Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All Posts in Category: Tâm sự

Những lo lắng của mẹ khi con gái làm điều dưỡng viên chăm sóc người già

“Nhiều khi cô thương con, thấy nó khổ quá…” đó là những lời mà cô Lã Thị Vân, mẹ chị Nguyễn Thị Hằng (hiện đang là điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng) chia sẻ.

Ở độ tuổi 60, cô Vân vẫn còn trẻ và khỏe khoắn, nhanh nhẹn lắm. Mọi người lúc nào cũng khen cô xinh đẹp, vui vẻ. Nhưng phía sau đấy là rất nhiều những tâm sự chất chứa. Ánh mắt cô không giấu khỏi sự tự hào khi nhắc về về người con đang làm điều dưỡng viên. Nhưng cũng phảng phất những nỗi buồn, sự lo lắng của người mẹ dành cho con thấy con vẫn còn nhiều vất vả.

Chị Hằng, con gái út của cô Vân trở thành điều dưỡng viên tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng từ cuối năm 2019. Vài tháng sau, chị cũng rủ cô vào làm tạp vụ tại trung tâm cho gần mẹ, gần con. Cô chia sẻ: “Lúc đầu, chú ở nhà cũng không muốn cho cô đi làm. Nhưng cô bảo thôi cứ đi xem thế nào. Ngày mới vào làm, cô cũng lúng túng không quen việc. Nhưng rồi mọi người hòa đồng, tận tình giúp đỡ, dần dần cô cũng làm được hết. Lại thêm anh Thắng, chị Nga cũng quan tâm đến nhân viên lắm, nên cô thấy làm ở đây như vậy cũng được”.

 Trước đây khi còn nuôi các con ăn học, cô chú đi bán rau ở chợ đêm, vất vả lắm. Thương các con đi học mà ngày nào cũng phải bó rau cùng bố mẹ đến 11, 12 giờ đêm. Cô bảo nhà cô điều kiện không có nên cũng buồn vì không cho các con học thành tài được, chưa ai thành công làm cô nhiều khi cũng buồn lòng. Thế nhưng các con cô ai cũng ngoan ngoãn, cả dâu rể cũng thế, thích lắm. Vừa nói cô vừa cười vui vẻ, mọi sự tự hào về con cứ thế thể hiện rõ trên gương mặt. 

Khi được hỏi về của chị Hằng, cô thật thà chia sẻ: “Hằng nhìn thế thôi chứ nó khổ lắm, lấy chồng cũng không khá giả nhưng được cái cả 2 vợ chồng đều chịu khó lăn lộn kiếm tiền. Trước đây khi Hằng vào đây làm, mẹ chồng Hằng không thích đâu, đôi khi còn nói những lời khó nghe, làm cô cũng lăn tăn theo. Công việc chăm sóc người già mà, có sung sướng gì đâu. Nhưng cô nghĩ rồi, thôi, việc nào làm cũng được. Cô cũng động viên là con yêu nghề nào thì con cứ làm nghề ấy. Cứ quyết tâm là con sẽ làm được, không ngại gì cả. Rồi em nó cũng quyết định đi làm, gắn bó với nghề.”

Cô tự cảm thấy con gái mình rất cố gắng, kiên trì làm việc khiến cô ít nhiều cũng có phần nể phục sự cố gắng ấy của chị. Dù là út nhưng lại phải cố gắng rất nhiều, hơn cả các anh chị. Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Hằng lại càng phải quyết tâm, cố gắng nhiều hơn những người khác. Theo lời cô, trước khi vào Diên Hồng, chị Hằng làm ở những chỗ khác, có con nhỏ còn dễ chạy đi chạy lại, tối thì có thời gian ở nhà với con. Nhưng bây giờ làm ở đây, thời gian ở nhà cũng ít hơn. Hai đứa ở nhà còn nhỏ, cần mẹ kèm cặp, dạy học nhưng mẹ lại đi làm suốt, ít có thời gian ở nhà. Nhất là những hôm trực đêm, thời gian tối ở nhà cùng con lại càng ít.

Cô Vân ngậm ngùi chia sẻ: “Hai đứa nhỏ ở nhà thì chỉ có Hằng mới dạy học được thôi, nhưng mà Hằng hay phải đi trực tối. Nhiều khi biết làm thế con cái thiệt thòi nhưng vẫn phải đi. Có khi còn xin trực nhiều hơn để có thêm thu nhập.”

Có mẹ luôn ở phía sau ủng hộ, động viên, chị Hằng vẫn đang làm tốt công việc của mình tại Trung tâm. Dù công việc có những áp lực, những vất vả nhưng lúc nào chị Hằng cũng trong tâm thế sẵn sàng làm việc, ân cần chăm sóc các cụ với nụ cười luôn nở trên môi. Những cố gắng của chị, những nỗ lực mà chị đem lại đã giúp cho tuổi già của các cụ có thêm những ngày tháng vui vẻ, khỏe mạnh hơn. Biết ơn chị, biết ơn những tình cảm, nỗ lực mà chị dành cho công việc đáng quý này. Biết ơn người chăm sóc.

Xem thêm

Muôn kiểu băn khoăn có nên đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão

Quyết định về việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân, bao gồm sức khỏe, yêu cầu cuộc sống, tình trạng tài chính và mong muốn của cha mẹ.

Nếu cha mẹ cần được chăm sóc và hỗ trợ hàng ngày và không có ai trong gia đình có thể làm điều đó, viện dưỡng lão có thể là một lựa chọn tốt. Nó cung cấp môi trường an toàn và chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.

Tuy nhiên, viện dưỡng lão có thể khá tầm tiền và cha mẹ có thể phải chuyển từ nơi ở của họ hoặc từ môi trường quen thuộc. Bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố trước khi quyết định.

Trên tất cả, quan trọng nhất là đảm bảo rằng cha mẹ của bạn có đủ chăm sóc và hỗ trợ cần thiết để có một cuộc sống tốt và an toàn.

Nhiều người e ngại việc đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão là bất hiếu. Thực tế không phải mọi việc mà con cái làm cho bố mẹ của họ là bất hiếu. Trong một số trường hợp, viện dưỡng lão có thể là một lựa chọn tốt và quan trọng để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bố mẹ.

Tuy nhiên, quyết định về việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão cần phải được thảo luận với bố mẹ và các thành viên trong gia đình để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều đồng ý và hiểu rõ những lợi ích và hạn chế của viện dưỡng lão.

Nếu quyết định đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão chỉ được làm mà không có sự đồng ý hoặc hiểu biết của bố mẹ, điều đó có thể coi là bất hiếu và gây ra những trầm cảm cho bố mẹ.

Trên tất cả, quan trọng nhất là luôn luôn tôn trọng quyền lực và mong muốn của bố mẹ và cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người trong gia đình.

Xem thêm

Hành trình tìm lại chính mình của cựu Hoa khôi Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Bắc

Tôi đến thăm bà vào một ngày đầu đông. Những bông cúc họa mi đang nở rộ một góc trong căn phòng nhỏ, nơi bà Tiện cùng 2 người bạn đang an dưỡng tại dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 3. Bà đang say sưa tập luyện một bài hát quan họ. Thấy tôi bà ngừng lại, nắm tay tôi hồ hởi kéo xuống ghế ngồi. Nhưng đâu ai biết rằng 2 năm về trước cụ bà vui tươi, nhanh nhẹn này yếu và lẫn đến mức không tự lo liệu được cho mình, còn phải ngồi xe lăn.  

Bà Bùi Thị Tiện 77 tuổi, bà sinh ra và lớn lên tại Bắc Ninh. Bà từng là cán bộ thuộc sở Nông nghiệp tỉnh Hà Bắc. “Ngày xưa hồi còn công tác ở Sở, bà cũng đi thi hoa khôi rồi cũng được giải đấy”, bà phấn khích kể lại câu chuyện cũ. Còn bây giờ thì bà cũng là 1 trong số 3 cụ bà đại diện cho cơ sở của mình tham gia chung kết Hoa hậu cao niên Diên Hồng 2022. 

Cuộc đời Hoa khôi Sở Nông nghiệp có bước ngoặt lớn

Bà Tiện rất thích có người đến chơi, trò chuyện. Mỗi lần gặp người mới là bà tự hào kể về thời thanh xuân rực rỡ. Bà kể sau khi nghỉ việc ở sở Nông nghiệp, bà chuyển sang tự kinh doanh ở Bắc Ninh. Ngày đấy bà chỉ ở một mình nhưng không buồn vì lúc nào cũng có người ra người vào. Mặc dù bà có cả con trai và con gái nhưng các con đều sống ở Hà Nội cả. Các con đón mẹ đến ở cùng nhưng bà không chịu vì con cháu đi cả ngày không có ai trò chuyện cùng, chưa kể bà ở Bắc Ninh còn kinh doanh buôn bán, tự kiếm tiền lo cho bản thân. “Ngày đấy con cái thấy thế bảo bà là hay bà vào viện dưỡng lão cho có bạn có bè, có người chăm sóc. Nhưng lúc đấy bà còn khỏe, bà vẫn muốn ở lại Bắc Ninh để tự kiếm tiền không phụ thuộc vào con cháu, nên bà không vào. Nhưng đúng là người tính không bằng trời tính cháu ạ. Đến năm 72 tuổi thì bà bị mất ngủ, ăn vào mà cứ nôn rồi choáng váng và mệt mỏi. Bà cũng đi khám nhiều nơi rồi nhưng khám không ra bệnh”, bà Tiện tâm sự.

Hoa hậu cao niên Diên Hồng

Bà Tiện tham gia cuộc thi Hoa hậu cao niên Diên Hồng 2022

Theo chia sẻ của chị Mai Phương – con gái của bà Tiện: “Gia đình lúc đấy cũng hoảng loạn, cho bà đi khám ở các viện lớn như Vinmec, viện Quân Y 10 Bắc Ninh, viện Lão khoa mà cũng không ra bệnh. Bà chỉ được truyền bù nước, đạm và kali. Khi khỏe hơn thì bà lại về Bắc Ninh ở với 2 người giúp việc. Nhưng chỉ sau 2 tháng bà mất dần sức khỏe và giảm trí nhớ. Thỉnh thoảng vào giữa đêm, bà lại ra cổng nằm. Có hôm phải cõng bà lại vào nhà bà mới chịu vào. Khi ấy gia đình bắt đầu khó chịu và lo lắng về tính khí của bà. Và khi thấy tình hình của bà ngày càng tệ hơn, gia đình đã quyết định tìm đến Viện dưỡng lão.”

Bà đòi cầm dao và bật lửa đốt xe vì không muốn ai đưa bà vào Viện dưỡng lão

Chị Mai Phương tin rằng ở dưỡng lão mẹ mình sẽ đc chăm sóc chu đáo và có người trò chuyện, trông nom cả ngày lẫn đêm. Hành trình chị Phương quyết định đưa mẹ đến Diên Hồng rất nhanh khi chỉ xem thông tin qua trên internet. Bà Tiện lúc đó đã bị hoảng loạn không muốn đi đâu cứ đòi ở lại nhà và muốn chết ở tại Bắc Ninh. Bà còn đòi cầm dao và bật lửa đốt xe vì không muốn ai đưa bà đi. Gia đình đã buộc phải cõng bà và đưa vào trong xe. Khi đến Diên Hồng các bạn nhân viên rất thân thiện, chu đáo và ân cần đón bà nên bà cũng dịu đi phần nào. Thời điểm đó bà bị đau chân, đau đầu gối không đi được nên điều dưỡng phải phải bế bà vào xe lăn.

“Hai tháng đầu phải thuê riêng cho bà 1 phòng trong trung tâm và nhờ các em tắm gội mang đồ ăn cho bà.  Bà cứ đi mần sờ khắp phòng và không còn tinh nhanh, quên nhiều chuyện. Nói lung tung và kêu toàn nhìn thấy ma ngoài cửa sổ, sợ ở một mình. Khi bà đi ra phòng ăn chung còn ko nhớ đường về phòng. Chị rất lo nên cứ 3 ngày lại lên thăm nếu không lên được thì cử con gái đến chơi cá ngựa hoặc chơi bài với bà. Thấy các em ở trung tâm cũng hay nói chuyện với bà, ôm bà đầy yêu thương và vỗ về bà hàng ngày nên dần dần chị cũng yên tâm hơn”, chị Phương bồi hồi nhớ lại.

Không biết có được gọi là kỳ tích không vì lúc đưa bà vào chị Phương chỉ mong bà có người chăm sóc sức khỏe, trông nom bà hằng ngày là anh em trong nhà yên tâm công tác. Thế mà chỉ sau 2 tháng vào Diên Hồng, bà đã bình phục và nhớ được nhiều. Bà còn đọc được sách nhanh và lưu loát nữa. Tuần đầu bà ngồi xe lăn nhưng sang tuần thứ 2 bà đã tự chống gậy đi lại và thường xuyên giao lưu với các cụ. Bà rất vui khi được giúp đỡ các cụ khác như lấy đồ ăn cho các cụ, lấy nước cho các cụ. Tối đến còn mắc màn cho các cụ cùng tầng. Sau 2 tháng bà đã chọn ở ghép vì bà sợ ở 1 mình. Bà trò chuyện vui vẻ mỗi ngày với tất cả mọi người trong trung tâm. Chị Phương thấy hạnh phúc vô cùng mỗi lần vào thăm bà, chị kể: “Mỗi lần con cháu vào thăm, bà kể nhiều chuyện vui và cũng nhớ nhiều chuyện thời trẻ. Bà tăng cân dần và tươi khoẻ hơn nhiều. Chị thấy mừng vô cùng.”

“Khi nào con cho mẹ quay lại trung tâm nhé. Trong đấy ăn ngủ đúng bữa đúng giờ nên mẹ thấy dễ chịu hơn là ở nhà con.”

Quá trình bà ở Diên Hồng như thế nào được chị Phương nhớ rất rõ: “Khi bà quyết định rời cơ sở 2 sang cơ sở 3 mọi người ra ôm, khóc và không muốn bà đi. Nhờ có sự chăm sóc chu đáo, yêu thương và chế độ sinh hoạt phù hợp mà bà đã khoẻ mạnh và yêu đời trở lại. Các em trong trung tâm rất chuyên nghiệp. Các em biết tâm lý các cụ, lắng nghe các cụ và yêu thương các cụ nên bà coi trung tâm là nhà. Bà không còn gọi điện thường xuyên và cũng không muốn về nhà với con nữa”. 

Chị Phương nhớ lại thời gian bà đi Nha Trang chơi cùng gia đình hồi tháng 5 năm 2021. Khi trở về, toàn thành phố Hà Nội thực hiện cách ly xã hội nên bà Tiện đã ko quay lại Trung Tâm dưỡng lão Diên Hồng được. “Mẹ chị nhớ lắm. Ngày nào cũng bảo khi nào hết giãn cách con cho mẹ quay lại trung tâm nhé. Mẹ ở trong đấy có bạn có các cụ vui lắm, có nhiều hoạt động và được tắm nắng, tập thể dục và massage mỗi ngày. Ăn ngủ đúng bữa đúng giờ nên mẹ thấy dễ chịu hơn là ở nhà con”, chị Phương ngậm ngùi. Là con gái, chị Phương cũng có chút chạnh lòng và buồn khi nghe mẹ nói như vậy. Bản thân chị rất yêu mẹ và chăm sóc mẹ từng li từng tí nhưng lòng mẹ lại hướng về những người bạn già. Tuy nhiên, nghĩ lại chị Phương nhận ra rằng dù ở độ tuổi nào thì vẫn cần các mối quan hệ xã hội, trẻ nhỏ cần đi học để kết bạn, người trẻ cần gặp gỡ bạn bè thì người già cũng cần những người bạn lớn tuổi để dễ dàng chia sẻ. Chính vì vậy, ngay khi kết thúc thời gian cách ly, chị Phương vội vã đưa mẹ trở lại Diên Hồng. Chị Phương tặc lưỡi: “Đúng là nếu ở nhà mình cũng không có thời gian dành cho bà, các hoạt động như làm bánh trung thu, bánh trôi, chơi các trò chơi hay đưa bà tham gia các cuộc thi,… chị cũng chịu, không thể thực hiện được. Chỉ có ở Viện dưỡng lão, các bạn nhân viên vừa chăm các cụ vừa tạo ra hoạt động cho các cụ trải nghiệm.”

Bà được trải nghiệm làm tinh dầu tự nhiên

Chụp ảnh ngày Tết 

Sau 2 năm gửi mẹ ở Diên Hồng, chị Phương luôn chia sẻ trải nghiệm này với bạn bè. Chị tin rằng không con cái nào có thể chăm tốt các cụ như sự chăm sóc chuyên nghiệp và bài bản ở Trung tâm Dưỡng lão. Bất kỳ vấn đề gì gặp phải, người cao tuổi dễ dàng gọi điều dưỡng chăm sóc và nhận được sự giúp đỡ ngay lập tức. “Chị rất mừng khi mẹ chị có nơi chăm sóc tốt, an toàn và chu đáo. Chị chân thành cảm ơn các bạn trong ngôi nhà Diên Hồng và cả các ông các bà trong trung tâm nữa”, chị Phương xúc động.

Xem thêm

Tuổi già vào viện dưỡng lão là xu hướng

Xem thêm

Nỗi oan ”con bất hiếu khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão”

Gần đây, có nhiều bài chia sẻ về quan điểm tuổi già sống ở viện dưỡng lão. Nhiều người ủng hộ tư tưởng này, song cũng không ít ý kiến phản đối. Những người nói “không” với việc an dưỡng tuổi già trong viện dưỡng lão thường có lập luận: ”Con cái bất hiếu mới để cha mẹ vào viện dưỡng lão”, hoặc “con cái coi cha mẹ là gánh nặng nên mới muốn đẩy đi”. Đứng ở vị trí khách quan nhất mà nói thì ý kiến này chưa chắc đã hoàn toàn đúng.

Các cụ hào hứng viết thiệp nhân ngày Valentine 14-2

Thứ nhất, thực tế hiện nay, không ít người ở độ tuổi trung niên, có điều kiện khá giả, khi nói về kế hoạch cuộc sống tuổi già, họ đều muốn vào viện dưỡng lão. Đây là mong muốn sống chủ động, chứ không hề liên quan đến việc con cái của họ bất hiếu.

Thứ hai, việc suy luận “con cái để cha mẹ vào viện dưỡng lão là muốn đùn đẩy trách nhiệm” rất phi logic và hoàn toàn vô căn cứ. Đúng là những đứa con bất hiếu trong cuộc sống này không phải ít. Nhưng tôi tin một người muốn sẵn sàng bỏ tiền cho cha mẹ già vào viện dưỡng lão, được hưởng những dịch vụ chăm sóc tốt nhất, thì chẳng có gì đáng để hổ thẹn. Chỉ khi nào con cái bòn rút đến đồng tiền cuối cùng của cha mẹ rồi ruồng bỏ họ, thì mới đáng bị lên án.

Ngoài ra, nếu theo dõi các thông tin trên báo đài, hẳn các bạn chắc cũng biết nhiều vụ việc các cụ già sống cùng con cháu nhưng vẫn bị chính máu mủ của mình hành hung, bạo hành khi già yếu, bệnh tật. Rõ ràng, vấn đề bất hiếu không phụ thuộc vào việc bạn có sống cùng con hay không. Với những kẻ để cha mẹ ở nhà rồi đối xử tệ bạc, tôi cho rằng còn không bằng những người đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi thỉnh thoảng vào thăm nom.

Tất nhiên, cũng có những đứa con vô trách nhiệm, đùn đẩy nhau chăm cha mẹ già, nhưng liệu những người đó có chịu bỏ tiền ra để thuê một suất trong viện dưỡng lão cho các cụ hay không? Đấy mới là điều cần phê phán. Có lẽ một số bạn sẽ nghi ngờ rằng “làm gì có ai thích ở viện dưỡng lão”, chẳng qua là hoàn cảnh thế nọ thế kia. Thực ra đó chỉ là suy nghĩ chủ quan.

Các cụ cùng các bạn điều dưỡng làm chè lam

Trong xã hội, có người thích lập gia đình, sinh con đẻ cái, nhưng cũng có người thích sống độc thân. Có người thích ở cùng con cháu cho vui, nhưng cũng có người thích ở riêng để thoải mái, tự do. Điều đó cũng đơn giản như việc có người thích tụ tập đám đông, có người thích yên tĩnh một mình vậy. Đó chỉ là khác biệt về sở thích và quan điểm sống của mỗi người. Nên cũng chẳng có gì là sai hay đáng lên án ở đây cả.

Những người nói sau này thích vào viện dưỡng lão, đơn giản là họ muốn chủ động vào cuộc sống, thích sự tự do và không muốn dựa dẫm, phiền lụy đến ai. Họ có nhiều sở thích đa dạng và cảm thấy việc sống ở viện dưỡng lão cũng thú vị và thoải mái chẳng kém gì ở nhà. Ngược lại, có những người thích sống cùng và chăm sóc con cháu, nên niềm vui của họ là ngày ngày ở bên gia đình, nên sẽ không thích ở viện dưỡng lão và chúng ta cũng nên tôn trọng điều đó.

Thật ra, theo tôi, vấn đề ở đây không phải là cách con cái đối đãi với cha mẹ, mà là cách chúng ta tự lựa chọn và chuẩn bị cho cuộc sống của mình khi về già. Mà đã là sự lựa chọn cá nhân thì chúng ta có quyền suy nghĩ khác biệt. Xin đừng vội vàng đánh giá, phán xét người khác khi họ có quan điểm trái ngược với số đông.

Trên đây là quan điểm từ một độc giả trên báo VN Express, còn bạn nghĩ sao về ý kiến trên?

Theo HNT/VN Express.net

Xem thêm

Khi bà nội kiên quyết vào dưỡng lão

Ngày hôm đó, từ sẩm tối, phòng khách nhà bà nội đã bắt đầu đông đúc. Gia đình các bác, bác chú cũng dần đông đủ cả. Hôm nay bà nội mở cuộc họp gia đình.

Khoảng tuần trước bà nội không may bị ngã, từ hôm đó sức khỏe bà cũng yếu hơn, đi lại chậm hơn, nên các con muốn thay nhau đến chăm sóc, nhưng ngặt nỗi bà không chịu.

Người già vui vẻ trong viện dưỡng lão.

“Bây giờ mẹ cũng già yếu rồi, ở một mình chúng con không yên tâm, nhất là mấy hôm trước mẹ vừa bị ngã”, bác cả nói trước. Sau đó là tiếng các chú, các thím khuyên nhủ cùng. Nhưng bà không để tâm, nhìn khắp mọi người một lượt rồi bà ôn tồn bảo: “Mấy chục năm sống cho con, cho cháu rồi giờ mẹ muốn vào viện dưỡng lão để tận hưởng cuộc sống của người già. Mẹ không cần chúng mày chăm sóc, chúng mày còn phải lo cho gia đình, con cái, công việc”. Bà trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp: “Cho dù chúng mày có thoải mái, hoặc mẹ cũng không để bụng nhưng sống cùng nhau thể nào cũng có xích mích. Khoảng cách giữa các thế hệ, lối sống sinh hoạt khác nhau không thể tránh được”. Bà nội tôi tư tưởng tiến bộ lắm, trong khi các bạn già của bà vẫn đang nằng nặc muốn con cái chăm sóc, thì chẳng biết tự bao giờ bà lại có suy nghĩ vào viện dưỡng lão ở.

Nghe bà nói xong thì cả nhà ai cũng hốt hoảng: “Sao mẹ lại muốn vào trong đó, có phải chúng con rủ bỏ, không chăm sóc cho mẹ đâu, người ta chẳng ai muốn vào mà mẹ lại đòi vào”, chú út lên tiếng.

Người già trong Dưỡng lão Diên Hồng tham gia các hoạt động vui chơi.

Nghe xong bà bật cười bảo: “Thời đại nào rồi, mấy đứa còn lạc hậu thế. Chúng mày hôm trước không xem ti vi à, người ta đến quay trong viện dưỡng lão đấy, nhìn cụ già trong đấy mà mẹ phát thèm. Mẹ biết chúng mày đều có hiếu, nhưng không phải báo hiếu là giữ mẹ khư khư ở nhà. Mẹ muốn đi nhưng chúng mày không cho thì mới là bất hiếu đấy. Mẹ có lương hưu, nếu không đủ đóng thì các con góp vào. Rồi khi nào rảnh vào thăm mẹ là được”.

Bà nội tôi tính kiên định lắm, một khi đã quyết là đố ai lay chuyển được. Vậy nên gọi là họp gia đình thôi chứ thực chất là nghe bà thông báo. Các bác, các chú ai nấy đều lắc đầu ngao ngán vì không thể khuyên được bà. Nên cả nhà thống nhất bà sẽ ở thử 1 tuần, nếu bà thích thì ở tiếp, không thì bà về nhà.

Các cụ bà tại trung tâm tạo dáng đáng yêu chụp ảnh cùng cúc họa mi,

Sau khi nghe bà kể về viện dưỡng lão trên ti vi thì cả gia đình bắt tay vào truy tìm. Mừng rủi thế nào mà nó ngay Hà Nội, chứ mà trong nam thì chắc bà tôi cũng đòi đi cho bằng được. Dưỡng lão Diên Hồng có 3 cơ sở, vì thế gia đình tôi nhanh chóng chọn được cơ sở gần nhà, thế là bà khăn gói vào ở luôn. Thời hạn 1 tuần còn chưa đến bà đã bảo là không về nhà nữa, trong này vui lắm. Bà còn kể về các cụ trong đó vui vẻ thế nào, các cháu nhân viên thân thiện ra sao.

Một hôm cả nhà thấy ảnh của bà trên facebook mà ai cũng ngớ người. Trước đây bà không thích nhất là chụp ảnh ấy thế bây giờ bà lại đồng ý, mà lại còn mặc váy nữa chứ. Hôm sau thì lại thấy video của bà trên một ứng dụng, cái mà giới trẻ chúng tôi gọi là tóp tóp.

Cả nhà thấy bà vui, bà khỏe mạnh như thế thì ai cũng mừng. Đúng là dưỡng lão bây giờ hiện đại quá, có người chăm nom, cơ sở tiện nghi, sạch sẽ. Có khi sau này là bố mẹ tôi, các bác, các chú khi về già cũng muốn vào dưỡng lão ở cũng nên.

Xem thêm

Viện dưỡng lão là nơi con cái thể hiện lòng hiếu thảo?

Đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vốn là vấn đề gây nhiều tranh cãi từ trước đến nay. Có nhiều người cho rằng khi con cái không đủ thời gian và chuyên môn để chăm sóc bố mẹ già thì việc tìm đến một viện dưỡng lão chính là cứu cánh. Cũng có ý kiến cho rằng đưa bố mẹ vào dưỡng lão là bất hiếu, là ruồng bỏ trách nhiệm…

Nhiều người nói ”viện dưỡng dưỡng lão là nơi con cái chối bỏ trách nhiệm, nhưng tôi thà làm vậy còn hơn để mặc cha mẹ tự lo. Hồi còn trẻ, tôi cũng từng tranh luận khá nhiều với những “nhà xã hội học” về việc viện dưỡng lão có ý nghĩa như thế nào? Nhiều người nhìn vào mô hình này ở phương Tây mà cho rằng, đây là nơi con cái chối bỏ trách nhiệm của gia đình, tước đi sự tự do của ông bà, bỏ mặc đấng sinh thành cho sự ích kỷ riêng của bản thân. Để cho ông bà tự lo liệu tuổi già ở chốn thôn quê, để rồi nhỡ có chuyện không hay xảy ra cũng chẳng ai biết? Hay đưa các cụ vào một nơi làm dịch vụ có người chăm lo thay mình sẽ tốt hơn? Nói thật, tôi cũng không chắc lắm. Nhưng tôi cho rằng, viện dưỡng lão là kết quả từ lòng hiếu thuận của con cái. Ít nhất là vì họ không đành lòng bỏ mặc đấng sinh thành tự lo, tự diệt chứ tuyệt nhiên không phải là “nơi chối bỏ trách nhiệm” như các bạn của tôi từng tranh luận”. Đó là quan điểm của anh Mạnh (Q.N) khi bàn về quan điểm đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão có phải bất hiếu không?

Chị Vy (H.N) cho rằng: “Theo tôi quan sát, viện dưỡng lão không chỉ là nơi để con cái gửi gắm cha mẹ vì quá bận rộn. Cuộc sống hiện đại giúp tuổi thọ con người được kéo dài và một trong những cách giúp kéo dài cuộc sống con người là được chăm sóc và chữa bệnh đúng cách. Người già có rất nhiều bệnh, nếu ở cùng con cháu không có kiến thức và phương tiện y tế sẽ không thể cứu giúp được trong lúc nguy cấp. Trong khi đó, ở những viện dưỡng lão đúng tiêu chuẩn sẽ có bác sĩ lão khoa, có y tá túc trực, những nhân viên y tế chăm sóc các cụ hàng ngày, được đào tạo kỹ năng chăm sóc người già chuyên nghiệp. Vậy nên, xã hội cần thôi khắt khe với viện dưỡng lão mà nên xây dựng những quy chế quản lý chất lượng những cơ sở này để đảm bảo các cụ vào đây sẽ được hưởng các dịch vụ chăm sóc tốt. Còn niềm vui tinh thần thì mọi người cần xác định tự tìm kiếm cho mình trong từng giai đoạn của cuộc đời.”

Một ý kiến khác từ anh Dũng (H.G) : ”Viện dưỡng lão là giải pháp hoàn hảo nhất để chăm sóc người cao tuổi ở xã hội hiện đại. Nghĩ cho cùng, đến một lúc mà ta không thể điều khiển được chân tay mình như ý muốn, con người sẽ cảm thấy muốn sống nhất và muốn có con cháu ở bên để không cảm thấy cô đơn, tủi phận. Điều này tôi đã thấy ở đa số những người già. Nhưng một vấn đề khó giải quyết ở đây là con cái lại không muốn cha mẹ mình bị thua thiệt so với người khác, cũng không ai cam lòng đứng nhìn cha mẹ mình chơi vơi giữa dòng mà không có lấy một nơi để bám víu. Nhưng để thỏa mãn được đạo hiếu của mình thì đôi khi đứa con lại phải hy sinh công việc và thậm chí cả gia đình hiện tại. Những mâu thuẫn vợ chồng do trách nhiệm phụng sự cha mẹ già đôi bên là có thật, con cái phải bỏ việc ở thành phố để về quê chăm sóc cha mẹ cũng có, những vấn đề này như cái mạng nhện níu lấy cuộc sống của những người nghèo. Và giải pháp ở đây chính là viện dưỡng lão.”

Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên có cái nhìn cởi mở hơn với viện dưỡng lão? Mọi người có suy nghĩ như thế nào về những quan điểm trên thì để lại bình luận phía dưới để chúng ta cùng thảo luận nhé!

Xem thêm

Câu chuyện về những người rời con cháu, bán đất vào viện dưỡng lão

“Trẻ cậy cha, già cậy con” – quan niệm đó từ bao đời nay đã ăn sâu trong tâm thức người Việt. Nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ già từ lâu cũng trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu của chữ Hiếu.

Nhưng trong một xã hội hiện đại với sự cách biệt suy nghĩ, lối sống, điều kiện sức khỏe và tâm lý, việc sống nhiều thế hệ trong một gia đình có thực sự đã là điều tốt nhất dành cho cha mẹ.

Hãy lắng nghe chia sẻ của những bậc cha mẹ, dù con cháu đủ đầy và sẵn sàng nuôi dưỡng, vẫn quyết tâm vào viện dưỡng lão để sống nốt cuộc đời còn lại ngay dưới đây nhé.

 Mẹ có chỗ ở ưng ý thì đó là cách báo hiếu tốt nhất

“Vấn đề vào dưỡng lão không phải là mới có, mà tôi đã có ý định từ sau khi ông mất. Tôi nghĩ cuối cùng mình sẽ vào viện dưỡng lão để dừng chân nơi cuối đời. Lúc đó, tôi còn chưa hình dung ra viện dưỡng lão thế nào. Năm 2020, tôi lựa chọn rồi quyết định vào”, bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi), hiện sống tại Diên Hồng chia sẻ. Đây là quyết định mà bà cho là sáng suốt nhất, vì khi đó dịch bệnh xảy ra, bà ở viện dưỡng lão lại an toàn hơn ở nhà. Nên con cái trong nước và ngoài nước yên tâm lắm, không phải lo gì cho bà.

Bà Biển thể hiện phần thi tài năng trong cuộc thi Hoa Hậu Cao Niên Diên Hồng 2020.

“Lý do tôi muốn vào đây vì muốn tạo điều kiện an tâm cho các con. Tất nhiên, khi vào viện dưỡng lão, tôi cũng đã có suy tính là khác với ở nhà, có thể có mặt trái mà mình chưa thể thấy hết được. Nhưng điều chủ yếu con cái yên tâm làm ăn, không bắt anh chị nào phải chăm mẹ rồi những người con khác phải phụ thuộc. Vậy nên tôi vào đây là gần trung tâm nhất. Các con cứ việc đến và coi như đây là nhà của mẹ”, bà Biển cười tươi kể.

Ở đây chăm sóc tốt rồi, nên con cái đến chỉ là để giải quyết tình cảm gia đình thôi. Bởi vậy mình cứ yêu cầu con phải đến lúc này, lúc kia thì nó nặng nề quá. Hơn nữa bà lại có chiều hướng ngăn cản con cái đến nhiều. “Vì mỗi lần đi lại đường xá xa xôi, con đi là mẹ lo, con về mẹ càng lo, bởi vậy tốt nhất là mình cứ điện thoại, và ít đến thăm, đến thăm thì phải thật thoải mái và đi về an toàn”, bà chia sẻ thêm.

Bà Biển (bên phải) cùng bạn thân (Bà Dành) chụp ảnh kỷ niệm trong dịp khai trương cơ sở mới.

“Có nhiều người suy nghĩ con cái để cha mẹ ở viện dưỡng lão là bất hiếu nhưng tôi không nghĩ thế. Chính các con cũng xác định mẹ có chỗ ở ưng ý thì là báo hiếu rồi. Chứ mẹ mà ở nhà các con, nay buồn, mai giận cũng không hay. Cách báo hiếu tốt nhất của các con chính là để mẹ vào được dưỡng lão. Nếu chúng ta còn suy nghĩ cổ hủ mẹ nuôi con rồi bây giờ con phải nuôi mẹ thì phức tạp, tôi không nghĩ thế. Các con nghĩ cho mẹ, muốn mẹ vui chỉ cần cuộc sống của con càng tốt, càng hơn bố mẹ là nhà có phúc. Tôi thấy bằng lòng với cuộc sống của mình cả từ lúc trẻ đến bây giờ sắp sửa hai tay buông xuôi. Đó cũng là điều giúp mình sống dài, khoẻ, vui”

Tuy xa con cái nhưng hóa ra lại gần

Do tuổi cao nên ông Nguyễn Như Ngà (92 tuổi) đã quyết định vào dưỡng lão hơn 1 năm nay. Vợ ông Ngà hiện đang ở cùng người cháu, thi thoảng đến đây thăm nom chồng. Với ông, cuộc sống ở đây mọi thứ tốt, chu đáo.

Ông Ngà hiện đang ở một mình tại Diên Hồng.

“Ông thấy ở đây rất tốt, được các cháu chăm nom chu đáo, không khí trong lành hơn trên phố. Việt nam mà tổ chức được các trung tâm như thế này là quá quý, sự thật nhiều người có tiền nhưng không có trung tâm này thì cũng chịu, vì con cháu làm sao trông nom được. Tôi ở đây các con đi làm xa cũng yên tâm, có điều dưỡng, bác sĩ chăm sóc, thi thoảng các cháu tổ chức giao lưu, đi chùa… nếu ở tuổi này không giao lưu gì dễ cô đơn, trầm cảm. Tuy nói là xa con cái nhưng hóa ra lại gần, cuối tuần, lễ tết chúng nó còn dành thời gian vào thăm mình”, ông Ngà chia sẻ

Ông Ngà cũng quan niệm rằng: “Mỗi thời mỗi khác, bây giờ con cái là phải bung ra, đi xa để học tập, làm việc, giao lưu, nên việc quần tụ gia đình sẽ gây ra nhiều hạn chế nhất là trong xã hội ngày nay”.

“Vài bạn bè tôi hỏi sao lại vào viện dưỡng lão, tôi bảo vào đây quá tốt. Nước ngoài đã có những bước đi như vậy lâu rồi. Ở đây hàng ngày được chăm sóc điều độ mình và các con đều thấy vui và yên tâm. Nếu ai đó suy nghĩ về viện dưỡng lão bị con cháu bỏ rơi sẽ rất nguy hiểm, thậm chí phải nói sống như thế này quá tốt”

Cuộc sống thay đổi như nào khi vào dưỡng lão?

“Nếu không vào đây, có thể tôi và chồng đã ra đi từ lâu rồi”, chia sẻ của bà Vũ Thị Dành (84 tuổi). Hiện tại bà Dành cùng chồng, ông Vũ Đình Bưởi (92 tuổi) đang an dưỡng tại Diên Hồng. Theo lời bà kể: “Hồi đó bà không đi được toàn phải bò, còn ông thì cắm ống xông.Ở nhà có giúp việc nhưng mà họ không có nghiệp vụ nên không chăm sóc được. Đến Tết năm 2019 ông bà quyết định vào dưỡng lão. Ở trên này được các bạn chăm sóc, hỗ trợ tập luyện, dần dần thì bà cũng tự đi được, ông cũng tập nói, tập giơ tay, giơ chân. Sáng nào ông cũng tập đếm từ 1-20”. Hiện tại bà còn trồng rau, trồng cây ngoài ban công, hằng ngày tưới cây cũng xem là một thú vui của tuổi già”.

Bà Dành cũng mảnh vườn nhỏ của mình ngoài bạn công

Còn với bà Biển, từ khi vào trung tâm bà thấy sức khỏe của mình tốt hơn nhiều, vì mọi sinh hoạt đều có giờ giấc khoa học, các hoạt động vui chơi giải trí cũng đều đặn. “Trung tâm hay có nhiều hoạt động lắm, tháng 11 năm ngoái bà tham gia hoa hậu cao niên. Còn 20/10 năm nay, bà cũng tham gia đội múa, không những thế còn được mời làm giám khảo chấm thi cho các cụ ông”, bà Biển tươi cười kể lại.

Yêu thương ai đó có thể là cho họ được sống cuộc sống thoải mái nhất. Bố mẹ mong muốn con cái được thoải mái theo đuổi ước mơ, xây dựng cuộc sống riêng của chính mình, còn con cái mong muốn cha mẹ sống trong điều kiện tốt nhất với chế độ chăm sóc phù hợp nhất. Vậy nên câu chuyện con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn nhận nhiều tranh cãi với các quan niệm khác nhau. Tuy nhiên thực sự lắng nghe mới thực sự hiểu biết được cha mẹ cần gì.

Xem thêm

Quyết định vào dưỡng lão Diên Hồng là lựa chọn đúng đắn hiếm hoi trong đời

Tôi gặp một cụ bà tóc trắng bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu như một bà tiên trong Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Cách bà nói chuyện cũng nhẹ nhàng, dịu dàng như chính dáng vẻ của bà nên lần nào vào chơi với các cụ, tôi cũng phải ghé vào phòng bà.

Vào dưỡng lão là quyết định đúng đắn nhất của bà. Ảnh minh họa

Bà có 4 người con, 3 gái, 1 trai. Hai con cả đều đang sống ở nước ngoài, 2 con gái út ở Hà Nội. Các con đều thành đạt. Bà trước đây cũng từng làm lãnh đạo cấp cao trong công ty trước khi về hưu. Nhìn bà vẫn còn khoẻ, vẫn tự giặt giũ được nên tôi thắc mắc sao bà không ở cùng các con cho vui lại vào đây sống. “Tại sao bà lựa chọn vào dưỡng lão sống ạ?”, tôi tò mò hỏi bà. Bà mỉm cười kể trước khi vào đây là bà cũng ở riêng chứ không ở cùng các con. Bà có 1 căn chung cư 54m2 cùng toà với nhà con gái út. Bà quan điểm là mỗi thế hệ có cách nghĩ, cách sinh hoạt khác nhau. “Bà già rồi, ăn uống đơn giản, chỉ thích ăn ở nhà, ngại đi ăn ngoài hàng. Mình đi ngủ sớm nên cũng thích ăn tối sớm, 6h mà chưa ăn là bà choáng váng rồi. Vậy nhưng đám trẻ nhà bà toàn cứ 7h tối mới về, bắt đầu ngồi vào mâm cũng phải tầm 8h tối. Tuần nào cũng lôi nhau đi ăn nhà hàng. Bà không theo được”, bà kể. Bà cũng tâm sự rằng cuộc sống của con cháu hối hả quá, bà không quen. Các con thì bận làm việc rồi các quan hệ xã hội, các cháu thì hết học hành ở trường lại đến đi học thêm. Ai cũng bận bịu nên ít khi cả nhà đông đủ nên bà ở chung cũng không khác gì ở riêng. Chính vì vậy, bà chọn ở riêng cho tiện.

Ở Diên Hồng, người già sinh hoạt, ăn uống theo giờ nên rất điều độ

Một lần bà đang đi thì bỗng nhiên thấy chóng mặt, đau đầu như búa bổ, tay chân bủn rủn ngã nhào xuống. Bên mắt trái cứ mờ mờ. Bà khua tay sờ cái chân bàn để víu đứng lên thì lại khuỵ xuống. “May quá cái điện thoại ở trên mặt bàn, bà cố với được gọi cho con về đưa đi cấp cứu. Sau vụ ấy, bà cũng điều trị nửa tháng ở bệnh viện rồi còn đi châm cứu nữa thì cơ thể hồi phục trở lại. Nghĩ lại vẫn thấy may mà gọi được cho con chứ nếu ngã trong nhà vệ sinh thì chắc xanh cỏ rồi”, bà dí dỏm.  

Khi vào dưỡng lão, người già được các bạn điều dưỡng chăm sóc

Sau lần ấy bà thấy không yên tâm khi ở một mình nên quyết định gọi cho con gái út đưa đi tìm một trung tâm dưỡng lão phù hợp để trao thân. Bà tâm sự: “Sau khi đi tham quan vài nơi thì bà đã chọn được Diên Hồng. Sau hơn 2 năm gắn bó, bà thấy hoàn toàn hài lòng, không có điều gì phải lăn tăn cả. Cuộc đời bà có nhiều quyết định sai lầm nhưng lần này bà đã chọn đúng rồi”. Hiện tại bà đang có một người bạn thân trong trung tâm đi đâu cũng rủ nhau đi. Ngày mới vào thì bà hay bảo các con mang sách vào nhưng giờ thì không cần nữa vì đã có sách của trung tâm. Thấy bà thích đọc tiểu thuyết viễn tưởng, lãnh đạo trung tâm đưa cho bà mấy chục cuốn, vẫn chưa thấy đòi lại, bà đang đọc lượt 2 những cuốn sách này và vẫn thấy hay. Bà nhắn nhủ: “Cháu ạ, sống thọ hay không có số rồi nhưng lựa chọn sống như thế nào là quyền của mỗi người. Cứ vui vẻ đón nhận mọi thứ thì không có gì phải lo lắng hay nuối tiếc nữa”.

Xem thêm

Người trẻ phản đối quan điểm con cái phải phụng dưỡng bố mẹ

Việc xây dựng gia đình, sinh con để sau này già có chỗ dựa vào đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người Việt. Tuy nhiên, trong thời đại mới, nhiều người trẻ bắt đầu phản ứng và muốn thay đổi nếp nghĩ này.

Chị Lâm An (Hà Nội) gần 40 tuổi, chưa lập gia đình. Chị thường xuyên bị bố mẹ giục cưới, hàng xóm khuyên bảo phải lấy chồng rồi có đứa con để già có người chăm sóc. Họ cho rằng lúc trẻ có thể sống độc thân thấy thích nhưng khi già rồi, xung quanh không có ai thì mới biết đó là bi kịch. Chị An cho rằng việc bản thân sinh ra 1 đứa con và áp đặt cho nó trách nhiệm phải là chỗ dựa cho mình là một điều không nên. Chuyện lập gia đình cũng là việc không bắt buộc, nó là suy nghĩ và sự phù hợp của mỗi cá nhân, không phải là mọi người đều phải lập gia đình và sinh con thì mình cũng phải thế. “Với tôi, nó là nhân duyên. Nếu có gia đình thì tốt, không lập gia đình cũng không sao cả, tự bản thân chủ động về kinh tế, tự lo cho mình một khoản tích lũy để về già vào viện dưỡng lão vẫn sống tốt”, chị An chia sẻ.

Nhiều ông bà ở Diên Hồng cũng chủ động về kinh tế để vào dưỡng lão.
Ảnh minh họa

Cũng giống chị Lâm An, chị Hồng Minh (Hải Phòng) – một bà mẹ 3 con cũng không thích suy nghĩ con cái phải phụng dưỡng cha mẹ. Nếu con cái có phụng dưỡng, hãy để nó xuất phát từ chính tình cảm của con mình, chứ không phải bởi vì chúng ta đã bỏ công bỏ sức nuôi chúng nên bạn đòi hỏi con cái phải “có hiếu” với mình. Chị Minh nhấn mạnh: “Với tôi, đó không phải là chữ hiếu, mà đó là bạn đã cho con 1 cách tư lợi, nuôi con giống như nuôi gà vịt, đợi tới ngày lấy trứng, lấy thịt”.
Chị Minh cho rằng con cái có hiếu là chúng tự lập, sống có trách nhiệm, trưởng thành rồi không ăn bám bố mẹ nữa chứ không phải suốt ngày cung phụng, nghe lời và hầu hạ cha mẹ. Trong xã hội xuất hiện một số người con ruồng rẫy cha mẹ, đẩy cha mẹ ra ngoài đường sau khi cha mẹ chia hết nhà cửa, đất đai cho con. Nhiều người chê trách sự bất hiếu của những người con này nhưng một bộ phận không nhỏ đẩy trách nhiệm về phía cha mẹ. Việc con cái bất hiếu cũng là do lỗi giáo dục của cha mẹ. Ngay khi con còn nhỏ, phụ huynh cần dạy con biết yêu thương và chia sẻ. “Hãy là những người cha mẹ hiểu chuyện , sống vô tư với cuộc sống của riêng mình, thì khi đó, tôi nghĩ con cái chúng sẽ tự nguyện muốn ở gần bạn, chăm sóc cho bạn chứ phải phải vì ép buộc, vì trách nhiệm. Nếu chúng có không muốn ở gần, cũng không sao cả, bạn có cuộc sống tự do với những người bạn già trong nhà dưỡng lão, sống được bao nữa mà sân si với đời. Nghĩ vậy, làm vậy không phải nhẹ lòng sao?”, chị Minh chia sẻ. 

Tìm niềm vui với những người bạn già trong viện dưỡng lão.

Nhiều người U40, U50 không bao giờ nghĩ sẽ dựa vào con cháu khi về già nhưng họ vẫn mong muốn được tự tay chăm sóc bố mẹ mình. “Tôi luôn dự phòng cho tuổi già của mình không phải dựa ai. Tuy nhiên với bố mẹ tôi lại nghĩ khác. Tôi chăm sóc bố mẹ hết sức có thể. Lần đầu tiên đưa mẹ đi khám bệnh tôi đã rất sợ. Tôi tự hứa sẽ nỗ lực thật nhiều để khi bố mẹ ốm đau có thể đưa đến khám chữa ở nơi tốt nhất”, chị Minh nói thêm.

Cho dù việc phụng dưỡng cha mẹ là xuất phát từ trách nhiệm hay tình yêu thì người già vẫn cần được chăm sóc. Việc phụng dưỡng cha mẹ già tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình. Anh Huy Bình (Hà Nội) bày tỏ: “Ai có điều kiện để cha mẹ già ở chung để chăm lo là tốt. Ai không có điều kiện chăm sóc cha mẹ, thì nên đưa cha mẹ già vô một nhà dưỡng lão “tốt” như Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng để họ chăm sóc, miễn là nơi đó cha mẹ tìm được niềm vui sống”.

Xem thêm