Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Chăm sóc người già tai biến

Người già tai biến chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng số hơn 200.000 ca đột quỵ được ghi nhận mỗi năm ở nước ta. Tai biến mạch máu não có thể dẫn tới liệt nửa người và rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số lưu ý khi chăm sóc người già bị tai biến để giảm thiểu tối đa các biến chứng của nó và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Khái niệm và những di chứng của bệnh tai biến ở người già:

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não, là căn bệnh xuất hiện phổ biến ở người cao tuổi. Đây là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do lưu lượng máu cung cấp đến não bị gián đoạn hoặc mạch máu trong não bị vỡ. Từ đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi tế bào não cũng giảm đáng kể. Trong thời gian ngắn, tế bào não chết dần và xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Các di chứng xảy ra đối với người già bị tai biến là:

  • Rối loạn thị giác: Nếu bệnh nhân bị tắc động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc trung tâm sẽ gây thiếu máu võng mạc mất thị lực.
  • Rối loạn nhận thức: Di chứng này chiếm khoảng 60% bệnh nhân. Đây là một trong những di chứng nặng nề nhất. Người bị tai biến mạch máu não sẽ bị sa sút trí tuệ, hay quên, không nhận ra người thân.
  • Rối loạn ngôn ngữ: Do tổn thương vùng ngôn ngữ khiến bệnh nhân không điều khiển được hệ phát âm, từ đó bị nói ngọng, nói lắp.
  • Yếu hoặc liệt nửa người: Di chứng này là phổ biến nhất, chiếm đến 90% bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Bệnh nhân tai biến sẽ bị liệt nửa người, liệt tay chân, liệt cơ mặt… Việc không vận động trong thời gian dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như lở loét da, viêm cứng khớp, viêm hô hấp.
  • Một số di chứng như: khó nuốt, táo bón

2. Khó khăn trong cách chăm sóc cho người già tai biến

Người bị tai biến mạch máu não thường gặp khó khăn trong sinh hoạt. Do đó họ rất cần sự hỗ trợ rất nhiều từ người thân, từ những việc nhỏ như ăn uống, tiểu tiện,… Đặc biệt, khi chăm sóc bệnh nhân tai biến liệt nửa người cần phải dìu đỡ, giúp họ di chuyển trong nhà. Việc phụ thuộc hoàn toàn của người bệnh đôi khi sẽ khiến gia đình cảm thấy khá vất vả.

Quan trọng hơn nữa, gia đình cần phải cùng bệnh nhân thực hành vật lý trị liệu đều đặn để phục hồi khả năng đi lại. Việc tập luyện phải theo đúng quy trình, bắt đầu từ tư thế ngồi, sau đó đến các bài tập đứng. Cho đến khi người bệnh ổn định và cảm thấy an toàn, người bệnh mới bắt đầu tiếp cận bài tự đi bộ.

3. Hướng dẫn cách chăm sóc cho người già tai biến 
3.1. Theo dõi tình trạng bệnh của bệnh nhân

Khi người bệnh bị tai biến, trước tiên cần lưu ý theo dõi huyết áp, lịch tái khám và dùng thuốc của người bệnh. Gia đình nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của người bệnh.

Khi huyết áp của người bệnh dao động bất thường, cần tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để điều chỉnh huyết áp về mức bình thường. Tuyệt đối không nên tự áp dụng các phương pháp truyền miệng, thiếu cơ sở khoa học hoặc tự ý mua thuốc không kê đơn bên ngoài. Nếu bệnh nhần cần uống thuốc, gia đình cần cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ và thường xuyên quan sát trạng thái sau khi uống để kịp thời xử lý nếu có những biểu hiện bất thường.

3.2 Chế độ ăn uống cho người già tai biến

Một chế độ ăn hợp lý sẽ mang đến cho người bệnh những chuyển biến tích cực như da không viêm loét, hồng hào, duy trì cân nặng lý tưởng, không rụng tóc, cơ chắc…

+ Với bệnh nhân có thể tự ăn được

Nếu có thể tự ăn uống được sau tai biến mạch máu não, nhu cầu năng lượng của bệnh nhân sẽ thấp hơn bình thường, chỉ cần cung cấp 25 – 30kcal/ kg cân nặng mỗi ngày, đồng thời lượng nước bệnh nhân cần uống là 40ml/kg cân nặng. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần đáp ứng đủ những tiêu chí như:

  • Cân đối và đầy đủ các nhóm chất cần thiết như: đạm từ thịt, cá, trứng…; bột đường từ gạo, bánh mì, mì…; chất béo từ dầu mỡ, tốt nhất nên dùng dầu mỡ thực vật không cholesterol…; vitamin và khoáng chất từ rau xanh, củ quả, trái cây.
  • Thức ăn cần được cắt nhỏ, ninh nhừ hay băm nhuyễn phù hợp với khả năng nhai nuốt để người bệnh ăn và hấp thụ dễ dàng hơn. Thức ăn cần chế biến theo khẩu vị để đảm bảo bệnh nhân có thể ăn đủ khẩu phần ăn. Nên quan tâm đến số lượng thực phẩm cần ăn để đảm bảo đủ số lượng chất lượng bữa ăn. Khi ăn không đủ, cần ăn tăng thêm số bữa, nên dùng thêm sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như bánh cao năng lượng, sữa cao năng lượng hoặc các thực phẩm khác tùy theo sở thích. Theo dõi cân nặng thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn, tránh để sụt cân hoặc tăng cân quá mức. 
  • Khẩu phần ăn của bệnh nhân nên được chia làm nhiều bữa nhỏ, khoảng 4 – 6 bữa/ ngày.
+ Với bệnh nhân không thể tự ăn được

Tai biến có thể làm người bệnh bị liệt cơ hầu họng nên không ăn được, sẽ bị sặc hoặc nôn nếu cố ăn. Vì vậy, để cung cấp đủ dinh dưỡng, bệnh nhân cần được ăn bằng ống thông. Chế biến súp ăn qua sonde đảm bảo độ lỏng, nhưng phải đủ chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Có thể chọn loại sữa giàu dinh dưỡng dùng được khi nuôi ăn qua ống thông sẽ thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn cho người nhà khi chuẩn bị thức ăn. Tuy nhiên, cần có sự tư vấn của bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng để tránh nhiễm trùng và những biến chứng không mong muốn khác.

3.3 Chế độ sinh hoạt và tập luyện cho người già tai biến
  • Với trường hợp bị tai biến nặng không thể tự vận động, bạn cần giúp bệnh nhân chuyển tư thế mỗi 3 giờ một lần để giúp bệnh nhân không bị lở loét. Khi lật người bệnh nhân, bạn nhớ xoa rượu, cồn hay phấn rôm vào những vị trí bị tì đè như mông hay lưng. Nếu bệnh nhân không phải dùng ống thông, mỗi bữa ăn, bệnh nhân cần được kê gối sau lưng để nửa ngồi, nửa nằm.
  • Những bệnh nhân có mức độ di chứng liệt nhẹ hơn, cần có kế hoạch tập luyện hằng ngày và duy trì xuyên suốt kể cả khi đã hồi phục di chứng. Bạn cần khuyến khích và để người bệnh tự vận động nhiều nhất có thể, chỉ giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm. Cố gắng để cho họ tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm được. Nếu bệnh nhân có thể đi được, nhớ chuẩn bị thêm gậy hỗ trợ.
3.4 Chăm sóc tâm lý 

Sau khi bị tai biến mạch máu não, nhiều người phải đối mặt với tình trạng rối loạn ngôn ngữ hoặc bị liệt nên khiến họ rơi vào cảm giác cô đơn, lo âu, mệt mỏi, buồn chán. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào người thân nên họ dễ nảy sinh tâm lý mặc cảm, tự ti và cảm thấy mình vô dụng. Cho nên, cách chăm người già nằm một chỗ là bạn phải thật tâm lý, luôn bên cạnh động viên, hỗ trợ tinh thần người bệnh, giúp họ vơi bớt cảm giác bị phụ thuộc và luôn lạc quan, vui vẻ. Điều này giúp ích không nhỏ trong việc điều trị bệnh và hồi phục bệnh nhanh chóng.

3.5 Giường nằm cho người già bị tai biến

Trong trường hợp người bệnh bị liệt, nằm liệt một chỗ thì giường nằm cho người bệnh phải chắc chắn, đầu giường có thể nâng cao được, sử dụng thêm gối để chống đỡ và cố định phần lưng, đầu khi nằm nghiêng, chêm, lót những vùng bị tỳ đè, có nguy cơ lở loét da. Trên giường, bạn nên dùng đệm hơi hoặc đệm nước để bệnh nhân nằm. Bên cạnh đó, bạn nên bố trí giường ở nơi thoáng mát, có ánh nắng Mặt Trời, không ẩm thấp và tránh gió lùa.

3.6 Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Người già bị tai biến mạch máu não thường có nguy cơ nhiễm trùng cao. Vì cơ thể nằm lâu một chỗ, không được trở mình thường xuyên nên da dễ bị sung huyết, có màu đỏ và phồng lên như bị phỏng. Những vùng da này để lâu sẽ dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được vệ sinh thường xuyên. Nếu bệnh nhân nằm ngửa, những vùng da như hai bả vai, cùi chỏ tay, mông, gót chân, vùng thắt lưng sẽ dễ dàng bị nhiễm khuẩn.

Cách chăm sóc người già bị tai biến tại nhà là bạn cần thường xuyên trở mình cho bệnh nhân, vệ sinh cơ thể bằng nước sạch, sử dụng phấn rôm cho những vùng da bị tổn thương, thường xuyên thay ga trải giường, chiếu, tấm lót và tã cho người bệnh. Đặc biệt, bạn nên sử dụng tã cho người bệnh và thay tã 4 tiếng 1 lần kể cả khi tã chưa đầy.

Trên đây là những thông tin mà Dưỡng lão Diên Hồng đã tổng hợp được từ những nguồn tin uy tín. Hi vọng sẽ giúp ích được cho những gia đình đang chăm sóc người già bị tai biến. Đồng thời Dưỡng lão Diên Hồng cũng có dịch vụ chăm sóc người bị tai biến. Nếu gia đình có nhu cầu, vui lòng liên hệ số hotline: 0342 86 56 86. 

*Hình ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết

*Tất cả hình ảnh thuộc quyền sở hữu của Dưỡng lão Diên Hồng.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

7 − 4 =