Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All posts by Diên Hồng

Gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão: Phụ thuộc vào cách ứng xử của con cái hay nhu cầu của bố mẹ?

Hiện nay, việc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Có người cho rằng đó là hành động bất hiếu, nhưng cũng có người cho đó là việc tất yếu để bố mẹ được chăm sóc chu đáo hơn.

Viện dưỡng lão không phù hợp với tất cả người già

Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới về việc có nên gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão, bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết: “Thực ra, viện dưỡng lão không phải phù hợp với tất cả mọi người. Những cụ ông, cụ bà hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn vẫn tự sinh hoạt cá nhân, vẫn tự đi được bất kì nơi nào, gặp gỡ người nào mà mình muốn thì không cần sống trong viện dưỡng lão”.

Còn việc có nên hay không nên gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão hay không thì bà Ngân cho rằng, việc bố mẹ vào viện dưỡng lão không nằm ở quyết định của con cái vì nó phụ thuộc vào nhu cầu của bố mẹ. Các con chỉ có thể động viên, thuyết phục bố mẹ vào sống trong viện dưỡng lão như một lựa chọn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bố mẹ và hoàn cảnh gia đình chứ không thể ép bố mẹ vào đây khi ông bà không đồng ý.

“Thực tế tại trung tâm chúng tôi cũng gặp vài trường hợp các ông bà đồng ý vào ở thử nhưng sau một thời gian thấy khó hòa nhập và “đòi về” thì trung tâm cũng trao đổi với gia đình đưa về tự chăm sóc” – bà Thu Ngân chia sẻ. Không ít người cũng cho rằng, việc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão tức là để người già phải xa gia đình, xa con cháu và đó là hành động bất hiếu. Bà Thu Ngân cho rằng, trước hết chúng ta phải đồng ý với nhau hiếu nghĩa là lòng kính yêu và biết ơn đối với cha mẹ.

Việc để bố mẹ sống cùng hay đưa vào viện dưỡng lão không thể hiện được thái độ của con cái dành cho cha mẹ. Nếu như gửi bố mẹ vào dưỡng lão mà vẫn thường xuyên quan tâm bằng cách đến thăm hoặc gọi điện thoại thì vẫn là có hiếu. “Ở Diên Hồng có nhiều trường hợp các con, cháu thường xuyên đến thăm ông bà, bố mẹ và mỗi lần đến đều xoa bóp, phục vụ bố mẹ, ông bà một cách nhiệt thành. Người già đều có thể cảm nhận được tình cảm yêu thương, biết ơn thông qua hành động và câu nói của con, cháu. Ngược lại, nếu giữ bố mẹ ở nhà rồi thuê người chăm, đi sớm về khuya thì liệu người già có cảm nhận được tình cảm hiếu kính của các con không?” – bà Ngân cho biết.

Có ‘hiếu’ không phải là cố gắng giữ bố mẹ ở bên cạnh mình

Chia sẻ quan điểm về việc nên gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho biết, ở các nước phát triển thì viện dưỡng lão thực sự là những nơi chốn cần thiết và phù hợp với người già.

Nhưng ở Việt Nam, do khác biệt văn hóa và quan niệm về chữ “hiếu” nên việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người giữ định kiến gửi ông bà, bố mẹ vào viện dưỡng lão là bỏ mặc không lo, tìm cách rũ bỏ trách nhiệm của mình cho người khác, bị xem là bất hiếu.

Theo vị chuyên gia tâm lý này, nếu con cái có thời gian và điều kiện tự chăm sóc tốt bố mẹ thì hãy để bố mẹ ở nhà chăm sóc. Có thể thuê thêm người giúp việc hỗ trợ nếu cần thiết. Bởi văn hoá của người Á Đông đa phần bố mẹ thích được gần con cái, tuổi già yếu đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời, ánh mắt họ nhìn vào con cái là cả một bầu trời.

Tuy nhiên, gia đình Việt Nam hiện nay đang có những biến đổi về cấu trúc, quy mô, quan hệ giữa các thành viên ít nhiều đã làm thay đổi nhận thức và quan niệm truyền thống về gia đình cũng như chữ hiếu. Theo đó, “có hiếu” không phải là cố gắng giữ bố mẹ ở bên cạnh mình, mà là chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bố mẹ như thế nào. Vào viện dưỡng lão, sống độc lập, hay sống cùng con cái, hãy để cho bố mẹ quyết định, ít nhất là khi họ còn tỉnh táo. Cảm giác có được những lựa chọn ở giai đoạn cuối đời, có thể đưa ra quyết định và biết rằng những mong muốn đó được tôn trọng có ý nghĩa vô cùng quan trọng” – chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân bày tỏ quan điểm.

Còn với trường hợp mà con cháu quá bận rộn công việc, học hành không có điều kiện về thời gian cũng như kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, nhất là những người già có vấn đề về sức khỏe như bệnh mãn tính, suy giảm trí nhớ và những phức tạp khác của tâm lý do tuổi tác thì chuyên gia tâm lý  khuyên các gia đình nên cân nhắc tới việc đưa các cụ vào viện dưỡng lão. Bởi với những trường hợp như vậy, khi gửi ông bà, bố mẹ vào viện dưỡng lão sẽ tốt hơn so với việc để ông bà, bố mẹ già ở nhà một mình, khoá cửa suốt ngày và buồn bã. Hơn nữa, khi để người già ở nhà một mình còn ẩn chứa các mối nguy hiểm về sức khỏe như té ngã, bất ngờ đột quỵ… nếu con cái không ở bên kịp thời xử lý sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của các cụ.

Trong khi đó, ở viện dưỡng lão có các điều dưỡng viên được đào tạo bài bản sẽ chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân cho các cụ, ngoài ra còn được thăm khám và theo dõi sức khoẻ định kỳ. Viện dưỡng lão còn là điểm hẹn của người già. Các cụ cũng vui hơn vì có người bầu bạn, được trò chuyện chia sẻ tâm sự, có thể giải tỏa những vướng mắc tâm lý của mình.

Theo An An/ Giadinhmoi.vn

 

Xem thêm

Ngỡ ngàng lễ khai giảng năm học mới cho người cao tuổi

Hà Nội, ngày 26/3/2022 – Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức buổi lễ khai giảng năm học mới. Với học viên là người cao tuổi mong muốn có một tuổi già sinh động và hạnh phúc. Đây cũng chính là hình thức khai trương cơ sở 4 tại Thanh Trì, Hà Nội.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng, buổi khai giảng diễn ra ấm cúng nội bộ. Đặc biệt tất cả những người tham dự đều mặc trang phục học sinh. Ngôi trường này sẽ không có thầy cô giáo. Tất cả mọi người sẽ cùng nhau khám phá bản thân, cùng nhau học các kiến thức và kỹ năng mới. Những điều mà chưa từng trải nghiệm trước đây. Nhà trường có thể mời thêm các huấn luyện viên tới để chia sẻ hoặc hướng dẫn cho các học viên cao niên.

Trong lễ khai giảng, các học viên cao tuổi cùng nhau ca hát, ngâm thơ. Nhiều cụ còn tạo dáng chụp ảnh xì teen bên mô hình xe bus đưa đón học sinh không khác gì các bạn học trò trẻ tuổi. Ai nấy đều tươi cười rạng rỡ.

Cụ Nguyễn Thị Biển, một học sinh ưu tú của trường đạt danh hiệu Hoa hậu cao niên Diên Hồng 2020 vừa khoe chiếc túi tote được nhà trường tặng để đựng dụng cụ học tập vừa hồ hởi nói: “Tôi vào Diên Hồng ban đầu với suy nghĩ có một không gian riêng tư để an dưỡng nhưng không ngờ lại được trải nghiệm quá nhiều điều tuyệt vời, tham gia cuộc thi sắc đẹp và giành ngôi vị cao nhất, được học múa bụng, được chụp thật nhiều ảnh đẹp để khoe với con cháu, bạn bè. Diên Hồng thực sự đã trở thành một trường học hạnh phúc dành cho những người ở tuổi xế chiều như tôi”.

Chị Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, giám đốc chương trình trải nghiệm của nhà trường chia sẻ: “Hạnh phúc, hai từ ngỡ như giản đơn nhưng đôi khi phải tìm kiếm cả cuộc đời vẫn chưa tìm ra con đường đúng. Trong quá trình chăm sóc, chúng tôi nhận ra rằng có nhiều cụ cảm thấy mất kết nối với con cái. Có người dù đã nỗ lực hết mình nhưng luôn cảm thấy thiệt thòi. Có người thì thấy bất công trong cuộc sống. Thậm chí là không được ghi nhận những đóng góp của mình.

Rất nhiều người cao tuổi không dám làm điều mình muốn. Bởi họ sợ cái nhìn của người khác, sợ bị đánh giá, phán xét… Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ đồng hành cùng với ông bà để thấu hiểu bản thân. Sẵn sàng làm điều mình thích, học những kỹ năng, kiến thức mới. Hơn nữa là học được cách sống bình an, hạnh phúc. Từ đó có tuổi già trọn vẹn ý nghĩa.

“Già không có nghĩa là chuẩn bị kết thúc cuộc đời. Mà là bắt đầu trở thành tỉ phú thời gian để sống cho bản thân. Vì thế Diên Hồng trở thành một trường học nội trú. Nơi người gi dùng tìm cho mình các trò chơi ưa thích và những trải nghiệm mới. Như: Vẽ tranh, làm idol TikTok, người mẫu ảnh, khiêu vũ, yoga cười, múa bụng,… Chúng tôi cảm thấy rất vui khi chứng kiến ngày càng nhiều người vui vẻ, yêu đời hơn sau một thời gian vào trường”.

Lễ khai giảng mới chỉ là sự khởi đầu. Người cao tuổi sẽ có cả một hành trình trải nghiệm ở phía trước. Ban lãnh đạo Diên Hồng hi vọng đây sẽ là mô hình kiểu mẫu và truyền cảm hứng cho người cao tuổi ở khắp Việt Nam. Để họ vượt ra khỏi những định kiến về tuổi già, tự tin làm điều mình thích. Và đặc biệt là sống hạnh phúc để làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu.

Xem thêm

Khi nào nên gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão?

Viện dưỡng lão có thể là một cứu cánh để giữ hạnh phúc đối với gia đình có người già. Vậy khi nào thì nên nghĩ tới việc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão?

Theo Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, quyết định khi nào đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão cần cân nhắc dựa trên điều kiện kinh tế của gia đình và tình trạng sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của bố mẹ. Điều quan trọng là những người con vẫn nên tìm hiểu kỹ để đảm bảo chế độ chăm sóc tốt nhất cho các cụ.

Theo bà Hải Vân: “Những trường hợp nên vào viện dưỡng lão là những người già bị lú lẫn hoặc có một số bệnh mãn tính như huyết áp, tai biến, đột quỵ… cần được chăm sóc, theo dõi sức khỏe 24/24 giờ.

Bên cạnh đó, một số người già vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, không muốn phụ thuộc vào con cháu và bản thân những người cao tuổi đó thích gặp gỡ, giao lưu, tham gia sinh hoạt cộng đồng cũng như được chăm sóc y tế chuyên nghiệp, cũng nên chủ động chọn viện dưỡng lão làm điểm dừng chân những năm tháng cuối đời”.

Vị chuyên gia tâm lý này cũng đưa ra lời khuyên với những người làm con rằng, trước cuộc sống bề bộn lo toan, mô hình viện dưỡng lão là một giải pháp, xu hướng tất yếu của xã hội nhưng việc này cần phải gắn chặt với trách nhiệm của con cái, khéo léo trao đổi, thống nhất giữa hai bên để tránh trường hợp bố mẹ cảm thấy bị bỏ rơi, vô tình dẫn đến những hệ lụy tiêu cực.

Và sau khi đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão, thì việc thăm nom nên được duy trì thường xuyên và đừng quên chia sẻ những thông tin về gia đình, họ hàng… để các cụ cảm thấy ấm áp khi có con cháu ở bên.

Bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng nêu quan điểm, có 2 nhóm chính nên vào sống ở dưỡng lão.

Nhóm thứ nhất là những người cao tuổi không an toàn khi ở nhà. An toàn ở đây bao gồm các vấn đề về cơ sở vật chất (nhà cao tầng, không có tay vịn cầu thang để thuận tiện đi lại…) và những người già bị mắc 1 số bệnh nền (như bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, người bị lú lẫn tuổi già) trong khi gia đình không có người chăm sóc 24/24; người già bị liệt trong khi con cháu gặp khó khăn hoặc không có điều kiện để chăm sóc.

Nhóm thứ 2 nên vào sống ở viện dưỡng lão là những người già thích sống trong môi trường dưỡng lão. Đó có thể là thích sống cùng với nhiều người già cùng lứa tuổi, thích tham gia các hoạt động tập thể trong khi ở nhà hoặc khu dân cư nơi mình sống không đủ đáp ứng.

Tại các trung tâm dưỡng lão có hệ thống chăm sóc y tế, điều dưỡng viên được đào tạo để chăm sóc người cao tuổi nên mọi thứ sẽ tốt hơn cho các cụ, sức khỏe và tinh thần của các cụ sẽ được cải thiện hơn so với ở nhà một mình.

(An An/ giadinhmoi.vn)


Xem thêm

Nghề điều dưỡng – nghề của tình thương và sự tận tâm

Hiện nay, ngành điều dưỡng ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội hiện đại khi mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người không ngừng tăng cao. Thế nhưng, ngoài bác sỹ, y tá đã “quen mặt thuộc tên” thì không phải ai cũng biết đến ngành nghề này.

Xưa nay nhiều người nghĩ rằng, điều dưỡng viên là một nghề nghiệp nhẹ nhàng, đơn giản, không phải dãi nắng dầm mưa. Nhưng ít ai biết rằng, quá trình tiếp xúc và làm quen với bệnh nhân là thử thách không hề dễ dàng đối với họ.

Để hiểu rõ hơn về nghề điều dưỡng viên, nhóm phóng viên đã quyết định đến trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Nằm trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km, Diên Hồng được biết đến là nơi an dưỡng lý tưởng cho các cụ có hoàn cảnh đặc biệt. Nơi đây quy tụ nhiều điều dưỡng viên tâm huyết với nghề và đặc biệt chịu được những áp lực từ sự khó tính hay nổi nóng thất thường của các cụ.

Ngôi nhà của tình thương

Khi bước vào cánh cổng của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, không khó bắt gặp hình ảnh các điều dưỡng viên đang xoa bóp, đấm lưng, trò chuyện thì thầm bên tai các cụ. Mọi người ở đây sống chan hòa, tình cảm và coi nhau như những thành viên thân thuộc trong gia đình. Các điều dưỡng viên không đứng ở tư cách là người làm nghề mà như người con, người cháu phụng dưỡng ông bà, cha mẹ của mình vậy.

Có lẽ với các điều dưỡng viên, lòng yêu thương, sự tận tâm là yêu cầu cốt tử để bám trụ lấy nghề. Nếu như quyết tâm không đủ lớn, họ sẽ dễ dàng bị ngã gục ngay từ vạch xuất phát.

Nhiều người còn nói vui rằng, nghề điều dưỡng viên là nghề “bốn trong một”. Nghĩa là một mình điều dưỡng viên phải đảm đương bốn công việc khác nhau: chăm sóc bệnh nhân, truyền đạt thông tin, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, biện hộ cho người bệnh.

Cũng như các điều dưỡng viên khác trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, chị Nguyễn Thị Tuyết đến với nghề từ sự ngẫu nhiên rồi từ sự ngẫu nhiên lại chuyển hóa thành niềm yêu thích. Chị Tuyết tâm sự: “Ban đầu cũng không thích cái nghề này đâu, sau này đi học đi làm thấy cũng hay, khi có thể giúp đỡ người ta được một phần thì thấy yêu quý nghề và bây giờ không dứt ra được”.

Với Phạm Phương Linh, cô sinh viên 19 tuổi đến từ Hải Dương, hiện đang có thời gian thực tập tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cũng đã sớm bày tỏ lòng ham thích nghề điều dưỡng viên.

Phương Linh chia sẻ: “Lý do em đến với nghề chỉ đơn giản là yêu thích việc chăm sóc người khác, giúp được mọi người là em thấy vui rồi”. Mặc dù còn khá bỡ ngỡ và chưa có nhiều cơ hội va chạm với nghề nhưng cô sinh viên 9X này đã tỏ rõ tình yêu nghề sâu sắc. Sau khóa thực tập tại Diên Hồng, Phương Linh nung nấu ý định học thêm nghề diều dưỡng tại Đức để nâng cao tay nghề.

Nghề “làm dâu trăm họ”

Người ta thường hay ví nghề điều dưỡng viên là nghề làm dâu trăm họ. Cũng bởi vì tính chất công việc của nghề này là chăm sóc sức khỏe cho người khác. Tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, phần lớn các đối tượng được chăm sóc là người có tuổi. Có những cụ đã không còn khả năng đi lại, có những cụ không tự làm chủ được vệ sinh cá nhân lại có những cụ bị tai biến… Mỗi một cụ là một hoàn cảnh khác nhau, một tính cách khác nhau, vì thế, trách nhiệm của điều dưỡng viên lại càng lớn. Họ giống như người nhạc trưởng chỉ huy một ban nhạc đầy âm thanh hỗn loạn nhưng cuối cùng đều phải cất lên tiếng hát chung trên sự dung hòa, dung hợp giữa các thành viên.

Trên tinh thần coi người bệnh như người thân trong gia đình, các điều dưỡng viên đã hết lòng dốc sức dành sự quan tâm đặc biệt với các cụ. Họ hiểu rằng, mỗi con người sinh ra là một cá thể độc lập, có những tính cách không giống nhau, nhất là những người có tuổi, họ nhạy cảm và dễ tổn thương, vì thế, phải thường xuyên thăm hỏi và lắng nghe tâm tự của các cụ.

Chị Tuyết có chia sẻ: “Tại trung tâm dưỡng lão, mỗi người mỗi tính, chả ai giống ai, giống như mình đấy cha mẹ sinh con trời sinh tính. Bây giờ các cụ lại già rồi, nhiều cụ khó tính cũng có cụ dễ tính, mỗi cụ đều phải có cách chăm sóc riêng. Đối với các cụ dễ tính thì một ngày bọn chị xoa bóp 15 phút, còn với những cụ khó tính thì xoa bóp lâu hơn có thể lên đến 30 phút, trò chuyện với các cụ nhiều hơn”.

Cũng đã từng trải qua cảm giác sợ sệt khi lần đầu đối mặt với các cụ khó tính, anh Nguyễn Hải Linh (26 tuổi)- trưởng nhóm điều dưỡng bồi hồi nhớ lại: “Ban đầu có có cụ cũng khó tính, to tiếng thậm chí anh còn sợ các cụ đấy, nhưng qua thời gian chăm sóc, sinh hoạt ở đây như kiểu ông bà mình, tình cảm cũng dần tăng lên, anh san sẻ tình cảm với các cụ thì thấy các cụ đáng yêu, không hề khó tính như mình nghĩ”.

Bên cạnh làm công tác chăm sóc sức khỏe, các điều dưỡng viên tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng còn kiêm luôn đạo diễn, người tổ chức chương trình vui chơi vào các ngày lễ đặc biệt cho các cụ. Trong ánh mắt của các điều dưỡng viên, chúng tôi thấy ánh lên niềm vui, năng lượng của tuổi trẻ, sự yêu thương vô hạn với nghề nghiệp của mình.

Mai Hương – Thùy Dương ( Báo Vietnam.net )

Xem thêm

Ăn gì để tăng cường sức đề kháng, phòng dịch bệnh do covid 19

Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa có hồi kết khi “đại dịch” tiếp tục tốc độ lây lan nhanh chưa từng có và hiện chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa. Do đó, việc nâng cao sức đề kháng cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng được xem là “vũ khí” hữu hiệu nhất giúp bảo vệ bản thân giữa tâm dịch. Hãy cùng Diên Hồng xem ngay nên ăn gì và kiêng gì để tăng sức đề kháng phòng dịch bệnh tốt nhất cho sức khỏe nhé!

Sức đề kháng là gì?

Sức đề kháng chính là khả năng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Có hai loại là sức đề kháng tự nhiên và sức đề kháng tổng hợp. Trong đó sức đề kháng tổng hợp hưởng lợi từ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng vắc-xin và tập thể dục thể thao đều đặn.

Đầu tiên cần ghi nhớ rằng chế độ dinh dưỡng cân bằng là tiền đề cho việc giữ cơ thể khỏe mạnh. Một bữa ăn cần phải ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng: chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng của cơ thể

Khi sức đề kháng suy yếu, hệ miễn dịch sẽ trở nên mỏng manh, yếu ớt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là Covid-19. Các nghiên cứu gần đây cho biết các yếu tố làm suy giảm sức đề kháng bao gồm:

  • Suy giảm hệ miễn dịch: đây là nguyên nhân chính gây suy giảm sức đề kháng, bao gồm suy giảm miễn dịch tiên phát (khiếm khuyết về mặt di truyền, rối loạn tế bào mầm,…) và suy giảm miễn dịch thứ phát (do bức xạ X-quang, điều trị kìm tế bào, chấn thương, can thiệp phẫu thuật,…).
  • Sự ô nhiễm không khí: khi hít phải khói bụi, hơi hóa chất,… phổi của bạn sẽ bị nhiễm bẩn. Các nghiên cứu đã phát hiện, không khí bẩn sẽ ngăn chặn sự tăng sinh của các lympho T (tế bào cần thiết của hệ miễn dịch) và lympho B (miễn dịch thể dịch) gây ra viêm nhiễm hô hấp.
  • Ăn các thức ăn chế biến sẵn: Nếu ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, đóng hộp,… có quá nhiều đường, mỡ và muối có hại cho cơ thể – các thực phẩm này sẽ làm suy yếu các lympho T và B là “đội quân” chủ lực chống lại bệnh tật.
  • Uống ít nước: nước giữ vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Ngoài cung cấp nước cho sự sống, chúng còn giúp thận lọc bỏ các yếu tố độc hại đồng thời nâng cao sức đề kháng.
  • Thức quá khuya: Nếu bạn không nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt khi thức khuya, sẽ khiến cơ thể không sản xuất đủ melatonin trong khi ngủ, hệ thống miễn dịch không thể tạo đủ tế bào bạch cầu để chống đỡ vi khuẩn.
  • Stress: Việc thường xuyên căng thẳng, lo lắng khiến nồng độ hormone như testosterone và estrogen bị suy giảm, gây mất thăng bằng, làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
  • Lạm dụng kháng sinh: Thuốc kháng sinh là “con dao hai lưỡi”. Theo các chuyên gia, trẻ em và người lớn ốm khi uống kháng sinh sẽ khỏi rất nhanh, song khiến cơ thể người bệnh yếu hơn, dễ có nguy cơ mắc bệnh ở những lần sau, giảm khả năng tự chống chịu với vi khuẩn, virus. Ngoài ra, kháng sinh còn dẫn đến giảm lượng cytokine – một hormone cần thiết cho hệ miễn dịch.
  • Thừa cân: Việc thừa cân không chỉ gây khó khăn cho tim, não mà còn khiến sự tăng tiết hormone mất kiểm soát, chúng phá hỏng khả năng phòng bệnh của hệ miễn dịch.

Các loại vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng

Theo các chuyên gia, đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là Covid-19, vai trò của hệ miễn dịch là yếu tố quyết định, được xem là “vũ khí tối thượng” trong phòng tránh bệnh. Vì vậy, để giữ cho sức đề kháng luôn khỏe mạnh chống lại “thù trong giặc ngoài”, mỗi cá nhân cần phải thiết lập chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất cho cơ thể:

1. Vitamin A

Có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng việc bổ sung đầy đủ vitamin A có thể làm giảm 23% tử vong ở trẻ. Thiếu vitamin A sẽ làm các tuyến ngoại tiết giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn giảm đi. Vitamin A có nhiều trong gấc, rau ngót, rau dền, gan gà,…

2. Vitamin E

Vitamin E làm gia tăng sức đề kháng của cơ thể bằng cách bảo vệ tế bào khỏi các bệnh nhiễm khuẩn, làm chậm tiến triển bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer), bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị oxy hóa, tham gia vào chuyển hóa tế bào. Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên: đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có màu xanh đậm.

3. Vitamin C

Có vai trò tăng cường miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch lympho T và bạch cầu, từ đó làm tăng chức năng của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin C, sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp. Nếu bổ sung đủ vitamin C, các globulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lympho và giúp hình thành các bổ thể. Hơn 90% lượng vitamin C có trong các loại rau củ: rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi,… đến các trái cây như bưởi, đu đủ, quýt, cam, chanh,…

4. Vitamin D

Là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn chính của vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống, vì vậy, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, đồng thời tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, hải sản, gan cá,…

5. Vitamin nhóm B

Trong các vitamin nhóm B, vai trò của folate (B9) và pyridoxin (B6) quan trọng hơn cả. Thiếu folate làm chậm sự tổng hợp của các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Trên thực tế ở trẻ em và phụ nữ mang thai, thiếu folate thường đi kèm thiếu sắt, tạo nên “bộ đôi” gây thiếu máu dinh dưỡng. Ngoài ra, thiếu pyridoxin làm chậm các chức năng miễn dịch, cả dịch thể và trung gian tế bào. Vitamin nhóm B có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì,…

6. Sắt

Sắt cần thiết cho tổng hợp AND, nghĩa là nó cần thiết cho quá trình phân bào. Thiếu sắt, nguy cơ nhiễm khuẩn tăng. Sắt ảnh hưởng đến miễn dịch qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể. Sắt có nhiều trong mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng,..

7. Kẽm

Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp vết thương mau lành, duy trì vị giác và khứu giác. Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, vì vậy khi thiếu kẽm rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa do giảm sức đề kháng. Các thức ăn giàu kẽm như thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, hàu,..

8. Selen

Selen đóng vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, bao gồm sự phát triển và hoạt động của bạch cầu. Thiếu hụt selenium gây ra ức chế chức năng miễn dịch và khả năng đề kháng chống nhiễm trùng, hậu quả của suy giảm chức năng bạch cầu và tuyến ức. Ngoài ra, selen còn có vai trò trong phục hồi cấu trúc di truyền, tham gia kích hoạt một số enzyme trong hệ thống miễn dịch, giải độc một số kim loại nặng.

Tổng hợp 15 loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng phòng Covid-19

Theo thống kê về các đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19, thì người cao tuổi và người mắc các bệnh nền chiếm tỷ lệ cao, do sức đề kháng kém hơn các đối tượng khác. Sức đề kháng và miễn dịch của con người được hình thành và phát triển kể từ khi họ được sinh ra, điều kiện quyết định để tạo ra sức đề kháng và miễn dịch khỏe mạnh là do chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối và lối sống. “Ăn uống gì để tăng sức đề kháng?” trở thành mối quan tâm của cả cuộc đồng.

1. Trái cây họ cam quýt

Vitamin C được xem là “chìa khóa” tăng cường sức đề kháng vô cùng hiệu quả, bởi vitamin C giúp cơ thể tăng cường sản xuất interferon – loại protein do tế bào cơ thể tạo ra để chống lại các tác nhân gây bệnh, thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Hầu như trong tất cả các loại trái cây có múi như: bưởi, cam, quýt, chanh,… đều giàu vitamin C.

Tuy nhiên, cơ thể mỗi người không tự sản sản xuất hay tổng hợp vitamin C nên mỗi người cần bổ sung vi chất này hàng ngày để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh. Đừng quên rằng, vitamin C có thể giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn sau những cơn cảm lạnh, ho, sốt,… nên các loại trái cây này được rất nhiều người lựa chọn để tăng cường đề kháng trong thời dịch.

2. Ớt chuông đỏ

Ớt chuông đỏ là thực phẩm tăng cường sức đề kháng phòng Covid hiệu quả bởi trong nó chứa rất nhiều vitamin C, gấp 3 lần so với họ cam quýt. Ngoài ra, ớt chuông đỏ cũng là nguồn cung cấp vitamin A, B, E6, phytochemical và carotenoid, nhất là beta carotene (tiền chất của vitamin A) dồi dào. Bên cạnh việc góp phần giúp sáng mắt, có lợi cho làn da… mà còn chống oxy hóa, chống viêm hiệu quả.

3. Bông cải xanh

Bông cải xanh là một trong những loại rau lành mạnh nhất, giúp bổ sung nhiều vitamin (giàu hàm lượng vitamin A, C và E), có lợi cho sức khỏe miễn dịch. Chất sulforaphane có trong bông cải xanh chống oxy hóa, làm giảm căng thẳng, làm chậm sự suy giảm của hệ thống miễn dịch, bảo vệ niêm mạc đường hô hấp…

Bông cải xanh rất tốt cho sức khỏe của người trưởng thành, nhất là trẻ nhỏ. “Chìa khóa” để giữ nguyên dinh dưỡng của bông cải xanh là nấu càng ít càng tốt, hoặc tốt hơn là không. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hấp là cách tốt nhất để giữ lại nhiều nhất các khoáng chất trong rau củ.

4. Tỏi

Tỏi không đơn thuần là một gia vị được sử dụng phổ biến trong ẩm thực, mà còn được ví như loại “thần dược” giúp phòng chống lại các bệnh cảm cúm và viêm đường hô hấp, tăng huyết áp, mỡ máu,… Bởi trong tỏi chứa rất nhiều iod và tinh dầu (giàu glucogen và allicin, fitonxit) có tác dụng diệt vi khuẩn bằng cách ức chế các enzyme có chứa lưu huỳnh cần thiết cho vi khuẩn, chống viêm hiệu quả.

Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D,… và rất nhiều khoáng chất cần thiết như i-ốt, canxi, magie,… Chính vì vậy, tỏi là thực phẩm hàng đầu không chỉ giúp nâng cao nâng cao sức đề kháng mà còn giúp phòng tránh các dịch bệnh khác.

5. Gừng

Gừng là thực phẩm được nhiều người sử dụng sau khi ốm dậy. Gừng có thể giảm viêm, giảm đau họng và các bệnh viêm nhiễm khác. Ngoài ra, nó có thể giảm buồn nôn rất hiệu quả và là “liều thuốc” rất quan trọng cho hệ miễn dịch.

Theo nghiên cứu mới đây, gừng giúp làm giảm các triệu chứng đau và làm chậm quá trình tạo cholesterol. Chế biến gừng vô cùng đa dạng, có thể dùng như gia vị trong bữa ăn, hoặc dùng nấu chín, món tráng miệng, hoặc pha trà gừng để uống.

6. Cải bó xôi

Cải bó xôi (rau bina) không chỉ giàu vitamin C mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và beta carotene, giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Tương tự như bông cải xanh, việc nấu chín rau bina trong khoảng thời gian càng ngắn sẽ giữ lại chất dinh dưỡng nhiều nhất

7. Sữa chua nguyên chất

Sữa chua là một trong những thực phẩm có chứa hàm lượng lợi khuẩn lớn cho cơ thể và là nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời. Không chỉ tăng khả năng phòng thủ tự nhiên hoàn hảo chống lại virus, đồng thời giúp bạn sở hữu thân hình cân đối và nước da mịn màng hơn.

Điều cần lưu ý nên hạn chế sử dụng các loại sữa chua nhiều đường. Thay vào đó, bạn có thể tự làm sữa chua tại nhà bằng trái cây lành mạnh và mật ong.

8. Hạnh nhân

Khi nói đến việc ngăn ngừa và phòng chống cảm lạnh, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc bổ sung vitamin E. Đây là loại vitamin tan trong dầu, rất là cần thiết cho cơ thể.Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải có một lượng chất béo thì cơ thể mới được hấp thu đúng cách. Vì vậy các loại hạt, chẳng hạn như hạnh nhân chính là thực phẩm cung cấp vitamin E hoàn hảo, do nó giàu lượng chất béo và vitamin tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, một khẩu phần ăn cho người lớn gồm nửa cốc chứa 46 hạt hạnh nhân nguyên vỏ sẽ cung cấp 100% lượng vitamin E đảm bảo đủ chất hàng ngày.

9. Hạt hướng dương

Trong hạt hướng dương có đầy đủ chất dinh dưỡng, bao gồm phốt pho, magie, vitamin B6 và vitamin E,… Ngoài ra, hạt hướng dương cũng rất giàu selen. Các khoáng chất này mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cơ thể, giúp giảm cholesterol xấu trong cơ thể, giảm căng thẳng, ngăn ngừa chứng trầm cảm và duy trì chức năng cho hệ thống miễn dịch.

10. Nghệ

Nghệ là loại thực phẩm được ông cha ta sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền nhiều đời qua. Chứa hàm lượng “hợp chất quý” curcumin cao, nghệ được biết rộng rãi nhờ công dụng hỗ trợ trong việc làm đẹp da, bảo vệ gan, dạ dày và được đánh giá rất có tiềm năng trong hỗ trợ đẩy lùi các bệnh về tim mạch, ung thư,… Đây được xem là 1 trong những món ăn giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể cực tốt.

Đặc biệt, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trong các nghiên cứu gần đây đã cho thấy curcumin có tác dụng tăng cường sức đề kháng một cách hiệu quả. Cụ thể, curcumin giúp tiêu diệt các tác nhân lạ, có hại cho cơ thể; tăng số lượng tế bào lympho T, tăng cường hoạt động của đại thực bào, đồng thời gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất Interleukin giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thế. Đây là thông tin rất hữu ích, nhất là trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa và dịch bùng phát như hiện nay.

11. Trà xanh

Trà xanh là một thức uống gần gũi, quen thuộc với bất kỳ người Việt, trong lá trà xanh có chứa chất flavonoid – một chất có tác dụng chống oxy hóa tuyệt vời. Ngoài ra, trà xanh giàu epigallocatechin gallate, EGCG và cũng là một nguồn axit amin L-theanine tốt, có thể hỗ trợ sản xuất các hợp chất chống vi trùng trong các lympho T hiệu quả.

“Việt Nam có nhiều gia vị như hành, tỏi, gừng, nghệ có nhiều kháng sinh thực vật và chất chống oxy hóa giúp nâng cao miễn dịch. Trà xanh cũng là một trong những thức uống truyền thống của người Việt giúp bổ sung vitamin C, tăng cường sức đề kháng, đặc biệt hợp chất EGCG – là yếu tố chống oxy hóa có trong sản phẩm giúp nâng cao miễn dịch, giảm mệt mỏi căng thẳng”, ThS.BS Bùi Ngọc An Pha, Giám đốc y khoa Trung tâm dinh dưỡng – Y học vận động Nutrihome cho biết.

12. Đu đủ

Đu đủ là một loại trái cây chứa rất nhiều vitamin C hàm lượng cao. Theo nhiều nghiên cứu, loại trái cây này chứa đến 224% lượng vitamin C được khuyến nghị mỗi ngày.

Không những vậy, đu đủ còn có chứa papain, một loại enzyme tiêu hóa có tác dụng chống viêm. Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp kali, vitamin B và folate, những dưỡng chất có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

13. Kiwi

Giống như đu đủ, kiwi có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng quan trọng và cần thiết, gồm kali, folate, vitamin C và vitamin K. Vitamin C có tác dụng tăng các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng trong khi các thành phần khác trong quả kiwi giúp cơ thể của bạn hoạt động tốt.

14. Gia cầm

Thịt gia cầm, chẳng hạn như gà tây, gà ta,… có chứa rất nhiều vitamin B6, đây là một vi chất cực tốt hỗ trợ cho các phản ứng xảy ra trong cơ thể, rất cần thiết để hình thành các tế bào hồng cầu mới và khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng.

15. Hải sản

Hải sản không chỉ giàu chất dinh dưỡng, mà còn giàu kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch và là một thực phẩm tăng cường sức đề kháng rất tốt cho trẻ em và người lớn. Kẽm tuy không được biết đến nhiều như vitamin và các khoáng chất khác nhưng có tác dụng cực tốt giúp các tế bào miễn dịch thực hiện được tốt chức năng của nó. Một số loại hải sản giàu kẽm có thể kể đến là: cua, sò tôm, trai,…

Để cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh dịch, mỗi người cần tuân thủ nguyên tắc “ăn cho lành, tập cho đều, duy trì cân nặng hợp lý”. Tuy nhiên, không có một thức ăn nào là hoàn hảo và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu cơ thể, vì vậy cần đa dạng, cần phối hợp từ nhiều loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày.

Những biện pháp khác giúp tăng cường sức đề kháng

Các nghiên cứu cho thấy người có sức đề kháng suy yếu khi bị nhiễm Covid-19 thường có diễn biến nặng và nguy kịch hơn, ở hai khía cạnh, thứ nhất là bản thân bệnh nghiêm trọng và thứ 2 là ngoài bị nhiễm Covid-19, khi người bệnh có bệnh nền thì có thể bội nhiễm thêm nhiều bệnh khác như nấm, vi khuẩn…

Vì vậy, bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và khoa học, mỗi người cần xây dựng cho bản thân và gia đình cuộc sống lành mạnh, vui khỏe, sống khỏe để tạo nên bộ “áo giáp hoàn hảo” để chủ động phòng chống lại dịch bệnh. Dưới đây là những gợi ý hữu ích cho bạn:

  • Uống nhiều nước;
  • Ăn chín uống sôi;
  • Tập thể dục;
  • Sống lành mạnh.

Thực phẩm tăng cường sức đề kháng đang trở thành ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh “đại dịch toàn cầu” Covid-19 chưa có hồi kết. Do đó, cần chú trọng chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, giữ tinh thần thoải mái, tăng cường hệ miễn dịch, kiểm soát tốt các bệnh lý nền nhằm phòng ngừa virus Sars-Cov-2. Tăng sức đề kháng giúp cho mỗi người chống lại được sự xâm nhập của mầm bệnh, giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo: Vietnam Vaccine JSC & Vinmec International Hospital

Xem thêm

Diên Hồng chăm sóc người cao tuổi như thế nào?

Trong mắt nhiều người, viện dưỡng lão là nơi dành cho những người cô đơn, không nơi nương tựa, người nghèo khó… và người già sống trong đó sẽ rất buồn và khổ. Thực tế, người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão được chăm sóc thế nào?

Trong nhiều gia đình Việt vẫn đang tồn tại câu cửa miệng “đối xử tốt với con cháu không sau này già chúng cho vào trại dưỡng lão”. Vì có tâm lý đó mà trong mắt nhiều người trại/viện dưỡng lão là nơi không mấy tốt đẹp, nó chủ yếu dành cho những người già neo đơn, không nơi nương tựa hay người nghèo khó…Tuy nhiên, định kiến đó đang dần được thay đổi nhờ sự hình thành của các trung tâm dưỡng lão dịch vụ với cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng chăm sóc đẳng cấp không thua kém các viện dưỡng lão ở nước ngoài.

Các cụ cơ sở 1 gói bánh chưng đón Tết

Ở Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, người cao tuổi sẽ có một lịch sinh hoạt hàng ngày chi tiết và cụ thể để đảm bảo các cụ được chăm sóc về cả thể chất lẫn tinh thần.

Tùy vào tình trạng sức khỏe của các cụ thì trung tâm sẽ có hình thức chăm sóc khác nhau. Với các cụ khỏe mạnh, minh mẫn, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng sẽ phục vụ các bữa ăn, giặt giũ, xoa bóp cơ bản giúp người cao tuổi thư giãn và kích thích hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng, tổ chức các hoạt động giao lưu, các trò chơi vận động tập thể, tạo không gian để người cao tuổi làm những việc mình thích như đọc sách, khiêu vũ, vẽ tranh, chơi cờ.

Các cụ đang chơi trò ”hải tặc”
Hai bà Tâm đang chơi trò ”khám răng cá sấu”

Với các cụ sức khỏe yếu hơn, ngoài các nội dung trên sẽ được nhân viên chăm sóc hỗ trợ tắm rửa, vệ sinh, hỗ trợ xúc ăn.

Về bữa ăn của các cụ ở Diên Hồng: đã được nghiên cứu kĩ lưỡng bởi các chuyên gia tư vấn sức khỏe và dinh dưỡng cho người cao tuổi, đảm bảo về mặt thời gian, khoảng cách giữa các bữa ăn, tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn đảm bảo đủ chất, đủ lượng, dễ tiêu hóa.

Một ngày các cụ được ăn 4 bữa: Bữa sáng, bữa trưa, bữa ăn nhẹ lúc 2h chiều và bữa tối. Các cụ bị bệnh có chế độ ăn riêng phù hợp với thể trạng, tình hình bệnh tật. Việc nghiên cứu và thiết kế chế độ ăn riêng cho các cụ bị bệnh cũng góp phần hỗ trợ việc điều trị bệnh, giúp các cụ mau hồi phục sức khỏe hơn.

Các món ăn ở Diên Hồng

Đối với người cao tuổi, giấc ngủ lại càng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe. Tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Diên Hồng, giấc ngủ của các cụ được quan tâm đặc biệt. Phòng ngủ luôn được giữ sạch sẽ, thoáng khí và yên tĩnh tạo cảm giác thư thái, giúp các cụ dễ ngủ và ngủ sâu. Đối với các cụ mắc bệnh khó ngủ hoặc mất ngủ được chăm sóc và điều trị theo phương pháp riêng.

Bên cạnh đó, Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh hơn, phải dùng nhiều thuốc hơn và thường là bệnh mạn tính. Một bệnh đã phải dùng vài ba thuốc nhân lên với vài ba bệnh. Do đó, ngay khi vào Trung tâm, các cụ đã được trải qua quá trình khám lâm sàng để tạo bệnh án theo dõi và lên lịch chăm sóc chi tiết cho từng người. Căn cứ theo đó, điều dưỡng viên luôn phải đặc biệt quan tâm tới sức khỏe Người cao tuổi.

Đặc biệt là cùng với tuổi tác càng cao thì trí nhớ Người cao tuổi sẽ càng giảm, nên khi dùng thuốc, họ có thể quên tên thuốc, liều dùng hoặc nhầm lẫn thuốc, liều dùng… Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu không có người thường xuyên quan tâm và hỗ trợ các cụ theo dõi việc này. Đó cũng là một trong những lý do người thân của họ rất yên tâm khi đưa cha mẹ vào an dưỡng tại Trung tâm.

Tất cả người già ở Diên Hồng đều được đo các chỉ số sinh tồn (nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp, đường huyết… thường xuyên để theo dõi sức khỏe), được bác sĩ khám bệnh định kỳ hàng tuần, cho uống thuốc theo đơn. Ngoài ra, trong lịch sinh hoạt các cụ được xoa bóp, bấm huyệt và tham gia các hoạt động thể chất hàng ngày, giúp cho cơ bắp và phản xạ được tốt hơn.

Hoạt động thể chất hàng ngày.

Bên cạnh nhu cầu về ăn, ngủ, người cao tuổi cũng rất cần được chăm lo đến đời sống tinh thần, nhưng ở trong gia đình thì nhu cầu ấy dường như bị lãng quên, hoặc chẳng ai quan tâm tới. Người cao tuổi cần tham dự vào một thú tiêu khiển nào đó vừa để giải khuây, và cũng để duy trì tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất lành mạnh.

Chăm sóc đời sống tinh thần của các cụ mỗi ngày.

Tại Diên Hồng, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề này, trong lịch sinh hoạt thường nhật, ngoài các hoạt động vật lý trị liệu, chúng tôi tổ chức ra những sự kiện nhỏ giúp các cụ được tham gia nhiều các hoạt động cộng đồng và cá nhân để đầu óc thư giãn, cơ thể bớt mỏi mệt, tinh thần được thêm phần thoải mái, vui vẻ. Như chơi bài, đánh cờ, chơi ô chữ và nhiều thú vui nhẹ nhàng khác, gồm

Các cụ cơ sở 1 làm chè lam.
  • Thủ công mỹ nghệ: các cụ tạo ra các sản phẩm nhỏ bé bằng phương pháp thủ công, như đồ chơi trẻ em, đồ gốm, vẽ tranh, tô tượng, vật dụng bằng gỗ…
  •  
  • Tổ chức câu lạc bộ thơ, viết sách, học vẽ, sử dụng máy vi tính, hoặc tham gia hát karaoke “hát cho nhau nghe”dù hay dù dở, miễn là cùng vui.
  • Tập Yoga, dưỡng sinh, khiêu vũ… với nhiều các phương pháp khác nhau, giúp thư giãn tâm hồn, tập trung tư tưởng, giữ tâm an lạc, đồng thời cũng áp dụng các cử động để tăng cường sức mạnh cơ bắp, trơn tru xương khớp
Xem thêm

Dưỡng lão Diên Hồng thông báo tạm dừng thăm quan và thăm nom trực tiếp

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp, Hà Nội tiếp tục ”nóng” khi lập đỉnh với gần 10.000 ca F0 trong ngày.

Trước tình hình đó, trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng xin thông báo TẠM DỪNG việc THAM QUAN và THĂM NOM TRỰC TIẾP. Các kênh liên lạc khác (điện thoại, tin nhắn..) vẫn duy trì như cũ. Kính mong quý khách hàng phối hợp thực hiện để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho Người cao tuổi.

Xin trân trọng cảm ơn!

Xem thêm

Các cụ Diên Hồng háo hức tự tay làm chè lam

Ngán ngẩm với bánh chưng, giò chả sau dịp Tết nguyên đán, vừa rồi các cụ Diên Hồng ngỏ ý muốn tự tay làm chè lam. Thế là các bạn nhân viên nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu để phục vụ các cụ. Nào là gạo nếp, gừng tươi, mật mía, mạch nha đều đủ cả.

Nguyên liệu chuẩn bị cho món chè lam

Vừa làm ông bà vừa kể: ” Ngày xưa gạo nếp quý lắm con ạ nên mỗi mùa gặt nếp về là phải chắt chiu để dành, mãi gần Tết mới dám đem ra làm bánh. Quanh năm thiếu thốn sao cũng được nhưng Tết thì phải sung túc đủ đầy.”

Các cụ tự tay thực hiện từng công đoạn
Ông Việt trổ tài

Bà Lan vừa khuấy chè lam vừa tươi cười bảo: ”Lâu lắm rồi bà mới được làm chè lam lại, hồi xưa cứ đến Tết là khuấy một nồi thật to, vừa đem đi biếu anh em trong nhà, vừa làm quà đãi khách đến chơi.”

Các cụ tự tay khuấy chè lam

Đến công đoạn đòi hỏi dùng nhiều sức và khéo léo là khuấy bột, để làm sao cho bột chín và không bị vón cục thì phải nhờ đến sự trợ giúp của các bạn điều dưỡng rồi.

Đến đoạn này đòi hỏi nhiều sức nên các bạn điều dưỡng được gọi ra ”cứu trợ”
”Khuấy làm sao phải vừa nhanh lại vừa đều đấy nhá”

Và thành quả của các cụ và các bạn điều dưỡng nhà em đây ạ! Thành công ngoài sức tưởng tưởng luôn ạ.

Thành quả ra lò
Phủ thêm một lớp bột mỏng lên trên nào
”Trông cũng rất gì và này nọ đấy chứ nhể.”

Hà Nội những ngày này bỗng chuyển lạnh, rải rác mưa phùn, ngồi nhâm nhi ly trà nóng cùng với miếng chè lam tự tay làm thì còn gì tuyệt vời hơn đúng không ạ?

”Chè lam nhà làm ngon như hàng làm”
”Không ngon đảm bảo không lấy tiền”
Gửi tặng đến tất cả mọi người những trái tim thật ngọt ngào!!!
Xem thêm

Nỗi oan ”con bất hiếu khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão”

Gần đây, có nhiều bài chia sẻ về quan điểm tuổi già sống ở viện dưỡng lão. Nhiều người ủng hộ tư tưởng này, song cũng không ít ý kiến phản đối. Những người nói “không” với việc an dưỡng tuổi già trong viện dưỡng lão thường có lập luận: ”Con cái bất hiếu mới để cha mẹ vào viện dưỡng lão”, hoặc “con cái coi cha mẹ là gánh nặng nên mới muốn đẩy đi”. Đứng ở vị trí khách quan nhất mà nói thì ý kiến này chưa chắc đã hoàn toàn đúng.

Các cụ hào hứng viết thiệp nhân ngày Valentine 14-2

Thứ nhất, thực tế hiện nay, không ít người ở độ tuổi trung niên, có điều kiện khá giả, khi nói về kế hoạch cuộc sống tuổi già, họ đều muốn vào viện dưỡng lão. Đây là mong muốn sống chủ động, chứ không hề liên quan đến việc con cái của họ bất hiếu.

Thứ hai, việc suy luận “con cái để cha mẹ vào viện dưỡng lão là muốn đùn đẩy trách nhiệm” rất phi logic và hoàn toàn vô căn cứ. Đúng là những đứa con bất hiếu trong cuộc sống này không phải ít. Nhưng tôi tin một người muốn sẵn sàng bỏ tiền cho cha mẹ già vào viện dưỡng lão, được hưởng những dịch vụ chăm sóc tốt nhất, thì chẳng có gì đáng để hổ thẹn. Chỉ khi nào con cái bòn rút đến đồng tiền cuối cùng của cha mẹ rồi ruồng bỏ họ, thì mới đáng bị lên án.

Ngoài ra, nếu theo dõi các thông tin trên báo đài, hẳn các bạn chắc cũng biết nhiều vụ việc các cụ già sống cùng con cháu nhưng vẫn bị chính máu mủ của mình hành hung, bạo hành khi già yếu, bệnh tật. Rõ ràng, vấn đề bất hiếu không phụ thuộc vào việc bạn có sống cùng con hay không. Với những kẻ để cha mẹ ở nhà rồi đối xử tệ bạc, tôi cho rằng còn không bằng những người đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi thỉnh thoảng vào thăm nom.

Tất nhiên, cũng có những đứa con vô trách nhiệm, đùn đẩy nhau chăm cha mẹ già, nhưng liệu những người đó có chịu bỏ tiền ra để thuê một suất trong viện dưỡng lão cho các cụ hay không? Đấy mới là điều cần phê phán. Có lẽ một số bạn sẽ nghi ngờ rằng “làm gì có ai thích ở viện dưỡng lão”, chẳng qua là hoàn cảnh thế nọ thế kia. Thực ra đó chỉ là suy nghĩ chủ quan.

Các cụ cùng các bạn điều dưỡng làm chè lam

Trong xã hội, có người thích lập gia đình, sinh con đẻ cái, nhưng cũng có người thích sống độc thân. Có người thích ở cùng con cháu cho vui, nhưng cũng có người thích ở riêng để thoải mái, tự do. Điều đó cũng đơn giản như việc có người thích tụ tập đám đông, có người thích yên tĩnh một mình vậy. Đó chỉ là khác biệt về sở thích và quan điểm sống của mỗi người. Nên cũng chẳng có gì là sai hay đáng lên án ở đây cả.

Những người nói sau này thích vào viện dưỡng lão, đơn giản là họ muốn chủ động vào cuộc sống, thích sự tự do và không muốn dựa dẫm, phiền lụy đến ai. Họ có nhiều sở thích đa dạng và cảm thấy việc sống ở viện dưỡng lão cũng thú vị và thoải mái chẳng kém gì ở nhà. Ngược lại, có những người thích sống cùng và chăm sóc con cháu, nên niềm vui của họ là ngày ngày ở bên gia đình, nên sẽ không thích ở viện dưỡng lão và chúng ta cũng nên tôn trọng điều đó.

Thật ra, theo tôi, vấn đề ở đây không phải là cách con cái đối đãi với cha mẹ, mà là cách chúng ta tự lựa chọn và chuẩn bị cho cuộc sống của mình khi về già. Mà đã là sự lựa chọn cá nhân thì chúng ta có quyền suy nghĩ khác biệt. Xin đừng vội vàng đánh giá, phán xét người khác khi họ có quan điểm trái ngược với số đông.

Trên đây là quan điểm từ một độc giả trên báo VN Express, còn bạn nghĩ sao về ý kiến trên?

Theo HNT/VN Express.net

Xem thêm

Đằng sau cánh cửa một viện dưỡng lão ở Hà Nội: Ừ thì, mình cứ vui hết mình thôi!

Mọi người vẫn nghĩ viện dưỡng lão là nơi con cái bỏ mặc cha mẹ họ với tuổi già. Tuy nhiên đằng sau cánh cửa, ký ức không bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để các cụ tiếp tục vui sống.

Các cụ hào hứng tham gia chợ Tết cơ sở 2

Trong suy nghĩ của hầu hết chúng ta, viện dưỡng lão là nơi buồn tẻ nhất thế gian. Ở thế giới cô lập đó chỉ là những người già neo đơn đang cố bám víu cuộc sống, rồi lẳng lặng nhìn năm tháng trôi đi phía sau cánh cổng. Cảm giác như một thế giới mà người đến rồi lại ra đi như mây gió và chẳng ai quan tâm.

Tuy nhiên trong suy nghĩ của các cụ tại viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội), mọi thứ lại hoàn toàn khác. Nói chính xác hơn, đây không phải là viện – dưỡng – lão mà là NHÀ – một mái nhà chung chưa bao giờ ngớt tiếng cười nói.

Các cụ đi mua sắm tại các gian hàng chợ Tết cơ sở 1

Cùng trong viện dưỡng lão mà, mình cứ vui hết mình thôi!

Đến bữa cơm tối, bà Cẩm (82 tuổi) lặng nhìn các thành viên khác ăn cơm. Bao giờ cũng thế, bà Cẩm phải chờ mọi người dùng bữa no nê rồi bà mới bắt đầu cầm đũa. Nhiều anh chị ở trung tâm không hiểu, các cụ ông cụ bà khác cũng chẳng rõ sao bà Cẩm lại có hành động “kỳ quặc” như thế!

Bà Cẩm tham gia Ngày lễ Vu lan do Trung tâm tổ chức

“Là vì chút bình tĩnh, chút ưu tư, chút mong chờ”, bà Cẩm không muốn “vồ vập” ăn ngay, mà mọi thứ cứ chầm chậm trôi qua để tận hưởng thật trọn vẹn.

Bà Cẩm đã sống ở đây 2 năm, ký ức trong từng ấy thời gian của bà cô đọng vỏn vẹn ở 2 từ: Vui và tốt! Nào là ngồi bên nhau uống nước, cùng xem ti vi, cùng hát hò, cùng ăn cơm. Hoặc thích thú hơn nữa thì chơi tú lơ khơ, ôm mèo… trên những tấm bìa giấy.

Lần gần đây nhất, một nhóm tình nguyện viên đã mang đến ý tưởng vui chơi thông qua những tấm bìa carton. Nhiệm vụ của các cụ chỉ là chui đầu vào vòng tròn được khoét sẵn và tưởng tượng như mình đang cùng nhau thư giãn vậy đó. Ừ thì, trong viện dưỡng lão mà, mình cứ vui hết mình thôi! Bởi lẽ cuộc đời có bao lâu, miễn sao vui vẻ sống trọn kiếp người là mãn nguyện rồi.

Bà Cẩm đang ôm chú mèo con vào lòng

Bà Cẩm nhớ lại cái lần chui mặt vào những miếng bìa giấy rồi phụt cười: “Vui, vui lắm đó!”. Mọi cảm xúc khi đó đều thật “trẻ con”, ngây ngô và rất tự nhiên. Nhìn vào đó sẽ chẳng ai còn dám nghĩ, thời gian sẽ ngừng lại sau cánh cổng viện dưỡng lão. Bởi mọi thứ ở đây đều được “mua đi bán lại” thông qua những nụ cười.

Tưởng tượng mình đang trong phòng thi và ”bạn nam” đang copy bài của ”bạn nữ”

Các cụ vào đây rất thích vì được khám sức khỏe định kì, tổ chức sinh nhật, chụp ảnh Tết và có đông người quây quần bên nhau. Điều này khác hẳn với viễn cảnh trước đó khi còn ở nhà: ốm yếu, một mình nên thành ra cô đơn!

“Yếu quá rồi, nên nếu thuê người chăm sóc thì cũng bằng tiền vào viện dưỡng lão. Tôi không muốn làm phiền con phiền cháu…” – bà Cẩm thủ thỉ cái lý do mà theo tôi là có chút khó khăn và chạnh lòng để nói ra. “Con cháu là một chuyện, chúng nó còn bận, chẳng thể chăm sóc được mình”.

– “Thời gian đầu bà có tủi thân không?”

– “Không! Vì sao phải tủi, dần dần rồi quen. Con cháu vẫn đều đặn vào thăm tôi mỗi tuần đấy thôi!”

Bởi, viện dưỡng lão không phải là nơi con cái bỏ mặc cha mẹ họ với tuổi già.

Dù xa con cháu nhưng vẫn vui sống có ích

Ở viện dưỡng lão Diên Hồng không có những nỗi đau, âu chỉ có những ánh mắt đau đáu của nhiều cụ bệnh tật trở nên ám ảnh mãi. Đôi bàn tay run run, bàn chân chập chững dò đường đi về phòng. Cái xe đẩy đi trước, cụ ông lại theo sau. Buồn đôi khi cũng chỉ vì ốm yếu, cứ mãi gắn chặt thân thể với chiếc xe lăn nên thành ra ít được tự do.

Một bà cụ tóc bạc phơ không buồn ăn hết bữa cơm tối. Bà mải nhìn gói bỏng ngô trên đấy có gắn cái hình bé xinh, đề dòng chữ: Chúc mừng 8/3. Bà nặng tai nên không thể nghe rõ. Nhưng khi được hỏi sống ở đây có vui không, nhận quà có vui không, bà đáp lại bằng những nụ cười. Nói đoạn, bà lên xe lăn về phòng nằm nghỉ.

“Sống đơn giản, mạnh khỏe, sống mỗi ngày cho vui là được”, vẫn giọng điệu chậm rãi bà Cẩm xuýt xoa. Chính bởi thế viện dưỡng lão Diên Hồng thường hay tổ chức các chương trình văn nghệ, vui chơi để các cụ được hòa mình và sống tốt hơn. Như Tết vừa rồi đó, bà Cẩm và nhiều cụ ông cụ bà khác không về nhà. Họ cùng ở lại đón một cái Tết giản dị bên nhau, cho ra đời bộ ảnh “hồi xuân” nhiều màu sắc trong những tà áo dài duyên dáng.

Bà Cẩm tham gia thi ”Rung chuông vàng” do các bạn tình nguyện viên tổ chức.

Không hiểu sao nhưng ở đây, các cụ thích nghe nhạc. Bữa nào ăn cơm ti vi cũng mở xập xình mấy bản nhạc vui tai, hình ảnh đều đặn chạy vun vút thu vào tầm mắt. Có chút âm thanh, có chút hình ảnh, dường như mọi thứ đỡ nhạt nhẽo. Nếu chiếc xe lăn xếp thứ nhất, thì ti vi đứng thứ hai về “tình bạn” với các cụ. Dẫu sao với thế giới tách biệt ngoài kia, nhìn qua lăng kính truyền hình còn thú vị hơn những chiều nắng tắt mòn mỏi qua khung cửa sổ. Bởi khi đó lại nhớ nhớ nhung nhung, lại nhìn về xa xăm rồi nhỡ đâu đôi mắt lại ươn ướt..

Chẳng ai muốn thế và cũng chẳng ai mong thế…!

Xong bữa tối, các điều dưỡng viên bắt đầu công việc dọn dẹp và vệ sinh cho các cụ. Chương trình âm nhạc kết thúc, mỗi cụ lại đều đặn về từng phòng riêng. Người mở ti vi theo dõi thời sự, người áp tai vào chiếc radio. Thành thử ở trung tâm Diên Hồng, có nhiều hơn 1 thứ âm thanh của sự sống.

– “Các bà có nhớ hết được tên nhau không?

– “Không thể, vì chúng tôi lẫn rồi, lúc nhớ lúc quên”.

Nhưng tôi mong, những niềm vui trong khoảng thời gian sinh sống tại đây các cụ sẽ nhớ mãi. Như cụ bà Cẩm bảo, ở viện dưỡng lão be bé này, người này đến rồi lại đi, người khác lại tới. Là một vòng luân chuyển nên không bao giờ thiếu đi những người bạn – những thành viên đặc biệt trong đại gia đình đặc biệt.

Bà Cẩm và điều dưỡng Kim Uyên

Mỗi cụ một hoàn cảnh, một nỗi đau nhưng khi đến với nhau, họ cùng trân quý những kỷ niệm và dành tặng niềm vui để tiếp tục vui sống. Và thế là, đằng sau cánh cửa của viện dưỡng lão, ký ức không phải bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để biến những điều tưởng như tẻ nhạt nhất thành nụ cười.

Theo: Minh Nhân/ Kênh 14.vn

Xem thêm