Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng
Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86
Trong chuỗi Seris Chuyện NCT Diên Hồng có rất nhiều các chủ đề phù hợp dành riêng cho các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng. Các cụ khi về già tâm lý nhạy cảm hơn, cũng như hay nhớ về những ngày còn trẻ. Mục đích ban đầu của seris là để cùng các cụ trò chuyện, gợi nhớ lại những câu chuyện cũ. Vừa là để các cụ có cơ hội trò chuyện, chia sẻ, vừa là để các cụ trong trung tâm hiểu nhau hơn, gắn kết hơn.
Việc thành lập Seris Chuyện NCT Diên Hồng quả là một điều đúng đắn khi các cụ đều hứng thú tham gia. Bắt đầu từ những buổi chia sẻ về câu chuyện của nhau, Seris Chuyện NCT Diên Hồng được mở rộng bằng cách tổ chức các buổi chia sẻ theo yêu cầu của các cụ. Các cụ mang trong mình nhiều loại bệnh nên hầu như cụ nào cũng mong muốn được chia sẻ về những nội dung liên quan đến các căn bệnh tuổi già để làm sao có thể sống khỏe mạnh hơn.
Diên Hồng may mắn khi gặp được Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi bác sĩ Thảo đang nghiên cứu về bệnh đột quỵ trong khóa luận Tiến sĩ của mình. Biết được những mong muốn của các cụ về một buổi chia sẻ liên quan đến bệnh đột quỵ, bác sĩ Thảo ngay lập tức nhận lời đến Diên Hồng. Đột quỵ ở người cao tuổi là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Vì vậy việc nhận biết nhanh những dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ sẽ giúp người bệnh hạn chế được những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.
Bác sĩ Thảo ở buổi chia sẻ cùng các cụ cơ sở 4
Nội dung buổi chia sẻ là những kiến thức dễ hiểu nhất để các cụ đều hiểu được
Là người đã đọc rất nhiều tài liệu từ trong đến ngoài nước, bác sĩ Thảo đã cố gắng chắt lọc những thông tin hữu ích cũng như dễ hiểu nhất để truyền tải đến các cụ. Có bác sĩ đến nên các cụ đều rất tập trung, chăm chú lắng nghe. Hơn ai hết, các cụ hiểu rằng căn bệnh tuổi già có thể khiến các cụ rơi vào đột quỵ bất cứ lúc nào. Các cụ tham gia buổi chia sẻ có những cụ chưa bị đột quỵ bao giờ, cũng có những người như chú Thúy (cơ sở 3) đã bị 2 lần rồi và đang trong quá trình phục hồi chức năng. Chú chia sẻ về những khoảnh khắc chú đã gặp phải khi chú bị đột quỵ để các cụ khác có thể nhận biết khi mình có dấu hiệu của bệnh.
Chú Thúy (cơ sở 3) chia sẻ về những gì chú trải qua sau 2 lần đột quỵ
Bác sĩ Thảo giải thích rất cặn kẽ và cụ thể về lý do hình thành bệnh, triệu chứng cũng như những cách có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ. Các cụ cũng rất chăm chỉ tương tác cùng bác sĩ. Bà Thịnh và bà Tuyết ở cơ sở 4 rất tập trung vào bài giảng của bác sĩ. Chẳng thế mà đến cuối giờ, bác sĩ hỏi lại những thông tin liên quan đến bệnh cả hai bà đều trả lời được hết, khiến bác sĩ Thảo cũng phải ngạc nhiên.
Bà Thịnh hăng hái trả lời những câu hỏi của bác sĩ
Các cụ đều rất thích buổi chia sẻ này
Chú Thúy rất tâm đắc với buổi chia sẻ của bác sĩ Thảo
Nhiều người thường lo lắng về tương lai của mình, đặc biệt là khi họ trưởng thành và già đi. Tuy nhiên, khi tuổi già đến, chúng ta có thể tìm thấy những hạnh phúc mà tuổi trẻ không có được.
Thứ nhất khi về già, con người ta không còn phải lo lắng về sự thành công hay áp lực của xã hội như khi còn trẻ. Thay vào đó, chúng ta có thời gian để dành cho bản thân mình. Làm những điều mà mình thực sự yêu thích. Khám phá sở thích mới, phát triển kỹ năng mới, thực hiện những dự án mới. Hoặc dành thời gian bên gia đình, bạn bè.
Thứ hai, khi về già chúng ta sẽ là một kho tàng kiến thức và kinh nghiệm sống quý báu. Vì vậy chúng ta sẽ trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho những người trẻ tuổi bằng cách chia sẻ những câu chuyện, bài học tích cực. Từ đó tạo ra ảnh hưởng tích cực và góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Tuổi già đến bạn có thể tìm thấy một cộng đồng những người cùng tuổi. Bạn có thể tham gia vào các câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện. Hoặc tham gia các khóa học và hoạt động mà mình quan tâm. Qua đó có thể gặp gỡ và kết nối với những người có cùng sở thích giúp đời sống tinh thần thêm phong phú. Bên cạnh đó việc tham gia các hoạt động xã hội còn giúp bạn có thêm những người bạn mới và xây dựng mối quan hệ xã hội bền vững.
Thứ 4, tuổi già sẽ giúp chúng ta bình an trong tâm hồn. Đôi khi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống lại khiến ta hài lòng và vui vẻ cả ngày. Chúng ta trân trọng và nâng niu những gì đang có dù nó chỉ là một khoảnh khắc giản đơn. Và cảm thấy hài lòng với những gì mình có.
Khi tuổi già đến, có thể có những hạn chế về sức khỏe và thể chất. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Chúng ta có thể tập trung vào những hoạt động yêu thích, dành thời gian cho bản thân. Duy trì một lối sống lành mạnh, tạo ra môi trường tích cực. Khi đó chúng ta có thể thấy rằng tuổi già không phải là một cái kết, mà là một khởi đầu mới để khám phá và trải nghiệm những niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.
Từ ngày vào Diên Hồng, các cụ bảo thấy vui hẳn ra. Ngày trước ở quê thì chẳng nói, còn các cụ trên thành phố ở với con thì cứ quanh quẩn trong nhà, chẳng biết làm gì cho hết ngày. Thế mà vào đây cứ thỉnh thoảng lại đi chơi, rồi tham gia các hoạt động do trung tâm tổ chức, thấy cuộc sống nhộn nhịp hẳn ra. Từ các bạn nhỏ mầm non đến các đoàn có các cô, các bác lớn tuổi vào chơi, ai cũng cụ cũng quý, cũng thấy vui.
Buổi giao lưu lần này có đặc biệt hơn một chút vì Diên Hồng được đón các bạn học sinh đến từ Trung tâm dành cho trẻ tự kỷ Totochan. Các bạn ngoan ngoãn và lễ phép lắm. Trời nắng nóng, quãng đường đi đến Diên Hồng cũng khá xa, bạn nào mặt cũng ửng hồng vì nóng. Gặp các cụ các bạn nhanh miệng chào các cụ, làm các cụ ai cũng cười vui vẻ. Bà Lợi bảo “Cái đứa này nó ngoan với lễ phép quá. Không biết mình là ai nó cũng chào”.
Các bạn của trung tâm Totochan nhiều tài năng lắm. Từ hát múa đến đọc thơ rồi khiêu vũ, các bạn đều làm được hết. Bài nào cũng dài, cũng nhiều động tác nhưng các bạn vẫn rất thuộc bài và diễn hết mình.
Lúc đầu chưa quen, các cụ còn ngại ngùng. Bà Phi còn dỗi vì các bạn khiêu vũ mà quay lưng xuống khán giả. Thế mà lúc sau bà là người đầu tiên lên hát, rồi bài nào của các bạn cũng có mặt bà phụ họa nhún nhảy cùng.
không chỉ bà Phi, các cụ khác cũng không ngại lên sân khấu để đến gần hơn với các bạn đến từ Totochan. Bà Thân, bà Thịnh, bà Thi,… rồi cả các ông cũng lên sân khấu nhún nhảy theo điệu nhạc. Bà Thịnh vui lắm, vì vừa có các cháu đến giao lưu, lại đúng trước ngày sinh nhật Bác, bà cứ vừa đi vừa hát “Việt Nam. Hồ Chí Minh. Việt Nam. Hồ Chí Minh…”. Các ông cũng không chịu được nhiệt mà lên sân khấu lắc lư.
Cái già hòa cùng cái trẻ đã làm nên một buổi giao lưu đầy niềm vui và hạnh phúc. Các bạn Totochan dùng hết nhiệt huyết, đam mê để biểu diễn cho ông bà xem, ông bà cũng không ngần ngại đáp sự nhiệt huyết của các bạn mà lên sân khấu giao lưu cùng. Hẹn gặp lại các bạn trẻ của trung tâm Totochan tại các cơ sở khác của Diên Hồng để mang đến cho ông bà những giây phút thật vui vẻ, thoải mái.
“Mấy mươi năm sống ở đời,
Buồn vui bao nỗi kiếp người trầm luân.
Nhủ lòng tích đức tu nhân,
Sao cho khỏi vướng bụi trần bấy nay.
Lời vàng Phật dạy còn đây,
Yêu thương tất cả cỏ cây, giống loài…”
Vào một ngày nắng tháng 5 chiếc xe chở các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 4 hướng về đất Phật. Chùa Long Hưng thì các cụ nghe nhiều rồi, thấy các cụ ở cơ sở khác được đi cả rồi nhưng cũng chưa biết nó thực hư thế nào, có đẹp như lời mọi người kể lại không. Vậy nên chuyến đi này, cụ nào cũng háo hức, mong chờ được tận mắt chiêm ngưỡng chùa, được về với vòng tay của Đức Phật.
Quãng đường di chuyển khá xa và thời tiết nắng nóng, oi bức nhưng cụ nào cũng đầy năng lượng. Lần lượt từ tượng của Phật Thích Ca Mâu Ni đến cây bồ đề ước nguyện rồi đến trước tượng Phật Di Lặc hay vào các ban thờ Mẫu, đi đến đâu, các cụ cũng chắp tay khấn vái, cầu mong cho có nhiều sức khỏe.
Bà Thân vừa đi tay vừa khấn, vừa luôn miệng “Hôm nay chị em chúng con về đây, mong Đức Phật thương chúng con cho chúng con luôn mạnh khỏe”.
Biết phải lên cầu thang cao và đi lại nhiều nhưng bà Phi vẫn chọn đi một đôi guốc cao 7 phân. Mỗi lần nhắc đến bà lại cười tít mắt, bảo “Bà phải đi như này nó mới đẹp được, các cháu cao thì đi dép thấp thôi cũng được, bà thì cứ phải như này mới đẹp”.
Lần đầu được chiêm ngưỡng chung cư mini dành cho người đã khuất, các cụ không khỏi trầm trồ vì sự tráng lệ của nơi này. Từ trên xuống dưới chỗ nào cũng sáng loáng, ô to ô nhỏ đều có đủ cả theo nhu cầu và khả năng kinh tế của từng người. Ông Kiên ngó chỗ này một tí, chạy ra kia xem một tí vì ông tò mò quá, lần đầu tiên được nhìn thấy mô hình thế này ngoài đời thật.
Đi ra mới biết các cụ ở trong trung tâm dù không gặp gỡ nhau giữa các tầng thường xuyên nhưng tình cảm dành cho nhau thì luôn có. Lúc ngồi nghỉ mệt, bà Phi chủ động lấy quạt ra quạt cho các bà ngồi cùng, rồi còn đấm bóp vai với bà Dung. Hai bà cứ đấm bóp cho nhau đáng yêu lắm. Lúc ăn cơm, bà Phi còn xúc cơm đút cho bà Nhung ăn để bà ăn kịp với mọi người.
Ở Diên Hồng, các cụ không chỉ quanh quẩn trong nhà cả ngày mà còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng như được đi tham quan đây đó. Điều làm các cụ vui vẻ, hạnh phúc cũng chính là điều làm cho CBNV Diên Hồng cảm thấy hạnh phúc.
Lo lắng không biết bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão có dễ hòa nhập không, bố mẹ có được chăm sóc tốt không cũng như những định kiến của anh em, họ hàng đã khiến nhiều người hoang mang về việc gửi cha mẹ vào dưỡng lão.
Nhiều người mong muốn đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão nhưng phải đấu tranh không chỉ với anh chị em trong nhà mà bản thân họ cũng có nhiều mâu thuẫn nội tâm. Sống ở viện dưỡng lão có thể là trải nghiệm mới mẻ với nhiều người nên dễ khiến họ băn khoăn.
Thực tế, quyết định về việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân, bao gồm sức khỏe, yêu cầu cuộc sống, tình trạng tài chính và mong muốn của cha mẹ. Nếu cha mẹ cần được chăm sóc và hỗ trợ hàng ngày và không có ai trong gia đình có thể làm điều đó, viện dưỡng lão có thể là một lựa chọn tốt. Ở đây cung cấp môi trường an toàn và chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Ở trung tâm dưỡng lão người già được sống tốt hơn
Tuy nhiên, viện dưỡng lão có thể sẽ tăng thêm 1 khoản chi phí đương đối lớn với các gia đình. Cha mẹ có thể phải chuyển từ nơi ở của họ hoặc từ môi trường quen thuộc. Đối với các ông bà khỏe mạnh, mức phí ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng từ 7.800.000đ đến 8.500.000đ nếu ở phòng tập thể. Nếu ở phòng riêng thì chi phí ở mức từ 11.000.000đ đến 15.000.000đ. Vì vậy, nếu đang có ý định gửi cha mẹ vào dưỡng lão, chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố trước khi quyết định.
Trên tất cả, quan trọng nhất là đảm bảo rằng cha mẹ của chúng ta có đủ chăm sóc và hỗ trợ cần thiết để có một cuộc sống tốt và an toàn và nhất là sức khỏe tinh thần. Đôi khi việc sống chung với các con trong khi con cháu bận rộn không dành được nhiều thời gian cho cha mẹ hoặc xung quanh hàng xóm ít người già thì việc sống chung với những người bạn cùng lứa tuổi sẽ là một lựa chọn tốt.
Nhiều người cũng e ngại việc đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão là bất hiếu. Thực tế không phải mọi việc mà con cái làm cho bố mẹ của họ là bất hiếu. Chỉ khi gửi bố mẹ vào dưỡng lão, chúng ta mới biết rõ thực sự cuộc sống ở dưỡng lão như thế nào. Chính những người chưa có hiểu biết rõ về dưỡng lão mới đưa ra những ý kiến tiêu cực.
Quan trọng nhất không phải là ở mong muốn của con cháu mà là ở tâm tư nguyện vọng của cha mẹ. Quyết định về việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão cần phải được thảo luận với bố mẹ và các thành viên trong gia đình để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều đồng ý và hiểu rõ những lợi ích và hạn chế của viện dưỡng lão. Trong trường hợp cần thuyết phục cha mẹ, hãy để ông bà được trải nghiệm thử để có góc nhìn đúng đắn.
Điều quan trọng nhất không phải là việc nên đưa cha mẹ vào dưỡng lão hay không mà là ở đâu là tốt nhất cho bố mẹ mình. Khi mọi quyết định xuất phát từ hiểu biết và thương yêu thì cha mẹ mới có thể hạnh phúc.
“Bây giờ thuê nhà nghỉ ở gần đây rồi vào trải nghiệm 1 tuần luôn có được không cháu?”
Với người Việt Nam, nhất là các bác, các ông bà ở độ tuổi trung niên trở lên, mọi người phần lớn đều cảm thấy xa lạ với 2 từ “dưỡng lão”. “Vào viện dưỡng lão làm gì, con cái không chăm được cho bố mẹ hay sao mà phải vào đấy”, “Tôi còn khỏe thế này vào dưỡng lão làm gì cho tốn tiền”,… Nhiều khi bố mẹ tuổi cao, sức yếu hay cần hỗ trợ y tế dù tuổi mới ngoài trung niên nhưng cũng nhất quyết không chịu vào Viện dưỡng lão khiến con cháu cũng như những người chăm sóc cảm thấy phiền não, chưa tìm được cách thuyết phục bố mẹ.
Hiểu được những nỗi niềm ấy, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã mở ra một tour trải nghiệm “1 ngày tại Viện dưỡng lão” dành cho các cô, các bác, các ông bà muốn thử cảm giác ở trong viện dưỡng lão và để những người con muốn gửi gắm bố mẹ có thể cho bố mẹ vào trải nghiệm thử 1 ngày, để xem Viện dưỡng lão trong tưởng tượng với thực tế sẽ khác nhau như thế nào.
Cùng nhau tham quan Trung tâm với sự hướng dẫn của chị Lan Anh – Giám đốc Diên Hồng Cs4
9h sáng, tất cả các khách tới trải nghiệm đều đã có mặt ở sảnh trung tâm. Sau khi tham quan quanh trung tâm, các khách mời tập trung lại tại hội trường tầng 6 để đến với phần giao lưu và chia sẻ về ký ức tự hào. BTC mong rằng sẽ được nghe những câu chuyện của ông bà, những kỷ niệm mà ông bà tự hào trong quá khứ. Bà Tiện ở trung tâm đã lâu, bà không ngần ngại chia sẻ câu chuyện của mình. Bà kể về ngày bà còn làm cán bộ thời tem phiếu với vẻ mặt đầy tự hào vì thời ấy khó khăn, ai cũng thiếu ăn nhưng nhờ sự ngoại giao của bà mà cơ quan lúc nào cũng đầy đủ, đảm bảo sức khỏe cho tất cả mọi người để làm việc. Bà Dung thì kể về ngày niên thiếu bà thấp bé nhẹ cân, có 39 cân, không đủ tiêu chuẩn để gia nhập đội thanh niên xung phong. Để được tham gia, bà đã nhờ được bạn phía trước cân hộ. Bà nghe xem người phía trước trả lời phỏng vấn như thế nào thì bà trả lời lại y hệt như thế. Nhờ thế mà bà đã thành công vượt qua vòng kiểm tra và gia nhập đội thanh niên xung phong cùng các đồng đội.
Phần chia sẻ về những ký ức của các khách mời
Từng người giới thiệu về mình để tất cả mọi người cùng nhớ tên nhau
Tại sao tour trải nghiệm lần này lại tên là “Chạm Thanh Xuân”? Trước khi làm chương trình, BTC rất mong muốn các khách mời tham gia có thể quay lại khoảng thời gian tươi đẹp của tuổi thanh xuân. Sau khi đã trải qua những cảm xúc, những câu chuyện tái hiện lại thời trẻ là phần hóa trang quay lại thời trẻ. Phía cuối sân khấu, BTC chuẩn bị một tủ quần áo với đủ loại kiểu dáng để cho khách mời có thể thay đổi trang phục hiện tại, diện một bộ váy, bộ quần áo sặc sỡ hơn, trẻ trung hơn. Bà Thanh Kết chọn cho mình một bộ váy màu vàng, thoa thêm ít son, đánh thêm ít phấn và đeo một chiếc băng đô trên đầu. Lâu lắm rồi, con gái bà mới nhìn thấy mẹ mình chịu mặc váy, mà còn là một chiếc váy sặc sỡ như thế. Đôi mắt chị trở nên long lanh hơn khi nhìn thấy mẹ mình đang tươi cười, vui vẻ trước mặt. Mẹ chị như trẻ lại 20 năm trước, trông tràn đầy sức sống.
Bà Thanh Kết trong bộ váy vạng rực rỡ như trẻ lại 20 tuổi, tràn đầy sức sống
Lần đầu được thử bữa ăn tại viện dưỡng lão, ai cũng tấm tắc khen đồ ăn ngon quá, nhiều quá, hôm nay ăn gấp, đôi so với ở nhà vì ngon. Bà Kết khi về nhà còn bắt con làm lại cho bà món nộm giống ăn ở trung tâm, mà con gái bà làm thế nào cũng không đúng ý. Bà bảo vị không giống với ở trung tâm.
Khoảng thời gian ăn trưa của các khách mời
Suất ăn làm chiều lòng mọi thực khách khó tính của Diên Hồng
Đến với buổi trải nghiệm này, các khách mời được trải qua rất nhiều những cái gọi là lần đầu tiên. Trà thì cũng uống nhiều rồi nhưng thiền trà thì không phải ai cũng từng tham gia. Vừa ăn bánh, uống trà, vừa được nghe MC đọc sách. Những phút giây uống trà thư giãn giúp tâm trí trở nên nhẹ nhàng, thư thái hơn.
Rất lâu rồi các bác, các ông bà mới chính tay vẽ một bức tranh. Vẽ tranh là một trong những liệu pháp trị liệu tâm lý, giúp chúng ta giảm lo âu, căng thẳng và tạo cảm giác hạnh phúc. Tuy chỉ là một bức tranh hoa cúc đơn giản nhưng ai cũng chăm chú vẽ tranh, tỉ mỉ từng tí một. Kể cả các bác trai cũng hào hứng tham gia. Mọi người vui vẻ bảo “Thế là từ này về nhà có thể tự tin dạy cho các cháu ở nhà vẽ tranh rồi”.
Các khách mời đều chăm chú, tỉ mỉ vẽ tranh theo hướng dẫn của MC
Những bức vẽ sáng tạo của các bác trai
Bác Dung và các chị em của bác chuẩn bị rất nhiều tiết mục khi đến với tour trải nghiệm ngày hôm nay. Buổi sáng, các bác đã có một phần trình diễn đồng ca trên sân khấu. Buổi chiều, các bác còn chuẩn bị cả áo cờ đỏ sao vàng để nhảy dân vũ. Không biết trong túi đồ bác có bao nhiêu thứ mà còn có cả phách để hát xẩm nữa. Những câu hát xẩm về tuổi già nhưng mang nét tươi vui, hóm hỉnh làm tất cả mọi người đều phải bật cười thành tiếng. Nhờ có bác Dung mà buổi trải nghiệm lần này ai cũng vui vẻ, thoải mái tận hưởng. Được ngâm chân, được các bạn điều dưỡng viên xoa bóp vai gáy, được thưởng thức văn nghệ, bảo sao ai rất ưng buổi trải nghiệm lần này. Thư giãn xong các khách mời còn được tham gia trò chơi vui khỏe có ích, xoay quanh những câu hỏi về chế độ dinh dưỡng là điều mà ai cũng quan tâm.
Các bác trình diễn tiết mục dân vũ với áo cờ đỏ sao vàng
Ai cũng mê mẩn hoạt động ngâm chân
Cuối chương trình, cô Phương Lam chia sẻ rằng cô chỉ tham gia vì con dâu muốn thôi, chứ cô nghĩ mình đang khỏe như thế này, việc gì phải vào dưỡng lão làm gì, cần gì phải trải nghiệm. Nhưng mà đến với buổi trải nghiệm hôm nay, cô lại bị bất ngờ vì nó vui và bổ ích như thế. Từ một cô Phương Lam buổi sáng còn e thẹn, không dám nói ra những câu chuyện của mình, cô đã dám cầm mic hát trước mọi người, chia sẻ những suy nghĩ của mình về buổi trải nghiệm ngày hôm nay.
Cô Lam đã tự tin cầm mic hát trước tất cả mọi người
Đúng là năng lượng thần kì của buổi trải nghiệm làm các khách mời tham gia đều trở nên hứng khởi, thoải mái và không còn khép mình như lúc mới tới nữa. Mong rằng với những thành công của tour trải nghiệm lần này sẽ giúp các khách mời có một suy nghĩ khác về Viện dưỡng lão và có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của mình cho những người bạn, những người thân trong gia đình để Diên Hồng trở thành một điểm hẹn, nơi các ông bà có thể gửi gắm khi tuổi cao sức yếu.
Ai cũng sợ già nhưng rồi cũng chẳng có ai có thể thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử. Thay vì lo sợ, suy nghĩ tiêu cực, thì chúng ta hãy chuẩn bị và chào đón nó. Tuổi già không phải là kết thúc mà là bắt đầu một chương mới của cuộc đời. Hãy tận hưởng tuổi già một cách trọn vẹn nhất bằng các cách sau đây.
1. Làm điều yêu thích
Tuổi già là lúc không còn gánh nặng về kinh tế, con cái. Vậy nên hãy làm bất cứ điều gì mình thích. Có thể đó là chuyến du lịch tự thưởng cho bản thân, hay đơn giản hơn là được ngủ cả ngày cũng không cần nấu ăn hay chăm sóc cho ai. Khi được làm điều mình thích người già sẽ cảm thấy hạnh phúc, mang đến sự hài lòng về bản thân. Từ đó giảm đi sự căng thẳng giúp người già vui vẻ hơn.
2. Thử những điều mới mẻ
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu với cái mới. Đó có thể là một lớp học cắm hoa, làm bánh, hay khiêu vũ chẳng hạn.
Cố gắng làm điều gì đó mới mẻ ngoài thói quen của mình sẽ giúp người già cảm thấy trẻ ra. Đôi khi thử thách mới có vẻ khó khăn, nhưng chính những hoạt động đó về lâu về dài có thể lại trở thành thói quen thậm chí là sở thích của họ. Nếu có cơ hôi, hãy đặt bản thân vào những điều mới mẻ để cuộc sống thêm tươi trẻ và có ý nghĩa hơn.
3. Sống gần chứ không sống chung, trông cháu chứ không chăm cháu
Một điều nữa khi về già là mọi người thường sống cùng với con cái để đỡ đần. Nhưng vì thế mà gây ra nhiều hệ luỵ, mâu thuẫn trong gia đình. Ví dụ như bất đồng trong cách nuôi dạy cháu, mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu hay thói quen sinh hoạt khác nhau. Từ đó làm cho chất lượng cuộc sống tuổi già đi xuống. Tinh thần không thoải mái, sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng.
4. Duy trì giao tiếp xã hội
Một trong những nỗi lo sợ khi về già là sự cô đơn. Càng nhiều tuổi sự đồng điệu trong suy nghĩ với mọi người sẽ càng trở nên xa cách. Người già khó trải lòng hơn. Vì vậy việc duy trì các mối quan hệ xã hội sẽ là cầu nối giúp người già không bị lạc lõng. Giữ liên lạc với bạn bè cũ, tìm kiếm và trò chuyện với bạn bè mới sẽ giúp họ quên đi những cảm xúc tiêu cực.
5. Duy trì lối sống khỏe mạnh
Không những người già mà người trẻ cũng thường khao khát có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy chú ý hơn đến dinh dưỡng và sức khỏe của bản thân. Những thực phẩm bổ dưỡng thường giúp cơ thể chúng ta trở nên khỏe mạnh hơn và hấp thu tốt hơn. Khi về già, họ thường chú ý đến vấn đề thực phẩm. Bởi chế độ dinh dưỡng cho người già đôi khi không giống với những người trẻ.
Ngoài ra, để sống khỏe mạnh hơn, bạn hãy cố gắng giảm sự căng thăng mỗi ngày, sống thoải mái và suy nghĩ thoáng hơn. Bên cạnh đó việc tập luyện thể dục thể thao cũng giúp người già duy trì sức khỏe và cải thiện tinh thần. Mỗi ngày tập thể dục khoảng 30 phút sẽ giúp chúng ta đẩy lùi được nhiều bệnh tật tuổi già.
6. Thôi hoài niệm quá khứ
Khi về già các chức năng trong cơ thể suy giảm. Một người U70 sẽ không thể giống như một người U40. Tinh thần sẽ không còn minh mẫn, chân tay cũng không còn nhanh nhẹn, tiếng nói cũng không còn trọng lượng. Nhưng hãy ngừng hoài niệm quá khứ. Vì như vậy có thể khiến người già không chấp nhận bản thân, thậm chí trầm cảm. Những thay đổi thể chất khi già đi là không thể tránh được. Nhưng điều đó không có nghĩa là tâm hồn cũng phải thay đổi. Người già vẫn có thể sống hạnh phúc và có ích ở tuổi già.
Có nhà sao không ở mà phải vào dưỡng lão làm gì?
Việc người già có nên vào ở trong viện dưỡng lão hay không vẫn đang nhận được sự tranh luận từ nhiều người. Đối với một số người điều đó đi ngược với luân thường đạo lý, con cái bất hiếu với cha mẹ. Nhưng vài người lại cho rằng đưa bố mẹ vào dưỡng lão để tốt hơn thì cũng là một loại báo hiếu.
Mỗi người sẽ có những cái lý riêng của mình và không ai giống ai. Mà thực ra già sống ở đâu cũng được, miễn là thực sự thoải mái. Ví dụ như ở Diên Hồng có 1 bà quê ở Bắc Ninh. Bà ở 1 mình ở quê, khi thấy bà sức khỏe yếu đi lại có biểu hiện lẫn nên con cháu động viên bà vào dưỡng lão. Lúc đầu tiên bà cũng phản ứng dữ dội lắm nhưng biết đây là giải pháp tốt nhất nên cũng chiều theo các con. Thời gian đầu bà cũng buồn lắm nhưng chỉ sau 1 năm, bà từ một cụ già mặt hốc hác, ngồi xe lăn trở thành Top 3 hoa hậu cao niên tại cơ sở 3 nhà em. Hiện tại bà khỏe mạnh, vui vẻ, trí tuệ được cải thiện đáng kể, hát quan họ cả ngày vì các cụ trong phòng cũng thích nghe.
Mà thực lòng là những cụ có biểu hiện nhớ nhớ quên quên là không nên ở nhà một mình vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giờ lừa đảo nhiều, các cụ khỏe mạnh minh mẫn còn có nguy cơ bị lừa huống chi 1 cụ bị lẫn. Chưa kể là ở một mình ăn uống không điều độ, quên tắt nước hay tắt bếp còn nguy hiểm.
Chỉ mong tất cả các cụ ông, cụ bà ở Việt Nam có tuổi già thật vui vẻ. Mình đã sống cả đời cống hiến cho đất nước, chăm lo cho con cháu, giờ là lúc mình sống cho bản thân mình. Thích làm gì thì làm, không phải nhìn trước ngó sau sắc mặt của ai cả, cũng không phải quan tâm đến ý kiến của mọi người xung quanh. Nếu già mà muốn đi lên bar quẩy banh nóc hay muốn trở thành tiktoer triệu view thì các cụ cứ thoải mái.
Bạn sẽ lựa chọn sống cùng ai khi tuổi già đến?
Theo quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” nên khi về già cha mẹ thường sống chung với con cái. Đặc biệt là con trai. Nếu không có con trai thì sẽ sống với con gái, con rể, hoặc là với các cháu… Ngày nay với quá trình đô thị hoá mạnh, xu hướng con cái tách ra sống riêng đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Nhưng đa phần ở các vùng quê thì việc cha mẹ già sống cùng con trai vẫn đang rất phổ biến.
Thực tế cho thấy ít gia đình có thể chung sống hoà thuận giữa các thế hệ với nhau. Việc một gia đình có đến 2-3 thế hệ sống cùng nhau sẽ gây ra nhiều mâu thuẫn giữa các thành viên. Đặc biệt là mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu. Thế hệ khác nhau nên suy nghĩ và quan điểm cũng khác nhau.
Nếu như trước đây nước ta là nền kinh tế nông nghiệp, đi làm theo mùa vụ nên thời gian trống rất nhiều, việc chăm sóc cha mẹ già cũng dễ dàng hơn. Còn ngày nay thời đại công nghiệp hoá, con cái đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai. Vậy nên cha mẹ cũng đừng đặt nặng hai chữ “trách nhiệm” “báo hiếu” lên đôi vai của con. Có lẽ đã đến lúc chúng ta thay đổi quan điểm, cởi mở hơn với cái mới. Người già cũng nên tự “cởi trói” cho mình để được thảnh thơi hơn.
Việc ở cùng ai không quan trọng, quan trọng là mình được vui vẻ. Bởi vậy rất nhiều người già trong thời đại mới đã lựa chọn ở riêng. Ở gần con chứ không ở chung. Một số khác thì lựa chọn viện dưỡng lão làm điểm đến cho mình.
Trong những năm gần đây, mô hình viện dưỡng lão đang ngày một phát triển và mở rộng. Những cụ vào dưỡng lão đa phần là con cái ở xa không thể ngày đêm chăm sóc. Hoặc các cụ già yếu gia đình không có chuyên môn. Một phần còn lại thì không muốn ở với con cái, nên vào dưỡng lão để an dưỡng tuổi già, vui vẻ bên những người bạn già. Tại đây họ được đội ngũ y bác sỹ chăm sóc chu đáo, cả về sức khoẻ lẫn tinh thần.
Như chúng ta đã biết, người già rất sợ cô đơn. Họ mong muốn được trò chuyện nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Nhưng thực tế khi ở cùng con cái họ rất ít bày tỏ nỗi niềm của mình. Nhưng khi gặp được những người bạn già thì họ lại không ngần ngại chia sẻ. Vậy nên có không ít các cụ muốn sống riêng biệt chứ không ở cùng con cái. Con cái chỉ cần thi thoảng tới thăm chơi là được.