Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Có một chuyện tình 64 năm như thế: Càng về già càng yêu nhau bởi “em tặng cho ông cả một cuộc đời luôn rồi”

Ông bà bên nhau đã 64 năm nhưng chưa 1 lần cãi vã, chưa 1 ngày xa nhau, cả một đời “anh-em”, “ông-em” cứ ngỡ như truyện ngôn tình.

Ngày lễ tình nhân, các cụ tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) tự làm thiệp rồi mang đi tặng người mà mình yêu thương nhất. Bà Vũ Thị Dành (84 tuổi) cũng có một cái để mang vào tặng chồng là ông Nguyễn Đình Bưởi (91 tuổi).

Bà Dành mang thiệp vào tặng ông nhân ngày lễ tình nhân

Bà vừa cười vừa nói: “Thực ra là em tặng cho ông cả một cuộc đời luôn rồi chứ không phải mỗi cái thiệp”.
Ông dễ xúc động, nên nghe bà nói xong ông chực chờ khóc luôn. Thấy vậy bà liền tiến lại ôm rồi vỗ vai, xoa đầu để dỗ ông.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, dù đã quen nhưng những điều dưỡng ở trung tâm vẫn không khỏi xúc động. Các chị vẫn nhiều lần bảo nhau, ước gì cũng được như ông bà.

Ông cảm động quá nên chực chờ khóc luôn

Qua lời kể của những người chăm sóc ông bà tại viện, cặp vợ chồng già này quê ở Hải Dương, đã đến trung tâm từ cuối năm 2019.
“Từ ngày vào trung tâm là ông bị tai biến, phải nằm tại giường, mọi sinh hoạt đều được các bạn nhân viên hỗ trợ. Còn bà thì vẫn tự sinh hoạt được, nên bà muốn làm mọi thứ cho ông. Từ việc tắm rửa gội đầu, nấu cháo, bà vẫn cùng với điều dưỡng làm cho ông.

Bà luôn cùng với điều dưỡng để chăm sóc cho ông

Mặc dù bị tai biến nhưng ông vẫn rất tỉnh táo, ông không muốn đi đâu nếu không có bà đi cùng. Mỗi lần đi đâu bà đều thủ thỉ với ông: “Ông ở nhà với các cháu điều dưỡng, em đi một lát rồi về với ông”.
Dạo trước bà bị đau cột sống phải sang cơ sở khác để tập luyện, nên ngày nào bà cũng gọi video về để nói chuyện với ông”, đại diện trung tâm kể lại.

Khi ai hỏi về đám cưới của mình, bà Dành thường ngồi trầm ngâm rồi kể lại cái thời đói rách nhưng chẳng khi nào ông bà thiếu tình yêu.
Năm 1958, sau đám cưới đơn giản, bà theo ông lên Hà Nội. Ngày bà mang thai đứa con đầu lòng cũng là lúc ông nhận quyết định công tác trên Lào Cai. Mãi đến khi con được 7 tháng thì ông mới được về thăm nhà, nhưng về rồi lại đi luôn.
Đến năm 1962, bà chuyển lên Lào Cai làm với ông. Thời gian qua đi, ông bà cùng nhau nuôi dưỡng 4 người con. Đến khi về hưu, không còn nhà ông bà quyết định về Hải Dương tự khai phá, làm ăn.

Hình ảnh ông bà ngày còn ở quê Hải Dương

Nắm tay nhau khi qua không biết bao nhiêu khó khăn của cuộc đời, ông bà chưa từng cãi vã to tiếng hay va chạm gì. Cũng có những bất đồng nho nhỏ nhưng khi cùng nhau chăm sóc các con thì đâu lại vào đấy.
Bà bảo, mình cũng ý thức được phải sống làm sao để các con nhìn vào, sống mẫu mực để làm gương cho con, không để gia đình bị tổn thương làm ảnh hưởng đến các con, các cháu.
Đến lúc các con lớn lại chỉ còn 2 ông bà cùng nhau ăn, cùng nhau làm, tôn trọng lẫn nhau. Về già bà và ông còn tình cảm hơn lúc trẻ. Cả hai quấn quýt chẳng mấy khi rời, bà vẫn xoa lưng, bóp tay chân cho ông khi nhức mỏi, khẽ ôm hay vỗ về mỗi khi chăm sóc ông. Tiếng gọi “ông”, xưng “em” khiến cả trung tâm bật cười rồi ngưỡng mộ và xúc động.

Xem thêm

Dưỡng lão Diên Hồng thông báo tạm dừng thăm quan và thăm nom trực tiếp

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp, Hà Nội tiếp tục ”nóng” khi lập đỉnh với gần 10.000 ca F0 trong ngày.

Trước tình hình đó, trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng xin thông báo TẠM DỪNG việc THAM QUAN và THĂM NOM TRỰC TIẾP. Các kênh liên lạc khác (điện thoại, tin nhắn..) vẫn duy trì như cũ. Kính mong quý khách hàng phối hợp thực hiện để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho Người cao tuổi.

Xin trân trọng cảm ơn!

Xem thêm

Hạnh phúc của bố mẹ chính là gia tài quý nhất để lại cho chúng con

Tôi thân thiết với mẹ chồng hơn cả chồng tôi. Có nhiều chuyện mẹ chồng chỉ thích tâm sự với tôi chứ tuyệt nhiên không bao giờ kể với con trai. Vậy mà lúc tôi mới về làm dâu, mẹ tôi thể hiện thái độ phản đối ra mặt.

Ngày mới về ra mắt, mẹ chồng tôi đã tỏ ý không ưa gì tôi. Lý do là bà chỉ mong con trai lấy một cô vợ gần nhà. Trong khi tôi là gái thủ đô, tôi và anh ấy đều làm ở Hà Nội nên bà sợ con trai sau này không về quê sống như mong muốn của bố mẹ nữa. Mới cưới xong, vợ chồng tôi chỉ ở nhà ít ngày rồi về Hà Nội đi làm.

Thời gian này mẹ chồng tôi gần như không cho tôi động vào việc gì kể cả nấu cơm. Bà bảo sợ tôi nấu không hợp khẩu vị cả nhà lại không ăn được. Thời gian tôi sống chung với bà cũng ít. Nên thi thoảng mẹ con cũng chỉ nói chuyện dăm ba câu hỏi thăm. Tôi toàn hỏi em chồng xem mẹ thích gì để mua và gửi về. Chắc cũng tôn trọng lựa chọn của con trai và thấy con dâu hay mua cho những món đồ ưng ý nên mẹ chồng tôi cũng thay đổi thái độ, không còn lạnh nhạt như ngày đầu.

Hạnh phúc của bố mẹ chính là gia tài quý nhất bố mẹ để lại cho chúng con (ảnh minh họa)

Lâu lâu mẹ chồng lại than thở chuyện làm vợ, làm mẹ với tôi. Kiểu như bố chồng tôi mặc định chuyện làm việc nhà là của vợ, hay ham chơi, nhậu nhẹt bên ngoài. Bố chồng tôi cứ thấy ai rủ là đi tối ngày. Nhưng về đến nhà mà thấy nhà cửa không gọn gàng sạch sẽ là càu nhàu. Mẹ chồng tôi vừa kinh doanh buôn bán vừa phải chăm lo nhà cửa lại còn phải hầu chồng mỗi lúc say rượu. Nhiều lúc hàng xóm hay CLB phụ nữ trong xóm rủ đi chùa chiền, đi biển chơi, mẹ tôi lại từ chối không dám đi. Vì bà sợ lỡ mình đi thì bố con nó ở nhà phải làm sao.

Tôi cổ vũ mẹ chồng và mấy thím ở nhà phải “vùng lên” để làm điều mình thích. Và để các ông chồng không nghĩ việc nhà là việc của riêng mình. Mới đầu nói vậy cũng thấy hơi lo. Sợ mẹ chồng nghĩ con dâu bắt nạt con trai mẹ rồi sau bà không ưng thì phiền. Nhưng may là sau đó một thời gian, tôi thấy mẹ chồng thay đổi hẳn. Bà hay đăng ảnh đi chơi, đi hát karaoke với hàng xóm và các thím. Thi thoảng bà cũng mọi người còn ra tận biển tập yoga. Nhìn ảnh mà tôi không khỏi vui mừng. Sau đó bố chồng tôi đã biết tem tém chuyện nhậu nhẹt, biết dọn dẹp nhà cửa, giặt phơi quần áo, cơm nước…cùng với mẹ.

Không bao giờ là quá muộn để làm điều mình thích

Mãi sau này mẹ chồng tôi mới kể là bà có mơ ước được đi phượt trên những cung đường thênh thang quanh núi. Mẹ ước được ngắm nhìn những thiên đường mây. Mẹ xem trên Tivi, nhìn các đoàn hiking xuyên cung đường đi thoai thoải với những thảo nguyên cỏ xanh dài bất tận, chiêm ngưỡng núi Fansipan hùng vĩ và phía dưới là con đèo Ô Quy Hồ được thu trọn vào tầm mắt nên mẹ cũng ao ước được trải nghiệm một lần. Ấy vậy, con trai mẹ lại thuộc kiểu chỉ thích đi biển và đi nghỉ dưỡng ở resort. Chứ tuyệt nhiên mấy trải nghiệm kia không có chút hứng thú nào. Cuối cùng sau bao lần lên lịch, tôi cũng đã giúp mẹ chồng thực hiện được mơ ước ở tuổi 65.

Giờ đây, ở tuổi 70, sau một lần bị đột quỵ, sức khỏe cũng suy giảm. Nên mẹ tôi bày tỏ mong muốn được vào sống trong trung tâm dưỡng lão. Mẹ đã tự mình đi tham quan và chọn được viện dưỡng lão Diên Hồng. Mẹ bảo nhất nhất phải ở chỗ này vì mẹ thích tính cách vui vẻ của mấy bác ở đây.

Cả nhà ai cũng phản đối. Từ bố chồng, con trai và con gái ruột. Vì mọi người bảo có nhà sao không ở lại vào viện dưỡng lão làm gì. Tôi đã thuyết phục cả gia đình tôn trọng mong muốn của mẹ. Mẹ không muốn làm phiền đến các con. Mẹ cũng muốn sau khi cố gắng một đời rồi thì được nghỉ ngơi thoải mái, tận hưởng tuổi già. Mà thực ra con cái cũng chỉ mong muốn bố mẹ được tận hưởng tuổi già. Giống như thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Hạnh phúc của bố mẹ chính là gia tài quý nhất bố mẹ để lại cho chúng con”

Xem thêm

Các cụ Diên Hồng háo hức tự tay làm chè lam

Ngán ngẩm với bánh chưng, giò chả sau dịp Tết nguyên đán, vừa rồi các cụ Diên Hồng ngỏ ý muốn tự tay làm chè lam. Thế là các bạn nhân viên nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu để phục vụ các cụ. Nào là gạo nếp, gừng tươi, mật mía, mạch nha đều đủ cả.

Nguyên liệu chuẩn bị cho món chè lam

Vừa làm ông bà vừa kể: ” Ngày xưa gạo nếp quý lắm con ạ nên mỗi mùa gặt nếp về là phải chắt chiu để dành, mãi gần Tết mới dám đem ra làm bánh. Quanh năm thiếu thốn sao cũng được nhưng Tết thì phải sung túc đủ đầy.”

Các cụ tự tay thực hiện từng công đoạn
Ông Việt trổ tài

Bà Lan vừa khuấy chè lam vừa tươi cười bảo: ”Lâu lắm rồi bà mới được làm chè lam lại, hồi xưa cứ đến Tết là khuấy một nồi thật to, vừa đem đi biếu anh em trong nhà, vừa làm quà đãi khách đến chơi.”

Các cụ tự tay khuấy chè lam

Đến công đoạn đòi hỏi dùng nhiều sức và khéo léo là khuấy bột, để làm sao cho bột chín và không bị vón cục thì phải nhờ đến sự trợ giúp của các bạn điều dưỡng rồi.

Đến đoạn này đòi hỏi nhiều sức nên các bạn điều dưỡng được gọi ra ”cứu trợ”
”Khuấy làm sao phải vừa nhanh lại vừa đều đấy nhá”

Và thành quả của các cụ và các bạn điều dưỡng nhà em đây ạ! Thành công ngoài sức tưởng tưởng luôn ạ.

Thành quả ra lò
Phủ thêm một lớp bột mỏng lên trên nào
”Trông cũng rất gì và này nọ đấy chứ nhể.”

Hà Nội những ngày này bỗng chuyển lạnh, rải rác mưa phùn, ngồi nhâm nhi ly trà nóng cùng với miếng chè lam tự tay làm thì còn gì tuyệt vời hơn đúng không ạ?

”Chè lam nhà làm ngon như hàng làm”
”Không ngon đảm bảo không lấy tiền”
Gửi tặng đến tất cả mọi người những trái tim thật ngọt ngào!!!
Xem thêm

Ngỡ ngàng cây trứng cá hóa cây ước nguyện nhân dịp đầu năm mới

Ấn tượng đầu tiên khi ghé thăm Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 là hình ảnh cây trứng cá được treo đầy những dải dây đỏ, hồng rực rỡ bắt mắt bay bay trong gió. Mọi người ở đây chẳng phải đi đâu xa cũng đã có thể chiêm ngưỡng cây ước nguyện hệt như chuyện cổ tích rồi.

Các cụ và các bạn nhân viên treo dây trên cây ước nguyện

Năm mới đang cận kề, ai nấy đều có những mong ước cho riêng mình. Mỗi người sẽ có một cách thể hiện khác nhau. Còn với các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 2 lại có một cách gửi gắm thật đặc biệt. Những mong ước của ông bà được gửi vào dải lụa hồng, đỏ sau đó được các bạn nhân viên hỗ trợ và treo chúng lên cây.

Bà Biển cẩn thận buộc sợi dây đỏ lên cây, buộc xong bà thì thầm cầu nguyện. Một bạn nhân viên hỏi nhỏ bà ơi, bà ước gì thế? Bà tủm tỉm cười đáp, “bà ước cho tất cả mọi người được khỏe mạnh, có sức khỏe là có tất cả, ước dịch bệnh được đẩy lùi, để mọi người lại có cuộc sống bình thường”.

Bà Biển chụp ảnh tại cây ước nguyện

Góc còn lại thì các ông bà cũng vừa treo vừa cười nói rôm rả. Bà Mẫn xin một lúc 3 cái để buộc. Bà bảo: “Một cái là ước cho các cụ đều mạnh khỏe; cái này ước cho các cụ ăn ngon, ngủ tốt; còn cái này là sống lâu không chết”. Nghe xong ai nấy đều cười rộ lên. Còn bà Thu nổi tiếng là quan tâm các cháu gái điều dưỡng lắm. Nên bà cũng toàn ước cho sang năm các cháu lấy chồng để bà ăn cỗ. 

Các cụ và các bạn nhân viên vừa treo dải lụa vừa nói chuyện rôm rả với nhau

Không chỉ các ông bà mà các bạn nhân viên và khách tham quan cũng thích thú không kém. Cứ đến Diên Hồng đều tranh thủ chụp một vài tấm hình với cây ước nguyện đó. 

Chị Hoàng Thị Thu Ngân (Phó Tổng Giám đốc trung tâm) chia sẻ “Thi thoảng xem trên ti vi hay đọc báo thì thấy các địa điểm du lịch, chùa chiền có những cây ước nguyện để mọi người gửi lời nhắn gửi, lời cầu chúc của mình vào đó. Mà các cụ ở Diên Hồng lại chẳng đi xa được. Chính vì thế ý tưởng về cây ước nguyện ngay tại trung tâm được ra đời”..

Xem thêm

Tình yêu ở tuổi gần đất xa trời

Đã gần 5 năm nay, cuốn album ảnh cưới với người đàn ông quen trong viện dưỡng lão trở thành báu vật, luôn nằm trên đầu giường của bà Nguyễn Thị Liệu.

Bà Liệu, 77 tuổi, gặp ông Nguyễn Thế Năng tại trung tâm dưỡng lão Thiên Đức (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) năm 2015. Khi đó bà vẫn đi lại khỏe, còn ông Năng bị liệt hoàn toàn do tuổi già bệnh tật. Cùng cảnh mất bạn đời đã lâu, không muốn làm phiền con cái nên ông bà quyết định vào đây. Tính cách ông Năng hóm hỉnh nên được bà Liệu quý mến.

Cụ Liệu trao khăn cho cụ Năng trong chương trình Điều ước thứ 7. Ảnh chụp album

Ông ở khu B, còn bà ở khu A. Sáng chiều nắng ấm bà hay sang dìu ông ra ghế đá ngồi, hoặc đẩy xe đưa ông đi dạo dưới tán cây xoài, cây nhãn cổ thụ trong khuôn viên. Bà còn hay nhờ các điều dưỡng mua thêm đồ ăn vặt để chuẩn bị bữa phụ cho ông. Một số ngày khỏe, họ bắt taxi lên phố, đổi bữa bằng những món miến ngan, bánh tôm Hồ Tây…

Năm 2016 có lần bà Liệu sang Séc thăm con cháu. Những ngày đó ông Năng buồn và ốm hẳn. Nghe con gái ông kể chuyện, bà Liệu gọi về động viên người bạn già chịu khó ăn uống và hứa sẽ về sớm. Kế hoạch đi ba tháng, song vì ông mà bà về trước dự định.

Biết hai cụ quý mến nhau, các con cháu hai gia đình đều ủng hộ, thậm chí hào hứng nghe chuyện hai cụ kể về nhau. Một lần, mấy cô điều dưỡng trẻ ướm lời: “Bà thách cưới gì để con thay ông chuẩn bị?”. Bà Liệu nói vui: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao nhé”. Tiếng cười rộn vang trên khuôn mặt của những mái đầu bạc, đầu xanh.

Mùa đông 2017, câu chuyện của ông Năng – bà Liệu được đưa lên chương trình truyền hình Điều ước thứ 7 như một chuyện tình yêu đẹp ở tuổi gần đất xa trời. Ngày hôm đó cả trung tâm vui như ngày cưới. Ông Năng ăn bánh tôm bà cắt, còn hôn lên bàn tay bà. Hai nhân vật chính chia sẻ rất mãn nguyện vì ở tuổi này còn tìm được bạn tri kỷ.

Hơn một năm sau cụ ông qua đời. Bà Liệu buồn nhưng biết tuổi già khó tránh khỏi sinh ly tử biệt, nên chọn cuộc sống tích cực, vui khỏe. Dù con gái muốn đón sang nước ngoài định cư, bà chỉ muốn ở quê hương bởi bên cạnh vẫn còn nhiều bạn già. Các con gái của ông Năng gọi bà bằng mẹ và thi thoảng vào thăm nom.

“Kỷ niệm về những ngày có ông ấy là đẹp nhất trong những năm cuối đời của tôi”, bà mỉm cười an nhiên trong chiều xuân Hà Nội.

Trái ngược với đoạn tình cảm được ủng hộ của bà Liệu, rung động của người cao tuổi thường gặp cảnh bị con cái, gia đình ngăn cản, phản đối. Tại viện dưỡng lão Diên Hồng, không ai không biết mối tình “Ngưu Lang – Chức Nữ” của ông Đinh Ngọc Thọ, 72 tuổi và bà Lê Thị Nga, 71 tuổi.

Ông Thọ bị yếu chân, phải đi lại bằng gậy, còn bà Nga bị di chứng sau tai biến không đi được. Vào trung tâm năm 2019, ban đầu hai người ở cùng một tầng, sống tập thể cùng với vài chục cụ khác. Qua các giờ sinh hoạt chung mà họ để ý nhau.

Bà Nga có tính “công chúa”, hay nũng nịu và điệu đà. Ông Thọ rất quan tâm và chăm sóc bà từ cái nhỏ nhất như lấy tăm, nước, đưa đi dạo. Cứ mỗi lần thấy nhân viên điều dưỡng tập đi cho bà, ông chống gậy đứng cạnh động viên.

Trước giờ đi ngủ, ông hay mang sang phòng cho bà một chai nước vì sợ nửa đêm lọ mọ nhỡ ngã. Bà Nga cũng chỉ thích uống chai nước của ông, mặc dù cụ nào cũng có một bình nước để ở bàn đầu giường.

Tuy nhiên các con bà Nga rất sợ mẹ thân thiết với bạn khác giới. Ngay từ lúc mới đưa bà vào đây, cô con gái đã cảnh báo: “Mẹ chị rất ‘dại trai’ nên các em tuyệt đối không để phát sinh tình cảm gì ảnh hưởng đến bà và các con”.

Nhận thấy tâm ý của ông bà dành cho nhau, nhân viên trung tâm buộc phải báo cho gia đình hai bên. Các con quyết định chuyển ông Thọ xuống tầng dưới. Những lúc tổ chức sự kiện tập thể sẽ sắp xếp trên nguyên lý “có bà thì thôi ông” hoặc ngược lại. Tuy nhiên một lần do “trục trặc kỹ thuật”, nhân viên đưa nhầm cả hai. Các cụ nhìn thấy nhau liền biết lâu nay bị chia cắt, từ đó tìm cách “trèo đèo lội suối” đến thăm nhau.

Một lần nữa gia đình bà Nga quyết liệt yêu cầu phải tách hai người. Sau nhiều ngày không thuận, ông Thọ cũng đồng ý tham quan cơ sở 2 của Diên Hồng ở huyện Thanh Oai. Tới đây thấy không gian rộng rãi, tiện nghi hơn cơ sở một ở quận Hà Đông, ông đồng ý chuyển.

Ngày chia xa, đôi bạn già bịn rịn. Bà Nga tiễn ông ra tận cổng, với tay theo lúc tận lúc chiếc xe đi khuất. Quay về phòng bà khóc và bỏ ăn.

Xa nhau đến nay hai năm, họ vẫn quan tâm người kia như thủa ban đầu. Cứ mỗi lần có nhân viên qua lại hai trung tâm, cụ bà hay bảo: “Các con cho mẹ gửi lời hỏi thăm bố”, kèm một chút quà bánh, hoa quả và tờ giấy hỏi thăm. Lần khác, bà nhờ nhân viên mua một bộ cờ tướng tặng ông.

Năm 2021 có sự kiện hoa hậu cao niên, các trung tâm tụ về một địa điểm. Vừa nhìn thấy nhau, ông bà đã tủm tỉm cười. Nhân viên cũng tạo điều kiện cho hai cụ ngồi cạnh. Họ lại được ngồi bên nhau hỏi thăm về sức khỏe, miếng ăn, giấc ngủ và nhắn nhau sống vui khỏe, trước khi chương trình kết thúc phải một người một ngả…

Tấm thiệp ông Văn gửi cho bà Năm, người bạn cùng viện dưỡng lão Diên Hồng, trước Valentine 2022. Ảnh: Thúy Hằng

Dịp Valentine năm nay, Diên Hồng tổ chức hoạt động viết thiệp tặng bất cứ ai mình muốn. Thế nhưng ông Nguyễn Đình Văn, 75 tuổi, không tin tấm thiệp hình trái tim của mình đến được với bà Năm, 77 tuổi.

Ông vào trung tâm được gần một năm, còn bà gần hai năm. Cả hai đều phải dùng xe lăn. Một lần nhìn thấy bà Năm tự bò vào toilet chứ không gọi nhân viên, ông Văn thấy thương xót, nên từ đó hay hỏi thăm quan tâm và chia sẻ với bà. Mỗi ngày đến giờ ăn, giờ sinh hoạt chung, ông bảo nhân viên đẩy xe đến cạnh bà trò chuyện. Tình cảm của họ cứ thế lớn dần.

Con gái ông Văn vào thăm nhận ra bố quan tâm quá mức một cụ bà nên gặp ngay điều dưỡng trưởng yêu cầu không được để phát sinh tình cảm. “Bố tôi đào hoa, yêu nhăng, yêu cuội thôi. Nếu để nảy sinh tình cảm sâu sắc, gia đình tôi sẽ đưa ông về luôn”, người con nói.

Trước tối hậu thư của gia đình, nhân viên buộc phải tách ông bà. Cả hai đều dùng xe lăn nên vào các sự kiện chung chỉ cần không xếp cạnh nhau sẽ không có cơ hội nói chuyện. Các cụ cũng hiểu được tâm ý con mình nên từ đó cũng chỉ hỏi thăm nhau từ xa.

Trước trăn trở của ông Văn không biết tấm thiệp của mình có tới được bà Năm, nhân viên cam đoan chắc chắn sẽ chuyển. “Vậy cho ông gửi lời chúc bà nhanh khỏe, sớm đi lại được”, ông nói, rồi đưa tấm thiệp có ghi rõ ràng tên người gửi, người nhận.

Chị Hoàng Ngân, phó giám đốc viện dưỡng lão Diên Hồng cho biết, tình yêu ở tuổi này của các cụ rất trong sáng, chỉ mong điều tốt đẹp – cụ thể ở đây là vui khỏe mỗi ngày đến người kia – chứ hiếm khi vì vật chất hay nhu cầu nào khác. Song từ phía các con thường nghĩ sâu xa và quan trọng hóa vấn đề. Họ lo những cảm xúc quý mến nhau này có thế gây ra rắc rối, nên đã dập tắt.

Những người con mới là khách hàng ký hợp đồng, vì thế trung tâm buộc phải tôn trọng mong muốn của con cái. “Nhưng ở giữa, chúng tôi rất khó xử. Thật sự chúng tôi luôn mong các cụ vui vẻ, khỏe mạnh nên ai tìm thấy được tình yêu ở tuổi này cũng rất tốt”, Hoàng Ngân nói.

Theo Phan Dương – VnExpress

Xem thêm

Nỗi oan ”con bất hiếu khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão”

Gần đây, có nhiều bài chia sẻ về quan điểm tuổi già sống ở viện dưỡng lão. Nhiều người ủng hộ tư tưởng này, song cũng không ít ý kiến phản đối. Những người nói “không” với việc an dưỡng tuổi già trong viện dưỡng lão thường có lập luận: ”Con cái bất hiếu mới để cha mẹ vào viện dưỡng lão”, hoặc “con cái coi cha mẹ là gánh nặng nên mới muốn đẩy đi”. Đứng ở vị trí khách quan nhất mà nói thì ý kiến này chưa chắc đã hoàn toàn đúng.

Các cụ hào hứng viết thiệp nhân ngày Valentine 14-2

Thứ nhất, thực tế hiện nay, không ít người ở độ tuổi trung niên, có điều kiện khá giả, khi nói về kế hoạch cuộc sống tuổi già, họ đều muốn vào viện dưỡng lão. Đây là mong muốn sống chủ động, chứ không hề liên quan đến việc con cái của họ bất hiếu.

Thứ hai, việc suy luận “con cái để cha mẹ vào viện dưỡng lão là muốn đùn đẩy trách nhiệm” rất phi logic và hoàn toàn vô căn cứ. Đúng là những đứa con bất hiếu trong cuộc sống này không phải ít. Nhưng tôi tin một người muốn sẵn sàng bỏ tiền cho cha mẹ già vào viện dưỡng lão, được hưởng những dịch vụ chăm sóc tốt nhất, thì chẳng có gì đáng để hổ thẹn. Chỉ khi nào con cái bòn rút đến đồng tiền cuối cùng của cha mẹ rồi ruồng bỏ họ, thì mới đáng bị lên án.

Ngoài ra, nếu theo dõi các thông tin trên báo đài, hẳn các bạn chắc cũng biết nhiều vụ việc các cụ già sống cùng con cháu nhưng vẫn bị chính máu mủ của mình hành hung, bạo hành khi già yếu, bệnh tật. Rõ ràng, vấn đề bất hiếu không phụ thuộc vào việc bạn có sống cùng con hay không. Với những kẻ để cha mẹ ở nhà rồi đối xử tệ bạc, tôi cho rằng còn không bằng những người đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi thỉnh thoảng vào thăm nom.

Tất nhiên, cũng có những đứa con vô trách nhiệm, đùn đẩy nhau chăm cha mẹ già, nhưng liệu những người đó có chịu bỏ tiền ra để thuê một suất trong viện dưỡng lão cho các cụ hay không? Đấy mới là điều cần phê phán. Có lẽ một số bạn sẽ nghi ngờ rằng “làm gì có ai thích ở viện dưỡng lão”, chẳng qua là hoàn cảnh thế nọ thế kia. Thực ra đó chỉ là suy nghĩ chủ quan.

Các cụ cùng các bạn điều dưỡng làm chè lam

Trong xã hội, có người thích lập gia đình, sinh con đẻ cái, nhưng cũng có người thích sống độc thân. Có người thích ở cùng con cháu cho vui, nhưng cũng có người thích ở riêng để thoải mái, tự do. Điều đó cũng đơn giản như việc có người thích tụ tập đám đông, có người thích yên tĩnh một mình vậy. Đó chỉ là khác biệt về sở thích và quan điểm sống của mỗi người. Nên cũng chẳng có gì là sai hay đáng lên án ở đây cả.

Những người nói sau này thích vào viện dưỡng lão, đơn giản là họ muốn chủ động vào cuộc sống, thích sự tự do và không muốn dựa dẫm, phiền lụy đến ai. Họ có nhiều sở thích đa dạng và cảm thấy việc sống ở viện dưỡng lão cũng thú vị và thoải mái chẳng kém gì ở nhà. Ngược lại, có những người thích sống cùng và chăm sóc con cháu, nên niềm vui của họ là ngày ngày ở bên gia đình, nên sẽ không thích ở viện dưỡng lão và chúng ta cũng nên tôn trọng điều đó.

Thật ra, theo tôi, vấn đề ở đây không phải là cách con cái đối đãi với cha mẹ, mà là cách chúng ta tự lựa chọn và chuẩn bị cho cuộc sống của mình khi về già. Mà đã là sự lựa chọn cá nhân thì chúng ta có quyền suy nghĩ khác biệt. Xin đừng vội vàng đánh giá, phán xét người khác khi họ có quan điểm trái ngược với số đông.

Trên đây là quan điểm từ một độc giả trên báo VN Express, còn bạn nghĩ sao về ý kiến trên?

Theo HNT/VN Express.net

Xem thêm

Đằng sau cánh cửa một viện dưỡng lão ở Hà Nội: Ừ thì, mình cứ vui hết mình thôi!

Mọi người vẫn nghĩ viện dưỡng lão là nơi con cái bỏ mặc cha mẹ họ với tuổi già. Tuy nhiên đằng sau cánh cửa, ký ức không bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để các cụ tiếp tục vui sống.

Các cụ hào hứng tham gia chợ Tết cơ sở 2

Trong suy nghĩ của hầu hết chúng ta, viện dưỡng lão là nơi buồn tẻ nhất thế gian. Ở thế giới cô lập đó chỉ là những người già neo đơn đang cố bám víu cuộc sống, rồi lẳng lặng nhìn năm tháng trôi đi phía sau cánh cổng. Cảm giác như một thế giới mà người đến rồi lại ra đi như mây gió và chẳng ai quan tâm.

Tuy nhiên trong suy nghĩ của các cụ tại viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội), mọi thứ lại hoàn toàn khác. Nói chính xác hơn, đây không phải là viện – dưỡng – lão mà là NHÀ – một mái nhà chung chưa bao giờ ngớt tiếng cười nói.

Các cụ đi mua sắm tại các gian hàng chợ Tết cơ sở 1

Cùng trong viện dưỡng lão mà, mình cứ vui hết mình thôi!

Đến bữa cơm tối, bà Cẩm (82 tuổi) lặng nhìn các thành viên khác ăn cơm. Bao giờ cũng thế, bà Cẩm phải chờ mọi người dùng bữa no nê rồi bà mới bắt đầu cầm đũa. Nhiều anh chị ở trung tâm không hiểu, các cụ ông cụ bà khác cũng chẳng rõ sao bà Cẩm lại có hành động “kỳ quặc” như thế!

Bà Cẩm tham gia Ngày lễ Vu lan do Trung tâm tổ chức

“Là vì chút bình tĩnh, chút ưu tư, chút mong chờ”, bà Cẩm không muốn “vồ vập” ăn ngay, mà mọi thứ cứ chầm chậm trôi qua để tận hưởng thật trọn vẹn.

Bà Cẩm đã sống ở đây 2 năm, ký ức trong từng ấy thời gian của bà cô đọng vỏn vẹn ở 2 từ: Vui và tốt! Nào là ngồi bên nhau uống nước, cùng xem ti vi, cùng hát hò, cùng ăn cơm. Hoặc thích thú hơn nữa thì chơi tú lơ khơ, ôm mèo… trên những tấm bìa giấy.

Lần gần đây nhất, một nhóm tình nguyện viên đã mang đến ý tưởng vui chơi thông qua những tấm bìa carton. Nhiệm vụ của các cụ chỉ là chui đầu vào vòng tròn được khoét sẵn và tưởng tượng như mình đang cùng nhau thư giãn vậy đó. Ừ thì, trong viện dưỡng lão mà, mình cứ vui hết mình thôi! Bởi lẽ cuộc đời có bao lâu, miễn sao vui vẻ sống trọn kiếp người là mãn nguyện rồi.

Bà Cẩm đang ôm chú mèo con vào lòng

Bà Cẩm nhớ lại cái lần chui mặt vào những miếng bìa giấy rồi phụt cười: “Vui, vui lắm đó!”. Mọi cảm xúc khi đó đều thật “trẻ con”, ngây ngô và rất tự nhiên. Nhìn vào đó sẽ chẳng ai còn dám nghĩ, thời gian sẽ ngừng lại sau cánh cổng viện dưỡng lão. Bởi mọi thứ ở đây đều được “mua đi bán lại” thông qua những nụ cười.

Tưởng tượng mình đang trong phòng thi và ”bạn nam” đang copy bài của ”bạn nữ”

Các cụ vào đây rất thích vì được khám sức khỏe định kì, tổ chức sinh nhật, chụp ảnh Tết và có đông người quây quần bên nhau. Điều này khác hẳn với viễn cảnh trước đó khi còn ở nhà: ốm yếu, một mình nên thành ra cô đơn!

“Yếu quá rồi, nên nếu thuê người chăm sóc thì cũng bằng tiền vào viện dưỡng lão. Tôi không muốn làm phiền con phiền cháu…” – bà Cẩm thủ thỉ cái lý do mà theo tôi là có chút khó khăn và chạnh lòng để nói ra. “Con cháu là một chuyện, chúng nó còn bận, chẳng thể chăm sóc được mình”.

– “Thời gian đầu bà có tủi thân không?”

– “Không! Vì sao phải tủi, dần dần rồi quen. Con cháu vẫn đều đặn vào thăm tôi mỗi tuần đấy thôi!”

Bởi, viện dưỡng lão không phải là nơi con cái bỏ mặc cha mẹ họ với tuổi già.

Dù xa con cháu nhưng vẫn vui sống có ích

Ở viện dưỡng lão Diên Hồng không có những nỗi đau, âu chỉ có những ánh mắt đau đáu của nhiều cụ bệnh tật trở nên ám ảnh mãi. Đôi bàn tay run run, bàn chân chập chững dò đường đi về phòng. Cái xe đẩy đi trước, cụ ông lại theo sau. Buồn đôi khi cũng chỉ vì ốm yếu, cứ mãi gắn chặt thân thể với chiếc xe lăn nên thành ra ít được tự do.

Một bà cụ tóc bạc phơ không buồn ăn hết bữa cơm tối. Bà mải nhìn gói bỏng ngô trên đấy có gắn cái hình bé xinh, đề dòng chữ: Chúc mừng 8/3. Bà nặng tai nên không thể nghe rõ. Nhưng khi được hỏi sống ở đây có vui không, nhận quà có vui không, bà đáp lại bằng những nụ cười. Nói đoạn, bà lên xe lăn về phòng nằm nghỉ.

“Sống đơn giản, mạnh khỏe, sống mỗi ngày cho vui là được”, vẫn giọng điệu chậm rãi bà Cẩm xuýt xoa. Chính bởi thế viện dưỡng lão Diên Hồng thường hay tổ chức các chương trình văn nghệ, vui chơi để các cụ được hòa mình và sống tốt hơn. Như Tết vừa rồi đó, bà Cẩm và nhiều cụ ông cụ bà khác không về nhà. Họ cùng ở lại đón một cái Tết giản dị bên nhau, cho ra đời bộ ảnh “hồi xuân” nhiều màu sắc trong những tà áo dài duyên dáng.

Bà Cẩm tham gia thi ”Rung chuông vàng” do các bạn tình nguyện viên tổ chức.

Không hiểu sao nhưng ở đây, các cụ thích nghe nhạc. Bữa nào ăn cơm ti vi cũng mở xập xình mấy bản nhạc vui tai, hình ảnh đều đặn chạy vun vút thu vào tầm mắt. Có chút âm thanh, có chút hình ảnh, dường như mọi thứ đỡ nhạt nhẽo. Nếu chiếc xe lăn xếp thứ nhất, thì ti vi đứng thứ hai về “tình bạn” với các cụ. Dẫu sao với thế giới tách biệt ngoài kia, nhìn qua lăng kính truyền hình còn thú vị hơn những chiều nắng tắt mòn mỏi qua khung cửa sổ. Bởi khi đó lại nhớ nhớ nhung nhung, lại nhìn về xa xăm rồi nhỡ đâu đôi mắt lại ươn ướt..

Chẳng ai muốn thế và cũng chẳng ai mong thế…!

Xong bữa tối, các điều dưỡng viên bắt đầu công việc dọn dẹp và vệ sinh cho các cụ. Chương trình âm nhạc kết thúc, mỗi cụ lại đều đặn về từng phòng riêng. Người mở ti vi theo dõi thời sự, người áp tai vào chiếc radio. Thành thử ở trung tâm Diên Hồng, có nhiều hơn 1 thứ âm thanh của sự sống.

– “Các bà có nhớ hết được tên nhau không?

– “Không thể, vì chúng tôi lẫn rồi, lúc nhớ lúc quên”.

Nhưng tôi mong, những niềm vui trong khoảng thời gian sinh sống tại đây các cụ sẽ nhớ mãi. Như cụ bà Cẩm bảo, ở viện dưỡng lão be bé này, người này đến rồi lại đi, người khác lại tới. Là một vòng luân chuyển nên không bao giờ thiếu đi những người bạn – những thành viên đặc biệt trong đại gia đình đặc biệt.

Bà Cẩm và điều dưỡng Kim Uyên

Mỗi cụ một hoàn cảnh, một nỗi đau nhưng khi đến với nhau, họ cùng trân quý những kỷ niệm và dành tặng niềm vui để tiếp tục vui sống. Và thế là, đằng sau cánh cửa của viện dưỡng lão, ký ức không phải bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để biến những điều tưởng như tẻ nhạt nhất thành nụ cười.

Theo: Minh Nhân/ Kênh 14.vn

Xem thêm

Khi các cụ đón Tết ở Viện Dưỡng lão mà không có con cháu ở bên

Sau nhiều lần lựa chọn ăn Tết ở Viện dưỡng lão, cụ bà Vũ Thị Dành (83 tuổi, ở Cẩm Giàng, Hải Dương, hiện đang sống tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng) nhận thấy, ăn Tết ở Viện dưỡng lão vui hơn ở nhà.

Càng về những ngày cuối năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội lại càng diễn biến phức tạp. Để an toàn cho sức khỏe của mình và chồng, bà Vũ Thị Dành quyết định cùng chồng ở lại Hà Nội. Hai ông bà cùng ăn Tết trong Viện dưỡng lão.

Tết Nguyên đán 2022 là cái tết thứ 4 của bà Dành và ông Bưởi tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng.

Bà Dành tâm sự, bà không có mong muốn về nhà ăn Tết. Bởi về quê cũng chỉ có 2 ông bà. Con cái thì ai cũng có gia đình riêng, có công việc riêng, vì thế ông bà cũng không về nhà ai hết.

Cụ Dành và cụ Biển chụp ảnh lưu niệm chào đón Tết Nguyên đán

“Mà hiện tại, tôi xem Diên Hồng như ngôi nhà thứ 2, là quê hương thứ 2 của tôi. Ăn Tết ở đây cũng là ăn Tết ở nhà mình. Nếu con cháu muốn thì có thể vào trung tâm chúc tết ông bà.

Tôi ở đây ăn Tết mấy năm thì nhận thấy rằng, năm nào cũng thế, trung tâm đều tổ chức nhiều hoạt động đón Tết. Vì thế các cụ ai nấy đều thấy vui, mà lại yên tâm, an toàn”.

Cụ bà chia sẻ thêm rằng, năm nay bà còn sắm được cây quất để chơi Tết. Bà hồ hởi kể hôm chợ Tết bà mua được nhiều đồ lắm. Nào là hạt điều, mứt, bưởi để Tết bà mời khách đến chơi. Hoặc là cho con cháu đến thăm.

Cũng giống như bà Dành và ông Bưởi. Nhiều cụ đang sống cũng lựa chọn ăn Tết tại viện và đều cảm thấy rất vui. Cụ bà Nguyễn Thị Biển cho biết, từ hôm Diên Hồng tổ chức các hoạt động đón Tết đến giờ, hoạt động nào bà cũng thích.

Hoạt động gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết làm nhiều cụ thích thú và hào hứng tham dự

Các hoạt động chụp ảnh Tết cho các cụ, chợ Tết, gói bánh chưng đều gây ấn tượng với bà. “Phải mấy chục năm rồi bà mới ngồi lau lá, gói bánh. Bà vui lắm con ạ’’ – cụ Biển hào hứng nói.

Theo bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, người già thường sợ cô đơn, nên mỗi độ Tết đến xuân về, các nhân viên tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng thường sắm sửa những cành đào thật đẹp. Các căn phòng thì được trang trí thêm ấm cúng, biểu diễn văn nghệ giống với không khí Tết gia đình.


Các hoạt động đón Tết được tổ chức khiến các cụ rất vui

Năm nay, các cụ ở Diên Hồng chuẩn bị đón Tết từ rất sớm. Từ đầu tháng các cụ đã cùng các cháu trang trí cổng chợ tết, buộc ruy băng đỏ trên tán cây để cầu may mắn.

Đặc biệt, chợ Tết năm nay diễn ra ấm cúng chỉ nội bộ. Nhưng vẫn sôi nổi với các trò chơi. Ngoài ra còn có các gian hàng ẩm thực, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bánh mứt… và văn nghệ chào xuân. Năm nay các tiết mục được chuẩn bị công phu hoành tráng.

Bên cạnh không gian chợ Tết vui vẻ, ấm cúng còn có nhiều hoạt động khác. Như gói bánh chưng và ngồi trông nồi luộc bánh cũng khiến các cụ rất thích thú.

Bữa cơm tất niên ấm cúng của các cụ tại Viện dưỡng lão

“Các cụ vui quá còn ríu rít cảm ơn Diên Hồng. Bà bảo mấy chục năm rồi bà mới được trải nghiệm không khí rộn ràng chuẩn bị và gói bánh chưng như thế này. Sau các hoạt động chuẩn bị Tết, các cụ sẽ quây quần ăn bữa cơm tất niên. Một không khí ấm cúng như ở nhà.

Không những thế, thực đơn ngày Tết cũng được Trung tâm thay đổi. Món ăn hàng ngày được đổi thành những món ăn đặc trưng của ngày Tết. Ví dụ như: bánh chưng, giò chả, thịt gà, canh măng… Đến đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm ”.

Thấu hiểu tâm lý của các cụ và giá trị truyền thống của Tết cổ truyền, Diên Hồng luôn cố gắng để các cụ được tận hưởng một cuộc sống thật vui vẻ, thoải mái. Để các cụ đón Tết tại Viện dưỡng lão không hề cô đơn hay buồn tẻ.

Theo An An/giadinhmoi.vn

Xem thêm

Tết ấm cúng của người cao tuổi ở Dưỡng lão Diên Hồng

Tết là khoảng thời gian gia đình sum họp, người già quây quần bên con cháu. Nhưng các ông bà tại Diên Hồng lại chọn cho mình một cách đón tết thật đặc biệt. Đó là đón một cái tết ấm áp, vui vẻ và đầy yêu thương bên những người bạn già, bên ngôi nhà thứ hai của mình.

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng hiện có 3 cơ sở. Cơ sở 1 ở KĐT Đô Nghĩa (Yên Nghĩa, Hà Đông), cơ sở 2 tại KĐT Thanh Hà (Kiến Hưng, Hà Đông) và cơ sở 3 ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai), hiện là nơi ở của hơn 200 cụ ông, cụ bà. Khi năm mới đang đến gần, nhiều cụ ở Trung tâm không trở về cùng gia đình, mà ở lại đây đón Tết. Theo chia sẻ, trước Tết một thời gian, nhiều gia đình đã có kế hoạch đón bố mẹ, người thân về ăn Tết. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid 19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, vì an toàn cho người thân và cho người già tại trung tâm nên các gia đình không đón về nữa, hoặc nếu đón thì hết dịch mới quay lại.

“Người già thường sợ cô đơn, nên mỗi độ Tết đến xuân về, các nhân viên tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng thường sắm sửa những cành đào thật đẹp, trang trí các căn phòng thêm ấm cúng, biểu diễn văn nghệ giống với không khí Tết gia đình”. Các nhân viên còn hát, biểu diễn cho các cụ xem. Những ngày cận Tết, nhân viên Trung tâm còn cắt những bông hoa giấy, ghi câu đối rồi trang trí lên các ô cửa kính (chị Hoàng Thị Thu Ngân – phó tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ.)

Không những thế thực đơn ngày Tết cũng được thay đổi. Từ những món ăn hàng ngày được đổi thành những món ăn đặc trưng của ngày Tết như: bánh chưng, giò chả, thịt gà, canh măng. Không những thế đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm chứ không hề tẻ nhạt. 

Đặc biệt hơn cả đó là năm nay là năm đầu tiên Diên Hồng tổ chức ngày hội gói bánh chưng cho tất cả các cụ đang an dưỡng tại trung tâm và toàn thể cán bộ nhân viên. Các cụ thì phấn khởi vì lâu lắm rồi mới lại ngồi tự buộc lạt, tự gói từng chiếc bánh chưng vuông. Còn các bạn nhân viên cũng hào hứng không kém vừa hỗ trợ các cụ vừa tranh thủ học lỏm cách gói sao cho vuông, sao cho đẹp.

Bà Nguyễn Thị Biển khi được phóng viên hỏi rằng bà thích hoạt động đón Tết nào nhất ở Diên Hồng thì bà trả lời rằng: ‘’ Từ hôm tổ chức Tết đến giờ, hoạt động nào bà cũng thích. Chụp ảnh tết cho các cụ này, chợ Tết này đều gây ấn tượng với bà, rồi còn gói bánh chưng nữa. Phải mấy chục năm rồi bà mới ngồi lau lá, gói bánh. Bà vui lắm con ạ’’. 

Dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì những giá trị về tinh thần vẫn luôn được coi trọng. Hiểu được điều đó nên Diên Hồng luôn cố gắng để các cụ được tận hưởng một cuộc sống thật thoải mái và tiện nghi hết sức có thể. Và chắc chắn rằng Tết ở Dưỡng lão Diên Hồng sẽ không hề cô đơn hay buồn tẻ.  

Xem thêm