Vừa qua, các em bé trường Mầm non Ngôi nhà Tư duy đã có chuyến ghé thăm và giao lưu với các ông bà tại Diên Hồng cơ sở 3.
Cũng khá lâu rồi, các cụ cơ sở 3 lại mới có dịp giao lưu cùng các bé. Những em bé vào độ tuổi lên 5, lanh lợi, đáng yêu như đàn chim non ríu rít làm cho không khí trong trung tâm cũng rộn ràng hẳn lên.
Người ta thường bảo người già thích trẻ con. Bởi vậy dù không phải lần đầu các bé đến nhưng các cụ ai nấy vẫn háo hức lạ thường. Sáng hôm đó, các cụ đã rủ nhau lên hội trường từ rất sớm để chờ đón các bé đến. Xếp từng hàng ngay ngắn các bé lần lượt bước đến chào hỏi các cụ. Những bàn tay bé nhỏ nhẹ nhàng đặt vào lòng bàn tay của các cụ như một lời chào hỏi đầy yêu thương.
“Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”, đó là thông điệp mà cô Ngọc Bích, Hiệu trưởng nhà trường muốn gửi gắm. Mong muốn các bé sẽ có tấm lòng yêu thương gia đình, yêu thương con người.
Món quà cho cô giáo và các bé tự làm tặng các cụ
Mở đầu chương trình là tiết mục múa “Ước mơ của mẹ” do cô giáo cùng các bé thể hiện. Bài múa nhẹ nhàng, uyển chuyển cùng sự đáng yêu của các bé làm cho các cụ không rời mắt.
Cô giáo như mẹ hiền, và các bé là con
Hóa thân thành những em bé vùng cao trong tiết mục “đi học xa”
Đáp lại sự đáng yêu của cô trò, các bạn nhân viên của Diên Hồng cũng có những món quà âm nhạc gửi đến buổi giao lưu.
Tiết mục nhảy “Cuộc sống muôn màu” của các bạn nhân viên cơ sở 3.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa đại diện trung tâm và các bé trường mầm non
Và đây là sự kết hợp sôi động giữa các bé với trung tâm. Khi thấy các cô lên nhảy, các bé cũng xếp thành hàng dài lên sân khấu và biểu diễn cùng.
Sau chương trình các cụ và các bé cùng chụp những bức ảnh lưu niệm.
Năm nay các ông bà ở Diên Hồng được đón một trung thu đặc biệt, với nhiều hoạt động bổ ích.
Từ đầu tháng 8 âm lịch, các cơ sở đã bắt đầu ngập tràn không khí trung thu. Các cụ được làm những chiếc đèn bằng giấy nhiều màu sắc. Dưới bàn tay khéo léo và hỗ trợ của các bạn điều dưỡng từng chiếc đèn lồng xinh xắn được ra đời, với đủ hình thù khác nhau.
Sau đó là đến hoạt động làm bánh trung thu. Dưới sự hướng dẫn của bạn Thuý Hằng – nhân viên Diên Hồng, các cụ đã làm ra hàng trăm chiếc bánh dẻo.
Ai cũng tất bật để làm bánh trung thu
Các cụ ai cũng thích thú với trải nghiệm lần này. Từ bước làm nhân, những viên đậu xanh vàng ươm, bóng loáng được các cụ thoăn thoắt nặn. Nhiều cụ còn tranh thủ nếm thử xem hương vị thế nào.
Bà Thanh vừa làm bánh vừa bảo: “Lần đầu tiên trong đời bà mới biết làm bánh trung thu là như thế nào. Chứ ngày xưa ở nhà đã bao giờ làm đâu”. Không chỉ bà Thanh, mà nhiều cụ đang an dưỡng tại Diên Hồng cũng là lần đầu làm bánh. Bà Thoa ngậm ngùi: “Năm nay tôi hơn 80 tuổi mới được làm bánh dẻo”.
Dưới sự hỗ trợ các cụ đã làm ra những chiếc bánh xinh xắn
Ngày xưa nghèo khó, ăn không đủ no nên chẳng ai quan tâm nhiều đến trung thu. Rằm tháng Tám đến, mâm ngũ quả chỉ vỏn vẹn vài quả chuối, quả bưởi mang từ vườn vào. sau đó cả lũ trẻ xúm xít với nhau vào phá cỗ. Đèn ông sao cũng làm từ tre, từ nứa. Trung thu ngày xưa cũng vui nhưng không đầy đủ như bây giờ.
Sau khi mọi thứ đã được chuẩn bị tươm tất thì các cụ cùng nhau rước đèn, phá cỗ. Những mâm ngũ quả được bày biện xinh xắn dưới bàn tay khéo léo của nhân viên. Không những thế các bạn còn chuẩn bị nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn để dành tặng ông bà.
Mâm ngũ quả được các bạn chuẩn bị chu đáo
Những tiết mục văn nghệ được các bạn tập luyện kỹ càng để tặng ông bà
Nhân dịp này các đoàn văn nghệ, sinh viên còn qua giao lưu cùng ông bà.
Cơ sở 1 có sự tham gia của các bạn sinh viên tình nguyện
Chi Đoàn thôn Phượng Mỹ, Thanh Oai cũng có chuyến ghé thăm Diên Hồng cơ sở 4.
Tiết mục múa lân đến từ chi đoàn thôn Phượng Mỹ
Lần đầu tiên bà Dung đón trung thu tại Diên Hồng, nên bà nhiều cảm xúc lắm. Bà chia sẻ: “Tết Trung Thu năm nay ở đây rất đông vui, phấn khởi nhưng tôi thấy lại thấy buồn, thấy tủi thân. Buồn vì ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ, cuộc sống lúc đấy khó khăn nên tôi không được tổ chức như bây giờ. Mãi đến bây giờ tôi mới được các cháu tổ chức cho Trung Thu hoành tráng như thế này. Tôi không nghĩ được là đến bây giờ hơn 85 tuổi rồi mà vẫn có Trung Thu”.
Không chỉ trung thu, người già đến với Diên Hồng còn sẽ được trải nghiệm thêm nhiều hoạt động mới. Để đời sống tinh thần các cụ thêm tươi trẻ, yêu đời.
Vừa qua Diên Hồng cơ sở 1 đã diễn ra chương trình chăm sóc sức khỏe do Diên Hồng phối hợp cùng Hadu Việt Nam tổ chức.
Lần đầu tiên Diên Hồng và Hadu bén duyên với nhau là chương trình Ngày hội sức khoẻ cách đây 2 năm. Sau thành công của ngày hội đó, các chương trình hợp tác của 2 bên ngày càng được đẩy mạnh. Hadu là một công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có lĩnh vực đào tạo và thực hành nghề mát xa trị liệu. Chính vì vậy định kỳ 1 tháng 1 lần các bạn học viên sẽ qua Diên Hồng để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các cụ.
Các bạn học viên được phân chia ra theo từng tầng, từng phòng. Dưới sự hỗ trợ của nhân viên điều dưỡng, các bạn nhanh chóng làm quen được với các cụ.
Sau lúc bỡ ngỡ ban đầu, các cụ và các bạn học viên đã nhanh chóng làm quen với nhau
Bước đầu người cao tuổi sẽ được ngâm chân thảo mộc để giúp lưu thông máu trong cơ thể. Sau đó những đôi tay khéo léo sẽ xoa bóp nhẹ nhàng cho các cụ. Mặc dù nhẹ nhàng nhưng lại mang theo một lực nhất định để tác động vừa phải lên các huyệt đạo. Người già thường hay mắc các bệnh về xương khớp, đau vai gáy, hay tê bì chân tay. Vì vậy khi thực hiện thao tác xoa bóp, các cụ sẽ thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Được các bạn xoa bóp nên các cụ ai cũng thích mê
Các cụ ở Diên Hồng ai cũng mê mẩn các bạn học viên. Không chỉ được xoa bóp mà ông bà lại có thêm người trò chuyện, tâm sự. Người già chẳng sợ gì chỉ sợ cô đơn. Nên cứ mong cho nhanh hết tháng để lại được gặp các bạn học viên lần nữa.
Vừa được xoa bóp vừa có người trò chuyện tâm sự
Các bạn cũng yêu quý các cụ không kém. Mỗi lần ghé thăm đều phải chụp thật nhiều ảnh lưu niệm với các cụ. Diên Hồng tin chắc rằng, mỗi lần gặp gỡ thế này đều để lại cho các cụ cũng như các bạn học viên thật nhiều cảm xúc và kỷ niệm.
Theo Phòng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc, mỗi 10 năm, số tuổi trung bình của Việt Nam lại tăng thêm 1 – 2 tuổi. Theo số liệu từ Danso.org, tuổi trung bình tại Việt Nam năm 1985 là 20 tuổi. Sau 35 năm tức năm 2020, số tuổi trung bình của Việt Nam đã tăng lên đến 32,5 tuổi và đến năm 2050, số tuổi trung bình đã lên đến 41,2 tuổi. Có thể thấy dân số đang bị già hóa, tốc độ tăng trưởng dân số cũng giảm dần. Xu hướng gia đình đông con hiện nay đã không còn được ưa chuộng. Theo báo Sức khỏe & Đời sống “Tại Điều 9 dự thảo Luật Dân số, Nhà nước khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh có mức sinh thấp bằng cách hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất, và ít nhất tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai”. Trớ trêu thay, tỉ lệ sinh thấp đều rơi vào những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vùng Tàu,…
“Trẻ cậy cha, già cậy ai?”
Người xưa có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, khi con nhỏ, cha mẹ là người để con dựa dẫm, nương tựa. Ngược lại, khi cha mẹ già yếu thì con cái sẽ là người chăm sóc, là chỗ dựa cho cha mẹ. Thế nhưng có lẽ trong cuộc sống hiện đại ngày nay, điều này không còn đúng hoàn toàn nữa. Sự đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến con người cũng bị cuốn theo vào vòng xoay cơm áo gạo tiền. Cuộc sống của người trẻ ngày càng bận rộn, trong khi người già về hưu thì lại có rất nhiều thời gian rảnh. Việc con cái chăm lo cho cha mẹ già dần ít đi và chuyển dịch hướng sang thuê dịch vụ chăm sóc.
Tỷ lệ dân số già hóa kéo theo hệ lụy không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với xã hội. Già hóa dân số đồng nghĩa với việc càng ngày càng có nhiều người cao tuổi hơn trong khi số lượng người trẻ lại ít dần đi. Áp lực của việc thiếu nhân lực lao động tăng trong khi nhu cầu an sinh, chăm sóc sức khỏe cho NCT cũng tăng lên. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê về vấn đề “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam” (7/2021), tỷ lệ người cao tuổi sống một mình hoặc sống với vợ/chồng tăng trong khi tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái giảm. Trong khi đó, càng về già, NCT càng cần người chăm sóc. Nguy cơ tăng các loại bệnh ở NCT tỷ lệ thuận với việc tăng số tuổi, nghĩa là càng già thì các bệnh như giảm khả năng vận động, giảm khả năng ghi nhớ, các bệnh tuổi già,… bắt đầu biểu hiện rõ ràng hơn. Ở Việt Nam, cha mẹ già thường phụ thuộc vào con cái, nhờ con cái chăm sóc là chính. Thế nhưng cuộc sống ngày nay, nhất là ở khu vực thành thị thì việc chăm sóc cha mẹ khi về già lại càng khó khăn.
NCT rất cần được chăm sóc sức khỏe
Người trẻ gặp khó khăn gì khi chăm sóc cha mẹ già?
Quỹ thời gian eo hẹp khiến người trẻ ngày càng có ít thời gian ở nhà. Hơn thế nữa, khi có con cái, người trẻ lại càng bận rộn hơn và thời gian dành cho cha mẹ mình cũng ít dần đi. Đối với những cha mẹ còn trẻ, khỏe mạnh, có thể tự vận động, sinh hoạt và ít mắc các bệnh nguy hiểm có khả năng đột quỵ cao thì cũng không đáng lo khi để cha mẹ ở nhà một mình. Tuy nhiên, với những cha mẹ già yếu hơn, không thể tự sinh hoạt thì rất cần người ở bên chăm sóc, giúp đỡ. Giải pháp mà nhiều gia đình áp dụng đó chính là thuê người chăm sóc cha mẹ tại nhà. Khi đó, cha mẹ sẽ vẫn được ở nhà và khi con cái bận thì vẫn có người ở bên chăm sóc.
Thế nhưng không phải gia đình nào cũng lựa chọn thuê người chăm sóc là giải pháp. Với cha mẹ cần sự chăm sóc sức khỏe nhiều hơn hay cần hỗ trợ của máy móc y tế thì việc thuê người chăm sóc cha mẹ tại nhà là không đủ. Điều kiện y tế ở các bệnh viện tuy có đầy đủ nhưng lại quá tốn kém và có thể không đến mức để 24/7 ở trong viện. Hay với những cha mẹ đang có dấu hiệu của trầm cảm do thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người nhà cũng như thiếu sự tương tác xã hội thì đâu là lựa chọn tối ưu cho các gia đình?
Viện dưỡng lão trở thành xu hướng khi xã hội chịu áp lực của tình trạng già hóa dân số
Nhận thấy áp lực của xã hội về vấn đề an sinh cho NCT, nhiều Viện dưỡng lão đã được hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu của các gia đình và NCT. Mô hình Viện dưỡng lão tuy đã rất phổ biến ở nước ngoài nhưng với văn hóa của người Việt, nhiều người vẫn chưa chấp nhận việc cho cha mẹ vào đây. Nhiều người cho rằng con cái không lo được cho cha mẹ mà phải gửi cha mẹ vào đây là bất hiếu. Thế nhưng, khi tìm hiểu về tâm tư của NCT tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng thì chúng ta sẽ thấy một suy nghĩ hoàn toàn trái ngược.
Bà Tuyết Hồng là một cư dân của Diên Hồng, hiện đang ở tại CS3 của trung tâm có chia sẻ: “Ở nhà một mình bây giờ thì quá buồn rồi sợ đủ thứ. Bạn bà nhiều người bị trầm cảm luôn, bà chưa bị nên bà nhanh chân nhảy vào đây ở luôn. Vào đây gặp các cụ, rồi hàng ngày nói chuyện, chém gió, hay có các cháu chăm sóc chu đáo, huyết áp lúc lên lúc xuống còn biết chứ ở nhà có khi ngã lăn ra đấy cũng không ai biết”. Rồi có cả cặp vợ chồng 2 ông bà quyết định bán nhà để tiền vào VDL an dưỡng, không cần đến sự chăm sóc của con cái,… Có rất nhiều những trường hợp NCT còn khỏe mạnh cũng tự lựa chọn vào VDL để có khoảng thời gian tuổi già vui vẻ hơn cũng như không phụ thuộc vào con cái.
Hình ảnh tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng
Các hoạt động được tổ chức cho NCT
Viện dưỡng lão là môi trường vừa giúp NCT cải thiện sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần. NCT không những cần một sức khỏe tốt mà còn cần có một tinh thần vui vẻ, lạc quan. Tại Diên Hồng, việc làm cho NCT cảm thấy vui vẻ là điều vô cùng quan trọng. Không chỉ chăm sóc y tế, chăm sóc trong sinh hoạt hằng ngày mà các trò chơi, các hoạt động trải nghiệm cũng được đưa vào trong lịch sinh hoạt hằng ngày để các cư dân không cảm thấy buồn chán. Diên Hồng được các ông bà đang sống tại đây coi như ngôi nhà thứ 2 của mình, ngôi nhà với nhiều người bạn già cũng những điều dưỡng viên vô cùng đáng yêu và tận tâm với công việc.
Trước thềm năm học mới, CLB Sách Ơi Mở Ra đã tổ chức hoạt động giao lưu cùng các ông bà đang an dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Hoạt động được đông đảo gia đình hưởng ứng và đăng kí cho con tham gia. Thế nên từ sáng sớm, tại Diên Hồng CS1 đã rộn ràng tiếng nói cười của các bạn nhỏ.
Đến thăm các cụ tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, các bạn nhỏ đều mang trong mình sự tò mò, thích thú và hào hứng. Mở đầu chương trình là phần dẫn dắt của 2 bạn MC nhí vô cùng đáng yêu và duyên dáng. Trò chơi đuổi hình bắt chữ được các bạn bên dưới hưởng ứng rất nhiệt tình, bạn nào cũng muốn tham gia. Dù đi lại có phần khó khăn nhưng ông Việt và bà Dung đều lên sân khấu tham gia chơi trò chơi cùng các bé. Hai ông bà với nhiệm vụ diễn tả từ khóa cho các bạn nhỏ phía dưới đoán đều đã hoàn thành xuất sắc.
Bà Dung tham gia trò chơi Đuổi hình bắt chữ cùng các bạn nhỏ
Các bạn nhỏ trước khi đến đây đều đã chuẩn bị những tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc. Những tiết mục hát, đọc thơ đều được các tài năng nhí tự tin thể hiện trên sân khấu. Không chỉ ca hát, các bạn còn là những họa sĩ nhí tài năng. Bức tranh phố cổ Hội An, đến các bức tranh tĩnh vật,… đều đầy màu sắc và vô cùng đẹp mắt. Từng bức tranh, từng tấm thiệp đều được các bạn nhỏ trao tận tay cho ông bà. Những dòng chữ nắn nón mang theo sự ngây ngô và tình cảm của các bé. Ông bà vui lắm, sau khi nhận được thiệp đều chăm chú xem qua xem lại từng trang xem các bé viết gì.
Các bức tranh đầy màu sắc được các bạn nhỏ chuẩn bị
Những bức thiệp được các bạn nhỏ dày công chuẩn bị
Nụ cười của bà khi nhận được những lời yêu thương của các bé
Tiết mục giao lưu của ông Việt và ông Tiến cũng là một điểm nhấn trong chương trình. Dù âm thanh có đôi chút trục trặc nhưng với giọng hát vừa vang, vừa khỏe của ông Việt thì không nhằm nhò gì đối với ông Khi giọng hát ông vang lên, mọi người đều sững lại. Các bé và các bố mẹ tham gia đều bất ngờ trước giọng hát đầy nội lực của ông, tựa như đang xem một màn biểu diễn của một ca sĩ thực thụ.
Tiết mục của ông Tiến cũng không kém phần đặc sắc. Sau khi giao lưu, hát cùng các bạn nhỏ, ông bắt đầu thể hiện tài năng riêng của mình. Bài hát tiếng Nga “Bên kia dòng sông” được ông hát một cách mượt mà, da diết. Những câu chuyện ông kể về thời chiến tranh, về những chiến tích mà ông đã đạt được, về 2 lần vào sinh ra tử mà đồng đội không còn ai. Câu chuyện chân thực này còn hơn cả những gì các bé được tiếp xúc qua sách vở. Ai cũng chăm chú lắng nghe vì những lời ông nói nghe thật hào hùng, thật phi thường.
Ông Tiến kể về những chiến tích hào hùng
Cuối chương trình, ông bà cũng có những món quả nho nhỏ dành cho các bé. Những chiếc chong chóng đầy màu sắc được các bạn nhân viên chuẩn bị được mang lên. Những ánh mắt long lanh bắt đầu đồ dồn về phía chong chóng, ai cũng mong muốn cầm trong tay một chiếc. Sau khi được ông bà tặng chong chóng tre, bé nào cũng giơ lên trước quạt để nhìn thấy chong chóng cứ xoay tít mù. Cả một hội trường rộn ràng tiếng nói cười, sự thích thú của các bé cứ thế lan ra khắp căn phòng.
Những chiếc chong chóng tre đầy màu sắc
Cuộc vui vào cũng đến lúc tàn, sau khi chào hỏi ông bà, các bạn nhỏ lần lượt nắm tay bố mẹ cùng các cô ra về. Nhưng có một cậu bé vẫn nấn ná lại, chưa muốn về. Quý – một cậu bé ngồi hàng cuối, mặc cho ở trên có ồn ào, có một số bạn vẫn còn ham chơi không chú ý lên sân khấu, nhưng cậu bé vẫn chăm chú lắng nghe những tiết mục do các ông thể hiện. Câu chuyện của ông Tiến có lẽ đã làm ông trở thành một tượng đài hùng vĩ đối với cậu. Ánh mắt cậu bé nhìn ông đầy sự ngưỡng mộ. Cậu bé tìm kiếm xung quanh được một tờ giấy để lên xin chữ ký của ông nhưng vẫn ngại ngùng. Sau khi lấy lại bình tĩnh, cậu bé bỏ qua hết sự ngại ngùng của mình, chạy lên xin chữ ký của ông. Từ đấy đến lúc về, Quý luôn nâng niu tờ giấy có chữ ký của ông Tiến trên tay. Lúc mọi người ra về, tôi xin chụp một kiểu ảnh, cậu bé bảo “Cô đợi tí, con phải xin thêm chữ ký của một ông nữa”. Lúc cậu bé nói thế, các bạn khác cũng đã xuống dưới gần hết, nhưng cậu bé vẫn không ngại chờ để xin chữ ký của ông Việt nữa. Cầm 2 tờ giấy với chữ ký của 2 ông, cậu bé không giấu khỏi sự vui sướng, vui vẻ ra về.
Cậu bé Quý vui vẻ với 2 tờ giấy có chữ ký của ông Việt và ông Tiến
Một lần nữa, cảm ơn CLB Sách Ơi Mở Ra đã tổ chức một hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Chương trình vừa giúp các bé hiểu hơn về ông bà, cũng vừa giúp ông bà có cơ hội giao lưu, chơi cùng các bé. Mong rằng Diên Hồng sẽ có nhiều cơ hội được CLB Sách Ơi Mở Ra lựa chọn là điểm đến cho các hoạt động do CLB tổ chức. Chúc cho CLB ngày càng phát triển!
Trong tuần vừa qua, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 vô cùng cảm kích và vui mừng khi được đón tiếp các bạn sinh viên từ Câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Các bạn đã có 1 ngày trải nghiệm đầy bổ ích với rất nhiều những hoạt động ý nghĩa.
Mang trên mình màu áo xanh của sinh viên tình nguyện, các bạn trẻ đến đây với một tâm thế hào hứng, năng động. Từ những hoạt động các bạn làm cho đến cả lúc giao lưu văn nghệ đều hừng hực khí thế tuổi trẻ. Trước ngày tổ chức, các bạn đã ghé qua trung tâm để tiền trạm, đi tham quan và thăm các cụ.
Từ sáng sớm ngày 18/9, các bạn sinh viên tình nguyện đã đến sớm để dọn dẹp khuôn viên trước cửa trung tâm. Các bạn mong muốn có thể trồng được những cây ăn quả, cây có bóng mát cho các cụ đang an dưỡng tại đây. Không quản ngại nắng nóng, các bạn sinh viên đều bắt tay vào làm, mỗi người một việc không cần ai bảo ai. Chả mấy chốc, khuôn viên đã sạch cỏ, lại còn có thêm sự xuất hiện của những cây ăn quả, cây bóng mát. Mong là những cây con sẽ lớn lên thật mạnh mẽ để sau này, khi các bạn quay lại, các bạn sẽ được ngồi dưới bóng cây cùng các cụ, ăn những loại quả do chính tay các bạn ươm trồng.
Dọn cỏ ở khuôn viên trước trung tâm
Sau khi dọn cỏ trồng cây xong, các bạn sinh viên lại chia nhau về các tầng để dọn dẹp phòng ốc và cho các cụ ăn.
“Lần đầu tiên nhìn thấy các cụ em đã rất xúc động. Mặc dù mới gặp lần đầu nhưng ông bà ai cũng gần gũi và thân thiện”, chia sẻ của bạn Trang, sinh viên tình nguyện. Được biết đây là lần đầu tiên Trang tham gia hoạt động tại viện dưỡng lão. “Bọn em ai cũng háo hức để được đến thăm ông bà. Không những thế bọn em còn chuẩn bị quà để gửi tặng ông bà nữa”.
Món quà nhỏ các bạn tự tay chuẩn bị cho ông bà
Những món quà do chính các bạn chuẩn bị được gửi tặng vào buổi chiều hôm đó. Đó là những tiết mục văn nghệ sôi động, trẻ trung tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Là những gói quà các bạn tự tay gói ghém để gửi đến các cụ.
Bà Dành cầm tay một bạn sinh viên bảo: “Các cháu đang là sinh viên thì lấy đâu ra tiền để mua quà cho ông bà. Đến chơi với ông bà là vui lắm rồi. Lần sau đừng mua gì cả, chỉ đi người không thôi nghe chưa”. Bạn sinh viên cười tươi, gật đầu đồng ý.
Ngoài những tiết mục văn nghệ, các cụ còn tham gia trò chơi Vua tiếng Việt cùng với các bạn. Sau 6 câu hỏi, đội của ông Quang đã xuất sắc dành chiến thắng.
Chơi trò chơi cùng các ông bà
Chương trình giao lưu lần này đã để lại cho các cụ và các bạn thật nhiều ý nghĩa. Các bạn đến như một nguồn năng lượng tươi mới khiến các cụ ai cũng thấy yêu đời và tràn trề nhựa sống. Còn với các bạn, có lẽ cũng là một trải nghiệm khó quên.
“Con xin chào các cụ, các ông, các bà cùng các anh chị nhân viên, điều dưỡng đang có mặt ở đây.
Chắc mọi người không biết con là ai đâu nhỉ? Con là đứa đặt chân đến đây đầu tiên nè. Hôm đó 4 người chúng con đến đây khảo sát. Lúc đó tâm thế chúng con hứng khởi lắm, vừa háo hức, háo hức được gặp mặt các cụ, các ông bà, háo hức để được thực hiện những điều tốt đẹp ở đây. Thú thật, hôm đó con cũng xúc động lắm khi được chị Thơm dẫn đi xem qua phòng các cụ và nhìn thấy các cụ. Chúng con hiểu và cũng thương các cụ lắm. Hôm đấy, nhìn chỗ cỏ hai bên đường, chúng con cũng hơi lo, không biết mình có dọn được hết để trồng cây bóng mát, cây ăn quả hay không? Nhưng hôm nay có vẻ đã thực hiện được rồi, tuy chưa hết cỏ nhưng chúng con thấy vui và ý nghĩa lắm.
Chiều nay đến đây, con càng vui hơn khi nhìn thấy các cụ vui vẻ khi xem chúng con nhảy và hát dù các tiết mục chúng con chuẩn bị vội vàng nên chưa được chỉn chu lắm.
Chỉ vài giờ nữa thôi, chúng con sẽ tạm biệt Diên Hồng, nhưng có lẽ, đây sẽ là kỷ niệm mà các bạn tình nguyện viên chúng con không thể quên được – những hoạt động, những câu chuyện và cả không khí ấm áp nơi đây nữa.
Con viết cũng khá dài rồi nhỉ? Cuối cùng, con chỉ muốn chúc các cụ, các ông, các bà thật nhiều sức khỏe, luôn hạnh phúc khi an dưỡng tuổi già. Các cụ đáng yêu lắm, đáng yêu như ông bà chúng con vậy.
Và anh chị ơi, thực ra chúng ra phải cảm ơn anh chị nhiều lắm. Cảm ơn anh chị đã cho chúng em cơ hội được đến đây, được hoạt động và được giao lưu với các cụ nữa. Các anh chị phải thật khỏe mạnh nhé, để còn chăm sóc các cụ nữa mà. Nếu có cơ hội, chúng em nhất định sẽ quay lại đây một lần nữa. Cảm ơn mái nhà Diên Hồng rất nhiều!“
Đối mặt với tuổi già là bao lo âu, trăn trở. Khi mà mắt kém, tay run cũng là lúc chúng ta chỉ còn có thể dựa vào con cái. Thế nhưng, nghịch cảnh ở đây là không phải người con nào cũng để ý đến cảm xúc của cha mẹ. Cuộc sống bộn bề có nhiều thứ để lo toan, vòng xoáy của đồng tiền cứ thế kéo những người con ra xa cha mẹ. Thời gian giành cho cha mẹ ngày càng ít làm cho cha mẹ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Chốn thành thị xô bồ không phù hợp với người cao tuổi?
Đâu phải cứ ở thành phố đẩy đủ tiện nghi là hạnh phúc. Sự phát triển của chốn đô thị đang ngày càng làm mối quan hệ giữa người với người trở nên xa cách. Các căn nhà ở sát kề nhau, dân cư đông đúc nhưng lại chẳng giao tiếp với nhau. Nhà nào biết nhà đấy, không có sự gần gũi, gắn kết như ở nông thôn. Căn nhà to rộng nhưng khép kín. Khoảng không gian ban công nhỏ bé cũng chỉ để được 2 3 chậu cây. Khuôn viên trước các khu chung cư cũng chỉ có thể để các cụ vận động nhẹ nhàng. Việc thiếu không gian sinh hoạt cũng phần nào khiến cho người cao tuổi cảm thấy bí bách, khó chịu, không có gì để làm lúc rảnh.
Ba mẹ cũng cần tham gia các hoạt động thể chất
Ai cũng nghĩ tuổi già là tuổi được ở bên con cháu, được quây quần bên gia đình. Thực tế lại không phải như vậy. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng và đều bận rộn với cuộc sống của mình. Con cái, cháu chắt có ở cùng nhà thì cũng đi làm, đi học cả ngày. Thời gian gặp nhau của cả nhà chỉ có vỏn vẹn trong 30 phút ăn cơm tối, rồi người nào lại quay lại cuộc sống riêng của người đấy. Mỗi người cầm một chiếc smartphone, không ai nói chuyện với ai nữa. Sự phát triển của công nghệ khiến con người ngày càng xa cách nhau, dù ở thành thị hay nông thời thì chúng ta cũng ít có thời gian giao tiếp, gặp gỡ nhau hơn trước. Hay chính là ít thời gian dành cho cha mẹ.
Người cao tuổi cũng cần giải tỏa sự cô đơn
Thử nghĩ đến việc chúng ta ở trong nhà một mình trong vòng một ngày, đó hẳn là điều rất dễ để thực hiện. Nhưng thử nghĩ chúng ta ở trong nhà 1 tháng, có phải sẽ rất bí bách đúng không. Cha mẹ của chúng ta cũng thế. Việc nghỉ hưu, đồng nghĩa với việc không còn nhiều mối quan hệ như trước. Không còn làm việc, không còn thường xuyên gặp gỡ người này người kia nữa. Tình trạng thiếu tương tác xã hội càng diễn ra lâu thì lại cha mẹ lại càng trông đợi vào sự hỏi han, tương tác của con cái. Một câu quan tâm, một câu chào mỗi khi về nhà hay một câu chuyện trong ngày được con cái chia sẻ cũng sẽ làm cha mẹ vơi đi phần nào nỗi cô đơn.
Không phải ai cũng dễ dàng nói ra cảm xúc của mình, nhất là với người cao tuổi. Cha mẹ có buồn vì con cái không dành thời gian cho mình cũng chẳng dám nói. Sự tủi thân cứ dồn nén không được giải tỏa sẽ gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe của cha mẹ. Bạn bè, những người đồng trang lứa là những người dễ nói chuyện nhất. Thế nên, việc cho cha mẹ ra ngoài, gặp gỡ bạn bè sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn. Nhưng không phải ai cũng thu xếp được thời gian để làm điều đó. Nếu để ba mẹ tự đi thì có phần không yên tâm vì sức khỏe của cha mẹ không còn được như trước.
Vậy đâu là giải pháp tối ưu?
Chúng ta cứ nghĩ người già có nhu cầu thực dưỡng cao, cần cái này cái kia để bồi bổ. Nhưng thực ra cha mẹ, ông bà chúng ta không cần nhiều đến thế. Một tinh thần lạc quan, yêu đời, một môi trường sống tốt, an lành là những điều cần được quan tâm . Với những ông bà, cha mẹ mắc bệnh cần sự theo dõi y tế thì việc có những điều dưỡng viên, những bác sĩ ở bên theo dõi sức khỏe là việc vô cùng cần thiết. Vậy có nên để cha mẹ ở nhà một mình cô đơn và thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc cũng như giao tiếp xã hội hay không?
Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, bạn sẽ không phải lo về vấn đề đó nữa. Các cụ có thời gian giao lưu, trò chuyện, sinh hoạt cùng nhau mỗi ngày. Vô số những hoạt động vui chơi, giải trí cũng được sắp xếp để phù hợp với khả năng tham gia và sức khỏe của các cụ. Các hoạt động trải nghiệm như làm bánh, làm tinh dầu, … cũng được các cụ vô cùng hưởng ứng và thích thú. Ngoài ra, các bác sĩ và các bạn điều dưỡng viên luôn bên theo dõi sức khỏe và giúp đỡ các cụ trong sinh hoạt. Ở đây, Diên Hồng sẽ thay bạn làm những điều tốt nhất cho cha mẹ. Để cha mẹ của các bạn nói riêng và người cao tuổi nói chung là những người có tuổi già hạnh phúc tại Diên Hồng.
Môi trường sống trong lành
Các hoạt động bổ ích, vui khỏe
Khoảng cách giữa thế hệ có thể sẽ khiến bạn không hiểu hết được những suy nghĩ, tâm tư của cha mẹ. Nhưng hãy nhẹ nhàng, bao dung với cha mẹ. Và hãy lắng nghe cha mẹ muốn gì. Hãy dành những điều tốt nhất cho cha mẹ, đừng để cha mẹ trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
“Mẹ yêu ơi! Con yêu mẹ nhiều Những tháng ngày lam lũ vì con. Đạo làm con, con luôn thấu hiểu. Con yêu mẹ nhiều lắm mẹ ơi!”
Vu Lan đã về trong những hoạt động của các cụ ông, cụ bà tại Viện dưỡng lão Diên Hồng ở khắp các cơ sở. Trước ngày diễn ra chương trình, các bạn điều dưỡng viên đã cùng các cụ chuẩn bị những tấm thiệp, những chiếc đèn hoa đăng đầy màu sắc. Đôi bàn tay của các cụ vẫn còn khéo léo, nhanh nhẹn lắm. Từng chiếc đèn hoa đăng, từng chiếc thiệp cứ thế ra đời mang theo những mong ước, những lời nhắn đong đầy yêu thương.
Những tờ giấy đầy màu sắc tạo nên những chiếc thiệp xinh đẹp
Những tiết mục ca múa nhạc hấp dẫn, nhẹ nhàng, sâu lắng,… hay những vần thơ, câu hát vui tươi, rộn ràng. Tất cả những điều đó đã làm nên một mùa Vu Lan tại Diên Hồng thêm phần đáng nhớ.
Những tiết mục ca nhạc được các điều dưỡng viên của Diên Hồng thể hiện
Những phút giây giao lưu, chuyện trò
Những tiết mục mục giao lưu của những “nghệ sĩ tài năng”
Những chiếc đèn hoa đăng được các cụ làm đã được được thắp sáng
Hay những giây phút đầy sự xúc động
Và chương trình Vu Lan đã diễn ra với nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn như thế. Những người cha, người mẹ đều mong ngóng con cháu đến thăm vào những dịp như thế này. Nhưng có lẽ, không phải ai cũng có thể sắp xếp được thời gian qua thăm bố mẹ vào ngày trong tuần. Mỗi người đều có một công việc riêng, một cuộc sống bận rộn, xô bồ. Ai ai cũng mải mê với cuộc sống của mình mà quên mất rằng cha mẹ vẫn đang đợi chờ con. Những giọt nước mắt không kìm nổi sự xúc động khi nhớ về cha mẹ đã khuất. Những giọt nước mắt khi chờ mãi cũng chẳng thấy con đâu, sự tủi thân cứ thế bao trùm lên hình dáng nhỏ bé của những người cha, người mẹ đang an dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.
Mặc dù có đôi lúc chạnh lòng vì con cái không thể sắp xếp thời gian qua thăm các cụ vào đúng ngày lễ, nhưng nhìn những nụ cười trên môi các cụ, những người làm chương trình cũng phần nào yên tâm và an lòng. Các bạn điều dưỡng mang màu áo xanh cũng luôn ở bên hỗ trợ cũng như an ủi các cụ. Mong là những chuẩn bị của trung tâm đã phần nào vơi đi những nỗi buồn của các cụ và mong là các cụ sẽ có thật nhiều sức khỏe, sống thật lâu, thật vui vẻ để con cháu yên tâm làm ăn, học hành.
Những nỗi niềm, những tâm tư thầm kín chưa dám nói ra với ba mẹ thì ngày hôm nay, hãy mạnh dạn để nói rằng “Con yêu ba mẹ, cảm ơn ba mẹ đã một đời vất vả vì con”. Đừng để sau này, chúng ta phải hối hận vì những thứ chưa kịp làm…
Càng lớn, những lời nói, hành động yêu thương với ba mẹ, người thân càng bị bỏ ngỏ. Chúng ta dễ dàng nói những lời yêu thương với bạn bè, với người mình yêu nhưng lại bỏ qua với ông bà, ba mẹ. Liệu có phải những lời nói đó thừa thãi, không cần thiết hay vì quá sến sẩm?
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ”, ba mẹ là những người luôn dõi theo con, luôn coi đứa con của mình vẫn còn bé bỏng, luôn cần sự giúp đỡ, bao bọc. Nhưng con càng lớn càng dần rời xa vòng tay ba mẹ, khoảng cách giữa con và ba mẹ ngày một lớn. Chính điều đó đã vô tình tạo ra sự ngượng ngùng khi ba mẹ giao tiếp với con cái, và cả ngượng ngùng để nói lời yêu thương.
Chúng ta đã bỏ quên những gì?
Ở ngoài kia, ai là người yêu chúng ta vô điều kiện? Ai lo lắng, thấp thỏm mỗi khi chúng ta đi về khuya? Ai là người sẵn sàng bỏ công bỏ việc ở bên cạnh chúng ta khi ốm?
Nhưng đã bao giờ chúng ta cảm ơn ba mẹ vì đã chờ mình vào những đêm khuya? Đã bao giờ bạn cảm ơn ba mẹ vì đã nhường cho mình những đồ ăn ngon hay chưa?
Những cuộc gọi bị lỡ, những tin nhắn đã xem nhưng chưa phản hồi? Ba mẹ cứ thế chờ đợi, cứ thế trông mong. Những đứa con thì vẫn cứ vùi đầu trong công việc, trong cuộc sống riêng của mình để rồi quên mất có người vẫn đang chờ đợi mình từ giây từng phút.
Những câu chuyện hằng ngày, những khó khăn trong cuộc sống, những bế tắc vẫn còn đang chất chứa lại được mang ra để tâm sự, hàn huyên với những người đồng nghiệp, những người bạn vẫn thường lê thê quán xá, hay thậm chí cả với những người xa lạ mà quên mất rằng, người mong chờ được nghe những câu chuyện đó nhất là ba mẹ thì lại chẳng thấy đâu.
Đừng quên ba mẹ vẫn luôn dõi theo chúng ta từng phút từng giây
Khi nào mới là thời gian thích hợp để thể hiện yêu thương
Năm tháng dần qua đi, ba mẹ cũng không còn khỏe mạnh, minh mẫn như trước. Sự đáng sợ của thời gian cứ thế ập đến, hằn lên trên làn da, mái tóc. Những đôi bàn tay giờ đã nhăn nheo, chai sạn. Đôi chân không còn nhanh nhẹn, hoạt bát như trước nữa. Những dấu hiệu tuổi già cứ thế ngày một hiện rõ.
Trái ngược lại với sự già đi của ba mẹ, những đứa con ngày một lớn khôn, trưởng thành, những sự thay đổi đến từ hình hài đến cả tư duy. Ngày nhỏ chẳng phải chúng ta rất dễ để nói “Con yêu ba mẹ”, “Con cảm ơn ba”, “Con cảm ơn mẹ” hay sao? Tại sao càng lớn, những lời nói đó lại càng khó khăn, càng trở nên khó để phát âm đến thế. Càng lớn con càng hiểu chuyện, càng biết ơn và cảm thông với ba mẹ hơn, nhưng lại chưa một lần thể hiện điều đó bằng lời nói, hành động.
Vậy thì tại sao, ngay lúc này, chúng ta không cùng nhau thay đổi để đập tan đi bước tường vô hình đang hình thành giữa con cái và ba mẹ. Làm cho ba mẹ vui vẻ, hạnh phúc cũng là một phần nghĩa vụ, trọng trách mà người con luôn mang vác trên vai.
Dành thời gian trò chuyện cùng ba mẹ
Ba mẹ chẳng cần con phải làm gì nhiều, chỉ một câu quan tâm, hỏi han cũng đã đủ làm ba mẹ vui vẻ suốt cả ngày, đủ để ba mẹ đi khoe người này, người kia rồi. Thay vì hôm nay đi làm về, chúng ta ra ngoài đi chơi với người này người kia, hay về nhà và vùi đầu vào phim ảnh, mạng xã hội,… hãy dành ra 30 phút ngồi lại tâm sự cùng ba mẹ, kể chuyện ngày hôm nay con đi học, đi làm thế nào, hỏi thăm sức khỏe ba mẹ ra sao,… Dù có xa cách, dù có không thể ở bên ba mẹ thường xuyên hay thậm chí không thường xuyên nói chuyện với ba mẹ cũng không hề khó để ba mẹ mở lòng mình, tâm sự đủ thứ trên đời với con đâu.
Dành thời gian chuẩn bị quà cho ba mẹ
Chắc hẳn chúng ta đã nhận được quá nhiều những món quà từ ba mẹ, tất cả những gì chúng ta có được lúc nhỏ đều là mồ hôi, công sức của ba mẹ, từ những đồ dùng hằng ngày, đến những món quà sinh nhật, đồ chơi, món quà khi con đậu đại học,… Chúng ta có cảm xúc như thế nào khi nhận quà? Chẳng phải sẽ là rất vui, rất muốn đem khoe với người khác về món quà mà mình nhận được hay sao. Ba mẹ cũng thế, ba mẹ cũng sẽ rất vui khi nhận được những món quà mà chúng ta đã chuẩn bị, dù là vào dịp nào đi chăng nữa, dù là ba mẹ luôn miệng bảo “Thôi mua cái này làm gì tốn tiền lắm, mẹ có cần đâu” hay “Quần áo bố đầy ra đấy mặc có hết đâu”,… Chỉ cần chúng ta quan tâm tới ba mẹ nhiều hơn một chút, xem ba mẹ thích gì, cần gì thì dù những món quà to hay nhỏ đều đáng trân trọng. Đôi khi chỉ là một món ăn ba mẹ thích, một chiếc áo, một hộp chè,… Những thứ bé nhỏ như thế thôi cũng đủ để yêu thương trở nên đong đầy.
Một bó hoa tặng ba mẹ, tại sao không?
Thể hiện tình cảm, hành động yêu thương
Một cái ôm, một lời cảm ơn, một lời nói yêu thương luôn là những gì quá khó khăn với chúng ta để thể hiện. Khoảng cách giữa ba mẹ và con cái càng lớn thì lại càng khó khăn hơn để thể hiện với nhau những tình cảm đang được giấu kín. Nhưng hãy nhìn xem chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa, liệu còn bao lâu để khiến ba mẹ vui vẻ, hạnh phúc. Một lời nói, một hành động yêu thương thực ra không hề khó đến thế. Ba mẹ có thể thấy bất ngờ, kỳ lạ nhưng ba mẹ sẽ rất vui, rất muốn được nghe, được nhìn thấy bạn thể hiện ra những hành động như thế nhiều lần nữa.
Đừng đợi đến khi ba mẹ ốm mới hỏi thăm, đừng đợi đến khi không còn được nhìn thấy ba mẹ nữa mới cảm thấy hối tiếc vì những việc mình chưa thể làm cho ba mẹ.
Vu Lan này, hãy dành một chút thời gian để gọi điện, hỏi thăm ba mẹ, đưa ba mẹ đi ăn những món ăn ngon hay chỉ để kể ngày hôm nay của bạn thế nào. Còn với những người con đã tin tưởng gửi gắm ba mẹ tại Viện dưỡng lão Diên Hồng thì cũng hãy dành thời gian ghé qua Diên Hồng để thăm ba mẹ, cùng tham gia hoạt động ý nghĩa trong ngày Đại lễ Vu Lan do Trung tâm tổ chức.
Ngày thương binh liệt sĩ là một ngày lễ lớn của dân tộc, là dịp để tri ân công lao to lớn của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà. Hòa chung không khí đó, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 đã tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và tặng quà tri ân cho các ông bà là cựu chiến binh, quân nhân đang an dưỡng tại trung tâm.
Để chuẩn bị cho chương trình, các bạn nhân viên đã ngày đêm tranh thủ tập luyện văn nghệ. Buổi trưa là lúc cho các cụ ăn xong, còn buổi tối thì tranh thủ giờ trực mọi người lại í ới gọi nhau đi tập. Mọi người không ai bảo ai, nhưng ai nấy đều cố gắng tập cho nhớ, cho đẹp, vì đó cũng là cách để tri ân các ông bà.
Mở đầu chương trình, các bạn nhân viên hóa thân thành những “cô gái mở đường” vượt qua mưa bom bão đạn để khai thông tuyến đường ra tiền tuyến. Những điệu múa như tái hiện lại một cách dí dỏm, đáng yêu công việc của các cô gái mở đường. Thấy các bạn múa, bà Thu cũng đứng dậy vỗ tay rồi vừa cười vừa múa theo.
Trong chương trình, các cụ được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, với những bài hát đi cùng năm tháng như: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, 5 anh em trên một chiếc xe tăng, Vết chân tròn trên cát, Tình nguyện,… Hay tiết mục múa “10 bông hoa bất tử” nói về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc lấy đi nước mắt của nhiều người.
Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, nhưng nỗi đau thương mất mát dường như vẫn còn đó. Ở trong phòng, bà Dành lấy tay lau nước mắt, chiến tranh đã cướp đi của bà nhiều thứ. Bà nghẹn ngào kể về bố, về cậu em trai ra đi không về. Còn chồng bà thì đang là thương binh.
Còn bà Phúc cũng rưng rưng khi đọc lại bài thơ bà viết về người anh trai liệt sĩ của mình
“Sao mãi anh chưa về
Hỡi anh trai liệt sĩ
Bốn chục năm có lẻ
Nước mắt đã cạn khô”
Cũng tại chương trình đại diện của trung tâm đã trao quà tri ân cho các cựu chiến binh, quân nhân đang an dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 2 với lời biết ơn vô hạn.
Sau chương trình tri ân, người xem như được sống lại một thời kỳ vô cùng gian khó nhưng cũng đầy hào hùng. Và lớp trẻ Diên Hồng lại càng thấm thía, biết ơn những người đã xuống cho sự hòa bình của dân tộc.