Còn nhớ 6 năm trước, khi Diên Hồng vừa “ra đời” thì mọi người
thấy lạ lẫm lắm, không biết cuộc sống trong Viện dưỡng lão thế nào? Rồi dần dần
cũng có ông bà đến đăng ký ở. Người thì ở thật, người thì ở thử. Mà ở thử thích
quá nên ở lâu dài luôn. Không những thế các cụ và gia đình còn giới thiệu cho
nhau. Hay mỗi lần có khách tham quan đến là các cụ lại khoe: “Ở đây thích lắm, Giám
đốc bảo chăm như chăm người thân, nhưng tôi lại thấy chăm hơn chăm người thân ấy
chứ”.
Thời gian thấm thoắt, vậy mà đã 6 năm trôi qua.
Hôm nay nắng rực rỡ, lòng người cũng hân hoan, vẫn là những gương mặt ấy, nhưng ai cũng vui tươi lạ kỳ. Chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng sinh nhật 6 tuổi đã diễn ra vô cùng ấm áp, nhưng cũng không kém phần sôi động tại 2 cơ sở của Diên Hồng.
Người cao tuổi tại Diên Hồng hào hứng tham gia chương trình kỷ niệm.
CLB Quan họ Tri Ân Tri Kỷ và CLB Chèo 48h giao lưu văn nghệ với người cao tuổi tại Diên Hồng 2.
Diên Hồng có được ngày hôm nay là sự cố gắng của tất cả Cán bộ nhân viên và sự tin tưởng, yêu mến của gia đình dành cho Trung tâm. Diên Hồng sẽ cố gắng để mãi là sự lựa chọn hàng đầu, là ngôi nhà đầy ắp tiếng cười cho người cao tuổi.
Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng đều có những nét đẹp riêng của nó. Cũng như ngành y, nét đẹp là sự tận tâm chăm sóc người bệnh. Và Diên Hồng cũng vậy, nhằm tôn vinh nét đẹp của những nhân viên đang ngày đêm miệt mài chăm sóc người cao tuổi, Diên Hồng đã tổ chức cuộc thi Hoa khôi, nam vương Diên Hồng 2020. Cuộc thi là sân chơi bổ ích cho tất cả nhân viên, để mọi người được thể hiện những tài năng độc đáo của mình. Và là dịp để tất cả các bạn khoác lên mình một hình ảnh thật mới lạ. Các bạn nữ thì xinh đẹp, rạng rỡ, quý phái, đáng yêu. Các bạn nam thì mạnh mẽ, khác hẳn với những bộ đồng phục hằng ngày.
Cuộc thi được diễn ra trong vòng 1
tháng và trải qua 4 vòng thi: Vòng loại, vòng video giới thiệu bản thân, vòng
bán kết và gala chung kết.
Thí sinh là tất cả nhân viên của
Diên Hồng, từ điều dưỡng, văn phòng đến cả bếp và tạp vụ. Ai cũng hân hoan chụp
cho mình bức ảnh đẹp nhất để dự thi.
Sau khi trải qua 2 vòng, thì bán kết
sẽ được tổ chức riêng tại 2 cơ sở. Cơ sở 1 có 5 thí sinh và cơ sở 2 có 6 thí
sinh. Đây là dịp để các cơ sở chọn ra những gương mặt xuất sắc nhất tham dự
gala chung kết.
Tại vòng bán kết, các cụ và ban
giám khảo đều ngỡ ngàng với tài năng của các thí sinh. Người thì múa, người thì
hát, người thì tỉa hoa quả và có người thì trổ tài nấu ăn. Tuy thời gian chuẩn
bị ngắn ngủi nhưng cũng khiến cho cả hội trường phải trầm trồ , khen ngợi.
Sau những phần thi gay cấn, cuối cùng 2 cơ sở cũng đã chọn
ra được những bạn thí sinh xuất sắc nhất. Cơ sở 1: Lò Thị Linh, Vũ Thị Huệ,
Nguyễn Đình Như và Ngô Duy Phúc. Cơ sở 2 có: Nguyễn Thị Như, Trần Thị Chinh,
Nguyễn Thị Mùi.
Bước vào chung kết, mỗi thí sinh sẽ trải qua 3 vòng thi, đó là: Trình diễn trang phục tự thiết kế, phần game và cuối cùng là phần thi ứng xử.
Trong phần trình diễn trang phục tự thiết kế, các thí sinh
phải tự chế tạo ra một bộ trang phục từ mọi chất liệu. Đi ra trong tiếng reo
hò, cổ vũ của cả 2 đội, các thí sinh đã rất xuất sắc khi mang đến cho hội thi một
màn trình diễn vô cùng ấn tượng và độc đáo. Mang số báo danh 03, thí sinh Vũ Thị
Huệ khoác lên mình chiếc váy bằng nilon, màu vàng rực rỡ và đuôi váy dài khiến
cho ai cũng phải nhìn theo.
Bộ trang phục của thí sinh Nguyễn Thị Như cùng vô cùng ấn tượng,
từ vỏ bỉm của các cụ dưới bàn tay khéo léo đã biến thanh chiếc váy bồng xòe
duyên dáng.
Đặc biệt, bộ trang phục mới được làm trước lúc thi 30 phút của
thí sinh Nguyễn Thị Mùi cũng không kém phần hấp dẫn. Chiếc váy được làm từ nhiều
chiếc lá xếp chồng lên nhau, mang vẻ đẹp hoang dại như nàng công chúa ngủ trong
rừng.
Tiếp đến là chiếc váy của Lò Thị Linh, với những tờ giấy báo
cũ thí sinh mang số báo danh 31 đã khiến cho khán giả và giám khảo mãn nhãn bởi
chiếc váy có nhiều họa tiết, kỳ công.
Không kém phần kỳ công, phải kể đến trang phục tự thiết kế của
Đình Như. Chiếc áo dài làm từ bao bố được cắt may kỳ công, vẽ hoa sen mang đến
nét đẹp của vua chúa xưa.
Tiếp đến là bộ trang phục được lấy cảm hứng từ các Vua Hùng,
thí sinh Ngô Duy Phúc muốn nhắn nhủ đến mọi người, lúc nào cũng phải ghi nhớ
công ơn dựng nước.
Cuối cùng là bộ cánh mang tên “Siêu nhân Diên Hồng” do thí
sinh Trần Thị Chinh thiết kế. Chiếc váy được hoàn thành sau 4 ngày, với họa tiết
logo Diên Hồng được thêu bằng tay, tỉ mỉ, tinh xảo.
Kết thúc phần trình diễn trang phục tự thiết kế, các thí sinh sẽ bước sang phần game vui nhộn của cuộc thi. Với nam giới sức khỏe là quan trọng nhất, bởi vậy các thí sinh sẽ được tham gia 1 game thể lực mang tên “Sức mạnh nam vương”. Các bạn nam sẽ phải plank trong thời gian 1 phút, và yêu cầu, vừa plank vừa phải cười tươi. Từng giây đồng hồ trôi qua, 2 thí sinh cũng đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình.
Khi nhắc đến nữ giới, chúng ta thường nghĩ đến sự dịu dàng, khéo léo. Chính vì vậy, các bạn nữ sẽ tham gia game “Bàn tay ma thuật”. Trong thời gian 3 phút, các thí sinh phải bóc bưởi và bày ra đĩa sao cho thật đẹp, với tiêu chuẩn đẹp từ trong ra ngoài, từ vỏ bưởi đến tép bưởi.
Kết thúc 2 phần thi, đến phần hồi hộp nhất, căng thẳng nhất,
đó là phần thi ứng xử. Các thí sinh lần lượt bốc thăm và trả lời câu hỏi của
mình.
Với câu hỏi: “Dịch Covid 19 đang bùng phát trở lại và vô
cùng phức tạp. Nếu như dịch bệnh làm cho Diên Hồng gặp nhiều khó khăn về tài
chính thì bạn sẽ làm gì để giúp đỡ cho trung tâm?”. Thí sinh Ngô Duy Phúc đã trả
lời: “Em sẽ trích một phần lương để giúp đỡ Diên Hồng” và nhận được nhiều lời
khen ngợi.
Thí sinh Trần Thị Chinh với câu hỏi: “Nếu gia đình người yêu
hoặc gia đình bố mẹ chồng/vợ của bạn tỏ ra không muốn bạn làm việc ở một trung
tâm dưỡng lão và đề nghị bạn nghỉ việc. Bạn có nghe theo không hay sẽ làm thế
nào?”, bạn đã trả lời: “Nếu gia đình ngăn cấm thì em sẽ giải thích cho bố mẹ hiểu
công việc của em đang làm. Nó không chỉ là một công việc mà con mang ý nghĩa
nhân văn sâu sắc, đó là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Và khi mình làm ở
đây, sau này bố mẹ ốm thì mình vẫn có thể chăm sóc mà không nề hà”.
Với câu trả lời ứng xử thông minh, khéo léo, hai bạn Trần Thị
Chinh và Ngô Duy Phúc đã xuất sắc chinh phục hoàn toàn Ban giám khảo và xứng
đáng nhận được danh hiệu tân Hoa khôi, nam vương Diên Hồng 2020.
Ngoài 2 giải chính, Ban giám khảo cũng tìm được chủ nhân cho các danh hiệu: Quý ông lịch lãm dành cho Nguyễn Đình Như, Người đẹp thân thiện dành cho Vũ Thị Huệ, Người đẹp tài năng dành cho Nguyễn Thị Như, Người đẹp khả ái dành cho Lò Thị Linh và Người đẹp năng động dành cho thí sinh Nguyễn Thị Mùi.
Cuộc thi kết thúc, ai cũng hưởng trọn niềm vui của mình. Các cụ cũng thế, được theo dõi cuộc thi sắc đẹp mà không phải xem qua màn hình ti vi, cảm xúc là chân thật, trọn vẹn. Ban tổ chức rất cảm ơn các cụ đã luôn mạnh khỏe, tích cực, ủng hộ chương trình hết mình.
Sáng ngày 25/7/2020, tại Trung
tâm dưỡng lão Diên Hồng đã diễn ra buổi giao lưu giữa các bạn sinh viên trong
CLB TNTN Kết nối Yêu thương và các cụ tại Diên Hồng Cơ sở 2. Đặc biệt, các ông
bà được tự mình tham gia cuộc thi Rung chuông vàng,
chương trình mà trước giờ chỉ được xem qua ti vi.
Cách đấy một
ngày, các ông bà còn được thi thử, để hôm sau không bị bỡ ngỡ. Cụ nào cũng hào
hứng, không những thế các cụ lại còn trả lời rất đúng.
Sáng sớm ngày
25/7 các cụ được di chuyển lên tầng 6, được sắp xếp ngồi vào vị trí và được
phát bảng đáp án. Trông ai cũng căng thẳng, hồi hộp.
Bà Dành chia sẻ:
“Lần đầu tiên bà được tham gia một chương trình thế này. Bà có phần hồi hộp, lo
lắng một chút”.
Có tất cả 25 cụ
tham gia cuộc thi với tất cả có 20 câu hỏi. Mỗi người được phát 3 đáp án là
1,2,3. Sau khi đọc câu hỏi xong, mỗi cụ sẽ giơ đáp án của mình lên. Người trả
lời sai sẽ phải rời khỏi vòng thi, người trả lời đúng sẽ được tiếp tục ở lại
chơi.
Từ câu 1 đến câu
5 là những câu khá dễ nên hầu như các cụ đều trả lời đúng. Đến câu số 7: Vị vua
truyền Nguyễn cuối cùng là vị vua nào? Có 3 đáp án: Bảo Đại, Hàm Nghi và Gia
Long. Ngay câu này nhiều ông bà đã nhầm lẫn và phải dừng lại cuộc chơi.
Khi đi được một
nửa chặng đường, đến câu số 10 chỉ còn lại 10 ông bà. Do đó đội cứu trợ đã
quyết định tham gia thử thách của Ban tổ chức.
Đội cứu trợ có
10 người. Các bạn là những sinh viên và nhân viên tại Diên Hồng. Các bạn sẽ
chia thành 5 cặp. Các cặp sẽ được phát bóng bay sau đó bơm bóng, và để bóng vào
giữa mũi của 2 người và cùng nhau di chuyển đến vạch đích, đưa bóng vào rổ.
Trong thời gian 3 phút, số bóng vào rổ sẽ là số các cụ được quay trở lại.
Với sự cổ vũ
nhiệt tình của các cụ, đội cứu trợ đã xuất sắc mang về 27 quả bóng và tất cả
các cụ đều được quay trở lại thi đấu tiếp.
Bắt đầu với chặng
đường tiếp theo, câu hỏi dần khó hơn nên cuộc thi trở nên kịch tính hơn.
Đến câu 17, chỉ còn 3 ông bà ở lại trên sân
khấu, đó là Bà Dành, Ông Lâm và ông Chương.
Khi còn lại 3
ông bà thì ông bà cảm thấy thế nào? Bà Dành chia sẻ: “Bà cảm thấy rất vui và
may mắn khi bước đến được câu này”.
Ông Lâm thì hóm
hỉnh: “Ông thấy cũng bình thường thôi”
Đến câu 19, câu
hỏi về Diên Hồng của tôi: Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng được thành lập vào năm
nào? Thì bà Dành và ông Chương đã chọn sai đáp án, chỉ duy nhất ông Lâm trả lời
đúng và đi đến câu cuối cùng, câu số 20.
Câu số 20 là câu về lịch sử: Hiệp định Paris về chấm dứt
chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào năm nào? Có 3 đáp án:
Năm 1972
Năm 1973
Năm 1974
Ông là Thượng úy về hưu, nên
câu này trong hiểu biết của ông. Nhưng để chắc chắn thêm, ông quyết định chọn cứu
trợ, hỏi các bạn tại sân khấu. Với sự trợ giúp của điều dưỡng Lê Anh, ông càng
thêm chắc chắn về đáp áp của mình. Và cuối cùng ông chọn năm 1973, và đó cũng
là đáp án đúng của Ban tổ chức.
Cả hội trường vỡ òa, reo vui
chúc mừng ông đã giành chiến thắng. Đẩy chiếc xe lăn đến chiếc chuông, ông với
tay rung vang chiếc chuông trong sự vui mừng, hân hoan.
Tiếp theo đó là các tiết mục
văn nghệ sôi động, vui tươi của các bạn sinh viên tình nguyện.
Buổi giao lưu khép lại với
nhiều niềm vui. Các bạn đến như một làn gió mát làm cho cuộc sống của các cụ
thêm tươi mới.
Cảm ơn các bạn đã mang đến cho các cụ một ngày giao lưu thật trọn vẹn ý nghĩa. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn luôn mạnh khỏe, vui vẻ nhé.
Giữa ngày hè oi ả, các cô trò của trường mầm non Ánh Dương (Thường Tín) đã không quản đường xá xa xôi tới thăm các cụ Diên Hồng 1. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng chứa đựng biết bao tình cảm trân trọng, yêu quý dành cho Diên Hồng.
Một bữa liên hoan nhỏ giúp các bé và các cụ được gần nhau hơn, được trò chuyện, được yêu thương như những đứa cháu trong gia đình.
Các cô và các bé mang đến cho các cụ những lời ca, tiếng hát vui nhộn đáng yêu. Những bài thơ chớm thuộc, cùng cái giọng ngọng ngọng mới đáng yêu làm sao.
Không những thế các bé còn xoa bóp chân tay, trò chuyện cùng các cụ
Vào một ngày giữa tháng 6, khi cái nắng vẫn còn bủa vây,
nhưng vẫn không thể cản được lòng yêu mến người già của các bạn sinh viên và
các cô chú trong ban nhạc Anh Em. Ngày 6/6/2020, tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng
cơ sở 2, đã diễn ra buổi giao lưu văn nghệ với nhiều niềm vui và kỷ niệm.
Tuy các cô chú đã ở độ tuổi trung niên, nhưng vẫn còn dẻo
dai, giọng hát vẫn đầy nội lực và hào sảng. Các cụ như thả hồn mình vào trong
điệu nhạc du dương, sâu lắng.
Chú Thông (Trưởng câu lạc bộ Anh Em) cho biết: “Được mang những
lời ca, tiếng hát của mình đến cho người già là niềm vinh hanh của các cô chú,
thấy các cụ vui thì cô chú cũng hạnh phúc”
Với sức trẻ của các bạn sinh viên lại mang đến cho các cụ một làn gió mới, một sức sống trẻ, khỏe, yêu
đời.
Các bạn vừa trò chuyên, vừa xoa bóp chân tay cho các cụ, thi
thoảng ghé đầu tựa vào ông bà, như chính ông bà của mình vậy.
“Nhìn các ông bà, em lại nhớ tới ông bà của mình, em cũng đã
từng được âu yếm trong vòng tay ấm áp ấy. Nhưng bây giờ, em chỉ có thể gửi gắm
tình cảm của mình qua các công bà trong Diên Hồng, như một phần mất mát của em”,
bạn Ly, sinh viên trường Đại học Đại Nam chia sẻ.
Chắc hẳn rằng, đây là sẽ một kỷ niệm đáng nhớ của các cụ, của
các cô chú trong Câu lạc bộ và của các bạn sinh viên.
Hạnh phúc chẳng cần tìm kiếm đâu xa, vì hạnh phúc do chính
chúng ta tạo ra.
Khi về già người cao tuổi cần được chăm sóc một cách đặc biệt và cẩn thận. Tuy nhiên không phải khi nào bạn cũng có thể ở bên cạnh bố mẹ, ông bà mình thường xuyên. Đặc biệt là trong những chuyến công tác dài ngày, đi du lịch, hay những lúc gặp vấn đề với giúp việc như chưa tìm được giúp việc, giúp việc về quê, thậm chí sửa nhà, chuyển nhà. Lúc này dịch vụ chăm sóc ngắn ngày tại trung tâm dưỡng lão sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo nhất để bạn có thể yên tâm công tác làm việc nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe cho người thân.
Dịch vụ chăm sóc ngắn ngày bao gồm những gì?
Đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi người, hiện nay tại các trung tâm dưỡng lão
đã và đang cung cấp dịch vụ chăm sóc ngắn ngày mang lại sự tiện lợi và yên tâm
đến mọi người. Dịch vụ này thích hợp với những gia đình không có điều kiện và
thời gian chăm sóc cho người già trong thời gian ngắn từ vài ngày đến vài tuần.
Dịch vụ cũng mang đến cho bạn giải pháp chăm sóc tốt nhất với chất lượng hoàn hảo. Bạn sẽ không cần phải quá lo lắng khi gửi gắm người thân. Bởi lẽ ở đây có rất nhiều người cùng lứa tuổi, họ có người bầu bạn, được tham gia các hoạt động chung vô cùng bổ ích. Nhờ vậy mà có thể xua tan đi những mệt mỏi hàng ngày.
Đặc biệt dịch vụ chăm sóc ngắn ngày vẫn sẽ được hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc
như đối với những người ở dài ngày như y tế, ăn uống, vui chơi. Chế độ chăm sóc
đặc biệt cùng đội ngũ nhân viên trách nhiệm, nhiệt tình sẽ giúp bạn yên tâm hơn
về mọi thứ. Chính vì vậy mà đây cũng là một trong những dịch vụ được nhiều
người sử dụng lựa chọn nhất trong những năm gần đây.
Sử dụng dịch vụ chăm sóc ngắn ngày ở đâu tốt nhất?
Khi lựa chọn trung tâm dưỡng lão, điều khiến người dùng băn khoăn nhất là
tìm được một địa chỉ tin cậy với chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý. Trung
tâm dưỡng lão Diên Hồng là một cái tên quen thuộc đối với nhiều người khi có
nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc ngắn ngày, dài ngày cho người già.
Chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực và tiếp nhận
rất nhiều trường hợp có nhu cầu chăm sóc ngắn ngày, dài ngày. Chất lượng dịch
vụ của trung tâm được người dùng đánh giá rất tốt. Đây cũng là đơn vị hàng đầu
trong việc chăm sóc sức khỏe người già hiện nay. Đội ngũ nhân viên được đào tạo
bài bản, có tâm và có trách nhiệm sẽ mang đến cho người thân của bạn cảm giác
gần gũi, an toàn nhất.
Hãy liên hệ với trung tâm dưỡng lão Diên Hồng ngay hôm nay để được chúng tôi
tư vấn và hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Sự hài lòng của khách hàng chính là
câu trả lời cho chất lượng của trung tâm trong suốt những năm qua.
Vào ngày 20/5/2020, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng vô cùng vinh dự khi được đón tiếp và tổ chức giao lưu gặp mặt các Viện dưỡng lão tại khu vực Hà Nội.
Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí thân thiện, gần gũi với sự góp mặt của các trung tâm chăm sóc người cao tuổi như: Thiên Đức, ALH, Tâm Phúc, Nhân Ái, Trung tâm bảo trợ số 3 Hà Nội. Và đặc biệt có sự tham gia của đại diện Tổng cục Dân số. Đây là dịp để các Viện cùng giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Các viện dưỡng lão cùng chia sẻ những điểm mạnh và hạn chế của nhau, từ đó cải thiện chất lượng chăm sóc người cao tuổi nói riêng, và cải thiện ngành dưỡng lão Việt Nam nói chung.
Nhân dịp này, đại diện của các viện dưỡng lão cùng đi thăm quan cơ sở vật chất và chăm sóc người cao tuổi tại Diên Hồng.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, với người
cao tuổi sức khỏe lại càng quan trọng hơn. Hiểu được điều đó, hằng năm trung
tâm dưỡng lão Diên Hồng đều tổ chức Olympic sân chơi thể thao dành riêng cho
người cao tuổi.
Olympic không chỉ là dịp để người cao tuổi vui chơi, thử thách với những điều mới mẻ mà còn là dịp để người cao tuổi vượt lên chính mình và gắn kết mọi người lại gần nhau hơn.
Năm nay Olympic Diên Hồng được tổ chức
tại 2 cơ sở và thu hút sự tham gia của rất nhiều người cao tuổi.
Phần thi đầu tiên
là đua xe phối hợp. Khi nhắc đến đua xe
chúng ta hay nghĩ đến đường đua lắt léo và những tay đua chuyên nghiệp. Nhưng
tại Diên Hồng, đua xe lại dễ thương và đáng yêu hơn nhiều. Phần thi được thực
hiện bằng những mô hình ô tô handmade. Mỗi đội sẽ có 2 người cao
tuổi hoặc người cao tuổi và điều dưỡng hỗ trợ. Phần thi đòi hỏi sự phối hợp ăn
ý và khéo léo để vượt qua các chướng ngại vật.
Bà Vân chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên bà tham gia một cuộc thi, khi tiếng còi trọng tài cất lên là bà cứ thế đi, đi một mạch đến đích. Cảm giác vỡ òa vui sướng mà trước nay chưa có”
Tiếp đến
phần thi thứ 2 là ném đĩa, có thể đây là điều dễ dàng với nhiều người, nhưng
với người cao tuổi thì đó là cả sự nỗ lực.
Trong phần
thi này, Olympic Diên Hồng 2020 còn được chào đón
một vận động viên ngoại quốc đến từ xứ sở Kim Chi, đó là ông Kwon Sang Soo.
Bằng sự chuyên nghiệp của mình, ông đã bỏ xa các đối thủ và giành được huy chương
vàng cho mình.
Phần thi gay cấn và hồi hộp không kém là ném bóng vào rổ. Phần thi này cũng đòi hỏi sự kết hợp ăn ý giữa
người cao tuổi và điều dưỡng viên. Người cao tuổi sẽ ném bóng còn điều dưỡng
viên sẽ hứng. Phần thi này có chút gian lận nhỏ nhưng mang lại nhiều niềm vui,
tiếng cười cho người cao tuổi, thì gian lận một chút cũng không sao.
Phần thi đá bóng theo
phong cách người cao tuổi. Các cụ sẽ không phải rượt bóng trên sân như chúng ta
vẫn thấy, mà người cao tuổi sẽ đứng trước gôn một khoảng nhất định sau đó đá
bóng vào “lưới”.
Ông Ấn là người đầu tiên tham gia thi đấu nên
ông khá hồi hộp dẫn đến đường bóng không chính xác và không đạt kết quả cao.
Ông cũng lấy làm tiếc nhưng đó là sự trải nghiệm mới mẻ và ông cũng đã nỗ lực để
vượt lên chính mình.
Cuối cùng là phần thi
vượt chướng ngại vật, đây là phần thi dành cho các ông bà khỏe mạnh. Bằng sự
khéo léo của mình, người cao tuổi đã vượt qua các chướng ngại vật và cùng với
người đồng đội của mình, giơ cao lá cờ chiến thắng.
Bà Diễm và bà Tuyết
vô cùng xuất sắc khi trở thành đội thắng cuộc, giây phút hai bà nâng cao chiếc
cúp vô địch mới tự hào và hãnh diện biết bao.
“Đây là lần đầu tiên
bà tham gia một chương trình vui, bổ ích như vậy. Nhưng bà vẫn còn rụt rè và e
ngại, nếu có lần sau bà sẽ tham gia nhiệt tình hơn”, Bà Biển chia sẻ.
Tinh thần thể dục thể
thao của người cao tuổi vẫn còn rực cháy vậy thì người trẻ chúng ta, khi mà sức
khỏe vẫn dồi dào thì hãy biết trân quý và rèn luyện hơn nữa., hãy như các ông
bà trong Diên Hồng.
Có
thể mọi người cảm thấy lạ lẫm khi nghe đến “Ngày của Mẹ”. Và cũng có
nhiều nguồn gốc ra đời kể về ngày đó. Nhưng thực tế ngày của Mẹ không có ngày
cố định cụ thể, và sẽ quy ước lấy ngày chủ nhật thứ 2 của tháng năm là ngày của
Mẹ, năm nay sẽ là ngày 10/5.
Nhân
dịp ngày của Mẹ, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng làm một cầu nối nhỏ cho các
gia đình. Đó có thể là những người con ở phương xa lâu ngày không được về thăm
mẹ, hay đơn thuần là những lời yêu thương muốn gửi đến cho người mẹ yêu dấu của
mình. Vì vậy sáng sớm ngày 10/5, tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, đã diễn ra
chương trình tri ân, giành cho những người mẹ đang an dưỡng tại Viện.
Tham gia buổi lễ, các gia đình không chỉ được trò chuyện với nhau,
mà còn được tham gia thử thách thú vị.
Các gia đình tại cơ sở 1, sẽ tham gia thử thách đi dạo chậm. Thử
thách là dịp để các thành viên được bên nhau lâu hơn, được hiểu nhau hơn.
Còn tại Diên Hồng cơ sở 2, các cụ và gia đình sẽ tham gia một phần thi cắt dán tranh, mỗi thành viên là một bàn tay, tựa như tình cảm gia đình khăng khít, và cùng với đó là lời chúc cho người mẹ, người bà của mình.
Không những thế trong buổi giao lưu, còn có các tiết mục văn nghệ
đến từ các bạn nhân viên, và gia đình.
Chú Dũng, con bà Hỹ, chia sẻ: “Thật tuyệt vời khi trung tâm có những
hoạt động như thế, không chỉ quan tâm đến sức khỏe người cao tuổi, mà còn chăm
lo đến tinh thần của cả các cụ và gia đình”.
Buổi lễ diễn ra trong không khí đầm ấp, sum vầy.
Tôi chợt nhớ đến câu: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời
lòng mẹ vẫn theo con”. Thật không có gì quý bằng tình cảm gia đình, thứ tình cảm
thiêng liêng, cao cả.
21
ngày cách ly là những ngày dài đằng đẵng cuối cùng cũng kết thúc. Các cụ trong
Diên Hồng hôm nào cũng đếm từng ngày chờ thông báo hết giãn cách xã hội, để
trung tâm cho thăm nom trở lại. Lúc này những ánh mắt, những nụ cười, những cái
chạm tay lại có giá trị hơn tất thảy mọi thứ trên đời,
Chị Trần Thị Thúy Nga – Phó tổng Giám đốc cho biết “Bắt đầu từ ngày 23/4 Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chính thức nối lại hoạt động thăm nom trực tiếp người cao tuổi và đón khách tham quan, nhưng các gia đình phải đăng ký trước để trung tâm sắp xếp. Đồng thời vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ”. Sáng sớm ngày 23 thông báo được gửi đến tất cả các gia đình đang có người cao tuổi an dưỡng tại trung tâm. Chiều hôm đó, theo đăng ký từ trước, các gia đình tấp nập đến thăm và được sắp xếp để đảm bảo không tụ tập quá đông người.
Bầu trời hôm ấy đẹp đến lạ, có chút nắng ấm nhè nhẹ đủ để xua đi cái mưa lạnh sụt sùi. Chị Vũ Thị Thoa, con gái út của ông Bưởi, bà Dành từ Đà Nẵng về mấy hôm trước. Hôm nay nghe được thông báo liền vội vã vào thăm. Giây phút gặp nhau, tưởng chừng như mọi thứ xung quanh đều ngưng đọng lại. Đến cả tiếng tích tắc đồng hồ hôm nay cũng vang vọng đến lạ. Chị vội ôm chầm lấy bà, sau đó đến bên giường chào ông. Hai tay chị nắm chặt lấy ông, nhìn ông mỉm cười. Giây phút này tất cả những lời nói đều trở nên vô nghĩa, chỉ cần một ánh mắt thôi cũng đủ để nói lên tất cả. Mặc dù ông bị tai biến không đi lại được nhưng ông vẫn rất tỉnh táo, đôi mắt ông đỏ hoe, rơm rớm lệ. Chị Thoa chia sẻ: “Những ngày dịch bệnh nguy hiểm, chị thấp thỏm không yên. Ngày nào chị cũng gọi điện thoại cho bà để hỏi thăm tình hình. Nhìn bà khỏe mạnh là chị mừng nhưng ông thì khác, ông bị như thế nên gặp trực tiếp vẫn tốt nhất, thấy ông thế này là chị yên tâm. Chẳng còn điều gì tuyệt vời hơn khi thấy cha mẹ mình được mạnh khỏe, bình an”.
Hay như gia đình cô Tuyết Anh, có mẹ đang an dưỡng tại cơ sở 1 của Diên Hồng. Sau khi nhận được thông báo của trung tâm, chiều hôm đó cô vội vàng sắp xếp công việc để tranh thủ vào thăm. “Hôm nay sau hơn một tháng mới được vào thăm bà. Cô thấy bà tươi tỉnh, da dẻ hồng hào cô mừng quá, mừng vì hết cách ly và mừng vì bà được chăm sóc tốt”, cô Tuyết Anh chia sẻ. Hai mẹ con lâu ngày gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, khóe mắt lại cay cay.
Từ xa nom thấy chiếc xe quen thuộc, không ai khác chính là hai cô con gái của bà Hợp tới thăm. Vừa đến trước cửa trung tâm các cô liền kéo khẩu trang lên cẩn thận, tay sát khuẩn nhưng vẫn không quên đeo găng tay để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với bà. Mặc dù bà không còn minh mẫn nhưng khi thấy hai cô đến bà liền cười rất tươi, như trong ký ức vẫn còn điều gì đấy quen thuộc. Cô Dung, con gái bà mở túi quà rồi lấy bóc hộp sữa đưa cho bà. Cô kể: “Bà vào Diên Hồng đã 3 năm, được các bạn chăm sóc chu đáo, bà khỏe hơn nên cô yên tâm lắm .Từ khi trung tâm có quy định không cho gia đình đến thăm hỏi trực tiếp thì các cô chỉ mang quà bánh vào cho bà chứ không được gặp. Bây giờ hết cách ly được đến thăm bà trực tiếp, thấy bà vẫn vui khỏe là các cô mừng lắm”. Cô còn chia sẻ, ngày nào cô cũng vào facebook của trung tâm để nghe ngóng về tình hình của các cụ, xem những buổi tập thể dục, xem những hôm vui chơi, rồi thấy có thông báo là các cô vào liền.
Các hoạt động vui
chơi, giải trí của người cao tuổi trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng vẫn vẫn
được diễn ra đều đặn. Các cụ bà U80 còn rủ nhau picnic tại gia và chụp hình
sống ảo.
Sau khi hết cách ly,
có người thì đi chơi, người thì đi du lịch, người thì đi ăn uống gặp gỡ bạn bè.
Còn gia đình các cụ chỉ mong hết dịch để vào thăm người thân. Giữa bộn bề của
cuộc sống tình cảm gia đình vẫn thật thiêng liêng và cao cả.
Có những điều tưởng
chừng như nhỏ bé, bình dị và trong lúc tất bật của cuộc sống ta vô tình bỏ quên.
Để rồi mùa dịch ập đến ta lại ngỡ ngàng tiếc nuối. Hãy biết ơn những điều bình
dị đó, bởi nếu không trải qua khó khăn, chúng ta sẽ không bao giờ biết trân
quý.