Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Các gia đình nói gì về Diên Hồng

Quyết định gửi người thân vào Viện dưỡng lão là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng, không chỉ với bản thân mà còn với gia đình, xã hội, khi định kiến về chữ Hiếu đâu đó vẫn còn. Ngay lúc này, chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ chân thực nhất của những người đang có người thân an dưỡng tại Diên Hồng.

Vượt hơn 1000 km để đưa mẹ đến với Diên Hồng

Chị Trần Thị Đoan Trang (Con gái bà Vũ Như Hoa) chia sẻ: “Khi tôi quyết định đưa mẹ ra Viện dưỡng lão Diên Hồng thì anh em họ hàng đều ngăn cản và góp ý không cho đi. Nhưng thực sự lúc đó tôi không còn sự lựa chọn nào khác, nên hai mẹ con đành vượt hơn 1000 km từ Đà Nẵng đến với Diên Hồng”.

“Ấn tượng của tôi là nhân viên nhiệt tình, chu đáo, phòng ốc sạch sẽ, gọn gàng. Đến nay là 3 tháng mẹ tôi ở Diên Hồng. Thật thiệt thòi cho mẹ khi tôi ở xa không thể thường xuyên đến thăm. Nhưng tôi thực sự yên tâm, mỗi lần mẹ tôi xảy ra sự cố về sức khỏe đều được các bạn nhân viên chăm sóc rất chu đáo. Mỗi lần gọi điện nhìn thấy mẹ vui vẻ, tiến bộ hơn ở nhà thì tôi thấy quyết định ngày đó của mình thật đúng đắn”.

Điều dưỡng viên đang chăm sóc các cụ

Còn với bà Hiền, bà mắc chứng bệnh đãng trí tuổi già, nên hầu như không nhớ được mọi việc. Thậm chí cả đêm bà không ngủ, cứ đi lại quanh quẩn trong căn nhà 3 tầng. Con cái thì bận rộn công việc không thể ở bên chăm lo cho bà được. Vì thế gia đình đã đưa bà vào Diên Hồng để an dưỡng. Thấy bà được chăm sóc đầy đủ, từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân còn chu đáo hơn ở nhà nên gia đình rất vui mừng. Anh Nguyễn Đức Hoàng (Con trai bà Hiền) chia sẻ: “Gia đình  cảm ơn Diên Hồng đã luôn chăm sóc chu đáo cho bà, cho các cụ để chúng tôi được an tâm công tác. Và đặc biệt viện đã đem đến cho người già một môi trường sống lành mạnh, văn hóa và đầy yêu thương”.

Bà Hiền tập phục hồi chức năng tại Trung tâm

Một chia sẻ khác đến từ anh Lê Hoàng Dũng (Cháu ông Hoàng Xuân Ấn): “Trung tâm có đội ngũ các bạn nhân viên trẻ, nhiệt tình, năng động và yêu nghề. Các bạn luôn động viên và tạo niềm vui cho các cụ sống lạc quan, yêu đời hơn. Ngoài ra dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người già tốt, bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, trung tâm nhiều hoạt động vui chơi, kỷ niệm”. Và dành sự cảm kích đến các bạn nhân viên rất nhiều, vì phải có tâm và yêu mến các cụ thì mới gắn bó được.

Ngâm chân cho các cụ tại Diên Hồng

Hay như gia đình bà Thành, có lẽ giống với hoàn cảnh của bao gia đình khác là neo người. “Biết đến trung tâm như một cứu cánh của gia đình. Hơn nữa, viện dưỡng lão lại tiện nghi, sạch sẽ, thoáng mát. Nhân viên chăm sóc thì nhiệt tình, thân thiện, chu đáo”, chị Đặng Thanh Thuỷ (Con gái bà Mai Thị Thành) chia sẻ.

Không chỉ các ông bà ở trên, mà phần lớn người cao tuổi sau khi vào viện dưỡng lão đều có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Vậy chẳng có lý do gì mà chúng ta lại không mang hạnh phúc ấy đến cho người thân cho mình.

Xem thêm chia sẻ khác của các gia đình Tại đây hay Nỗi niềm của người con gái khi gửi Cha vào Viện dưỡng lão.

Xem thêm

Nỗi niềm của người con gái khi gửi Cha vào Viện dưỡng lão

Việc gửi Cha tôi vào Trung Tâm Dưỡng Lão Diên Hồng khiến tôi vô cùng trăn trở. Bởi tôi luôn tự thấy mình phải có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cho Cha khi tuổi già sức yếu. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chăm lo cho con cái, nên tôi gần như vắng nhà từ sáng sớm đến tối muộn, thậm chí phải công tác xa nhiều ngày. Từ đó việc chăm sóc Cha trở nên khó khăn, vất vả hơn. Và quan trọng nhất là không bảo đảm được sự chu đáo, kịp thời và đúng chuyên môn. Lúc này tôi thấy bất lực và thương Cha vô cùng.

Qua chia sẻ của một người bạn, tôi biết đến Dưỡng lão Diên Hồng. Tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về Trung tâm, cũng đã đến tận nơi để tham quan trực tiếp, sau đó quyết định gửi Cha vào đây an dưỡng. Những ngày đầu gửi Cha vào Trung tâm, tôi thấp thỏm không yên, không biết Cha ở đấy có buồn không, có thích nghi được không?

Tôi đã chia sẻ những lo lắng ấy với các cán bộ, anh chị em Điều dưỡng viên tại Trung tâm và được mọi người hết sức thông cảm. Các bạn nói với tôi rằng: “Chị hãy yên tâm, chúng em sẽ cố gắng để ông sớm quen với môi trường ở đây”. Tuần nào tôi cũng vào thăm và nhận thấy Cha vui vẻ hơn, khỏe khoắn hơn ở nhà. Môi trường ở Trung tâm lại sạch sẽ, thân thiện, quan trọng nhất là các bạn Điều dưỡng rất dễ thương lại có trách nhiệm. Tôi cảm nhận được các bạn chăm sóc các cụ bằng cả cái Tâm và trách nhiệm của người làm nghề.

Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 nguy hiểm, Trung tâm Diên Hồng đã đưa ra những chính sách rất kịp thời, để bảo đảm an toàn cho các cụ, khiến chúng tôi vô cùng cảm kích và trân trọng.

Đến giờ, tôi chợt hiểu ra một điều là làm tròn chữ Hiếu không nhất thiết phải tự tay chăm sóc cha mẹ già, mà là dành tất cả những gì tốt nhất cho cha mẹ trong điều kiện có thể. Đến nay đã gần 9 tháng Cha tôi được chăm sóc tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng và tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng khi gửi cha tôi vào đây.

Cảm ơn Diên Hồng và chúc cho Trung tâm sẽ ngày càng phát triển vững mạnh để những người con như chúng tôi được báo Hiếu với cha mẹ, được làm tròn trách nhiệm với con cái và hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với công việc, xã hội.

Một lần nữa, cảm ơn Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng thật nhiều!

Xem thêm

Rộn ràng đêm hội “Phụ nữ Diên Hồng là để yêu thương”

Tháng 3 về mang theo hơi thở dịu dàng của những ngày cuối xuân. Tháng 3, tháng của tuổi trẻ, của yêu thương, của một nửa thế giới được tôn vinh và trân trọng. Hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi của phụ nữ khắp cả nước, tối ngày 8/3, tại Nhà hàng Lộc Vừng Thanh Hà, Ban lãnh đạo Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức đêm hội “Phụ nữ Diên Hồng là để yêu thương” chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ.

Đến tham dự buổi lễ có sự hiện diện của anh Đỗ Trần Hồ Thắng, Tổng Giám đốc Trung tâm. Chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng Giám đốc, chị Kiều Thị Hảo, Giám đốc cơ sở 1, cùng toàn thể Cán bộ nhân viên 2 cơ sở.

Phát biểu tại buổi lễ, anh Thắng (Tổng Giám đốc) chia sẻ: “Ngày hôm nay không chỉ để các chị em phụ nữ xinh đẹp nhất, mà các chị em hãy sống cho chính bản thân mình, thật vui vẻ hạnh phúc chứ đừng vì bất kỳ 1 người đàn ông tốt xấu nào mà ngừng xinh đẹp, ngừng hạnh phúc , ngừng sống vì mình”. Câu nói như truyền cảm hứng, truyền động lực cho nhiều chị em phụ nữ trong công ty.

Mở đầu chương trình là tiết mục văn nghệ được tập luyện chuẩn bị công phu của các bạn điều dưỡng viên cơ sở 1

Tiết mục múa “Em trong mắt tôi” của các bạn điều dưỡng cơ sở 1.

Tiếp đến là phần tiệc chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ.

Anh Đỗ Trần Hồ Thắng nâng ly khai tiệc cùng mọi người.

Ngoài phần tiệc, buổi lễ còn nhiều trò chơi hấp dẫn. Đầu tiên là trò chơi “Tặng bồ”. Có 5 bạn nam, và 5 bạn nữ tham gia, mỗi bạn sẽ được nhận một nửa hình trái tim, sau đó ghép lại với nhau để tìm một nửa còn lại. Sau một hồi thử thách, cuối cùng Đinh Việt Cường và Dương Văn Quý đã may mắn tìm được một nửa trái tim của mình.

Lộ diện 2 cặp đôi may mắn trong trò chơi tặng bồ.

Ngoài ra, các bạn nhân viên còn được tham gia trò chơi “body tricks”, đó là thực hiện các tư thế cơ thể khác nhau. Mỗi cặp sẽ có 1 nam và 1 nữ, đội nào thực hiện được sẽ nhận được quà của chương trình.

4 trong 6 cặp đôi tham gia trò chơi nhận được quà.

Cuối cùng của buổi lễ là phần bình chọn Queen, khiến các chị em ai cũng phấn khích. Sau một hồi bình chọn của các bạn nam thì cuối cùng đã tìm ra chủ nhân cho 3 danh hiệu. Chúc mừng:

Nguyễn Thị Vân (Điều dưỡng cơ sở 1): Queen Quyến Rũ

Lê Thị Anh (Điều dưỡng cơ sở 2): Queen Ngọt Ngào

Nguyễn Thu Loan (Điều dưỡng cơ sở 1): Queen Thanh Lịch.

Chị Kiều Hảo, giám đốc cơ sở 1 trao quà cho 3 Queen

Khép lại buổi lễ, các chị em nói riêng và tất cả Cán bộ nhân viên Diên Hồng nói chung đều sẽ có thật nhiều kỷ niệm về một ngày đặc biệt như vậy.

Xem thêm

Mẹ ơi, con đã già rồi. Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con…

4 tháng trước, mẹ tôi có triệu chứng của căn bệnh đãng trí tuổi già. Lúc đó mấy anh em chúng tôi vô cùng sốc. Mẹ tôi thường xuyên đi lạc. Tên họ hàng, làng xóm, các cháu nội ngoại, mẹ tôi hầu như không nhớ. Đôi khi kể những chuyện từ hồi trẻ mà ngỡ là chuyện của ngày hôm qua.

Mẹ tôi nghĩ rằng mình rất trẻ. Nghĩ rằng có nhiều anh đang theo đuổi và cho rằng chồng mất rất sớm, mặc dù chồng bà (tức là bố tôi) mất năm ông 70 tuổi (cách đây 14 năm).

Rồi mẹ tôi quên cách nghe điện thoại (chỉ là ấn nút để nghe thôi), quên cách nấu cơm, quên cả cách tắm… hầu như là quên tất cả mọi thứ. Mẹ tôi có thể nói chuyện một mình suốt cả ngày, thi thoảng lại chửi bới cả tiếng đồng hồ. Những câu chuyện mẹ tôi sáng tác rất thật, rất sống động nhưng đều là tưởng tượng. Những người gặp lần đầu đều không tin là mẹ tôi bị lẫn.

Rồi đến lúc, mẹ tôi không phân biệt ngày đêm, không nhận ra ai ngoài 3 đứa con ruột. Một đêm mẹ tôi chỉ ngủ khoảng 2 tiếng, thời gian còn lại sẽ đi lại suốt trong phòng và tất bật với công việc của mình (mẹ tôi luôn nghĩ là bà đang làm việc). Một ngày đêm mẹ tôi thường đi bộ khoảng 10 km, đặc biệt không cần ăn uống gì. Ở nhà với các con nhưng mẹ tôi nghĩ là đang ở tập thể. Con gái bà, một ngày có thể vừa là giúp việc, vừa là đồng nghiệp, vừa là chị em bạn bè.

Buồn cười nhất và cũng đáng thương nhất là khi bà nói chuyện với gương. Bà không biết người trong gương chính là mình. Bà mắng mỏ, quát tháo “Cái bà già trong gương sao ngu thế, chui vào trong tủ thì ra lối nào”. Rồi bà loay hoay, tìm cách cho người trong gương chui ra. Thương mẹ tôi lắm!

Cuối cùng cũng đến lúc mẹ tôi cần sự chăm sóc đặc biệt, điều mà cả gia đình tôi và giúp việc không thể đáp ứng. Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều Trung tâm Dưỡng lão và quyết định gửi mẹ tôi tới Diên Hồng.

Thật may mắn và sáng suốt khi chúng tôi gửi mẹ đến đây. Tất cả các bạn nhân viên chăm sóc mẹ tôi quá tốt. Mẹ tôi khỏe mạnh, sạch sẽ hơn ở nhà rất nhiều. Mẹ tôi chỉ nhận ra các bạn chứ không nhớ tên được ai đâu và vẫn nghĩ các bạn là những người đồng nghiệp, hàng xóm đó. Khi vào trung tâm những câu chuyện tưởng tượng của mẹ tôi lại thêm phần phong phú: Nào là đi nhận Huân huy chương 35 năm tuổi Đảng, nào là sáng mai có xe đưa mẹ tôi đi tiệm cắt tóc và nhuộm tóc cho xinh…

Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với chúng tôi là thấy mẹ mỉm cười. Và đặc biệt khi nào nhớ mẹ, chúng tôi có thể chạy đến thật nhanh để ngắm nhìn mẹ. Thương yêu và biết ơn Diên Hồng nhiều lắm nhé!

Đó chính là những chia sẻ của gia đình bà Lợi sau khi gửi bà vào Diên Hồng.

Xem thêm

Bị từ mặt vì không đồng ý gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão

Một buổi tối, hình như hôm đó là trung thu, bố mẹ tôi xem trên Thời sự 19h có nhắc đến một viện dưỡng lão vui vẻ rồi đề nghị chúng tôi gửi hai cụ vào đó để được vui sướng như người ta. Vợ chồng tôi xua tay bảo chắc người ta quảng cáo thôi chứ làm gì có chỗ nào lại tốt hơn được ở nhà. Thực ra chúng tôi nghĩ đang yên đang lành ở nhà chẳng mất gì (các cụ vẫn tự sinh hoạt cá nhân, không cần con cái phải chăm nom nhiêu, các cụ cũng ăn như mèo, không đáng mấy đồng), tự nhiên vào trong trung tâm dưỡng lão tốn 1 đống tiền. Chưa kể là đưa hai cụ vào đó thì họ hàng, làng xóm lại dị nghị nói bất hiếu, rũ bỏ trách nhiệm chăm sóc bố mẹ… Lợi thì chưa thấy đâu, tôi chỉ thấy mệt người.

Cứ tưởng nói vậy là xong, ai ngờ ngày nào hai cụ cũng nói về chuyện này, đòi chúng tôi phải chốt ngày đưa hai cụ vào dưỡng lão. Tôi kiên quyết từ chối thì hai cụ quyết liệt đòi từ mặt tôi. Bố mẹ bảo tôi sĩ diện, ích kỉ, ngu dốt, chỉ nghĩ đến suy nghĩ của người ngoài mà không quan tâm đến mong muốn của bố mẹ. Bố mẹ tôi còn đòi tôi trả lại căn nhà mà hai cụ từng cho tôi để bán đi lấy tiền tự vào trung tâm dưỡng lão, không muốn dính dáng gì đến nhà tôi nữa. Người ta bảo trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, như nhà tôi thì hai cụ đúng là trời đấy. Tôi mà không chiều theo ý hai cụ thì không xong. Thấy bố mẹ căng thẳng quá, tôi cũng thử đi tìm hiểu xem chỗ dưỡng lão đó như thế nào.

Các bà ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đi thi hoa hậu cao niên

Ấn tượng đầu tiên của tôi là không gian thoáng rộng, không ngờ trung tâm dưỡng lão bây giờ không khác gì cái chung cư mini. Tôi hỏi thử mấy cụ già ở đây xem cảm nhận như nào thì các cụ nói chuyện vui phết lại còn khoe hết huy chương Olympic đến giấy chứng nhận hoa hậu. Kể ra bố mẹ tôi hóa ra còn hiện đại và biết hưởng thụ phết đấy chứ. Nghĩ lại thấy cũng có chút xấu hổ. Nếu tôi không đồng ý với hai cụ thì mới thực sự là bất hiếu. Bố mẹ nuôi mình bao năm khôn lớn trưởng thành, giờ mình còn so đo tính toán chuyện tiền bạc. Thấy ưng ý, không kịp chờ đến lúc về tới nhà, tôi gọi ngay cho hai anh chị trong nhà để thông báo thì may quá anh chị cũng ủng hộ và đề nghị cùng đóng góp với tôi chi trả phí hàng tháng của bố mẹ.

Không gian xanh trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Giờ thì bố mẹ tôi đã dọn đến ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng được hơn 5 tháng rồi. Thấy hai cụ hay gọi video về khoe lúc thì được ngâm chân đá muối, lúc chơi cá ngựa, đánh tam cúc, chơi chuyền bóng tôi thấy nhẹ lòng. Đúng là gửi ông bà vào đây cả nhà ai cũng thoải mái, ông bà thì không phải mòn mỏi chờ các con về cơm nước, chúng tôi thì không bị cằn nhằn chuyện sinh hoạt thất thường. Tuy tài chính cũng có chút tốn kém hơn nhưng mình cố gắng một chút cũng được. Bố mẹ nuôi mình bao nhiêu năm, giờ là lúc mình báo hiếu. Thi thoảng có thời gian anh em chúng tôi lại tranh thủ vào thăm hai cụ. Người ta bảo xa thương, gần thường cũng đúng. Bố mẹ lâu lâu mới gặp con cháu thì mừng mừng tủi tủi, tình cảm thắm thiết hơn trước.

Nghĩ lại thì tôi đã quá lạc hậu so với bố mẹ nhà tôi rồi. Mỗi thế hệ một quan điểm sống, lối sinh hoạt, ở cùng nhau không dễ gì để hoà hợp. Sau này mình cũng sẽ vào dưỡng lão vừa thoải mái, không phiền đến con cháu.

Xem thêm

Bật mí 7 công việc của điều dưỡng viên trong Viện dưỡng lão

Cầm trên tay tấm bằng điều dưỡng, bạn có thể làm trong các bệnh viện, phòng khám hoặc trong các Trung tâm chăm sóc người cao tuổi như ở Diên Hồng. Nghe đến Viện dưỡng lão cũng nhiều nhưng chắc hẳn mọi người vẫn còn đang thắc mắc về công việc hằng ngày của các bạn điều dưỡng viên phải không? Ngay bây giờ hãy cùng Diên Hồng bật mí qua bài viết này nhé.

Một ngày, các bạn điều dưỡng viện có 8 tiếng làm việc bắt đầu từ 7h30 đến 17h30 trong đó có 2h để nghỉ trưa và ăn uống. Và sau đây chính là 7 công việc của các bạn ấy.

1. Thực hiện các công việc chăm sóc NCT như: Hỗ trợ NCT ăn uống, vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thay quần áo, thay tã, xoa bóp, đảm bảo NCT luôn được chăm sóc sạch sẽ, an toàn và đảm bảo sức khỏe.

Điều dưỡng đang hỗ trợ người cao tuổi ăn uống

2. Thực hiện công tác theo dõi sức khỏe cho NCT: Theo dõi các chỉ số sinh tồn hàng ngày, đường huyết định kỳ và cân nặng hàng tháng. Cho NCT uống thuốc theo đúng chỉ định, chăm sóc vết loét. Với những trường hợp bất thường thì báo cáo Điều dưỡng Trưởng để được xử trí kịp thời.

3. Thực hiện các công việc đảm bảo vệ sinh khu sinh hoạt của NCT: Sắp xếp quần áo, đồ dùng, vật tư của NCT luôn gọn gàng, sạch sẽ, đúng người, đúng chỗ… có trách nhiệm nhắc nhở bộ phận tạp vụ đảm bảo vệ sinh phòng ốc, dụng cụ trong khu vực sinh hoạt của NCT.

4. Thực hiện các công việc chăm sóc đời sống tinh thần cho NCT: Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, đi dạo, thể dục cho NCT. Phối hợp, tham gia tổ chức các chương trình văn nghệ, kỷ niệm, sinh nhật và giao lưu với NCT,…

Điều dưỡng và các cụ tham gia làm đèn lồng handmade tại Diên Hồng.
Cắt móng tay, chân định kỳ cho các cụ ở Diên Hồng.

5. Thực hiện những yêu cầu chăm sóc đặc biệt theo yêu cầu của NCT và gia đình: Pha sữa theo giờ, uống thuốc bổ đặc biệt,…

6. Thực hiện trực đêm, trực ca theo điều phối của Điều dưỡng Trưởng và Trưởng tầng

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Trưởng tầng, Điều dưỡng trưởng và Ban Giám đốc.

Tin chắc rằng sau bài viết này sẽ giúp cho các ứng viên hiểu được hơn công việc mà mình cần làm. Cũng như giúp gia đình thấu hiểu hơn về sứ mệnh cao cả của điều dưỡng viên Viện dưỡng lão.

Xem thêm

Dưỡng lão Diên Hồng nối lại hoạt động thăm nom từ ngày 23/02

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid 19 tại Hà Nội tạm lắng xuống, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng xin thông báo NỐI LẠI hoạt động thăm nom NCT từ ngày 23/02/2021.

Để đảm bảo an toàn cho NCT kính đề nghị các gia đình thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc phòng dịch: Rửa tay, đeo khẩu trang khi tiếp xúc; không thăm người thân khi có biểu hiện sốt, ho,…; đối với người có yếu tố dịch tễ (đi qua vùng dịch hoặc nghi tiếp xúc với F0,F1,F2,…) chủ động không thăm nom NCT trong dịp này. Chỉ thăm nom tại tầng 1, sảnh tiếp đón của Diên Hồng.

Đối với khách thăm quan lên tầng, kính đề nghị đeo khẩu trang, găng tay để đảm bảo an toàn.

Trân trọng!

Xem thêm

Món quà đầu năm mới và câu chuyện về người mẹ mắc chứng bệnh Alzheimer

Trước Tết, gia đình bà Hiền gửi tặng một món quà nhỏ đến Cán bộ nhân viên Diên Hồng cơ sở 2 nhân dịp đầu xuân năm mới. Đi kèm với món quà là một chiếc thiệp được viết nắn nón, cẩn thận với những lời cảm kích chân thành.

Tấm thiệp được viết nắn nón cẩn thận

………..

Bà Hiền sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm, sau đó công tác tại trường Trung học cơ sở Giảng Võ. Vợ chồng bà ly dị từ khi các con còn nhỏ, nên một mình bà tần tảo nuôi hai con khôn lớn. Tưởng như đến tuổi xế chiều bà sẽ được hưởng niềm vui sum vầy bên con cháu, nhưng chứng bệnh Alzheimer lại ập đến sớm.

Nửa năm về trước, bà Hiền bắt đầu có triệu chứng của căn bệnh đãng trí tuổi già. Trí nhớ giảm sút đáng kể, thậm chí có những đêm bà không ngủ, cứ đi đi lại lại trong căn nhà 3 tầng. “Có lần mình gọi điện về nói chuyện cùng bà nhưng bà không nhớ gì, lúc sau còn tự mình độc thoại”, chị Vân Anh, con gái bà kể lại. Thấy vậy gia đình vô cùng lo lắng. Nhưng ngặt nỗi con gái thì sinh sống bên nước ngoài, còn con trai thì công việc bận rộn, hay đi công tác xa nên không thể hằng ngày ở bên chăm sóc cho bà.

Bà Hiền tập phục hồi chức năng tại Diên Hồng

Sau đó được bạn bè giới thiệu về Dưỡng lão Diên Hồng, không chỉ chăm sóc sức khỏe cho người già mà còn có nhiều hoạt động vui chơi, có bạn bè cùng trang lứa, có người cùng bầu bạn, biết đâu bà lại tốt hơn. Vì thế gia đình đã tìm đến Diên Hồng và đưa bà vào ở thử.

1 tuần sau

Bà đang tập luyện dưới phòng phục hồi chức năng thì có cuộc gọi video truyền đến. Đầu dây bên kia vang lên tiếng nói của người con: “Mẹ ơi mẹ ở đấy có hợp không?” “Mẹ có muốn ở đó không hay về nhà?”. Bà gật đầu rồi bảo: “Mẹ tốt lắm, có nhiều bạn nữa”. Hai mẹ con nhìn nhau mỉm cười.

Diên Hồng, không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, mà còn là nơi để tuổi già thêm sinh động, có bạn bè, có vui chơi. Là nơi mà người già được chăm sóc chu đáo, là nơi mà con cái yên tâm làm việc, là nơi mà chữ hiếu được gửi gắm.

Xem thêm

Tết ấm cúng của người cao tuổi ở viện dưỡng lão

Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cụ già tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) quây quần với nhau chuẩn bị một cái Tết giản dị. Không cùng gia đình, không cùng con cháu, các cụ vẫn có đào, quất,… đón một mùa Xuân mới.

Viện dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) hiện là nơi ở của gần 200 cụ ông, cụ bà. Đa số các cụ ở đây đều được con cháu gửi vào, vẫn được chu cấp và thăm nom hàng tháng.

Khi năm mới đang đến gần, nhiều cụ ở Viện dưỡng lão Diên Hồng không trở về cùng gia đình, mà ở lại Viện đón Tết. Theo chia sẻ của nhân viên tại viện dưỡng lão, trước Tết một thời gian, nhiều gia đình đã có kế hoạch đón bố mẹ, người thân về ăn Tết. Nhưng dịch bệnh Covid 19 quay trở lại, vì an toàn cho người thân và cho người già tại trung tâm nên các gia đình không đón về nữa, hoặc nếu đón thì hết dịch mới quay lại.

Online sắm Tết tránh dịch Covid-19

Khác với những năm trước, chợ tết Diên Hồng năm nay theo một hình thức hoàn toàn mới. Người cao tuổi ở viện dưỡng lão Diên Hồng sẽ được cấp cho 1 ví điện tử đã có sẵn 500 tết xu trong đó để mua sắm trong gian hàng thương mại điện tử. Các ông bà không cần có tiền mà vẫn đi mua sắm được nên vô cùng thích thú. Bà Hoàng Thị Cẩm không giấu được niềm vui khi .mua được 1 chiếc áo khoác dạ màu hồng xinh xắn: “Chưa bao giờ được đi chợ tết vui như thế này. Tôi vừa được xem văn nghệ, vừa được cho tiền để đi mua sắm. Tôi đã nhắm cái áo khoác này từ lúc mới treo lên”.

Các trò chơi được lấy cảm hứng từ các hội chợ và trung tâm thương mại như ném phi tiêu nổ bóng bay, ném vòng, ném bóng vào cốc, gắp thú bông cũng khiến các cụ hào hứng.

Hình ảnh ví điện tử được dùng trong chợ Tết

“Những năm trước thấy một số cụ chạnh lòng bảo tiền đâu mà đi chợ Tết, năm nay mình tổ chức quyên góp đồ dùng vừa mới vừa cũ để bán miễn phí trong chợ tết cho các cụ. Nhưng để các cụ không bị lăn tăn tâm lý “của cho là của ôi”, chúng mình bê đến chợ Tết cả mấy cái sàn thương mại điện tử, cấp cả một cái ví có sẵn 500 Tết xu để các cụ thoải mái mua sắm. Và thế là các cụ nô nức đi ngắm rồi chọn mua, các bạn nhân viên thì giống những người bán hàng chuyên nghiệp tư vấn cho các cụ mua được những món đồ ưng ý”, chị Hoàng Ngân – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tự hào nói.

Trong chợ tết còn có các gian hàng hoa, các loại hạt để các cụ sử dụng hoặc mời khách nên ai nấy cũng hứng khởi chọn được món hàng ưng ý. Bên cạnh đó các cụ cũng được thưởng thức các món ăn vặt do chính cán bộ nhân viên trong trung tâm chuẩn bị.

Mùa xuân về trên Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Trong căn phòng nhỏ, bà Vũ Thị Dành (82 tuổi) đang lúi húi chỉnh lại cành đào bích mới mua. Chỉnh xong bà quay sang khoe với ông, ông nhìn một hồi, khóe miệng nở nụ cười thật tươi.

Vợ chồng bà Dành, ông Bưởi đã vào trung tâm được 13 tháng. Điều đáng nói là hai ông bà đã bán mảnh đất dưới quê, dùng số tiền ấy và lương hưu của mình để chọn viện dưỡng lão làm chốn dừng chân. Bà định nghĩa về chữ hiếu rất đơn giản, rằng không cứ con cái phải tự tay chăm sóc, phải ở chung nhà phụng dưỡng mẹ cha thì mới là hiếu.

“Tôi đã coi như đây là ngôi nhà của mình. Nên chẳng có gì lạ khi 2 cái Tết chúng tôi đều đón ở đây. Tết năm trước các con, các cháu còn đến được, chứ năm nay dịch bệnh thế này tôi chỉ mong chúng nó ở nhà bình an, mạnh khỏe là được rồi”, bà Dành chia sẻ.

Hai vợ chồng ông Bưởi, bà Dành trong ngày cận Tết.

Trò chuyện với Ông Nghĩa (90 tuổi), dáng người cao lớn, vạm vỡ, gương mặt vuông vức nam tính và cặp lông mày chữ nhất, giọng nói dầu run rẩy vì bệnh Parkinson – người đã gắn bó với viện hơn 4 năm. Mấy năm trước, con trai duy nhất của ông mất, con dâu và hai cháu nội định cư ở nước ngoài. Ít lâu sau, vợ ông bỏ thế giới này mà đi. Giống với bà Dành, ông Nghĩa cũng đã bán căn nhà trên phố cổ để vào dưỡng lão. Ông bảo: “Tôi không nhớ nhà, vì nhà cũng chẳng còn ai để mà nhớ”. Bởi vậy 4 năm qua, ông đều đón Tết cùng với những người bạn già trong Viện dưỡng lão Diên Hồng, và năm nay cũng không ngoại lệ.

Dịch bệnh Covid 19 quay trở lại bất ngờ khiến gia đình bà Xuân Hồng (80 tuổi) phải tìm phương án khác thay vì đón bà về ăn Tết. “Ba anh chị em chúng tôi đã bàn bạc với nhau đón mẹ về ăn Tết mấy ngày cho gần con gần cháu, nhưng dịch bệnh thế này chúng tôi không thể đón mẹ theo kế hoạch, vừa để an toàn cho mẹ và cho cả các cụ già trong trung tâm”, chị Quyên con dâu bà Hồng chia sẻ. Nhớ lại ngày đó, sau khi ông mất, bà Hồng trở nên sống khép kín, không còn vui cười như trước, lại thêm bệnh nền khiến bà không thể đi lại. Được bạn bè giới thiệu đến trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, gia đình dù không muốn nhưng vẫn đưa bà vào với hy vọng bà có thể vui tươi, hoạt bát như trước. Sau hơn 2 năm bà vào trung tâm, bà không chỉ tìm thấy niềm vui của mình mà còn có thể đi lại được, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với gia đình.

Hơn 10 tháng sống ở trung tâm, bà Đặng Thị Tuyết Sinh (84 tuổi) vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy vui khi sống ở đây”. Bởi theo bà, nơi đây bà được chăm sóc chu đáo, không gian sống yên tĩnh, môi trường trong lành. “Không những thế bà còn được tham gia các hoạt động do trung tâm tổ chức, gần đây nhất là cuộc thi hoa hậu cao niên, bà còn được giải nữa này”, cầm trên tay tờ giấy chứng nhận bà Sinh hào hứng kể.

Cụ Đặng Thị Tuyết Sinh nhận giấy chứng nhận Hoa hậu tài năng đón Tết.

Mái nhà ngày Tết của các cụ cao tuổi

“Bản thân trung tâm cũng hiểu được ngày Tết các cụ mong muốn có con cháu ở bên, muốn có không khí Tết nên Trung tâm đã cố gắng để tạo ra nhiều hoạt động cho các cụ. Ví dụ như tổ chức chợ Tết để các cụ được mua sắm, hay tổ chức trang trí nhà cửa (gắn hoa đào, hoa mai, viết câu đối), bữa ăn cũng được thay đổi để phù hợp với Tết, không những thế đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm chứ không hề tẻ nhạt. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang quay trở lại, người già không được về ăn Tết cùng gia đình”, chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng Giám đốc chia sẻ.

Lan Anh

Báo Đại Đoàn Kết

Xem thêm

Sáng tạo là giá trị cốt lõi để người già yêu thích dưỡng lão Diên Hồng

Bằng việc thấu hiểu mong muốn tiềm ẩn của người già và những sáng tạo trong các hoạt động, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã trở thành ngôi nhà chung được nhiều người yêu thích.

Nhiều suy nghĩ về người già trước đây đã được chứng minh là sai lầm ở Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng. Người già không phải chỉ thích sống hoài niệm, thoải mái với những thứ quen thuộc mà nhiều người già thích trẻ lại, thích cái mới, thích gặp gỡ, thích kết bạn, thích được tham gia hoạt động cả ngày thay vì nằm một chỗ. Vì vậy, Trung tâm đã thiết kế và tổ chức một lịch trình sinh hoạt cả tháng cho người cao tuổi đang sống trong Trung tâm để phù hợp với nhiều sở thích khác nhau. Đó có thể là các trò chơi vận động nhẹ nhàng, các buổi làm đồ thủ công hay các cuộc thi sắc đẹp đòi hỏi kiến thức. Nhờ vậy mà mỗi người cao tuổi đều tìm thấy một hay vài hoạt động phù hợp với mình để luôn giữ được niềm vui cuộc sống.

Rung chuông vàng phiên bản người cao tuổi cho các ông bà ở Diên Hồng
Chung kết cuộc thi hoa hậu cao niên Diên Hồng

Hằng năm, cứ vào dịp tết, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đều tổ chức chợ Tết để người già hòa mình vào không khí tấp nập mua sắm, vui chơi, để cảm nhận sâu sắc cái Tết đang đến rất gần. Ở các thành phố lớn, mỗi năm người dân lại có những trải nghiệm mới về Tết khi đến các khu vui chơi, mua sắm khác nhau, cách thưởng thức Tết cũng có nhiều đổi mới. Vì thế, Diên Hồng đã nỗ lực không ngừng để mỗi năm mang đến chợ Tết Diên Hồng cái gì đó mới mẻ để các cụ luôn cảm thấy hứng khởi và chờ đợi.

Chợ Tết Diên Hồng 1

“Những năm trước thấy một số cụ chạnh lòng bảo tiền đâu mà đi chợ Tết, năm nay mình tổ chức quyên góp đồ dùng vừa mới vừa cũ để bán miễn phí trong chợ tết cho các cụ. Nhưng để các cụ không bị lăn tăn tâm lý “của cho là của ôi”, chúng mình bê đến chợ Tết cả mấy cái sàn thương mại điện tử, cấp cả một cái ví có sẵn 500 Tết xu để các cụ thoải mái mua sắm. Và thế là các cụ nô nức đi ngắm rồi chọn mua, các bạn nhân viên thì giống những người bán hàng chuyên nghiệp tư vấn cho các cụ mua được những món đồ ưng ý”, chị Hoàng Ngân – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tự hào nói.

Các ông bà Diên Hồng 2 mua đồ trong gian hàng thương mại

Thực tế là chợ Tết xong cả tuần rồi mà các ông bà trong trung tâm vẫn còn sung sướng khoe với nhau những món đồ yêu thích mua được. Tuyệt vời nhất là các cụ rất vui vì không có tiền vẫn đi chợ Tết và mua được hàng.

Tại chợ tết, các ông bà còn được chơi các trò chơi mà nếu chiến thắng thì được tặng quà như mấy quầy game trong các trung tâm thương mại hay các hội chợ như gắp gấu bông, ném vòng, ném bóng vào cốc, ném phi tiêu. Mấy trò chơi này không chỉ hấp dẫn vì được quà mà là ở trải nghiệm đi đổi xu rồi dùng xu mua lượt chơi và nỗ lực hết sức mình để chiến thắng. Lúc thua thì tiếc nuối rồi khi chiến thắng trò chơi, các ông bà vỡ òa hạnh phúc.

Chiến lợi phẩm của ông khi tham gia trò chơi

Trong chợ Tết còn có cả studio chụp ảnh để các cụ và gia đình có thể chụp ảnh concept Tết và in ảnh gỗ ngay tại Diên Hồng.

Các gia đình chụp ảnh kỷ niệm tại khung checkin

Một điều khiến người cao tuổi cảm thấy hào hứng mua sắm trong chợ tết Diên Hồng là mục đích gây quỹ đi từ thiện. Lợi nhuận của các gian hàng sẽ được ban tổ chức mua gạo, mắm, muối, dầu ăn… cho các em bé ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu. Nhờ đó mà chợ tết Diên Hồng còn có thêm ý nghĩa đối với các ông bà ở Diên Hồng và tất cả người tham dự.

Chính vì Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng luôn có các hoạt động vừa vui vừa ý nghĩa nên nhiều ông bà không muốn về thăm nhà sợ bỏ lỡ các sự kiện thú vị. Có khi là về nhà chỉ được một ngày các cụ đã muốn quay lại vì ở Diên Hồng quen rồi. Bà Đặng Thị Tuyết Sinh vui vẻ nói: “Diên Hồng tệ lắm, cứ làm cho người ta thấy yêu rồi bị nghiện lúc nào không hay”.

Ai rồi cũng phải già và có một tuổi già sinh động thì quan trọng vô cùng. Đó cũng chính là lí do mà Diên Hồng luôn nỗ lực để mang đến một môi trường sống tích cực, vui vẻ và nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người già.



Xem thêm