Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All posts by Ha Nguyen

Mức độ quan tâm của gia đình đối với người cao tuổi trong thời đại mới

Nay có 1 bạn phóng viên phỏng vấn nhà em về mức độ quan tâm của các gia đình đối với ông bà, bố mẹ già trong thời đại ngày nay. Chia sẻ lại cùng cô bác anh chị xem có đồng tình với em không nhé.

PV: Có ý kiến cho rằng do sức ép về lao động, việc làm, sinh kế trong thời kỳ kinh tế thị trường, khiến cho không ít các bậc con cháu mải miết mưu sinh, ít quan tâm đến gia đình, người thân dẫn đến việc người già lâm vào tình trạng cô đơn, giá trị văn hóa gia đình truyền thống bị suy giảm, văn hóa ứng xử trong gia đình bị tổn thương. Chị nghĩ sao về điều này?

Trả lời: Thực ra thời nào cũng có người nọ người kia, có người hết mực quan tâm, yêu thương ông bà cha mẹ nhưng cũng có người sống ích kỷ, ruồng rẫy cha mẹ già. Tuy nhiên, xét về xu hướng chung của xã hội thì càng ngày con cháu càng quan tâm đến bố mẹ già, nhưng cách thức thể hiện sự quan tâm đã có phần thay đổi. Bằng chứng là các sản phẩm phục vụ cho người già đang ngày càng phát triển đa dạng hóa như các thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, các trung tâm chăm sóc người cao tuổi… Thời đại mới con cháu cũng có nhiều nhu cầu cống hiến, phát triển sự nghiệp, học tập, kết nối xã hội nhiều hơn nên thời gian dành cho bố mẹ già, ông bà ít hơn. Nhưng họ vẫn quan tâm đến nhu cầu, mong muốn của ông bà cha mẹ, tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ để họ được chăm sóc tốt hơn.

Khi gia đình không có thời gian hoặc không có chuyên môn chăm sóc người già thì họ gửi bố mẹ vào dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn.

Rất nhiều trường hợp khách hàng gửi đến Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng không phải vì không có thời gian hay họ đùn đẩy trách nhiệm, mà vì họ không đủ kỹ năng chăm sóc, làm cho người thân bị mệt hơn hoặc chậm cải thiện sức khỏe. Ví dụ việc hỗ trợ phục hồi chức năng là ở nhà khó đảm bảo. Hay việc tập thể dục để tăng cường sức khỏe, đối với bản thân người trẻ như chúng ta cũng không duy trì kỷ luật để thực hiện đều đặn mỗi ngày thì không dễ gì để hướng dẫn và tập luyện cùng với cụ thường xuyên. Một số gia đình đã rất bất ngờ về sự tiến bộ của cụ sau khi vào Diên Hồng vài tháng. Từ việc không tự đi lại được đến đi lại được nhờ sự hỗ trợ của gậy chữ U rồi đến lúc không cần gậy. Như vậy là quan tâm và giúp các cụ có người trò chuyện, không bị cô đơn chứ.

Tập luyện phục hồi chức năng tại Diên Hồng

PV: Nhưng mà chị có thấy rằng là nhịp sống hiện đại đẩy người ta rời xa ông bà bố mẹ. Ở không ít gia đình, tiếng nói của người già có vẻ như ít được con cháu lắng nghe và thực hiện, nhất là lứa tuổi thanh niên, vị thành niên?

Trả lời: Không hề. Mạng xã hội phát triển rộng khắp đang giúp lan tỏa các giá trị tốt đẹp nhất là sự yêu kính ông bà cha mẹ. Con cháu thay vì áp đặt tư duy của mình, mua tặng ông bà những món đồ mình thích thì đã biết lắng nghe nhu cầu và sở thích của ông bà cha mẹ để mua cho đúng. Thực ra số lượng thời gian dành cho ông bà cha mẹ không quan trọng bằng chất lượng của khoảng thời gian bên nhau. Con cháu có thể ở xa rồi thi thoảng mới về thăm nhưng họ dành cả ngày liền để tâm sự, xoa bóp những chỗ đau mỏi, làm cùng ông bà những việc mà ông bà thích như chăm sóc vườn tược, làm hàng rào, nấu nướng…

Tại Diên Hồng, ông bà được trải nghiệm những điều mới mẻ

PV: Vậy theo chị, làm sao để người cao tuổi có một tuổi già viên mãn?

Trả lời: Thực ra để có một tuổi già viên mãn thì ngay từ khi còn trẻ chúng ta đã phải có sự chuẩn bị tốt rồi. Thời gian còn trẻ gắn với thời kỳ vun xới cho cái cây cuộc đời tươi tốt, khi về già là chúng ta hái quả ngọt. Để tuổi già được sống vui vẻ, hạnh phúc thì trước tiên phải tự chủ kinh tế, không cho con cái hết tiền rồi sống phục thuộc vào các con. Sau thì mỗi người phải biết sống cho bản thân mình, điều gì muốn làm hoặc khiến mình thấy vui thì hãy bắt tay vào thực hiện, đừng ngại người khác đánh giá. Nếu có thể, hãy thử những trải nghiệm mới, biết đâu những trải nghiệm này sẽ mang đến những niềm vui bất ngờ.

Cô bác anh chị nghĩ thế nào về những chia sẻ trên, hãy để lại quan điểm của mình ở dưới bình luận nhé.

Xem thêm

Ở dưỡng lão tốt hơn ở nhà

Lại tiếp tục bàn luận về câu chuyện ở viện dưỡng lão tốt hơn hay ở nhà tốt hơn? Tốt hơn ở đây là xét về tất cả phương diện như đời sống, sức khỏe, tinh thần, sự an toàn của người già, thậm chí là cả các mối quan hệ, quan điểm giữa các thành viên trong gia đình.

Người già được chăm sóc tại viện dưỡng lão Diên Hồng.

Với cái nhìn của một người vừa về hưu, tương lai có thể lựa chọn sống ở viện dưỡng lão hoặc ở nhà, chú Đặng Thái Bình (Hà Nội) có góc nhìn như sau: “Ở nhà của mình thì bao giờ cũng là thoải mái nhất, nhưng lại bất cập ở chỗ giờ giấc sinh hoạt không khoa học, ăn uống không điều độ, cả ngày lủi thủi một mình buồn tẻ, chưa kể đến nhỡ không may xảy ra vấn đề gì thì không xử lý kịp. Còn nếu ở với con cái hòa thuận được là tốt, song hiếm lắm. Do chênh lệch tuổi tác, thời thế khác nhau nên các quan điểm cũng khác nhau, thậm chí trái ngược. Từ đó, bố mẹ sẽ cảm thấy mình bị cô lập, lẻ loi trong chính ngôi nhà của mình. Đó là chưa nói đến kinh tế, có thể sẽ xảy ra xung đột. Nên bây giờ, số nhiều là con cháu ở riêng, có khi ở xa, các cụ ở nhà lấy bạn già khối xóm làm niềm vui, được như thế cũng là vui vẻ tuổi già, nhưng nhiều trường hợp không có được hoàn cảnh như thế. Còn viện dưỡng lão là nơi có được điều đó, là nơi để người già tìm niềm vui, chứ đâu phải già yếu nằm liệt một chỗ mới vào. Tôi chưa đến tuổi như các cụ, nhưng tôi ủng hộ viện dưỡng lão”.

Ở viện dưỡng lão, người già được gặp những người bạn cùng trang lứa

Với kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc người cao tuổi, Diên Hồng nhận thấy rằng, người già ở viện dưỡng lão sẽ được chăm sóc khoa học hơn. Thứ nhất, có điều dưỡng viên trực suốt ngày đêm, họ có chuyên môn y tế nên sẽ xử lý được những trường hợp khẩn cấp xảy ra ở người già như tăng huyết áp, sặc, ngã,…, hàng tuần có bác sĩ khám bệnh định kỳ. Thứ hai, tại viện dưỡng lão người già được xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý và sở thích của họ. Thứ ba có lối sống khoa học, ăn uống, nghỉ ngơi theo lịch sinh hoạt chung, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí. Thứ tư chính là ở viện dưỡng lão họ được gặp gỡ những người bạn cùng trang lứa, ở đó họ được bầu bạn, được thấu hiểu và chia sẻ. Cho nên, xét về phương diện nào đó thì viện dưỡng lão vẫn tốt hơn ở nhà. Còn với các bác, các bác nghĩ thế nào về quan điểm trên?

Xem thêm

Về già nên sống ở đâu?

Theo một khảo sát nhỏ, thì có 4 câu trả lời cho câu hỏi trên, tương ứng với 4 lựa chọn mà người già nên ở khi về già. Đó là: sống ở quê gần họ hàng, mua nhà riêng sống gần con cháu, sống ở vùng ngoại ô và sống trong viện dưỡng lão. Hôm nay, mời độc giả hãy cùng Diên Hồng tìm hiểu thêm về 4 sự lựa chọn này nhé.

Các cụ bà đang an dưỡng tại dưỡng lão Diên Hồng

Người già thường thích sự hoài niệm và thích hướng về nguồn cội. Bởi vậy rất nhiều người đã lựa chọn sống dưới quê để gần anh em họ hàng, để lo hương hỏa, thờ cúng tổ tiên chứ nhất định không chịu lên thành phố ở cùng con cháu. Có lẽ vì hồn quê đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm khảm của họ.

Giống với lựa chọn ở quê, việc mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô cũng thế. Có một mảnh vườn nhỏ, trồng rau, nuôi gà, tận hưởng tuổi già yên ả nơi thôn quê. Cuối tuần thì con cháu về thăm sum vầy rôm rả. Nếu có điều kiện thì thuê thêm giúp việc để chăm sóc.

Nhưng song hành với nó là vấn đề an toàn và đảm bảo sức khỏe cho chính họ. Sức khỏe của người già là điều mà không thể lường trước được, bên cạnh đó còn nhiều rủi ro về ngã. Nếu chỉ ông bà tự chăm nhau thì khi xảy ra vấn đề sẽ không thể xử trí kịp thời. Thậm chí nếu thuê giúp việc cũng vậy, vì giúp việc cũng không có chuyên môn về y tế. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở vùng quê còn yếu kém, di chuyển cũng khá xa, vì vậy cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn.

Sở thích trồng rau của cụ bà tại Diên Hồng

Lựa chọn tiếp theo là mua nhà riêng ở gần con cháu. Đây là một lựa chọn khá phù hợp, bởi lẽ chỉ nên “ở gần chứ không ở chung”. Điều này giải quyết được vấn đề bất đồng quan điểm giữa các thế hệ trong gia đình. Và vì ở gần nên ông bà cũng có thể thường xuyên qua thăm con, thăm cháu. Nhưng cũng giống như 2 lựa chọn trên, vấn đề sức khỏe của người già lại khó đảm bảo khi họ sống một mình, hoặc kể cả là thuê giúp việc.

Cuối cùng là lựa chọn vào viện dưỡng lão. Tâm lý chung khi về già là sợ cô đơn, bởi vậy họ thường tìm đến nơi có những người bạn cùng trang lứa để bầu bạn. Mặc dù không được ở gần con cháu, nhưng cuối tuần hay dịp Lễ Tết, gia đình vẫn có thể vào thăm hoặc đón bố mẹ về chơi. Bên cạnh đó, viện dưỡng lão còn mang đến nhiều tiện ích mà tại gia đình không có, như các hoạt động vui chơi giải trí, môi trường sống an toàn và đặc biệt là chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Một viện dưỡng lão có thể cung cấp hỗ trợ chăm sóc suốt ngày đêm, với đội ngũ nhân viên có kiến ​​thức về nhiều tình trạng y tế và có kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi. Tiện nghi là vậy, an toàn là vậy, nhưng khi nhắc đến viện dưỡng lão nhiều người vẫn còn do dự, ái ngại vì nghĩ rằng đưa bố mẹ vào đó là không làm tròn chữ Hiếu.

Đời sống tinh thần của người già tại Diên Hồng

Các bạn đọc giả nghĩ thế nào? Nếu là bạn thì bạn sẽ chọn ở đâu? Còn với Diên Hồng, lựa chọn nào cũng tốt, lựa chọn nào cũng được, miễn phù hợp với kinh tế gia đình và mong muốn của bố mẹ.

Xem thêm

Sở thích làm thơ của cụ bà 83 tuổi được thăng hoa tại Diên Hồng

Tôi gặp bà vào một ngày cuối tháng 9, khi mà Hà Nội vừa hết giãn cách. Bà cười nụ cười nhẹ nhàng, khiến cho bất kỳ ai chỉ cần gặp một lần thôi cũng sẽ nhớ.

Bà Hồng trong chương trình vui trung thu

Bà Lê Thị Hồng (83 tuổi), bà bén duyên với trung tâm được gần nửa năm. Quê gốc của bà ở Nam Định nhưng bà lớn lên và làm việc tại Hà Nội, đến năm 2000 thì chuyển vào sinh sống tại Vũng Tàu. Và cũng từ đó bà bén duyên với thơ ca. “Hồi đó cả thành phố Vũng Tàu chơi thơ. Mà bà ở có một mình, thời gian rảnh nhiều nên bà tham gia câu lạc bộ”, bà chia sẻ. Từ bé, bà đã mang một tình yêu với văn học, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, bà đành gác lại sau lưng niềm đam mê đó. Mãi đến khi về hưu, tình yêu ấy lại một lần nữa được thắp lên trong bà.

10 năm sinh sống trong Vũng Tàu, bà đã đã có một tập thơ riêng cho mình mang tên “Nhật ký đời hoa”. Hơn nữa tập thơ này còn được xuất bản thành sách bởi nhà xuất bản Văn nghệ. Giọng thơ của bà gần gũi, mộc mạc và thường mang tâm trạng buồn. Theo bà kể, tập “Nhật ký đời hoa” được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời bà.

Cũng vào khoảng thời gian này của rất nhiều năm về trước, khi Hà Nội đang vào thu. Cháu trai của bà gọi điện thủ thỉ: “Bà ơi bà về Bắc đi, thu Hà Nội đẹp lắm”. Giây phút đó, bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu kỷ niệm về Hà Nội lại ùa về trong ký ức của bà. Nhớ cái gió hoang lạnh cuối thu mang theo hương hoa sữa thơm nồng từng góc phố.

“Vũng Tàu cũng đã vào thu

Nhớ hoa sữa, nhớ sương mù hồ Gươm

Lá vàng lả tả phố phường

Heo may rải lạnh dọc đường hồ Tây”.

Ngày hết giãn cách, hai bà chuẩn bị đi thăm em trai bà Mão, bạn thân của bà Hồng.

Đến năm 2010, bà quay trở lại Hà Nội, lúc này bà cũng tham gia một số Câu lạc bộ thơ, đều đặn một tháng tham gia giao lưu, đối thơ một lần. Trước khi đến với Diên Hồng, bà cũng từng ở qua một vài nơi khác, nhưng vì ít người có chung sở thích thơ ca, nên bà cũng không sáng tác nữa. Mãi cho đến khi về với Diên Hồng, gặp được các ông, các bà có cùng đam mê, thành ra Câu lạc bộ thơ của Diên Hồng cũng được sinh ra từ đó.

Nhân ngày Quốc Khánh, trong phút ngẫu hứng bà đã viết lên mấy dòng thơ để gửi tặng Diên Hồng và các ông bà:

“Mừng ngày Quốc Khánh năm nay

Toàn dân chống dịch chung tay một lòng

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Chung vui cùng các cụ ông cụ bà

Liên hoan văn nghệ trong nhà

Cách ly khoảng cách vẫn là đề cao

Ngâm thơ ca hát ngọt ngào

Tuổi già cảm xúc dâng trào niềm vui”

Hay mỗi lúc rảnh rỗi các ông bà ở Diên Hồng lại quây quần ngâm thơ viết chữ tặng nhau.

“Hai năm đại dịch kéo dài.

Xuân xanh nay đã tám hai tuổi đời.

Không còn được dạo, rong chơi.

Diên Hồng dưỡng lão là nơi yên bình. 

Hoàng hôn cho đến bình minh. 

Nhân viên chăm sóc tận tình an yên.

Vui chơi luyện tập thường xuyên.

Ăn ngon, ở sạch, tĩnh yên tuổi già. 

Cô vít nó ở gần ta. Diên Hồng dưỡng lão vẫn là Ô kê”

Bà cùng bà Mão, bạn thân 30 năm, đang chơi tam cúc.

Bà Hồng chia sẻ thêm: “Kinh tế bà không đủ nhiều để ở dưỡng lão đến cuối đời, vì thế ở được ngày nào thì phải tận hưởng ngày đó”. Và hiện tại bà cùng người bạn thân 30 năm của mình đang hằng ngày tận hưởng tuổi già tại Diên Hồng.

Xem thêm

Quốc tế người cao tuổi: Không bao giờ là quá già để tươi trẻ

Ngày Quốc tế người cao tuổi là một ngày hành động quốc tế do Liên Hợp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trong mọi nước thành viên vào ngày 1/10 hàng năm (Theo Wiki). Ngoài ra, đó còn là ngày để tôn vinh, khen ngợi những đóng góp mà người cao tuổi đã làm cho xã hội.

Hòa chung không khí của ngày đặc biệt đó, vào ngày 1/10, tại Dưỡng lão Diên Hồng đã diễn ra chương trình chào mừng “Tết của người già” với chủ đề “Không bao giờ là quá già để tươi trẻ”. Xoay quanh chủ đề là nhiều hoạt động thú vị, thu hút sự tham gia của đông đảo cư dân cao niên đang an dưỡng trung tâm.

Không bao giờ là quá già để tươi trẻ.

Chiều ngày 30/9, tại Diên Hồng cơ sở 2 đã diễn ra lớp học múa có một không hai, bởi lẽ những học viên chính là những cụ bà U80, U90. Khoác trên mình những trang phục lộng lẫy, người lắc lư theo điệu múa, chân bước theo điệu nhạc, các cụ bà ai nấy đều vui vẻ và phấn khích. Xem thêm: Những vũ công múa bụng ở tuổi xưa nay hiếm.

Bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi) bày tỏ sự thích thú không thôi. Lúc đầu rủ bà đi bà còn e ngại, vì “mình già rồi múa may không hay”, nhưng sau khi được cô giáo hướng dẫn, được mặc đồ đẹp để biểu diễn thì bà lại hệt như một đứa trẻ, vừa đi vừa xòe váy, chân nhảy từng bước theo nhịp.

Một số hình ảnh về trò chơi Quay vòng tuổi

Trong chương trình kỷ niệm, các ông bà được tham gia trò chơi Quay vòng tuổi để giới thiệu về bản thân. Điều đặc biệt là những độ tuổi được ghi trên đó đều rất trẻ, nào là mười tám, đôi mươi, nhiều hơn một chút thì lên tới U40, 50. Bà Thanh ngai ngùng giới thiệu “Tôi là Nguyễn Thị Thanh, năm nay 18 tuổi”. Trong khi bà Thanh còn e ngại thì bà Mẫn lại dõng dạc “Tôi là Nguyễn Thị Mẫn, năm nay 17 tuổi” rồi phá lên cười tươi rói. Ông Việt thì bảo “Thấy mình ít tuổi quá, thành lại nhớ đến ngày đầu tiên đến nhà người yêu, bố mẹ người yêu cũng hỏi cháu tên gì, bao nhiêu tuổi”.

Ông Việt hào hứng giới thiệu bản thân

Sau đó là phần trình diễn trang phục thu đông do chính ông bà biểu diễn. Dưới bàn tay sáng tạo của điều dưỡng viên, các ông bà được khoác lên mình những bộ trang phục ấn tượng, trình diễn chuyên nghiệp. Đem lại sự hào hứng, thích thú cho tất cả mọi người.

Các ông bà hóa thân thành những người mẫu, sải bước trên sàn trình diễn

Bà Ngát là một trong 4 “người mẫu” của cơ sở 1, sau khi nghe các bạn kể về phần trình diễn, bà đã hồi hộp, lo lắng mãi vì trước giờ bà đã trình diễn bao giờ đâu. Nhưng dưới sự cổ vũ nhiệt tình của tất cả ông bà và các bạn nhân viên, bà đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình trong tiếng vỗ tay chúc mừng.

Bà Ngát cực kỳ phong cách trong trang phục tomboy

Nếu tuổi trẻ còn nhiều tiếc nuối, còn nhiều điều chưa thực hiện được thì hãy để tuổi già bù đắp lại. Vì không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, cũng không bao giờ là quá già để tươi trẻ.

Xem thêm

Những vũ công múa bụng ở tuổi xưa nay hiếm

VTV.vn – Những vũ công múa bụng này đều đã ngoài 80 tuổi, nhưng từ thực hiện động tác múa, nhảy đến tạo dáng chụp ảnh sẽ khiến người trẻ bất ngờ bởi sự lạc quan của họ.

Hôm nay (1/10) là Ngày Quốc tế Người cao tuổi, là bắt đầu Tháng hành động vì Người cao tuổi. Năm nay cũng kỷ niệm 80 năm truyền thống người cao tuổi Việt Nam. Trong những năm qua, bên cạnh chăm lo sức khỏe và an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe tinh thần của người cao tuổi cũng luôn được quan tâm, chú trọng, nhất là trong dịch bệnh.

Để giữ cho mình một sức khỏe tốt, đặc biệt là tinh thần lạc quan, trẻ trung, yêu đời, nhiều người cao tuổi, dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, vẫn rất tích cực tham gia vào các hoạt động, những hoạt động mà nhiều người vẫn nghĩ chỉ dành cho giới trẻ. Điều đó đã được chứng minh tại một lớp học đặc biệt dành cho người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Theo dõi những thành viên của lớp học này, khán giả sẽ nhận ra thông điệp chưa bao giờ là quá muộn để theo đuổi đam mê và sở thích của mình.

Lan Anh – Tuấn Anh, Theo VTV Báo điện tử News

Xem thêm

Hành trình thiết lập hàng rào bảo vệ người già tại Dưỡng lão Diên Hồng

Sẵn sàng nhập ngũ trong cuộc chiến chống Covid

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Tp. Hồ Chí Minh ở thời điểm giữa tháng 7 với con số hơn 3000 ca mỗi ngày, Hà Nội cũng bắt đầu xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, Ban lãnh đạo đã rất lo lắng cho sự an toàn của cán bộ nhân viên và nhất là người cao tuổi trong trung tâm. Trước đó, anh Đỗ Trần Hồ Thắng – Tổng Giám đốc đã quán triệt với toàn bộ Cán bộ nhân viên: “Các biện pháp phòng dịch của chúng ta phải cao hơn chỉ thị của thành phố bởi chỉ 1 ca F0 xuất hiện ở Diên Hồng, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt”. Một loạt các yêu cầu được đặt ra: Chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, khi buộc phải ra ngoài thì nghiêm chỉnh thực hiện 5K, không ai được về quê, các nhà cung cấp chỉ giao hàng ở bên ngoài, không tiếp xúc với bất kì ai tại trung tâm… Nhưng dường như những biện pháp này vẫn không đủ để ban lãnh đạo Diên Hồng yên tâm khi CBNV vẫn tiếp xúc với bên ngoài tức là vẫn còn nguy cơ. Chính vì vậy, từ trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì CBNV đã sẵn sàng nhập ngũ để thực hiện 3 tại chỗ. 

Vượt qua nỗi lo lắng để truyền năng lượng tích cực cho người già

Nhiều CBNV chưa từng sống xa gia đình, con còn nhỏ nên dù không muốn nhưng vẫn phải để lại mọi thứ sau lưng vì mục tiêu lớn hơn “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ông bà tại Diên Hồng”. Những lúc con đau ốm hay bận chuẩn bị thi cử mà không thể về được thì lòng cha mẹ bồn chồn như lửa đốt. Ấy vậy nhưng tất cả cán bộ nhân viên phải gác lại những cảm xúc ấy để tươi cười và lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời cho người cao tuổi trong trung tâm. Các hoạt động đào tạo, chia sẻ kiến thức kỹ năng chăm sóc người cao tuổi cũng được tổ chức liên tục để vừa quên đi nỗi nhớ nhà mà nâng cao chất lượng phục vụ. Bạn Lê Tuyết chia sẻ: “Em cảm thấy nhớ nhà nhớ con lắm, con em đang ốm nên em rất lo. Thời điểm này chỉ biết cố gắng, tranh thủ học hỏi thêm từ đồng nghiệp và mang niềm vui đến cho các cụ. Mong sao nhanh hết dịch để được về thăm con”.

Hệ miễn dịch ở người già bị suy giảm nên các cán bộ nhân viên cũng tìm cách hỗ trợ người cao tuổi tại trung tâm thông qua các hoạt động thể chất. Vừa tập luyện trong không khí vui vẻ, âm nhạc sôi nổi cũng góp phần khiến ông bà vui vẻ, đỡ nhớ con cháu hơn.

Thần tốc phủ vắc xin cho người già trong trung tâm dưỡng lão

Xác định sống chung lâu dài với dịch nên ngay khi Hà Nội có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho người cao tuổi và những người có bệnh nền, Diên Hồng lập tức gửi danh sách người cao tuổi đến Trạm y tế phường nơi đặt các cơ sở của Diên Hồng. Một số gia đình vẫn còn băn khoăn, trung tâm gọi điện thoại trao đổi, cung cấp thêm thông tin để gia đình cảm thấy an tâm đăng ký cho bố mẹ mình. Do người già là đối tượng đặc biệt, có nhiều bệnh lý nền nên việc tiêm chủng cần phải chuẩn bị kĩ càng trong khâu tổ chức. Chỉ trong khoảng 1 tuần kể từ ngày gửi danh sách, trung tâm đã sắp xếp 6 nhóm tiêm vào các ngày khác nhau tương ứng với 90% các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng để đảm bảo theo dõi chặt chẽ sau tiêm. Ngay khi có thông báo được tiêm vắc xin Covid-19, bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi) đã vội vã gọi điện về khoe với con cháu ở nhà. Khi biết tin thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin thì ngày nào bà cũng ngóng đến lượt mình. Bà đã có ý định về nhà để tiêm, nhưng lại thấy giấy tờ phức tạp, mà không chắc đảm bảo an toàn như ở trung tâm nên bà quyết định đợi tiêm cùng với các ông bà khác tại Diên Hồng. Theo bà, “tiêm vắc xin là vô cùng cần thiết, vì nó vừa đảm bảo cho mình, vừa đảm bảo cho cộng đồng. Tiêm một mũi thôi đã cảm thấy yên tâm hơn hẳn.

Mồ hôi ướt đẫm lưng áo người điều dưỡng

Ở Diên Hồng phần lớn người cao tuổi phải ngồi xe lăn hoặc gặp khó khăn khi đi lại. Bởi vậy việc di chuyển người cao tuổi đến địa điểm tiêm không hề dễ dàng. Còn nhớ hôm đầu tiên 46 ông bà ở cơ sở 1 đi tiêm, từ 1h trưa, điều dưỡng đã bắt đầu đưa các ông bà ra xe. Cụ nào khỏe mạnh thì được dìu đi. Cụ nào ngồi xe lăn thì được bế lên xe, 2 điều dưỡng, một trên xe, một dưới đất cứ vậy mà hỗ trợ cho nhau. Còn cụ nào bé quá thì được “ưu ái” bế luôn một mạch lên ghế ngồi. Để cho kịp giờ tiêm, bước chân ai nấy cũng trở nên vội vã, gấp gáp hơn hằng ngày. Thoáng chốc, màu áo xanh đồng phục của các bạn điều dưỡng bị ướt sũng. Trên mặt, trên trán mồ hôi lấm tấm rơi. Nhìn vất vả là thế nhưng lúc đó chẳng ai thấy mệt, chỉ thấy trong lòng dâng lên chút vui mừng, phấn khởi. Cô Hoa, con gái ông Minh bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Nhìn các bạn bế vác các cụ thoăn thoắt mà thương và cảm phục. Mình là phận con cái chưa chăm chút được cho bố mẹ như các bạn ấy”.

Giữa hội trường rộng lớn, hơn 70 người cao tuổi tại Dưỡng lão Diên Hồng được xếp hàng ngay ngắn để hoàn tất các thủ tục tiêm chủng. Tay cầm chiếc quạt giấy, điều dưỡng Lê Phương cùng đồng nghiệp của mình thoăn thoắt len qua từng hàng ghế, từng hàng xe lăn để quạt mát cho những ông bà ngồi xa vị trí quạt. Rồi lâu lâu, bạn thì thầm hỏi nhỏ xem ông bà có mệt không, có khó chịu ở đâu không, có cần uống nước không. Những cử chỉ nhỏ bé vậy thôi, nhưng cũng khiến cho mọi người trong hội trường ấn tượng đặc biệt về một ngôi nhà chung ấm áp cho tuổi xế chiều. 

“Bà vẫn yêu Diên Hồng, nhưng sau đợt tiêm vắc xin này bà càng thêm yêu nhiều hơn bởi sự chu đáo và tận tình”, bà Nguyễn Thị Biển chia sẻ. Theo bà kể lại, từ lúc đi tiêm về, các bạn điều dưỡng cứ 2 tiếng lại đi kiểm tra một lần. Bởi lẽ phản ứng phụ sau tiêm là điều không biết trước được, nhất là đối với người già. “Nửa đêm của ngày đầu tiên, bà thấy người bắt đầu đau mỏi, nhiệt độ lúc đó chỉ hơn 37 độ. Nhưng bạn trực đã pha nước mang vào cho bà. Đều đặn  2 tiếng các bạn lại vào theo dõi nhiệt độ. Thấy các bạn vất vả cả ngày, rồi lại vất vả cả đêm mà thấy thương và yêu vô cùng”, bà Biển xúc động nhớ lại.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid 19, tiêm vắc xin chính là lá chắn hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, mọi nhà. Đối với Diên Hồng, việc tiêm vắc xin lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ tất cả đều vì sức khỏe và sự an toàn cho người cao tuổi.

Xem thêm

Nỗi lòng của các nữ nhân viên “nhập ngũ” vì người già

Khi Thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì cũng là lúc Cán bộ nhân viên tại Dưỡng lão Diên Hồng “nhập ngũ” để thực hiện 3 tại chỗ. Nhiều Cán bộ nhân viên chưa từng sống xa gia đình, con còn nhỏ, dù không muốn nhưng vẫn phải để lại mọi thứ sau lưng vì mục tiêu “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người già tại Diên Hồng”. 

Khi nữ nhân viên của Diên Hồng tham gia “nhập ngũ”.

Gạt nỗi nhớ con để về bên các cụ

“Lúc mình vào trung tâm ở, 2 bé vẫn ở quê, khi đó con mới được 11 tháng”, chị Vũ Thị Hồng Thơm (30 tuổi), mẹ của 2 bé sinh đôi chia sẻ.

Chị Hồng Thơm là trường hợp khá đặc biệt tại Diên Hồng, cuối năm 2020 chị sinh đôi được 2 bé trai kháu khỉnh. Từ nhỏ, bé thứ 2 đã quấn quýt với mẹ hơn, sức đề kháng cũng kém hơn anh. Vậy nên những ngày đầu là những ngày mà chị gặp phải rất nhiều khó khăn.

“Mỗi lúc mình gọi điện về cho con, vừa nghe thấy giọng mẹ là bé thứ 2 đã òa khóc nức nở đòi mẹ. Lúc đó, nhìn thấy con khóc mà nước mắt của mẹ cũng chảy ròng vì không thể ở bên con để vỗ về, dỗ dành. Chưa bao giờ mình phải xa con lâu ngày, nên cứ tối đến là nhớ con vô cùng, những lúc đó mình thường vào điện thoại để xem lại ảnh con cho nguôi ngoai nỗi nhớ”, chị Hồng Thơm bồi hồi kể lại.

Trò chuyện mỗi ngày cùng ông bà.

Không những thế, chị và gia đình đã lên kế hoạch cho ngày 2 con tròn một tuổi nhưng bao nhiêu dự định ấp ủ đều không thực hiện được. Gạt nước mắt, chị đành đón sinh nhật cùng con qua màn hình điện thoại.

“Sau gần 7 tuần giãn cách, may mắn các con ở nhà đều mạnh khỏe, ít quấy khóc nên mình cũng an tâm hơn phần nào. Hy vọng dịch bệnh sớm ổn định, mình xin nghỉ nhiều ngày để về nhà với con”, chị Thơm chia sẻ thêm.

“Bao giờ mẹ mới được về”

Mỗi lần gọi điện thoại về, con trai út của chị Tạ Thị Dung (32 tuổi) đều hỏi mẹ như vậy. Ngay khi vừa nhận được thông báo 3 tại chỗ, chị Tạ Dung đã vội vã gửi 2 con về cho ông bà ngoại, còn mình thì khăn gói để vào trung tâm. Ông bà ngoại ở nhà cũng đi làm nên hầu hết thời gian là 2 anh em tự chăm nhau. Giống với Hồng Thơm, thời gian đầu mới vào trung tâm 2 con ở nhà rất nhớ mẹ. Nếu như anh lớn Trường Giang (9 tuổi) đã hiểu chuyện hơn, thì em nhỏ Trường Hải (6 tuổi) lại hay khóc đòi mẹ.

Tạ Dung cùng các bà nhặt đậu hỗ trợ cho bếp.

“Trong khoảng 1 tuần đầu tiên, lần nào mình gọi điện về nhà thì con trai thứ 2 đều òa khóc rồi hỏi ‘Bao giờ mẹ mới được về’. Thấy con như vậy mình chỉ biết quay đi lén lau giọt nước mắt vừa trào ra”, chị Tạ Dung chia sẻ. 

Hôm khai giảng vừa rồi, đứa con thứ 2 của chị chính thức bước vào lớp 1. Trong cái ngày tựu trường đầu tiên ấy, Trường Hải không có bố mẹ đồng hành như bao bạn học khác. Mà chỉ có 2 anh em tự lo cho nhau, vì hôm đó ông bà phải đi làm từ sớm. “Lúc đó mình thương con rất nhiều, cảm thấy 2 con quá thiệt thòi so với các bạn, hy vọng nhanh hết dịch để mình có thể về bên các con”.

Khác với Hồng Thơm và Tạ Dung, điều dưỡng Nguyễn Thị Thuận (26 tuổi) lại mới lập gia đình từ hồi tháng 2/2021. Chưa có lo lắng về gia đình ở nhà nhưng cô ấy lại gặp rất nhiều khó khăn khi mới vào trung tâm. Lúc đầu vì lạ nhà nên ròng rã nửa tháng trời Thuận bị mất ngủ và phải dùng đến sự hỗ trợ của thuốc. Mãi đến tuần thứ 3, cô ấy mới dần dần thích nghi được. Có một điều đặc biệt là chồng của cô ấy đã nhắn tin cho Giám đốc cơ sở để xin cho vợ về thăm nhà vì quá nhớ vợ. “Lúc đó em thật sự rất bất ngờ, không nghĩ là chồng em lại nhắn tin cho Sếp để xin đâu. Nhưng thời điểm đó dịch đang rất căng thẳng nên vì an toàn của cả trung tâm em cũng không dám về”, Thuận kể lại.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng điều dưỡng Nguyễn Thuận vẫn luôn vui vẻ, mang năng lượng tích cực đến với ông bà.

Không chỉ mình Hồng Thơm, Tạ Dung hay Nguyễn Thuận, mà các bạn nhân viên ở Diên Hồng mỗi người đều mang trong mình những nỗi lòng riêng khi nhập ngũ. Có người mẹ xa quê đi làm con ốm nhưng không thể về, có cô gái người yêu lên đường chống dịch cũng chỉ vội vã chúc nhau câu bình an.

Dịch bệnh đến càng khiến chúng ta thêm trân quý những điều tưởng chừng như nhỏ bé thường ngày. Dù gặp nhiều khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng toàn thể Cán bộ nhân viên Diên Hồng đều cố gắng mang lại một sức khỏe tốt nhất, một tinh thần lạc quan nhất cho người cao tuổi.

Xem thêm

Diên Hồng mừng sinh nhật 7 tuổi – cảm ơn vì tất cả

Năm nay Diên Hồng đón một sinh nhật thật đặc biệt, sinh nhật thời giãn cách. Từ khi Hà Nội áp dụng chỉ thị 16, tất cả cán bộ nhân viên đã “nhập ngũ”, thực hiện 3 tại chỗ ở trung tâm để đảm bảo an toàn cho ông bà. Nhiều bạn đã phải gác lại bộn bề sau lưng vì mục tiêu chung của toàn công ty. Chính vì thế nhân dịp sinh nhật 7 tuổi, Diên Hồng muốn gửi lời cảm ơn vì tất cả, vì sự cống hiến của toàn thể cán bộ nhân viên trong 2 tháng giãn cách cũng như cho 2 năm Covid đã qua.

Chúc mừng sinh nhật Diên Hồng 7 tuổi

Nếu như những năm về trước, sinh nhật công ty ngập tràn trong sắc hoa tươi, trong màu áo váy lộng lẫy, trong ánh đèn rực rỡ. Thì năm nay, vào buổi tối của ngày 18, toàn thể nhân viên của Diên Hồng được gặp gỡ, trò chuyện với nhau qua màn ảnh nhỏ, qua các điểm cầu. Đó là sự kết nối của các cơ sở, của các bạn cán bộ nhân viên đang ở tại gia đình không thể nhập ngũ. Ai nấy đều mang trong mình một cảm xúc thật đặc biệt, có chút bỡ ngỡ nhưng cũng thật ấm áp.

Tất cả cán bộ nhân viên Diên Hồng đón sinh nhật qua Zoom

Trong buổi lễ kỷ niệm có sự góp mặt của anh Đỗ Trần Hồ Thắng (Tổng Giám đốc trung tâm), chị Trần Thị Thúy Nga (Phó tổng Giám đốc), chị Hoàng Thị Thu Ngân (Phó tổng Giám đốc), chị Kiều Thị Hảo (Giám đốc cơ sở 1), chị Nguyễn Thị Lan Anh (Phó Giám đốc cơ sở 3), cùng toàn thể cán bộ nhân viên 3 cơ sở của Diên Hồng.

Phát biểu trong buổi lễ, Tổng Giám đốc của Diên Hồng chia sẻ: “Ngày này 7 năm về trước, công ty với vỏn vẹn 1 Giám đốc, 5 điều dưỡng viên, 1 nhà bếp, 1 lễ tân cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn hữu cuối cùng Diên Hồng cũng chào đón ngày khai trương. Suốt 1 tháng sau khi khai trương, chúng ta không chăm sóc được một cụ nào. Sau 4 tháng, chúng ta đón cái tết đầu tiên với chỉ với 4 cụ già.  Rồi dần dần, có cụ đến, có cụ ra đi và có cụ ở lại. Công ty tiến được từng bước vững chắc để có ngày sinh nhật thứ 7 với 3 cơ sở dưỡng lão, với hơn 200 người cao tuổi đang được phụng dưỡng. Phải nhìn nhận rằng, đê đạt được thành quả ngày hôm nay chúng ta đã trải qua bao nhiêu khó khăn, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm xương máu. Quan trọng hơn, chúng ta đã ko nhìn vào những khó khăn để bỏ cuộc mà nhìn vào khó khăn để vượt qua. Hiện nay, vẫn còn muôn vàn khó khăn với dịch bệnh Covid. Nhưng nhân dịp sinh nhật này, tôi xin chúc và hy vọng chúng ta sẽ bền bỉ, dẻo dai, sáng tạo, sẽ biết cách vượt qua và vững bước vượt qua”. 

Tập thể cơ sở 3 rạng rỡ trong màu áo đồng phục.
Tập thể cán bộ nhân viên cơ sở 1 đang “nhập ngũ” tại trung tâm
Tập thể cán bộ nhân viên cơ sở 2

Lời chia sẻ của anh như tiếp thêm nguồn động lực để toàn thể cán bộ nhân viên thêm tin yêu, vững bước hơn trên con đường phía trước, vì một công việc cao cả và nhân văn.

Trong buổi lễ, các thành viên của đại gia đình Diên Hồng còn được cùng nhau thổi nến, hát vang bài hát sinh nhật rộn ràng. Không những thế, các bạn nhân viên còn được tham gia gameshow Xuôi dòng sự kiện, cùng nhau tìm hiểu về những “mốc son” trong chặng đường 7 năm xây dựng và phát triển của Diên Hồng. Những ngày tháng đã qua Diên Hồng cảm ơn vì có các bạn đồng hành, cảm ơn vì gia đình luôn tin yêu. Chúc Diên Hồng sẽ mãi là ngôi nhà vui vẻ, hạnh phúc cho tuổi xế chiều của các bậc cao niên.

Xem thêm

86.5 % người dân Thanh Oai đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 kể cả người cao tuổi tại Viện dưỡng lão.

Thần tốc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tính đến 15 giờ ngày 13/9, đã có 120.755/139.625 người dân trên 18 tuổi huyện Thanh Oai được tiêm vaccine phòng Covid-19, đạt tỷ lệ 86,5%.

Chiều 13/9, thông tin với báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương đã tiếp nhận nguồn vaccine Covid-19 từ TP Hà Nội và tổ chức tiêm được 13 đợt. Lũy kế 13 đợt, tính đến 15 giờ ngày 13/9, huyện đã tiêm được 129.695 mũi, trong đó 120.775 mũi 1 và 8.920 mũi 2. Đánh giá triệu chứng sau tiêm chủng, địa phương chưa ghi nhận sự cố bất thường và trường hợp nào có phản ứng nặng.

Người cao tuổi tại Diên Hồng được theo dõi thân nhiệt trước khi tiêm vắc xin.

Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có 120.755/139.625 người dân trên 18 tuổi huyện Thanh Oai được tiêm vaccine phòng Covid-19, đạt tỷ lệ 86,5%

“Hiện nay, huyện đang đôn đốc Trung tâm Y tế, các xã, thị trấn tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Tinh thần khẩn trương và phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/9/2021. Huyện cũng yêu cầu xã, thị trấn trong đợt cao điểm tiêm chủng nói riêng và các đợt tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm tiếp theo nói chung, tiếp tục thực hiện tốt, đảm bảo an toàn các khâu trong tiêm chủng, đặc biệt bố trí, chia thời gian tiêm chủng cho phù hợp để thực hiện tốt 5K tại các điểm tiêm” – Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định.

Để hoàn thành kế hoạch và đạt mục tiêu đề ra, Thanh Oai đã dồn lực, nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành sớm nhất việc tiêm chủng vaccine cho người dân trên địa bàn; huy động nhân lực và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, phương án để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về tác dụng của việc tiêm vaccine và xét nghiệm diện rộng.

Người cao tuổi yên tâm khi được tiêm vaccine phòng Covid-19

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai đều phấn khởi khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 kịp thời. Trong đợt tiêm chủng lần này, rất nhiều người cao tuổi đăng ký ngay khi nhận được thông tin tiêm chủng cho người trên 65 tuổi. Đây là đối tượng được huyện Thanh Oai đặc biệt quan tâm, chăm lo sức khỏe trước, trong và sau tiêm vaccine phòng Covid-19.

Cụ Phạm Thị Thoa (106 tuổi), ở thôn Lê Dương, xã Tam Hưng chia sẻ: “Hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, cả gia đình tôi đều đã tiêm phòng đầy đủ và tôi là người cuối cùng trong gia đình đi tiêm. Tại điểm tiêm chủng, cán bộ y tế đã thông tin cho tôi biết mình tiêm vaccine Astrazeneca; đồng thời lưu ý cho tôi sau tiêm theo dõi tại nhà. Được tiêm vaccine phòng Covid-19, dù mới chỉ mũi 1 thôi nhưng tôi cũng cảm thấy rất yên tâm, càng vui hơn mọi người dân đều được Chính phủ quan tâm chăm lo sức khỏe.

Cụ Phạm Thị Thoa (106) tuổi phấn khởi khi được các y, bác sĩ khám tận tình theo dõi sức khỏe trước và sau tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Bình Minh

Không giấu được niềm vui khi được tiêm vaccine phòng Covid-19, cụ Nguyễn Thị Biển (89 tuổi), ở quận Thanh Xuân, đang an dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (khu đô thi Thanh Hà, xã Cự Khê) phấn khởi cho biết: “Tôi thường theo dõi các thông tin về thời sự, nên khi biết tin TP bắt đầu tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 diện rộng cho người dân thì ngày nào tôi cũng ngóng đến lượt mình được tiêm. Tiêm vaccine Covid-19 là rất cần thiết, vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân, vừa bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, vì vậy, khi trung tâm thông báo lịch đi tiêm tôi gọi điện báo ngay với con cháu”.

Không chỉ có cụ Biển mà hầu hết người cao tuổi đang ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đều bày tỏ niềm xúc động, lời cảm ơn đến Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp chính quyền TP và sự chu đáo, nhiệt tình của các điều dưỡng viên tại trung tâm. Các cụ tâm sự, được tiêm vaccine phòng Covid-19 không chỉ có các cụ an lòng, mà con cháu ở trong nước, ngoài nước cũng phấn khởi, yên tâm. Mặc dù thời điểm sau tiêm, có một số cụ bị đau mỏi người và sốt nhẹ, nhưng các điều dưỡng viên trung tâm cứ 1, 2 tiếng lại vào kiểm tra, theo dõi sức khỏe và động viên các cụ.

Người cao tuổi tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng được tiêm phòng vắc xin

Theo chị Trần Thị Thúy Nga (Phó tổng Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng): “chính quyền địa phương đã bố trí các lực lượng từ việc tiếp đón, phân luồng, lấy mẫu xét nghiệm đến việc hoàn thành tiêm chủng rất khoa học, cả thời gian, không gian, trang thiết bị vận hành tạo thuận lợi nhất cho người dân. Trong sáng 13/9, cả 73 cụ đến tiêm ai nấy cũng phản hồi rất tích cực và hài lòng. Đến thời điểm này, tỷ lệ người cao tuổi của trung tâm đã được tiêm chủng đạt hơn 90%. Tất cả mọi thắc mắc trong quá trình tiêm chủng đều được đội ngũ y, bác sĩ tận tình giải thích rõ ràng”.

Theo Ánh Ngọc – báo kinh tế và đô thị.

Xem thêm