Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

Nghề nào mà chẳng có “sóng gió”

Bất cứ công việc nào cũng có những mệt mỏi, những áp lực. Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời cũng như ở mỗi công việc khác nhau thì áp lực chúng ta nhận được cũng khác nhau. Với nhân viên kinh doanh thì áp lực từ khách hàng, đơn hàng, kpis,… hay những áp lực của một nhân viên kế toán lại đến từ những con số, hóa đơn, chứng từ,… Vậy đối với những điều dưỡng viên hằng ngày ở bên, chăm sóc cho người cao tuổi thì áp lực là gì? 

Người ta hay bảo, điều dưỡng viên là nghề làm dâu trăm họ. Ai cũng biết người già thường khó tính, khó chiều hơn. Việc chăm sóc, yêu thương ông bà mình đã khó, công việc này còn khó khăn, mệt mỏi hơn rất nhiều. Không chỉ một mà rất nhiều người cao tuổi cần có sự chăm sóc của các bạn điều dưỡng viên. Các cụ tuổi cao, sức yếu lại còn mang trong người rất nhiều bệnh. Mỗi cụ lại mắc cơ số bệnh khác nhau mà các bạn điều dưỡng viên khi chăm sóc phải ghi nhớ để theo dõi.

Chị Lê Thị Tuyết, một điều dưỡng viên kỳ cựu đã gắn bó với Diên Hồng suốt 6 năm qua cũng đã không ít lần rơi nước mắt khi làm việc vì những áp lực chị gặp phải khi làm việc. Chị bảo công việc nào cũng có khó khăn, cứ làm lâu rồi mình quen dần thôi chứ áp lực làm sao hết được. Ngày nào cũng tiếp xúc với cả chục cụ, mỗi cụ một tính. Mỗi cụ mỗi bệnh khác nhau nên ăn uống cũng khác nhau. Thời gian đầu khi mới đi làm, chị cũng chưa quen được, mãi mới nhớ hết đặc điểm của từng cụ. Chị bảo cứ làm lâu rồi ắt sẽ nhớ hết, các cụ vừa là bệnh nhân, vừa là người nhà của mình, mình không chăm lo cho người nhà thì còn chăm lo cho ai.

Việc chăm sóc cho các cụ cũng đã có những áp lực riêng, thế nhưng, gia đình, người thân các cụ khi không hiểu rõ bệnh tình của bố mẹ mình làm các bạn điều dưỡng viên, không riêng gì chị Tuyết, đều cảm thấy mệt mỏi và áp lực hơn. Nhiều cụ bị lẫn nhưng gia đình không phát hiện ra, khi phải đưa ra các phương pháp xử trí cho các cụ thì gia đình không đồng ý. Hay có nhiều gia đình rất khó tính, phải làm theo yêu cầu riêng của gia đình khi chăm sóc các cụ. Mà số lượng điều dưỡng không nhiều, nên số lượng các cụ cần chăm sóc của 1 bạn rất nhiều. Chị bảo cũng may không phải gia đình nào cũng thế, nên chị cứ làm tốt nhất có thể thôi.

Cũng như chị Tuyết, chị Mùi cũng đã gắn bó với Diên Hồng cơ sở 2 hơn 4 năm. Đối với chị, chị không cảm thấy bị áp lực nhiều như những người khác. Chị bảo chị nhanh quên, ức chế lúc đấy thôi chứ về nhà nói chuyện vui vui với các bạn rồi lại thôi, lại quên, hôm sau đi làm lại bình thường. Cách giải tỏa stress của chị nghe thì đơn giản, nhưng đối với chị, nó lại là liệu pháp giúp tinh thần chị được hồi phục nhanh nhất.

Đương nhiên để có được tinh thần ổn định như bây giờ, chị cũng đã từng trải qua những sóng gió. Thời gian đầu khi mới làm việc, chị cũng không ít lần uất ức mà muốn bỏ việc. Chị chia sẻ: “Nhiều khi chăm các cụ lẫn, mình cũng ức chế. Rồi áp lực từ cấp trên nữa làm mình lúc đấy chỉ muốn nghỉ việc. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại là mình có tức với các cụ lẫn thì cũng không giải quyết được việc gì. Dần dần rồi cũng quen dần. Vào đây làm chị thay đổi tính cách nhiều lắm. Trước đây chị nóng tính, không tiết chế được cảm xúc. Mà bây giờ ở với các cụ lâu dần rồi cũng biết kiềm chế lại. Chắc vì thế mà chị không thấy công việc này áp lực nhiều nữa.”

Rõ là khi nhìn vào, mọi người đều thấy điều dưỡng viên là công việc rất mệt mỏi, áp lực. Nhưng theo như chia sẻ của chị Tuyết và chị Mùi, các chị đang lựa chọn một cách nhìn tích cực hơn, không vội vàng, dần dần làm quen với công việc và gắn bó với công việc mình đang làm. Đúng là công việc nào cũng có áp lực nhưng chỉ cần biết thông cảm, nhìn vào những điều tích cực trong công việc thì mọi khó khăn, áp lực chúng ta đều có thể vượt qua.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

1 × three =