Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Đằng sau cánh cửa một viện dưỡng lão ở Hà Nội: Ừ thì, mình cứ vui hết mình thôi!

Mọi người vẫn nghĩ viện dưỡng lão là nơi con cái bỏ mặc cha mẹ họ với tuổi già. Tuy nhiên đằng sau cánh cửa, ký ức không bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để các cụ tiếp tục vui sống.

Các cụ hào hứng tham gia chợ Tết cơ sở 2

Trong suy nghĩ của hầu hết chúng ta, viện dưỡng lão là nơi buồn tẻ nhất thế gian. Ở thế giới cô lập đó chỉ là những người già neo đơn đang cố bám víu cuộc sống, rồi lẳng lặng nhìn năm tháng trôi đi phía sau cánh cổng. Cảm giác như một thế giới mà người đến rồi lại ra đi như mây gió và chẳng ai quan tâm.

Tuy nhiên trong suy nghĩ của các cụ tại viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội), mọi thứ lại hoàn toàn khác. Nói chính xác hơn, đây không phải là viện – dưỡng – lão mà là NHÀ – một mái nhà chung chưa bao giờ ngớt tiếng cười nói.

Các cụ đi mua sắm tại các gian hàng chợ Tết cơ sở 1

Cùng trong viện dưỡng lão mà, mình cứ vui hết mình thôi!

Đến bữa cơm tối, bà Cẩm (82 tuổi) lặng nhìn các thành viên khác ăn cơm. Bao giờ cũng thế, bà Cẩm phải chờ mọi người dùng bữa no nê rồi bà mới bắt đầu cầm đũa. Nhiều anh chị ở trung tâm không hiểu, các cụ ông cụ bà khác cũng chẳng rõ sao bà Cẩm lại có hành động “kỳ quặc” như thế!

Bà Cẩm tham gia Ngày lễ Vu lan do Trung tâm tổ chức

“Là vì chút bình tĩnh, chút ưu tư, chút mong chờ”, bà Cẩm không muốn “vồ vập” ăn ngay, mà mọi thứ cứ chầm chậm trôi qua để tận hưởng thật trọn vẹn.

Bà Cẩm đã sống ở đây 2 năm, ký ức trong từng ấy thời gian của bà cô đọng vỏn vẹn ở 2 từ: Vui và tốt! Nào là ngồi bên nhau uống nước, cùng xem ti vi, cùng hát hò, cùng ăn cơm. Hoặc thích thú hơn nữa thì chơi tú lơ khơ, ôm mèo… trên những tấm bìa giấy.

Lần gần đây nhất, một nhóm tình nguyện viên đã mang đến ý tưởng vui chơi thông qua những tấm bìa carton. Nhiệm vụ của các cụ chỉ là chui đầu vào vòng tròn được khoét sẵn và tưởng tượng như mình đang cùng nhau thư giãn vậy đó. Ừ thì, trong viện dưỡng lão mà, mình cứ vui hết mình thôi! Bởi lẽ cuộc đời có bao lâu, miễn sao vui vẻ sống trọn kiếp người là mãn nguyện rồi.

Bà Cẩm đang ôm chú mèo con vào lòng

Bà Cẩm nhớ lại cái lần chui mặt vào những miếng bìa giấy rồi phụt cười: “Vui, vui lắm đó!”. Mọi cảm xúc khi đó đều thật “trẻ con”, ngây ngô và rất tự nhiên. Nhìn vào đó sẽ chẳng ai còn dám nghĩ, thời gian sẽ ngừng lại sau cánh cổng viện dưỡng lão. Bởi mọi thứ ở đây đều được “mua đi bán lại” thông qua những nụ cười.

Tưởng tượng mình đang trong phòng thi và ”bạn nam” đang copy bài của ”bạn nữ”

Các cụ vào đây rất thích vì được khám sức khỏe định kì, tổ chức sinh nhật, chụp ảnh Tết và có đông người quây quần bên nhau. Điều này khác hẳn với viễn cảnh trước đó khi còn ở nhà: ốm yếu, một mình nên thành ra cô đơn!

“Yếu quá rồi, nên nếu thuê người chăm sóc thì cũng bằng tiền vào viện dưỡng lão. Tôi không muốn làm phiền con phiền cháu…” – bà Cẩm thủ thỉ cái lý do mà theo tôi là có chút khó khăn và chạnh lòng để nói ra. “Con cháu là một chuyện, chúng nó còn bận, chẳng thể chăm sóc được mình”.

– “Thời gian đầu bà có tủi thân không?”

– “Không! Vì sao phải tủi, dần dần rồi quen. Con cháu vẫn đều đặn vào thăm tôi mỗi tuần đấy thôi!”

Bởi, viện dưỡng lão không phải là nơi con cái bỏ mặc cha mẹ họ với tuổi già.

Dù xa con cháu nhưng vẫn vui sống có ích

Ở viện dưỡng lão Diên Hồng không có những nỗi đau, âu chỉ có những ánh mắt đau đáu của nhiều cụ bệnh tật trở nên ám ảnh mãi. Đôi bàn tay run run, bàn chân chập chững dò đường đi về phòng. Cái xe đẩy đi trước, cụ ông lại theo sau. Buồn đôi khi cũng chỉ vì ốm yếu, cứ mãi gắn chặt thân thể với chiếc xe lăn nên thành ra ít được tự do.

Một bà cụ tóc bạc phơ không buồn ăn hết bữa cơm tối. Bà mải nhìn gói bỏng ngô trên đấy có gắn cái hình bé xinh, đề dòng chữ: Chúc mừng 8/3. Bà nặng tai nên không thể nghe rõ. Nhưng khi được hỏi sống ở đây có vui không, nhận quà có vui không, bà đáp lại bằng những nụ cười. Nói đoạn, bà lên xe lăn về phòng nằm nghỉ.

“Sống đơn giản, mạnh khỏe, sống mỗi ngày cho vui là được”, vẫn giọng điệu chậm rãi bà Cẩm xuýt xoa. Chính bởi thế viện dưỡng lão Diên Hồng thường hay tổ chức các chương trình văn nghệ, vui chơi để các cụ được hòa mình và sống tốt hơn. Như Tết vừa rồi đó, bà Cẩm và nhiều cụ ông cụ bà khác không về nhà. Họ cùng ở lại đón một cái Tết giản dị bên nhau, cho ra đời bộ ảnh “hồi xuân” nhiều màu sắc trong những tà áo dài duyên dáng.

Bà Cẩm tham gia thi ”Rung chuông vàng” do các bạn tình nguyện viên tổ chức.

Không hiểu sao nhưng ở đây, các cụ thích nghe nhạc. Bữa nào ăn cơm ti vi cũng mở xập xình mấy bản nhạc vui tai, hình ảnh đều đặn chạy vun vút thu vào tầm mắt. Có chút âm thanh, có chút hình ảnh, dường như mọi thứ đỡ nhạt nhẽo. Nếu chiếc xe lăn xếp thứ nhất, thì ti vi đứng thứ hai về “tình bạn” với các cụ. Dẫu sao với thế giới tách biệt ngoài kia, nhìn qua lăng kính truyền hình còn thú vị hơn những chiều nắng tắt mòn mỏi qua khung cửa sổ. Bởi khi đó lại nhớ nhớ nhung nhung, lại nhìn về xa xăm rồi nhỡ đâu đôi mắt lại ươn ướt..

Chẳng ai muốn thế và cũng chẳng ai mong thế…!

Xong bữa tối, các điều dưỡng viên bắt đầu công việc dọn dẹp và vệ sinh cho các cụ. Chương trình âm nhạc kết thúc, mỗi cụ lại đều đặn về từng phòng riêng. Người mở ti vi theo dõi thời sự, người áp tai vào chiếc radio. Thành thử ở trung tâm Diên Hồng, có nhiều hơn 1 thứ âm thanh của sự sống.

– “Các bà có nhớ hết được tên nhau không?

– “Không thể, vì chúng tôi lẫn rồi, lúc nhớ lúc quên”.

Nhưng tôi mong, những niềm vui trong khoảng thời gian sinh sống tại đây các cụ sẽ nhớ mãi. Như cụ bà Cẩm bảo, ở viện dưỡng lão be bé này, người này đến rồi lại đi, người khác lại tới. Là một vòng luân chuyển nên không bao giờ thiếu đi những người bạn – những thành viên đặc biệt trong đại gia đình đặc biệt.

Bà Cẩm và điều dưỡng Kim Uyên

Mỗi cụ một hoàn cảnh, một nỗi đau nhưng khi đến với nhau, họ cùng trân quý những kỷ niệm và dành tặng niềm vui để tiếp tục vui sống. Và thế là, đằng sau cánh cửa của viện dưỡng lão, ký ức không phải bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để biến những điều tưởng như tẻ nhạt nhất thành nụ cười.

Theo: Minh Nhân/ Kênh 14.vn

Xem thêm

Khi các cụ đón Tết ở Viện Dưỡng lão mà không có con cháu ở bên

Sau nhiều lần lựa chọn ăn Tết ở Viện dưỡng lão, cụ bà Vũ Thị Dành (83 tuổi, ở Cẩm Giàng, Hải Dương, hiện đang sống tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng) nhận thấy, ăn Tết ở Viện dưỡng lão vui hơn ở nhà.

Càng về những ngày cuối năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội lại càng diễn biến phức tạp. Để an toàn cho sức khỏe của mình và chồng, bà Vũ Thị Dành quyết định cùng chồng ở lại Hà Nội. Hai ông bà cùng ăn Tết trong Viện dưỡng lão.

Tết Nguyên đán 2022 là cái tết thứ 4 của bà Dành và ông Bưởi tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng.

Bà Dành tâm sự, bà không có mong muốn về nhà ăn Tết. Bởi về quê cũng chỉ có 2 ông bà. Con cái thì ai cũng có gia đình riêng, có công việc riêng, vì thế ông bà cũng không về nhà ai hết.

Cụ Dành và cụ Biển chụp ảnh lưu niệm chào đón Tết Nguyên đán

“Mà hiện tại, tôi xem Diên Hồng như ngôi nhà thứ 2, là quê hương thứ 2 của tôi. Ăn Tết ở đây cũng là ăn Tết ở nhà mình. Nếu con cháu muốn thì có thể vào trung tâm chúc tết ông bà.

Tôi ở đây ăn Tết mấy năm thì nhận thấy rằng, năm nào cũng thế, trung tâm đều tổ chức nhiều hoạt động đón Tết. Vì thế các cụ ai nấy đều thấy vui, mà lại yên tâm, an toàn”.

Cụ bà chia sẻ thêm rằng, năm nay bà còn sắm được cây quất để chơi Tết. Bà hồ hởi kể hôm chợ Tết bà mua được nhiều đồ lắm. Nào là hạt điều, mứt, bưởi để Tết bà mời khách đến chơi. Hoặc là cho con cháu đến thăm.

Cũng giống như bà Dành và ông Bưởi. Nhiều cụ đang sống cũng lựa chọn ăn Tết tại viện và đều cảm thấy rất vui. Cụ bà Nguyễn Thị Biển cho biết, từ hôm Diên Hồng tổ chức các hoạt động đón Tết đến giờ, hoạt động nào bà cũng thích.

Hoạt động gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết làm nhiều cụ thích thú và hào hứng tham dự

Các hoạt động chụp ảnh Tết cho các cụ, chợ Tết, gói bánh chưng đều gây ấn tượng với bà. “Phải mấy chục năm rồi bà mới ngồi lau lá, gói bánh. Bà vui lắm con ạ’’ – cụ Biển hào hứng nói.

Theo bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, người già thường sợ cô đơn, nên mỗi độ Tết đến xuân về, các nhân viên tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng thường sắm sửa những cành đào thật đẹp. Các căn phòng thì được trang trí thêm ấm cúng, biểu diễn văn nghệ giống với không khí Tết gia đình.


Các hoạt động đón Tết được tổ chức khiến các cụ rất vui

Năm nay, các cụ ở Diên Hồng chuẩn bị đón Tết từ rất sớm. Từ đầu tháng các cụ đã cùng các cháu trang trí cổng chợ tết, buộc ruy băng đỏ trên tán cây để cầu may mắn.

Đặc biệt, chợ Tết năm nay diễn ra ấm cúng chỉ nội bộ. Nhưng vẫn sôi nổi với các trò chơi. Ngoài ra còn có các gian hàng ẩm thực, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bánh mứt… và văn nghệ chào xuân. Năm nay các tiết mục được chuẩn bị công phu hoành tráng.

Bên cạnh không gian chợ Tết vui vẻ, ấm cúng còn có nhiều hoạt động khác. Như gói bánh chưng và ngồi trông nồi luộc bánh cũng khiến các cụ rất thích thú.

Bữa cơm tất niên ấm cúng của các cụ tại Viện dưỡng lão

“Các cụ vui quá còn ríu rít cảm ơn Diên Hồng. Bà bảo mấy chục năm rồi bà mới được trải nghiệm không khí rộn ràng chuẩn bị và gói bánh chưng như thế này. Sau các hoạt động chuẩn bị Tết, các cụ sẽ quây quần ăn bữa cơm tất niên. Một không khí ấm cúng như ở nhà.

Không những thế, thực đơn ngày Tết cũng được Trung tâm thay đổi. Món ăn hàng ngày được đổi thành những món ăn đặc trưng của ngày Tết. Ví dụ như: bánh chưng, giò chả, thịt gà, canh măng… Đến đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm ”.

Thấu hiểu tâm lý của các cụ và giá trị truyền thống của Tết cổ truyền, Diên Hồng luôn cố gắng để các cụ được tận hưởng một cuộc sống thật vui vẻ, thoải mái. Để các cụ đón Tết tại Viện dưỡng lão không hề cô đơn hay buồn tẻ.

Theo An An/giadinhmoi.vn

Xem thêm

Tết ấm cúng của người cao tuổi ở Dưỡng lão Diên Hồng

Tết là khoảng thời gian gia đình sum họp, người già quây quần bên con cháu. Nhưng các ông bà tại Diên Hồng lại chọn cho mình một cách đón tết thật đặc biệt. Đó là đón một cái tết ấm áp, vui vẻ và đầy yêu thương bên những người bạn già, bên ngôi nhà thứ hai của mình.

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng hiện có 3 cơ sở. Cơ sở 1 ở KĐT Đô Nghĩa (Yên Nghĩa, Hà Đông), cơ sở 2 tại KĐT Thanh Hà (Kiến Hưng, Hà Đông) và cơ sở 3 ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai), hiện là nơi ở của hơn 200 cụ ông, cụ bà. Khi năm mới đang đến gần, nhiều cụ ở Trung tâm không trở về cùng gia đình, mà ở lại đây đón Tết. Theo chia sẻ, trước Tết một thời gian, nhiều gia đình đã có kế hoạch đón bố mẹ, người thân về ăn Tết. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid 19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, vì an toàn cho người thân và cho người già tại trung tâm nên các gia đình không đón về nữa, hoặc nếu đón thì hết dịch mới quay lại.

“Người già thường sợ cô đơn, nên mỗi độ Tết đến xuân về, các nhân viên tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng thường sắm sửa những cành đào thật đẹp, trang trí các căn phòng thêm ấm cúng, biểu diễn văn nghệ giống với không khí Tết gia đình”. Các nhân viên còn hát, biểu diễn cho các cụ xem. Những ngày cận Tết, nhân viên Trung tâm còn cắt những bông hoa giấy, ghi câu đối rồi trang trí lên các ô cửa kính (chị Hoàng Thị Thu Ngân – phó tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ.)

Không những thế thực đơn ngày Tết cũng được thay đổi. Từ những món ăn hàng ngày được đổi thành những món ăn đặc trưng của ngày Tết như: bánh chưng, giò chả, thịt gà, canh măng. Không những thế đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm chứ không hề tẻ nhạt. 

Đặc biệt hơn cả đó là năm nay là năm đầu tiên Diên Hồng tổ chức ngày hội gói bánh chưng cho tất cả các cụ đang an dưỡng tại trung tâm và toàn thể cán bộ nhân viên. Các cụ thì phấn khởi vì lâu lắm rồi mới lại ngồi tự buộc lạt, tự gói từng chiếc bánh chưng vuông. Còn các bạn nhân viên cũng hào hứng không kém vừa hỗ trợ các cụ vừa tranh thủ học lỏm cách gói sao cho vuông, sao cho đẹp.

Bà Nguyễn Thị Biển khi được phóng viên hỏi rằng bà thích hoạt động đón Tết nào nhất ở Diên Hồng thì bà trả lời rằng: ‘’ Từ hôm tổ chức Tết đến giờ, hoạt động nào bà cũng thích. Chụp ảnh tết cho các cụ này, chợ Tết này đều gây ấn tượng với bà, rồi còn gói bánh chưng nữa. Phải mấy chục năm rồi bà mới ngồi lau lá, gói bánh. Bà vui lắm con ạ’’. 

Dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì những giá trị về tinh thần vẫn luôn được coi trọng. Hiểu được điều đó nên Diên Hồng luôn cố gắng để các cụ được tận hưởng một cuộc sống thật thoải mái và tiện nghi hết sức có thể. Và chắc chắn rằng Tết ở Dưỡng lão Diên Hồng sẽ không hề cô đơn hay buồn tẻ.  

Xem thêm

Gia đình truyền thống và hiện đại với đời sống người cao tuổi Việt Nam

Hàng ngàn đời nay người Việt Nam đã tạo dựng nên một kiểu gia đình hết sức đặc thù của cư dân trong một xã hội mà đại đa số làm nghề nông, để rồi từ đó hình thành được một nét văn hóa gia đình tự nhiên đậm đà tính cách Việt Nam là: “Trẻ cậy cha – già cậy con”. Sự gắn bó, phụ thuộc giữa các thế hệ cha con với nhau như vậy là bởi nó đã xuất hiện và tồn tại trong các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội sau đây:

PGS.TS Bùi Hiền cùng các ông bà gói bánh chưng nhân dịp tết 2022
  • Không gian sống của gia đình đóng khung chủ yếu trong các làng xóm riêng biệt, nên mọi nhà luôn gần gũi bên nhau, các gia đình có điều kiện luôn quây quần, gắn bó, chăm sóc nhau, họ hài lòng sống như vậy và thấy không cần gì hơn, thậm chí có người cả đời không mấy lần bước ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình.
  • Nghề nghiệp chủ yếu của đại đa số người dân Việt Nam là làm ruộng, chăn nuôi, làm nghề thủ công nhỏ lẻ, nên các gia đình đều phải bao gồm nhiều thế hệ cùng làm, cùng ăn để còn truyền nghề cho nhau, dạy bảo nhau, để duy trì nền nếp gia phong, xây dựng cơ nghiệp cho con cháu.

Từ xưa đến nay người Việt Nam luôn sống trong những điều kiện như vậy và tâm niệm rằng chỉ có cuộc sống gia đình mới đảm bảo cho mỗi người được bình yên từ trẻ đến già, cho nên không ai muốn sống xa rời gia đình, bởi vì đến như người trai trẻ cũng “Xảy nhà ra là thất nghiệp”, thì người già thiếu vắng con cháu sẽ sống thế nào đây ? Đó chính là lí do người Việt Nam coi việc người già phải được con cháu luôn luôn ở bên mình để phụng dưỡng, chăm sóc là lẽ tất nhiên ở đời. Nếu không được con cháu sớm hôm chăm sóc thì đó là tuổi già bất hạnh, còn con cháu không sống chung để chăm sóc bố mẹ thì đó là kẻ bất hiếu, bị người đời chê trách. Đó là nét tâm lí truyền thống văn hoá gia đình rất có giá trị của người Việt, nên ai cũng tôn trọng, nghiêm túc tuân thủ và cố gắng gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ.

Tuổi già nhiều niềm vui của các ông bà tại Diên Hồng

Ngoài ra, gần nửa thế kỉ chiến tranh liên miên chống ngoại xâm đã buộc 100% gia đình phải li tán, hàng triệu người con trai, con gái phải từ rã cha mẹ ra đi đánh giặc mà không hẹn ngày về. Hoàn cảnh bi ai này càng khắc sâu tâm lí ước mong có cảnh sống gia đình êm ấm, đoàn tụ, gắn bó suốt đời bên nhau. Nay đã hòa bình dù cực chẳng đã có nhiều người buộc phải tạm thời đi làm ăn sinh sống xa gia đình, nhưng ai ai cũng mong muốn được trở về quê hương đất tổ trong những ngày giỗ tết để báo hiếu cha mẹ và thắp nén nhang tỏ lòng tri ân công đức của tiền nhân. Nét văn hóa đặc trưng này cũng đã được đông đảo bạn bè quốc tế hết sức khen ngợi và ngưỡng mộ khiến chúng ta càng yêu quý, tự hào. Điều này càng có ý nghĩa đối với các thế hệ trong một đại gia đình truyền thống Việt Nam.

Song xã hội luôn phát triển theo những quy luật khách quan của nó. Từ một nền kinh tế thuần nông tự cấp tự túc lạc hậu nước ta đang từng bước tiến lên xây dựng và phát triển nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Nhà nước đã đoạn tuyệt với chế độ quan liêu bao cấp để thực hiện chế độ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hòa nhập với kinh tế thế giới. Những định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nêu trên tất yếu đòi hỏi phải sắp xếp, cân đối lại các yếu tố nhân lực, vật lực, tài lực trong cả nước cho phù hợp với mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ, văn hóa xã hội trong tình hình mới. Quy luật này đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến từng phường xã, làng xóm và từng gia đình từ thành thị đến nông thôn. Xin dẫn ra đây một số nét chính yếu điển hình:

  • Không gian sống của các thành viên thuộc mỗi gia đình trong xã hội hiện đai đã thay đổi cơ bản: những người lớn thường đi làm xa gia đình, xa quê hương, ít khi sống liên tục lâu dài với gia đình. Họ không có điều kiện đi về hằng ngày để gần gũi, chăm sóc bố mẹ già, vì đường dài, đi lại tốn kém, mất nhiều thì giờ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, nghỉ ngơi và sức khoẻ của bản thân, đồng thời hạn chế hiệu quả công việc làm ăn.
  • Bù lại, các phương tiện giao thông liên lạc hiện đại đang ngày càng thu hẹp không gian và rút ngắn thời gian để mọi người có thể đi về, gặp gỡ nhau gần hơn, nhanh hơn, thậm chí không cần đi về mà vẫn trực tiếp nói chuyện và nghe nhìn thấy nhau qua chiếc điện thoại di động hoặc máy vi tính…Từ đó giảm được nhu cầu chung sống gần gũi bên nhau, đồng thời cũng giảm bớt được nỗi nhớ nhung, lo âu về nhau, mà vẫn duy trì được tình cảm gần gũi yêu thương thường xuyên với nhau. Bố mẹ già vẫn nhận được sự âu yếm, chăm sóc của con cháu và không cảm thấy mình cô đơn hay bị lãng quên.  
  • Nghề nghiệp trong xã hội hiện đại ngày càng phong phú, đa dạng và chuyên sâu đang tạo điều kiện và đòi hỏi mỗi người phải thành thạo công việc của nghề nghiệp đã lựa chọn. Trong số các thành viên của gia đình hầu như không còn mấy con cháu kế nghiệp của ông cha, ít có anh chị em làm chung một nghề, kể cả khi họ cùng làm việc trong một cơ quan hay doanh nghiệp. Điều này đã loại dần tính chất gắn bó nghề nghiệp giữa các thành viên trong gia đình. Ông bà, cha mẹ ít có khả năng ảnh hưởng đến nghề nghiệp của con cháu, ngoài các lời dăn bảo về đạo đức, tác phong, lối sống chung chung, do đó không có điều kiện truyền nghề để hình thành truyền thống gia đình và vì thế nó cũng giảm bớt sức ép cần sự chung sống thường xuyên trong một gia đình.  

Như vậy với tình hình xã hội thực tế khách quan, tự nhiên như trên, liệu bố mẹ già có nhất thiết cứ phải ở chung với con cái thì mới đảm bảo cuộc sống an bình, vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc, đồng thời cũng vẫn đáp ứng được nhu cầu sinh sống độc lập, tự do phát triển của con cháu hay không ? Và nếu như cha mẹ già có điều kiện tách khỏi gia đình ra sống chung với những người cao tuổi xa lạ ban đầu trong các nhà dưỡng lão thì liệu có mất mát gì đáng kể về vật chất và tình cảm không?

Xin khẳng định chắc chắn rằng không hoặc không đáng kể với một số người nào đó !

Người già tại Diên Hồng vui vẻ tham gia hội chợ tết

Bằng sự quan sát, tìm hiểu cuộc sống của người cao tuổi trong một số nhà dưỡng lão và qua trải nghiệm của bản thân, tôi xin nêu ra một số điểm được và mất cụ thể như sau

Cha mẹ già yếu được, mất:

  • Được giải phóng khỏi việc lo toan nhà cửa, chăm sóc dạy bảo cháu chắt, không phải gánh vác công việc nặng nhọc của ô sin nữa (một mẹ già bằng 3 người ở !), để có cuộc sống an nhàn của tuổi già.
  • Được tự do sinh hoạt hợp với sức khoẻ, tâm sinh lí người cao tuổi, không bị phụ thuộc vào lối sống năng động, tự do của con cái, đôi khi còn bị ức chế tâm lí tuổi già kiểu “người làm không bực bằng người trực mâm cơm”.
  • Có được môi trường sinh hoạt tinh thần, giao lưu tình cảm thoải mái với những người cùng lứa tuổi tai nhà dưỡng lão, thay vì phải thơ thẩn ở nhà một mình và chịu cảnh cô đơn, buồn bã, khi con cháu đi làm, đi học từ sáng đến tối mới về. Rồi cũng chỉ hỏi han được dăm ba câu xong là lại ai về phòng nấy với những nỗi niềm riêng tư của mình. Nhiều cha mẹ già không chịu nổi đã từ giã con cháu ở thành phố để về lại với ruộng vườn, quê quán, xóm giềng quen thuộc. 
Người già vào viện dưỡng lão được sống cùng những người bạn cùng trang lứa

Con cháu khỏe mạnh được, mất:

  • Được giải phóng gánh nặng lo âu thường trực về bệnh tình, sức khỏe của cha mẹ già, trong khi họ phải dốc hết sức lực, tâm lí cho công việc mưu sinh, nuôi dạy con cái nên người. Cho dù lúc khỏe mạnh cha mẹ vẫn có thể hỗ trợ việc nhà, bảo ban cháu chắt, nhưng nhiều khi lại không đúng ý muốn của mình, mà mình không thể nói thẳng ra vì sợ phật lòng. Còn khi cha mẹ ốm đau thì khỏi phải kể biết bao lo toan nhọc nhằn, mà vẫn khó làm thỏa mãn được những lúc trái tính, trái thói của tuổi già. Điều khác biệt rõ nét nhất giữa con cái và người già là ở chế độ sinh hoạt và ăn uống trong gia đình: trẻ thường thức khuya dạy muộn, già thường ngủ trước và dạy sớm; trẻ thích ăn nhiều thịt cá, còn “già thích bát nước canh, trẻ thích manh áo mới”. Đơn giản thế thôi, nhưng con cháu lại vì thương cha mẹ đã từng chịu đựng gian khổ suốt mấy cuộc chiến tranh, nên có tâm lí cứ muốn bù đắp cho cha mẹ bằng cách dâng hiến mâm cao cỗ đầy với sơn hào hải vị ! Thật là khó hòa hợp ! Nhưng tất cả những nỗi lo lắng này của con cái đều có thể được các nhà dưỡng lão gánh vác, chia sẻ phần lớn, làm hài lòng cả cha mẹ già và con cháu trong gia đình, bởi ở đó mọi thứ nhà dưỡng lão đều giải quyết một cách tương đối khoa học, phù hợp với tâm sinh lí của người cao tuổi.
  • Giữ lại được quyền lợi và trách nhiệm nuôi dạy con cái từ bé đến lớn, không vì bận rộn công tác, mưu sinh, mà ỷ lại, phó thác cho ông bà, để rồi khi con cái khôn lớn chẳng may không theo đúng được yêu cầu, nguyện vọng của mình đối với chúng, thì phát sinh tâm lý ân hận, tiếc nuối, thậm chí có khi quá đau sót dẫn tới đổ lỗi, trách móc ông bà (cháu hư tại bà mà!), mà quên mất điều chính yếu là “con hư tại mẹ!” 
  • Giữ được bền lâu hơn tình cảm giữa cha mẹ già với đàn con cháu, vì tránh được những mâu thuẫn, va chạm thường ngày, tuy nhỏ nhặt mà vẫn có thể gây chấn thương tâm lí người già cả nghĩ. Người xưa đã đúc kết quan hệ tình cảm gia đình: “Xa thương, gần thường “. Chính có xa nhau mới hay nhớ nhung, quý trọng những kỉ niêm thân thương, âu yếm về nhau, mới chú trọng dành dụm những của ngon vật lạ cho nhau, do đó mỗi khi gặp lại nhau thì tình cảm sẽ càng trở nên nồng nàn, đằm thắm hơn.
PGS.TS Bùi Hiền tặng quà cho Diên Hồng nhân dịp tết 2022

Tóm lại, tất cả nhũng điều nói trên cho thấy một điều là: cha mẹ già ngày nay tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của gia đình mà nên khuyến khích các cụ đến an dưỡng tại những trung tâm chăm sóc người cao tuổi, bởi như thế có lợi cho cả người già, con trẻ lẫn toàn xã hội. Vậy tôi rất mong được mọi người dân nhiệt liệt ủng hộ và cũng xin kiến nghị Nhà nước quan tâm thực sự đến việc xây dựng và phát triển mô hình tiên tiến về chăm sóc người cao tuổi trên quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Bùi Hiền

Xem thêm

Cụ bà vượt 1000km đến sống trong nhà dưỡng lão vui vẻ Diên Hồng

Bà Vũ Như Hoa (Đà Nẵng) cùng con gái đã đi một chặng đường rất dài để đến với Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng và coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Sau một lần tai biến, sức khỏe của bà Hoa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nuốt kém, nằm một chỗ, phải dùng bỉm cả ngày, giúp việc không có chuyên môn nên tình trạng sức khỏe ngày một giảm sút. Quá lo lắng cho sức khỏe của bà, chị Trần Thị Đoan Trang, người con gái duy nhất của bà được gợi ý đưa bà đến một trung tâm dưỡng lão để được phục hồi chức năng và tăng cường giao tiếp xã hội với những người cùng lứa tuổi. Đi khắp Đà Nẵng và các vùng lân cận, không tìm được một trung tâm dưỡng lão nào, chị tìm kiếm thông tin về các viện dưỡng lão ở Hà Nội. Sau khi tìm hiểu, chị quyết tâm đưa mẹ ra Hà Nội để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, những lời cảnh báo của hàng xóm về chuyện thiếu thốn tại các trung tâm dưỡng lão khiến chị lo lắng, tạm gác lại ý định của mình. Nhìn mẹ ngày càng yếu hơn, chị quyết tâm bay ra Hà Nội để tìm hiểu thực tế, lựa chọn một nơi phù hợp cho mẹ và chị tìm thấy Diên Hồng. Bao băn khoăn, lo sợ được giải tỏa khi chị đến tham quan trực tiếp và ngay hôm sau, chị và mẹ có mặt ở Diên Hồng.

Bà Hoa chụp ảnh kỷ niệm nhân dịp Tết nguyên đán 2022

Ban đầu cuộc sống ở Diên Hồng khá lạ lẫm với bà. Không dễ gì để thích nghi với cuộc sống mới khi bao nhiêu năm mình vẫn gắn bó với ngôi nhà của mình. Ấy vậy mà bà đã ở Diên Hồng 2 năm và không muốn về nhà nữa. Sức khỏe của bà được cải thiện đáng kể nên bà càng thích ở Diên Hồng. Bà thích được điều dưỡng xoa bóp và thủ thỉ bởi nó cho bà cảm giác như mình đang ở nhà với con cháu. Trước đây chị Trang vẫn thường bay từ Đà Nẵng ra thăm bà nhưng năm nay Covid-19 bùng phát đã không cho phép chị làm việc đó thường xuyên. Chị chỉ biết gọi hỏi thăm và gửi quà từ Đà Nẵng ra. “Mẹ con tôi đã vượt 1000km từ Đà Nẵng để đến với Diên Hồng. Từ quản lý đến điều dưỡng viên đều rất nhiệt tình chu đáo và lễ phép. Tình hình bệnh của mẹ tôi có phần tiến bộ hơn khi ở nhà. Các vấn đề về sức khoẻ của mẹ tôi đều được trung tâm sử lý ổn thỏa mà không cần đưa đi bệnh viện trong tình hình dịch bệnh phức tạp này. Tôi rất yên tâm khi để bà ở Trung dưỡng lão Diên Hồng. Tiếc là ở xa quá nên tôi không thường xuyên đến thăm mẹ được”, chị Trang chia sẻ.

Dẫu an tâm khi gửi mẹ ở Diên Hồng, nỗi nhớ thương và mong muốn được tự tay chăm sóc mẹ lại thôi thúc chị Trang đưa mẹ về nhà. Bịn rịn không nỡ rời xa nơi mà bà Hoa coi như nhà mình, bà chào tạm biệt các cháu điều dưỡng để về bên con cháu. Trên hành trình của cuộc đời, chúng ta có thể để lại những gì vướng víu nhưng những kỷ niệm đẹp thì sẽ mãi vẹn nguyên và những ký ức của bà về Diên Hồng sẽ còn mãi cũng như các CBNV Diên Hồng cũng mãi nhớ về bà.

Xem thêm

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào mùa lạnh

Càng nhiều tuổi, hệ miễn dịch của con người càng kém, đặc biệt là vào mùa đông, mùa lạnh thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống dưới mức trung bình dẫn đến một số bệnh nguy hiểm. Thêm vào đó, hệ miễn dịch suy yếu và sức đề kháng kém cũng là nguyên nhân khiến người cao tuổi (NCT) rất dễ mắc bệnh. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe cho NCT trong mùa đông nên chú ý thực hiện một số biện pháp như sau.

Với người cao tuổi, sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi rút…. Không khí lạnh tác động không tốt đối với đường hô hấp, từ đó làm các bệnh hô hấp mạn tính dễ tái phát đặc biệt là bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ngoài ra, môi trường ẩm thấp cũng tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây cúm, gây viêm phổi phát triển mạnh dễ tấn công người cao tuổi.

Vào mùa lạnh, người cao tuổi thường hay mắc phải như bệnh về hô hấp như: viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi…hầu hết tất cả các bệnh này đều do thời tiết thay đổi, thân nhiệt thấp dẫn đến mắc bệnh. Khi mắc bệnh người cao tuổi dễ bị ho lâu ngày, nếu không lưu ý rất dễ tái phát trở lại chính vì vậy việc thường xuyên theo dõi và quan tâm đến tình trạng sức khỏe của những người cao tuổi trong mùa lạnh là rất quan trọng.

Ngoài mắc các bệnh liên quan đến thời tiết kể trên thời tiết lạnh cũng làm cho các bệnh xương khớp như thoái hóa, xơ cứng khớp gối, khớp bàn tay, cổ tay hay thoái hóa cột sống thắt lưng trở nặng hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người cao tuổi.

Với việc chủ động phòng tránh bệnh cho người cao tuổi khi mùa đông đến thì nâng cao sức đề kháng của người cao tuổi bằng cách đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất, tăng bữa và chia bữa liên tục đồng thời giữ ấm cơ thể là các phương án hiệu quả nhất. Để đảm bảo sức khỏe trong mùa đông, nên chú ý thực hiện một số biện pháp sau:

Giữ ấm cơ thể

Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài bằng áo khoác, khăn quàng cổ, mũ, đi tất dày. Mặc đủ ấm giúp cơ thể tránh được sự mất nhiệt khi trời lạnh. Có thể dùng khăn che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh và khô dễ bị viêm mũi họng, thậm chí viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Mặc ấm càng cần thiết đối với một số người bị chứng dị ứng do lạnh: mẩn ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen.

Tạo một môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ nên có rèm hoặc kính che bớt gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều.

Ăn đủ chất

Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét. Mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn calo nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm.

Chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên dồn ép vào 1-2 bữa trong ngày sẽ làm cơ thể người già khó hấp thu. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calo và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối vì có thể là nguyên nhân mất ngủ do đầy bụng chướng hơi

Tập luyện đều đặn

Tập luyện đều đặn giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, cơ không bị teo, nhão; giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái; củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp; giảm đường huyết; giảm mỡ máu; ăn uống dễ tiêu và giúp cho cơ thể tăng khả năng chịu lạnh.

Khi tập thể dục, đi bộ…nên mặc áo khoác, khởi động kỹ cho người ấm lên sau đó mới bỏ áo ngoài và tập luyện. Người cao tuổi nên chú ý chỉ tập luyện sao cho vừa sức và không nên cố tập khi thời tiết quá lạnh.

Lưu ý một số bệnh người cao tuổi thường gặp vào mùa đông

Đột quỵ: Đột quỵ là từ gọi chung của những bệnh lý nhồi máu hoặc xuất huyết não, xảy ra từ từ hoặc đột ngột, gây nhiều biến chứng và di chứng nặng nề. Ở người già, do sự suy yếu của hệ thống mạch máu, máu đến nuôi não giảm sút nên dễ bị nhồi máu não, thiếu máu não. Đây là một bệnh khá phổ biến và nguy hiểm đến tính mạng của người cao tuổi.

Tăng huyết áp: Một người bị bệnh tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu cao hơn 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg. Người cao tuổi bị tăng huyết áp có thể do tăng từ các giai đoạn tuổi trưởng thành, tuổi trung niên, hoặc do ăn chế độ ăn uống nhiều mỡ, muối, nhưng thường nhất là do thành mạch bị xơ vữa nhiều, dẫn đến hẹp lòng mạch và tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp người cao tuổi không nên xem thường vì nó rất dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như như tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim,…

Chàm khô: Thời tiết lạnh và hanh khô mùa đông khiến da mất nước, giảm tiết mồ hôi và chất bã, đóng vảy. Vì vậy, mùa đông, người cao tuổi thường dễ bị khô da, nứt nẻ kèm theo ngứa, thậm chí còn dẫn đến tình trạng xuất huyết dưới da.

Bệnh về khớp: Thời tiết lạnh ẩm sẽ khiến các cơ đau xương khớp ở người cao tuổi trầm trọng hơn. Ba loại bệnh về xương khớp mà người cao tuổi thường gặp nhất khi đến mùa đông là viêm khớp dạng thấp, thấp tim và gút.

Viêm phế quản, viêm phổi: Các vi sinh vật gây bệnh về đường hô hấp sẽ phát triển thuận lợi khi sức đề kháng của người cao tuổi sút giảm trong điều kiện môi trường có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, khí áp thấp.

Đái tháo đường: Có nhiều nguyên nhân và cơ chế giải thích bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi. Có thể do gan suy yếu theo tuổi già kéo theo sự suy giảm quá trình sử dụng và chuyển hóa đường trong cơ thể; do các cơ quan giảm nhạy cảm với hormon Insulin; hoạt động của hormon Insulin không hiệu quả; tụy bị lão hóa nên giảm tiết Insulin,… Tất cả các cơ chế trên gây nên hậu quả tăng đường máu dẫn đến bệnh đái tháo đường./.

(Tổng hợp từ: Báo Dân tộc, Báo Sức khỏe đời sống, TTYT Phú Đông)

Xem thêm

Mang không khí chợ Tết về với cư dân cao niên Diên Hồng

Đã thành thông lệ mỗi năm khi những ngày Tết nguyên đán sắp cận kề, Diên Hồng lại tất bật tổ chức Chợ Tết, với mong muốn mang đến cho ông bà đang an dưỡng tại trung tâm một cái Tết được vẹn tròn, cả hương lẫn vị bằng việc tái hiện lại không gian chợ Tết xưa và nay.

Cơ sở 1 là cơ sở nổ phát súng đầu tiên tổ chức chợ Tết vào ngày 14/01/2022 với quy mô cực kỳ hoành tráng. Ở Chợ Tết năm nay mỗi cụ sẽ được tặng 20 xu để mua hàng tại các gia hàng của chợ Tết. Tất cả các sản phẩm được bày bán trong chợ đều đồng giá 10 xu với rất nhiều đồ ăn ngon và cả những món quà cực kỳ hấp dẫn.

Ngoài ra không thể không kể đến những tiết mục văn nghệ đặc sắc, được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi toàn thể cán bộ nhân viên từ cả 3 cơ sở của Diên Hồng.

Các cụ còn đóng góp rất nhiều tiết mục văn nghệ như hát, đọc thơ, song ca cùng các bạn điều dưỡng cực hay và tình cảm.

Theo sau cơ sở 1 là chợ Tết của cơ sở 2 được tổ chức vào ngày 18/01 cũng không hề thua kém về quy mô và sức hút. Hội chợ cơ sở 2 tái hiện không gian chợ Tết xưa với những nét truyền thống, trò chơi dân gian. Các cụ còn được mua sắm những món đồ gần gũi với ngày Tết như khung tranh trang trí, cành đào, mứt dừa, bao lì xì.

Đặc biệt cơ sở 2 năm nay có gian hàng trò chơi cực kỳ quen thuộc là phi bóng bay nhận quà thu hút sự quan tâm của không chỉ các cụ mà còn của các cán bộ nhân viên.

Bên cạnh đó, cơ sở 2 cũng là cơ sở duy nhất có chuyên mục “Trò chuyện ngày xuân” với các ông bà đang an dưỡng tại đây. Các cụ đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị và còn tặng rất nhiều quà cho trung tâm.

Mới khai trường và đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2021, đây là năm đầu tiên cơ sở 3 tổ chức chương trình Chào Xuân và chợ Tết. Thế nhưng về quy mô và mức độ hoành tráng thì không hề thua kém hai cơ sở còn lại đâu nhé.

Phiên chợ tấp nập tiếng chào mời mua bán, tiếng nói cười rôm rả và cả những bài hát mang đậm không khí Tết làm cho ai nấy đều cảm thấy xuân đang đến thật gần.

Một phiên chợ Tết qua đi, nhưng giá trị tinh thần nó mang lại sẽ còn mãi trong lòng các ông bà, và tất cả mọi người. Nụ cười của các cụ chính là động lực để toàn thể cán bộ nhân viên để Diên Hồng đã, đang và sẽ luôn luôn cố gắng nỗ lực hơn nữa. Một mùa xuân mới đang về, xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các cụ đang an dưỡng tại trung tâm, chúc các cụ thật nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc.

Xem thêm

Gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão ở có phải là bất hiếu? Góc nhìn từ 2 phía

Người Việt thường có quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”. Vậy nên, không ít người cho rằng, khi cha mẹ về già mà không tự tay chăm sóc, gửi vào viện dưỡng lão là bất hiếu?

Định kiến ‘bất hiếu’ cản trở con đưa mẹ vào viện dưỡng lão

Mẹ bị tai biến nằm một chỗ hơn một năm nay cũng là quãng thời gian chị Nguyễn Thu Hằng (39 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) không thể yên lòng về cuộc sống tuổi xế chiều của mẹ.

Nhà chị Hằng có 2 chị em gái, cả 2 đều đã lập gia đình và có cuộc sống riêng của mình.

Từ ngày bố mất, mẹ chị Hằng sống một mình, tự chăm lo cuộc sống bản thân bằng tiền lương hưu hàng tháng.

Hơn một năm trước, khi mẹ chị Hằng được 70 tuổi thì bất ngờ bà bị tai biến, liệt nửa người bên trái nên bà phải nằm một chỗ.

Để tiện chăm sóc mẹ già yếu, ốm đau, chị Hằng cùng em gái thuyết phục mẹ chuyển đến nhà của 1 trong 2 cô con gái để sống cùng con cháu.

Nhưng do tâm lý tuổi già chỉ thích sống ở nơi quen thuộc, muốn sống ở nhà mình nên mẹ chị Hằng nhất quyết không chuyển.

Chiều mẹ, chị Hằng tìm người giúp việc chăm sóc bà và 2 chị em cắt cử nhau mỗi người đến thăm bà một ngày để tiện việc theo dõi chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt của mẹ.

Nhiều gia đình lựa chọn gửi bố mẹ già vào Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng để được chăm sóc tốt hơn

Vì ở xa nhà mẹ, lại bận đi làm, bận con nhỏ nên chị Hằng và em gái chỉ tranh thủ đến thăm mẹ được vài phút lúc nghỉ trưa hoặc khi đi làm về, đồng thời mua thức ăn dự trữ sẵn trong tủ để người giúp việc nấu ăn cho mẹ.

Còn người giúp việc, do không có kinh nghiệm chăm sóc người già ốm đau nên họ cũng chỉ có thể hỗ trợ nấu cơm, dọn nhà, cho bà ăn, vệ sinh cá nhân…

Thời gian rảnh người giúp việc nhà chị lại tranh thủ đi lượm nhặt đồng nát để bán kiếm thêm tiền.

“Tôi thuê người về để chăm sóc mẹ, không muốn mẹ ở nhà một mình nhưng cô giúp việc lại thường xuyên vắng nhà. Nhiều khi tôi đến thăm mẹ, ngồi cả tiếng đồng hồ vẫn không nhìn thấy cô ấy. Nhắc nhiều thì ngại mà đổi người thì khó…” – chị Hằng tâm sự.

Cũng từng đổi người chăm sóc mẹ nhưng có vẻ chị Hằng “không mát tay” trong việc tìm người. Có lần chị nhờ người quen tìm mãi mới được người ưng ý nhưng chị này lại hay về quê.

Hầu như tháng nào chị cũng có việc phải về quê 1-2 ngày và khi đó, chị em chị Hằng lại căng não để tính toán, ai đến trông mẹ trong những ngày cô giúp việc vắng nhà.

Áp lực nhất là dịp Tết, “Tết thì ai cũng phải về nhà mình ăn Tết, người giúp việc cũng vậy. Chị em tôi cũng có gia đình riêng, có nhà chồng nên cũng không thể ở bên mẹ suốt mấy ngày Tết. Đây là bài toán khó.

Tôi đã tính đến phương án gửi mẹ vào viện dưỡng lão để mẹ được chăm sóc chu đáo hơn, nhưng họ hàng lại bảo chị em tôi như vậy là bất hiếu. Chỉ mỗi việc chăm mẹ già mà còn đùn đẩy người ngoài…” – chị Hằng buồn bã chia sẻ.

Gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão ở có phải là bất hiếu?

Rất nhiều người có suy nghĩ con gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão ở là bất hiếu. Nhưng với bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi, ở Nam Sách, Hải Dương), người từng nhiều năm sống trong Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, “việc các con đưa mẹ vào viện dưỡng lão ở hoàn toàn không bất hiếu, mà là hành động có hiếu. Bởi, con lo cho mẹ một chỗ ở tốt khi về già, được chăm sóc chu đáo, yên tâm an dưỡng tuổi già thì còn gì hạnh phúc hơn”.

Kể về hoàn cảnh của mình, bà Biển cho biết, bà có 6 người con thì có 3 người đang sinh sống ở nước ngoài, 3 người ở trong nước nhưng đều có gia đình riêng.

Vợ chồng bà sống ở nhà riêng, không gần con cháu, đến khi ông mất bà Biển sống một mình, tự lo cho cuộc sống của mình.

Các con bà Biển cũng ngỏ ý mời mẹ đến sống cùng mình nhưng bà từ chối vì bà không muốn phiền đến các con.

Nhưng để mẹ một mình lại có nhiều điều lo lắng, nhất là những lúc ốm đau không ai biết, không ai chăm sóc.

“Không phải là tôi không thích ở cùng các con mà là tôi thương con cháu. Vì nếu tôi ở cùng với các con, các cháu thì con cháu sẽ vất vả với tôi, phải chăm sóc tôi, nhất là những lúc tôi ốm đau chúng sẽ rất mệt mỏi. Vậy nên, để tốt cho tôi, tốt cho các con, tôi quyết định vào viện dưỡng lão ở” – bà Biển chia sẻ.

Với bà Nguyễn Thị Biển, các con lo cho bà có cuộc sống thoải mái, được chăm sóc chu đáo ở viện dưỡng lão là hành động có hiếu

Cũng có người quen khuyên bà Biển thuê người giúp việc chăm sóc mình, như vậy sẽ được ở nhà của mình tự do thoải mái.

Tuy nhiên, bà Biển cho rằng, việc thuê người giúp việc có rất nhiều phiền phức. Để chọn được người ưng ý mình sẽ rất khó. Gặp được người tốt thì không sao, gặp phải người không tốt thì suốt ngày phải đề phòng họ, phải căng thẳng đầu óc để nghĩ xem cần ứng xử với họ như thế nào.

“Còn ở viện dưỡng lão thì văn minh hơn rất nhiều. Nhân viên ở đây được đào tạo bài bản để chăm sóc người già. Các bạn nhân viên vừa trẻ, vừa ngoan, được tiếp xúc với những người trẻ trung, vui nhộn sẽ làm mình vui, trẻ ra, tôi rất thích điều đó.

Hơn nữa, quan hệ giữa tôi với các cháu nhân viên tại trung tâm là quan hệ ngang hàng nhau, không phải mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc. Mối quan hệ rất vui vẻ, hài hòa, các cháu giúp bà, bà yêu mến các cháu, rất thoải mái” – cụ bà vui vẻ nói.

Căn phòng bà Biển ở có lẽ là căn phòng đẹp nhất của trung tâm, phòng ở ghép 2 người, rộng gần 40m2, với đầy đủ tiện nghi, chi phí mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng.

“Đây là tôi khỏe mạnh không cần các dịch vụ chăm sóc khác đi kèm. Còn đối với các cụ sức khỏe yếu, đi lại khó khăn…, mỗi dịch vụ thêm như tắm gội, xoa bóp, châm cứu, phục vụ vệ sinh cá nhân… sẽ phải tốn thêm tiền để có người giúp đỡ.

Lương hưu của tôi không đủ để chi trả cho các dịch vụ trong viện dưỡng lão. Vậy nên các con của tôi lo hết các chi phí ăn ở tại đây.

Các con bỏ một số tiền khá lớn để tôi chỉ việc xách đồ đến ở trong không gian sạch đẹp, có người chăm sóc từng giờ, có người trò chuyện vui vẻ, tham gia các hoạt động tập thể… Nếu nhớ nhà, nhớ con cháu thì chỉ cần gọi điện là có người đến đón về chơi. Như vậy sao gọi là bất hiếu được, là rất có hiếu đó chứ” – cụ Biển nói.

Tuy nhiên, sống xa con cháu cũng không tránh khỏi những lúc bà Biển nhớ người thân. Những lúc như vậy bà sẽ gọi điện thoại, gọi video, gửi tin nhắn cho các con, các cháu.

Thú vui khác của cụ bà 89 tuổi để vơi đi nỗi nhớ con, cháu là đọc sách, đọc truyện hàng ngày. Việc cuốn vào tình tiết của truyện, cuốn vào diến biến tâm lý của nhân vật trong truyện làm cụ Biển không có nhiều thời gian để nghĩ đến những chuyện không vui.

Bà Biển còn có sở thích là xem lại những kỷ vật, đọc lại những bài thơ mà người chồng quá cố đã viết tặng mình. Chính vì có những niềm vui riêng nên cuộc sống của bà trôi qua rất thoải mái, vui vẻ.

Bà Biển cùng các cụ tại Diên Hồng trong chương trình Chào xuân 2022

Bà không yêu cầu các con, cháu vào thăm mình vì bà thương con, cháu đi đường xa vất vả, vào ngồi 1 lúc lại phải về không giải quyết được vấn đề gì. Cứ ở nhà, cần gì thì gọi điện thoại, nhắn tin. Như vậy, cả bà Biển và các con đều rất thoải mái.

Sống đơn giản nên bà cụ Biển cũng quan niệm rất đơn giản về hạnh phúc, “hạnh phúc nhất của một người là sống khỏe khỏe mạnh, khi chết nhẹ nhàng. Sống sao để có được tình yêu quý của các con, các cháu, chúng chỉ cần gọi hỏi thăm, nhắn cho mình mấy lời là hạnh phúc rồi”.

Theo An An/giadinhmoi.vn

Xem thêm

Cụ bà 83 tuổi quyết định bán đất trong ‘phút mốt’, ‘chuyển nhà’ vào viện dưỡng lão

Không muốn phiền con cháu, cụ bà Vũ Thị Dành (83 tuổi) đã quyết định bán một nửa đất ở quê chỉ trong ‘phút mốt’ và đưa chồng bị tai biến vào ở trong viện dưỡng lão.

Như bao người cao tuổi khác, sau khi về hưu, vợ chồng bà Dành – ông Bưởi (91 tuổi) chuyển về quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương để dưỡng già mà không muốn phiền đến 4 người con.

Với tiền lương hưu của 2 người, chi phí ở quê lại không quá đắt đỏ nên cuộc sống của ông bà trôi qua vui vẻ, thi thoảng ông bà lại đi thăm con cháu đang sinh sống ở các tỉnh thành khác.

Biến cố bắt đầu xảy ra khi bà Dành bỗng dưng bị đau lưng dẫn đến đi lại khó khăn và ông Bưởi bất ngờ bị tai biến gây ảnh hưởng đến vận động.

Hai lần đầu bị tai biến nhẹ nên ông Bưởi phục hồi tốt, vẫn vận động được, nhưng đến lần thứ 3 thì ông bị nặng hơn, không nói được, không đi lại được, phải nằm một chỗ chờ người phục vụ.

Cụ bà Vũ Thị Dành (83 tuổi) chia sẻ về những kỉ niệm, những chuyến đi của hai vợ chồng khi còn khỏe

“Nếu không vào đây, có thể tôi và chồng đã ra đi từ lâu rồi” – bà Dành trầm ngâm nhớ lại.

Vì đau lưng không đi lại được, chồng thì nằm một chỗ nên cụ bà gọi các con về bàn chuyện mượn người chăm sóc.

Nhưng ở quê tìm người phù hợp cũng khó nên bà trả 12 triệu một tháng để người con rể thứ 2 nghỉ việc về quê chăm sóc vợ chồng mình, kèm theo đó nhờ một người phụ giúp dọn dẹp, nấu cơm hàng ngày.

Mặc dù số tiền chi trả thuê người chăm sóc khá cao nhưng cả con rể và người ngoài đều không có kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc người già, nhất là người bị tai biến, nên tay chân lóng ngóng, gặp rất nhiều khó khăn khi giúp ông thay bỉm, vệ sinh, trở mình…

“Khoản ăn uống của chúng tôi cũng không ra gì, ngày nào thực đơn của tôi cũng quanh quẩn với rau bắp cải, rau xà lách luộc, còn ông thì cháo ninh xương rau củ. Đồ ăn không đủ dinh dưỡng như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe.

Hơn nữa, khu vực gần nhà tôi người ta đang xây dựng nên luôn ồn ào, bụi bặm, ẩm thấp, mùi cống bốc lên rất khó chịu. Suy tính về chất lượng cuộc sống và về sức khỏe của cả 2 vợ chồng, tôi quyết định vào viện dưỡng lão ở” – Bà Dành tâm sự.

Bà Dành và ông Bưởi chụp ảnh trong dịp Tết tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng

Bán đất trong ‘phút mốt’ để lấy tiền đi dưỡng lão

Quyết định đi viện dưỡng lão ở của bà Dành làm các con bà cũng “thở phào” vì sẽ bớt đi phần nào lo lắng cho sức khỏe bố mẹ khi con cái không thể luôn luôn ở gần chăm sóc.

Quen với việc tự chủ và không muốn làm phiền đến các con nên bà Dành tính toán chi phí khi đi viện dưỡng lão.

Qua người quen của con gái giới thiệu, bà biết đến một trung tâm dưỡng lão ở Hà Nội với mức chi phí hơn 20 triệu đồng mỗi tháng cho 2 vợ chồng.

Tiền lương hưu của 2 người không đủ chi trả nên bà Dành đi đến quyết định bán một nửa đất đang ở để “chuyển nhà” vào viện dưỡng lão.

“Vừa nảy ra ý tưởng bán đất là tôi chạy ngay ra đầu ngõ nói với mấy người hàng xóm rằng, biết ai mua đất thì mách để tôi bán. Lúc đầu mọi người cứ nghĩ tôi nói đùa.

Rao bán được khoảng nửa tiếng thì một người hàng xóm sang hỏi mua, tôi bán luôn với giá 2 tỷ mà không cần bàn với các con. Người ta đặt cọc trước 1 tỷ, vài ngày sau thanh toán nốt số tiền còn lại.

Ngay lập tức, tôi cầm luôn số tiền đặt cọc đến đăng ký cho 2 vợ chồng ở tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội)” – cụ bà Vũ Thị Dành vui vẻ kể lại.

Là một người tháo vát và quyết đoán nên chỉ trong vài tiếng đồng hồ bà Dành đã bán đất “chuyển nhà” đến viện dưỡng lão. Nhưng quyết định nhanh nhảu đó của bà cũng gặp phải phản ứng của con trai.

Vì bà bán đất khi ông đang ốm, lại không bàn bạc với các con nên người con trai của bà trách “bà bán đất gì mà như bán đồ đi ăn trộm, bán vội bán vàng mà chạy”.

Trước lời trách móc của con trai, bà Dành vẫn giữ vững quan điểm “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”.

Vợ chồng bà đã tần tảo làm lụng lo cho cả 4 người con có cuộc sống ổn định của riêng mình, mảnh đất này là của để dành của ông bà.

Không muốn sống dựa dẫm vào con cháu nên bà bán tài sản do 2 vợ chồng làm ra để chăm lo cuộc sống của mình.

Niềm vui mỗi ngày của bà Dành là nói chuyện cùng ông Bưởi, cùng ông tập đếm, tập nói, vận động tay chân

Nuôi con, cháu để sau này già có người phụng dưỡng?!

Rất nhiều người Việt có suy nghĩ dựa vào con cháu khi về già. “Nuôi con, cháu để sau này về già, con cái chăm sóc, phụng dưỡng, chờ đấy”. Đó là câu trả lời của bà Dành khi được mọi người hỏi về việc sống dựa vào con cháu khi tuổi xế chiều.

Cụ bà 83 tuổi cho rằng, con cái dù có thương bố mẹ đến đâu cũng không thể luôn luôn bên cạnh bố mẹ và không phải ai cũng có điều kiện để sống gần bố mẹ.

“Như nhà tôi, 4 người con mỗi người lấy vợ, lấy chồng và sinh sống ở các tỉnh thành khác nhau nên không thể ở bên cạnh bố mẹ mãi được.

Vào viện dưỡng lão tôi cũng không thể đòi hỏi các con chu cấp cho mình mỗi người vài triệu đồng mỗi tháng. Bởi, cuộc sống của các con cũng có khó khăn, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp.

Vậy nên, việc mình tự chủ được về kinh tế là tốt nhất, vừa thoải mái cho mình, vừa giảm bớt áp lực cho các con.

May mắn là vợ chồng tôi đã có sự chuẩn bị cho cuộc sống khi về già nên không gặp quá nhiều áp lực” – bà Dành chia sẻ.

Đến nay hai vợ chồng bà Dành đã sống ở viện dưỡng lão được 2 năm, căn phòng họ ở rộng khoảng 30 m2, với đầy đủ tiện nghi như ở nhà. Mỗi tháng ông bà phải trả hơn 20 triệu chi phí ăn ở và các dịch vụ chăm sóc.

Bà Dành (bên phải) tham gia du lịch và chụp ảnh kỉ niệm do trung tâm dưỡng lão tổ chức

Tại trung tâm dưỡng lão, nhân viên được đào tạo bài bản về chăm sóc người già nên từ việc cho ông Bưởi ăn, thay bỉm cho ông họ làm rất đơn giản, nhẹ nhàng, khiến ông không bị khó chịu như hồi còn ở nhà. Nhờ được chăm sóc tốt mà sức khỏe của ông có xu hướng cải thiện rõ rệt.

Ngoài chăm sóc vệ sinh cá nhân, ăn uống, ông Bưởi còn được nhân viên tại trung tâm theo dõi huyết áp hàng ngày, theo dõi đường huyết hàng tuần vì ông bị tiểu đường, được xoa bóp bấm huyệt, tập vận động tay chân… Đó là điều làm bà Dành an tâm nhất.

“Vì nếu vợ chồng tôi ở nhà, sẽ không có người hiểu biết về y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho ông. Ở đây có người theo dõi thường xuyên, có dấu hiệu bất thường sẽ được phát hiện, xử trí và đưa đi cấp cứu kịp thời” – cụ bà bộc bạch.

Còn với bản thân bà Dành, lúc mới vào trung tâm bà không đi lại được, phải nằm võng vì đau lưng. Bà tập bò khắp phòng, khắp hành lang đến nỗi 2 đầu gối trầy xước. Nhân viên trung tâm ngỏ ý muốn giúp bà trong sinh hoạt hàng ngày nhưng bà từ chối.

“Bà gọi mấy đứa thì cái gì các cháu cũng làm giúp bà, bà thành ì, sẽ bị phụ thuộc, không vận động dẫn đến liệt nằm một chỗ thì khổ lắm, nên bà chọn cách tự mình cố gắng để làm mọi việc” – bà Dành nói.

Bỏ ngoài tai mọi lời bàn tán của mọi người về việc bà ngày ngày bò khắp nơi, với nỗ lực và sự kiên trì tập luyện, bà Dành đã đứng lên đi lại được bằng xe chữ U. Dần dần, bà bỏ xe, bám theo tường, chống gậy và giờ thì bà đã đi lại được bình thường.

Sức khỏe ông Bưởi cũng tốt lên trông thấy. Hàng ngày đều có nhân viên đến trở mình và xoa bóp cho ông. Dù không nói được, ông vẫn nhận biết, cùng phối hợp với nhân viên tập nâng tay, nâng chây, tập đếm, tập nói hàng ngày.

Sau 2 năm gắn bó với viện dưỡng lão, giờ ông bà coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Giờ đây, cuộc sống của bà Dành trôi qua vui vẻ bên ông, cùng ông tập cử động tay chân, cùng ông tập đếm, tập nói, kể chuyện cho ông nghe, chơi với các con cháu những dịp cuối tuần “đến thăm nhà” ông bà… và thi thoảng trò chuyện với những người hàng xóm, tham gia các hoạt động tập thể do trung tâm tổ chức.

Theo An An/giadinhmoi.vn

Xem thêm

Sắc đỏ ngày Tết tràn ngập Diên Hồng cơ sở 3

Không phải tự nhiên mỗi dịp Tết đến xuân về, ta lại thấy sắc đỏ tràn ngập khắp các ngõ ngách, phố phường. Bởi theo quan niệm của người xưa, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và tài lộc, phù hợp với không khí sum vầy và thiêng liêng của dịp Tết. Và sắc đỏ cũng đang ngập tràn tại Diên Hồng cơ sở 3 như tín hiệu báo rằng Tết nguyên đán đang cận kề.

Mới khai trường và đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2021, đây là năm đầu tiên đón năm mới của cơ sở 3. Chính vì vậy nên không chỉ cán bộ nhân viên mà các cụ cũng rất hào hứng. Hiểu được tâm lý của các cụ, Diên Hồng đã lên kế hoạch để chụp một bộ ảnh Tết thật hoành tráng. Bà Hồng và bà Mão còn đầu tư hẳn hai bộ áo dài để lên ảnh cho xịn xò.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn ra phức tạp nên bộ ảnh đã được thực hiện ở ngay trong khuôn viên của Diên Hồng. Chỉ với phông nền đỏ, chậu cúc vàng và bó hoa dơn là các cụ đã có những bức ảnh mang đậm không khí Tết rồi. Mời các bác cùng ngắm bộ ảnh của các cụ nhà em ạ!

Xem thêm