Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Bổ sung sữa đậu nành vào thực đơn hằng ngày của người cao tuổi

Trên thị trường hiện nay có vô vàn các loại sữa với các công dụng khác nhau. Sữa cho người cao tuổi cũng không ít loại. Chi phí để mua một hộp sữa cũng không hề nhỏ.Bên cạnh những loại sữa đắt tiền đó vẫn có một dòng sữa bình dân, giá thành thấp mà người cao tuổi thường rất thích. Đó chính là sữa đậu nành. Sữa đậu nành không chỉ tiện lợi sử dụng, dễ mua, hương vị quen thuộc dễ uống mà còn có rất nhiều lợi ích đối với người cao tuổi.

Sữa đậu nành có những lợi ích gì?

Ai cũng mặc định uống sữa đậu nành để tăng cường canxi. Nghĩa là trong sữa đậu nành có chứa canxi và vitamin D giúp xương chắc khỏe. Thực tế là, thành phần dinh dưỡng phong phú trong sữa đậu nành mang đến rất nhiều những lợi ích về sức khỏe mà chúng ta chưa biết.

  • Cung cấp cho cơ thể lượng vitamin, khoáng chất đa dạng và phong phú: Vitamin A, vitamin D, canxi, photpho, omega- 3, omega-6…
  • Hàm lượng calo thấp phù hợp với nhu cầu nạp năng lượng ở người cao tuổi.
  • Tăng cường sức khỏe tim mạch cho người cao tuổi.
  • Không chứa đường lactose (thường thấy ở sữa động vật và các chế phẩm từ sữa động vật), hạn chế được tình trạng rối loạn tiêu hóa do không dung nạp được lactose ở người cao tuổi.

Bổ sung protein cho người cao tuổi

Khi nói đến việc bổ sung protein, mọi người thường nghĩ đến những thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng,… Bên cạnh đó, thực vật cũng có khả năng cung cấp protein cần thiết cho cơ thể và cung cấp ít calo hơn so với việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. 

100g đậu nành chứa đến 33-38g protein, cao gấp rưỡi lượng đạm trong thịt lợn. Đậu nành có hàm lượng đạm cao hơn thịt bò, không gây ra dị ứng sữa do không chứa đường lactose, lại có hàm lượng cao chất chống oxy hóa. Đậu nành là một loại thực phẩm cung cấp protein quen thuộc đối với người ăn chay. Việc sử dụng đạm thực vật trong chế độ ăn sẽ làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 ở người cao tuổi.

Giúp trái tim khỏe mạnh

Cholesterol trong máu tăng cao là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, huyết áp cao và nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…. Các hợp chất isoflavones, genistein, daizein, glycitein trong đậu nành giúp khống chế các hoạt động có hại của cholesterol và ổn định cholesterol trong máu ở mức bình thường.

Người mắc bệnh tim mạch thường được khuyên không nên: ăn quá mặn, mỡ động vật, các phủ tạng; các chất bổ, đồ ngọt,… Cholesterol trong máu tăng cao là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, huyết áp cao và nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…. Nên tăng ăn các loại rau củ quả và cá. Việc sử dụng đạm từ đậu nành sẽ giúp người bệnh vẫn đảm bảo đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tiêu thụ 25g đạm đậu nành mỗi ngày, trong thời gian một tháng, giúp giảm 8,9mg cholesterol mỗi dl máu, nếu ăn 30g có thể giảm 17,4mg cholesterol. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ.

Giảm lượng calo và chất béo xấu vào cơ thể

Đậu nành chứa nhiều hợp chất tổng hợp có khả năng ức chế cholesterol. Khác với sữa bò có chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao, sữa đậu nành thường chứa lượng chất béo khá thấp với chủ yếu là các axit béo không no và không có cholesterol. Các axit béo không bão hòa có khả năng điều chỉnh quá trình chuyển hóa chất béo, ngăn chặn việc hình thành các cholesterol “xấu” (LDLC) và riglyceride. Lượng cholesterol ổn định sẽ hạn chế các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, xơ vữa động mạch,… 

Bảo vệ mạch máu khỏi những tổn thương

Trong sữa đậu nành có chứa Axit béo Omega 3, Omega 6 và những chất chống oxy hóa. Điều này giúp bảo vệ các mạch máu tránh bị vỡ và tổn thương khỏi sự tấn công của các gốc tự do và mảng bám cholesterol. 

Cải thiện loãng xương

Tuổi càng cao, các dưỡng chất trong cơ thể cũng trở nên thiếu hụt dần. Người cao tuổi thường bị loãng xương do thiếu đi lượng canxi và các chất cần thiết. Việc bổ sung các chế phẩm từ đậu nành trong thực đơn hằng ngày là cần thiết vì Isoflavones trong đậu nành giúp hấp thụ canxi vào cơ thể và làm xương chắc khỏe hơn.

Xem thêm

“Già rồi còn kiết sỉ, chết có mang theo được đâu?”

Về già, người ta thường có xu hướng sống tiết kiệm, dè dặt hơn. Ngày trẻ có thể thích ăn gì thì mua, thích làm gì thì làm, thích bộ quần áo này bộ váy kia có thể mua ngay không suy nghĩ. Nhưng càng lớn tuổi, người ta lại càng trở nên tiết kiệm, suy nghĩ cho tương lai hơn. Nhiều người cứ bảo già rồi còn kiết sỉ. Nhưng đã bao giờ bạn đặt mình vào tâm thế của người già để biết được lý do mà họ làm thế là gì chưa?

Tiền hóa giải mọi nhu cầu trong cuộc sống

Chủ nghĩa duy vật đã đưa ra biện chứng là “Vật chất quyết định ý thức”. Khi chúng ta có tiền, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp và dễ dàng hơn. Không những thế, tinh thần thoải mái cũng sẽ làm cho sức khỏe của chúng ta tốt hơn. Khi còn trẻ, tiền giúp chúng ta có cơm ăn áo mặc, giải quyết các nhu cầu sống của tuổi trẻ. Trái lại, khi về già, sức khỏe là điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình sống và sinh hoạt. Khi mà mắt đã mờ tay đã run, thì tiền sẽ giúp chúng ta kéo dài thời gian sống vui sống khỏe.

Mỗi người có những quan điểm về giàu có, đủ đầy khác nhau cũng như khả năng tạo ra đồng tiền khác nhau. Cùng có 10 đồng, nhưng người thì chê ít, người thì thấy thế là đủ. Bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu người cha người mẹ bỏ con chỉ vì không đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Hay trong lúc ốm đau, có tiền thì có thể chữa trị tốt hơn, nhanh chóng hơn. Càng trong những hoàn cảnh khó khăn, càng thể hiện rõ quan hệ mật thiết giữa tiền và đời sống.

“Giữ lắm tiền làm gì, chết có mang theo được đâu”

Nhiều người khi càng lớn tuổi, họ càng sống khép mình lại, không còn phóng khoáng như thời trẻ. Một phần vì không còn khả năng kiếm tiền như trước. Mặt khác là vì lo lắng cho tương lai, tuổi già. Chúng ta vất vả cả đời làm việc, chỉ mong sau này khi về già sẽ có chút dư dả. Nhưng cái nhìn phiến diện của một số người lại cho rằng già rồi còn ham của, giữ tiền.

Trở lại với thực tại phũ phàng, càng nhiều tuổi sức khỏe càng suy giảm. Mỗi ngày thức dậy, ta lại thấy mình già hơn một chút. Những vết hằn thời gian ngày càng sâu hơn hiện rõ trên khuôn mặt. Đôi mắt dần mờ đi. Bàn tay, đôi chân cũng không còn linh hoạt như trước. Đến lúc này, có muốn đi đâu, muốn làm gì cũng không làm được. Thời gian rảnh chỉ quanh quẩn ở nhà rất buồn chán. Hơn nữa cũng không còn ở độ tuổi thích ăn gì thì cũng ăn được. Tiền lúc này chỉ để có thể tự chi trả sinh hoạt phí, tự chi trả cho các khoản chăm sóc sức khỏe hay mua quà cho con cháu.

Tiền mua được sức khỏe

Ở tuổi xế chiều, sức khỏe là một vấn đề được quan tâm hàng đầu. Ngày trẻ có khi chả bao giờ cần phải dùng thuốc này thuốc kia, bệnh tật gì thì cứ kệ đấy cũng tự khỏi. Chả bao giờ phải đi viện hay ốm đau nằm một chỗ cả. Ấy thế mà khi về già, tuổi càng cao càng có nhiều căn bệnh xuất hiện. Nào là sa sút trí tuệ, đau xương khớp, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, tim mạch,… Nếu bệnh nhẹ, chỉ cần dùng thuốc điều trị thì vẫn được coi là may mắn. Nặng hơn là phải nằm viện và cần sự trợ giúp của máy móc, thiết bị y tế. Nếu lúc này đây không có tiền thì đâu thể điều trị được.

Bệnh viện là lựa chọn đầu tiên khi chúng ta bị bệnh. Nhưng với người cao tuổi, việc lựa chọn điều trị ở bệnh viện luôn cần sự chăm sóc của người nhà. Điều này vừa tốn kém vừa khó đáp ứng. Vậy nên, không ít người cao tuổi lựa chọn vào Viện dưỡng lão như một nơi nghỉ ngơi khi về già và cũng vừa để được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau.

Tiền mua được sự tự do

Khi có tiền ở tuổi già, cuộc sống không những dễ dàng hơn mà còn không cần phụ thuộc vào ai. Tâm lý “Trẻ cậy cha, già cậy con” đã dần được xem nhẹ. Người cao tuổi ngày càng có ý thức được về tầm quan trọng của tiền khi về già. Không ít người đã mua bảo hiểm, lựa chọn các thể loại tích lũy để có thể dư dả khi tuổi cao sức yếu. Sự tự do cũng đính kèm theo lượng tài sản mà bạn tích lũy được. Khi tài chính được đảm bảo, cha mẹ có thể ở cùng con cái hoặc không. Nếu cha mẹ và con cái không hòa hợp thì không ở với nhau nữa cũng chẳng sao. Sự ràng buộc lúc này không còn là về vật chất mà chỉ là về tinh thần.

Xem thêm

Hiểm họa tiềm ẩn trong “thức ăn bốc khói nghi ngút”

Khi trời trở lạnh, mọi người đều muốn ăn một món ăn nóng hổi để làm ấm cơ thể. Với sự đa dạng, phong phú của ẩm thực Việt, không thiếu những món ăn ngon làm ấm người trong mùa lạnh. Nhiều người cho rằng, khi ăn nóng mới cảm nhận được hết độ ngon của món ăn. Những món ăn vừa cay, vừa bốc khói nghi ngút là những thứ vô cùng cuốn hút khi trời trở lạnh. Các chất trong thức ăn nóng sẽ khiến chúng ta nóng lên, cơ thể đồ mồ hôi đồng thời cơ thể sẽ tự tiết ra hóc môn endorphin. Endorphin có tác dụng giảm đau, tăng cảm giác hưng phấn, hạnh phúc. Thế nên càng ăn đồ nóng chúng ta càng muốn nó phải nóng hơn nữa và sẽ cảm thấy rất hài lòng, thỏa mãn.

Thế nhưng, thực tế việc ăn nóng có gây ra những ảnh hưởng xấu nào tới cơ thể hay không?

Ăn nóng có tốt không?

Không thể phủ nhận việc ăn nóng sẽ kích thích vị giác, giúp chúng ta cảm thấy ngon miệng hơn. Không những thế, ăn nóng làm tăng tỷ lệ hấp thu các chất dinh dưỡng, nhất là protid của cơ thể. Khi ăn nóng cơ thể hấp thu được 85,7% protid. Trong khi đó, ăn nguội chỉ hấp thu được 79%. Ăn nóng giúp cơ thể tiết kiệm được năng lượng vì không phải mất thêm năng lượng để hâm nóng thức ăn trong quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, việc ăn nóng có ảnh hưởng rất nguy hiểm đến với cơ thể và sức khỏe. Khi chúng ta sì sụp một bát canh nóng, gắp một miếng thức ăn từ nồi lẩu đang sôi bỏ ngay vào miệng,… cũng là lúc cơ thể của chúng ta đang bị đe dọa.

Thức ăn nóng sẽ tiếp xúc trực tiếp với miệng có thể gây bỏng miệng. Nhiệt độ của các món có nhiều dầu, mỡ như chiên, xào, nướng,… cao hơn nhiều so với những món canh, súp. Nhiệt độ của món chiên vừa ra khỏi chảo có thể lên đến 180 độ C. Việc thường xuyên ăn nóng cũng làm tổn thương tế bào vị giác. Lưỡi, khoang miệng, vòm họng,… đều bị ảnh hưởng bởi độ nóng của thực phẩm. Vách ngăn đường ruột tương đối mỏng, thường chỉ có thể chịu được nhiệt độ thức ăn từ 50 đến 60 độ C. Nếu vượt quá ngưỡng này, vách ngăn sẽ bị tổn thương.

Không chỉ với người trẻ, thực phẩm nóng còn là mối đe dọa đối với người cao tuổi

Thức ăn phù hợp nhất chính là thức ăn không quá nóng cũng không quá lạnh. Đối với nước uống cũng thế, thức uống quá nóng hay quá lạnh cũng không tốt đối với cơ thể.  Cơ quan Nghiên cứu Ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo mới nhất về việc ăn uống đồ quá nóng. Cảnh báo rằng việc ăn uống đồ nóng trên 65 độ C dễ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Điều này được đánh giá như một chất gây ung thư loại 2A. Chỉ khi nghe đến 2 chữ ung thư mới khiến chúng ta cảm thấy mối đe dọa này nguy hiểm hơn mình nghĩ.

Người cao tuổi và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Nếu liên tục sử dụng thực phẩm quá nóng sẽ gây ra những bệnh lý không đáng có. Khoang miệng và sức chịu nhiệt đối với các cơ quan tiêu hóa kém hơn nên sẽ dễ bị loét, bỏng,… khi sử dụng thực phẩm nóng. Các vết bỏng sẽ gây cảm giác khó chịu, đau đớn trong khoang miệng, giảm cảm giác ăn ngon.

Ăn thế nào mới đúng?

Ăn thức ăn có nhiệt độ gần bằng thân nhiệt của mình

Như đã nêu ở trên, vách ngăn thành ruột chỉ chịu được nhiệt độ khoảng 50 đến 60 độ C. Nhiệt độ khoảng 35 – 45 độ C là nhiệt độ phù hợp nhất cho dạ dày. Nếu thức ăn đang quá nóng, hãy thổi hoặc chờ cho thức ăn nguội bớt. Đừng vì quá thèm mà ngay lập tức bỏ đồ ăn nóng vào miệng. Lúc này họa từ miệng mà ra là có thật. Không kiểm soát được cơn thèm đồ ăn nóng sẽ khiến bạn gặp những vấn đề về sức khỏe không đáng có.

Cẩn thận với thức ăn chiên, xào, nướng

Nhiệt độ từ các món có nhiều dầu mỡ rất cao và lâu nguội hơn. Hơn nữa nhiệt độ trung tâm của loại thức ăn này cũng cao và lâu tản nhiệt hơn. Thế nên cần đặc biệt lưu ý trước khi ăn. Hãy đảm bảo thức ăn đã thực sự nguội và có thể đưa vào miệng mà không bị bỏng. Đối với người cao tuổi, nên hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ. Luôn cẩn trọng với nhiệt độ của thức ăn, cần giữ thức ăn có nhiệt độ ấm vừa phải để người cao tuổi vừa ăn ngon miệng vừa không bị bỏng.

Thỉnh thoảng có thể ăn nóng, nhưng không nên liên tục

Hóc môn endorphin tiết ra khi chúng ta ăn đồ nóng làm chúng ta hạnh phúc. Thê nên thỉnh thoảng, để khiến cho mình hạnh phúc hơn, chúng ta có thể ăn thức ăn nóng hơn một chút. Chỉ nên nóng hơn thức ăn thường ngày chúng ta vẫn hay ăn một chút, tránh ăn thức ăn nóng quá gây ra bỏng loét khoang miệng.

 

 

Xem thêm

Cuộc thi Quý ông Hoàn hảo: Nơi những quý ông Diên Hồng tỏa sáng

Có lẽ khi nhắc đến viện dưỡng lão Diên Hồng, mọi người đã quen với hình ảnh những cụ bà trang điểm xinh đẹp, mặc đồ lộng lẫy để chụp ảnh hay tham gia cuộc thi hoa hậu, mà hiếm khi thấy sự xuất hiện của các cụ ông. Chính vì thế Diên Hồng đã mang đến cho các cụ ông Cuộc thi “Quý ông hoàn hảo” – nơi các cụ ông cùng nhau tranh tài. Đặc biệt hơn cuộc thi được tổ chức nhân dịp 20/10, đây cũng được xem như món quà mà các cụ ông dành tặng cho cụ bà.

Tiếp nối thành công của năm 2021, năm nay cuộc thi lại tiếp tục được diễn ra thu hút hơn 20 cụ ông đến từ 4 cơ sở. Chương trình chính là sân chơi bổ ích cho các cụ ông được thể hiện mình, chiến thắng bản thân. Bởi vậy các cụ ông ai cũng vô cùng háo hức và chuẩn bị thật tốt các phần thi của mình. 

Các cụ ông sẽ tranh tài tại các cơ sở và chọn ra người chiến thắng. Mỗi thí sinh tham gia cuộc thi sẽ có một bạn điều dưỡng là người hướng dẫn. Nhiệm vụ của các bạn sẽ hỗ trợ các cụ ông từ việc chọn trang phục, quần áo, giày dép, cách trình diễn trên sân khấu đến việc lựa chọn các tiết mục cho phần thi tài năng.

Mỗi cụ đều có điều dưỡng hỗ trợ và hướng dẫn riêng

Các quý ông tham gia cuộc thi sẽ được trải qua 4 phần thi. Bao gồm: Phần trình diễn trang phục (trang phục biển, trang phục tự chọn), phần thi sức mạnh, phần thi tài năng và gỡ rối tình huống

Cơ sở 1 là cơ sở đầu tiên tổ chức cuộc thi, chính vì thế ông Việt và người hướng dẫn đã chuẩn bị và tập luyện từ rất sớm. Có lẽ cũng chính vì có sự chuẩn bị chỉn chu như vậy nên ông đã xuất sắc trở thành Quý ông hoàn hảo cơ sở 1.

Ông Nguyễn Trọng Việt – quý ông hoàn hảo Diên Hồng cơ sở 1

Các cụ ông cơ sở 1 khoẻ khắn, năng động trong trang phục đi biển.

Cùng với phần thi trang phục, các cụ ông sẽ được tạo dáng cùng với tạ.

Được tổ chức vào ngày 19/10, cuộc thi cũng xem như là một món quà mà các cụ ông cơ sở 1 gửi tặng đến các cụ bà.

Tiếp nối cơ sở 1, các cụ ông cơ sở 3 cũng có những màn trình diễn ấn tượng.

5 quý ông tham gia tranh tài của cơ sở 3

\

Ông Viễn từng là giảng viên trường sân khấu điện ảnh, ông múa rất giỏi và đẹp, nhưng bởi vì sức khoẻ không cho phép nên ông chỉ thị phạm được vài động tác đơn giản.

Đặc biệt các quý ông cơ sở 3 đều xuất sắc với phần thi gỡ rối. Những câu trả lời thông minh, dí dỏm của 5 ông khiến ai nấy đều bật cười vì quá đáng yêu. Với câu hỏi “Cháu và người yêu cháu rất yêu nhau, nhưng bố cháu và bố cô ấy lại không ưa nhau thì phải làm thế nào?”. Nhận được câu hỏi này, ông Toan cười cười rồi nói “Ngày xưa là bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy, còn bây giờ là con đặt đâu, bố mẹ ngồi đấy, nên 2 cháu nếu yêu thương nhau thật lòng thì cứ đến với nhau”.

5 quý ông của cơ sở 3 ai cũng ngang tài ngang sức, nên ban giám khảo phải làm việc hết công suất để chọn ra quý ông là ông Phạm Yến Sơn.

Ông Sơn – quý ông hoàn hảo cs3

Đến ngày 25/10 cơ sở 4 cũng đã tìm ra được chủ nhân của danh hiệu quý ông hoàn hảo, đó là ông Nguyễn Văn Dự.

Quý ông hoàn hảo cs4 – ông Dự

Trong phần thi trang phục, mỗi cụ ông tự chọn cho mình một phong cách. Có cụ lịch lãm trong bộ vest, giày tây, cũng có cụ nhẹ nhàng trong áo dài ông đồ, hay có cụ diện nguyên một bộ đồ jean đầy cá tính.

5 cụ ông mỗi người một phong cách

Các cụ ông ở Diên Hồng cũng khéo tay lắm. Điển hình là phần tài năng của các cụ, có cụ vẽ tranh, cụ cắm hoa. Những giỏ hoa xinh đẹp, nhiều màu sắc được các cụ ông khéo léo thực hiện.

Tài năng vẽ tranh

Các cụ ông còn khéo léo cắm hoa

Cuối cùng là cơ sở 2, có lẽ là cơ sở tổ chức cuối cùng nên mọi thứ đều rất chu đáo và chỉn chu. Một lần các cụ trình diễn đều được 2 bạn điều dưỡng xinh đẹp dắt đi trên sàn catwalk.

Hai điều dưỡng viên xinh đẹp trong tà áo dài trắng hướng dẫn các cụ ông trình diễn trang phục

Không những thế phần tài năng của các cụ cũng hoành tráng không kém. Ông Lâm, ông Tuấn đều chuẩn bị cho mình 2 tiết mục dự thi tài năng. Ông Lâm khéo léo trổ tài bóc bưởi và muối dưa. Còn ông Tuấn bằng tài năng sáng tác thơ của mình ông đã tặng cuộc thi đến 4 bài, không những thế còn trình diễn một điệu múa sôi động. Và cuối cùng chiến thắng cũng đã gọi tên nhà thơ Đức Tuấn.

Phần nhảy múa ăn ý của ông Tuấn và bạn nhảy

Ông Lâm trổ tài bóc bưởi siêu nhanh

Ông Đỗ Đức Tuấn cùng các thí sinh và ban giám khảo chụp ảnh lưu niệm

Cùng với các phần thi đấu là các tiết mục văn nghệ đặc sắc đến từ nhân viên Diên Hồng.

Tiết mục nhảy sôi động của các bạn điều dưỡng viên cs1

“Tình bạn diệu kỳ của CBNV cs2”

Múa “Quê tôi” của điều dưỡng cs3

 

Xem thêm

Cuộc thi Rung chuông vàng dành cho những điều dưỡng viên tài năng tại Diên Hồng

Để chào đón ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10), Diên Hồng đã tổ chức một cuộc thi dành riêng cho các bạn điều dưỡng. Cuộc thi Rung Chuông Vàng như một cơ hội để các điều dưỡng viên thể hiện kiến thức, khả năng hiểu biết của mình. 20 câu hỏi xoay quanh kiến thức ngành và thông tin về Diên Hồng đã được BTC cân nhắc chọn lựa. Những câu hỏi không hề sâu rộng mà rất gần gũi với các bạn điều dưỡng nhà Diên Hồng.

Đồng hồ điểm 18h00 cũng là lúc hội trường của cơ sở 2 đông đủ các thí sinh và khán giả. 33 thí sinh đến từ 4 cơ sở tề tựu đông đủ, mặc trên người chiếc áo Diên Hồng đều đã sẵn sàng vào thi.

Từng câu hỏi được đọc lên, tiếng đồng hồ bấm giờ cũng tích tắc làm không khí càng thêm phần căng thẳng. Sau 15s suy nghĩ là trả lời ra giấy, các thí sinh sẽ đồng loạt giơ câu trả lời lên. Nhờ những đôi mắt tinh anh của ban giám sát, lần lượt từng thí sinh trả lời sai phải ra ngoài. Sau 6 câu hỏi đầu tiên, số lượng thí sinh còn lại trên sàn đấu không còn nhiều. Những ánh mắt cầu cứu của các thí sinh khiến đội cứu trợ phải ngay lập tức vào sân.

Trò chơi cứu hộ không hề đơn giản. Các thành viên trong đội cứu hộ phải chuyền người và người được chuyền phải ngậm chanh đến đích. Trò chơi có vẻ không dễ dàng gì nhưng với sự đoàn kết và đồng lòng, đội cứu hộ đã hoàn thành trò chơi trước cả thời gian quy định. Số chanh mang về tương ứng với số thành viên được cứu. Và đội cứu hộ đã xuất sắc khi mang về hơn 40 miếng chanh. Đồng nghĩa với việc tất cả các thí sinh đều được quay trở lại sàn thi.

Cuộc thi lại tiếp tục với những câu hỏi khó dần. Câu hỏi thứ 7, 8, 9,… lần lượt từng thí sinh lại rời khỏi sàn đấu. Đến câu hỏi thứ 13 chỉ còn lại duy nhất 3 thí sinh đến từ 3 cơ sở.

Thế nhưng, câu hỏi số 15 lại là câu hỏi loại tiếp 2 thí sinh. Chỉ còn duy nhất bạn Trần Ngọc Phương đến từ cơ sở 3 trên sàn đấu. Từng câu hỏi được Phương bình tĩnh, tự tin trả lời. Từ là người được cứu bởi đội cứu trợ, giờ đây Phương là người duy nhất có khả năng rung được chuông vàng. Ai cũng ngỡ ngàng với sự xuất sắc mà Phương thể hiện trên sàn đấu.

Câu hỏi số 20, câu hỏi cuối cùng của cuộc thi Rung Chuông Vàng 2022. Ngọc Phương ngồi trên sân khấu, đăm chiêu suy nghĩ câu trả lời. Dưới khán đài là những đôi mắt mong chờ đáp án. Tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn vào thí sinh cuối cùng. Và Ngọc Phương đã đưa ra câu trả lời cuối cùng của mình. Nhìn thấy đáp án trên giấy, bên dưới đã bắt đầu có tiếng hò reo. Khi BTC công nhận đáp án của Phương cũng là lúc cả căn phòng rộn vang tiếng hò reo, chúc mừng. Trần Ngọc Phương chính là thí sinh duy nhất rung được chuông vàng. Chúc mừng cho những nỗ lực và cố gắng của Phương trong suốt cuộc thi đã được đền đáp xứng đáng.

Nhân ngày Điều dưỡng Việt Nam, kính chúc các bạn điều dưỡng viên tại Diên Hồng nói riêng và toàn thể các anh chị em điều dưỡng nói chung một ngày thật vui vẻ, hạnh phúc. Chúc cho mọi người có thật nhiều sức khỏe, mãi giữ được tình yêu nghề, nhiệt huyết với nghề.

Xem thêm

Thể xác già, tâm hồn trẻ

Hẳn là ai cũng sợ tuổi già. Chúng ta thường lo sợ mình già đi sẽ không còn sức khỏe như như trước nữa. Mỗi ngày qua đi, dấu hiệu của tuổi già ngày một rõ nét hơn. Sau 30 tuổi, các vấn đề về sức khỏe dần được bộc lộ. Chúng ta thường chủ quan các vấn đề về sức khỏe cho đến khi nhận ra có sự bất thường. 

Mọi người thường nói “Có sức khỏe là có tất cả”. Sức khỏe ở đây không chỉ là sức khỏe về mặt thể chất mà còn là sức khỏe tinh thần. Một cơ thể khỏe mạnh không chỉ có một thể chất khỏe mạnh mà tinh thần cũng phải lạc quan, vui vẻ. Chúng ta thường chỉ quan tâm đến những dấu hiệu bất thường của thể chất mà để mặc cho tinh thần của chúng ta dần héo mòn.

Vậy làm gì để tâm hồn mãi mãi tuổi 20?

Hạn chế sử dụng các chất kích thích

Khi có chuyện buồn, khi có những căng thẳng trong cuộc sống và công việc, người trẻ thường có xu hướng sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Không chỉ nam giới mà xu hướng sử dụng chất kích thích đang dần trở nên phổ biến hơn với phái đẹp. Việc ngày càng nhiều người sử dụng chất kích thích như một phương pháp giải sầu đang làm nguy cơ mắc các bệnh lý khi về già tăng cao. 

Sử dụng chất kích thích để giải quyết các vấn đề tinh thần sẽ chỉ có tác dụng tại thời điểm sử dụng. Lạm dụng chất kích thích sẽ làm tăng cảm xúc tiêu cực. Thế nên, để có một tinh thần lạc quan, thay vì sử dụng chất kích thích để quên đi nỗi buồn, chúng ta có thể thử các loại hình giải trí khác nhau hoặc tìm kiếm một đam mê khác. Việc tập trung vào một công việc khác sẽ giúp chúng ta quên đi những cảm xúc tiêu cực hiện tại. 

Lạc quan, yêu đời

Không chỉ người trẻ mà người cao tuổi cũng cần phải giữ cho tâm hồn mình tươi trẻ. Những suy nghĩ tiêu cực, đa đoan khi tuổi cao sức yếu sẽ làm cho tinh thần của người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Càng lớn tuổi, chúng ta càng trở nên dễ cáu gắt, khó tính, khó ở. Dần dần hình thành những tính cách xấu làm cho chúng ta trở nên cáu kỉnh hơn. Muốn nuôi dưỡng một tâm hồn tươi trẻ quả thật không hề dễ dàng. 

Vậy để tâm hồn luôn phơi phới như tuổi 20, điều đầu tiên chúng ta nên làm là hãy giữ cho mình một tinh thần lạc quan, vui vẻ. Hãy nhìn vào nửa ly đầy, đừng cố soi mói, bóc mẽ những thứ cần giấu đi.. Không than thở, chê bai hay đổ lỗi cho người khác. Rèn luyện cho mình một lối sống lành mạnh sẽ làm bạn cảm thấy yêu đời hơn. Những nhìn nhận về cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.

Dành thời gian trò chuyện cùng những người bạn

Cuộc sống đô thị ngày càng phát triển kéo theo tỷ lệ người cao tuổi mắc trầm cảm tăng theo. Người cao tuổi dần thiếu đi sự sẻ chia, giao tiếp từ trong gia đình. Chốn thành thị đông đúc nhưng cách biệt cũng hạn chế người cao tuổi có cơ hội giao tiếp với xã hội mà dành phần lớn thời gian ở nhà. Bởi lẽ đó, xu hướng trầm cảm tăng cao không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Người cao tuổi ở trong Viện dưỡng lão đang trở thành xu hướng. Xu hướng của một tuổi già vui vẻ, lạc quan hơn. Viện dưỡng lão là nơi tề tựu rất nhiều những người cao tuổi, cùng nhau sinh hoạt, chung sống. Ngày nào các cụ cũng được trò chuyện với những người bạn đồng trang lứa, được kết bạn với người này người kia. Được nghe những câu chuyện của các cụ khác kể. Cuộc sống cứ thế mà bớt đi sự nhàm chán, u tối.

Quên đi tuổi tác, luôn sống với chính mình

Chúng ta không thể phủ nhận rằng mình đang già đi. Nhiều người còn bị tự ái, tức giận khi người khác nói mình già. Hay có người thì lo sợ rằng mình già rồi làm cái này cái kia không phù hợp. Tại sao chúng ta không bỏ qua hết những lời nói, những định kiến và làm những việc mình thích. Chúng ta đã sống cả đời phải để ý đến lời nói của người khác rồi, tại sao khi về già không sống cuộc sống mà mình mong muốn. Cứ mặc kế tuổi già, mình cứ làm những việc mình thích. Cuộc sống về già hãy cứ sống trong niềm vui, niềm hạnh phúc của chính mình.

Tập trung trí não

Để tâm trí luôn minh mẫn, hãy thêm vào những trò chơi cần sử dụng sự linh hoạt, khéo léo và sự tập trung trong hoạt động hằng ngày. Các trò chơi như rút gỗ, xếp hình, lật tranh,… là những trò chơi được các bạn điều dưỡng ở Diên Hồng thêm vào hoạt động hằng ngày cho các cụ đang an dưỡng tại đây. Ngoài ra, có trò chơi vận động cần sự tập trung như bắn súng, ném bóng vào rổ,… cũng là những trò chơi quen thuộc tại Diên Hồng. 

Xem thêm

Bộ ảnh Ngày 20/10 của các cụ cho thấy phụ nữ dù độ tuổi nào vẫn sống như đóa hoa

Là phụ nữ, nhất định phải sống như một đóa hoa, dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ tỏa hương và rực rỡ.

Đó là thông điệp và cũng là lời chúc mừng của cán bộ nhân viên Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng gửi tới các cụ bà đang an dưỡng tại trung tâm nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Trong dịp lễ đặc biệt tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị dành tặng các cụ. Trong đó có hoạt động chụp ảnh kỷ niệm để giúp các cụ bà lưu giữ những khoảnh khắc vui vẻ, rạng rỡ bên những người bạn già của mình.

Hình ảnh vui cười hạnh phúc, đáng yêu của các cụ bên người bạn già của mình

Bên cạnh đó, các cụ bà còn nhận được những món quà, những chiếc thiệp xinh xinh tự gấp đầy màu sắc từ các cụ ông và các bạn nhân viên nhân ngày 20/10. Những món quà nhỏ xinh chứa đựng trong đó là những yêu thương dành cho các cô, các bà đang an dưỡng tại trung tâm. Tuy chỉ là món quà nhỏ, những lời nói yêu thương mộc mạc, không hoa mỹ nhưng cũng đủ làm các bà vui vẻ cả ngày.

Món quà nhỏ xinh các cụ nhận được nhân dịp 20/10

Ngoài ra, để chúc một nửa thế giới mãi xinh tươi rạng rỡ, các cụ ông đang sống tại Dưỡng lão Diên Hồng đã tham gia tranh tài giành giải “quý ông hoàn hảo”. Cuộc thi được tổ chức không chỉ là sân chơi bổ ích dành cho người cao tuổi, tăng sự gắn kết, vận động, mà đây còn là dịp để các cụ ông gửi tặng những lời tri ân tới các cụ bà, nữ nhân viên điều dưỡng nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Dưới đây là những hình ảnh vui vẻ, hạnh phúc của các cụ nhân dịp 20/10.

Theo An An/ Giadinhmoi.vn

Xem thêm

Xu hướng người cao tuổi chủ động “đón tuổi già” ở Viện dưỡng lão

Ngấp nghé tuổi 80, vì không muốn phụ thuộc vào con cháu, bà Hội (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) đã tìm đến một cơ sở dưỡng lão ngay trong nội thành để được chăm sóc phù hợp.

Quyết định của bà được đưa ra sau khi hoàn thành trách nhiệm chăm con cháu, người cháu ngoại lớn nhất của bà vào Đại học. Chia sẻ với nhóm phóng viên, bà Hội cho hay: “Nếu tôi ốm đau, con cháu đi làm, đi học cũng không yên tâm. Tôi còn khỏe, tôi chủ động. Tôi vào đây để đảm bảo sinh hoạt vẫn bình thường, không bị xáo trộn, căng thẳng gì cả.”

Bà bắt đầu buổi sáng hàng ngày bằng 56 động tác dưỡng sinh – bài tập phù hợp với sức khỏe mà bà ghi nhớ sau nhiều năm tham gia câu lạc bộ tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Bữa sáng trong ngày được phục vụ đến từng phòng để đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi, tránh các bệnh lây nhiễm. Thời gian còn lại trong ngày, bà có “bạn cùng phòng” để trò chuyện, hoặc tham gia các sự kiện mà trung tâm dưỡng lão tổ chức. Bà Hội cũng mang theo tràng hạt để niệm kinh Phật, cho tâm thanh thản.

Tuy cũng mắc bệnh lý tuổi già như mỡ máu cao, tăng huyết áp, xương khớp, bà Hội vẫn còn minh mẫn, dẻo dai ở tuổi 79. Vì thế, bà chọn dịch vụ phòng sinh hoạt chung với 2 người bạn khá khỏe mạnh khác tại cơ sở 3, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (tại Hoàng Mai, Hà Nội). Hàng tháng, bà vẫn về nhà tại Thanh Nhàn để lĩnh lương hưu và khám bệnh theo sổ bảo hiểm. Đặc biệt, các hoạt động tại khu dân cư như Hội người cao tuổi, Hội Phụ nữ, bà vẫn đóng góp đều đặn.

Cũng có câu chuyện gần giống với bà Hội, bà Hồng (83 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm) vốn sống cùng con gái và con rể. Tuy nhiên, bà tự đăng ký vào viện dưỡng lão vì vào đây có khuôn viên riêng của mình, không phụ thuộc vào con cháu. Bà đánh giá cơ sở dưỡng lão này ngang “khách sạn 3 sao”: “Vào đây cũng có cái vui của nó. Ba bốn bà ở với nhau, đêm hôm có vấn đề gì thì bà nọ hỗ trợ bà kia. Có thể bấm chuông gọi điều dưỡng lên, các cháu phục vụ cũng chu đáo.”

Bà Hồng từng tham gia một cơ sở dưỡng lão khác trên địa bàn Hà Nội, nhưng lại bị gò bó rất nhiều. Theo lời kể của bà, cơ sở đó không cho bật điều hòa khi nhiệt độ không quá 35 độ C. Giấy vệ sinh, người già và gia đình phải tự chuẩn bị. Những quy định cứng nhắc này khiến bà rời đi chỉ sau 1 tháng sinh hoạt.

Tuy nhiên, từ khi tham gia cơ sở 3 của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, bà đã gắn bó gần 1 năm rưỡi, và chưa có dấu hiệu “muốn về nhà”. Hàng tháng, trung tâm sẽ tổ chức sinh nhật cho các ông bà, các buổi giao lưu với nhà chùa, đôi khi đón các đoàn thiện nguyện đến thăm và động viên.

Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn cấu trúc dân số già được dự đoán kéo dài trong 28 năm (2026-2054). Khi ấy, tỷ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng đè lên vai những người chăm sóc như con, cháu càng nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các gia đình đều có ít con, thậm chí nhiều gia đình chỉ có một con. Bà Hội và bà Hồng đều có lương hưu, nên có thể chủ động lựa chọn gửi gắm mình cho một cơ sở dưỡng lão có tâm.

Tuy nhiên, không phải người cao tuổi nào cũng còn tỉnh táo, minh mẫn khi vào viện dưỡng lão. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, tại cơ sở 3 của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, người cao tuổi tham gia có độ tuổi đa dạng, hoàn cảnh và sức khỏe cũng khác nhau. Đa phần các cụ có bệnh của người cao tuổi, từ tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người đến sa sút trí tuệ tuổi già, Alzheimer. Chăm sóc những đối tượng đặc biệt này, cần phải theo dõi sát sao và xử lý kịp thời – việc mà người thân, con cháu không có chuyên môn khó có thể đảm nhiệm tốt.

Theo quan niệm về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới, việc duy trì các quan hệ xã hội trong quãng đời của tuổi xế chiều có tính chất vô cùng quan trọng. Tình cảm bạn bè và tương tác xã hội góp phần làm cho cảm xúc được phong phú, mang lại sự thoải mái và niềm hạnh phúc cho con người.

Bên cạnh chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, người cao tuổi tại Diên Hồng còn được quan tâm đặc biệt về sức khoẻ tinh thần qua các hoạt động xã hội. Đại diện của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết: “Thông qua các hoạt động mới mẻ, đa dạng hằng ngày và theo các dịp và ngày lễ, người già trong Diên Hồng dễ dàng lựa chọn được hoạt động yêu thích và tìm thấy những người bạn đồng điệu, hợp gu. Nhờ các hoạt động này, các ông bà có nhiều trải nghiệm ý nghĩa chưa từng có trong đời như giành huy chương Olympic, đạt danh hiệu Hoa hậu Cao niên, Quý ông Hoàn hảo, làm người mẫu ảnh…”.

Xem thêm

Cởi mở hơn với quan niệm “tuổi già vào viện dưỡng lão”

Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ gia nhập những quốc gia “siêu già”. Cùng với đó, việc chăm sóc người cao tuổi theo cách truyền thống “trẻ chăm già” dần thay đổi. Quan niệm “tuổi già vào viện dưỡng lão” của nhiều người đã cởi mở hơn.

Tự trả tiền vào viện dưỡng lão

Bà Nguyễn Thị Tiện (74 tuổi), quê ở Bắc Ninh, đang sống tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, cho biết: “Tôi ở đây được hơn 2 năm rồi, cuộc sống khá thoải mái. Mặc dù con cái ở gần nhưng tôi vẫn thích sống ở Trung tâm hơn. Ở đây, tôi cùng các bạn già đi tập thể dục, trò chuyện. Trước đây tôi phải ngồi xe lăn, giờ tôi khỏe hơn, được sống vui vẻ, vận động thoải mái nên đã đi lại được bình thường”. Bà Tiện cho biết, chi phí để sống ở Trung tâm hiện nay do tự bà chi trả.

Cũng “tự chủ tài chính” như bà Tiện, bà Lê Tuyết Hồng từng công tác ở Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), có tiền lương hưu và tự chi trả phí sinh hoạt tại nhà dưỡng lão. Bà Hồng chia sẻ: “Do tuổi cao, giờ giấc sinh hoạt cũng khác với người trẻ nên tôi quyết định vào nhà dưỡng lão. Con cái cũng không dư dả nên tôi không muốn trở thành gánh nặng cho con. Ở đây yên tĩnh, tiện nghi đầy đủ, thích làm gì là do mình, cùng xem ti vi với bạn già, cùng bình luận, trò chuyện. Thỉnh thoảng các con đón tôi về chơi, đi thăm bạn bè”.

Trung tâm Tuyết Thái có nhiều hoạt động phù hợp cho người cao tuổi

Ông Tạ Quốc Bảo (93 tuổi), ở Hà Nội, đang sống ở Viện dưỡng lão Từ Tâm, chia sẻ, cuộc sống ở viện yên tĩnh, xa thành phố ồn ào, xe cộ, không gian sống trong lành. Ông được chăm sóc sức khỏe, ăn uống, bồi bổ.

Diện mạo thị trường nhà dưỡng lão sẽ khác?

Theo bà Hồ Thanh Ngọc Uyên, Viện trưởng Viện dưỡng lão cao cấp Từ Tâm S-Merciful Hà Nội, trước đây, nhiều người quan niệm chỉ có người bất hạnh, bị con cái bỏ bê, hắt hủi mới vào viện dưỡng lão. “Vì vậy, chúng tôi đã cho ra đời mô hình viện dưỡng lão cao cấp với môi trường nghỉ dưỡng, dưỡng lão an tâm và hạnh phúc dành cho người cao tuổi”. Người dưỡng lão tại S-Merciful được chăm sóc sức khỏe toàn diện với hệ thống phòng khám Đông y, phòng Vật lý trị liệu chất lượng cao. Ngoài ra, viện còn có các tiện ích khác như: tập yoga, thiền, trà đạo, spa, bể bơi, rạp chiếu phim, siêu thị, xông hơi…

Viện dưỡng lão cao cấp Từ Tâm S-Merciful có nhiều tiện ích dành cho người cao tuổi như spa, bể bơi…

Bà Hồ Thanh Ngọc Uyên nhận định, khoảng 10 năm nữa, diện mạo thị trường dưỡng lão tại Việt Nam sẽ khác, đặc biệt là phân khúc viện dưỡng lão cao cấp kết hợp giữa nghỉ dưỡng và dưỡng lão.

Phân tích xu hướng phát triển của viện dưỡng lão ở Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Trần Hồ Thắng, Tổng Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, cho rằng, những người đang trong độ tuổi lao động sẽ có trách nhiệm chăm sóc trẻ nhỏ nhưng chăm sóc người cao tuổi lại không dễ dàng, bởi chăm sóc người cao tuổi liên quan đến sức khỏe nhiều hơn.

Sự thay đổi của cơ cấu gia đình Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con, tất cả đều tác động đến quan niệm của người con đối với việc đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão. Bản thân nhiều người già hiện nay cũng muốn tự hoạch định tương lai của mình. Có nhiều người chưa cao tuổi nhưng đã chọn viện dưỡng lão làm nơi an dưỡng tuổi già do nhu cầu được tâm sự, chia sẻ, giao lưu…

Người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, việc thành lập trung tâm, viện dưỡng lão hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về địa điểm, chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi lợi nhuận mỏng. Ngoài ra, những người vào viện dưỡng lão thường có nhiều bệnh. Điều này kéo theo gánh nặng chi phí về y tế cho viện.

Với mong muốn có một nơi sống an lành cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết thành lập Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Tuyết Thái trên diện tích hơn 7 nghìn mét vuông tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi tại Trung tâm tự trang trải chi phí chiếm khoảng 20%, còn 80% là phụ thuộc vào con cái. Bà Tuyết mong muốn được nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. “Hiện nay, chúng tôi phải thuê nhà của dân để làm. Quỹ đất để xây nhà dưỡng lão thực sự là một khó khăn mà nhiều người muốn làm trung tâm dưỡng lão nhưng chưa làm được”, bà Bạch Tuyết nói.

 

Xem thêm

Dí dỏm, hài hước qua bộ ảnh ‘Già có gì vui’ ở viện dưỡng lão

 Bộ ảnh “Già có gì vui?” của các ông bà ở viện dưỡng lão muốn nhắn nhủ tới những người cao tuổi, hãy tận hưởng tuổi già bởi cuộc sống còn nhiều niềm vui mà đôi khi chúng ta không nhận ra.

Sợ tuổi già là nỗi sợ không của riêng ai vì đây là độ tuổi phải thường xuyên đối diện với các vấn đề như ốm đau, sức khỏe suy giảm và nhiều biến chứng sinh hoạt khác. Tuy nhiên, con người lại quên mất rằng, tuổi già cũng có những giá trị tích cực riêng mà chỉ tới khi đó người ta mới cảm nhận trọn vẹn được hết ý nghĩa của độ tuổi này.

Đó là sức mạnh và khả năng sống sót, chiến thắng mọi thăng trầm và thất vọng, thử thách và bệnh tật mà ở những lứa tuổi trẻ hơn không có được. Những nụ cười rạng rỡ, những câu trả lời hết sức hóm hỉnh, đáng yêu của các cụ đang sống ở Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, trong bộ ảnh “Già có gì vui?” là minh chứng rõ nét cho điều đó.

“Thoải mái đi chơi cờ, không sợ vợ gọi về”, lời chia sẻ hài hước, hóm hỉnh của cụ Đặng Thịnh đã nói đúng mong muốn của rất nhiều đàn ông Việt Nam hiện nay.

Dù khác nhau nhiều thế hệ nhưng suy nghĩ của các cụ cũng vẫn có điểm tương đồng với tiếng lòng của các bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi.

Ngay sau khi bộ ảnh được đăng tải, rất nhiều tài khoản đã để lại dòng bình luận dưới bài viết.

Tài khoản Nhật Trung bình luận: “Đây là những điều mà ngày còn trẻ, những người ông người bà ấy vẫn chưa làm được trọn vẹn! Thương”.

“Chúc tất cả các ông bà cao tuổi nhiều sức khỏe, luôn lạc quan, yêu đời”, tài khoản Thúy Nga viết.

Tài khoản Tam Ba chia sẻ: “Nhìn các cụ như này thấy yêu đời và có năng lượng cảm hứng của tuổi già”.

Hiện bộ ảnh vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều lượt tương tác và bình luận trên các trang mạng xã hội.

Đằng sau nụ cười ấm áp là cả những nỗi niềm riêng

Chia sẻ với VTC News, chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết, mỗi cụ đến với Diên Hồng đều có một câu chuyện đời riêng, có cụ luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại, cũng có cụ vẫn còn nhiều trăn trở về tương lai.

Trong đó, cụ Vũ Thị Dành phải trải qua một thời tuổi trẻ đầy khó khăn và phải cố gắng nỗ lực vươn lên rất nhiều. Đến khi con cái đều thành đạt, cụ đã bán nửa mảnh đất của mình để tự chi trả chi phí trong viện dưỡng lão mà không cần các con phải lo.

Đối với những người cao tuổi, chỉ khi về già họ mới không phải lo toan về cuộc sống và được thực sự làm những gì mình thích như: đan len, nghe Kinh Phật… Ban đầu, nhiều cụ vào viện dưỡng lão Diên Hồng trong tâm thế “phải vào” để các con yên tâm nhưng sau một thời gian sống ở đây, được truyền cảm hứng từ các những người cao tuổi lạc quan khác và tham gia chuỗi các hoạt động ý nghĩa tại trung tâm nên các cụ thay đổi rất nhiều.

Với tôn chỉ mục đích hoạt động của viện là luôn cổ vũ các cụ “sống lại thanh xuân”, đến giờ, có cụ được các con đón về thì lại không chịu về hoặc nếu về thì cũng đầy tiếc nuối những kỷ niệm và mối quan hệ tốt đẹp ở Diên Hồng. Nhiều ông bà còn là những tấm gương sáng về tinh thần vui vẻ, lạc quan, yêu đời và ứng xử văn minh để những người trẻ ở đây học hỏi và noi theo.

Trải qua nhiều gian khó trong cuộc sống, cụ Dành dành trọn quãng đời của còn lại của mình để sống cho bản thân mình.

Thông điệp ấm áp tình người

Nói về ý tưởng của bộ ảnh, chị Hoàng Thị Thu Ngân cho hay, bộ ảnh này đến với chị một cách rất tình cờ và thú vị. Trong một lần đọc cuốn sách “Bà ơi, nhanh lên!” của tác giả Arend van Dam và Alex de Wolf cho con nghe, có một câu hỏi trong sách khiến chị vô cùng ấn tượng, đó là nhân vật cháu hỏi người bà của mình: “Khi già đi thì có vui không ạ?”.

Ngay sau đó, người bà trả lời rằng: “Vui thì có vui, nhưng già đi cũng đòi hỏi cháu phải rất nhẫn nại luôn ấy”. Vì thấy đoạn này ý nghĩa quá nên chị Ngân mới đi hỏi các cụ ở trung tâm của mình câu hỏi đó xem “Già có gì vui?”.

“Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lúc được hỏi lần đầu tiên, tất cả các cụ đều vô cùng ngạc nhiên, vẫn còn lúng túng, sau đó mới bắt đầu ngẫm nghĩ nhưng cũng chưa biết gọi tên cụ thể những điều ấy ra là gì. Nhưng khi được hỏi lại thì các cụ mới thấy hóa ra già đi lại có nhiều cái vui như thế mà trước giờ không nhận ra”, chị Ngân bồi hồi chia sẻ.

Qua đó, bộ ảnh muốn nhắn nhủ tới chính các cụ đã tham gia trả lời câu hỏi nói riêng, những người cao tuổi khác trong và ngoài viện dưỡng lão nói chung, hãy tận hưởng tuổi già của mình bởi cuộc sống này vẫn còn rất nhiều niềm vui mà đôi khi chúng ta không nhận ra. Mong rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các ông bà sẽ luôn lạc quan và yêu đời để có một tuổi già hạnh phúc và sinh động.

Ngoài ra, thông qua bộ ảnh, chị Ngân cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng hãy luôn luôn nỗ lực không ngừng từ bây giờ để chuẩn bị sẵn sàng cả về tài chính và trải nghiệm cho tuổi già để sau này khi về già không còn điều gì phải hối tiếc.

Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng trong bộ ảnh “Già có gì vui?”:

Khi về già, các cụ được sinh hoạt giờ giấc thoải mái mà không bị ai làm phiền hay quấy rầy như hồi trẻ.

Không còn nỗi lo cơm áo gạo tiền và áp lực từ công việc, chỉ còn những giây phút tận hưởng cuộc sống một cách yên bình.

Cụ Tích yêu cả những nếp nhăn.

Được thoải mái giải trí mỗi ngày, liệu tuổi già còn đáng sợ nữa hay không?

Ở tuổi già, con người ta được sống là chính mình mà không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh.

Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, hãy trân trọng những gì chúng ta đang có và đón nhận nó một cách tích cực.

Theo Minh Anh – VTC News

 

 

Xem thêm