Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0968 660 115/0342 86 56 86

Sự thật cảm động đằng sau bộ ảnh “gây bão” của hội bạn thân về già

Bộ ảnh đặc biệt về tình bạn khi về già đã “gây bão” mạng xã hội những ngày qua. Sự thật đằng sau những tấm hình này còn làm lay động trái tim hàng triệu người.

Ngay sau khi bức ảnh này được đăng tải, không ít người đã tag bạn thân của mình vào với những bình luận cảm xúc trước tình bạn nhiều năm gắn bó. Thậm chí, không ít người còn cho rằng bức ảnh đã truyền tải ý nghĩa hơn nhiều lời muốn nói về những người bạn thân mà ai cũng có trong cuộc đời.

 su that cam dong dang sau bo anh "gay bao" cua hoi ban than ve gia hinh anh 1

Bức ảnh 4 người bạn thân khi về già đi picnic ở biển đã gây bão cư dân mạng.

Được biết, đây là bộ ảnh được thực hiện nhằm kỷ niệm ngày Người cao tuổi Việt Nam. Và những nhân vật đặc biệt trong bức hình đều là các cụ già hiện đang sống tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội).

Chị Hoàng Ngân – Trưởng phòng Marketing của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cho biết: “Gần đến ngày kỷ niệm Người cao tuổi, các nhân viên của Trung tâm đều muốn thực hiện một điều gì đó đặc biệt cho các cụ. Bên mình bắt đầu suy nghĩ tổ chức hoạt động nào đó sôi nổi để đưa các cụ ra ngoài. Ngay lúc đó, có một cụ bị liệt trong trung tâm ước được đi biển nên bên mình hứa với các cụ là sẽ mang biển về đây”.

Khi đưa ra ý tưởng, các cụ già trong trung tâm không quá hào hứng. Bởi đây là thời điểm mùa hè, thời tiết khá oi nóng nên nhiều cụ chỉ muốn nằm trong phòng cho đỡ mệt. Khi được các nhân viên trong trung tâm thuyết phục, các cụ mới miễn cưỡng đi ra khỏi phòng. Khi trông thấy khoảng không gian “biển nhân tạo” rộng lớn, không ít người vô cùng ngạc nhiên xen lẫn thích thú. Đặc biệt, khi tới gần khu vực backdrop in hình biển cả, lại có tiếng sóng vỗ, tiếng nhạc xập xình mang hơi thở biển, các cụ đều tỏ ra rất hào hứng.

 su that cam dong dang sau bo anh "gay bao" cua hoi ban than ve gia hinh anh 2

Tình bạn thân thiết, nụ cười, tinh thần lạc quan của các cụ khiến nhiều người thích thú.

Để dàn dựng khung cảnh trên, chị Hoàng Ngân cho hay đã có khá nhiều ý tưởng được đưa ra. Các nhân viên của trung tâm đã tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí “giống biển thật nhất” có thể.

“Đầu tiên bên mình nghĩ phương án chở cát từ biển về rồi thuê một cái bể bơi di động nhưng cách này tốn kém quá mà cũng không thấy tạo cảm giác giống biển. Cuối cùng bên mình quyết định làm 1 cái backdrop cảnh biển, mua nước dừa, nước ngọt và cả bia nữa, trải khăn ở dưới cho các cụ ngồi như đang đi picnic ở biển.

Sau khi setup xong, để tạo không khí như thật, bên mình còn bật âm thanh tiếng sóng biển và cả các bài hát về biển nữa”.

Khi đứng trước không gian biển rộng lớn , bà Nguyệt – nhân vật thứ 2 từ phải qua trong bức hình tâm sự: “Vậy là các cháu đã mang được biển về ngay đây thật rồi, biển giả mà như thật nên các ông bà ai cũng thấy tâm trạng vui vẻ, phấn khởi hẳn lên, lâu lắm rồi mới cảm thấy phấn chấn như những ngày còn trẻ”.

Không chỉ được trải nghiệm khung cảnh biển cả, các cụ già đã cùng nhau thực hiện một bộ ảnh lưu niệm. Có khoảng hơn 30 cụ đã tham gia chụp hình, trong đó bốn cụ bà trong bức ảnh gây sốt chơi với nhau rất thân thiết nên khi được chụp chung tấm ảnh kỷ niệm, họ tỏ ra hào hứng và có những khung hình đẹp nhất.

“4 cụ trong bức hình có 2 cụ ở Hà Nội, 1 cụ quê Lạng Sơn và 1 cụ ở Hưng Yên. Các cụ chơi thân với nhau sau khi vào trung tâm, mỗi khi có hoạt động gì các cụ đều rủ nhau tham gia. Ví dụ như hoạt động “Kể chuyện cùng ông” diễn ra vào các buổi chiều thứ 7 (hồi tháng 4) hay tập thể dục cùng các HLV…”.

Để thực hiện được bộ ảnh đặc biệt về biển cả đối với giới trẻ thật quá đỗi bình thường, nhưng với các cụ già thì mọi chuyện dường như khác hẳn. Có rất nhiều cụ không muốn chụp hình, hoặc ban đầu các cụ chỉ chụp đứng vì đau lưng, ngồi xuống rất khó khăn. Nhưng khi các bạn điều dưỡng động viên, giúp đỡ, nhiều cụ đã ngồi xuống chụp ảnh để có các bức hình đẹp hơn, thật hơn.

 su that cam dong dang sau bo anh "gay bao" cua hoi ban than ve gia hinh anh 3

Thực chất, bức ảnh không được chụp tại bãi biển, các nhân viên của Trung tâm dưỡng lão đã tạo ra cảnh biển… giống như thật

“Tất nhiên, những bức ảnh… ngồi trên biển là những tấm hình đẹp nhất. Vậy nhưng chuyện dở khóc, dở cười cũng bắt đầu từ khoảnh khắc này. Khi ngồi thì phải bỏ dép bên ngoài, đến lúc chụp xong các cụ xỏ lẫn dép của nhau, khiến tất cả đều mất 1 phen mới tìm được đôi dép… chính chủ”.

Chia sẻ cảm xúc sau khi khi bức hình 4 cụ bà được cư dân mạng truyền tay nhau nhanh chóng, chị Hoàng Ngân cho hay các cụ rất vui vì ban đầu chỉ nghĩ chụp ảnh kỷ niệm chứ không nghĩ vô tình được… “nổi tiếng”. Cũng thông qua bộ ảnh trên, những nhân viên trong trung tâm muốn truyền tải thông điệp ý nghĩa: “Không bao giờ là quá già để tận hưởng những niềm vui và làm điều mình thích. Đồng thời cũng truyền cảm hứng cho những người trẻ luôn sống hết mình. Bởi các cụ ở viện dưỡng lão còn sống lạc quan yêu đời thì không cớ gì chúng ta không sống những năm tháng tuổi trẻ tươi vui và tràn đầy sức sống”, chị Hoàng Ngân khẳng định.

 su that cam dong dang sau bo anh "gay bao" cua hoi ban than ve gia hinh anh 4

Bộ ảnh đã truyền tải thông điệp về tình bạn, về tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

(Ngọc Nguyễn – Dân Việt)

Xem thêm

Mang biển về Viện dưỡng lão: Đong đầy yêu thương

Xuất phát từ một lời nói bâng quơ của bà Bảo: “Nóng quá, giờ mà được đi biển thì thích nhỉ”, Diên Hồng đã quyết định mang biển về cho các cụ nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam 6/6 đang đến gần.

Nhiều cụ ở Diên Hồng chưa từng đến với biển cũng bởi cả đời tần tảo nuôi con cái khôn lớn trưởng thành cũng chưa được đi nhiều nơi. Giờ sức khỏe cũng không cho phép các cụ đi đâu nữa nên việc đi biển đối với các cụ cũng chỉ là một ước mơ xa vời. Vì vậy, chuẩn bị chúc mừng ngày người cao tuổi Việt Nam, Diên Hồng tặng cho các cụ một món quà tinh thần là được ngồi trước biển, uống nước, trò chuyện và ghi lại những bức ảnh đẹp.

Ánh mắt sáng lên, miệng tủm tỉm khi cầm trên tay những bức hình của mình, bà Bảo chia sẻ: “Đẹp quá, nhìn ai cũng xinh đẹp. Nhìn bà như đang ở biển thật ấy nhỉ”.Bà Nguyệt – Hoa hậu quý bà Diên Hồng 2017 cũng tỏ ra phấn khởi: “Vui lắm ấy. Sau buổi chụp ảnh biển ấy, bà cứ háo hức chờ đến lúc được cầm trên tay những bức ảnh kỷ niệm. Già rồi mà, không được đi biển thật thì mình đi biển giả cũng thích”.

Gia đình gửi các cụ đến Diên Hồng vốn mong đợi người thân của mình sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động mà ở nhà không có được. Vì vậy, Diên Hồng luôn nỗ lực mỗi ngày để mang đến cho các cụ những trải nghiệm mới mẻ, thú vị để mỗi ngày của các cụ ở Diên Hồng đều ý nghĩa và đáng nhớ, để tuổi già của các cụ sinh động hơn.

Xem thêm

Yêu nghề mê việc – Cuốn tản văn sinh động về nghề điều dưỡng

Tản văn “Yêu nghề – Mê việc” chính thức được phát hành dưới dạng sách điện tử. Tác phẩm được tập hợp từ 13 bài viết của các bạn điều dưỡng đang làm việc tại Diên Hồng. Mỗi bài viết là sự trải lòng của các tác giả chia sẻ những câu chuyện thật của bản thân, những trăn trở với nghề.

Chăm sóc người già quả thật là một thách thức dù xuất phát từ yêu thương. Người già thường kèm theo bệnh tật, tính tình cũng thay đổi, muốn chăm sóc tốt con cháu phải dành nhiều thời gian, phải biết cách chăm sóc người bệnh, phải thật kiên nhẫn… Chăm người thân đã khó, chăm người xa lạ lại càng khó hơn. Ấy vậy mà các bạn điều dưỡng ở Diên Hồng vẫn không quản ngại khó khăn, ngày đêm dành hết tâm sức chăm cho các cụ. Nào là chăm lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ của các cụ, nào là tìm tòi các bài tập để các cụ rèn luyện sức khoẻ, nào là nghĩ các trò chơi để các cụ vui… Từng lời nói, việc làm của điều dưỡng đều chứa đựng yêu thương như đang chăm sóc người thân của mình vậy. Đôi khi là những lời bông đùa, đôi khi là thủ thỉ để các cụ cảm thấy thật gần gũi, thật tự nhiên như ở nhà. Các bạn ấy lấy niềm vui của các cụ làm hạnh phúc của mình, lấy sự khó tính của người già làm động lực cố gắng mỗi ngày. Hơn ai hết, các bạn hiểu rằng khi đã lựa chọn gắn bó với công việc này, nếu không yêu nghề thì không thể làm được.

Đọc qua cuốn sách, độc giả có thể thấy câu văn chưa được chau chuốt nhưng tất cả đều là những cảm xúc thật của tác giả. Đọc xong 13 bài viết, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về công việc và tình cảm của các bạn điều dưỡng viên. Để rồi khi khép cuốn sách lại, chúng ta lại chia sẻ với nhau, động viên nhau cố gắng vì một điều tuyệt vời, đó là hạnh phúc, an nhàn và bình yên trong tâm hồn của người già – những người đã dành gần hết cuộc đời mình vì hạnh phúc và thành đạt của con cháu.

Độc giả có thể đọc trực tiếp trên trang hoặc tại đây: Yêu nghề – Mê việc ebook

Xem thêm

Bài thơ ông Vũ Hiển tặng Diên Hồng

Ông Vũ Hiển có sáng tác một bài thơ gửi tặng Diên Hồng được đăng trong cuốn sách “Chân dung các nhà thơ không chuyên Việt Nam”. Đây là một vinh dự lớn cho ông và cũng là niềm vui của Diên Hồng.

VƯỜN HOA DIÊN HỒNG

Ai qua Đô Nghĩa, Hà Đông
Thăm Nhà dưỡng lão Diên Hồng dễ thương
Nơi đây như một Thiên Đường
Tuổi già tay bắt mặt mừng bên nhau
Quên sao cái buổi ban đầu
Cùng nhau chan bát canh bầu làm quen
Nâng cao chạm bát leng keng
Tay run, tay đổ, ướt lem khắp người
Ông cười, tôi cũng theo cười
Sáu tầng đâu cũng giọng cười giòn tan

Lắng tai nghe giọng ca vàng
Hát mừng sinh nhật, ngân vang tám phòng
Banh ga-tô thật ấm lòng
Quả thơm, trái ngọt… hoa hồng…thắm tươi
Hôm nay tuổi đã tám mươi
Giọng còn vui khoẻ…mọi người hân hoan

Đó đây thánh thót tiếng đàn
Giọng ca sôi nổi…ngân vang một thời
…”Trường Sơn bên ấy…ai ơi!
Con đường gánh gạo mòn đôi vai gầy…”
Để ngày thống nhất hôm nay
Vinh quang Tổ quốc…chung tay xây đời

Những ai đơn độc, lẻ loi
Vào đây chung sống thành đời đông vui
Cùng nhau chia ngọt sẻ bùi
Gia đình êm ấm, sống vui hằng ngày
Ốm đau chung nắm bàn tay
Có thêm sức mạnh – ngày mai khỏi liền

Tầng ba các cụ ngồi thiền
Yoga tầng bốn, luyện siêng, khoẻ đều
Ai khoẻ đi bộ sớm, chiều
Còn ai khoẻ nữa có nhiều thú vui
Đạp xe, cờ tướng, đố vui…
Cá ngựa, tam cúc… đứng ngồi xốn xang
Chân đau đã có xe lăn
Tay đau có sẵn cháu con đầy nhà
Cháu thì tắm giặt cho bà
Cháu thì quét dọn…lau nhà cho ông
Mùa hè cho chí mùa đông
Thơm tho chăn gối…ấm nồng tình thương
Áo quần sạch sẽ tinh tươm
Ghế bàn giường tủ như gương hàng ngày
Ở đâu như ở nơi này
Không ai yếu ớt, không ai phải buồn
Những ai chăm tới đây luôn
Đều như gửi gắm tình thương mặn mà.

Diên Hồng là một vườn hoa
Mỗi nhành hoa một bài ca yêu đời
Diên Hồng – Nhà của chúng tôi
Mỗi người có một cuộc đời đáng yêu
Cùng nhau chung sống sớm chiều
Mai này con cháu… nhớ nhiều đến ta.

Tháng 8-2016

Trước đó ông Vũ Hiển cũng đã đọc bài thơ này tặng Diên Hồng nhân dịp kỷ niệm 2 năm thành lập với tất cả tình cảm của mình.

Xem thêm

Những con người thầm lặng

Tôi làm việc trong một viện dưỡng lão ở phía Tây Nam Hà Nội. Công việc hằng ngày của tôi là nói chuyện cùng các cụ, thay bỉm, tắm gội, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho các cụ. Những công việc đó tưởng như ai cũng có thể làm được nhưng không phải. Công việc thực sự rất gian nan và vất vả. Nói chuyện hằng ngày sao cho các cụ không buồn, tổ chức các trò chơi cho các cụ vận động não bộ tránh được sa sút trí tuệ rồi cho các cụ ăn uống sao cho ngon miệng, không bị sặc…Người già như chuối chín cây, tất cả mọi thao tác đều cần nhẹ nhàng, uyển chuyển. Công việc vất vả là thế, áp lực là thế, đôi khi cũng bị stress nhưng tôi không lùi bước, luôn mỉm cười bước tiếp và lấy lại cân bằng. Với mình, các cụ bây giờ là cha, là mẹ, là ông, là bà mình rồi. Tôi tâm niệm làm nghề chăm sóc người cao tuổi phải có 4 chữ: Nhẫn, Tâm, Đức, Phúc. Có sự nhẫn nại để giải quyết từng khúc mắc, tận tâm trong chăm sóc người khác, làm nghề phải có đạo đức và để phúc cho mình và cho những người thân của mình.

Hồng Thơm và bà Định trong tiệc sinh nhật tháng của các cụ

 

Hỗ trợ và cổ vũ hết mình cho các cụ trong Olympic Diên Hồng

Nhiều lúc tôi cũng tủi thân. Cứ đến ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, ngày tôn vinh các cán bộ y tế tôi không khỏi chạnh lòng vì người ta chỉ nghĩ đến bác sĩ, y tá ở bệnh viện mà quên rằng ở một nơi nào đó vẫn còn những người đang ngày đêm chia sẻ những khó khăn của xã hội. Không ai nhớ đến chúng tôi. Vậy nhưng chúng tôi may mắn có những người đồng nghiệp cùng chúc nhau, cùng động viên nhau cố gắng mang niềm vui đến các cụ đang sống ở đây. Chỉ mong các cụ luôn khoẻ mạnh, chúng tôi cũng đủ sức khoẻ để ngày ngày chăm sóc tốt cho các cụ.

Không chỉ chăm sóc các cụ mà điều dưỡng còn như những người bạn trò chuyện tâm tình

Vũ Thị Hồng Thơm

Xem thêm

Diên Hồng – Ngôi nhà chứa đựng nhiều yêu thương

Nói đến viện dưỡng lão chắc ai cũng hình dung phần nào về cuộc sống, con người cũng như công việc của điều dưỡng nơi này. Với tôi, trung tâm dưỡng lão như một mái ấm gia đình thứ 2 chia sẻ từng chút tâm tư, tình cảm vui buồn lẫn lộn giữa các nhân viên với nhân viên, giữa các cụ già với các cụ già và nhân viên với cụ già.

Thế là đã được mấy tháng trôi qua kể từ khi tôi chân ướt chân ráo vào làm việc ở đây. Tôi cảm thấy mình đang sống trong một ngôi nhà tập thể, căn nhà chứa đựng nhiều tình cảm yêu thương gắn bó với nhau. Nói đến công việc chắc ai cũng nghĩ chúng tôi chỉ cần cho ăn uống tắm rửa là xong. Thế nhưng, chúng tôi còn nhiều công việc lặt vặt khác mục đích cuối cùng là để các cụ khoẻ và vui vẻ. Nói ra thì dễ nhưng để công việc trở nên hoàn hảo thì không hề dễ dàng.

Trước hết phải biết bố trí thời gian công việc cho hợp lý sau đó là sự tỉ mỉ, cẩn thận, nhanh nhẹn trong từng công việc. Ngay đến việc cho ăn thôi, bản thân điều dưỡng cũng cần biết tính cách, tâm lý của các cụ mới dỗ cho các cụ ăn được. Còn việc tắm rửa, thay băng vết thương cũng khó vì các cụ đều yếu, sức đề kháng kém, bệnh dễ bị nặng lên… Sau khi tắm rửa xong, chúng tôi lại xoa bóp vận động cơ để giúp các cụ được lưu thông mạch máu và nhanh chóng phục hồi. Trong lúc xoa bóp, mọi người thường tâm sự cùng các cụ. Mỗi cụ lại kể cho chúng tôi nghe những chuyện buồn vui của mình, có cụ thì khóc, có cụ lại cười. Đó đều là những kỷ niệm đẹp, làm cho chúng tôi thấu hiểu sâu hơn từng cụ một. Có thể nói để hoàn thành tốt được công việc chăm sóc các cụ, mỗi điều dưỡng như tôi cần phải đặt trách nhiệm của bản thân lên hàng đầu. Phải có tâm, có đức với nghề, tạo phúc cho người già, cho xã hội này.

Các bạn ơi, nếu ai còn ông bà cha mẹ thì hãy yêu thương, trân trọng, biết lắng nghe tâm sự, chia sẻ. Hãy nhớ đến lúc ta còn nhỏ đến khi trưởng thành, ai là người đã chăm sóc, dạy dỗ, chỉ bảo ân cần, nuôi nấng ta nên người. Cuối cùng tôi rất cám ơn những công việc ở đây đã cho tôi nhiều bài học giá trị về cuộc sống, cảm ơn những bạn điều dưỡng đã chỉ dạy tỉ mỉ để tôi hoàn thiện mình mỗi ngày, cảm ơn những tình cảm của mọi người dành cho mình. Tôi luôn coi đây như mái ấm gia đình của mình và sẽ cố gắng học hỏi, phấn đấu không ngừng, gắn bó bền vững với công việc và cả nơi này.

Nguyễn Thị Huyền Trang

Xem thêm

Động lực để cố gắng mỗi ngày

Quãng thời gian từ khi gia nhập Diên Hồng đến nay không phải là quá dài nhưng cũng không phải là quá ngắn. Nó đủ để cho tình cảm, sự kính trọng với các cụ, các anh và các bạn đồng nghiệp trong tôi đủ lớn.

Tôi vẫn nhớ những ngày đầu mới vào làm việc do chưa quen việc nên gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, được các cụ tin tưởng, tôi càng cố gắng hơn. Những lời khen dù nhỏ thôi cũng khiến tôi thấy vui cả ngày, có lúc cười tủm tỉm làm mọi người cứ trêu mãi nhưng mà tôi kệ, vui thì cười chứ sao.

Những nụ cười của điều dưỡng Hường và ông Lạc

Nhớ những buổi giao lưu văn nghệ, nghe các cụ hát những bài hát quen thuộc ngày xưa, tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng. Nhìn những nếp nhăn trên khuôn mặt, bàn tay và nụ cười của các cụ, tôi cảm thấy mình như đang chăm sóc chính ông bà mình vậy. Cũng có nhiều cụ quan tâm tôi như cháu gái của mình. Các cụ hỏi thăm tôi hôm nay ăn gì, có vui không, làm việc có mệt không. Nghe những lời ấy, ai mà không vui, không xúc động cho được. Điều đó giúp tôi có động lực để làm việc chăm chỉ hơn, yêu thương nhiều hơn. Mong các cụ luôn khoẻ để ở với chúng em thật lâu, để mỗi ngày lại tham gia nhiều hoạt động, để được cười nhiều hơn…

Vũ Thị Hường

Xem thêm

Cái khó của nghề điều dưỡng

Với mỗi chúng ta ai ai cũng đều có những ước mơ, hoài bão, những tư tưởng suy nghĩ về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Thời còn là học sinh, tôi luôn mơ ước trở thành nhà kinh doanh để xây dựng nền móng kinh tế nước nhà. Tốt nghiệp cấp III, tôi đã thay đổi suy nghĩ bản thân, lựa chọn cho mình ngành y, cái ngành chữa bệnh cứu người và nâng cao sức khoẻ. Tôi cảm thấy rất tự hào về ngành y của mình, ngành mà cả xã hội luôn và đang được quan tâm hết mức. Cũng chính vì thế mà đến nay tôi đang và sẽ làm việc tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng – Nơi chứa đựng những tâm sự, những nỗi buồn vui của một thế giới – một lãnh địa của người già.

Nghĩ lại cái thủa còn học y, lúc nào cũng cắm mặt vào sách vở, thực hành tiêm truyền, thay băng vết thương, phụ mổ, luôn nghĩ sau này ra trường mình sẽ làm trong một bệnh viện lớn, mặc áo blouse trắng đi khám bệnh… nhưng cuối cùng công việc của tôi không phải là trong bệnh viện mà là một trung tâm dưỡng lão. Từ lúc ra trường, trải qua hơn 2 năm đầy sóng gió với đủ các loại công việc không đúng chuyên ngành, tôi đã vui biết bao khi biết thông tin Diên Hồng đang tuyển điều dưỡng. Tôi lập tức nộp hồ sơ và được chọn vào làm việc. Trước ngày vào làm, tôi hồi hộp, lo lắng, không biết mình có làm được không. Rồi tôi lại vui mừng phấn khởi vì sắp được làm đúng chuyên ngành của mình. Rồi ngày đó cũng đến, tôi được anh điều dưỡng trưởng dẫn đi làm quen với công việc, với các cụ… Lúc ấy tôi thấy công việc đầy phức tạp, khó khăn. Toàn việc mà tôi chưa từng làm và nghĩ tới.

Mới đầu tôi thường ngơ ngác, thẹn thùng, ngượng nghịu, khi thì hấp tấp, lúc lại chậm chạp nhưng bù lại là những anh chị, những bạn điều dưỡng viên ở đây rất ân cần chỉ bảo cho tôi từng chút một. Thấm thoát đã được nửa tháng, tôi đã khá quen với những công việc ở đây, thân thiện với mọi người. Hằng ngày, sau khi giao ban xong, từ 7h30 chúng tôi bắt đầu làm việc, công việc theo một lịch trình cố định. Đầu tiên là cho các cụ ăn sáng, sau đó tắm rửa, xoa bóp cho các cụ và dọn dẹp vệ sinh cho đến 12h là kết thúc buổi sáng làm việc. Buổi chiều bắt đầu từ 14h00’ cũng cho các cụ ăn, xoa bóp và vệ sinh, đưa các cụ đi dạo hoặc tổ chức trò chơi…đến 17h30 là kết thúc ngày làm việc. Nói đến cho các cụ ăn tôi lại thấy buồn cười, các cụ khỏe mạnh tự ăn thì không nói, nhưng một số cụ tính cách nũng nịu như trẻ con thì phải dỗ dành khéo léo như em bé, có cụ thì liệt không tự ăn được phải cho ăn qua sonde,.. Chúng tôi phải ghi nhớ và hiểu tính cách của từng cụ để giúp các cụ ăn uống đầy đủ.

Công việc tắm rửa cho các cụ cũng có hơi chút khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian. Các cụ khỏe mạnh thì tắm rửa dễ dàng hơn còn với các cụ yếu, liệt nửa người hay toàn thân thì việc tắm rửa là cả một thách thức. Ngay cả đến cởi quần áo cũng như mặc đồ cũng là cả vấn đề. Tuy nhiên, với kỹ năng thao tác và kinh nghiệm đã học hỏi từ những điều dưỡng lâu năm thì việc này cũng đỡ gian nan hơn nhiều. Sau khi mọi việc xong xuôi, chúng tôi thu dọn vệ sinh, quét nhà, gấp chăn, thay ga sạch sẽ và chuẩn bị bữa ăn trưa cho các cụ. Ngoài những thời gian làm việc, lúc rảnh rỗi tôi lại mát xa cho các cụ, ngồi tâm sự những chuyện vui, chuyện buồn. Có chuyện vui cười tá lả, có chuyện thì buồn về cuộc sống từng trải của các cụ. Dần dần qua những câu chuyện ấy, những ký ức đẹp ở bên các cụ in đậm trong tâm trí tôi. Nó khiến tôi ngày càng trở nên yêu nghề, yêu cuộc sống, yêu công việc của tôi hơn. Nơi đây như một mái ấm khiến tôi không thể rời xa được.

Chân dung chàng trai trẻ chia sẻ cái khó của nghề điều dưỡng

Trải qua công việc mà bản thân đang làm tôi mới cảm nhận được thế nào là tình yêu thương, chăm sóc, sẻ chia, tâm sự tình cảm với người già. Thế nên không chỉ bản thân tôi mà những ai đang còn ông bà cha mẹ hãy biết trân trọng thương yêu, chăm sóc cho những người thân trong gia đình mình. Công việc nào cũng vậy, muốn làm tốt trước hết phải yêu nghề, phải hiểu rõ về nghề nghiệp và phải tôn trọng nghề nghiệp mình đang làm mới gắn bó lâu, phát triển tốt được. Và bản thân tôi cũng luôn tự hào về công việc mình đang làm, sẽ cố gắng phát huy tốt năng lực của mình để mang đến niềm vui cho nhiều gia đình hơn.

Trần Văn Thuỷ

Xem thêm

Chàng trai tình cảm nói về công việc của mình

Người ta thường nói con trai ít biểu lộ cảm xúc hơn con gái. Nhưng con trai cũng có những tâm tư, suy nghĩ riêng của họ mà. Tôi cũng vậy, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái ngày mà thầy giáo lớp 10 hỏi tôi: ước mơ sau này của em là gì? Tôi trả lời: Em muốn trở thành một bác sỹ giỏi, cứu giúp người  bệnh. Và cũng chính cái ước mơ đó là động lực để tôi phấn đấu học hành. Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng được như mong muốn, sự thật là tôi đã không đỗ đại học nhưng điều đó cũng không làm thay đổi được ý chí của tôi. Dù không thể trở thành bác sỹ thì tôi vẫn muốn theo đuổi ngành y, cái ngành mà tôi ấp ủ từ lâu. Vì thế tôi đã nộp hồ sơ vào một trường y gần nhà và tôi vẫn sẽ cố gắng trên con đường đã lựa chọn vì đam mê không bao giờ là muộn cả.

Bao nhiêu ấp ủ, hy vọng cho đến khi ra trường tôi mới thấy mọi chuyện không phải là dễ dàng. Tôi đã từng đi làm nhiều nơi, từ bệnh viện đến phòng khám và mãi sau này tôi mới biết đến viện dưỡng lão. Lúc đầu vào làm ở viện dưỡng lão, tôi hoàn toàn bị sốc vì mọi công việc khác xa với những gì tôi đã được học, được làm, và cũng thật khó cho 1 đứa con trai quen được nuông chiều từ bé như tôi. Nhưng về sau này, khi tiếp xúc với các cụ nhiều hơn, tôi lại thấy thương và dành tình cảm cho các cụ, xem các cụ như ông bà mình vậy. Vì tôi hiểu do hoàn cảnh gia đình con cháu không chăm sóc được nên mới gửi các cụ vào đây. Tôi thấy sự thiếu thốn tình cảm ở các cụ nên càng thương các cụ hơn. Và tôi nghĩ không chỉ tôi mà tất cả mọi người làm công việc như tôi cũng sẽ có cảm nhận như vậy. Đến giờ sau bao nhiêu năm gắn bó với viện dưỡng lão, tôi thật sự thấy yêu thích công việc này. Ở đây như là ngôi nhà thứ 2 của tôi vậy. Ngày ngày được cùng nói chuyện, vui chơi, sẻ chia với các cụ tôi thấy tất cả mọi thứ như tiếp thêm động lực để tôi yêu nghề hơn. Nếu đc chọn lại lần nữa thì tôi vẫn chọn nghề này, vẫn chọn được gắn bó vs các cụ, với đồng nghiệp, bạn bè của tôi.

Điều dưỡng viên Linh rất tận tình chăm sóc các cụ

Ngô Hải Linh

Xem thêm

Hành trình niềm vui qua giọng kể hóm hỉnh của bà mẹ một con

Reng reng, tiếng chuông báo thức quen thuộc. Thế nhưng vẫn phải nằng thêm vài phút mới rời khỏi được chiếc giường và cô con gái nhỏ của tôi. Vậy là một ngày mới đã bắt đầu, tôi chuẩn bị cho gia đình bữa sáng và đi chợ cho cả ngày. Chạy qua chạy lại đã tới giờ đi làm. Tôi vội vàng thay bộ đồng phục và dắt xe rời khỏi nhà. Nhà của tôi cách trung tâm khoảng 700m vậy mà ngày nào tôi cũng tới trễ. Hôm nay cũng như mọi ngày, khi tôi tới trung tâm là đồng nghiệp của tôi đã ngồi đó . Tôi nhanh chóng chào anh chị và kéo chiếc ghế ngồi cạnh, chờ kíp trực giao ban. Thật may đêm qua có vẻ yên bình hơn, các cụ ít kêu la bật tắt đèn, xé bỉm, bấm chuông. Ôi! Nghe tiếng chuông là thấy hiểm họa từ các cụ tới rồi. Nào là làm đồ ăn đêm, nào cụ xé bỉm, nào cụ mở tivi,… Sau khi cuộc họp giao ban kết thúc, chúng tôi được phân chia về từng tầng. Tầng 1 là các cụ yếu nhất đi lại hạn chế. Tầng 2 và tầng 4 là các cụ khỏe hơn một chút. Tầng 3 dành cho các cụ khỏe mạnh tự túc mọi việc, chúng tôi chỉ cần hỗ trợ đôi chút.

Đó, thôi kể sơ lược vậy thôi, và giờ tôi phải về tầng một, tầng mà các cụ yếu nhất. Tôi mở cánh cửa quen thuộc và câu chào quen thuộc “con chào các cụ”. Chưa gì đã nghe thấy tiếng cười của chú Ngọc, ánh mắt nhìn của chú Thành, miệng lẩm bẩm không nghe rõ của ông Trường,…

Cạch cạch, tiếng xe cơm của buổi sáng đã tới, công việc của chúng tôi là cho các cụ ăn, tắm gội, xoa bóp, vệ sinh cá nhân và đưa các cụ đi dạo. Công việc cứ thế diễn ra hằng ngày đều đặn. Nhìn các cụ đi lại khó khăn, ăn uống vất vả, tôi cũng thấy thương, thật may khi chúng tôi giúp được một phần nào cho các cụ. Có những cụ khỏe kể lại cho chúng tôi nghe về cuộc sống, cuộc đời, chuyện xã hội, chuyện gia đình. Bao gian nan vất vả vậy mà các cụ vẫn vượt qua. Tôi thấy vui hơn khi được nghe các cụ tâm sự, trò chuyện những lúc như vậy. Sự mệt nhọc trong công việc không còn, muốn được giúp đỡ các cụ nhiều hơn, cảm thấy vui hơn khi mình làm việc tại đây. Công việc có những lúc vất vả, nhưng thấy các cụ thiếu tình cảm gia đình, chúng tôi cố gắng chăm sóc các cụ tốt hơn, dành tình cảm cho các cụ nhiều hơn. Cảm giác trao yêu thương cho ai đó thật tuyệt vời biết bao.

Điều dưỡng Tuyết vui vẻ cười đùa và tạo dáng với bà Đường

Nguyễn Thị Tuyết

Xem thêm