Sa sút trí tuệ là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên không phải người già nào cũng bị, việc nhận ra những triệu chứng ban đầu của bệnh sẽ giúp cho việc can thiệp, điều trị đạt hiệu quả cao.
Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất cho bệnh sa sút trí tuệ ở người già.
Dấu hiệu 1: Mất trí nhớ ngắn hạn
Việc quên một điều gì vừa xảy ra có thể gặp ở cả người trẻ. Tuy nhiên, một người sa sút trí tuệ có thể quên mọi thứ thường xuyên hơn hoặc có thể gặp khó khăn trong việc nhớ lại thông tin, sự việc vừa xảy ra. Họ hay hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi. Biểu hiện hay gặp là ăn rồi nhưng lại bảo chưa ăn, tắm rồi nhưng bảo chưa tắm,…
Dấu hiệu 2: Khó thực hiện các công việc quen thuộc
Những người mắc bệnh thường khó hoàn thành các công việc hàng ngày như nấu ăn, thay đồ, mặc đồ. Đôi khi họ có thể gặp khó khăn khi đến một địa điểm quen thuộc như nhà con cái, chợ,….Do đó người bị bệnh rất dễ đi lạc
Dấu hiệu 3: Rối loạn ngôn ngữ
Bất cứ ai cũng có thể gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ để diễn đạt những gì họ muốn nói. Nhưng với người bệnh họ có thể quên những từ đơn giản hoặc thay thế bằng những từ khiến chúng ta khó hiểu. Vì vậy một số trường hợp người bệnh thường hay nói nhảm, nói linh tinh.
Dấu hiệu 4: Mất phương hướng về thời gian và địa điểm
Bạn đã bao giờ quên hôm nay là thứ mấy trong tuần hay không thể nhớ tại sao mình lại vào phòng ngủ? Nó xảy ra cho tất cả chúng ta. Những người mắc chứng mất trí nhớ có thể bị lạc trên con đường của chính họ, không biết làm thế nào họ đến đó hoặc làm thế nào để về nhà.
Dấu hiệu 5: Nhầm lẫn thời gian hoặc địa điểm
Người mắc bệnh có thể không còn ký ức về ngày, tháng, năm mùa và thời gian trôi qua. Ở dấu hiệu nặng người bệnh có thể quên cả tên, tuổi, họ cũng không biết mình đang ở đâu.
Dấu hiệu 6: Gặp vấn đề về tư duy trừu tượng
Với người sa sút trí tuệ, họ có thể gặp khó khăn với tư duy trừu tượng. Khả năng nhận biết về khoảng cách, điều hướng, độ tương phản, không gian của họ bị giảm.
Dấu hiệu 7: Đặt nhầm đồ và mất khả năng quay lại các bước
Việc để nhầm đồ là dấu hiệu dễ nhận biết nhất với người sa sút trí tuệ. Họ có thể mang bát đũa cho vào tủ quần áo, mang quần áo cho vào tủ lạnh,…. Do đó họ hay bị mất đồ và không thể quay lại các bước của mình để tìm lại.
Dấu hiệu 8: Thay đổi tâm trạng và tính cách
Họ có thể trở nên bối rối, nghi ngờ, chán nản, sợ hãi hoặc lo lắng. Họ có thể dễ dàng khó chịu khi ở nhà, với bạn bè hoặc khi ra khỏi vùng thoải mái của họ. Hoặc trong thời gian ngắn họ có những thay đổi tâm trạng khác nhau, từ bình tĩnh đến tức giận rồi lại vui vẻ mà không có lý do rõ ràng.
Dấu hiệu 9: Trở nên thụ động
Nếu một người có tính cách hoạt bát, hòa đồng và chủ động trong mọi việc đột nhiên họ trở nên thụ động, không quan tâm thì có thể họ đang có biểu hiện của sa sút trí tuệ. Họ không còn hứng thú với các hoạt động xã hội.
Dấu hiệu 10: Suy giảm hoặc khả năng phán đoán kém
Người già có thể trải qua những thay đổi trong phán đoán hoặc ra quyết định. Ví dụ, họ có thể phán đoán kém khi giải quyết vấn đề tiền bạc. Thậm chí họ không biết tính toán với những con số.
Khi về già các cơ quan, bộ phận trong cơ thể dần lão hóa và suy giảm chức năng, trong đó có hệ thống tiêu hóa. Răng rụng, giảm nước bọt, giảm vị giác, giảm khả năng hấp thu từ đó người già ăn kém hơn, lâu dần trở thành chứng biếng ăn. Bên cạnh đó một số tác động tâm lý cũng là nguyên nhân gây biếng ăn ở người già.
Ngay sau đây hãy cùng tìm hiểu cách khắc phục chứng biếng ăn của người già.
– Xây dựng thực đơn phong phú. Ăn đầy đủ dưỡng chất gồm chất đạm, chất xơ, Vitamin, khoáng chất,…Thường xuyên thay đổi, bổ sung những món ăn mà người già yêu thích. Bày biện, trang trí các món ăn bắt mắt để kích thích cảm giác thèm ăn của người già.
– Chế biến đồ ăn mềm, dễ ăn, dễ tiêu hóa. Do khả năng nhai nuốt và hấp thu dinh dưỡng kém nên thức ăn hàng ngày của người cao tuổi cần được chế biến mềm, nhừ. Các món: cháo, súp, canh hầm như: cháo gà, cháo sườn, súp gà… là những món ăn rất thích hợp cho người già biếng ăn. Đồng thời rất giàu dinh dưỡng, giúp người cao tuổi hấp thu tốt hơn.
– Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối. Sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu
– Tăng cường uống nước: Người già thường uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ. Nhưng nước cần để giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Cần uống từ 1,5-2 lít nước/ ngày, cần chủ động uống nước không chờ khát mới uống.
– Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Chia đều thời gian ăn thành các bữa ăn nhỏ, khoảng 4 đến 6 bữa trong ngày. Động viên người già ăn đúng giờ, không bỏ bữa.
– Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị. Một số loại gia vị, thảo mộc có thể giúp làm giảm cảm giác đầy hơi, chướng bụng. Từ đó, người già có cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng hơn. Như thì là, hạt tiêu, rau mùi,….
Một số thực phẩm tốt cho sức khỏe người già
– Protein thực vật. Nhu cầu protein cho người cao tuổi là từ 60-70g/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% tổng số protein. Còn lại là nguồn protein từ thực vật như: đậu đỗ, vừng lạc, đậu phụ… giúp thải lượng cholesterol, phòng bệnh tim mạch.
– Rau xanh và trái cây tươi. Người già cần chú ý ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để bổ sung vitamin và các chất khoáng cần thiết. Lượng chất xơ có nhiều trong thực phẩm lành mạnh như rau quả giúp kích thích nhu động ruột, tránh táo bón, phòng chống bệnh xơ vữa động mạch.
– Thực phẩm giàu kẽm. Hệ tiêu hóa ở người già không còn hoạt động tốt như trước dẫn tới dễ bị thiếu kẽm. Trong khi đó kẽm là yếu tố cần thiết để tăng sức đề kháng, giúp trí não người cao tuổi minh mẫn, tăng khả năng tập trung, tăng cường trí nhớ, ngủ ngon và ngủ sâu giấc. Vì vậy, trong bữa ăn nên chú ý bổ sung các loại thức ăn giàu kẽm như: Thịt bò, thịt lợn nạc, hải sản có vỏ như hàu, ốc, hến, sò, cua, tôm, trứng, sữa, phô mai, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, một số loại rau củ, các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng…
– Thực phẩm giàu vitamin nhóm B. Các thực phẩm giàu vitamin B1, B3, B5, B6, B12 như: thịt, cá,…
“Hôm trước cháu vừa ngồi bên cạnh nói chuyện với bà mà, bà không nhớ à?”
“Ôi dào, giờ già rồi bà có nhớ được đâu. Khổ lắm. Có khi cháu phải làm ở đây cả năm may ra bà mới nhớ được”
Đây là trường hợp không còn xa lạ khi nói chuyện với người lớn tuổi. Giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ là bệnh lý dễ gặp ở người cao tuổi. Quá trình lão hóa diễn ra trên khắp các bộ phận của cơ thể. Và không loại trừ não bộ. Não liên tục trưởng thành từ khi ta nhỏ đến khi trưởng thành. Thế nhưng, sau 60 tuổi, não bắt đầu dừng sản xuất tế bào thần kinh. Lượng tế bào thần kinh bị phá hủy không được tái tạo. Não dần trở nên lão hóa, các liên kết của tế bào thần kinh đứt vỡ càng nhiều thì trí óc càng suy giảm.
Biểu hiện của sa sút trí tuệ
Tuổi càng cao tình trạng lão hóa não ngày càng nặng. Nếu tình trạng này không sớm được can thiệp sẽ dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ là nỗi ám ảnh với không chỉ người bệnh mà còn đối với cả gia đình. Khi tình trạng bệnh nhẹ, người cao tuổi bị giảm khả năng ghi nhớ và quên đi những việc vừa xảy ra. Ở mức độ nặng hơn, người cao tuổi sẽ giảm đi khả năng tự chăm sóc bản thân và có thể mất định hướng về thời gian. Hoang tưởng cũng là triệu chứng của những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.
Phòng ngừa sa sút trí tuệ như thế nào?
Tập thể dục cho não
Cũng giống như các hoạt động thể dục thể thao bình thường, mục đích của tập thể dục chính là để tăng vận động. Não bộ cũng thế. Để hoạt động của não bộ được trơn tru, hiệu quả thì việc luôn tạo ra những tình huống khiến não phải hoạt động, giải quyết không chỉ cần thiết đối với người cao tuổi mà với bất kì ai, bất kỳ lứa tuổi nào. Có rất nhiều cách để não được vận động. Các trò chơi giải đố, xếp hình, lật hình,… đều có tác dụng bắt trí óc phải hoạt động. Hay đọc sách, đan len,… cũng là những hình thức để tăng sự tập trung cho não bộ.
Tăng cường hoạt động thể chất và giao tiếp xã hội
Đối với người cao tuổi, hoạt động thể chất, vận động có xu hướng giảm đáng kể. Có rất nhiều bài tập thể dục phù hợp với người cao tuổi như đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ,… Tùy vào khả năng vận động cũng như sức khỏe, người cao tuổi nên lựa chọn một hình thức vận động để cơ thể luôn trong tình trạng nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Thiếu đi những hoạt động thể chất sẽ khiến các cơ, xương khớp trở nên kém hoạt động, cơ thể cũng dần chậm chạp. Chưa kể đến là hoạt động của các tế bào, bộ phận bên trong cơ thể cũng giảm năng suất hoạt động.
Kết quả từ cuộc nghiên cứu trên quy mô rộng do TS. Thomas Glass và cộng sự ở trường Đại học Y tế cộng đồng Harvard thực hiện qua theo dõi dữ liệu của 2.812 người trên 65 tuổi trong khoảng 12 năm cho thấy, tình trạng suy giảm trí nhớ đã tăng lên gần gấp đôi ở những người sống lẻ loi so với những người có mối liên hệ thường xuyên với bạn bè, người thân, với tổ chức, tôn giáo hoặc tham gia đều đặn các sinh hoạt giao tiếp xã hội. Các hoạt động này không tốn nhiều năng lượng và yêu cầu có sức khỏe tốt nhưng lại có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và tuổi thọ ngang với các hoạt động thể chất.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học sẽ giúp người cao tuổi khỏe mạnh hơn cũng như giảm tình trạng của các bệnh tuổi già. Đối với những người sa sút trí tuệ, khẩu phần ăn nên hạn chế nguồn thịt đỏ, đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, đồ nướng. Thay vào đó, nên sử dụng các loại thực phẩm tươi, sạch, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của não bộ. Nguồn omega – 3 dồi dào trong các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá thu,… là thực phẩm nên đưa vào thực đơn ít nhất 2 – 3 lần/tuần.
Theo Hiệp hội bệnh Alzheimer, những loại quả có màu vỏ sậm như quả nho đỏ, mận, dâu, cherry,… giàu các chất chống oxy hóa nên có tác dụng lớn cho những người sa sút trí tuệ. Thêm vào đó, việc ăn nhiều rau củ quả sẽ cung cấp đủ các loại vitamin mà cơ thể cần. Bổ sung các loại hạt vào thực đơn hằng ngày như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ cười,… đều rất tốt cho não bộ.
Không sử dụng thuốc lá và đồ uống có cồn
Nhiều người cao tuổi vẫn giữ thói quen từ ngày trẻ là hút thuốc lá và sử dụng rượu bia. Đối với người cao tuổi nói chung và những người cao tuổi có dấu hiệu của việc sa sút trí tuệ nói riêng, việc sử dụng các chất kích thích này có tác hại cực xấu đến với sức khỏe. Khi rượu bị chuyển hóa trong cơ thể, nó sẽ tạo ra acetaldehy, một chất độc hại đối với tế bào não. Uống rượu nhiều và liên tục cũng có thể dẫn đến thiếu hụt thiamine và cuối cùng là hội chứng Wernicke-Korsakoff, tác động xấu đến chức năng của bộ não.
Tham gia các bài tập cho người sa sút trí tuệ
Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, không ít những ông bà đang mắc phải tình trạng nhớ nhớ quên quên. Từ nhẹ đến nặng đều có cả. Được sự hỗ trợ từ phía Lão khoa với dự án R01, các bài tập được bổ sung vào hoạt động hằng ngày cho người cao tuổi bao gồm các trò chơi vận động với tạ, các trò chơi với hình ảnh, ghi nhớ tranh,… Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, tâm huyết của các bạn phụ trách, sau buổi tập nào các cụ cũng hào hứng, phấn khởi.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người đi đôi với tuổi tác. Càng lớn tuổi, sức khỏe càng suy giảm. Những căn bệnh tuổi già cứ thế phát sinh. Chức năng vận động ngày càng suy giảm khiến người cao tuổi dễ bị ngã. Không chỉ khi đi lại, di chuyển và khi đứng hay ngồi cũng có khả năng ngã.
Người cao tuổi cần điều kiện sống an toàn
Nhờ điều kiện sống ngày một tăng cao, tuổi thọ của con người cũng theo đó mà tăng theo. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến giảm tuổi thọ chính là việc té ngã khi tuổi cao sức yếu. Té ngã là những chấn thương nhẹ, nghe có vẻ không hề nguy hiểm như tai nạn giao thông. Thế nhưng không ít người cao tuổi mất chỉ vì té ngã. An toàn không chỉ là an ninh mà là cả an toàn khi không có thương tích vì ngã. Theo bác sĩ Hồi sức cấp cứu ở bệnh viện Vinmec Phú Quốc, tỷ lệ tử vong do té ngã ở những người có tuổi ≥ 65 là 82,5/100.000 người. Tỷ lệ này chỉ đứng thứ 2 về khả năng tử vong sau tai nạn giao thông.
Cách phòng tránh té ngã ở người cao tuổi
Duy trì vận động
Tuổi càng cao sức khỏe càng yếu, việc vận động trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên vận động là điều cần thiết để có một cơ thể khỏe mạnh. Với những người cao tuổi còn khả năng vận động, có thể tự đi lại quanh nơi ở hay tập những bài thể dục nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe. Khi vận động, các cơ được kích hoạt, xương khớp cũng trở nên dẻo dai hơn.
Với những gia đình có cầu thang cần chú trọng khi người cao tuổi đi xuống. Việc đi lên tưởng khó nhưng lại dễ hơn đi xuống rất nhiều. Xuống cầu thang khiến cơ thể có xu hướng đổ về phía trước. Nếu chân không có lực rất dễ bị trùng chân gây mất thăng bằng và ngã.
Luôn đi lại trong điều kiện đủ ánh sáng
Nhiều người có thói quen đi trong nhà trong bóng tối mà không bật điện. Điều này đối với người cao tuổi là vô cùng nguy hiểm. Trong nhà có rất nhiều ngóc ngách, vật dụng. Người cao tuổi không còn khả năng phản xạ nhanh nhẹn như những người trẻ. Lực chân yếu rất dễ khiến người cao tuổi bị vấp ngã. Vậy nên nếu vị trí đèn không cùng trên trục đường di chuyển trong nhà (như khi đi vệ sinh vào ban đêm) thì có thể lắp thêm đèn cảm ứng, sẽ rất hữu hiệu đối với người cao tuổi.
Luôn đi dép chống trượt ở mọi nơi
Khi đi chân đất trong nhà, nhất là vào mùa nồm hay những hôm lau nhà, chúng ta đều rất dễ bị té ngã do sàn trơn. Chuẩn bị một đôi dép chống trượt cho người cao tuổi sẽ giúp việc đi lại dễ dàng hơn, hạn chế khả năng ngã. Nếu trượt ngã sẽ dễ bị đập xương chậu hay đập đầu xuống sàn, rất nguy hiểm.
Hạn chế việc bị đổ chất lỏng ra sàn nhà. Nếu bị đổ cần ngay lập tức xử lý. Phòng tắm, phòng vệ sinh là những nơi dễ trơn trượt. Hãy luôn gạt nước trong phòng sau khi sử dụng để đảm bảo phòng khô thoáng. Những ngày trời mưa, đường trơn cần hạn chế cho người cao tuổi ra ngoài.
Sắp xếp lại nhà ở gọn gàng, ngăn nắp
Với những gia đình có trẻ nhỏ hay người già, vật dụng trong gia đình luôn phải đảm bảo để gọn gàng. Luôn đảm bảo dây điện được giấu kín hoặc để gọn lại không gây vướng víu trong quá trình đi lại. Các cạnh bàn, cạnh tủ sắc nhọn nên được bọc lại. Những vật dụng của người cao tuổi nên để ở chỗ dễ lấy. Tránh trường hợp người cao tuổi với lên lấy đồ vì rất dễ mất thăng bằng. Những vật dụng đã lâu không còn sử dụng có thể dẹp bỏ bớt để đường đi trong nhà được rộng rãi.
Sử dụng dụng cụ hỗ trợ đi lại
Nhiều người cao tuổi vẫn đang sử dụng gậy để chống mỗi khi đi lại. Việc này dễ gây ngã vì gậy rất dễ bị trượt và phải có đủ lực ở tay để chống. Thay vào đó, nên sử dụng gậy hoặc khung xe tập đi “walker”. Với những nơi người cao tuổi thường đi lại (trong phòng, từ phòng ra nhà vệ sinh,…) có thể lắp thêm tay vịn ở tường.
Trên thị trường hiện nay có vô vàn các loại sữa với các công dụng khác nhau. Sữa cho người cao tuổi cũng không ít loại. Chi phí để mua một hộp sữa cũng không hề nhỏ.Bên cạnh những loại sữa đắt tiền đó vẫn có một dòng sữa bình dân, giá thành thấp mà người cao tuổi thường rất thích. Đó chính là sữa đậu nành. Sữa đậu nành không chỉ tiện lợi sử dụng, dễ mua, hương vị quen thuộc dễ uống mà còn có rất nhiều lợi ích đối với người cao tuổi.
Sữa đậu nành có những lợi ích gì?
Ai cũng mặc định uống sữa đậu nành để tăng cường canxi. Nghĩa là trong sữa đậu nành có chứa canxi và vitamin D giúp xương chắc khỏe. Thực tế là, thành phần dinh dưỡng phong phú trong sữa đậu nành mang đến rất nhiều những lợi ích về sức khỏe mà chúng ta chưa biết.
Cung cấp cho cơ thể lượng vitamin, khoáng chất đa dạng và phong phú: Vitamin A, vitamin D, canxi, photpho, omega- 3, omega-6…
Hàm lượng calo thấp phù hợp với nhu cầu nạp năng lượng ở người cao tuổi.
Tăng cường sức khỏe tim mạch cho người cao tuổi.
Không chứa đường lactose (thường thấy ở sữa động vật và các chế phẩm từ sữa động vật), hạn chế được tình trạng rối loạn tiêu hóa do không dung nạp được lactose ở người cao tuổi.
Bổ sung protein cho người cao tuổi
Khi nói đến việc bổ sung protein, mọi người thường nghĩ đến những thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng,… Bên cạnh đó, thực vật cũng có khả năng cung cấp protein cần thiết cho cơ thể và cung cấp ít calo hơn so với việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
100g đậu nành chứa đến 33-38g protein, cao gấp rưỡi lượng đạm trong thịt lợn. Đậu nành có hàm lượng đạm cao hơn thịt bò, không gây ra dị ứng sữa do không chứa đường lactose, lại có hàm lượng cao chất chống oxy hóa. Đậu nành là một loại thực phẩm cung cấp protein quen thuộc đối với người ăn chay. Việc sử dụng đạm thực vật trong chế độ ăn sẽ làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 ở người cao tuổi.
Giúp trái tim khỏe mạnh
Cholesterol trong máu tăng cao là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, huyết áp cao và nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…. Các hợp chất isoflavones, genistein, daizein, glycitein trong đậu nành giúp khống chế các hoạt động có hại của cholesterol và ổn định cholesterol trong máu ở mức bình thường.
Người mắc bệnh tim mạch thường được khuyên không nên: ăn quá mặn, mỡ động vật, các phủ tạng; các chất bổ, đồ ngọt,… Cholesterol trong máu tăng cao là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, huyết áp cao và nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…. Nên tăng ăn các loại rau củ quả và cá. Việc sử dụng đạm từ đậu nành sẽ giúp người bệnh vẫn đảm bảo đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tiêu thụ 25g đạm đậu nành mỗi ngày, trong thời gian một tháng, giúp giảm 8,9mg cholesterol mỗi dl máu, nếu ăn 30g có thể giảm 17,4mg cholesterol. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ.
Giảm lượng calo và chất béo xấu vào cơ thể
Đậu nành chứa nhiều hợp chất tổng hợp có khả năng ức chế cholesterol. Khác với sữa bò có chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao, sữa đậu nành thường chứa lượng chất béo khá thấp với chủ yếu là các axit béo không no và không có cholesterol. Các axit béo không bão hòa có khả năng điều chỉnh quá trình chuyển hóa chất béo, ngăn chặn việc hình thành các cholesterol “xấu” (LDLC) và riglyceride. Lượng cholesterol ổn định sẽ hạn chế các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, xơ vữa động mạch,…
Bảo vệ mạch máu khỏi những tổn thương
Trong sữa đậu nành có chứa Axit béo Omega 3, Omega 6 và những chất chống oxy hóa. Điều này giúp bảo vệ các mạch máu tránh bị vỡ và tổn thương khỏi sự tấn công của các gốc tự do và mảng bám cholesterol.
Cải thiện loãng xương
Tuổi càng cao, các dưỡng chất trong cơ thể cũng trở nên thiếu hụt dần. Người cao tuổi thường bị loãng xương do thiếu đi lượng canxi và các chất cần thiết. Việc bổ sung các chế phẩm từ đậu nành trong thực đơn hằng ngày là cần thiết vì Isoflavones trong đậu nành giúp hấp thụ canxi vào cơ thể và làm xương chắc khỏe hơn.
Khi trời trở lạnh, mọi người đều muốn ăn một món ăn nóng hổi để làm ấm cơ thể. Với sự đa dạng, phong phú của ẩm thực Việt, không thiếu những món ăn ngon làm ấm người trong mùa lạnh. Nhiều người cho rằng, khi ăn nóng mới cảm nhận được hết độ ngon của món ăn. Những món ăn vừa cay, vừa bốc khói nghi ngút là những thứ vô cùng cuốn hút khi trời trở lạnh. Các chất trong thức ăn nóng sẽ khiến chúng ta nóng lên, cơ thể đồ mồ hôi đồng thời cơ thể sẽ tự tiết ra hóc môn endorphin. Endorphin có tác dụng giảm đau, tăng cảm giác hưng phấn, hạnh phúc. Thế nên càng ăn đồ nóng chúng ta càng muốn nó phải nóng hơn nữa và sẽ cảm thấy rất hài lòng, thỏa mãn.
Thế nhưng, thực tế việc ăn nóng có gây ra những ảnh hưởng xấu nào tới cơ thể hay không?
Ăn nóng có tốt không?
Không thể phủ nhận việc ăn nóng sẽ kích thích vị giác, giúp chúng ta cảm thấy ngon miệng hơn. Không những thế, ăn nóng làm tăng tỷ lệ hấp thu các chất dinh dưỡng, nhất là protid của cơ thể. Khi ăn nóng cơ thể hấp thu được 85,7% protid. Trong khi đó, ăn nguội chỉ hấp thu được 79%. Ăn nóng giúp cơ thể tiết kiệm được năng lượng vì không phải mất thêm năng lượng để hâm nóng thức ăn trong quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, việc ăn nóng có ảnh hưởng rất nguy hiểm đến với cơ thể và sức khỏe. Khi chúng ta sì sụp một bát canh nóng, gắp một miếng thức ăn từ nồi lẩu đang sôi bỏ ngay vào miệng,… cũng là lúc cơ thể của chúng ta đang bị đe dọa.
Thức ăn nóng sẽ tiếp xúc trực tiếp với miệng có thể gây bỏng miệng. Nhiệt độ của các món có nhiều dầu, mỡ như chiên, xào, nướng,… cao hơn nhiều so với những món canh, súp. Nhiệt độ của món chiên vừa ra khỏi chảo có thể lên đến 180 độ C. Việc thường xuyên ăn nóng cũng làm tổn thương tế bào vị giác. Lưỡi, khoang miệng, vòm họng,… đều bị ảnh hưởng bởi độ nóng của thực phẩm. Vách ngăn đường ruột tương đối mỏng, thường chỉ có thể chịu được nhiệt độ thức ăn từ 50 đến 60 độ C. Nếu vượt quá ngưỡng này, vách ngăn sẽ bị tổn thương.
Không chỉ với người trẻ, thực phẩm nóng còn là mối đe dọa đối với người cao tuổi
Thức ăn phù hợp nhất chính là thức ăn không quá nóng cũng không quá lạnh. Đối với nước uống cũng thế, thức uống quá nóng hay quá lạnh cũng không tốt đối với cơ thể. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo mới nhất về việc ăn uống đồ quá nóng. Cảnh báo rằng việc ăn uống đồ nóng trên 65 độ C dễ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Điều này được đánh giá như một chất gây ung thư loại 2A. Chỉ khi nghe đến 2 chữ ung thư mới khiến chúng ta cảm thấy mối đe dọa này nguy hiểm hơn mình nghĩ.
Người cao tuổi và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Nếu liên tục sử dụng thực phẩm quá nóng sẽ gây ra những bệnh lý không đáng có. Khoang miệng và sức chịu nhiệt đối với các cơ quan tiêu hóa kém hơn nên sẽ dễ bị loét, bỏng,… khi sử dụng thực phẩm nóng. Các vết bỏng sẽ gây cảm giác khó chịu, đau đớn trong khoang miệng, giảm cảm giác ăn ngon.
Ăn thế nào mới đúng?
Ăn thức ăn có nhiệt độ gần bằng thân nhiệt của mình
Như đã nêu ở trên, vách ngăn thành ruột chỉ chịu được nhiệt độ khoảng 50 đến 60 độ C. Nhiệt độ khoảng 35 – 45 độ C là nhiệt độ phù hợp nhất cho dạ dày. Nếu thức ăn đang quá nóng, hãy thổi hoặc chờ cho thức ăn nguội bớt. Đừng vì quá thèm mà ngay lập tức bỏ đồ ăn nóng vào miệng. Lúc này họa từ miệng mà ra là có thật. Không kiểm soát được cơn thèm đồ ăn nóng sẽ khiến bạn gặp những vấn đề về sức khỏe không đáng có.
Cẩn thận với thức ăn chiên, xào, nướng
Nhiệt độ từ các món có nhiều dầu mỡ rất cao và lâu nguội hơn. Hơn nữa nhiệt độ trung tâm của loại thức ăn này cũng cao và lâu tản nhiệt hơn. Thế nên cần đặc biệt lưu ý trước khi ăn. Hãy đảm bảo thức ăn đã thực sự nguội và có thể đưa vào miệng mà không bị bỏng. Đối với người cao tuổi, nên hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ. Luôn cẩn trọng với nhiệt độ của thức ăn, cần giữ thức ăn có nhiệt độ ấm vừa phải để người cao tuổi vừa ăn ngon miệng vừa không bị bỏng.
Thỉnh thoảng có thể ăn nóng, nhưng không nên liên tục
Hóc môn endorphin tiết ra khi chúng ta ăn đồ nóng làm chúng ta hạnh phúc. Thê nên thỉnh thoảng, để khiến cho mình hạnh phúc hơn, chúng ta có thể ăn thức ăn nóng hơn một chút. Chỉ nên nóng hơn thức ăn thường ngày chúng ta vẫn hay ăn một chút, tránh ăn thức ăn nóng quá gây ra bỏng loét khoang miệng.
Hẳn là ai cũng sợ tuổi già. Chúng ta thường lo sợ mình già đi sẽ không còn sức khỏe như như trước nữa. Mỗi ngày qua đi, dấu hiệu của tuổi già ngày một rõ nét hơn. Sau 30 tuổi, các vấn đề về sức khỏe dần được bộc lộ. Chúng ta thường chủ quan các vấn đề về sức khỏe cho đến khi nhận ra có sự bất thường.
Mọi người thường nói “Có sức khỏe là có tất cả”. Sức khỏe ở đây không chỉ là sức khỏe về mặt thể chất mà còn là sức khỏe tinh thần. Một cơ thể khỏe mạnh không chỉ có một thể chất khỏe mạnh mà tinh thần cũng phải lạc quan, vui vẻ. Chúng ta thường chỉ quan tâm đến những dấu hiệu bất thường của thể chất mà để mặc cho tinh thần của chúng ta dần héo mòn.
Vậy làm gì để tâm hồn mãi mãi tuổi 20?
Hạn chế sử dụng các chất kích thích
Khi có chuyện buồn, khi có những căng thẳng trong cuộc sống và công việc, người trẻ thường có xu hướng sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Không chỉ nam giới mà xu hướng sử dụng chất kích thích đang dần trở nên phổ biến hơn với phái đẹp. Việc ngày càng nhiều người sử dụng chất kích thích như một phương pháp giải sầu đang làm nguy cơ mắc các bệnh lý khi về già tăng cao.
Sử dụng chất kích thích để giải quyết các vấn đề tinh thần sẽ chỉ có tác dụng tại thời điểm sử dụng. Lạm dụng chất kích thích sẽ làm tăng cảm xúc tiêu cực. Thế nên, để có một tinh thần lạc quan, thay vì sử dụng chất kích thích để quên đi nỗi buồn, chúng ta có thể thử các loại hình giải trí khác nhau hoặc tìm kiếm một đam mê khác. Việc tập trung vào một công việc khác sẽ giúp chúng ta quên đi những cảm xúc tiêu cực hiện tại.
Lạc quan, yêu đời
Không chỉ người trẻ mà người cao tuổi cũng cần phải giữ cho tâm hồn mình tươi trẻ. Những suy nghĩ tiêu cực, đa đoan khi tuổi cao sức yếu sẽ làm cho tinh thần của người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Càng lớn tuổi, chúng ta càng trở nên dễ cáu gắt, khó tính, khó ở. Dần dần hình thành những tính cách xấu làm cho chúng ta trở nên cáu kỉnh hơn. Muốn nuôi dưỡng một tâm hồn tươi trẻ quả thật không hề dễ dàng.
Vậy để tâm hồn luôn phơi phới như tuổi 20, điều đầu tiên chúng ta nên làm là hãy giữ cho mình một tinh thần lạc quan, vui vẻ. Hãy nhìn vào nửa ly đầy, đừng cố soi mói, bóc mẽ những thứ cần giấu đi.. Không than thở, chê bai hay đổ lỗi cho người khác. Rèn luyện cho mình một lối sống lành mạnh sẽ làm bạn cảm thấy yêu đời hơn. Những nhìn nhận về cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
Dành thời gian trò chuyện cùng những người bạn
Cuộc sống đô thị ngày càng phát triển kéo theo tỷ lệ người cao tuổi mắc trầm cảm tăng theo. Người cao tuổi dần thiếu đi sự sẻ chia, giao tiếp từ trong gia đình. Chốn thành thị đông đúc nhưng cách biệt cũng hạn chế người cao tuổi có cơ hội giao tiếp với xã hội mà dành phần lớn thời gian ở nhà. Bởi lẽ đó, xu hướng trầm cảm tăng cao không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Người cao tuổi ở trong Viện dưỡng lão đang trở thành xu hướng. Xu hướng của một tuổi già vui vẻ, lạc quan hơn. Viện dưỡng lão là nơi tề tựu rất nhiều những người cao tuổi, cùng nhau sinh hoạt, chung sống. Ngày nào các cụ cũng được trò chuyện với những người bạn đồng trang lứa, được kết bạn với người này người kia. Được nghe những câu chuyện của các cụ khác kể. Cuộc sống cứ thế mà bớt đi sự nhàm chán, u tối.
Quên đi tuổi tác, luôn sống với chính mình
Chúng ta không thể phủ nhận rằng mình đang già đi. Nhiều người còn bị tự ái, tức giận khi người khác nói mình già. Hay có người thì lo sợ rằng mình già rồi làm cái này cái kia không phù hợp. Tại sao chúng ta không bỏ qua hết những lời nói, những định kiến và làm những việc mình thích. Chúng ta đã sống cả đời phải để ý đến lời nói của người khác rồi, tại sao khi về già không sống cuộc sống mà mình mong muốn. Cứ mặc kế tuổi già, mình cứ làm những việc mình thích. Cuộc sống về già hãy cứ sống trong niềm vui, niềm hạnh phúc của chính mình.
Tập trung trí não
Để tâm trí luôn minh mẫn, hãy thêm vào những trò chơi cần sử dụng sự linh hoạt, khéo léo và sự tập trung trong hoạt động hằng ngày. Các trò chơi như rút gỗ, xếp hình, lật tranh,… là những trò chơi được các bạn điều dưỡng ở Diên Hồng thêm vào hoạt động hằng ngày cho các cụ đang an dưỡng tại đây. Ngoài ra, có trò chơi vận động cần sự tập trung như bắn súng, ném bóng vào rổ,… cũng là những trò chơi quen thuộc tại Diên Hồng.
Nhiều gia đình đang xem nhẹ dinh dưỡng cho người già dẫn đến tình trạng sức khỏe giảm sút, thường xuyên mắc phải các bệnh cấp tính hoặc làm trầm trọng thêm một số bệnh mãn tính.
Ăn uống tốt để trẻ khỏe
Khi chúng ta già đi, loại và lượng thức ăn chúng ta thích ăn có thể thay đổi so với khi còn trẻ. Điều quan trọng là phải tiếp tục lựa chọn thực phẩm lành mạnh, phù hợp với thể trạng để hỗ trợ sức khỏe của chúng ta.
Thực tế, khi chúng ta gia nhập vào hội người cao tuổi, lối sống và sự thèm ăn của chúng ta có thể thay đổi và điều này có thể ảnh hưởng đến các loại và lượng thức ăn chúng ta ăn. Giảm cảm giác thèm ăn và hoặc giảm khả năng mua và chế biến thực phẩm lành mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc hấp thụ các vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết mà người lớn tuổi cần để phát triển. Việc hấp thụ không đủ chất dinh dưỡng có thể góp phần gây ra tình trạng không khỏe nói chung hoặc làm trầm trọng thêm một số bệnh mãn tính.
Điều quan trọng là chúng ta cố gắng tìm cách cải thiện chế độ ăn uống để phù hợp với sở thích, khả năng và lối sống của cá nhân bạn – ngay cả khi điều này có nghĩa là yêu cầu sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc các dịch vụ cộng đồng khác. Việc lựa chọn sống trong trung tâm dưỡng lão cũng là một giải pháp tối ưu, nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như bữa ăn dinh dưỡng phù hợp với người già.
Nem là món ăn dinh dưỡng cho người già tuổi rất dễ ăn. Ảnh Obobun
Cần nhớ:
Khi bạn già đi, hãy tiếp tục lựa chọn những thực phẩm lành mạnh để hỗ trợ sức khỏe của bạn.
Khẩu vị và lối sống có thể thay đổi khi chúng ta già đi.
Sử dụng mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ như một cơ hội để có dinh dưỡng tối ưu.
Duy trì các bữa ăn dinh dưỡng cho người già
Những gợi ý sau đây cũng có thể giúp bạn duy trì thói quen ăn uống lành mạnh khi bạn già đi:
Sử dụng ít muối hơn
Các bác sĩ đều yêu cầu một lượng muối nhỏ trong chế độ ăn uống của già, nhưng quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp và bệnh tim.
Muối xuất hiện tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa và rau, nhưng phần lớn muối trong chế độ ăn uống của người Việt đến từ việc các nhà sản xuất thêm muối vào thực phẩm.
Người lớn tuổi nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều muối như thịt đã chế biến sẵn, đồ ăn nhẹ (như khoai tây chiên và bánh ngọt) và nước sốt (chẳng hạn như nước tương), các loại dưa muối mặn. Chọn các loại thực phẩm đã giảm muối khi đi mua sắm và tạo hương vị cho thực phẩm bằng các loại thảo mộc và gia vị thay vì thêm muối trong các bữa ăn dinh dưỡng cho người cao tuổi.
Uống nhiều nước hơn
Nước hỗ trợ nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, bao gồm hydrat hóa, tiêu hóa và lượng máu. Khi bạn già đi, bạn có thể không cảm thấy khát thường xuyên, ngay cả khi cơ thể bạn đang thiếu nước.
Cố gắng uống ít nhất sáu lần một ngày và nhiều hơn khi thời tiết ấm hơn hoặc nếu bạn đang tập thể dục. Nước khoáng, nước soda và sữa giảm chất béo đều được tính vào lượng nước bạn nạp vào trong ngày, nhưng nước tinh khiết luôn là tốt nhất!
Hạn chế ăn thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
Bánh nướng, bánh ngọt, thực phẩm chiên và rán và ‘đồ tùy ý’ như khoai tây chiên và sô cô la thường có nhiều chất béo bão hòa và cũng có thể chứa chất béo chuyển hóa nguy hiểm. Chúng chỉ nên được ăn rất thỉnh thoảng.
Nếu bạn có thói quen ăn tráng miệng, hãy cố gắng chế biến món tráng miệng càng bổ dưỡng càng tốt và tránh thực phẩm nhiều đường và chất béo bão hòa, hoặc những thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa. Hãy thử trái cây tươi với sữa chua hoặc sữa trứng để có vị ngọt và hương vị, và chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt và/hoặc các loại làm từ yến mạch cho các loại bánh vụn hoặc bánh ngọt.
Dinh dưỡng cho người già vô cùng cần thiết và không dễ để chuẩn bị. Ảnh Unsplash
Bổ sung Vitamin và các khoáng chất trong bữa ăn dinh dưỡng cho người già
Các chất bổ sung vitamin và khoáng chất có thể được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng cho những trường hợp bị thiếu hụt được chẩn đoán. Thiếu hụt chất dinh dưỡng không phải là hiếm ở người lớn tuổi do giảm cảm giác thèm ăn hoặc các vấn đề tiêu hóa do bệnh tật hoặc thuốc men.
Đối với những người khỏe mạnh, bổ sung vitamin và khoáng chất không thể bù đắp cho một chế độ ăn uống nghèo nàn và cũng có thể tốn kém hơn nhiều so với chi phí mua thực phẩm. Thưởng thức nhiều loại thức ăn từ các nhóm thực phẩm cơ bản để nhận được nhiều chất dinh dưỡng nhất. Ăn gì, ăn như thế nào có thể là câu hỏi không dễ trả lời. Hãy gặp chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ gia đình của bạn để thảo luận về nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của riêng mình.
Cần nhớ:
Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều muối, chất béo và đường.
Uống nhiều nước hơn.
Thưởng thức nhiều loại thực phẩm từ năm nhóm thực phẩm cơ bản.
Những lưu ý đặc biệt đối với chế độ dinh dưỡng cho người lớn tuổi
Sức khỏe của xương
Loãng xương bị gây ra bởi sự giảm mật độ xương, có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Hơn 65% người lớn từ 50 tuổi trở lên bị loãng xương. Gãy xương hông, chân và cổ tay cũng thường gặp ở người cao tuổi có liên quan đến thiếu hụt canxi trong chế độ dinh dưỡng cho người già.
Một khi canxi bị mất từ xương thì rất khó để thay thế, nhưng có nhiều cách để bảo vệ bạn chống lại sự tiến triển của bệnh, bao gồm bổ sung đủ canxi, florua và vitamin D, cũng như tập thể dục.
Canxi trong chế độ dinh dưỡng cho người già
Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua và pho mát có nhiều canxi. Cá có xương mềm, ăn được, chẳng hạn như cá hồi hoặc cá mòi, cũng là nguồn cung cấp canxi dồi dào. Hướng dẫn Chế độ ăn uống của Úc khuyến nghị rằng phụ nữ trên 51 tuổi nên tiêu thụ bốn cốc sữa mỗi ngày, trong khi nam giới từ 50-70 tuổi nên tiêu thụ hai cốc rưỡi và nam giới trên 70 tuổi nên ăn ba cốc rưỡi sữa mỗi ngày.
Vitamin D
Vitamin D cũng rất cần thiết trong việc giúp xây dựng và duy trì xương khỏe mạnh. Nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất là ánh nắng mặt trời, nhưng bạn chỉ cần dành một khoảng thời gian ngắn dưới ánh nắng mặt trời mỗi ngày để giúp cơ thể nhận được lượng vitamin D cần thiết. Điều này có thể thay đổi từ 10 đến 30 phút mỗi ngày tùy thuộc vào loại da của bạn, vị trí của bạn ở miền Bắc hay miền Nam và thời gian trong năm.
Những người đã được khuyên tránh ánh nắng mặt trời (chẳng hạn như những người bị ung thư da trước đó) hoặc những người không thể ra ngoài, có thể nhận được một số vitamin D từ các thực phẩm. Trong chế độ dinh dưỡng dành cho người già cần bổ sung thêm lòng đỏ trứng, bơ, bơ thực vật, sữa, sữa chua, pho mát, sữa mạch nha, chiên cừu, gan, cá ngừ, cá mòi và cá mòi hoặc thực phẩm bổ sung.
Tập thể dục
Cuối cùng, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc tập tạ nhẹ cũng có thể hỗ trợ sức khỏe của xương. Hãy trao đổi với bác sĩ gia đình của bạn hoặc một chuyên gia y tế để xác định các bài tập hoặc bộ môn phù hợp với bạn.
Cần nhớ:
Hơn 65% người lớn từ 50 tuổi trở lên bị loãng xương hoặc loãng xương.
Nhu cầu canxi tăng lên khi chúng ta già đi, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Các sản phẩm từ sữa như sữa, sữa chua và pho mát có nhiều canxi.
Vitamin D và tập thể dục cũng góp phần vào sức khỏe của xương.
Viêm khớp
Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh và cố gắng duy trì cân nặng hợp lý là những khuyến nghị về chế độ ăn uống cho những người bị viêm khớp. Thừa cân có thể làm trầm trọng thêm cơn đau ở các khớp chịu trọng lượng như hông, đầu gối và mắt cá chân.
Dầu cá có thể có một số lợi ích đối với bệnh viêm khớp dạng thấp, vì vậy hãy ăn cá ít nhất hai lần một tuần, hoặc gặp bác sĩ gia đình của bạn hoặc chuyên gia dinh dưỡng để thảo luận về cách chế độ ăn uống của bạn có thể giúp kiểm soát hoặc giảm bớt sự khó chịu do viêm khớp.
Táo bón
Để ngăn ngừa táo bón, điều quan trọng là phải bao gồm thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn. Ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám, trái cây, các loại rau củ là những nguồn chất xơ tuyệt vời, nhưng tất cả các loại thực phẩm từ thực vật đều có thể cung cấp chất xơ trong chế độ ăn.
Nếu bạn đang tăng lượng chất xơ, hãy đảm bảo rằng bạn tiêu thụ đủ chất lỏng trong ngày để giúp ngăn ngừa và giảm bớt táo bón.
Răng và nướu khỏe mạnh
Duy trì răng và nướu khỏe mạnh là điều cần thiết để tận hưởng trải nghiệm ăn uống.
Thiếu răng, đau nướu và răng giả không khít có thể gây khó khăn trong việc nhai thức ăn, điều này có nghĩa là bạn thay đổi chế độ ăn và ăn của mình và có nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc sức khỏe kém.
Kiểm tra răng thường xuyên và đảm bảo răng giả của bạn được điều chỉnh chính xác để bạn có thể tiếp tục thưởng thức nhiều loại thức ăn và đồ uống mà không bị hạn chế. Hãy nhớ đến gặp nha sĩ bất cứ khi nào bạn gặp khó khăn với răng, nướu hoặc răng giả.
Đi mua thực phẩm
Việc mua sắm có thể trở nên khó khăn hơn đối với những người lớn tuổi sống một mình hoặc những người có vấn đề về di chuyển hoặc thiếu phương tiện đi lại. Bạn nên chuẩn bị đầy đủ các loại thực phẩm trong tủ lạnh để có thể giữ được lâu mà không bị thiu. Điều này giúp bạn dễ dàng chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và đảm bảo rằng bạn luôn vận động sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe khi bạn già đi. Hãy nhớ ăn uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng cho người già và kêu gọi bạn bè và gia đình bất cứ khi nào bạn cần giúp đỡ.
Cần nhớ:
Ăn nhiều loại thực phẩm từ năm nhóm thực phẩm và duy trì cân nặng hợp lý để giúp kiểm soát bệnh viêm khớp.
Bổ sung nhiều chất xơ từ thực phẩm thực vật trong chế độ dinh dưỡng cho người già và uống nhiều chất lỏng để giữ cho hệ tiêu hoá hoạt động hiệu quả.
Hãy nhớ đến gặp nha sĩ thường xuyên để duy trì răng hoặc răng giả của bạn.
Dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong tủ lạnh
Ăn uống đầy đủ, tiếp tục tập thể dục và yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Ông bà ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là bởi chuyện ăn uống tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng biết ăn sao cho đúng và đủ. Chỉ khi có một chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với thể trạng của mỗi người thì thực phẩm mới trở thành thuốc bổ rẻ nhất. Nếu không, chúng ta sẽ phải chi rất nhiều tiền mà vẫn không có cuộc sống thoải mái trên giường bệnh.
Người già tai biến chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng số hơn 200.000 ca đột quỵ được ghi nhận mỗi năm ở nước ta. Tai biến mạch máu não có thể dẫn tới liệt nửa người và rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số lưu ý khi chăm sóc người già bị tai biến để giảm thiểu tối đa các biến chứng của nó và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Khái niệm và những di chứng của bệnh tai biến ở người già:
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não, là căn bệnh xuất hiện phổ biến ở người cao tuổi. Đây là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do lưu lượng máu cung cấp đến não bị gián đoạn hoặc mạch máu trong não bị vỡ. Từ đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi tế bào não cũng giảm đáng kể. Trong thời gian ngắn, tế bào não chết dần và xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Các di chứng xảy ra đối với người già bị tai biến là:
Rối loạn thị giác: Nếu bệnh nhân bị tắc động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc trung tâm sẽ gây thiếu máu võng mạc mất thị lực.
Rối loạn nhận thức: Di chứng này chiếm khoảng 60% bệnh nhân. Đây là một trong những di chứng nặng nề nhất. Người bị tai biến mạch máu não sẽ bị sa sút trí tuệ, hay quên, không nhận ra người thân.
Rối loạn ngôn ngữ: Do tổn thương vùng ngôn ngữ khiến bệnh nhân không điều khiển được hệ phát âm, từ đó bị nói ngọng, nói lắp.
Yếu hoặc liệt nửa người: Di chứng này là phổ biến nhất, chiếm đến 90% bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Bệnh nhân tai biến sẽ bị liệt nửa người, liệt tay chân, liệt cơ mặt… Việc không vận động trong thời gian dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như lở loét da, viêm cứng khớp, viêm hô hấp.
Một số di chứng như: khó nuốt, táo bón
2. Khó khăn trong cách chăm sóc cho người già tai biến
Người bị tai biến mạch máu não thường gặp khó khăn trong sinh hoạt. Do đó họ rất cần sự hỗ trợ rất nhiều từ người thân, từ những việc nhỏ như ăn uống, tiểu tiện,… Đặc biệt, khi chăm sóc bệnh nhân tai biến liệt nửa người cần phải dìu đỡ, giúp họ di chuyển trong nhà. Việc phụ thuộc hoàn toàn của người bệnh đôi khi sẽ khiến gia đình cảm thấy khá vất vả.
Quan trọng hơn nữa, gia đình cần phải cùng bệnh nhân thực hành vật lý trị liệu đều đặn để phục hồi khả năng đi lại. Việc tập luyện phải theo đúng quy trình, bắt đầu từ tư thế ngồi, sau đó đến các bài tập đứng. Cho đến khi người bệnh ổn định và cảm thấy an toàn, người bệnh mới bắt đầu tiếp cận bài tự đi bộ.
3. Hướng dẫn cách chăm sóc cho người già tai biến
3.1. Theo dõi tình trạng bệnh của bệnh nhân
Khi người bệnh bị tai biến, trước tiên cần lưu ý theo dõi huyết áp, lịch tái khám và dùng thuốc của người bệnh. Gia đình nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà để thường xuyên kiểm tra tình trạng huyết áp của người bệnh.
Khi huyết áp của người bệnh dao động bất thường, cần tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để điều chỉnh huyết áp về mức bình thường. Tuyệt đối không nên tự áp dụng các phương pháp truyền miệng, thiếu cơ sở khoa học hoặc tự ý mua thuốc không kê đơn bên ngoài. Nếu bệnh nhần cần uống thuốc, gia đình cần cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ và thường xuyên quan sát trạng thái sau khi uống để kịp thời xử lý nếu có những biểu hiện bất thường.
3.2 Chế độ ăn uống cho người già tai biến
Một chế độ ăn hợp lý sẽ mang đến cho người bệnh những chuyển biến tích cực như da không viêm loét, hồng hào, duy trì cân nặng lý tưởng, không rụng tóc, cơ chắc…
+ Với bệnh nhân có thể tự ăn được
Nếu có thể tự ăn uống được sau tai biến mạch máu não, nhu cầu năng lượng của bệnh nhân sẽ thấp hơn bình thường, chỉ cần cung cấp 25 – 30kcal/ kg cân nặng mỗi ngày, đồng thời lượng nước bệnh nhân cần uống là 40ml/kg cân nặng. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần đáp ứng đủ những tiêu chí như:
Cân đối và đầy đủ các nhóm chất cần thiết như: đạm từ thịt, cá, trứng…; bột đường từ gạo, bánh mì, mì…; chất béo từ dầu mỡ, tốt nhất nên dùng dầu mỡ thực vật không cholesterol…; vitamin và khoáng chất từ rau xanh, củ quả, trái cây.
Thức ăn cần được cắt nhỏ, ninh nhừ hay băm nhuyễn phù hợp với khả năng nhai nuốt để người bệnh ăn và hấp thụ dễ dàng hơn. Thức ăn cần chế biến theo khẩu vị để đảm bảo bệnh nhân có thể ăn đủ khẩu phần ăn. Nên quan tâm đến số lượng thực phẩm cần ăn để đảm bảo đủ số lượng chất lượng bữa ăn. Khi ăn không đủ, cần ăn tăng thêm số bữa, nên dùng thêm sản phẩm bổ sung dinh dưỡng như bánh cao năng lượng, sữa cao năng lượng hoặc các thực phẩm khác tùy theo sở thích. Theo dõi cân nặng thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn, tránh để sụt cân hoặc tăng cân quá mức.
Khẩu phần ăn của bệnh nhân nên được chia làm nhiều bữa nhỏ, khoảng 4 – 6 bữa/ ngày.
+ Với bệnh nhân không thể tự ăn được
Tai biến có thể làm người bệnh bị liệt cơ hầu họng nên không ăn được, sẽ bị sặc hoặc nôn nếu cố ăn. Vì vậy, để cung cấp đủ dinh dưỡng, bệnh nhân cần được ăn bằng ống thông. Chế biến súp ăn qua sonde đảm bảo độ lỏng, nhưng phải đủ chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Có thể chọn loại sữa giàu dinh dưỡng dùng được khi nuôi ăn qua ống thông sẽ thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn cho người nhà khi chuẩn bị thức ăn. Tuy nhiên, cần có sự tư vấn của bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng để tránh nhiễm trùng và những biến chứng không mong muốn khác.
3.3 Chế độ sinh hoạt và tập luyện cho người già tai biến
Với trường hợp bị tai biến nặng không thể tự vận động, bạn cần giúp bệnh nhân chuyển tư thế mỗi 3 giờ một lần để giúp bệnh nhân không bị lở loét. Khi lật người bệnh nhân, bạn nhớ xoa rượu, cồn hay phấn rôm vào những vị trí bị tì đè như mông hay lưng. Nếu bệnh nhân không phải dùng ống thông, mỗi bữa ăn, bệnh nhân cần được kê gối sau lưng để nửa ngồi, nửa nằm.
Những bệnh nhân có mức độ di chứng liệt nhẹ hơn, cần có kế hoạch tập luyện hằng ngày và duy trì xuyên suốt kể cả khi đã hồi phục di chứng. Bạn cần khuyến khích và để người bệnh tự vận động nhiều nhất có thể, chỉ giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm. Cố gắng để cho họ tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm được. Nếu bệnh nhân có thể đi được, nhớ chuẩn bị thêm gậy hỗ trợ.
3.4 Chăm sóc tâm lý
Sau khi bị tai biến mạch máu não, nhiều người phải đối mặt với tình trạng rối loạn ngôn ngữ hoặc bị liệt nên khiến họ rơi vào cảm giác cô đơn, lo âu, mệt mỏi, buồn chán. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào người thân nên họ dễ nảy sinh tâm lý mặc cảm, tự ti và cảm thấy mình vô dụng. Cho nên, cách chăm người già nằm một chỗ là bạn phải thật tâm lý, luôn bên cạnh động viên, hỗ trợ tinh thần người bệnh, giúp họ vơi bớt cảm giác bị phụ thuộc và luôn lạc quan, vui vẻ. Điều này giúp ích không nhỏ trong việc điều trị bệnh và hồi phục bệnh nhanh chóng.
3.5 Giường nằm cho người già bị tai biến
Trong trường hợp người bệnh bị liệt, nằm liệt một chỗ thì giường nằm cho người bệnh phải chắc chắn, đầu giường có thể nâng cao được, sử dụng thêm gối để chống đỡ và cố định phần lưng, đầu khi nằm nghiêng, chêm, lót những vùng bị tỳ đè, có nguy cơ lở loét da. Trên giường, bạn nên dùng đệm hơi hoặc đệm nước để bệnh nhân nằm. Bên cạnh đó, bạn nên bố trí giường ở nơi thoáng mát, có ánh nắng Mặt Trời, không ẩm thấp và tránh gió lùa.
3.6 Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Người già bị tai biến mạch máu não thường có nguy cơ nhiễm trùng cao. Vì cơ thể nằm lâu một chỗ, không được trở mình thường xuyên nên da dễ bị sung huyết, có màu đỏ và phồng lên như bị phỏng. Những vùng da này để lâu sẽ dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được vệ sinh thường xuyên. Nếu bệnh nhân nằm ngửa, những vùng da như hai bả vai, cùi chỏ tay, mông, gót chân, vùng thắt lưng sẽ dễ dàng bị nhiễm khuẩn.
Cách chăm sóc người già bị tai biến tại nhà là bạn cần thường xuyên trở mình cho bệnh nhân, vệ sinh cơ thể bằng nước sạch, sử dụng phấn rôm cho những vùng da bị tổn thương, thường xuyên thay ga trải giường, chiếu, tấm lót và tã cho người bệnh. Đặc biệt, bạn nên sử dụng tã cho người bệnh và thay tã 4 tiếng 1 lần kể cả khi tã chưa đầy.
Trên đây là những thông tin mà Dưỡng lão Diên Hồng đã tổng hợp được từ những nguồn tin uy tín. Hi vọng sẽ giúp ích được cho những gia đình đang chăm sóc người già bị tai biến. Đồng thời Dưỡng lão Diên Hồng cũng có dịch vụ chăm sóc người bị tai biến. Nếu gia đình có nhu cầu, vui lòng liên hệ số hotline: 0342 86 56 86.
*Hình ảnh mang tính chất minh họa cho bài viết
*Tất cả hình ảnh thuộc quyền sở hữu của Dưỡng lão Diên Hồng.
Mất ngủ là một trong những tình trạng phổ biến khi về già, là một phần của sự lão hóa. Đối với người cao tuổi (NCT) thì giấc ngủ là vô cùng quan trọng. Khi bị mất ngủ sẽ kèm theo nhiều điều bất lợi đối với họ. Vậy nguyên nhân gây ra mất ngủ là gì, có cách nào để khắc phục tình trạng này hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các câu hỏi đó.
Biểu hiện của mất ngủ ở người già thường là cảm giác mệt mỏi, giảm trí nhớ, không thể ngủ được hoặc phải mất nhiều thời gian mới có thể đi vào giấc ngủ, thường xuyên thức dậy vào buổi đêm, không thể ngủ trở lại sau khi thức giấc, buồn ngủ vào ban ngày nhưng không ngủ được, đau đầu vào buổi sáng. Mất ngủ kéo dài sẽ làm cơ thể và tinh thần luôn mệt mỏi, lo lắng, tâm lý không ổn định và không kiềm chế được cảm xúc.
Nguyên nhân gây mất ngủ ở NCT có thể chia ra làm các loại như sau:
Chức năng cơ thể bị suy giảm
Đây là một nguyên nhân mà có thể nói rất khó tránh khỏi. Tuổi tác càng cao thì mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, trong đó chức năng của hệ thần kinh trung ương là rất nhạy cảm. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này thì mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào nơ-ron thần kinh bị hủy hoại và như vậy ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ của NCT cũng không thể không bị ảnh hưởng.
Bệnh tật
Loại hay gặp nhất là đau nhức xương khớp (thoái hóa khớp, bệnh gút…). Biểu hiện hay gặp nhất vẫn là ban đêm làm cho giấc ngủ không sâu, chập chờn và nhiều khi đau nhức không thể ngủ được, nhất là khi thay đổi thời tiết.
Bệnh về tim mạch: hay gặp nhất là bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim (thiểu năng mạch vành) làm cho NCT hay bị đau tức ngực, khó chịu và nhiều khi còn tỏ ra lo lắng làm ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ.
Bệnh về đường hô hấp như bệnh giãn phế quản, hen phế quản… gây ho nhiều, khó ngủ được. Các bệnh này thường xuất hiện nặng về ban đêm, nhất là lúc có áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc, ẩm ướt…
Các bệnh đường tiêu hóa ảnh hưởng nhiều nhất đến giấc ngủ là bệnh về dạ dày và bệnh viêm đại tràng mạn tính. NCT nếu mắc một trong 2 bệnh này thì ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ, nhiều người bị đau suốt đêm không thể nào chợp mắt được.
Bệnh về tiết niệu, tiền liệt tuyến, đái tháo đường cũng là một trong các tác nhân làm cho người cao tuổi mất ngủ. Các bệnh về đường tiết niệu hay gặp ở NCT là u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường, sỏi tiết niệu (sỏi thận, bàng quang, niệu quản, niệu đạo), thường hay đi tiểu đêm gây mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu, không ngon.
Ảnh hưởng xấu của môi trường đang sinh sống
Môi trường sống có tác dụng rất lớn đến đời sống con người. Môi trường trong sạch, không bụi bặm, ít tiếng ồn góp phần đáng kể trong cuộc sống của NCT, làm cho NCT sống khỏe mạnh, vui vẻ và luôn làm được những việc có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuy vậy, có một số yếu tố hay gặp như: nhà chật chội, đông người, nhiều tiếng ồn ào, mất vệ sinh… làm cho NCT rất khó ngủ.
Chế độ ăn uống không điều độ
NCT nếu ăn, uống điều độ thì ngoài việc đảm bảo cho sức khỏe tốt còn có tác dụng rất hữu ích trong giấc ngủ làm cho giấc ngủ ngon, sâu dẫn đến tinh thần luôn được sảng khoái, hồ hởi, phấn chấn và sống một cuộc sống lạc quan hơn. Nếu ăn uống quá no, uống nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc uống nhiều bia, rượu; ăn nhiều chất kích thích thì ảnh hưởng xấu không nhỏ đến giấc ngủ.
Điều trị mất ngủ như thế nào?
Trước tiên cần lựa chọn các biện pháp điều trị không dùng thuốc để điều chỉnh lại giấc ngủ, giúp người bệnh trở lại giấc ngủ một cách tự nhiên nhất. NCT nên học cách thư giãn để có cảm giác thư thái cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ăn uống phải điều độ và không nên kiêng khem quá mức (tùy theo từng loại bệnh mà có sự tư vấn của bác sĩ để có sự kiêng thức ăn, nước uống cho phù hợp). Không nên uống cà phê, trà đặc, hút thuốc lá vào buổi tối, trước khi đi ngủ không nên tập thể thao, ăn hoặc uống quá nhiều trong vòng 3 giờ, tránh căng thẳng hoặc xúc cảm, nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
Tập thể dục nhẹ nhàng là việc làm hết sức cần thiết cho giấc ngủ của NCT. Hiện nay, có nhiều hình thức tập thể dục áp dụng cho NCT như: đi bộ, chơi cầu lông, quần vợt, bơi, tập thể dục dưỡng sinh… nhưng có lẽ thông dụng nhất, không tốn kém, dễ áp dụng là đi bộ. Đối với những NCT có bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, mạch vành cần đi bộ chậm không được chạy, nhảy hoặc vận động mạnh. Không nên đi bộ vào lúc nhiệt độ lạnh quá, nóng quá, mưa, gió mạnh mà nên chọn thời điểm thích hợp nhất cho bản thân mình như chập tối, sáng sớm..
Phòng ngủ của NCT nên luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế người qua lại và ít tiếng ồn. . Tạo một môi trường yên tĩnh khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ…. Nên tắm nước ấm trước khi đi ngủ để làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp giấc ngủ bắt đầu dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần phải đi ngủ và thức dậy đều đặn, kể cả thứ bảy chủ nhật; tránh ngủ ngày quá nhiều; chỉ nằm trên giường khi ngủ, tránh nằm trên giường đọc sách, xem tivi.
Khi nào thì sử dụng thuốc? Chỉ sử dụng những thuốc cho bệnh của mình theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc về dùng. Hãy trao đổi với bác sĩ khi gặp tác dụng gây mất ngủ của thuốc. Nên sử dụng các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng dưỡng tâm an thần được ông cha ta sử dụng lâu đời dùng để chữa mất ngủ rất hiệu quả như: Tâm sen, vông nem, trà hoa tam thất…