Vậy là khép lại một tháng thực tập ở Viện dưỡng lão Diên Hồng. Nghĩ thì lâu mà trôi qua nhanh quá. Một tháng nhen nhóm trong tôi thật nhiều cảm xúc kỷ niệm.
Phải lòng Diên Hồng từ lần đầu đến thăm, một không gian ấm cúng, hiện đại, trang trọng mà gần gũi. Có lẽ bởi không gian ấy, khiến chúng tôi thoải mái hơn trong việc xin thực hành ở đây.
Nếu cảnh vật của Viện dưỡng lão Diên Hồng để lại cho tôi ấn tượng thì con người Diên Hồng lại cho những cảm xúc khó quên. Con người Diên Hồng dễ thương lắm, mấy đứa lần đầu đi thực hành cứ lơ, nga lơ ngơ khiến các chị phải chỉ bảo từng tý một. Ấy thế mà các anh chị nhiệt tình lắm, anh chị điều dưỡng nào cũng hỗ trợ chúng tôi tổ chức hoạt động rồi luôn nói câu “cảm ơn các em” mỗi khi chúng tôi ra về. Một câu nói đơn giản lại để lại cho chúng tôi sự biết ơn. Biết ơn vì các anh chị luôn hết lòng giúp đỡ và luôn tạo động lực cho chúng tôi cố gắng làm tốt hơn.
Một tháng thực tập ở Viện dưỡng lão Diên Hồng, có những lúc áp lực vì nghĩ phải làm gì để các cụ vui, phải làm gì cho không khí sôi nổi. Với một đứa sinh viên còn thiếu kinh nghiệm thì đây quả thật là một bài toán khó. Khó nhưng không có nghĩa là từ bỏ. Mỗi người mỗi ý rồi chúng tôi đã cùng nhau tổ chức được một vài hoạt động dành cho các cụ. Có thể nó chưa thật sự tốt, có thể nó chưa thật sự vui nhưng nó là sự cố gắng. Và thứ mà chúng tôi nhận lại được những tình cảm giản dị ông bà dành cho, những nụ cười vui vẻ của ông bà khi chơi cùng chúng tôi. Chỉ thế thôi là đủ.
Viện dưỡng lão Diên Hồng khiến tôi thay đổi hẳn suy nghĩ không nên đưa ông bà vào viện dưỡng lão. Bởi ở đây tôi thấy các anh chị tận tình chăm sóc, tôi thấy nụ cười của ông bà khi những hoạt động được diễn ra. Từ sức khỏe đến tinh thần của ông bà đều được quan tâm chu đáo.
Tạm biệt Diên Hồng
rồi, sẽ nhớ lắm những khoảnh khắc cùng ông bà chơi trò chơi, nhớ nụ cười nhớ cả
những giọt nước mắt mỗi khi ông bà xúc động. Nhớ những lúc dỗ dành ông bà ăn
cơm, nhớ những câu chuyện mà ông bà kể. Nhớ cái bánh ông bà cố ép phải cầm, ông
bà bảo quý mới cho. Nhớ các anh chị điều dưỡng dễ gần dễ mến.
Vậy đấy, một tháng trôi qua, giản dị mà ý nghĩa, mệt nhưng vui và xứng đáng. Một tháng để học thêm nhiều thứ và nhận ra nhiều điều.
Người ta nói nghề nghiệp là cái duyên, không ai có thể yêu thích công
việc ngay từ buổi đầu. Đặc biệt là ngành điều dưỡng, vất vả khó nhọc, thời gian
dành cho người bệnh còn nhiều hơn dành cho gia đình, nhất lại là điều dưỡng trong
viện dưỡng lão, phải yêu nghề, tâm huyết lắm thì mới làm được.
Tôi ghé thăm Viện dưỡng lão Diên Hồng 2, từ xa bóng dáng của người con
gái ấy đã thu vào trong tầm mắt. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn len lỏi giữa
hàng xe lăn để đưa đồ ăn sáng cho các cụ. Người con gái ấy chính là chị Hồng Thơm
(Điều dưỡng trưởng cơ sở 2 Viện dưỡng lão Diên Hồng). Chị đến với Viện dưỡng
lão từ những ngày đầu mới thành lập, là một trong số những người vun trồng hạt
giống đầu tiên lên mảnh đất Diên Hồng.
Chị nghiêng nghiêng mái đầu, mắt nhìn xa xăm kể lại 5 năm trước. Khi chị
vừa mới ra trường và đang ở nhà chờ đợi một suất biên chế vào nhà nước, duyên
phận lại đưa chị đến với Diên Hồng. Qua một người bạn, chị biết đến trung tâm.
“Hồi đó khi nghe đến viện dưỡng lão thì thấy nó xa lạ lắm, chỉ được nghe trên
ti vi, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm ở đây. Người ta bảo ở đó đáng sợ và kinh
khủng lắm nhưng khi đến trung tâm ấn tượng với mình là rất sạch sẽ, khang trang,
trông như một khách sạn”, chị Thơm chia sẻ.
Khi làm ở đây chị phải học rất nhiều thứ, công việc không còn ngồi ôm đống
bệnh án, bơm tiêm như ở Bệnh viện mà thay vào đó là tã bỉm, cho ăn, tắm rửa vệ
sinh. Với một cô gái trẻ như chị thì mọi thứ trở nên thật khó khăn. Chị bật
cười, giọng hóm hỉnh kể lại lần đầu tiên chị đóng bỉm cho các cụ “Lúc đó chẳng có
ai dạy cho mình là phải thay bỉm như thế nào, bắt đầu từ đâu cả. Mọi thứ là do
mình tự tìm tòi ra, có lần thì đóng ngược, lần thì đóng lệch, lâu dần thì thành
quen. Có như thế thì mình mới học được thêm nhiều điều”.
Các cụ ở trong viện dưỡng lão trẻ cũng có, già cũng có, mỗi người mang
trong mình căn bệnh khác nhau nên suy nghĩ, thái độ cũng khác nhau. Nhưng có
một điểm chung là sâu thẳm bên trong đều có một ngọn lửa yêu thương và hy vọng đang
âm ỉ cháy. Chị lấy điện thoại đưa cho tôi xem những bức ảnh của các cụ, chị nói
“Ở Diên Hồng mình cảm nhận được tình yêu thương của các cụ, rất mộc mạc và chân
tình. Nó chỉ đơn giản là những lời quan tâm động viên, hỏi thăm mỗi khi mình ốm
đau hay chỉ là ngồi nghe các cụ tâm sự về cuộc đời. Rồi những lúc có đồ ăn ngon
các cụ lại gói ghém để dành cho các cháu”. Thứ tình cảm thật tự nhiên, trong
sáng và thuần khiết.
Chị Thơm cho biết để “trở thành một điều dưỡng viên
trong viện dưỡng lão, không chỉ cần kiến thức mà nó còn đòi hỏi phải làm bằng
cả trái tim, cho đi mà không cần nhận lại”. Có
cụ thì khó tính, gặp ai cũng mắng chửi. Có cụ thì bị lẫn, nhớ nhớ quên quên. Có
cụ thì ngồi nói chuyện một mình cả ngày mà không chán. Mỗi cụ là một câu
chuyện, đừng thấy đó là phiền phức. Càng các cụ khó mình càng phải quan tâm,
chăm sóc và để ý đến các cụ hơn. Khi đã làm bằng cả trái tim thì cái
mình nhận lại nhiều hơn một một công việc được trả lương. Các bạn điều dưỡng
của Diên Hồng vẫn luôn cố gắng để mỗi ngày trôi đi, các cụ được sống ý nghĩa
hơn, hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Mỗi ngày sẽ là một kỷ niệm khó quên với
các cụ.
Chị Thơm đang ngồi bên bàn xếp thuốc, mái tóc bay bay, những vạt nắng
tinh nghịch nô đùa trên vai áo. Chị lại tiếp tục với công việc thường nhật của
mình. Lòng tự nhủ chị đang giúp các cụ duy trì sức khỏe để tham gia được hết
các hoạt động cùng nhau trong Diên Hồng.
Thấm thoắt mới đây mà đã hơn hai năm kể từ ngày tôi bước chân vào mái nhà Diên Hồng, hai năm không phải là thời gian dài cũng không phải là ngắn. Ở đây, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ anh chị lãnh đạo, từ các bạn, cũng như trau dồi được kĩ năng và đặc biệt là tình yêu thương cho đi không cần nhận lại đúng với câu slogan của trung tâm “ SẺ CHIA TRÁCH NHIỆM – VẸN TÌNH YÊU THƯƠNG”
Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng được thành lập từ ngày 21/09/2014, dưới sự dẫn dắt của anh chị Đỗ Trần Hồ Thắng và Trần Thị Thúy Nga, đến nay trung tâm đã trải qua 05 năm (21/09/2014 – 21/09/2019) trưởng thành và phát triển. Diên Hồng, thể hiện khát vọng của người sáng lập muốn xây dựng một Viện dưỡng lão kiểu mẫu theo đuổi các giá trị: Tận tâm chăm sóc người cao tuổi, Đồng cảm với cảm xúc, hoàn cảnh của người cao tuổi, cùng gia đình mang tới môi trường sống Vui vẻ giúp người cao tuổi sống tại đây yêu đời hơn, tìm lại được những sở thích và đam mê đang dần bị lãng quên.
Những ngày đầu
khi Trung tâm mới thành lập chỉ có vài
nhân viên, cơ sở vật chất chưa đầy đủ vậy mà nay trung tâm đã có khoảng 150 người cao tuổi,
hơn 30 nhân viên điều dưỡng và 02 cơ sở hoạt động. Đây là một con số không hề
nhỏ. Để có được ngày hôm nay, tất cả cán bộ nhân viên cũng như Ban lãnh đạo phải
nỗ lực, phấn đấu hết mình.
Chúng tôi, đến từ
nhiều nơi khác nhau, dù đến từ nơi đâu nhưng
dưới mái nhà Diên Hồng thì ai cũng chung một mục đích là làm việc, cống hiến,
chăm lo cho sức khỏe các cụ và phấn đấu vì sự phát triển của Trung tâm. Sở dĩ
nói nơi đây là mái nhà chung bởi tại đây mọi người cùng nhau làm việc, cùng
nhau ăn, cùng nhau ngủ, cùng nhau sinh hoạt. Không chỉ mình tôi mà tất cả mọi
người đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi sáng đi làm khoác trên mình
bộ đồng phục, đeo bảng tên có dòng logo Diên Hồng và dòng chữ nhỏ “điều dưỡng viên Trần Văn Thủy”
tôi thấy hân hoan, hãnh diện khi ai đó nhìn vào mình trong bộ đồng phục này, nó
minh chứng cho thấy rằng tôi là một phần nhỏ của Diên Hồng. Không phải màu trắng
như những bệnh viện hay phòng khám mà nó là một màu xanh – một màu xanh của hi
vọng, màu xanh của riêng Diên Hồng.
Ngày nay, những
người trẻ tuổi nhất là ở các thành phố lớn, thay đổi công việc không có gì là lạ,
bởi vì họ không muốn gắn bó lâu dài với một công việc nào đó, vì thế họ sẽ
không cảm nhận được sự gắn bó , thân thuộc và đoàn kết, cũng như chứng kiến sự
phát triển từng ngày của một tập thể lớn. Còn bản thân tôi, tôi cũng có những ấp ủ, những dự định cho tương lai nhưng cuộc
sống chưa bao giờ là dễ dàng. Tôi đã từng đi làm nhiều nơi , từ bệnh viện,
phòng khám cũng như làm trái nghề. Mãi về sau, khi tôi biết đến Viện Dưỡng lão,
tháng 03/2017 tôi bắt đầu đến với ngôi nhà
Diên Hồng, mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt, tôi hoàn toàn bị sốc vì công việc
nó khác xa với những gì tôi được học ở trường và những nơi tôi đã từng làm. Mọi
thứ trở nên khó khăn với một đứa con trai như tôi.
Hơn hai năm trôi qua, chẳng biết từ khi nào Diên Hồng trở thành một phần trong
cuộc sống của tôi , tôi đã dần yêu công việc này và quãng thời gian đó đủ tạo cho tôi có những
tình cảm nhất định với nơi đây cũng như các cụ.
Trong thời gian tôi làm việc tại Diên Hồng,
tôi và các bạn được ban lãnh đạo tạo điều kiện tham gia các hoạt động ngoại
khóa để giao lưu, đặc biệt là để gắn chặt sự đoàn kết của nhân viên với nhau.
Bởi lẽ, đôi khi đồng
cảm không được tạo bởi sự trường kì của thời gian mà chỉ là trong khoảnh khắc
cũng như đôi khi chúng ta thấy được ý chí cùng nhìn về một hướng. Xung quanh
tôi là những bạn nhân viên giỏi, có nhiệt huyết và nhiệt tình giúp đỡ đồng nên tôi có được nhiều cơ hội học hỏi kinh
nghiệm cho riêng mình.
Cuộc sống là tình
yêu và công việc. Hai thứ này luôn tồn tại song song trong cuộc sống của chúng
ta. Được làm việc và sống tại mái nhà Diên Hồng tôi cảm thấy như mình đang được
hưởng thụ cuộc sống vì ở đây tôi cảm nhận được sự bình yên, tình yêu thương giữa
con người với nhau.
Nơi đây, chúng tôi
coi như là 1 gia đình, đồng nghiệp và các cụ như người thân. Cũng như ngôi nhà
thứ hai để các cụ an dưỡng tuổi già, giao lưu, sinh hoạt chung, được chăm sóc sức
khỏe và đặc biệt là nơi chờ các con sau khi họ trút bỏ những xô bồ của cuộc sống
sau lưng.
Và điều cuối cùng,
tôi muốn nói đó là niềm tin, nhiệt huyết của tôi đặt tại nơi đây bởi vì: ”Có một thanh xuân mang tên Diên Hồng”. Tôi
yêu Diên Hồng, yêu công việc của tôi, cũng như tình yêu thương dành cho các cụ.
Với tiêu chí: CHĂM NHƯ CHĂM NGƯỜI THÂN
tôi tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa, nhiệt huyết hơn nữa để Diên Hồng càng ngày càng
phát triển. Tục ngữ có câu : MỘT CÂY LÀM
CHẲNG NÊN NON vậy nên, tôi cũng hi vọng các bạn cùng tôi nỗ lực để: BA CÂY CHỤM LẠI NÊN HÒN NÚI CAO. Nhân
đây tôi cũng cảm ơn ban lãnh đạo đã tổ chức cuộc thi này, nhờ nó mà tôi có dịp
viết lên những gì tôi nghĩ về nơi tôi đang làm việc.
Chúc cho Diên Hồng ngày một lớn mạnh !!!!!!
Trần Văn Thủy – Bài dự thi của cuộc thi viết “Tuổi trẻ của Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”
Một buổi sáng đầu thu, tiết trời trong lành mát mẻ, cái nắng dần ngả
sang màu vàng óng, không còn chói chang gay gắt như nắng mùa hạ, một vị khách
đặc biệt từ phương xa không hẹn mà đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng.
Ông Kwon Sang Soo được Đại sứ quán Hàn tại Việt Nam đưa đến Trung tâm.
Hôm nhập Trung tâm, ông ngồi trên chiếc xe lăn, mặc bộ quần áo đơn giản,
đội chiếc mũ che đi gần nửa khuôn mặt. Điều làm mọi người chú ý hơn hết là nụ
cười và ánh mắt của ông. Người nào gặp ông cũng cảm nhận được khí chất của
người lãnh đạo, một tinh thần lạc quan, một ý chí chiến đấu bất diệt.
Mỗi người có cơ duyên đến với Diên Hồng đều mang theo những câu chuyện
đời của riêng mình. Thật may điều dưỡng Diên Hồng có thể nói tiếng Hàn nên các
bạn nhân viên được hiểu thêm về cuộc đời ông. Ngay khi được gặp và nói chuyện
bằng Tiếng Hàn với 1 bạn nhân viên, ông quá đỗi ngạc nhiên, khuôn mặt bỗng rạng
rỡ lạ thường, rồi ông bắt đầu kể…
Men theo dòng ký ức ông kể, ông sinh ra ở một vùng quê xinh đẹp của xứ
sở Kim chi. Tuổi thơ của ông là chuỗi những tháng ngày êm đềm bên gia đình. Bỗng
đến một ngày, biến cố xảy ra khiến ông và gia đình ly tán, mỗi người một
phương. Từ đó đến nay cũng đã 40 năm rồi.
Giọng ông run run kể rằng: “Tôi đi khắp nơi để tìm gia đình. Ở Hàn Quốc
không thấy, tôi đi sang Trung Quốc. Lúc đó vừa không biết tiếng cũng không có
công việc, với hai bàn tay trắng tôi cố gắng làm đủ mọi thứ để có tiền trang
trải cuộc sống nơi đất khách quê người, vừa làm việc vừa nghe ngóng tin tức của
gia đình”. Nhiều lần tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, muốn gục ngã trước số phận
nhưng khát khao cháy bỏng để tìm được gia đình vẫn luôn rạo rực trong ông khiến
ông không thể từ bỏ.
Rời Trung Quốc ông đến đất nước Việt Nam xinh đẹp. Ông bắt đầu lập nghiệp ở đây bằng việc mở một công ty ở Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mặc dù bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng công ty ngày một phát triển và lớn mạnh. Ông chia sẻ: “Tôi không nghĩ đến việc lập gia đình, lấy vợ sinh con, tôi sợ đến một ngày nào đó rồi cũng phải chia ly mỗi người một ngả”. Ông bắt đầu lao vào công việc, lúc này chỉ có công việc mới khiến ông nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình da diết.
Tưởng chừng cuộc đời đã bắt đầu mỉm cười với ông, nhưng không, 5 năm trước một cơn bạo bệnh bỗng đổ ập xuống khiến ông bị liệt nửa người phải. Khi mà nỗi đau đã đến tột cùng khiến cho cảm xúc trở nên chai lỳ thì nó sẽ hóa động lực để ta đi tiếp, ông đã vượt lên nỗi đau để thành công.
“Tôi thích con người Việt Nam, họ rất mến khách, lại nhiệt tình nồng
hậu. Con gái Việt Nam rất đẹp, con gái của Viện dưỡng lão Diên Hồng cũng thế,
xinh đẹp và khéo léo. Tôi ở đây cũng rất thoải mái, các bạn điều dưỡng còn phục
hồi chức năng cho tôi. Trước khi vào đây tôi cũng đã tham quan một số nơi rồi
nhưng không hiểu sao tôi lại muốn vào Diên Hồng”. Có lẽ nơi đây có cái không
khí ấm cúng như gia đình khiến ông thấy gần gũi, thân quen.
Hằng ngày ông thường đọc báo, xem những tin tức về đất nước Hàn Quốc. Nỗi
niềm tìm lại gia đình vẫn cứ đau đáu trong ông. Khi con người ta yếu đuối thì
ta thường nghĩ về quê hương, về gia đình, về những điều ấm áp.
“Tôi sẽ không ở đây lâu nữa, cũng sắp đến lúc trở về với quê hương rồi.
Dù mới gặp nhau nhưng tôi rất thích nơi này, tôi sẽ nhớ cái tên Diên Hồng” đôi
mắt đượm buồn, ông nghẹn ngào nói. Đến cái tuổi hơn nửa đời người rồi, con
người ta chỉ mong tìm thấy được bến đỗ bình yên trong tâm hồn. Diên Hồng cũng
vậy luôn ấp ủ một ước muốn sẽ là nơi bình yên để các cụ cao niên an dưỡng tuổi
già, là ngôi nhà chan chứa tình yêu thương.
Một buổi sáng đầu thu, tiết trời trong lành mát mẻ, cái nắng dần ngả
sang màu vàng óng, không còn chói chang gay gắt như nắng mùa hạ, một vị khách
đặc biệt từ phương xa không hẹn mà đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng.
Ông Kwon Sang Soo được Đại sứ quán Hàn tại Việt Nam đưa đến Trung tâm.
Hôm nhập Trung tâm, ông ngồi trên chiếc xe lăn, mặc bộ quần áo đơn giản,
đội chiếc mũ che đi gần nửa khuôn mặt. Điều làm mọi người chú ý hơn hết là nụ
cười và ánh mắt của ông. Người nào gặp ông cũng cảm nhận được khí chất của
người lãnh đạo, một tinh thần lạc quan, một ý chí chiến đấu bất diệt.
Mỗi người có cơ duyên đến với Diên Hồng đều mang theo những câu chuyện
đời của riêng mình. Thật may điều dưỡng Diên Hồng có thể nói tiếng Hàn nên các
bạn nhân viên được hiểu thêm về cuộc đời ông. Ngay khi được gặp và nói chuyện
bằng Tiếng Hàn với 1 bạn nhân viên, ông quá đỗi ngạc nhiên, khuôn mặt bỗng rạng
rỡ lạ thường, rồi ông bắt đầu kể…
Men theo dòng ký ức ông kể, ông sinh ra ở một vùng quê xinh đẹp của xứ
sở Kim chi. Tuổi thơ của ông là chuỗi những tháng ngày êm đềm bên gia đình. Bỗng
đến một ngày, biến cố xảy ra khiến ông và gia đình ly tán, mỗi người một
phương. Từ đó đến nay cũng đã 40 năm rồi.
Giọng ông run run kể rằng: “Tôi đi khắp nơi để tìm gia đình. Ở Hàn Quốc
không thấy, tôi đi sang Trung Quốc. Lúc đó vừa không biết tiếng cũng không có
công việc, với hai bàn tay trắng tôi cố gắng làm đủ mọi thứ để có tiền trang
trải cuộc sống nơi đất khách quê người, vừa làm việc vừa nghe ngóng tin tức của
gia đình”. Nhiều lần tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, muốn gục ngã trước số phận
nhưng khát khao cháy bỏng để tìm được gia đình vẫn luôn rạo rực trong ông khiến
ông không thể từ bỏ.
Rời Trung Quốc ông đến đất nước Việt Nam xinh đẹp. Ông bắt đầu lập
nghiệp ở đây bằng việc mở một công ty ở Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy
Tiên, tỉnh Hà Nam. Mặc dù bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng công ty ngày
một phát triển và lớn mạnh. Ông chia sẻ: “Tôi không nghĩ đến việc lập gia đình,
lấy vợ sinh con, tôi sợ đến một ngày nào đó rồi cũng phải chia ly mỗi người một
ngả”. Ông bắt đầu lao vào công việc, lúc này chỉ có công việc mới khiến ông quên
đi nỗi nhớ gia đình da diết.
Tưởng chừng cuộc đời đã bắt đầu mỉm cười với ông, nhưng không, 5 năm
trước một cơn bạo bệnh bỗng đổ ập xuống khiến ông bị liệt nửa người. Khi mà nỗi
đau đã đến tột cùng khiến cho cảm xúc trở nên chai lỳ thì nó sẽ hóa động lực để
ta đi tiếp, ông đã vượt lên nỗi đau để thành công.
“Tôi thích con người Việt Nam, họ rất mến khách, lại nhiệt tình nồng
hậu. Con gái Việt Nam rất đẹp, con gái của Viện dưỡng lão Diên Hồng cũng thế,
xinh đẹp và khéo léo. Tôi ở đây cũng rất thoải mái, các bạn điều dưỡng còn phục
hồi chức năng cho tôi. Trước khi vào đây tôi cũng đã tham quan một số nơi rồi
nhưng không hiểu sao tôi lại muốn vào Diên Hồng”. Có lẽ nơi đây có cái không
khí ấm cúng như gia đình khiến ông thấy gần gũi, thân quen.
Hằng ngày ông thường đọc báo, xem những tin tức về đất nước Hàn Quốc. Nỗi
niềm tìm lại gia đình vẫn cứ đau đáu trong ông. Khi con người ta yếu đuối thì
ta thường nghĩ về quê hương, về gia đình, về những điều ấm áp.
“Tôi sẽ không ở đây lâu nữa, cũng sắp đến lúc trở về với quê hương rồi.
Dù mới gặp nhau nhưng tôi rất thích nơi này, tôi sẽ nhớ cái tên Diên Hồng” đôi
mắt đượm buồn, ông nghẹn ngào nói. Đến cái tuổi hơn nửa đời người rồi, con
người ta chỉ mong tìm thấy được bến đỗ bình yên trong tâm hồn. Diên Hồng cũng
vậy luôn ấp ủ một ước muốn sẽ là nơi bình yên để các cụ cao niên an dưỡng tuổi
già, là ngôi nhà chan chứa tình yêu thương.
Tuần qua các bạn tình nguyện viên bên dự án Les Coeurs D’or trực thuộc dự án
tổng Green Summer Project Hanoi đã đến trò chuyện và giao lưu với các cụ trong Viện
dưỡng lão Diên Hồng.
Sáng sớm trời mưa rả rích, mọi người còn đang vùi mình trong chăn tận
tưởng ngày cuối tuần, thì các bạn, những tình nguyện viên không ngại mưa gió đã
đến với Diên Hồng. Bằng thứ tình cảm ngây thơ, trong sáng, các bạn học sinh
mang niềm vui và yêu thương đến với các cụ.
Các bạn đã chuẩn bị những trò chơi thật thú vị, phù hợp với người cao
tuổi như là chơi bowling, sờ đoán đồ vật hay là ném bóng vào rổ.
Bà Hoạt tươi cười đón lấy quả bóng từ các bạn, hóm hỉnh cười nói: “Ở
Trung tâm bà cũng hay chơi cái trò này lắm. Nhưng bà ném quả bóng to to cơ, chứ
quả này bé quá”. Bằng kinh nghiệm của mình, bà rướn người nhẹ nhàng tung quả
bóng rơi trúng vào trong rổ. Bà Tuyết còn gian lận chạy đến bỏ luôn quả bóng
vào rổ làm cho các cụ khác cười ầm lên thích thú.
Hấp dẫn nhất là lúc chơi sờ đoán đồ vật. Các cụ sờ sờ nắn nắn một hồi
nhưng nghe chừng khó quá lại đặt xuống chuyển sang đồ khác. Cụ nào đoán đúng sẽ
nhận được món quà chính là đồ vật mà mình vừa đoán. Đến lượt bà Bảo chơi, bà
nháy mắt tinh nghịch bảo các bạn: “Hay là bà cứ bốc được cái nào thì cho bà xin
luôn cái đấy nhé, chứ bà không đoán được đâu”. Xong rồi bà cười phá lên, khuôn
mặt đầy những dấu vết thời gian bỗng nhiên lại rạng rỡ, vui tươi đến lạ.
Bạn Phan Bằng An (Trưởng Ban tổ chức mùa 2) tâm sự. “Đến Viện dưỡng lão Diên Hồng, chúng em muốn gửi gắm vào đó chút niềm vui, chút yêu thương và một chút sẻ chia đến các cụ. Lần đầu gặp gỡ nhưng các cụ thật dễ mến và ấm áp. Ngồi tâm sự với các cụ chúng em có thêm được nhiều kinh nghiệm sống quý báu”. Các bạn học sinh dự án Les Coeurs D’or quây quần bên bà Liên nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Bà nghiêng người, cười móm mém, đôi mắt long lanh khi kể về chuyện tình yêu của mình. Tình yêu làm cho con người ta bỗng chốc thấy yêu đời, làm cho dòng chảy thời gian trở nên hiền hòa hơn bao giờ hết. Không những thế, bà còn chỉ cho các bạn bí quyết để có người yêu làm các bạn hào hứng vô cùng.
Sau một ngày tại Trung tâm, các bạn chia sẻ: “Hôm nay có lẽ là ngày chủ
nhật ý nghĩa nhất trong mùa hè của Les Coeurs D’or. Các cụ Viện dưỡng lão Diên
Hồng thân thiện, gần gũi như ông bà, người thân của chúng mình vậy. Qua ngày
hôm nay, chúng mình cũng thấu hiểu, cảm nhận sâu sắc hơn về tình yêu thương con
cháu nói riêng và tình cảm gia đình nói chung. Từ đó chúng mình cũng biết ơn và
yêu thương ông bà bố mẹ nhiều hơn. Hãy trân trọng tình cảm của tất cả mọi người
đối với mình, trao đi để nhận lại yêu thương và lan tỏa yêu thương.”
Cảm ơn các bạn, những người mang yêu thương đến với các cụ. Chúc các bạn gặp nhiều may mắn và thành công trên đường đời.
Đến với Trung tâm một ngày đầu thu, khi mà cái nắng chói chang của mùa
hè đã dịu bớt, các bạn, những thực tập sinh của ngành Công tác xã hội, trường
Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn. Ở cái tuổi đôi mươi tràn trề nhựa sống ấy,
các bạn đến mang theo nguồn năng lượng tươi mới, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Khi nhìn thấy các bạn thực tập đến là các cụ cười tươi lắm. Bà Cẩm vốn yêu
mến các bạn trẻ nên vừa nghe tiếng các cháu đến, liền đẩy vội cái gậy chữ U,
rảo bước thật nhanh ra xem. Vừa thấy các cháu bà liền ôm chầm lấy, cười cười vỗ
lưng một đứa mà bảo rằng: “Ôi các cháu của bà, lại đây với bà nào. Các bạn cũng vậy, như những chú chim non sà vào lòng các cụ mà
nũng nịu. Thấy cảnh tượng ấy người nhà không khỏi xúc động. Dù chưa một lần gặp
mặt, nhưng tình cảm mà mọi người trao cho nhau thật tự nhiên, thân thuộc tựa
như đã quen từ lâu.
Vốn mang những định kiến về Viện dưỡng lão nhưng khi đến Diên Hồng.
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi gặp gỡ các cụ nơi đây. Cũng giống như bạn
Thanh Hải, trưởng nhóm thực tập. Bạn chia sẻ lần đầu tiên đến với Trung tâm bạn
rất ngạc nhiên. “Em không nghĩ một Trung tâm dưỡng lão lại có bầu không khí gần
gũi, ấm áp đến vậy. Em còn khá bất ngờ vì Trung tâm rất sạch sẽ, trang thiết bị
hiện đại, khang trang”.
Bạn Ngọc Anh cho biết thêm: “Trước đây em có đi thực tập ở một Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng ở đấy toàn là các bạn
nhỏ. Còn lần này thì là các cụ, em thấy rất bỡ ngỡ vì không biết phải làm những
gì, phải chăm các cụ thế nào? Nhưng dần dần em thấy các cụ rất hiền, lại còn
đáng yêu nữa”. Các bạn đều nghĩ các cụ như ông bà của mình vậy, để sau đợt thực tập này
lại có thêm nhiều kinh nghiệm để chăm sóc ông bà của mình.
Phần lớn người cao tuổi thường ít vận động và có suy nghĩ nghỉ ngơi càng
nhiều càng tốt. Nhưng điều đó lại không tốt chút nào, nó sẽ làm cho cơ thể kém
thích nghi và dễ mắc bệnh hơn. Biết được điều đó các bạn thực tập đã hướng dẫn
các cụ những bài thể dục nhẹ nhàng. Các bài
tập này vừa vận động tay chân
để
giúp lưu thông máu tốt hơn, giúp cho người già cải thiện sức khỏe. Cụ nào chưa quen hoặc chân tay yếu khó tập là các bạn chạy tới
giúp đỡ ngay. “Ông ơi ông giơ tay lên giống cháu này”, “Bà nắm tay lại như thế
này bà nhé”. Các cụ thấy vậy cũng động viên nhau cùng tập, vừa vui vừa có sức
khỏe.
Đến với Trung tâm các bạn còn mang theo bao nhiêu là hoạt động thú vị,
bổ ích. Nào là cùng nhau làm bánh trôi nước, tập vẽ, chơi ném bóng, trồng cây hay gấp những hình con vật ngộ nghĩnh đáng yêu.
Còn nhớ cái hôm các cụ chơi ném bóng vào rổ. Bà Bảo với bà Tuyết thách
đấu nhau xem ai ném trúng. Kết quả cả hai bà đều ném trượt ra ngoài, xong rồi
nhìn nhau cười phá lên sung sướng. Ừ thì
các cụ mà, cứ để các cụ làm những gì mình thích, cuộc sống còn được bao lâu mà
lo nghĩ.
Bạn Hương Ly chia sẻ: “Em nghĩ mặc dù các cụ được chăm lo chu toàn về
sức khỏe nhưng sâu thẳm bên trong các cụ vẫn nhớ con, nhớ cháu nên sẽ cô đơn,
buồn tẻ. Vì thế chúng em nghĩ ra những trò chơi hay hoạt động thú vị vừa tạo
bầu không khí vui tươi mà các cụ cũng được
tự tin làm điều mình thích. Đặc biệt khi
trồng cây để các cụ cảm thấy mình vẫn là người có ích”.
Mặc dù các bạn còn là sinh viên nhưng
kỹ năng giao tiếp với người cao tuổi rất tốt. Các bạn còn kể: “Bà Mẫn đáng yêu lắm? Nhưng vẫn lười ăn. Có hôm chúng em còn phải nịnh mãi bà mới chịu ăn cơm. Bọn em thấy các cụ ăn hết xuất cơm thôi là
bọn em vui cả ngày rồi.”
Các bạn mới đến có mấy hôm thôi mà các cụ ra chiều thích lắm, chưa thấy
các bạn đến là các cụ liền nhắc luôn. Hôm nay người nhà
bà Liên vào thăm mang theo ít hoa quả bánh kẹo cho bà. Bà liền nhặt mấy cái bánh bỏ vào một cái túi nhỏ xinh rồi cất đi. Bà bảo cái này bà để dành cho mấy cháu thực tập đấy. Bà Hiền còn đòi
nhận cháu dâu luôn, bà bảo bà có đứa cháu trai, cháu
nào chưa có người yêu bà giới thiệu cho.
Bạn Thanh Hải chia sẻ: “Khi
mình làm bất cứ điều gì bằng cái tâm thì mình sẽ nhận lại được tình yêu thương.
Chúng em đến với các cụ cũng chỉ bằng những tình cảm giản dị, trong sáng, cũng
chỉ mong các cụ có được niềm vui”. Thật vậy đến cái tuổi gần đất xa trời rồi,
người già cũng chẳng mong sang giàu hay phú quý gì, mà chỉ mong cuộc sống được
an nhiên, vui vẻ.
Tuần qua Thạc sỹ luật Cao Phan Long – Giảng viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Văn phòng luật công chúng Olympia đã đến Diên Hồng để chia sẻ, giải đáp thắc mắc với các cụ về Luật thừa kế.
Khi biết trung tâm chuẩn bị có khóa học về Luật thừa kế thì các cụ ra chiều hào hứng lắm, bà Kế mặc dù mắt đã không còn nhìn thấy nhưng vẫn đăng ký đầu tiên. Bà còn khoe với các cụ khác rằng đi học xong về sẽ kể lại cho mọi người nghe nữa. Có cụ còn chuẩn bị trước những câu hỏi ra giấy để không bị quên. Vào ngày diễn ra buổi học, bà Liên, bà Hiền còn ngủ dậy sớm hơn mọi ngày vì sợ tới lớp muộn. Nhưng ánh mắt ai cũng nhìn xa xăm, nhìn về cái ngày mình còn là những đứa trẻ, ngày đầu tiên được mẹ dắt tay đến trường.
Đến với buổi học, các cụ ai cũng
mang theo suy nghĩ riêng của mình. Nhìn các cụ chăm chú nghe giảng, thi thoảng
có cụ nhíu mày chắc là chỗ này khó quá cụ nghe không hiểu. Khi thầy lấy ví dụ
các cụ cũng nhiệt tình trao đổi thảo luận lắm, chỗ nào không hiểu là hỏi thầy
liền.
Các cụ đi học không hoàn toàn là
đến để biết cách chia tài sản như thế nào, mà còn gợi lại mấy chục năm về trước
cái ngày còn được cắp sách tới trường. Đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy” các
cụ cũng chỉ muốn dành những gì mà cả đời mình tích cóp được để cho con cháu,
cho những người thân yêu của mình. Bà Kế cũng chia sẻ: “Tôi cũng chẳng có tiền
bạc gì cả, bây giờ vào Trung tâm ở thì mọi thứ đều do đứa cháu đích tôn của tôi
nó lo, nên có cái sổ đỏ tôi cũng muốn để dành cho nó”.
Khi hỏi bà Cẩm có cảm nhận gì về
buổi học hôm nay không thì bà bảo bà phấn khởi lắm, nhờ buổi học này mà bà biết
thêm được nhiều điều, tài sản bà cũng không có gì đâu nhưng vẫn cứ phải công
bằng.
Kết thúc buổi học các cụ còn
được chụp ảnh kỷ yếu, lưu giữ lại khoảnh khắc đáng nhớ này. Cũng giống như lớp
trẻ, các cụ vẫn rất hồn nhiên, mơ mộng, vẫn thích sửa soạn, vẫn thích điệu đà,
vẫn mê cái đẹp lắm. Nhìn những nét mặt tươi cười, những nụ cười giòn tan làm ta
thêm yêu cuộc sống biết bao.
Việc đưa người già vào các viện dưỡng lão vẫn còn nhiều chiều ý kiến trái chiều. Không ít người còn giữ quan niệm để bố mẹ già vào viện dưỡng lão là bất hiếu.
Như đã đề cập trong các bài viết trước, cuộc sống của những người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão có nhiều thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình sinh hoạt của họ cũng có nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”.
Đặc biệt, nhiều người già phải xa gia đình, con cháu và còn nhiều quan điểm khác nhau về việc gửi bố mẹ già tới viện dưỡng lão. Phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Giám đốc Viện dưỡng lão Diên Hồng (Quận Hà Đông, Hà Nội) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Quan niệm về việc gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão hiện nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, gửi người thân vào viện dưỡng lão là bất hiếu. Bà có chia sẻ gì về điều này?
– Trước tiên, tôi muốn nói rằng, các gia đình nếu có thể hãy tự chăm sóc bố mẹ. Bởi vì dù thế nào chăng nữa thì bản chất thói quen của người phương Đông là bố mẹ thích được gần con cái.
Tuy nhiên, “chữ hiếu” bây giờ cần được thay đổi. Tức là “có hiếu” không phải là luôn giữ bố mẹ ở bên cạnh mình mà là tôn trọng và làm theo ý muốn của bố mẹ, ít nhất là khi họ còn tỉnh táo. Nếu như bố mẹ muốn ở nhà thì nên để ông bà ở nhà, còn nếu bố mẹ muốn đi viện dưỡng lão thì nên đưa các cụ đến.
Với những trường hợp mà các gia đình không có đủ điều kiện về thời gian, bởi quá bận rộn với công việc và không có kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, nhất là khi các cụ ốm bệnh thì nên suy nghĩ tới việc đưa các cụ vào trung tâm dưỡng lão. Bởi tại đây sẽ có các điều dưỡng, những người có chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi. Mặt khác, tại trung tâm dưỡng lão cũng sẽ có nhiều cụ già, họ có thể làm bạn, nói những câu chuyện xưa và chia sẻ cùng nhau. Đó cũng là một điều thuận lợi.
Thưa bà, hiện nay, những nhóm người cao tuổi nào thường được gửi chăm sóc tại các viện dưỡng lão?
– Hiện có 3 nhóm người già vào các viện dưỡng lão. Nhóm thứ nhất là các cụ già thích và chủ động vào viện dưỡng lão, không muốn làm phiền tới các con, muốn được làm bạn cùng những người cao tuổi nên đề xuất vào đây.
Nhóm thứ 2 là các cụ vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn nhưng thường xuyên ở nhà một mình, các con đề xuất các cụ vào các viện dưỡng lão.
Nhóm thứ 3 là các cụ có vấn đề về sức khỏe, có thể mắc một số bệnh mãn tính, có những trường hợp bị lẫn, con cái gặp khó khăn để chăm sóc tốt nhất cho bố mẹ nên đưa vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn. Đây là nhóm được đưa vào viện dưỡng lão nhiều nhất.
Vào viện dưỡng lão, người già có cảm thấy cô đơn khi xa gia đình?
– Người già thường cảm thấy mình cô đơn khi không có con cháu hỏi han, quan tâm mỗi ngày. Đây là tâm lý chung mà người già thường gặp phải khi con cháu quá bận lo toan công việc, không ai bên cạnh mình. Cũng từ đây, những người cao tuổi thường sống trong tâm trạng buồn tủi và suy nghĩ nhiều dẫn đến suy nhược và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cách duy nhất để hạn chế được tình trạng này không đâu khác ngoài những lời hỏi han, quan tâm từ phía những người xung quanh. Tại các trung tâm dưỡng lão, điều dưỡng viên được đào tạo để chăm sóc người cao tuổi nên mọi thứ sẽ tốt cho các cụ hơn.
Ban đầu nhiều cụ vào các trung tâm dưỡng lão đều nhớ nhà và chỉ muốn về. Do vậy bước đầu khi các cụ vào viện, các điều dưỡng thường xuyên phải hỏi han, trò chuyện trong tâm thế là người thân, người nhà. Như vậy, họ sẽ cảm thấy không còn cô đơn nữa.
Những môn thi đấu thể thao trong kỳ thi Olympic được “chế” lại thành các trò chơi vận động nhẹ giúp các cụ già rèn luyện sức khỏe.
Trong bộ đồng phục màu xanh, chị Nguyễn Thu Hà – điều dưỡng viên Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội) đi một vòng quanh các cụ già hỏi thăm sức khỏe từng người. Dứt lời, chị lấy chiếc ghế ngồi ngay cạnh cụ Hoàng Thị Cẩm (85 tuổi – một người có thâm niên lâu năm sống trong viện dưỡng lão Diên Hồng) và kể cho chúng tôi về quá trình rèn luyện sức khỏe của gần trăm cụ già tại đây.
Chị Hà hóm hỉnh cho biết, ở đây rất nhiều cụ già đã giành được các huy chương vàng, bạc, đồng ở kỳ thi thể thao do trung tâm tổ chức thường niên. Đó là các trò chơi, các môn thể dục biến tấu từ các môn thi đấu trong Thế vận hội như môn ném lao, ném đĩa, cầu lông, cử tạ, đua xe, bắn súng, bowling…nhưng được tổ chức lại theo một cách rất sáng tạo.
“Cụ thể, như môn đua xe được “chế” lại thành các cụ cùng ngồi xe lăn đua cùng nhau. Môn thi cử tạ thì được chế lại 2 giỏ đựng hoa quả 2 bên, thanh tạ ở giữa là một cây gậy nhẹ. Hay như môn bắn súng thì các cụ được bắn súng nhựa với mũi tên có gắn đầu cao su, môn bowling thì các cụ dùng quả bóng ném vào các chai nhựa… Những trò chơi vận động mang lại rất nhiều niềm vui cho các cụ già” – chị Hà nói.
Kể về kỳ thi gần đây nhất, cụ Đính với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt cũng đã xuất hiện nhiều nếp nhăn vì tuổi cao cho hay, cụ mới giành được huy chương đồng trong môn thi bắn súng. Theo cụ, lúc đầu cụ định từ chối thi vì lý do sức khỏe. Tuy vậy, buổi sáng ngày tổ chức thi, vì quá háo hức nên cụ đã nhờ điều dưỡng hỗ trợ thay quần áo đẹp, tết tóc gọn gàng rồi nhanh chóng ăn sáng để xuống sân.
“Ban đầu tôi chỉ muốn xuống cổ vũ cho các cụ khác nhưng thấy không khí náo nhiệt, các cụ thi vui quá, tôi cũng muốn thi môn bắn súng vì không cần dùng sức nhiều”, cụ Đính tâm sự.
Mới giành được huy chương vàng trong môn “đua xe lăn” ở kỳ thi gần đây, cụ Dương Văn Tỵ (93 tuổi) khi thi còn tỏ ra rất hứng thú và hỏi rất kỹ về cách thi như “khi bắt đầu là trọng tài phất cờ hay thổi còi hay hô như thế nào hả cháu? Ông đi như thế này có ổn không?
Cụ chia sẻ: “Lần đầu được dự thi thế này tôi bất ngờ và thấy rất lạ. Sau trò chơi chúng tôi còn có thưởng, đó quả là sự động viên tinh thần cho những người già lần đầu được thi đấu thể thao thế này”.
Theo các điều dưỡng viên tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, những trò chơi vận động nhẹ như vậy đã phần nào kiểm tra được sức khỏe của các cụ, đồng thời giúp mọi người thường xuyên vận động, tập luyện để tăng cường sức khỏe. Còn với những môn chơi tập thể đòi hỏi sự khéo léo kết hợp nhịp nhàng của các cụ trong cùng đội chơi đã giúp các cụ thể hiện sự dẻo dai, nhanh nhẹn và sự chuẩn xác.
Đây không chỉ là nơi để các cụ thể hiện mình, sự tham gia của đông đảo các cụ cũng truyền cảm hứng để các cụ khác dù sức khỏe yếu nhưng vẫn nỗ lực để hòa mình vào không khí sôi nổi nơi đây. Những hoạt động như thế này giúp giải phóng endorphin làm cải thiện tâm trạng cho người cao tuổi rất tốt.