việc và sinh hoạt.

Trung tâm đã tạm ngưng việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, thay vào đó, đầu bếp nấu theo thực đơn riêng như cháo, bún phở, đảm bảo kiểm dịch an toàn. Các đơn vị cung cấp thực phẩm phải tuân thủ các biện pháp chống dịch khi giao hàng đến trung tâm. Hàng hóa, thực phẩm sẽ được đặt tại nơi quy định, sau đó bảo vệ sẽ tiếp nhận và gửi lên bếp.
Bữa ăn sáng của các cụ cũng được thay đổi bằng cách chia thành nhiều nhóm ở từng độ tuổi khác nhau.

Mỗi người đều được bố trí suất ăn riêng, không chung mâm. Với những cụ sức khỏe yếu hơn được bố trí ngồi bàn đặc dụng, có ghế tựa đi liền bàn.

Sau hoạt động ăn sáng, các cụ được thăm khám sức khỏe, đo nhiệt độ và thông báo cho các cụ nắm được tình hình sức khỏe của mình.

Trong đợt dịch trung tâm cũng đẩy mạnh các hoạt động thể dục, vui chơi trong nhà để các cụ không thấy cô đơn, buồn chán.

Các hoạt động như tập thể dục nhịp điệu, chơi cờ tướng, cá ngựa, xâu hạt, chuyền bóng, ghép hình hay tổ chức sinh nhật tháng được tổ chức đều đặn, đảm bảo an toàn.

Theo Long Vân – Báo Tiền Phong

Xem thêm

Tôi yêu Diên Hồng một cách thật nhẹ nhàng

Mỗi buổi sáng thức dậy, cứ nghĩ sắp được đến Diên Hồng, sắp được gặp mọi người thì lòng tôi lại vui sướng lạ thường. Vừa tới cửa trung tâm, đã thấy chú Sơn, chú bảo vệ, đang pha một ấm nước vối tươi. Bên cạnh là các ông bà đang vui vẻ ngồi nhâm nhi, vừa uống trà, vừa ngâm thơ, nhìn ngắm không gian thoáng mát. Những bông hoa hồng khoe sắc thắm, thơm nức mũi hay những con trâu đang thong dong gặp cỏ, khung cảnh buổi sáng mới thật yên bình. Các ông bà ngồi thì thầm, nói chuyện với nhau về Diên Hồng, về cuộc sống hiện tại trong viện dưỡng lão. Phòng ốc thì sạch sẽ, gọn gàng. Ăn uống thì đúng giờ giấc, thực đơn lại được thay đổi thường xuyên, đủ dinh dưỡng nên các ông bà không bị chán. Ngày nào cũng được các bạn nhân viên theo dõi sức khỏe, xoa bóp và tập luyện phục hồi chức năng, đạp xe, ngâm chân.

Không những thế các cụ còn được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. Nào là Cuộc thi Hoa hậu Cao niên, Olympic, Rung chuông vàng, Chợ tết, làm lồng đèn Trung Thu,… Tôi thấy những hoạt động đó thật bổ ích, giúp cho đời sống tinh thần của các cụ thêm phong phú và nhiều ý nghĩa. Không những thế còn giúp rèn luyện sức khỏe, nhanh tay nhanh mắt, nhanh trí vận động giúp xương cốt dẻo dai hơn.

Điều dưỡng Hằng cùng các cụ ở Diên Hồng tham gia Olympic

Với khẩu hiệu: “Chơi hết sức, vui hết mình, đã chơi là không bao giờ bỏ cuộc” bởi vậy các cụ lúc nào cũng vui vẻ và hào hứng. Thông qua các hoạt động của trung tâm tình cảm của các cụ đươc gắn kết với nhau hơn. Đặc biệt là các cụ và nhân viên cũng ngày càng thân thiết yêu thương nhau. Có cụ bảo: “Ở nhà tôi buồn lắm, không vui như ở đây, con cháu thì đi làm, đi học hết, ở nhà có mỗi thân già. Còn vào đây thì có các ông bà, có các cháu nhân viên, có người trò chuyện, bầu bạn”. Nhìn nụ cười của các cụ mà chúng tôi cảm thấy ấm áp.

Những cái nắm tay, ôm ấp, những câu chuyện vui của các cụ mà tôi được nghe hàng ngày cho tôi biết đây không chỉ là ngôi nhà thứ 2 của các cụ mà còn là ngôi nhà thứ 2 của tôi. Lúc đầu tôi nghĩ viện dưỡng lão sẽ rất buồn chán và tẻ nhạt nhưng từ khi làm ở đây tôi thấy môi trường dưỡng lão không hề như thế. Dưỡng lão Diên Hồng là nhà của các cụ, của chúng tôi, là nơi hòa đồng thân thiện, và vui vẻ.

Điều dưỡng Nguyễn Hằng – Bài dự thi Diên Hồng trong tôi

Xem thêm

Dịch bệnh tại Hà Nội đang căng thẳng – chăm sóc sức khỏe người già trở thành nhiệm vụ cấp thiết.

Hai tuần qua có 7 cư dân của một nhà dưỡng lão ở Bỉ tử vong do nhiễm biến thể Colombia của virus corona dù tiêm đủ vắc xin đã dấy lên nhiều lo ngại cho sức khoẻ người cao tuổi trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, đợt dịch tiếp theo này bắt đầu bùng phát mạnh mẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh với hơn một nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Tại Hà Nội, các chùm ca bệnh cũng bắt đầu được phát hiện. Do đó, việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi tại gia đình đang trở thành vấn đề cấp thiết, cần được quan tâm và chú trọng nhiều hơn.

Mặc dù người già thường ít đi lại, ít giao lưu với bên ngoài, nhưng hằng ngày vẫn tiếp xúc với con cháu. Bởi vậy, nguy cơ nhiễm bệnh của người già không hề nhỏ.

Tại Viện dưỡng lão Diên Hồng cũng đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi. Ngay từ những ngày đầu tái dịch, Viện đã gửi thông báo đến gia đình của các cụ, yêu cầu tất cả gia đình không đến thăm nom trực tiếp, hạn chế tiếp xúc. Mọi hoạt động thăm nom đều thực hiện qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội.

Bên cạnh đó, từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các cán bộ nhân viên đã dọn đồ vào trung tâm để làm việc và sinh hoạt, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cao tuổi. Người cao tuổi cũng được theo dõi chặt chẽ hơn về sức khỏe, đảm bảo phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến dịch bệnh như ho, sốt,… và được xử trí kịp thời.

Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm cũng rất được chú trọng. Trung tâm đã ngưng hoàn toàn việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, đầu bếp của Viện dưỡng lão Diên Hồng nấu theo thực đơn riêng, hoàn thiện từ A=>Z, đảm bảo kiểm dịch an toàn. Bữa ăn của các cụ cũng được bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả hơn.

Với những nỗ lực để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, Viện dưỡng lão Diên Hồng tự hào là nơi chăm sóc chu đáo, tận tâm, mang đến cho người già không gian sống thoải mái, hạnh phúc và an toàn.

Xem thêm

Yêu thương cha mẹ hay giam lỏng?

Yêu thương cha mẹ, sợ cha mẹ bị té ngã nên lúc nào cũng chỉ muốn cha mẹ ngồi im 1 chỗ thì gọi là báo hiếu hay là “giam lỏng” nhỉ?

Một người đồng nghiệp của tôi là một người con có hiếu. Tôi nghĩ vậy vì mỗi lần ai đó giới thiệu một loại thuốc bổ nào tốt cho sức khoẻ, anh đều hỏi kỹ thông tin và đặt mua cho mẹ mình. Anh luôn lo lắng cho mẹ mỗi lần trái gió trở trời, cố gắng sắp xếp công việc để đưa mẹ đi viện khám. Nhưng càng để ý đến cách anh chăm sóc mẹ tôi càng băn khoăn về 2 chữ “báo hiếu”. Anh thấy những vụ người già đi đường bị té ngã là về nhà lập tức rút kinh nghiệm, anh hạn chế mẹ già đi ra ngoài hoạt động. Thậm chí đám giỗ họ hàng anh cũng nói mẹ già rồi, không cần thiết phải tham gia, để con cháu đi là được. Bất kể chuyện gì cũng chỉ 1 câu “mẹ cứ ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe”. Anh luôn miệng chỉ trích mấy người gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão. Thực sự tôi không hiểu nên gọi kiểu chăm sóc của anh là báo hiếu hay là “giam lỏng” nhỉ?

Hãy để tuổi già được sống với những trải nghiệm.

Sống chất lượng, sống khỏe là điều ai cũng mong muốn, kể cả với người già. Nếu chỉ vì để ý đến sức khoẻ mà bỏ qua những trải nghiệm sống thì còn ai tha thiết sống nốt quãng đời còn lại. Tôi từng đến thăm mẹ của một người bạn ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Đến đây tôi thấy các ông bà vui vẻ nói chuyện, ai thích chơi tam cúc thì rủ nhau thành hội bàn tròn, ai thích khiêu vũ thì khiêu vũ, ai thích đọc sách thì cứ ngồi ôm sách cả ngày. Cái chính ở đây là người ta tạo dựng một môi trường phù hợp với người già, không phải quá lo lắng đến vấn đề an toàn để mà hạn chế người già làm điều họ thích. 

Giờ vui chơi ở Diên Hồng, có cụ thì ngồi đọc sách, cụ thì chơi cờ tướng.

Bố mẹ tôi vẫn còn khá trẻ nên tôi cũng chưa nghĩ đến sau này có gửi bố mẹ vào dưỡng lão hay không nhưng tôi tin viện dưỡng lão đang phát triển mạnh là có lí do của nó. Khi chúng ta già cả mà không tự chăm sóc được bản thân thì vào viện dưỡng lão là cách tốt nhất cho ta và cho con cháu ta. Ai chê trách con cháu họ bỏ ông bà, bố mẹ họ vào nhà dưỡng lão là những người chỉ được cái to miệng nói vậy thôi. Khi họ có người già mà cần chăm sóc, họ thì không có thời gian thì sẽ biết cách nào tốt hơn thôi. Xưa kia xã hội khác, bây giờ xã hội cũng đã khác đi nhiều.

Cuộc đời con người mà, dài ngắn do số phận, còn chất lượng cuộc sống là do nỗ lực của bản thân mình thôi. Chọn một viện dưỡng lão tốt như Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng rồi sống vui vẻ theo cách mình muốn là hoàn hảo rồi.

Xem thêm

Để tiền vào viện dưỡng lão còn hơn cho con hết tiền rồi phải cậy nhờ

Tôi năm nay 55 tuổi. Chồng tôi qua đời cách đây vài năm nên tôi chuyển đến ở cùng với vợ chồng cậu con trai cho đỡ buồn. Nói là ở cùng nhưng thực ra ban ngày tôi chủ yếu ở 1 mình sau khi đưa 2 cháu đi học. Vợ chồng chúng nó đi làm từ sáng sớm, tối muộn mới về. Khu tôi ở cũng ít người già hay trung niên, chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ nên ban ngày chẳng có mấy ai để hàn huyên. Tôi cứ đi ra đi vào đọc báo, xem Tivi đến hết ngày thì đi đón các cháu rồi chuẩn bị sơ chế đồ ăn chờ con dâu về nấu. Ăn tối xong mỗi đứa ngồi trông cho 1 đứa con học trong phòng, tôi cũng xem Tivi 1 lúc rồi đi ngủ. Tôi nghĩ các con đi làm cả ngày mệt rồi, tối về còn lo cho con cái nữa, đâu thể dành hết tâm sức mà lo cho tôi nên cũng thông cảm. 

Tôi từng gặp một số người dành hết toàn bộ số tiền tích cóp được thời trẻ mua nhà mua xe cho các con. Khi các con cần tiền lại bán luôn ngôi nhà mảnh đất mình đang sống rồi dọn đến ở cùng các con. Lúc cơm không lành, canh không ngọt thì chẳng còn chỗ nào để đi, chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt để sống tiếp quãng đời còn lại. Chính vì vậy, tôi đã chuẩn bị cho tuổi già dù hiện tại con cái vẫn đang quan tâm, yêu thương. 

Như cặp vợ chồng già ở Diên Hồng, ông bà đã bán nhà để vào viện dưỡng lão ở.

Tôi đã bắt đầu quá trình chuẩn bị cả về tài chính lẫn tâm lý để vào viện dưỡng lão khi về già từ nhiều năm trước. Các con tôi ban đầu cứ cười tôi vì lo xa quá. Chúng bảo chúng thương mẹ chứ đâu như những người khác, muốn mẹ ở cạnh để tiện chăm sóc. Nhưng thực tế, chúng còn công ăn việc làm, còn cuộc sống riêng. Mà thế hệ chúng nó giờ khác lắm, nghỉ hưu xong có khi còn rủ nhau đi du lịch vòng quanh thế giới đâu thể lúc nào cũng kè kè bên mẹ. Chưa kể lối sống, suy nghĩ của hai thế hệ có nhiều khác biệt, ở chung với nhau dễ va chạm, mâu thuẫn. Mà những mâu thuẫn này mỗi ngày chỉ nhỏ thôi nhưng giống như bơm bóng, mỗi ngày một ít, đến lúc không chịu nổi nữa thì nổ tung. Vậy nên tôi nghĩ cha mẹ – con cái về lâu dài không nên sống cùng. 

Gần đây tôi có cùng mấy người bạn đi thăm 1 vòng các viện dưỡng lão ở Hà Nội. Tôi thấy ưng ý với Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Các cháu ở đây ngoan ngoãn, dễ thương, có quy trình chăm sóc rõ ràng lại cũng nuông chiều các cụ ở đây. Tôi thấy không có điều gì để chê cả. Một số bạn bè của tôi vẫn cứ bảo viện dưỡng lão là nơi con cái chối bỏ trách nhiệm bỏ mặc đấng sinh thành vì sự ích kỷ riêng của bản thân, rằng một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi 1 mẹ. 

Cuộc sống của người già trong viện dưỡng lão Diên Hồng.

Tôi thấy viện dưỡng lão là kết quả tất yếu khi xã hội bị thúc đẩy đến quay cuồng trong quá trình công nghiệp hóa. Khi người con không thể vừa lo cho gia đình, vừa lo cho sự nghiệp, lại phải hiếu thuận với cha mẹ già. Nhiều người bảo để bố mẹ ở quê có hàng xóm láng giềng, không khí trong lành. Tôi tự hỏi để cho ông bà tự lo liệu tuổi già ở chốn thôn quê, để rồi nhỡ có chuyện không hay xảy ra cũng chẳng ai biết? Hay đưa các cụ vào một nơi làm dịch vụ có người chăm lo thay mình sẽ tốt hơn? Tôi cho rằng, viện dưỡng lão là kết quả từ lòng hiếu thuận của con cái. It nhất là vì họ không đành lòng bỏ mặc đấng sinh thành tự lo, tự diệt… chứ tuyệt nhiên không phải là “nơi chối bỏ trách nhiệm” như các bạn của tôi từng tranh luận”.Tôi từng gặp trường hợp mẹ già nằm một chỗ, con vào giúp lật người nhưng làm không đúng cách làm cụ kêu ầm ĩ vì đau. Y tá nghe tiếng chạy tới mắng té tát vì đã dặn nếu cần giúp thì phải gọi họ. Các con yêu thương cha mẹ nhưng không có chuyên môn, kỹ năng còn gây tổn thương cho các cụ hơn. Hay như có trường hợp cụ đã lẫn, nói thật lúc đó con chăm hay nhân viên y tế chăm cũng chẳng phân biệt được. Thậm chí, có khi con cháu nhìn cụ nhắm mắt lại tưởng là ngủ, nhưng hóa ra đã ngất xỉu từ lúc nào rồi…

Suy nghĩ như vậy nên tôi sớm tích trữ được một khoản tiền kha khá để dưỡng già. Tôi nói với các con rằng “số tiền này mẹ để dành để lo cho những năm tháng cuối đời của mình, không phiền đến các con”. Các con tôi cũng thành đạt nên cũng chẳng bận tâm tới túi tiền của mẹ. Và hẳn là khi tôi tự lo được cho bản thân mình, chắc chắn các con cũng sẽ thoải mái hơn nhiều.

Xem thêm

Bố chồng tôi

Người con gái khi bước chân về nhà chồng đều mong muốn được gia đình chồng thương yêu, mẹ chồng nàng dâu êm đẹp. Còn tôi không biết là may mắn hay bất hạnh khi mẹ chồng tôi mất sớm, vợ chồng tôi sống với bố chồng.

Bố chồng tôi là người rất nghiêm khắc, cục mịch, nhưng từ ngày về hưu, tính tình ông lại thay đổi hoàn toàn (chắc là do không còn áp lực công việc). Ông trở nên gần gũi với con cháu hơn, không còn cứng nhắc như trước. Ngày ngày, ông chăm sóc vài chậu kiểng, gặp gỡ bạn bè, không thì đi du lịch.

Năm nay ông gần 75 tuổi, nhưng vẫn còn phong độ lắm. Dạo gần đây tôi thấy bố chồng hơi lạ lạ. Ông chú trọng đến hình thức hơn, quần áo lúc nào cũng thẳng thớm, đầu tóc thì gọn ghẽ. Mấy sáng nay ông đều đứng trước gương ngắm nghía một lúc lâu rồi mới ra ngoài. Không những thế tinh thần lại tốt lên trông thấy, vui hơn, cười nói nhiều hơn. Thấy vậy tôi bèn kể lại với chồng, chồng tôi cũng ngỡ ngàng không kém. Hai vợ chồng thủ thỉ chẳng nhẽ ông định hồi xuân.

Mấy ngày sau, bố chồng tôi đã làm điều khiến ai nấy trong gia đình cũng đều bàng hoàng, sửng sốt. Đứng ở giữa nhà, bố chồng tôi dõng dạc tuyên bố: “Bố có chuyện này muốn thông báo với các con. Bố già rồi nên cũng mong sớm tối có người bầu bạn, tâm sự, trái gió trở trời cho người trông nom. Nên bố quyết định sẽ đón bà A (chồng bà mất sớm, bà cũng không có con) về để góp gạo thổi cơm chung. Bố biết các con sẽ phản đối nhưng bố không muốn phiền đến các con, cũng không muốn các con phải vất vả. Với lại bố và bà ấy sẽ vào dưỡng lão ở. Già rồi, chẳng biết nay mai thế nào, vào trong đấy có y tá trông nom. Đấy là quyết định của bố, các con có phản đối thì bố vẫn làm”

Bố chồng tôi nói một tràng dài, ai nấy nghe xong đều im lặng. Bởi lẽ thông tin này đến quá đột ngột, mọi người còn chưa kịp định thần. Sau một hồi, chồng tôi lên tiếng: “Chúng con biết, từ ngày mẹ mất bố đã hy sinh hạnh phúc của mình để chăm lo cho chúng con. Và bây giờ là lúc chúng con báo đáp lại cho bố. Nhưng chúng con sẽ tôn trọng ý kiến của bố, nếu đó là điều mà bố muốn. Bố lấy bà A cũng được, vào dưỡng lão cũng được, miễn bố cảm thấy vui và hạnh phúc”. 

Nghe xong bố chồng tôi cũng rưng rưng nước mắt, cảm động vì các con đã thông cảm cho mình. Ông nói thêm: “Bố tìm được viện dưỡng lão rồi, hôm trước bố vừa đi thăm quan viện Diên Hồng ở Hà Đông. Mà bạn của bà A cũng đang ở trong đấy, họ khen ở đấy như khách sạn, sạch sẽ, tốt mà vui vẻ lắm, nên các con yên tâm”. Lòng tôi bỗng chợt nhói lên, sao cảm giác như là chúng tôi ruồng bỏ, bắt ông phải đi vậy. 

Thấy mặt tôi có vẻ căng thẳng, bố chồng liền gọi nói: “Con yên tâm, không phải lo cho bố, trong đó có đầy đủ hết, bố vào thăm bố biết rồi. Các con rảnh thì đến thăm, không thì lâu lâu bố về nhà chơi một chuyến”. Thấy bố nói như vậy, tôi cũng thấy an lòng hơn.

Từ khi bố chồng tôi vào Diên Hồng ở, cứ cách ngày lại thấy ông đăng ảnh khoe trên facebook. Hôm trước thì thấy ông khoe được đi chùa, hôm sau lại thấy ảnh sinh nhật. Thấy vậy, chồng tôi bảo: “Sau này về già vợ chồng mình cũng vào Diên Hồng ở, rồi thuê hẳn một phòng riêng như ông bà bây giờ, vui vẻ sống qua ngày”. Tôi cười thích thú, nghe ra đây cũng là ý kiến hay đấy chứ.

Xem thêm