Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All posts by Thu Hà

Diên Hồng rộn ràng chuẩn bị đón trung thu với hoạt động làm bánh dẻo thuần chay

Trăng rằm tháng Tám

Sáng tỏ như gương

Tròn như chiếc bánh

Treo trên đỉnh trời”

Bước sang tháng 8, cả Diên Hồng lại tất bật chuẩn bị cùng các cụ đón trung thu. Nào là làm đèn lồng, trang trí góc check in trung thu, rồi tập văn nghệ để biểu diễn vào ngày tổ chức,… Không khí trung thu ở ngoài nhộn nhịp, rộn ràng thế nào thì ở Diên Hồng, các cụ cũng đang được hưởng bầu không khí y hệt thế, ai cũng rất háo hức chờ đón Trung thu, chờ đón đêm trăng rằm được rước đèn, phá cỗ.

Trung thu là tết đoàn viên, là dịp để cùng nhau quây quần. Viện dưỡng lão giờ đây như một ngôi nhà thứ 2 của các cụ, là nơi có những người con, người cháu cùng những người bạn già gắn kết như một gia đình. Gần đến Trung thu, các cụ được tham gia buổi làm bánh trung thu với những nguyên liệu do chính tay chị Hằng – kế toán trưởng của Diên Hồng chuẩn bị. Trung thu là phải gặp chị Hằng. Năm nào, chị Hằng cũng cùng các cụ làm ra những chiếc bánh dẻo xinh xắn, trắng ngần để chuẩn bị cho mâm cỗ ngày rằm. 

Từ công đoạn lựa chọn nguyên liệu đến làm nhân, làm nước đường bánh dẻo đều được chị Hằng tự tay chuẩn bị. Các dụng cụ để các cụ làm cũng được lau bằng cồn trước khi xếp ra bàn để chiếc bánh làm ra có thể có chất lượng tốt nhất. Có rất nhiều hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu cho các cụ lựa chọn như hình trái tim, hình con thỏ, con cá, hình ô tô,… Những chiếc bánh bé bé xinh xinh được các cụ cẩn thận làm theo hướng dẫn của chị Hằng. Đôi bàn tay run run cố gắng để vo nhân thật tròn, thật đều nhau. Phần vỏ thơm thơm hương hoa bưởi bọc lấy từng viên nhân đầy màu sắc rồi được các cụ khéo léo ép vào khuôn. 

Các cụ vừa làm bánh, vừa trò chuyện rôm rả. Người thì kể về trung thu ngày xưa ra sao, người thì kể về hồi nhỏ mình cũng từng háo hức chờ đón trung thu như thế nào. Những câu chuyện bình dị, gần gũi như kết nối các cụ lại với nhau. Một không khí trung thu đầm ấm, sum vầy ngại tại Viện dưỡng lão, nơi mà có rất nhiều những người xa lạ lần đầu gặp gỡ rồi cùng nhau thân thiết.

Chẳng mấy chốc mà quen tay, những chiếc bánh dẻo trắng ngần, xinh xắn đã nằm gọn trong từng chiếc hộp đựng để sẵn sàng đóng gói. Những chiếc bánh trung thu đã hoàn thiện, sẵn sàng đưa lên mâm cỗ ngày rằm. 

Cầm chiếc bánh dẻo mình tự làm trong tay, khóe môi các cụ tự động nhếch lên. Bà Nguyệt được thưởng thức bánh thì thích lắm, cứ khen sao bánh ngon thế, thơm thế. Mỗi cụ lên làm bánh ở cơ sở 4 sẽ được cầm 1 chiếc bánh do chính tay mình làm về để thưởng thức. Về đến tầng, ông Kiên đã bóc bánh chia cho người bạn cùng tầng, bà ngồi xe lăn, vận động khó khăn nên không thể lên làm bánh cùng các cụ khác. Thế mới thấy, ở cùng nhau lâu ở viện dưỡng lão, các cụ lại có thêm những người bạn mới, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau chia sẻ những tâm tư tuổi già.

Xem thêm

Workshop “Khi các cụ vẽ Trung Thu” đầy màu sắc

Trong cuộc sống bộn bề với bao lo toan, căng thẳng, áp lực, con người ta thường tìm rất nhiều những cách khác nhau để xoa dịu tâm hồn. Có người lựa chọn giải trí bằng những trò chơi, có người lựa chọn đi du lịch, có người lại lựa chọn tìm về một niềm đam mê gì đấy đã ấp ủ từ lâu. Hội họa cũng là một trong những phương pháp được người ta sử dụng để cân bằng lại cuộc sống. Giống như những họa sĩ tại câu lạc bộ “Tôi vẽ” đã tìm đến hội họa để viết tiếp những giấc mơ còn dang dở.

Sau buổi triển lãm “Tôi vẽ – Những giấc mơ màu”, các họa sĩ được truyền nguồn cảm hứng rất lớn khi được tiếp đón các cụ tại Diên Hồng đến tham dự triển lãm. Các cụ cũng trầm ngâm trước những bức vẽ và tỏ lòng mong muốn về một dịp có thể được ngồi bên khung tranh, vẽ tranh như những họa sĩ. Và để những mong ước của các cụ trở thành sự thật, nhóm họa sĩ của câu lạc bộ “Tôi vẽ” đã đến Diên Hồng cơ sở 2 và thực hiện một buổi workshop với tên gọi “Khi các cụ vẽ Trung Thu” dành cho các cụ.

1 tiếng trước khi buổi workshop diễn ra, các họa sĩ tất bật chuẩn bị dụng cụ, màu vẽ, đèn lồng cho các cụ. Buổi workshop có phần hơi đặc biệt vì các cụ sẽ không vẽ lên giấy mà trang trí trực tiếp lên những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc. 14h30, các cụ đã lên ngồi kín xung quanh bàn vẽ. Với sự hỗ trợ của các họa sĩ cùng các bạn điều dưỡng viên, rất nhiều những tác phẩm đã được ra đời. Những nét vẽ run run, những ngón tay co quắp vẫn cố gắng cầm bút thật chắc để vẽ. Những màu sắc dần hiện lên trên những chiếc đèn lồng.

Bà Biển lên hội trường từ sớm để chờ đến giờ bắt đầu. Ở độ tuổi 93, bà vẫn còn rất khỏe mạnh, rất vui vẻ và yêu đời. Bà thích tham gia các hoạt động lắm nên khi nghe có workshop xịn sò, còn được tổ chức dưới sự hướng dẫn của các họa sĩ, bà hồi hộp và hào hứng lắm. Bà rất tập trung vào tác phẩm của mình, tự tay bà tô lên những mảng màu sắc tươi sáng cho chiếc đèn lồng. Bà cứ vừa vẽ lại vừa giơ lên ngắm nghía xem đã đẹp chưa, có cần thêm gì nữa không. Bà Sao Mai ngồi bên cạnh cũng rất chăm chú. Khi các cụ ca 1 về hết rồi thì bà vẫn ngồi 1 bàn riêng trước cửa phòng và tiếp tục vẽ lên những hình khối đầy màu sắc.

Bà Tuyết ngồi xe lăn, cơ thể cũng không còn linh hoạt nhưng bà vẫn cố gắng cầm bút vẽ những bông hoa trên đèn lồng. Ông Đô cũng cần sự hỗ trợ của các họa sĩ để hoàn thành việc trang trí chiếc đèn lồng của mình. Những vết màu nguệch ngoạc, không đều nhau nhưng lại làm ông vui vẻ, tự hào khi nhìn lại.

Mỗi người đều mang một giấc mơ riêng, đều mang một sự khao khát riêng khi tìm đến thế giới màu sắc. Những giấc mơ đầy màu sắc đã kết nối những họa sĩ không chuyên lại với nhau và từ tình yêu màu đó, họ đã mang đến cho các cụ ở Diên Hồng một kỷ niệm tuyệt vời.

Xem thêm

Bùng nổ cùng vòng Chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng Diên Hồng – DienHong’s Got Talent

Từ vòng bán kết, Tìm kiếm tài năng Diên Hồng – DienHong’s Got Talent đã trở thành một sự kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm đến từ những người theo dõi Diên Hồng. Lần đầu tiên Diên Hồng có một sự kiện rất mới lạ, rất độc đáo. Những khách mời tham dự vòng chung kết không khỏi bất ngờ với những tiết mục đang diễn ra trên sân khấu lúc bấy giờ. Vòng chung kết này có gì thú vị, cuộc thi này có gì hấp dẫn mà lại làm các cụ tham gia thi cũng như khán giả theo dõi lại thích thú đến như thế?

Có điều gì thú vị ở vòng chung kết mà các Giám khảo cũng thích thú đến thế?

Sự dày công tập luyện của các đội thi đã làm nên một vòng chung kết cháy hơn bao giờ hết. Không thể tin được ở độ tuổi đấy, các cụ lại tài năng như thế, vui tươi, trẻ khỏe như thế. 12 đội thi với 12 tiết mục trình diễn mãn nhãn, hát có, múa có, võ thuật có, thời trang có,… Rất nhiều những cảm xúc đã được thay đổi trong suốt cả quá trình diễn ra buổi thi. Có những giọt nước mắt đã rơi vì xúc động, vì bất ngờ khi tuổi già nhưng ông bà vẫn còn rất năng động, rất tài năng.

Từ cơ sở 5 xa xôi, đội thi của bà Hà và ông Bùi Hiền cũng có mặt đúng giờ để chuẩn bị cho phần thi của mình. Mặc một chiếc váy lấp lánh, bà Hà tự tin bước lên sân khấu, chân đi đôi giày được Giám đốc cơ sở 5 mua riêng tặng bà. Bà yêu khiêu vũ, yêu những điệu nhảy. Khiêu vũ lại còn được mặc đẹp, nên bà thích lắm. Nhưng tuổi già rồi, bà bị tiền đình, cơ thể cũng chậm chạp hơn trước, bà không thể diễn hết bài nhạc được. Đứng cùng bạn diễn, bà vẫn rất tự tin, những cú xoay có đôi phần loạng choạng nhưng khán giả phía dưới vẫn vỗ tay rầm rầm. 

Bà Hà cùng bạn diễn tự tin với những bước nhảy trên sân khấu

Đội Họa Mi Xanh của chú Lê Mạnh Cường và bạn Vy với bài hát Gặp nhau giữa rừng mơ là một trong 3 đội thi đại diện cho cơ sở 3 tham gia vào chung kết. Ngày mới vào Diên Hồng, chú Cường phải ngồi xe lăn, đôi chân của chú gần như không cử động được. Chú tham gia thi Olympic Diên Hồng năm 2023 và giành giải Nhất trong phần thi đua xe lăn. Khỏi phải nói chú tự hào, vui sướng thế nào. Lúc ấy nếu ai hỏi chú tên gì, chú sẽ tự hào bảo chú là chú “Cường xe lăn”. Vậy mà sau thời gian tập luyện phục hồi cùng bác sĩ tại trung tâm, giờ đây chú đã có thể thay thế chiếc xe lăn bằng chiếc gậy ba ton, cứ thế chầm chậm bước từng bước một.

Giọng hát cùng sự phối hợp của chú Cường và bạn diễn đã giúp chú giành được vé tham dự chung kết

Có lẽ vì lo lắng, vì hồi hộp khi đứng trước nhiều người nên phần hát của chú Cường trong buổi chung kết có phần không tốt lắm. Bình thường vui vẻ là thế, nhưng vì lỗi sai của mình trong phần thi mà chú cứ áy náy mãi, chú sợ vì chú mà ảnh hưởng đến kết quả chung của cả đội. Nhưng các bạn thi cùng đội đã kịp trấn an chú, mãi mới thấy cơ mặt chú giãn ra. Dù thế nào thì tiết mục của chú, sự nỗ lực của chú cũng đã rất tuyệt vời, dù không được giải chú cũng có thể tự hào vì những nỗ lực của mình để đi được đến vòng chung kết.

Bà Dung của đội Hương Xuân cũng mang đến cho buổi thi một trận cười khoái chí với tiết mục Lý trưởng – Mẹ đốp. Những câu nói dí dỏm, những điệu bộ của ông Lý trưởng được bà thể hiện nom rất hài hước, rất có tính giải trí. Sự kết hợp ăn ý với bạn diễn khiến tiết mục của bà thêm phần vui nhộn, đặc sắc.

Bà Dung trong vai Lý trưởng với giọng điệu hống hách nhưng dí dỏm, hài hước

Hai tiết mục trình diễn thời trang của cơ sở 1 và 2 lại một lần nữa làm BGK cũng như khán giả ngồi dưới bất ngờ với những bộ trang phục lộng lẫy. Những chi tiết trên bộ trang phục như từng cái quạt giấy hay bộ cánh trong bộ trang phục làm bằng báo giấy của đội thi cơ sở 1 như là một bộ trang phục được các hoa hậu mặc trong phần thi trang phục dân tộc. Mỗi bộ trang phục đều được chăm chút, chỉn chu để tạo nên một màn trình diễn thật mãn nhãn.

Đội Hòa bình đến từ cơ sở 1 với các thiết kế độc đáo, sang trọng

Đội Trở lại thanh xuân mang đến những thiết kế trang phục dạ hội lộng lẫy, bồng bềnh

Quá trình chuẩn bị cho cuộc thi trải qua rất nhiều gian nan. Vì đối tượng thi là có các cụ nên đôi khi các cụ mệt, các cụ về nhà chơi, các cụ không thích thi nữa,… làm quá trình chuẩn bị của các đội thi không hề dễ dàng. Nhưng có những cụ lại rất chủ động tập luyện như ông Viễn cơ sở 3 tự biên đạo bài múa, tự chọn bạn diễn, bà Dung cơ sở 4 tự chọn tiết mục thi chung kết, tự chuẩn bị trang phục và rất chăm chỉ tập luyện để phần tiểu phẩm của bà lúc lên sân khấu không hề vấp một tí nào.

Phần thi đầy tâm đắc của ông Viễn và bạn diễn

Những câu chuyện đầy tính nhân văn trong tiểu phẩm của ông Việt và các bạn trong đội

Bà Hiển cũng chuẩn bị một nồi bột bánh cuốn thật cẩn thận để thi vòng chung kết. Bánh cuốn 60 năm tuổi có tiếng ở Hà Nội có khác, ai ăn cũng tấm tắc khen vì nước chấm truyền thống từ tôm, nấm hương và đậm vị thịt, đặc biệt làm nên hương vị khó quên.

Hàng bánh cuốn vỉa hè dân dã nhưng lại mang hương vị khó quên

Mỗi tiết mục mang đến cuộc thi đều được các đội thi dày công chuẩn bị. Có lẽ vì thế nên tiết mục nào cũng hay, cũng đặc sắc. Là người thành lập nên Diên Hồng, anh Đỗ Trần Hồ Thắng (Tổng Giám đốc công ty cổ phần Diên Hồng Hà Nội) không khỏi xúc động khi nhìn thấy những tiết mục của các cụ trên sân khấu, nhìn thấy sự phát triển của Diên Hồng và nhìn thấy Diên Hông là nơi mang đến cho các cụ một tuổi già thật ý nghĩa.

Ông Đức là Việt Kiều Canada nhưng vẫn không quên những món đồ chơi dân gian quen thuộc

Ông Bùi Hiền mang những tâm huyết về việc nghiên cứu chữ của ông đến với cuộc thi

Đội võ thuật độc đáo với cách tiếp cận mới lạ

Đội Ba cô nàng vui nhộn với những điệu nhảy sôi động

Không chỉ mang lại những giá trị tinh thần cho người cao tuổi, cuộc thi cũng giúp các thành viên trong tập thể gắn kết với nhau hơn, gắn kết với người cao tuổi hơn. Diên Hồng tuy nhiều bạn trẻ, nhưng ai cũng một lòng vì sự nghiệp chăm sóc người cao tuổi, ai cũng coi người cao tuổi như những người thân trong gia đình. Vậy nên, người cao tuổi ở Diên Hồng là những người cao tuổi hạnh phúc.

Xem thêm

Người cao tuổi cần một cơ hội để tỏa sáng

Viện dưỡng lão Diên Hồng được nhiều người biết đến qua các bộ ảnh đáng yêu của các cụ, cũng được biết đến là nhà dưỡng lão vui vẻ với rất nhiều hoạt động dành cho người cao tuổi. Dù là mới bước vào tuổi già hay những cụ ở tuổi hiếm U100 cũng đều sẵn sàng bước lên sân khấu để một lần nữa tỏa sáng.

Ngày chuẩn bị để phát động cuộc thi, BTC cũng rất lo lắng không biết sự kết hợp giữa người cao tuổi và nhân viên Diên Hồng có ổn không, không biết các cụ có muốn tham gia không. Thế mà vừa phát động cuộc thi, ông Viễn cơ sở 3 đã làm cho tất cả mọi người bất ngờ vì sự chăm chỉ, nhiệt huyết của ông. Là một cựu giảng viên múa của trường Sân khấu điện ảnh, ông Viễn mang trong mình một tình yêu nghệ thuật, tình yêu đối với nghề múa. Dù bây giờ ông có tuổi rồi, những bước đi cũng thận trọng hơn nhưng khi nghe tin có cuộc thi tài năng, ông đã tự chuẩn bị nhạc rồi biên đạo và lựa chọn bạn diễn cùng.

Sau khi đổi rất nhiều bạn diễn, cuối cùng ông Viễn cũng chọn được bạn diễn ưng ý

Vì là cuộc thi tài năng nên các tiết mục dự thi cũng trở nên phong phú hơn, độc đáo hơn. Đội thi của cơ sở 1, 2 tái chế rác thành trang phục thời trang khiến khán giả bên dưới vỗ tay liên tục vì quá đẹp, quá độc lạ. Ông Ngà (người cao tuổi đang an dưỡng tại Diên Hồng 2) cũng tham gia với vai trò người mẫu đi trình diễn. Khoác trên mình bộ trang phục tái chế, đeo một chiếc kính râm trông thật thời trang cộng với những bước đi thật tự tin, chẳng ai nghĩ ông đã ở độ tuổi U100. Ông bảo ngày xưa làm bộ đội đi leo núi trèo đồi nhiều nên trộm vía đến bây giờ vẫn khỏe.

Những bộ trang phục tái chế của đội thi cơ sở 1

 

Bộ sưu tập thời trang tái chế phong cách dạ hội của đội thi cơ sở 2

 

Sau vòng bán kết tại cơ sở 1, tiết mục của ông Việt và đội thi của ông trở thành tâm điểm của sự chú ý vì diễn xuất cũng như sự đầu tư của ông. Ông Việt đã rời xa Diên Hồng hơn 8 tháng. Ngày mới vào, thần trí ông không ổn định, nhưng sau khoảng thời gian 2 năm ở Diên Hồng, ông đã ổn định và đã về nhà để chăm cháu giúp con trai. Nhà ông cũng ở Hà Đông, ngay gần cơ sở 1 nên thỉnh thoảng có sự kiện, mọi người lại mời ông lại vào chơi. Đang ở cùng các cụ, có người trò chuyện, giờ về nhà, ông cũng có phần lưu luyến. Từ hôm được các bạn điều dưỡng viên mời vào đội để cùng tham gia thi, ông ngày nào cũng đi xe vào trung tâm 2 lần để tập luyện kịp cho ngày thi bán kết. 

Ông Việt rất xúc động khi lại được quay trở lại Diên Hồng, cảm nhận không khí vui vẻ nơi đây

Để cho tiểu phẩm kịch thêm phần chân thực, ông đã xé rách một bộ quần áo để vào vai một người lang thang uống rượu. Sự phối hợp của ông cùng các cháu đã chạm đến cảm xúc của nhiều khán giả phía dưới và đã giúp đội ông có một vé tiến thẳng vào chung kết.

Phần thi cắm hoa của bà Dung và chị Hiền (điều dưỡng viên cơ sở 1)

Điệu nhảy sôi đông, tràn đầy năng lượng của đội bà Tòng (cơ sở 2)

Màn trình diễn võ thuật của đội thi cơ sở 3

Những món đồ chơi dân gian bằng lá cây được tạo ra bởi đội thi cơ sở 4

Tiết mục múa cùng quạt của đội bà Dung (cơ sở 4)

Vòng bán kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng Diên Hồng – DienHong’s Got Talent khép lại với rất nhiều những tiết mục đặc sắc, mang lại rất nhiều cảm xúc cho khán giả tham dự. Không phải người cao tuổi nào cũng chậm chạp, cũng trở nên u buồn, chán nản. Ở Diên Hồng, rất nhiều người cao tuổi có mong muốn được tham gia các cuộc thi, được thử sức mình ở các hạng mục khác nhau. Các cụ đôi khi còn năng động, say mê và đầu tư cho cuộc thi hơn cả các cháu.

Cuộc thi không chỉ giúp người cao tuổi thực hiện lại đam mê nghệ thuật nào đấy mà họ từng bỏ lỡ trong cuộc đời mà còn thể hiện sự tự tin và trình độ của mình khi bước lên sân khấu để tranh tài với các đội thi khác. Từ việc hát ca khúc nổi tiếng đến biểu diễn các bài múa, các động tác võ thuật, mỗi đội thi đều đã để lại ấn tượng sâu đậm trong trái tim khán giả.

Xem thêm

Người cao tuổi gặp khó khăn trong môi trường tập thể

Càng lớn tuổi, chúng ta càng trở nên thu mình lại, ít giao tiếp với bên ngoài hơn. Bạn bè đồng trang lứa ở tuổi này không còn nhiều, mà còn ít gặp, ít tiếp xúc. Người ta bảo tuổi già trái tính trái nết, vì về già, khi cơ thể không còn khỏe mạnh, chúng ta thường dễ cáu gắt hơn vì không còn cơ thể khỏe mạnh như trước, cũng trở nên ích kỷ hơn giống như quay lại là một đứa trẻ. Nhiều gia đình chia sẻ ba mẹ giờ già khó tính quá, ở nhà con cháu làm gì cũng không vừa ý. 

Nhu cầu gửi bố mẹ vào dưỡng lão ngày càng nhiều kéo theo sự ra đời của rất nhiều những viện dưỡng lão mới. Vào viện dưỡng lão, ba mẹ sẽ có thêm những người bạn già, sẽ được chăm sóc về cả thể chất và tinh thần, có thêm người trò chuyện, những người bạn thấu hiểu mình, các cụ có thể thấy tinh thần thoải mái hơn. Các trò chơi tại trung tâm cũng giúp các cụ gắn kết hơn, thân thiết hơn. Ở Diên Hồng, có rất nhiều những đôi bạn thân, các cụ vào đây, gặp nhau, trò chuyện, sinh hoạt cùng nhau và trở nên thân thiết. Như cặp đôi bà Thân và bà Nhật cơ sở 4, hai bà rất thân với nhau, đi đâu cũng gọi nhau đi, làm gì cũng phải có 2 người mới chịu. Nhìn 2 bà lúc nào ở gần nhau cũng cười nói vui vẻ, trông rất hạnh phúc. Hay cặp đôi ông Dũng và ông Thịnh ở cơ sở 2,  ông lúc nào ăn cơm cũng ngồi cạnh nhau, đi ra ngoài thì phải nắm tay nhau cùng đi để không bị lạc mất. Dù đi cùng cả đoàn, có sự điều phối và quan sát của các bạn điều dưỡng viên, nhưng trong chuyến tham quan Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam, 2 ông vẫn luôn nắm tay nhau từ lúc đi đến lúc về.

Đôi bạn thân ông Dũng và ông Thịnh (cơ sở 2) lúc nào cũng nắm tay nhau đi

Nếu người cao tuổi vào dưỡng lão ai cũng được như vậy thì tốt quá. Các cụ ở trong này cứ hòa thuận với nhau thì lúc nào cũng vui vẻ. Thế nhưng, không phải người cao tuổi nào cũng dễ tính và dễ hòa đồng. Ở dưỡng lão không chỉ có các cụ khỏe mạnh, minh mẫn. Có rất nhiều người cao tuổi bị lú lẫn, từ nhẹ đến nặng. Nhiều người cao tuổi bị lẫn nhưng ở mức độ nhẹ, gia đình đôi khi không thể nhận ra và không tin rằng ba mẹ mình bị như thế. Có cụ thì luôn kể về một chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi, có cụ thì luôn nghĩ rằng có người ăn trộm đồ của mình,… Khi các cụ ở trong môi trường tập thể, những nghi ngờ, những suy nghĩ của bản thân các cụ đôi khi sẽ gây ra những mâu thuẫn với các bạn cùng phòng, rộng hơn là các bạn cùng tầng.

Buổi chia sẻ về văn hóa ứng xử dành cho các cụ

Để giúp các cụ đưa ra cách giải quyết khi bị vướng và một cuộc tranh luận, cũng như để hiểu hơn về các giải quyết của các cụ, Diên Hồng đã tổ chức buổi thảo luận về Văn hóa ứng xử tại Viện dưỡng lão dành cho các cụ. Buổi chia sẻ được bạn Thanh Hải thuộc bộ phận Tham vấn tâm lý chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ các tình huống có thật tại Diên Hồng, các bạn đã làm thành một tiểu phẩm ngắn để minh họa lại cho các cụ dễ hiểu hơn. Buổi chia sẻ được các cụ rất thích, rất ủng hộ. Các cụ không ngại nói lên ý kiến cá nhân về tình huống này nên xử lý thế nào, tình huống kia thì phải làm thế nào mới đúng. Các buổi chia sẻ đều được các cụ thảo luận rất sôi nổi. Khi sống tại môi trường tập thể, đôi khi các cụ cũng sẽ không tránh khỏi những bất đồng, những lần cáu gắt với mọi người và những lần có thể bị kéo vào một sự việc nào đấy mà mình không mong muốn. 

Tình huống dễ hiểu, gần gũi cho buổi chia sẻ thêm phần vui vẻ

Các cụ rất hào hứng với chủ đề này

Ai cũng muốn chia sẻ quan điểm cá nhân của mình để tìm ta cách giải quyết cho tình huống được đưa ra

Buổi chia sẻ tuy không quá dài, nhưng cũng giúp các cụ nhận ra rằng phải bình tĩnh trước mọi chuyện và phải thông cảm cho những cụ khác vì không phải ai cũng còn khỏe mạnh, minh mẫn. Cùng nhau chung sống hòa thuận là điều không dễ dàng, thế nhưng nếu mỗi người chịu nhường một tí thì cuộc sống của các cụ sẽ thoải mái hơn, cũng sẽ trở nên vui vẻ hơn rất nhiều.

Xem thêm

Thăm quan Làng nón Vĩnh Thịnh – nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa của nghề thủ công Việt Nam

Cách cơ sở 4 chưa đến 5km có một làng nghề thủ công làm nên nét đặc trưng của Việt Nam. Nằm tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, làng nghề nón lá nơi đây đã trải qua lịch sử hàng trăm năm. Ngày ngày, các cô, các bà vẫn miệt mài gìn giữ bản sắc văn hóa của làng nghề. Những đôi bàn tay điệu nghệ, nhanh thoăn thoắt đi từng mũi kim để làm nên một chiếc nón chắc chắn, che nắng che mưa. Hình ảnh chiếc nón Việt Nam bên tà áo dài hay mộc mạc, giản dị lấp ló giữa đồng ruộng đều là những hình ảnh làm nên nét đặc trưng của đất nước hình chữ S.

Các cụ check in tại khu trưng bày các tác phẩm nón lá

Lần đầu được đến thăm quan làng nghề, được tận mắt nhìn thấy các cô, các bác, các bà đang làm ra thành phẩm hoàn chỉnh, các cụ không khỏi tò mò. Được bác Bí Thư chi Bộ đón tiếp và kể về những câu chuyện lịch sử, những dấu mốc của làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh, làm các cụ hiểu hơn về truyền thống nơi đây.

Bác Bí thư chi bộ chia sẻ rất nhiều những câu chuyện lịch sử về làng nón Vĩnh Thịnh

Chị hướng dẫn viên giới thiệu tường tận về làng nghề, về các công đoạn để làm nên 1 chiếc nón cho các cụ

Rất nhiều loại nón từ loại cơ bản, có hoa văn, hình vẽ đến những chiếc nón được xâu lại để trang trí

Có rất nhiều những chiếc nón thành phẩm được xếp thành hình để trang trí, tạo thành một góc cho khách đến có thể chụp ảnh checkin. Từ những chiếc nón lá nhỏ có hình cờ đỏ sao vàng đến những chiếc nón thêu hoa, lá, mỗi chiếc nón lại mang những nét đẹp khác nhau.

Sau khi ngắm nghía các loại nón đang được bày bán để xem được sự khác nhau giữa các loại nón thì chị hướng dẫn viên giới thiệu cho các cụ từng dụng cụ để làm nên một chiếc nón hoàn chỉnh. Ông Đức có vẻ rất hứng thú với nơi đây, vừa đến nơi khi các cụ vào chỗ ngồi thì mình ông đã đi thăm quan một mình, nhìn ngắm chỗ này chỗ kia. 

Ông Đức tò mò nhìn ngắm những thứ được trưng bày tại đây

Các cô, các bà tập trung ở nhà văn hóa để cùng làm nón. Ở đây, các cô sẽ làm từ công đoạn mở lá đến là lá, làm khung và khâu nón. Công đoạn dễ nhất là mở lá từ những chiếc lá khô đang bị xoắn lại. Vì là công đoạn dễ thực hiện nhất nên các cụ cũng được tự tay trải nghiệm. Không đơn giản chỉ là mở bung lá ra, mà phải cẩn thận để lá không rách và phải làm cho lá phẳng phiu, không còn nếp gấp để công đoạn là lá phía sau được dễ dàng hơn. Đây là công việc quan trọng đầu tiên để làm nên một chiếc nón nên các cụ đều làm rất tỉ mỉ, cẩn thận với sự hướng dẫn của bác Bí thư chi bộ và các nghệ nhân làng nghề.

Các cụ đang được hướng dẫn mở bung những chiếc lá khô đang bị xoắn lại

Công đoạn là lá yêu cầu sự tỉ mỉ cao cũng như căn nhiệt để lá bóng và không bị đỏ 

Nhìn các cô, các bà tay khâu nón thoăn thoắt, các cụ không khỏi trầm trồ, thán phục. Những đường khâu đều tăm tắp để cố định những lớp lá nón đã được là phẳng phiu, hơi bóng nhẹ. Đúng là để làm nên một thành phẩm là những chiếc nón hoàn chỉnh không hề đơn giản. 

Công đoạn làm khung nón

Từng chiếc lá được ghép vào khung với các mũi khâu đều tăm tắp

Chiếc nón là gắn liền với đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Tà áo dài Việt Nam thêm phần thướt tha, dịu dàng với sự góp mặt của chiếc nón lá. Những người nông dân vượt nắng thắng mưa cùng chiếc nón lá đi qua bao năm tháng. Nét đẹp của văn hóa Việt đã và đang được các nghệ nhân tại làng nghề nón lá truyền thống Vĩnh Thịnh gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ tương lai, để nón lá luôn là một niềm tự hào, là một nét đặc trưng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Xem thêm

Làm gì để khiên chắn – hệ miễn dịch vững chắc

Thời tiết  tháng 7 hôm mưa hôm nắng, sáng nắng chiều mưa. Sự thay đổi của thời tiết liên tục cũng làm cho cơ thể dễ mệt mỏi và dễ mắc các bệnh cúm, đau đầu, đau xương khớp, xoang,…

Trẻ thì chẳng nói, mà già cứ hễ trở trời là lại đổ bệnh ra đấy. Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch cũng đã trở nên già nua, yếu ớt, bộ máy hoạt động trong cơ thể để chống lại các mầm bệnh cũng chậm chạp hơn. Sức đề kháng yêu nên nguy cơ mắc các bệnh theo mùa, các bệnh khi giao mùa hay các loại bệnh dịch khác cao hơn rất nhiều so với người trẻ. Hơn thế nữa, người cao tuổi nào cũng có rất nhiều bệnh nền, các căn bệnh mới thêm vào sẽ làm cho sức khỏe của người cao tuổi ngày càng suy yếu. 

Sức đề kháng của con người được hình thành và phát triển kể từ khi họ được sinh ra. Để “tấm khiên bảo vệ cơ thể” luôn chắc chắn, chúng ta cần có một thực đơn ăn uống lành mạnh, khoa học để cơ thể luôn khỏe mạnh.

Bổ sung các loại thực phẩm giàu Vitamin C

Vitamin C giúp cơ thể tăng cường sản xuất interferon – loại protein do tế bào cơ thể tạo ra để chống lại các tác nhân gây bệnh, thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Vitamin C có nhiều trong các loại rau củ quả như ớt chuông đỏ, kiwi, dâu tây, đu đủ, ổi, cam, quýt,… 

Trong cuộc đua vitamin C, ổi chính là quán quân khi không ít người ví von ổi giống như một “nhà máy sản xuất vitamin C”. Lượng vitamin C trong ổi cao gấp 4 lần so với cam. Tuy nhiên lượng vitamin C cần nạp mỗi ngày lại không cần quá nhiều, đối với người lớn, chỉ cần nạp khoảng 65 – 90mg vitamin C là đủ. Vậy nên trong rất nhiều các loại rau củ quả chứa vitamin C ngoài kia, chúng ta có thể lựa chọn linh hoạt dựa theo sở thích cá nhân và nhu cầu của mỗi người để cân bằng các bữa ăn trong gia đình.

Danh sách các thực phẩm giàu vitamin C

Các loại gia vị nhỏ mà có võ

Trong căn bếp của mỗi gia đình đều có các gia vị như hành, tỏi, gừng, nghệ. Chúng đều là những gia vị có nhiều kháng sinh thực vật và chất chống oxy hóa giúp nâng cao miễn dịch. Lâu nay tỏi vẫn được coi như thần dược để phòng và chữa các bệnh như cúm, viêm đường hô hấp,… Trong tỏi chứa rất nhiều i ốt và tinh dầu (giàu glycogen và allicin, fitonxit) có tác dụng diệt vi khuẩn bằng cách ức chế các enzyme có chứa lưu huỳnh cần thiết cho vi khuẩn, chống viêm hiệu quả. 

Gừng có khả năng giảm viêm, giảm đau rát họng và có tính hàn nên thường đưowjc dùng cho người mới ốm dậy hay những người bị ho, đau họng. Curcumin có trong nghệ mới được phát hiện là có tác dụng tiêu diệt các tác nhân lạ, có hại cho cơ thể, tăng số lượng tế bào lympho T, tăng cường hoạt động của đại thực bào, đồng thời gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất Interleukin giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thế.

Bổ sung vitamin “ánh nắng mặt trời”

Nói đến ánh nắng mặt trời là biết ngay đang nói về vitamin D rồi đúng không ạ. Vào thời kỳ đầu của covid, mọi người chia sẻ cho nhau những thông tin về các loại thuốc dùng để điều trị. Trong các hội nhóm lúc bấy giờ, các loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D được mọi người ưu ái thêm vào danh sách cần bổ sung hằng ngày. Có nhiều cách bổ sung vitamin D như tắm nắng 15 – 20 phút, ba lần 1 tuần hay bổ sung bằng dạng uống như vitamin dạng nước, dạng viên uống,.. Hay bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, các thu, cá ngừ, lòng đỏ trứng gà, nấm,…

Bổ sung các loại hạt vào thực đơn hằng ngày

Cơn sốt granola làm điên đảo giới ăn kiêng và những người hướng tới lối sống healthy trong thời gian qua. Granola là một món ăn sáng và ăn nhẹ bao gồm yến mạch cán mỏng, các loại hạt, mật ong hoặc các chất làm ngọt khác như đường nâu, và đôi khi là gạo phồng, thường được nướng cho đến khi giòn, nướng và có màu nâu vàng. Granola thường được sử dụng để ăn vặt hay dùng cho những bữa ăn sáng, ăn cùng sữa chua,… 

Các loại hạt với nhiều công dụng khác nhau

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại granola như có đường, không được, vị socola, vị trà xanh hay loại có yến mạch và không có yến mạch (chỉ có các loại hạt mix). Các loại hạt trong granola thường đa dạng như hạnh nhân, macca, óc chó, hạt bí,… đều là những loại hạt giàu dinh dưỡng và là nguồn chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên vì các loại hạt này đều chứa rất nhiều calo nên không thể lạm dụng mà ăn nhiều, chỉ nên ăn mỗi ngày một ít để bổ sung năng lượng cũng như dinh dưỡng mỗi ngày.

Cân đối các thực phẩm bổ sung đạm

Thịt cung cấp cho cơ thể các axit amin cần thiết, các axit béo giúp cho sự phát triển của nhiều bộ phận trong cơ thể. Ngoài ra, thịt còn có các chất khoáng, vitamin và là nguồn các yếu tố vi lượng như vitamin A, sắt, kẽm,… Thịt mang lại là nguồn vitamin nhóm B đa dạng như B1, B6, PP, B12,…  Tuy nhiên, vì thịt đỏ có lượng mỡ cao và trong quá trình chế biến cũng như tiêu hóa sẽ tạo ra những chất có hại đối với cơ thể. Có thể tăng thịt nạc, thịt trắng trong khẩu phần ăn hằng ngày thay vì lựa chọn thịt mỡ, thịt đỏ.

Khác với mỡ trong thịt, mỡ cá có nhiều vitamin A, D và axit béo chưa no. Đây đều là những axit béo cần thiết có nhiều vai trò quan trọng trong hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Ở cá và các loại hải sản có vỏ có nhiều chất khoáng quan trọng và các chất vi lượng, lượng kẽm ở loại thực phẩm này cũng nhiều hơn so với thịt đỏ, là chất cần để duy trì hoạt động của hệ miễn dịch.

Liên tục thay đổi các thực vật bổ sung đạm là điều cần thiết

Xem thêm

Viện dưỡng lão giá bình dân

Bà Lệ Hà (80 tuổi) háo hức ngày khai trương cơ sở mới của viện dưỡng lão có khuôn viên “đẹp như resort” nhưng quan trọng hơn là về đây sẽ giảm được chi phí.

Giữa tháng 7, bà Nguyễn Lệ Hà quyết định chuyển từ cơ sở ở Cự Khê (Thanh Oai) đến cơ sở mới ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). “Tôi nóng lòng muốn trải nghiệm quá nên một mình xuống đây ở trước cả ngày khai trương”, bà nói.

Bà Hà từng là kỹ sư ôtô, người chồng đã khuất từng làm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gia đình vốn có cuộc sống khá giả. Tuy nhiên từ lúc ông bà nghỉ hưu, gia sản trong nhà cứ đội nón ra đi vì người con trai duy nhất.

Sau khi chồng mất năm 2021, anh con trai đòi mẹ bán nhà đưa tiền cho làm ăn. Số tiền còn lại không đủ mua một căn chung cư nên bà Hà chuyển vào viện dưỡng lão. “Con có thể bỏ cha mẹ nhưng chẳng cha mẹ nào bỏ được con. Nó xin tiền, tôi vẫn cho đến khi không còn khả năng nữa”, bà chia sẻ.

Trung tâm dưỡng lão mới mở ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, cách nội thành Hà Nội 50 km,

có mức phí khởi điểm 6 triệu đồng một tháng.

Một ngày đầu năm nay, khi hợp đồng sắp một năm sắp hết, bà Hà gặp ban giám đốc viện dưỡng lão tâm sự không thể ở đây được nữa. Bà không đủ tiền đóng tiếp, mức lương hưu hơn 5 triệu đồng cũng không đủ chi phí hàng tháng. Vì thế bà định ra ngoài thuê một căn phòng trọ sống cùng với sinh viên để chia tiền phòng.

Nghe bà Hà giãi bày, chị Trần Thị Thúy Nga, phó Tổng giám đốc trung tâm, bất ngờ và xót xa. “Ngày thường bà vốn thích ca hát, nhảy múa, ăn mặc rất tinh tế. Đâu ai ngờ đằng sau sự lạc quan, vui vẻ của bà lại khổ tâm như thế”, chị Nga chia sẻ.

Chị Nga nói với bà về cơ sở sắp mở của trung tâm sẽ có chi phí thấp hơn, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ thêm cho bà. “May nhờ có sự hỗ trợ này nên với đồng lương hưu của mình tôi có thể an tâm ở đây đến cuối đời”, bà chia sẻ.

Đang sống ổn định ba năm nay ở một viện dưỡng lão tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) nhưng lúc nghe tới cơ sở ngoại ô này có chi phí rẻ hơn, cụ bà Nguyễn Thị Thanh, 86 tuổi, chuyển nhà không chút do dự. “Đến chỗ mới vừa đẹp vừa có không gian, lại ít tiền hơn”, bà nói.

Cụ bà trước đây làm ở Sở Xây dựng, lương hưu chưa được 4 triệu đồng. Bốn người con đều có kinh tế bình thường. Năm ông xã mất, bà Thanh chới với, cảm thấy về ở với con nào cũng không ổn. Bà đã định về quê Thường Tín, song vẫn băn khoăn vì ở phố bao năm xa cách anh em họ hàng, giờ về đó cũng khó thích nghi.

“May sao vợ chồng cháu gái tôi cho đi viện dưỡng lão. Tôi áy náy vì phiền con cháu, nhưng cũng không còn biết giải pháp nào tốt hơn”, bà nói.

Ở cơ sở cũ, bà thuộc nhóm đóng phí thấp nhất đã 8 triệu đồng – nhiều gấp đôi lương hưu. Sắp tới đợt điều chỉnh tăng phí hàng năm nên số tiền phải đó có thể cao gấp 2,5 lần lương của bà. “Khi chuyển về đây, với mức lương hưu được tăng từ tháng này, tôi đã đỡ được một phần chi phí cho các cháu”, cụ bà chia sẻ.

 

Các cụ ăn trưa tại phòng sinh hoạt chung của viện dưỡng lão ở Xuân Mai, Chương Mỹ hôm 2/8. Trong tuần đầu tiên

mới mở, trung tâm có 5 cụ, sang tuần thứ hai trung tâm có hơn 10 cụ đang ở.

Khảo sát của VnExpress với 10 trung tâm dưỡng lão phân khúc tầm trung ở Hà Nội cho thấy chi phí nằm trong khoảng 8-20 triệu đồng mỗi tháng, tuỳ thuộc vào loại phòng, tình trạng sức khỏe và chưa bao gồm các chi phí khác như bỉm, sữa. Mức thấp nhất 8 triệu đồng dành cho các cụ khỏe, ở phòng tập thể 5-8 người.

Tại cơ sở mới mở này, phòng 4 người có chi phí 6 triệu đồng, phòng đôi 8 triệu đồng, phòng đơn 10 triệu đồng, ở bán trú 200.000 đồng một ngày, chi phí chăm sóc lễ Tết 500.000 đồng một ngày. Các phòng đều được trang bị vệ sinh khép kín và đầy đủ tiện nghi. Nếu so sánh, mức phí các dịch vụ tại đây thấp hơn 40% so với mặt bằng chung.

Việt Nam hiện có ba mô hình viện dưỡng lão gồm: viện dưỡng lão do nhà nước bảo trợ phục vụ những có công, đối tượng chính sách; cơ sở do các tổ chức an sinh xã hội xây dựng, chủ yếu nuôi dưỡng những người cao tuổi bất hạnh và cuối cùng là viện dưỡng lão hoàn toàn do tư nhân thành lập.

Hầu hết những người vào viện dưỡng lão tư nhân đều có lương hưu hoặc gia đình có điều kiện. Cả nước hiện có gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với mức trung bình 5,4 triệu đồng một tháng.

Một khảo sát hơn 6.000 độc giả của VnExpress, với câu hỏi “Gia đình bạn có thể cho cha mẹ vào viện dưỡng lão ở mức độ nào?”, 40% cho biết không đủ khả năng, 38% cho biết có thể chi 8-10 triệu đồng, 14% ở mức 10-15 triệu đồng và 8% trên 15 triệu đồng một tháng.

Chị Trần Thị Thúy Nga chia sẻ ngay từ khi bước vào ngành dưỡng lão, trung tâm của chị rất trăn trở khi rất nhiều người muốn vào nhưng thu nhập còn hạn chế. Không thống kê xuể những người hỏi “Khi nào trung tâm có viện dưỡng lão giá rẻ?”, cũng không ít những hoàn cảnh “đứt gánh giữa đường”.

“Khi đang loay hoay giải bài toán ấy, một tập đoàn chuyên về xuất khẩu lao động quyết định kết hợp với chúng tôi”, chị Nga cho biết.

Ngoài lý do ở ngoại thành, yếu tố giúp hạ chi phí là tập đoàn này có sẵn nguồn đất đai. Nhờ đó, cơ sở được xây dựng bài bản, không như một số viện dưỡng lão đang đi thuê đất nên không dám đầu tư. Ở giai đoạn một, trung tâm chứa tối đa 36 giường, bao gồm các phòng hai giường và bốn giường. Các phòng đều được trang bị đầy đủ tiện nghi. Đặc biệt khuôn viên có sân vườn, ao hồ, bể bơi, sân bóng, nằm trên diện tích 3 hecta.

Bà Lệ Hà, 80 tuổi cắm bình hoa làm đẹp cho phòng mình, hôm 2/8.

Sáng 6/8, bà Nguyễn Thị Phi, 75 tuổi, thuê chiếc xe 5 tấn chở tất cả quần áo, đồ dùng, xe đạp, tủ lạnh, TV vào viện dưỡng lão này. Vừa lên đến nơi mặt bà giãn ra, cười không nghỉ vì không gian sống từ đây tới cuối đời “tuyệt vời hơn cả những gì tưởng tượng”.

“Tôi vào viện dưỡng lão này gần một năm trước. Vốn tính ở một mình một phòng cho thoải mái, nhưng chi phí cỡ 15 triệu đồng mỗi tháng tôi không lo được, nên đành ở tập thể”, bà Phi chia sẻ.

Trước đây bà là giáo viên dạy Toán cấp 3, từng kết hôn hai lần nhưng không có con. Tuổi này vẫn khỏe mạnh nhưng thích được quan tâm và sinh hoạt cộng đồng nên bà quyết định vào dưỡng lão. Tính bà thẳng, thích tự do nên ở phòng đông rất bí bách.

Đây cũng là nỗi niềm của bà Thanh. “Mình còn minh mẫn nhưng ở với các cụ bị lẫn có khi cũng tổn thọ”, cụ bà nói.

Con cháu của bà Thanh đều ở nội đô. Không ai muốn để bà cách xa mình cả 50 cây số, song theo cụ bà bình thường con cháu bận nên một năm cũng chỉ vào thăm đôi ba lần. Trung tâm có nhân viên chăm sóc sức khỏe kỹ càng, nhiều người nói chuyện, nếu có vấn đề sức khỏe cũng chỉ khoảng một tiếng bà đã vào tới bệnh viện lớn.

Trước đây ở chỗ cũ cuồng chân muốn đi đâu phải nhờ cháu quẹt thang máy, nhưng vì không có khuôn viên nên cũng chỉ loanh quanh được từ sảnh về phòng. “Nay chỉ sợ không có sức thôi chứ đi thoải mái”, bà nói thêm.

Còn bà Lệ Hà, trong một tuần ở viện dưỡng lão một mình, bà đã đi hái khế, hái nhãn, câu cá và thăm thú được mọi chỗ. Khi các bạn già khác tới, cụ bà xung phong dẫn mọi người đi chơi khắp ngõ ngách.

“Mấy cháu điều dưỡng đang rủ tôi mặc đồ bơi xuống bể tắm. Tôi thì chỉ mong mùa đông nhanh đến để diện đồ cho đẹp, đi dạo ven hồ ở đây sẽ thích lắm”, cụ bà nói.

Xem thêm

Cụ bà 80 tuổi vẫn phải cho tiền con, đành bán nhà tìm bình yên trong viện dưỡng lão

Bà Nguyễn Lệ Hà là một người cao tuổi đang an dưỡng tại Diên Hồng. Trước đây bà là Kỹ sư ô tô ở bộ Ngoại Giao. Bà có một tuổi trẻ đáng tự hào, một gia đình nhỏ ấm cúng cùng người chồng yêu chiều bà hết mực. Mỗi khi kể về tuổi trẻ của bà hay về chồng, bà đều tự hào lắm. Thế nhưng trải qua thời kỳ dịch bệnh Covid – 19 đầy khó khăn, bà đã mất đi người chồng thân yêu của mình. Bà chỉ có một người con trai và anh đi làm xa, ở nhà chỉ quanh quẩn mình bà. Suy đi tính lại, bà vẫn quyết định bán nhà để vào Viện dưỡng lão.

Bà lựa chọn Diên Hồng là chốn dừng chân, nơi bà có thể an hưởng tuổi già. Tiền bán nhà, bà đóng tiền 1 năm ở Diên Hồng. Bà còn khỏe mạnh, mọi sinh hoạt đều tự làm được nên chỉ cần đóng mức phí cơ bản. Ở độ tuổi 80, bà lúc nào cũng vui vẻ, tươi vui. Bà thích hát, thích nhảy múa vì Khi còn trẻ, bà ở trong câu lạc bộ khiêu vũ. Ai cũng cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà bà đem lại cho những người xung quanh. Nhưng mấy ai biết, dù đã 80 tuổi, bà vẫn đang ngày đêm lo lắng cho người con trai duy nhất của bà, giờ vẫn còn chưa ổn định. 

Những ngày cuối của bà Hà tại cơ sở 2 trước khi bà chuyển lên cơ sở 5

Bà bán nhà được hơn 1 tỷ, tính là sẽ chia đôi cùng con để con có vốn làm ăn, nhưng anh lấy nhiều, phần của bà chỉ còn mỗi 230 triệu. Với số tiền ấy, mỗi lần con trai xin tiền, bà đều cho, dù năm nay anh đã gần 50 tuổi.  Bà bảo con cái bỏ cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ bỏ con cái cả, nên dù biết anh nói dối để xin tiền, bà vẫn nhắm mắt cho qua. Số tiền tiết kiệm cứ thế vơi dần, cho đến khi quyết định vào dưỡng lão vì tuổi bà đã cao, cũng không có ai bên cạnh chăm sóc, bà chỉ còn lại 80 triệu cùng sổ tiết kiệm 50 triệu.  Đến tháng 4 năm 2023, bà xuống tâm sự với chị Trần Thị Thúy Nga – Phó tổng Giám đốc Diên Hồng là “Bây giờ bà còn mỗi 50 triệu trong sổ tiết kiệm, lương tháng của bà cũng chỉ hơn 5 triệu, chắc bà không ở đây với con được nữa rồi”. Bà kể với chị Nga ý định của bà sẽ là sang khu Cầu Giấy, thuê 1 căn phòng nhỏ rồi tìm 1 bạn sinh viên nào đấy ở với bà, hai bà cháu chia tiền phòng thì mỗi tháng bà chỉ mất 7 – 8 trăm nghìn. Như vậy, bà vẫn sẽ duy trì được lâu, lại còn có dư tiền để ra nữa. Những suy nghĩ ấy của bà khiến chị Nga sững lại, như có cái gì đang nghẹn cứng trong cổ họng.

Vẻ bề ngoài vui vẻ, năng động của bà ẩn dấu nhiều nỗi niềm khó nói

Từ khi thành lập, cũng đã có rất nhiều người tỏ ý muốn được ở Diên Hồng nhưng không đủ điều kiện kinh tế để vào. Rồi những câu hỏi “Khi nào Diên Hồng có viện dưỡng lão giá rẻ” nhiều vô kể. Là những người lãnh đạo, anh Thắng – Tổng Giám đốc hay chị Nga – Phó tổng giám đốc luôn trăn trở không biết phải làm cách nào để có một viện dưỡng lão giá bình dân giúp cho những người cao tuổi có thu nhập thấp cũng có thể được chăm sóc với dịch vụ tốt nhất. Rất may là trong thời điểm chị Nga cũng đang loay hoay tìm cách giúp bà Hà thì rất may mắn đã gặp được anh Kính và gặp được nhà đầu tư là phía tập đoàn EK cũng cùng chí hướng muốn phụng sự xã hội, dành nhiều sự quan tâm hơn đối với người cao tuổi. 

Anh có một sự quan tâm đặc biệt đối viện dưỡng lão, nơi chăm sóc các cụ khi tuổi già sức yếu. Với mong muốn được phụng sự xã hội và ở mỗi tỉnh sẽ có 1 viện dưỡng lão, Chủ tịch HĐQT EK đã dùng quỹ đất hiện có, kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài và sự hợp tác của đối tác Việt Nam để cùng nhau làm những điều ý nghĩa – xây dựng nhiều mô hình chăm sóc cho Người cao tuổi nước nhà. Vậy nên Diên Hồng cơ sở 5 có tên gọi đầy đủ là Trung tâm dưỡng lão EK Diên Hồng cơ sở 5.

Nghi thức cắt băng khánh thành trong buổi lễ khai trương cớ ở 5

Khi nghe được tin Diên Hồng sẽ có một viện dưỡng lão như thế, bà Hà mừng rỡ nhắn cho chị Nga “Thế là bà lại được ở Diên Hồng rồi, bà cứ ngỡ như mơ vậy con ạ”. Với bà, EK Diên Hồng cơ sở 5 mở ra như một giấc mơ giữa đời thực. Bà đã từng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để tạm biệt Diên Hồng, tạm biệt những người bạn tại Diên Hồng và không nghĩ sẽ có cơ hội nào cho bà để tiếp tục ở lại Diên Hồng.

Từ đầu tháng 6, bà đã sốt sắng chờ đến ngày được lên cơ sở 5. Cơ sở 5 hiện tại đang là cơ sở có chi phí rẻ nhất tại Diên Hồng nhưng vẫn rất khang trang, sạch đẹp, như một khu để các cụ nghỉ dưỡng vậy. Lên cơ sở 5 bà Hà thích lắm, vì bà vừa có thể ở lại trong Viện dưỡng lão, vừa phải trả chi phí thấp hơn mà trên đấy còn sạch đẹp, rộng rãi với nhiều cây ăn quả. 

Cơ sở 5 có phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát

Bà Hà rất thích cuộc sống yên bình tại cơ sở 5

Ngày khai trương EK Diên Hồng cơ sở 5, bà được mời lên để chia sẻ về cảm nhận của bà tại đây. Bà đã cẩn thận viết ra giấy nhưng có lẽ trong lúc lên sân khấu, bà có đôi chút xúc động nên phần chia sẻ chưa trọn vẹn lắm. Phía sau sân khấu, bà nói nhỏ “Bà muốn nói nhiều hơn, mà lên đấy bà lại chả nói được gì”. Bà biết ơn EK, biết ơn Diên Hồng vì đã có một cơ sở dưỡng lão thật tốt, thật phù hợp với tình hình kinh tế của bà. Trước khi lên cơ sở 5, bà bảo với chị Nga là “U lên đấy ở rồi sau u từ đấy đi luôn nhé.” Bà nói với giọng điệu vui vẻ, chẳng có đôi chút suy tư. Sau những chia sẻ, mọi người mới hiểu rõ hơn về bà, phía sau những nụ cười, sự tươi vui, lạc quan của bà là bao suy tư, bao sự lo lắng cho người con còn chưa ổn định, lo lắng cho tuổi già của bà đã từng chưa biết phải đi về đâu.

Bà Hà luôn tự tin, vui vẻ và làm những gì bà muốn tại EK Diên Hồng cơ sở 5

Vậy là giấc mơ đã hóa hiện thực. Giờ đây, không chỉ bà Hà mà những người cao tuổi có điều kiện kinh tế hạn hẹp hơn cũng có thể vào dưỡng lão, được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt với gia bình dân. Diên Hồng sẽ luôn là mái ấm, là ngôi nhà chung cho những người cao tuổi đang tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm một nơi để nghỉ ngơi, an dưỡng sau cả cuộc đời dài đằng đẵng vất vả, lam lũ. 

Xem thêm

Có một khu rừng giữa lòng Hà Nội

Ngay gần Diên Hồng cơ sở 4 có một bảo tàng rộng lớn với tổng diện tích lên đến 3ha. Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam nằm trên đường Ngọc Hồi, Thanh Trì với cổng chào hơi thu mình vào trong. Nếu không nhìn biển chỉ dẫn bên ngoài, nhiều người sẽ dễ dàng bỏ lỡ khi đi qua. Phía sau chiếc cổng chào nhỏ xinh là một không gian yên bình, xanh mát. Khác với sự ồn ào của tiếng còi xe, sự tấp nập của đường phố Hà Nội, Bảo tàng tài nguyên rừng bình lặng, yên ả rợp bóng cây xanh.

Chỉ cần vài bước chân, đi qua đường là các cụ cơ sở 4 có thể sang đến nơi. Trong khuôn viên rộng lớn có khu bảo tàng, có hồ nước, có ao cá, có hàng cây xanh rợp lối đi và có một khu vườn thực vật với rất nhiều loài cây khác nhau mà chúng ta có thể chưa từng được nhìn thấy hay chưa từng biết tên. Khu nhà bảo tàng tuy nhỏ, nhưng bên trong là đủ các mẫu trưng bày đến từ rừng xanh. Ngay phía cửa vào là bộ xương của 2 con voi Châu Á rất to khiến cụ nào nhìn thấy cũng trầm trồ, phải đến gần để ngắm nghía. Phòng trưng bày tiêu bản động vật gây tò mò, thích thú cho các cụ nhất vì những mẫu trưng bày con hổ, con sư tử hay các loại chim, các loại động vật khác đều rất thật vì được làm từ bộ lông thật của từng loài. Lần đầu tiên được nhìn thấy con hổ, con cầy, con nai, con hươu,… gần đến thế, các cụ thích lắm. Các cụ bà cứ dắt tay nhau đi đi lại lại, xem hết chỗ này đến chỗ khác. Ông Kiên, ông Đức thì điềm tĩnh hơn, bước từng bước thật chậm để có thể nhìn ngắm kỹ càng.

Có hướng dẫn viên riêng đi cùng các cụ

Phòng trưng bày mẫu động vật có rất nhiều con vật mà các cụ thường thấy trên tivi

Phòng trưng bày mẫu tiêu bản côn trùng cũng nhiều loài lạ lẫm. Trong đây có đủ các loại bướm, ngài, bướm đêm rồi đủ loại bọ cánh cứng,… Có những bức tranh làm từ cánh bướm rất đẹp và lạ mắt khiến ai nhìn vào cũng phải trầm trồ. 

Các mẫu côn trùng được trưng bày trong lồng kính

Các loại bọ vừa lạ vừa quen

Sau khi tham quan hết khu vực trong nhà, các cụ được đi ra vườn thực vật để tiếp tục chuyến tham quan. Đây có thể gọi là một khu rừng thu nhỏ với đủ loại cây, đủ loại thực vật khác nhau. Có những cây cổ thụ rất to và cao, ngẩng đầu lên chẳng thấy lá đâu nữa, có những cây cọ khổng lồ, có những cụm nấm mới mọc trông thật thú vị. Phía ngoài đang nắng nóng nhưng vào bên trong vườn thực vật thì lại rất dịu mát, bóng cây tỏa kín khiến những tia nắng thật khó khăn để len lỏi vào bên trong. Ẩn dưới những gốc cây là hầm trú ẩn, một dấu tích mà ông cha đã để lại sau trận kháng chiến. Dù hầm nhỏ và tối nhưng các cụ đều muốn thử trải nghiệm đi qua hầm xem ở dưới hầm sẽ như thế nào.

Các cụ được tham quan vườn thực vật cảnh xanh mát

Hầm trú ẩn ngay trong vườn thực vật

Buổi tham quan của các cụ tuy ngắn nhưng lại là những khoảnh khắc đáng nhớ đối với các cụ. Các cụ bảo từ ngày vào Diên Hồng, các cụ được đi chơi nhiều hơn, được tham gia nhiều hoạt động hơn nên thích lắm. Vậy mới bảo ở Diên Hồng, các cụ được sống một tuổi già sinh động, vui vẻ, hạnh phúc, là nơi mà các cụ có thể yên tâm an dưỡng tuổi già, không lo tuổi già của mình trôi qua nhàm chán, vô vị.

Xem thêm