Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All posts by Ha Nguyen

Lưu ý khi chăm sóc người cao tuổi trong mùa dịch

Theo thống kê, ở Trung Quốc tỷ lệ tử vong vì Covid-19 lên tới 19% với bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên. Ở Mỹ, khoảng 80% trường hợp tử vong là ở những người từ 65 tuổi trở lên. Tỉ lệ này còn cao hơn với những người mắc các bệnh mãn tính. 

Thực tế cho thấy người cao tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 rất cao, diễn biến bệnh nặng nề hơn, điều trị dài hơn với chi phí tốn kém và tỉ lệ tử vong cũng cao hơn. Do đó, người cao tuổi là đối tượng cần đặc biệt được quan tâm. Vậy chăm sóc người cao tuổi thế nào là hợp lý. Mời mọi người tìm hiểu cùng Diên Hồng nhé.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Người cao tuổi ở tại gia đình nên ở nhà, hạn chế đi ra ngoài và tránh tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. Với người bệnh mạn tính cần sử dụng giấy khô đề phòng ho, khạc, mang theo nước sát khuẩn nhanh để vệ sinh tay thường xuyên.

Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung rau xanh, vitamin

Với nhóm người cao tuổi cần đặc biệt lưu ý bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc về chế độ ăn bệnh lý, giảm đường, tinh bột với người tiểu đường, giảm muối với người huyết áp cao, giảm đạm với người bị gout,…Bổ sung thêm rau xanh vào khẩu phần ăn.

Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng của Diên Hồng

Tại Diên Hồng, bữa ăn của các cụ được đầu bếp chuẩn bị theo thực đơn hàng tuần, đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh lý và thay đổi món theo sở thích của các cụ.

Uống đủ nước

Nước đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa của cơ thể. Bởi vậy không chỉ người cao tuổi, mà mọi người đều phải cần cung cấp đủ nước cho cơ thể, ít nhất từ 1,5- 2 lít nước mỗi ngày, không nên uống nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Nên dùng nước ấm, uống chậm, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát, không nên để miệng và cổ họng khô. 

Sử dụng thuốc định kỳ

Đối với những người đang mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, Parkinson… cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời nguồn thuốc cũng được đảm bảo bổ sung đầy đủ.

Người cao tuổi tham gia vui chơi tại Diên Hồng

Vui chơi, giữ tinh thần lạc quan

Tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng chống bệnh tật. Vì khi rơi vào căng thẳng hoặc trầm cảm, cơ thể sẽ tiết ra cortisol là độc tố là ảnh hưởng cả cơ thể, suy giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh hơn nhiều khi cơ thể vui vẻ tinh thần yêu đời. Bởi vậy ở Diên Hồng, các hoạt động vui chơi giải trí cho người cao tuổi được tổ chức thường xuyên, linh hoạt, với nhiều trò chơi mới.

Rèn luyện thể dục thể thao

Muốn chống lại dịch bệnh thì phải có một sức khỏe tốt, đề kháng cao. Bởi vậy người già nên tập luyện thể dục thường xuyên, vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đứng ngồi gần ghế hay tập yoga cho người già.

Ngồi ghế tập thể dục cũng là phương pháp rèn luyện sức khỏe

Ngoài ra với người cao tuổi cần đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ. Giữ nhiệt độ trong nhà ấm, đảm bảo thoáng khí, đủ ánh sáng. Và cần liên hệ tới các cơ sở khám chữa bệnh khi có triệu chứng: Khó thở, tức ngực, sốt, ăn uống kém, mệt mỏi.

Hy vọng với những thông tin trên, các gia đình sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để chăm sóc người già.

Xem thêm

Ngã ngửa với câu chuyện bà cháu

Một buổi chiều đẹp trời, vác máy ảnh lên, phi thẳng ra hồ Tây theo thói quen. Đang cố săn 1 bức ảnh hoàng hôn thật đẹp để đăng lên mấy group về nhiếp ảnh câu view thì tôi nhìn thấy 1 cô gái đang ngồi 1 mình.

Cô ấy cứ ngồi như vậy rất lâu nên tôi lại gần hỏi bâng quơ làm quen: “Em có muốn chụp mấy bức ảnh làm kỷ niệm không? Yên tâm, anh chụp free thôi”. Bạn ấy mỉm cười cảm ơn và từ chối. Khá bối rối nên tôi cũng không biết phải nói tiếp như thế nào nên đành quay đi. Bất giác bạn ấy gọi với lại và nhờ tôi chỉ cho cách tạo dáng vì bạn ấy cũng ít khi chụp ảnh. Sau khi chụp xong, tôi bảo em cho tôi xin FB để gửi ảnh qua.

Sáng hôm sau, bạn bè tôi rủ nhau đi phượt ở Mù Cang Chải, chưa nghĩ ra rủ ai đi cùng, tôi mạnh dạn mời em. Ai ngờ em đồng ý. Trong suốt chuyến đi, tôi và em nói chuyện rất hợp. Cả 2 đều chia sẻ nhiều về gia đình, công việc, cuộc sống, tôi cảm thấy em ấy gần gũi như đã thân thiết từ lâu. Sau chuyến đi, chúng tôi tiếp tục giữ liên lạc. Tròn 7 ngày quen nhau, tôi hẹn em đi Hồ Tây để kỷ niệm. Chọn đúng chỗ 2 đứa gặp nhau, tôi hỏi em có muốn làm người yêu tôi không. Thật may là em cũng đồng ý.

Việc tôi có người yêu, có lẽ bà nội là người vui nhất. Bố mẹ qua đời trong 1 vụ tai nạn, tôi ở cùng với bà. Ngày nào bà cũng hỏi khi nào lấy vợ rồi sinh chắt cho bà bế. Giờ thì bà đã yên tâm vì cháu trai của bà không bị ế nữa rồi. Việc cưới vợ, sinh con chỉ là vấn đề thời gian thôi. Ấy vậy nhưng đời không như là mơ. Sau những giây phút hào hứng ban đầu, bà bỗng nhiên thay đổi. Trừ lúc đi làm, bà không muốn cho tôi đi đâu, lúc nào cũng chỉ muốn tôi ở nhà. Bà bảo ở nhà cho khỏe, giờ dịch bệnh rồi ô nhiễm không khí. Tôi cứ có cảm giác là bà đang lo sợ khi tôi có người yêu rồi cưới vợ xong thì bà mất cháu ấy.

Ban đầu người yêu cũng cố gắng cảm thông và chấp nhận việc cuối tuần hay buổi tối thì hẹn hò ở nhà tôi nhưng dần dần cô ấy có vẻ chán nản. Trung thu năm ngoái em giận dỗi bảo nếu không đưa em đi ra ngoài đường xem không khí thế nào thì em đành phải chia tay. Tôi cũng rất hiểu cho tâm trạng của cô ấy, nhân lúc có bà hàng xóm sang chơi, tôi dắt xe đi mà không nói gì với bà nội. Chơi xong, vừa về đến nhà, đẩy cửa bước vào thì bà xồn xồn lên hỏi đi đâu mà không nói với bà 1 tiếng. Lí nhí giải thích là vì thấy bà đang bận nói chuyện với bà hàng xóm nên không muốn phiền nhưng bà có vẻ không để tâm. Bà nói tôi đi đây đi đó nhiều mà ở ngay thủ đô có một viện dưỡng lão vui vẻ mà tôi không kể cho bà nghe. Hóa ra là bà xem trên Thời sự thấy giới thiệu về một trung tâm dưỡng lão nhiều hoạt động hay ho mà bà tôi rất ngưỡng mộ. “Nhìn các cụ sáng sáng rủ nhau tập thể dục, nhảy múa vui vẻ mà thèm”, bà tôi bồi thêm.

Mới hôm nào bà còn không cho tôi đi đâu, chỉ muốn tôi ở nhà. Ấy thế mà mới thấy cái viện dưỡng lão vui vẻ kia trên ti vi, tình cảm bà dành cho đứa cháu này lặn không sủi tăm. Lúc này tôi không biết nên vui hay buồn. Bà còn bắt tôi ngay hôm sau đưa bà đi gặp mấy ông bà ở viện dưỡng lão Diên Hồng trên tivi để bà hỏi thăm xem ở đấy có vui như trên tivi không. Kể ra bà cũng tỉnh phết, phải hỏi người thật việc thật chứ không dễ tin báo đài.

Bây giờ thì tôi và em cũng chuẩn bị làm đám cưới và bà thì đang sống vui vẻ bên những người bạn già. Bà hay gọi video cho tôi để khoe các sản phẩm thủ công mà bà làm, khoe chiến thắng trong các trò chơi và được quà. Ban đầu tôi cũng nghĩ ngợi, bà chăm mình bao nhiêu năm, đến lúc trưởng thành, có thể báo hiếu cho bà thì lại gửi bà cho người khác chăm sóc. Nhưng nghĩ kĩ lại thì tôi để bà được sống ở một nơi bà yêu thích, được cười nói cả ngày thì đã là một cách báo hiếu tốt nhất rồi. 

Xem thêm

Thuê giúp việc hay gửi người thân vào dưỡng lão

Viện dưỡng lão là một khái niệm không còn quá xa lạ ở Việt Nam. Nó được hình thành từ những giá trị thực tế của cuộc sống. Nhưng việc đưa người thân vào viện dưỡng lão vẫn còn nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Cách đây không lâu, em đọc được một bài báo, thấy mọi người tranh luận về vấn đề nên thuê giúp việc hay gửi bố mẹ vào dưỡng lão, nên em chia sẻ lên đây cho cả nhà cùng đọc.

Bạn đọc Hồng Hà đưa ra quan điểm của mình như sau: “Nếu có điều kiện sao không thuê osin về chăm sóc cho bố mẹ? Người già tìm buồn vui với con cháu lúc gần về với tổ tiên, việc đưa bố mẹ vào dưỡng lão để khuất mắt, rồi nói là tìm niềm vui với trang lứa và có dịch vụ hoàn hảo chỉ là bao biện của những kẻ vô cảm”.

Bạn đọc Phương Nam cũng đồng tình và cho rằng: “Cha mẹ hy sinh cho ta rất nhiều, đến lúc nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu thì lại phải rời xa đến nơi không người ruột thịt”.

Ở viện dưỡng lão người già được sống cùng với những người bạn cùng trang lứa.

Trước ý kiến trên, một độc giả đã nêu lên quan điểm của mình: “Bạn thuê nhưng người ta nhận không? Người ta nhận rồi có chăm sóc tốt không, chi phí như thế nào? Và đa phần họ chẳng có kiến thức chuyên môn y tế, sơ cấp cứu, tập luyện cho người già, chưa kể họ còn có thể bạo hành trong lúc mình đi vắng. Vậy giải pháp nào tốt hơn?”

Hay khi làm bài toán về chi phí thì: “Thuê giúp việc cũng phải 6 triệu, nếu cả ăn uống thì khoảng 9 triệu/tháng. Còn viện dưỡng lão, nếu ở tập thể thì chỉ 7-8 triệu/tháng. Mà hơn nữa nếu lỡ có sự cố gì thì còn có nhân viên cấp cứu, chứ giúp việc liệu có kỹ năng để cấp cứu không?”

Tại Diên Hồng người cao tuổi được chăm sóc và theo dõi sức khỏe hàng ngày.

Nhận định ở góc độ khách quan, độc giả Jenn.H cho rằng: “Cuộc sống lúc nào cũng phải tiến lên, có những thứ buộc phải thay đổi theo thời cuộc chứ không phải như ngày xưa cả gia đình quây quần bên lũy tre làng. Ngày nay con trẻ phải đi làm ăn xa, vậy nên không thể lúc nào cũng ở nhà để chăm sóc, trông nom bố mẹ được. Viện dưỡng lão cũng từ những nhu cầu đấy mà sinh ra, đảm bảo an toàn, thay con cái chăm lo cho người thân”.

Có cái nhìn cởi mở hơn về viện dưỡng lão bạn đọc Hoa Ân chia sẻ quan điểm và câu chuyện của chính bản thân mình:  “Quan điểm của mình là nếu bố mẹ mình thích vào nhà dưỡng lão thì mình sẵn sàng ủng hộ. Bố mẹ vui là được, người ngoài miễn can thiệp. Mình đi làm xa và bận rộn không thể lúc nào cũng ở bên chăm sóc bố mẹ được, thay vì bố mẹ ở nhà một mình thì bố mẹ mình có thể vào nhà dưỡng lão chơi, rồi cuối tuần mình lại đón bố mẹ sang nhà. Mình vẫn nhớ lời bà ngoại mình nói, bà bảo mọi người đi làm cả ngày, ở nhà không có ai, bà ở nhà một mình buồn lắm chỉ có cái tivi để xem thôi. Còn bà nội cũng ở nhà một mình và bị đột quỵ rồi nằm liệt giường. Nói chung mình không muốn điều tương tự lặp lại với bố mẹ. Bảo thuê giúp việc thì mình cũng chẳng tin tưởng vào một người không có chuyên môn y khoa như thế chăm bố mẹ mình”.

Suy cho cùng, thuê giúp việc cũng được, gửi vào dưỡng lão hay ở nhà con cái chăm cũng được, vì nó còn tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình và mong muốn của người thân. Nhưng chắc chắn rằng là con cái, ai cũng muốn mang những điều tốt nhất cho bố mẹ của mình. Còn với các bạn, các bạn suy nghĩ thế nào?

Xem thêm

Những người đồng nghiệp đáng yêu

Tôi, một đứa nhân viên mới, chân ướt, chân ráo vừa đến Diên Hồng. Mặc dù đã làm việc nhiều nơi nhưng tôi cảm nhận được Diên Hồng thật đặc biệt, tất thảy con người ở đây đều nhiệt tình, nồng hậu và đáng yêu.

Ấn tượng của tôi bắt đầu từ ngày phỏng vấn. Trước khi đến trung tâm để phỏng vấn, tôi được bạn Cầm Huyền gửi địa chỉ cơ sở 2 bằng link bản đồ chi tiết. Lúc đến cửa tôi được chú Sơn, chú bảo vệ nhiệt tình chỉ dẫn. Sau đó được bạn Quang Đức phỏng vấn trong phòng điều hòa mát lạnh, giữa cái nắng của mùa hè mà được ngồi phòng điều hòa thì sướng thật sự. Tuy bạn ấy có hơi lầy lội, nhưng nếu tinh ý, bạn sẽ thấy những điều bạn ấy nói đều không thừa.

Phỏng vấn xong, tôi được Thanh Hải đưa đi thăm các tầng và các cụ. Có một câu nói của bạn làm tôi rất ấn tượng: “Rồi chị sẽ nảy sinh tình cảm với nơi đây”. Sau vài ngày thì học hội nhập, các bạn sẽ biết đội ngũ nhân sự hành chính dễ thương đến mức nào.

Tôi bắt đầu làm việc từ tầng 3, được gặp “cô giáo Thảo”, bởi vì chị ấy là người đầu tiên hướng dẫn tôi. Tiếp đến là chị Nguyễn Hằng “gấu trúc”, chị ấy chính là cánh tay đắc lực khi ở bất kỳ tầng nào. Bạn Nguyễn Nhung thì chất phác “từ trong ra ngoài”, còn Minh Huyền thì với vẻ ngoài xinh xắn và cũng rất nhiệt tình. Cô gái Lê Anh thì nhanh nhẹn như một chú sóc. Và cuối cùng người tôi gặp ở tầng 3 là Văn Quảng tóc xù, nói thế thôi chứ bạn ấy là soái ca trong lòng các cụ bà đấy.

Tiếp theo là tầng 1, ở đây tôi được gặp chị Nguyễn Hạnh. Chị nhiệt tình chỉ dạy cho tôi từ những điều nhỏ nhất. Kế bên là có cô Kim Quy ở phòng thể chất. Có lẽ người mà tôi ấn tượng nhiều nhất chính là cô, vì tình cờ tôi phát hiện cô có cùng ngày sinh với tôi. Cùng làm với cô là bạn Trần Hoa, chúng tôi hay gọi là bác sỹ Hoa. Bạn ấy cực kỳ ngoan và lễ phép, nhưng cũng đừng để vẻ ngoài đó đánh lừa. Cô bé ấy có thể cà khịa cả thế giới đó.

Sau đó là chị Tạ Dung, lễ tân, chị thích cây cối, thích hoa hồng. Nếu được gặp giám khảo của cuộc thi hoa khôi Diên Hồng 2020, tôi sẽ đề xuất thêm hạng mục hoa khôi thân thiện “Nature Queen”. Và tôi tin chị sẽ ẵm trọn giải đó.

Sau khoảng thời gian đầu làm việc, tôi nhận ra ở Diên Hồng có một điều thạt đáng quý, đó là tinh thần hỗ trợ lẫn nhau. Buổi chiều sau khi xong việc ở tầng 1, tôi được phân công hỗ trợ cho đồng chí Ngọc Phương tầng 2. Chú bộ đội này rất nhiệt tình và dễ mến. Sau khi đã mắc hết màn cho các cụ, bạn ấy còn tranh thủ hướng dẫn tôi một số công việc khác của tầng.

Một thời gian sau tôi làm trên tầng 5. Nhắc đến tầng 5 là nhắc đến cặp đôi Song Như. Chỉ cần 2 bạn là có thể đảm bảo công việc cả tầng một cách trôi chảy rồi. Một cụ bà ở tầng 5 đã nói nhỏ với tôi: “Bà rất hài lòng với 2 bạn này, cẩn thận, chu đáo nên ngày nào bà cũng ‘đút lót’ cho quả dưa chuột, quả cam”.

Lê Phương trên tầng 6 cũng vậy, bạn nhẹ nhàng, chu đáo, tỉ mỉ. Dù hơi ít nói nhưng tôi phải công nhận, nụ cười của Phương thật đẹp.

Cuối cùng là Sếp của tôi. Sếp tôi không hề khó tính như những vị Sếp trong truyền thuyết, là rất chan hòa, thân thiện. Sếp Phó thì hay “bao” anh chị em quà chiều hoặc tráng miệng. Còn Sếp Tổng sẽ khiến bạn ấn tượng ngay từ lần gặp đầu tiên, vì nếu may mắn bạn sẽ gặp Sếp đang loay hoay sửa ống nước, hoặc đang chỉnh điều hòa. Lần đầu của tôi cũng “may mắn” như vậy. Vô tình tôi thấy Sếp hớt hải cầm cây quạt tích điện lên cho một cụ ông, Sếp còn đau đáu lo sợ ‘không biết quạt có đủ điện để chạy hay không’.

Gần đây tôi cũng mới biết có một đôi “uyên ương”, đó là vợ chồng chú Thiệu, cô Hạnh. Nhìn cô chú đèo nhau về đi ăn “Buffet” mỗi ngày trong ánh chiều tà thật là một cảm giác khó tả.

Tôi mới vào Diên Hồng được thời gian rất ngắn thôi, nhưng Diên Hồng trong tôi là như vậy đấy. Là những đồng nghiệp vui vẻ, đáng yêu, là người Sếp gần gũi, quan tâm nhân viên. Và cuối cùng là cảm ơn vì đã cho tôi được đồng hành cùng với các bạn.

Lê Thị Ngọc Hoa – Giải ba cuộc thi viết Diên Hồng trong tôi

Xem thêm

Diên Hồng – người bạn luôn đồng hành cùng tôi

Tôi đến với Diên Hồng trong một ngày đầu xuân đầy nắng và gió. Nơi mà giờ đây tôi đã quyết trao trọn tình yêu, sự gắn bó của mình. Và hơn hết niềm tin đã mách bảo tôi rằng nơi đây tôi sẽ thành công.

Nhớ ngày mới đến còn rụt rè bỡ ngỡ như một đứa trẻ trong lần đầu tiên đi học. Ấy thế mà đã thấm thoát gần được ba năm. Thời gian tuy không dài nhưng đối với tôi nó lại là khoảng thời gian đáng nhớ và đẹp đẽ nhất.

Dưới mái nhà Diên Hồng là những cụ ông, cụ bà xa lạ, không hề quen biết, nhưng cũng chính mái nhà ấy đang ươm mầm cho những yêu thương mới. Yêu thương giữa chúng tôi, những người điều dưỡng viên, và các cụ. Chúng tôi xem ông bà ở đây như chính ông bà của mình vậy. Và công việc mà chúng tôi đang làm, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, thứ tình cảm thiêng liêng của gia đình.

Chúng tôi luôn chăm sóc các cụ tận tâm nhiệt tình chăm lo đến từng bữa ăn giấc ngủ, mỗi khi mà trái gió trở trời là chúng tôi lo lắm, lo các cụ mệt, các cụ ốm thì thương lắm. Mỗi khi tôi nghỉ, hay về quê không được gặp các cụ, không được nghe các cụ nói là nhớ lắm chỉ mong mau chóng đi làm để được gặp các cụ thôi, tâm lúc nào cũng hướng về các cụ.

Các anh chị em nhân viên cũng vậy, tuy không cùng cha cùng mẹ, nhưng khi đã đến với Diên Hồng chúng tôi đều coi nhau như anh chị em một nhà. Cùng nhau chia sẻ từng chút đồ ăn, cùng ăn, cùng làm và cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.

Còn các anh chị sếp ở Diên Hồng thì luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống nhân viên, thưởng phạt phân minh. Sau hơn hai năm công tác tại Diên Hồng cơ sở 1, tôi may mắn được Ban lãnh đạo lựa chọn để chuyển sang cơ sở 2 làm việc. Với tôi đó là một bước tiến mới, một cơ hội mới để tôi có thể phát triển bản thân, phát triển năng lực của mình. Lúc đầu chuyển sang môi trường mới, tôi sợ sẽ gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng con người ở Diên Hồng nơi nào cũng đều thân thiện, hoà nhã làm cho tôi thấy yêu mến nơi này biết bao.

Với mục tiêu cố gắng trở thành viện dưỡng lão lớn nhất miền Bắc và tiến ra cả nước, Diên Hồng đã và đang được mở rộng hơn rất nhiều. Với nhiều cơ sở mới khang trang sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của các cụ và đem đến cho các cụ sự chăm sóc tốt nhất. Tôi đã dấn thân, đã gắn bó và trưởng thành cùng nơi này. Đến thời điểm này, tôi sẽ dõng dạc mà nói rằng Diên Hồng chính là người bạn đồng hành trong cuộc sống của tôi. Tôi yêu Diên Hồng.

Xem thêm

Niềm vui của tuổi già

Tuổi già là nỗi sợ của rất nhiều người. Bởi lẽ khi nhắc đến nó người ta thường nghĩ đến sự già nua, bệnh tật, trí nhớ suy giảm, phải sống cuộc sống thụ động và phụ thuộc vào con cái trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng tâm lý càng sợ thì tuổi già lại đến càng nhanh, vậy tại sao ta không vui vẻ mà đón nhận nó chứ. Vì tuổi già có những niềm vui mà người trẻ không hề có được.

Niềm vui an nhàn, thảnh thơi.

Khi về già, họ sẽ không còn gánh nặng vật chất. Bởi đó cũng là lẽ tự nhiên, khi họ đã dành cả thanh xuân cống hiến cho đất nước, cho xã hội và cho gia đình. Đến bây giờ, ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” chẳng có niềm vui nào hơn là tự thưởng cho mình những phút giây nhàn nhã. Vui với đàn cháu nhỏ, vui với bạn bè, với cỏ cây hoa lá và với những điều mình thích.

Các cụ ở Diên Hồng vui với niềm vui bè bạn

Niềm vui hoài niệm.

Người già lạ lắm, hay thích hoài niệm về những chuyện cũ. Bởi khi đã già, họ không còn đủ sức lực để thực hiện những điều lớn lao vậy nên họ tự hào với những gì đã làm được trong quá khứ. Đó cũng là động lực để sống tốt với hiện tại, để thế hệ con cháu vững vàng tiếp bước.

Niềm vui sum vầy bên con cháu

Niềm vui lớn nhất của ông bà, cha mẹ khi tuổi xế chiều là thấy con cháu từng bước khôn lớn, trưởng thành. Là hạnh phúc khi nghe cháu nhỏ bi bô gọi ông ơi, bà ơi.

Ở Diên Hồng các ông bà còn được gặp gỡ các em bé của trường mầm non

Niềm vui của người già thời nào cũng có, nhưng với sự phát triển của xã hội người ta càng có thêm nhiều lựa chọn. Và trong thời đại 4.0 như hiện nay, người già lại thường tìm niềm vui ở những viện dưỡng lão như Diên Hồng. Vì ở đó họ được sống trong một cộng đồng người già vui vẻ, nơi có những người bạn già để bầu bạn. Họ được khỏe về thể chất, hạnh phúc về tinh thần. Rồi cuối tuần con cháu vào thăm trong sự vui vẻ.

Tuổi già là thế, vẫn còn nhiều niềm vui lắm. Vậy nên chúng ta hãy cứ sống tích cực và vui vẻ đón nhận nó như các ông bà ở dưỡng lão Diên Hồng nhé

Xem thêm

Vườn hoa Diên Hồng

Cuộc sống là một vườn hoa đầy màu sắc với đủ loại hương, giống như Diên Hồng cũng là một vườn hoa rực rỡ. Và những người điều dưỡng viên chính là những chú ong chăm chỉ, luôn cần mẫn, chắt chiu từng giọt mật ngọt cho đời.

Trong vườn hoa đó có sắc Hồng của sự quan tâm, là sẻ chia từng miếng bánh, trái cam khi mà con cháu mang vào nhưng cụ chẳng nỡ ăn một mình.

Có màu Đỏ của sự kiên định. Đó là quyết tâm phải đứng lên, phải tự đi bằng chính đôi chân của mình, rời xa chiếc xe lăn để mỗi ngày các cụ lại cố gắng luyện tập thêm một chút.

Có màu Vàng của hạnh phúc khi chiến thắng chính bản thân mình. Đó là nụ cười của cụ ông 105 tuổi trong lần đầu tiên nhận chiếc huy chương Olympic, hay là giọt nước mắt hạnh phúc của cụ bà chân tay run rẩy nhưng vẫn cố tự xúc ăn.

Có màu Xanh của hy vọng, của niềm tin. Mỗi sớm mai thức dậy, các cụ thấy mình vẫn khỏe mạnh vào ngày mai tươi đẹp hơn, để mỗi sớm mai cụ lại yêu đời hơn, ca hát nhiều hơn, nói chuyện nhiều hơn, và cụ tin vào những người đang chăm sóc cụ hằng ngày.

Còn có màu Trắng của sự tinh khiết, của sự lưu luyến một trái tim ngừng đập. Trái tim ấy đã kiệt sức sau nửa thế kỷ cống hiến cho đời, và sau quãng thời gian an hưởng tuổi già.

Chúng tôi, những nhân viên của Viện dưỡng lão, vẫn không ngừng làm cho vườn hoa đó thêm toả sắc hương, để mỗi bông hoa, mỗi màu hoa thêm trọn vẹn.

Nếu ai hỏi: Diên Hồng trong bạn là gì? Thì một chú ong như tôi sẽ thấy: Diên Hồng có sôi nổi của tuổi trẻ, có trầm lặng của tuổi già. Đó là ngôi nhà thứ 2 cho tôi, cho người cao tuổi, để rồi một sớm mùa thu khi gió heo may kéo về, bà Hiền, bà Lăng chỉ kịp khoác lên mình chiếc áo, rồi đi vội xuống đường cho kịp cùng các cụ uống chén chè, nói nốt câu chuyện còn dang dở. Là góc ban công đầy hoa và nắng, để những sớm mai cùng cụ Năng cụ Liên hoà mình vào những năm tháng cuối của cuộc đời. Và là những hành lang chạy dài để níu bám cho những cụ ông, cụ bà chỉ còn đôi chân và đôi tay run rẩy.

Diên Hồng trong tôi là như thế, một vườn hoa với từng ngõ ngách thân thuộc, là tình yêu, là hạnh phúc.

Vũ Thị Huệ – Giải ba cuộc thi viết Diên Hồng trong tôi

Xem thêm

Bén duyên thú vị của cô điều dưỡng trẻ

Cuối cùng, tôi cũng được trở thành một cô nhân viên mới của Diên Hồng. Nói vui một chút, thì con đường đến Diên Hồng của tôi cứ như Đường Tăng đi lấy kinh vậy, phải trải qua 9981 kiếp nạn mới đến bờ thành công. Người ta thường bảo rằng: “Quá tam ba bận”, nhưng có lẽ vì niềm đam mê khó hiểu, và vì quyết tâm mãnh liệt nên dù thế nào, tôi cũng chọn Diên Hồng để gửi gắm tâm huyết của mình.

Còn nhớ cái ngày rời xa cánh cổng trường đại học, tôi vẫn là một cô sinh viên với vô vàn những bỡ ngỡ, loay hoay đi kiếm tìm cho mình một công việc ổn định. Và rồi, tình cờ một cô bạn cùng lớp rủ tôi đến Diên Hồng. Tìm hiểu về trung tâm, tôi nhận ra nhiều điều hay và ý nghĩa, thấy các cụ được tổ chức nhiều hoạt động như chơi trò chơi, chợ Tết,… Nhân viên thì toàn người trẻ trung, năng động nên tôi đã đánh liều một phen lấy hết quyết tâm đi phỏng vấn. Sau 5 lần 7 lượt bị con covid trì hoãn thì tôi đã được đi làm…

Ngay từ khi đi phỏng vấn, anh chị bảo rằng công việc khá vất vả, nhưng lúc đó tôi chưa hiểu hết được cho đến khi đi làm. Chúng tôi làm từ những công việc nhỏ nhất là cắt móng chân, móng tay, bón cho ăn,… đến việc nặng là cấp cứu các cụ trong sự nguy kịch. Nhưng có lẽ, chính sự đáng yêu của các cụ đã biến thành niềm vui, khiến mọi người quên đi vất vả.

Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của anh chị tôi dần quen với công việc. Tôi thấy công việc mình đang làm có thật nhiều thú vị và niềm vui, chỉ bằng việc được các cụ nhớ tên thôi là tôi đã vui cả ngày rồi. Dần dần khi gắn bó thân thiết hơn thì được nghe các cụ tâm sự về nghề nghiệp, về ngày còn trẻ của mình. Và tôi chợt nhận ra, trước khi trở thành 1 cụ già với trí nhớ không còn minh mẫn thì họ cũng đã từng là những người đánh đông dẹp bắc, đã từng có một thời trẻ đầy vang dội và nhiệt huyết.

Khi đi làm, tôi cũng đã vài ba lần bị các cụ mắng, thậm chí cả đánh nhưng tôi luôn dặn bản thân phải thật bình tĩnh và nghĩ rằng “Các cụ cũng như ông bà mình”. Và mình phải dành tình yêu, sự cảm thông, thấu hiểu cho họ thì họ mới yêu thương và chia sẻ với mình được.

Viện dưỡng lão nhưng lại khoác trên mình đầy sự trẻ trung. Thoạt tiên, ai cũng nghĩ dưỡng lão là nơi khiến con người ta già nua đi, là nơi người già sống với nỗi cô đơn, buồn tẻ nhưng có lẽ không phải vậy. Ở Diên Hồng các ông bà “xì tin”, đáng yêu lắm. Không những thế ở Diên Hồng còn có những “siêu nhân” – những điều dưỡng viên lúc nào cũng nở nụ cười. Họ ngày ngày tận tâm chăm sóc, đem lại mọi sự an toàn, niềm vui và hạnh phúc cho người cao tuổi. Ở những “siêu nhân” ấy còn là sự hoà đồng với đồng nghiệp, nhiệt tình dạy bảo những người mới như tôi. Cũng chính họ đã tiếp thêm sức lực để tôi có thể tạo năng lượng hoàn thành công việc của mình. Mọi người đều sống với nhau bằng niềm vui, cùng nhau lan tỏa thái độ sống tích cực, hướng về những điều tốt đẹp phía trước.

Không biết mọi người nghĩ sao về công việc này, nhưng với riêng tôi, tôi cảm thấy đây là một công việc thật cao cả. Mặc dù thời gian ở bên Diên Hồng chưa lâu nhưng Diên Hồng như ngôi nhà thứ 2 của mình. Tình yêu với công việc này mỗi ngày một lớn. Tôi thích được đi làm, thích được gặp lại những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt đầy niềm tin trên khuôn mặt đã hằn in vết chân chim theo năm tháng. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình có nhiều ông bà yêu thương mình hơn bất cứ ai. Và đó cũng chính là động lực để mỗi ngày tôi được sống vì đam mê, vì những điều tích cực và đẹp đẽ ở đời, để nó sẽ mãi là những kỉ niệm sâu sắc trong những năm tháng tiếp tới với đam mê mà tôi đang theo đuổi.

Bùi Thị Ngát

Giải ba cuộc thi viết Diên Hồng trong tôi

Xem thêm

“Diên Hồng” tiếng gọi yêu thương và tự hào

Tôi xuất thân từ một gia đình ở nông thôn, với sự kì vọng của gia đình tôi chọn theo nghề điều dưỡng. Ngày đầu khi mới xuống Hà Nội xin việc, với tôi mọi thứ đều rất xa lạ. Ở đây đông đúc và ồn ào hơn quê tôi rất nhiều, ấy vậy mà ở một nơi phố thị đó lại có một Trung tâm an dưỡng dành cho tuổi già. Tôi đến với Diên Hồng cũng từ đó, trở thành điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi.

Từ một người con trai vụng về, tôi trở thành một người chu đáo, cẩn thận hơn. Tôi cũng biết cách chăm sóc một người già như thế nào, từ việc thay bỉm, vệ sinh tới  việc bón ăn từng thìa cháo, thìa sữa. Bây giờ mọi thứ với tôi đều đã thành thạo hết. Mỗi lần nghe các cụ, người nhà khen rằng: “Cậu đó chăm sóc tốt lắm” thì trong lòng tôi lại dậy lên ngọn đuốc của tình yêu dành cho người già. Điều đó như tiếp thêm động lực để mỗi ngày tôi phải cố gắng nhiều hơn, trau dồi thật tốt kỹ năng chuyên môn cũng như nâng cao năng lực chăm sóc người già và cố gắng mang tới cho các cụ sự chăm sóc tốt nhất.

Chàng trai ấy đang làm trọng tài cho cuộc thi cờ tướng của các cụ

Mỗi lần về nhà, mẹ và bà luôn hỏi tôi về các cụ: Các cụ ở đó thế nào? Ăn uống  làm sao? Các cụ có khó tính không? Bệnh có nặng không?….rồi còn dặn tôi nhớ chăm sóc các cụ già cho thật tốt. Tôi nhớ cái hồi tôi mới đi làm ở Diên Hồng, mẹ tôi đã khoe khắp xóm rằng có đứa con làm điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi. Ở một khu làng nhỏ như quê tôi thì đó là một công việc thật sự cao cả. Lúc này tôi cảm nhận được sự tự hào trong ánh mắt của mẹ dành cho tôi. Và tôi cũng nhận ra rằng, công việc mà tôi đang làm cao cả và thiêng liêng đến mức nào.

Tôi yêu Diên Hồng lắm, yêu công việc của tôi. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để cống hiến, góp sức trẻ của mình xây dựng cho Diên Hồng ngày càng phát triển lớn mạnh. Để cho Diên Hồng vươn ra khắp mọi miền của tổ quốc và trở thành ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương cho người già.

Đinh Công Kỷ

Giải nhì cuộc thi viết Diên Hồng trong tôi

Xem thêm

Diên Hồng trong tôi

Có người từng bảo với tôi rằng yêu nghề, chọn nghề là một chuyện, nghề có chọn mình hay không mới là chuyện quan trọng. Ngày trước, tôi chưa bao giờ nghĩ, mình sẽ trở thành một cô điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi như bây giờ. Ấy vậy mà nó lại chọn tôi, đưa tôi đến với công việc hiện tại.

Nghề điều dưỡng đã vất vả, thì điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi lại còn vất vả hơn bội phần. Vì đối tượng chăm sóc không hẳn là người bệnh mà là người già bị bệnh. Họ đều đã đến cái tuổi xế chiều, một chiếc lá rụng xuống thôi cũng đủ làm họ thấy không an lòng.

Tham gia Olympic cùng người cao tuổi tại Diên Hồng

Người cao tuổi ở Diên Hồng đa phần đều không còn minh mẫn và khỏe mạnh. Có những người thì phải hỗ trợ đi lại bằng xe lăn, có người còn không nhớ được tên, được tuổi, càng không nhớ được nhà mình ở đâu. Thậm chí, có cụ vừa ăn cơm xong đã vội vã quay lại hỏi chúng tôi “5 giờ rồi sao còn chưa ăn cơm?”.

Ngày tôi mới vào Diên Hồng, tôi mới thấm thía được câu “đời người hai lần là trẻ con”. Người già ở Diên Hồng cũng thế, trong một ngày các cụ có thể trải qua thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ví như đang nói chuyện vui vẻ với nhau nhưng chỉ một lát sau đã thấy giận dỗi nhau rồi. Thậm chí vì những điều nhỏ nhặt nhất mà cũng cảm thấy không hài lòng, tại sao bà ấy không chơi với mình nữa, tại sao bà ấy lại đi chơi với người khác, tại sao ông ấy được ăn cháo còn mình phải ăn cơm,… Những lúc như vậy, chúng tôi – những người điều dưỡng viên, hằng ngày không chỉ lo mỗi sức khỏe, ăn uống, tắm giặt, vệ sinh hay thuốc men bệnh tình, mà mỗi người đều phải hoá thân làm một chuyên gia tâm lý. Không nhưng thế chúng tôi còn làm con, làm cháu, thậm chí là bạn để dỗ dành, yêu thương các cụ. Có những cụ, tới bữa ăn còn không chịu ăn, nên chúng tôi phải nịnh, phải hứa là ăn xong sẽ được đi chơi. Nhiều lúc nghĩ lại, các cụ hệt như những đứa trẻ con vậy.

Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Có những ngày các cụ khó ở, tâm trạng không tốt nên tính tình cũng trở nên cáu gắt, hung tính, thậm chí có những hành động không đúng. Bởi vậy, nghề điều đưỡng chăm sóc các cụ vất vả lắm, nên chỉ những ai thật lòng yêu quý các cụ, yêu quý cái nghề này mới làm được.

Chăm sóc người cao tuổi từ những điều nhỏ nhất

Một ngày đi trực được bắt đầu từ sáng hôm nay cho tới tận sáng ngày hôm sau mới được nghỉ. Đêm đến, chúng tôi trực để trông nom, chăm sóc cho các cụ được yên giấc. Chỉ khi nghe thấy tiếng hít thở đều đều, thấy các cụ ngủ ngon lành thì chúng tôi mới an tâm. Tôi nhớ có những đêm trực phải thức trắng đêm vì có cụ sốt cao, khó thở phải thở oxy. Lúc đó đôi mắt tôi nặng trĩu, nhắm tịt lại nhưng tay thì vẫn không ngừng chườm khăn ấm để cho cụ hạ sốt. Đến hôm sau khi cụ đỡ mệt thì tôi mới thấy an lòng. Khi tôi chăm sóc các cụ, tôi có cảm nhận như họ chính là người thân của tôi, còn tôi cũng chính là người thân của họ.

Đến với Diên Hồng từ lúc tôi chỉ là một đứa sinh viên mới ra trường, còn tới bây giờ, bản thân tôi cũng đã tìm ra được con đường đi cho riêng mình. Diên Hồng là tương lai của tôi, tôi muốn gắn bó thật lâu, thật lâu, muốn được mang sức trẻ, mang tình yêu thương của mình để chăm sóc người cao tuổi. Nghề đã chọn tôi và đưa tôi trở thành một trong số rất nhiều thành viên trong đại gia đình Diên Hồng. Tôi muốn gửi tới Diên Hồng một lời cảm ơn sâu sắc, cảm ơn vì đã đồng hành giúp tôi trưởng thành, giúp tôi góp sức xây dựng một công việc đầy sự nhân văn và tình yêu thương.

Điều dưỡng Phạm Thị Trâm Anh

Giải nhất cuộc thi viết Diên Hồng trong tôi

Xem thêm