Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Cuộc sống tại Diên Hồng

Người già ở viện dưỡng lão vui làm bánh trôi đón Tết Hàn thực

Tết Hàn thực là một trong số các ngày lễ Tết lớn của người dân Việt. Vào dịp này, mọi người thường làm lễ cúng nhỏ và ăn những món đặc trưng, truyền thống, đặc biệt là bánh trôi nước. Hòa chung không khí đó, ngày 3/3 (Âm lịch) tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức cho người cao tuổi làm bánh trôi, bánh chay nhân dịp Tết Hàn thực.

Các dụng cụ, nguyên liệu, nào bột ngũ sắc, nào đường, vừng, khay đựng bánh,… đã được các bạn chuẩn bị kỹ càng từ trước.

Thành phẩm nhiều màu sắc rực rỡ bắt mắt

Các cụ ai cũng háo hức, từ sáng sớm đã rủ nhau từng tốp để đi làm bánh. Bột nếp nhiều màu bắt mắt khiến các cụ ai cũng thích thú, nào xanh, nào đỏ, rồi vàng, trắng được các cụ và nhân viên nhào nặn thành những viên nhỏ, tròn vo, rồi thêm nhân đường bên trong. Chốc chốc ngó thấy nồi nước sôi thì thả bánh vào, chờ đến lúc bánh nổi lên cũng là lúc bánh chín, rồi vớt ra, rắc thêm chút vừng là đã có thành quả ngon lành.

Bánh đã chín, bà vớt bánh ra đĩa thôi.

Các cụ vừa làm vừa trò chuyện rôm rả với nhau, bà Tuyết còn nhẩm nhẩm bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, “bảy nổi ba chìm với nước non”. Ông Bảo thì trước giờ đều ít tham gia hoạt động, mà hôm nay ông cũng ra nặn bánh chăm chú lắm.

Vo vo nặn nặn, các ông bà chăm chú làm bánh quá.

Bà Thướng lúc đầu còn bảo “Tôi không biết làm đâu” nhưng được các bạn nhân viên hướng dẫn một lượt, thế là bà thích làm lắm. Đến lúc gia đình vào thăm bà liền khoe “Mẹ vừa làm bánh đấy, làm nhiều lắm”.

Làm bánh xong thì thưởng thức bánh thôi

Sau một hồi miệt mài làm bánh thì các cụ rửa tay sạch sẽ để thưởng thức thành quả của mình. Trông các cụ ai cũng vui, cũng phấn khởi.

Xem thêm

Vợ chồng già bán nhà vào viện dưỡng lão

Có bốn người con nhưng bà Vũ Thị Dành quyết định bán nhà, chuyển vào viện dưỡng lão chứ “không làm phiền con”, sau ba lần chồng bà bị tai biến.

“Tôi quyết định bán đất và chuyển nhà chỉ trong một buổi sáng. Con trai bất ngờ tới nỗi bảo ‘mẹ bán đất mà như bán của ăn trộm'”, người phụ nữ 84 tuổi quê Cẩm Giàng, Hải Dương, cười vui, kể lại câu chuyện hai năm trước.

“Bà Dành là một người già hiếm hoi thích sống tại đây và xem đây như nhà của mình”, Hoàng Ngân, phó giám đốc một viện dưỡng lão ở Hà Nội đang chăm sóc hơn 200 cụ, chia sẻ. “Đa phần các cụ vào đây khi sức khỏe yếu, con cháu không chăm sóc được”.

Bà Dành (ngoài cùng phải) cùng các bạn già trong viện dưỡng lão một buổi chiều đầu tháng 3/2021. Ảnh: Diên Hồng.
Bà Dành (ngoài cùng phải) cùng các bạn già trong viện dưỡng lão vào một buổi chiều đầu tháng 3/2021. Ảnh: Diên Hồng.

Bà Dành cùng chồng, ông Vũ Đình Bưởi, sống trong viện dưỡng lão này được hơn hai năm. Họ ở trong căn phòng rộng 30 m2, hai mặt thoáng, tiện nghi đầy đủ, có người phục vụ mọi sinh hoạt hay chăm sóc y tế. Mỗi tháng ông bà phải trả hơn 20 triệu đồng.

“Nếu không vào đây, có thể tôi và ông nhà đã ra đi từ lâu rồi”, bà Dành nói.

Thời trẻ, ông Bưởi là cán bộ nhà nước, bà Dành là công nhân. Họ từng trải qua giai đoạn đói khổ, phải chạy chợ nuôi con. Khi con trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong cũng là lúc cặp vợ chồng đã lưng còng, mắt mỏi.

Ba lần tai biến gần nhau cuối năm 2018 khiến ông Bưởi nằm liệt giường. Bà bị đau lưng cũng không đi lại được. Cả hai vợ chồng ốm đau nhưng không muốn phiền con cái nên thuê hai người giúp việc, thậm chí trả lương 12 triệu đồng một tháng cho con rể thứ hai nghỉ việc chăm sóc vợ chồng mình, nhưng cũng chỉ được vài tháng. “Cả con lẫn người ngoài đều không có kinh nghiệm chăm người già hay người đột quỵ”, bà nói.

Một hôm, bà Dành nảy ra ý định vào viện dưỡng lão nên chống gậy ra quán nước nhờ người dân bắn tin muốn bán đất. Ngay trong sáng hôm ấy, có người đến hỏi mua và giao dịch hoàn tất trong vòng nửa tiếng. Bà nhận trước một tỷ đồng đặt cọc và tức tốc khăn gói “chuyển nhà” đến một trung tâm chăm sóc người già ở Hà Nội.

Một nửa tiền bán đất được đóng trước cho trung tâm, một nửa gửi ngân hàng. Bà khoe, chỉ riêng tiền lãi và lương hưu đã đủ cho hai cụ sống trong này, chưa kể đến thu nhập từ bất động sản cho thuê ở Đà Nẵng.

“Giả dụ tôi khư khư giữ lại đất thì bốn đứa con sẽ phải góp tiền hàng tháng. Phương án này liệu có lâu dài không? ‘Đời cua cua máy đời cáy cáy đào’, đã nuôi con khôn lớn và lo cho ở riêng là hết trách nhiệm. Mảnh đất này sẽ là của để dành cho vợ chồng tôi dưỡng già”, bà nói.


Bà Dành nghĩ “Đời cua cua máy đời cáy cáy đào” nên bán đất lấy tiền vào viện dưỡng lão. Trên mảnh đất cũ còn lại 85 m2 làm nơi cho các con cháu lui về. Trong ảnh là cái Tết năm đầu tiên ông bà vào đây. Ảnh: Diên Hồng.

Bà Dành tính được như vậy nhưng không tính được cuộc sống trong viện dưỡng lão. Lúc đi bà mang cho ông hai chiếc áo, đồ đạc của mình cũng qua loa bởi không chắc mình có thích ứng được với cuộc sống mới.

Hồi đó cơ sở dưỡng lão này mới mở thêm, tầng 5 và 6 không có ai. Ông Bưởi nằm bất động trên giường. Bà thì bị đau xương khớp phải nằm võng. Bản tính của một người phụ nữ tháo vát, cả đời tần tảo không cho bà nằm yên để được phục vụ. Đi vệ sinh, rót nước, bà đều xoay xở tự làm, dù mất cả chục phút.

Bên cạnh vật lý trị liệu, bà tập bò theo một video trên mạng. Hành lang rộng thênh thang, bà bò đầu nọ sang đầu kia, miệng nhẩm đủ 1.200 bước thì dừng. Kiên nhẫn ngày qua ngày, mặc cho người xung quanh xì xào vì thấy lạ, đến mùa hè năm đó bà có thể đứng dậy và đi lại bằng xe chữ U. Dần dần bà bỏ xe, đi men theo tường, tới trước Tết vừa rồi thì đi lại được bình thường.

Cụ ông cũng tốt lên thấy rõ. Hàng ngày đều có nhân viên đến trở mình và xoa bóp. Dù không nói được, ông vẫn nhận biết, cùng phối hợp với nhân viên tập nâng chân tay hàng ngày.

Bữa nọ, ông Bưởi ăn xong tự dưng nôn thốc tháo, huyết áp tăng vọt. Ngay lập tức có bác sĩ xử lý kịp thời nên qua được nguy hiểm. Bà Dành tin chắc nếu ở quê thì trên đường thuê taxi chạy 8 km tới bệnh viện, có thể “ông đã không qua được”. “Tất nhiên có những điều viện dưỡng lão không bằng con nhưng nhiều cái còn hơn cả con cháu. Tôi thích ở trong này”, bà Dành bộc bạch.

Chị Thoa, người con út của bà Dành chia sẻ, bố mẹ chị là người chủ động tài chính. Chỉ khi ông bị liệt nửa người, bà mới ra quyết định vào viện dưỡng lão vì không yên tâm để con cháu chăm sóc. Bố mẹ vào trung tâm khiến các con đến thăm cũng khó khăn hơn do ở xa, nhưng trong này luôn có người chăm sóc và yêu thương hai cụ nên các con cháu cũng yên tâm.

“Mẹ tôi là người lạc quan, yêu cuộc sống. Mẹ hiểu rằng niềm vui là do tự mình nên luôn thấy vui với những năm tháng tuổi già ở đây”, chị Thoa chia sẻ.

Bà Dành luôn muốn được tự tay chăm sóc cụ ông. Chỉ những việc không làm được bà mới cần nhân viên giúp đỡ. Ảnh: Phan Dương.
Bà Dành luôn muốn được tự tay chăm sóc chồng. Chỉ những việc không làm được bà mới cần nhân viên giúp đỡ. Bà luôn tích cực tham gia các hoạt động của trung tâm. Đợt thi hoa hậu cao niên, biết mình không có tài năng gì nên bà đã nhờ người dạy cho mình một bài quyền để biểu diễn. Ảnh: Phan Dương.

Giờ đây niềm vui hàng ngày của bà Dành là được phụ điều dưỡng cùng chăm sóc ông và nói chuyện với các bạn già hay đọc báo, “chơi” Facebook, Zalo.

Các cụ trong này gọi bà Dành bằng “chị” vì những chia sẻ tích cực, hướng thiện và sự giúp đỡ bà mang đến cho họ. “Bao giờ bà cũng ở giữa khuyên can các cụ khi có xích mích. Một số cụ có xu hướng đòi hỏi con cháu, bà hay khuyên để cho con cháu được sống đời của chúng”, chị Hoàng Ngân cho hay.

Trong cuộc thi Hoa hậu cao niên của trung tâm mới đây với chủ đề Phụ nữ hạnh phúc, bà Dành mang đến quan điểm khác hoàn toàn số đông. “Phụ nữ hạnh phúc là phải biết yêu chính mình. Chỉ khi biết trân trọng mình thì mới làm được điều tốt đẹp cho những người xung quanh”, bà nói.

Quan điểm này giúp bà đoạt giải Hoa hậu truyền cảm hứng.

Phan Dương

Theo Đời sống, VnExpress

Xem thêm

Tết ấm cúng của người cao tuổi ở viện dưỡng lão

Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cụ già tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) quây quần với nhau chuẩn bị một cái Tết giản dị. Không cùng gia đình, không cùng con cháu, các cụ vẫn có đào, quất,… đón một mùa Xuân mới.

Viện dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) hiện là nơi ở của gần 200 cụ ông, cụ bà. Đa số các cụ ở đây đều được con cháu gửi vào, vẫn được chu cấp và thăm nom hàng tháng.

Khi năm mới đang đến gần, nhiều cụ ở Viện dưỡng lão Diên Hồng không trở về cùng gia đình, mà ở lại Viện đón Tết. Theo chia sẻ của nhân viên tại viện dưỡng lão, trước Tết một thời gian, nhiều gia đình đã có kế hoạch đón bố mẹ, người thân về ăn Tết. Nhưng dịch bệnh Covid 19 quay trở lại, vì an toàn cho người thân và cho người già tại trung tâm nên các gia đình không đón về nữa, hoặc nếu đón thì hết dịch mới quay lại.

Online sắm Tết tránh dịch Covid-19

Khác với những năm trước, chợ tết Diên Hồng năm nay theo một hình thức hoàn toàn mới. Người cao tuổi ở viện dưỡng lão Diên Hồng sẽ được cấp cho 1 ví điện tử đã có sẵn 500 tết xu trong đó để mua sắm trong gian hàng thương mại điện tử. Các ông bà không cần có tiền mà vẫn đi mua sắm được nên vô cùng thích thú. Bà Hoàng Thị Cẩm không giấu được niềm vui khi .mua được 1 chiếc áo khoác dạ màu hồng xinh xắn: “Chưa bao giờ được đi chợ tết vui như thế này. Tôi vừa được xem văn nghệ, vừa được cho tiền để đi mua sắm. Tôi đã nhắm cái áo khoác này từ lúc mới treo lên”.

Các trò chơi được lấy cảm hứng từ các hội chợ và trung tâm thương mại như ném phi tiêu nổ bóng bay, ném vòng, ném bóng vào cốc, gắp thú bông cũng khiến các cụ hào hứng.

Hình ảnh ví điện tử được dùng trong chợ Tết

“Những năm trước thấy một số cụ chạnh lòng bảo tiền đâu mà đi chợ Tết, năm nay mình tổ chức quyên góp đồ dùng vừa mới vừa cũ để bán miễn phí trong chợ tết cho các cụ. Nhưng để các cụ không bị lăn tăn tâm lý “của cho là của ôi”, chúng mình bê đến chợ Tết cả mấy cái sàn thương mại điện tử, cấp cả một cái ví có sẵn 500 Tết xu để các cụ thoải mái mua sắm. Và thế là các cụ nô nức đi ngắm rồi chọn mua, các bạn nhân viên thì giống những người bán hàng chuyên nghiệp tư vấn cho các cụ mua được những món đồ ưng ý”, chị Hoàng Ngân – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tự hào nói.

Trong chợ tết còn có các gian hàng hoa, các loại hạt để các cụ sử dụng hoặc mời khách nên ai nấy cũng hứng khởi chọn được món hàng ưng ý. Bên cạnh đó các cụ cũng được thưởng thức các món ăn vặt do chính cán bộ nhân viên trong trung tâm chuẩn bị.

Mùa xuân về trên Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Trong căn phòng nhỏ, bà Vũ Thị Dành (82 tuổi) đang lúi húi chỉnh lại cành đào bích mới mua. Chỉnh xong bà quay sang khoe với ông, ông nhìn một hồi, khóe miệng nở nụ cười thật tươi.

Vợ chồng bà Dành, ông Bưởi đã vào trung tâm được 13 tháng. Điều đáng nói là hai ông bà đã bán mảnh đất dưới quê, dùng số tiền ấy và lương hưu của mình để chọn viện dưỡng lão làm chốn dừng chân. Bà định nghĩa về chữ hiếu rất đơn giản, rằng không cứ con cái phải tự tay chăm sóc, phải ở chung nhà phụng dưỡng mẹ cha thì mới là hiếu.

“Tôi đã coi như đây là ngôi nhà của mình. Nên chẳng có gì lạ khi 2 cái Tết chúng tôi đều đón ở đây. Tết năm trước các con, các cháu còn đến được, chứ năm nay dịch bệnh thế này tôi chỉ mong chúng nó ở nhà bình an, mạnh khỏe là được rồi”, bà Dành chia sẻ.

Hai vợ chồng ông Bưởi, bà Dành trong ngày cận Tết.

Trò chuyện với Ông Nghĩa (90 tuổi), dáng người cao lớn, vạm vỡ, gương mặt vuông vức nam tính và cặp lông mày chữ nhất, giọng nói dầu run rẩy vì bệnh Parkinson – người đã gắn bó với viện hơn 4 năm. Mấy năm trước, con trai duy nhất của ông mất, con dâu và hai cháu nội định cư ở nước ngoài. Ít lâu sau, vợ ông bỏ thế giới này mà đi. Giống với bà Dành, ông Nghĩa cũng đã bán căn nhà trên phố cổ để vào dưỡng lão. Ông bảo: “Tôi không nhớ nhà, vì nhà cũng chẳng còn ai để mà nhớ”. Bởi vậy 4 năm qua, ông đều đón Tết cùng với những người bạn già trong Viện dưỡng lão Diên Hồng, và năm nay cũng không ngoại lệ.

Dịch bệnh Covid 19 quay trở lại bất ngờ khiến gia đình bà Xuân Hồng (80 tuổi) phải tìm phương án khác thay vì đón bà về ăn Tết. “Ba anh chị em chúng tôi đã bàn bạc với nhau đón mẹ về ăn Tết mấy ngày cho gần con gần cháu, nhưng dịch bệnh thế này chúng tôi không thể đón mẹ theo kế hoạch, vừa để an toàn cho mẹ và cho cả các cụ già trong trung tâm”, chị Quyên con dâu bà Hồng chia sẻ. Nhớ lại ngày đó, sau khi ông mất, bà Hồng trở nên sống khép kín, không còn vui cười như trước, lại thêm bệnh nền khiến bà không thể đi lại. Được bạn bè giới thiệu đến trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, gia đình dù không muốn nhưng vẫn đưa bà vào với hy vọng bà có thể vui tươi, hoạt bát như trước. Sau hơn 2 năm bà vào trung tâm, bà không chỉ tìm thấy niềm vui của mình mà còn có thể đi lại được, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với gia đình.

Hơn 10 tháng sống ở trung tâm, bà Đặng Thị Tuyết Sinh (84 tuổi) vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy vui khi sống ở đây”. Bởi theo bà, nơi đây bà được chăm sóc chu đáo, không gian sống yên tĩnh, môi trường trong lành. “Không những thế bà còn được tham gia các hoạt động do trung tâm tổ chức, gần đây nhất là cuộc thi hoa hậu cao niên, bà còn được giải nữa này”, cầm trên tay tờ giấy chứng nhận bà Sinh hào hứng kể.

Cụ Đặng Thị Tuyết Sinh nhận giấy chứng nhận Hoa hậu tài năng đón Tết.

Mái nhà ngày Tết của các cụ cao tuổi

“Bản thân trung tâm cũng hiểu được ngày Tết các cụ mong muốn có con cháu ở bên, muốn có không khí Tết nên Trung tâm đã cố gắng để tạo ra nhiều hoạt động cho các cụ. Ví dụ như tổ chức chợ Tết để các cụ được mua sắm, hay tổ chức trang trí nhà cửa (gắn hoa đào, hoa mai, viết câu đối), bữa ăn cũng được thay đổi để phù hợp với Tết, không những thế đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm chứ không hề tẻ nhạt. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang quay trở lại, người già không được về ăn Tết cùng gia đình”, chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng Giám đốc chia sẻ.

Lan Anh

Báo Đại Đoàn Kết

Xem thêm

Xúc động trước bài thơ mộc mạc của bà Sinh nhân dịp Xuân 2021

Hôm trước, trong buổi sinh hoạt với các ông bà tại tầng 2. Bà Sinh đã làm một bài thơ dành tặng các ông bà.

Khi nhắc đến bà Sinh không ai là không biết bà. Bởi biệt tài “xuất khẩu thành thơ”. Bà là người yêu thơ ca, nghệ thuật, bà kể “Trước khi vào Diên Hồng, bà từng tham gia câu lạc bộ thơ 10 năm, và có hàng trăm bài thơ về các chủ đề khác nhau”. Mà thơ của bà đặc biệt ở chỗ, ai nghe cũng thấy gần gũi, mộc mạc. Vần thơ không mỹ miều, gọt dũa nhưng lại mang đến cho người nghe một ấn tượng khó quên.

Đây là bài thơ “Nhớ quê” mà hôm trước bà đọc tặng cho mọi người.

Nhớ quê

Canh tý năm cũ đã qua

Tân Sửu năm mới âu ca thái hòa

Tranh xuân câu đối đầy nhà

Mọi người mạnh khỏe thật là vui thay

Diên Hồng họp mặt hôm nay

Cùng nhau ôn lại những ngày đã qua

Đẹp thay nghĩa xóm tình nhà

Vui xuân xin hẹn đến mùa sang năm

Lúa ngô xanh ngát một vùng

Trắng trong hương bưởi mặn nồng tình quê

Mỗi năm Tết đến xuân về

Tấm lòng tưởng nhớ làng quê dạt dào

Vườn xuân sắc thắm hoa đào

Tâm hồn lộng gió chẳng nao bụi trần

Xa quê xa cả người thân

Ước mong có những bạn thân bên mình

Quê ơi ta nhớ vô cùng

Quê người trôi lạc nên không năng về

Thơ này tạ lỗi cùng quê

Thơ này tạ lỗi bạn bè anh em

Tàn canh 1 bóng 1 đèn

Nhớ quê thao thức trắng đêm giao thừa

Xem thêm

Bất ngờ với màn sinh nhật Sếp tại Diên Hồng

Mỗi chúng ta, sinh nhật luôn là một được coi là một ngày rất đặc biệt và ý nghĩa. Cũng chính vì vậy mà ngoài việc nhớ đến sinh nhật của mình, chúng ta còn quan tâm hết mực đến sinh nhật của những người thân yêu của mình.

Và tất nhiên, sinh nhật của Sếp cũng quan trọng không kém, điều đó thể hiện tình cảm và sự kính trọng của mọi người dành cho người lãnh đạo của mình.

Chúng tôi không rõ Sếp của các bạn thế nào, nhưng Sếp của chúng tôi, của Diên Hồng lại là một người vô cùng đặc biệt. Anh là người thân thiện, gần gũi với tất cả nhân viên và các cụ. Vì thế sinh nhật anh cũng mang những nét rất đặc biệt, rất riêng và thân thương.

Sinh nhật Sếp và các bộ nhân viên quý 4

Ngày sinh gốc là 9/11, nhưng có lẽ vì yêu thích số 1 nên trong giấy tờ ngày sinh nhật của anh trở thành ngày 11/11. Vì thế chúng tôi hay nói chuyện với nhau về “tuần lễ” sinh nhật Sếp.

11h30p trưa, ngày 9/11.

Tất cả các bộ nhân viên đã có mặt trong phòng giao ban, nhạc, bánh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Lúc anh mở cửa bước vào phòng, cũng là lúc bài hát sinh nhật bắt đầu vang lên du dương. Mọi người cùng hát vang theo nhịp.

Mọi người cùng hát vang bài hát chúc mừng sinh nhật Sếp

Sau phần “dạo đầu” thì tiếp đến là phần trò chơi có một không hai. Trò chơi đầu tiên là bịt mắt đoán tay Vợ. Vì vợ Sếp cũng công tác tại Diên Hồng nên trò chơi này được thực hiện khá dễ dàng. Trò chơi vẫn diễn ra bình thường cho đến khi Sếp cầm tay vợ mình, sờ sờ, rồi nắn nắn, lật trước rồi lật sau, rồi lại nắn sờ. Và cuối cùng…. Sếp đã không đoán đúng tay vợ mình.

Trò chơi sờ tay đoán vợ

Tiếp tục với các trò chơi: Ngửi mùi tinh dầu, đọc lại lời thoại nhân vật Bách trong phim nhà trọ Balanha và đoán nguyên liệu của món mỳ ý thì Sếp đã qua 2/4 trò chơi. Và sau đó bị phạt một hình phạt nho nhỏ. Có lẽ khoảng thời gian ngắn ngủi ngày hôm đó sẽ thật nhiều kỷ niệm với người Sếp, người anh cả của Diên Hồng.

Như đã nói ở trên thì không chỉ ngày 9/11 mà Sếp còn có ngày 11/11 nữa. Và bất ngờ được nằm ở món quà dành tặng cho anh. Có lẽ không ai hình dung ra được món quà ấy: Một nồi thịt kho siêu to. Theo tin tức “mật thám” báo về thì món ăn yêu thích là món thịt kho tàu. Bởi vậy các bạn nhân viên cơ sở 1 đã không ngần ngại đi chọn những miếng thịt tươi ngon nhất và kho trong nửa ngày để được nồi thịt kho thơm mềm, béo ngậy dành tặng vị lãnh đạo yêu quý. Bên cạnh đó, món quà còn là một bó hoa dại đẫm mùi hương của cái nắng, cái gió chiều nay.

Món quà được gói ghém cẩn thận
Cán bộ nhân viên chụp ảnh lưu niệm cùng Sếp

Chẳng phải là những món quà sang trọng, đắt tiền nhưng lại ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đó chính là tất cả lòng tin yêu, kính trọng, là món quà tinh thần vô bờ bến mà tất cả mọi người dành cho anh, người anh cả của Diên Hồng. Có lẽ đó là một ngày nhiều niềm vui với anh, vì nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi.

Xem thêm

Trung thu trong Viện dưỡng lão: Vui Tết thiếu nhi, mừng Tết người già

Có lẽ đã rất lâu rồi ngày Quốc tế Người cao tuổi lại mới cùng với Tết Trung thu. Cũng bởi thế, niềm vui của người già tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng lại như được nhân đôi.

Hôm đấy, hai cơ sở đã diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng ngày Quốc tế Người cao tuổi, và vui Tết Trung Thu. Nếu tại cơ sở 1 là chương trình văn nghệ hoành tráng với sự có mặt của Câu lạc bộ Anh Em Hà Nội, thì cơ sở 2 lại là những tiết mục do chính các bạn nhân viên và các cụ biểu diễn.

Từ ngày hôm trước, sau khi hết giờ làm việc các bạn nhân viên đã tất bật sửa soạn trang trí cho không gian thêm phần ấm cúng. Góc khi một nhóm các bạn nam đang treo những chiếc đèn lồng handmade đủ màu sắc rực rỡ. Góc này thì các bạn nữ túm tụm tỉa tót hoa quả thành những hình thù đáng yêu. Nào là quả mướp đắng xù xì bỗng chốc thành những chú nhím đáng yêu. Hay quả bưởi nho nhỏ qua tay các bạn nhân viên liền trở thành chú cún bưởi xinh xắn.

Mâm ngũ quả do các bạn điều dưỡng tự tay trang trí

Hạ Hương (Điều dưỡng) đang cẩn thận vẽ vẽ, cắt cắt từng chữ trên tờ giấy màu, cô chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia chuẩn bị một chương trình Trung thu cho người già, mặc dù không khéo tay lắm nhưng được phục vụ ông bà là em thấy hạnh phúc rồi”. Sau giờ làm việc ai cũng thấm mệt nhưng nụ cười rạng rỡ vẫn nở trên môi.

Chương trình giao lưu văn nghệ của các cô chú CLB Anh Em tại cơ sở 1

Các cô chú của Câu Lạc Bộ Anh Em cũng vậy, từ ngày hôm trước đã chuyển loa đài đến cơ sở 1. Mặc dù đã ngoài sáu mươi, nhưng cô chú vẫn dâng hiến mình cho nghệ thuật, mang lời ca tiếng hát đến cho cuộc đời. Chú Thông (Chủ nhiệm CLB) chia sẻ: “Mình biểu diễn tặng các cụ, chỉ mong các cụ vui vẻ, hạnh phúc”.

Cứ mỗi dịp lễ Tết là các cụ lại háo hức lắm, dậy sớm hơn mọi ngày, đầu tóc chỉn chu và mặc cho mình những bộ quần áo đẹp nhất.

Một số hình ảnh trong ngày Trung thu tại cơ sở 2

Cuối chương trình giao lưu văn nghệ các cụ được đi rước đèn, phá cỗ. Các cụ ông, cụ bà tay cầm đèn, vừa đi vừa nhún nhảy theo điệu nhạc hệt như những đứa trẻ. Nụ cười hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt hằn sâu dấu vết thời gian.

Các cụ đi rước đèn phá cỗ
Xem thêm

Niềm vui lan tỏa trong ngày kỷ niệm 6 năm thành lập Dưỡng lão Diên Hồng

Còn nhớ 6 năm trước, khi Diên Hồng vừa “ra đời” thì mọi người thấy lạ lẫm lắm, không biết cuộc sống trong Viện dưỡng lão thế nào? Rồi dần dần cũng có ông bà đến đăng ký ở. Người thì ở thật, người thì ở thử. Mà ở thử thích quá nên ở lâu dài luôn. Không những thế các cụ và gia đình còn giới thiệu cho nhau. Hay mỗi lần có khách tham quan đến là các cụ lại khoe: “Ở đây thích lắm, Giám đốc bảo chăm như chăm người thân, nhưng tôi lại thấy chăm hơn chăm người thân ấy chứ”.

Thời gian thấm thoắt, vậy mà đã 6 năm trôi qua.

Hôm nay nắng rực rỡ, lòng người cũng hân hoan, vẫn là những gương mặt ấy, nhưng ai cũng vui tươi lạ kỳ. Chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng sinh nhật 6 tuổi đã diễn ra vô cùng ấm áp, nhưng cũng không kém phần sôi động tại 2 cơ sở của Diên Hồng.

Gia đình cụ Khánh Hợi tặng hoa kỷ niệm trung tâm.

Người cao tuổi tại Diên Hồng hào hứng tham gia chương trình kỷ niệm.

CLB Quan họ Tri Ân Tri Kỷ và CLB Chèo 48h giao lưu văn nghệ với người cao tuổi tại Diên Hồng 2.

Cán bộ nhân viên cơ sở 1 thắp nến chào mừng sinh nhật.
CLB chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình và người cao tuổi tại Diên Hồng 2

Diên Hồng có được ngày hôm nay là sự cố gắng của tất cả Cán bộ nhân viên và sự tin tưởng, yêu mến của gia đình dành cho Trung tâm. Diên Hồng sẽ cố gắng để mãi là sự lựa chọn hàng đầu, là ngôi nhà đầy ắp tiếng cười cho người cao tuổi.

Xem thêm

Thầy giáo thương binh và niềm vui tuổi già trong Viện dưỡng lão

Nhân dịp kỷ niệm 6 năm thành lập Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (21/9/2014 – 21/9/2020)

Tôi là Đinh Đức Lâm (75 tuổi), Thương binh loại ¾. Là Hiệu trưởng trường Phổ thông cấp 2 , đã về nghỉ hưu, quê  ở Tiên động, Tứ Kỳ, Hải Dương.

Do tôi có chút biến cố về sức khỏe nên các con đã động viên, mời cả hai bố mẹ đi nghỉ dưỡng vài tháng tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, Hà Nội để có người chăm sóc hàng ngày, đến nay đã gần 2 tháng (Từ ngày 5/7/2020). Dự kiến vợ chồng tôi sẽ ở đây hết tháng 9/2020, khi thể lực và tinh thần đã khỏe mạnh trở lại thì sẽ trở về quê hương. Đây đúng như là một chuyến đi nghỉ dưỡng dài ngày rất phù hợp dành cho những người già như chúng tôi những khi cần thiết và con cái có điều kiện về tài chính.

Ông cùng các con, cháu tại Viện dưỡng lão Diên Hồng

Khu nhà nghỉ dưỡng cao 6 tầng với mấy chục phòng, được xây dựng nguy nga trên một khu đất rộng mênh mông, thoáng mát và yên tĩnh, xa đường quốc lộ. Nơi đây rất phù hợp với người già cần tĩnh mịch trong lành.

Với dòng khẩu hiệu được thêu dệt tinh tế trên tường ở sảnh tầng 1: “Dưỡng lão Diên Hồng, Chăm như chăm người thân”, thật cảm động về tình người. Một tình cảm từ tâm huyết của người lãnh đạo trung tâm.

Trước hết, tôi thấy hài lòng về sự sắp xếp khoa học của tất cả các phòng nghỉ cho người già. Phòng nào cũng ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Từ giường nằm đến tủ quần áo, tủ lạnh, điều hòa, nóng lạnh đều được trang bị đầy đủ, rất thuận tiện cho người cao tuổi sử dụng. Điều nổi bật ở nơi đây, là đội ngũ cán bộ nhân viên đều đáng trân trọng. Họ đều trẻ trung, tươi đẹp. Họ làm việc thật say sưa, tự giác cao và nề nếp. Họ kính trọng người già như kính trọng ông bà, bố mẹ mình vậy.

Căn phòng nơi ông bà đang an dưỡng

Tôi bị bệnh liệt dây thần kinh số 7, nên mỗi ngày đều phải châm cứu một lần. Có ngày là y sỹ Kim Quy châm cứu, đó là một y sỹ giàu kinh nghiệm, làm việc thận trọng, đáng khen ngợi. Có ngày thì bác sỹ Trần Thị Hoa châm cứu. Đó là một bác sỹ trẻ mới ra trường nhưng rất có trách nhiệm khi làm việc và có chuyên môn cao. Tôi thấy rất thoải mái sau mỗi lần được bác sỹ châm cứu và bấm huyệt. Không những thế, hằng ngày tôi được điều dưỡng viên xoa bóp chân tay, giúp cơ thể dễ chịu. Tôi thầm cảm ơn các cháu điều dưỡng viên như cháu: Nguyễn Thị Hoa, cháu Dương Văn Quý, cháu Huyền, cháu Thúy, cháu Chinh, cháu Huấn,….Ngoài ra nhiều cháu điều dưỡng không trực tiếp chăm sóc nhưng vẫn rất quan tâm, chăm lo tới sức khỏe như cháu Đào Quang Đức, điều dưỡng trưởng, cháu Lê Quang Trọng, điều dưỡng của Trung tâm,…

Hai ông bà chụp ảnh kỷ niệm tại Trung tâm

Ở Trung tâm còn có nhiều hoạt động phong phú. Cứ 1 đến 2 tuần lại tổ chức một chuyên đề cho cho người già. Như chuyên đề “Thơ ca”, để khai thác năng khiếu làm thơ của các cụ. Hay chuyên đề về “nàng dâu mẹ chồng”  có tác dụng giáo dục cho các cháu nhân viên nữ trong việc ứng xử với mẹ chồng. Người chỉ đạo các chuyên đề là Ngân và Hà, hai cháu rất xinh xắn và năng động.

Ông bà đang tham gia buổi đàm đạo trà chiều cùng các cụ

Trung tâm còn tổ chức cuộc thi hoa khôi, nam vương, thi vấn đáp bốc thăm và trả lời các câu hỏi trong cuộc thi. Nhiều câu hỏi có ý nghĩa được các nhân viên trả lời sống động được Ban giám khảo nhận xét đánh giá cho điểm cao. Tiêu biểu là cháu Trần Thị Chinh, cơ sở 2 và Ngô Duy Phúc cơ sở 1.

Về sinh hoạt hằng ngày, ngày 3 bữa là những bữa cơm tươi sốt được ban hậu cần khéo tay chuẩn bị, đảm bảo sức khỏe cho hơn trăm cụ ở đây. Mấy chục phòng của Trung tâm, ngày ngày được các cô nhân viên vệ sinh, lau chùi sạch bóng thơm mát, làm các cụ rất hài lòng.

Để gặp được người lãnh đạo của Trung tâm không khó, tôi đã gặp được Tổng giám đốc Đỗ Trần Hồ Thắng, một lãnh đạo trẻ trung, thanh nhã. Qua tiếp xúc tôi thấy anh như một bác sỹ thực thụ, anh am hiểu về chuyên môn. Tìm hiểu ra thì được biết anh đã có nhiều chuyên môn về dược lý, bệnh học. Tôi cảm phục và đã tâm sự với Tổng giám đốc nhiều điều.

Hai Phó tổng Trần Thị Thúy Nga và Hoàng Thị Thu Ngân là người xinh xắn, dễ gần, cởi mở, hòa đồng với cán bộ nhân viên. Rồi đến trưởng phòng kinh doanh Lan Anh, trẻ trung, xinh đẹp, làm việc tận tụy.

Ở trung tâm còn tổ chức sinh nhật cho các cụ, có bánh kẹo liên hoan và đại diện lãnh đạo Trung tâm có những lời chúc tốt đẹp. Đó là nguồn động viên lớn cho các cụ phấn khởi, vui vẻ, như sống bên các con cháu ruột thịt của mình.

Ban lãnh đạo chúc mừng sinh nhật ông

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng có nhiều điểm sáng, và rất cần các cấp lãnh đạo từ quận huyện đến thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho trung tâm được phát triển hơn nữa, góp phần vào việc chăm sóc người già. Mô hình hoạt động này mang tính nhân văn sâu sắc nên cần được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Tôi trân trọng cảm ơn Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng đã giúp tôi sau vài tháng khôi phục được sức khỏe ngày một tốt hơn, mặc dù đã 75 tuổi.

Tôi chân thành chúc Ban lãnh đạo và Cán bộ nhân viên Trung tâm ngày càng mạnh khỏe, phát triển bền vững.

Hà Nội, ngày 1/9/2020

Người viết

Đinh Đức Lâm

Xem thêm

9 người tử vong liên quan đến Covid 19 đều là người già – chăm sóc sức khỏe người già trở thành nhiệm vụ cấp thiết

Tại Việt Nam, sau gần 100 ngày không có ca nhiễm, Covid 19 đã quay trở lại khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đặc biệt, tới giờ, đã có 9 trường hợp tử vong liên quan đến Covid 19, tất cả đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền. Do đó, việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi tại gia đình đang trở thành vấn đề cấp thiết, cần được quan tâm và chú trọng nhiều hơn.

Mặc dù người già thường ít đi lại, ít giao lưu với bên ngoài, nhưng hằng ngày vẫn tiếp xúc với con cháu. Bởi vậy, nguy cơ nhiễm bệnh của người già không hề nhỏ.

Hiểu được điều đó, Viện dưỡng lão Diên Hồng đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi. Ngay từ những ngày đầu tái dịch, Viện đã gửi thông báo đến gia đình của các cụ, yêu cầu tất cả gia đình không đến thăm nom trực tiếp, hạn chế tiếp xúc. Mọi hoạt động thăm nom đều thực hiện qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội.

Bên cạnh đó, tất cả nhân viên đều phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế tụ tập nơi đông người. Người cao tuổi cũng được theo dõi chặt chẽ hơn về sức khỏe, đảm bảo phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến dịch bệnh như ho, sốt,… và được xử trí kịp thời.

Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm cũng rất được chú trọng. Trung tâm đã ngưng hoàn toàn việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, đầu bếp của Viện dưỡng lão Diên Hồng nấu theo thực đơn riêng, hoàn thiện từ A=>Z, đảm bảo kiểm dịch an toàn. Bữa ăn của các cụ cũng được bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả hơn.

Với những nỗ lực để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, Viện dưỡng lão Diên Hồng tự hào là nơi chăm sóc chu đáo, tận tâm, mang đến cho người già không gian sống thoải mái, hạnh phúc và an toàn. Đồng thời, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình, đồng hành cùng các gia đình để cung cấp những lời khuyên, tư vấn có ích, nhằm chăm sóc người già tại nhà được tốt hơn.

Xem thêm

Có một nơi không nỡ rời

Trong căn phòng nhỏ bà Hồng cùng điều dưỡng đang thu dọn nốt mấy đồ vào chiếc vali sờn màu. Sau hơn một tháng ở tại Diên Hồng, hôm nay bà trở về nhà cùng gia đình. Bà cười hiền từ, cũng không quên an ủi “Yên tâm bà về rồi bà lại vào với mấy đứa”.

Bà Đặng Thị Hồng ( 92 tuổi), sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình, sau đó lấy chồng về Hà Nội. Hiện tại bà đang ở cùng vợ chồng cô con gái – đứa con duy nhất của bà. Tuy đã đến cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Chiều nào bà cũng ngồi trên chiếc giường của mình, kéo hờ tấm rèm cửa và ngồi đọc sách. “Sách nào bà cũng đọc, thi thoảng đọc kinh, lúc lại đọc truyện rồi báo”.

Nhớ hè năm ngoái bà cũng từng vào trung tâm ở 1 tuần vì con gái đi du lịch. Năm nay bà cũng vào Diên Hồng ở 3 ngày. Nhưng bà quyết định ở tiếp 1 tháng để châm cứu và vì bà thích nơi này, “Nơi này mang đến cho bà cảm giác ấm cúng thân thuộc như ở nhà”.

Bà Hồng cùng bà Quế chụp ảnh kỷ niệm

Bà cười cười: “Ở Diên Hồng có quá nhiều điều khiến bà say mê”. Sau khi ăn sáng xong thì các bà trong phòng lại í ới gọi nhau đi tập thể dục, phục hồi chức năng rồi châm cứu. Bà bị thấp khớp từ nhiều năm về trước, mỗi sớm thức dậy là không nhấc được chân, cảm giác tê bì khắp người. Sau khi vào Diên Hồng bà được châm cứu, tuy không thể khỏi nhưng cũng đỡ hơn, bà bảo cũng chỉ mong được thế thôi.

Các cụ cùng tập Phục hồi chức năng

Tối đến thì các cụ trong phòng lại ngồi bên nhau xem chương trình ti vi. Có hôm mải xem phim gần 9h mới xong, thế là các bà lại giục giã nhau đi ngủ hệt như những chị em trong gia đình.

Bà còn khen đồ ăn ở Diên Hồng ngon, hợp khẩu vị. Bà bị bệnh phải kiêng nhiều đồ ăn, nhưng ở cùng với con cháu nên không thể kiêng khem được. Còn ở Diên Hồng mỗi cụ có một khẩu phần ăn riêng, phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Vào đây được gặp gỡ các ông bà, các cháu nhân viên, lâu dần tình cảm như người một nhà. Có lần gia đình vào thăm gửi cả quà bánh, thế là các cụ lại chia nhau, mỗi người vài ba cái bánh, cái trái rồi ngồi nhâm nhi trò chuyện rôm rả, chốc chốc lại cười rộ lên.

Con gái đến đón bà

Trong lúc chờ con gái đến đón, bà Quế bước vội qua giường bà Hồng bịn rịn chia tay. Các bà cũng không quên dặn dò nhau phải ăn uống điều độ, giữ sức khỏe, khi nào rảnh là vào thăm nhau.

“Lần này về sẽ bàn với con gái để bà vào đây ở luôn. Ngày trước con gái cũng bảo, nếu mẹ thích thì sẽ gửi mẹ vào Diên Hồng nữa” Bà chia sẻ.

Chiếc xe chậm dần rồi đỗ xịch trước cửa trung tâm. Cô con gái với dáng người cao cao bước xuống xe đón bà về nhà. Hai bà nhìn nhau rồi gật đầu, cái gật đầu như thay lời hứa hẹn ngày trở lại.

Xem thêm