Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All Posts in Category: Cuộc sống tại Diên Hồng

Viện dưỡng lão những ngày hết cách ly

21 ngày cách ly là những ngày dài đằng đẵng cuối cùng cũng kết thúc. Các cụ trong Diên Hồng hôm nào cũng đếm từng ngày chờ thông báo hết giãn cách xã hội, để trung tâm cho thăm nom trở lại. Lúc này những ánh mắt, những nụ cười, những cái chạm tay lại có giá trị hơn tất thảy mọi thứ trên đời,

Chị Trần Thị Thúy Nga – Phó tổng Giám đốc cho biết “Bắt đầu từ ngày 23/4 Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chính thức nối lại hoạt động thăm nom trực tiếp người cao tuổi và đón khách tham quan, nhưng các gia đình phải đăng ký trước để trung tâm sắp xếp. Đồng thời vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ”. Sáng sớm ngày 23 thông báo được gửi đến tất cả các gia đình đang có người cao tuổi an dưỡng tại trung tâm. Chiều hôm đó, theo đăng ký từ trước, các gia đình tấp nập đến thăm và được sắp xếp để đảm bảo không tụ tập quá đông người.

Bầu trời hôm ấy đẹp đến lạ, có chút nắng ấm nhè nhẹ đủ để xua đi cái mưa lạnh sụt sùi. Chị Vũ Thị Thoa, con gái út của ông Bưởi, bà Dành từ Đà Nẵng về mấy hôm trước. Hôm nay nghe được thông báo liền vội vã vào thăm. Giây phút gặp nhau, tưởng chừng như mọi thứ xung quanh đều ngưng đọng lại. Đến cả tiếng tích tắc đồng hồ hôm nay cũng vang vọng đến lạ. Chị vội ôm chầm lấy bà, sau đó đến bên giường chào ông. Hai tay chị nắm chặt lấy ông, nhìn ông mỉm cười. Giây phút này tất cả những lời nói đều trở nên vô nghĩa, chỉ cần một ánh mắt thôi cũng đủ để nói lên tất cả. Mặc dù ông bị tai biến không đi lại được nhưng ông vẫn rất tỉnh táo, đôi mắt ông đỏ hoe, rơm rớm lệ. Chị Thoa chia sẻ: “Những ngày dịch bệnh nguy hiểm, chị thấp thỏm không yên. Ngày nào chị cũng gọi điện thoại cho bà để hỏi thăm tình hình. Nhìn bà khỏe mạnh là chị mừng nhưng ông thì khác, ông bị như thế nên gặp trực tiếp vẫn tốt nhất, thấy ông thế này là chị yên tâm. Chẳng còn điều gì tuyệt vời hơn khi thấy cha mẹ mình được mạnh khỏe, bình an”.

Giây phút xúc động khi chị Thoa đến thăm ông bà

Hay như gia đình cô Tuyết Anh, có mẹ đang an dưỡng tại cơ sở 1 của Diên Hồng. Sau khi nhận được thông báo của trung tâm, chiều hôm đó cô vội vàng sắp xếp công việc để tranh thủ vào thăm. “Hôm nay sau hơn một tháng mới được vào thăm bà. Cô thấy bà tươi tỉnh, da dẻ hồng hào cô mừng quá, mừng vì hết cách ly và mừng vì bà được chăm sóc tốt”, cô Tuyết Anh chia sẻ. Hai mẹ con lâu ngày gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, khóe mắt lại cay cay.

Khoảng khắc cô Tuyết Anh gặp mẹ mình

Từ xa nom thấy chiếc xe quen thuộc, không ai khác chính là hai cô con gái của bà Hợp tới thăm. Vừa đến trước cửa trung tâm các cô liền kéo khẩu trang lên cẩn thận, tay sát khuẩn nhưng vẫn không quên đeo găng tay để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với bà. Mặc dù bà không còn minh mẫn nhưng khi thấy hai cô đến bà liền cười rất tươi, như trong ký ức vẫn còn điều gì đấy quen thuộc. Cô Dung, con gái bà mở túi quà rồi lấy bóc hộp sữa đưa cho bà. Cô kể: “Bà vào Diên Hồng đã 3 năm, được các bạn chăm sóc chu đáo, bà khỏe hơn nên cô yên tâm lắm .Từ khi trung tâm có quy định không cho gia đình đến thăm hỏi trực tiếp thì các cô chỉ mang quà bánh vào cho bà chứ không được gặp. Bây giờ hết cách ly được đến thăm bà trực tiếp, thấy bà vẫn vui khỏe là các cô mừng lắm”. Cô còn chia sẻ, ngày nào cô cũng vào facebook của trung tâm để nghe ngóng về tình hình của các cụ, xem những buổi tập thể dục, xem những hôm vui chơi, rồi thấy có thông báo là các cô vào liền.

Hai cô con gái của Bà Hợp vào thăm bà

Các hoạt động vui chơi, giải trí của người cao tuổi trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng vẫn vẫn được diễn ra đều đặn. Các cụ bà U80 còn rủ nhau picnic tại gia và chụp hình sống ảo.

Sau khi hết cách ly, có người thì đi chơi, người thì đi du lịch, người thì đi ăn uống gặp gỡ bạn bè. Còn gia đình các cụ chỉ mong hết dịch để vào thăm người thân. Giữa bộn bề của cuộc sống tình cảm gia đình vẫn thật thiêng liêng và cao cả.

Có những điều tưởng chừng như nhỏ bé, bình dị và trong lúc tất bật của cuộc sống ta vô tình bỏ quên. Để rồi mùa dịch ập đến ta lại ngỡ ngàng tiếc nuối. Hãy biết ơn những điều bình dị đó, bởi nếu không trải qua khó khăn, chúng ta sẽ không bao giờ biết trân quý.

Xem thêm

Ngỡ ngàng hình ảnh ông bà đón Tết 2020 trong Viện dưỡng lão

Mỗi năm Tết đến xuân về, người người lại xốn xang về quê ăn Tết, đoàn tụ với gia đình. Trong dòng người hối hả, ở một góc nào đó người cao tuổi lại cùng nhau chuẩn bị cái tết trong viện dưỡng lão.

Hằng năm, tại Diên Hồng đều cố gắng để các cụ có một cái Tết ấm cúng. Người già cùng nhau xúng xính, sắm sửa trong hội chợ Tết xưa yêu thương. Đó là nơi để các cụ hòa vào không khí ngày Tết, không còn cảm giác lạc lõng giữa xã hội xô bồ.

Hình ảnh các trong hội chợ Tết xưa

Các cụ chụp ảnh cùng các bạn sinh viên trường Khoa học xã hội và Nhân văn

Các cụ chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn tình nguyện trường Đại Nam
Các bé trường mầm non đến múa hát trong dịp Tết xưa
Văn nghệ chào mừng Tết xưa yêu thương
Những món quà nhỏ của các bạn trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tặng các cụ Diên Hồng
Các cụ được hòa mình vào không gian chợ Tết, được tham gia các trò chơi dân gian
Và cuối cùng là lưu lại những bức ảnh đẹp cùng gia đình, người thân
Xem thêm

Tết của người già: “Ở đâu cũng được miễn vui là được”

Vào những ngày cận Tết khi cái lạnh vẫn còn réo rắt quanh đây, nhịp điệu cuộc sống dường như lại hối hả hơn, tất bật hơn, thì ở một nơi nào đó của Diên Hồng lại bình yên đến lạ.

Trong căn phòng nhỏ, chiếc bàn con được kê ra giữa phòng, kèm theo là 2 cái ghế 2 bên. Bà Phùng Kim Đính (95 tuổi, Hà Nội) ngồi trên giường ngắm chậu cúc vàng mà mấy hôm trước bà được tặng. Rồi khuôn mặt đăm chiêu, đôi mắt nheo lại, bà kể: “Bà vào Diên Hồng ở cũng được 5 năm rồi. Từ cái ngày bà còn khỏe, còn đi lại được, đến bây giờ thì đi đâu cũng phải có xe lăn làm bạn. Năm nay cũng là cái Tết thứ 5 bà không về nhà rồi”. Bà ăn Tết trong viện dưỡng lão nhưng chẳng khác gì ở nhà. Bà bảo “Cũng một mình một phòng, mùng 1 Tết thì con cháu đến thăm chúc thọ, đông đủ lắm, cũng chẳng thiếu ai cả”. Không những thế bà còn nhờ các bạn nhân viên mua giúp cành đào, cây quất nhỏ, thêm cả túi hướng dương, hạt bí. Bà bảo như thế cho có không khí Tết, “Tết ở đâu cũng được, trong viện dưỡng lão cũng được, miễn là vui”.

Cũng là cụ sống ở Diên Hồng từ lâu, bà Lưu Thị Dung (90 tuổi, Thái Bình), đây cũng là cái Tết thứ 4 của bà tại dưỡng lão Diên Hồng kể từ khi kết thúc cuộc hôn nhân với người chồng cũ. Bỗng bà ngừng lại, những khoảng ký ức mờ đục chạy qua trong tâm trí bà, rồi bà nghẹn ngào kể: “Chồng cũ của tôi là người vô tâm, gia trưởng, không đoái hoài đến việc đỡ đần, giúp đỡ vợ. Nên những độ Tết đến xuân về, tôi như không có lúc nào nghỉ ngơi, lúc nào cũng luôn chân, luôn tay. Nhưng từ ngày vào đây, tôi không còn phải tất bật, không phải lo toan. Tôi không hề thấy buồn, trái lại tôi thấy thật bình yên”. Năm nào cũng thế bà ăn Tết cùng Trung tâm, cùng các bạn trực, cùng các ông bà. Khi nào cháu họ đến đón thì bà về chơi một hai hôm rồi lại vào. “Ở chơi lâu thì nhớ các cụ trong phòng, nhớ mấy cháu nhân viên nên chẳng về lâu được”, bà Dung chia sẻ.

Các cụ và gia đình sum họp những ngày cận Tết

Khi hỏi “Tết bà thích ở đây hay về nhà với con cháu?” thì Bà Phạm Thị Hiền (75 tuổi, Hà Nội) chia sẻ “Tết mà, người già ai chả muốn được gần con, gần cháu. Nhưng chúng nó bận, mình có về thì cũng được một vài hôm. Thôi vào đây cho con cháu nó yên tâm”. Mà Tết trong này cũng vui lắm, chẳng thiếu cái gì. Cũng bánh chưng, giò chả, cũng bánh kẹo mứt Tết như ở nhà. Độ trước Tết lại có các cháu mầm non đến chơi, nhìn bọn trẻ là muốn ôm cả ngày, vui lắm chứ không buồn đâu.

Bà Hiền và các cụ vui vẻ bên các cháu mầm non

Bà Vũ Thị Dành ( 82 tuổi, Hà Nội), mới vào Diên Hồng được thời gian ngắn. Bà kể ngày chưa vào trung tâm thì hai ông bà ở với con. Nhưng do khác biệt giữa hai thế hệ nên ông bà đã quyết định vào Viện dưỡng lão ở luôn. Năm nay cũng là năm đầu tiên ông bà ăn Tết tại một nơi không phải nhà mình, cũng có đôi chút tiếc nuối nhưng cũng đôi chút háo hức, chờ đợi.

Hiện tại Diên Hồng có khoảng 160 cụ, và hầu hết các cụ đều ở lại Trung tâm ăn Tết, có một số ít các cụ về, nhưng cũng về một hai hôm là lại vào. Có cụ buổi sáng về, buổi chiều đã đòi vào vì nhớ mọi người trong này quá.

Cành đào đỏ thắm đang bắt đầu nở rộ

Dẫu biết rằng Tết đến xuân về, ai ai cũng háo hức ngày sum họp, nhưng có một số cụ thì điều đó lại trở nên khó khăn. Vì thế để xua tan nỗi niềm của các ông, các bà thì Diên Hồng vẫn luôn cố gắng để mỗi cái Tết là một niềm vui, là sự trọn vẹn. Nào là cành đào đỏ thắm, chiếc bánh chưng xanh, trong mâm cơm cũng là những món ăn quen thuộc của ngày Tết.

Tết trong trung tâm dưỡng lão không hề cô đơn như mọi người vẫn nghĩ. Đó là những ngày mà vài người bạn tóc bạc ngồi lại với nhau, ôn lại câu chuyện thời thanh xuân, son trẻ của mình. Là lời hỏi han chân tình từ người bên cạnh, nào là “Hôm nào cụ về ăn Tết?”, “Cụ ở lại ăn Tết với các cháu, tôi về mấy hôm tôi lại vào”, “Cụ nhớ ngủ sớm”. Người về, kẻ ở ấy thế mà lại không thấy buồn, bởi cái sự quan tâm yêu thương nhau lắm. Giữa căn phòng sinh hoạt chung, các cụ quây quần với nhau, cùng xem một vở hài, đôi tay run run nắm lấy nhau thế là ấm áp.

Xem thêm

Cuộc sống phía sau cánh cửa viện dưỡng lão

Khi nhắc đến viện dưỡng lão, nhiều người vẫn có cái nhìn ái ngại về nó. Đằng sau cánh cổng ấy, mọi âm thanh, nhịp điệu của cuộc sống đều ngưng lại. Và phía sau viện dưỡng lão là một thế giới ảm đạm, buồn tẻ. Nhưng tại Dưỡng lão Diên Hồng vẫn là một cuộc sống đầy thi vị sắc màu. Và cuộc sống ấy vẫn cứ nhẹ nhàng, chậm rãi theo từng tích tắc của thời gian.

Nhịp điệu của Diên Hồng vẫn đều đặn hàng ngày bằng những bản nhạc chào buổi sáng. Các cụ thức dậy, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân. Ngoài phòng sinh hoạt chung, các cụ quây quần lại cùng nhau ăn sáng, tiếng nói cười rộn rã, vang vọng một khoảng trời.

Diên Hồng không hẳn là một viện dưỡng lão mà Diên Hồng như ngôi nhà chung cho tất cả các cụ. Các cụ với những độ tuổi khác nhau, mang trong mình những bệnh tật khác nhau và tính tình cũng không cụ nào giống cụ nào. Nhưng khi đến với Diên Hồng, các cụ như hòa mình vào ngôi nhà chung, cùng nhau ngủ 1 khung giờ, dậy cùng 1 giấc và ăn cùng 1 bữa cơm. Ngày ngày trò chuyện, quan tâm như những người bạn tri kỷ.

Bà Lưu Thị Dung (89 tuổi), tính đến nay cũng đã hơn 3 năm bà sống tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Sáng nào cũng vậy bà thức dậy từ rất sớm, tập những bài thể dục đơn giản hay đi bộ quanh các phòng. Giọng trầm ngâm, bà chia sẻ: “Ngay sau khi trải qua rạn nứt hôn nhân với người chồng của mình, bà được các cháu đưa vào Diên Hồng. Từ đó bà mới tìm thấy được tự do, niềm vui của mình sau mấy chục năm bỏ lỡ”. Căn phòng nhỏ của bà lúc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng. Hàng ngày bà vẫn tự mình tắm rửa, giặt quần áo, ở độ tuổi của bà hiếm có ai còn minh mẫn và khỏe mạnh như bà. Bà bảo, Diên Hồng sẽ là nơi cùng bà gắn bó đến cuối đời.

“Thích nhờ, ông bà già thế này mà vẫn còn được đi máy bay”, tiếng bà Liên hóm hỉnh vang lên, kèm theo đó là nụ cười móm mém. Ai bảo già rồi là không được ước mơ. Như các cụ Diên Hồng, gần hết đời người chỉ mong một lần được đi máy bay xem nó thế nào, xem con chim sắt ấy có giống như trên ti vi không. Cứ ngỡ đó là những câu nói chuyện vu vơ, ấy thế mà lại trở thành hiện thực. Các cụ được lên máy bay, được cảm nhận bằng chính 5 giác quan của mình. Bà Hằng xúc động: “Tôi năm nay 96 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đi máy bay, đi xong về tôi phải sống thêm được mấy năm nữa để còn được đi máy bay lần 2, lần 3”. Chắc hẳn tuổi trẻ ai cũng còn nhiều điều tiếc nuối. Nhưng đến với Diên Hồng các cụ có thể được làm những điều mình thích hay những điều còn dang dở.

Cuộc sống của Diên Hồng là một kho truyện đầy thú vị, và những điều thú vị đến từ chính các cụ. Có cụ cả ngày chỉ ngồi nói chuyện một mình mà không biết chán, hệt như đứa trẻ lên 5 trò chuyện, vui chơi với những người bạn trong tưởng tượng. Có cụ thì ngày qua ngày ngồi phơi nắng trước lan can, đến mức nắng chiếu sạm da nhưng nhất quyết vẫn không chịu đi chỗ khác. Hay có cụ đến giờ ăn cơm nhưng không chịu ăn, một mực phải chờ cháu đi học về để ăn cùng như trước đây. Các cụ là thế, dù cho không còn minh mẫn nhưng tận sâu bên trong vẫn là những điều tốt đẹp và tuyệt vời nhất. Dù ở bất cứ nơi nào thì cuộc sống vẫn thật muôn màu, muôn vẻ và các cụ hãy cứ vui vẻ, hồn nhiên, để mỗi phút giây qua đi là những điều tuyệt vời.

Xem thêm

Dinh dưỡng cho người cao tuổi tại Diên Hồng

Dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe đối với tất cả mọi người, nhất là với người cao tuổi. Vì thế Diên Hồng đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi để đảm bảo sức khoẻ cho các ông bà đang sống tại trung tâm.

Sẽ không ít người muốn hiểu rõ hơn về thực đơn hàng ngày của người cao tuổi tại các viện dưỡng lão, nhất là những người đang có nhu cầu gửi gắm người thân. Liệu chế độ dinh dưỡng có được đảm bảo không? Có tốt cho sức khỏe của các cụ không? Thực đơn có được thay đổi đa dạng hay không?…Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, ngoài sự chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ và chuyên nghiệp của điều dưỡng thì chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người cao tuổi luôn là điều luôn được chú trọng và quan tâm.

Chế độ ăn uống đa dạng

Tính đa dạng là điều bắt buộc mà các đầu bếp Diên Hồng cần thực hiện để các cụ có thể thay đổi khẩu vị. Người cao tuổi thường kén ăn hơn vì thế việc thay đổi món ăn liên tục sẽ giúp các cụ ăn ngon miệng hơn. Mỗi ngày, người cao tuổi sẽ ăn 3 bữa chính: sáng, trưa và tối. Ngoài ra có bữa phụ chiều như sữa tươi, sữa chua, hoa quả,…

Thông thường ở các gia đình, người cao tuổi thường ăn theo thực đơn chung của cả gia đình trong đó có nhiều món khô, cứng chỉ hợp với giới trẻ, không phù hợp với các ông bà. Chính vì vậy, Diên Hồng luôn tham khảo ý kiến của các bác sĩ để có một chế độ dinh dưỡng cho người già phù hợp.

Món ăn của các bữa chính sẽ được thay đổi liên tục theo từng tuần, từng ngày theo sở thích và mong muốn của người cao tuổi. Món ăn được chế biến hấp dẫn để tránh gây nhàm chán cho các cụ. Đầu bếp của Diên Hồng chia sẻ: “Bếp Diên Hồng luôn cố gắng để đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi thật hợp lý. Đồ ăn cho các cụ thì phải được nấu nhừ, rau phải mềm để các cụ dễ ăn. Các bạn điều dưỡng hôm nào cũng phải chuẩn bị đồ ăn cho các cụ, bóc vỏ tôm hoặc cắt nhỏ món ăn. Nói chung làm đồ ăn cho người cao tuổi khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian nhưng vì sức khỏe của các cụ nên mọi người vẫn cảm thấy rất vui”.

Thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe

Đối với người già chức năng hệ tiêu hóa bị suy giảm, dễ mắc chứng khó tiêu, nhai kém,  ăn không ngon miệng. Mặt khác, người già cũng thường mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, viêm khớp,,…Vì vậy, thực đơn sẽ theo sự tư vấn của bác sỹ để phù hợp cho các cụ.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Một món ăn ngon không chỉ nhìn qua hình thức bên ngoài, mà nguồn thực phẩm cũng phải đảm bảo. Các loại thịt, cá, rau củ,…được mua tại các trung tâm cung cấp thực phẩm an toàn, có chứng nhận của cơ quan chức năng do đó đảm bảo an toàn cho các cụ.

Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi được bác sĩ Diên Hồng tư vấn cẩn thận

Với người cao tuổi, không chỉ cần có chế độ ăn uống khoa học mà cách chăm sóc, chế độ nghỉ ngơi cũng phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng luôn hướng đến những giá trị cốt lõi, mang tính nhân bản, luôn đặt người cao tuổi là trung tâm. Vì thế luôn dành những điều tốt nhất cho người cao tuổi để người cao tuổi được vui khỏe hơn mỗi ngày.

Xem thêm

Cô đầu bếp ở viện dưỡng lão và những điều chưa kể

Chị – Phạm Thu Huyền, người con gái đã bỏ lại sau lưng một công việc với đúng chuyên ngành của mình, để bén duyên với công việc mới, ngày ngày tỉ mẩn nấu những bữa ăn chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi trong viện dưỡng lão.

Hồi đó, Viện dưỡng lão Diên Hồng mở thêm một cơ sở mới. Khi đấy có khoảng 30 người cao tuổi, 1 đầu bếp phụ trách, nhân viên điều dưỡng cũng ít vì thế phải tuyển, thêm một phụ bếp. Một buổi sáng nọ, tay cầm tập hồ sơ chị bước đến phỏng vấn. Tôi vẫn nhớ như in cái dáng người có chút đầy đặn nhưng lại thật nhanh nhẹn và khéo léo của chị.

Một số công việc hằng ngày của chị

Được biết chị tốt nghiệp một trường y, và đang làm cho một phòng khám gần nhà nhưng chị lại đến phỏng vấn công việc của một phụ bếp. Tôi lần mò thì biết được một câu chuyện ý nghĩa đằng sau. Ban đầu, chị không có ý định xin việc ở viện dưỡng lão. Là chị chồng đã lén đăng lý xin việc cho chị. Hôm chị đến phỏng vấn, anh Tổng giám đốc đã hỏi chị một câu: “Điều gì trong cuộc sống khiến em cảm thấy thoải mái?” nhưng chị không trả lời được. Chị trầm ngâm: “Từ lúc chị làm ở phòng khám nọ, chị luôn cảm thấy dằn vặt, không yên lòng. Chị luôn nghĩ nghề y là để cứu giúp mọi người, nhưng rồi vì cuộc sống cơm áo gạo tiền nên chị buộc phải nói ra những lời trái lương tâm”. Và rồi sau cuộc phỏng vấn hôm đó, chị đã có một quyết định táo bạo, thay đổi cuộc sống của chị.

Vài hôm sau chị đến làm, bắt đầu công việc của một phụ bếp. “Chị thấy mọi thứ thật bỡ ngỡ, nhưng cũng thật thú vị. Chân tay cứ lóng ngóng, chẳng biết phải làm gì, mà cái gì cũng muốn thử nhưng lại sợ làm hỏng”. Mỗi ngày trôi đi, chị học được thêm nhiều điều mới lạ. Hôm nào cũng thế, chị đến từ sớm, dọn dẹp sạch sẽ căn bếp của mình, rồi nhặt rau, sơ chế đồ ăn, khi xong thì rửa bát. Mất mấy hôm đầu chưa quen, vì đứng nhiều nên đau mỏi cả lưng, cả chân tay. Những tia nắng sớm rọi vào căn bếp nhỏ, in bóng dáng ấy của chị cứ thoăn thoắt, luôn chân, luôn tay.

Một số công việc hàng ngày của chị

Một thời gian sau, chị được cử đi học một khóa về nấu ăn để có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm bếp núc hơn. Hơn nữa chị đã đạt được danh hiệu “Quả táo vàng” dành cho những đầu bếp giỏi. Từ đó chị được bổ nhiệm lên bếp chính, trực tiếp nấu những bữa ăn cho các cụ. Vốn nấu ăn đã khó, mà nấu ăn cho người cao tuổi lại càng khó hơn. Mỗi cụ một sở thích, mỗi cụ lại mang trong mình những bệnh lý khác nhau. Có cụ phải kiêng cái này, cụ không ăn được ăn cái kia. Trước đây khi còn làm phụ bếp, chị cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ bếp chính. Nhưng đến khi trực tiếp làm chị mới thấy khó khăn. Chị lên mạng tìm hiểu những thực phẩm, cách chế biến những món ăn phù hợp cho người cao tuổi. Ngày nào cũng thế, chị đều đặn lên hỏi các cụ xem “Hôm nay cơm có cứng không? Canh có mặn không? Thức ăn có hợp khẩu vị không?” Nếu chưa vừa thì chị sẽ điều chỉnh qua mỗi bữa ăn. Từ đó chị dần dần có thêm nhiều kinh nghiệm bếp núc.

Kỷ niệm 5 năm thành lập Diên Hồng

Chị Huyền chia sẻ: “Chị đến với Dưỡng lão Diên Hồng có lẽ là do cái duyên, Diên Hồng mang đến cho chị cảm giác thân quen. Nó như một xã hội thu nhỏ, nhưng xã hội này lại rất yên bình, không ồn ào, tấp nập, khiến cho con người ta cứ muốn ở lại mãi. Công việc chị đang làm cũng vậy, nó không đơn thuần là một công việc để nhận lương, mà mỗi ngày trôi qua, chị đều cố gắng làm bằng cả tấm lòng. Mẹ chị cũng từng dặn dò làm gì cũng phải từ cái tâm, nấu ăn cũng thế, chăm chút từng món ăn như chăm chút cho đứa con tinh thần của mình. Mỗi bữa ăn hoàn hảo không chỉ là ăn no mà đó còn là trải nghiệm, là thưởng thức”.

Khi nhắc đến chị, cả nhân viên và người cao tuổi đều tấm tắc khen. Chị hay biến tấu thành những món tươi mới, giúp mọi người ngon miệng hơn sau những giờ làm việc mệt nhọc.

Có thể so với rất nhiều người, chị không nấu nướng giỏi, nhưng chị là đầu bếp của bản thân chị, của người cao tuổi và của chúng tôi. Đôi lúc, cuộc đời bạn có thể nhạt nhẽo, nhưng bạn có thể thêm “muối, đường,..” hay bất cứ gia vị nào bạn cho là cần thiết để có được những “món ăn hợp khẩu vị” của bạn, và mang lại niềm vui cho những người xung quanh bạn.

Xem thêm

Diên Hồng trong tôi

Tôi tìm em giữa trời thu Hà Nội

Những con đường chen chúc hối hả qua

Ánh nắng xanh chiếu rọi vào nơi ấy

Diên Hồng ơi nồng ấm lắm lòng người.

Tôi bắt gặp hai nội tôi ở đó

Có phải chăng tôi cũng đã mơ hồ

Ông quên tên tôi là đứa cháu nhỏ

Yếu ớt ăn, yếu ớt cả nói cười.

Bên kia bà e dè không dứt khoát

Chẳng lẽ ngồi nghe đến tận sáng mai

Vâng không sao cháu xin bà cứ mặc

Bà kể đi, bà cứ kể đi bà.

Viện dưỡng lão chẳng phải nơi đáng sợ

Lá tươi xanh ắt có lá ngả vàng

Nơi yêu thương được nâng thêm phần ngọt

Trái tim này gắng ngăn giọt lệ rơi.

Tôi chắc chắn mình không hề hối hận

Một con đường trăn trở khúc tương lai

Mộng áo trắng cho tôi nhiều chọn lựa

Chạm em rồi tay muốn gỡ lại thôi.

Diên Hồng cho tôi niềm tin thức dậy

Trái tim hồng luôn thấy ánh bình minh

Thành phố hôm nay tươi đẹp lung linh

Trong ánh mắt thắm tình bao bè bạn.

Dẫu mai này đi bất cứ nơi đâu

Diên Hồng luôn hiện hữu chẳng chia lìa

Ấm áp yêu thương trái tim điều dưỡng

Tay trong tay tha thiết mối tình đầu.

Nguyễn Thị Thu Hà – Bài dự thi “Tuổi trẻ Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”

Xem thêm

Nụ cười của người cao tuổi chính là thanh xuân của tuổi trẻ

Tôi gắn bó với Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng một thời gian. Đây là lần thứ 2 tôi được đặt cây bút lên để viết bài dự thi chào mừng sự trưởng thành, lớn lên của Dưỡng lão Diên Hồng tròn 5 tuổi với chủ đề “Tuổi trẻ của Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”. Tuy chỉ là một bài viết dự thi nhưng nó cũng nói nên tất cả những gì mà thời tuổi trẻ của tôi đã gắn bó với nghề nghiệp chăm sóc người cao tuổi ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Thời còn mới ra trường ai cũng có ao ước mình sẽ được làm việc ở bệnh viện. Tôi đây cũng muốn được làm trong môi trường đó, vì đó là môi trường tốt để cho tôi được học hỏi chữa bệnh cứu sống mang lại niềm vui cho bệnh nhân khác. Vì vậy tôi chia tay Diên Hồng để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Thế nhưng tôi cũng chỉ làm ở bệnh viện được 1 thời gian vì cuộc sống bộn bề khiến tôi phải dừng ước mơ đó lại. Tôi không làm ở bệnh viện không phải tôi không làm được mà trái lại còn làm tốt. Thời gian làm ở bệnh viện giúp tôi học hỏi được rất nhiều cách xử lý cấp cứu mà Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đang cần đến. Vì vậy quyết định quay trở về ngôi nhà dưỡng lão xưa mà trước đây tôi đã từng gắn bó để tiếp tục cống hiến tuổi trẻ của mình.

Ở đây bệnh nhân hay còn gọi cách khác là Người cao tuổi mà tôi đang chăm sóc hàng ngày nó khác với môi trường bệnh viện mà trước đây tôi đã làm, ở đây Người cao tuổi mỗi người có một bệnh tình khác nhau không ai giống ai. Nhiều người hay bạn bè và cả người thân của tôi nghĩ rằng làm dưỡng lão chẳng học hỏi đúc rút được kinh nghiệm gì trong y học. Nhưng tôi lại học được một điều là biết chăm sóc Người cao tuổi mà rất ít người làm được việc này đó là chăm sóc từng cách ăn uống vệ sinh, nghỉ ngơi và sinh hoạt thể dục thể thao hàng ngày của các Cụ. Điều tôi đáng tự hào rằng mình học trong môi trường bệnh viện được những gì tôi đã đều áp dụng và xử trí cho Người cao tuổi, những pha cấp cứu ban đầu cần thiết ở mọi lúc mọi nơi trong Diên Hồng. Từ đó tôi đã từ bỏ ước mơ mà tuổi trẻ của mình để theo đuổi dưỡng lão Diên Hồng đến cùng, tôi muốn được đi học nhiều hơn nữa về chuyên môn chăm sóc Người cao tuổi và phục hồi chức năng cho những ai đang cần tới tôi, thì dưỡng lão Diên Hồng đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện ước mơ của mình, cho tôi một khóa học đào tạo phục hồi chức năng sau tai biến và đột quỵ tại một bệnh viện lớn. Tuy nó không phải là một khóa đào tạo dài ngày mà chỉ có 4 ngày thôi, mà tôi học được bao nhiêu điều biết tại sao Người cao tuổi sau khi tai biến hay đột quỵ cần phải phục hồi chức năng ngay để cho họ có thể làm những công việc sinh hoạt hàng ngày của mình. Làm ở Diên Hồng tôi thấy đáng buồn một điều rằng những cụ tai biến khá lâu mà người nhà không biết cách phục hồi chức năng sớm nên không thể hồi phục, đi lại như bao nhiêu người khác được mà phải ngồi xe lăn mãi mãi, nhưng đáng tự hào rằng tôi đã phục hồi cho họ biết cách vệ sinh răng miệng, rửa mặt, tự xúc cơm và cầm đồ vật lên…, đó là cái mà tôi đang làm được tại sau khi Diên Hồng đã tạo điều kiện cho tôi một khóa học ý nghĩa. Khi tôi với các bạn phục hồi cho các cụ nhiều lúc cũng nản trí lắm, tạo quá nhiều áp lực vì các cụ đều là bệnh người già không chịu hợp tác và sợ đau những chúng tôi đã rất kiên nhẫn chịu đựng để cho họ, ít ra cũng phải vận động làm được những cái cơ bản mà sinh hoạt hàng ngày thường làm.

Có những Người cao tuổi bị trầm cảm không nói chuyện với ai nhưng khi vào dưỡng lão Diên Hồng được chúng tôi chăm sóc từ A-Z kể cả ngồi nói chuyện cả buổi với cụ mà không thấy phản hồi gì và dỗ dành ăn cũng không ăn, đến ngày thứ 3 chúng tôi tiếp xúc với cụ thấy cụ đã tiến bộ lên rất nhiều rằng đã biết nở nụ cười với chúng tôi và đã tự ăn uống, khoảng 1 tuần sau thì cụ đã quen và bắt đầu đưa đi dạo cụ bắt đầu cởi mở trò chuyện, chúng tôi đã thấy mình thành công và giờ cụ ở được 2 tháng tất cả lối sống sinh hoạt cụ đã tự làm, chứ nhiều bạn trẻ thấy vậy sẽ từ bỏ luôn nhưng chúng tôi làm ở Diên Hồng đây sẽ không từ bỏ mà phải kiên trì “Vì tuổi trẻ là để mang lại tiếng cười niềm vui cho người khác”. Ở đây không chỉ các cấp lãnh đạo ngoài ra còn các bạn đồng nghiệp và các cụ ai cũng cởi mở nhiệt huyết cho công việc chăm sóc Người cao tuổi tại Diên Hồng đó là những điều mà tôi thích và cũng chính là tôi chọn Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng là ngôi nhà thứ 2 của mình vì vậy tôi và các bạn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để cho Diên Hồng phát triển mạnh mẽ hơn đó chính là sức mạnh tuổi trẻ thanh xuân của mình đầy nhiệt huyết mà tôi muốn dành cho Diên Hồng từ những bàn tay tuổi trẻ của chúng tôi. Vì vậy hãy chọn dưỡng lão Diên Hồng để được chúng tôi chăm sóc một cách tốt nhất.

Năm nay Diên Hồng đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc với những mục tiêu đã đề ra, để chào mừng ngày thành lập 5 năm của dưỡng lão Diên Hồng đó là một cách đáng tự hào nên chúng ta cần phải cố gắng để Diên Hồng có tầm nhìn vươn xa ra toàn thế giới. Vì thế tuổi trẻ của chúng ta không ngại ngần gì về chăm sóc Người cao tuổi vì Người cao tuổi cũng như những người thân của chúng ta trong gia đình.

“Vì tuổi trẻ là phải cho đi niềm vui và mang tiếng cười đến cho tất cả mọi người”


Đào Quang Đức – Bài dự thi “Tuổi trẻ Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”

Xem thêm

Viện dưỡng lão dưới cái nhìn của chính người già

Khi nhắc đến viện dưỡng lão, người ta thường nghĩ đến những điều kinh khủng. Vì nhiều người vẫn quan niệm đưa cha mẹ vào đó là “đày đọa”, muốn rủ bỏ trách nhiệm. Nhiều người vẫn có cái nhìn ái ngại cho dù là các cụ tự nguyện vào sống trong viện dưỡng lão. Nhưng để hiểu hơn về cuộc sống ở nơi đây thì không gì hay hơn là đến tận nơi để cảm nhận và nghe chính người già đang sống trong môi trường ấy chia sẻ.

Vừa bước đến Diên Hồng đã nghe xa xa đâu đó tiếng các cụ cười nói rôm rả. Sau bữa sáng là các hoạt động tự do, bàn này các cụ ông đang chơi cờ. Ông Lâm giơ tay lên chống cằm, khuôn mặt đăm chiêu tính toán, suy nghĩ từng đường đi nước bước. Xen lẫn vào không khí căng thẳng là tiếng lách cách va chạm của quân cờ trên mặt bàn. Bàn bên kia các cụ bà ngồi chuyện trò hỏi han nhau: “tối qua bà có ngủ được không”, “hôm nay bếp nấu đồ ăn ngon nhỉ, bà có ăn hết suất không?”, “nhìn bà dạo này lại khỏe ra đấy nhé”. Hay là những nụ cười vui sướng trên khuôn mặt rạng rỡ khi khoe rằng hôm nay con cháu vào thăm mình.

Thời gian rảnh rỗi các cụ rủ nhau chơi cờ.

Vui nhất là gặp và nói chuyện với bà Liên (Hà Tĩnh). Bà đã vào Trung tâm được gần nửa năm. Hai mắt bà nheo lại, khuôn mặt đăm chiêu hồi tưởng lại cái ngày mà bà quyết định sẽ vào viện dưỡng lão. “Hàng xóm bảo bà đừng có vào trong đấy, trong đấy bẩn thỉu mà cái gì cũng thiếu thốn. Nhưng vì con cái khuyên nhủ nhiều quá, dù rất sợ nhưng bà cũng vào ở thử một thời gian xem thế nào”. Nhớ ngày đầu đến trung tâm, bà mang theo rất nhiều đồ, tay cầm cái gối, nách kẹp cái chăn, trong túi thì toàn đồ lỉnh kỉnh, đến cả cái khăn mặt, bàn chải, chậu rửa bà cũng mang theo vì sợ trong đó không có. Tới nơi, bạn điều dưỡng đưa bà đi thăm quan một vòng, bà ngạc nhiên đến độ không thốt nên lời. Và bà cứ hỏi đi hỏi lại: “Đây là viện dưỡng lão đấy à?” Bà chia sẻ: “Vì con cái bận không chăm sóc được cho bà, nên bà vào viện dưỡng lão. Thật lòng mà nói thì cũng nhớ con, nhớ cháu lắm, nhưng vào đây cho con cái yên tâm làm việc, rồi thi thoảng chúng nó vào thăm mình. Các cháu điều dưỡng cũng ngoan lắm, bà coi như con cháu trong nhà”.

Mỗi lần có các bạn tới chơi là bà Liên vui lắm.

Hay như trường hợp của bà Oanh (Hà Nội) vì con bà hay phải đi công tác xa, không thể chăm sóc được cho bà, thuê người giúp việc tầm 1 tuần thì không ai làm, mà để bà ở nhà một mình thì không yên tâm. Vì thế gia đình đã tham khảo và đưa bà vào Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng theo hình thức chăm sóc ngắn hạn. Vừa qua, con cái bà đi nghỉ lễ 2/9 nên gửi bà vào trung tâm. Bà kể, khi bạn bè đồng nghiệp của bà biết bà vào viện dưỡng lão thì ai cũng hỏi thăm. Có người còn bảo sao nhà bà có điều kiện thế lại để cho bà vào đây. Nhưng bà bảo: “Tôi vào viện dưỡng lão là đi nghỉ dưỡng đấy, ở đó sạch sẽ khang trang lắm, lại được chăm sóc cẩn thận, hàng tuần có bác sỹ kiểm tra sức khỏe định kỳ, các cháu điều dưỡng thì tận tình chu đáo”.

Ăn sáng xong các cụ tranh thủ xuống tầng 1 đi dạo.

Ông Đại cười cười, hài hước kể lại: “Ông vào Diên Hồng để thăm một người bạn sống ở đây, ông thấy thích môi trường như thế này, có những người bạn cùng trang lứa, cùng vui chơi theo kiểu tuổi già, đúng kiểu nghỉ dưỡng. Không chần chừ gì cả, ông quyết định vào trung tâm luôn”. Rồi thậm chí có cụ còn “trốn”, làm thủ tục vào trung tâm rồi mới báo với con cháu.

Diên Hồng nơi tình bạn thăng hoa.

Đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng, người già không chỉ được chăm sóc về mặt sức khỏe, có bác sỹ khám bệnh định kỳ, có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với từng loại bệnh lý mà còn được chăm sóc về đời sống tinh thần, được chia sẻ, tâm sự, được vui chơi làm điều mình thích. Đi đến cái tuổi gọi là gần hết đời người rồi thì cuộc sống chỉ cần giản đơn như thế, có người bầu bạn sớm tối, con cháu có thể thăm vào cuối tuần hay lễ Tết thì thì còn gì hạnh phúc hơn với người già.

Xem thêm

Cụ ông ngoại quốc ở Diên Hồng và những điều chưa kể

Một buổi sáng đầu thu, tiết trời trong lành mát mẻ, cái nắng dần ngả sang màu vàng óng, không còn chói chang gay gắt như nắng mùa hạ, một vị khách đặc biệt từ phương xa không hẹn mà đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng.

Ông Kwon Sang Soo được Đại sứ quán Hàn tại Việt Nam đưa đến Trung tâm.

Hôm nhập Trung tâm, ông ngồi trên chiếc xe lăn, mặc bộ quần áo đơn giản, đội chiếc mũ che đi gần nửa khuôn mặt. Điều làm mọi người chú ý hơn hết là nụ cười và ánh mắt của ông. Người nào gặp ông cũng cảm nhận được khí chất của người lãnh đạo, một tinh thần lạc quan, một ý chí chiến đấu bất diệt.

Nụ cười của ông luôn mang lại cho mọi người tinh thần lạc quan.

Mỗi người có cơ duyên đến với Diên Hồng đều mang theo những câu chuyện đời của riêng mình. Thật may điều dưỡng Diên Hồng có thể nói tiếng Hàn nên các bạn nhân viên được hiểu thêm về cuộc đời ông. Ngay khi được gặp và nói chuyện bằng Tiếng Hàn với 1 bạn nhân viên, ông quá đỗi ngạc nhiên, khuôn mặt bỗng rạng rỡ lạ thường, rồi ông bắt đầu kể…

Men theo dòng ký ức ông kể, ông sinh ra ở một vùng quê xinh đẹp của xứ sở Kim chi. Tuổi thơ của ông là chuỗi những tháng ngày êm đềm bên gia đình. Bỗng đến một ngày, biến cố xảy ra khiến ông và gia đình ly tán, mỗi người một phương. Từ đó đến nay cũng đã 40 năm rồi.

Giọng ông run run kể rằng: “Tôi đi khắp nơi để tìm gia đình. Ở Hàn Quốc không thấy, tôi đi sang Trung Quốc. Lúc đó vừa không biết tiếng cũng không có công việc, với hai bàn tay trắng tôi cố gắng làm đủ mọi thứ để có tiền trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, vừa làm việc vừa nghe ngóng tin tức của gia đình”. Nhiều lần tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, muốn gục ngã trước số phận nhưng khát khao cháy bỏng để tìm được gia đình vẫn luôn rạo rực trong ông khiến ông không thể từ bỏ.

Rời Trung Quốc ông đến đất nước Việt Nam xinh đẹp. Ông bắt đầu lập nghiệp ở đây bằng việc mở một công ty ở Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mặc dù bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng công ty ngày một phát triển và lớn mạnh. Ông chia sẻ: “Tôi không nghĩ đến việc lập gia đình, lấy vợ sinh con, tôi sợ đến một ngày nào đó rồi cũng phải chia ly mỗi người một ngả”. Ông bắt đầu lao vào công việc, lúc này chỉ có công việc mới khiến ông quên đi nỗi nhớ gia đình da diết.

Tưởng chừng cuộc đời đã bắt đầu mỉm cười với ông, nhưng không, 5 năm trước một cơn bạo bệnh bỗng đổ ập xuống khiến ông bị liệt nửa người. Khi mà nỗi đau đã đến tột cùng khiến cho cảm xúc trở nên chai lỳ thì nó sẽ hóa động lực để ta đi tiếp, ông đã vượt lên nỗi đau để thành công.

Dù bị tai biến liệt nửa người nhưng ông vẫn tự xúc cơm ăn.

“Tôi thích con người Việt Nam, họ rất mến khách, lại nhiệt tình nồng hậu. Con gái Việt Nam rất đẹp, con gái của Viện dưỡng lão Diên Hồng cũng thế, xinh đẹp và khéo léo. Tôi ở đây cũng rất thoải mái, các bạn điều dưỡng còn phục hồi chức năng cho tôi. Trước khi vào đây tôi cũng đã tham quan một số nơi rồi nhưng không hiểu sao tôi lại muốn vào Diên Hồng”. Có lẽ nơi đây có cái không khí ấm cúng như gia đình khiến ông thấy gần gũi, thân quen.

Hằng ngày ông thường đọc báo, xem những tin tức về đất nước Hàn Quốc. Nỗi niềm tìm lại gia đình vẫn cứ đau đáu trong ông. Khi con người ta yếu đuối thì ta thường nghĩ về quê hương, về gia đình, về những điều ấm áp.

“Tôi sẽ không ở đây lâu nữa, cũng sắp đến lúc trở về với quê hương rồi. Dù mới gặp nhau nhưng tôi rất thích nơi này, tôi sẽ nhớ cái tên Diên Hồng” đôi mắt đượm buồn, ông nghẹn ngào nói. Đến cái tuổi hơn nửa đời người rồi, con người ta chỉ mong tìm thấy được bến đỗ bình yên trong tâm hồn. Diên Hồng cũng vậy luôn ấp ủ một ước muốn sẽ là nơi bình yên để các cụ cao niên an dưỡng tuổi già, là ngôi nhà chan chứa tình yêu thương.

Xem thêm