Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Cuộc sống tại Diên Hồng

Ngỡ ngàng cây trứng cá hóa cây ước nguyện nhân dịp đầu năm mới

Ấn tượng đầu tiên khi ghé thăm Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 là hình ảnh cây trứng cá được treo đầy những dải dây đỏ, hồng rực rỡ bắt mắt bay bay trong gió. Mọi người ở đây chẳng phải đi đâu xa cũng đã có thể chiêm ngưỡng cây ước nguyện hệt như chuyện cổ tích rồi.

Các cụ và các bạn nhân viên treo dây trên cây ước nguyện

Năm mới đang cận kề, ai nấy đều có những mong ước cho riêng mình. Mỗi người sẽ có một cách thể hiện khác nhau. Còn với các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 2 lại có một cách gửi gắm thật đặc biệt. Những mong ước của ông bà được gửi vào dải lụa hồng, đỏ sau đó được các bạn nhân viên hỗ trợ và treo chúng lên cây.

Bà Biển cẩn thận buộc sợi dây đỏ lên cây, buộc xong bà thì thầm cầu nguyện. Một bạn nhân viên hỏi nhỏ bà ơi, bà ước gì thế? Bà tủm tỉm cười đáp, “bà ước cho tất cả mọi người được khỏe mạnh, có sức khỏe là có tất cả, ước dịch bệnh được đẩy lùi, để mọi người lại có cuộc sống bình thường”.

Bà Biển chụp ảnh tại cây ước nguyện

Góc còn lại thì các ông bà cũng vừa treo vừa cười nói rôm rả. Bà Mẫn xin một lúc 3 cái để buộc. Bà bảo: “Một cái là ước cho các cụ đều mạnh khỏe; cái này ước cho các cụ ăn ngon, ngủ tốt; còn cái này là sống lâu không chết”. Nghe xong ai nấy đều cười rộ lên. Còn bà Thu nổi tiếng là quan tâm các cháu gái điều dưỡng lắm. Nên bà cũng toàn ước cho sang năm các cháu lấy chồng để bà ăn cỗ. 

Các cụ và các bạn nhân viên vừa treo dải lụa vừa nói chuyện rôm rả với nhau

Không chỉ các ông bà mà các bạn nhân viên và khách tham quan cũng thích thú không kém. Cứ đến Diên Hồng đều tranh thủ chụp một vài tấm hình với cây ước nguyện đó. 

Chị Hoàng Thị Thu Ngân (Phó Tổng Giám đốc trung tâm) chia sẻ “Thi thoảng xem trên ti vi hay đọc báo thì thấy các địa điểm du lịch, chùa chiền có những cây ước nguyện để mọi người gửi lời nhắn gửi, lời cầu chúc của mình vào đó. Mà các cụ ở Diên Hồng lại chẳng đi xa được. Chính vì thế ý tưởng về cây ước nguyện ngay tại trung tâm được ra đời”..

Xem thêm

Tết ấm cúng của người cao tuổi ở Dưỡng lão Diên Hồng

Tết là khoảng thời gian gia đình sum họp, người già quây quần bên con cháu. Nhưng các ông bà tại Diên Hồng lại chọn cho mình một cách đón tết thật đặc biệt. Đó là đón một cái tết ấm áp, vui vẻ và đầy yêu thương bên những người bạn già, bên ngôi nhà thứ hai của mình.

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng hiện có 3 cơ sở. Cơ sở 1 ở KĐT Đô Nghĩa (Yên Nghĩa, Hà Đông), cơ sở 2 tại KĐT Thanh Hà (Kiến Hưng, Hà Đông) và cơ sở 3 ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai), hiện là nơi ở của hơn 200 cụ ông, cụ bà. Khi năm mới đang đến gần, nhiều cụ ở Trung tâm không trở về cùng gia đình, mà ở lại đây đón Tết. Theo chia sẻ, trước Tết một thời gian, nhiều gia đình đã có kế hoạch đón bố mẹ, người thân về ăn Tết. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid 19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, vì an toàn cho người thân và cho người già tại trung tâm nên các gia đình không đón về nữa, hoặc nếu đón thì hết dịch mới quay lại.

“Người già thường sợ cô đơn, nên mỗi độ Tết đến xuân về, các nhân viên tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng thường sắm sửa những cành đào thật đẹp, trang trí các căn phòng thêm ấm cúng, biểu diễn văn nghệ giống với không khí Tết gia đình”. Các nhân viên còn hát, biểu diễn cho các cụ xem. Những ngày cận Tết, nhân viên Trung tâm còn cắt những bông hoa giấy, ghi câu đối rồi trang trí lên các ô cửa kính (chị Hoàng Thị Thu Ngân – phó tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ.)

Không những thế thực đơn ngày Tết cũng được thay đổi. Từ những món ăn hàng ngày được đổi thành những món ăn đặc trưng của ngày Tết như: bánh chưng, giò chả, thịt gà, canh măng. Không những thế đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm chứ không hề tẻ nhạt. 

Đặc biệt hơn cả đó là năm nay là năm đầu tiên Diên Hồng tổ chức ngày hội gói bánh chưng cho tất cả các cụ đang an dưỡng tại trung tâm và toàn thể cán bộ nhân viên. Các cụ thì phấn khởi vì lâu lắm rồi mới lại ngồi tự buộc lạt, tự gói từng chiếc bánh chưng vuông. Còn các bạn nhân viên cũng hào hứng không kém vừa hỗ trợ các cụ vừa tranh thủ học lỏm cách gói sao cho vuông, sao cho đẹp.

Bà Nguyễn Thị Biển khi được phóng viên hỏi rằng bà thích hoạt động đón Tết nào nhất ở Diên Hồng thì bà trả lời rằng: ‘’ Từ hôm tổ chức Tết đến giờ, hoạt động nào bà cũng thích. Chụp ảnh tết cho các cụ này, chợ Tết này đều gây ấn tượng với bà, rồi còn gói bánh chưng nữa. Phải mấy chục năm rồi bà mới ngồi lau lá, gói bánh. Bà vui lắm con ạ’’. 

Dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì những giá trị về tinh thần vẫn luôn được coi trọng. Hiểu được điều đó nên Diên Hồng luôn cố gắng để các cụ được tận hưởng một cuộc sống thật thoải mái và tiện nghi hết sức có thể. Và chắc chắn rằng Tết ở Dưỡng lão Diên Hồng sẽ không hề cô đơn hay buồn tẻ.  

Xem thêm

Cụ bà vượt 1000km đến sống trong nhà dưỡng lão vui vẻ Diên Hồng

Bà Vũ Như Hoa (Đà Nẵng) cùng con gái đã đi một chặng đường rất dài để đến với Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng và coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Sau một lần tai biến, sức khỏe của bà Hoa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nuốt kém, nằm một chỗ, phải dùng bỉm cả ngày, giúp việc không có chuyên môn nên tình trạng sức khỏe ngày một giảm sút. Quá lo lắng cho sức khỏe của bà, chị Trần Thị Đoan Trang, người con gái duy nhất của bà được gợi ý đưa bà đến một trung tâm dưỡng lão để được phục hồi chức năng và tăng cường giao tiếp xã hội với những người cùng lứa tuổi. Đi khắp Đà Nẵng và các vùng lân cận, không tìm được một trung tâm dưỡng lão nào, chị tìm kiếm thông tin về các viện dưỡng lão ở Hà Nội. Sau khi tìm hiểu, chị quyết tâm đưa mẹ ra Hà Nội để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, những lời cảnh báo của hàng xóm về chuyện thiếu thốn tại các trung tâm dưỡng lão khiến chị lo lắng, tạm gác lại ý định của mình. Nhìn mẹ ngày càng yếu hơn, chị quyết tâm bay ra Hà Nội để tìm hiểu thực tế, lựa chọn một nơi phù hợp cho mẹ và chị tìm thấy Diên Hồng. Bao băn khoăn, lo sợ được giải tỏa khi chị đến tham quan trực tiếp và ngay hôm sau, chị và mẹ có mặt ở Diên Hồng.

Bà Hoa chụp ảnh kỷ niệm nhân dịp Tết nguyên đán 2022

Ban đầu cuộc sống ở Diên Hồng khá lạ lẫm với bà. Không dễ gì để thích nghi với cuộc sống mới khi bao nhiêu năm mình vẫn gắn bó với ngôi nhà của mình. Ấy vậy mà bà đã ở Diên Hồng 2 năm và không muốn về nhà nữa. Sức khỏe của bà được cải thiện đáng kể nên bà càng thích ở Diên Hồng. Bà thích được điều dưỡng xoa bóp và thủ thỉ bởi nó cho bà cảm giác như mình đang ở nhà với con cháu. Trước đây chị Trang vẫn thường bay từ Đà Nẵng ra thăm bà nhưng năm nay Covid-19 bùng phát đã không cho phép chị làm việc đó thường xuyên. Chị chỉ biết gọi hỏi thăm và gửi quà từ Đà Nẵng ra. “Mẹ con tôi đã vượt 1000km từ Đà Nẵng để đến với Diên Hồng. Từ quản lý đến điều dưỡng viên đều rất nhiệt tình chu đáo và lễ phép. Tình hình bệnh của mẹ tôi có phần tiến bộ hơn khi ở nhà. Các vấn đề về sức khoẻ của mẹ tôi đều được trung tâm sử lý ổn thỏa mà không cần đưa đi bệnh viện trong tình hình dịch bệnh phức tạp này. Tôi rất yên tâm khi để bà ở Trung dưỡng lão Diên Hồng. Tiếc là ở xa quá nên tôi không thường xuyên đến thăm mẹ được”, chị Trang chia sẻ.

Dẫu an tâm khi gửi mẹ ở Diên Hồng, nỗi nhớ thương và mong muốn được tự tay chăm sóc mẹ lại thôi thúc chị Trang đưa mẹ về nhà. Bịn rịn không nỡ rời xa nơi mà bà Hoa coi như nhà mình, bà chào tạm biệt các cháu điều dưỡng để về bên con cháu. Trên hành trình của cuộc đời, chúng ta có thể để lại những gì vướng víu nhưng những kỷ niệm đẹp thì sẽ mãi vẹn nguyên và những ký ức của bà về Diên Hồng sẽ còn mãi cũng như các CBNV Diên Hồng cũng mãi nhớ về bà.

Xem thêm

Cư dân cao niên hào hứng tham gia các trò chơi trí tuệ

Khi về già, người ta sợ nhất là sự cô đơn. Bởi vậy, bên cạnh việc chăm sóc về sức khỏe thể chất thì liều thuốc tinh thần cũng vô cùng quan trọng. Về phương diện nào đó, người già trong viện dưỡng lão sẽ có nhiều hạnh phúc hơn so với người già ở một mình. Tại Diên Hồng, người già được sống trong ngôi nhà với những người bạn cùng trang lứa, có người chia sẻ, bầu bạn. Bên cạnh đó còn được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Bên cạnh các trò chơi về vận động, còn có các trò chơi về trí tuệ giúp rèn luyện trí nhớ và sự phối hợp của các giác quan.

Rung chuông vàng

Được lấy cảm hứng từ một chương trình truyền hình cùng tên, trong thời gian nhất định người cao tuổi sẽ tham gia trả lời các câu hỏi mà điều dưỡng đưa ra. Hoạt động này giúp người già có thêm nhiều kiến thức bổ ích, đồng thời giúp rèn luyện trí não, khả năng tư duy tốt hơn

Người cao tuổi tại Diên Hồng tham gia rung chuông vàng

Trò chơi ghép hình, ghép tranh

Không chỉ giới trẻ mà người già tại Diên Hồng cũng rất thích hoạt động này. Bằng những miếng ghép có sẵn, ông bà sẽ ghép theo hình mẫu. Trò chơi này giúp người già rèn luyện trí nhớ tốt hơn

Trò chơi ghép hình con mèo cũng được các ông bà Diên Hồng yêu thích

Ngoài ghép tranh, ghép hình thì trò chơi truy tìm mê cung cũng là một trong số những bài tập giúp người cao tuổi rèn luyện trí não tốt hơn.

Trò chơi sờ đoán vật

Bằng xúc giác, sờ nắm và cảm nhận đồ vật, người già phải đoán trúng tên các đồ vật có trong thùng.

Phải siêu lắm mới chơi được trò chơi bịt mắt đoán đồ này đó ạ.

Chuỗi hoạt động về nhanh mắt, nhanh tay

Nhặt hạt, phân loại pom pom. Đây là hoạt động khá phổ biến tại các cơ sở của Diên Hồng và dễ dàng thực hiện. Trộn đều các loại ngũ cốc sau đó ông bà sẽ nhặt và phân loại các loại hạt hoặc cục bông riêng theo từng màu sắc.

Cô Tấm thời nay.
Bộ trò chơi gắn thìa cũng giúp các cụ khéo léo hơn.
Chỉ với một đôi đũa và hạt bông vải, các ông bà đã có trò chơi giúp rèn luyện nhanh mắt nhanh tay rồi.

Tại dưỡng lão Diên Hồng, có đa dạng các hoạt động vui chơi giải trí cho người cao tuổi. Bởi vậy họ dễ dàng tìm cho mình được những trò chơi yêu thích và phù hợp.

Xem thêm

Sở thích làm thơ của cụ bà 83 tuổi được thăng hoa tại Diên Hồng

Tôi gặp bà vào một ngày cuối tháng 9, khi mà Hà Nội vừa hết giãn cách. Bà cười nụ cười nhẹ nhàng, khiến cho bất kỳ ai chỉ cần gặp một lần thôi cũng sẽ nhớ.

Bà Hồng trong chương trình vui trung thu

Bà Lê Thị Hồng (83 tuổi), bà bén duyên với trung tâm được gần nửa năm. Quê gốc của bà ở Nam Định nhưng bà lớn lên và làm việc tại Hà Nội, đến năm 2000 thì chuyển vào sinh sống tại Vũng Tàu. Và cũng từ đó bà bén duyên với thơ ca. “Hồi đó cả thành phố Vũng Tàu chơi thơ. Mà bà ở có một mình, thời gian rảnh nhiều nên bà tham gia câu lạc bộ”, bà chia sẻ. Từ bé, bà đã mang một tình yêu với văn học, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, bà đành gác lại sau lưng niềm đam mê đó. Mãi đến khi về hưu, tình yêu ấy lại một lần nữa được thắp lên trong bà.

10 năm sinh sống trong Vũng Tàu, bà đã đã có một tập thơ riêng cho mình mang tên “Nhật ký đời hoa”. Hơn nữa tập thơ này còn được xuất bản thành sách bởi nhà xuất bản Văn nghệ. Giọng thơ của bà gần gũi, mộc mạc và thường mang tâm trạng buồn. Theo bà kể, tập “Nhật ký đời hoa” được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời bà.

Cũng vào khoảng thời gian này của rất nhiều năm về trước, khi Hà Nội đang vào thu. Cháu trai của bà gọi điện thủ thỉ: “Bà ơi bà về Bắc đi, thu Hà Nội đẹp lắm”. Giây phút đó, bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu kỷ niệm về Hà Nội lại ùa về trong ký ức của bà. Nhớ cái gió hoang lạnh cuối thu mang theo hương hoa sữa thơm nồng từng góc phố.

“Vũng Tàu cũng đã vào thu

Nhớ hoa sữa, nhớ sương mù hồ Gươm

Lá vàng lả tả phố phường

Heo may rải lạnh dọc đường hồ Tây”.

Ngày hết giãn cách, hai bà chuẩn bị đi thăm em trai bà Mão, bạn thân của bà Hồng.

Đến năm 2010, bà quay trở lại Hà Nội, lúc này bà cũng tham gia một số Câu lạc bộ thơ, đều đặn một tháng tham gia giao lưu, đối thơ một lần. Trước khi đến với Diên Hồng, bà cũng từng ở qua một vài nơi khác, nhưng vì ít người có chung sở thích thơ ca, nên bà cũng không sáng tác nữa. Mãi cho đến khi về với Diên Hồng, gặp được các ông, các bà có cùng đam mê, thành ra Câu lạc bộ thơ của Diên Hồng cũng được sinh ra từ đó.

Nhân ngày Quốc Khánh, trong phút ngẫu hứng bà đã viết lên mấy dòng thơ để gửi tặng Diên Hồng và các ông bà:

“Mừng ngày Quốc Khánh năm nay

Toàn dân chống dịch chung tay một lòng

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Chung vui cùng các cụ ông cụ bà

Liên hoan văn nghệ trong nhà

Cách ly khoảng cách vẫn là đề cao

Ngâm thơ ca hát ngọt ngào

Tuổi già cảm xúc dâng trào niềm vui”

Hay mỗi lúc rảnh rỗi các ông bà ở Diên Hồng lại quây quần ngâm thơ viết chữ tặng nhau.

“Hai năm đại dịch kéo dài.

Xuân xanh nay đã tám hai tuổi đời.

Không còn được dạo, rong chơi.

Diên Hồng dưỡng lão là nơi yên bình. 

Hoàng hôn cho đến bình minh. 

Nhân viên chăm sóc tận tình an yên.

Vui chơi luyện tập thường xuyên.

Ăn ngon, ở sạch, tĩnh yên tuổi già. 

Cô vít nó ở gần ta. Diên Hồng dưỡng lão vẫn là Ô kê”

Bà cùng bà Mão, bạn thân 30 năm, đang chơi tam cúc.

Bà Hồng chia sẻ thêm: “Kinh tế bà không đủ nhiều để ở dưỡng lão đến cuối đời, vì thế ở được ngày nào thì phải tận hưởng ngày đó”. Và hiện tại bà cùng người bạn thân 30 năm của mình đang hằng ngày tận hưởng tuổi già tại Diên Hồng.

Xem thêm

Quốc tế người cao tuổi: Không bao giờ là quá già để tươi trẻ

Ngày Quốc tế người cao tuổi là một ngày hành động quốc tế do Liên Hợp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trong mọi nước thành viên vào ngày 1/10 hàng năm (Theo Wiki). Ngoài ra, đó còn là ngày để tôn vinh, khen ngợi những đóng góp mà người cao tuổi đã làm cho xã hội.

Hòa chung không khí của ngày đặc biệt đó, vào ngày 1/10, tại Dưỡng lão Diên Hồng đã diễn ra chương trình chào mừng “Tết của người già” với chủ đề “Không bao giờ là quá già để tươi trẻ”. Xoay quanh chủ đề là nhiều hoạt động thú vị, thu hút sự tham gia của đông đảo cư dân cao niên đang an dưỡng trung tâm.

Không bao giờ là quá già để tươi trẻ.

Chiều ngày 30/9, tại Diên Hồng cơ sở 2 đã diễn ra lớp học múa có một không hai, bởi lẽ những học viên chính là những cụ bà U80, U90. Khoác trên mình những trang phục lộng lẫy, người lắc lư theo điệu múa, chân bước theo điệu nhạc, các cụ bà ai nấy đều vui vẻ và phấn khích. Xem thêm: Những vũ công múa bụng ở tuổi xưa nay hiếm.

Bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi) bày tỏ sự thích thú không thôi. Lúc đầu rủ bà đi bà còn e ngại, vì “mình già rồi múa may không hay”, nhưng sau khi được cô giáo hướng dẫn, được mặc đồ đẹp để biểu diễn thì bà lại hệt như một đứa trẻ, vừa đi vừa xòe váy, chân nhảy từng bước theo nhịp.

Một số hình ảnh về trò chơi Quay vòng tuổi

Trong chương trình kỷ niệm, các ông bà được tham gia trò chơi Quay vòng tuổi để giới thiệu về bản thân. Điều đặc biệt là những độ tuổi được ghi trên đó đều rất trẻ, nào là mười tám, đôi mươi, nhiều hơn một chút thì lên tới U40, 50. Bà Thanh ngai ngùng giới thiệu “Tôi là Nguyễn Thị Thanh, năm nay 18 tuổi”. Trong khi bà Thanh còn e ngại thì bà Mẫn lại dõng dạc “Tôi là Nguyễn Thị Mẫn, năm nay 17 tuổi” rồi phá lên cười tươi rói. Ông Việt thì bảo “Thấy mình ít tuổi quá, thành lại nhớ đến ngày đầu tiên đến nhà người yêu, bố mẹ người yêu cũng hỏi cháu tên gì, bao nhiêu tuổi”.

Ông Việt hào hứng giới thiệu bản thân

Sau đó là phần trình diễn trang phục thu đông do chính ông bà biểu diễn. Dưới bàn tay sáng tạo của điều dưỡng viên, các ông bà được khoác lên mình những bộ trang phục ấn tượng, trình diễn chuyên nghiệp. Đem lại sự hào hứng, thích thú cho tất cả mọi người.

Các ông bà hóa thân thành những người mẫu, sải bước trên sàn trình diễn

Bà Ngát là một trong 4 “người mẫu” của cơ sở 1, sau khi nghe các bạn kể về phần trình diễn, bà đã hồi hộp, lo lắng mãi vì trước giờ bà đã trình diễn bao giờ đâu. Nhưng dưới sự cổ vũ nhiệt tình của tất cả ông bà và các bạn nhân viên, bà đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình trong tiếng vỗ tay chúc mừng.

Bà Ngát cực kỳ phong cách trong trang phục tomboy

Nếu tuổi trẻ còn nhiều tiếc nuối, còn nhiều điều chưa thực hiện được thì hãy để tuổi già bù đắp lại. Vì không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, cũng không bao giờ là quá già để tươi trẻ.

Xem thêm

Hành trình thiết lập hàng rào bảo vệ người già tại Dưỡng lão Diên Hồng

Sẵn sàng nhập ngũ trong cuộc chiến chống Covid

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Tp. Hồ Chí Minh ở thời điểm giữa tháng 7 với con số hơn 3000 ca mỗi ngày, Hà Nội cũng bắt đầu xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, Ban lãnh đạo đã rất lo lắng cho sự an toàn của cán bộ nhân viên và nhất là người cao tuổi trong trung tâm. Trước đó, anh Đỗ Trần Hồ Thắng – Tổng Giám đốc đã quán triệt với toàn bộ Cán bộ nhân viên: “Các biện pháp phòng dịch của chúng ta phải cao hơn chỉ thị của thành phố bởi chỉ 1 ca F0 xuất hiện ở Diên Hồng, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt”. Một loạt các yêu cầu được đặt ra: Chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, khi buộc phải ra ngoài thì nghiêm chỉnh thực hiện 5K, không ai được về quê, các nhà cung cấp chỉ giao hàng ở bên ngoài, không tiếp xúc với bất kì ai tại trung tâm… Nhưng dường như những biện pháp này vẫn không đủ để ban lãnh đạo Diên Hồng yên tâm khi CBNV vẫn tiếp xúc với bên ngoài tức là vẫn còn nguy cơ. Chính vì vậy, từ trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì CBNV đã sẵn sàng nhập ngũ để thực hiện 3 tại chỗ. 

Vượt qua nỗi lo lắng để truyền năng lượng tích cực cho người già

Nhiều CBNV chưa từng sống xa gia đình, con còn nhỏ nên dù không muốn nhưng vẫn phải để lại mọi thứ sau lưng vì mục tiêu lớn hơn “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ông bà tại Diên Hồng”. Những lúc con đau ốm hay bận chuẩn bị thi cử mà không thể về được thì lòng cha mẹ bồn chồn như lửa đốt. Ấy vậy nhưng tất cả cán bộ nhân viên phải gác lại những cảm xúc ấy để tươi cười và lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời cho người cao tuổi trong trung tâm. Các hoạt động đào tạo, chia sẻ kiến thức kỹ năng chăm sóc người cao tuổi cũng được tổ chức liên tục để vừa quên đi nỗi nhớ nhà mà nâng cao chất lượng phục vụ. Bạn Lê Tuyết chia sẻ: “Em cảm thấy nhớ nhà nhớ con lắm, con em đang ốm nên em rất lo. Thời điểm này chỉ biết cố gắng, tranh thủ học hỏi thêm từ đồng nghiệp và mang niềm vui đến cho các cụ. Mong sao nhanh hết dịch để được về thăm con”.

Hệ miễn dịch ở người già bị suy giảm nên các cán bộ nhân viên cũng tìm cách hỗ trợ người cao tuổi tại trung tâm thông qua các hoạt động thể chất. Vừa tập luyện trong không khí vui vẻ, âm nhạc sôi nổi cũng góp phần khiến ông bà vui vẻ, đỡ nhớ con cháu hơn.

Thần tốc phủ vắc xin cho người già trong trung tâm dưỡng lão

Xác định sống chung lâu dài với dịch nên ngay khi Hà Nội có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho người cao tuổi và những người có bệnh nền, Diên Hồng lập tức gửi danh sách người cao tuổi đến Trạm y tế phường nơi đặt các cơ sở của Diên Hồng. Một số gia đình vẫn còn băn khoăn, trung tâm gọi điện thoại trao đổi, cung cấp thêm thông tin để gia đình cảm thấy an tâm đăng ký cho bố mẹ mình. Do người già là đối tượng đặc biệt, có nhiều bệnh lý nền nên việc tiêm chủng cần phải chuẩn bị kĩ càng trong khâu tổ chức. Chỉ trong khoảng 1 tuần kể từ ngày gửi danh sách, trung tâm đã sắp xếp 6 nhóm tiêm vào các ngày khác nhau tương ứng với 90% các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng để đảm bảo theo dõi chặt chẽ sau tiêm. Ngay khi có thông báo được tiêm vắc xin Covid-19, bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi) đã vội vã gọi điện về khoe với con cháu ở nhà. Khi biết tin thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin thì ngày nào bà cũng ngóng đến lượt mình. Bà đã có ý định về nhà để tiêm, nhưng lại thấy giấy tờ phức tạp, mà không chắc đảm bảo an toàn như ở trung tâm nên bà quyết định đợi tiêm cùng với các ông bà khác tại Diên Hồng. Theo bà, “tiêm vắc xin là vô cùng cần thiết, vì nó vừa đảm bảo cho mình, vừa đảm bảo cho cộng đồng. Tiêm một mũi thôi đã cảm thấy yên tâm hơn hẳn.

Mồ hôi ướt đẫm lưng áo người điều dưỡng

Ở Diên Hồng phần lớn người cao tuổi phải ngồi xe lăn hoặc gặp khó khăn khi đi lại. Bởi vậy việc di chuyển người cao tuổi đến địa điểm tiêm không hề dễ dàng. Còn nhớ hôm đầu tiên 46 ông bà ở cơ sở 1 đi tiêm, từ 1h trưa, điều dưỡng đã bắt đầu đưa các ông bà ra xe. Cụ nào khỏe mạnh thì được dìu đi. Cụ nào ngồi xe lăn thì được bế lên xe, 2 điều dưỡng, một trên xe, một dưới đất cứ vậy mà hỗ trợ cho nhau. Còn cụ nào bé quá thì được “ưu ái” bế luôn một mạch lên ghế ngồi. Để cho kịp giờ tiêm, bước chân ai nấy cũng trở nên vội vã, gấp gáp hơn hằng ngày. Thoáng chốc, màu áo xanh đồng phục của các bạn điều dưỡng bị ướt sũng. Trên mặt, trên trán mồ hôi lấm tấm rơi. Nhìn vất vả là thế nhưng lúc đó chẳng ai thấy mệt, chỉ thấy trong lòng dâng lên chút vui mừng, phấn khởi. Cô Hoa, con gái ông Minh bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Nhìn các bạn bế vác các cụ thoăn thoắt mà thương và cảm phục. Mình là phận con cái chưa chăm chút được cho bố mẹ như các bạn ấy”.

Giữa hội trường rộng lớn, hơn 70 người cao tuổi tại Dưỡng lão Diên Hồng được xếp hàng ngay ngắn để hoàn tất các thủ tục tiêm chủng. Tay cầm chiếc quạt giấy, điều dưỡng Lê Phương cùng đồng nghiệp của mình thoăn thoắt len qua từng hàng ghế, từng hàng xe lăn để quạt mát cho những ông bà ngồi xa vị trí quạt. Rồi lâu lâu, bạn thì thầm hỏi nhỏ xem ông bà có mệt không, có khó chịu ở đâu không, có cần uống nước không. Những cử chỉ nhỏ bé vậy thôi, nhưng cũng khiến cho mọi người trong hội trường ấn tượng đặc biệt về một ngôi nhà chung ấm áp cho tuổi xế chiều. 

“Bà vẫn yêu Diên Hồng, nhưng sau đợt tiêm vắc xin này bà càng thêm yêu nhiều hơn bởi sự chu đáo và tận tình”, bà Nguyễn Thị Biển chia sẻ. Theo bà kể lại, từ lúc đi tiêm về, các bạn điều dưỡng cứ 2 tiếng lại đi kiểm tra một lần. Bởi lẽ phản ứng phụ sau tiêm là điều không biết trước được, nhất là đối với người già. “Nửa đêm của ngày đầu tiên, bà thấy người bắt đầu đau mỏi, nhiệt độ lúc đó chỉ hơn 37 độ. Nhưng bạn trực đã pha nước mang vào cho bà. Đều đặn  2 tiếng các bạn lại vào theo dõi nhiệt độ. Thấy các bạn vất vả cả ngày, rồi lại vất vả cả đêm mà thấy thương và yêu vô cùng”, bà Biển xúc động nhớ lại.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid 19, tiêm vắc xin chính là lá chắn hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, mọi nhà. Đối với Diên Hồng, việc tiêm vắc xin lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ tất cả đều vì sức khỏe và sự an toàn cho người cao tuổi.

Xem thêm

Nỗi lòng của các nữ nhân viên “nhập ngũ” vì người già

Khi Thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì cũng là lúc Cán bộ nhân viên tại Dưỡng lão Diên Hồng “nhập ngũ” để thực hiện 3 tại chỗ. Nhiều Cán bộ nhân viên chưa từng sống xa gia đình, con còn nhỏ, dù không muốn nhưng vẫn phải để lại mọi thứ sau lưng vì mục tiêu “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người già tại Diên Hồng”. 

Khi nữ nhân viên của Diên Hồng tham gia “nhập ngũ”.

Gạt nỗi nhớ con để về bên các cụ

“Lúc mình vào trung tâm ở, 2 bé vẫn ở quê, khi đó con mới được 11 tháng”, chị Vũ Thị Hồng Thơm (30 tuổi), mẹ của 2 bé sinh đôi chia sẻ.

Chị Hồng Thơm là trường hợp khá đặc biệt tại Diên Hồng, cuối năm 2020 chị sinh đôi được 2 bé trai kháu khỉnh. Từ nhỏ, bé thứ 2 đã quấn quýt với mẹ hơn, sức đề kháng cũng kém hơn anh. Vậy nên những ngày đầu là những ngày mà chị gặp phải rất nhiều khó khăn.

“Mỗi lúc mình gọi điện về cho con, vừa nghe thấy giọng mẹ là bé thứ 2 đã òa khóc nức nở đòi mẹ. Lúc đó, nhìn thấy con khóc mà nước mắt của mẹ cũng chảy ròng vì không thể ở bên con để vỗ về, dỗ dành. Chưa bao giờ mình phải xa con lâu ngày, nên cứ tối đến là nhớ con vô cùng, những lúc đó mình thường vào điện thoại để xem lại ảnh con cho nguôi ngoai nỗi nhớ”, chị Hồng Thơm bồi hồi kể lại.

Trò chuyện mỗi ngày cùng ông bà.

Không những thế, chị và gia đình đã lên kế hoạch cho ngày 2 con tròn một tuổi nhưng bao nhiêu dự định ấp ủ đều không thực hiện được. Gạt nước mắt, chị đành đón sinh nhật cùng con qua màn hình điện thoại.

“Sau gần 7 tuần giãn cách, may mắn các con ở nhà đều mạnh khỏe, ít quấy khóc nên mình cũng an tâm hơn phần nào. Hy vọng dịch bệnh sớm ổn định, mình xin nghỉ nhiều ngày để về nhà với con”, chị Thơm chia sẻ thêm.

“Bao giờ mẹ mới được về”

Mỗi lần gọi điện thoại về, con trai út của chị Tạ Thị Dung (32 tuổi) đều hỏi mẹ như vậy. Ngay khi vừa nhận được thông báo 3 tại chỗ, chị Tạ Dung đã vội vã gửi 2 con về cho ông bà ngoại, còn mình thì khăn gói để vào trung tâm. Ông bà ngoại ở nhà cũng đi làm nên hầu hết thời gian là 2 anh em tự chăm nhau. Giống với Hồng Thơm, thời gian đầu mới vào trung tâm 2 con ở nhà rất nhớ mẹ. Nếu như anh lớn Trường Giang (9 tuổi) đã hiểu chuyện hơn, thì em nhỏ Trường Hải (6 tuổi) lại hay khóc đòi mẹ.

Tạ Dung cùng các bà nhặt đậu hỗ trợ cho bếp.

“Trong khoảng 1 tuần đầu tiên, lần nào mình gọi điện về nhà thì con trai thứ 2 đều òa khóc rồi hỏi ‘Bao giờ mẹ mới được về’. Thấy con như vậy mình chỉ biết quay đi lén lau giọt nước mắt vừa trào ra”, chị Tạ Dung chia sẻ. 

Hôm khai giảng vừa rồi, đứa con thứ 2 của chị chính thức bước vào lớp 1. Trong cái ngày tựu trường đầu tiên ấy, Trường Hải không có bố mẹ đồng hành như bao bạn học khác. Mà chỉ có 2 anh em tự lo cho nhau, vì hôm đó ông bà phải đi làm từ sớm. “Lúc đó mình thương con rất nhiều, cảm thấy 2 con quá thiệt thòi so với các bạn, hy vọng nhanh hết dịch để mình có thể về bên các con”.

Khác với Hồng Thơm và Tạ Dung, điều dưỡng Nguyễn Thị Thuận (26 tuổi) lại mới lập gia đình từ hồi tháng 2/2021. Chưa có lo lắng về gia đình ở nhà nhưng cô ấy lại gặp rất nhiều khó khăn khi mới vào trung tâm. Lúc đầu vì lạ nhà nên ròng rã nửa tháng trời Thuận bị mất ngủ và phải dùng đến sự hỗ trợ của thuốc. Mãi đến tuần thứ 3, cô ấy mới dần dần thích nghi được. Có một điều đặc biệt là chồng của cô ấy đã nhắn tin cho Giám đốc cơ sở để xin cho vợ về thăm nhà vì quá nhớ vợ. “Lúc đó em thật sự rất bất ngờ, không nghĩ là chồng em lại nhắn tin cho Sếp để xin đâu. Nhưng thời điểm đó dịch đang rất căng thẳng nên vì an toàn của cả trung tâm em cũng không dám về”, Thuận kể lại.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng điều dưỡng Nguyễn Thuận vẫn luôn vui vẻ, mang năng lượng tích cực đến với ông bà.

Không chỉ mình Hồng Thơm, Tạ Dung hay Nguyễn Thuận, mà các bạn nhân viên ở Diên Hồng mỗi người đều mang trong mình những nỗi lòng riêng khi nhập ngũ. Có người mẹ xa quê đi làm con ốm nhưng không thể về, có cô gái người yêu lên đường chống dịch cũng chỉ vội vã chúc nhau câu bình an.

Dịch bệnh đến càng khiến chúng ta thêm trân quý những điều tưởng chừng như nhỏ bé thường ngày. Dù gặp nhiều khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng toàn thể Cán bộ nhân viên Diên Hồng đều cố gắng mang lại một sức khỏe tốt nhất, một tinh thần lạc quan nhất cho người cao tuổi.

Xem thêm

Thú vui tao nhã của cụ bà tại Diên Hồng

Ai đó từng nói với tôi, khi về già chỉ mong có mảnh vườn nhỏ để lúc rảnh rỗi trồng thêm vài chậu hoa, ươm vài luống rau, vui vẻ qua ngày. Nhưng rồi họ lại hốt hoảng vì nhỡ một mai có vào dưỡng lão thì làm sao mà hưởng được cái thú vui đấy nữa. Tôi chợt nghĩ nếu là điều mình muốn thì cho dù ở hoàn cảnh nào cũng đều không quan trọng, giống như câu chuyện về một cụ bà 84 tuổi mà tôi sắp kể dưới đây.

Khu vườn nhỏ trên ban công của bà Dành

Một buổi sáng mùa thu tháng 9, trên ban công nhỏ ngoài căn phòng mà bà Dành cùng chồng sinh sống, một dáng người nhanh nhẹn len qua hàng cây đậu bắp để hái những quả xanh mướt đang vào độ thu hoạch. Người đó không ai khác chính là bà Vũ Thị Dành (84 tuổi). Thấy tôi bà đon đả cười lớn rồi kéo vào ghế trò chuyện.

Tay chỉ vào mấy cây đậu bắp, bà kể: “Đấy con xem kìa, mới 1 tháng mà cây nào cũng ra hoa, ra quả hết rồi”. Nói đoạn bà đứng dậy mở tủ lấy ra một chiếc hộp nhỏ, bên trong toàn là những quả cà chua bi chín mọng, đỏ tươi. Sau đó bà đặt vào tay tôi một quả, bà bảo cây trái đầu mùa nên để phần mỗi bạn một quả. Rồi bà hăng say kể về đủ loại cây trái, rau cỏ trong khu vườn của mình.

Nói đến việc bén duyên với thú vui này thì thật tình cờ. Hôm đó bà dọn nhà thì thấy có một quả ớt khô, bà mới đem ra chậu cây cảnh để ươm. Thế mà không lâu sau mọc lên một cây xanh tốt. “Đấy, cái cây ớt ngày trước vẫn đang còn kia kìa”, bà chỉ tay vào cây ớt ngoài ban công đầy những quả chín đỏ. 

Cây ớt từ ngày đầu tiên bà trồng, bây giờ vẫn quả vẫn chín đỏ

Sau đó bà trồng thêm hành, rau thơm để lấy cái ăn mỳ, ăn phở sáng sớm. “Khi đó đất không có, mà chậu thì cũng không, nên bà nhờ các bạn nhân viên mua giúp. Tính đến giờ cũng mấy tạ đất rồi”, bà Dành tươi cười kể lại. Được cái bà cũng “mát tay”, trồng cây nào cây nấy lên xanh tốt, rảnh rỗi thì tưới nước, nhổ cỏ, tự nhiên lại thấy cuộc sống có thêm nhiều niềm vui.

Mùa nào thức nấy. Mùa đông thì bà trồng rau cải, xà lách, cà chua. Hè đến thì bà trồng mồng tơi, rau muống, rau ngót,…Có dạo bà vừa ươm được ít cải mầm, mà mưa to quá, bà sợ đám rau bị ngâp hết, nên vội vã tìm nilong để che. Bà chia sẻ: “Bất kỳ việc nào mình làm thì cũng cần phải chăm chút và đặt tâm huyết, chứ không phải miệng nói là yêu thích mà làm thì bỏ bê”. Cũng giống như việc bà trồng cây trên ban công, nhiều người nghĩ đó là điều không tưởng nhưng với bà đó là cả một thú vui, thú vui hiếm có ở Viện dưỡng lão.

Bà Dành đang chăm sóc, tưới nước cho vườn cây

Sáng nay, như mọi ngày, bà cũng chỉ hái 6 quả đậu bắp, 3 quả để xay cháo cho ông, còn 3 quả để luộc với mớ rau lang vừa mua được. Bà bảo hưởng thụ thành quả mình làm ra là điều tuyệt vời nhất. Vậy nên dù đã nhiều tuổi, mọi việc bà đều cố gắng tự làm lấy, kể cả việc chăm sóc ông hàng ngày, bà vẫn làm cùng với các bạn điều dưỡng.

Xem thêm

Cảnh sinh hoạt ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Trung tâm dưỡng lão là nơi chăm sóc người cao tuổi có bệnh nền, sức đề kháng yếu nên công tác phòng dịch COVID-19 được đặc biệt chú trọng. Khi thành phố Hà Nội thực hiện cách ly xã hội, các trung tâm dưỡng lão đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để chống dịch nhưng vẫn cố gắng duy trì trạng thái sống vui, sống khỏe cho các cụ.


Trong ảnh là cảnh sinh hoạt thể dục buổi sáng của các cụ trong trung tâm dưỡng lão lớn nhất Hà Nội hiện nay. Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách trung tâm dưỡng lão này đã chủ động áp dụng chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để thực hiện việc phòng ngừa bệnh dịch lây lan từ bên ngoài vào. Việc thăm nom trực tiếp của gia đình, người nhà đối với những cụ đang sinh sống tại đây dừng từ ngày 3/5. Thay vào đó là “thăm hỏi online” hoặc gọi điện thoại.

Từ ngày trung tâm áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các cụ rất ủng hộ, hưởng ứng. Trong ảnh, các cụ đang tham gia chuẩn bị đồ ăn cho bữa sáng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cao tuổi, bắt đầu từ ngày 24/7, nhân viên đã dọn đồ vào ký túc của trung tâm dưỡng lão này để làm việc và sinh hoạt.

Trung tâm đã tạm ngưng việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, thay vào đó, đầu bếp nấu theo thực đơn riêng như cháo, bún phở, đảm bảo kiểm dịch an toàn. Các đơn vị cung cấp thực phẩm phải tuân thủ các biện pháp chống dịch khi giao hàng đến trung tâm. Hàng hóa, thực phẩm sẽ được đặt tại nơi quy định, sau đó bảo vệ sẽ tiếp nhận và gửi lên bếp.
Bữa ăn sáng của các cụ cũng được thay đổi bằng cách chia thành nhiều nhóm ở từng độ tuổi khác nhau.

Mỗi người đều được bố trí suất ăn riêng, không chung mâm. Với những cụ sức khỏe yếu hơn được bố trí ngồi bàn đặc dụng, có ghế tựa đi liền bàn.

Sau hoạt động ăn sáng, các cụ được thăm khám sức khỏe, đo nhiệt độ và thông báo cho các cụ nắm được tình hình sức khỏe của mình.

Trong đợt dịch trung tâm cũng đẩy mạnh các hoạt động thể dục, vui chơi trong nhà để các cụ không thấy cô đơn, buồn chán.

Các hoạt động như tập thể dục nhịp điệu, chơi cờ tướng, cá ngựa, xâu hạt, chuyền bóng, ghép hình hay tổ chức sinh nhật tháng được tổ chức đều đặn, đảm bảo an toàn.

Theo Long Vân – Báo Tiền Phong

Xem thêm