Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Chợ tết truyền thống của người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng 

Ngày 04 tháng 01 năm 2023, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 3 và cơ sở 4 tổ chức hội chợ Tết cho người cao tuổi đang sinh hoạt tại Trung tâm với nhiều hoạt động phong phú và tôn vinh các giá trị truyền thống.

 

Tết đến, người người, nhà nhà nô nức đi chơi, sắm sửa thì các ông bà ở Diên Hồng không phải ai cũng có đủ sức khỏe để tự mình đi chợ, mua sắm. Vì thế nên hằng năm, để các ông bà được hòa mình vào không khí chợ Tết tấp nập, được mua bán, sắm sửa như tất cả mọi người, trung tâm đều tổ chức hoạt động hội chợ Tết cho người cao tuổi. Mỗi năm chợ tết lại được tổ chức theo một chủ đề khác nhau, có năm là chợ tết xưa với các gian hàng bằng mái lá cọ truyền thống, có năm theo phong cách hiện đại với các gian hàng thương mại điện tử, có livestream bán hàng… Chính vì thế nên năm nào các cụ Diên Hồng cũng háo hức chờ đến chợ Tết để xem có gì mới. Năm nay, BTC chương trình đã mang đến một không khí chợ tết rất Hà Nội với những gian hàng thời trang, đồ khô, hoa tươi và cả những trò chơi truyền thống quen thuộc mỗi dịp tết đến.

Quầy đồ gốm

Xe hoa đặc trưng của Hà Nội

Chia sẻ về chủ đề của chương trình chợ tết 2023, chị Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trải nghiệm của các cụ ở Diên Hồng luôn được trung tâm đặt lên hàng đầu. Người già thường gắn với những kỷ niệm ngày xưa nên những hoạt động truyền thống luôn thu hút sự chú ý của các cụ. Trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam có nhắc đến những đứa trẻ mong ngóng chờ đợi chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện mang đến một thế giới khác – một vùng sáng rực và lấp lánh. Con tàu đánh thức hồi ức vui vẻ, đủ đầy mà chị em Liên đã từng được sống. Và con tàu mang biểu tượng của niềm vui và hy vọng. Năm 2023 được dự báo với sự u ám của tình hình kinh tế thế giới nên bản thân các cụ Diên Hồng cũng có nhiều trăn trở cho tương lai của con cháu. Chính vì vậy, BTC lấy chủ đề Tết Hà Nội như một lời chúc, lời nhắn nhủ đến các cụ: Hãy đón năm mới với nhiều hy vọng tươi sáng bởi điều tốt đẹp sẽ đến”

Tiết mục trình diễn áo dài của nhân viên và các cụ bà

Trong chợ Tết, các cụ bà ở Diên Hồng cùng nhau trình diễn thời trang áo dài trong niềm hân hoan và không khí xuân tưng bừng. Với nhiều cụ, đây là lần đầu tiên trình diễn thời trang như không gì là không thể đối với các cụ Diên Hồng bởi các cụ luôn hết mình trong bất kỳ hoạt động nào. Chính niềm vui sống đã mang đến cho các cụ một sức khỏe dẻo dai mà không loại thuốc bổ nào có thể sánh được. Và niềm vui khi xuân về lại thọ thêm một tuổi, lại thêm những trải nghiệm mới khiến cho các cụ Diên Hồng ngày hôm nay đều tươi tắn và rạng rỡ hơn hẳn ngày thường dù chẳng cần tô son điểm phấn.

Các cụ cũng sôi nổi trong cuộc thi gói bánh chưng. Dù không dùng khuôn nhưng các cụ vẫn cố gắng làm nên những chiếc bánh chưng vuông vắn. Các cụ khác thì được làm giám khảo chấm thi nên đều phấn khởi và hào hứng.

Ngoài việc mua sắm các món hàng trong chợ tết như hoa, tranh hàng trống hay tranh vẽ màu nước, đồ gốm sứ, bánh kẹo, các món ăn truyền thống như bánh xu xê, bánh gai, bánh cốm,…các cụ còn được tự tay trang trí những chiếc lì xì, xin chữ và tham gia vào các trò chơi truyền thống như bịt mắt bắt vịt, đập niêu. Tiệm ảnh thanh xuân giúp các cụ và gia đình ghi lại kỷ niệm cùng nhau đi chơi chợ tết. Nhìn cảnh tượng các cụ bà mặc áo dài xúng xính bịt mắt khua khua túm cổ vịt mới thấy tinh thần hết mình của các cụ.

Các cụ rộn ràng mua sắm ở gian ẩm thực

Gian hàng làm lì xì

Trò chơi đập niêu

Trò chơi bịt mắt bắt vịt

Kết thúc chợ tết, các cụ ai cũng phấn khởi, tay xách nách mang vì mua được rất nhiều đồ ưng ý.

Bà Triệu Thị Phương Xuyến (80 tuổi) tay xách từng món đồ to nhỏ chia sẻ: “Chợ tết vui quá, thích ơi là thích. Đồ ăn ở gian hàng ẩm thực vừa đa dạng lại rất ngon, mấy cô đầu bếp Diên Hồng khéo đấy. Dù phải đi ô tô từ cơ sở 4 sang cơ sở 3 nhưng bà không thấy mệt gì, bà đã tiêu hết sạch số tiền mình mang theo.

Bà Bùi Thị Tiện (77 tuổi) thì hào hứng kể lại: “Bà thích nhất là màn thi gói bánh chưng. Cả đời bà có gói bánh chưng bao giờ đâu, thế mà được các cháu hướng dẫn xong rồi đi thi và còn được giải nhất. Sức khỏe giờ kém rồi, bảo đi chợ tết thì khó mà các cháu mang cả 1 cái chợ tết to đùng với nhiều hoạt động như thế đến đây như thế này thì các ông bà vui lắm. Bà cảm thấy như trẻ lại”.

Cứ đến dịp cuối năm chợ tết Diên Hồng lại trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các cụ cũng như cán bộ nhân viên tại trung tâm.

Xem thêm

10 dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ ở người già

Sa sút trí tuệ là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên không phải người già nào cũng bị, việc nhận ra những triệu chứng ban đầu của bệnh sẽ giúp cho việc can thiệp, điều trị đạt hiệu quả cao.

Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất cho bệnh sa sút trí tuệ ở người già.

Dấu hiệu 1: Mất trí nhớ ngắn hạn
Việc quên một điều gì vừa xảy ra có thể gặp ở cả người trẻ. Tuy nhiên, một người sa sút trí tuệ có thể quên mọi thứ thường xuyên hơn hoặc có thể gặp khó khăn trong việc nhớ lại thông tin, sự việc vừa xảy ra. Họ hay hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi. Biểu hiện hay gặp là ăn rồi nhưng lại bảo chưa ăn, tắm rồi nhưng bảo chưa tắm,…

Dấu hiệu 2: Khó thực hiện các công việc quen thuộc
Những người mắc bệnh thường khó hoàn thành các công việc hàng ngày như nấu ăn, thay đồ, mặc đồ. Đôi khi họ có thể gặp khó khăn khi đến một địa điểm quen thuộc như nhà con cái, chợ,….Do đó người bị bệnh rất dễ đi lạc

Dấu hiệu 3: Rối loạn ngôn ngữ

Bất cứ ai cũng có thể gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ để diễn đạt những gì họ muốn nói. Nhưng với người bệnh họ có thể quên những từ đơn giản hoặc thay thế bằng những từ khiến chúng ta khó hiểu. Vì vậy một số trường hợp người bệnh thường hay nói nhảm, nói linh tinh.

Dấu hiệu 4: Mất phương hướng về thời gian và địa điểm
Bạn đã bao giờ quên hôm nay là thứ mấy trong tuần hay không thể nhớ tại sao mình lại vào phòng ngủ? Nó xảy ra cho tất cả chúng ta. Những người mắc chứng mất trí nhớ có thể bị lạc trên con đường của chính họ, không biết làm thế nào họ đến đó hoặc làm thế nào để về nhà.

Dấu hiệu 5: Nhầm lẫn thời gian hoặc địa điểm
Người mắc bệnh có thể không còn ký ức về ngày, tháng, năm mùa và thời gian trôi qua. Ở dấu hiệu nặng người bệnh có thể quên cả tên, tuổi, họ cũng không biết mình đang ở đâu.

Dấu hiệu 6: Gặp vấn đề về tư duy trừu tượng
Với người sa sút trí tuệ, họ có thể gặp khó khăn với tư duy trừu tượng. Khả năng nhận biết về khoảng cách, điều hướng, độ tương phản, không gian của họ bị giảm.

Dấu hiệu 7: Đặt nhầm đồ và mất khả năng quay lại các bước
Việc để nhầm đồ là dấu hiệu dễ nhận biết nhất với người sa sút trí tuệ. Họ có thể mang bát đũa cho vào tủ quần áo, mang quần áo cho vào tủ lạnh,…. Do đó họ hay bị mất đồ và không thể quay lại các bước của mình để tìm lại.

Dấu hiệu 8: Thay đổi tâm trạng và tính cách
Họ có thể trở nên bối rối, nghi ngờ, chán nản, sợ hãi hoặc lo lắng. Họ có thể dễ dàng khó chịu khi ở nhà, với bạn bè hoặc khi ra khỏi vùng thoải mái của họ. Hoặc trong thời gian ngắn họ có những thay đổi tâm trạng khác nhau, từ bình tĩnh đến tức giận rồi lại vui vẻ mà không có lý do rõ ràng.

Dấu hiệu 9: Trở nên thụ động
Nếu một người có tính cách hoạt bát, hòa đồng và chủ động trong mọi việc đột nhiên họ trở nên thụ động, không quan tâm thì có thể họ đang có biểu hiện của sa sút trí tuệ. Họ không còn hứng thú với các hoạt động xã hội.

Dấu hiệu 10: Suy giảm hoặc khả năng phán đoán kém
Người già có thể trải qua những thay đổi trong phán đoán hoặc ra quyết định. Ví dụ, họ có thể phán đoán kém khi giải quyết vấn đề tiền bạc. Thậm chí họ không biết tính toán với những con số.

Xem thêm

Tết sẻ chia – chương trình thiện nguyện tại xã Đoàn Kết, Đà Bắc, Hoà Bình

Ngày 27/12 vừa qua, đoàn thiện nguyện Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã có mặt tại xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình để gửi tặng 70 suất quà cho các cụ già neo đơn và các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đà Bắc là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình. Nơi đây có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Xã Đoàn Kết (Đà Bắc) lại là một xã vùng sâu vùng xa của Huyện. Vì thế Ban tổ chức lựa chọn xã Đoàn Kết là điểm đến với mong muốn sẻ chia với bà con trong những ngày cuối năm. Những món quà trao tặng tuy nhỏ bé về vật chất, nhưng tinh thần thì luôn lớn lao. Hi vọng sẽ là nguồn động viên cho những gia đình dân tộc thiểu số khó khăn.

Chương trình thiện nguyện được phát động từ ngày 12/12/2022. Sau 10 ngày phát động Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều tấm lòng hảo tâm đến từ cán bộ nhân viên, gia đình người cao tuổi và các mạnh quân. 70 suất quà cũng được chuẩn bị để gửi đến tay người dân.

 

Phát biểu trong chương trình, chị Trần Thị Thúy Nga, đại diện cho công ty chia sẻ: “Với sứ mệnh của công ty là sẻ chia trách nhiệm vẹn tình yêu thương, vì vậy vừa qua công ty đã phát động phong trào thiện nguyện kêu gọi toàn thể nhân viên cùng chung sức phát huy tinh thần tương thân tương ái. Xã Đoàn Kết chính là điểm dừng chân của đoàn thiện nguyện, thực sự khi vào xã đường đi rất gập ghềnh, xa chợ, xa trung tâm nên chúng tôi thấu hiểu phần nào sự khó khăn của mọi người. Rất mong món quà nhỏ mà chúng tôi chuẩn bị sẽ góp phần giúp cho cái tết của người dân thêm trọn vẹn”.

Có thể nói chặng đường 5h đồng hồ từ Hà Nội lên xã Đoàn Kết là một hành trình ý nghĩa với các thành viên trong đoàn. Nhiều người chia sẻ đây là lần đầu tiên họ được tự tay chuẩn bị quà và trao tặng các món đến người dân.

Để có được thành công của chương trình, Diên Hồng gửi lời cảm ơn đến toàn thể cán bộ nhân viên, gia đình của Người cao tuổi, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân. Hy vọng Diên Hồng sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để lan tỏa yêu thương.

Xem thêm

Bí quyết dinh dưỡng khắc phục chứng biếng ăn ở người già

Khi về già các cơ quan, bộ phận trong cơ thể dần lão hóa và suy giảm chức năng, trong đó có hệ thống tiêu hóa. Răng rụng, giảm nước bọt, giảm vị giác, giảm khả năng hấp thu từ đó người già ăn kém hơn, lâu dần trở thành chứng biếng ăn. Bên cạnh đó một số tác động tâm lý cũng là nguyên nhân gây biếng ăn ở người già.

Ngay sau đây hãy cùng tìm hiểu cách khắc phục chứng biếng ăn của người già.

– Xây dựng thực đơn phong phú. Ăn đầy đủ dưỡng chất gồm chất đạm, chất xơ, Vitamin, khoáng chất,…Thường xuyên thay đổi, bổ sung những món ăn mà người già yêu thích. Bày biện, trang trí các món ăn bắt mắt để kích thích cảm giác thèm ăn của người già.

– Chế biến đồ ăn mềm, dễ ăn, dễ tiêu hóa. Do khả năng nhai nuốt và hấp thu dinh dưỡng kém nên thức ăn hàng ngày của người cao tuổi cần được chế biến mềm, nhừ. Các món: cháo, súp, canh hầm như: cháo gà, cháo sườn, súp gà… là những món ăn rất thích hợp cho người già biếng ăn. Đồng thời rất giàu dinh dưỡng, giúp người cao tuổi hấp thu tốt hơn.

– Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối. Sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu

– Tăng cường uống nước: Người già thường uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ. Nhưng nước cần để giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Cần uống từ 1,5-2 lít nước/ ngày, cần chủ động uống nước không chờ khát mới uống.

– Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Chia đều thời gian ăn thành các bữa ăn nhỏ, khoảng 4 đến 6 bữa trong ngày. Động viên người già ăn đúng giờ, không bỏ bữa.

– Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị. Một số loại gia vị, thảo mộc có thể giúp làm giảm cảm giác đầy hơi, chướng bụng. Từ đó, người già có cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng hơn. Như thì là, hạt tiêu, rau mùi,….

Một số thực phẩm tốt cho sức khỏe người già

– Protein thực vật. Nhu cầu protein cho người cao tuổi là từ 60-70g/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% tổng số protein. Còn lại là nguồn protein từ thực vật như: đậu đỗ, vừng lạc, đậu phụ… giúp thải lượng cholesterol, phòng bệnh tim mạch.

– Rau xanh và trái cây tươi. Người già cần chú ý ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để bổ sung vitamin và các chất khoáng cần thiết. Lượng chất xơ có nhiều trong thực phẩm lành mạnh như rau quả giúp kích thích nhu động ruột, tránh táo bón, phòng chống bệnh xơ vữa động mạch.

– Thực phẩm giàu kẽm. Hệ tiêu hóa ở người già không còn hoạt động tốt như trước dẫn tới dễ bị thiếu kẽm. Trong khi đó kẽm là yếu tố cần thiết để tăng sức đề kháng, giúp trí não người cao tuổi minh mẫn, tăng khả năng tập trung, tăng cường trí nhớ, ngủ ngon và ngủ sâu giấc. Vì vậy, trong bữa ăn nên chú ý bổ sung các loại thức ăn giàu kẽm như: Thịt bò, thịt lợn nạc, hải sản có vỏ như hàu, ốc, hến, sò, cua, tôm, trứng, sữa, phô mai, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, một số loại rau củ, các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng…

– Thực phẩm giàu vitamin nhóm B. Các thực phẩm giàu vitamin B1, B3, B5, B6, B12 như: thịt, cá,…

Xem thêm

Mùa Noel ngập tràn tiếng trẻ thơ tại Viện dưỡng lão

Mùa Noel năm nay, Diên Hồng cs2 rất may mắn khi được các cô trò từ trường mầm non Khai Minh Đức ghé thăm. Hơn 8h sáng, xe cập bến trung tâm. Từng bạn nhỏ trong màu áo cam bước ra khỏi xe, nối đuôi nhau bước vào. Ở trên hội trường, các ông bà cũng đã sẵn sàng để đón các bé tới chơi. Cụ nào cũng háo hức mong chờ. Các bạn báo các bé đang lên thang máy. Mọi ánh mắt của các cụ lúc này đổ dồn về phía thang máy. Ting. Thang máy mở ra, bên trong những gương mặt ngây thơ, non nớt vẫn đang ngoan ngoãn xếp hàng. Các bé nối đuôi nhau bước ra trong sự vẫy chào rất nhiệt tình của các cụ.

Vì được giáo dục rất tốt ở trường, các bé nề nếp lắm. Không hề chạy nhảy hay mè nheo, các bé ngoan đều nghe theo lời hướng dẫn của cô giáo, nhanh chóng ổn định vị trí. Các cụ vẫn chưa thể rời ánh mắt khỏi các bạn nhỏ. Những nếp nhăn cứ hiện lên bên cạnh những nụ cười hạnh phúc. 

Đến với buổi hôm nay, bé nào cũng tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ để dành tặng cho ông bà. Sau khi ổn định trên sân khấu, một bạn là lớp trưởng sẽ hô cho các bạn khoanh tay chào ông bà. Sự ngoan ngoãn, lễ phép này khiến ông bà u mê hết sức. Chưa kể đến sự đáng yêu của các bé khi biểu diễn văn nghệ trên sân khấu.

Cô Hiệu trưởng đã rất xúc động khi đến với Diên Hồng, khi được gặp các cụ đang an dưỡng tại đây. Theo lời chia sẻ của cô, khi nhìn thấy các cụ cô lại nhớ đến bố mẹ của mình, ông bà đã không còn trên đời nữa. Cô đã không kìm được cảm xúc, mặc cho những giọt nước mắt lã chã rơi. Những chia sẻ của cô cũng khiến cho các cụ xúc động. Không gian lúc đấy bỗng dưng lặng xuống. 

Các bé đang học tại trường mầm non Khai Minh Đức được giáo dục là luôn phải yêu thương ông bà, cha mẹ. Những món quà các bé mang đến Diên Hồng không chỉ là món quà tinh thần, là những tiết mục văn nghệ mà còn có cả những món quà khác đặc biệt hơn. Các bạn nhỏ sẽ hóa thân thành ông già Noel tặng quà cho các ông bà. Nhưng điều làm cho ông bà thích nhất, làm cho buổi giao lưu ngày hôm nay thêm phần đặc biệt đó là các bé ôm lấy ông bà, đấm lưng, bóp tay bóp chân cho ông bà. Những bàn tay bé xíu xiu cứ thoăn thoắt như đã quen thuộc. Ông bà thì cứ cười toe toét bảo sao mấy đứa này đáng yêu thế.

Các bé đang chuẩn bị quà tặng ông bà

Ông bà ai cũng vui vẻ nhận sự chăm sóc của các bé

 

Cả cô và trò trường mầm non Khai Minh Đức đều rất tình cảm và yêu thương ông bà

Sau khi chương trình trên hội trường kết thúc, các bé đi theo các cô xuống tặng quà cho các ông bà không lên tham gia chương trình được, để tất cả ông bà đều có quà Noel. Tình yêu thương và quan tâm đến ông bà của các bé làm cho tất cả các ông bà trung tâm trở nên vui vẻ, hạnh phúc gấp bội

Để thưởng cho sự ngoan ngoãn của các bé, ông già Noel đã xuất hiện tại trung tâm và mang đến một món quà mà bé nào cũng thích. Những quả bóng bay nhiều màu sắc được trao tay đến những em nhỏ đáng yêu của trường mầm non Khai Minh Đức.

Cảm ơn những sự đáng yêu mà các bé đem lại cho ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng. Vừa có những ông già Noel tí hon đến tặng quà, vừa nhận được tình cảm yêu thương ông bà của các bé. Thế là mùa đông năm nay, mùa Noel năm nay dù có lạnh giá thì vẫn là một mùa Noel siêu ấm áp, siêu đáng nhớ của các ông bà. 

Xem thêm

Live concert “Mùa yêu” đầy xúc cảm tại Viện dưỡng lão

“Hát cho mùa đông thôi giá băng… Mùa hạnh phúc…”

Sự thành công của live concert “Ký ức thời gian” tại cs2 đã làm mưa làm gió trên khắp các cơ sở của Diên Hồng. Từ các cụ đến các bạn nhân viên tại các cơ sở khác đều ao ước được tổ chức live concert tại cơ sở mình. Và thế là live concert 2 ra đời tại cơ sở 3 với bao sự mong chờ của những khán giả.

Khác với concert 1 làm sống lại những giai điệu hoài cổ, live concert 2 là những nỗi niềm, những yêu thương gửi trao hay cảm xúc của những mối tình còn dang dở. Sự đan xen giữa niềm hạnh phúc và đau khổ trong tình yêu đã tạo nên live concert 2 với tên gọi “Mùa yêu”. 

Live concert 3 với tên gọi “Mùa yêu”

Sân khấu được trang trí với sắc đỏ tượng trưng cho tình yêu

Những bài hát, những bài tình ca cất lên xua tan đi sự giá lạnh của mùa đông Hà Nội. Mở đầu live concert là bài hát “Katy Katy” của anh Lê Bắc như một lời nhắn đến với mọi người “Hãy cứ yêu, yêu đi đừng suy tư mãi”. Giọng hát đầy nội lực của anh luôn là phần mở màn ấn tượng để cho cả buổi live concert diễn ra thành công mĩ mãn.

Anh Lê Bắc luôn được ưu ái mở đầu chương trình

Đến với buổi concert này, ông Phạm Cương – một người chiến sĩ đã từng đóng quân tại chiến trường Tây Bắc đã lựa chọn bài hát “Tình ca Tây Bắc”. Bài hát vừa thể hiện sự ngọt ngào của tình yêu đôi lứa giữa chàng trai và cô gái ở vùng Tây Bắc, vừa mang theo tình yêu quê hương, đất nước. Từng câu hát như làm tái hiện lại quang cảnh của núi rừng Tây Bắc, được ngắm rừng cây xanh, suối mát và được tận hưởng không khí yên ả, thanh bình của vùng đồi núi trập trùng. 

Ông Phạm Cương vui vẻ thể hiện “Tình ca Tây Bắc”

Phần trình diễn song ca của bà Tiện và ông Lợi cũng vô cùng cuốn hút người xem. Bằng những câu hát quan họ, bằng tình yêu âm nhạc của 2 ông bà mà phần trình diễn trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Khi bà Tiện cất lên câu hát “Anh còn son, em cũng còn son. Ước gì ta được, ước gì ta được, về chung một nhà. Anh về, thưa với mẹ cha” mắt ông Lợi mở to ra, vẻ ngạc nhiên của ông không giấu đâu cho hết. Câu hát cũng làm bà Tiện phá lên cười. Chờ bà hát xong ông mới bảo “Tôi năm nay 96 tuổi, bây giờ mẹ cha tôi còn thì cũng phải trăm hai trăm ba, vậy nên chả cụ nào còn cả”. Với sự hóm hỉnh của mình, ông đáp lại bằng một câu hát “Em về thưa với các con, để cho chúng gật, ta còn gặp nhau,…”. Sự vui vẻ của ông bà trên sân khấu cũng như cách cả 2 ông bà vừa hát vừa múa tay theo nhạc khiến cho khán giả không thể rời mắt, cứ thế phiêu theo điệu nhạc.

Màn song ca tuyệt hảo của bà Tiện và ông Lợi cùng tình yêu quê hương Bắc Ninh

Tham gia live concert còn có tiếng hát của CBNV Diên Hồng. Những bài hát nhạc trẻ tuy có phần xa lạ với các cụ nhưng những cảm xúc được thể hiện qua bài hát hẳn là ai cũng có thể cảm nhận được, dù ở bất kì độ tuổi nào. “Giữa đại lộ Đông Tây”, “Ánh nắng của anh”, “Qua đêm nay”, “Bức thư tình đầu tiên”,… là những bản tình ca đã quá đỗi quen thuộc với giới trẻ được các bạn lựa chọn cho buổi lựa chọn cho buổi live concert ngày hôm nay.

Bạn Phan Trang xinh đẹp với giọng ca đầy cảm xúc

Bạn Hương Hạ mang đến những cảm xúc của người con gái xa người yêu với nỗi nhớ mong da diết

Chị Hoàng Ngân thể hiện bản tình ca “Bức thư tình đầu tiên”

Cặp đôi Sếp Tổng cứ lên sân khấu là cười toe toét

Các tiết mục cứ nối tiếp nhau, đưa khán giả đi hết từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Sự thăng hoa trong âm nhạc không chỉ đối với người “nghệ sĩ” đang biểu diễn trên sân khấu mà còn với tất cả những người tham dự buổi live concert ngày hôm ấy. Khán giả tham gia cũng không ngừng du dương theo từng điệu nhạc. Nỗi lòng của người con gái xa người yêu được thể hiện qua bài hát “Gửi anh xa nhớ” của bạn Hương Hạ hay sự đau khổ, tiếc nuối một mối tình vừa tan vỡ qua bài hát “Và ngày nào đó” do bạn Hương Hạ và bạn đều trở nên day dứt hơn bao giờ hết. Tất cả đã tạo nên một live concert với đầy đủ những nấc thang của tình yêu đôi lứa như thế.

 

Xem thêm

Ký ức thời chiến của những cựu chiến sĩ đang an dưỡng tại Diên Hồng

“Chuyến tàu ấy có 32 chiến sĩ, hầu như ra trận với tư tưởng cảm tử. Nhiều đồng chí hải quân đã bỏ mạng trên chiến trường nhưng không mang về được, chìm xuống biển hết rồi còn đâu.” Đó là lời chia sẻ của ông Phùng Mạnh Tiến, cựu chiến sĩ Hải quân đã từng tham gia vào cuộc kháng chiến khốc liệt để giải phóng đất nước. 

 

Cũng như ông, những cụ ông khác tham gia buổi lễ kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam do cơ sở 1 tổ chức đều mang trong mình nhiều cảm xúc. Tự hào không kể xiết khi ngày hôm nay được sống trong thời kì độc lập, tự do. Nhưng đâu đó trong các ông là những mảnh ký ức về đồng đội, về thời kỳ chiến đấu gian khổ ùa về. Những giọt nước mắt đã rơi, những ký ức méo mó về hình ảnh đồng đội đã hi sinh có lẽ không bao giờ biến mất trong tâm trí đã không còn minh mẫn. “Có những đêm tôi nằm mà nước mắt cứ rơi. Vì tôi thương các chiến sĩ, các đồng đội của mình đã hi sinh.”

Buổi lễ kỷ niệm diễn ra với quá nhiều sự hồi tưởng. Khi bài hát mở đầu chương trình cất lên, không ít những ông bà đã rơi nước mắt. “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về”. Từng câu hát như tái hiện lại những ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt, về những sự hi sinh, mất mát của đồng đội trên cùng chiến tuyến. Những vết cứa trong trái tim như lại nhói lên, làm cho những người đã từng đi qua thời đất nước còn chiến tranh đã không thể kiềm chế được cảm xúc. Cả không gian lúc ấy làm không gian như trầm lặng. Mặc cho tiếng hát vẫn cứ vang vọng, cả khán phòng ai cũng cúi đầu, ngậm ngùi tự nuốt vào trong những ký ức chiến tranh đã qua. 

Trên sân khấu là ông Phùng Mạnh Tiến, một người chiến sĩ Hải quân đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Mọi người thường nhớ đến ông qua những câu chuyện ông kể về sự hi sinh của 99 sinh viên Đại học Bách Khoa đồng hành cùng ông trong trận chiến ở Thành cổ. Thế nhưng, đến với buổi ngày hôm nay, ông đã mang những câu chuyện mới mẻ hơn. Cũng là câu chuyện về 99 chiến sĩ nhưng những thông tin về 20 chiến sĩ là người miền Nam ông chưa từng nhắc đến. Những chiến sĩ trẻ tuổi ấy đã xin gia nhập chiến trường miền Nam để gần nhà, tiện về thăm. Thế rồi chiến tranh khốc liệt ấy đã cướp đi sinh mạng của tất cả. Các anh đã nằm xuống nơi chiến trường lạnh lẽo, nơi mà đạn nổ bom rơi không biết khi nào mới có cơ hội về thăm nhà. Ý chí chiến đấu, khát vọng độc lập đã khiến những người chiến sĩ ấy quên mình chiến đấu, quên mất rằng mình mới 18 đôi mươi, còn cả một cuộc đời phía trước. 

Bên cạnh đó, câu về những trận chiến dưới nước của ông cùng đồng đội để ngăn chặn 50.000 tấn dầu tiếp tế cũng được ông kể lại một cách sinh động. Đó là trận thuỷ chiến chỉ có ông cùng 3 chiến sĩ khác, phải bơi 3km để đến được tàu chở 50.000 tấn dầu của địch đang tiến vào chi viện. Lúc đấy trên người ông chỉ có con dao găm và mìn đeo ở eo. Khi bám được vào thuyền, ông và các chiến sĩ chỉ có dụng cụ thô sơ là dao găm để đục thuyền. Lúc đấy chỉ có thể dùng tay để đục, đục đến khi nào thủng thì thôi. Mà thuyền dày lắm chứ đâu có dễ dàng gì. Lúc đấy tay chảy máu nhiều lắm mà cũng kệ thôi chứ xung quanh toàn là nước, lấy cái gì mà lau. Thế mới biết những người chiến sĩ ngày xưa đã chiến đấu kiên cường thế nào, không quản ngại bất cứ điều gì, luôn sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. 

Như cảm nhận được sự tiếc nuối, trầm lặng của chương trình, chú Vinh lại mang đến một câu chuyện vui khi chú đóng quân trong rừng sâu. Chú bảo “Chết vì ăn thì tôi chưa thấy chứ ngứa vì ăn là tôi thấy rồi đấy”. Chú kể ngày ấy lương thực khan hiếm, Trung Quốc có trợ cấp thì mới có ăn, chứ không thì ăn uống cũng khổ sở lắm. Có những lúc 2 ngày không ăn, mà đóng quân sâu tít trong rừng có gì ăn đâu. Hôm đấy có một đồng chí hớt hải chạy về với vẻ mặt rạng rỡ “Tao tìm thấy nho rừng rồi chúng mày ạ”. Như một đàn ong vỡ tổ, các chiến sĩ ùa ra đi tìm nho rừng. Hoa quả đã là quá đỗi xa xỉ với những người lính phải nhịn đói vì thiếu lương thực, thế mà bây giờ còn ăn nho, thứ quả được coi là “sang chảnh” thời bấy giờ. Ai cũng vui vẻ như vớ được vàng. Thế nhưng một lúc sau các đồng chí bắt đầu kêu “Ê mày ơi tao thấy ngứa mồm quá”. Một người, hai người rồi lúc sau tất cả đều bị như thế. Thực ra loại quả ấy đâu phải nho, chỉ là vì có hình dáng giống nho, vì lúc ấy đói quá, khổ quá nên cứ ăn thôi.

 

Sau bao năm chiến đấu vì độc lập dân tộc, giờ đây, các ông có thể hưởng thụ thành quả của mình, của bao thế hệ cha anh đi trước là một đất nước độc lập, tự do. Dù cuộc sống hiện tại có yên ấm nhưng những thước phim về thời chiến, về hình ảnh đạn nổ bom rơi, về hình ảnh người chiến sĩ bỏ mạng trên chiến trường có lẽ luôn in sâu trong tâm trí những người năm nào. Những câu chuyện được chia sẻ trong chương trình như những thước phim về thời chiến, để con cháu luôn nhớ rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu anh hùng, quả cảm ra sao. Như những nhắn nhủ, dặn dò của ông Việt – cựu chiến sĩ bộ binh gửi đến thế hệ trẻ:

“Chúng ta phải luôn luôn nhận thức được rằng dù bất cứ tình huống nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đất nước ta cũng luôn luôn phải làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra. Bao nhiêu kỳ Đại hội Đảng đều nói rõ là “Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội” và “Bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Cho nên với lớp trẻ, tôi mong làm sao thực hiện được điều đó để luôn luôn gìn giữ được non sông, đất nước; đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đi lên. Không có kẻ thù nào có thể xâm chiếm được nước ta.”

Xem thêm

Nghề điều dưỡng giữ trọn tình thương với chữ Tâm

Mỗi ngày điều dưỡng phải hoá thân trong rất nhiều vai trò, đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro và cảm xúc khác nhau nhưng vượt qua tất cả, họ thầm lặng chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh

Cố gắng không ngừng nghỉ

11h trưa, trong căn phòng rộng rãi, sạch sẽ, gồm các dãy bàn ăn, chị Cao Ánh Vân (sinh năm 1993), nhân viên điều dưỡng tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) nhẹ nhàng, điềm tĩnh thực hiện nhiệm vụ của mình. Chị đi qua từng bàn hỏi han về bữa cơm của từng cụ ông, cụ bà.

Có người kiêng thịt gà, có người kiêng thịt bò, có người đã yếu, chẳng thể tự mình ăn uống, có người khó tính, chỉ chịu ăn khi có người dỗ dành,…Không nề hà, chị Vân vẫn nhẹ nhàng, kiên nhẫn và tỉ mỉ. Lúc thì lau dọn những hạt cơm vương vãi trên bàn, khi lại chạy đến hỏi han, trò chuyện hay lúc lại phải tự tay bón cho các cụ từng thìa cơm,…

Tình cờ biết đến và theo nghề từ khi vừa tốt nghiệp, chị Ánh Vân đã gắn bó với nơi đây gần 4 năm. Từng ấy thời gian, những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả không thể nói hết bằng lời. Nhưng chị vẫn quyết tâm bám trụ với nghề chỉ bởi 2 chữ “đồng cảm”.

Công việc nào cũng có khó khăn riêng. Với việc điều dưỡng, những khó khăn còn lớn hơn rất nhiều so với những ngành nghề khác. Phải thức khuya, dậy sớm, trực đêm, mệt mỏi, nhưng vẫn phải cố gắng bởi tôi luôn quan niệm, với người già, cần sự đồng cảm, quan tâm người già như chăm sóc chính những người trong gia đình mình” – chị Vân nói.

Tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 2000, quê Thái Bình) nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí điều dưỡng viên tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) với tâm thế hồi hộp xen chút háo hức, lo lắng. Háo hức vì sắp được đi làm theo đúng nguyện vọng và định hướng của bản thân. Lo lắng, hồi hộp bởi bản thân cô biết rõ, nghề điều dưỡng, lại về lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi vô cùng vất vả. Nghề này đòi hỏi người điều dưỡng cần nhiều kiến thức thực tế, sự kiên nhẫn hơn những lí thuyết đã được học trên sách vở.

Tuổi nghề còn non trẻ, Nhung không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong công việc bởi những đối tượng cô chăm sóc là người già yếu, phải hỗ trợ, từ vận động đến đời sống sinh hoạt.

“Học là 1 chuyện, ra trường làm là 1 chuyện. Những ngày mới vào làm tôi đã sốc vì khối lượng công việc và những yêu cầu đặc thù. Thế như sau 1 tháng thử sức, càng làm, tôi nhận thấy hợp với công việc và quyết tâm gắn bó.

Tôi luôn đặt địa vị mình như con cháu trong gia đình của các cụ. Tôi đón nhận những khó khăn như một thử thách và luôn tìm thấy niềm vui bên các cụ ông, cụ bà” – Nhung chia sẻ.

Trực đêm

Trời đêm lạnh giá nỗi nhớ mong

Nhân viên điều dưỡng đến bên phòng

Trôngg cho mọi người luôn yên giấc

Giữ trọn tình thương với chữ Tâm

Không gian lặng lẽ đang êm ả

Bỗng chợt nghe tiếng ho khan

Canh khuya sau tiếng ho vừa dứt

Bước nhẹ nhàng ghé sát giường coi

Nghe nhịp thở hỏi lời khe khẽ

Cụ mới ho cụ có mệt không

Tai nghe nói tay luôn công việc

Đắp lại chăn nâng gối kê đầu

Nhẹ nhàng đi tiếp các phòng bên

Trông cho mọi người luôn yên giấc

Một đêm dài mà sao ngắn vậy

Bởi trực đêm lắm việc phát sinh

Nào thay gối thay ra thay bỉm

Nào dắt người tắm rửa vệ sinh

Cứ như vậy hằng đêm như vậy

Thời gian dài soi tỏ trực đêm

Mong sao tiêu chí vững bền

Tình thương trách nhiệm vẹn toàn sẻ chia

Bài thơ do ông Nguyễn Trọng Việt (Hà Đông, Hà Nội), hiện đang sinh sống tại Viện dưỡng lão Diên Hồng sáng tác gửi tặng những cán bộ, nhân viên điều dưỡng không quản ngày đêm chăm sóc cho mình.

Dưới góc độ là nhà quản lý, bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng nhận định, những áp lực của người làm trong ngành y tế là rất lớn. Đối với ngành điều dưỡng, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc người già, áp lực này lại tăng lên gấp nhiều lần.

“Chúng tôi luôn trăn trở vấn đề thu nhập cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Hiện nay, mặt bằng chung lương của ngành điều dưỡng rất thấp. Tôi hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều chính sách tạo động lực cho đội ngũ cán bộ nhân viên, tạo môi trường làm việc vui vẻ, năng động” – bà Ngân chia sẻ.

Người ta thường gọi nghề điều dưỡng là nghề “lau mồ hôi, nở nụ cười”. Họ làm việc không ngừng nghỉ như những con thoi, chấp nhận mất ăn mất ngủ để lo cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Thế nhưng, không phải lúc nào họ cũng nhận được sự cảm thông, sẻ chia và cái nhìn đúng đắn của toàn xã hội,…

Áp lực, khó khăn luôn hiện hữu nhưng những điều dưỡng viên vẫn luôn vượt qua và chỉ có 1 mong muốn duy nhất là được chia sẻ, có thêm chính sách đãi ngộ để có thêm động lực, tiếp tục phấn đấu làm tốt công việc của mình.

Xem thêm

Tìm kiếm tài năng MC Diên Hồng 2022

Ai cũng bảo “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Thế nhưng với những nhân viên tài năng nhà Diên Hồng thì lại khác. Không chỉ giỏi công việc chuyên môn, các bạn nhân viên nhà Diên Hồng còn rất nhiều những tài lẻ khác nhau sẵn sàng để được thể hiện. Hiểu được những mong muốn đó, cuộc thi Tìm kiếm tài năng MC Diên Hồng mở ra như một cơ hội giúp các bạn tìm được tài năng MC ẩn dấu trong chính con người mình hay là tạo ra những cơ hội cho các bạn thể hiện mình.

Từ những người đã từng dẫn ít nhất một sự kiện tại trung tâm hay đến cả những bạn chưa từng đứng trên sân khấu, ai cũng hào hứng đăng ký tham gia. Bằng sự khéo léo trong việc xử lý tình huống lúc dẫn chương trình và sự duyên dáng của mình mà cuộc thi để lại không ít dấu ấn tượng trong lòng khán giả tham dự. 

Sau 8 cặp đấu từ vòng loại các cơ sở, 4 cặp đấu xuất sắc nhất đã mang về cho mình những tấm vé tham dự chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng MC Diên Hồng. Ai cũng mong chờ, hồi hộp và chuẩn bị thật nhiều trước khi bước lên sân khấu cuối cùng. Sự góp mặt của 2 giám khảo là 2 MC tài năng với nhiều năm kinh nghiệm còn khiến các thí sinh trở nên lo lắng hơn gấp bội phần. Tuy nhiên bằng sự tự tin của mình, các bạn đều hoàn thành tốt phần thi và được 2 giám khảo đánh giá rất cao. 

Cặp dẫn Hồng Hải – Việt Cường

Cặp dẫn Thanh Hoa – Công Kỷ

Cặp dẫn Tiến Nam – Thanh Hải

Chị Mùi phải thi đấu một mình do bạn dẫn cùng không thể tham dự

4 thí sinh xuất sắc được chọn ra tiếp tục tham gia vòng thi đơn để chọn ra đâu là thí sinh xuất sắc nhất. Kết quả chung cuộc không mấy bất ngờ với khán giả khi chị Nguyễn Thị Mùi – điều dưỡng viên đến từ cơ sở 2 đã dành chiến thắng, chị đã chính thức trở thành MC tài năng nhất tại Diên Hồng 2022. Thế nhưng với chị Mùi, kết quả này đã làm chị rất bất ngờ. Chị không nghĩ rằng mình thực sự đã chiến thắng cuộc thi mà chị chỉ định tham gia thi để thử sức mình. Chị cũng đã nỗ lực hết sức mình, từ vòng thi đấu đôi chị, bạn cùng dẫn với chị vì lí do sức khỏe nên đã không thể tham gia thi, chị đã một mình thể hiện phần thi rất xuất sắc. Thế nên, kết quả này thực sự rất xứng đáng với những cố gắng của chị trong cuộc thi này.

Các cụ cùng lên chúc mừng chị Mùi đạt giải

Bên cạnh sự duyên dáng của các thí sinh, những nhân tố khiến cuộc thi thêm phần hài hước, vui nhộn lại chính là ban Tổng giám đốc công ty. Khác với hình ảnh ban lãnh đạo phải nghiêm túc, ít nói, ban lãnh đạo của Diên Hồng lại là những người hài hước, đam mê diễn xuất. Những điệu bộ, cử chỉ của các anh chị trong những phần mô tả bối cảnh cho thí sin khiến khán giả phía dưới cười lăn cười bò.

Những người lãnh đạo luôn vui vẻ, hài hước

Ở Diên Hồng, các CBNV không chỉ phải đáp ứng những yêu cầu của các cụ mà các bạn còn được tham gia những hoạt động do chính bản thân mình mong muốn. Cũng như chị Mùi và các bạn thí sinh tham gia, những mong ước được đứng trên sân khấu thể hiện mình qua tài năng dẫn chương trình đã thôi thúc BTC phải tổ chức một chương trình như thế. Vậy nên, môi trường làm việc tại Diên Hồng có thể nói là một móc xích quan trọng giữ chân các bạn ở lại với Diên Hồng.

Xem thêm

“Bác ơi, Bác ơi, con về thăm Bác đây”

Sáng ngày 8/12, các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng đã thỏa lòng mong ước khi được vào viếng Lăng Bác. Cho dù thời tiết hơi lạnh và đi bộ nhiều đau mỏi nhưng các cụ đều vui vẻ, phấn khởi.  

Mùa này thời tiết bắt đầu lạnh, các cụ bắt đầu ngại ra khỏi giường nhưng sáng nay ai ai cũng thức dậy từ rất sớm vệ sinh cá nhân và ăn sáng thật nhanh sẵn sàng lên xe về thăm Lăng Bác. Bà Nguyễn Lệ Hà đã ngắm nghía và quyết định chọn một chiếc áo dài nhung màu đen đính hoa văn màu vàng lấp lánh vừa đủ đẹp và lịch sự. Bà đã hào hứng khoe với con cháu về chuyến đi này từ mấy hôm trước. 

Đúng 7h sáng, hai xe bắt đầu xuất phát từ cơ sở 2 và cơ sở 3 thẳng tiến đến Lăng Bác. Chuyến đi được các cán bộ tại Lăng hỗ trợ nhiệt tình nên diễn ra thuận lợi. Ai nấy đề xếp hàng nghiêm túc, một số cụ còn kể cho nhau nghe vài giai thoại về Bác trên đường vào Lăng với sự kính trọng và ngưỡng mộ lớn lao dành cho người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Đoàn nhân viên cùng các cụ đang an dưỡng tại Diên Hồng đang tiến vào trong sân Lăng

Cùng nhau checkin trước Lăng Bác

Bà Phạm Thị Yến (83 tuổi) không cầm được nước mắt khi đi nhìn thấy Bác. Tiếng gọi “Bác ơi, Bác ơi, con về thăm Bác đây” nghẹn ngào cất lên khiến ai chứng kiến cũng cảm động.

Bên cạnh Lăng Bác, các cụ cũng được thăm nhà sàn, ao cá, chùa một cột. Bao nhiêu kỷ niệm những lần vào thăm Lăng Bác ùa về khiến các cụ ai nấy đều xúc động. Có ông còn chia sẻ về thời gian mình từng làm cảnh vệ ở Lăng và còn biểu diễn vài bài tập đội ngũ cho các cụ khác xem. Một số cụ còn ngân nga hát “Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác. Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát…” hay ngâm 1 số câu thơ “Anh dắt em vào cõi Bác xưa – Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa”.

Cụ nào cũng vui vẻ, phấn khởi

Khi nghe các cụ khoe ảnh và kể về chuyến đi, chị Vũ Thị Mai Trâm, con gái bà Đoàn Thị Hồng Thu không giấu nổi sự ngạc nhiên: “Tôi thấy chuyến đi viếng Lăng Bác này quá tuyệt vời. Không thể hiểu nổi các bạn chăm sóc trông nom các cụ như thế nào vì cả nhà tôi còn không quản nổi một cụ. Buổi đi chơi ý nghĩa quá mà thực sự là các con của cụ còn không làm nổi”. 

Sau chuyến đi, bà Nguyễn Thị Biển rối rít cảm ơn các bạn chăm sóc đã cho bà một chuyến đi đầy ý nghĩa. Bà không nghĩ là đến 90 tuổi rồi vẫn còn được vào thăm Bác.

Với người cao tuổi, những giá trị truyền thống có sức mạnh neo lại ký ức và niềm vui sống mãnh liệt. Chỉ cần những điều mong mỏi, ao ước được thực hiện là suốt cả ngày, cả năm sau đó, họ sống với tinh thần phấn khởi, tươi vui. Và đó cũng chính là động lực để Diên Hồng cố gắng hết mình mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho các ông bà đang sinh hoạt tại đây.

Xem thêm