Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All posts by Thúy Hằng

Chăm sóc người già tai biến

Người già tai biến chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng số hơn 200.000 ca đột quỵ được ghi nhận mỗi năm ở nước ta. Tai biến mạch máu não có thể dẫn tới liệt nửa người và rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số lưu ý khi chăm sóc người già bị tai biến để giảm thiểu tối đa các biến chứng của nó và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Khái niệm và những di chứng của bệnh tai biến ở người già:

Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não, là căn bệnh xuất hiện phổ biến ở người cao tuổi. Đây là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do lưu lượng máu cung cấp đến não bị gián đoạn hoặc mạch máu trong não bị vỡ. Từ đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi tế bào não cũng giảm đáng kể. Trong thời gian ngắn, tế bào não chết dần và xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Các di chứng xảy ra đối với người già bị tai biến là:

  • Rối loạn thị giác: Nếu bệnh nhân bị tắc động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc trung tâm sẽ gây thiếu máu võng mạc mất thị lực.
  • Rối loạn nhận thức: Di chứng này chiếm khoảng 60% bệnh nhân. Đây là một trong những di chứng nặng nề nhất. Người bị tai biến mạch máu não sẽ bị sa sút trí tuệ, hay quên, không nhận ra người thân.
  • Rối loạn ngôn ngữ: Do tổn thương vùng ngôn ngữ khiến bệnh nhân không điều khiển được hệ phát âm, từ đó bị nói ngọng, nói lắp.
  • Yếu hoặc liệt nửa người: Di chứng này là phổ biến nhất, chiếm đến 90% bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Bệnh nhân tai biến sẽ bị liệt nửa người, liệt tay chân, liệt cơ mặt… Việc không vận động trong thời gian dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như lở loét da, viêm cứng khớp, viêm hô hấp.
  • Một số di chứng như: khó nuốt, táo bón

2. Khó khăn trong cách chăm sóc cho người già tai biến

Người bị tai biến mạch máu não thường gặp khó khăn trong sinh hoạt. Do đó họ rất cần sự hỗ trợ rất nhiều từ người thân, từ những việc nhỏ như ăn uống, tiểu tiện,… Đặc biệt, khi chăm sóc bệnh nhân tai biến liệt nửa người cần phải dìu đỡ, giúp họ di chuyển trong nhà. Việc phụ thuộc hoàn toàn của người bệnh đôi khi sẽ khiến gia đình cảm thấy khá vất vả.

Quan trọng hơn nữa, gia đình cần phải cùng bệnh nhân thực hành vật lý trị liệu đều đặn để phục hồi khả năng đi lại. Việc tập luyện phải theo đúng quy trình, bắt đầu từ tư thế ngồi, sau đó đến các bài tập đứng. Cho đến khi người bệnh ổn định và cảm thấy an toàn, người bệnh mới bắt đầu tiếp cận bài tự đi bộ.

3. Hướng dẫn cách chăm sóc cho người già tai biến 
3.1. Theo dõi tình trạng bệnh của bệnh nhân

Khi người bệnh bị tai biến, trước tiên cần lưu ý theo dõi huyết áp, lịch tái khám và dùng thuốc của người bệnh. Gia đình nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của người bệnh.

Khi huyết áp của người bệnh dao động bất thường, cần tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để điều chỉnh huyết áp về mức bình thường. Tuyệt đối không nên tự áp dụng các phương pháp truyền miệng, thiếu cơ sở khoa học hoặc tự ý mua thuốc không kê đơn bên ngoài. Nếu bệnh nhần cần uống thuốc, gia đình cần cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ và thường xuyên quan sát trạng thái sau khi uống để kịp thời xử lý nếu có những biểu hiện bất thường.

3.2 Chế độ ăn uống cho người già tai biến

Một chế độ ăn hợp lý sẽ mang đến cho người bệnh những chuyển biến tích cực như da không viêm loét, hồng hào, duy trì cân nặng lý tưởng, không rụng tóc, cơ chắc…

+ Với bệnh nhân có thể tự ăn được

Nếu có thể tự ăn uống được sau tai biến mạch máu não, nhu cầu năng lượng của bệnh nhân sẽ thấp hơn bình thường, chỉ cần cung cấp 25 – 30kcal/ kg cân nặng mỗi ngày, đồng thời lượng nước bệnh nhân cần uống là 40ml/kg cân nặng. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần đáp ứng đủ những tiêu chí như:

  • Cân đối và đầy đủ các nhóm chất cần thiết như: đạm từ thịt, cá, trứng…; bột đường từ gạo, bánh mì, mì…; chất béo từ dầu mỡ, tốt nhất nên dùng dầu mỡ thực vật không cholesterol…; vitamin và khoáng chất từ rau xanh, củ quả, trái cây.
  • Thức ăn cần được cắt nhỏ, ninh nhừ hay băm nhuyễn phù hợp với khả năng nhai nuốt để người bệnh ăn và hấp thụ dễ dàng hơn. Thức ăn cần chế biến theo khẩu vị để đảm bảo bệnh nhân có thể ăn đủ khẩu phần ăn. Nên quan tâm đến số lượng thực phẩm cần ăn để đảm bảo đủ số lượng chất lượng bữa ăn. Khi ăn không đủ, cần ăn tăng thêm số bữa, nên dùng thêm sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như bánh cao năng lượng, sữa cao năng lượng hoặc các thực phẩm khác tùy theo sở thích. Theo dõi cân nặng thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn, tránh để sụt cân hoặc tăng cân quá mức. 
  • Khẩu phần ăn của bệnh nhân nên được chia làm nhiều bữa nhỏ, khoảng 4 – 6 bữa/ ngày.
+ Với bệnh nhân không thể tự ăn được

Tai biến có thể làm người bệnh bị liệt cơ hầu họng nên không ăn được, sẽ bị sặc hoặc nôn nếu cố ăn. Vì vậy, để cung cấp đủ dinh dưỡng, bệnh nhân cần được ăn bằng ống thông. Chế biến súp ăn qua sonde đảm bảo độ lỏng, nhưng phải đủ chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Có thể chọn loại sữa giàu dinh dưỡng dùng được khi nuôi ăn qua ống thông sẽ thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn cho người nhà khi chuẩn bị thức ăn. Tuy nhiên, cần có sự tư vấn của bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng để tránh nhiễm trùng và những biến chứng không mong muốn khác.

3.3 Chế độ sinh hoạt và tập luyện cho người già tai biến
  • Với trường hợp bị tai biến nặng không thể tự vận động, bạn cần giúp bệnh nhân chuyển tư thế mỗi 3 giờ một lần để giúp bệnh nhân không bị lở loét. Khi lật người bệnh nhân, bạn nhớ xoa rượu, cồn hay phấn rôm vào những vị trí bị tì đè như mông hay lưng. Nếu bệnh nhân không phải dùng ống thông, mỗi bữa ăn, bệnh nhân cần được kê gối sau lưng để nửa ngồi, nửa nằm.
  • Những bệnh nhân có mức độ di chứng liệt nhẹ hơn, cần có kế hoạch tập luyện hằng ngày và duy trì xuyên suốt kể cả khi đã hồi phục di chứng. Bạn cần khuyến khích và để người bệnh tự vận động nhiều nhất có thể, chỉ giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm. Cố gắng để cho họ tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm được. Nếu bệnh nhân có thể đi được, nhớ chuẩn bị thêm gậy hỗ trợ.
3.4 Chăm sóc tâm lý 

Sau khi bị tai biến mạch máu não, nhiều người phải đối mặt với tình trạng rối loạn ngôn ngữ hoặc bị liệt nên khiến họ rơi vào cảm giác cô đơn, lo âu, mệt mỏi, buồn chán. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào người thân nên họ dễ nảy sinh tâm lý mặc cảm, tự ti và cảm thấy mình vô dụng. Cho nên, cách chăm người già nằm một chỗ là bạn phải thật tâm lý, luôn bên cạnh động viên, hỗ trợ tinh thần người bệnh, giúp họ vơi bớt cảm giác bị phụ thuộc và luôn lạc quan, vui vẻ. Điều này giúp ích không nhỏ trong việc điều trị bệnh và hồi phục bệnh nhanh chóng.

3.5 Giường nằm cho người già bị tai biến

Trong trường hợp người bệnh bị liệt, nằm liệt một chỗ thì giường nằm cho người bệnh phải chắc chắn, đầu giường có thể nâng cao được, sử dụng thêm gối để chống đỡ và cố định phần lưng, đầu khi nằm nghiêng, chêm, lót những vùng bị tỳ đè, có nguy cơ lở loét da. Trên giường, bạn nên dùng đệm hơi hoặc đệm nước để bệnh nhân nằm. Bên cạnh đó, bạn nên bố trí giường ở nơi thoáng mát, có ánh nắng Mặt Trời, không ẩm thấp và tránh gió lùa.

3.6 Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Người già bị tai biến mạch máu não thường có nguy cơ nhiễm trùng cao. Vì cơ thể nằm lâu một chỗ, không được trở mình thường xuyên nên da dễ bị sung huyết, có màu đỏ và phồng lên như bị phỏng. Những vùng da này để lâu sẽ dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được vệ sinh thường xuyên. Nếu bệnh nhân nằm ngửa, những vùng da như hai bả vai, cùi chỏ tay, mông, gót chân, vùng thắt lưng sẽ dễ dàng bị nhiễm khuẩn.

Cách chăm sóc người già bị tai biến tại nhà là bạn cần thường xuyên trở mình cho bệnh nhân, vệ sinh cơ thể bằng nước sạch, sử dụng phấn rôm cho những vùng da bị tổn thương, thường xuyên thay ga trải giường, chiếu, tấm lót và tã cho người bệnh. Đặc biệt, bạn nên sử dụng tã cho người bệnh và thay tã 4 tiếng 1 lần kể cả khi tã chưa đầy.

Trên đây là những thông tin mà Dưỡng lão Diên Hồng đã tổng hợp được từ những nguồn tin uy tín. Hi vọng sẽ giúp ích được cho những gia đình đang chăm sóc người già bị tai biến. Đồng thời Dưỡng lão Diên Hồng cũng có dịch vụ chăm sóc người bị tai biến. Nếu gia đình có nhu cầu, vui lòng liên hệ số hotline: 0342 86 56 86. 

*Hình ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết

*Tất cả hình ảnh thuộc quyền sở hữu của Dưỡng lão Diên Hồng.

Xem thêm

Để mất ngủ không còn là nỗi lo

Mất ngủ là một trong những tình trạng phổ biến khi về già, là một phần của sự lão hóa. Đối với người cao tuổi (NCT) thì giấc ngủ là vô cùng quan trọng. Khi bị mất ngủ sẽ kèm theo nhiều điều bất lợi đối với họ. Vậy nguyên nhân gây ra mất ngủ là gì, có cách nào để khắc phục tình trạng này hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các câu hỏi đó. 

Biểu hiện của mất ngủ ở người già thường là cảm giác mệt mỏi, giảm trí nhớ, không thể ngủ được hoặc phải mất nhiều thời gian mới có thể đi vào giấc ngủ, thường xuyên thức dậy vào buổi đêm, không thể ngủ trở lại sau khi thức giấc, buồn ngủ vào ban ngày nhưng không ngủ được, đau đầu vào buổi sáng. Mất ngủ kéo dài sẽ làm cơ thể và tinh thần luôn mệt mỏi, lo lắng, tâm lý không ổn định và không kiềm chế được cảm xúc.

Nguyên nhân gây mất ngủ ở NCT có thể chia ra làm các loại như sau: 

  • Chức năng cơ thể bị suy giảm

Đây là một nguyên nhân mà có thể nói rất khó tránh khỏi. Tuổi tác càng cao thì mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là rất nhạy cảm. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này thì mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào nơ-ron thần kinh bị hủy hoại và như vậy ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ của NCT cũng không thể không bị ảnh hưởng.

 

  • Bệnh tật
  1. Loại hay gặp nhất là đau nhức xương khớp (thoái hóa khớp, bệnh gút…). Biểu hiện hay gặp nhất vẫn là ban đêm làm cho giấc ngủ không sâu, chập chờn và nhiều khi đau nhức không thể ngủ được, nhất là khi thay đổi thời tiết.
  2. Bệnh về tim mạch: hay gặp nhất là bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành) làm cho NCT hay bị đau tức ngực, khó chịu và nhiều khi còn tỏ ra lo lắng làm ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ.
  3. Bệnh về đường hô hấp như bệnh giãn phế quản, hen phế quản… gây ho nhiều, khó ngủ được. Các bệnh này thường xuất hiện nặng về ban đêm, nhất là lúc có áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc, ẩm ướt…
  4. Các bệnh đường tiêu hóa ảnh hưởng nhiều nhất đến giấc ngủ là bệnh về dạ dày và bệnh viêm đại tràng mạn tính. NCT nếu mắc một trong 2 bệnh này thì ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ, nhiều người bị đau suốt đêm không thể nào chợp mắt được.
  5. Bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường cũng là một trong các tác nhân làm cho người cao tuổi mất ngủ. Các bệnh về đường tiết niệu hay gặp ở NCT là u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường, sỏi tiết niệu (sỏi thận, bàng quang, niệu quản, niệu đạo), thường hay đi tiểu đêm gây mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu, không ngon.
  • Ảnh hưởng xấu của môi trường đang sinh sống

Môi trường sống có tác dụng rất lớn đến đời sống con người. Môi trường trong sạch, không bụi bặm, ít tiếng ồn góp phần đáng kể trong cuộc sống của NCT, làm cho NCT sống khỏe mạnh, vui vẻ và luôn làm được những việc có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuy vậy, có một số yếu tố hay gặp như: nhà chật chội, đông người, nhiều tiếng ồn ào, mất vệ sinh… làm cho NCT rất khó ngủ.

  • Chế độ ăn uống không điều độ

NCT nếu ăn, uống điều độ thì ngoài việc đảm bảo cho sức khỏe tốt còn có tác dụng rất hữu ích trong giấc ngủ làm cho giấc ngủ ngon, sâu dẫn đến tinh thần luôn được sảng khoái, hồ hởi, phấn chấn và sống một cuộc sống lạc quan hơn. Nếu ăn uống quá no, uống nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc uống nhiều bia, rượu; ăn nhiều chất kích thích thì ảnh hưởng xấu không nhỏ đến giấc ngủ.

Điều trị mất ngủ như thế nào?

  • Trước tiên cần lựa chọn các biện pháp điều trị không dùng thuốc để điều chỉnh lại giấc ngủ, giúp người bệnh trở lại giấc ngủ một cách tự nhiên nhất. NCT nên học cách thư giãn để có cảm giác thư thái cả về thể chất lẫn tinh thần.

  • Ăn uống phải điều độ và không nên kiêng khem quá mức (tùy theo từng loại bệnh mà có sự tư vấn của bác sĩ để có sự kiêng thức ăn, nước uống cho phù hợp). Không nên uống cà phê, trà đặc, hút thuốc lá vào buổi tối, trước khi đi ngủ không nên tập thể thao, ăn hoặc uống quá nhiều trong vòng 3 giờ, tránh căng thẳng hoặc xúc cảm, nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

  • Tập thể dục nhẹ nhàng là việc làm hết sức cần thiết cho giấc ngủ của NCT. Hiện nay, có nhiều hình thức tập thể dục áp dụng cho NCT như: đi bộ, chơi cầu lông, quần vợt, bơi, tập thể dục dưỡng sinh… nhưng có lẽ thông dụng nhất, không tốn kém, dễ áp dụng là đi bộ. Đối với những NCT có bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, mạch vành cần đi bộ chậm không được chạy, nhảy hoặc vận động mạnh. Không nên đi bộ vào lúc nhiệt độ lạnh quá, nóng quá, mưa, gió mạnh mà nên chọn thời điểm thích hợp nhất cho bản thân mình như chập tối, sáng sớm..

  • Phòng ngủ của NCT nên luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế người qua lại và ít tiếng ồn. . Tạo một môi trường yên tĩnh khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ…. Nên tắm nước ấm trước khi đi ngủ để làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp giấc ngủ bắt đầu dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần phải đi ngủ và thức dậy đều đặn, kể cả thứ bảy chủ nhật; tránh ngủ ngày quá nhiều; chỉ nằm trên giường khi ngủ, tránh nằm trên giường đọc sách, xem tivi.
  • Khi nào thì sử dụng thuốc? Chỉ sử dụng những thuốc cho bệnh của mình theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc về dùng. Hãy trao đổi với bác sĩ khi gặp tác dụng gây mất ngủ của thuốc. Nên sử dụng các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng dưỡng tâm an thần được ông cha ta sử dụng lâu đời dùng để chữa mất ngủ rất hiệu quả như: Tâm sen, vông nem, trà hoa tam thất…

Nguồn tham khảo: Báo Sức khỏe đời sống, báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc.

 

Xem thêm

Giao lưu các bé trường mầm non nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam

Nhân kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (6/6/1941 – 6/6/2022), Diên Hồng cơ sở 1 vui mừng được chào đón các cô giáo và các em bé đến từ trường Mầm non Ngôi sao lấp lánh đến giao lưu.
Cũng khá lâu rồi, Diên Hồng lại mới có dịp giao lưu với các em bé như vậy. Những em bé lanh lợi, đáng yêu vừa đến đã cười nói ríu rít như đàn chim non làm không khí ở trung tâm sôi động hẳn lên.
Người già thường rất yêu thích trẻ con, và các ông bà nhà em cũng không ngoại lệ. Thấy các bé nhỏ đến là các cụ cũng vui mừng lắm, được xem các bé ca hát, nhảy múa mà thấy yêu đời hẳn.
Không chỉ biểu diễn những tiết mục hát, múa đầy vui nhộn mà các bạn nhỏ còn tặng hoa, tặng bánh kẹo cho các ông bà khiến cho ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam năm nay trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Một lần nữa xin gửi lời cảm ơn đến các cô và các bé của trường mầm non Ngôi sao lấp lánh đã mang đến cho các cụ thật nhiều niềm vui và tiếng cười. Chúc các cô và các bé luôn mạnh khỏe, chăm ngoan học giỏi. Hi vọng Diên Hồng sẽ được đón các bé tới thăm các cụ thêm nhiều lần nữa.
Xem thêm

Bóng đá nữ Diên Hồng 2022

Bóng đá vốn được mệnh danh là môn thể thao vua không chỉ bởi sức hút đầy hấp dẫn của nó mà còn bởi vì mức độ gắn kết mà nó mang lại. Một bộ môn thể thao đòi hỏi chiến thuật, sự chuyên nghiệp và tinh thần đồng đội rất cao. Và điều đó cũng tương đồng với đặc thù công việc của các điều dưỡng viên Diên Hồng. Chính vì lẽ đó mà Ban lãnh đạo đã quyết định tổ chức một trận thi đấu bóng đá nữ giữa các cơ sở của Diên Hồng.

Các cầu thủ được chia làm 2 đội: đội Trà sữa gồm các cầu thủ đến từ cơ sở 1 và 3 đối đầu với đội Trà chanh gồm các cầu thủ đến từ cơ sở 2 và 4. Trận đấu được diễn ra vào hồi 18h ngày 26 tháng năm 2022 tại sân bóng Thắng Lợi.

Các cầu thủ của cả 2 đội bước vào trận đấu với một khí thế rất quyết liệt, khát khao chiến thắng hiện rõ trên từng khuôn mặt. Xuất thân từ đội ngũ điều dưỡng nhưng không vì thế mà các chị em chơi bóng hời hợt đâu nhé. Cũng tham gia tranh chấp bóng rất quyết liệt, rê dắt bóng và sút rất đỉnh. Đặc biệt ở phút thứ 15 của trận đấu, cầu thủ Kiều Hảo đã xuất sắc lấy được bóng và ghi bàn vào lưới đội Trà chanh, nâng tỉ số trận đấu lên 1-0.

Tiếp sau đó là một màn rượt đuổi gay cấn đến từ đội Trà chanh. Bóng liên tục được các cầu thủ đẩy về phía đội Trà sữa. Tuy nhiên với sự phòng thủ chắc chắn thì đội Trà sữa đã an toàn bảo vệ cầu gôn của mình. Ngỡ ngàng nhất là khi chỉ còn 10 phút nữa kết thúc trận đấu thì đội Trà sữa đã bất ngờ nhận được 1 quả đã penalty do lỗi của đội Trà chanh. Vậy là trận đấy kết thúc với tỉ số 2-0 nghiêng về đội Trà sữa.

Giải đấu lần này là cơ hội để các cơ sở hiểu nhau hơn và gắn kết hơn trong cả công việc và cuộc sống. Tuy vẫn còn đôi chút vụng về trên sân nhưng vẫn xin dành một tràng pháo tay thật lớn dành cho sự cố gắng nhiệt tình của các nữ cầu thủ xuất sắc của Diên Hồng. Hẹn gặp lại ở những trận bóng đá nữ Diên Hồng tiếp theo.

Xem thêm

Thân nhau tuổi xế chiều: cụ 105 tuổi, cụ 75 tuổi chụp ảnh cực ”teen”

Đôi bạn thân “lớn tuổi” tại một viện dưỡng lão nọ khiến cộng đồng mạng thích thú với loạt ảnh với sắc hồng cực “đỉnh chóp”. Theo đó, một cụ đã 105 tuổi, người còn lại ngót nghét 75.
Bạn thân là một từ dùng để chỉ những người có mối quan hệ mật thiết với nhau, thân thiết tới nỗi họ có thể mang những tâm sự thầm kín ra chia sẻ với nhau mà không cần nghi ngại. Mới đây, một đôi bạn thân khiến cho Netizen phải quắn quéo trước độ “cute” vô đối khi khoe loạt ảnh theo phong cách cực “hường phấn”. Đặc biệt, đôi bạn này không còn trẻ mà đang ở độ tuổi xế chiều.
Hiện tại, hai bà đều đang ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Một cụ thì đã ngót nghét 105 tuổi, người còn lại thì cũng “chạy” theo phía sau với con số 75. Qua những shoot ảnh chụp chung, có thể thấy rõ được sự gắn kết giữa hai bà lão, tình cảm yêu thương ở cái tuổi “gần đất xa trời”.
Không chỉ ngưỡng mộ trước tình bạn “không phân biệt tuổi tác” của hai bà, nhiều bạn trẻ còn bày tỏ sự thích thú trước nguồn năng lượng tươi trẻ mà hai cụ truyền đến qua những tấm ảnh. Khoác lên mình bộ váy đầm màu hồng ngọt dịu dàng, đôi bạn này tự tin khoe sự khang kiện của mình dưới giàn hoa giấy.
Trước đây, ở cùng một viện dưỡng lão với hai bà cụ này, cũng từng có một đôi bạn già khiến mọi người ngả nghiêng cùng hàng loạt ảnh “check in” với cúc họa mi đầy kiểu cách. Ở tuổi 80, hai bà vẫn rất “chịu chơi” khi cùng nhau “lên đồ” tạo dáng trước ống kính.
Mặc cho vẻ ngoài đã trở nên già cỗi, tâm hồn của hai cụ vẫn như ngày còn son trẻ. Những tấm ảnh này có thể không mang một giá trị nghệ thuật cao, nhưng đằng sau chúng là một nguồn năng lượng tích cực, thích hợp để chữa lành tâm hồn cho những bạn trẻ phải chịu nhiều áp lực của cuộc sống.
Trở lại với tình bạn của hai bà cụ tại viện dưỡng lão, có thể nói, việc tìm được một người tri kỉ ở độ tuổi dễ cô đơn như hai cụ thật sự là một điều rất tuyệt vời. Họ sẽ cùng nhau trải qua những ngày tháng yên bình nơi viện dưỡng lão và giúp nhau làm vui trái tim sớm đã hao mòn vì thời gian. Bạn nghĩ sao về đôi bạn “lớn tuổi” và sự đáng yêu này của họ? Hãy chia sẻ cho Diên Hồng biết nhé.
Theo: Bestie
Xem thêm

Loạt ảnh dễ thương của 2 cụ già hơn nhau 30 tuổi nơi viện dưỡng lão

Tình bạn của những cụ già thường nhận được sự quan tâm của không ít netizen, nhất là những người cùng sống tại một viện dưỡng lão. Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện loạt ảnh dễ thương về tình tri kỉ đáng quý của hai cụ bà, ngay lập tức thu hút sự chú ý của dân tình. Được biết hai cụ cách nhau hơn 30 tuổi, hiện đang an dưỡng lại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Theo chia sẻ của chủ nhân bài đăng, hai nhân vật chính vì một số lí do mà chọn viện dưỡng lão D.H (TP.Hà Nội) để sinh sống. Trong đó, một cụ năm nay đã 105 tuổi, người còn lại vừa tròn 75 tuổi. Dù cách nhau đến 30 tuổi, song cả hai quyết định bầu bạn cùng nhau, thường xuyên hỏi han và tâm sự. Dường như muốn chụp ảnh để kỉ niệm tình bạn của mình, họ đã nhờ đến sự hỗ trợ của các nhân viên trong viện dưỡng lão, để rồi có những khoảnh khắc dễ thương được dân tình chia sẻ rần rần.

Trong hình, cả hai mặc váy màu hồng phấn, trên đầu đội chiếc mũ dễ thương không kém. Họ cũng chọn thêm phụ kiện là chiếc kính mắt thời trang và vòng tay màu đen, nhìn qua trông vô cùng trẻ trung. Tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi khi nở nụ cười, có thể thấy cả hai vẫn khá khoẻ khoắn và tràn đầy sức sống. Giữa cuộc sống đầy rẫy sự lo toan, nhiều người dường như bị cuốn vào nỗi lo cơm áo gạo tiền mà đôi lúc quên đi những tình cảm thiêng liêng trong cuộc sống. Do đó, bài đăng trên dường như đã chạm đến trái tim của nhiều người theo dõi, nhờ vậy mà nhận được lượng tương tác khá lớn từ cộng đồng mạng.

Chỉ sau ít giờ đăng tải, khoảnh khắc “tình bể bình” của hai nhân vật chính đã nhận được gần 4 nghìn lượt thích cùng vô số bình luận. Phần lớn netizen sau khi theo dõi loạt ảnh này đã gửi lời khen có cánh về sự dễ thương, trẻ trung của hai cụ.

Không những vậy khoảnh khắc trên cũng khiến không ít người nhớ đến hình ảnh về hai cụ già mặc áo yếm và váy đen truyền thống, cùng nở nụ cười duyên bên bình hoa sen từng thu hút sự chú ý của nhiều người vào năm 2018.

U90 chụp ảnh áo yêm bên hoa sen

Thời điểm đó, hành động nô đùa vui vẻ như thuở còn trẻ, cùng ánh nhìn ấm áp của họ cũng nhận được lượng tương tác và lời khen từ đông đảo dân mạng. Một số netizen còn cho rằng, chắc hẳn cả hai cụ đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi tìm được người bạn đáng quý dù tuổi đã cao.

U90 chụp ảnh áo yêm bên hoa sen

Từ trước đến nay, viện dưỡng lão vốn được coi là nơi để những cụ già sống nương tựa vào nhau. Trong mái nhà chung ấy, tình bạn của họ khiến không ít người cảm thấy ấm lòng, xúc động. Còn bạn, bạn có cảm nhận gì khi ngắm nhìn loạt ảnh trên? Hãy chia sẻ cho chúng mình biết nhé!

Theo: Yan.vn

Xem thêm

Tuổi già vào viện dưỡng lão là xu hướng

Xem thêm

6 bệnh thường gặp ở người cao tuổi trong mùa hè và cách phòng tránh

Thời tiết nóng bức, ngột ngạt của mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sinh sôi khiến những người có sức đề kháng suy giảm như người già rất dễ mắc bệnh

Người cao tuổi sức khỏe càng yếu dần và các chức năng của cơ thể bị suy giảm, trong đó có hệ thống miễn dịch, dễ chịu sự tác động của thời tiết. Sự suy giảm chức năng ở mỗi người cao tuổi thường không giống nhau. Phần lớn người cao tuổi dễ mắc bệnh khi tuổi càng cao, bệnh mạn tính cũng hay bị tái phát do suy giảm chức năng đề kháng của cơ thể và các bệnh cũng theo đó mà phát sinh. Đây là một số nhóm bệnh thường gặp ở người cao tuổi dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa hè:

1. Đột quỵ
Đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglyceride), đái tháo đường… Đột quỵ ở người cao tuổi thường xảy ra vào chiều tối hoặc  nửa đêm về sáng lúc mà thân nhiệt có nhiều thay đổi. Nhiệt độ càng cao thì mức độ đột quỵ càng nặng. Một số dấu hiệu đột quỵ vì nắng nóng bao gồm: mặt đỏ bừng, nhiệt độ cơ thể cao, nhức đầu, buồn nôn, mạch nhanh, chóng mặt và không tiết mồ hôi mặc dù thời tiết vô cùng nắng nóng.

Do đó, người cao tuổi nên hạn chế đi lại hay làm việc trong những ngày nắng nóng vào những giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, cần đội nón mũ rộng vành khi đi ngoài nắng, dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để nhiệt độ khoảng 26 – 28 độ C.

2. Bệnh tim mạch

Mùa hè nóng nực, người cao tuổi bị ra mồ hôi nhiều nên rất dễ bị mất nước và chất điện giải. Trong khi đó, người cao tuổi lại hay mất cảm giác khát nên không chủ động uống đủ nước cần thiết.

Mất nước và chất điện giải liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch như: tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt (đặc biệt là ở những người có tiền sử huyết áp thấp). Khi cơ thể bị mất nước và chất điện giải thì khả năng tự điều chỉnh rất khó khăn. Do đó, nếu cơ thể mất nước nhẹ thì sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi, bủn rủn tay chân, chóng quên và hay cáu gắt; nếu mất nước nặng hơn có thể truỵ tim mạch.

Vì thế, người cao tuổi cần thiết phải uống nhiều nước, ăn nhiều rau và canh để cơ thể luôn có đủ nước và các chất điện giải; tránh lạnh đột ngột.

3. Bệnh đường hô hấp

Mùa hè nhưng người cao tuổi có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý (đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc vào phòng điều hòa nhiệt độ thấp). Nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi.

Đối với người cao tuổi bị bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, khi đi ngoài nắng nóng về nên để thân nhiệt giảm dần, nghỉ ngơi từ 15 – 30 phút mới tắm hoặc vào phòng điều hòa.

4. Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một trong những chứng bệnh phổ biến trong mùa hè. Mùa nắng nóng, người cao tuổi cũng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải.

Một số người cao tuổi do chế độ ăn uống chưa hợp lý trong mùa hè nên thường bị không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón. Các loại bệnh dạng này thường làm cho người cao tuổi khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Chính vì thế, người cao tuổi nên sử dụng những thực phẩm tươi sống, ăn chín uống sôi và chế độ ăn uống lành mạnh khoa học để ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa.

5. Bệnh về da

Vào mùa nắng nóng, một số bệnh về da cũng thường gặp ở người cao tuổi như viêm da dị ứng gây ngứa. Ngứa có khi không chỉ ở một vùng của da và lan tỏa nhiều nơi, thậm chí có trường hợp viêm da dị ứng nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét.

Bệnh zona là bệnh do vi rút gây ra và thường chúng ký sinh sẵn trong cơ thể một số người đã từng bị bệnh thủy đậu. Người cao tuổi cũng có thể bị sốt đột ngột mà nguyên nhân có thể do vi sinh vật gây viêm nhiễm hoặc do sự phản ứng của cơ thể với tình trạng nắng, nóng. Mùa hè, nếu ngủ không nằm màn thì người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết hoặc sốt rét.

6. Bệnh xương khớp

Đau nhức xương khớp là bệnh người cao tuổi thường gặp phải nhất vào mùa đông, tuy nhiên thời tiết nóng nực vào ngày hè và thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng sẽ làm xuất hiện đau nhức xương khớp.

Đau nhức xương khớp vào mùa hè ở người cao tuổi thường xuất hiện ở các khớp gối, cột sống thắt lưng, khớp bàn tay, bàn chân. Bệnh đau xương khớp càng tái phát nhiều hơn, nhất là đau các khớp vai gáy, đau nhức khớp gối khi người cao tuổi bị mất ngủ, trằn trọc do không khí oi bức vào mùa hè ngay cả vào ban đêm. Vì thế, người cao tuổi cần phải giữ giấc ngủ được ngon giấc, hàng ngày nên xoa bóp nhẹ các bắp cơ, vùng xương khớp, nên tập luyện thể dục dưỡng sinh hoặc các môn thể thao nhẹ nhàng cho người cao tuổi.

Theo: Trung tâm truyền thông sức khỏe Trung Ương,

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật,

Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

 

Xem thêm

Những lưu ý khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào mùa hè

Khi bước sang tuổi xế chiều hệ miễn dịch của người cao tuổi suy yếu, sức đề kháng không còn tốt như trước nên thường mắc bệnh. Nhất là khi thời tiết có nhiều biển đổi như mùa hè. Vậy có cách nào bảo vệ sức khỏe người cao tuổi vào thời điểm này hay không?

Thời tiết nắng nóng, ngột ngạt, khó chịu của mùa hè sẽ khiến người cao tuổi mệt mỏi, chán ăn, giảm sức đề kháng. Chính vậy, mùa hè là thời điểm người cao tuổi dễ mắc nhiều căn bệnh.

  • Bệnh tim mạch: Mùa hè người cao tuổi dễ bị tim mạch do thời tiết nóng nực, mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể mất chất điện giải và mất nước. Từ đó tim đập nhanh và dễ gây nên tình trạng tụt huyết áp.
  • Bệnh xương khớp: Không chỉ có mùa đông người cao tuổi mới bị đau nhức xương khớp. Thời tiết khó chịu mùa hè khiến người cao tuổi mất ngủ, trằn trọc, khiến các cơn đau xương khớp trầm trọng hơn, nhất là các khớp vai gáy, khớp gối.
  • Bệnh đường hô hấp: Mùa hè người cao tuổi vẫn có thể bị cảm lạnh nếu sinh hoạt không theo khoa học như tắm ngay khi đi nắng về, ngủ ở phòng nhiệt độ thấp. Nặng hơn thì  sẽ bị viêm phế quản, viêm phổi còn nhẹ sẽ dẫn đến các bệnh như viêm mũi, viêm họng.
  • Rối loạn tiêu hóa: Mùa hè nắng nóng, thức ăn dễ bị hư một cách nhanh chóng nên  vi khuẩn cũng dễ sinh sôi và phát triển hơn, tạo điều kiện cho các bệnh rối loạn tiêu hóa xảy ra thường xuyên hơn. Người cao tuổi ăn uống chưa hợp lý thường bị đầy bụng ăn không tiêu,chướng bụng, táo bón khiến ăn không ngon, mất ngủ kéo dài.
  • Đột quỵ: Đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglyceride), đái tháo đường…Một số dấu hiệu đột quỵ vì nắng nóng bao gồm: mặt đỏ bừng, nhiệt độ cơ thể cao, nhức đầu, buồn nôn, mạch nhanh, chóng mặt và không tiết mồ hôi mặc dù thời tiết vô cùng nắng nóng.

Một số biện pháp chăm sóc người cao tuổi khi mùa hè

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý

Người cao tuổi nên ăn đều đặn từ 4 – 5 bữa/ngày và nên ăn ít một lần để hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn, giảm áp lực cho dạ dày, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Ăn nhiều thực phẩm nâng cao sức đề kháng, giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ,…. Đồng thời, người cao tuổi cần bổ sung trái cây tươi, rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất. Luôn ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không dùng thức ăn lạnh sẽ tổn hại cho hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó người cao tuổi có thể uống 1 – 2 ly sữa dành cho người già và nhớ là không uống sữa đặc để tránh gây táo bón.

Người cao tuổi không bị bệnh thận, tim mạch hay đường ruột có thể uống một lượng vừa phải cà phê vào buổi sáng nhưng không nên uống vào buổi chiều vì sẽ bị mất ngủ. Bên cạnh đó người cao tuổi  nên hạn chếăn thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán nội tạng động vật hay thức ăn tươi sống

  • Tập luyện điều độ và hợp lý

Người cao tuổi nên tập luyện điều độ mỗi ngày ít nhất 20 phút/ngày các bài tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, thể dục tay không, dưỡng sinh kết hợp hít thở sâu. Người cao tuổi không nên thực hiện những bài tập quá sức để tránh gây tổn hại cho sức khỏe nhé.

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ

Người cao tuổi cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm rửa bằng nước ấm để giảm thiểu tối đa tỷ lệ mắc các bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, không gian sinh hoạt của người cao tuổi cần được giữ sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế gió lùa, tránh xa các loại vật nuôi – trung gian gây các bệnh truyền nhiễm.

  • Nghỉ ngơi hợp lý

Người cao tuổi cần thư giãn, đi ngủ đủ giấc, đúng giờ, đủ giấc. Đồng thời, giữ cuộc sống vui vẻ, thoải mái.

Với những thông tin mà bài viết cung cấp đã giúp cho bạn có thêm những thông tin bổ ích về cách chăm sóc người cao tuổi vào mùa hè. Hãy chăm sóc người cao tuổi thật tốt để các cụ có sức khỏe tốt và sống vui vẻ, sum vầy bên con cháu.

Theo: CPCS (Bộ Y tế, Tổng cục dân số- kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm tư vấn và cung ứng dịch vụ)

Xem thêm

Những cụ bà tuổi 80 ở căn hộ cao cấp, đi xe hơi “đến lớp” mỗi ngày

Không có thời gian và điều kiện chăm sóc cha mẹ, nhiều gia đình ở Hà Nội đã lựa chọn dịch vụ bán trú ở viện dưỡng lão. Theo đó, các cụ già được gửi “đến lớp” vào mỗi sáng và được con, cháu đón về sau mỗi chiều. 

7 giờ sáng, chiếc xe hơi đỗ xịch trước cổng một viện dưỡng lão ở Hà Đông, Hà Nội. Bà Trần Thị Thương (81 tuổi, ở căn penthouse một khu chung cư Hà Đông, Hà Nội) xuống xe mang theo chiếc túi bên trong có chứa 1 bộ quần áo, 1 chiếc điện thoại. Bà được các điều dưỡng viên đón vào trung tâm. Một ngày ‘đi học’ của bà bắt đầu.

Tại viện dưỡng lão cách nhà chỉ khoảng 2 km này, bà Thương sinh hoạt chung phòng với 8 người phụ nữ khác. Mỗi phòng đều có 1 tivi, mỗi người được phân một chiếc giường, một chiếc tủ cá nhân đựng đồ. Bữa trưa của những người già diễn ra vào lúc 10 giờ 20. Sau giấc ngủ trưa, họ có các hoạt động chung cùng bạn bè và dùng bữa chiều vào lúc 4 giờ. Sau đó bà Thương lại sắp xếp vật dụng cá nhân xuống tầng 1 sẵn sàng để các con, cháu đến đón về nhà. Mỗi ngày bà “đến trường” từ thứ 2 đến thứ 7, chủ nhật bà ở nhà sinh hoạt, vui chơi cùng các con, cháu trong gia đình. Vì vậy “đi học bán trú” là cách các con cháu cũng như các nhân viên viện dưỡng lão thường gọi đùa với bà.

Trước khi vào trung tâm, bà Thương có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Các con cái có điều kiện kinh tế ổn định đã thuê giúp việc để chăm sóc bà. Tuy nhiên họ nhận thấy nhiều bất ổn khi để mẹ ở nhà cùng người giúp việc. Bà Thương thường xuyên nằm nhiều, không vận động. Ngoài ra người giúp việc không thể kiểm soát được việc ăn uống của bà. Bởi vậy, gia đình đã thuyết phục bà vào sinh hoạt tại viện dưỡng lão theo hình thức bán trú.

Họ mong muốn bà gặp gỡ, giao lưu nhiều bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội nhưng đồng thời vẫn gắn kết với con cháu bằng khoảng thời gian về nhà vào mỗi tối và cuối tuần. Bởi vậy các con cháu bà đã lên phân chia nhau lịch đưa đón mẹ vào viện mỗi sáng và mỗi chiều. Chi phí cho việc ‘đi học’ của người phụ nữ ngoài tuổi 80 này khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Sáng thứ 2 một ngày đầu tháng 6/2018, bà Phượng (75 tuổi, Hà Nội) cũng được con cháu chuẩn bị đồ đạc để vào viện dưỡng lão “tá túc”. Khác với bà Thương sáng đi chiều về, bà Phượng lại ở cả ngày tại viện dưỡng lão. Tuy nhiên thời gian ở tại viện của bà chỉ ngắn gọn trong vòng 3 ngày, 1 tuần hoặc 10 ngày. Thời điểm này, gia đình bà tổ chức đám cưới cho người cháu ruột. Các con quá bận rộn với việc chuẩn bị, sợ không chăm sóc mẹ được chu đáo như ngày thường, họ gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Sau đó đến ngày cưới họ đón mẹ về chung vui cùng gia đình.

Tại Hà Nội, không hiếm trường hợp như bà Phượng. Nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ chăm sóc người già ngắn ngày khi họ bận đi công tác, đi du lịch… không sắp xếp được người trông nom, chăm sóc cha mẹ. Chi phí cho dịch vụ này giao động từ 200-300 nghìn đồng/ngày. Tại đây các cụ già được chăm sóc ăn uống, được hưởng các dịch vụ y tế, được tham gia các hoạt động sinh hoạt, giao lưu cùng các thành viên… Ngoài ra ở các viện dưỡng lão cũng có phòng VIP (2 bệnh nhân/phòng) dành cho các cụ già muốn có không gia sinh hoạt riêng tư. Giá cho các phòng khoảng 9 đến 10 triệu đồng/tháng.

Chị Hoàng Thị Thu Ngân (SN 1988, phó giám đốc một viện dưỡng lão ở Hà Nội), cho biết, quan niệm người Việt đang dần cởi mở hơn về viện dưỡng lão. Viện dưỡng lão không đơn thuần là nơi ở của những người ở tuổi già neo đơn không có con, cháu. Viện còn tiếp nhận nhiều đối tượng không còn khả năng tự chăm sóc bản thân (ăn uống, tắm giặt, vệ sinh…) và những người già tiềm ẩn các nguy cơ lớn về sức khỏe như cao huyết áp, mỡ máu, tai biến…

Nhiều gia đình có điều kiện thuê giúp việc về để chăm sóc cha mẹ nhưng hiện nay các giúp việc ở Việt Nam đa phần đều chưa được đào tạo kiến thức về y tế, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, tiếng nói của người giúp việc không có sức thuyết phục các cụ. Ở với người giúp việc các cụ ăn uống, sinh hoạt không điều độ khiến bệnh tình không khả quan. Việc thuê người giúp việc chỉ giải quyết được vấn đề chăm sóc ăn uống, khó thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động về tinh thần.

Ngược lại về phía người giúp việc, nhiều người cũng không thể chịu được áp lực công việc chăm sóc người già. Không chỉ vất vả trong công tác cho ăn uống, thay bỉm, vệ sinh… nhiều người già khó tính, trái tính khiến người giúp việc không chịu đựng được. Nhiều gia đình liên tục phải tìm giúp việc vì chỉ ở được vài hôm giúp việc đã đòi nghỉ. Bởi vậy các gia đình đã đưa người già đến các viện dưỡng lão. Tại đây ngoài việc được chăm sóc sức khỏe họ còn kết bạn và tham gia các hoạt động tập thể.

Chị Thu Ngân kể, gần đây nhất trung tâm chị tiếp một nam giới 34 tuổi, ở Hà Nội. Anh đến tìm hiểu về viện dưỡng lão để đưa mẹ vào. Anh kể, anh đang công tác tại trung tâm thành phố và mẹ anh đang ở quê một mình. Bà có tiền sử bệnh cao huyết áp, khi sống một mình bà không tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng và uống thuốc đều đặn vì vậy một tuần anh phải về thăm mẹ 2 lần. Tuy nhiên việc về nhà thường xuyên cũng chưa khiến anh yên tâm. Ngoài ra, đi lại nhiều khiến anh bị ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe. Cuối cùng theo lời khuyên của một người bạn anh quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão nơi gần cơ quan anh làm việc.

Chị Ngân nói: “Sau khi tìm hiểu người này nhận thấy viện dưỡng lão là lựa chọn phù hợp cho gia đình. Tuy nhiên anh đang lo ngại mẹ anh có nhiều suy nghĩ, chưa đồng ý. Bởi không ít người cao tuổi ở Việt Nam quan niệm rằng việc phải vào viện dưỡng lão là bị con cái chối bỏ, phải sống trong sự cô đơn đến cuối đời. Tuy nhiên hiện nay các viện dưỡng lão đều có nhiều dịch vụ như ở dài hạn, ở bán trú hay ở trong thời gian ngắn hạn để khách hàng có thể lựa chọn tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình”.

*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu

*Nguồn ảnh: Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Theo: Dân trí, Vietnam.net

Xem thêm