Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Cái khó của nghề điều dưỡng

Với mỗi chúng ta ai ai cũng đều có những ước mơ, hoài bão, những tư tưởng suy nghĩ về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Thời còn là học sinh, tôi luôn mơ ước trở thành nhà kinh doanh để xây dựng nền móng kinh tế nước nhà. Tốt nghiệp cấp III, tôi đã thay đổi suy nghĩ bản thân, lựa chọn cho mình ngành y, cái ngành chữa bệnh cứu người và nâng cao sức khoẻ. Tôi cảm thấy rất tự hào về ngành y của mình, ngành mà cả xã hội luôn và đang được quan tâm hết mức. Cũng chính vì thế mà đến nay tôi đang và sẽ làm việc tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng – Nơi chứa đựng những tâm sự, những nỗi buồn vui của một thế giới – một lãnh địa của người già.

Nghĩ lại cái thủa còn học y, lúc nào cũng cắm mặt vào sách vở, thực hành tiêm truyền, thay băng vết thương, phụ mổ, luôn nghĩ sau này ra trường mình sẽ làm trong một bệnh viện lớn, mặc áo blouse trắng đi khám bệnh… nhưng cuối cùng công việc của tôi không phải là trong bệnh viện mà là một trung tâm dưỡng lão. Từ lúc ra trường, trải qua hơn 2 năm đầy sóng gió với đủ các loại công việc không đúng chuyên ngành, tôi đã vui biết bao khi biết thông tin Diên Hồng đang tuyển điều dưỡng. Tôi lập tức nộp hồ sơ và được chọn vào làm việc. Trước ngày vào làm, tôi hồi hộp, lo lắng, không biết mình có làm được không. Rồi tôi lại vui mừng phấn khởi vì sắp được làm đúng chuyên ngành của mình. Rồi ngày đó cũng đến, tôi được anh điều dưỡng trưởng dẫn đi làm quen với công việc, với các cụ… Lúc ấy tôi thấy công việc đầy phức tạp, khó khăn. Toàn việc mà tôi chưa từng làm và nghĩ tới.

Mới đầu tôi thường ngơ ngác, thẹn thùng, ngượng nghịu, khi thì hấp tấp, lúc lại chậm chạp nhưng bù lại là những anh chị, những bạn điều dưỡng viên ở đây rất ân cần chỉ bảo cho tôi từng chút một. Thấm thoát đã được nửa tháng, tôi đã khá quen với những công việc ở đây, thân thiện với mọi người. Hằng ngày, sau khi giao ban xong, từ 7h30 chúng tôi bắt đầu làm việc, công việc theo một lịch trình cố định. Đầu tiên là cho các cụ ăn sáng, sau đó tắm rửa, xoa bóp cho các cụ và dọn dẹp vệ sinh cho đến 12h là kết thúc buổi sáng làm việc. Buổi chiều bắt đầu từ 14h00’ cũng cho các cụ ăn, xoa bóp và vệ sinh, đưa các cụ đi dạo hoặc tổ chức trò chơi…đến 17h30 là kết thúc ngày làm việc. Nói đến cho các cụ ăn tôi lại thấy buồn cười, các cụ khỏe mạnh tự ăn thì không nói, nhưng một số cụ tính cách nũng nịu như trẻ con thì phải dỗ dành khéo léo như em bé, có cụ thì liệt không tự ăn được phải cho ăn qua sonde,.. Chúng tôi phải ghi nhớ và hiểu tính cách của từng cụ để giúp các cụ ăn uống đầy đủ.

Công việc tắm rửa cho các cụ cũng có hơi chút khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian. Các cụ khỏe mạnh thì tắm rửa dễ dàng hơn còn với các cụ yếu, liệt nửa người hay toàn thân thì việc tắm rửa là cả một thách thức. Ngay cả đến cởi quần áo cũng như mặc đồ cũng là cả vấn đề. Tuy nhiên, với kỹ năng thao tác và kinh nghiệm đã học hỏi từ những điều dưỡng lâu năm thì việc này cũng đỡ gian nan hơn nhiều. Sau khi mọi việc xong xuôi, chúng tôi thu dọn vệ sinh, quét nhà, gấp chăn, thay ga sạch sẽ và chuẩn bị bữa ăn trưa cho các cụ. Ngoài những thời gian làm việc, lúc rảnh rỗi tôi lại mát xa cho các cụ, ngồi tâm sự những chuyện vui, chuyện buồn. Có chuyện vui cười tá lả, có chuyện thì buồn về cuộc sống từng trải của các cụ. Dần dần qua những câu chuyện ấy, những ký ức đẹp ở bên các cụ in đậm trong tâm trí tôi. Nó khiến tôi ngày càng trở nên yêu nghề, yêu cuộc sống, yêu công việc của tôi hơn. Nơi đây như một mái ấm khiến tôi không thể rời xa được.

Chân dung chàng trai trẻ chia sẻ cái khó của nghề điều dưỡng

Trải qua công việc mà bản thân đang làm tôi mới cảm nhận được thế nào là tình yêu thương, chăm sóc, sẻ chia, tâm sự tình cảm với người già. Thế nên không chỉ bản thân tôi mà những ai đang còn ông bà cha mẹ hãy biết trân trọng thương yêu, chăm sóc cho những người thân trong gia đình mình. Công việc nào cũng vậy, muốn làm tốt trước hết phải yêu nghề, phải hiểu rõ về nghề nghiệp và phải tôn trọng nghề nghiệp mình đang làm mới gắn bó lâu, phát triển tốt được. Và bản thân tôi cũng luôn tự hào về công việc mình đang làm, sẽ cố gắng phát huy tốt năng lực của mình để mang đến niềm vui cho nhiều gia đình hơn.

Trần Văn Thuỷ

Xem thêm

Chàng trai tình cảm nói về công việc của mình

Người ta thường nói con trai ít biểu lộ cảm xúc hơn con gái. Nhưng con trai cũng có những tâm tư, suy nghĩ riêng của họ mà. Tôi cũng vậy, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái ngày mà thầy giáo lớp 10 hỏi tôi: ước mơ sau này của em là gì? Tôi trả lời: Em muốn trở thành một bác sỹ giỏi, cứu giúp người  bệnh. Và cũng chính cái ước mơ đó là động lực để tôi phấn đấu học hành. Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng được như mong muốn, sự thật là tôi đã không đỗ đại học nhưng điều đó cũng không làm thay đổi được ý chí của tôi. Dù không thể trở thành bác sỹ thì tôi vẫn muốn theo đuổi ngành y, cái ngành mà tôi ấp ủ từ lâu. Vì thế tôi đã nộp hồ sơ vào một trường y gần nhà và tôi vẫn sẽ cố gắng trên con đường đã lựa chọn vì đam mê không bao giờ là muộn cả.

Bao nhiêu ấp ủ, hy vọng cho đến khi ra trường tôi mới thấy mọi chuyện không phải là dễ dàng. Tôi đã từng đi làm nhiều nơi, từ bệnh viện đến phòng khám và mãi sau này tôi mới biết đến viện dưỡng lão. Lúc đầu vào làm ở viện dưỡng lão, tôi hoàn toàn bị sốc vì mọi công việc khác xa với những gì tôi đã được học, được làm, và cũng thật khó cho 1 đứa con trai quen được nuông chiều từ bé như tôi. Nhưng về sau này, khi tiếp xúc với các cụ nhiều hơn, tôi lại thấy thương và dành tình cảm cho các cụ, xem các cụ như ông bà mình vậy. Vì tôi hiểu do hoàn cảnh gia đình con cháu không chăm sóc được nên mới gửi các cụ vào đây. Tôi thấy sự thiếu thốn tình cảm ở các cụ nên càng thương các cụ hơn. Và tôi nghĩ không chỉ tôi mà tất cả mọi người làm công việc như tôi cũng sẽ có cảm nhận như vậy. Đến giờ sau bao nhiêu năm gắn bó với viện dưỡng lão, tôi thật sự thấy yêu thích công việc này. Ở đây như là ngôi nhà thứ 2 của tôi vậy. Ngày ngày được cùng nói chuyện, vui chơi, sẻ chia với các cụ tôi thấy tất cả mọi thứ như tiếp thêm động lực để tôi yêu nghề hơn. Nếu đc chọn lại lần nữa thì tôi vẫn chọn nghề này, vẫn chọn được gắn bó vs các cụ, với đồng nghiệp, bạn bè của tôi.

Điều dưỡng viên Linh rất tận tình chăm sóc các cụ

Ngô Hải Linh

Xem thêm

Hành trình niềm vui qua giọng kể hóm hỉnh của bà mẹ một con

Reng reng, tiếng chuông báo thức quen thuộc. Thế nhưng vẫn phải nằng thêm vài phút mới rời khỏi được chiếc giường và cô con gái nhỏ của tôi. Vậy là một ngày mới đã bắt đầu, tôi chuẩn bị cho gia đình bữa sáng và đi chợ cho cả ngày. Chạy qua chạy lại đã tới giờ đi làm. Tôi vội vàng thay bộ đồng phục và dắt xe rời khỏi nhà. Nhà của tôi cách trung tâm khoảng 700m vậy mà ngày nào tôi cũng tới trễ. Hôm nay cũng như mọi ngày, khi tôi tới trung tâm là đồng nghiệp của tôi đã ngồi đó . Tôi nhanh chóng chào anh chị và kéo chiếc ghế ngồi cạnh, chờ kíp trực giao ban. Thật may đêm qua có vẻ yên bình hơn, các cụ ít kêu la bật tắt đèn, xé bỉm, bấm chuông. Ôi! Nghe tiếng chuông là thấy hiểm họa từ các cụ tới rồi. Nào là làm đồ ăn đêm, nào cụ xé bỉm, nào cụ mở tivi,… Sau khi cuộc họp giao ban kết thúc, chúng tôi được phân chia về từng tầng. Tầng 1 là các cụ yếu nhất đi lại hạn chế. Tầng 2 và tầng 4 là các cụ khỏe hơn một chút. Tầng 3 dành cho các cụ khỏe mạnh tự túc mọi việc, chúng tôi chỉ cần hỗ trợ đôi chút.

Đó, thôi kể sơ lược vậy thôi, và giờ tôi phải về tầng một, tầng mà các cụ yếu nhất. Tôi mở cánh cửa quen thuộc và câu chào quen thuộc “con chào các cụ”. Chưa gì đã nghe thấy tiếng cười của chú Ngọc, ánh mắt nhìn của chú Thành, miệng lẩm bẩm không nghe rõ của ông Trường,…

Cạch cạch, tiếng xe cơm của buổi sáng đã tới, công việc của chúng tôi là cho các cụ ăn, tắm gội, xoa bóp, vệ sinh cá nhân và đưa các cụ đi dạo. Công việc cứ thế diễn ra hằng ngày đều đặn. Nhìn các cụ đi lại khó khăn, ăn uống vất vả, tôi cũng thấy thương, thật may khi chúng tôi giúp được một phần nào cho các cụ. Có những cụ khỏe kể lại cho chúng tôi nghe về cuộc sống, cuộc đời, chuyện xã hội, chuyện gia đình. Bao gian nan vất vả vậy mà các cụ vẫn vượt qua. Tôi thấy vui hơn khi được nghe các cụ tâm sự, trò chuyện những lúc như vậy. Sự mệt nhọc trong công việc không còn, muốn được giúp đỡ các cụ nhiều hơn, cảm thấy vui hơn khi mình làm việc tại đây. Công việc có những lúc vất vả, nhưng thấy các cụ thiếu tình cảm gia đình, chúng tôi cố gắng chăm sóc các cụ tốt hơn, dành tình cảm cho các cụ nhiều hơn. Cảm giác trao yêu thương cho ai đó thật tuyệt vời biết bao.

Điều dưỡng Tuyết vui vẻ cười đùa và tạo dáng với bà Đường

Nguyễn Thị Tuyết

Xem thêm

Từ khó khăn đến sự đồng cảm khi gắn bó với nghề

“Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng” cái tên từ xa lạ giờ đã trở lên rất đỗi thân quen, đó là nơi tôi công tác và làm việc. Tôi là Đức, nhân viên điều dưỡng của Trung tâm, tuy thời gian làm việc ở đây chưa dài nhưng với tôi Diên Hồng như là một gia đình thứ 2, bởi tôi được trải nghiệm làm việc trong một môi trường đầy tình yêu thương giữa mọi người, đặc biệt là các cụ trong trung tâm, họ như người ông bà thứ hai của tôi vậy.

Đến với Diên Hồng đó là một cái duyên mà tôi chưa từng nghĩ công việc đó sẽ theo tôi đến tận bây giờ. Trước đây khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, tôi chỉ nghĩ mình sẽ vào một bệnh viện hay phòng khám nào đó để làm phù hợp với công việc chuyên môn của mình. Thế nhưng mọi việc tưởng chừng như không đơn giản và kết quả không được như mong muốn. Tình cờ tôi thấy dưỡng lão Diên Hồng tuyển nhân viên, lúc đó trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ, rằng mình là con trai thì công việc chăm sóc các cụ già sẽ không hề phù hợp với mình, nhưng một suy nghĩ khác nảy ra trong đầu tôi. Tại sao cứ để thời gian trôi qua mãi như vậy? Tại sao tôi không thử sức mình với công việc này? Và thế là tôi nộp hồ sơ, phỏng vấn và được nhận đi làm. Ngày đầu tiên đi làm tôi mang trong mình niềm háo hức những cũng lo lắng bởi sẽ làm những việc mà tôi chưa từng nghĩ tới.

Có thể với nhiều người, việc cho các cụ ăn, xoa bóp, tắm gội, thậm chí còn thay bỉm khá đơn giản, nhưng với tôi là cả một vấn đề. Và tôi đã từng muốn từ bỏ nó. Thế rồi một tháng thử việc trôi qua, không hiểu sao tôi lại thấy mình có một tình cảm đặc biệt với trung tâm, tôi tiếp tục công việc ở đây. Hằng ngày cho các cụ ăn, tắm gội, thay bỉm tã, đưa các cụ đi dạo, trò chuyện, … Những việc từ không thể làm được đến giờ đã trở lên quen thuộc.

Điều dưỡng viên Đức trong buổi sinh nhật hàng tháng của các cụ

Đôi lúc tôi mệt mỏi, áp lực bởi tính cách của các cụ thay đổi thất thường. Ở đây mỗi người đều có một bệnh khác nhau, có cụ bệnh nhẹ thì đãng trí nhưng vẫn đi lại được, có cụ nặng hơn liệt nửa người ngồi xe lăn, cụ nặng nhất nằm liệt giường ăn sonde,…đa phần là do biến chứng của tai biến, huyết áp gây ra đột quỵ. Nhưng rồi nhìn thấy nụ cười vô tư, yêu đời của các cụ ở tuổi gần đất xa trời, mà tôi thấy mình có thêm động lực để tiếp tục với công việc hiện tại. Các cụ  đa phần là gia đình có điều kiện, nhiều cụ có chức quyền và lãnh đạo của nhà nước, cuối cùng về đây đều như một đứa trẻ, cần dỗ dành.  Có cụ hay làm thơ, đánh cờ nhưng cũng có cụ hay chửi bậy, đi lang thang, có cụ nói suốt ngày suốt đêm mà không thấy mệt , nhìn mà thương lắm.

Những ngày đầu của tôi đầy thử thách khi được giao nhiệm vụ phụ trách những cụ khó chăm sóc. Nhiều đêm trực có cụ xé bỉm đi vệ sinh ra nền nhà, có cụ không chịu đắp chăn khi gió mùa về.  Thấy vậy, tôi lại lên đắp chăn cho các cụ để cụ có một đêm ngon giấc. Công việc ở đây không phải là khó lắm, nhưng đòi hỏi mọi người phải có tâm và yêu thương các cụ thì mới có thể làm được. Trước đây khi chưa học nghề, tôi còn bà nội có tuổi và đã lẫn rồi, đôi khi tôi không nhường nhịn bà cho lắm, và cảm thấy người già là phiền phức. Nhưng khi bước chân vào làm nghề, tự tay chăm sóc người già, hiểu và đồng cảm với họ, tôi nghĩ về bà thì bà không còn nữa và cảm thấy thương bà nhiều hơn.

Quang Đức ân cần hỗ trợ các ông bà trong các hoạt động trò chơi Olympic

Chúng tôi ở trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đôi khi phải đóng giả con cháu các cụ để dỗ dành các cụ ăn, tắm rửa và tập luyện. Mỗi lần các cụ ăn ngon và tập luyện tốt thì tôi thấy cuộc sống và công việc của mình càng thêm vui tươi hơn. Thế nên ai còn ông, còn bà thì hãy biết trân trọng, yêu thương các cụ, vì có ông bà thì mới có bố mẹ và có chúng ta khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay. Và hãy chăm sóc họ bằng tất cả yêu thương của  mình.

Đào Quang Đức

Xem thêm

Những cái thơm đầy yêu thương của người già

Ai cũng biết việc chăm sóc người cao tuổi là một chuyện không hề đơn giản … và mình cũng nhận ra điều đó . Nhưng, chính việc chăm sóc các cụ , mang lại nụ cười cho các cụ đã giúp mình quên đi cái công việc không hề đơn giản đó .

Từ khi vào làm tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, mình học được cách nói thật chậm rãi , nhìn vào mắt các cụ để biết rằng các cụ đang lắng nghe . Không tỏ thái độ bực tức, sốt ruột khi chờ phản hồi từ phía các cụ . Đối với các cụ bị nặng tai , mình học được cách kiên nhẫn . Và quan trọng nhất là mình học được cách nói ít, nghe nhiều , nhẫn nại khi trả lời hay giải thích các vấn đề mà các cụ quan tâm. Bên cạnh đó, mình học được cách quan tâm , học được cách điều trị phù hợp đối với từng bệnh của từng cụ vì người cao tuổi dễ bị mắc bệnh hơn người trẻ, và biểu hiện bệnh thường không rõ ràng. Một số bệnh thông thường như cảm cúm cũng có thể làm suy yếu sức khoẻ người cao tuổi một cách đáng kể .

Việc chăm sóc người già không khác gì ” một người thân trong gia đình “. Một điều dưỡng viên như mình phải lo tất cả các khâu sinh hoạt, từ ăn uống , tắm rửa, uống thuốc, ngủ nghỉ, giải trí và thậm chí cả việc đi vệ sinh. Có nhiều cụ khi quên khi nhớ, không ý thức được bản thân nên chuyện không hợp tác , lớn tiếng, chống đối là việc rất bình thường . Thế nên, mình học được cách phải thực sự quyết tâm và thực sự can đảm. Chăm sóc người già cũng rất khó, bởi cơ thể các cụ bị lão hoá nên việc chăm sóc cũng nhọc nhằn . Mình thì thấp bé nhẹ cân trong khi các cụ lại rất to lớn. Thường thì người già đi lại khó khăn, ngồi xe lăn ít vận động nên đã mập lại càng mập thêm. Thế nên chăm sóc các cụ cũng cần phải dùng sức.

Người ta nói “yêu trẻ trẻ đến nhà , yêu già già để tuổi cho”. Ai rồi cũng sẽ già đi, tuổi già chẳng bỏ sót một ai . Mình rồi cũng như các cụ, thế nên trong công việc mình luôn cố gắng phục vụ thật tốt, luôn lắng nghe , cảm thông và kiên nhẫn.

Dưới đây là bức ảnh của mình chụp cùng với bà Hoàng Thị Cẩm tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, mình hay gọi bà với cái tên thân thương và ngắn gọn đó là ‘ Mẹ ‘ . Niềm vui mỗi ngày của mình là sáng nào đi làm, mình cũng đc mẹ gọi với chất giọng đầy trìu mến ‘ con gái yêu của mẹ ‘ với những cái ôm thật chặt và những cái thơm vào 2 má đầy yêu thương … những lúc rảnh rỗi mình dành thời gian để hỏi về gia đình, công việc, các hoạt động thời trẻ mẹ hay tham gia.

Thu Thủy và Mẹ Cẩm cùng tham gia cuộc thi Hoa hậu quý bà

Những cuộc trò chuyện vui vẻ và cái thơm tình cảm của bà Cẩm dành cho Thủy

Mẹ nói vào với Diên Hồng rất vui , được các con chăm sóc , được nói chuyện chia sẻ với các cụ cùng thời ,được tham gia vào các trò chơi, hoạt động ngoài trời, các sự kiện và nhất là mẹ được tổ chức sinh nhật cái ngày mà đến cả mẹ cũng không nhớ tới. Và tất cả các cụ khác ở đây cũng nói như mẹ vậy. Nói thật sự là nhìn các cụ được vui vẻ, thích thú , sống hoà đồng như một gia đình là bọn con hạnh phúc rồi, dù bọn con có mệt mỏi đến chừng nào cũng đều tan biến hết.

Các cụ hãy cứ vui, cứ khoẻ còn mọi chuyện cứ để chúng con lo …..

Vũ Thị Thu Thủy

Xem thêm

Ở viện dưỡng lão, mỗi người già là một câu chuyện

Người ta nói nghề nghiệp là cái duyên, không phải ai khi mới vào nghề đã yêu mến công việc của mình ngay. Cũng như tôi, 26 tuổi bước chân vào làm việc ở Viện dưỡng lão Diên Hồng. Khi ấy, tất cả với tôi đều rất mới mẻ mặc dù đã qua 3 năm học trong trường y, 3-4 năm làm việc ở các phòng khám, bệnh viện, nhưng khái niệm viện dưỡng lão tôi chưa bao giờ nghe đến. Khó khăn bắt đầu từ việc nhớ tên các cụ, rồi thói quen, sở thích,… và khó nhất vẫn là vượt qua cảm giác phải chăm sóc những người xa lạ, không phải ruột thịt của mình. Tôi đã từng thấy thật ngượng ngùng, miễn cưỡng nhưng vì mưu sinh nên tôi cố gắng.

Sau một thời gian làm việc, các cụ trong Diên Hồng đã làm tôi thay đổi suy nghĩ, làm tôi yêu công việc của mình hơn, vui vẻ, hạnh phúc khi đi làm. Trong đó có u Liên,người mà tôi sẽ kể dưới đây, không phải là tôi muốn PR cái gì, chỉ là tôi muốn lưu giữ và thi thoảng nhắc lại những ký ức đẹp về một người tôi yêu, người tôi quý, kính trọng, người đem đến cho tôi động lực để yêu nghề, người mà giờ đây tôi muốn cũng không thể nói chuyện hay nhìn thấy nữa rồi.

May mắn tôi vẫn còn bức ảnh chụp với cụ. Chúng tôi vẫn quen gọi cụ à U Liên. U Liên mảnh khảnh, cao, gầy và rất nhanh nhẹn. U dễ thương lắm, luôn nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng và giọng nói ấm áp. Mỗi ngày, u đều hỏi tôi có ngủ ngon  đêm qua không, chồng con tôi thế nào,…

Bức ảnh điều dưỡng viên Huệ (ngoài cùng bên trái) chụp cùng U Liên ( bên cạnh)

Hằng ngày đi làm ngoài những công việc như thay bỉm, tắm rửa, đánh răng, xoa bóp, châm cứu phục hồi chức năng, thời gian còn lại của chúng tôi là nói chuyện, tâm sự với các cụ. Trò chuyện với U Liên là khoảng thời gian tôi thấy vui vẻ, sảng khoái nhất. Cũng như các cụ khác U Liên hay kể về thời còn trẻ, thời xa xưa. Nhưng điều đặc biệt hơn là U Liên không có chồng. Không  phải u không lấy được chồng mà là u không muốn lấy chồng. Thời trẻ U cũng xinh xắn lắm chứ, u đã từng yêu ở tuổi 17 ngây thơ, mơ mộng, một tình cảm của cô gái 17 với chàng trai bộ đội thật trong sáng. Qua lời kể của u, tôi thấy mối tình đó đẹp lắm “ U và anh ấy đã đi chơi ở vườn hoa Hà Đông, đã nắm tay nhau, đã từng hẹn ước,…”. Nhưng chiến tranh khốc liệt đã cướp đi người u yêu vĩnh viễn, ông đã mất ở chiến trường. Từ đó trở đi u khép lòng mình lại, không để chỗ trong trái tim cho bất kỳ người nào và sống trong những kỷ niệm về thời đẹp nhất đó. Tôi hỏi “U có thấy cô đơn không?”. U nói “U quen rồi, giờ u thấy bình thường, u sống trong ký ức đẹp về người ấy là hạnh phúc lắm rồi”. Thế là u cứ vậy chăm các em, rồi chăm bố mẹ già, giờ đây u già rồi, em u muốn báo đáp nên đã đưa u vào trung tâm để được chăm sóc tận tình, hằng tuần vào thăm non. Câu chuyện thời trẻ của u khiến tôi xúc động, ngưỡng mộ và kính trọng vô cùng.

Tôi những tưởng sẽ được làm bạn, chăm sóc u dài dài nữa. Nhưng các cụ ta vẫn bảo “Người già như chuối chín cây”, sau 2 năm sống ở viện dưỡng lão, làm việc với các “con” điều dưỡng, vì tuổi già, sức khỏe của cụ cũng suy yếu. Dần dần chúng tôi ít được nghe những câu chuyện của u hơn, u yếu hơn, rồi mất tại trung tâm. Tính đến nay đã được hơn 1 năm rồi, nhưng những hình ảnh của cụ tôi vẫn nhớ như in. Chứng kiến cụ tư khi khỏe mạnh cho tới khi yếu vì già, vì bệnh, mà tôi không khỏi sót sa, như chính bản thân mình  mất đi một người thân trong gia đình vậy. Ước gì mỗi cụ sống tới hơn trăm tuổi.

Mỗi cụ ở trung tâm tôi đều có nét đáng yêu riêng. Sao mà đáng yêu đến thế!. U Liên thì hiền lành, chân thật, Bố Khánh thì quan tâm nhẹ nhàng, Ông Hoằng thì lẫn nhưng vô cùng đáng yêu, Ông Hiển thì làm thơ và hát rất hay, ông Luyến thì cười rất nhiều, cụ Đính nghiêm khắc nhưng rất quan tâm. Mỗi cụ có một cuộc đời, một hoàn cảnh, nhưng ai cũng được chăm sóc nâng niu . Giờ đây đi làm không phải “ tôi phải chăm sóc cho những người xa lạ, không quen biết”  như suy nghĩ ban đầu, mà giờ đây tôi đang chăm lo giờ ăn, giấc ngủ cho những người tôi yêu thương, những người thân thiết của tôi.

Điều dưỡng viên Huệ cùng các ông bà làm tranh đào mật ong cho mùa đông

Nghề nghiệp của tôi không cao sang như bác sĩ, cũng không giống các anh chị y tá trong viện. Nhưng tôi tự hào về ngành nghề tôi đã chọn, và sẽ làm việc hết mình. Nếu ai muốn biết thêm về ngành nghề của tôi, muốn biết về ngôi nhà chung ấm áp tình người nơi tôi đang làm việc thì hãy ghé qua nhé

“ Ai qua Đô Nghĩa Hà Đông

Thăm nhà dưỡng lão Diên Hồng dễ thương”

Trích bài thơ “Vườn hoa Diên Hồng” của Vũ Hiển

Vũ Thị Huệ

Xem thêm

Bức thư thể hiện tình yêu với nghề điều dưỡng

Gửi tới những điều dưỡng viên.
Giữa trăm nghề tại sao bạn lại chọn nghề này?
Với tôi, đến với nghề như là duyên phận vậy. Cái thời còn cắp sách trên giảng đường đại học, tôi cũng như bao bạn học khác trong lớp đều thấy rất mơ hồ khi nhắc đến hai từ “điều dưỡng”. Chúng tôi không hiểu và cũng k biết rằng chúng tôi sẽ làm gì, ở đâu sau khi ra trường. Nhưng tới bây giờ, khi đã bén duyên với nghề thì tôi cảm thấy mình đã chọn đúng và tôi đã yêu nó mất rồi.

Nhiều người bảo với tôi rằng con gái ngành y vất vả lắm sao không chọn ngành khác đi. Nhưng khi nhìn thấy những nụ cười của bệnh nhân, của gia đình họ thì dù có vất vả như thế nào thì cũng đáng, cảm thấy cái nghề của mình thật thiêng liêng. Rồi cũng có ng từng hỏi tôi: tại sao tôi không chọn bệnh viện hay phòng khám mà lại chọn viện dưỡng lão? Tôi nghĩ đó cũng là cái duyên. Và thật may mắn khi tôi làm ở viện dưỡng lão, tôi cảm thấy cuộc sống của mình có thêm nhiều sắc màu. Và khi đến với Diên Hồng,tôi cũng như mọi người được cùng nói, cùng cười, cùng vui chơi, cùng chia sẻ, cùng thấu hiểu và được yêu thương với các cụ. Nhiều lúc cứ ngỡ rằng các cụ như là ông bà mình vậy, thế rồi cái cảm giác thân quen với con người nơi đây bén rễ trong tôi. Còn điều gì tuyệt vời hơn khi mỗi ngày đi làm là một niềm vui.

Những hình ảnh vui vẻ trong cuộc sống đầy màu sắc của cô điều dưỡng viên trẻ

Tình yêu nghề giúp Hà luôn nở nụ cười vui vẻ trên môi

Tôi còn nhớ những ngày đầu mới đi làm. Tôi nghĩ để làm tốt đc công việc thật là khó khăn, vất vả. Khi đó tôi gặp các cụ ông, cụ bà bảy tám chục tuổi, người hay giận hờn, người tha thiết được quan tâm như một đứa trẻ, những cụ hay nhớ nhà khi xa con cháu đôi khi thấy buồn bã , rồi những cụ mang trong mình bệnh tật nên đau đớn và dễ cáu gắt, nổi giận. Nhưng rồi dần dà quen việc tôi cảm thấy rất vui, vì mình đang đóng góp vào việc mang lại hạnh phúc cho người khác, các cụ, ông, bà hay giận hờn ngày nào, giờ đã thấy xuất hiện những nụ cười, và tôi thấy cụ nào cũng thật đáng yêu, dễ thương. Ai chưa tới Diên Hồng thì nên tới thăm dù chỉ 1 lần, còn ai tới rồi thì sẽ nhớ mãi, nhớ những khoảng khắc vô tư, lạc quan, yêu đời của các cụ. Còn những người đã gắn bó với Diên Hồng như chúng tôi sẽ mãi yêu mái nhà chung thứ 2 này, sẽ cố gắng để câu nói “điều dưỡng là thiên thần của người già” trở thành hiện thực.

Nguyễn Hà

Xem thêm

Cô gái trẻ đến với nghề điều dưỡng.

Khi còn là sinh viên, ước  mơ  sau  khi  ra trường của em nhỏ   xinh,  vì  giờ  để  có  1 công việc  đúng  nghành  là  rất khó.  Em từng nghĩ nếu  chưa  tìm  đc  việc  thì  đầu  tiên  mình  đi  rửa  bát  thuê  cũng  đi,  sau  đó  tìm  được  việc   đúng  nghành  lương  bình  thường , rồi  lấy  chồng  là  OK.  Như  mơ  ước  tất cả  thành  hiện  thực , đầu tiên mình đi rửa  bát  rồi  sau  đó  nghỉ  và  xin  vào  làm  việc  ở  trung  tâm  dưỡng  lão  Diên Hồng,  gần  nhà.

Nhanh  thật,  gần  nửa  năm  làm  việc ở đây, kể  ra thì  buồn vui, yêu thương,  cảm  động,  cảm xúc đa dạng lắm vì  cuộc sống  tập  thể  mà. Nhà mình bố mẹ làm nông nghiệp  nhưng  thực  sự  không  phải để  con gái làm  gì,  cũng  gọi  là  chiều  chuộng  con  gái  đi học.  Vào  trung  tâm  mọi  người  nói  em  còn  ngây  thơ  lắm ( 24 tuổi  rồi  ). Nhớ, ngày đầu tiên đi làm, anh giám đốc và anh nhóm trưởng nói cho mình về tình hình công việc. Hai anh bảo mình đến  đến  quan  sát , học  hỏi  xem  những việc có phù hợp không, rồi em đưa  ra quyết  định thử  việc, vì thử việc 3 tháng.

Ngày đầu tiên, đến  nơi  chưa  biết  phải  làm gì,  nên  em cứ  lẽo  đẽo  theo anh nhóm  trưởng.  7h30 sáng,  sau khi  giao  ban  xong, anh chị điều  dưỡng  kéo  xe  cơm xuống các tầng . Đồ ăn sáng gồm 2 loại : bữa theo chế độ của trung tâm hoặc món do các cụ tự chọn theo sở thích .

Bơ vơ một lúc, em thấy ở phòng tắm chung, anh chị điều dưỡng đang  tắm  cho  các  cụ, vui lắm  ạ.  Người thì  cắt  tóc  cho các  cụ  điêu luyện  như  nghệ  nhân (tăng  đơ,  cua,  vic,   .. ), người ở  bên  ngoài  thay  ga bẩn và vệ sinh lại  phòng  sinh  hoạt.

Em bảo anh nhóm trưởng: “Anh ơi em khá năng động, anh có gì bảo em làm với.

Anh bảo: ” Mày thích năng động à, ra đây anh chỉ” .

Anh ý mở các clip hoạt động của trung tâm:  phần thi tài năng  của  điều  dưỡng, các cụ tập yoga… gj em cùng các cụ xem phấn khích  lắm.

1h chiều.  Đến  ca trực  trưa, hôm  đó  anh nhóm  trưởng  trực,  mình tự  nhiên  nhớ  nhà  quá,  và  nhìn qua  cửa  sổ. Tới, 1h30,  có 1 bác  sỹ  phục  hồi  chức  năng  đến  tập  cho 1 chú. Chú  ý bị đột  quỵ, người  nhà chú không có thời gian và chuyên môn chăm  sóc  nên  gửi vào  trung tâm dưỡng  lão . Chú í và anh nhóm  trưởng  giao  tiếp  với  nhau  bằng  ngôn  ngữ  của  người  bệnh, do  miệng  chú  méo,  nói  khó,  ấm  ớ,  ấm  ớ. Nhưng  họ  vẫn  hiểu  nhau. Hay thật đấy! Cuộc  trò chuyện  giữa  mình,  bác  sỹ,  anh nhóm  trưởng,  chú  người  bệnh  vui  vẻ, rôm  rả. Kết thúc  giờ  làm  việc  vào  5h30. Trở về  nhà,  mình khoe  với  bố  mẹ công việc không có gì, đơn giản. Mình quyết định thử công việc này.

Trước khi đi làm, có 2 việc mình chưa hoàn thiện được. Một là thay bỉm- mình chưa bao giờ thay bỉm cho ai, mà hồi đi học không ai dạy cái này. Hai là sắp cơm- tại sao người ăn cắt,người ăn nguyên, ăn bún, ăn cháo,… Đi làm nhiều, công việc đó không còn khó. Mình học được là chia suất ăn ăn cần để ý theo sở thích và phải phù hợp tình trạng sức khỏe các cụ (cụ nào yếu ăn sonde,cụ nào nuốt khó dễ bị sặc ăn cơm xay,…). Công việc của điều dưỡng trong viện dưỡng lão không chỉ chăm sóc toàn diện theo tình trạng của từng cụ ( hỗ trợ hoàn toàn, một phần hoặc rất ít) mà còn phải đảm bảo an toàn, giúp các cụ vui khỏe ạ.

ĐDV Yến chụp ảnh cùng bà Thinh trong buổi dã ngoại ngoài trời

Yêu  thương  chiều  chuộng  các  cụ, lắng  nghe quan  sát,   mình  vui  vẻ,  nhịp  nhàng, các  cụ  cũng vui.  Đến  tuổi  này  rồi, các  cụ  làm  trẻ  con  lần  2 nên  cần  phải  yêu  thương,  nói  ngọt,  với  một  số  cụ  lười  ăn  có  khi  phải  dùng  giọng  hình  sự. Càng  ngày  khi  càng  gắn  bó, em thấy  yêu  thương  các  cụ  hơn,  đồng  nghiệp  của  em còn  gọi  các  cụ thân  mật  : u à, mẹ à,  bố chồng ơi…    Ngoài  lúc  làm  việc  trò  chuyện  trêu  các cụ,  ôm  hôn  .Cho thấy yêu thương lắm ạ.

Xem thêm

Cái duyên với nghề chăm sóc người cao tuổi.

Thời gian trôi qua thật nhanh, tôi nhận được tấm bằng của một trường cao đẳng y sau 3 năm học tập. Tôi lên Hà Nội, xin vào một viện dưỡng lão, tôi bối rối không biết có làm được không. Sau 3 tháng học viện, được các điều dưỡng trưởng bệnh viện Bạch Mai, các cô đã sang Nhật học về dưỡng lão đào tạo, tôi đã trở thành một điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi. Và từ đó, tôi cũng bén duyên với nghề điều dưỡng.

ĐDV Thanh Hùng nhận được nhiều tình cảm yêu quý của các ông bà

Nghề chăm sóc người cao tuổi, tưởng như đơn giản, nhưng không phải thế, mà còn có những điều rất khó. Tôi phải nắm bắt tâm lý đối với cụ khỏe, còn tỉnh táo, để hòa nhập, giúp các cụ vui vẻ, tạo cho các cụ một thú vui riêng, nghĩ ra những trò chơi, câu nói làm các cụ cười. Tiếp xúc với ông bà sa sút trí tuệ rất đáng yêu, những câu giao tiếp trở về hóm hỉnh, ngô nghê như một em bé. Các ông bà không ý thức được không gian và thời gian nên chúng tôi phải giúp luyện tập để giúp ông bà nhớ lại những kỷ niệm, khoảnh khắc với người thân, hay đơn giản là món ăn yêu thích. Còn đối với những cụ yếu hẳn, chúng tôi cần tắm rửa, vệ sinh, hỗ trợ toàn diện cho các cụ.

Người ta bảo “người già hóa trẻ con”, quả là không sai, cũng nhõng nhẽo, cũng làm nũng. Trong đời ai rồi cũng già, và tôi cũng vậy. Nghĩ như thế, tôi luôn tâm niệm trong lòng chữ “Tâm”, ở trong nghề này, ai không đặt chữ “tâm” trong công việc thì cũng không thể làm được. Tôi coi ông bà như ông bà của mình, những phần da thịt của các ông, các bà như phần da thịt của mình. Cũng có lúc ông bà cáu gắt, tôi không nản lòng mà tìm cách làm các ông bà vui. Trời không phụ lòng người, và giờ, tôi đã thành công.

Tôi rất vui khi mỗi buổi sang đến làm việc, tôi chào thật to, cả phòng các cụ đều ngoảnh lại và những câu nói đáp lại làm tôi cảm động: “Hùng đấy hả con!”, rồi cả những lời chúc buổi sáng tốt lành. Những câu hỏi thăm sức khỏe “đêm qua mẹ ngủ được không?” hay “thầy ngủ được không?” làm các cụ vui và có tình cảm với mình. Với tôi, các cụ như ông, như bà mình, khi các cụ ốm sốt tôi lo lắng, khi các cụ bỏ ăn tôi sốt ruột, hỏi han xem các cụ muốn ăn gì để tôi đi làm. Tôi cũng nhận lại tình cảm như thế, khi tôi ốm, các cụ chỉ nghe giọng nói thôi là đã biết tôi có vấn đề, rồi hỏi

–  “con ốm đấy à?”

– “Không mẹ ạ”- tôi nói

Mẹ bảo: “Không giọng con ốm rồi, mẹ biết mà, còn lấy sữa ăn rồi uống thuốc vào”.

Tôi cảm động vô cùng. Đi tới phòng nào, tôi cũng nhận được những câu gọi “yêu của mẹ, yêu lắm cơ”, chỉ cần vậy thôi, mọi công việc mệt nhọc đều tan đâu hết. Cứ như vậy, tôi được thôi thúc phải cố gắng làm tròn bộn phận của một người con, người cháu mà có nhiều mẹ, nhiều ông, nhiều cụ.

Đ DV Hùng và bà Hoạt cùng cười rất vui vẻ

Với tôi, đây là một đại gia đình, một ngày nghỉ mà không làm gì tôi thấy nhớ gia đình đấy. Tôi nhớ những người mẹ, nhớ những ông cụ, bà cụ đã có một thời cao cả cống hiến cho xã hội quá nhiều, và giờ, các mẹ, các cụ già cần được chăm sóc, yêu thương. Ngày còn đi học “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng bây giờ mỗi ngày đi làm là một ngày vui”. Được nhìn thấy những ánh mắt các cụ, các mẹ tươi cười, khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời là tôi vui lắm rồi.

Làm việc trong môi trường dưỡng lão, tôi học được rất nhiều. Các cụ ông dạy tôi chơi cờ tướng, guitar, dạy hát, dạy ngâm thơ, mỗi ông bà là một người thầy, dạy cho tôi những tinh túy cả một đời chắt cóp, những kỷ niệm đó, tôi không bao giờ quên được.

Tại Diên Hồng, Thanh Hùng giờ không chỉ là một điều dưỡng trưởng mẫu mực mà còn là một MC duyên dáng

Tôi muốn gửi tới đại gia đình Diên Hồng của tôi, những người mẹ, người cha, các ông, các cụ chưa một lần sinh ra tôi nhưng tôi lại có những tình cảm gắn bó như gia đình mình lời chúc “Các cụ, các mẹ luôn luôn khỏe mạnh để ngày nào con cũng được nhìn thấy và nói chuyện, cùng cười thật vui”.

Thanh Hùng

Xem thêm

Thành công của người về đích cuối cùng.

Chúng ta vẫn thường được nghe rằng: sự ngưỡng mộ được dành cho người chiến thắng- những người luôn dẫn đầu trong những cuộc thi. Tuy nhiên, cuộc thi Olympic Diên Hồng 2017- đại hội thể thao cho người già, lại kể về một câu chuyện đặc biệt của Ông Luyến, một người cao tuổi tại Diên Hồng, rằng là người về đích cuối cùng vẫn thành công khi làm cho nhiều người xem không khỏi xúc động.

Ngày chủ nhật đẹp trời, trong tiếng nhạc và cổ động hào hứng của các bạn tình nguyện viên, 4 người chơi-  Ông Luyến, bà Cẩm, Ông Lâm và Ông Lạc đứng tại vạch xuất phát cho phần thi đi bộ bằng gậy chữ U.

Các ông bà trong vị trí xuất phát cho trò chơi trong Olympic Diên Hồng

Ông Luyến, bà Cẩm, Ông Lâm và Ông Lạc nhanh chóng về vị trí xuất phát

Tất cả những người chơi đều rất sẵn sàng

Sau hiệu lệnh của người dẫn chương trình, 4 ông bà nhanh chóng bước vào cuộc đua. Có lẽ bởi sự cổ động nhiệt tình và không khí thể thao lan tỏa mà hôm ấy, ông bà nào cũng thêm 10 lần sức mạnh, hào hứng ngay từ những giây phút đầu xuất phát. Các bạn điều dưỡng và nhân viên hết sức bất ngờ, vì dường như có một nghị lực khác thường giúp cho bà Cẩm và ông Lạc di chuyển thật nhanh và tiến lên dẫn trước. Trong khi ông Luyến đang cố gắng những bước di chuyển đầu tiên.

Bà Cẩm và ông Lạc di chuyển rất nhanh trong tiếng cổ vũ

Và rất nhanh chóng, cuộc đua đã tìm ra người đầu tiên về đích. Sau tiếng chúc mừng người chiến thắng, toàn bộ cổ động viên hướng mắt về phía ông Luyến, người chơi vẫn đang rất gần điểm xuất phát.

Khác biệt khoảng cách rất lớn giữa ông Luyến và những người chơi khác

Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng, ông Luyến sẽ dừng lại cuộc thi ở đây bởi vì cuộc thi đã tìm ra người chiến thắng rồi. Thế nhưng một cách hoàn toàn bất ngờ, tất cả mọi người, từ các ông bà, các bạn điều dưỡng và các tình nguyện viên cùng đồng thanh hô to “Ông Luyến cố lên”. Nhiều bạn điều dưỡng tới bên cạnh ông, vừa đi vừa cổ vũ ông. Và ông Luyến “một mình” tiếp tục để hoàn thành đường đua của chính mình. Tuy là người về đích cuối cùng nhưng ông đã vượt qua và chiến thắng những giới hạn của bản thân.

Các bạn điều dưỡng viên tới bên cạnh động viên cổ vũ ông Luyến hoàn thành đường đua

Nụ cười hạnh phúc của ” người chiến thắng”.

Chứng kiến khoảnh khắc ông Luyến về tới đích, rất nhiều bạn trẻ đã không kìm được sự xúc động. Những nỗ lực của ông ngày hôm ấy đã truyền cảm hứng tới họ với thông điệp ” thành công là không bao giờ bỏ cuộc”  và “chiến thắng đáng giá nhất là chiến thắng chính mình”. Tuy rằng, ông Luyến ngày hôm ấy không phải là người đến đích sớm nhất nhưng lại là người để lại dấu ấn ấn khó quên nhất và ý nghĩa nhất. Và nụ cười chiến thắng này chắc chắn sẽ là động lực vượt qua khó khăn cho những người cùng tham gia.

Xem thêm