Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

6 bệnh thường gặp ở người cao tuổi trong mùa hè và cách phòng tránh

Thời tiết nóng bức, ngột ngạt của mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sinh sôi khiến những người có sức đề kháng suy giảm như người già rất dễ mắc bệnh

Người cao tuổi sức khỏe càng yếu dần và các chức năng của cơ thể bị suy giảm, trong đó có hệ thống miễn dịch, dễ chịu sự tác động của thời tiết. Sự suy giảm chức năng ở mỗi người cao tuổi thường không giống nhau. Phần lớn người cao tuổi dễ mắc bệnh khi tuổi càng cao, bệnh mạn tính cũng hay bị tái phát do suy giảm chức năng đề kháng của cơ thể và các bệnh cũng theo đó mà phát sinh. Đây là một số nhóm bệnh thường gặp ở người cao tuổi dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa hè:

1. Đột quỵ
Đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglyceride), đái tháo đường… Đột quỵ ở người cao tuổi thường xảy ra vào chiều tối hoặc  nửa đêm về sáng lúc mà thân nhiệt có nhiều thay đổi. Nhiệt độ càng cao thì mức độ đột quỵ càng nặng. Một số dấu hiệu đột quỵ vì nắng nóng bao gồm: mặt đỏ bừng, nhiệt độ cơ thể cao, nhức đầu, buồn nôn, mạch nhanh, chóng mặt và không tiết mồ hôi mặc dù thời tiết vô cùng nắng nóng.

Do đó, người cao tuổi nên hạn chế đi lại hay làm việc trong những ngày nắng nóng vào những giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, cần đội nón mũ rộng vành khi đi ngoài nắng, dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để nhiệt độ khoảng 26 – 28 độ C.

2. Bệnh tim mạch

Mùa hè nóng nực, người cao tuổi bị ra mồ hôi nhiều nên rất dễ bị mất nước và chất điện giải. Trong khi đó, người cao tuổi lại hay mất cảm giác khát nên không chủ động uống đủ nước cần thiết.

Mất nước và chất điện giải liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch như: tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt (đặc biệt là ở những người có tiền sử huyết áp thấp). Khi cơ thể bị mất nước và chất điện giải thì khả năng tự điều chỉnh rất khó khăn. Do đó, nếu cơ thể mất nước nhẹ thì sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi, bủn rủn tay chân, chóng quên và hay cáu gắt; nếu mất nước nặng hơn có thể truỵ tim mạch.

Vì thế, người cao tuổi cần thiết phải uống nhiều nước, ăn nhiều rau và canh để cơ thể luôn có đủ nước và các chất điện giải; tránh lạnh đột ngột.

3. Bệnh đường hô hấp

Mùa hè nhưng người cao tuổi có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý (đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc vào phòng điều hòa nhiệt độ thấp). Nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi.

Đối với người cao tuổi bị bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, khi đi ngoài nắng nóng về nên để thân nhiệt giảm dần, nghỉ ngơi từ 15 – 30 phút mới tắm hoặc vào phòng điều hòa.

4. Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một trong những chứng bệnh phổ biến trong mùa hè. Mùa nắng nóng, người cao tuổi cũng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải.

Một số người cao tuổi do chế độ ăn uống chưa hợp lý trong mùa hè nên thường bị không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón. Các loại bệnh dạng này thường làm cho người cao tuổi khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Chính vì thế, người cao tuổi nên sử dụng những thực phẩm tươi sống, ăn chín uống sôi và chế độ ăn uống lành mạnh khoa học để ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa.

5. Bệnh về da

Vào mùa nắng nóng, một số bệnh về da cũng thường gặp ở người cao tuổi như viêm da dị ứng gây ngứa. Ngứa có khi không chỉ ở một vùng của da và lan tỏa nhiều nơi, thậm chí có trường hợp viêm da dị ứng nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét.

Bệnh zona là bệnh do vi rút gây ra và thường chúng ký sinh sẵn trong cơ thể một số người đã từng bị bệnh thủy đậu. Người cao tuổi cũng có thể bị sốt đột ngột mà nguyên nhân có thể do vi sinh vật gây viêm nhiễm hoặc do sự phản ứng của cơ thể với tình trạng nắng, nóng. Mùa hè, nếu ngủ không nằm màn thì người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết hoặc sốt rét.

6. Bệnh xương khớp

Đau nhức xương khớp là bệnh người cao tuổi thường gặp phải nhất vào mùa đông, tuy nhiên thời tiết nóng nực vào ngày hè và thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng sẽ làm xuất hiện đau nhức xương khớp.

Đau nhức xương khớp vào mùa hè ở người cao tuổi thường xuất hiện ở các khớp gối, cột sống thắt lưng, khớp bàn tay, bàn chân. Bệnh đau xương khớp càng tái phát nhiều hơn, nhất là đau các khớp vai gáy, đau nhức khớp gối khi người cao tuổi bị mất ngủ, trằn trọc do không khí oi bức vào mùa hè ngay cả vào ban đêm. Vì thế, người cao tuổi cần phải giữ giấc ngủ được ngon giấc, hàng ngày nên xoa bóp nhẹ các bắp cơ, vùng xương khớp, nên tập luyện thể dục dưỡng sinh hoặc các môn thể thao nhẹ nhàng cho người cao tuổi.

Theo: Trung tâm truyền thông sức khỏe Trung Ương,

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật,

Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

 

Xem thêm

Giải đấu cờ tướng Diên Hồng 2022

Cờ tướng là một trong những môn thể thao tốn ít thể lực của người chơi nhất. Nhưng lại yêu cầu tư duy logic nhiều nhất. Người chơi phải tính toán các nước đi trong đầu cũng như dự đoán lối chơi của đối thủ. Bởi vậy đây là môn thể thao được khá nhiều người yêu thích, đặc biệt là người già.
Tại Diên Hồng cũng vậy, chơi cờ tướng đã trở thành một hoạt động không thể thiếu với các cụ ông. Và vừa qua trung tâm đã tổ chức thành công giải đấu cờ tướng. Tham gia giải đấu có nhiều cụ ông đến từ 4 cơ sở.
Các cờ thủ tham gia thi đấu sẽ được bốc thăm bắt cặp đấu loại trực tiếp với nhau.

Vòng loại

Có tất cả 8 cụ ông tham gia thi đấu cờ tướng và được chia thành 4 cặp thi đấu. Mỗi cặp sẽ được giám sát bởi các trọng tài là điều dưỡng viên.
  • Cặp đấu số 1: Ông Ruyện cơ sở 4 – ông Khang cơ sở 2
  • Cặp đấu số 2: Ông Khôi cơ sở 2 – Ông Bao cơ sở 4
  • Cặp đấu số 3: Ông Bảo cơ sở 2 – Ông Xương cơ sở 1
  • Cặp đấu số 4: Ông Quang cơ sở 4 – Ông Khang cơ sở 1
Cặp thi đấu số 3
Sau những phút thi đấu gây cấn Ban tổ chức đã chọn ra được 4 cờ thủ bước vào vòng trong. Đó là Ông Ruyện, Ông Khôi, Ông Bảo và Ông Quang.
Sau đó 4 ông sẽ bốc thăm để tiếp tục thi đấu chọn người thắng cuộc bước vào vòng chung kết.
Cặp 1: Ông Khôi – Ông Ruyện
Cặp 2: Ông Bảo – Ông Quang
Nếu như cặp số 2 chỉ sau một ván đấu đã phân rõ thắng bại, người đi tiếp là ông Quang. Thì cặp số 1 lại phải cần 3 ván đấu mới có thể chọn ra người thắng cuộc. Với kinh nghiệm của nhà cựu quán quân, ông Khôi đã đánh bại ông Ruyện để bước vào chung kết. Một lần nữa cặp đôi kỳ phùng địch thủ cờ tướng năm 2020 lại tái hợp. Đó chính là ông Quang và ông Khôi.
Màn thi đấu chung kết căng thẳng của 2 ông
Sau những giây phút thi đấu nghẹt thở, ngang tài ngang sức cuối cùng ông Khôi cũng đã bảo vệ thành công ngôi vị vô địch của mình, với 2 lần chiến thắng liên tiếp.
Xem thêm

Những lưu ý khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào mùa hè

Khi bước sang tuổi xế chiều hệ miễn dịch của người cao tuổi suy yếu, sức đề kháng không còn tốt như trước nên thường mắc bệnh. Nhất là khi thời tiết có nhiều biển đổi như mùa hè. Vậy có cách nào bảo vệ sức khỏe người cao tuổi vào thời điểm này hay không?

Thời tiết nắng nóng, ngột ngạt, khó chịu của mùa hè sẽ khiến người cao tuổi mệt mỏi, chán ăn, giảm sức đề kháng. Chính vậy, mùa hè là thời điểm người cao tuổi dễ mắc nhiều căn bệnh.

  • Bệnh tim mạch: Mùa hè người cao tuổi dễ bị tim mạch do thời tiết nóng nực, mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể mất chất điện giải và mất nước. Từ đó tim đập nhanh và dễ gây nên tình trạng tụt huyết áp.
  • Bệnh xương khớp: Không chỉ có mùa đông người cao tuổi mới bị đau nhức xương khớp. Thời tiết khó chịu mùa hè khiến người cao tuổi mất ngủ, trằn trọc, khiến các cơn đau xương khớp trầm trọng hơn, nhất là các khớp vai gáy, khớp gối.
  • Bệnh đường hô hấp: Mùa hè người cao tuổi vẫn có thể bị cảm lạnh nếu sinh hoạt không theo khoa học như tắm ngay khi đi nắng về, ngủ ở phòng nhiệt độ thấp. Nặng hơn thì  sẽ bị viêm phế quản, viêm phổi còn nhẹ sẽ dẫn đến các bệnh như viêm mũi, viêm họng.
  • Rối loạn tiêu hóa: Mùa hè nắng nóng, thức ăn dễ bị hư một cách nhanh chóng nên  vi khuẩn cũng dễ sinh sôi và phát triển hơn, tạo điều kiện cho các bệnh rối loạn tiêu hóa xảy ra thường xuyên hơn. Người cao tuổi ăn uống chưa hợp lý thường bị đầy bụng ăn không tiêu,chướng bụng, táo bón khiến ăn không ngon, mất ngủ kéo dài.
  • Đột quỵ: Đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglyceride), đái tháo đường…Một số dấu hiệu đột quỵ vì nắng nóng bao gồm: mặt đỏ bừng, nhiệt độ cơ thể cao, nhức đầu, buồn nôn, mạch nhanh, chóng mặt và không tiết mồ hôi mặc dù thời tiết vô cùng nắng nóng.

Một số biện pháp chăm sóc người cao tuổi khi mùa hè

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý

Người cao tuổi nên ăn đều đặn từ 4 – 5 bữa/ngày và nên ăn ít một lần để hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn, giảm áp lực cho dạ dày, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Ăn nhiều thực phẩm nâng cao sức đề kháng, giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, đậu phụ,…. Đồng thời, người cao tuổi cần bổ sung trái cây tươi, rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất. Luôn ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không dùng thức ăn lạnh sẽ tổn hại cho hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó người cao tuổi có thể uống 1 – 2 ly sữa dành cho người già và nhớ là không uống sữa đặc để tránh gây táo bón.

Người cao tuổi không bị bệnh thận, tim mạch hay đường ruột có thể uống một lượng vừa phải cà phê vào buổi sáng nhưng không nên uống vào buổi chiều vì sẽ bị mất ngủ. Bên cạnh đó người cao tuổi  nên hạn chếăn thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán nội tạng động vật hay thức ăn tươi sống

  • Tập luyện điều độ và hợp lý

Người cao tuổi nên tập luyện điều độ mỗi ngày ít nhất 20 phút/ngày các bài tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, thể dục tay không, dưỡng sinh kết hợp hít thở sâu. Người cao tuổi không nên thực hiện những bài tập quá sức để tránh gây tổn hại cho sức khỏe nhé.

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ

Người cao tuổi cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm rửa bằng nước ấm để giảm thiểu tối đa tỷ lệ mắc các bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, không gian sinh hoạt của người cao tuổi cần được giữ sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế gió lùa, tránh xa các loại vật nuôi – trung gian gây các bệnh truyền nhiễm.

  • Nghỉ ngơi hợp lý

Người cao tuổi cần thư giãn, đi ngủ đủ giấc, đúng giờ, đủ giấc. Đồng thời, giữ cuộc sống vui vẻ, thoải mái.

Với những thông tin mà bài viết cung cấp đã giúp cho bạn có thêm những thông tin bổ ích về cách chăm sóc người cao tuổi vào mùa hè. Hãy chăm sóc người cao tuổi thật tốt để các cụ có sức khỏe tốt và sống vui vẻ, sum vầy bên con cháu.

Theo: CPCS (Bộ Y tế, Tổng cục dân số- kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm tư vấn và cung ứng dịch vụ)

Xem thêm

Những cụ bà tuổi 80 ở căn hộ cao cấp, đi xe hơi “đến lớp” mỗi ngày

Không có thời gian và điều kiện chăm sóc cha mẹ, nhiều gia đình ở Hà Nội đã lựa chọn dịch vụ bán trú ở viện dưỡng lão. Theo đó, các cụ già được gửi “đến lớp” vào mỗi sáng và được con, cháu đón về sau mỗi chiều. 

7 giờ sáng, chiếc xe hơi đỗ xịch trước cổng một viện dưỡng lão ở Hà Đông, Hà Nội. Bà Trần Thị Thương (81 tuổi, ở căn penthouse một khu chung cư Hà Đông, Hà Nội) xuống xe mang theo chiếc túi bên trong có chứa 1 bộ quần áo, 1 chiếc điện thoại. Bà được các điều dưỡng viên đón vào trung tâm. Một ngày ‘đi học’ của bà bắt đầu.

Tại viện dưỡng lão cách nhà chỉ khoảng 2 km này, bà Thương sinh hoạt chung phòng với 8 người phụ nữ khác. Mỗi phòng đều có 1 tivi, mỗi người được phân một chiếc giường, một chiếc tủ cá nhân đựng đồ. Bữa trưa của những người già diễn ra vào lúc 10 giờ 20. Sau giấc ngủ trưa, họ có các hoạt động chung cùng bạn bè và dùng bữa chiều vào lúc 4 giờ. Sau đó bà Thương lại sắp xếp vật dụng cá nhân xuống tầng 1 sẵn sàng để các con, cháu đến đón về nhà. Mỗi ngày bà “đến trường” từ thứ 2 đến thứ 7, chủ nhật bà ở nhà sinh hoạt, vui chơi cùng các con, cháu trong gia đình. Vì vậy “đi học bán trú” là cách các con cháu cũng như các nhân viên viện dưỡng lão thường gọi đùa với bà.

Trước khi vào trung tâm, bà Thương có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Các con cái có điều kiện kinh tế ổn định đã thuê giúp việc để chăm sóc bà. Tuy nhiên họ nhận thấy nhiều bất ổn khi để mẹ ở nhà cùng người giúp việc. Bà Thương thường xuyên nằm nhiều, không vận động. Ngoài ra người giúp việc không thể kiểm soát được việc ăn uống của bà. Bởi vậy, gia đình đã thuyết phục bà vào sinh hoạt tại viện dưỡng lão theo hình thức bán trú.

Họ mong muốn bà gặp gỡ, giao lưu nhiều bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội nhưng đồng thời vẫn gắn kết với con cháu bằng khoảng thời gian về nhà vào mỗi tối và cuối tuần. Bởi vậy các con cháu bà đã lên phân chia nhau lịch đưa đón mẹ vào viện mỗi sáng và mỗi chiều. Chi phí cho việc ‘đi học’ của người phụ nữ ngoài tuổi 80 này khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Sáng thứ 2 một ngày đầu tháng 6/2018, bà Phượng (75 tuổi, Hà Nội) cũng được con cháu chuẩn bị đồ đạc để vào viện dưỡng lão “tá túc”. Khác với bà Thương sáng đi chiều về, bà Phượng lại ở cả ngày tại viện dưỡng lão. Tuy nhiên thời gian ở tại viện của bà chỉ ngắn gọn trong vòng 3 ngày, 1 tuần hoặc 10 ngày. Thời điểm này, gia đình bà tổ chức đám cưới cho người cháu ruột. Các con quá bận rộn với việc chuẩn bị, sợ không chăm sóc mẹ được chu đáo như ngày thường, họ gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Sau đó đến ngày cưới họ đón mẹ về chung vui cùng gia đình.

Tại Hà Nội, không hiếm trường hợp như bà Phượng. Nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ chăm sóc người già ngắn ngày khi họ bận đi công tác, đi du lịch… không sắp xếp được người trông nom, chăm sóc cha mẹ. Chi phí cho dịch vụ này giao động từ 200-300 nghìn đồng/ngày. Tại đây các cụ già được chăm sóc ăn uống, được hưởng các dịch vụ y tế, được tham gia các hoạt động sinh hoạt, giao lưu cùng các thành viên… Ngoài ra ở các viện dưỡng lão cũng có phòng VIP (2 bệnh nhân/phòng) dành cho các cụ già muốn có không gia sinh hoạt riêng tư. Giá cho các phòng khoảng 9 đến 10 triệu đồng/tháng.

Chị Hoàng Thị Thu Ngân (SN 1988, phó giám đốc một viện dưỡng lão ở Hà Nội), cho biết, quan niệm người Việt đang dần cởi mở hơn về viện dưỡng lão. Viện dưỡng lão không đơn thuần là nơi ở của những người ở tuổi già neo đơn không có con, cháu. Viện còn tiếp nhận nhiều đối tượng không còn khả năng tự chăm sóc bản thân (ăn uống, tắm giặt, vệ sinh…) và những người già tiềm ẩn các nguy cơ lớn về sức khỏe như cao huyết áp, mỡ máu, tai biến…

Nhiều gia đình có điều kiện thuê giúp việc về để chăm sóc cha mẹ nhưng hiện nay các giúp việc ở Việt Nam đa phần đều chưa được đào tạo kiến thức về y tế, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, tiếng nói của người giúp việc không có sức thuyết phục các cụ. Ở với người giúp việc các cụ ăn uống, sinh hoạt không điều độ khiến bệnh tình không khả quan. Việc thuê người giúp việc chỉ giải quyết được vấn đề chăm sóc ăn uống, khó thể đáp ứng được nhu cầu hoạt động về tinh thần.

Ngược lại về phía người giúp việc, nhiều người cũng không thể chịu được áp lực công việc chăm sóc người già. Không chỉ vất vả trong công tác cho ăn uống, thay bỉm, vệ sinh… nhiều người già khó tính, trái tính khiến người giúp việc không chịu đựng được. Nhiều gia đình liên tục phải tìm giúp việc vì chỉ ở được vài hôm giúp việc đã đòi nghỉ. Bởi vậy các gia đình đã đưa người già đến các viện dưỡng lão. Tại đây ngoài việc được chăm sóc sức khỏe họ còn kết bạn và tham gia các hoạt động tập thể.

Chị Thu Ngân kể, gần đây nhất trung tâm chị tiếp một nam giới 34 tuổi, ở Hà Nội. Anh đến tìm hiểu về viện dưỡng lão để đưa mẹ vào. Anh kể, anh đang công tác tại trung tâm thành phố và mẹ anh đang ở quê một mình. Bà có tiền sử bệnh cao huyết áp, khi sống một mình bà không tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng và uống thuốc đều đặn vì vậy một tuần anh phải về thăm mẹ 2 lần. Tuy nhiên việc về nhà thường xuyên cũng chưa khiến anh yên tâm. Ngoài ra, đi lại nhiều khiến anh bị ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe. Cuối cùng theo lời khuyên của một người bạn anh quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão nơi gần cơ quan anh làm việc.

Chị Ngân nói: “Sau khi tìm hiểu người này nhận thấy viện dưỡng lão là lựa chọn phù hợp cho gia đình. Tuy nhiên anh đang lo ngại mẹ anh có nhiều suy nghĩ, chưa đồng ý. Bởi không ít người cao tuổi ở Việt Nam quan niệm rằng việc phải vào viện dưỡng lão là bị con cái chối bỏ, phải sống trong sự cô đơn đến cuối đời. Tuy nhiên hiện nay các viện dưỡng lão đều có nhiều dịch vụ như ở dài hạn, ở bán trú hay ở trong thời gian ngắn hạn để khách hàng có thể lựa chọn tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình”.

*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu

*Nguồn ảnh: Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Theo: Dân trí, Vietnam.net

Xem thêm

Người già ở Viện Dưỡng lão đối mặt với những vấn đề gì?

Cuộc sống của người cao tuổi tại viện dưỡng lão có nhiều thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe, nhưng trong quá trình sinh hoạt họ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Thực tế, không phải người cao tuổi nào cũng dễ dàng đồng ý việc rời xa gia đình, rời xa ngôi nhà quen thuộc đã gắn bó bao nhiêu năm để đến sống ở một nơi xa lạ nốt phần đời còn lại.

Có nhiều người già chia sẻ, họ hy vọng cuộc sống ngắn ngủi còn lại ở tuổi xế chiều được ở bên người thân ruột thịt. Nhưng vì thương con, thương cháu, vì hoàn cảnh éo le hay vì tình trạng sức khỏe già yếu, không còn tự chăm sóc được mình… nên họ quyết định chọn vào viện dưỡng lão ở, để không trở thành “gánh nặng” của người thân. Mặc dù cuộc sống của người cao tuổi trong viện dưỡng lão khá đầy đủ, có nhiều thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình sinh hoạt trong ngôi nhà chung, họ cũng gặp phải những chuyện éo le.

Bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi, ở Hải Dương) từng sống nhiều năm trong viện dưỡng lão chia sẻ, người già giống như trẻ con và là những “đứa trẻ cứng đầu” nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn.

Những mâu thuẫn tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng có thể làm các cụ không vui, giận hờn, bỏ ăn, bỏ uống và sinh bệnh. “Cùng sống dưới một mái nhà chung nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng vui vẻ với nhau. Chúng tôi cũng gặp tình trạng người này không hợp với người kia thì sẽ không nói chuyện, không chơi cùng. Bản thân tôi cũng ít tham gia chơi cùng tập thể. Bởi vì tôi bị nặng tai, ra ngồi chơi với một nhóm đông tôi không nghe rõ mọi người nói gì. Như vậy tôi thành lạc lõng giữa đám đông. Vậy nên, tôi chọn cách ở trong phòng vui với những thú vui riêng của mình như đọc sách, đọc thơ, nhắn tin nói chuyện với các con, các cháu.

Tôi nhớ trước đây tôi có ở cùng phòng với một cụ bà khá khó tính. Ở với ai cụ cũng gây chuyện với bạn cùng phòng nên trung tâm liên tục chuyển cụ đến các phòng khác nhau. Lần này, trung tâm xếp cụ sang ở cùng tôi, bởi tôi cũng được tiếng là vui vẻ và dễ tính. Nhưng, dù tôi dễ tính đến đâu thì cũng không thể “chiều chuộng” được cụ ấy. Tôi đã phản ánh lên lãnh đạo trung tâm và cụ đó lại được “chuyển nhà” đến một nơi khác, còn tôi thì ở với một bạn cùng phòng mới” – cụ Biển tâm sự.

Nói về những vấn đề tâm lý mà người cao tuổi có thể gặp phải khi sống trong viện dưỡng lão, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho hay, người già bao giờ cũng muốn sống quây quần bên con cháu. Khi mới vào viện dưỡng lão các cụ thường có tâm lý lo lắng, cảm thấy nhớ nhà và chỉ muốn về. Có người cho rằng con cái họ bất hiếu, bỏ rơi bố mẹ dẫn đến tinh thần suy sụp, thậm chí bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Còn có người thì nói dối về hoàn cảnh gia đình, không có con cháu nên mới phải nương nhờ viện dưỡng lão. “Cũng phải thừa nhận, có những người con xem bố mẹ là gánh nặng vô dụng và thoái thác trách nhiệm chăm sóc cho trung tâm dưỡng lão”.

Hiện nay, vấn đề viện dưỡng lão đang ngày càng được xã hội nhìn nhận một cách đầy đủ và cởi mở hơn. Đa phần người già sau khi vào viện dưỡng lão thì các chỉ số về sức khỏe thực thể và tâm lý được cải thiện một cách đáng kể. Vì họ được sống trong môi trường lành tính, thiết kế phù hợp với người cao tuổi, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cơ bản, thể chất và cả tinh thần” – chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân chia sẻ.

Đồng quan điểm đó, bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng cho rằng, bên cạnh nhiều lợi ích về sức khỏe, tinh thần, người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là việc họ phải xa con cháu, không được gặp hằng ngày. Ban đầu, nhiều cụ vào các trung tâm dưỡng lão đều nhớ nhà và chỉ muốn về. Do vậy, khi các cụ mới vào viện, các điều dưỡng thường xuyên phải hỏi han, trò chuyện trong tâm thế là người thân, người nhà. Như vậy, họ sẽ cảm thấy không còn cô đơn nữa.

Bên cạnh đó, với các cụ sống ở phòng tập thể thì họ phải làm quen và thích nghi với môi trường tập thể với nhiều vấn đề mới phát sinh như yêu, ghét, giận hờn… Và vì sống trong phòng tập thể nên họ cũng không thể làm mọi việc theo ý mình mà cần phải tôn trọng những người xung quanh. Đặc biệt, đối với những cụ hay uống rượu, bia, hút thuốc lá thì khi vào ở trong viện dưỡng lão sẽ rất khó chịu. Các cụ sẽ cảm thấy không được tự do, thoải mái như ở nhà, bởi ở đây không được uống rượu/bia, không được thuốc lá, thuốc lào…

Để hạn chế được tình trạng, cách đơn giản và hiệu quả là những lời hỏi han, quan tâm từ phía người thân và những người xung quanh. Khi các cụ vào ở viện dưỡng lão, các con cháu cũng cần gọi điện hỏi thăm hoặc đến thăm các cụ khi rảnh rỗi. Còn tại các trung tâm dưỡng lão, nhân viên cần phải có tình thương đối với người già, được đào tạo để chăm sóc người cao tuổi thì mọi thứ sẽ tốt cho các cụ hơn.

Theo: An An/Giadinhmoi.vn

 

Xem thêm

Dưỡng lão Diên Hồng: Thay đổi cách nghĩ và cách sống của tuổi già, được làm những việc chưa từng làm

Diên Hồng được khuyến khích tự do làm điều mình thích, được trải nghiệm những điều mới mẻ mà trước đây các cụ chưa từng làm, để có một tuổi già sinh động và vui vẻ hơn.

Ở Viện dưỡng lão vui hơn ở nhà

Nói đến cuộc sống thường ngày của người già, nhiều người nghĩ đến hình ảnh những ông bà già mặt mày ủ rũ quanh quẩn trong nhà, chỉ nằm trong phòng, ngồi nhà xem tivi, nghĩ ngợi buồn rầu trách con cái không quan tâm. Tuy nhiên, người già sống tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng lại hoàn toàn khác. Họ được sống trong môi trường an toàn với những người bạn cùng lứa tuổi và tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí thú vị, giúp tinh thần vui tươi, phấn chấn hơn.

Bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết, yếu tố về tinh thần là giá trị cốt lõi mà Diên Hồng hướng đến. Diên Hồng luôn có sự tiếp cận sáng tạo trong các hoạt động vui chơi giải trí liên quan đến các giá trị tinh thần cho người cao tuổi.

Bình thường, khi các cụ ở nhà sẽ hay cảm thấy buồn chán, nhiều cụ rảnh quá hay nghĩ ngợi. Và chính vì nghĩ ngợi nên nhiều khi các cụ cảm thấy con cái làm mọi việc không đúng ý mình. Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa các thế hệ trong gia đình cũng khiến các cụ cảm thấy không thoải mái, nhiều người cảm thấy cô đơn trong chính gia đình mình dù có con cháu bên cạnh.

“Khi đến Diên Hồng ở, chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi định kỳ, các sự kiện dành cho người cao tuổi. Có bạn bè chơi cùng, có nhiều hoạt động phù hợp với độ tuổi khiến các cụ không buồn chán. Không có thời gian rảnh nên ít nghĩ ngợi hơn, các cụ vui vẻ hơn và mối quan hệ với người thân được cải thiện” – bà Ngân nói.

Người cao tuổi tại Diên Hồng được khuyến khích tự do làm điều mình thích, được trải nghiệm những điều mới mẻ mà trước đây các cụ chưa từng làm, để có một tuổi già sinh động và vui vẻ hơn. Điển hình như cuộc thi Olympic Người cao tuổi được tổ chức hàng năm tại Diên Hồng khiến nhiều cụ cảm thấy vui vẻ, phấn khởi và tự hào về bản thân mình.

Đặc biệt, có một cụ ông 98 tuổi đã từng giành huy chương vàng của cuộc thi trong sự ngỡ ngàng, vui sướng của cả bản thân cụ và người nhà của cụ. Ngày đầu đến Diên Hồng, cụ ông 98 tuổi này được người nhà chở đến bằng xe cấp cứu vì không thể ngồi được, chỉ có thể nằm. Khi vào Diên Hồng, cụ được các điều dưỡng, nhân viên của Diên Hồng chăm sóc sức khỏe chu đáo nên bệnh tình tiến triển rất tốt. Chỉ một thời gian, cụ ông ở tuổi gần đất xa trời này đã ngồi dậy được, di chuyển được bằng xe lăn và tham gia cuộc thi Olympic Người cao tuổi ở bộ môn bắn súng. Kết quả, cụ đã giành huy chương vàng trong cuộc thi. Huy chương làm cụ rất sung sướng và bất ngờ. Bởi cụ không nghĩ mình có thể làm được và có thể thắng các bạn già khác. Cụ ông đã phấn khởi khoe với con cháu mình tấm huy chương vàng mà mình đã đạt được khiến các con của cụ rất mừng vì sức khỏe của bố mình thay đổi ngoan mục.

Được làm những điều chưa bao giờ làm

Những cuộc thi Hoa hậu Cao niên, Quý ông Hoàn hảo… cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình của các cụ tại Diên Hồng.

Trước đây, các cụ chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tham gia cuộc thi về nhan sắc, nhưng khi đến đây, các cụ đã được tham gia thi cùng với nhau và giành giải Hoa hậu Truyền cảm hứng, Hoa hậu Tài năng, Hoa hậu Ảnh… Diên Hồng đã sáng tạo ra rất nhiều giải phụ để động viên tinh thần các cụ, để các cụ thấy mình cũng rất giỏi.

“Tôi nhớ, có một cụ bà từng được giải Hoa hậu Cao niên. Sau đó, cụ đã treo dải băng hoa hậu, vương miện ở một vị trí quan trọng trong phòng của mình, với niềm vui và niềm tự hào, sự trân trọng đối với giải thưởng mà mình nhận được” – bà Thu Ngân chia sẻ thêm.

Tại Diên Hồng, các cụ còn được chụp những bộ ảnh “xịn xò” theo những chủ đề riêng phù hợp với sở thích, khiến các cụ được trải nghiệm những điều chưa bao giờ được làm. Chính điều đó đã làm các cụ thích thú, cười vui vẻ và chịu khó tạo dáng mỗi khi đi chụp ảnh.

Các cụ còn được giao lưu, tiếp xúc với nhiều đối tượng, từ trẻ em, thanh niên tình nguyện, hội hụ nữ, đoàn văn công…, tham gia các hoạt động dịp lễ tết như gói bánh chưng, hội chợ Tết, Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3… Các hoạt động này đã được Diên Hồng lên kế hoạch từ trước, với đa dạng hoạt động để phù hợp với nhiều nhó đối tượng, vừa liên quan đến sở thích, vừa liên quan đến tình trạng sức khỏe của các cụ. Từ đó, các cụ có thể tự do lựa chọn hoạt động phù hợp với sở thích và tình trạng sức khỏe của mình.

Trong khi đó, nếu như ở nhà, các cụ lại rất ít có cơ hội được giao lưu, tham gia các hoạt động vui chơi. Cụ bà Nguyễn Thị Biển sau khi tham gia hoạt động gói bánh chưng dịp Tết 2022 tại Diên Hồng từng chia sẻ rằng: “Lâu lắm rồi bà mới được tự tay gói bánh chưng, được đi chợ Tết và cảm giác được không khí Tết rộn ràng, háo hức như vậy”.

Và qua những lời nhận xét như vậy từ các cụ, nhân viên của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng nhận thức được rằng mình đang đi đúng hướng. Bởi khi tinh thần tốt thì các cụ sẽ vui vẻ, yêu đời hơn, khỏe mạnh hơn, mà tuổi già thì chỉ cần như vậy là đủ.

Đến Diên Hồng là ‘trở về nhà”

Rất nhiều các ông, các bà sau khi “chuyển nhà” đến Diên Hồng sinh sống đã nhận xét rằng, đến Diên Hồng không có cảm giác như đến một chỗ xa lạ mà nó rất thân thuộc, giống như “trở về nhà” của mình.

Đó là sự khác biệt của Diên Hồng so với nhiều cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác. Cán bộ nhân viên của Diên Hồng luôn vui vẻ, thể hiện sức trẻ, sự thân thiết như người nhà trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho các cụ.

Hơn nữa, Diên Hồng “chiều chuộng” các cụ vô cùng. Tại các viện dưỡng lão thường được trang trí, bày biện rất đẹp, thuận tiện và phù hợp cho người già ở. Nhưng có những cụ không thích cách trang trí phòng như vậy, có người còn muốn chuyển đồ đạc mình quen dùng đến viện dưỡng lão, muốn được trang trí phòng theo ý của mình. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến bối cảnh chung mà cơ sở chăm sóc người già đã xây dựng sẵn.

Nhưng ở Diên Hồng lại không bị giới hạn như vậy. Có những cụ đã chuyển toàn bộ đồ đạc thường dùng của mình đến đây, sắp đặt căn phòng giống với phòng ở nhà. Điều này sẽ làm các cụ cảm thấy thân thuộc với căn phòng mình ở, quen với đồ dùng mình đang dùng và sẽ làm họ không thấy xa lạ khi đến chỗ ở mới.

Bà Hoàng Thị Thu Ngân cho rằng, để các cụ tự sắp xếp phòng ở theo ý mình, chuyển đồ từ nhà đến, nếu nhìn ở một góc độ nào đó sẽ thấy không chuyên nghiệp, thậm chí có phần lộn xộn, không được đẹp mắt vì đồ các cụ chuyển đến là đồ cũ. Tuy nhiên, giá trị mà chúng tôi hướng đến là các cụ thấy thoải mái. Vậy nên chúng tôi chiều lòng các cụ ở mức tối đa nhất có thể”.

Tất cả các yêu cầu của các cụ từ phòng ốc, ăn uống, hay nhu cầu cá nhân… đều được nhân viên của Diên Hồng đáp ứng ở mức tốt nhất có thể. Ví như có cụ hôm nay muốn ăn nho thì nhân viên sẽ đi mua nho cho cụ, cố gắng chiều các cụ để các cụ vui vẻ. Hay như có cụ muốn ăn bánh giò, hoặc hôm nay cụ không thích ăn cơm mà thích ăn phở thì sẽ đi mua bánh giò, mua phở cho các cụ. Hoặc có những cụ ăn chay trường, ăn thực dưỡng thì Diên Hồng cũng cố gắng phục vụ theo nhu cầu của các cụ. Còn với chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp với bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp thì nhân viên của Diên Hồng cũng sẽ đáp ứng, tất cả đều vì sức khỏe của các cụ.

Chính vì sự “chiều chuộng” của Diên Hồng đối với các cụ mà không ít gia đình trêu đùa rằng, Diên Hồng chiều các cụ quá nên các cụ về nhà sinh “hư”. Các cụ về nhà chơi vài hôm mà “hành” con cháu, khi con cháu không thể “chiều” theo thì các cụ không thích ở nhà mà muốn về lại trung tâm. Những khác biệt đó cùng với cơ sở vật chất tiện nghi, sạch sẽ, phân khu riêng biệt giúp người cao tuổi thuận tiện trong sinh hoạt, đã khiến Diên Hồng trở thành viện dưỡng lão đáng sống của người cao tuổi.

Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng có 4 cơ sở ở các địa điểm khác nhau để cho các gia đình có nhiều lựa chọn gửi gắm bố mẹ vào viện dưỡng lão.

  • CS1: U07 – L16, KĐT Đô Nghĩa, Đường Nguyễn Văn Trác, Hà Đông, HN
  • CS2: A2.3 – LK05 – Ô số 18, KĐT Thanh Hà Cienco5, Kiến Hưng, Hà Đông, HN
  • CS3: Số 9 ngõ 649 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội
  • CS4: Đường Quang Lai, Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

Theo: An An/Gia đình mới.

Xem thêm

Gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão: Phụ thuộc vào cách ứng xử của con cái hay nhu cầu của bố mẹ?

Hiện nay, việc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Có người cho rằng đó là hành động bất hiếu, nhưng cũng có người cho đó là việc tất yếu để bố mẹ được chăm sóc chu đáo hơn.

Viện dưỡng lão không phù hợp với tất cả người già

Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới về việc có nên gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão, bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết: “Thực ra, viện dưỡng lão không phải phù hợp với tất cả mọi người. Những cụ ông, cụ bà hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn vẫn tự sinh hoạt cá nhân, vẫn tự đi được bất kì nơi nào, gặp gỡ người nào mà mình muốn thì không cần sống trong viện dưỡng lão”.

Còn việc có nên hay không nên gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão hay không thì bà Ngân cho rằng, việc bố mẹ vào viện dưỡng lão không nằm ở quyết định của con cái vì nó phụ thuộc vào nhu cầu của bố mẹ. Các con chỉ có thể động viên, thuyết phục bố mẹ vào sống trong viện dưỡng lão như một lựa chọn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bố mẹ và hoàn cảnh gia đình chứ không thể ép bố mẹ vào đây khi ông bà không đồng ý.

“Thực tế tại trung tâm chúng tôi cũng gặp vài trường hợp các ông bà đồng ý vào ở thử nhưng sau một thời gian thấy khó hòa nhập và “đòi về” thì trung tâm cũng trao đổi với gia đình đưa về tự chăm sóc” – bà Thu Ngân chia sẻ. Không ít người cũng cho rằng, việc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão tức là để người già phải xa gia đình, xa con cháu và đó là hành động bất hiếu. Bà Thu Ngân cho rằng, trước hết chúng ta phải đồng ý với nhau hiếu nghĩa là lòng kính yêu và biết ơn đối với cha mẹ.

Việc để bố mẹ sống cùng hay đưa vào viện dưỡng lão không thể hiện được thái độ của con cái dành cho cha mẹ. Nếu như gửi bố mẹ vào dưỡng lão mà vẫn thường xuyên quan tâm bằng cách đến thăm hoặc gọi điện thoại thì vẫn là có hiếu. “Ở Diên Hồng có nhiều trường hợp các con, cháu thường xuyên đến thăm ông bà, bố mẹ và mỗi lần đến đều xoa bóp, phục vụ bố mẹ, ông bà một cách nhiệt thành. Người già đều có thể cảm nhận được tình cảm yêu thương, biết ơn thông qua hành động và câu nói của con, cháu. Ngược lại, nếu giữ bố mẹ ở nhà rồi thuê người chăm, đi sớm về khuya thì liệu người già có cảm nhận được tình cảm hiếu kính của các con không?” – bà Ngân cho biết.

Có ‘hiếu’ không phải là cố gắng giữ bố mẹ ở bên cạnh mình

Chia sẻ quan điểm về việc nên gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho biết, ở các nước phát triển thì viện dưỡng lão thực sự là những nơi chốn cần thiết và phù hợp với người già.

Nhưng ở Việt Nam, do khác biệt văn hóa và quan niệm về chữ “hiếu” nên việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người giữ định kiến gửi ông bà, bố mẹ vào viện dưỡng lão là bỏ mặc không lo, tìm cách rũ bỏ trách nhiệm của mình cho người khác, bị xem là bất hiếu.

Theo vị chuyên gia tâm lý này, nếu con cái có thời gian và điều kiện tự chăm sóc tốt bố mẹ thì hãy để bố mẹ ở nhà chăm sóc. Có thể thuê thêm người giúp việc hỗ trợ nếu cần thiết. Bởi văn hoá của người Á Đông đa phần bố mẹ thích được gần con cái, tuổi già yếu đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời, ánh mắt họ nhìn vào con cái là cả một bầu trời.

Tuy nhiên, gia đình Việt Nam hiện nay đang có những biến đổi về cấu trúc, quy mô, quan hệ giữa các thành viên ít nhiều đã làm thay đổi nhận thức và quan niệm truyền thống về gia đình cũng như chữ hiếu. Theo đó, “có hiếu” không phải là cố gắng giữ bố mẹ ở bên cạnh mình, mà là chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bố mẹ như thế nào. Vào viện dưỡng lão, sống độc lập, hay sống cùng con cái, hãy để cho bố mẹ quyết định, ít nhất là khi họ còn tỉnh táo. Cảm giác có được những lựa chọn ở giai đoạn cuối đời, có thể đưa ra quyết định và biết rằng những mong muốn đó được tôn trọng có ý nghĩa vô cùng quan trọng” – chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân bày tỏ quan điểm.

Còn với trường hợp mà con cháu quá bận rộn công việc, học hành không có điều kiện về thời gian cũng như kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, nhất là những người già có vấn đề về sức khỏe như bệnh mãn tính, suy giảm trí nhớ và những phức tạp khác của tâm lý do tuổi tác thì chuyên gia tâm lý  khuyên các gia đình nên cân nhắc tới việc đưa các cụ vào viện dưỡng lão. Bởi với những trường hợp như vậy, khi gửi ông bà, bố mẹ vào viện dưỡng lão sẽ tốt hơn so với việc để ông bà, bố mẹ già ở nhà một mình, khoá cửa suốt ngày và buồn bã. Hơn nữa, khi để người già ở nhà một mình còn ẩn chứa các mối nguy hiểm về sức khỏe như té ngã, bất ngờ đột quỵ… nếu con cái không ở bên kịp thời xử lý sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của các cụ.

Trong khi đó, ở viện dưỡng lão có các điều dưỡng viên được đào tạo bài bản sẽ chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân cho các cụ, ngoài ra còn được thăm khám và theo dõi sức khoẻ định kỳ. Viện dưỡng lão còn là điểm hẹn của người già. Các cụ cũng vui hơn vì có người bầu bạn, được trò chuyện chia sẻ tâm sự, có thể giải tỏa những vướng mắc tâm lý của mình.

Theo An An/ Giadinhmoi.vn

 

Xem thêm

Ngỡ ngàng lễ khai giảng năm học mới cho người cao tuổi

Hà Nội, ngày 26/3/2022 – Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức buổi lễ khai giảng năm học mới. Với học viên là người cao tuổi mong muốn có một tuổi già sinh động và hạnh phúc. Đây cũng chính là hình thức khai trương cơ sở 4 tại Thanh Trì, Hà Nội.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng, buổi khai giảng diễn ra ấm cúng nội bộ. Đặc biệt tất cả những người tham dự đều mặc trang phục học sinh. Ngôi trường này sẽ không có thầy cô giáo. Tất cả mọi người sẽ cùng nhau khám phá bản thân, cùng nhau học các kiến thức và kỹ năng mới. Những điều mà chưa từng trải nghiệm trước đây. Nhà trường có thể mời thêm các huấn luyện viên tới để chia sẻ hoặc hướng dẫn cho các học viên cao niên.

Trong lễ khai giảng, các học viên cao tuổi cùng nhau ca hát, ngâm thơ. Nhiều cụ còn tạo dáng chụp ảnh xì teen bên mô hình xe bus đưa đón học sinh không khác gì các bạn học trò trẻ tuổi. Ai nấy đều tươi cười rạng rỡ.

Cụ Nguyễn Thị Biển, một học sinh ưu tú của trường đạt danh hiệu Hoa hậu cao niên Diên Hồng 2020 vừa khoe chiếc túi tote được nhà trường tặng để đựng dụng cụ học tập vừa hồ hởi nói: “Tôi vào Diên Hồng ban đầu với suy nghĩ có một không gian riêng tư để an dưỡng nhưng không ngờ lại được trải nghiệm quá nhiều điều tuyệt vời, tham gia cuộc thi sắc đẹp và giành ngôi vị cao nhất, được học múa bụng, được chụp thật nhiều ảnh đẹp để khoe với con cháu, bạn bè. Diên Hồng thực sự đã trở thành một trường học hạnh phúc dành cho những người ở tuổi xế chiều như tôi”.

Chị Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, giám đốc chương trình trải nghiệm của nhà trường chia sẻ: “Hạnh phúc, hai từ ngỡ như giản đơn nhưng đôi khi phải tìm kiếm cả cuộc đời vẫn chưa tìm ra con đường đúng. Trong quá trình chăm sóc, chúng tôi nhận ra rằng có nhiều cụ cảm thấy mất kết nối với con cái. Có người dù đã nỗ lực hết mình nhưng luôn cảm thấy thiệt thòi. Có người thì thấy bất công trong cuộc sống. Thậm chí là không được ghi nhận những đóng góp của mình.

Rất nhiều người cao tuổi không dám làm điều mình muốn. Bởi họ sợ cái nhìn của người khác, sợ bị đánh giá, phán xét… Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ đồng hành cùng với ông bà để thấu hiểu bản thân. Sẵn sàng làm điều mình thích, học những kỹ năng, kiến thức mới. Hơn nữa là học được cách sống bình an, hạnh phúc. Từ đó có tuổi già trọn vẹn ý nghĩa.

“Già không có nghĩa là chuẩn bị kết thúc cuộc đời. Mà là bắt đầu trở thành tỉ phú thời gian để sống cho bản thân. Vì thế Diên Hồng trở thành một trường học nội trú. Nơi người gi dùng tìm cho mình các trò chơi ưa thích và những trải nghiệm mới. Như: Vẽ tranh, làm idol TikTok, người mẫu ảnh, khiêu vũ, yoga cười, múa bụng,… Chúng tôi cảm thấy rất vui khi chứng kiến ngày càng nhiều người vui vẻ, yêu đời hơn sau một thời gian vào trường”.

Lễ khai giảng mới chỉ là sự khởi đầu. Người cao tuổi sẽ có cả một hành trình trải nghiệm ở phía trước. Ban lãnh đạo Diên Hồng hi vọng đây sẽ là mô hình kiểu mẫu và truyền cảm hứng cho người cao tuổi ở khắp Việt Nam. Để họ vượt ra khỏi những định kiến về tuổi già, tự tin làm điều mình thích. Và đặc biệt là sống hạnh phúc để làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu.

Xem thêm

Khi nào nên gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão?

Viện dưỡng lão có thể là một cứu cánh để giữ hạnh phúc đối với gia đình có người già. Vậy khi nào thì nên nghĩ tới việc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão?

Theo Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, quyết định khi nào đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão cần cân nhắc dựa trên điều kiện kinh tế của gia đình và tình trạng sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của bố mẹ. Điều quan trọng là những người con vẫn nên tìm hiểu kỹ để đảm bảo chế độ chăm sóc tốt nhất cho các cụ.

Theo bà Hải Vân: “Những trường hợp nên vào viện dưỡng lão là những người già bị lú lẫn hoặc có một số bệnh mãn tính như huyết áp, tai biến, đột quỵ… cần được chăm sóc, theo dõi sức khỏe 24/24 giờ.

Bên cạnh đó, một số người già vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, không muốn phụ thuộc vào con cháu và bản thân những người cao tuổi đó thích gặp gỡ, giao lưu, tham gia sinh hoạt cộng đồng cũng như được chăm sóc y tế chuyên nghiệp, cũng nên chủ động chọn viện dưỡng lão làm điểm dừng chân những năm tháng cuối đời”.

Vị chuyên gia tâm lý này cũng đưa ra lời khuyên với những người làm con rằng, trước cuộc sống bề bộn lo toan, mô hình viện dưỡng lão là một giải pháp, xu hướng tất yếu của xã hội nhưng việc này cần phải gắn chặt với trách nhiệm của con cái, khéo léo trao đổi, thống nhất giữa hai bên để tránh trường hợp bố mẹ cảm thấy bị bỏ rơi, vô tình dẫn đến những hệ lụy tiêu cực.

Và sau khi đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão, thì việc thăm nom nên được duy trì thường xuyên và đừng quên chia sẻ những thông tin về gia đình, họ hàng… để các cụ cảm thấy ấm áp khi có con cháu ở bên.

Bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng nêu quan điểm, có 2 nhóm chính nên vào sống ở dưỡng lão.

Nhóm thứ nhất là những người cao tuổi không an toàn khi ở nhà. An toàn ở đây bao gồm các vấn đề về cơ sở vật chất (nhà cao tầng, không có tay vịn cầu thang để thuận tiện đi lại…) và những người già bị mắc 1 số bệnh nền (như bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, người bị lú lẫn tuổi già) trong khi gia đình không có người chăm sóc 24/24; người già bị liệt trong khi con cháu gặp khó khăn hoặc không có điều kiện để chăm sóc.

Nhóm thứ 2 nên vào sống ở viện dưỡng lão là những người già thích sống trong môi trường dưỡng lão. Đó có thể là thích sống cùng với nhiều người già cùng lứa tuổi, thích tham gia các hoạt động tập thể trong khi ở nhà hoặc khu dân cư nơi mình sống không đủ đáp ứng.

Tại các trung tâm dưỡng lão có hệ thống chăm sóc y tế, điều dưỡng viên được đào tạo để chăm sóc người cao tuổi nên mọi thứ sẽ tốt hơn cho các cụ, sức khỏe và tinh thần của các cụ sẽ được cải thiện hơn so với ở nhà một mình.

(An An/ giadinhmoi.vn)


Xem thêm

Nghề điều dưỡng – nghề của tình thương và sự tận tâm

Hiện nay, ngành điều dưỡng ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội hiện đại khi mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người không ngừng tăng cao. Thế nhưng, ngoài bác sỹ, y tá đã “quen mặt thuộc tên” thì không phải ai cũng biết đến ngành nghề này.

Xưa nay nhiều người nghĩ rằng, điều dưỡng viên là một nghề nghiệp nhẹ nhàng, đơn giản, không phải dãi nắng dầm mưa. Nhưng ít ai biết rằng, quá trình tiếp xúc và làm quen với bệnh nhân là thử thách không hề dễ dàng đối với họ.

Để hiểu rõ hơn về nghề điều dưỡng viên, nhóm phóng viên đã quyết định đến trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Nằm trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km, Diên Hồng được biết đến là nơi an dưỡng lý tưởng cho các cụ có hoàn cảnh đặc biệt. Nơi đây quy tụ nhiều điều dưỡng viên tâm huyết với nghề và đặc biệt chịu được những áp lực từ sự khó tính hay nổi nóng thất thường của các cụ.

Ngôi nhà của tình thương

Khi bước vào cánh cổng của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, không khó bắt gặp hình ảnh các điều dưỡng viên đang xoa bóp, đấm lưng, trò chuyện thì thầm bên tai các cụ. Mọi người ở đây sống chan hòa, tình cảm và coi nhau như những thành viên thân thuộc trong gia đình. Các điều dưỡng viên không đứng ở tư cách là người làm nghề mà như người con, người cháu phụng dưỡng ông bà, cha mẹ của mình vậy.

Có lẽ với các điều dưỡng viên, lòng yêu thương, sự tận tâm là yêu cầu cốt tử để bám trụ lấy nghề. Nếu như quyết tâm không đủ lớn, họ sẽ dễ dàng bị ngã gục ngay từ vạch xuất phát.

Nhiều người còn nói vui rằng, nghề điều dưỡng viên là nghề “bốn trong một”. Nghĩa là một mình điều dưỡng viên phải đảm đương bốn công việc khác nhau: chăm sóc bệnh nhân, truyền đạt thông tin, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, biện hộ cho người bệnh.

Cũng như các điều dưỡng viên khác trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, chị Nguyễn Thị Tuyết đến với nghề từ sự ngẫu nhiên rồi từ sự ngẫu nhiên lại chuyển hóa thành niềm yêu thích. Chị Tuyết tâm sự: “Ban đầu cũng không thích cái nghề này đâu, sau này đi học đi làm thấy cũng hay, khi có thể giúp đỡ người ta được một phần thì thấy yêu quý nghề và bây giờ không dứt ra được”.

Với Phạm Phương Linh, cô sinh viên 19 tuổi đến từ Hải Dương, hiện đang có thời gian thực tập tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cũng đã sớm bày tỏ lòng ham thích nghề điều dưỡng viên.

Phương Linh chia sẻ: “Lý do em đến với nghề chỉ đơn giản là yêu thích việc chăm sóc người khác, giúp được mọi người là em thấy vui rồi”. Mặc dù còn khá bỡ ngỡ và chưa có nhiều cơ hội va chạm với nghề nhưng cô sinh viên 9X này đã tỏ rõ tình yêu nghề sâu sắc. Sau khóa thực tập tại Diên Hồng, Phương Linh nung nấu ý định học thêm nghề diều dưỡng tại Đức để nâng cao tay nghề.

Nghề “làm dâu trăm họ”

Người ta thường hay ví nghề điều dưỡng viên là nghề làm dâu trăm họ. Cũng bởi vì tính chất công việc của nghề này là chăm sóc sức khỏe cho người khác. Tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, phần lớn các đối tượng được chăm sóc là người có tuổi. Có những cụ đã không còn khả năng đi lại, có những cụ không tự làm chủ được vệ sinh cá nhân lại có những cụ bị tai biến… Mỗi một cụ là một hoàn cảnh khác nhau, một tính cách khác nhau, vì thế, trách nhiệm của điều dưỡng viên lại càng lớn. Họ giống như người nhạc trưởng chỉ huy một ban nhạc đầy âm thanh hỗn loạn nhưng cuối cùng đều phải cất lên tiếng hát chung trên sự dung hòa, dung hợp giữa các thành viên.

Trên tinh thần coi người bệnh như người thân trong gia đình, các điều dưỡng viên đã hết lòng dốc sức dành sự quan tâm đặc biệt với các cụ. Họ hiểu rằng, mỗi con người sinh ra là một cá thể độc lập, có những tính cách không giống nhau, nhất là những người có tuổi, họ nhạy cảm và dễ tổn thương, vì thế, phải thường xuyên thăm hỏi và lắng nghe tâm tự của các cụ.

Chị Tuyết có chia sẻ: “Tại trung tâm dưỡng lão, mỗi người mỗi tính, chả ai giống ai, giống như mình đấy cha mẹ sinh con trời sinh tính. Bây giờ các cụ lại già rồi, nhiều cụ khó tính cũng có cụ dễ tính, mỗi cụ đều phải có cách chăm sóc riêng. Đối với các cụ dễ tính thì một ngày bọn chị xoa bóp 15 phút, còn với những cụ khó tính thì xoa bóp lâu hơn có thể lên đến 30 phút, trò chuyện với các cụ nhiều hơn”.

Cũng đã từng trải qua cảm giác sợ sệt khi lần đầu đối mặt với các cụ khó tính, anh Nguyễn Hải Linh (26 tuổi)- trưởng nhóm điều dưỡng bồi hồi nhớ lại: “Ban đầu có có cụ cũng khó tính, to tiếng thậm chí anh còn sợ các cụ đấy, nhưng qua thời gian chăm sóc, sinh hoạt ở đây như kiểu ông bà mình, tình cảm cũng dần tăng lên, anh san sẻ tình cảm với các cụ thì thấy các cụ đáng yêu, không hề khó tính như mình nghĩ”.

Bên cạnh làm công tác chăm sóc sức khỏe, các điều dưỡng viên tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng còn kiêm luôn đạo diễn, người tổ chức chương trình vui chơi vào các ngày lễ đặc biệt cho các cụ. Trong ánh mắt của các điều dưỡng viên, chúng tôi thấy ánh lên niềm vui, năng lượng của tuổi trẻ, sự yêu thương vô hạn với nghề nghiệp của mình.

Mai Hương – Thùy Dương ( Báo Vietnam.net )

Xem thêm