Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All posts by Ha Nguyen

Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88

GiadinhNet – Ở tuổi 88, cụ bà đã đăng quang hoa hậu cao niên tại cuộc thi sắc đẹp ở viện dưỡng lão. Hoạt động không chỉ giúp các cụ ở tuổi xế chiều được thể hiện mình mà qua đây giúp các cụ thêm yêu đời, sống lạc quan

Bà Hoàng Thị Nhung (90 tuổi) hay bà Nguyễn Thị Cảnh (86 tuổi) không đi lại được phải ngồi xe lăn, nhưng điều đó cũng không làm nao núng tinh thần của các bà khi đến vớicuộc thi Hoa hậucao niên Diên Hồng 2020 do Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tổ chức.

Cùng với các cụ bà khác trong trung tâm, 15 cụ bà đã tự tin thể hiện trên sân khấu trước sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè và cả những nhân viên chăm sóc. Tay khẽ vịn vào các bạn điều dưỡng, các cụ bà tuy chân yếu nhưng vẫn tự tin sải bước, miệng cười tươi, tay vẫy chào khán giả.

Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88 - Ảnh 2.
Tự tin sải bước trên sân khấu dù đã ở tuổi xưa nay hiếm
Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88 - Ảnh 3.

Phần thi tài năng khâu vá

Chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ: “Ban đầu khi nhắc đến cuộc thi, các bà có chút băn khoăn vì già rồi mà đi thi hoa hậu nhưng sau khi được gia đình và điều dưỡng chăm sóc động viên, các bà hào hứng và bắt đầu chuẩn bị nghiêm túc cho cuộc thi. Mỗi cụ bà được phân công một bạn điều dưỡng chăm sóc làm huấn luyện viên để hỗ trợ khâu chuẩn bị và tư vấn cho tiết mục thi tài năng.

Cuộc thi không phải để tôn vinh vẻ đẹp nhan sắc “bền vững với thời gian” của các cụ bà mà hướng đến tinh thần và thái độ sống lạc quan, yêu đời. Không bao giờ là quá già để làm điều mình thích cho dù những người khác không nghĩ vậy”.

Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88 - Ảnh 4.

Bà Hoàng Thị Nhung (90 tuổi) tuy ngồi xe lăn nhưng vẫn rất tự tin tham gia cuộc thi

Khác với những cuộc thi sắc đẹp khác không có phần thi áo tắm hay trang phục áo dài, cuộc thi Hoa hậu cao niên Diên Hồng được thay vào đó là các bà U90 trải qua các phần thi tạo dáng trước ống kính, triết lý sống thông qua câu hỏi làm thế nào để phụ nữ sống hạnh phúc, trang phục tự chọn, tài năng và chuyên gia gỡ rối.

Cuộc thi như một làn gió mới mát lành đối với không chỉ các cụ bà tham gia thi mà còn khiến cuộc sống của các cụ ông, cụ bà đang an dưỡng trong Trung tâm dưỡng lão thêm tươi mới. Ngoài con cháu của các cụ bà đi thi tới cổ vũ và chúc mừng, người nhà của các ông bà khác cũng vui mừng và ríu rít khoe với bạn bè chuyện bố mẹ mình đi xem thi hoa hậu.

Cụ bà đăng quang “hoa hậu” ở tuổi 88 - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Biển (ở giữa) bất ngờ khi được danh hiệu hoa hậu

Người già vốn hay được liên tưởng đến sự khô cằn của cây cối mùa đông nhưng các cụ bà U90 ở Diên Hồng qua cuộc thi đã chứng minh điều ngược lại. “Đừng nghĩ già là sắp kết thúc, hãy nghĩ tuổi già là một chương mới trong cuốn sách cuộc đời, chúng ta nên làm cho nó hấp dẫn hơn”, bà Vũ Thị Dành nhắn nhủ.

Điều khiến các cụ già thích thú tham gia vào cuộc thi này dù chưa từng tham gia vào bất cứ cuộc thi nhan sắc nào thời trẻ rất đa dạng. Với bà Đặng Thị Tuyết Sinh (84 tuổi), cuộc thi giống như một cuộc vui nơi mà các bà có thêm một món ăn tinh thần hấp dẫn để tuổi già thêm sinh động, gặp gỡ thêm nhiều bạn già thú vị. Bà Vũ Thị Dành (82 tuổi) mang theo thông điệp “Phụ nữ muốn hạnh phúc thì phải yêu bản thân mình trước tiên” đến cuộc thi và mong muốn lan toả tinh thần sống hòa ái và khoan dung đến với mọi người.

Kết thúc cuộc thi, cụ bà Nguyễn Thị Biển (88 tuổi) đã giành giải Nhất. Bà tươi cười cho biết: “Bà không ngờ mình lại được đăng quang. Chưa bao giờ bà nghĩ mình sẽ được trao vương miện trên sân khấu hoành tráng như thế này”

Theo báo GiadinhNet

Xem thêm

Hoa hậu cao niên Diên Hồng, ước mơ về một chiếc vương miện lấp lánh trên đầu

Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, các cụ bà đang tất bật sửa soạn cho cuộc thi chung kết Hoa hậu cao niên. Cuộc thi không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của những người phụ nữ ở tuổi “xưa nay hiếm”. Mà còn là dịp để họ sống lại với những khoảnh khắc rực rỡ, huy hoàng của cuộc đời.

“Con ơi, U mặc đồ xong rồi, con trang điểm cho U nữa nhé”

“U ơi để con đeo số báo danh cho U nha”

“Hôm nay trông các U của con ai cũng xinh đẹp”

….

Tiếng nói chuyện, cười đùa liên tục phát ra từ sau cánh cửa phòng chờ. Trên khuôn mặt của tất cả mọi người chỉ còn háo hức và mong chờ.

Trước đây, những cụ bà đang ngồi sau cánh cửa kia, họ từng là giáo viên, doanh nhân, công an, hay thậm chí là những công nhân bình thường. Họ từng trải qua chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, mất mát… Và giờ họ đều đã ở vào chặng cuối của cuộc đời, nhưng vẫn đang tiếp tục hồ hởi, vui tươi với cuộc sống, đón nhận từng ngày mới đến trong đời bằng tinh thần lạc quan nhất.

Rất rất nhiều năm về trước, họ cũng từng là những thiếu nữ xinh đẹp, giỏi giang, nhưng chưa một lần được tham gia cuộc thi sắc đẹp. Sống ở Diên Hồng, người già sẽ được trải nghiệm những cái đầu tiên đầy thú vị và cuộc thi Hoa hậu cao niên là 1 trong số đó.

Trưởng BTC Hoàng Thị Thu Ngân tặng hoa cho 3 vị giám khảo của chương trình

Bà Hoàng Thị Nguyệt (66 tuổi), người đã dành cả cuộc đời mình cho nghề giáo viên nhân dân, hiện tại bà mắc chứng bệnh run chân tay, nhưng bà vẫn tham gia cuộc thi, để thỏa mơ ước được đứng trên sân khấu của cuộc thi sắc đẹp.

Phần trình diễn trang phục của bà Vũ Thị Dành

Hay bà Lưu Thị Dung (89 tuổi), bà nổi tiếng khắp Việt Nam khi quyết định ly hôn ở tuổi 84 để giải phóng bản thân và bắt đầu cuộc sống mới hạnh phúc ở Diên Hồng. Bà đã mang tới cuộc thi một làn gió mới, một tư tưởng mới, đó là giải phóng bản thân và đi tìm hạnh phúc.

Sau khi cuộc thi được công bố, không chỉ người già mà gia đình cũng hào hứng không kém. Khi một Viện dưỡng lão lại có thể mang cuộc thi hoa hậu đến với những người già U70, U80, U90 thậm chí là U100, đó như một điều không tưởng.

Gia đình bà Xuân Hồng đến cổ vũ cho bà

Chị Tạ Thị Quỳ (Cháu gái bà Mỹ) chia sẻ: “Hồi đầu, bà mới vào trung tâm ở, bà hay kêu ca là buồn chán. Nhưng từ khi bà tham gia cuộc thi Hoa hậu cao niên, bà hào hứng hẳn ra, ngày nào cũng gọi điện về khoe với con cháu. Rồi hẹn con cháu vào cổ vũ cho mình nữa”. Thế rồi đến hôm chung kết, các con, các cháu đển cổ vũ, như động lực giúp bà thi tốt hơn.

Các phần thi mà thí sinh phải trải qua

Đầu tiên, các cụ bà được tham gia phần thi ảnh. Sau phần thi ảnh, 15 cụ bà được lọt vào chung kết. Tại vòng này, các bà sẽ tranh tài ở phần thi triết lý sống, trình diễn trang phục và tài năng. Sau đó 5 cụ bà xuất sắc nhất sẽ được lọt vào vòng thi gỡ rối tơ lòng, tư vấn tại chỗ cho khán giả.

Bà Lê Thị Hồng trổ tài bằng phần thi cắm hoa

Điều đặc biệt với cuộc thi là phần thi triết lý cuộc sống, nơi mà các cụ bà sẽ tổng kết lại điều họ tâm đắc nhất về “Phụ nữ làm thế nào để hạnh phúc”. Trong phần thi này người truyền cảm hứng nhiều nhất cho giới trẻ là bà Vũ Thị Dành (82 tuổi), một người có nhiều tư tưởng tiến bộ và hiện đại. “Phụ nữ muốn hạnh phúc, trước hết phải yêu thương chính bản thân mình. Có yêu mình thì mới yêu người được. Việc nào dễ thì làm, còn việc nào khó thì bỏ qua”, bà Dành chia sẻ.

Kết thúc 3 phần thi của vòng chung kết, ban giám khảo đã chọn ra được 5 cụ xuất sắc nhất bước vào phần gỡ rối là bà: Nguyễn Thị Biển (88 tuổi), bà Phạm Thị Diễm (76 tuổi), bà Vũ Thị Dành (82 tuổi), bà Nguyễn Thị Cảnh (86 tuổi), và bà Lưu Thị Dung (89 tuổi). Đến với phần thi này, các bà sẽ lần lượt tư vấn cho khán giả với câu hỏi “Nhà cháu ai cũng bận việc, sáng đi tối về, nhiều hôm về muộn. Thấy mẹ chồng ở nhà thui thủi 1 mình nghĩ cũng thương nên cháu tính gửi bà vào viện dưỡng lão cho có bạn bè nhưng mới nghe đến đấy thôi mẹ chồng cháu đã phản ứng dữ dội, mắng con dâu là muốn rũ bỏ trách nhiệm chăm sóc mẹ chồng. Cháu nên làm gì để thuyết phục bà thay đổi quan điểm ạ?”

Kết quả của cuộc thi

Sau những phần thi đầy bất ngờ và thú vị, cuối cùng Ban giám khảo đã chọn ra những ngôi vị cao nhất cho cuộc thi.

Hoa hậu cao niên Diên Hồng thuộc về bà Nguyễn Thị Biển (88 tuổi)

Á hậu 1, bà Phạm Thị Diễm (76 tuổi)

Á hậu 2, bà Nguyễn Thị Cảnh (86 tuổi)

Giải hoa hậu ảnh thuộc về bà Hoàng Thị Nhung (90 tuổi)

Hoa hậu tài năng thuộc về bà Đặng Thị Tuyết Sinh (84 tuổi)

Hoa hậu truyền cảm hứng, bà Vũ Thị Dành (82 tuổi)

Hoa hậu phong cách, bà Lưu Thị Dung (89 tuổi)

Hoa hậu thanh lịch, bà Hoàng Thị Cẩm (84 tuổi)

Trao giải và chụp ảnh lưu niệm cùng các cụ bà

Bà Biển chia sẻ: “Bà không thể tin vào tai mình khi MC xướng tên của bà là Hoa hậu cao niên Diên Hồng. Bà rất bất ngờ, hạnh phúc. Trưa hôm đấy, bà vui quá nên cũng không thấy đói luôn”.

Khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa của bà Biển khi trở thành Hoa hậu cao niên Diên Hồng 2020

Đối với nhiều bà cụ, việc tham gia cuộc thi không phải để dành giải thưởng mà là một trải nghiệm giúp cho cuộc đời trở nên viên mãn hơn. Vì có lẽ bất  kỳ cô gái nào lớn lên đều mơ ước về một chiếc vương miện lấp lánh trên đầu? Đến với cuộc thi giống như một giấc mơ từ xa xăm nay trở thành hiện thực vậy.

Xem thêm

Chương trình kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam tại Viện dưỡng lão Diên Hồng

Mới sáng sớm, những tia nắng đầu đông đã len lõi vào căn phòng nhỏ, rồi hân hoan nhảy múa trên vai, trên tóc của các cụ già. Phải chăng hôm nay là ngày mà cả nước dành sự tri ân cho những người đưa đò thầm lặng nên cả đất trời cũng mới hân hoan đến vậy, hân hoan trong niềm vui chung của đất nước.

Hòa chung không khí đó, tại Dưỡng lão Diên Hồng cũng đã diễn ra chương trình tri ân dành cho các ông, các bà, những người cựu nhà giáo đang an dưỡng tại Trung tâm.

Tiết mục bụi phấn của CBNV Diên Hồng 1

Hôm đấy, tại Diên Hồng 1, các bạn nhân viên đã hóa thân vào những cô cậu học trò tinh khôi trong tà áo dài trắng. Và dành tặng các thầy cô những bài hát kỷ niệm một thời.

Đại diện Diên Hồng 1 tặng hoa cho các cụ là cựu giáo viên
Ông Tiến hát tặng các cụ bài Đi học

Tiết mục văn nghệ của các bạn sinh viên thực tập trường ĐH Công Đoàn

Còn tại Diên Hồng 2, ngoài cán bộ nhân viên Trung tâm còn có sự tham gia của các bạn sinh viên trường Đại Nam. Một buổi lễ kỷ niệm được diễn ra với chủ đề “tri ân những người thầy cuộc sống”.

Không khí ngày 20/11 tại Diên Hồng cơ sở 2
Đại diện Diên Hồng 2, chị Trần Thị Thúy Nga chia sẻ tại chương trình

Trồng người có lẽ là con đường vất vả nhất và cũng là đáng quý nhất. Cha mẹ cho ta sự sống, cho ta những gì tốt nhất và cũng là người thầy đầu tiên của mỗi chúng ta. Vì vậy, ngày 20.11 không chỉ là ngày để tri ân những thầy cô, mà các bạn sinh viên còn muốn tri ân đến những người làm cha, làm mẹ những người thầy đầu đời. Và hơn hết là dành những tình cảm yêu thương đến các ông bà là cựu nhà giáo tại Diên Hồng.

Tiết mục văn nghệ của các bạn tình nguyện viên trường ĐH Đại Nam

Tiết mục hát: Bụi phấn của các bạn sinh viên trường ĐH Công Đoàn

Đại diện Diên Hồng 2 và đại diện CLB tình nguyện trường ĐH Đại Nam tặng hoa, quà và chụp ảnh lưu niệm cùng các cụ

Ông Nguyễn Thiện Nhân (Bộ trưởng bộ GDĐT)  cũng đã nói: “Tương lai của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ 21 là nằm ở khối óc và trái tim của các thầy cô giáo”. Có thể thấy sứ mạng mà những người thầy đang mang trên vai thật lớn lao, cao cả. Chúc cho tất cả mọi người, những người đã, đang và sẽ công tác trong ngành giáo dục luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, để đưa lớp lớp thế hệ sang sông.

Xem thêm

Cuộc gặp gỡ khó quên với cụ già trong ngày cuối tuần


Tôi đã trải qua một ngày cuối tuần đầy những cung bậc cảm xúc, khi tự mình chiêm nghiệm một góc nhỏ của cuộc sống. Mà có lẽ rất nhiều năm về sau này, tôi, mọi người, cũng sẽ như vậy.

6h30p

Một buổi sáng cuối tuần đẹp trời, và cũng là cuối tuần hiếm hoi trong mấy tháng gần đây của tôi. Những tia nắng sớm dịu nhẹ bắt đầu hé lên như nhảy múa, mơn man trên da thịt, khiến một tâm hồn khô khan nhất cũng trở nên tươi mát, non mềm.

Sau 3 vòng chạy mệt nhoài quanh bờ hồ, như thường lệ tôi tìm tới chiếc ghế đá quen thuộc, ngắm nhìn nhịp điệu của cuộc sống. Có lẽ từng ấy là chưa đủ, tôi như muốn ôm trọn cả thế giới nhỏ vào trong đầu, tận hưởng và hít hà cái không khí sáng sớm ngọt lành như một viên kẹo béo.

Bỗng. Ánh mắt tôi vội vàng dừng lại trên người của một cụ bà. Với con mắt của người làm nghề, một người chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thì tôi áng chừng cụ đã ngoài 80. Chợt nghĩ, người già bây giờ khỏe thật, mới sáng sớm đã đi dạo, tập thể dục rồi.

Nhưng dường như suy đoán của tôi có gì đấy sai sai. Để ý cụ được một lúc khá lâu, tôi thấy cụ đi đi lại lại, mắt ngó nghiêng bên này, bên kia như đang tìm kiếm điều gì. Linh cảm có gì đó không đúng, tôi đứng dậy khỏi ghế đá, bước vội về phía của bà.

“Bà ơi…bà!”, tôi cất tiếng gọi. Nghe thấy tiếng, bà giật mình lùi về sau chực ngã. Thấy vậy, tôi vội vàng chạy tới đón. Chưa kịp chạm vào người, thì bà hét lên một tiếng, rồi tránh né tôi, như con nhím đang xù lông để tự vệ. “Bà ơi, bà có chuyện gì phải không ạ?” vừa nói, tôi vừa khẽ nhìn bà. Bà quay sang nhìn, rồi đột nhiên lao đến chỗ tôi, vung tay, đạp chân, cào cấu loạn xạ. Theo bản năng tôi lùi sang một bên nhưng trên tay vẫn kịp lưu lại vết xước đang rớm máu.

Tôi nghĩ bụng, chẳng nhẽ mặc kệ vậy. Ngồi xuống ghế đá, tôi quay sang thì thấy bà vẫn đứng ở đấy, mắt dáo dác nhìn chung quanh. Tôi nói vọng sang: “Bà ơi, có phải…bà đang tìm đường về nhà không?” Bỗng, bà quay sang nhìn tôi, khe khẽ gật đầu. Trông bà bây giờ lại như một chú mèo con ngoan ngoãn, không như ban nãy, làm tôi một phen hú hồn.

Gia đình cụ ở đâu? Sao mới sáng sớm cụ đã ở đây? Những câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Nghĩ thế nào, tôi liền hỏi như thế, nhưng câu trả lời không là những cái lắc đầu đầy trống rỗng, thì lại là những câu chuyện lan man không hồi kết. Tôi cười buồn trong lòng, ở Viện dưỡng lão tôi làm cũng nhiều người già như vậy lắm. Có khi họ còn chẳng nhớ tên của mình là gì, chẳng nhớ mình đã ăn cơm chưa, chứ huống gì là đường về nhà.

Tôi hùa theo câu chuyện của bà, giống như hùa theo câu chuyện của những người già mà tôi đang chăm sóc. “Cô kia có đi chợ với tôi không, tôi còn phải mua đồ ăn, mua sách cho cháu đi học không muộn”. “Thế cháu bà năm nay học lớp mấy rồi ạ?” “Cháu tôi nó lớn lắm”. “Cô cứ ở đây, tôi ra ghế ngồi chờ cháu tôi tan học”,…

Trong lúc luyên thuyên với bà, tôi đã kịp chụp bức ảnh của bà và đăng bài lên các nhóm dân cư ở gần xem có giúp ích được gì không?

Tiếng chuông điện thoại reo, trên màn hình là một dãy số lạ. Mở máy nghe, đầu dây bên kia là một giọng nữ trung niên đầy hốt hoảng. “Em gì ơi, chị vừa thấy được bài đăng của em trên nhóm X, em đang ở cùng với 1 bà cụ đúng không? Người đó là mẹ của chị. Em đang ở đoạn nào của công viên để chị qua đón? Chị đội ơn, đội ơn em nhiều lắm”.

Chưa đầy 5 phút sau, một chị gái đi chiếc Lead màu đen đỗ trước chỗ tôi và bà cụ. Mới sáng sớm mà mặt chị lấm tấm mồ hôi, những giọt mồ hôi không phải vì ánh nắng chói chang mà vì lo lắng, sợ hãi. “Mẹ chị bị lẫn mấy năm rồi. Sáng nay lúc chị ra chợ, ngó vào phòng vẫn thấy mẹ chị ngủ. Nên tranh thủ đi một lát rồi về, ai dè…”, mắt rơm rớm nước, chị kể. Những tia nắng đã bắt đầu chiếu rọi lên mọi ngóc ngách của cuộc sống, soi lên bóng chị và bà đang khuất dần ở lối rẽ. Cúi đầu nhìn vết xước ở tay, rồi nhìn đồng hồ, tôi mỉm cười, có lẽ thể dục hôm nay hơi quá sức rồi.

Trí nhớ của người già thường suy giảm, chưa kể đến việc họ dễ mắc chứng bệnh đãng trí. Nên việc nhớ nhớ, quên quên thường phổ biến ở người già. Bởi vậy, nếu không may họ bị lạc như cụ bà hôm nay thì quả thật nguy hiểm.

Hơn nữa trong thời đại 4.0, con người ta bận rộn với guồng quay công việc, khiến cho mối quan tâm tới người già trong gia đình ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nó như một hồi chuông cảnh tỉnh về sự an toàn cho người già.

Bởi vậy, việc xây dựng các giải pháp là vô cùng cần thiết. Trong đó, đưa người già vào Viện dưỡng lão có lẽ là giải pháp hữu hiệu nhất, vừa góp phần giảm tải áp lực trong gia đình và xã hội. Bên cạnh đấy, trong môi trường chuyên biệt đó, người cao tuổi sẽ được chăm sóc toàn diện, họ sẽ có không gian riêng để cùng nhau sinh hoạt, chia sẻ những tâm tư, tình cảm.

Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, vấn đề được đặt lên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho người già. Trường hợp người già muốn đi ra ngoài thì cần phải có điều dưỡng hoặc nhân viên đi cùng, vì vậy không có tình trạng người già bị đi lạc. Ngoài ra, Trung tâm còn có các biện pháp hạn chế té, ngã cho người cao tuổi. Cụ thể như: Làm các thanh chắn giường, tay vịn hành lang, dây bảo hộ cho người cao tuổi, và có điều dưỡng chăm sóc 24/24. Tin rằng, với những biện pháp đó của Viện dưỡng lão Diên Hồng, người già sẽ được bảo vệ an toàn và được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện hơn.

Tôi chợt nghĩ, nếu mai này mình già, mình cũng sẽ vào viện dưỡng lão. Vừa vui, vừa an toàn, mà con cái cũng yên tâm.

Xem thêm

Bất ngờ với màn sinh nhật Sếp tại Diên Hồng

Mỗi chúng ta, sinh nhật luôn là một được coi là một ngày rất đặc biệt và ý nghĩa. Cũng chính vì vậy mà ngoài việc nhớ đến sinh nhật của mình, chúng ta còn quan tâm hết mực đến sinh nhật của những người thân yêu của mình.

Và tất nhiên, sinh nhật của Sếp cũng quan trọng không kém, điều đó thể hiện tình cảm và sự kính trọng của mọi người dành cho người lãnh đạo của mình.

Chúng tôi không rõ Sếp của các bạn thế nào, nhưng Sếp của chúng tôi, của Diên Hồng lại là một người vô cùng đặc biệt. Anh là người thân thiện, gần gũi với tất cả nhân viên và các cụ. Vì thế sinh nhật anh cũng mang những nét rất đặc biệt, rất riêng và thân thương.

Sinh nhật Sếp và các bộ nhân viên quý 4

Ngày sinh gốc là 9/11, nhưng có lẽ vì yêu thích số 1 nên trong giấy tờ ngày sinh nhật của anh trở thành ngày 11/11. Vì thế chúng tôi hay nói chuyện với nhau về “tuần lễ” sinh nhật Sếp.

11h30p trưa, ngày 9/11.

Tất cả các bộ nhân viên đã có mặt trong phòng giao ban, nhạc, bánh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Lúc anh mở cửa bước vào phòng, cũng là lúc bài hát sinh nhật bắt đầu vang lên du dương. Mọi người cùng hát vang theo nhịp.

Mọi người cùng hát vang bài hát chúc mừng sinh nhật Sếp

Sau phần “dạo đầu” thì tiếp đến là phần trò chơi có một không hai. Trò chơi đầu tiên là bịt mắt đoán tay Vợ. Vì vợ Sếp cũng công tác tại Diên Hồng nên trò chơi này được thực hiện khá dễ dàng. Trò chơi vẫn diễn ra bình thường cho đến khi Sếp cầm tay vợ mình, sờ sờ, rồi nắn nắn, lật trước rồi lật sau, rồi lại nắn sờ. Và cuối cùng…. Sếp đã không đoán đúng tay vợ mình.

Trò chơi sờ tay đoán vợ

Tiếp tục với các trò chơi: Ngửi mùi tinh dầu, đọc lại lời thoại nhân vật Bách trong phim nhà trọ Balanha và đoán nguyên liệu của món mỳ ý thì Sếp đã qua 2/4 trò chơi. Và sau đó bị phạt một hình phạt nho nhỏ. Có lẽ khoảng thời gian ngắn ngủi ngày hôm đó sẽ thật nhiều kỷ niệm với người Sếp, người anh cả của Diên Hồng.

Như đã nói ở trên thì không chỉ ngày 9/11 mà Sếp còn có ngày 11/11 nữa. Và bất ngờ được nằm ở món quà dành tặng cho anh. Có lẽ không ai hình dung ra được món quà ấy: Một nồi thịt kho siêu to. Theo tin tức “mật thám” báo về thì món ăn yêu thích là món thịt kho tàu. Bởi vậy các bạn nhân viên cơ sở 1 đã không ngần ngại đi chọn những miếng thịt tươi ngon nhất và kho trong nửa ngày để được nồi thịt kho thơm mềm, béo ngậy dành tặng vị lãnh đạo yêu quý. Bên cạnh đó, món quà còn là một bó hoa dại đẫm mùi hương của cái nắng, cái gió chiều nay.

Món quà được gói ghém cẩn thận
Cán bộ nhân viên chụp ảnh lưu niệm cùng Sếp

Chẳng phải là những món quà sang trọng, đắt tiền nhưng lại ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đó chính là tất cả lòng tin yêu, kính trọng, là món quà tinh thần vô bờ bến mà tất cả mọi người dành cho anh, người anh cả của Diên Hồng. Có lẽ đó là một ngày nhiều niềm vui với anh, vì nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi.

Xem thêm

Hoạt động vui chơi giải trí cho người cao tuổi?

Giải trí là giúp con người thoát khỏi những phiền muộn của cuộc sống và mang đến nhiều khoảnh khắc thú vị. Nó là nhu cầu của tất cả mọi người, kể cả người già. Hãy cùng Diên Hồng tìm hiểu các hoạt động vui chơi giải trí cho người cao tuổi.

Tại Trung tâm dưỡng  lão Diên Hồng người cao tuổi không chỉ được chăm sóc về sức khỏe mà còn được chú trọng  về tinh thần, vui chơi giải trí. Những hoạt động hằng ngày giúp người cao tuổi có thêm niềm vui, thêm gần gũi nhau. Bên cạnh đó còn giúp rèn luyện nâng cao sức khỏe.

Với những người đang sinh sống tại gia đình, người thân có thể áp dụng các hoạt động vui chơi giải trí cho người cao tuổi để giúp họ thêm vui vẻ và gần gũi hơn với con cháu.

Vậy những hoạt động nào phù hợp với người cao tuổi?

  • Tập thể dục: Đây là hoạt động thu hút nhiều cụ tham gia. Có cụ còn bỏ tập phục hồi để tham gia tập thể dục. Trên nền nhạc sôi động, người già tập các động tác theo hướng dẫn. Người này động viên người kia, rồi rủ nhau tập cùng nên ai cũng hào hứng. Cụ nào không đứng được thì sẽ ngồi ghế tập.
Bài tập vận động tay
Thể dục nhịp điệu theo nhạc
  • Chơi ô ăn quan: Thay vì chơi ô ăn quan bằng những viên sỏi thì các cụ Diên Hồng lại chơi bằng kẹo.
Hình ảnh chơi ô ăn quan bằng kẹo, bánh của các cụ tại Diên Hồng
  • Thử làm cô Tấm: Trong trò chơi này, người già được hóa thân thành cô Tấm trong truyện cổ tích. Bằng đôi tay khéo léo của mình, các cụ lựa đậu, lựa lạc, các hạt ngũ cốc ra với nhau. Trò chơi không chỉ mang đến nhiều niềm vui mà còn giúp rèn luyện nhanh mắt, nhanh tay, sự khéo léo của các cụ.
Các cụ Diên Hồng đang nhặt đậu, lạc
  • Trò chơi phi tiêu: Các cụ sẽ dùng phi tiêu, ném vào bóng bay được gắn lên tấm bảng. Trò chơi cũng giúp các cụ rèn luyện tay, mắt.
Cụ ông đang ngắm phi tiêu để bắn.
  • Ghép tranh: Đây là hoạt động giúp rèn luyện trí nhớ và khả năng phán đoán của các cụ.
Các ông bà chăm chú ghép tranh
  • Xếp gỗ: Xếp gỗ là hoạt động mới được các cụ cũng như nhân viên hết sức yêu thích. Từ những thanh gỗ nhỏ, các cụ xếp ngôi nhà, ô tô, hay xếp tên của mình. Không những thế trò rút gỗ cũng khiến các cụ mê mẩn. Ai cũng khéo léo rút để không bị rơi, có cụ còn chơi say sưa chơi quên cả thời gian.
Các cụ xếp gỗ thành những hình khác nhau
Nhẹ nhàng rút để gỗ không bị rơi
  • Tổng hợp trò chơi với bóng nhựa: Đây là hoạt động vui chơi giải trí cho người cao tuổi phổ biến tại Diên Hồng. Vì hầu hết các cụ đều có thể chơi được. Một số hình thức chơi như ném bóng vào rổ, thổi bóng, câu bóng, bóng đèn nhấp nháy, ném bóng đổ chai.
Ném bóng vào rổ
Tung bóng đổ chai
Chuyền bóng
Các cụ dùng cần câu để câu bóng
Gắn đèn nhấp nháy bằng băng dính
  • Tạo hình khuôn mặt: Các cụ sẽ dùng các miếng giấy thủ công nhiều hình thù đã được cắt sẵn sau đó dán tạo thành hình khuôn mặt. Cụ nào cũng chăm chú, cẩn thận lựa những miếng giấy, sau đó phết lớp keo dán lên, rồi cẩn thận dán lên tờ giấy màu.
Các cụ dùng miếng giấy nhỏ, nhiều hình thù để làm tạo khuôn mặt
  • Tô tranh: Các cụ được thỏa thích sáng tạo, tô vẽ với nhiều màu sắc, nhiều bức tranh khác nhau. Có cụ bảo tôi không thích lá cây màu xanh, mà thích lá vàng như mùa thu, không thích con cá vàng mà thích con cá nhiều màu.

Các cụ cùng các bạn thực tập tô tranh
  • Chơi cá ngựa, chơi bài tam cúc
Chiều chiều các ông bà tầng 2 lại rủ nhau chơi cá ngựa
  • Câu cá
  • Ngâm châm: Ngâm chân giúp tăng lưu thông máu, giữ ấm cho cơ thể, nhất trong những ngày trời trở lạnh như hiện tại.
Ngâm chân muối gừng tại Diên Hồng
Không những được ngâm chân muối gừng, mà các cụ còn ngâm chân đá muối

Ngoài các hoạt động vui chơi hằng ngày, người cao tuổi còn được tham gia Olympic thể thao. Ở đó, các cụ được tham gia các phần thi như ném đĩa, đua xe, đá bóng,…. Không những thế những hoạt động làm đèn lồng hand made, làm thiệp chúc mừng, đi dạo cũng được các cụ hào hứng tham gia.

Các cụ tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng còn được tham gia những phần thi trí tuệ như: Sống vui, sống khỏe, giao lưu với các trường mầm non hay sinh viên của các trường đại học, Rung chuông vàng,. Hay các sự kiện sinh nhật tháng, các ngày lễ, kỉ niệm cũng thu hút sự tham gia của nhiều người cao tuổi đang an dưỡng tại trung tâm.

Sinh nhật hàng tháng của các cụ
Bà Hằng vừa đi dạo, vừa đọc sách

Các cụ Diên Hồng làm đèn lồng handmade

Trên đây là một số hoạt động, sự kiện dành cho người cao tuổi tại Dưỡng lão Diên Hồng.

Với những hoạt động vui chơi, người già như được trẻ lại và có nhiều niềm vui hơn với họ. Vì một ngày dài, trong khi con cái đi làm, các cháu đi lớp, mình họ đối diện với cô đơn. Nên các gia đình có thể tổ chức các hoạt động vui chơi cho người cao tuổi. Hoặc gửi người già vào viện dưỡng lão để họ được sống với bạn bè cùng trang lứa, có người bầu bạn sớm hôm.

Xem thêm

Yêu thương lan tỏa cùng các bé trường Mầm non Cỏ Ba Lá

“Con ơi, cho bà đổi ít tiền để mai còn mua đồ ủng hộ các cháu”, tay cầm đồng tiền, tiếng bà Dành vang vang giữa phòng khách. Được biết, ngày mai các bé trường mầm non sẽ qua biểu diễn văn nghệ tặng các cụ và bán những món đồ để ủng hộ miền trung, nên các cụ mong chờ và háo hức lắm.

Từ sáng sớm ông bà đã lên hội trường để chờ đón các bé đến. Một lát sau chiếc xe đỗ xịch trước cửa trung tâm, mang theo những thiên thần đáng yêu. Ngay khi gặp các cụ, các bé chẳng sợ sệt mà ùa vào lòng các cụ, như ngỡ đã thân quen nhau từ lâu.

Thấy ông Lâm ngồi trước thang máy, em bé liền chạy đến, xà vào lòng ông cười đùa vui vẻ

Có lẽ bà Dành là người vui nhất “Nhìn các cháu nhỏ xinh xắn, dễ thương như vậy, mình không yêu chúng nó không được”. Các bé nhỏ như đàn chim nhỏ ríu rít vây quanh các cụ.

Tiết mục nhảy múa của các bé

Mặc dù những điệu nhảy còn non nớt, vụng về nhưng những điều ấy lại làm cho người cao tuổi tại Diên Hồng thêm yêu, thêm quý các bé nhiều hơn. Các bé đến mang làn gió mới đầy niềm vui dành tặng các cụ.

Bà Dành giơ tay múa theo các bé

Các cô và các bé còn tự làm đồ ăn như; Kim chi, sữa chua, bánh trôi,… để gây quỹ ủng hộ Miền Trung. Nên ông bà Diên Hồng, ai cũng mua ủng hộ cho các bé.

Bà Dành chia sẻ: “Mình già rồi, không thể mang đồ đến cho vùng lũ được, nên nhờ cậy vào các cháu. Mình mua đồ cũng như mình ủng hộ được phần nào tốt phần đấy”. Vì vậy nên bà mua nhiều lắm.

Kết thúc chương trình các bé còn bịn rịn không muốn ra về

Tại Diên Hồng người già không chỉ được chăm sóc về sức khỏe, mà còn được chăm sóc cả về tinh thần. Dù ở đâu nhưng người già vẫn thích sống gần con cháu, nên những cuộc giao lưu, gặp gỡ như vậy sẽ giúp vơi đi phần nào nỗi lòng của các cụ.

Xem thêm

Rộn ràng ngày hội chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi tại Viện dưỡng lão Diên Hồng

Nhân ngày 20/10, công ty HaDu cùng với các bạn nhân viên, thực tập sinh của mình đã có một chương trình chăm sóc sức khỏe, mát xa trị liệu cho Người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Buổi sáng hôm ấy buổi sáng của những trái tim tình nguyện tươi mát, đong đầy yêu thương để dành tặng các cụ. Từ sớm, các bạn đã đến trung tâm, túi to, túi nhỏ đồ đạc để có thể thực hiện các hoạt động mát xa trị liệu cho Người cao tuổi.

Các bạn tình nguyện được phân chia theo từng tầng. Dưới sự hỗ trợ của nhân viên điều dưỡng, các bạn nhanh chóng làm quen với các cụ đồng thời thực hiện thao tác xoa bóp, mát xa.

Hình ảnh các bạn tình nguyện xoa bóp, chăm sóc cho các cụ Diên Hồng

Những đôi tay mềm mại di chuyển đều đặn, uyển chuyển nhưng lại vô cùng có lực, tác động vừa phải lên các huyệt đạo chứ không hề hời hợt.

Người già thường hay mắc các bệnh về xương khớp, đau vai gáy, hay tê bì chân tay. Vì vậy khi các bạn tình nguyện thực hiện thao tác xoa bóp, giúp lưu thông khí huyết nên người già sẽ thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Ông Quỳ chia sẻ: “Ông hay bị đau mỏi vai, lưng, nhưng khi được các bạn xoa bóp thì thấy đỡ mỏi hơn, cơ thể thoải mái hơn”. Hay bà Dung “Các bạn có tay nghề nên khi xoa bóp tôi thấy khác hẳn, đỡ mỏi hơn mình tự xoa bóp”.

Bà Hồng kể chuyện cho các bạn nghe
Một bạn tình nguyện còn thử chơi đàn ghi ta

Bạn Hiếu (tình nguyện viên) chia sẻ:  “Hôm nay, em có chăm sóc cho một cụ và em lại nhớ đến bà của em. Bà em bị tai biến nên bà không còn biết gì nữa. Nhưng khi em xoa bóp, rồi luyên thuyên kể chuyện cho bà nghe, thì em chắc chắn rằng bà đang cảm nhận được điều đó. Vì ánh mắt của bà ánh lên một niềm vui lạ kỳ, khác hẳn mọi ngày”. Và các cụ trong trung tâm cũng vậy, ai cũng đều sẽ cảm nhận được điều đó. Hoạt động đó không chỉ đơn thuần là xoa bóp mà còn là trao cho nhau những yêu thương, những tình cảm thiêng liêng nhất.

Bạn Hiếu chụp ảnh kỷ niệm cùng bà Dung
Chia sẻ của chị Hải Duy

“Hôm nay tôi cũng may mắn được xoa bóp cho cụ Định. Cứ chốc chốc cụ lại vùng dậy nhìn chằm chằm vào tôi, như muốn hỏi: Cô đang làm gì tôi đấy? Đến khi xong xuôi, tôi đứng dậy thì cụ liền chộp nắm lấy tay tôi, như muốn níu giữ lại. Tôi biết có thể cụ lẫn không còn biết gì, nhưng chắc chắn rằng, cụ đã tin tưởng vào tôi, một người lạ”, chia sẻ của chị Hải Duy (Giám đốc đào tạo).

Các bạn tình nguyện chụp ảnh lưu niệm tại trung tâm

Hôm nay là ngày mà các bạn tình nguyện được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, có vui mừng, có trầm ngâm suy tư, và học được nhiều điều mới mẻ. Còn các cụ, có lẽ trong lòng ai cũng hân hoan, được yêu thương, được quan tâm và chăm sóc. Cảm ơn các bạn HaDu, nơi trái tim mang yêu thương đến những trái tim.

Xem thêm

Niềm vui nhỏ của người già trong Viện dưỡng lão những ngày cận Trung thu

Ngày 24.10 tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 1 đã diễn ra một buổi giao lưu của các bạn tình nguyện đến làm bánh và tặng quà Trung thu cho các cụ.

Hôm nay, các cụ dậy thật sớm, ăn sáng thật nhanh và mặc quần áo tươm tất, sau đó cùng nhau lên tầng 5 để chuẩn bị cho chương trình giao lưu. Cụ nào cũng háo hức hệt như những đứa trẻ trông mẹ đi chợ về.

9h sáng, 2 chiếc xe đỗ xịch trước cửa Trung tâm, đoàn tình nguyện nhanh chóng di chuyển, người bê thùng caton, người xách túi, cười nói vui vẻ, vang rộn một góc phòng.

Các cụ ghép đèn ông sao

Người già có 2 lần được làm trẻ con, một lần là khi còn nhỏ, và một lần là khi về già. Các cụ như được trở về tuổi thơ, tự tay làm những chiếc đèn ông sao đủ màu sắc rực rỡ, nào vàng, nào xanh, nào đỏ. Cụ nào cũng loay hoay để lắp những thanh tre nhỏ vào đèn. Có cụ mắt mũi kèm nhèm lắp mãi không được, thế là các bạn điều dưỡng lại ra hỗ trợ. Đến khi lắp xong các cụ vui sướng như những đứa trẻ khi được khen.

Một số hình ảnh làm đèn trong buổi giao lưu

 Các cụ không chỉ làm đèn, mà còn trải nghiệm làm bánh Trung thu. Bà Hiền hào hứng chia sẻ: “Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ bà được làm bánh Trung thu cả, vào dưỡng lão ở thế mà lại được làm”. Các ông bà bắt đầu đổ nước đường, đổ bột rồi thi nhau trộn bột xem ai nhanh hơn. Trên khuôn mặt đầy những dấu vết của thời gian bỗng rạng rỡ, vui vẻ lạ thường.

Bên cạnh hoạt động làm đèn, các cụ còn được tự tay làm bánh Trung thu

Trong ngày cận Tết Trung thu, tại Diên Hồng lại rộn ràng và náo nhiệt đến lạ. Cảm ơn đoàn tình nguyện đã mang đến cho các cụ thật nhiều niềm vui và tiếng cười.

Đoàn tình nguyện và các cụ chụp ảnh lưu niệm
Xem thêm

Hàng nghìn chiếc đèn lồng handmade di động rực rỡ đường phố Hà Nội

1000 chiếc đèn lồng bằng giấy và chai nhựa do người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng và điều dưỡng viên tự tay làm đã được giới thiệu đến người dân thông qua một triển lãm di động nhân dịp trung thu 2020. Qua hoạt động này, mọi người muốn mang thông điệp về bảo vệ môi trường.

Sau hơn 1 tháng, các ông bà trong Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cùng các điều dưỡng viên đã sáng tạo ra những chiếc lồng đèn với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau được làm từ giấy, báo, chai nhựa bỏ đi. Mới đây, 7 chiếc xe đạp chở 1000 chiếc đèn lồng handmade rực rỡ sắc màu rong ruổi trên đường phố Hà Nội đã thu hút sự chú ý của người đi đường.

“Ngày xưa tôi còn làm đèn ông sao to đùng chứ mấy cái đèn này thì nhằm nhò gì. Cũng phải cảm ơn các cháu tổ chức làm đèn lồng cho có không khí trung thu. Mọi người khen đẹp thì càng thêm vui”, ông Trần Đức Chẩn – người cao tuổi đang sống tại viện dưỡng lão tỏ ra phấn khởi.


Các cụ hứng khởi làm những chiếc đèn lồng

Không chỉ mang niềm vui đến cho người già mà hoạt động làm đèn lồng còn mang thông điệp về bảo vệ môi trường. Anh Đỗ Trần Hồ Thắng – Tổng giám đốc viện dưỡng lão chia sẻ: “Năm 2020, thế giới đang hướng tới thực hiện hiệu quả thông điệp bảo vệ môi trường. Vì vậy chúng tôi cũng muốn cùng các cụ làm 1 hành động nhỏ ý nghĩa để mọi người thấy rằng nhiều thứ bỏ đi vẫn có thể tái chế thành đồ dùng thiết thực. Lẽ ra chúng tôi tổ chức một lễ hội đèn lồng để mọi người cùng tham gia nhưng do Covid-19, chúng tôi đổi thành triển lãm di động để mọi người được chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng rực rỡ”.

Trong quá trình tổ chức triển lãm, đoàn cũng tặng lại đèn cho các em bé hoặc những người yêu thích mang về cho con chơi. Anh Nguyễn Văn Lừ (Hà Đông) vừa giơ cao mấy chiếc đèn lồng vừa cười nói: “Nhìn mấy cái đèn lồng đẹp quá, mình xin mấy cái về cho các con chơi. Chắc là bọn trẻ sẽ thích lắm đây”.

Một số hình ảnh triển lãm chiếc đèn lồng handmade:


Tỉ mẩn làm những chiếc đèn lồng, các cụ đã rất vui

Những chiếc đèn lồng được giới thiệu qua một triển lãm di động bằng xe đạp

Các em nhỏ vô cùng thích thú với những món quà được tặng từ các cụ sống ở viện dưỡng lão

Qua hoạt động này, các cụ cũng mong muốn góp phần vào việc bảo vệ môi trường

Theo báo GiadinhNet

Xem thêm