Cứ vào Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 hàng năm, các gia đình lại quây quần bên nhau để làm lễ và phá cỗ giết sâu bọ. Người ta còn ví, ngày Tết Đoan Ngọ giống như Tết Nguyên Đán thứ 2 trong năm, cũng là dịp để các gia đình sum vầy, cùng nhau phá cỗ. Những thứ quả thường thấy trên mâm cỗ là những thứ quả tươi ngon đúng mùa như là mận, vải rồi có cả lạc luộc, rượu nếp, nếp cẩm,… Người xưa quan niệm rằng phải có các loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng trên mâm cỗ để “giết sâu bọ”.
Từ sáng sớm, các cơ sở đã hối hả chuẩn bị những mâm quả thật đẹp để dâng lên bàn thờ Phật thắp hương. Những mâm quả được trang trí đẹp mắt, nhiều màu sắc với hoa quả theo mùa như mận, vải và không thể thiếu là một chút cơm rượu nếp. Các bạn nhân viên còn trang trí cả hoa lá cho mâm quả thêm phần đẹp mắt.
Mâm quả của cơ sở 3
Dù xa cách gia đình, các cụ đang an dưỡng tại Diên Hồng sẽ không cảm thấy cô đơn trong ngày Tết Đoan Ngọ. Các bạn nhân viên và các bạn thực tập sinh đã tạo ra một không gian đầm ấm như gia đình, nơi các cụ được cùng nhau chia sẻ niềm vui và sự ấm áp. Mâm cỗ đủ đầy được sắp xếp với những món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan ngọ, hoa quả tươi ngon. Tất cả đều làm cho các cụ cảm thật thấy quen thuộc, thân thương.
Các cụ cơ sở 2 cùng nhau phá cỗ
Không khí ngãy lễ ở cơ sở 3 luôn tươi vui, nhộn nhịp
Bà Dành còn chia sẻ câu chuyện về tục lệ ngày xưa chỗ bà. Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người ta sẽ dùng lá móng để nhuộm móng tay cho trẻ em. Theo tục lệ xưa, nhuộm móng cho trẻ em không chỉ về vấn đề thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, tránh xa trẻ em.
Viện dưỡng lão không chỉ đáp ứng nhu cầu về chăm sóc và sức khỏe của người cao tuổi, mà còn là ngôi nhà thứ hai của các cụ. Vậy nên, Diên Hồng luôn cố gắng để trở thành một ngôi nhà thực sự của các cụ, nơi có tình yêu thương gia đình, có những phút giây sum họp, đầm ấm, là nơi mà các cụ đi xa lại muốn trở về.
Sau bao nhiêu năm sống một mình, nhiều ông bà không vợ/chồng, không con cái đã lựa chọn viện dưỡng lão Diên Hồng làm nơi an hưởng tuổi già và đối với bà, đây là lựa chọn đúng đắn cho chương cuối cuộc đời.
Bà Quý không kết hôn để được chăm sóc mẹ cả đời
Đang ngồi trên giường, bà Quý vừa tỉ mẩn cắt từng miếng quả bơ mà người em trai gửi vào vừa buôn chuyện với các bà bạn trong phòng. Thi thoảng các bà lại cười phá lên vì những phát biểu thật thà của bà Quý. Bà Quý sinh ra trong gia đình có hai người em trai và một người em gái. Lúc còn trẻ bà đi lên Lục Ngạn, Hà Bắc (hiện là tỉnh Bắc Giang) để trồng mía, xây dựng kinh tế mới. Bố của bà lên thăm con thấy vất vả quá nên xin cho bà vừa học vừa làm ở một thư viện. Sau đó, bà thấy tình yêu với các em bé nên lại chuyển sang làm ở trường mầm non. Sau khi các anh em trong nhà kết hôn và ra ở riêng, bà sống cùng với bố mẹ. Vì yêu mẹ già, thương mẹ, muốn được chăm sóc mẹ cho trọn nghĩa trọn tình nên bà Quý từ chối kết hôn để ở nhà với mẹ. Sau này khi cả bố và mẹ ra đi, bà mới bị hụt hẫng, buồn tủi. Bà Quý tâm sự: “Các anh em trong nhà đã có gia đình riêng lại không ở gần nên tôi luôn sống một mình. Khu tôi sống lại ít người già nên bản thân mình luôn cảm thấy cô đơn. Những lúc mưa gió bão bùng ngập nước tôi cảm thấy lo lắng vô cùng. Trộm nghĩ nếu lỡ có vấn đề gì thì cũng không biết gọi ai.”
Những cô đơn, buồn tủi của bà Quý đã dừng lại sau cánh cửa viện dưỡng lão. Cho đến bây giờ bà Quý vẫn luôn cảm thấy may mắn và thầm cảm ơn người em trai tìm được và đưa bà đến Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Bao khó nhọc đã qua đi, giờ đây bà tìm được niềm vui bên những người bạn già cùng phòng. Nhiều khi chẳng cần phải ra khỏi chỗ, cứ mỗi người 1 giường nói chuyện với nhau cũng đủ thấy vui rồi.
Ông Bách mải công việc quên lấy vợ
Khi gặp ông Bách, tôi bị ấn tượng bởi vẻ ngoài ngầu, mái tóc ngố và cặp kính thời trang chống bụi. Ông có vẻ như một nhà khoa học với ánh mắt sáng, lương thiện và luôn sẵn sàng cười. Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh và trải qua những khó khăn trong nạn đói lịch sử năm 1945. Sau đó, ông đến Hà Nội để học tập và di cư vào Nam để theo học tại Đại học Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về dạy toán tại một trường trung học phổ thông tại Bến Tre. Ông chia sẻ rằng dạy học ở miền Nam không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông đã mải mê học tập và quên mất chuyện tìm vợ.
Sau khi về hưu sớm, ông chuyển vào chùa Phật Tích ở Bắc Ninh. Đến khi sức khỏe trở nên yếu hơn, ông được người thân gửi vào Diên Hồng. Cuộc sống được chăm lo đủ đầy giúp ông vơi bớt những lo lắng thường nhật về sức khỏe, ăn uống. “Thoải mái, khoan khoái, không có kẻ thù”, ông nhấn mạnh. Không tích cóp được nhiều tiền dưỡng già nhưng may mắn là các cháu lo lắng và hỗ trợ. Không biết ngày mai như thế nào, ông tâm niệm cứ sống hết mình trong hiện tại là đủ rồi.
Tôi nhận ra rằng ông là một kho tri thức về lịch sử, triết học, khoa học và dược học thông qua cuộc trò chuyện với ông. Ông có thể kể chuyện về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thế kỷ 20, một cách say mê và sinh động. Những câu chuyện về vua Bảo Đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ông Trần Văn Giàu được ông kể bằng cách thức sống động khiến những người trẻ như chúng tôi bị cuốn hút. Ông cũng nói tiếng Pháp thành thạo và hàng ngày ông cùng hai người bạn là ông Cảnh và ông Toàn “buôn chuyện” bằng tiếng Pháp, khiến chúng tôi chỉ biết cười nhìn nhau. Có lúc ông nói về chúng tôi mà chúng tôi không biết được. Cách ông nhìn nhận cuộc sống và con người cũng đáng để học hỏi. Ông dạy chúng tôi rằng “Chúng ta phải sống hòa hợp với mọi người xung quanh, không tỏ ra kiêu căng, không khinh thường người khác và nếu có thể, hãy giúp đỡ người khác.”
Không phải ai cũng có được một cuộc đời suôn sẻ nhưng sự sống vốn dĩ đã là một món quà tuyệt đẹp và vô giá mà Đấng tạo hóa dành cho mỗi người. Vậy nên chúng ta cứ tận hưởng giây hiện tại nhất là đối với những người cao tuổi còn không hiểu thời gian để sống để có được an yên và hạnh phúc.
Trong chuỗi Seris Chuyện NCT Diên Hồng có rất nhiều các chủ đề phù hợp dành riêng cho các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng. Các cụ khi về già tâm lý nhạy cảm hơn, cũng như hay nhớ về những ngày còn trẻ. Mục đích ban đầu của seris là để cùng các cụ trò chuyện, gợi nhớ lại những câu chuyện cũ. Vừa là để các cụ có cơ hội trò chuyện, chia sẻ, vừa là để các cụ trong trung tâm hiểu nhau hơn, gắn kết hơn.
Việc thành lập Seris Chuyện NCT Diên Hồng quả là một điều đúng đắn khi các cụ đều hứng thú tham gia. Bắt đầu từ những buổi chia sẻ về câu chuyện của nhau, Seris Chuyện NCT Diên Hồng được mở rộng bằng cách tổ chức các buổi chia sẻ theo yêu cầu của các cụ. Các cụ mang trong mình nhiều loại bệnh nên hầu như cụ nào cũng mong muốn được chia sẻ về những nội dung liên quan đến các căn bệnh tuổi già để làm sao có thể sống khỏe mạnh hơn.
Diên Hồng may mắn khi gặp được Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi bác sĩ Thảo đang nghiên cứu về bệnh đột quỵ trong khóa luận Tiến sĩ của mình. Biết được những mong muốn của các cụ về một buổi chia sẻ liên quan đến bệnh đột quỵ, bác sĩ Thảo ngay lập tức nhận lời đến Diên Hồng. Đột quỵ ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Vì vậy việc nhận biết nhanh những dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ sẽ giúp người bệnh hạn chế được những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.
Bác sĩ Thảo ở buổi chia sẻ cùng các cụ cơ sở 4
Nội dung buổi chia sẻ là những kiến thức dễ hiểu nhất để các cụ đều hiểu được
Là người đã đọc rất nhiều tài liệu từ trong đến ngoài nước, bác sĩ Thảo đã cố gắng chắt lọc những thông tin hữu ích cũng như dễ hiểu nhất để truyền tải đến các cụ. Có bác sĩ đến nên các cụ đều rất tập trung, chăm chú lắng nghe. Hơn ai hết, các cụ hiểu rằng căn bệnh tuổi già có thể khiến các cụ rơi vào đột quỵ bất cứ lúc nào. Các cụ tham gia buổi chia sẻ có những cụ chưa bị đột quỵ bao giờ, cũng có những người như chú Thúy (cơ sở 3) đã bị 2 lần rồi và đang trong quá trình phục hồi chức năng. Chú chia sẻ về những khoảnh khắc chú đã gặp phải khi chú bị đột quỵ để các cụ khác có thể nhận biết khi mình có dấu hiệu của bệnh.
Chú Thúy (cơ sở 3) chia sẻ về những gì chú trải qua sau 2 lần đột quỵ
Bác sĩ Thảo giải thích rất cặn kẽ và cụ thể về lý do hình thành bệnh, triệu chứng cũng như những cách có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ. Các cụ cũng rất chăm chỉ tương tác cùng bác sĩ. Bà Thịnh và bà Tuyết ở cơ sở 4 rất tập trung vào bài giảng của bác sĩ. Chẳng thế mà đến cuối giờ, bác sĩ hỏi lại những thông tin liên quan đến bệnh cả hai bà đều trả lời được hết, khiến bác sĩ Thảo cũng phải ngạc nhiên.
Bà Thịnh hăng hái trả lời những câu hỏi của bác sĩ
Các cụ đều rất thích buổi chia sẻ này
Chú Thúy rất tâm đắc với buổi chia sẻ của bác sĩ Thảo
Kết thúc buổi chia sẻ, các cụ tấm tắc khen bác sĩ, khen buổi trải nghiệm ý nghĩa quá, hay quá. Có cụ còn nán lại để hỏi bác sĩ về bệnh tình của mình. Mong rằng ở những buổi chia sẻ tiếp theo, các cụ cũng sẽ luôn hăng hái tham gia như thế này thì những người tổ chức chương trình cũng sẽ vui lắm đấy ạ.
Từ ngày vào Diên Hồng, các cụ bảo thấy vui hẳn ra. Ngày trước ở quê thì chẳng nói, còn các cụ trên thành phố ở với con thì cứ quanh quẩn trong nhà, chẳng biết làm gì cho hết ngày. Thế mà vào đây cứ thỉnh thoảng lại đi chơi, rồi tham gia các hoạt động do trung tâm tổ chức, thấy cuộc sống nhộn nhịp hẳn ra. Từ các bạn nhỏ mầm non đến các đoàn có các cô, các bác lớn tuổi vào chơi, ai cũng cụ cũng quý, cũng thấy vui.
Buổi giao lưu lần này có đặc biệt hơn một chút vì Diên Hồng được đón các bạn học sinh đến từ Trung tâm dành cho trẻ tự kỷ Totochan. Các bạn ngoan ngoãn và lễ phép lắm. Trời nắng nóng, quãng đường đi đến Diên Hồng cũng khá xa, bạn nào mặt cũng ửng hồng vì nóng. Gặp các cụ các bạn nhanh miệng chào các cụ, làm các cụ ai cũng cười vui vẻ. Bà Lợi bảo “Cái đứa này nó ngoan với lễ phép quá. Không biết mình là ai nó cũng chào”.
Các bạn của trung tâm Totochan nhiều tài năng lắm. Từ hát múa đến đọc thơ rồi khiêu vũ, các bạn đều làm được hết. Bài nào cũng dài, cũng nhiều động tác nhưng các bạn vẫn rất thuộc bài và diễn hết mình.
Lúc đầu chưa quen, các cụ còn ngại ngùng. Bà Phi còn dỗi vì các bạn khiêu vũ mà quay lưng xuống khán giả. Thế mà lúc sau bà là người đầu tiên lên hát, rồi bài nào của các bạn cũng có mặt bà phụ họa nhún nhảy cùng.
không chỉ bà Phi, các cụ khác cũng không ngại lên sân khấu để đến gần hơn với các bạn đến từ Totochan. Bà Thân, bà Thịnh, bà Thi,… rồi cả các ông cũng lên sân khấu nhún nhảy theo điệu nhạc. Bà Thịnh vui lắm, vì vừa có các cháu đến giao lưu, lại đúng trước ngày sinh nhật Bác, bà cứ vừa đi vừa hát “Việt Nam. Hồ Chí Minh. Việt Nam. Hồ Chí Minh…”. Các ông cũng không chịu được nhiệt mà lên sân khấu lắc lư.
Cái già hòa cùng cái trẻ đã làm nên một buổi giao lưu đầy niềm vui và hạnh phúc. Các bạn Totochan dùng hết nhiệt huyết, đam mê để biểu diễn cho ông bà xem, ông bà cũng không ngần ngại đáp sự nhiệt huyết của các bạn mà lên sân khấu giao lưu cùng. Hẹn gặp lại các bạn trẻ của trung tâm Totochan tại các cơ sở khác của Diên Hồng để mang đến cho ông bà những giây phút thật vui vẻ, thoải mái.
Tết hàn thực là ngày Tết diễn ra vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm. Theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Tại Việt Nam, Tết hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay. Và mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Vì vậy vào dịp này, các gia đình đều chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, thắp hương dâng lên ông bà, tổ tiên.
Hoà chung với ngày tết hàn thực, các ông bà tại Diên Hồng cũng đã cùng nhau làm bánh trôi, bánh chay. Bột nếp ngũ sắc thơm mát, viên đường ngọt lịm, vừng, dừa,… được các bạn nhân viên chuẩn bị từ sáng sớm. Các ông bà rửa tay thật sạch rồi bắt đầu nặn những viên bánh đầu tiên.
Nhiều cụ chia sẻ đây là lần đầu tiên được tự tay làm bánh nên còn vụng về, lúng túng. Viên bánh còn viên to, viên nhỏ, hình dáng cũng chưa được tròn trịa. Nhưng với sự hướng dẫn của các bạn nhân viên, cuối cùng các cụ cũng có thành quả ưng ý. Một số cụ khác có kinh nghiệm rồi nên tay làm nhanh thoăn thoắt.
Bà Thanh vừa làm bánh vừa suýt xoa: “Bây giờ hiện đại cái gì cũng cải tiến, đến bột bánh cũng nhiều màu sắc bắt mắt. Chứ ngày xưa bà làm bánh có mỗi bột gạo trắng tinh”. Nhìn đĩa bánh nhiều màu sắc mà các cụ ai cũng mê mẩn.
Vừa làm bánh các cụ vừa trò chuyện rôm rả. Từ đó mà mọi người cũng biết nhiều hơn về truyền thống của các ngày lễ tết cổ truyền.
Tương tự như bánh chưng, bánh giầy, thì bánh trôi, bánh chay được nặn hình tròn để thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 người con theo Âu Cơ đi xuống biển. Còn bánh chay tượng trưng cho 50 người con theo Lạc Long Quân lên rừng. Nhưng cũng có cụ kể lại rằng bánh trôi bánh chay để tưởng nhớ đến các Vua Hùng. Nhưng dù câu chuyện là thế nào thì ngày tết hàn thực cũng hướng chúng ta nhớ về nguồn cội của mình.
”Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”.
Vừa luộc bánh bà Phương vừa ngâm nga mấy câu thơ trong bài “Bánh trôi nước”. Bà bảo thả bánh vào chờ đến khi bánh nổi hết lên là chín. Sau đó vớt ra cho vào bát nước lạnh, rồi vớt ra bày trên đĩa là xong.
Sau một hồi thì thành quả cũng đã xong. Những viên bánh tròn tròn mềm mịn với nhân đường ngọt thanh, rắc thêm chút vừng thơm phức là có thể dâng lên bàn thờ Phật. Sau đó là để mọi người cùng nhau thưởng thức. Thứ mùi đặc trưng của bánh trôi, bánh chay lan toả trong không khí càng làm cho ngày tết hàn thực thêm sôi động và ý nghĩa hơn.
Được tổ chức thường niên từ năm 2017, đến nay Đại hội thể thao Olympic Diên Hồng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người cao tuổi tại trung tâm. Các môn thể thao được biến tấu đa dạng để phù hợp với sức khoẻ người cao tuổi như đá bóng, đi bộ tiếp sức, ném lao, bắn súng. Đặc biệt hơn là đua xe lăn, đua gậy chữ U, môn thi đấu độc đáo chỉ có ở Olympic cho người già.
Mỗi năm Olympic chỉ tổ chức một lần, bởi vậy các cụ tại trung tâm ai cũng háo hức mong chờ. Có những ông bà miệt mài tập luyện trước cả tuần để hôm thi đấu mang về kết quả cao nhất. Sau nhiều năm thì các cụ đã xem Olympic Diên Hồng như một sân chơi thể thao thực thụ. Không những thế, đây còn là dịp để các cụ gặp gỡ, gắn kết với nhau hơn thông qua các môn thi đồng đội. Và đặc biệt là dịp để các cụ bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn, chinh phục, chiến thắng bản thân mình. Bà Nguyễn Thị Biển (cơ sở 2) là một trong số đó. Năm đầu tiên bà chỉ đăng ký tham gia môn đi bộ tiếp sức vì sợ chưa thi đấu bao giờ. Sau đó bà tiếc nuối vì bỏ lỡ quá nhiều trải nghiệm mới. Đến năm thứ 2, thứ 3, bà đã mạnh dạn đăng ký nhiều môn thi và dành được huy chương. Khoảnh khắc cầm tấm huy chương trong tay, bà vỡ oà trong niềm vui vì cuối cùng bà cũng gỡ bỏ được giới hạn bản thân vượt lên chính mình.
Bà Biển tại Olympic Diên Hồng 2022
Nhiều cụ cũng chia sẻ đây là lần đầu tiên tham gia thi đấu một môn thể thao, mà trước đó chưa từng thử qua lần nào. Một chút bỡ ngỡ, một chút bối rối và có thể nhiều lần không thành công. Nhưng dưới sự cổ vũ của mọi người thì các cụ cũng vượt qua được và ngỡ ngàng khi mình được nhận huy chương.
Bà Sơn năm nay cũng là lần đầu tham gia Olympic tại Diên Hồng. Bà đăng ký tham gia thi môn đá bóng, bộ môn mà thường mọi người sẽ nghĩ sẽ phù hợp với các cụ ông hơn là với các cụ bà. Ngoài 80 tuổi nhưng bà còn nhanh nhẹn lắm, đôi chân còn thoăn thoắt. Mỗi lần bà sút bóng mọi người lại nín thở chờ bóng lăn. Không hiểu sao quả bóng như nghe theo lời của đôi chân, cứ thế lăn thẳng vào gôn, 3 quả như 1 trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.
Phần thi mang đến chiếc huy chương vàng đầu tiên tại Olympic Diên Hồng của bà Sơn
Năm nay cũng là năm đầu cụ Đặng Thị Khê (cơ sở 1) tham gia. Ở độ tuổi 103, bà vẫn được tham gia thi đấu trong Đại hội thể thao, đúng là điều mà bà chưa bao giờ nghĩ tới. Dù tuổi cao nhưng bà vẫn có thể chống gậy đi lại được nên bà tham gia thi đấu bộ môn đua gậy chữ u. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn điều dưỡng viên, bà đã vượt qua rất nhiều đối thủ và giành được huy chương đồng trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Không những thế, bà còn làm mọi người bất ngờ hơn khi sút bóng vào gôn ở vị trí cách 5m, quả nào cũng lăn thẳng vào gôn khiến bà cũng vô cùng bất ngờ.
Cụ Đặng Thị Khê (103 tuổi) với biểu cảm đáng yêu khi thấy mình đá được bóng vào gôn
7 mùa Olympic trôi qua là vô vàn những câu chuyện và trải nghiệm thú vị. Có cụ là lần đầu tiên, nhưng có cụ lại tham gia nhiều năm rồi. Bà Vũ Thị Mai Phương (cơ sở 3) đã 2 lần tham gia Olympic. Đặc biệt bà chỉ đăng ký duy nhất môn thi bắn súng. Là một cựu quân nhân, bà vừa cười vừa bảo: “Mấy chục năm cầm súng chẳng nhẽ về già lại chịu thua mấy thứ đồ chơi”. Kết quả bà đã xuất sắc trở thành quán quân môn bắn súng trong 2 mùa liên tiếp. Hay như chú Nguyễn Hồng Vinh ở cơ sở 1, đã 3 năm tham gia Olympic nhưng năm nào chú cũng là quán quân của bộ môn đua xe lăn. Dù tay trái liệt, chú chỉ dùng được mình tay phải nhưng lần nào tham gia là chú thắng lần ấy.
Chú Hồng Vinh về đích trong sự hò reo của khán giả
Đôi bạn thân ông Ấn và ông Cường ở cơ sở 3 cũng dắt tay nhau tham gia thi đấu nhưng ở các bộ môn khác nhau. Lần đầu ông Ấn tham gia là Olympic Diên Hồng 2022, ngày ấy ông cũng thi đua xe lăn. Nhưng ở Olympic Diên Hồng 2023 có lẽ phần nào đặc biệt hơn với ông. Thay vì chỉ được khán giả và các bạn nhân viên cổ vũ như năm trước, năm nay, bên cạnh ông đã có một người bạn mà ông quen khi cùng ở chung trong mái nhà Diên Hồng. Khi ông Ấn rời khỏi vạch xuất phát và khó khăn nhích lên từng tí một thì ông Cường đang ngồi ở hàng ghế khán giả, ngay lập tức chạy lại bên ông Ấn, ra sức cổ vũ và chỉ dẫn ông “Cố lên. Cố lên. Đi đường này cơ mà, không phải bên đấy.”. Ông Ấn không còn cảm thấy căng thẳng khi tham gia thi đấu, có ông Cường ở bên cổ vũ, mặt ông như giãn ra, cứ tủm tỉm cười rồi cố gắng lăn bánh xe về đích. Phần thi này dẫu biết sẽ không được huy chương, nhưng đối với ông Ấn, tình bạn giữa của ông Cường dành cho ông có lẽ đã quá đủ để Olympic Diên Hồng 2023 trở thành một ký ức đặc biệt trong ông.
Ông Cường cố gắng giúp ông Ấn về đích trong phần thi đua xe lăn
Mỗi năm Đại hội thể thao Olympic Diên Hồng chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 2 tiếng đồng hồ, nhưng để lại cho người cao tuổi nhiều ấn tượng khó quên. Diên Hồng tự hào vì được đồng hành cùng niềm vui, tiếng cười của các cụ. Để các cụ sống lại tuổi thanh xuân đầy năng lượng. Để các cụ có một tuổi già ngập tràn hạnh phúc.
Mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của sự sống. Xuân đến ta thêm yêu đất trời, yêu cuộc sống, yêu người, yêu ta. Mùa xuân, muôn hoa khoe sắc thắm, đất trời giao hòa và tâm hồn con người cũng rộn rã niềm vui yêu đời, yêu người. Hòa chung không khí tràn đầy sắc xuân đó, Diên Hồng cơ sở 1 đã tổ chức một buổi live concert với chủ đề Xuân Tình, mùa xuân của tình yêu.
Mở đầu cho chuỗi ca khúc của concert là bài hát “mùa xuân đầu tiên” do phó tổng Trần Thị Thúy Nga trình bày. Bài hát với tiết tấu sôi động, vui tươi khiến mọi người tham gia đều hào hứng, phấn khởi.
Nếu mùa xuân đầu tiên của đất nước mang đến cảm xúc thiêng liêng, tự hào thì mùa xuân của đất trời lại tươi đẹp tinh khôi. Không những thế mùa xuân còn là mùa đơm hoa kết trái, đơm kết cho tình yêu của muôn loài, muôn vật. Và “mùa xuân đã đến bên em và mùa xuân đã đến bên anh thì thầm” sẽ là một nốt nhạc không thể thiếu trong bản giao hưởng của mùa xuân.
Tiết mục thì thầm mùa xuân do cặp đôi Tổng giám đốc và phu nhân trình bày
Tiếp nối những bản nhạc tình xuân là bài hát “biển tình” do anh Lê Bắc biểu diễn.
Chú Vinh đọc thơ Mùa xuân cho em
Điều dưỡng Tạ Tươi với ca khúc “Nắng có còn xuân”
Đến với concert Xuân Tình ông Nguyễn Trọng Việt, một cựu quân nhân, đã gửi đến tất cả mọi người bài hát Tình ca.
“Em ơi! nghe chăng lời trái tim vọng ra
Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang
Qua núi biếc chập chùng xa xa
Qua bóng mây che mờ quê ta
Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha”
Đó chính là tâm tình của người chiến sĩ phương xa gửi về quê nhà. Nơi có người vợ hiền, con thơ, nơi quê nhà với bãi mía, nương dâu, bến nước Cửu Long. Bài hát hào hùng nhưng tình cảm khiến ai nghe cũng xúc động về thời đạn bom ác liệt.
Tiếp theo là bài hát “Trước ngày hội bản” do bà Đào Dung thể hiện. Bài hát là câu chuyện tình yêu đôi lứa trong trẻo của những cô cậu vùng cao trong ngày hội bản.
Chương trình với nhiều bài hát trữ tình lãng mạn đưa các cụ đi từ cung bậc này đến cung bậc khác. Bà Châu ngồi dưới ghế khán giả đung đưa theo điệu nhạc. Mỗi khi tiết mục kết thúc, bà lại vỗ tay cổ vũ thật nhiệt tình.
Bà Phi cũng ngại ngùng, bẽn lẽn không dám đứng ra giữa sân khấu để hát mà chỉ đứng gần chỗ ngồi, san sát các cụ bên dưới. Mới chỉ hát được một lời, bà chạy lại đưa mic cho MC rồi ngại ngùng về chỗ ngồi, miệng cười toe toét vì vừa vui vừa xấu hổ. Khi những bài hát được cất lên, ai nấy cũng đều thả hồn mình theo từng điệu nhạc, rong ruổi theo từng suy nghĩ.
Trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán, người người tất bật ngược xuôi sắm sửa đón tết. Thì tại Viện dưỡng lão Diên Hồng các ông bà, cán bộ nhân viên cũng rộn ràng chuẩn bị cho các sự kiện tết.
Tết là dịp để sum họp bên gia đình, con cháu nhưng vì hoàn cảnh, sức khỏe nên nhiều ông bà lựa chọn đón tết tại viện dưỡng lão. Vì thế hàng năm Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đều tổ chức rất nhiều sự kiện tết, nhiều hoạt động trải nghiệm để người già có thêm niềm vui.
Rộn ràng chợ Tết
Từ giữa tháng Chạp âm lịch, người cao tuổi tại viện dưỡng lão Diên Hồng đã được hoà mình vào không khí chợ Tết Hà Nội. Với những gian hàng thời trang, đồ khô, đồ gốm, hoa tươi. Và cả những trò chơi truyền thống quen thuộc mỗi dịp tết đến như đập niêu, bắt vịt, tô tượng,…
Bà Trần Thị Lâm 87 tuổi (Diên Hồng cơ sở 4) phấn khởi khoe: “Trưa nay bà đã ăn cơm từ rất sớm sau đó được các bạn chọn cho bộ áo dài đẹp nhất để đi chợ tết, đi trình diễn áo dài”.
Không chỉ bà Lâm mà các cụ khi được tham gia chợ Tết thì đều vui vẻ như thế.
Bà Đào Thị Dung 85 tuổi (Diên Hồng cơ sở 1) cũng không giấu được niềm vui. Tay xách túi to túi nhỏ bà bảo: “Từ nãy đến giờ bà đã mua được bao nhiêu đồ, lâu lắm rồi bà mới được đi chợ Tết mà vui như thế”.Chợ Tết không chỉ thu hút người cao tuổi tại trung tâm mà còn có thu hút gia đình các cụ. Người nhà bà Sáu (Diên Hồng cơ sở 2) chia sẻ: “Trung tâm tổ chức chợ Tết vui vẻ, độc đáo thế này thì đến cả các cô chú còn thấy phấn khởi, vui vẻ, chứ không kể gì các cụ. Ở nhà làm gì được đi chợ tết thế này”.
Ngày hội gói bánh chưng
Không chỉ chợ Tết, người cao tuổi tại viện dưỡng lão còn được gói bánh chưng. Xong tết ông công ông táo, các cơ sở bắt đầu mua lá dong, lạt, ngâm gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh. Những năm về trước nhà bếp sẽ đặt bánh chưng cho các cụ ăn tết. Nhưng hai năm trở lại đây, bánh chưng đều được các cụ gói rồi mang luộc. Ngày hội gói bánh chưng trở thành một món ăn tinh thần cho người cao tuổi cũng như nhân viên tại Diên Hồng vào những ngày cận tết. Mọi người tất bật lau lá, gói bánh, buộc lạt, nói chuyện rôm rả vui vẻ bên nhau.
Chú Trần Sơn Lâm (Diên Hồng cơ sở 2) thoăn thoắt gói từng chiếc bánh vuông vức, đẹp mắt. Chú hồ hởi cười bảo: “Bánh chưng mua đâu mà chẳng được, quan trọng là cái không khí của ngày tết thôi”. Nhiều ông bà chia sẻ, ngày trước toàn đi đặt bánh, mãi đến bây giờ là lần đầu tiên được gói bánh chưng nên phấn khởi lắm.
Sum vầy bên mâm cơm tất niên
Bữa cơm tất niên là một phần quan trọng trong văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam và Diên Hồng cũng không phải ngoại lệ. Những ngày cuối năm ông bà quây quần bên mâm cơm tất niên tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới. Bữa cơm với các món ăn đặc trưng ngày tết như bánh chưng xanh, giò chả, canh măng,… khiến cho không khí ngày tết càng trở nên ấm cúng. Các ông bà cùng ăn uống, cùng trò chuyện rôm rả. Ngày tết ở viện dưỡng lão vẫn sôi động, vui vẻ chứ không hề buồn tẻ.
“Các cụ chọn ở lại đón Tết ở Diên Hồng hay nhớ con cháu, nhất dịp Tết đến xuân về khi chứng kiến các gia đình tấp nập vào ra, các cụ cũng mong được về nhà. Tuy nhiên để các cụ bớt đi nỗi nhớ, chúng tôi tổ chức một chuỗi hoạt động để các cụ có thêm niềm vui dịp Tết.
Trong những ngày qua, chúng tôi tổ chức tất niên cho các cụ, các hoạt động giao lưu văn nghệ, chợ Tết… Ai cũng phấn khởi khi mua được hàng hoá, lễ hội gói bánh chưng, bữa cơm tất niên cuối năm, cùng nhau đón giao thừa, lì xì chúc mừng nhau…”, chị Hoàng Thị Thu Ngân, đại diện trung tâm chia sẻ.
Không những thế nơi ở của người già còn được trang trí cành đào, lọ hoa, bày biện bánh kẹo, hoa quả để nhâm nhi ngày Tết. Các món ăn truyền thống cũng được chuẩn bị để mang lại cho người già tại viện dưỡng lão trọn vẹn nhất hương vị của ngày Tết.
Ngày 04 tháng 01 năm 2023, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 3 và cơ sở 4 tổ chức hội chợ Tết cho người cao tuổi đang sinh hoạt tại Trung tâm với nhiều hoạt động phong phú và tôn vinh các giá trị truyền thống.
Tết đến, người người, nhà nhà nô nức đi chơi, sắm sửa thì các ông bà ở Diên Hồng không phải ai cũng có đủ sức khỏe để tự mình đi chợ, mua sắm. Vì thế nên hằng năm, để các ông bà được hòa mình vào không khí chợ Tết tấp nập, được mua bán, sắm sửa như tất cả mọi người, trung tâm đều tổ chức hoạt động hội chợ Tết cho người cao tuổi. Mỗi năm chợ tết lại được tổ chức theo một chủ đề khác nhau, có năm là chợ tết xưa với các gian hàng bằng mái lá cọ truyền thống, có năm theo phong cách hiện đại với các gian hàng thương mại điện tử, có livestream bán hàng… Chính vì thế nên năm nào các cụ Diên Hồng cũng háo hức chờ đến chợ Tết để xem có gì mới. Năm nay, BTC chương trình đã mang đến một không khí chợ tết rất Hà Nội với những gian hàng thời trang, đồ khô, hoa tươi và cả những trò chơi truyền thống quen thuộc mỗi dịp tết đến.
Quầy đồ gốm
Xe hoa đặc trưng của Hà Nội
Chia sẻ về chủ đề của chương trình chợ tết 2023, chị Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trải nghiệm của các cụ ở Diên Hồng luôn được trung tâm đặt lên hàng đầu. Người già thường gắn với những kỷ niệm ngày xưa nên những hoạt động truyền thống luôn thu hút sự chú ý của các cụ. Trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam có nhắc đến những đứa trẻ mong ngóng chờ đợi chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện mang đến một thế giới khác – một vùng sáng rực và lấp lánh. Con tàu đánh thức hồi ức vui vẻ, đủ đầy mà chị em Liên đã từng được sống. Và con tàu mang biểu tượng của niềm vui và hy vọng. Năm 2023 được dự báo với sự u ám của tình hình kinh tế thế giới nên bản thân các cụ Diên Hồng cũng có nhiều trăn trở cho tương lai của con cháu. Chính vì vậy, BTC lấy chủ đề Tết Hà Nội như một lời chúc, lời nhắn nhủ đến các cụ: Hãy đón năm mới với nhiều hy vọng tươi sáng bởi điều tốt đẹp sẽ đến”
Tiết mục trình diễn áo dài của nhân viên và các cụ bà
Trong chợ Tết, các cụ bà ở Diên Hồng cùng nhau trình diễn thời trang áo dài trong niềm hân hoan và không khí xuân tưng bừng. Với nhiều cụ, đây là lần đầu tiên trình diễn thời trang như không gì là không thể đối với các cụ Diên Hồng bởi các cụ luôn hết mình trong bất kỳ hoạt động nào. Chính niềm vui sống đã mang đến cho các cụ một sức khỏe dẻo dai mà không loại thuốc bổ nào có thể sánh được. Và niềm vui khi xuân về lại thọ thêm một tuổi, lại thêm những trải nghiệm mới khiến cho các cụ Diên Hồng ngày hôm nay đều tươi tắn và rạng rỡ hơn hẳn ngày thường dù chẳng cần tô son điểm phấn.
Các cụ cũng sôi nổi trong cuộc thi gói bánh chưng. Dù không dùng khuôn nhưng các cụ vẫn cố gắng làm nên những chiếc bánh chưng vuông vắn. Các cụ khác thì được làm giám khảo chấm thi nên đều phấn khởi và hào hứng.
Ngoài việc mua sắm các món hàng trong chợ tết như hoa, tranh hàng trống hay tranh vẽ màu nước, đồ gốm sứ, bánh kẹo, các món ăn truyền thống như bánh xu xê, bánh gai, bánh cốm,…các cụ còn được tự tay trang trí những chiếc lì xì, xin chữ và tham gia vào các trò chơi truyền thống như bịt mắt bắt vịt, đập niêu. Tiệm ảnh thanh xuân giúp các cụ và gia đình ghi lại kỷ niệm cùng nhau đi chơi chợ tết. Nhìn cảnh tượng các cụ bà mặc áo dài xúng xính bịt mắt khua khua túm cổ vịt mới thấy tinh thần hết mình của các cụ.
Các cụ rộn ràng mua sắm ở gian ẩm thực
Gian hàng làm lì xì
Trò chơi đập niêu
Trò chơi bịt mắt bắt vịt
Kết thúc chợ tết, các cụ ai cũng phấn khởi, tay xách nách mang vì mua được rất nhiều đồ ưng ý.
Bà Triệu Thị Phương Xuyến (80 tuổi) tay xách từng món đồ to nhỏ chia sẻ: “Chợ tết vui quá, thích ơi là thích. Đồ ăn ở gian hàng ẩm thực vừa đa dạng lại rất ngon, mấy cô đầu bếp Diên Hồng khéo đấy. Dù phải đi ô tô từ cơ sở 4 sang cơ sở 3 nhưng bà không thấy mệt gì, bà đã tiêu hết sạch số tiền mình mang theo.
Bà Bùi Thị Tiện (77 tuổi) thì hào hứng kể lại: “Bà thích nhất là màn thi gói bánh chưng. Cả đời bà có gói bánh chưng bao giờ đâu, thế mà được các cháu hướng dẫn xong rồi đi thi và còn được giải nhất. Sức khỏe giờ kém rồi, bảo đi chợ tết thì khó mà các cháu mang cả 1 cái chợ tết to đùng với nhiều hoạt động như thế đến đây như thế này thì các ông bà vui lắm. Bà cảm thấy như trẻ lại”.
Cứ đến dịp cuối năm chợ tết Diên Hồng lại trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các cụ cũng như cán bộ nhân viên tại trung tâm.
Ai khi về già cũng mong muốn được sống bên cạnh người thân, con cháu. Thế nhưng với nhiều người, cuộc sống khi về già lại không như họ từng tưởng tượng. Không phải là một gia đình quây quần bên nhau, vui vẻ, hạnh phúc. Người thì ốm đau nằm một chỗ, người thì lủi thủi ở nhà một mình hầu như cả ngày. Tuổi già cứ thế trôi qua nhàm chán, buồn tủi. Vậy nên, theo số liệu điều tra mới nhất của Viện Dân số sức khỏe và Phát triển vào năm 2020, thực hiện với hơn 6.000 người cao tuổi trên cả nước, có 19% người cao tuổi sống riêng 2 vợ chồng, 8,6% người cao tuổi sống một mình, hơn một nửa số người cao tuổi sống một mình có con cái sống cùng xã, phường.
Ngôi nhà chung mang tên Viện dưỡng lão có lẽ đã không còn xa lạ gì với các cụ lựa chọn sống một mình. Ngày đầu bỡ ngỡ, ai cũng có nhiều cảm xúc khó tả. Buồn vì phải xa con cháu, xa mái nhà thân thương. Vui vì vào đây có bạn có bè, có những người chăm sóc mình chu đáo, tận tình. Mỗi người cao tuổi đến với Diên Hồng đều mang những cảm xúc khác nhau, những câu chuyện khác nhau. Người thì thể hiện nó qua lời ca, người thì thể hiện qua tiếng hát hay qua những vần thơ. Cứ thế, từ những mong muốn bày tỏ cảm xúc của mình, cuộc đời các cụ lại trở nên thi vị hơn khi đưa thơ ca trở thành một phần của cuộc sống.
Từ khi vào trung tâm, ông Nguyễn Trọng Việt, hiện đang an dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 1, đã cho ra đời không biết bao nhiêu áng thơ. Trước đây ông là giáo viên tại trường sĩ quan quân đội. Sau này khi về hưu, ông mở một hiệu ảnh nhỏ để thỏa đam mê trở thành một nhiếp ảnh gia. Thế nhưng, cuộc đời lại không như những gì ông dự tính trước. Sau 1 khoảng thời gian gắn bó với tiệm ảnh, ông bất ngờ trở nên trái tính trái nết. Ông kể lúc đấy điên loạn, bán hết cả máy ảnh. Đồ đạc trong tiệm cũng cho người qua đường hết. Cứ gặp ai đi qua là ông cho thôi, chẳng cần biết có quen biết gì không. Sau đấy rồi ông vào Diên Hồng để an dưỡng. Trộm vía từ ngày vào Diên Hồng, ông khỏe hơn, đầu óc cũng dần minh mẫn trở lại. Máu nghệ thuật như dòng chảy không ngừng trong cơ thể, không thể chụp ảnh nữa ông chuyển qua làm bạn với những vần thơ.
Thơ của ông Việt thì nổi tiếng khắp Diên Hồng rồi. Mỗi lần cho ra mắt một bài thơ, ông lại nắn nót từng chữ trên trang giấy, tìm chỗ nào có ánh sáng đẹp nhất để chụp lại cho con cháu xem. Hầu như ai khi tiếp xúc với ông Việt đều bị ấn tượng bởi nguồn năng lượng vui vẻ, tích cực mà ông mang lại. Một phần vì bị thu hút bởi tài năng của ông. Chả thế mà có lần các bạn nhỏ từ CLB Sách qua giao lưu, có bạn nhỏ phải xin bằng được chữ kí của ông rồi mới chịu ra về.
Cũng như ông, nhiều người cao tuổi khi về già chọn cho mình một phong cách sống nghệ sĩ. Các cụ thích làm thơ, viết nhạc đều có thừa thời gian mà theo đuổi. Không còn vướng bận điều gì, giờ đây, họ đang sống từng phút, từng giây với những đam mê mà mình đã ấp ủ bao năm qua. Ông Tuấn với nghệ danh là Tú Ân cũng luôn tham gia đóng góp những vần thơ do chính mình sáng tác mỗi khi cơ sở 2 có sự kiện. Từ sự kiện ngày Quốc tế người cao tuổi đến sinh nhật trung tâm, sinh nhật Sếp tổng hay đơn giản là những lúc rảnh rỗi, ông cũng đều sáng tác thơ tặng mọi người. Ông còn sáng tác thơ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Đi đâu ông cũng cầm theo cuốn sổ ghi chép những bài thơ.
Chẳng cần ở đâu xa, những chất liệu thơ cứ bình dị trong đời sống đã làm nên những áng thơ đầy thi vị của các cụ đang an dưỡng tại Viện dưỡng lão. Không cần phải quá tài giỏi, không cần phải nổi tiếng, các cụ vẫn đang vui vẻ gặm nhấm tuổi già của mình với dòng máu nghệ thuật đang chảy trong tim. Hãy cùng điểm qua những bài thơ do chính các cụ đang an dưỡng tại Diên Hồng sáng tác và cùng cảm nhận những điều bình dị thể hiện qua từng chất thơ.