Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Chuyện tình đẹp của vợ chồng Hà Nội cùng đi viện dưỡng lão

(Dân trí) – Ông Hiểu và bà Sơn đã bên nhau 56 năm, vượt qua mọi khó khăn để cùng nắm tay đi đến cuối con đường. Về già, sức khỏe yếu dần, ông bà chuyển đến sống ở viện dưỡng lão, cưới lại lần nữa.

Trong đêm nhạc mang tên “Bản tình ca mùa đông – Ngày chung đôi” diễn ra tối 17/12, người dẫn chương trình đọc một bức thư tình xúc động.

“Anh nuối tiếc không cho em một đám cưới trọn vẹn. Anh ước gì mình cố gắng hơn, khấm khá hơn, để em được là người hạnh phúc nhất thế gian”.

Lời vừa dứt, ông Nguyễn Gia Hiểu (87 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (80 tuổi, Hà Nội) được người thân dìu lên sân khấu. Trong bộ váy cưới màu trắng, bà Sơn cười hạnh phúc bên người bạn đời hơn nửa thế kỷ.

Sau 56 năm, ông bà một lần nữa được làm cô dâu – chú rể. Đám cưới do trung tâm dưỡng lão cùng nhóm sinh viên tổ chức. Trong khoảnh khắc xúc động, ông tặng hoa, trao bà nụ hôn nhẹ nhàng.

Khi được hỏi “hôm nay bà Sơn xinh không?”, cụ ông bẽn lẽn nói “bà xinh lắm”. Cô dâu cũng tấm tắc khen chú rể “lúc nào cũng phong độ”. Cả hai như sống lại những ký ức đám cưới, mừng rỡ và hạnh phúc khôn xiết.

Trên sân khấu đêm nhạc, bà Sơn kể lại chuyện tình và đám cưới chỉ có chậu rửa mặt và bánh xà phòng.

Hai người quen nhau khi cùng học chung khóa 1961, tổ 2, chuyên ngành vô tuyến điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Trước đó, ông Hiểu là công nhân sửa đèn đường cho thành phố.

“Trên giảng đường, chỗ nào không hiểu bài, tôi được ông chỉ bảo và giảng lại tận tình”, bà Sơn nhớ lại.

Ông Hiểu tiết lộ đã thích người bạn đời từ cái nhìn đầu tiên. Còn bà yêu ông từ những lần cả hai chọn hội trường Đại học để tâm sự và giảng bài cho nhau.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cặp đôi tổ chức đám cưới đơn giản vào ngày 20/1/1967. Tiết trời giá lạnh, chiếc áo dài hay áo len khoác ngoài đều được bà Sơn mượn từ người bạn thân.

Khách mời chỉ có gia đình hai bên, họ hàng và một số bạn bè, được tổ chức vỏn vẹn trong căn nhà nhỏ bao cấp của ông Hiểu. Thay vì rước dâu, bà Sơn tự sang nhà chồng để tổ chức đám cưới.

Điều bà nhớ nhất là đám cưới nghèo chỉ có quà cưới là chậu rửa mặt và bánh xà phòng thơm.

Do thực hiện chủ trương sinh nở có kế hoạch, cặp vợ chồng son khi đó chưa vội sinh con. Một năm sau, chiến tranh chia cắt họ. Bà Sơn tham gia chiến trường, nhận công việc thường trực thông tin, còn ông Hiểu ở lại trường giảng dạy, sau sang Hungary du học.

Trong 6 năm từ 1968 đến 1974, họ tạm xa nhau, chỉ liên lạc qua những bức thư tay. Ngày đất nước hòa bình, họ tìm được nhau, xây dựng hạnh phúc và sinh hai cô con gái.

Hai người con trưởng thành đều định cư ở nước ngoài, vợ chồng già chuyển đến sống tại một cơ sở của trung tâm dưỡng lão cao cấp ở Hà Nội. Tại đây, ông bà vẫn luôn dành cho nhau những cử chỉ yêu thương và quan tâm.

Khi nghe về ý tưởng đêm nhạc kỷ niệm 56 năm ngày cưới của bố mẹ, chị Đức (con gái lớn) rất hưởng ứng. Chị đã nhờ gia đình bạn thân đến tham dự và mua một món quà nhỏ chúc mừng bố mẹ.

“Tôi rất xúc động khi bố mẹ vẫn khỏe mạnh và yêu thương nhau”, chị nói.

Trên sân khấu, bà Sơn cũng bày tỏ xúc động, cảm ơn trung tâm dưỡng lão, cảm ơn khán giả – những người bà chưa hề gặp, nhưng đã đến chúc mừng hạnh phúc vợ chồng bà.

Là một trong những người tham gia đêm nhạc kỷ niệm 56 năm ngày cưới của ông Hiểu và bà Sơn, chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ trung tâm dưỡng lão, nói rất xúc động trước chuyện tình của ông bà.

Trải qua bao năm tháng khó khăn đến cuối con đường, ông bà vẫn hạnh phúc có nhau. Ai cũng mong ước sau này về già được như ông bà.

“Hôm đó thời tiết Hà Nội rất lạnh nhưng mọi người như được sưởi ấm bởi tình cảm của ông bà, nhiều bạn xúc động không kìm được nước mắt”, chị Hà nói.

Trên mạng xã hội, chuyện tình và đám cưới thời bao cấp của ông bà khiến nhiều người thổn thức.

“Ngày chung đôi chính là ngày ông bà cưới lại lần nữa. Ông bà thật đẹp đôi, chúc ông bà nhiều sức khỏe, mãi hạnh phúc bên nhau”, một tài khoản bình luận.

“Thật sự rất ngưỡng mộ tình yêu hơn nửa thế kỷ của ông bà. Dù mắt đã mờ chân đã mỏi nhưng tình cảm mà ông bà dành cho nhau vẫn mãi như ngày đầu tiên”, một người khác viết.

Theo báo Dân Trí

Xem thêm

Chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò đầy cảm xúc của người cao tuổi tại viện dưỡng lão Diên Hồng

Nhân ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, người cao tuổi tại viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 đã có một chuyến tham quan đầy ý nghĩa đến Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Đoàn tham quan chụp ảnh kỷ niệm tại nhà tù Hỏa Lò

Trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng tại đài tưởng niệm, các ông bà đã trầm mình dâng hương để tri ân những anh hùng, những người liệt sĩ đã hy sinh vì sự độc lập và tự do của Tổ quốc.

Dâng hương tại đài tưởng niệm

Sau khi dâng hương các ông bà tiến vào tham quan từng khu vực của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi mà thực dân Pháp từng giam giữ và tra tấn những người con yêu nước của dân tộc. Mỗi người trong đoàn đều tràn ngập nỗi xúc động và nghẹn ngào khi đối diện với những hình ảnh, vật dụng còn lại tại nhà tù. Đặc biệt, bà Biển đã nhận ra một người đồng nghiệp từng cùng chồng bà chia sẻ những ký ức đau thương trong quá khứ.

Chiến tranh có thể đã trôi qua, nhưng những dư âm, nỗi đau của nó vẫn âm ỉ trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Sự may mắn khi được sống và trưởng thành trong thời bình không thể phủ nhận. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần biết trân trọng và gìn giữ những gì mình đang có.

Chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò không chỉ giúp các ông bà hoài niệm về quá khứ chiến tranh bom đạn, mà còn là cơ hội để lớp trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử. Để nhớ về những hy sinh của những người đi trước và để giữ lửa lòng yêu nước, tôn trọng hơn những giá trị quý báu mà chúng ta đang có. Chúng ta là những người may mắn, và trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ sau.

Xem thêm

Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng ký kết hợp tác cùng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa

Ngày 16/11/2023 tại Diên Hồng cơ sở 4 đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng và Trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Bách khoa.

Tham dự buổi lễ có ông Đỗ Trần Hồ Thắng – Tổng Giám đốc trung tâm. Bà Trần Thị Thuý Nga – Phó Tổng Giám đốc trung tâm. Cùng ban giám đốc cơ sở 4, đại diện các phòng ban và người cao tuổi đang an dưỡng tại trung tâm. Về phía nhà trường có TS Lê Kim Dung Hiệu trưởng nhà trường; Ths Hà Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Cô Phạm Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện các phòng ban chức năng.

Với mục đích khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện học tập tốt hơn cho sinh viên đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa trung tâm và nhà trường, hai bên đã thông qua các hạng mục hợp tác để thúc đẩy mối quan hệ ngày càng phát triển.

Cụ thể hai bên nhất trí gửi và tiếp nhận sinh viên chuyên ngành điều dưỡng, sơ cấp hộ lý đến thực hành, thực tập tại cơ sở. Phối hợp tổ chức cho cán bộ của hai bên đến tham quan, nghiên cứu thực tế, đào tạo hoặc tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Đồng thời nhất trí trao đổi, chia sẻ việc áp dụng các mô hình hoặc giáo cụ trực quan trong đào tạo sinh viên và chia sẻ thông tin chuyên môn, tài liệu, giáo trình.

Phát biểu tại buổi lễ Anh Đỗ Trần Hồ Thắng nhận định sau hợp tác lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển và đi đến hợp tác sâu hơn, rộng hơn về sau này.

TS Lê Kim Dung cũng bày tỏ ấn tượng sâu sắc khi đến Diên Hồng bởi những giá trị mà Diên Hồng đang theo đuổi cũng như mang lại cho người cao tuổi. Bên cạnh đó cô còn ấn tượng bởi sự gần gũi của Cán bộ nhân viên Diên Hồng. Bởi vậy dù mới gặp 1 lần nhưng nhà trường đã quyết định gửi gắm sinh viên của mình. 

Xem thêm

“Ngày hội Sống Xanh” lần đầu diễn ra tại Diên Hồng

Trong xã hội đang bị nhấn chìm bởi những thông tin tiêu cực từ môi trường, từ chất lượng không khí, nước, biến đổi khí hậu toàn cầu,… thì chúng ta đang làm gì để bảo vệ trái đất xanh, bảo vệ môi trường xanh?  Rất nhiều những chương trình, những tổ chức được lập ra với cùng một mục đích là tạo ra những hoạt động để cùng nhau bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen, suy nghĩ tiêu dùng xanh của mọi người và để nâng cao nhận thức về sự biến đổi toàn cầu. Nhưng với người cao tuổi trong viện dưỡng lão, việc tiếp cận những hoạt động đó là điều không hề dễ dàng.

Hòa cùng với nhịp sống thay đổi từng ngày để cho môi trường xanh, Diên Hồng cùng các bạn sinh viên trong Đội sinh viên làm Công tác xã hội và dự án Dấu chân Xanh đã cùng tổ chức một chương trình đặc biệt dành riêng cho các cụ. Ngày hội “Sống Xanh” tuy chỉ với quy mô tại 1 cơ sở của Diên Hồng nhưng đã làm cho các cụ, các CBNV cũng như những người tham gia nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề mà môi trường đang gặp phải cũng như hiểu rõ hơn về hành trình của các sản phẩm rác tái chế. 

Ngày hội Sống xanh được tổ chức trong khuôn viên của Diên Hồng 2

 Bắt đầu chương trình là những chia sẻ vô cùng hữu ích về quy trình tái chế vỏ hộp sữa từ chị Nguyễn Thị Hoàng Tiến – quản lý dự án Dấu Chân Xanh. Để tái chế một chiếc vỏ hộp sữa không phải là điều dễ dàng, nó phải trải qua rất nhiều công đoạn từ làm sạch đến loại bỏ lớp nilon và nhôm bên trong rồi mới có thể biến thành những sản phẩm tái chế. Một sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa cùng cần đến hàng nghìn vỏ mới ra được một thành phẩm hoàn chỉnh.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Tiến – Quản lý dự án Dấu Chân Xanh

Chị cũng là trực tiếp hướng dẫn các cụ tái chế giấy từ những tờ giấy vụn, giấy đã qua sử dụng bằng cách xay nhỏ giấy cùng nước rồi sẽ dùng một cái khung chuyên dụng để lấy xác giấy hòa trong nước. Trong quá trình tái chế giấy, có thể thêm hoa khô vào các khung giấy, chờ khô là sẽ có ngay những tấm thiệp ép hoa xinh xinh. Để sản xuất một tấn bột giấy cần đến 5m3 gỗ và 100m3 nước. Vì vậy, tái chế giấy sẽ góp phần bảo vệ lâu dài tài nguyên rừng và nước.

Chị Tiến đang chia sẻ cách tái chế giấy

Các khu vực đổi vỏ hộp sữa, đổi chai nhựa lấy cây và khu vực trồng cây sẽ có các bạn sinh viên của Đội sinh viên làm Công tác xã hội hướng dẫn và hỗ trợ các cụ. Với kinh nghiệm tổ chức nhiều hoạt động về môi trường, các bạn đều dày dặn kinh nghiệm và rất năng nổ chia sẻ, hướng dẫn các cụ khi tham gia chương trình. Các vỏ hộp sữa sẽ được rửa sạch trước khi thu gom.

Khu vực rửa vỏ hộp sữa

Khu vực đổi rác lấy cây thì tấp nập người ra vào. Từ trước 1 tuần, các bạn nhân viên đã chuẩn bị thu gom những vỏ hộp sữa, những chai nhựa giúp các cụ để có thể dùng nó đổi lấy cây. Cả khay sen đá cứ thế vơi dần. Nhận những cây sen đá, các cụ sẽ di chuyển sang bên cạnh để chọn chậu trồng cây. Rất nhiều những chiếc chậu nhỏ được làm từ đáy chai nhựa do các bạn sinh viên chuẩn bị và đã được trang trí rất sặc sỡ, tha hồ cho các cụ lựa chọn.

Khu vực đổi rác tái chế lấy cây

Các cụ được tự tay chọn những cây sen đá mình thích

Khu vực lựa chọn chậu cây được tái chế từ những vỏ chai nhựa đã qua sự dụng

 

Ngoài ra, còn có gian hàng như tái chế nắp chai thành đồ chơi, tái chế vải vụn thành các bức tranh cắt dán, gian hàng bán đồ gây quỹ cho các hoạt động tình nguyện của đội sinh viên, gian hàng bán đồ tái chế, các sản phẩm từ thiên nhiên của dự án “Dấu chân xanh”,… 

Khu vực tái chế vải

Khu vực tái chế nắp chai

Khu vực bán hàng của dự án Dấu Chân Xanh

Không chỉ người trẻ, chính các cụ cũng rất quan tâm đến các hoạt động bảo vệ môi trường. Việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống của chúng ta, vậy nên mỗi cá nhân phải luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống và hãy tham gia những hoạt động như Ngày hội Sống Xanh để tiếp thêm động lực cho một cuộc sống xanh.

Xem thêm

Diên Hồng rộn ràng chuẩn bị đón trung thu với hoạt động làm bánh dẻo thuần chay

Trăng rằm tháng Tám

Sáng tỏ như gương

Tròn như chiếc bánh

Treo trên đỉnh trời”

Bước sang tháng 8, cả Diên Hồng lại tất bật chuẩn bị cùng các cụ đón trung thu. Nào là làm đèn lồng, trang trí góc check in trung thu, rồi tập văn nghệ để biểu diễn vào ngày tổ chức,… Không khí trung thu ở ngoài nhộn nhịp, rộn ràng thế nào thì ở Diên Hồng, các cụ cũng đang được hưởng bầu không khí y hệt thế, ai cũng rất háo hức chờ đón Trung thu, chờ đón đêm trăng rằm được rước đèn, phá cỗ.

Trung thu là tết đoàn viên, là dịp để cùng nhau quây quần. Viện dưỡng lão giờ đây như một ngôi nhà thứ 2 của các cụ, là nơi có những người con, người cháu cùng những người bạn già gắn kết như một gia đình. Gần đến Trung thu, các cụ được tham gia buổi làm bánh trung thu với những nguyên liệu do chính tay chị Hằng – kế toán trưởng của Diên Hồng chuẩn bị. Trung thu là phải gặp chị Hằng. Năm nào, chị Hằng cũng cùng các cụ làm ra những chiếc bánh dẻo xinh xắn, trắng ngần để chuẩn bị cho mâm cỗ ngày rằm. 

Từ công đoạn lựa chọn nguyên liệu đến làm nhân, làm nước đường bánh dẻo đều được chị Hằng tự tay chuẩn bị. Các dụng cụ để các cụ làm cũng được lau bằng cồn trước khi xếp ra bàn để chiếc bánh làm ra có thể có chất lượng tốt nhất. Có rất nhiều hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu cho các cụ lựa chọn như hình trái tim, hình con thỏ, con cá, hình ô tô,… Những chiếc bánh bé bé xinh xinh được các cụ cẩn thận làm theo hướng dẫn của chị Hằng. Đôi bàn tay run run cố gắng để vo nhân thật tròn, thật đều nhau. Phần vỏ thơm thơm hương hoa bưởi bọc lấy từng viên nhân đầy màu sắc rồi được các cụ khéo léo ép vào khuôn. 

Các cụ vừa làm bánh, vừa trò chuyện rôm rả. Người thì kể về trung thu ngày xưa ra sao, người thì kể về hồi nhỏ mình cũng từng háo hức chờ đón trung thu như thế nào. Những câu chuyện bình dị, gần gũi như kết nối các cụ lại với nhau. Một không khí trung thu đầm ấm, sum vầy ngại tại Viện dưỡng lão, nơi mà có rất nhiều những người xa lạ lần đầu gặp gỡ rồi cùng nhau thân thiết.

Chẳng mấy chốc mà quen tay, những chiếc bánh dẻo trắng ngần, xinh xắn đã nằm gọn trong từng chiếc hộp đựng để sẵn sàng đóng gói. Những chiếc bánh trung thu đã hoàn thiện, sẵn sàng đưa lên mâm cỗ ngày rằm. 

Cầm chiếc bánh dẻo mình tự làm trong tay, khóe môi các cụ tự động nhếch lên. Bà Nguyệt được thưởng thức bánh thì thích lắm, cứ khen sao bánh ngon thế, thơm thế. Mỗi cụ lên làm bánh ở cơ sở 4 sẽ được cầm 1 chiếc bánh do chính tay mình làm về để thưởng thức. Về đến tầng, ông Kiên đã bóc bánh chia cho người bạn cùng tầng, bà ngồi xe lăn, vận động khó khăn nên không thể lên làm bánh cùng các cụ khác. Thế mới thấy, ở cùng nhau lâu ở viện dưỡng lão, các cụ lại có thêm những người bạn mới, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau chia sẻ những tâm tư tuổi già.

Xem thêm

Workshop “Khi các cụ vẽ Trung Thu” đầy màu sắc

Trong cuộc sống bộn bề với bao lo toan, căng thẳng, áp lực, con người ta thường tìm rất nhiều những cách khác nhau để xoa dịu tâm hồn. Có người lựa chọn giải trí bằng những trò chơi, có người lựa chọn đi du lịch, có người lại lựa chọn tìm về một niềm đam mê gì đấy đã ấp ủ từ lâu. Hội họa cũng là một trong những phương pháp được người ta sử dụng để cân bằng lại cuộc sống. Giống như những họa sĩ tại câu lạc bộ “Tôi vẽ” đã tìm đến hội họa để viết tiếp những giấc mơ còn dang dở.

Sau buổi triển lãm “Tôi vẽ – Những giấc mơ màu”, các họa sĩ được truyền nguồn cảm hứng rất lớn khi được tiếp đón các cụ tại Diên Hồng đến tham dự triển lãm. Các cụ cũng trầm ngâm trước những bức vẽ và tỏ lòng mong muốn về một dịp có thể được ngồi bên khung tranh, vẽ tranh như những họa sĩ. Và để những mong ước của các cụ trở thành sự thật, nhóm họa sĩ của câu lạc bộ “Tôi vẽ” đã đến Diên Hồng cơ sở 2 và thực hiện một buổi workshop với tên gọi “Khi các cụ vẽ Trung Thu” dành cho các cụ.

1 tiếng trước khi buổi workshop diễn ra, các họa sĩ tất bật chuẩn bị dụng cụ, màu vẽ, đèn lồng cho các cụ. Buổi workshop có phần hơi đặc biệt vì các cụ sẽ không vẽ lên giấy mà trang trí trực tiếp lên những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc. 14h30, các cụ đã lên ngồi kín xung quanh bàn vẽ. Với sự hỗ trợ của các họa sĩ cùng các bạn điều dưỡng viên, rất nhiều những tác phẩm đã được ra đời. Những nét vẽ run run, những ngón tay co quắp vẫn cố gắng cầm bút thật chắc để vẽ. Những màu sắc dần hiện lên trên những chiếc đèn lồng.

Bà Biển lên hội trường từ sớm để chờ đến giờ bắt đầu. Ở độ tuổi 93, bà vẫn còn rất khỏe mạnh, rất vui vẻ và yêu đời. Bà thích tham gia các hoạt động lắm nên khi nghe có workshop xịn sò, còn được tổ chức dưới sự hướng dẫn của các họa sĩ, bà hồi hộp và hào hứng lắm. Bà rất tập trung vào tác phẩm của mình, tự tay bà tô lên những mảng màu sắc tươi sáng cho chiếc đèn lồng. Bà cứ vừa vẽ lại vừa giơ lên ngắm nghía xem đã đẹp chưa, có cần thêm gì nữa không. Bà Sao Mai ngồi bên cạnh cũng rất chăm chú. Khi các cụ ca 1 về hết rồi thì bà vẫn ngồi 1 bàn riêng trước cửa phòng và tiếp tục vẽ lên những hình khối đầy màu sắc.

Bà Tuyết ngồi xe lăn, cơ thể cũng không còn linh hoạt nhưng bà vẫn cố gắng cầm bút vẽ những bông hoa trên đèn lồng. Ông Đô cũng cần sự hỗ trợ của các họa sĩ để hoàn thành việc trang trí chiếc đèn lồng của mình. Những vết màu nguệch ngoạc, không đều nhau nhưng lại làm ông vui vẻ, tự hào khi nhìn lại.

Mỗi người đều mang một giấc mơ riêng, đều mang một sự khao khát riêng khi tìm đến thế giới màu sắc. Những giấc mơ đầy màu sắc đã kết nối những họa sĩ không chuyên lại với nhau và từ tình yêu màu đó, họ đã mang đến cho các cụ ở Diên Hồng một kỷ niệm tuyệt vời.

Xem thêm

Bùng nổ cùng vòng Chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng Diên Hồng – DienHong’s Got Talent

Từ vòng bán kết, Tìm kiếm tài năng Diên Hồng – DienHong’s Got Talent đã trở thành một sự kiện thu hút rất nhiều sự quan tâm đến từ những người theo dõi Diên Hồng. Lần đầu tiên Diên Hồng có một sự kiện rất mới lạ, rất độc đáo. Những khách mời tham dự vòng chung kết không khỏi bất ngờ với những tiết mục đang diễn ra trên sân khấu lúc bấy giờ. Vòng chung kết này có gì thú vị, cuộc thi này có gì hấp dẫn mà lại làm các cụ tham gia thi cũng như khán giả theo dõi lại thích thú đến như thế?

Có điều gì thú vị ở vòng chung kết mà các Giám khảo cũng thích thú đến thế?

Sự dày công tập luyện của các đội thi đã làm nên một vòng chung kết cháy hơn bao giờ hết. Không thể tin được ở độ tuổi đấy, các cụ lại tài năng như thế, vui tươi, trẻ khỏe như thế. 12 đội thi với 12 tiết mục trình diễn mãn nhãn, hát có, múa có, võ thuật có, thời trang có,… Rất nhiều những cảm xúc đã được thay đổi trong suốt cả quá trình diễn ra buổi thi. Có những giọt nước mắt đã rơi vì xúc động, vì bất ngờ khi tuổi già nhưng ông bà vẫn còn rất năng động, rất tài năng.

Từ cơ sở 5 xa xôi, đội thi của bà Hà và ông Bùi Hiền cũng có mặt đúng giờ để chuẩn bị cho phần thi của mình. Mặc một chiếc váy lấp lánh, bà Hà tự tin bước lên sân khấu, chân đi đôi giày được Giám đốc cơ sở 5 mua riêng tặng bà. Bà yêu khiêu vũ, yêu những điệu nhảy. Khiêu vũ lại còn được mặc đẹp, nên bà thích lắm. Nhưng tuổi già rồi, bà bị tiền đình, cơ thể cũng chậm chạp hơn trước, bà không thể diễn hết bài nhạc được. Đứng cùng bạn diễn, bà vẫn rất tự tin, những cú xoay có đôi phần loạng choạng nhưng khán giả phía dưới vẫn vỗ tay rầm rầm. 

Bà Hà cùng bạn diễn tự tin với những bước nhảy trên sân khấu

Đội Họa Mi Xanh của chú Lê Mạnh Cường và bạn Vy với bài hát Gặp nhau giữa rừng mơ là một trong 3 đội thi đại diện cho cơ sở 3 tham gia vào chung kết. Ngày mới vào Diên Hồng, chú Cường phải ngồi xe lăn, đôi chân của chú gần như không cử động được. Chú tham gia thi Olympic Diên Hồng năm 2023 và giành giải Nhất trong phần thi đua xe lăn. Khỏi phải nói chú tự hào, vui sướng thế nào. Lúc ấy nếu ai hỏi chú tên gì, chú sẽ tự hào bảo chú là chú “Cường xe lăn”. Vậy mà sau thời gian tập luyện phục hồi cùng bác sĩ tại trung tâm, giờ đây chú đã có thể thay thế chiếc xe lăn bằng chiếc gậy ba ton, cứ thế chầm chậm bước từng bước một.

Giọng hát cùng sự phối hợp của chú Cường và bạn diễn đã giúp chú giành được vé tham dự chung kết

Có lẽ vì lo lắng, vì hồi hộp khi đứng trước nhiều người nên phần hát của chú Cường trong buổi chung kết có phần không tốt lắm. Bình thường vui vẻ là thế, nhưng vì lỗi sai của mình trong phần thi mà chú cứ áy náy mãi, chú sợ vì chú mà ảnh hưởng đến kết quả chung của cả đội. Nhưng các bạn thi cùng đội đã kịp trấn an chú, mãi mới thấy cơ mặt chú giãn ra. Dù thế nào thì tiết mục của chú, sự nỗ lực của chú cũng đã rất tuyệt vời, dù không được giải chú cũng có thể tự hào vì những nỗ lực của mình để đi được đến vòng chung kết.

Bà Dung của đội Hương Xuân cũng mang đến cho buổi thi một trận cười khoái chí với tiết mục Lý trưởng – Mẹ đốp. Những câu nói dí dỏm, những điệu bộ của ông Lý trưởng được bà thể hiện nom rất hài hước, rất có tính giải trí. Sự kết hợp ăn ý với bạn diễn khiến tiết mục của bà thêm phần vui nhộn, đặc sắc.

Bà Dung trong vai Lý trưởng với giọng điệu hống hách nhưng dí dỏm, hài hước

Hai tiết mục trình diễn thời trang của cơ sở 1 và 2 lại một lần nữa làm BGK cũng như khán giả ngồi dưới bất ngờ với những bộ trang phục lộng lẫy. Những chi tiết trên bộ trang phục như từng cái quạt giấy hay bộ cánh trong bộ trang phục làm bằng báo giấy của đội thi cơ sở 1 như là một bộ trang phục được các hoa hậu mặc trong phần thi trang phục dân tộc. Mỗi bộ trang phục đều được chăm chút, chỉn chu để tạo nên một màn trình diễn thật mãn nhãn.

Đội Hòa bình đến từ cơ sở 1 với các thiết kế độc đáo, sang trọng

Đội Trở lại thanh xuân mang đến những thiết kế trang phục dạ hội lộng lẫy, bồng bềnh

Quá trình chuẩn bị cho cuộc thi trải qua rất nhiều gian nan. Vì đối tượng thi là có các cụ nên đôi khi các cụ mệt, các cụ về nhà chơi, các cụ không thích thi nữa,… làm quá trình chuẩn bị của các đội thi không hề dễ dàng. Nhưng có những cụ lại rất chủ động tập luyện như ông Viễn cơ sở 3 tự biên đạo bài múa, tự chọn bạn diễn, bà Dung cơ sở 4 tự chọn tiết mục thi chung kết, tự chuẩn bị trang phục và rất chăm chỉ tập luyện để phần tiểu phẩm của bà lúc lên sân khấu không hề vấp một tí nào.

Phần thi đầy tâm đắc của ông Viễn và bạn diễn

Những câu chuyện đầy tính nhân văn trong tiểu phẩm của ông Việt và các bạn trong đội

Bà Hiển cũng chuẩn bị một nồi bột bánh cuốn thật cẩn thận để thi vòng chung kết. Bánh cuốn 60 năm tuổi có tiếng ở Hà Nội có khác, ai ăn cũng tấm tắc khen vì nước chấm truyền thống từ tôm, nấm hương và đậm vị thịt, đặc biệt làm nên hương vị khó quên.

Hàng bánh cuốn vỉa hè dân dã nhưng lại mang hương vị khó quên

Mỗi tiết mục mang đến cuộc thi đều được các đội thi dày công chuẩn bị. Có lẽ vì thế nên tiết mục nào cũng hay, cũng đặc sắc. Là người thành lập nên Diên Hồng, anh Đỗ Trần Hồ Thắng (Tổng Giám đốc công ty cổ phần Diên Hồng Hà Nội) không khỏi xúc động khi nhìn thấy những tiết mục của các cụ trên sân khấu, nhìn thấy sự phát triển của Diên Hồng và nhìn thấy Diên Hông là nơi mang đến cho các cụ một tuổi già thật ý nghĩa.

Ông Đức là Việt Kiều Canada nhưng vẫn không quên những món đồ chơi dân gian quen thuộc

Ông Bùi Hiền mang những tâm huyết về việc nghiên cứu chữ của ông đến với cuộc thi

Đội võ thuật độc đáo với cách tiếp cận mới lạ

Đội Ba cô nàng vui nhộn với những điệu nhảy sôi động

Không chỉ mang lại những giá trị tinh thần cho người cao tuổi, cuộc thi cũng giúp các thành viên trong tập thể gắn kết với nhau hơn, gắn kết với người cao tuổi hơn. Diên Hồng tuy nhiều bạn trẻ, nhưng ai cũng một lòng vì sự nghiệp chăm sóc người cao tuổi, ai cũng coi người cao tuổi như những người thân trong gia đình. Vậy nên, người cao tuổi ở Diên Hồng là những người cao tuổi hạnh phúc.

Xem thêm

Người cao tuổi cần một cơ hội để tỏa sáng

Viện dưỡng lão Diên Hồng được nhiều người biết đến qua các bộ ảnh đáng yêu của các cụ, cũng được biết đến là nhà dưỡng lão vui vẻ với rất nhiều hoạt động dành cho người cao tuổi. Dù là mới bước vào tuổi già hay những cụ ở tuổi hiếm U100 cũng đều sẵn sàng bước lên sân khấu để một lần nữa tỏa sáng.

Ngày chuẩn bị để phát động cuộc thi, BTC cũng rất lo lắng không biết sự kết hợp giữa người cao tuổi và nhân viên Diên Hồng có ổn không, không biết các cụ có muốn tham gia không. Thế mà vừa phát động cuộc thi, ông Viễn cơ sở 3 đã làm cho tất cả mọi người bất ngờ vì sự chăm chỉ, nhiệt huyết của ông. Là một cựu giảng viên múa của trường Sân khấu điện ảnh, ông Viễn mang trong mình một tình yêu nghệ thuật, tình yêu đối với nghề múa. Dù bây giờ ông có tuổi rồi, những bước đi cũng thận trọng hơn nhưng khi nghe tin có cuộc thi tài năng, ông đã tự chuẩn bị nhạc rồi biên đạo và lựa chọn bạn diễn cùng.

Sau khi đổi rất nhiều bạn diễn, cuối cùng ông Viễn cũng chọn được bạn diễn ưng ý

Vì là cuộc thi tài năng nên các tiết mục dự thi cũng trở nên phong phú hơn, độc đáo hơn. Đội thi của cơ sở 1, 2 tái chế rác thành trang phục thời trang khiến khán giả bên dưới vỗ tay liên tục vì quá đẹp, quá độc lạ. Ông Ngà (người cao tuổi đang an dưỡng tại Diên Hồng 2) cũng tham gia với vai trò người mẫu đi trình diễn. Khoác trên mình bộ trang phục tái chế, đeo một chiếc kính râm trông thật thời trang cộng với những bước đi thật tự tin, chẳng ai nghĩ ông đã ở độ tuổi U100. Ông bảo ngày xưa làm bộ đội đi leo núi trèo đồi nhiều nên trộm vía đến bây giờ vẫn khỏe.

Những bộ trang phục tái chế của đội thi cơ sở 1

 

Bộ sưu tập thời trang tái chế phong cách dạ hội của đội thi cơ sở 2

 

Sau vòng bán kết tại cơ sở 1, tiết mục của ông Việt và đội thi của ông trở thành tâm điểm của sự chú ý vì diễn xuất cũng như sự đầu tư của ông. Ông Việt đã rời xa Diên Hồng hơn 8 tháng. Ngày mới vào, thần trí ông không ổn định, nhưng sau khoảng thời gian 2 năm ở Diên Hồng, ông đã ổn định và đã về nhà để chăm cháu giúp con trai. Nhà ông cũng ở Hà Đông, ngay gần cơ sở 1 nên thỉnh thoảng có sự kiện, mọi người lại mời ông lại vào chơi. Đang ở cùng các cụ, có người trò chuyện, giờ về nhà, ông cũng có phần lưu luyến. Từ hôm được các bạn điều dưỡng viên mời vào đội để cùng tham gia thi, ông ngày nào cũng đi xe vào trung tâm 2 lần để tập luyện kịp cho ngày thi bán kết. 

Ông Việt rất xúc động khi lại được quay trở lại Diên Hồng, cảm nhận không khí vui vẻ nơi đây

Để cho tiểu phẩm kịch thêm phần chân thực, ông đã xé rách một bộ quần áo để vào vai một người lang thang uống rượu. Sự phối hợp của ông cùng các cháu đã chạm đến cảm xúc của nhiều khán giả phía dưới và đã giúp đội ông có một vé tiến thẳng vào chung kết.

Phần thi cắm hoa của bà Dung và chị Hiền (điều dưỡng viên cơ sở 1)

Điệu nhảy sôi đông, tràn đầy năng lượng của đội bà Tòng (cơ sở 2)

Màn trình diễn võ thuật của đội thi cơ sở 3

Những món đồ chơi dân gian bằng lá cây được tạo ra bởi đội thi cơ sở 4

Tiết mục múa cùng quạt của đội bà Dung (cơ sở 4)

Vòng bán kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng Diên Hồng – DienHong’s Got Talent khép lại với rất nhiều những tiết mục đặc sắc, mang lại rất nhiều cảm xúc cho khán giả tham dự. Không phải người cao tuổi nào cũng chậm chạp, cũng trở nên u buồn, chán nản. Ở Diên Hồng, rất nhiều người cao tuổi có mong muốn được tham gia các cuộc thi, được thử sức mình ở các hạng mục khác nhau. Các cụ đôi khi còn năng động, say mê và đầu tư cho cuộc thi hơn cả các cháu.

Cuộc thi không chỉ giúp người cao tuổi thực hiện lại đam mê nghệ thuật nào đấy mà họ từng bỏ lỡ trong cuộc đời mà còn thể hiện sự tự tin và trình độ của mình khi bước lên sân khấu để tranh tài với các đội thi khác. Từ việc hát ca khúc nổi tiếng đến biểu diễn các bài múa, các động tác võ thuật, mỗi đội thi đều đã để lại ấn tượng sâu đậm trong trái tim khán giả.

Xem thêm

Người cao tuổi gặp khó khăn trong môi trường tập thể

Càng lớn tuổi, chúng ta càng trở nên thu mình lại, ít giao tiếp với bên ngoài hơn. Bạn bè đồng trang lứa ở tuổi này không còn nhiều, mà còn ít gặp, ít tiếp xúc. Người ta bảo tuổi già trái tính trái nết, vì về già, khi cơ thể không còn khỏe mạnh, chúng ta thường dễ cáu gắt hơn vì không còn cơ thể khỏe mạnh như trước, cũng trở nên ích kỷ hơn giống như quay lại là một đứa trẻ. Nhiều gia đình chia sẻ ba mẹ giờ già khó tính quá, ở nhà con cháu làm gì cũng không vừa ý. 

Nhu cầu gửi bố mẹ vào dưỡng lão ngày càng nhiều kéo theo sự ra đời của rất nhiều những viện dưỡng lão mới. Vào viện dưỡng lão, ba mẹ sẽ có thêm những người bạn già, sẽ được chăm sóc về cả thể chất và tinh thần, có thêm người trò chuyện, những người bạn thấu hiểu mình, các cụ có thể thấy tinh thần thoải mái hơn. Các trò chơi tại trung tâm cũng giúp các cụ gắn kết hơn, thân thiết hơn. Ở Diên Hồng, có rất nhiều những đôi bạn thân, các cụ vào đây, gặp nhau, trò chuyện, sinh hoạt cùng nhau và trở nên thân thiết. Như cặp đôi bà Thân và bà Nhật cơ sở 4, hai bà rất thân với nhau, đi đâu cũng gọi nhau đi, làm gì cũng phải có 2 người mới chịu. Nhìn 2 bà lúc nào ở gần nhau cũng cười nói vui vẻ, trông rất hạnh phúc. Hay cặp đôi ông Dũng và ông Thịnh ở cơ sở 2,  ông lúc nào ăn cơm cũng ngồi cạnh nhau, đi ra ngoài thì phải nắm tay nhau cùng đi để không bị lạc mất. Dù đi cùng cả đoàn, có sự điều phối và quan sát của các bạn điều dưỡng viên, nhưng trong chuyến tham quan Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam, 2 ông vẫn luôn nắm tay nhau từ lúc đi đến lúc về.

Đôi bạn thân ông Dũng và ông Thịnh (cơ sở 2) lúc nào cũng nắm tay nhau đi

Nếu người cao tuổi vào dưỡng lão ai cũng được như vậy thì tốt quá. Các cụ ở trong này cứ hòa thuận với nhau thì lúc nào cũng vui vẻ. Thế nhưng, không phải người cao tuổi nào cũng dễ tính và dễ hòa đồng. Ở dưỡng lão không chỉ có các cụ khỏe mạnh, minh mẫn. Có rất nhiều người cao tuổi bị lú lẫn, từ nhẹ đến nặng. Nhiều người cao tuổi bị lẫn nhưng ở mức độ nhẹ, gia đình đôi khi không thể nhận ra và không tin rằng ba mẹ mình bị như thế. Có cụ thì luôn kể về một chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi, có cụ thì luôn nghĩ rằng có người ăn trộm đồ của mình,… Khi các cụ ở trong môi trường tập thể, những nghi ngờ, những suy nghĩ của bản thân các cụ đôi khi sẽ gây ra những mâu thuẫn với các bạn cùng phòng, rộng hơn là các bạn cùng tầng.

Buổi chia sẻ về văn hóa ứng xử dành cho các cụ

Để giúp các cụ đưa ra cách giải quyết khi bị vướng và một cuộc tranh luận, cũng như để hiểu hơn về các giải quyết của các cụ, Diên Hồng đã tổ chức buổi thảo luận về Văn hóa ứng xử tại Viện dưỡng lão dành cho các cụ. Buổi chia sẻ được bạn Thanh Hải thuộc bộ phận Tham vấn tâm lý chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ các tình huống có thật tại Diên Hồng, các bạn đã làm thành một tiểu phẩm ngắn để minh họa lại cho các cụ dễ hiểu hơn. Buổi chia sẻ được các cụ rất thích, rất ủng hộ. Các cụ không ngại nói lên ý kiến cá nhân về tình huống này nên xử lý thế nào, tình huống kia thì phải làm thế nào mới đúng. Các buổi chia sẻ đều được các cụ thảo luận rất sôi nổi. Khi sống tại môi trường tập thể, đôi khi các cụ cũng sẽ không tránh khỏi những bất đồng, những lần cáu gắt với mọi người và những lần có thể bị kéo vào một sự việc nào đấy mà mình không mong muốn. 

Tình huống dễ hiểu, gần gũi cho buổi chia sẻ thêm phần vui vẻ

Các cụ rất hào hứng với chủ đề này

Ai cũng muốn chia sẻ quan điểm cá nhân của mình để tìm ta cách giải quyết cho tình huống được đưa ra

Buổi chia sẻ tuy không quá dài, nhưng cũng giúp các cụ nhận ra rằng phải bình tĩnh trước mọi chuyện và phải thông cảm cho những cụ khác vì không phải ai cũng còn khỏe mạnh, minh mẫn. Cùng nhau chung sống hòa thuận là điều không dễ dàng, thế nhưng nếu mỗi người chịu nhường một tí thì cuộc sống của các cụ sẽ thoải mái hơn, cũng sẽ trở nên vui vẻ hơn rất nhiều.

Xem thêm

Thăm quan Làng nón Vĩnh Thịnh – nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa của nghề thủ công Việt Nam

Cách cơ sở 4 chưa đến 5km có một làng nghề thủ công làm nên nét đặc trưng của Việt Nam. Nằm tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, làng nghề nón lá nơi đây đã trải qua lịch sử hàng trăm năm. Ngày ngày, các cô, các bà vẫn miệt mài gìn giữ bản sắc văn hóa của làng nghề. Những đôi bàn tay điệu nghệ, nhanh thoăn thoắt đi từng mũi kim để làm nên một chiếc nón chắc chắn, che nắng che mưa. Hình ảnh chiếc nón Việt Nam bên tà áo dài hay mộc mạc, giản dị lấp ló giữa đồng ruộng đều là những hình ảnh làm nên nét đặc trưng của đất nước hình chữ S.

Các cụ check in tại khu trưng bày các tác phẩm nón lá

Lần đầu được đến thăm quan làng nghề, được tận mắt nhìn thấy các cô, các bác, các bà đang làm ra thành phẩm hoàn chỉnh, các cụ không khỏi tò mò. Được bác Bí Thư chi Bộ đón tiếp và kể về những câu chuyện lịch sử, những dấu mốc của làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh, làm các cụ hiểu hơn về truyền thống nơi đây.

Bác Bí thư chi bộ chia sẻ rất nhiều những câu chuyện lịch sử về làng nón Vĩnh Thịnh

Chị hướng dẫn viên giới thiệu tường tận về làng nghề, về các công đoạn để làm nên 1 chiếc nón cho các cụ

Rất nhiều loại nón từ loại cơ bản, có hoa văn, hình vẽ đến những chiếc nón được xâu lại để trang trí

Có rất nhiều những chiếc nón thành phẩm được xếp thành hình để trang trí, tạo thành một góc cho khách đến có thể chụp ảnh checkin. Từ những chiếc nón lá nhỏ có hình cờ đỏ sao vàng đến những chiếc nón thêu hoa, lá, mỗi chiếc nón lại mang những nét đẹp khác nhau.

Sau khi ngắm nghía các loại nón đang được bày bán để xem được sự khác nhau giữa các loại nón thì chị hướng dẫn viên giới thiệu cho các cụ từng dụng cụ để làm nên một chiếc nón hoàn chỉnh. Ông Đức có vẻ rất hứng thú với nơi đây, vừa đến nơi khi các cụ vào chỗ ngồi thì mình ông đã đi thăm quan một mình, nhìn ngắm chỗ này chỗ kia. 

Ông Đức tò mò nhìn ngắm những thứ được trưng bày tại đây

Các cô, các bà tập trung ở nhà văn hóa để cùng làm nón. Ở đây, các cô sẽ làm từ công đoạn mở lá đến là lá, làm khung và khâu nón. Công đoạn dễ nhất là mở lá từ những chiếc lá khô đang bị xoắn lại. Vì là công đoạn dễ thực hiện nhất nên các cụ cũng được tự tay trải nghiệm. Không đơn giản chỉ là mở bung lá ra, mà phải cẩn thận để lá không rách và phải làm cho lá phẳng phiu, không còn nếp gấp để công đoạn là lá phía sau được dễ dàng hơn. Đây là công việc quan trọng đầu tiên để làm nên một chiếc nón nên các cụ đều làm rất tỉ mỉ, cẩn thận với sự hướng dẫn của bác Bí thư chi bộ và các nghệ nhân làng nghề.

Các cụ đang được hướng dẫn mở bung những chiếc lá khô đang bị xoắn lại

Công đoạn là lá yêu cầu sự tỉ mỉ cao cũng như căn nhiệt để lá bóng và không bị đỏ 

Nhìn các cô, các bà tay khâu nón thoăn thoắt, các cụ không khỏi trầm trồ, thán phục. Những đường khâu đều tăm tắp để cố định những lớp lá nón đã được là phẳng phiu, hơi bóng nhẹ. Đúng là để làm nên một thành phẩm là những chiếc nón hoàn chỉnh không hề đơn giản. 

Công đoạn làm khung nón

Từng chiếc lá được ghép vào khung với các mũi khâu đều tăm tắp

Chiếc nón là gắn liền với đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Tà áo dài Việt Nam thêm phần thướt tha, dịu dàng với sự góp mặt của chiếc nón lá. Những người nông dân vượt nắng thắng mưa cùng chiếc nón lá đi qua bao năm tháng. Nét đẹp của văn hóa Việt đã và đang được các nghệ nhân tại làng nghề nón lá truyền thống Vĩnh Thịnh gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ tương lai, để nón lá luôn là một niềm tự hào, là một nét đặc trưng của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Xem thêm