Ngày 24.10 tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 1 đã diễn ra một buổi giao lưu của các bạn tình nguyện đến làm bánh và tặng quà Trung thu cho các cụ.
Hôm nay, các cụ dậy thật sớm, ăn sáng thật nhanh và mặc quần
áo tươm tất, sau đó cùng nhau lên tầng 5 để chuẩn bị cho chương trình giao lưu.
Cụ nào cũng háo hức hệt như những đứa trẻ trông mẹ đi chợ về.
9h sáng, 2 chiếc xe đỗ xịch trước cửa Trung tâm, đoàn tình
nguyện nhanh chóng di chuyển, người bê thùng caton, người xách túi, cười nói
vui vẻ, vang rộn một góc phòng.
Người già có 2 lần được làm trẻ con, một lần là khi còn nhỏ,
và một lần là khi về già. Các cụ như được trở về tuổi thơ, tự tay làm những chiếc
đèn ông sao đủ màu sắc rực rỡ, nào vàng, nào xanh, nào đỏ. Cụ nào cũng loay hoay
để lắp những thanh tre nhỏ vào đèn. Có cụ mắt mũi kèm nhèm lắp mãi không được,
thế là các bạn điều dưỡng lại ra hỗ trợ. Đến khi lắp xong các cụ vui sướng như
những đứa trẻ khi được khen.
Các cụ không chỉ làm đèn, mà còn trải nghiệm làm bánh Trung thu. Bà Hiền hào hứng chia sẻ: “Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ bà được làm bánh Trung thu cả, vào dưỡng lão ở thế mà lại được làm”. Các ông bà bắt đầu đổ nước đường, đổ bột rồi thi nhau trộn bột xem ai nhanh hơn. Trên khuôn mặt đầy những dấu vết của thời gian bỗng rạng rỡ, vui vẻ lạ thường.
Trong ngày cận Tết Trung thu, tại Diên Hồng lại rộn ràng và náo nhiệt đến lạ. Cảm ơn đoàn tình nguyện đã mang đến cho các cụ thật nhiều niềm vui và tiếng cười.
1000 chiếc đèn lồng bằng giấy và chai nhựa do người cao tuổi tại
Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng và điều dưỡng viên tự tay làm đã được giới thiệu
đến người dân thông qua một triển lãm di động nhân dịp trung thu 2020. Qua hoạt
động này, mọi người muốn mang thông điệp về bảo vệ môi trường.
Sau hơn 1 tháng, các ông bà trong Trung tâm
dưỡng lão Diên Hồng cùng các điều dưỡng viên đã sáng tạo ra những chiếc
lồng đèn với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau được làm từ giấy, báo,
chai nhựa bỏ đi. Mới đây, 7 chiếc xe đạp chở 1000 chiếc đèn lồng handmade rực
rỡ sắc màu rong ruổi trên đường phố Hà Nội đã thu hút sự chú ý của người đi
đường.
“Ngày xưa tôi còn làm đèn ông sao to đùng
chứ mấy cái đèn này thì nhằm nhò gì. Cũng phải cảm ơn các cháu tổ chức làm đèn
lồng cho có không khí trung thu. Mọi người khen đẹp thì càng thêm vui”,
ông Trần Đức Chẩn – người cao tuổi đang sống tại viện dưỡng lão tỏ ra phấn
khởi.
Không chỉ mang niềm vui đến cho người già mà hoạt động làm đèn
lồng còn mang thông điệp về bảo vệ môi trường. Anh Đỗ Trần Hồ Thắng – Tổng giám
đốc viện dưỡng lão chia sẻ: “Năm 2020, thế giới đang hướng tới thực hiện
hiệu quả thông điệp bảo vệ môi trường. Vì vậy chúng tôi cũng muốn cùng các cụ
làm 1 hành động nhỏ ý nghĩa để mọi người thấy rằng nhiều thứ bỏ đi vẫn có thể
tái chế thành đồ dùng thiết thực. Lẽ ra chúng tôi tổ chức một lễ hội đèn lồng
để mọi người cùng tham gia nhưng do Covid-19, chúng tôi đổi thành triển lãm di
động để mọi người được chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng rực rỡ”.
Trong quá trình tổ chức triển lãm, đoàn cũng
tặng lại đèn cho các em bé hoặc những người yêu thích mang về cho con chơi. Anh
Nguyễn Văn Lừ (Hà Đông) vừa giơ cao mấy chiếc đèn lồng vừa cười nói: “Nhìn
mấy cái đèn lồng đẹp quá, mình xin mấy cái về cho các con chơi. Chắc là bọn trẻ
sẽ thích lắm đây”.
Một số hình ảnh triển lãm chiếc đèn lồng handmade:
Qua hoạt động này, các cụ cũng mong muốn góp phần vào việc bảo vệ môi trường
Có lẽ đã rất lâu rồi ngày Quốc tế Người cao tuổi lại mới cùng với Tết Trung thu. Cũng bởi thế, niềm vui của người già tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng lại như được nhân đôi.
Hôm đấy, hai cơ sở đã diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng ngày Quốc tế Người cao tuổi, và vui Tết Trung Thu. Nếu tại cơ sở 1 là chương trình văn nghệ hoành tráng với sự có mặt của Câu lạc bộ Anh Em Hà Nội, thì cơ sở 2 lại là những tiết mục do chính các bạn nhân viên và các cụ biểu diễn.
Từ ngày hôm trước, sau khi hết giờ làm việc các bạn nhân
viên đã tất bật sửa soạn trang trí cho không gian thêm phần ấm cúng. Góc khi một
nhóm các bạn nam đang treo những chiếc đèn lồng handmade đủ màu sắc rực rỡ. Góc
này thì các bạn nữ túm tụm tỉa tót hoa quả thành những hình thù đáng yêu. Nào
là quả mướp đắng xù xì bỗng chốc thành những chú nhím đáng yêu. Hay quả bưởi
nho nhỏ qua tay các bạn nhân viên liền trở thành chú cún bưởi xinh xắn.
Hạ Hương (Điều dưỡng) đang cẩn thận vẽ vẽ, cắt cắt từng chữ
trên tờ giấy màu, cô chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia chuẩn bị một
chương trình Trung thu cho người già, mặc dù không khéo tay lắm nhưng được phục
vụ ông bà là em thấy hạnh phúc rồi”. Sau giờ làm việc ai cũng thấm mệt nhưng nụ
cười rạng rỡ vẫn nở trên môi.
Chương trình giao lưu văn nghệ của các cô chú CLB Anh Em tại cơ sở 1
Các cô chú của Câu Lạc Bộ Anh Em cũng vậy, từ ngày hôm trước
đã chuyển loa đài đến cơ sở 1. Mặc dù đã ngoài sáu mươi, nhưng cô chú vẫn dâng
hiến mình cho nghệ thuật, mang lời ca tiếng hát đến cho cuộc đời. Chú Thông (Chủ
nhiệm CLB) chia sẻ: “Mình biểu diễn tặng các cụ, chỉ mong các cụ vui vẻ, hạnh
phúc”.
Cứ mỗi dịp lễ Tết là các cụ lại háo hức lắm, dậy sớm hơn mọi
ngày, đầu tóc chỉn chu và mặc cho mình những bộ quần áo đẹp nhất.
Một số hình ảnh trong ngày Trung thu tại cơ sở 2
Cuối chương trình giao lưu văn nghệ các cụ được đi rước đèn, phá cỗ. Các cụ ông, cụ bà tay cầm đèn, vừa đi vừa nhún nhảy theo điệu nhạc hệt như những đứa trẻ. Nụ cười hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt hằn sâu dấu vết thời gian.
Đối với mỗi người, đặc biệt là người già có hai thứ quan trọng nhất: Sức khoẻ và Niềm vui.
Có những tình huống bố mẹ đau yếu chưa đến mức phải nằm viện hoặc không muốn nằm viện chỉ cần có y tá điều dưỡng chăm sóc sức khoẻ hằng ngày để phục hồi cả về thể lực và tinh thần.
Có những trường hợp bố mẹ khoẻ mạnh nhưng con cháu ở xa, năm về 1 – 2 lần, nếu bố mẹ ở quê có bà con hàng xóm họ hàng qua lại thì còn vui, nếu ở trên thành phố nhất là ở chung cư hay khu đô thị càng cao cấp thì càng cô đơn?
Vậy tại sao khi rơi vào những tình huống trên, nếu có điều kiện về tài chính sao lại không lựa chọn đến với những trung tâm dưỡng lão như Diên Hồng? Hãy đến với Diên Hồng để Bố mẹ, ông bà chúng ta: – Hằng ngày có người chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ phù hợp với từng cụ, có phòng ở riêng (nếu muốn)
– Được tập thể dục đạp xe tại chỗ hay đi dạo dưới hàng cây hằng ngày.
– Được y tá điều dưỡng massage, châm cứu, bấm huyệt tuần đôi lần
– Được giao lưu gặp gỡ nói chuyện hằng ngày với những người bạn cao niên cùng thế hệ từ khắp nơi với bao chuyện đã trải qua muốn kể cho nhau nghe, cười nói sảng khoái vui vẻ đầy hào khí bởi người nghe chăm chú, đồng cảm, cổ vũ, khích lệ.
– Được tham gia nhiều sự kiện hoạt động vui chơi văn nghệ, đọc sách, mời chuyên gia đến nói chuyện chia sẻ những điều bổ ích thú vị với người già- Và đôi khi còn được lên báo đài, ti vi nữa chứ?
Và quan trọng nhất là các cụ được vui khoẻ mỗi ngày.
Bố Mẹ mình chính là khách hàng của Diên Hồng đã được trải nghiệm những điều trên. Cách đây hơn 2 tháng, quyết định gửi Ông bà vào Diên Hồng quả là khó khăn nhưng đến hôm nay thì thấy đó là một quyết định hoàn toàn sáng suốt, không ân hận chút nào.
Thật sự phải cảm ơn Diên Hồng, cảm ơn vợ chồng em Thúy Nga (cựu cố vấn HR của MISA) và những các CBNV Diên Hồng cơ sở 2 đã thay con cháu trong gia đình để chăm sóc tận tình chu đáo cho Ông có được sức khoẻ, trạng thái tinh thần như ngày hôm nay.
Bố mình vốn bị trúng gió liệt dây thần kinh số 7 từ tháng 9/2019, sau gần 1 năm chữa trị và chăm sóc đi đủ các bệnh viện, mời mấy bác sĩ về châm cứu chữa trị, bệnh cũng khỏi đến 70-80%, nhìn bình thường không thấy Ông bị méo miệng nữa.
Tuy nhiên Ông rơi vào trạng thái kiểu như trầm cảm, sốc về tâm lý bởi vì Ông đang đi xe máy phóng ầm ầm, ăn được, nói được, uống rượu, hút thuốc được vậy mà giờ không được như bình thường nên lúc nào cũng nghĩ có bệnh nặng muốn đi bệnh viện để khám nhưng khám không ra bệnh gì nguy hiểm. Thật sự là khó khăn và vô cùng lo lắng với những người con rất ít thời gian như anh chị em nhà mình, không thể về quê thường xuyên được, đón ông bà lên ở nhà ông bà cũng không thích vì con cái đi suốt cả ngày chỉ ở trong phòng suy nghĩ thì lại càng mất ăn mất ngủ hơn.
Vậy nên gia đình mới lựa chọn giải pháp đưa Ông vào Diên Hồng điều dưỡng. Ông lại muốn phải có Bà bên cạnh vậy nên cả hai Ông Bà đã vào đó với tinh thần trải nghiệm thử vài ngày. Vậy mà giờ đã được gần 3 tháng rồi, nay Ông đã khoẻ mạnh trở lại gần như bình thường, ăn ngon, ngũ kỹ, tự tin nói chuyện, uống vài chén rượu khi nhà có việc vui. Mặc dù rất yêu quý Diên Hồng nhưng cũng phải về quê vì nhà cửa vườn ao, người thân, hàng xóm đang chờ nên Ông Bà đành phải chia tay Diên Hồng.
Chia tay Diên Hồng điều lưu luyến nhất vẫn là tình cảm của Ông Bà dành cho những người hằng ngày chăm sóc Ông Bà, đặc biệt là hai vợ chồng em Thắng Nga, là lãnh đạo cao nhất của Trung tâm nhưng luôn sát sao,tận tình, ân cần thăm hỏi chăm sóc khách hàng hằng ngày, lại luôn biết khơi dậy tiềm năng sở trường sở thích thế mạnh của từng cụ ông cụ bà để tạo niềm vui cho cả trung tâm.
Ông đã viết hẳn một bài cảm nhận dành cho Diên Hồng chắc sẽ được lan tỏa trong thời gian tới với mong muốn sẽ có nhiều cơ sở dưỡng lão có ý nghĩa mang lại nhiều giá trị trong cuộc sống như Diên Hồng được nhiều người biết đến tin tưởng lựa chọn chăm sóc ông bà cha mẹ khi về già trong trường hợp cần thiết, phù hợp.
Gia đình mình đã trở thành khách hàng của Diên Hồng như thế đó. Nếu ai có những tình huống như trên hãy nghĩ ngay đến Diên Hồng nhé. Bài viết chia sẻ chân tình này không chỉ là lời cảm ơn dành cho Diên Hồng trước khi Ông Bà chia tay về quê mà còn là món quà nhỏ mình muốn tặng Diên Hồng khi vừa tròn 6 tuổi. Chúc tập thể Ban lãnh đạo và CBNV Diên Hồng luôn mạnh khoẻ, tràn đầy nhiệt huyết với sứ mệnh phụng dưỡng người cao tuổi. Chúc Diên Hồng ngày càng mở rộng và phát triển hơn nữa với sự tin yêu của khách hàng!
Còn nhớ 6 năm trước, khi Diên Hồng vừa “ra đời” thì mọi người
thấy lạ lẫm lắm, không biết cuộc sống trong Viện dưỡng lão thế nào? Rồi dần dần
cũng có ông bà đến đăng ký ở. Người thì ở thật, người thì ở thử. Mà ở thử thích
quá nên ở lâu dài luôn. Không những thế các cụ và gia đình còn giới thiệu cho
nhau. Hay mỗi lần có khách tham quan đến là các cụ lại khoe: “Ở đây thích lắm, Giám
đốc bảo chăm như chăm người thân, nhưng tôi lại thấy chăm hơn chăm người thân ấy
chứ”.
Thời gian thấm thoắt, vậy mà đã 6 năm trôi qua.
Hôm nay nắng rực rỡ, lòng người cũng hân hoan, vẫn là những gương mặt ấy, nhưng ai cũng vui tươi lạ kỳ. Chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng sinh nhật 6 tuổi đã diễn ra vô cùng ấm áp, nhưng cũng không kém phần sôi động tại 2 cơ sở của Diên Hồng.
Người cao tuổi tại Diên Hồng hào hứng tham gia chương trình kỷ niệm.
CLB Quan họ Tri Ân Tri Kỷ và CLB Chèo 48h giao lưu văn nghệ với người cao tuổi tại Diên Hồng 2.
Diên Hồng có được ngày hôm nay là sự cố gắng của tất cả Cán bộ nhân viên và sự tin tưởng, yêu mến của gia đình dành cho Trung tâm. Diên Hồng sẽ cố gắng để mãi là sự lựa chọn hàng đầu, là ngôi nhà đầy ắp tiếng cười cho người cao tuổi.
Dù bệnh tật, ốm đau, dù mỗi người một câu chuyện, nhưng các cụ vẫn ánh lên nét tươi vui bình dị cùng cúc họa mi cuối vụ.
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang truyền tay nhau rầm rộ về bộ ảnh ‘Tình bạn già U90 bên cúc họa mi’ của hai cụ Vũ Thị Yên và Lê Thị Thịnh đến từ Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội).
Tuy nhiên, trong lúc ‘cơn sốt’ tình bạn già chưa ngừng giảm thì loạt ảnh ghi lại những khoảnh khắc yêu đời, vui tươi của các cụ bà bên cúc họa mi cuối vụ, lại một lần nữa khiến người xem xúc động và ngưỡng mộ.
Không còn minh mẫn, cũng chẳng đủ sức khỏe như hồi còn xuân, các cụ chọn trung tâm dưỡng lão là nơi gắn bó tuổi già. Ở đó, các cụ không được sống gần con cháu, không được chăm sóc bởi tình cảm gia đình. Nhưng đổi lại, các cụ nhận được sự quan tâm, chở che từ các nhân viên điều dưỡng, nhận được sự sưởi ấm dù là yếu ớt từ những người bạn già đồng cảnh ngộ.
Dù đã ngoài 80, 90 tuổi, nhưng khi vừa được các nhân viên ngỏ ý chụp ảnh cùng cúc họa mi, các cụ ở trung tâm đã ngay lập tức đồng ý và hào hứng. Bởi đó là cách mà các cụ tận hưởng cuộc sống, là cách mà các cụ lan tỏa tình niềm tin yêu cuộc sống đến mọi người.
Nhìn hình ảnh các cụ cười, các cụ yêu đời tạo dáng bên cúc họa mi, các cụ khoác tay nhau đi qua những khoảng thời gian gần cuối của cuộc đời, nhiều bạn trẻ không ngừng xúc động và ngưỡng mộ. Bởi lẽ, thời đại @, con người ngày càng ít giao tiếp với nhau. Họ thầm tự hỏi rằng, liệu ai sẽ là người bạn đi cùng mình đến cuối cuộc đời?
Nhân dịp kỷ niệm 6 năm thành lập Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (21/9/2014 – 21/9/2020)
Tôi là Đinh Đức Lâm (75 tuổi), Thương binh loại ¾. Là Hiệu
trưởng trường Phổ thông cấp 2 , đã về nghỉ hưu, quê ở Tiên động, Tứ Kỳ, Hải Dương.
Do tôi có chút biến cố về sức khỏe nên các con đã động viên, mời cả hai bố mẹ đi nghỉ dưỡng vài tháng tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, Hà Nội để có người chăm sóc hàng ngày, đến nay đã gần 2 tháng (Từ ngày 5/7/2020). Dự kiến vợ chồng tôi sẽ ở đây hết tháng 9/2020, khi thể lực và tinh thần đã khỏe mạnh trở lại thì sẽ trở về quê hương. Đây đúng như là một chuyến đi nghỉ dưỡng dài ngày rất phù hợp dành cho những người già như chúng tôi những khi cần thiết và con cái có điều kiện về tài chính.
Khu nhà nghỉ dưỡng cao 6 tầng với mấy chục phòng, được xây dựng
nguy nga trên một khu đất rộng mênh mông, thoáng mát và yên tĩnh, xa đường quốc
lộ. Nơi đây rất phù hợp với người già cần tĩnh mịch trong lành.
Với dòng khẩu hiệu được thêu dệt tinh tế trên tường ở sảnh tầng
1: “Dưỡng lão Diên Hồng, Chăm như chăm người thân”, thật cảm động về tình người.
Một tình cảm từ tâm huyết của người lãnh đạo trung tâm.
Trước hết, tôi thấy hài lòng về sự sắp xếp khoa học của tất cả
các phòng nghỉ cho người già. Phòng nào cũng ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Từ
giường nằm đến tủ quần áo, tủ lạnh, điều hòa, nóng lạnh đều được trang bị đầy đủ,
rất thuận tiện cho người cao tuổi sử dụng. Điều nổi bật ở nơi đây, là đội ngũ
cán bộ nhân viên đều đáng trân trọng. Họ đều trẻ trung, tươi đẹp. Họ làm việc
thật say sưa, tự giác cao và nề nếp. Họ kính trọng người già như kính trọng ông
bà, bố mẹ mình vậy.
Tôi bị bệnh liệt dây thần kinh số 7, nên mỗi ngày đều phải
châm cứu một lần. Có ngày là y sỹ Kim Quy châm cứu, đó là một y sỹ giàu kinh
nghiệm, làm việc thận trọng, đáng khen ngợi. Có ngày thì bác sỹ Trần Thị Hoa
châm cứu. Đó là một bác sỹ trẻ mới ra trường nhưng rất có trách nhiệm khi làm
việc và có chuyên môn cao. Tôi thấy rất thoải mái sau mỗi lần được bác sỹ châm
cứu và bấm huyệt. Không những thế, hằng ngày tôi được điều dưỡng viên xoa bóp
chân tay, giúp cơ thể dễ chịu. Tôi thầm cảm ơn các cháu điều dưỡng viên như
cháu: Nguyễn Thị Hoa, cháu Dương Văn Quý, cháu Huyền, cháu Thúy, cháu Chinh,
cháu Huấn,….Ngoài ra nhiều cháu điều dưỡng không trực tiếp chăm sóc nhưng vẫn rất
quan tâm, chăm lo tới sức khỏe như cháu Đào Quang Đức, điều dưỡng trưởng, cháu
Lê Quang Trọng, điều dưỡng của Trung tâm,…
Ở Trung tâm còn có nhiều hoạt động phong phú. Cứ 1 đến 2 tuần
lại tổ chức một chuyên đề cho cho người già. Như chuyên đề “Thơ ca”, để khai
thác năng khiếu làm thơ của các cụ. Hay chuyên đề về “nàng dâu mẹ chồng” có tác dụng giáo dục cho các cháu nhân viên nữ
trong việc ứng xử với mẹ chồng. Người chỉ đạo các chuyên đề là Ngân và Hà, hai
cháu rất xinh xắn và năng động.
Trung tâm còn tổ chức cuộc thi hoa khôi, nam vương, thi vấn
đáp bốc thăm và trả lời các câu hỏi trong cuộc thi. Nhiều câu hỏi có ý nghĩa được
các nhân viên trả lời sống động được Ban giám khảo nhận xét đánh giá cho điểm
cao. Tiêu biểu là cháu Trần Thị Chinh, cơ sở 2 và Ngô Duy Phúc cơ sở 1.
Về sinh hoạt hằng ngày, ngày 3 bữa là những bữa cơm tươi sốt được ban hậu cần khéo tay chuẩn bị, đảm bảo sức khỏe cho hơn trăm cụ ở đây. Mấy chục phòng của Trung tâm, ngày ngày được các cô nhân viên vệ sinh, lau chùi sạch bóng thơm mát, làm các cụ rất hài lòng.
Để gặp được người lãnh đạo của Trung tâm không khó, tôi đã gặp
được Tổng giám đốc Đỗ Trần Hồ Thắng, một lãnh đạo trẻ trung, thanh nhã. Qua tiếp
xúc tôi thấy anh như một bác sỹ thực thụ, anh am hiểu về chuyên môn. Tìm hiểu
ra thì được biết anh đã có nhiều chuyên môn về dược lý, bệnh học. Tôi cảm phục
và đã tâm sự với Tổng giám đốc nhiều điều.
Hai Phó tổng Trần Thị Thúy Nga và Hoàng Thị Thu Ngân là người
xinh xắn, dễ gần, cởi mở, hòa đồng với cán bộ nhân viên. Rồi đến trưởng phòng
kinh doanh Lan Anh, trẻ trung, xinh đẹp, làm việc tận tụy.
Ở trung tâm còn tổ chức sinh nhật cho các cụ, có bánh kẹo
liên hoan và đại diện lãnh đạo Trung tâm có những lời chúc tốt đẹp. Đó là nguồn
động viên lớn cho các cụ phấn khởi, vui vẻ, như sống bên các con cháu ruột thịt
của mình.
Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng có nhiều điểm sáng, và rất cần
các cấp lãnh đạo từ quận huyện đến thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho trung
tâm được phát triển hơn nữa, góp phần vào việc chăm sóc người già. Mô hình hoạt
động này mang tính nhân văn sâu sắc nên cần được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Tôi trân trọng cảm ơn Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng đã giúp
tôi sau vài tháng khôi phục được sức khỏe ngày một tốt hơn, mặc dù đã 75 tuổi.
Tôi chân thành chúc Ban lãnh đạo và Cán bộ nhân viên Trung
tâm ngày càng mạnh khỏe, phát triển bền vững.
Ai bảo già là không sướng? Già vẫn có cái sướng kiểu
già, sướng nhưng vẫn an toàn cho sức khỏe thì cứ sướng thôi..
Về già, khi “con ma” vật chất, cơm áo gạo tiền không
còn ám nữa, người già cũng bớt lo âu, sống thoải mái hơn. Khi đó, người già có
thể làm những điều mình thích, đi đến những nơi mình muốn, và cùng nhau tận hưởng
vui thú cuộc sống. Hồi trẻ không dám hát vì sợ hát dở, nhưng đến già thì hay dở
cũng cứ ca lên cho đời thêm vui sướng. Xem văn nghệ cũng thích nhưng tự làm văn
nghệ còn sướng hơn.
Người già cũng như lớp trẻ vậy, cũng thích giao lưu,
gặp gỡ bạn bè. Nên mỗi khi chiều về dưới gốc đa hay dưới những gánh hàng nước lại
thấy tốp ba tốp bảy các cụ. Tốp này thì chè nước, nói chuyện rôm rả, Tốp kia
thì chơi cờ, trầm ngâm suy nghĩ. Hay những lúc người già muốn “bỏ nhà” đi chơi
thì rủ nhau dã ngoại, dưới những thảm cỏ xanh ngắt và tiếng chim ca, nhắm mắt lại
rồi hòa mình vào thiên nhiên. Cuộc đời thế là sung sướng.
Tình bạn của người già lạ lắm. Đó là những khoảnh khắc
quá đỗi bình dị như dăm ba câu chuyện hỏi thăm nhau, nắm tay nhau chống gậy đi
dạo quanh con phố hay cùng nhau thưởng thức một món ăn ngon. Gần cuối đời mà có
người bạn tri kỷ cũng là một đặc ân của tạo hóa.
Niềm vui sướng của tuổi già còn là mỗi lần nghe tiếng
gọi non nớt của đứa cháu nhỏ: Ông ơi, bà ơi.
Vui sướng của người già vẫn vậy nhưng trong thời đại
4.0 nó lại mang những màu sắc khác. Người già đặc biệt là người già ở thành thị
thường không dễ tận hưởng niềm vui sướng
đó. Khi mà họ bị cách nhau bởi những bức tường bê tông, bởi những căn chung cư
cứng ngắc cao chọc trời. Để có thể có 1 buổi hàn huyên với nhau, thì họ phải di
chuyển cả vài tuyến xe bus trong nhiều giờ mới có thể gặp nhau. Nên trong thời
đại 4.0, họ thường tìm đến những Viện dưỡng lão, đã được thẩm định như Viện dưỡng
lão Diên Hồng.
Đó là nơi mà người cao tuổi được làm những điều mình
thích, được tham gia những câu lạc bộ thơ, ca, văn nghệ. Là nơi mà ngày ngày, họ
được sống với những người cùng trang lứa, sớm tối có người bầu bạn, tâm sự. Rồi
cuối tuần con cháu vào thăm trong niềm hạnh phúc.
Bởi vậy, cũng chẳng cần phải mải miết kiếm tìm sự
sung sướng ấy ở đâu khi về già. Bởi vì cứ đến Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, người
già vẫn đang được hưởng thụ cái sung, cái sướng mỗi ngày đấy thôi.
Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng đều có những nét đẹp riêng của nó. Cũng như ngành y, nét đẹp là sự tận tâm chăm sóc người bệnh. Và Diên Hồng cũng vậy, nhằm tôn vinh nét đẹp của những nhân viên đang ngày đêm miệt mài chăm sóc người cao tuổi, Diên Hồng đã tổ chức cuộc thi Hoa khôi, nam vương Diên Hồng 2020. Cuộc thi là sân chơi bổ ích cho tất cả nhân viên, để mọi người được thể hiện những tài năng độc đáo của mình. Và là dịp để tất cả các bạn khoác lên mình một hình ảnh thật mới lạ. Các bạn nữ thì xinh đẹp, rạng rỡ, quý phái, đáng yêu. Các bạn nam thì mạnh mẽ, khác hẳn với những bộ đồng phục hằng ngày.
Cuộc thi được diễn ra trong vòng 1
tháng và trải qua 4 vòng thi: Vòng loại, vòng video giới thiệu bản thân, vòng
bán kết và gala chung kết.
Thí sinh là tất cả nhân viên của
Diên Hồng, từ điều dưỡng, văn phòng đến cả bếp và tạp vụ. Ai cũng hân hoan chụp
cho mình bức ảnh đẹp nhất để dự thi.
Sau khi trải qua 2 vòng, thì bán kết
sẽ được tổ chức riêng tại 2 cơ sở. Cơ sở 1 có 5 thí sinh và cơ sở 2 có 6 thí
sinh. Đây là dịp để các cơ sở chọn ra những gương mặt xuất sắc nhất tham dự
gala chung kết.
Tại vòng bán kết, các cụ và ban
giám khảo đều ngỡ ngàng với tài năng của các thí sinh. Người thì múa, người thì
hát, người thì tỉa hoa quả và có người thì trổ tài nấu ăn. Tuy thời gian chuẩn
bị ngắn ngủi nhưng cũng khiến cho cả hội trường phải trầm trồ , khen ngợi.
Sau những phần thi gay cấn, cuối cùng 2 cơ sở cũng đã chọn
ra được những bạn thí sinh xuất sắc nhất. Cơ sở 1: Lò Thị Linh, Vũ Thị Huệ,
Nguyễn Đình Như và Ngô Duy Phúc. Cơ sở 2 có: Nguyễn Thị Như, Trần Thị Chinh,
Nguyễn Thị Mùi.
Bước vào chung kết, mỗi thí sinh sẽ trải qua 3 vòng thi, đó là: Trình diễn trang phục tự thiết kế, phần game và cuối cùng là phần thi ứng xử.
Trong phần trình diễn trang phục tự thiết kế, các thí sinh
phải tự chế tạo ra một bộ trang phục từ mọi chất liệu. Đi ra trong tiếng reo
hò, cổ vũ của cả 2 đội, các thí sinh đã rất xuất sắc khi mang đến cho hội thi một
màn trình diễn vô cùng ấn tượng và độc đáo. Mang số báo danh 03, thí sinh Vũ Thị
Huệ khoác lên mình chiếc váy bằng nilon, màu vàng rực rỡ và đuôi váy dài khiến
cho ai cũng phải nhìn theo.
Bộ trang phục của thí sinh Nguyễn Thị Như cùng vô cùng ấn tượng,
từ vỏ bỉm của các cụ dưới bàn tay khéo léo đã biến thanh chiếc váy bồng xòe
duyên dáng.
Đặc biệt, bộ trang phục mới được làm trước lúc thi 30 phút của
thí sinh Nguyễn Thị Mùi cũng không kém phần hấp dẫn. Chiếc váy được làm từ nhiều
chiếc lá xếp chồng lên nhau, mang vẻ đẹp hoang dại như nàng công chúa ngủ trong
rừng.
Tiếp đến là chiếc váy của Lò Thị Linh, với những tờ giấy báo
cũ thí sinh mang số báo danh 31 đã khiến cho khán giả và giám khảo mãn nhãn bởi
chiếc váy có nhiều họa tiết, kỳ công.
Không kém phần kỳ công, phải kể đến trang phục tự thiết kế của
Đình Như. Chiếc áo dài làm từ bao bố được cắt may kỳ công, vẽ hoa sen mang đến
nét đẹp của vua chúa xưa.
Tiếp đến là bộ trang phục được lấy cảm hứng từ các Vua Hùng,
thí sinh Ngô Duy Phúc muốn nhắn nhủ đến mọi người, lúc nào cũng phải ghi nhớ
công ơn dựng nước.
Cuối cùng là bộ cánh mang tên “Siêu nhân Diên Hồng” do thí
sinh Trần Thị Chinh thiết kế. Chiếc váy được hoàn thành sau 4 ngày, với họa tiết
logo Diên Hồng được thêu bằng tay, tỉ mỉ, tinh xảo.
Kết thúc phần trình diễn trang phục tự thiết kế, các thí sinh sẽ bước sang phần game vui nhộn của cuộc thi. Với nam giới sức khỏe là quan trọng nhất, bởi vậy các thí sinh sẽ được tham gia 1 game thể lực mang tên “Sức mạnh nam vương”. Các bạn nam sẽ phải plank trong thời gian 1 phút, và yêu cầu, vừa plank vừa phải cười tươi. Từng giây đồng hồ trôi qua, 2 thí sinh cũng đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình.
Khi nhắc đến nữ giới, chúng ta thường nghĩ đến sự dịu dàng, khéo léo. Chính vì vậy, các bạn nữ sẽ tham gia game “Bàn tay ma thuật”. Trong thời gian 3 phút, các thí sinh phải bóc bưởi và bày ra đĩa sao cho thật đẹp, với tiêu chuẩn đẹp từ trong ra ngoài, từ vỏ bưởi đến tép bưởi.
Kết thúc 2 phần thi, đến phần hồi hộp nhất, căng thẳng nhất,
đó là phần thi ứng xử. Các thí sinh lần lượt bốc thăm và trả lời câu hỏi của
mình.
Với câu hỏi: “Dịch Covid 19 đang bùng phát trở lại và vô
cùng phức tạp. Nếu như dịch bệnh làm cho Diên Hồng gặp nhiều khó khăn về tài
chính thì bạn sẽ làm gì để giúp đỡ cho trung tâm?”. Thí sinh Ngô Duy Phúc đã trả
lời: “Em sẽ trích một phần lương để giúp đỡ Diên Hồng” và nhận được nhiều lời
khen ngợi.
Thí sinh Trần Thị Chinh với câu hỏi: “Nếu gia đình người yêu
hoặc gia đình bố mẹ chồng/vợ của bạn tỏ ra không muốn bạn làm việc ở một trung
tâm dưỡng lão và đề nghị bạn nghỉ việc. Bạn có nghe theo không hay sẽ làm thế
nào?”, bạn đã trả lời: “Nếu gia đình ngăn cấm thì em sẽ giải thích cho bố mẹ hiểu
công việc của em đang làm. Nó không chỉ là một công việc mà con mang ý nghĩa
nhân văn sâu sắc, đó là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Và khi mình làm ở
đây, sau này bố mẹ ốm thì mình vẫn có thể chăm sóc mà không nề hà”.
Với câu trả lời ứng xử thông minh, khéo léo, hai bạn Trần Thị
Chinh và Ngô Duy Phúc đã xuất sắc chinh phục hoàn toàn Ban giám khảo và xứng
đáng nhận được danh hiệu tân Hoa khôi, nam vương Diên Hồng 2020.
Ngoài 2 giải chính, Ban giám khảo cũng tìm được chủ nhân cho các danh hiệu: Quý ông lịch lãm dành cho Nguyễn Đình Như, Người đẹp thân thiện dành cho Vũ Thị Huệ, Người đẹp tài năng dành cho Nguyễn Thị Như, Người đẹp khả ái dành cho Lò Thị Linh và Người đẹp năng động dành cho thí sinh Nguyễn Thị Mùi.
Cuộc thi kết thúc, ai cũng hưởng trọn niềm vui của mình. Các cụ cũng thế, được theo dõi cuộc thi sắc đẹp mà không phải xem qua màn hình ti vi, cảm xúc là chân thật, trọn vẹn. Ban tổ chức rất cảm ơn các cụ đã luôn mạnh khỏe, tích cực, ủng hộ chương trình hết mình.
Tại Việt
Nam, sau gần 100 ngày không có ca nhiễm, Covid 19 đã quay trở lại khiến nhiều
người ngỡ ngàng. Đặc biệt, tới giờ, đã có 9 trường hợp tử vong liên quan đến
Covid 19, tất cả đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền. Do đó, việc chăm
sóc, phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi tại gia đình đang trở thành vấn đề
cấp thiết, cần được quan tâm và chú trọng nhiều hơn.
Mặc dù
người già thường ít đi lại, ít giao lưu với bên ngoài, nhưng hằng ngày vẫn tiếp
xúc với con cháu. Bởi vậy, nguy cơ nhiễm bệnh của người già không hề nhỏ.
Hiểu được điều đó, Viện dưỡng lão Diên Hồng đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi. Ngay từ những ngày đầu tái dịch, Viện đã gửi thông báo đến gia đình của các cụ, yêu cầu tất cả gia đình không đến thăm nom trực tiếp, hạn chế tiếp xúc. Mọi hoạt động thăm nom đều thực hiện qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội.
Bên cạnh
đó, tất cả nhân viên đều phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế tụ
tập nơi đông người. Người cao tuổi cũng được theo dõi chặt chẽ hơn về sức khỏe,
đảm bảo phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến dịch bệnh như ho, sốt,… và được
xử trí kịp thời.
Ngoài
ra, vấn đề an toàn thực phẩm cũng rất được chú trọng. Trung tâm đã ngưng hoàn
toàn việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, đầu bếp của Viện dưỡng
lão Diên Hồng nấu theo thực đơn riêng, hoàn thiện từ A=>Z, đảm bảo kiểm dịch
an toàn. Bữa ăn của các cụ cũng được bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả hơn.
Với những
nỗ lực để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, Viện dưỡng lão Diên Hồng tự hào là
nơi chăm sóc chu đáo, tận tâm, mang đến cho người già không gian sống thoải
mái, hạnh phúc và an toàn. Đồng thời, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
của mình, đồng hành cùng các gia đình để cung cấp những lời khuyên, tư vấn có
ích, nhằm chăm sóc người già tại nhà được tốt hơn.