Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All Posts in Category: Tin tức – Sự kiện

Thăm quan Làng nón Vĩnh Thịnh – nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa của nghề thủ công Việt Nam

Cách cơ sở 4 chưa đến 5km có một làng nghề thủ công làm nên nét đặc trưng của Việt Nam. Nằm tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, làng nghề nón lá nơi đây đã trải qua lịch sử hàng trăm năm. Ngày ngày, các cô, các bà vẫn miệt mài gìn giữ bản sắc văn hóa của làng nghề. Những đôi bàn tay điệu nghệ, nhanh thoăn thoắt đi từng mũi kim để làm nên một chiếc nón chắc chắn, che nắng che mưa. Hình ảnh chiếc nón Việt Nam bên tà áo dài hay mộc mạc, giản dị lấp ló giữa đồng ruộng đều là những hình ảnh làm nên nét đặc trưng của đất nước hình chữ S.

Các cụ check in tại khu trưng bày các tác phẩm nón lá

Lần đầu được đến thăm quan làng nghề, được tận mắt nhìn thấy các cô, các bác, các bà đang làm ra thành phẩm hoàn chỉnh, các cụ không khỏi tò mò. Được bác Bí Thư chi Bộ đón tiếp và kể về những câu chuyện lịch sử, những dấu mốc của làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh, làm các cụ hiểu hơn về truyền thống nơi đây.

Bác Bí thư chi bộ chia sẻ rất nhiều những câu chuyện lịch sử về làng nón Vĩnh Thịnh

Chị hướng dẫn viên giới thiệu tường tận về làng nghề, về các công đoạn để làm nên 1 chiếc nón cho các cụ

Rất nhiều loại nón từ loại cơ bản, có hoa văn, hình vẽ đến những chiếc nón được xâu lại để trang trí

Có rất nhiều những chiếc nón thành phẩm được xếp thành hình để trang trí, tạo thành một góc cho khách đến có thể chụp ảnh checkin. Từ những chiếc nón lá nhỏ có hình cờ đỏ sao vàng đến những chiếc nón thêu hoa, lá, mỗi chiếc nón lại mang những nét đẹp khác nhau.

Sau khi ngắm nghía các loại nón đang được bày bán để xem được sự khác nhau giữa các loại nón thì chị hướng dẫn viên giới thiệu cho các cụ từng dụng cụ để làm nên một chiếc nón hoàn chỉnh. Ông Đức có vẻ rất hứng thú với nơi đây, vừa đến nơi khi các cụ vào chỗ ngồi thì mình ông đã đi thăm quan một mình, nhìn ngắm chỗ này chỗ kia. 

Ông Đức tò mò nhìn ngắm những thứ được trưng bày tại đây

Các cô, các bà tập trung ở nhà văn hóa để cùng làm nón. Ở đây, các cô sẽ làm từ công đoạn mở lá đến là lá, làm khung và khâu nón. Công đoạn dễ nhất là mở lá từ những chiếc lá khô đang bị xoắn lại. Vì là công đoạn dễ thực hiện nhất nên các cụ cũng được tự tay trải nghiệm. Không đơn giản chỉ là mở bung lá ra, mà phải cẩn thận để lá không rách và phải làm cho lá phẳng phiu, không còn nếp gấp để công đoạn là lá phía sau được dễ dàng hơn. Đây là công việc quan trọng đầu tiên để làm nên một chiếc nón nên các cụ đều làm rất tỉ mỉ, cẩn thận với sự hướng dẫn của bác Bí thư chi bộ và các nghệ nhân làng nghề.

Các cụ đang được hướng dẫn mở bung những chiếc lá khô đang bị xoắn lại

Công đoạn là lá yêu cầu sự tỉ mỉ cao cũng như căn nhiệt để lá bóng và không bị đỏ 

Nhìn các cô, các bà tay khâu nón thoăn thoắt, các cụ không khỏi trầm trồ, thán phục. Những đường khâu đều tăm tắp để cố định những lớp lá nón đã được là phẳng phiu, hơi bóng nhẹ. Đúng là để làm nên một thành phẩm là những chiếc nón hoàn chỉnh không hề đơn giản. 

Công đoạn làm khung nón

Từng chiếc lá được ghép vào khung với các mũi khâu đều tăm tắp

Chiếc nón là gắn liền với đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Tà áo dài Việt Nam thêm phần thướt tha, dịu dàng với sự góp mặt của chiếc nón lá. Những người nông dân vượt nắng thắng mưa cùng chiếc nón lá đi qua bao năm tháng. Nét đẹp của văn hóa Việt đã và đang được các nghệ nhân tại làng nghề nón lá truyền thống Vĩnh Thịnh gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ tương lai, để nón lá luôn là một niềm tự hào, là một nét đặc trưng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Xem thêm

Có một khu rừng giữa lòng Hà Nội

Ngay gần Diên Hồng cơ sở 4 có một bảo tàng rộng lớn với tổng diện tích lên đến 3ha. Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam nằm trên đường Ngọc Hồi, Thanh Trì với cổng chào hơi thu mình vào trong. Nếu không nhìn biển chỉ dẫn bên ngoài, nhiều người sẽ dễ dàng bỏ lỡ khi đi qua. Phía sau chiếc cổng chào nhỏ xinh là một không gian yên bình, xanh mát. Khác với sự ồn ào của tiếng còi xe, sự tấp nập của đường phố Hà Nội, Bảo tàng tài nguyên rừng bình lặng, yên ả rợp bóng cây xanh.

Chỉ cần vài bước chân, đi qua đường là các cụ cơ sở 4 có thể sang đến nơi. Trong khuôn viên rộng lớn có khu bảo tàng, có hồ nước, có ao cá, có hàng cây xanh rợp lối đi và có một khu vườn thực vật với rất nhiều loài cây khác nhau mà chúng ta có thể chưa từng được nhìn thấy hay chưa từng biết tên. Khu nhà bảo tàng tuy nhỏ, nhưng bên trong là đủ các mẫu trưng bày đến từ rừng xanh. Ngay phía cửa vào là bộ xương của 2 con voi Châu Á rất to khiến cụ nào nhìn thấy cũng trầm trồ, phải đến gần để ngắm nghía. Phòng trưng bày tiêu bản động vật gây tò mò, thích thú cho các cụ nhất vì những mẫu trưng bày con hổ, con sư tử hay các loại chim, các loại động vật khác đều rất thật vì được làm từ bộ lông thật của từng loài. Lần đầu tiên được nhìn thấy con hổ, con cầy, con nai, con hươu,… gần đến thế, các cụ thích lắm. Các cụ bà cứ dắt tay nhau đi đi lại lại, xem hết chỗ này đến chỗ khác. Ông Kiên, ông Đức thì điềm tĩnh hơn, bước từng bước thật chậm để có thể nhìn ngắm kỹ càng.

Có hướng dẫn viên riêng đi cùng các cụ

Phòng trưng bày mẫu động vật có rất nhiều con vật mà các cụ thường thấy trên tivi

Phòng trưng bày mẫu tiêu bản côn trùng cũng nhiều loài lạ lẫm. Trong đây có đủ các loại bướm, ngài, bướm đêm rồi đủ loại bọ cánh cứng,… Có những bức tranh làm từ cánh bướm rất đẹp và lạ mắt khiến ai nhìn vào cũng phải trầm trồ. 

Các mẫu côn trùng được trưng bày trong lồng kính

Các loại bọ vừa lạ vừa quen

Sau khi tham quan hết khu vực trong nhà, các cụ được đi ra vườn thực vật để tiếp tục chuyến tham quan. Đây có thể gọi là một khu rừng thu nhỏ với đủ loại cây, đủ loại thực vật khác nhau. Có những cây cổ thụ rất to và cao, ngẩng đầu lên chẳng thấy lá đâu nữa, có những cây cọ khổng lồ, có những cụm nấm mới mọc trông thật thú vị. Phía ngoài đang nắng nóng nhưng vào bên trong vườn thực vật thì lại rất dịu mát, bóng cây tỏa kín khiến những tia nắng thật khó khăn để len lỏi vào bên trong. Ẩn dưới những gốc cây là hầm trú ẩn, một dấu tích mà ông cha đã để lại sau trận kháng chiến. Dù hầm nhỏ và tối nhưng các cụ đều muốn thử trải nghiệm đi qua hầm xem ở dưới hầm sẽ như thế nào.

Các cụ được tham quan vườn thực vật cảnh xanh mát

Hầm trú ẩn ngay trong vườn thực vật

Buổi tham quan của các cụ tuy ngắn nhưng lại là những khoảnh khắc đáng nhớ đối với các cụ. Các cụ bảo từ ngày vào Diên Hồng, các cụ được đi chơi nhiều hơn, được tham gia nhiều hoạt động hơn nên thích lắm. Vậy mới bảo ở Diên Hồng, các cụ được sống một tuổi già sinh động, vui vẻ, hạnh phúc, là nơi mà các cụ có thể yên tâm an dưỡng tuổi già, không lo tuổi già của mình trôi qua nhàm chán, vô vị.

Xem thêm

Giao lưu “Tiếng hát nghĩa tình” cùng đoàn nghệ thuật Unesco di sản dân ca

Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống từ xưa đến nay. Từ thời nguyên thủy, âm nhạc được tạo nên bằng những dụng cụ đơn sơ với những thanh âm đơn giản. Càng ngày âm nhạc càng phát triển, từ lời hát đến dụng cụ âm nhạc, hay đến cả cách mà người ta truyền tải âm nhạc. Chúng ta thường nghe nhạc qua đài, đĩa, qua tivi, điện thoại,… Đấy đều là những dụng cụ phát nhạc phổ biến mà chắc hẳn ai cũng từng được nghe qua. Có rất nhiều các buổi diễn trực tiếp của ca sĩ nhưng không phải ai cũng được 1 lần tham dự, để tận hưởng hết cảm hồn của âm nhạc, của người nghệ sĩ được đưa vào lời ca, tiếng hát. Nhất là với người cao tuổi, các cụ cũng yêu âm nhạc, cũng thích nghe hát nhưng hầu như chỉ là cây nhà lá vườn hay chỉ được nghe qua đài, qua tivi mà thôi.

Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn 

Khi nghe tin có đoàn nghệ thuật Unesco di sản dân ca đến biểu diễn cho các cụ, cụ nào cũng vui mừng, cảm xúc lâng lâng khó tả. Lần đầu tiên được gặp người nổi tiếng, gặp các ca sĩ chuyên nghiệp, các cụ cũng hồi hộp lắm. Buổi giao lưu gồm 5 nghệ sĩ dân ca và 1 nghệ sĩ múa. Dàn loa xịn xò khiến âm thanh trở nên sống động hơn. Các nghệ sĩ lần lượt biểu diễn các tiết mục trong tiếng vỗ tay cổ vũ đến từ các cụ.

Bà Sao Mai ngồi đầu nên thích lắm vì được ở gần các nghệ sĩ nhất

Các nghệ sĩ rất chăm tương tác cùng các cụ

Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các nghệ sĩ đang là những người truyền bá nét đẹp trong văn hóa của người Việt nói chung và người Nghệ Tĩnh nói riêng, cũng là người tiếp nối và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được Unesco công nhận.

Nghệ sĩ Kim Taehee dù ở Hàn Quốc nhưng vẫn mang theo điệu dân ca đi biểu diễn khắp nơi

Huy Huy là nghệ sĩ trẻ nhất tham gia buổi diễn giao lưu cùng các cụ

Mỗi giọng hát cất lên đều mang theo những tình cảm của người hát gửi vào lời ca, mang theo tình yêu quê hương, đất nước, gia đình và mang theo cả niềm tự hào khi được biểu diễn dân ca. Với giọng hát mượt mà từ các nghệ sĩ, các cụ ngồi dưới cùng không thể nào ngồi yên. Xem ca nhạc trên ti vi nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên của nhiều cụ khi được gặp các ca sĩ ngoài đời, lại còn ở vị trí gần như thế này. Âm nhạc không chỉ để nghe mà còn là sợi dây kết nối giữa người với người thông qua những nỗi niềm của từng bài hát.

Các nghệ sĩ hát cùng các cụ bài hát Cả nhà thương nhau

Các nghệ sĩ còn tặng các cụ một đoạn ru con ngủ đặc trưng của ba vùng miền. Những lời ru ngày xưa mẹ ru con ngủ, những giai điệu ấy trở nên quá đỗi quen thuộc đối với mỗi người. Lâu lắm không được nghe lại những câu ru à ơi ấy, các cụ không tránh khỏi nhưng xúc động, cảm giác như thời gian quan trở lại, trở lại ngày mà mình còn nhỏ mẹ ru mình ngủ, trở lại ngày đứa con còn bé bỏng trong vòng tay, mình hát ru con ngủ.

Nghệ sĩ Trịnh Đình Minh đang hát ru tiếng ru của miền Bắc 

Vừa được nghe nhạc, vừa được giao lưu và hát cùng các nghệ sĩ nổi tiếng, các cụ thích lắm. Đây là lần đầu các cụ được nghe thứ âm nhạc mê đắm lòng người đến như thế. Đúng là âm nhạc khi nghe hát live từ những ca sĩ thực lực quả là tuyệt vời. Cảm ơn các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật Unesco di sản dân ca đã dành thời gian quý báu để đến giao lưu, hát cho các cụ nghe. Những cảm xúc thăng hoa này của các cụ sẽ tiếp thêm tình yêu âm nhạc cho các cụ, cũng như tiếp thêm tình yêu làn điệu dân ca ví dặm của quê hương xứ Nghệ.

Xem thêm

Khai trương viện dưỡng lão giá bình dân mang tên EK Diên Hồng

Hà Nội, ngày 22/07/2023 – Gần 9 năm hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng nay đã có 4 cơ sở trên địa bàn Hà Nội và là ngôi nhà chung của hơn 400 người cao tuổi. Diên Hồng được biết đến với các tòa nhà ở khang trang, đầy đủ tiện nghi dành cho người cao tuổi an dưỡng. Diên Hồng đã khai trương 4 cơ sở trong nội đô hay ngay sát nội đô nên rất gần và tiện đường đi lại. Thế nhưng, cơ sở 5 lại không ở trong phố thị ồn ào mà lại mang nét bình dị của làng quê Việt, nơi có vườn rau, ao cá, có hàng cây ăn quả xanh rợp lối đi. 

Nép mình tại khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cơ sở 5 có diện tích sân vườn lên đến 3 ha thuộc sở hữu của anh Nguyễn Thành Kính – Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần liên minh tiến bộ quốc tế EK. Với mong muốn được phụng sự xã hội và ở mỗi tỉnh sẽ có 1 viện dưỡng lão, Chủ tịch HĐQT EK đã dùng quỹ đất hiện có, kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài và sự hợp tác của đối tác Việt Nam để cùng nhau làm những điều ý nghĩa – xây dựng nhiều mô hình chăm sóc cho Người cao tuổi nước nhà. Và Diên Hồng thật may mắn khi được EK lựa chọn là đơn vị đối tác tin cậy trong nước để vận hành hệ thống này. Diên Hồng cơ sở 5 có tên gọi đầy đủ là Trung tâm dưỡng lão EK Diên Hồng cơ sở 5.

Quen biết nhau gần 03 năm nhưng quá trình từ khi đưa ra ý tưởng hợp tác đến lúc triển khai chỉ vỏn vẹn trong vòng 6 tháng đủ để cho thấy sự quyết tâm cao của các bên khi tham gia quá trình hợp tác này.  

Chị Trần Thị Thúy Nga – Phó tổng Giám đốc công ty CP Diên Hồng chia sẻ: “Thực ra khi bước vào ngành dưỡng lão, Diên Hồng cũng rất trăn trở khi rất nhiều người muốn vào Diên Hồng nhưng thu nhập còn hạn chế. Diên Hồng cũng loay hoay trong bài toán ấy để tìm ra hướng đi có thể giúp được nhiều người được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tốt hơn. Song song với việc đề xuất Nhà nước xây dựng chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các viện dưỡng lão tư nhân, Diên Hồng cũng luôn chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác, các nhà đầu tư có cùng chung chí hướng, sứ mệnh “phụng sự xã hội” để cùng nhau tạo nên nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa. Rất may mắn khi Diên Hồng đã gặp được EK và cùng nhau hiện thực hoá ước mơ chia sẻ trách nhiệm xã hội.”

Dù được xây với mục đích mang lại dịch vụ dưỡng lão tốt hơn cho những người cao tuổi có thu nhập vừa phải nhưng EK Diên Hồng cơ sở 5 vẫn được trang bị đầy đủ tiện nghi không hề kém cạnh các cơ sở khác của Diên Hồng. EK có những yêu cầu khắt khe trong khâu thi công và hoàn thiện. Vì thế, chất lượng nhà ở cũng như các khu vực tiện ích tại đây đều đảm bảo sự thoải mái, tiện nghi nhất dành cho người cao tuổi. 

 Ngoài việc đảm bảo không gian sống dành cho người cao tuổi, EK Diên Hồng cơ sở 5 cũng rất chú trọng đến sức khỏe của các cụ. Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên vào mùa hè, mùa mưa sẽ có rất nhiều muỗi cũng như các loại côn trùng khác nhau. Vì lẽ đó mà phòng ở của người cao tuổi được trang bị thêm lưới chống muỗi ngay cửa ra vào. Hệ thống xe điện cũng sớm được đưa vào sử dụng để thuận tiện cho việc di chuyển của các cụ giữa các khu vực trong viện dưỡng lão.

Một số hình ảnh về Trung tâm dưỡng lão EK Diên Hồng cơ sở 5

Phòng sinh hoạt chung

Phòng ở của người cao tuổi

Bà Nguyễn Lệ Hà là người cao tuổi đầu tiên ở EK Diên Hồng cơ sở 5. Ở độ tuổi 80, bà vẫn còn phải lo lắng cho người con trai nay đã gần 50 tuổi. Mỗi lần con trai gọi xin tiền, bà đều cho. Con trai ở xa, chồng bà mới mất do đại dịch Covid – 19  năm 2021, bà quyết định bán nhà để vào dưỡng lão. Thế nhưng sổ tiết kiệm sau bán nhà của bà sau khi đóng 1 năm ở Diên Hồng và những lần con trai xin tiền thì cũng không còn bao nhiêu. 

Bà chia sẻ với chị Nga là chắc bà không thể ở Diên Hồng nữa, với lương hưu hơn 5 triệu 1 tháng thì bà sẽ ra ngoài, thuê 1 căn phòng nhỏ rồi tìm 1 bạn sinh viên ở cùng đề chia tiền phòng, chắc một tháng cũng chỉ hết mấy trăm nghìn. Câu chuyện của bà khiến cả khán phòng như nghẹn lại, đâu ai ngờ sau sự lạc quan, vui vẻ của bà lại là những câu chuyện khổ tâm như thế. Vậy nên khi nghe tin Diên Hồng có cơ sở 5 với chi phí thấp hơn, bà vui lắm, cứ ngỡ như đây là giấc mơ. Nhờ có sự ra đời của EK Diên Hồng cơ sở 5, với số lương hưu của mình, bà có thể yên tâm an dưỡng tại Diên Hồng cho đến cuối đời.

Buổi lễ khai trương Trung tâm dưỡng lão EK Diên Hồng cơ sở 5 mang tên “Trạm bình yên – Chạm thanh xuân” bởi lẽ không gian yên tĩnh, không khí trong lành tại đây xứng đáng để EK Diên Hồng cơ sở 5 trở thành một trạm bình yên cho người cao tuổi. Không gian nơi đây giống như mơ ước của nhiều bạn trẻ bây giờ, muốn thoát ly khỏi những ngột ngạt nơi phố thị để trở về chốn yên bình, trồng rau nuôi cá sống những ngày tháng vui vẻ, không âu lo. Có lẽ mơ ước vẫn mãi chỉ là ước mơ khi những mơ ước ấy mãi không thể thành hiện thực. Nhưng với người cao tuổi thì khác. Giờ đây, các ông bà có thể sống một cuộc sống tuổi già yên bình tại EK Diên Hồng cơ sở 5 với rất nhiều hoạt động đang chờ ông bà trải nghiệm.

Xem thêm

Ưu đãi đặc biệt cho khách hàng mới tại Trung tâm dưỡng lão EK Diên Hồng cơ sở 5

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã đi qua gần 9 năm hoạt động. 9 năm với bao khó khăn, bao thử thách nhưng và cũng là bao sự nỗ lực của Ban Lãnh đạo cũng như CBNV để Diên Hồng ngày càng phát triển. Diên Hồng được biết đến là Viện dưỡng lão vui vẻ, hạnh phúc với cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ nhân viên tâm huyết và chi phí hợp lý dành cho người cao tuổi. Địa điểm Diên Hồng chọn xây dựng các cơ sở thường là các khu đô thị trong nội thành hoặc rất gần nội thành để thuận tiện giao thông và các dịch vụ đi kèm.

Từ khi thành lập đến nay, không ít khách hàng chia sẻ nguyện vọng mong muốn được vào Diên Hồng nhưng điều kiện tài chính không cho phép. Nhiều câu hỏi được gửi đến Diên Hồng: Bao giờ Diên Hồng có dịch vụ giá bình dân? Diên Hồng có khi nào nghĩ mình sẽ xây dựng những cơ sở có giá “mềm” hơn không? Bác rất muốn được vào Diên Hồng nhưng giờ thu nhập của bác không đủ?…

Trăn trở với những câu hỏi đó và mong mỏi ngày càng nhiều Người cao tuổi được phục vụ, được chăm sóc, an dưỡng tại các trung tâm dưỡng lão chất lượng. Song song với việc đề xuất Nhà nước xây dựng chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm dưỡng lão tư nhân, Diên Hồng cũng luôn chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác, các nhà đầu tư có cùng chung chí hướng, sứ mệnh “phụng sự xã hội”, chia sẻ “trách nhiệm xã hội” để cùng nhau tạo nên nhiều hoạt động xã hội nhân văn & ý nghĩa.

Ước mơ đã hóa thành hiện thực khi Diên Hồng được gặp Ông Nguyễn Thành Kính – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn EK – một doanh nhân có khát vọng tạo nên chuỗi hoạt động xã hội có giá trị. Và Tập đoàn EK đã trao cơ hội cho Diên Hồng vận hành để chính thức ra mắt dịch vụ dưỡng lão “giá bình dân” nhưng dịch vụ lại “vô cùng uy tín”, khác biệt hoàn toàn về không gian & vị trí địa lý so với các cơ sở trong cùng hệ thống Diên Hồng và có tên đầy đủ là: Trung tâm Dưỡng lão EK Diên Hồng cơ sở 5.

Một số hình ảnh của EK Diên Hồng cơ sở 5

Trung tâm dưỡng lão EK Diên Hồng sẽ chính thức ra mắt vào ngày 22/7/2023. Nhân dịp khai trương, EK Diên Hồng cơ sở 5 giảm ngay 1.000.000 đồng với những khách hàng mới đăng ký ở tại cơ sở 5. (Ưu đãi chỉ dành cho những khách hàng mới đăng ký trong tháng 7)

Xem thêm

“Nếm” hương vị gia đình tại Viện dưỡng lão

Mọi người thường bảo cao lương mỹ vị không bằng món ăn mẹ nấu. Hương vị mẹ nấu hay hương vị món ăn gia đình mình có gì đặc biệt mà ai cũng cảm thấy nhung nhớ mỗi khi xa nhà, cảm thấy mê đắm hơn bất kỳ món ăn nào khác. Mỗi gia đình lại có những cách chế biến, cách nêm nếm khác nhau nhưng chung quy lại đều mang sự ấm áp, quen thuộc của gia đình. Gia đình là thứ tồn tại quan trọng nhất, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người. Vậy nên những giá trị về gia đình luôn là thứ được mọi người tôn trọng và bảo vệ.

Để mang những nét đặc trưng của gia đình qua những món ăn đến gần hơn với người cao tuổi, lần đầu tiên sau gần 9 năm hoạt động, trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tổ chức cuộc thi nấu ăn mang tên “Món ngon nhà mình”. Người cao tuổi an dưỡng tại Diên Hồng, được thưởng thức không ít những món ăn khác nhau, có những cụ vào đây tăng cả chục cân vì hợp với đồ ăn tại Diên Hồng. Thế nhưng, trong sâu thẳm, các cụ vẫn luôn có những món ăn mà mình yêu thích nhất, những món ăn mà chỉ cần nhắc đến là các cụ lại nhớ nhà, nhớ lại những kỷ niệm xưa. 

Mâm cơm gia đình do bà Dành (cơ sở 2) cùng con gái bà chuẩn bị

Để thuận tiện cho việc di chuyển, các đội thi ở cơ sở 1 và 2 sẽ thi cùng nhau, cơ sở 3 và 4 sẽ thi cùng nhau. Có lẽ vì lần đầu thi nấu ăn, các đội thi đều lo lắng, hồi hộp. Có người còn mất ngủ cả đêm để chờ đến thời khắc thi đấu. Các gia đình đều chuẩn bị những món ăn mà ông bà, bố mẹ mình thích nhất để mang đến hội thi. Mỗi người một sở thích nên những món ăn được các gia đình mang đến cũng đa dạng, phong phú. Ở ngày thi đầu tiên của các đội thi cơ sở 1 2, bà Diệp cùng con gái đã mang đến món Salad Nga với sự kết hợp của nhiều loại rau củ quả được kết hợp cùng nhau. Món ăn tuy không cầu kỳ, phức tạp nhưng đối với bà Diệp, món ăn này rất ngon, rất bổ dưỡng và là món ăn mà bà cực kỳ yêu thích.

Bà Diệp (cơ sở 1) cùng con gái đang chuẩn bị món Salad Nga yêu thích của bà

Món ăn là sự kết hợp của rất nhiều loại rau củ quả

Món bún hải sản của đội bà Hà cũng là món ăn mang đậm hương vị quê nhà của bà. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Nam Định, bà Hà mê đắm những món ăn mang hương vị biển cả. Bún hải sản là sự kết hợp của rất nhiều các loại hải sản khác nhau như bề bề, tôm nõn, thịt cua,… Bà tự hào khi nhìn vào bát bún được con gái nấu, tự tin nói với ban giám khảo “Ăn thử đi, ngon lắm” với nụ cười thật tươi, thật hạnh phúc.

Món bún hải sản đặc trưng cho vùng biển Nam Định của bà Hà (cơ sở 1)

Đội thi của bà Dành lại mang hẳn 1 mâm cơm gia đình đến cuộc thi, có món canh cua, thịt luộc, dưa muối,… Những món ăn dường như đã quá quen thuộc với mâm cơm của mỗi gia đình, thế nhưng lại luôn là những món ăn làm bà cảm thấy ngon miệng nhất, tuyệt vời nhất.

Bà Dành đứng bếp chẩn bị món ăn

Bà Sao Mai chọn làm món ngọt thay vì các món mặn như bao đội thi khác. Bà cùng con gái chuẩn bị súp bí đỏ kem tươi như một món khai vị và chè hạt sen long nhãn để tráng miệng. Món ăn đều là những nguyên liệu tốt với sức khỏe như bí đỏ tốt cho não, hạt sen thì an thần. Món nào cũng ngon, mà còn trang trí đẹp mắt. Bà còn được cả đại gia đình đến ủng hộ, cổ vũ. Ngày hôm đấy, bà đã cười rất nhiều, bà rất hạnh phúc, rất vui vẻ.

Món ăn mà bà Mai mang đến cuộc thi vô cùng ngon và đẹp mắt

Cả đại gia đình đến cổ vũ cho bà 

Ngày thi của cơ sở 3 4 cũng mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Các đội thi cũng chuẩn bị tươm tất những món ăn mà mình sẽ mang đến cuộc thi. Nào là món canh khoai sọ yêu thích của bà Mai Phương, món thịt kho tàu mềm rục, thấm đẫm hương vị quê nhà của bà Xuyến. Bà Dung thì chuẩn bị một mâm cơm 3 món quen thuộc với canh cua đặc trưng cho mảnh đất Hà Nam của bà vì nơi ấy có rất nhiều cua. bát cà muối ăn cùng và một đĩa sườn xào chua ngọt được biến tấu theo khẩu vị của bà. Một mâm cơm đúng nghĩa có thịt, có canh rau mà ai nhìn vào cũng thèm thuồng cái không khí gia đình đầm ấm. 

Bà Mai Phương (cơ sở 3) tỉ mỉ trang trí món canh khoai sọ

Món thịt kho tàu quen thuộc trên mâm cơm nhà bà Xuyến (cơ sở 3)

Mâm cơm đơn giản với canh cua cà muối và sườn chua ngọt của bà Dung (cơ sở 4)

Bà Thịnh cùng cháu gái đã mang đến món bún nem đầy kỷ niệm của 2 bà cháu. Khi thuyết trình về món ăn, chị đã không giấu được những giọt nước mắt vì xúc động. Những kỷ niệm về ngày xưa ở cùng bà, được bà dạy nấu ăn bỗng chốc ùa về. Bà dạy chị cách chuẩn bị nguyên liệu như thế nào, cuốn nem, rán nem sao cho tròn đẹp. Tất cả những ký ức ấy chị vẫn mãi không quên, là hành trang để chị vào bếp nhiều hơn, học và làm theo những món ăn bà nấu. Bây giờ khi không ở bên bà nhưng chị vẫn luôn cố gắng vào thăm bà thường xuyên. Trong bài thuyết trình của mình, chị có nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng “Hãy yêu thương và dành thời gian ở bên ông bà khi ông bà còn hiện hữu. Đừng để đến khi ông bà không còn trên đời mới thấy hối hận, lúc đấy cũng đã quá muộn rồi”.

Bà Thịnh cùng cháu gái chuẩn bị cuốn nem

Những chiếc nem nóng hổi được dọn ra ăn cùng bún và dưa góp

Những rót nước mắt đã rơi khi chị nhắc về những ngày thơ ấu được bà dạy nấu ăn

Người chơi không đến cuộc thi vì giải thưởng mà là vì muốn trở lại những ngày tháng xưa cũ. Quay lại những ngày được cùng con vào bếp, mẹ là người dạy còn cách nấu món ăn này, nêm nếm ra sao để mang hương vị thân quen của gia đình. Những giọt nước mắt, những tiếng cười và những nụ cười hạnh phúc đã phần nào khẳng định những giá trị tinh thần mà cuộc thi mang lại đối với mỗi người tham gia. Đúng là dù có ở nơi đâu, dù làm gì thì gia đình vẫn luôn là thứ quý giá nhất trong cuộc đời mỗi người.

Xem thêm

Ngày Người cao tuổi Việt Nam 6.6.2023 của các cụ cơ sở 2 cùng các bạn học sinh trường Tiểu học Bill Gates

Cuộc hẹn của các cụ cơ sở 2 với các bạn nhỏ đến từ trường Tiểu học Bill Gates vào đúng ngày Người cao tuổi Việt Nam. Vậy nên ngày hôm nay lại đặc biệt đối với các cụ hơn một chút. Mới sáng ra, thang máy đã tấp nập người lên xuống. Các cụ đã chuẩn bị sẵn sàng để gặp các bạn nhỏ, ai cũng háo hức, mong chờ.

Buổi hẹn hôm nay chỉ có 5 bạn nhỏ thôi mà cả hội trường đã náo nhiệt, sôi động lắm rồi. Tuy các bạn nhỏ còn ngại ngùng vì lần đầu gặp nhiều ông bà như thế này nhưng ai cũng nhún nhảy rất nhiệt tình.

Các cụ thì yêu trẻ em, nên cứ thấy các cháu nhỏ nhỏ như này là các cụ thích lắm, cứ tủm tỉm cười và dõi theo các cháu. Bà Nhâm, bà Hà, bà Biển cũng lên sân khấu giao lưu mấy tiết mục. Bà Hà thích lắm, vừa hát vừa múa theo nhạc. Bà bảo hôm nay bà vui lắm, từ ngày vào đây bà vui khỏe, tăng cân, béo hẳn ra.

Bà Nhâm giao lưu tiết mục đọc thơ về Bác

Bà Biển lên sân khấu nhiều rồi nhưng vẫn e thẹn, đáng yêu lắm

Bà Hà thích ca hát nên sự kiện nào bà cũng lên sân khấu giao lưu

Phần trò chơi thì vui khỏi nói. Trò chơi ném bóng được diễn ra với 2 đội là “Quyết Tâm Chiến Thắng” và đội “Oishi”. Bà Nhâm và bà Chiêu là 2 đại diện người cao tuổi để chơi cùng các cháu. Trò chơi nhảy bao bố lấy bóng nghe chừng khá tốn sức, nên 2 bà được sắp xếp đứng đầu điểm lấy bóng để đưa cho các cháu mang về rổ. Thời tiết hôm nay có mát mẻ hơn sau những cơn mưa, nhưng nhiệt độ trong khán phòng cũng không dễ chịu lắm vì quá đông người. Thế mà các bạn nhỏ cùng các bạn điều dưỡng viên vẫn chơi hết sức mình. Khi MC hỏi các đội trưởng nhí xem các bạn đã mệt chưa, muốn dừng lại chưa thì bạn nào cũng rất hăng hái: “Cháu chưa mệt tí nào” dù gương mặt đã ửng hồng và tay lau mồ hôi liên tục.

Chuẩn bị thi đấu, 2 đội chơi đều tỏ ra rất phấn khích

Không khí náo nhiệt bao trùm cả hội trường

 

Các cụ tham gia cũng cố gắng hỗ trợ các cháu

Dù đội Oishi có phần nhanh nhẹn hơn nên dành được chiến thắng chung cuộc nhưng đội còn lại cũng không hề tỏ ra buồn bã. Có lẽ đối với các bé, lần đầu được vào dưỡng lão, lần đầu được chơi cùng ông bà đã là những trải nghiệm đặc biệt lần đầu tiên rồi. 

Đội Oishi giành chiến thắng vì mang về 26 quả bóng

Dù chỉ là những phút giao lưu ngắn ngủi cùng các bạn nhỏ nhưng đối với các cụ, đây là một món quà tinh thần rất quý trong ngày đặc biệt này rồi. Nhân ngày đặc biệt này, chúc các cụ có một tuổi già luôn vui vẻ, hạnh phúc và có thật nhiều những ký ức đẹp tại Viện dưỡng lão Diên Hồng.

Xem thêm

Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Viện dưỡng lão

Ngày Quốc tế Thiếu nhi là dịp đặc biệt để tôn vinh và chăm sóc cho các em nhỏ trên khắp thế giới. Nhân dịp này, một buổi giao lưu đặc biệt đã diễn ra tại Diên Hồng, nơi các cháu bé và các cụ già được đoàn tụ cùng nhau. Đây vừa là cơ hội giao lưu, vừa để gắn chặt thêm sợi dây kết nối giữa thế hệ già và trẻ. Các bé là con của CBNV đang làm việc tại các cơ sở của Diên Hồng nên các bạn không đồng đều về độ tuổi. Có những bạn còn nhỏ xíu, có những bạn thì đã sắp bước qua tuổi được coi là trẻ em.


Buổi giao lưu bắt đầu với những tiết mục văn nghệ do các cháu bé chuẩn bị. Các cháu đã biểu diễn các tiết mục nhảy múa, hát hò, và thể hiện tài năng của mình đầy tự tin trước các cụ. Những tiếng cười, sự phấn khích và nụ cười trên khuôn mặt của các cụ là niềm vui không thể diễn tả bằng lời. Các cụ cứ ghé sát nhau thì thầm “Nhìn này, thằng bé nó ngây ngô chưa kìa”, “Con nhà ai mà đáng yêu thế nhỉ”,…

Các tiết mục văn nghệ giao lưu của các bé sôi động, nhí nhảnh. Từ nhảy đến múa, hát, đọc thơ, các bé đều có thể biểu diễn được hết. Bà Quý, ông Súy, ông Tiến, bà Dung ở cơ sở 1 cũng lên sân khấu giao lưu các tiết mục dành tặng các bạn nhỏ. Ông Tiến bảo ngày xưa ông cũng là thiếu nhi, mà bây giờ đã là thiếu nhi già mất rồi.

 

Các cụ cơ sở 2 cũng vui vẻ lên sâu khấu hát lại mấy bài hát thiếu nhi với các cháu. Lâu rồi bà Mai, bà Biển mới hát lại những bài hát này. Các cụ ở dưới cũng bất giác mà hát theo, tạo thành dàn đồng ca nhạc thiếu nhi giữa trung tâm dưỡng lão. Cái già, cái trẻ hòa cùng nhau trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay.

Phần trò chơi luôn là điểm nhấn trong chương trình. Sau phần thi trả lời câu hỏi là phần thi ném bóng vào rổ với sự tham gia của cả ông bà và các bạn nhỏ. Từ lớn đến nhỏ, bạn nào cũng được lên chơi trò chơi và có quà mang về.

Phần chơi trò chơi của các bé cơ sở 2 tưởng không vui mà vui không tưởng. Các bạn nhỏ rất biết cách làm trò, nhìn các bạn trên sân khấu mà cả khán phòng cười lăn lộn.

Cuộc vui nào cũng đến lúc phải chia ly. Các bạn nhỏ hôm nay đã có những trải nghiệm rất mới lạ khi được tổ chức ngày của mình cùng các cụ già. Ông bà già yếu rồi, nhìn những búp măng non với năng lượng tràn trề như thế này, ông bà thích lắm, chỉ mong có các cháu đến chơi mãi thôi. Bà Mai cứ cười mãi từ lúc bắt đầu chương trình đến lúc kết thúc vì bà vui quá, yêu các cháu quá.

Xem thêm

Chung kết Giải cờ tướng Diên Hồng 2023

Khi nhìn thấy các cụ bà xúng xính áo quần tham gia Hoa hậu cao niên, các khách đến tham quan Diên Hồng lại thắc mắc có cuộc thi nào dành cho các ông không. Và đương nhiên câu trả lời là có. Ngoài cuộc thi Quý ông hoàn hảo được tổ chức tại các cơ sở, các cụ ông còn có thể tham gia thi đấu cờ tướng tại các cơ sở để dành quyền thi đấu chung kết cùng các cụ ông đến từ các cơ sở khác.
8 thí sinh đến từ 3 cơ sở
Sau những cuộc tranh tài tại các cơ sở, 3 cơ sở đã chọn được ra các gương mặt đại diện tham gia thi đấu chung kết toàn Diên Hồng. Vào cuộc thi mới thấy không khí không hề giống như khi các cụ chơi cùng nhau ngày thường. Không gian dần trở nên ngột ngạt vì sự căng thẳng của các cụ. Vòng chung kết lại càng gay cấn hơn vì các cụ lần đầu thi đấu với nhau, chưa biết đối thủ như thế nào nên ai cũng căng thẳng hơn bình thường.
8 thí sinh đến từ các cơ sở bốc thăm chia thành 4 cặp đấu loại trực tiếp. Các cặp đấu là ông Toan (cs3) – ông Hùng (cs2), ông Cương (cs3) – ông Xương (cs2), ông Quang (cs1) – ông Nguyên (cs2), ông Khang (cs3) – ông Vinh (cs1). Các quân cờ được các ông cẩn thận di chuyển, vẻ mặt ai cũng đăm chiêu. Thời gian thi đấu của mỗi thí sinh là 20 phút, tổng cả cặp đấu có 40 phút thi đấu. 
Các thí sinh bốc thăm chọn cặp đấu
Ông Xương (cs2) đấu cặp cùng ông Cương (cs3)
Ông Nguyên (cs2) đấu cặp cùng ông Quang (cs1)
Cờ tướng là bộ môn giải trí hằng ngày của các cụ ông, nhất là với các cụ ông đến từ cơ sở 3. Thỉnh thoảng trong loạt ảnh các cụ xuống sân chơi lại bắt gặp một nhóm các ông đang cùng nhau đánh cờ. Có lẽ vì thế mà trong 4 thí sinh bước vào vòng đấu tiếp theo có 3 thí sinh đến từ cơ sở 3 là ông Cương, ông Toan, ông Khang và đại diện cơ sở 1 chỉ còn mình ông Quang. 
Ông Toan đấu cặp cùng ông Khang trong top 4
Ông Quang (cs1) đấu cặp cùng ông Cương (cs3)
Sức nóng của cuộc thi càng được đẩy lên cao vì những nước cờ dần thận trọng hơn, thời gian tính toán bước đi cũng lâu hơn. Ông Cương thi đấu rất dứt khoát, nghe tiếng ông đặt quân hay ăn quân của đối thủ rất mạnh mẽ. Nhưng đối thủ của ông lại là ông Quang, rất nhẹ nhàng, từ tốn. Ông Toan cũng thế, rất bình tĩnh tính đường đi nước bước. Có lẽ chính vào sự bình tĩnh ấy mà 2 ông đã chiến thắng đối thủ của mình để đến gần hơn với chức vô địch cờ tướng năm nay.
Ông Toan và ông Quang trong vòng thi đấu cuối tranh giải vô địch
Trận đấu cuối cùng diễn ra giữa 2 đối thủ nặng ký là ông Quang – đại diện cơ sở 1 và ông Toan – đại diện cơ sở 3. Dù xung quanh khán giả xì xào bàn tán thì 2 ông vẫn rất bình tĩnh, ung dung thi đấu. Có đôi chút lo lắng hiện lên trên gương mặt ông Toan vì đối thủ của ông rất lạnh lùng, rất dứt khoát trong từng bước đi. Và sau 2 trận đấu cuối cùng, ông Quang đã lạnh lùng đánh bại đối thủ và giành chức vô địch của giải cờ tướng Diên Hồng 2023. 
Ông Hoàng Văn Quang – người giành chức vô địch giải cờ tướng Diên Hồng 2023
Cho đến cuối cùng, khi lên nhận giải, ông Quang mới buông bỏ được hết những căng thẳng, khoan khoái nhận lời chúc mừng của mọi người. Cơ mặt ông như giãn hẳn ra, trông ông vui vẻ, tươi tắn hơn hẳn dù ông vẫn ít cười. Những cuộc thi như thế này vừa là cơ hội để các ông giao lưu cùng nhau, vừa là cơ hội để rèn luyện trí não cho các cụ. Vậy nên ở Diên Hồng, người cao tuổi không phải lo vì buồn chán không có hoạt động mà ngược lại, có rất nhiều những hoạt động cho các cụ lựa chọn tham gia theo nhu cầu của các cụ.
Xem thêm

Chia sẻ về cách nhận biết và phòng chống bệnh đột quỵ của Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thảo

Trong chuỗi Seris Chuyện NCT Diên Hồng có rất nhiều các chủ đề phù hợp dành riêng cho các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng. Các cụ khi về già tâm lý nhạy cảm hơn, cũng như hay nhớ về những ngày còn trẻ. Mục đích ban đầu của seris là để cùng các cụ trò chuyện, gợi nhớ lại những câu chuyện cũ. Vừa là để các cụ có cơ hội trò chuyện, chia sẻ, vừa là để các cụ trong trung tâm hiểu nhau hơn, gắn kết hơn.

Việc thành lập Seris Chuyện NCT Diên Hồng quả là một điều đúng đắn khi các cụ đều hứng thú tham gia. Bắt đầu từ những buổi chia sẻ về câu chuyện của nhau, Seris Chuyện NCT Diên Hồng được mở rộng bằng cách tổ chức các buổi chia sẻ theo yêu cầu của các cụ. Các cụ mang trong mình nhiều loại bệnh nên hầu như cụ nào cũng mong muốn được chia sẻ về những nội dung liên quan đến các căn bệnh tuổi già để làm sao có thể sống khỏe mạnh hơn.

Diên Hồng may mắn khi gặp được Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi bác sĩ Thảo đang nghiên cứu về bệnh đột quỵ trong khóa luận Tiến sĩ của mình. Biết được những mong muốn của các cụ về một buổi chia sẻ liên quan đến bệnh đột quỵ, bác sĩ Thảo ngay lập tức nhận lời đến Diên Hồng. Đột quỵ ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Vì vậy việc nhận biết nhanh những dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ sẽ giúp người bệnh hạn chế được những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.

Bác sĩ Thảo ở buổi chia sẻ cùng các cụ cơ sở 4

Nội dung buổi chia sẻ là những kiến thức dễ hiểu nhất để các cụ đều hiểu được

Là người đã đọc rất nhiều tài liệu từ trong đến ngoài nước, bác sĩ Thảo đã cố gắng chắt lọc những thông tin hữu ích cũng như dễ hiểu nhất để truyền tải đến các cụ. Có bác sĩ đến nên các cụ đều rất tập trung, chăm chú lắng nghe. Hơn ai hết, các cụ hiểu rằng căn bệnh tuổi già có thể khiến các cụ rơi vào đột quỵ bất cứ lúc nào. Các cụ tham gia buổi chia sẻ có những cụ chưa bị đột quỵ bao giờ, cũng có những người như chú Thúy (cơ sở 3) đã bị 2 lần rồi và đang trong quá trình phục hồi chức năng. Chú chia sẻ về những khoảnh khắc chú đã gặp phải khi chú bị đột quỵ để các cụ khác có thể nhận biết khi mình có dấu hiệu của bệnh.

Chú Thúy (cơ sở 3) chia sẻ về những gì chú trải qua sau 2 lần đột quỵ

Bác sĩ Thảo giải thích rất cặn kẽ và cụ thể về lý do hình thành bệnh, triệu chứng cũng như những cách có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ. Các cụ cũng rất chăm chỉ tương tác cùng bác sĩ. Bà Thịnh và bà Tuyết ở cơ sở 4 rất tập trung vào bài giảng của bác sĩ. Chẳng thế mà đến cuối giờ, bác sĩ hỏi lại những thông tin liên quan đến bệnh cả hai bà đều trả lời được hết, khiến bác sĩ Thảo cũng phải ngạc nhiên.

Bà Thịnh hăng hái trả lời những câu hỏi của bác sĩ

Các cụ đều rất thích buổi chia sẻ này

Chú Thúy rất tâm đắc với buổi chia sẻ của bác sĩ Thảo 

Kết thúc buổi chia sẻ, các cụ tấm tắc khen bác sĩ, khen buổi trải nghiệm ý nghĩa quá, hay quá. Có cụ còn nán lại để hỏi bác sĩ về bệnh tình của mình. Mong rằng ở những buổi chia sẻ tiếp theo, các cụ cũng sẽ luôn hăng hái tham gia như thế này thì những người tổ chức chương trình cũng sẽ vui lắm đấy ạ.
Xem thêm