Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Báo chí viết về Diên Hồng

Bộ ảnh Ngày 20/10 của các cụ cho thấy phụ nữ dù độ tuổi nào vẫn sống như đóa hoa

Là phụ nữ, nhất định phải sống như một đóa hoa, dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ tỏa hương và rực rỡ.

Đó là thông điệp và cũng là lời chúc mừng của cán bộ nhân viên Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng gửi tới các cụ bà đang an dưỡng tại trung tâm nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Trong dịp lễ đặc biệt tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị dành tặng các cụ. Trong đó có hoạt động chụp ảnh kỷ niệm để giúp các cụ bà lưu giữ những khoảnh khắc vui vẻ, rạng rỡ bên những người bạn già của mình.

Hình ảnh vui cười hạnh phúc, đáng yêu của các cụ bên người bạn già của mình

Bên cạnh đó, các cụ bà còn nhận được những món quà, những chiếc thiệp xinh xinh tự gấp đầy màu sắc từ các cụ ông và các bạn nhân viên nhân ngày 20/10. Những món quà nhỏ xinh chứa đựng trong đó là những yêu thương dành cho các cô, các bà đang an dưỡng tại trung tâm. Tuy chỉ là món quà nhỏ, những lời nói yêu thương mộc mạc, không hoa mỹ nhưng cũng đủ làm các bà vui vẻ cả ngày.

Món quà nhỏ xinh các cụ nhận được nhân dịp 20/10

Ngoài ra, để chúc một nửa thế giới mãi xinh tươi rạng rỡ, các cụ ông đang sống tại Dưỡng lão Diên Hồng đã tham gia tranh tài giành giải “quý ông hoàn hảo”. Cuộc thi được tổ chức không chỉ là sân chơi bổ ích dành cho người cao tuổi, tăng sự gắn kết, vận động, mà đây còn là dịp để các cụ ông gửi tặng những lời tri ân tới các cụ bà, nữ nhân viên điều dưỡng nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Dưới đây là những hình ảnh vui vẻ, hạnh phúc của các cụ nhân dịp 20/10.

Theo An An/ Giadinhmoi.vn

Xem thêm

Xu hướng người cao tuổi chủ động “đón tuổi già” ở Viện dưỡng lão

Ngấp nghé tuổi 80, vì không muốn phụ thuộc vào con cháu, bà Hội (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) đã tìm đến một cơ sở dưỡng lão ngay trong nội thành để được chăm sóc phù hợp.

Quyết định của bà được đưa ra sau khi hoàn thành trách nhiệm chăm con cháu, người cháu ngoại lớn nhất của bà vào Đại học. Chia sẻ với nhóm phóng viên, bà Hội cho hay: “Nếu tôi ốm đau, con cháu đi làm, đi học cũng không yên tâm. Tôi còn khỏe, tôi chủ động. Tôi vào đây để đảm bảo sinh hoạt vẫn bình thường, không bị xáo trộn, căng thẳng gì cả.”

Bà bắt đầu buổi sáng hàng ngày bằng 56 động tác dưỡng sinh – bài tập phù hợp với sức khỏe mà bà ghi nhớ sau nhiều năm tham gia câu lạc bộ tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Bữa sáng trong ngày được phục vụ đến từng phòng để đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi, tránh các bệnh lây nhiễm. Thời gian còn lại trong ngày, bà có “bạn cùng phòng” để trò chuyện, hoặc tham gia các sự kiện mà trung tâm dưỡng lão tổ chức. Bà Hội cũng mang theo tràng hạt để niệm kinh Phật, cho tâm thanh thản.

Tuy cũng mắc bệnh lý tuổi già như mỡ máu cao, tăng huyết áp, xương khớp, bà Hội vẫn còn minh mẫn, dẻo dai ở tuổi 79. Vì thế, bà chọn dịch vụ phòng sinh hoạt chung với 2 người bạn khá khỏe mạnh khác tại cơ sở 3, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (tại Hoàng Mai, Hà Nội). Hàng tháng, bà vẫn về nhà tại Thanh Nhàn để lĩnh lương hưu và khám bệnh theo sổ bảo hiểm. Đặc biệt, các hoạt động tại khu dân cư như Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ, bà vẫn đóng góp đều đặn.

Cũng có câu chuyện gần giống với bà Hội, bà Hồng (83 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm) vốn sống cùng con gái và con rể. Tuy nhiên, bà tự đăng ký vào viện dưỡng lão vì vào đây có khuôn viên riêng của mình, không phụ thuộc vào con cháu. Bà đánh giá cơ sở dưỡng lão này ngang “khách sạn 3 sao”: “Vào đây cũng có cái vui của nó. Ba bốn bà ở với nhau, đêm hôm có vấn đề gì thì bà nọ hỗ trợ bà kia. Có thể bấm chuông gọi điều dưỡng lên, các cháu phục vụ cũng chu đáo.”

Bà Hồng từng tham gia một cơ sở dưỡng lão khác trên địa bàn Hà Nội, nhưng lại bị gò bó rất nhiều. Theo lời kể của bà, cơ sở đó không cho bật điều hòa khi nhiệt độ không quá 35 độ C. Giấy vệ sinh, người già và gia đình phải tự chuẩn bị. Những quy định cứng nhắc này khiến bà rời đi chỉ sau 1 tháng sinh hoạt.

Tuy nhiên, từ khi tham gia cơ sở 3 của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, bà đã gắn bó gần 1 năm rưỡi, và chưa có dấu hiệu “muốn về nhà”. Hàng tháng, trung tâm sẽ tổ chức sinh nhật cho các ông bà, các buổi giao lưu với nhà chùa, đôi khi đón các đoàn thiện nguyện đến thăm và động viên.

Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn cấu trúc dân số già được dự đoán kéo dài trong 28 năm (2026-2054). Khi ấy, tỷ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng đè lên vai những người chăm sóc như con, cháu càng nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các gia đình đều có ít con, thậm chí nhiều gia đình chỉ có một con. Bà Hội và bà Hồng đều có lương hưu, nên có thể chủ động lựa chọn gửi gắm mình cho một cơ sở dưỡng lão có tâm.

Tuy nhiên, không phải người cao tuổi nào cũng còn tỉnh táo, minh mẫn khi vào viện dưỡng lão. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, tại cơ sở 3 của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, người cao tuổi tham gia có độ tuổi đa dạng, hoàn cảnh và sức khỏe cũng khác nhau. Đa phần các cụ có bệnh của người cao tuổi, từ tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người đến sa sút trí tuệ tuổi già, Alzheimer. Chăm sóc những đối tượng đặc biệt này, cần phải theo dõi sát sao và xử lý kịp thời – việc mà người thân, con cháu không có chuyên môn khó có thể đảm nhiệm tốt.

Theo quan niệm về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới, việc duy trì các quan hệ xã hội trong quãng đời của tuổi xế chiều có tính chất vô cùng quan trọng. Tình cảm bạn bè và tương tác xã hội góp phần làm cho cảm xúc được phong phú, mang lại sự thoải mái và niềm hạnh phúc cho con người.

Bên cạnh chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, người cao tuổi tại Diên Hồng còn được quan tâm đặc biệt về sức khoẻ tinh thần qua các hoạt động xã hội. Đại diện của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết: “Thông qua các hoạt động mới mẻ, đa dạng hằng ngày và theo các dịp và ngày lễ, người già trong Diên Hồng dễ dàng lựa chọn được hoạt động yêu thích và tìm thấy những người bạn đồng điệu, hợp gu. Nhờ các hoạt động này, các ông bà có nhiều trải nghiệm ý nghĩa chưa từng có trong đời như giành huy chương Olympic, đạt danh hiệu Hoa hậu Cao niên, Quý ông Hoàn hảo, làm người mẫu ảnh…”.

Xem thêm

Cởi mở hơn với quan niệm “tuổi già vào viện dưỡng lão”

Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ gia nhập những quốc gia “siêu già”. Cùng với đó, việc chăm sóc người cao tuổi theo cách truyền thống “trẻ chăm già” dần thay đổi. Quan niệm “tuổi già vào viện dưỡng lão” của nhiều người đã cởi mở hơn.

Tự trả tiền vào viện dưỡng lão

Bà Nguyễn Thị Tiện (74 tuổi), quê ở Bắc Ninh, đang sống tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, cho biết: “Tôi ở đây được hơn 2 năm rồi, cuộc sống khá thoải mái. Mặc dù con cái ở gần nhưng tôi vẫn thích sống ở Trung tâm hơn. Ở đây, tôi cùng các bạn già đi tập thể dục, trò chuyện. Trước đây tôi phải ngồi xe lăn, giờ tôi khỏe hơn, được sống vui vẻ, vận động thoải mái nên đã đi lại được bình thường”. Bà Tiện cho biết, chi phí để sống ở Trung tâm hiện nay do tự bà chi trả.

Cũng “tự chủ tài chính” như bà Tiện, bà Lê Tuyết Hồng từng công tác ở Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), có tiền lương hưu và tự chi trả phí sinh hoạt tại nhà dưỡng lão. Bà Hồng chia sẻ: “Do tuổi cao, giờ giấc sinh hoạt cũng khác với người trẻ nên tôi quyết định vào nhà dưỡng lão. Con cái cũng không dư dả nên tôi không muốn trở thành gánh nặng cho con. Ở đây yên tĩnh, tiện nghi đầy đủ, thích làm gì là do mình, cùng xem ti vi với bạn già, cùng bình luận, trò chuyện. Thỉnh thoảng các con đón tôi về chơi, đi thăm bạn bè”.

Trung tâm Tuyết Thái có nhiều hoạt động phù hợp cho người cao tuổi

Ông Tạ Quốc Bảo (93 tuổi), ở Hà Nội, đang sống ở Viện dưỡng lão Từ Tâm, chia sẻ, cuộc sống ở viện yên tĩnh, xa thành phố ồn ào, xe cộ, không gian sống trong lành. Ông được chăm sóc sức khỏe, ăn uống, bồi bổ.

Diện mạo thị trường nhà dưỡng lão sẽ khác?

Theo bà Hồ Thanh Ngọc Uyên, Viện trưởng Viện dưỡng lão cao cấp Từ Tâm S-Merciful Hà Nội, trước đây, nhiều người quan niệm chỉ có người bất hạnh, bị con cái bỏ bê, hắt hủi mới vào viện dưỡng lão. “Vì vậy, chúng tôi đã cho ra đời mô hình viện dưỡng lão cao cấp với môi trường nghỉ dưỡng, dưỡng lão an tâm và hạnh phúc dành cho người cao tuổi”. Người dưỡng lão tại S-Merciful được chăm sóc sức khỏe toàn diện với hệ thống phòng khám Đông y, phòng Vật lý trị liệu chất lượng cao. Ngoài ra, viện còn có các tiện ích khác như: tập yoga, thiền, trà đạo, spa, bể bơi, rạp chiếu phim, siêu thị, xông hơi…

Viện dưỡng lão cao cấp Từ Tâm S-Merciful có nhiều tiện ích dành cho người cao tuổi như spa, bể bơi…

Bà Hồ Thanh Ngọc Uyên nhận định, khoảng 10 năm nữa, diện mạo thị trường dưỡng lão tại Việt Nam sẽ khác, đặc biệt là phân khúc viện dưỡng lão cao cấp kết hợp giữa nghỉ dưỡng và dưỡng lão.

Phân tích xu hướng phát triển của viện dưỡng lão ở Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Trần Hồ Thắng, Tổng Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, cho rằng, những người đang trong độ tuổi lao động sẽ có trách nhiệm chăm sóc trẻ nhỏ nhưng chăm sóc người cao tuổi lại không dễ dàng, bởi chăm sóc người cao tuổi liên quan đến sức khỏe nhiều hơn.

Sự thay đổi của cơ cấu gia đình Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con, tất cả đều tác động đến quan niệm của người con đối với việc đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão. Bản thân nhiều người già hiện nay cũng muốn tự hoạch định tương lai của mình. Có nhiều người chưa cao tuổi nhưng đã chọn viện dưỡng lão làm nơi an dưỡng tuổi già do nhu cầu được tâm sự, chia sẻ, giao lưu…

Người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, việc thành lập trung tâm, viện dưỡng lão hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về địa điểm, chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi lợi nhuận mỏng. Ngoài ra, những người vào viện dưỡng lão thường có nhiều bệnh. Điều này kéo theo gánh nặng chi phí về y tế cho viện.

Với mong muốn có một nơi sống an lành cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết thành lập Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Tuyết Thái trên diện tích hơn 7 nghìn mét vuông tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi tại Trung tâm tự trang trải chi phí chiếm khoảng 20%, còn 80% là phụ thuộc vào con cái. Bà Tuyết mong muốn được nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. “Hiện nay, chúng tôi phải thuê nhà của dân để làm. Quỹ đất để xây nhà dưỡng lão thực sự là một khó khăn mà nhiều người muốn làm trung tâm dưỡng lão nhưng chưa làm được”, bà Bạch Tuyết nói.

 

Xem thêm

Dí dỏm, hài hước qua bộ ảnh ‘Già có gì vui’ ở viện dưỡng lão

 Bộ ảnh “Già có gì vui?” của các ông bà ở viện dưỡng lão muốn nhắn nhủ tới những người cao tuổi, hãy tận hưởng tuổi già bởi cuộc sống còn nhiều niềm vui mà đôi khi chúng ta không nhận ra.

Sợ tuổi già là nỗi sợ không của riêng ai vì đây là độ tuổi phải thường xuyên đối diện với các vấn đề như ốm đau, sức khỏe suy giảm và nhiều biến chứng sinh hoạt khác. Tuy nhiên, con người lại quên mất rằng, tuổi già cũng có những giá trị tích cực riêng mà chỉ tới khi đó người ta mới cảm nhận trọn vẹn được hết ý nghĩa của độ tuổi này.

Đó là sức mạnh và khả năng sống sót, chiến thắng mọi thăng trầm và thất vọng, thử thách và bệnh tật mà ở những lứa tuổi trẻ hơn không có được. Những nụ cười rạng rỡ, những câu trả lời hết sức hóm hỉnh, đáng yêu của các cụ đang sống ở Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, trong bộ ảnh “Già có gì vui?” là minh chứng rõ nét cho điều đó.

“Thoải mái đi chơi cờ, không sợ vợ gọi về”, lời chia sẻ hài hước, hóm hỉnh của cụ Đặng Thịnh đã nói đúng mong muốn của rất nhiều đàn ông Việt Nam hiện nay.

Dù khác nhau nhiều thế hệ nhưng suy nghĩ của các cụ cũng vẫn có điểm tương đồng với tiếng lòng của các bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi.

Ngay sau khi bộ ảnh được đăng tải, rất nhiều tài khoản đã để lại dòng bình luận dưới bài viết.

Tài khoản Nhật Trung bình luận: “Đây là những điều mà ngày còn trẻ, những người ông người bà ấy vẫn chưa làm được trọn vẹn! Thương”.

“Chúc tất cả các ông bà cao tuổi nhiều sức khỏe, luôn lạc quan, yêu đời”, tài khoản Thúy Nga viết.

Tài khoản Tam Ba chia sẻ: “Nhìn các cụ như này thấy yêu đời và có năng lượng cảm hứng của tuổi già”.

Hiện bộ ảnh vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều lượt tương tác và bình luận trên các trang mạng xã hội.

Đằng sau nụ cười ấm áp là cả những nỗi niềm riêng

Chia sẻ với VTC News, chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết, mỗi cụ đến với Diên Hồng đều có một câu chuyện đời riêng, có cụ luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại, cũng có cụ vẫn còn nhiều trăn trở về tương lai.

Trong đó, cụ Vũ Thị Dành phải trải qua một thời tuổi trẻ đầy khó khăn và phải cố gắng nỗ lực vươn lên rất nhiều. Đến khi con cái đều thành đạt, cụ đã bán nửa mảnh đất của mình để tự chi trả chi phí trong viện dưỡng lão mà không cần các con phải lo.

Đối với những người cao tuổi, chỉ khi về già họ mới không phải lo toan về cuộc sống và được thực sự làm những gì mình thích như: đan len, nghe Kinh Phật… Ban đầu, nhiều cụ vào viện dưỡng lão Diên Hồng trong tâm thế “phải vào” để các con yên tâm nhưng sau một thời gian sống ở đây, được truyền cảm hứng từ các những người cao tuổi lạc quan khác và tham gia chuỗi các hoạt động ý nghĩa tại trung tâm nên các cụ thay đổi rất nhiều.

Với tôn chỉ mục đích hoạt động của viện là luôn cổ vũ các cụ “sống lại thanh xuân”, đến giờ, có cụ được các con đón về thì lại không chịu về hoặc nếu về thì cũng đầy tiếc nuối những kỷ niệm và mối quan hệ tốt đẹp ở Diên Hồng. Nhiều ông bà còn là những tấm gương sáng về tinh thần vui vẻ, lạc quan, yêu đời và ứng xử văn minh để những người trẻ ở đây học hỏi và noi theo.

Trải qua nhiều gian khó trong cuộc sống, cụ Dành dành trọn quãng đời của còn lại của mình để sống cho bản thân mình.

Thông điệp ấm áp tình người

Nói về ý tưởng của bộ ảnh, chị Hoàng Thị Thu Ngân cho hay, bộ ảnh này đến với chị một cách rất tình cờ và thú vị. Trong một lần đọc cuốn sách “Bà ơi, nhanh lên!” của tác giả Arend van Dam và Alex de Wolf cho con nghe, có một câu hỏi trong sách khiến chị vô cùng ấn tượng, đó là nhân vật cháu hỏi người bà của mình: “Khi già đi thì có vui không ạ?”.

Ngay sau đó, người bà trả lời rằng: “Vui thì có vui, nhưng già đi cũng đòi hỏi cháu phải rất nhẫn nại luôn ấy”. Vì thấy đoạn này ý nghĩa quá nên chị Ngân mới đi hỏi các cụ ở trung tâm của mình câu hỏi đó xem “Già có gì vui?”.

“Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lúc được hỏi lần đầu tiên, tất cả các cụ đều vô cùng ngạc nhiên, vẫn còn lúng túng, sau đó mới bắt đầu ngẫm nghĩ nhưng cũng chưa biết gọi tên cụ thể những điều ấy ra là gì. Nhưng khi được hỏi lại thì các cụ mới thấy hóa ra già đi lại có nhiều cái vui như thế mà trước giờ không nhận ra”, chị Ngân bồi hồi chia sẻ.

Qua đó, bộ ảnh muốn nhắn nhủ tới chính các cụ đã tham gia trả lời câu hỏi nói riêng, những người cao tuổi khác trong và ngoài viện dưỡng lão nói chung, hãy tận hưởng tuổi già của mình bởi cuộc sống này vẫn còn rất nhiều niềm vui mà đôi khi chúng ta không nhận ra. Mong rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các ông bà sẽ luôn lạc quan và yêu đời để có một tuổi già hạnh phúc và sinh động.

Ngoài ra, thông qua bộ ảnh, chị Ngân cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng hãy luôn luôn nỗ lực không ngừng từ bây giờ để chuẩn bị sẵn sàng cả về tài chính và trải nghiệm cho tuổi già để sau này khi về già không còn điều gì phải hối tiếc.

Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng trong bộ ảnh “Già có gì vui?”:

Khi về già, các cụ được sinh hoạt giờ giấc thoải mái mà không bị ai làm phiền hay quấy rầy như hồi trẻ.

Không còn nỗi lo cơm áo gạo tiền và áp lực từ công việc, chỉ còn những giây phút tận hưởng cuộc sống một cách yên bình.

Cụ Tích yêu cả những nếp nhăn.

Được thoải mái giải trí mỗi ngày, liệu tuổi già còn đáng sợ nữa hay không?

Ở tuổi già, con người ta được sống là chính mình mà không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh.

Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, hãy trân trọng những gì chúng ta đang có và đón nhận nó một cách tích cực.

Theo Minh Anh – VTC News

 

 

Xem thêm

Hạnh phúc tuổi xế chiều ở viện dưỡng lão mùa Vu lan

Hạnh phúc tưởng chừng là một cái gì đó thật vĩ đại nhưng đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng dịp Vu lan, tôi mới hiểu rằng: Hạnh phúc là những điều giản đơn, trân trọng những người bên cạnh ta, biết hài lòng và thỏa mãn những gì đang có…

Mỗi khi nhắc đến viện dưỡng lão, mỗi người đều mặc định là nơi buồn tẻ, trong thế giới cô lập đó chỉ có những “cây cao bóng cả” lẳng lặng nhìn năm tháng trôi đi. Tuy nhiên, khi tới thăm Viện dưỡng lão (VDL) Diên Hồng (Thanh Oai, Hà Nội), tôi cảm nhận nơi đây là ngôi nhà chung ấm áp đầy tiếng cười và niềm vui.

“Thiếu con, mẹ mất đi tất cả…”

Đến thăm VDL Diên Hồng đúng lúc nghi thức bông hồng cài áo Vu lan được tổ chức cho các cụ nhằm thay lời muốn nói, bày tỏ hiếu kính với cha mẹ, dù đấng sinh thành vẫn còn hay đã khuất. Tôi cũng nhanh nhẹn cài lên ngực của một người phụ nữ trạc ngoài 60, bỗng đôi mắt bà ướt lệ, bà níu tay tôi ngồi xuống rồi tâm sự.

Dẫu lòng các cụ vẫn còn chất chứa nhiều nỗi niềm, nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời để “sống vui, sống khỏe”.

Xúc động, nghẹn ngào bà còn chẳng thể nhớ nổi họ tên và năm nay mình bao tuổi. Bà nói: “Nhìn con giống Tiến quá, thằng bé mới mất năm ngoài vì căn bệnh ung thư. Bao tâm huyết dành cả cho con, ngày Tiến mất tôi coi như mất tất cả, tinh thần suy sụp, sức khỏe ngày yếu đi nên quyết định vào đây để vơi đi nỗi nhớ, bầu bạn tuổi già”. Hỏi ra mới biết, bà là Vũ Thị Dung (sinh năm 1959, quê Hải Phòng).

Phải mất một hồi lâu, bà mới bình tĩnh để trò chuyện tiếp cùng tôi. Bà tâm sự: “Với tôi, Tiến là niềm vui và hạnh phúc. Cứ mỗi sáng mở mắt là tôi lại nhớ đến khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt long lanh, lúc nào cũng nói nhớ mẹ, rồi lại nước mắt ngắn nước mắt dài mỗi khi mẹ ốm nặng. Với tôi, hạnh phúc là thấy Tiến được sống, chỉ được ăn với Tiến những bữa cơm đạm bạc, hạnh phúc của tôi là có Tiến bên đời”.

Theo bà Dung, mỗi người ở VDL Diên Hồng đều có nỗi khổ riêng nhưng may mắn vì còn có nơi ăn chốn ở, có người lo cơm nước khi ốm đau bệnh tật. Ngoài bị tiểu đường, bà Dung còn bị bệnh tai biến nên việc ăn uống, phục hồi chức năng cũng được đặc biệt quan tâm, sức khỏe ngày càng tốt hơn so với trước khi vào.

Nhìn đôi mắt đẫm lệ của người mẹ đã mất con, hạnh phúc với bà Dung ở tuổi đã xế chiều có lẽ là được thấy anh Tiến vẫn còn hiện diện trên cõi đời, an nhàn, nghỉ ngơi. Đó cũng là điều hợp với lẽ tự nhiên, khi đã mệt nhoài với những năm tháng mưu sinh, đã ở bên kia cái dốc của cuộc đời thì chẳng niềm vui nào hơn là được nghỉ ngơi bên con cháu.

“Hạnh phúc là được đi cùng nhau, là đôi chân có thể đi…”

Chia tay bà Dung, tôi được điều dưỡng viên dẫn đến tầng 6, ở đó có một căn phòng gọi là “mái ấm hạnh phúc”. Sở dĩ, ở đó là nơi an hưởng tuổi già của hai vợ chồng ông Vũ Đình Bưởi (sinh năm 1930) và bà Vũ Thị Dành (sinh năm 1938) quê ở Hải Dương. Ông Bưởi từng là cán bộ Ban Tuyên giáo Thị ủy Lào Cai (nay là Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lào Cai), năm nay đã 68 tuổi Đảng.

Bà Dành cùng tấm ảnh chụp chung của ông bà dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân 2018 được bà gìn giữ và ngắm mỗi ngày.

Dáng người nhỏ nhắn, nhưng bà vẫn còn minh mẫn, khi tôi đến bà vẫn miệt mài chăm vườn rau xanh mướt đủ loại ở ban công. Bà phấn khởi giới thiệu: “Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng chúng tôi không muốn làm phiền con cái, sợ khiến con cái cảm thấy phiền lòng. Ngày ấy, hai vợ chồng tôi cũng chẳng biết viện dưỡng lão là gì, nhưng bán mảnh đất ở quê, chúng tôi dùng số tiền đó lên đây để an dưỡng tuổi già, mới đó mà cũng 4 năm rồi”.

Hai ông bà có đến 4 người con, mỗi lần nhớ con cháu thì cách duy nhất chính là liên lạc qua màn hình nhỏ. Khi nghe ai đó nói đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là rũ bỏ trách nhiệm, bất hiếu. Bà Dành khẳng định: “Tôi có đến 4 người con, nhẽ nào lại không trông nổi bố mẹ. Chúng tôi cũng có thiếu thứ gì đâu, thích ăn gì thì có thể tự mua, chẳng phiền đến đứa nào. Chúng nó chỉ cần quan tâm thật lòng đến mình thì mình cảm thấy vui vì con vẫn yêu. Thế là đủ rồi”.

Hạnh phúc với ông Bưởi và bà Dành chỉ đơn giản là bên nhau, chăm sóc khi ốm đau bệnh tật. Nhìn vào cử chỉ, cách người vợ chăm chút người đàn ông của đời mình, ai cũng hiểu bà thương ông nhiều lắm. Bà chẳng ước muốn hạnh phúc cao sang hơn, bà thầm cảm ơn vì lúc ông ốm đau bệnh tật vẫn có người bạn đời bên cạnh yêu thương chăm sóc. Món quà vô giá này chẳng thể mang lên cân đo đong đếm được.

Ở viện cũng như ở nhà, niềm vui đó được thể hiện trên gương mặt của người cựu chiến binh Phạm Văn Vương (sinh năm 1959, quê Ninh Bình). Dù đã bị liệt cả 2 chân do vận động thể thao nhưng ông vẫn đam mê với ca hát, luôn sẵn sàng góp vui những ca khúc cách mạng hào hùng mỗi khi viện giao lưu văn nghệ.

Dẫu đôi chân có bị liệt nhưng tinh thần và tâm hồn của ông Vương vẫn mạnh mẽ để vượt qua.

Trước khi vào VDL Diên Hồng, ông Vương từng là tổ trưởng tổ dân phố, sức khỏe vẫn còn “hừng hực như thời trai trẻ”. Biến cố ập đến khi ông đu xà bị gãy cột sống và liệt cả hai chân. Lúc ở Bệnh viện Việt Đức, con cái vẫn còn thay phiên chăm sóc, để không muốn bố cô đơn, lại có người chăm sóc nên họ đưa ông vào đây vừa phục hồi chức năng và có bạn trò chuyện hàng ngày.

Ông nói: “Con cái cũng bận công việc, đi xa cả năm mới về, tôi cũng đồng ý và về thu xếp “chuyển nhà” vào đây. Ở ngôi nhà thứ 2 này cũng được một năm rồi. Ngày mới về, tôi cũng cảm thấy cô đơn, trống trải vì xa nhà, chưa hòa nhập với môi trường mới. Nhưng rồi để nhanh thích nghi, tôi tham gia các hoạt động vui chơi tập thể với các bạn già”.

Mong ngày nào đó một phép màu sẽ đến với đôi chân của người cựu chiến binh.

Khác với các cụ ở đây, ông Vương chỉ nhớ quê, nhắc đến Ninh Bình hai mắt ông lại rưng rưng, ông nghẹn ngào nói: “Giá đôi chân có thể đi lại thì tốt, cũng chẳng phải xa quê như này. Ngày nào tôi cũng mong ngóng được trở về nơi mình đã gắn bó cả một đời người. Tình cảm này là tình cảm không gì có thể thay thế được, nó luôn ở mãi trong tim của tôi”.

Có thể thấy, mỗi người một phận, một câu chuyện nhưng lại gặp nhau ở ngôi nhà thứ 2 đầy ắp tình thương và tiếng cười. Họ đều ngậm ngùi chấp nhận, cầm lòng nhưng cũng có người thì da diết nhớ nhà, nhớ con; người dù có tỉnh táo khoanh vào tờ lịch từng ngày con cháu đến thăm nhưng ai cũng một mực khẳng định: “Con cái yêu thương, lo lắng cho mình, sợ không có ai chăm mới gửi vào đây cho có bầu có bạn, nào phải rũ bỏ trách nhiệm với đấng sinh thành đâu”…

Đến giờ tôi đã hiểu, hạnh phúc bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất. Trên bước đường đi tìm giá trị của hạnh phúc, có người đã tìm được câu trả lời và không ít người tìm mãi mà không thấy, dần dần đi vào bế tắc, tuyệt vọng như đi vào con đường không tìm thấy lối ra.

Biết là có người bầu bạn nhưng cũng chẳng thể so sánh bằng việc có con cháu quây quần ngày Vu lan ý nghĩa.

Mọi người thường nói là đi tìm và khám phá giá trị của hạnh phúc, cứ ngỡ rằng hạnh phúc là một cái gì đó cao siêu mà không nhận ra rằng hạnh phúc có ở quanh ta. Hạnh phúc không phải trên trời rơi xuống hay được ai ban phát mà nó nằm ngay trong cảm nhận, suy nghĩ và hành động của mỗi người.

Theo ông Đào Quang Đức, Phó giám đốc Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 cho biết, nơi đây là mái nhà sinh hoạt an dưỡng tuổi già của 120 cụ. Mỗi người có một hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau nhưng đều theo diện tự nguyện. Các cụ ban đầu vào trung tâm đều có chung cảm giác nhớ nhà, không có cụ nào vào là thích luôn. Tuy nhiên, sau khi ở một thời gian, các cụ quen với bạn bè đồng tuổi nên không muốn về nhà.

Với mong muốn giúp các cụ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, vơi bớt nỗi nhớ nhà, các điều dưỡng viên luôn bên cạnh để chia sẻ chuyện buồn vui cùng các cụ. Các buổi tham quan, tổ chức trò chơi để các cụ được tham gia vận động cơ thể và đem đến sự gắn kết giữa các thành viên trong trung tâm, đem lại niềm vui cho các cụ.

Một mùa Vu lan lại qua, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ…

Kết thúc buổi trò chuyện, đi tìm câu trả lời “hạnh phúc là gì?”, tôi rời trung tâm vào giữa trưa khi các cụ còn đang say giấc. Bước chân qua những căn phòng, tôi thấu hiểu hơn, đến tuổi bóng xế chiều ai rồi cũng đến lúc phải đối mặt với quy luật sinh lão bệnh tử. Vì vậy, dù sống ở nhà hay trung tâm dưỡng lão thì các cụ vẫn cần có sự quan tâm của người nhà, sống quây quần bên con cháu để có được sự an yên và đầm ấm hơn.

Vu lan là ngày đại lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.

Theo Hồng Phúc – Báo Quân Đội Nhân Dân

Xem thêm

Tình bạn bình dị ở viện dưỡng lão: Chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng

Nhiều người nghĩ người già sẽ phải đối mặt với sự cô đơn, buồn chán ở viện dưỡng lão nhưng… có nhiều câu chuyện sẽ khiến người ta bất ngờ, cảm động.

Hai cụ bà chơi thân 30 năm, đến lúc già vẫn là bạn chung phòng trong viện dưỡng lão

Mỗi ngày, viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) đang chăm sóc cho cuộc sống của hàng trăm người cao tuổi. Đó là những người tự nguyện, hay vào đây bằng những lý do khác nhau để sống hết quãng thời gian cuối đời.

Nhiều người có con cái thành đạt nhưng bận rộn công việc và thiếu kinh nghiệm chăm sóc; người không muốn trở thành gánh nặng, không muốn phiền con cháu…

Mỗi người mỗi quê, mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh nhưng khi gặp nhau trong viện dưỡng lão họ lại trở thành những người bạn tri kỉ của nhau. Bà Hồng (quê gốc ở Nam Định) là 1 trong số đó.

Là một công chức về hưu bà Hồng không sống cùng con cái, cháu chắt mà chọn viện dưỡng lão để sống nốt phần đời còn lại.

Bà Hồng trong căn phòng ở viện dưỡng lão

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hồng cho biết, bà sinh được 3 người con, 2 gái, 1 trai. Người con gái lớn nhất năm nay 63 tuổi đã có 4 cháu. Người con gái thứ 2 mất sớm vì bị bệnh và người con trai út gần 50 tuổi.

“Tôi không thích ở với con nào, ở với con trai thì vướng con dâu, ở với con gái thì vướng con rể và các cháu, các chắt. Các chắt còn nhỏ nên chúng nó nghịch lắm. Nếu ở thì không được yên tĩnh nên tôi tự nguyện vào viện dưỡng lão”, bà Hồng nói.

“Tôi ví dụ, đến bữa ăn, các chắt đi vệ sinh thì mẹ chúng nó để ngay cái bô bên cạnh. Hay khi tôi đang đi ngủ thì các chắt chạy vào báo cáo vừa đi chơi về khiến tôi rất khó chịu”, bà Hồng nói thêm.

Hơn 1 năm sống trong viện dưỡng lão, bản thân bà Hồng đã ngoài 80 nhưng vẫn còn minh mẫn và tự làm mọi việc. Thậm chí, đi lĩnh lương, rút tiền bà đều không phụ thuộc vào con cái.

Bà Hồng và những người bạn già cùng tầng chơi Tam cúc mỗi khi rảnh rỗi

Sống trong viện dưỡng lão dù không được gần con cháu nhưng bà Hồng lại cảm thấy thoải mái, vui vẻ. “Ở đây đưa chúng tôi vào nề nếp, sinh hoạt đúng giờ. Sống ở đây tôi thấy khoẻ hơn ở nhà”.

Đặc biệt, ở đây, bà còn được ở cùng người bạn tri kỷ từ hồi con trẻ. Qua lời kể của bà Hồng, đó là bà Mão.

Bà Mão là hàng xóm, là người bạn của bà đã hơn 30 năm nay. Thời còn trẻ, cả hai bà đã cùng nhau đi du lịch nhiều nơi ở Việt Nam. “Thời điểm tôi còn làm việc ở Vũng Tàu, bà ấy cũng vào đó ăn Tết. Rồi những lần đi nhảy đầm (khiêu vũ), bà Mão không biết nhảy tôi dạy nhảy rồi sau đó cả hai rất hay đi cùng nhau”, bà Hồng nhớ lại.

Khi về già, bà Mão không được minh mẫn, thường xuyên “nhớ nhớ, quên quên” nhưng được sự hướng dẫn, giúp đỡ của bà Hồng, cả hai đã có cuộc sống rất vui vẻ trong viện dưỡng lão. “Chúng tôi thường xuyên tâm sự với nhau. Tôi nhớ nhất là Tết vừa rồi, chúng tôi chụp chung với nhau một bức ảnh và được giám đốc trung tâm rửa và tặng.

Hồi đấy, tôi không về quê ăn tết, bà Mão cũng theo tôi nhất định không về nhà. Bà ấy bảo ‘bà về tôi mới về, bà không về tôi cũng không về”, bà Hồng kể.

Bức ảnh bà Hồng và bà Mão được treo trong phòng bà Hồng

Hay có những lúc con cái gửi những món ăn ngon hoặc hoa quả, hai bà lại cùng ngồi nhau ăn chung. “Có lần con bà Mão gửi 10 quả bưởi vào, tôi bị đau dạ dày không ăn được nhưng cũng gọt cho bạn mình ăn, 2 ngày là hết một quả”.

Có những lần bà Hồng và bà Mão giận nhau vài ngày không nói chuyện thì bà Mão lại là người mở lời trước. “Bà ấy ôm tôi tôi và bảo ‘tao xin lỗi’ rồi cả hai lại vui vẻ với nhau”.

Hiện tại, dù có một số lý do khác nhau, bà Mão đã chuyển đi phòng khác nhưng bà Hồng vẫn luôn nhớ quãng thời gian đầy kỷ niệm cùng người bạn già của mình.

Người bạn cùng biến cố

Nếu như ở tầng 5, bà Hồng và bà Mão là đôi bạn thân thì ở tầng 3, ông Hoan (56 tuổi, ở Phú Thọ) và ông Thành (58 tuổi, ở Hà Nội) là “cặp bài trùng” mà dường như cả trung tâm đều biết. Hình ảnh người đàn ông đẩy xe lăn một ngày 3 lần đưa bạn cùng phòng đi ăn để lại rất nhiều ấn tượng cho những người đang sinh sống ở đây.

Ông Hoan đưa ông Thành trên chiếc xe lăn đi ăn cơm

Hai người khác quê, khác tuổi nhưng có 1 điểm chung là từng bị tai nạn, bị chấn thương đầu. Có lẽ cũng vì vậy mà họ thân nhau không khác gì anh em trong một gia đình.

Ông Hoan cho hay, cách đây 2 năm ông gặp ông Thành ở trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tại cơ sở khác. Khi ấy, ông Thành ở phòng đối diện với ông Hoan. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, sau khi chuyển cơ sở, cả hai lại được xếp chung một phòng.

Ông Thành chân đau, phải ngồi xe lăn nên đa số các hoạt động hàng ngày đều được ông Hoan giúp đỡ. 6 tháng ở cùng phòng, chẳng bao giờ ông Hoan cảm thấy khó chịu hay than vãn câu nào. “Tôi vẫn nói đùa, anh em tôi quý nhau ở chỗ, tôi mổ 1 phát ở đầu, anh Thành mổ 4 phát liền”.

Những hoạt động của ông Thành đều được ông Hoan giúp đỡ

Ông Thành cũng rất cảm động với người bạn cùng phòng

Nói về lý do vào viện dưỡng lão, ông Hoan cho biết, ông bị mắc bệnh tiểu đường xuống Hà Nội chữa bệnh nhưng do các con đều bận công việc nên sau khi ra viện đành phải vào đây sinh sống và dưỡng bệnh.

Không chỉ giúp đỡ bạn cùng phòng, bản thân đang mang bệnh, thậm chí vẫn chịu di chứng của tai nạn cách đây 25 năm nhưng ông Hoan vẫn nhiệt tình giúp đỡ mọi người.

Ông Hoan vẫn chịu di chứng của vụ tai nạn cách đây 25 năm

Ông Hoan kể, ở phòng bên cạnh có một bác thợ hàn, do trước kia hàn không đeo kính nên bây giờ mắt kém. Có một lần ở bữa ăn, bác ấy nhìn ghế không rõ nên ngồi rầm xuống đất. “Nhìn thấy những người xung quanh bị đau, tôi không cầm được lòng. Vì vậy, mỗi bữa ăn tôi đều đến phòng dìu họ ra bàn ăn”, ông Hoan nói.

Ông Hoan giúp đỡ những người sức khoẻ yếu hơn mình

“Tôi thấy rất vui khi được giúp đỡ mọi người. Có lần, tôi nhỏ mắt cho bà cụ ở phòng bên, được cụ ấy cảm ơn rối rít, tôi đáp lại ‘không, cụ khỏi là con mừng rồi”, ông Hoan nói thêm.

Cuộc sống là vậy, giữa những bộn bề lo toan chúng ta lại gặp những người bạn thấu hiểu và quan tâm đến mình. Ở trung tâm đã hơn 6 tháng, dù cuộc sống vui vẻ, có thêm nhiều người bạn nhưng ông Hoan tâm sự cũng rất nhớ nhà. Bản thân ông hy vọng, bệnh tình sẽ mau khỏi để nhanh chóng về quê gặp lại người thân trong gia đình.

 

Xem thêm

Thân nhau tuổi xế chiều: cụ 105 tuổi, cụ 75 tuổi chụp ảnh cực ”teen”

Đôi bạn thân “lớn tuổi” tại một viện dưỡng lão nọ khiến cộng đồng mạng thích thú với loạt ảnh với sắc hồng cực “đỉnh chóp”. Theo đó, một cụ đã 105 tuổi, người còn lại ngót nghét 75.
Bạn thân là một từ dùng để chỉ những người có mối quan hệ mật thiết với nhau, thân thiết tới nỗi họ có thể mang những tâm sự thầm kín ra chia sẻ với nhau mà không cần nghi ngại. Mới đây, một đôi bạn thân khiến cho Netizen phải quắn quéo trước độ “cute” vô đối khi khoe loạt ảnh theo phong cách cực “hường phấn”. Đặc biệt, đôi bạn này không còn trẻ mà đang ở độ tuổi xế chiều.
Hiện tại, hai bà đều đang ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Một cụ thì đã ngót nghét 105 tuổi, người còn lại thì cũng “chạy” theo phía sau với con số 75. Qua những shoot ảnh chụp chung, có thể thấy rõ được sự gắn kết giữa hai bà lão, tình cảm yêu thương ở cái tuổi “gần đất xa trời”.
Không chỉ ngưỡng mộ trước tình bạn “không phân biệt tuổi tác” của hai bà, nhiều bạn trẻ còn bày tỏ sự thích thú trước nguồn năng lượng tươi trẻ mà hai cụ truyền đến qua những tấm ảnh. Khoác lên mình bộ váy đầm màu hồng ngọt dịu dàng, đôi bạn này tự tin khoe sự khang kiện của mình dưới giàn hoa giấy.
Trước đây, ở cùng một viện dưỡng lão với hai bà cụ này, cũng từng có một đôi bạn già khiến mọi người ngả nghiêng cùng hàng loạt ảnh “check in” với cúc họa mi đầy kiểu cách. Ở tuổi 80, hai bà vẫn rất “chịu chơi” khi cùng nhau “lên đồ” tạo dáng trước ống kính.
Mặc cho vẻ ngoài đã trở nên già cỗi, tâm hồn của hai cụ vẫn như ngày còn son trẻ. Những tấm ảnh này có thể không mang một giá trị nghệ thuật cao, nhưng đằng sau chúng là một nguồn năng lượng tích cực, thích hợp để chữa lành tâm hồn cho những bạn trẻ phải chịu nhiều áp lực của cuộc sống.
Trở lại với tình bạn của hai bà cụ tại viện dưỡng lão, có thể nói, việc tìm được một người tri kỉ ở độ tuổi dễ cô đơn như hai cụ thật sự là một điều rất tuyệt vời. Họ sẽ cùng nhau trải qua những ngày tháng yên bình nơi viện dưỡng lão và giúp nhau làm vui trái tim sớm đã hao mòn vì thời gian. Bạn nghĩ sao về đôi bạn “lớn tuổi” và sự đáng yêu này của họ? Hãy chia sẻ cho Diên Hồng biết nhé.
Theo: Bestie
Xem thêm

Loạt ảnh dễ thương của 2 cụ già hơn nhau 30 tuổi nơi viện dưỡng lão

Tình bạn của những cụ già thường nhận được sự quan tâm của không ít netizen, nhất là những người cùng sống tại một viện dưỡng lão. Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện loạt ảnh dễ thương về tình tri kỉ đáng quý của hai cụ bà, ngay lập tức thu hút sự chú ý của dân tình. Được biết hai cụ cách nhau hơn 30 tuổi, hiện đang an dưỡng lại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Theo chia sẻ của chủ nhân bài đăng, hai nhân vật chính vì một số lí do mà chọn viện dưỡng lão D.H (TP.Hà Nội) để sinh sống. Trong đó, một cụ năm nay đã 105 tuổi, người còn lại vừa tròn 75 tuổi. Dù cách nhau đến 30 tuổi, song cả hai quyết định bầu bạn cùng nhau, thường xuyên hỏi han và tâm sự. Dường như muốn chụp ảnh để kỉ niệm tình bạn của mình, họ đã nhờ đến sự hỗ trợ của các nhân viên trong viện dưỡng lão, để rồi có những khoảnh khắc dễ thương được dân tình chia sẻ rần rần.

Trong hình, cả hai mặc váy màu hồng phấn, trên đầu đội chiếc mũ dễ thương không kém. Họ cũng chọn thêm phụ kiện là chiếc kính mắt thời trang và vòng tay màu đen, nhìn qua trông vô cùng trẻ trung. Tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi khi nở nụ cười, có thể thấy cả hai vẫn khá khoẻ khoắn và tràn đầy sức sống. Giữa cuộc sống đầy rẫy sự lo toan, nhiều người dường như bị cuốn vào nỗi lo cơm áo gạo tiền mà đôi lúc quên đi những tình cảm thiêng liêng trong cuộc sống. Do đó, bài đăng trên dường như đã chạm đến trái tim của nhiều người theo dõi, nhờ vậy mà nhận được lượng tương tác khá lớn từ cộng đồng mạng.

Chỉ sau ít giờ đăng tải, khoảnh khắc “tình bể bình” của hai nhân vật chính đã nhận được gần 4 nghìn lượt thích cùng vô số bình luận. Phần lớn netizen sau khi theo dõi loạt ảnh này đã gửi lời khen có cánh về sự dễ thương, trẻ trung của hai cụ.

Không những vậy khoảnh khắc trên cũng khiến không ít người nhớ đến hình ảnh về hai cụ già mặc áo yếm và váy đen truyền thống, cùng nở nụ cười duyên bên bình hoa sen từng thu hút sự chú ý của nhiều người vào năm 2018.

U90 chụp ảnh áo yêm bên hoa sen

Thời điểm đó, hành động nô đùa vui vẻ như thuở còn trẻ, cùng ánh nhìn ấm áp của họ cũng nhận được lượng tương tác và lời khen từ đông đảo dân mạng. Một số netizen còn cho rằng, chắc hẳn cả hai cụ đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi tìm được người bạn đáng quý dù tuổi đã cao.

U90 chụp ảnh áo yêm bên hoa sen

Từ trước đến nay, viện dưỡng lão vốn được coi là nơi để những cụ già sống nương tựa vào nhau. Trong mái nhà chung ấy, tình bạn của họ khiến không ít người cảm thấy ấm lòng, xúc động. Còn bạn, bạn có cảm nhận gì khi ngắm nhìn loạt ảnh trên? Hãy chia sẻ cho chúng mình biết nhé!

Theo: Yan.vn

Xem thêm

Những cụ bà tuổi 80 ở căn hộ cao cấp, đi xe hơi “đến lớp” mỗi ngày

Không có thời gian và điều kiện chăm sóc cha mẹ, nhiều gia đình ở Hà Nội đã lựa chọn dịch vụ bán trú ở viện dưỡng lão. Theo đó, các cụ già được gửi “đến lớp” vào mỗi sáng và được con, cháu đón về sau mỗi chiều. 

7 giờ sáng, chiếc xe hơi đỗ xịch trước cổng một viện dưỡng lão ở Hà Đông, Hà Nội. Bà Trần Thị Thương (81 tuổi, ở căn penthouse một khu chung cư Hà Đông, Hà Nội) xuống xe mang theo chiếc túi bên trong có chứa 1 bộ quần áo, 1 chiếc điện thoại. Bà được các điều dưỡng viên đón vào trung tâm. Một ngày ‘đi học’ của bà bắt đầu.

Tại viện dưỡng lão cách nhà chỉ khoảng 2 km này, bà Thương sinh hoạt chung phòng với 8 người phụ nữ khác. Mỗi phòng đều có 1 tivi, mỗi người được phân một chiếc giường, một chiếc tủ cá nhân đựng đồ. Bữa trưa của những người già diễn ra vào lúc 10 giờ 20. Sau giấc ngủ trưa, họ có các hoạt động chung cùng bạn bè và dùng bữa chiều vào lúc 4 giờ. Sau đó bà Thương lại sắp xếp vật dụng cá nhân xuống tầng 1 sẵn sàng để các con, cháu đến đón về nhà. Mỗi ngày bà “đến trường” từ thứ 2 đến thứ 7, chủ nhật bà ở nhà sinh hoạt, vui chơi cùng các con, cháu trong gia đình. Vì vậy “đi học bán trú” là cách các con cháu cũng như các nhân viên viện dưỡng lão thường gọi đùa với bà.

Trước khi vào trung tâm, bà Thương có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Các con cái có điều kiện kinh tế ổn định đã thuê giúp việc để chăm sóc bà. Tuy nhiên họ nhận thấy nhiều bất ổn khi để mẹ ở nhà cùng người giúp việc. Bà Thương thường xuyên nằm nhiều, không vận động. Ngoài ra người giúp việc không thể kiểm soát được việc ăn uống của bà. Bởi vậy, gia đình đã thuyết phục bà vào sinh hoạt tại viện dưỡng lão theo hình thức bán trú.

Họ mong muốn bà gặp gỡ, giao lưu nhiều bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội nhưng đồng thời vẫn gắn kết với con cháu bằng khoảng thời gian về nhà vào mỗi tối và cuối tuần. Bởi vậy các con cháu bà đã lên phân chia nhau lịch đưa đón mẹ vào viện mỗi sáng và mỗi chiều. Chi phí cho việc ‘đi học’ của người phụ nữ ngoài tuổi 80 này khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Sáng thứ 2 một ngày đầu tháng 6/2018, bà Phượng (75 tuổi, Hà Nội) cũng được con cháu chuẩn bị đồ đạc để vào viện dưỡng lão “tá túc”. Khác với bà Thương sáng đi chiều về, bà Phượng lại ở cả ngày tại viện dưỡng lão. Tuy nhiên thời gian ở tại viện của bà chỉ ngắn gọn trong vòng 3 ngày, 1 tuần hoặc 10 ngày. Thời điểm này, gia đình bà tổ chức đám cưới cho người cháu ruột. Các con quá bận rộn với việc chuẩn bị, sợ không chăm sóc mẹ được chu đáo như ngày thường, họ gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Sau đó đến ngày cưới họ đón mẹ về chung vui cùng gia đình.

Tại Hà Nội, không hiếm trường hợp như bà Phượng. Nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ chăm sóc người già ngắn ngày khi họ bận đi công tác, đi du lịch… không sắp xếp được người trông nom, chăm sóc cha mẹ. Chi phí cho dịch vụ này giao động từ 200-300 nghìn đồng/ngày. Tại đây các cụ già được chăm sóc ăn uống, được hưởng các dịch vụ y tế, được tham gia các hoạt động sinh hoạt, giao lưu cùng các thành viên… Ngoài ra ở các viện dưỡng lão cũng có phòng VIP (2 bệnh nhân/phòng) dành cho các cụ già muốn có không gia sinh hoạt riêng tư. Giá cho các phòng khoảng 9 đến 10 triệu đồng/tháng.

Chị Hoàng Thị Thu Ngân (SN 1988, phó giám đốc một viện dưỡng lão ở Hà Nội), cho biết, quan niệm người Việt đang dần cởi mở hơn về viện dưỡng lão. Viện dưỡng lão không đơn thuần là nơi ở của những người ở tuổi già neo đơn không có con, cháu. Viện còn tiếp nhận nhiều đối tượng không còn khả năng tự chăm sóc bản thân (ăn uống, tắm giặt, vệ sinh…) và những người già tiềm ẩn các nguy cơ lớn về sức khỏe như cao huyết áp, mỡ máu, tai biến…

Nhiều gia đình có điều kiện thuê giúp việc về để chăm sóc cha mẹ nhưng hiện nay các giúp việc ở Việt Nam đa phần đều chưa được đào tạo kiến thức về y tế, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, tiếng nói của người giúp việc không có sức thuyết phục các cụ. Ở với người giúp việc các cụ ăn uống, sinh hoạt không điều độ khiến bệnh tình không khả quan. Việc thuê người giúp việc chỉ giải quyết được vấn đề chăm sóc ăn uống, khó thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động về tinh thần.

Ngược lại về phía người giúp việc, nhiều người cũng không thể chịu được áp lực công việc chăm sóc người già. Không chỉ vất vả trong công tác cho ăn uống, thay bỉm, vệ sinh… nhiều người già khó tính, trái tính khiến người giúp việc không chịu đựng được. Nhiều gia đình liên tục phải tìm giúp việc vì chỉ ở được vài hôm giúp việc đã đòi nghỉ. Bởi vậy các gia đình đã đưa người già đến các viện dưỡng lão. Tại đây ngoài việc được chăm sóc sức khỏe họ còn kết bạn và tham gia các hoạt động tập thể.

Chị Thu Ngân kể, gần đây nhất trung tâm chị tiếp một nam giới 34 tuổi, ở Hà Nội. Anh đến tìm hiểu về viện dưỡng lão để đưa mẹ vào. Anh kể, anh đang công tác tại trung tâm thành phố và mẹ anh đang ở quê một mình. Bà có tiền sử bệnh cao huyết áp, khi sống một mình bà không tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng và uống thuốc đều đặn vì vậy một tuần anh phải về thăm mẹ 2 lần. Tuy nhiên việc về nhà thường xuyên cũng chưa khiến anh yên tâm. Ngoài ra, đi lại nhiều khiến anh bị ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe. Cuối cùng theo lời khuyên của một người bạn anh quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão nơi gần cơ quan anh làm việc.

Chị Ngân nói: “Sau khi tìm hiểu người này nhận thấy viện dưỡng lão là lựa chọn phù hợp cho gia đình. Tuy nhiên anh đang lo ngại mẹ anh có nhiều suy nghĩ, chưa đồng ý. Bởi không ít người cao tuổi ở Việt Nam quan niệm rằng việc phải vào viện dưỡng lão là bị con cái chối bỏ, phải sống trong sự cô đơn đến cuối đời. Tuy nhiên hiện nay các viện dưỡng lão đều có nhiều dịch vụ như ở dài hạn, ở bán trú hay ở trong thời gian ngắn hạn để khách hàng có thể lựa chọn tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình”.

*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu

*Nguồn ảnh: Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Theo: Dân trí, Vietnam.net

Xem thêm

Người già ở Viện Dưỡng lão đối mặt với những vấn đề gì?

Cuộc sống của người cao tuổi tại viện dưỡng lão có nhiều thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe, nhưng trong quá trình sinh hoạt họ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Thực tế, không phải người cao tuổi nào cũng dễ dàng đồng ý việc rời xa gia đình, rời xa ngôi nhà quen thuộc đã gắn bó bao nhiêu năm để đến sống ở một nơi xa lạ nốt phần đời còn lại.

Có nhiều người già chia sẻ, họ hy vọng cuộc sống ngắn ngủi còn lại ở tuổi xế chiều được ở bên người thân ruột thịt. Nhưng vì thương con, thương cháu, vì hoàn cảnh éo le hay vì tình trạng sức khỏe già yếu, không còn tự chăm sóc được mình… nên họ quyết định chọn vào viện dưỡng lão ở, để không trở thành “gánh nặng” của người thân. Mặc dù cuộc sống của người cao tuổi trong viện dưỡng lão khá đầy đủ, có nhiều thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình sinh hoạt trong ngôi nhà chung, họ cũng gặp phải những chuyện éo le.

Bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi, ở Hải Dương) từng sống nhiều năm trong viện dưỡng lão chia sẻ, người già giống như trẻ con và là những “đứa trẻ cứng đầu” nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn.

Những mâu thuẫn tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng có thể làm các cụ không vui, giận hờn, bỏ ăn, bỏ uống và sinh bệnh. “Cùng sống dưới một mái nhà chung nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng vui vẻ với nhau. Chúng tôi cũng gặp tình trạng người này không hợp với người kia thì sẽ không nói chuyện, không chơi cùng. Bản thân tôi cũng ít tham gia chơi cùng tập thể. Bởi vì tôi bị nặng tai, ra ngồi chơi với một nhóm đông tôi không nghe rõ mọi người nói gì. Như vậy tôi thành lạc lõng giữa đám đông. Vậy nên, tôi chọn cách ở trong phòng vui với những thú vui riêng của mình như đọc sách, đọc thơ, nhắn tin nói chuyện với các con, các cháu.

Tôi nhớ trước đây tôi có ở cùng phòng với một cụ bà khá khó tính. Ở với ai cụ cũng gây chuyện với bạn cùng phòng nên trung tâm liên tục chuyển cụ đến các phòng khác nhau. Lần này, trung tâm xếp cụ sang ở cùng tôi, bởi tôi cũng được tiếng là vui vẻ và dễ tính. Nhưng, dù tôi dễ tính đến đâu thì cũng không thể “chiều chuộng” được cụ ấy. Tôi đã phản ánh lên lãnh đạo trung tâm và cụ đó lại được “chuyển nhà” đến một nơi khác, còn tôi thì ở với một bạn cùng phòng mới” – cụ Biển tâm sự.

Nói về những vấn đề tâm lý mà người cao tuổi có thể gặp phải khi sống trong viện dưỡng lão, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho hay, người già bao giờ cũng muốn sống quây quần bên con cháu. Khi mới vào viện dưỡng lão các cụ thường có tâm lý lo lắng, cảm thấy nhớ nhà và chỉ muốn về. Có người cho rằng con cái họ bất hiếu, bỏ rơi bố mẹ dẫn đến tinh thần suy sụp, thậm chí bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Còn có người thì nói dối về hoàn cảnh gia đình, không có con cháu nên mới phải nương nhờ viện dưỡng lão. “Cũng phải thừa nhận, có những người con xem bố mẹ là gánh nặng vô dụng và thoái thác trách nhiệm chăm sóc cho trung tâm dưỡng lão”.

Hiện nay, vấn đề viện dưỡng lão đang ngày càng được xã hội nhìn nhận một cách đầy đủ và cởi mở hơn. Đa phần người già sau khi vào viện dưỡng lão thì các chỉ số về sức khỏe thực thể và tâm lý được cải thiện một cách đáng kể. Vì họ được sống trong môi trường lành tính, thiết kế phù hợp với người cao tuổi, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cơ bản, thể chất và cả tinh thần” – chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân chia sẻ.

Đồng quan điểm đó, bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng cho rằng, bên cạnh nhiều lợi ích về sức khỏe, tinh thần, người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là việc họ phải xa con cháu, không được gặp hằng ngày. Ban đầu, nhiều cụ vào các trung tâm dưỡng lão đều nhớ nhà và chỉ muốn về. Do vậy, khi các cụ mới vào viện, các điều dưỡng thường xuyên phải hỏi han, trò chuyện trong tâm thế là người thân, người nhà. Như vậy, họ sẽ cảm thấy không còn cô đơn nữa.

Bên cạnh đó, với các cụ sống ở phòng tập thể thì họ phải làm quen và thích nghi với môi trường tập thể với nhiều vấn đề mới phát sinh như yêu, ghét, giận hờn… Và vì sống trong phòng tập thể nên họ cũng không thể làm mọi việc theo ý mình mà cần phải tôn trọng những người xung quanh. Đặc biệt, đối với những cụ hay uống rượu, bia, hút thuốc lá thì khi vào ở trong viện dưỡng lão sẽ rất khó chịu. Các cụ sẽ cảm thấy không được tự do, thoải mái như ở nhà, bởi ở đây không được uống rượu/bia, không được thuốc lá, thuốc lào…

Để hạn chế được tình trạng, cách đơn giản và hiệu quả là những lời hỏi han, quan tâm từ phía người thân và những người xung quanh. Khi các cụ vào ở viện dưỡng lão, các con cháu cũng cần gọi điện hỏi thăm hoặc đến thăm các cụ khi rảnh rỗi. Còn tại các trung tâm dưỡng lão, nhân viên cần phải có tình thương đối với người già, được đào tạo để chăm sóc người cao tuổi thì mọi thứ sẽ tốt cho các cụ hơn.

Theo: An An/Giadinhmoi.vn

 

Xem thêm