Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All Posts in Category: Tin tức – Sự kiện

Tết sẻ chia – chương trình thiện nguyện tại xã Đoàn Kết, Đà Bắc, Hoà Bình

Ngày 27/12 vừa qua, đoàn thiện nguyện Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã có mặt tại xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình để gửi tặng 70 suất quà cho các cụ già neo đơn và các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đà Bắc là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình. Nơi đây có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Xã Đoàn Kết (Đà Bắc) lại là một xã vùng sâu vùng xa của Huyện. Vì thế Ban tổ chức lựa chọn xã Đoàn Kết là điểm đến với mong muốn sẻ chia với bà con trong những ngày cuối năm. Những món quà trao tặng tuy nhỏ bé về vật chất, nhưng tinh thần thì luôn lớn lao. Hi vọng sẽ là nguồn động viên cho những gia đình dân tộc thiểu số khó khăn.

Chương trình thiện nguyện được phát động từ ngày 12/12/2022. Sau 10 ngày phát động Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều tấm lòng hảo tâm đến từ cán bộ nhân viên, gia đình người cao tuổi và các mạnh quân. 70 suất quà cũng được chuẩn bị để gửi đến tay người dân.

 

Phát biểu trong chương trình, chị Trần Thị Thúy Nga, đại diện cho công ty chia sẻ: “Với sứ mệnh của công ty là sẻ chia trách nhiệm vẹn tình yêu thương, vì vậy vừa qua công ty đã phát động phong trào thiện nguyện kêu gọi toàn thể nhân viên cùng chung sức phát huy tinh thần tương thân tương ái. Xã Đoàn Kết chính là điểm dừng chân của đoàn thiện nguyện, thực sự khi vào xã đường đi rất gập ghềnh, xa chợ, xa trung tâm nên chúng tôi thấu hiểu phần nào sự khó khăn của mọi người. Rất mong món quà nhỏ mà chúng tôi chuẩn bị sẽ góp phần giúp cho cái tết của người dân thêm trọn vẹn”.

Có thể nói chặng đường 5h đồng hồ từ Hà Nội lên xã Đoàn Kết là một hành trình ý nghĩa với các thành viên trong đoàn. Nhiều người chia sẻ đây là lần đầu tiên họ được tự tay chuẩn bị quà và trao tặng các món đến người dân.

Để có được thành công của chương trình, Diên Hồng gửi lời cảm ơn đến toàn thể cán bộ nhân viên, gia đình của Người cao tuổi, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân. Hy vọng Diên Hồng sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để lan tỏa yêu thương.

Xem thêm

Mùa Noel ngập tràn tiếng trẻ thơ tại Viện dưỡng lão

Mùa Noel năm nay, Diên Hồng cs2 rất may mắn khi được các cô trò từ trường mầm non Khai Minh Đức ghé thăm. Hơn 8h sáng, xe cập bến trung tâm. Từng bạn nhỏ trong màu áo cam bước ra khỏi xe, nối đuôi nhau bước vào. Ở trên hội trường, các ông bà cũng đã sẵn sàng để đón các bé tới chơi. Cụ nào cũng háo hức mong chờ. Các bạn báo các bé đang lên thang máy. Mọi ánh mắt của các cụ lúc này đổ dồn về phía thang máy. Ting. Thang máy mở ra, bên trong những gương mặt ngây thơ, non nớt vẫn đang ngoan ngoãn xếp hàng. Các bé nối đuôi nhau bước ra trong sự vẫy chào rất nhiệt tình của các cụ.

Vì được giáo dục rất tốt ở trường, các bé nề nếp lắm. Không hề chạy nhảy hay mè nheo, các bé ngoan đều nghe theo lời hướng dẫn của cô giáo, nhanh chóng ổn định vị trí. Các cụ vẫn chưa thể rời ánh mắt khỏi các bạn nhỏ. Những nếp nhăn cứ hiện lên bên cạnh những nụ cười hạnh phúc. 

Đến với buổi hôm nay, bé nào cũng tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ để dành tặng cho ông bà. Sau khi ổn định trên sân khấu, một bạn là lớp trưởng sẽ hô cho các bạn khoanh tay chào ông bà. Sự ngoan ngoãn, lễ phép này khiến ông bà u mê hết sức. Chưa kể đến sự đáng yêu của các bé khi biểu diễn văn nghệ trên sân khấu.

Cô Hiệu trưởng đã rất xúc động khi đến với Diên Hồng, khi được gặp các cụ đang an dưỡng tại đây. Theo lời chia sẻ của cô, khi nhìn thấy các cụ cô lại nhớ đến bố mẹ của mình, ông bà đã không còn trên đời nữa. Cô đã không kìm được cảm xúc, mặc cho những giọt nước mắt lã chã rơi. Những chia sẻ của cô cũng khiến cho các cụ xúc động. Không gian lúc đấy bỗng dưng lặng xuống. 

Các bé đang học tại trường mầm non Khai Minh Đức được giáo dục là luôn phải yêu thương ông bà, cha mẹ. Những món quà các bé mang đến Diên Hồng không chỉ là món quà tinh thần, là những tiết mục văn nghệ mà còn có cả những món quà khác đặc biệt hơn. Các bạn nhỏ sẽ hóa thân thành ông già Noel tặng quà cho các ông bà. Nhưng điều làm cho ông bà thích nhất, làm cho buổi giao lưu ngày hôm nay thêm phần đặc biệt đó là các bé ôm lấy ông bà, đấm lưng, bóp tay bóp chân cho ông bà. Những bàn tay bé xíu xiu cứ thoăn thoắt như đã quen thuộc. Ông bà thì cứ cười toe toét bảo sao mấy đứa này đáng yêu thế.

Các bé đang chuẩn bị quà tặng ông bà

Ông bà ai cũng vui vẻ nhận sự chăm sóc của các bé

 

Cả cô và trò trường mầm non Khai Minh Đức đều rất tình cảm và yêu thương ông bà

Sau khi chương trình trên hội trường kết thúc, các bé đi theo các cô xuống tặng quà cho các ông bà không lên tham gia chương trình được, để tất cả ông bà đều có quà Noel. Tình yêu thương và quan tâm đến ông bà của các bé làm cho tất cả các ông bà trung tâm trở nên vui vẻ, hạnh phúc gấp bội

Để thưởng cho sự ngoan ngoãn của các bé, ông già Noel đã xuất hiện tại trung tâm và mang đến một món quà mà bé nào cũng thích. Những quả bóng bay nhiều màu sắc được trao tay đến những em nhỏ đáng yêu của trường mầm non Khai Minh Đức.

Cảm ơn những sự đáng yêu mà các bé đem lại cho ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng. Vừa có những ông già Noel tí hon đến tặng quà, vừa nhận được tình cảm yêu thương ông bà của các bé. Thế là mùa đông năm nay, mùa Noel năm nay dù có lạnh giá thì vẫn là một mùa Noel siêu ấm áp, siêu đáng nhớ của các ông bà. 

Xem thêm

Live concert “Mùa yêu” đầy xúc cảm tại Viện dưỡng lão

“Hát cho mùa đông thôi giá băng… Mùa hạnh phúc…”

Sự thành công của live concert “Ký ức thời gian” tại cs2 đã làm mưa làm gió trên khắp các cơ sở của Diên Hồng. Từ các cụ đến các bạn nhân viên tại các cơ sở khác đều ao ước được tổ chức live concert tại cơ sở mình. Và thế là live concert 2 ra đời tại cơ sở 3 với bao sự mong chờ của những khán giả.

Khác với concert 1 làm sống lại những giai điệu hoài cổ, live concert 2 là những nỗi niềm, những yêu thương gửi trao hay cảm xúc của những mối tình còn dang dở. Sự đan xen giữa niềm hạnh phúc và đau khổ trong tình yêu đã tạo nên live concert 2 với tên gọi “Mùa yêu”. 

Live concert 3 với tên gọi “Mùa yêu”

Sân khấu được trang trí với sắc đỏ tượng trưng cho tình yêu

Những bài hát, những bài tình ca cất lên xua tan đi sự giá lạnh của mùa đông Hà Nội. Mở đầu live concert là bài hát “Katy Katy” của anh Lê Bắc như một lời nhắn đến với mọi người “Hãy cứ yêu, yêu đi đừng suy tư mãi”. Giọng hát đầy nội lực của anh luôn là phần mở màn ấn tượng để cho cả buổi live concert diễn ra thành công mĩ mãn.

Anh Lê Bắc luôn được ưu ái mở đầu chương trình

Đến với buổi concert này, ông Phạm Cương – một người chiến sĩ đã từng đóng quân tại chiến trường Tây Bắc đã lựa chọn bài hát “Tình ca Tây Bắc”. Bài hát vừa thể hiện sự ngọt ngào của tình yêu đôi lứa giữa chàng trai và cô gái ở vùng Tây Bắc, vừa mang theo tình yêu quê hương, đất nước. Từng câu hát như làm tái hiện lại quang cảnh của núi rừng Tây Bắc, được ngắm rừng cây xanh, suối mát và được tận hưởng không khí yên ả, thanh bình của vùng đồi núi trập trùng. 

Ông Phạm Cương vui vẻ thể hiện “Tình ca Tây Bắc”

Phần trình diễn song ca của bà Tiện và ông Lợi cũng vô cùng cuốn hút người xem. Bằng những câu hát quan họ, bằng tình yêu âm nhạc của 2 ông bà mà phần trình diễn trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Khi bà Tiện cất lên câu hát “Anh còn son, em cũng còn son. Ước gì ta được, ước gì ta được, về chung một nhà. Anh về, thưa với mẹ cha” mắt ông Lợi mở to ra, vẻ ngạc nhiên của ông không giấu đâu cho hết. Câu hát cũng làm bà Tiện phá lên cười. Chờ bà hát xong ông mới bảo “Tôi năm nay 96 tuổi, bây giờ mẹ cha tôi còn thì cũng phải trăm hai trăm ba, vậy nên chả cụ nào còn cả”. Với sự hóm hỉnh của mình, ông đáp lại bằng một câu hát “Em về thưa với các con, để cho chúng gật, ta còn gặp nhau,…”. Sự vui vẻ của ông bà trên sân khấu cũng như cách cả 2 ông bà vừa hát vừa múa tay theo nhạc khiến cho khán giả không thể rời mắt, cứ thế phiêu theo điệu nhạc.

Màn song ca tuyệt hảo của bà Tiện và ông Lợi cùng tình yêu quê hương Bắc Ninh

Tham gia live concert còn có tiếng hát của CBNV Diên Hồng. Những bài hát nhạc trẻ tuy có phần xa lạ với các cụ nhưng những cảm xúc được thể hiện qua bài hát hẳn là ai cũng có thể cảm nhận được, dù ở bất kì độ tuổi nào. “Giữa đại lộ Đông Tây”, “Ánh nắng của anh”, “Qua đêm nay”, “Bức thư tình đầu tiên”,… là những bản tình ca đã quá đỗi quen thuộc với giới trẻ được các bạn lựa chọn cho buổi lựa chọn cho buổi live concert ngày hôm nay.

Bạn Phan Trang xinh đẹp với giọng ca đầy cảm xúc

Bạn Hương Hạ mang đến những cảm xúc của người con gái xa người yêu với nỗi nhớ mong da diết

Chị Hoàng Ngân thể hiện bản tình ca “Bức thư tình đầu tiên”

Cặp đôi Sếp Tổng cứ lên sân khấu là cười toe toét

Các tiết mục cứ nối tiếp nhau, đưa khán giả đi hết từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Sự thăng hoa trong âm nhạc không chỉ đối với người “nghệ sĩ” đang biểu diễn trên sân khấu mà còn với tất cả những người tham dự buổi live concert ngày hôm ấy. Khán giả tham gia cũng không ngừng du dương theo từng điệu nhạc. Nỗi lòng của người con gái xa người yêu được thể hiện qua bài hát “Gửi anh xa nhớ” của bạn Hương Hạ hay sự đau khổ, tiếc nuối một mối tình vừa tan vỡ qua bài hát “Và ngày nào đó” do bạn Hương Hạ và bạn đều trở nên day dứt hơn bao giờ hết. Tất cả đã tạo nên một live concert với đầy đủ những nấc thang của tình yêu đôi lứa như thế.

 

Xem thêm

Ký ức thời chiến của những cựu chiến sĩ đang an dưỡng tại Diên Hồng

“Chuyến tàu ấy có 32 chiến sĩ, hầu như ra trận với tư tưởng cảm tử. Nhiều đồng chí hải quân đã bỏ mạng trên chiến trường nhưng không mang về được, chìm xuống biển hết rồi còn đâu.” Đó là lời chia sẻ của ông Phùng Mạnh Tiến, cựu chiến sĩ Hải quân đã từng tham gia vào cuộc kháng chiến khốc liệt để giải phóng đất nước. 

 

Cũng như ông, những cụ ông khác tham gia buổi lễ kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam do cơ sở 1 tổ chức đều mang trong mình nhiều cảm xúc. Tự hào không kể xiết khi ngày hôm nay được sống trong thời kì độc lập, tự do. Nhưng đâu đó trong các ông là những mảnh ký ức về đồng đội, về thời kỳ chiến đấu gian khổ ùa về. Những giọt nước mắt đã rơi, những ký ức méo mó về hình ảnh đồng đội đã hi sinh có lẽ không bao giờ biến mất trong tâm trí đã không còn minh mẫn. “Có những đêm tôi nằm mà nước mắt cứ rơi. Vì tôi thương các chiến sĩ, các đồng đội của mình đã hi sinh.”

Buổi lễ kỷ niệm diễn ra với quá nhiều sự hồi tưởng. Khi bài hát mở đầu chương trình cất lên, không ít những ông bà đã rơi nước mắt. “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về”. Từng câu hát như tái hiện lại những ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt, về những sự hi sinh, mất mát của đồng đội trên cùng chiến tuyến. Những vết cứa trong trái tim như lại nhói lên, làm cho những người đã từng đi qua thời đất nước còn chiến tranh đã không thể kiềm chế được cảm xúc. Cả không gian lúc ấy làm không gian như trầm lặng. Mặc cho tiếng hát vẫn cứ vang vọng, cả khán phòng ai cũng cúi đầu, ngậm ngùi tự nuốt vào trong những ký ức chiến tranh đã qua. 

Trên sân khấu là ông Phùng Mạnh Tiến, một người chiến sĩ Hải quân đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Mọi người thường nhớ đến ông qua những câu chuyện ông kể về sự hi sinh của 99 sinh viên Đại học Bách Khoa đồng hành cùng ông trong trận chiến ở Thành cổ. Thế nhưng, đến với buổi ngày hôm nay, ông đã mang những câu chuyện mới mẻ hơn. Cũng là câu chuyện về 99 chiến sĩ nhưng những thông tin về 20 chiến sĩ là người miền Nam ông chưa từng nhắc đến. Những chiến sĩ trẻ tuổi ấy đã xin gia nhập chiến trường miền Nam để gần nhà, tiện về thăm. Thế rồi chiến tranh khốc liệt ấy đã cướp đi sinh mạng của tất cả. Các anh đã nằm xuống nơi chiến trường lạnh lẽo, nơi mà đạn nổ bom rơi không biết khi nào mới có cơ hội về thăm nhà. Ý chí chiến đấu, khát vọng độc lập đã khiến những người chiến sĩ ấy quên mình chiến đấu, quên mất rằng mình mới 18 đôi mươi, còn cả một cuộc đời phía trước. 

Bên cạnh đó, câu về những trận chiến dưới nước của ông cùng đồng đội để ngăn chặn 50.000 tấn dầu tiếp tế cũng được ông kể lại một cách sinh động. Đó là trận thuỷ chiến chỉ có ông cùng 3 chiến sĩ khác, phải bơi 3km để đến được tàu chở 50.000 tấn dầu của địch đang tiến vào chi viện. Lúc đấy trên người ông chỉ có con dao găm và mìn đeo ở eo. Khi bám được vào thuyền, ông và các chiến sĩ chỉ có dụng cụ thô sơ là dao găm để đục thuyền. Lúc đấy chỉ có thể dùng tay để đục, đục đến khi nào thủng thì thôi. Mà thuyền dày lắm chứ đâu có dễ dàng gì. Lúc đấy tay chảy máu nhiều lắm mà cũng kệ thôi chứ xung quanh toàn là nước, lấy cái gì mà lau. Thế mới biết những người chiến sĩ ngày xưa đã chiến đấu kiên cường thế nào, không quản ngại bất cứ điều gì, luôn sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. 

Như cảm nhận được sự tiếc nuối, trầm lặng của chương trình, chú Vinh lại mang đến một câu chuyện vui khi chú đóng quân trong rừng sâu. Chú bảo “Chết vì ăn thì tôi chưa thấy chứ ngứa vì ăn là tôi thấy rồi đấy”. Chú kể ngày ấy lương thực khan hiếm, Trung Quốc có trợ cấp thì mới có ăn, chứ không thì ăn uống cũng khổ sở lắm. Có những lúc 2 ngày không ăn, mà đóng quân sâu tít trong rừng có gì ăn đâu. Hôm đấy có một đồng chí hớt hải chạy về với vẻ mặt rạng rỡ “Tao tìm thấy nho rừng rồi chúng mày ạ”. Như một đàn ong vỡ tổ, các chiến sĩ ùa ra đi tìm nho rừng. Hoa quả đã là quá đỗi xa xỉ với những người lính phải nhịn đói vì thiếu lương thực, thế mà bây giờ còn ăn nho, thứ quả được coi là “sang chảnh” thời bấy giờ. Ai cũng vui vẻ như vớ được vàng. Thế nhưng một lúc sau các đồng chí bắt đầu kêu “Ê mày ơi tao thấy ngứa mồm quá”. Một người, hai người rồi lúc sau tất cả đều bị như thế. Thực ra loại quả ấy đâu phải nho, chỉ là vì có hình dáng giống nho, vì lúc ấy đói quá, khổ quá nên cứ ăn thôi.

 

Sau bao năm chiến đấu vì độc lập dân tộc, giờ đây, các ông có thể hưởng thụ thành quả của mình, của bao thế hệ cha anh đi trước là một đất nước độc lập, tự do. Dù cuộc sống hiện tại có yên ấm nhưng những thước phim về thời chiến, về hình ảnh đạn nổ bom rơi, về hình ảnh người chiến sĩ bỏ mạng trên chiến trường có lẽ luôn in sâu trong tâm trí những người năm nào. Những câu chuyện được chia sẻ trong chương trình như những thước phim về thời chiến, để con cháu luôn nhớ rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu anh hùng, quả cảm ra sao. Như những nhắn nhủ, dặn dò của ông Việt – cựu chiến sĩ bộ binh gửi đến thế hệ trẻ:

“Chúng ta phải luôn luôn nhận thức được rằng dù bất cứ tình huống nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đất nước ta cũng luôn luôn phải làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra. Bao nhiêu kỳ Đại hội Đảng đều nói rõ là “Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội” và “Bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Cho nên với lớp trẻ, tôi mong làm sao thực hiện được điều đó để luôn luôn gìn giữ được non sông, đất nước; đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đi lên. Không có kẻ thù nào có thể xâm chiếm được nước ta.”

Xem thêm

Tìm kiếm tài năng MC Diên Hồng 2022

Ai cũng bảo “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Thế nhưng với những nhân viên tài năng nhà Diên Hồng thì lại khác. Không chỉ giỏi công việc chuyên môn, các bạn nhân viên nhà Diên Hồng còn rất nhiều những tài lẻ khác nhau sẵn sàng để được thể hiện. Hiểu được những mong muốn đó, cuộc thi Tìm kiếm tài năng MC Diên Hồng mở ra như một cơ hội giúp các bạn tìm được tài năng MC ẩn dấu trong chính con người mình hay là tạo ra những cơ hội cho các bạn thể hiện mình.

Từ những người đã từng dẫn ít nhất một sự kiện tại trung tâm hay đến cả những bạn chưa từng đứng trên sân khấu, ai cũng hào hứng đăng ký tham gia. Bằng sự khéo léo trong việc xử lý tình huống lúc dẫn chương trình và sự duyên dáng của mình mà cuộc thi để lại không ít dấu ấn tượng trong lòng khán giả tham dự. 

Sau 8 cặp đấu từ vòng loại các cơ sở, 4 cặp đấu xuất sắc nhất đã mang về cho mình những tấm vé tham dự chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng MC Diên Hồng. Ai cũng mong chờ, hồi hộp và chuẩn bị thật nhiều trước khi bước lên sân khấu cuối cùng. Sự góp mặt của 2 giám khảo là 2 MC tài năng với nhiều năm kinh nghiệm còn khiến các thí sinh trở nên lo lắng hơn gấp bội phần. Tuy nhiên bằng sự tự tin của mình, các bạn đều hoàn thành tốt phần thi và được 2 giám khảo đánh giá rất cao. 

Cặp dẫn Hồng Hải – Việt Cường

Cặp dẫn Thanh Hoa – Công Kỷ

Cặp dẫn Tiến Nam – Thanh Hải

Chị Mùi phải thi đấu một mình do bạn dẫn cùng không thể tham dự

4 thí sinh xuất sắc được chọn ra tiếp tục tham gia vòng thi đơn để chọn ra đâu là thí sinh xuất sắc nhất. Kết quả chung cuộc không mấy bất ngờ với khán giả khi chị Nguyễn Thị Mùi – điều dưỡng viên đến từ cơ sở 2 đã dành chiến thắng, chị đã chính thức trở thành MC tài năng nhất tại Diên Hồng 2022. Thế nhưng với chị Mùi, kết quả này đã làm chị rất bất ngờ. Chị không nghĩ rằng mình thực sự đã chiến thắng cuộc thi mà chị chỉ định tham gia thi để thử sức mình. Chị cũng đã nỗ lực hết sức mình, từ vòng thi đấu đôi chị, bạn cùng dẫn với chị vì lí do sức khỏe nên đã không thể tham gia thi, chị đã một mình thể hiện phần thi rất xuất sắc. Thế nên, kết quả này thực sự rất xứng đáng với những cố gắng của chị trong cuộc thi này.

Các cụ cùng lên chúc mừng chị Mùi đạt giải

Bên cạnh sự duyên dáng của các thí sinh, những nhân tố khiến cuộc thi thêm phần hài hước, vui nhộn lại chính là ban Tổng giám đốc công ty. Khác với hình ảnh ban lãnh đạo phải nghiêm túc, ít nói, ban lãnh đạo của Diên Hồng lại là những người hài hước, đam mê diễn xuất. Những điệu bộ, cử chỉ của các anh chị trong những phần mô tả bối cảnh cho thí sin khiến khán giả phía dưới cười lăn cười bò.

Những người lãnh đạo luôn vui vẻ, hài hước

Ở Diên Hồng, các CBNV không chỉ phải đáp ứng những yêu cầu của các cụ mà các bạn còn được tham gia những hoạt động do chính bản thân mình mong muốn. Cũng như chị Mùi và các bạn thí sinh tham gia, những mong ước được đứng trên sân khấu thể hiện mình qua tài năng dẫn chương trình đã thôi thúc BTC phải tổ chức một chương trình như thế. Vậy nên, môi trường làm việc tại Diên Hồng có thể nói là một móc xích quan trọng giữ chân các bạn ở lại với Diên Hồng.

Xem thêm

“Bác ơi, Bác ơi, con về thăm Bác đây”

Sáng ngày 8/12, các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng đã thỏa lòng mong ước khi được vào viếng Lăng Bác. Cho dù thời tiết hơi lạnh và đi bộ nhiều đau mỏi nhưng các cụ đều vui vẻ, phấn khởi.  

Mùa này thời tiết bắt đầu lạnh, các cụ bắt đầu ngại ra khỏi giường nhưng sáng nay ai ai cũng thức dậy từ rất sớm vệ sinh cá nhân và ăn sáng thật nhanh sẵn sàng lên xe về thăm Lăng Bác. Bà Nguyễn Lệ Hà đã ngắm nghía và quyết định chọn một chiếc áo dài nhung màu đen đính hoa văn màu vàng lấp lánh vừa đủ đẹp và lịch sự. Bà đã hào hứng khoe với con cháu về chuyến đi này từ mấy hôm trước. 

Đúng 7h sáng, hai xe bắt đầu xuất phát từ cơ sở 2 và cơ sở 3 thẳng tiến đến Lăng Bác. Chuyến đi được các cán bộ tại Lăng hỗ trợ nhiệt tình nên diễn ra thuận lợi. Ai nấy đề xếp hàng nghiêm túc, một số cụ còn kể cho nhau nghe vài giai thoại về Bác trên đường vào Lăng với sự kính trọng và ngưỡng mộ lớn lao dành cho người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Đoàn nhân viên cùng các cụ đang an dưỡng tại Diên Hồng đang tiến vào trong sân Lăng

Cùng nhau checkin trước Lăng Bác

Bà Phạm Thị Yến (83 tuổi) không cầm được nước mắt khi đi nhìn thấy Bác. Tiếng gọi “Bác ơi, Bác ơi, con về thăm Bác đây” nghẹn ngào cất lên khiến ai chứng kiến cũng cảm động.

Bên cạnh Lăng Bác, các cụ cũng được thăm nhà sàn, ao cá, chùa một cột. Bao nhiêu kỷ niệm những lần vào thăm Lăng Bác ùa về khiến các cụ ai nấy đều xúc động. Có ông còn chia sẻ về thời gian mình từng làm cảnh vệ ở Lăng và còn biểu diễn vài bài tập đội ngũ cho các cụ khác xem. Một số cụ còn ngân nga hát “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác. Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát…” hay ngâm 1 số câu thơ “Anh dắt em vào cõi Bác xưa – Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa”.

Cụ nào cũng vui vẻ, phấn khởi

Khi nghe các cụ khoe ảnh và kể về chuyến đi, chị Vũ Thị Mai Trâm, con gái bà Đoàn Thị Hồng Thu không giấu nổi sự ngạc nhiên: “Tôi thấy chuyến đi viếng Lăng Bác này quá tuyệt vời. Không thể hiểu nổi các bạn chăm sóc trông nom các cụ như thế nào vì cả nhà tôi còn không quản nổi một cụ. Buổi đi chơi ý nghĩa quá mà thực sự là các con của cụ còn không làm nổi”. 

Sau chuyến đi, bà Nguyễn Thị Biển rối rít cảm ơn các bạn chăm sóc đã cho bà một chuyến đi đầy ý nghĩa. Bà không nghĩ là đến 90 tuổi rồi vẫn còn được vào thăm Bác.

Với người cao tuổi, những giá trị truyền thống có sức mạnh neo lại ký ức và niềm vui sống mãnh liệt. Chỉ cần những điều mong mỏi, ao ước được thực hiện là suốt cả ngày, cả năm sau đó, họ sống với tinh thần phấn khởi, tươi vui. Và đó cũng chính là động lực để Diên Hồng cố gắng hết mình mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho các ông bà đang sinh hoạt tại đây.

Xem thêm

Live concert “Ký ức thời gian” thơ mộng trong viện dưỡng lão

Chẳng cần phải là ca sĩ chuyên nghiệp, chẳng cần trang phục cầu kỳ, các cụ ông cụ bà trong viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 vẫn thu hút với các ca khúc đi cùng năm tháng.

Xuất phát từ mong muốn của các ông bà trong trung tâm được biểu diễn các ca khúc nhạc cách mạng, nhạc trữ tình quê hương, Diên Hồng cơ sở 2 đã tổ chức một chương trình ca nhạc ngoài trời trong không gian đậm chất thơ. Chút gió se lạnh thổi ngang qua, vệt nắng vàng dịu êm xuyên qua tán lá làm không khí buổi giao lưu văn nghệ thêm phần rạo rực, say mê. Từng ca khúc quen thuộc với tất cả mọi người như “Tình ca quê hương”, “Tàu anh qua núi”, “Tình ca Tây Bắc”, “Tình yêu trên dòng sông quan họ”, “Hà Nội – Một trái tim hồng… lần lượt vang lên trong sự hưng phấn cuộn lên từng hồi. Hẳn là ai tham gia buổi Live concert này cũng phải thốt lên “Ôi sao giống Đà Lạt đến thế!”.

Một góc sân khấu trước giờ G

Đó là đôi bạn thân ông Thành và ông Vương cùng nhau hát trọn vẹn ca khúc “Tình yêu trên dòng sông quan họ. Đó là bà Lệ Hà với chất giọng khàn bài nào cũng biết, cũng thuộc nhưng vẫn e thẹn muốn có người hát song ca cùng cho đỡ run. Đó là Bà Quang Hoa tay run run cầm cuốn sổ chép lời bài hát dù ngồi xe lăn và đang mệt nhưng vẫn nỗ lực và phấn khích đến mức hát liền hai bài. Đó là những lời ca tiếng hát của người nhà các cụ đang an dưỡng ở tại trung tâm. Chỉ vì không khí quá đỗi nên thơ khiến ai ai cũng muốn lên sân khấu cất vang tiếng hát.

Bên cạnh giọng ca ngọt ngào sâu lắng của các ông bà, toàn bộ ban lãnh đạo và các cán bộ nhân viên cũng có mặt và gửi tặng các cụ những ca khúc được nhiều cụ yêu thích. Nghe những ca từ thật đẹp, dường như ai cũng thấy yêu hơn Hà Nội, yêu hơn đất nước Việt Nam mình và nhất là yêu những con người đang sinh hoạt cùng nhau dưới một mái nhà. Bà Nguyễn Thị Biển không giấu được xúc động: “Chương trình quá hay và tuyệt. Bà mê lắm. Không uổng công bà mong ngóng chờ đợi cả tuần”. Nhìn các cụ đung đưa theo nhạc và lẩm nhẩm hát theo là đủ thấy tình yêu âm nhạc đang lan tỏa khắp Diên Hồng.

Màn song ca của ông Thành và ông Vương khiến ai cũng phải đung đưa theo từng câu hát

Viện dưỡng lão Diên Hồng vẫn thường bị gia đình trách là chiều các ông bà quá, gia đình không theo kịp để đáp ứng nhu cầu của các cụ. Thực tế là Diên Hồng đặt ra cho mình một sứ mệnh là mang đến cuộc sống an toàn, khỏe mạnh và hạnh phúc cho người cao tuổi trong đó đặc biệt chú trọng đến đời sống tinh thần phong phú để các ông bà tận hưởng tuổi già trong niềm vui. Chỉ cần các ông bà thích, Diên Hồng sẽ nỗ lực hết mình đến biến những mong muốn đó thành hiện thực. Có lẽ vì thế nên trường học hạnh phúc dành cho người già Diên Hồng mỗi ngày lại có thêm nhiều học viên mới giúp nhau cùng hạnh phúc.

Xem thêm

Các cụ bà U100 trình diễn thời trang tái chế trong cuộc thi hoa hậu

Các cụ bà U100 hóa thân thành quý bà sang trọng, các công chúa Disney trong trang phục làm bằng giấy báo, nilon cuộc thi hoa hậu tại Viện dưỡng lão khiến khán giả bất ngờ. Cuộc thi trở thành ngày hội của các ông bà trong viện dưỡng lão, giúp các cụ tươi trẻ, yêu đời, có thêm sức sống mới.

Ngay khi các cụ bà xuất hiện trên sân khấu với gương mặt rạng ngời, tiếng vỗ tay, hò reo vang trời làm nền cho tinh thần tươi mới, yêu đời của các cụ. Tuy tuổi cao, có cụ 102 tuổi, chân yếu nhưng các bà vẫn nỗ lực, tự tin bước đi với thần thái tuyệt vời trong các bộ trang phục thời trang tái chế. Cả hội trường, nhất là người thân, bạn bè ngỡ ngàng trước sự thể hiện các cụ. Có cụ bà chỉ mới cách đây ít ngày còn đang nằm một chỗ vì ốm nhưng hôm nay như biến thành một người khác. 15 cụ bà với các nét cá tính khác nhau đã mang đến một bữa tiệc rực rỡ sắc màu. 

Chị Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng Giám đốc trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ: “Thông điệp của cuộc thi năm nay chính là “Sức sống mới” khuyến khích người cao tuổi làm những điều chưa từng làm để có thêm nhiều niềm vui và trải nghiệm mới. Các cụ bà ở Diên Hồng chính là những đại sứ tuyệt vời nhất để truyền cảm hứng cho những người khác vượt qua những định kiến của xã hội.”

Điều khiến mọi người bất ngờ chính là ở thái độ chuyên nghiệp khi đến với cuộc thi. Mỗi cụ bà tự chọn một huấn luyện viên để hỗ trợ trong quá trình thi. Các bà cùng huấn luyện viên lên ý tưởng và làm thành trang phục để trình diễn trong phần thi catwalk, chuẩn bị thật kĩ cho phần thi tài năng. Có bà tập luyện bước đi mỗi ngày để có màn sải bước uyển chuyển, hút mắt, có bà lại chỉn chu từ màu sơn móng tay sao cho hợp nhất với trang phục.

Khác với những cuộc thi sắc đẹp khác, cuộc thi Hoa hậu cao niên Diên Hồng không có phần thi áo tắm hay áo dài, thay vào đó là các cụ bà ở tuổi xưa nay hiếm trải qua các phần thi tạo dáng trước ống kính, trình diễn thời trang tái chế, tài năng và chuyên gia gỡ rối.

Cuộc thi trở thành động lực để các cụ bà hoàn thiện bản thân và sống một tuổi già đầy sinh động. “Tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi khi tham gia cuộc thi, được các cháu giúp đỡ nhiều. Sau cuộc thi này, tôi thấy mình cần nỗ lực rèn luyện sức khỏe để làm được những khả năng mình đã từng có để mang thanh xuân rực rỡ quay về”, Bà Nguyễn Lệ Hà (79 tuổi) bày tỏ tinh thần quyết tâm sau cuộc thi.

Kết thúc cuộc thi, bà Đào Thị Dung 85 tuổi giành giải nhất cuộc thi. Bà tươi cười cho biết “Tôi tưởng đâu là chỉ thi cho vui. Các cụ cụ nào cũng đẹp, cụ nào cũng giỏi, cũng xuất sắc, cũng tốt. Nhưng không ngờ mình lại được đăng quang thì cũng vui, cũng mừng. Trung tâm tổ chức quá hoành tráng, quá tốt, quá chu đáo, phần thưởng lại nhiều. Tôi cảm động lắm. Và cũng biết ơn trung tâm tổ chức cái lễ này tốn kém nhiều nhưng mà trung tâm làm tốt quá”.

Niềm hạnh phúc của các cụ bà dự thi cũng chính là câu trả lời cho những rào cản về vấn đề người già có nên sống trong viện dưỡng lão hay không. Chính các cụ thể hiện cuộc sống được tự do làm điều mình thích bên bạn bè mới chính là tuổi già đáng sống. Đã qua rồi cái thời mà xã hội chê trách con cái bỏ rơi bố mẹ, thoái thác trách nhiệm chăm sóc phụ mẫu khi để người thân vào sống trong viện dưỡng lão.

“Tôi cảm thấy rất xúc động trước sự chu đáo của Ban tổ chức đã tạo ra một sân chơi tươi mới cho các cụ bà. Nhìn thấy mẹ vui và hào hứng cho cuộc thi thì mình cảm thấy yên tâm vô cùng. Tôi cũng thấy rất vinh dự khi mẹ được giải hoa hậu, mẹ thế này là hơn hẳn con các cháu ở nhà, con cháu xách dép cho cụ rồi”, Vũ Thị Linh Thủy – Con gái bà Đào Thị Dung tâm sự. 

Xem thêm

20/11 của những thầy giáo, cô giáo về hưu tại Diên Hồng

Ngày 20/11 hằng năm được biết đến là ngày Nhà giáo Việt Nam hay với tên gọi khác là Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Phát huy truyền thống “tôn sự trọng đạo” của dân tộc nhằm tôn vinh những người thầy, người cô đã dành cả cuộc đời để đứng trên bục giảng, tuần vừa qua, tại các cơ sở của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức những buổi lễ Tri ân những người thầy, người cô đang an dưỡng tại Diên Hồng.

Trước ngày diễn ra buổi lễ, các bạn điều dưỡng đã chuẩn bị tập luyện những tiết mục văn nghệ đặc sắc. Ngày diễn ra chương trình cũng là lúc các tiết mục được trình làng. Dù bận rộn với công việc chăm sóc các cụ trong trung tâm, các bạn vẫn cố gắng dành thời gian để tập luyện sao cho đều và đẹp nhất có thể. Không chỉ đầu tư về kĩ thuật của tiết mục, trang phục của các bạn điều dưỡng cũng được chuẩn bị để mang lại cảm giác như đang biểu diễn ở lễ Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường học. 

Không còn đứng trên giảng đường, không còn những đêm soạn giáo án. Giờ đây, khi không còn đến trường, các cụ vẫn được dự những buổi lễ Tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam đầy ý nghĩa. Có những ông bà mới nghỉ hưu một vài năm, có những người đã qua 80 tuổi. Đã lâu không đi làm nghề nhưng những câu chuyện về ngày còn đi dạy vẫn còn mãi trong kí ức của ông bà.  Thay lời muốn nói, Trung tâm chuẩn bị những món quà nho nhỏ dành tặng đến ông bà, những người thầy giáo, người cô giáo đang an dưỡng tại Diên Hồng.

Không biết bao lâu rồi những người thầy, người cô ấy không được gặp các học trò của mình. May mắn hơn những người khác, ông Nguyễn Ngọc Quang ở cs2 được các học trò của mình ghé thăm ngay trong buổi lễ Tri ân thầy cô do cs2 tổ chức. Khóa học trò này của ông chắc cũng đã từ rất nhiều năm trước, ai cũng đã qua cái tuổi 50 nhưng vẫn không quên người thầy năm xưa đã dạy dỗ mình. Các cô chú đi từ phía sau, từng người một bắt tay ông. Hỏi ông có biết là ai không, ông mỉm cười gật đầu với đôi mắt ngấn lệ. Có lẽ ở Diên Hồng ngày hôm ấy, ông là người hạnh phúc nhất. 

Buổi lễ tri ân mang theo nhiều xúc cảm. Vui có, buồn có. Trong niềm vui hân hoan của buổi lễ, của những tiết mục các bạn điều dưỡng chuẩn bị kỹ lưỡng hay những trò chơi được các cụ khác hào hứng tham gia thì đâu đó vẫn còn nét buồn man mác trong đôi mắt những người thầy, người cô đã lớn tuổi. Có lẽ ông bà vẫn đang chờ được gặp lại những người học trò của mình hay đơn giản chỉ là một cuộc gọi điện, một tin nhắn. 

Thay mặt Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, kính chúc những thầy cô giáo đang an dưỡng tại Diên Hồng nói riêng và những thầy cô giáo mang trên vai trọng trách của ngành giáo dục nói chung dồi dào sức khỏe, mang trong mình nhiệt huyết nghề giáo và luôn là những người thầy người cô đáng kính trong tâm trí mỗi học trò.

Xem thêm

“Già rồi còn kiết sỉ, chết có mang theo được đâu?”

Về già, người ta thường có xu hướng sống tiết kiệm, dè dặt hơn. Ngày trẻ có thể thích ăn gì thì mua, thích làm gì thì làm, thích bộ quần áo này bộ váy kia có thể mua ngay không suy nghĩ. Nhưng càng lớn tuổi, người ta lại càng trở nên tiết kiệm, suy nghĩ cho tương lai hơn. Nhiều người cứ bảo già rồi còn kiết sỉ. Nhưng đã bao giờ bạn đặt mình vào tâm thế của người già để biết được lý do mà họ làm thế là gì chưa?

Tiền hóa giải mọi nhu cầu trong cuộc sống

Chủ nghĩa duy vật đã đưa ra biện chứng là “Vật chất quyết định ý thức”. Khi chúng ta có tiền, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp và dễ dàng hơn. Không những thế, tinh thần thoải mái cũng sẽ làm cho sức khỏe của chúng ta tốt hơn. Khi còn trẻ, tiền giúp chúng ta có cơm ăn áo mặc, giải quyết các nhu cầu sống của tuổi trẻ. Trái lại, khi về già, sức khỏe là điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình sống và sinh hoạt. Khi mà mắt đã mờ tay đã run, thì tiền sẽ giúp chúng ta kéo dài thời gian sống vui sống khỏe.

Mỗi người có những quan điểm về giàu có, đủ đầy khác nhau cũng như khả năng tạo ra đồng tiền khác nhau. Cùng có 10 đồng, nhưng người thì chê ít, người thì thấy thế là đủ. Bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu người cha người mẹ bỏ con chỉ vì không đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Hay trong lúc ốm đau, có tiền thì có thể chữa trị tốt hơn, nhanh chóng hơn. Càng trong những hoàn cảnh khó khăn, càng thể hiện rõ quan hệ mật thiết giữa tiền và đời sống.

“Giữ lắm tiền làm gì, chết có mang theo được đâu”

Nhiều người khi càng lớn tuổi, họ càng sống khép mình lại, không còn phóng khoáng như thời trẻ. Một phần vì không còn khả năng kiếm tiền như trước. Mặt khác là vì lo lắng cho tương lai, tuổi già. Chúng ta vất vả cả đời làm việc, chỉ mong sau này khi về già sẽ có chút dư dả. Nhưng cái nhìn phiến diện của một số người lại cho rằng già rồi còn ham của, giữ tiền.

Trở lại với thực tại phũ phàng, càng nhiều tuổi sức khỏe càng suy giảm. Mỗi ngày thức dậy, ta lại thấy mình già hơn một chút. Những vết hằn thời gian ngày càng sâu hơn hiện rõ trên khuôn mặt. Đôi mắt dần mờ đi. Bàn tay, đôi chân cũng không còn linh hoạt như trước. Đến lúc này, có muốn đi đâu, muốn làm gì cũng không làm được. Thời gian rảnh chỉ quanh quẩn ở nhà rất buồn chán. Hơn nữa cũng không còn ở độ tuổi thích ăn gì thì cũng ăn được. Tiền lúc này chỉ để có thể tự chi trả sinh hoạt phí, tự chi trả cho các khoản chăm sóc sức khỏe hay mua quà cho con cháu.

Tiền mua được sức khỏe

Ở tuổi xế chiều, sức khỏe là một vấn đề được quan tâm hàng đầu. Ngày trẻ có khi chả bao giờ cần phải dùng thuốc này thuốc kia, bệnh tật gì thì cứ kệ đấy cũng tự khỏi. Chả bao giờ phải đi viện hay ốm đau nằm một chỗ cả. Ấy thế mà khi về già, tuổi càng cao càng có nhiều căn bệnh xuất hiện. Nào là sa sút trí tuệ, đau xương khớp, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, tim mạch,… Nếu bệnh nhẹ, chỉ cần dùng thuốc điều trị thì vẫn được coi là may mắn. Nặng hơn là phải nằm viện và cần sự trợ giúp của máy móc, thiết bị y tế. Nếu lúc này đây không có tiền thì đâu thể điều trị được.

Bệnh viện là lựa chọn đầu tiên khi chúng ta bị bệnh. Nhưng với người cao tuổi, việc lựa chọn điều trị ở bệnh viện luôn cần sự chăm sóc của người nhà. Điều này vừa tốn kém vừa khó đáp ứng. Vậy nên, không ít người cao tuổi lựa chọn vào Viện dưỡng lão như một nơi nghỉ ngơi khi về già và cũng vừa để được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau.

Tiền mua được sự tự do

Khi có tiền ở tuổi già, cuộc sống không những dễ dàng hơn mà còn không cần phụ thuộc vào ai. Tâm lý “Trẻ cậy cha, già cậy con” đã dần được xem nhẹ. Người cao tuổi ngày càng có ý thức được về tầm quan trọng của tiền khi về già. Không ít người đã mua bảo hiểm, lựa chọn các thể loại tích lũy để có thể dư dả khi tuổi cao sức yếu. Sự tự do cũng đính kèm theo lượng tài sản mà bạn tích lũy được. Khi tài chính được đảm bảo, cha mẹ có thể ở cùng con cái hoặc không. Nếu cha mẹ và con cái không hòa hợp thì không ở với nhau nữa cũng chẳng sao. Sự ràng buộc lúc này không còn là về vật chất mà chỉ là về tinh thần.

Xem thêm