Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Ký ức thời chiến của những cựu chiến sĩ đang an dưỡng tại Diên Hồng

“Chuyến tàu ấy có 32 chiến sĩ, hầu như ra trận với tư tưởng cảm tử. Nhiều đồng chí hải quân đã bỏ mạng trên chiến trường nhưng không mang về được, chìm xuống biển hết rồi còn đâu.” Đó là lời chia sẻ của ông Phùng Mạnh Tiến, cựu chiến sĩ Hải quân đã từng tham gia vào cuộc kháng chiến khốc liệt để giải phóng đất nước. 

 

Cũng như ông, những cụ ông khác tham gia buổi lễ kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam do cơ sở 1 tổ chức đều mang trong mình nhiều cảm xúc. Tự hào không kể xiết khi ngày hôm nay được sống trong thời kì độc lập, tự do. Nhưng đâu đó trong các ông là những mảnh ký ức về đồng đội, về thời kỳ chiến đấu gian khổ ùa về. Những giọt nước mắt đã rơi, những ký ức méo mó về hình ảnh đồng đội đã hi sinh có lẽ không bao giờ biến mất trong tâm trí đã không còn minh mẫn. “Có những đêm tôi nằm mà nước mắt cứ rơi. Vì tôi thương các chiến sĩ, các đồng đội của mình đã hi sinh.”

Buổi lễ kỷ niệm diễn ra với quá nhiều sự hồi tưởng. Khi bài hát mở đầu chương trình cất lên, không ít những ông bà đã rơi nước mắt. “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về”. Từng câu hát như tái hiện lại những ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt, về những sự hi sinh, mất mát của đồng đội trên cùng chiến tuyến. Những vết cứa trong trái tim như lại nhói lên, làm cho những người đã từng đi qua thời đất nước còn chiến tranh đã không thể kiềm chế được cảm xúc. Cả không gian lúc ấy làm không gian như trầm lặng. Mặc cho tiếng hát vẫn cứ vang vọng, cả khán phòng ai cũng cúi đầu, ngậm ngùi tự nuốt vào trong những ký ức chiến tranh đã qua. 

Trên sân khấu là ông Phùng Mạnh Tiến, một người chiến sĩ Hải quân đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Mọi người thường nhớ đến ông qua những câu chuyện ông kể về sự hi sinh của 99 sinh viên Đại học Bách Khoa đồng hành cùng ông trong trận chiến ở Thành cổ. Thế nhưng, đến với buổi ngày hôm nay, ông đã mang những câu chuyện mới mẻ hơn. Cũng là câu chuyện về 99 chiến sĩ nhưng những thông tin về 20 chiến sĩ là người miền Nam ông chưa từng nhắc đến. Những chiến sĩ trẻ tuổi ấy đã xin gia nhập chiến trường miền Nam để gần nhà, tiện về thăm. Thế rồi chiến tranh khốc liệt ấy đã cướp đi sinh mạng của tất cả. Các anh đã nằm xuống nơi chiến trường lạnh lẽo, nơi mà đạn nổ bom rơi không biết khi nào mới có cơ hội về thăm nhà. Ý chí chiến đấu, khát vọng độc lập đã khiến những người chiến sĩ ấy quên mình chiến đấu, quên mất rằng mình mới 18 đôi mươi, còn cả một cuộc đời phía trước. 

Bên cạnh đó, câu về những trận chiến dưới nước của ông cùng đồng đội để ngăn chặn 50.000 tấn dầu tiếp tế cũng được ông kể lại một cách sinh động. Đó là trận thuỷ chiến chỉ có ông cùng 3 chiến sĩ khác, phải bơi 3km để đến được tàu chở 50.000 tấn dầu của địch đang tiến vào chi viện. Lúc đấy trên người ông chỉ có con dao găm và mìn đeo ở eo. Khi bám được vào thuyền, ông và các chiến sĩ chỉ có dụng cụ thô sơ là dao găm để đục thuyền. Lúc đấy chỉ có thể dùng tay để đục, đục đến khi nào thủng thì thôi. Mà thuyền dày lắm chứ đâu có dễ dàng gì. Lúc đấy tay chảy máu nhiều lắm mà cũng kệ thôi chứ xung quanh toàn là nước, lấy cái gì mà lau. Thế mới biết những người chiến sĩ ngày xưa đã chiến đấu kiên cường thế nào, không quản ngại bất cứ điều gì, luôn sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. 

Như cảm nhận được sự tiếc nuối, trầm lặng của chương trình, chú Vinh lại mang đến một câu chuyện vui khi chú đóng quân trong rừng sâu. Chú bảo “Chết vì ăn thì tôi chưa thấy chứ ngứa vì ăn là tôi thấy rồi đấy”. Chú kể ngày ấy lương thực khan hiếm, Trung Quốc có trợ cấp thì mới có ăn, chứ không thì ăn uống cũng khổ sở lắm. Có những lúc 2 ngày không ăn, mà đóng quân sâu tít trong rừng có gì ăn đâu. Hôm đấy có một đồng chí hớt hải chạy về với vẻ mặt rạng rỡ “Tao tìm thấy nho rừng rồi chúng mày ạ”. Như một đàn ong vỡ tổ, các chiến sĩ ùa ra đi tìm nho rừng. Hoa quả đã là quá đỗi xa xỉ với những người lính phải nhịn đói vì thiếu lương thực, thế mà bây giờ còn ăn nho, thứ quả được coi là “sang chảnh” thời bấy giờ. Ai cũng vui vẻ như vớ được vàng. Thế nhưng một lúc sau các đồng chí bắt đầu kêu “Ê mày ơi tao thấy ngứa mồm quá”. Một người, hai người rồi lúc sau tất cả đều bị như thế. Thực ra loại quả ấy đâu phải nho, chỉ là vì có hình dáng giống nho, vì lúc ấy đói quá, khổ quá nên cứ ăn thôi.

 

Sau bao năm chiến đấu vì độc lập dân tộc, giờ đây, các ông có thể hưởng thụ thành quả của mình, của bao thế hệ cha anh đi trước là một đất nước độc lập, tự do. Dù cuộc sống hiện tại có yên ấm nhưng những thước phim về thời chiến, về hình ảnh đạn nổ bom rơi, về hình ảnh người chiến sĩ bỏ mạng trên chiến trường có lẽ luôn in sâu trong tâm trí những người năm nào. Những câu chuyện được chia sẻ trong chương trình như những thước phim về thời chiến, để con cháu luôn nhớ rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu anh hùng, quả cảm ra sao. Như những nhắn nhủ, dặn dò của ông Việt – cựu chiến sĩ bộ binh gửi đến thế hệ trẻ:

“Chúng ta phải luôn luôn nhận thức được rằng dù bất cứ tình huống nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đất nước ta cũng luôn luôn phải làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra. Bao nhiêu kỳ Đại hội Đảng đều nói rõ là “Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội” và “Bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Cho nên với lớp trẻ, tôi mong làm sao thực hiện được điều đó để luôn luôn gìn giữ được non sông, đất nước; đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đi lên. Không có kẻ thù nào có thể xâm chiếm được nước ta.”

Leave a Reply

Your email address will not be published.

twenty + 5 =