Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All Posts in Category: Cuộc sống tại Diên Hồng

Quốc tế người cao tuổi: Không bao giờ là quá già để tươi trẻ

Ngày Quốc tế người cao tuổi là một ngày hành động quốc tế do Liên Hợp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trong mọi nước thành viên vào ngày 1/10 hàng năm (Theo Wiki). Ngoài ra, đó còn là ngày để tôn vinh, khen ngợi những đóng góp mà người cao tuổi đã làm cho xã hội.

Hòa chung không khí của ngày đặc biệt đó, vào ngày 1/10, tại Dưỡng lão Diên Hồng đã diễn ra chương trình chào mừng “Tết của người già” với chủ đề “Không bao giờ là quá già để tươi trẻ”. Xoay quanh chủ đề là nhiều hoạt động thú vị, thu hút sự tham gia của đông đảo cư dân cao niên đang an dưỡng trung tâm.

Không bao giờ là quá già để tươi trẻ.

Chiều ngày 30/9, tại Diên Hồng cơ sở 2 đã diễn ra lớp học múa có một không hai, bởi lẽ những học viên chính là những cụ bà U80, U90. Khoác trên mình những trang phục lộng lẫy, người lắc lư theo điệu múa, chân bước theo điệu nhạc, các cụ bà ai nấy đều vui vẻ và phấn khích. Xem thêm: Những vũ công múa bụng ở tuổi xưa nay hiếm.

Bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi) bày tỏ sự thích thú không thôi. Lúc đầu rủ bà đi bà còn e ngại, vì “mình già rồi múa may không hay”, nhưng sau khi được cô giáo hướng dẫn, được mặc đồ đẹp để biểu diễn thì bà lại hệt như một đứa trẻ, vừa đi vừa xòe váy, chân nhảy từng bước theo nhịp.

Một số hình ảnh về trò chơi Quay vòng tuổi

Trong chương trình kỷ niệm, các ông bà được tham gia trò chơi Quay vòng tuổi để giới thiệu về bản thân. Điều đặc biệt là những độ tuổi được ghi trên đó đều rất trẻ, nào là mười tám, đôi mươi, nhiều hơn một chút thì lên tới U40, 50. Bà Thanh ngai ngùng giới thiệu “Tôi là Nguyễn Thị Thanh, năm nay 18 tuổi”. Trong khi bà Thanh còn e ngại thì bà Mẫn lại dõng dạc “Tôi là Nguyễn Thị Mẫn, năm nay 17 tuổi” rồi phá lên cười tươi rói. Ông Việt thì bảo “Thấy mình ít tuổi quá, thành lại nhớ đến ngày đầu tiên đến nhà người yêu, bố mẹ người yêu cũng hỏi cháu tên gì, bao nhiêu tuổi”.

Ông Việt hào hứng giới thiệu bản thân

Sau đó là phần trình diễn trang phục thu đông do chính ông bà biểu diễn. Dưới bàn tay sáng tạo của điều dưỡng viên, các ông bà được khoác lên mình những bộ trang phục ấn tượng, trình diễn chuyên nghiệp. Đem lại sự hào hứng, thích thú cho tất cả mọi người.

Các ông bà hóa thân thành những người mẫu, sải bước trên sàn trình diễn

Bà Ngát là một trong 4 “người mẫu” của cơ sở 1, sau khi nghe các bạn kể về phần trình diễn, bà đã hồi hộp, lo lắng mãi vì trước giờ bà đã trình diễn bao giờ đâu. Nhưng dưới sự cổ vũ nhiệt tình của tất cả ông bà và các bạn nhân viên, bà đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình trong tiếng vỗ tay chúc mừng.

Bà Ngát cực kỳ phong cách trong trang phục tomboy

Nếu tuổi trẻ còn nhiều tiếc nuối, còn nhiều điều chưa thực hiện được thì hãy để tuổi già bù đắp lại. Vì không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, cũng không bao giờ là quá già để tươi trẻ.

Xem thêm

Hành trình thiết lập hàng rào bảo vệ người già tại Dưỡng lão Diên Hồng

Sẵn sàng nhập ngũ trong cuộc chiến chống Covid

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Tp. Hồ Chí Minh ở thời điểm giữa tháng 7 với con số hơn 3000 ca mỗi ngày, Hà Nội cũng bắt đầu xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, Ban lãnh đạo đã rất lo lắng cho sự an toàn của cán bộ nhân viên và nhất là người cao tuổi trong trung tâm. Trước đó, anh Đỗ Trần Hồ Thắng – Tổng Giám đốc đã quán triệt với toàn bộ Cán bộ nhân viên: “Các biện pháp phòng dịch của chúng ta phải cao hơn chỉ thị của thành phố bởi chỉ 1 ca F0 xuất hiện ở Diên Hồng, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt”. Một loạt các yêu cầu được đặt ra: Chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết, khi buộc phải ra ngoài thì nghiêm chỉnh thực hiện 5K, không ai được về quê, các nhà cung cấp chỉ giao hàng ở bên ngoài, không tiếp xúc với bất kì ai tại trung tâm… Nhưng dường như những biện pháp này vẫn không đủ để ban lãnh đạo Diên Hồng yên tâm khi CBNV vẫn tiếp xúc với bên ngoài tức là vẫn còn nguy cơ. Chính vì vậy, từ trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì CBNV đã sẵn sàng nhập ngũ để thực hiện 3 tại chỗ. 

Vượt qua nỗi lo lắng để truyền năng lượng tích cực cho người già

Nhiều CBNV chưa từng sống xa gia đình, con còn nhỏ nên dù không muốn nhưng vẫn phải để lại mọi thứ sau lưng vì mục tiêu lớn hơn “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ông bà tại Diên Hồng”. Những lúc con đau ốm hay bận chuẩn bị thi cử mà không thể về được thì lòng cha mẹ bồn chồn như lửa đốt. Ấy vậy nhưng tất cả cán bộ nhân viên phải gác lại những cảm xúc ấy để tươi cười và lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời cho người cao tuổi trong trung tâm. Các hoạt động đào tạo, chia sẻ kiến thức kỹ năng chăm sóc người cao tuổi cũng được tổ chức liên tục để vừa quên đi nỗi nhớ nhà mà nâng cao chất lượng phục vụ. Bạn Lê Tuyết chia sẻ: “Em cảm thấy nhớ nhà nhớ con lắm, con em đang ốm nên em rất lo. Thời điểm này chỉ biết cố gắng, tranh thủ học hỏi thêm từ đồng nghiệp và mang niềm vui đến cho các cụ. Mong sao nhanh hết dịch để được về thăm con”.

Hệ miễn dịch ở người già bị suy giảm nên các cán bộ nhân viên cũng tìm cách hỗ trợ người cao tuổi tại trung tâm thông qua các hoạt động thể chất. Vừa tập luyện trong không khí vui vẻ, âm nhạc sôi nổi cũng góp phần khiến ông bà vui vẻ, đỡ nhớ con cháu hơn.

Thần tốc phủ vắc xin cho người già trong trung tâm dưỡng lão

Xác định sống chung lâu dài với dịch nên ngay khi Hà Nội có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho người cao tuổi và những người có bệnh nền, Diên Hồng lập tức gửi danh sách người cao tuổi đến Trạm y tế phường nơi đặt các cơ sở của Diên Hồng. Một số gia đình vẫn còn băn khoăn, trung tâm gọi điện thoại trao đổi, cung cấp thêm thông tin để gia đình cảm thấy an tâm đăng ký cho bố mẹ mình. Do người già là đối tượng đặc biệt, có nhiều bệnh lý nền nên việc tiêm chủng cần phải chuẩn bị kĩ càng trong khâu tổ chức. Chỉ trong khoảng 1 tuần kể từ ngày gửi danh sách, trung tâm đã sắp xếp 6 nhóm tiêm vào các ngày khác nhau tương ứng với 90% các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng để đảm bảo theo dõi chặt chẽ sau tiêm. Ngay khi có thông báo được tiêm vắc xin Covid-19, bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi) đã vội vã gọi điện về khoe với con cháu ở nhà. Khi biết tin thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin thì ngày nào bà cũng ngóng đến lượt mình. Bà đã có ý định về nhà để tiêm, nhưng lại thấy giấy tờ phức tạp, mà không chắc đảm bảo an toàn như ở trung tâm nên bà quyết định đợi tiêm cùng với các ông bà khác tại Diên Hồng. Theo bà, “tiêm vắc xin là vô cùng cần thiết, vì nó vừa đảm bảo cho mình, vừa đảm bảo cho cộng đồng. Tiêm một mũi thôi đã cảm thấy yên tâm hơn hẳn.

Mồ hôi ướt đẫm lưng áo người điều dưỡng

Ở Diên Hồng phần lớn người cao tuổi phải ngồi xe lăn hoặc gặp khó khăn khi đi lại. Bởi vậy việc di chuyển người cao tuổi đến địa điểm tiêm không hề dễ dàng. Còn nhớ hôm đầu tiên 46 ông bà ở cơ sở 1 đi tiêm, từ 1h trưa, điều dưỡng đã bắt đầu đưa các ông bà ra xe. Cụ nào khỏe mạnh thì được dìu đi. Cụ nào ngồi xe lăn thì được bế lên xe, 2 điều dưỡng, một trên xe, một dưới đất cứ vậy mà hỗ trợ cho nhau. Còn cụ nào bé quá thì được “ưu ái” bế luôn một mạch lên ghế ngồi. Để cho kịp giờ tiêm, bước chân ai nấy cũng trở nên vội vã, gấp gáp hơn hằng ngày. Thoáng chốc, màu áo xanh đồng phục của các bạn điều dưỡng bị ướt sũng. Trên mặt, trên trán mồ hôi lấm tấm rơi. Nhìn vất vả là thế nhưng lúc đó chẳng ai thấy mệt, chỉ thấy trong lòng dâng lên chút vui mừng, phấn khởi. Cô Hoa, con gái ông Minh bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Nhìn các bạn bế vác các cụ thoăn thoắt mà thương và cảm phục. Mình là phận con cái chưa chăm chút được cho bố mẹ như các bạn ấy”.

Giữa hội trường rộng lớn, hơn 70 người cao tuổi tại Dưỡng lão Diên Hồng được xếp hàng ngay ngắn để hoàn tất các thủ tục tiêm chủng. Tay cầm chiếc quạt giấy, điều dưỡng Lê Phương cùng đồng nghiệp của mình thoăn thoắt len qua từng hàng ghế, từng hàng xe lăn để quạt mát cho những ông bà ngồi xa vị trí quạt. Rồi lâu lâu, bạn thì thầm hỏi nhỏ xem ông bà có mệt không, có khó chịu ở đâu không, có cần uống nước không. Những cử chỉ nhỏ bé vậy thôi, nhưng cũng khiến cho mọi người trong hội trường ấn tượng đặc biệt về một ngôi nhà chung ấm áp cho tuổi xế chiều. 

“Bà vẫn yêu Diên Hồng, nhưng sau đợt tiêm vắc xin này bà càng thêm yêu nhiều hơn bởi sự chu đáo và tận tình”, bà Nguyễn Thị Biển chia sẻ. Theo bà kể lại, từ lúc đi tiêm về, các bạn điều dưỡng cứ 2 tiếng lại đi kiểm tra một lần. Bởi lẽ phản ứng phụ sau tiêm là điều không biết trước được, nhất là đối với người già. “Nửa đêm của ngày đầu tiên, bà thấy người bắt đầu đau mỏi, nhiệt độ lúc đó chỉ hơn 37 độ. Nhưng bạn trực đã pha nước mang vào cho bà. Đều đặn  2 tiếng các bạn lại vào theo dõi nhiệt độ. Thấy các bạn vất vả cả ngày, rồi lại vất vả cả đêm mà thấy thương và yêu vô cùng”, bà Biển xúc động nhớ lại.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid 19, tiêm vắc xin chính là lá chắn hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, mọi nhà. Đối với Diên Hồng, việc tiêm vắc xin lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ tất cả đều vì sức khỏe và sự an toàn cho người cao tuổi.

Xem thêm

Nỗi lòng của các nữ nhân viên “nhập ngũ” vì người già

Khi Thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì cũng là lúc Cán bộ nhân viên tại Dưỡng lão Diên Hồng “nhập ngũ” để thực hiện 3 tại chỗ. Nhiều Cán bộ nhân viên chưa từng sống xa gia đình, con còn nhỏ, dù không muốn nhưng vẫn phải để lại mọi thứ sau lưng vì mục tiêu “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người già tại Diên Hồng”. 

Khi nữ nhân viên của Diên Hồng tham gia “nhập ngũ”.

Gạt nỗi nhớ con để về bên các cụ

“Lúc mình vào trung tâm ở, 2 bé vẫn ở quê, khi đó con mới được 11 tháng”, chị Vũ Thị Hồng Thơm (30 tuổi), mẹ của 2 bé sinh đôi chia sẻ.

Chị Hồng Thơm là trường hợp khá đặc biệt tại Diên Hồng, cuối năm 2020 chị sinh đôi được 2 bé trai kháu khỉnh. Từ nhỏ, bé thứ 2 đã quấn quýt với mẹ hơn, sức đề kháng cũng kém hơn anh. Vậy nên những ngày đầu là những ngày mà chị gặp phải rất nhiều khó khăn.

“Mỗi lúc mình gọi điện về cho con, vừa nghe thấy giọng mẹ là bé thứ 2 đã òa khóc nức nở đòi mẹ. Lúc đó, nhìn thấy con khóc mà nước mắt của mẹ cũng chảy ròng vì không thể ở bên con để vỗ về, dỗ dành. Chưa bao giờ mình phải xa con lâu ngày, nên cứ tối đến là nhớ con vô cùng, những lúc đó mình thường vào điện thoại để xem lại ảnh con cho nguôi ngoai nỗi nhớ”, chị Hồng Thơm bồi hồi kể lại.

Trò chuyện mỗi ngày cùng ông bà.

Không những thế, chị và gia đình đã lên kế hoạch cho ngày 2 con tròn một tuổi nhưng bao nhiêu dự định ấp ủ đều không thực hiện được. Gạt nước mắt, chị đành đón sinh nhật cùng con qua màn hình điện thoại.

“Sau gần 7 tuần giãn cách, may mắn các con ở nhà đều mạnh khỏe, ít quấy khóc nên mình cũng an tâm hơn phần nào. Hy vọng dịch bệnh sớm ổn định, mình xin nghỉ nhiều ngày để về nhà với con”, chị Thơm chia sẻ thêm.

“Bao giờ mẹ mới được về”

Mỗi lần gọi điện thoại về, con trai út của chị Tạ Thị Dung (32 tuổi) đều hỏi mẹ như vậy. Ngay khi vừa nhận được thông báo 3 tại chỗ, chị Tạ Dung đã vội vã gửi 2 con về cho ông bà ngoại, còn mình thì khăn gói để vào trung tâm. Ông bà ngoại ở nhà cũng đi làm nên hầu hết thời gian là 2 anh em tự chăm nhau. Giống với Hồng Thơm, thời gian đầu mới vào trung tâm 2 con ở nhà rất nhớ mẹ. Nếu như anh lớn Trường Giang (9 tuổi) đã hiểu chuyện hơn, thì em nhỏ Trường Hải (6 tuổi) lại hay khóc đòi mẹ.

Tạ Dung cùng các bà nhặt đậu hỗ trợ cho bếp.

“Trong khoảng 1 tuần đầu tiên, lần nào mình gọi điện về nhà thì con trai thứ 2 đều òa khóc rồi hỏi ‘Bao giờ mẹ mới được về’. Thấy con như vậy mình chỉ biết quay đi lén lau giọt nước mắt vừa trào ra”, chị Tạ Dung chia sẻ. 

Hôm khai giảng vừa rồi, đứa con thứ 2 của chị chính thức bước vào lớp 1. Trong cái ngày tựu trường đầu tiên ấy, Trường Hải không có bố mẹ đồng hành như bao bạn học khác. Mà chỉ có 2 anh em tự lo cho nhau, vì hôm đó ông bà phải đi làm từ sớm. “Lúc đó mình thương con rất nhiều, cảm thấy 2 con quá thiệt thòi so với các bạn, hy vọng nhanh hết dịch để mình có thể về bên các con”.

Khác với Hồng Thơm và Tạ Dung, điều dưỡng Nguyễn Thị Thuận (26 tuổi) lại mới lập gia đình từ hồi tháng 2/2021. Chưa có lo lắng về gia đình ở nhà nhưng cô ấy lại gặp rất nhiều khó khăn khi mới vào trung tâm. Lúc đầu vì lạ nhà nên ròng rã nửa tháng trời Thuận bị mất ngủ và phải dùng đến sự hỗ trợ của thuốc. Mãi đến tuần thứ 3, cô ấy mới dần dần thích nghi được. Có một điều đặc biệt là chồng của cô ấy đã nhắn tin cho Giám đốc cơ sở để xin cho vợ về thăm nhà vì quá nhớ vợ. “Lúc đó em thật sự rất bất ngờ, không nghĩ là chồng em lại nhắn tin cho Sếp để xin đâu. Nhưng thời điểm đó dịch đang rất căng thẳng nên vì an toàn của cả trung tâm em cũng không dám về”, Thuận kể lại.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng điều dưỡng Nguyễn Thuận vẫn luôn vui vẻ, mang năng lượng tích cực đến với ông bà.

Không chỉ mình Hồng Thơm, Tạ Dung hay Nguyễn Thuận, mà các bạn nhân viên ở Diên Hồng mỗi người đều mang trong mình những nỗi lòng riêng khi nhập ngũ. Có người mẹ xa quê đi làm con ốm nhưng không thể về, có cô gái người yêu lên đường chống dịch cũng chỉ vội vã chúc nhau câu bình an.

Dịch bệnh đến càng khiến chúng ta thêm trân quý những điều tưởng chừng như nhỏ bé thường ngày. Dù gặp nhiều khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng toàn thể Cán bộ nhân viên Diên Hồng đều cố gắng mang lại một sức khỏe tốt nhất, một tinh thần lạc quan nhất cho người cao tuổi.

Xem thêm

Thú vui tao nhã của cụ bà tại Diên Hồng

Ai đó từng nói với tôi, khi về già chỉ mong có mảnh vườn nhỏ để lúc rảnh rỗi trồng thêm vài chậu hoa, ươm vài luống rau, vui vẻ qua ngày. Nhưng rồi họ lại hốt hoảng vì nhỡ một mai có vào dưỡng lão thì làm sao mà hưởng được cái thú vui đấy nữa. Tôi chợt nghĩ nếu là điều mình muốn thì cho dù ở hoàn cảnh nào cũng đều không quan trọng, giống như câu chuyện về một cụ bà 84 tuổi mà tôi sắp kể dưới đây.

Khu vườn nhỏ trên ban công của bà Dành

Một buổi sáng mùa thu tháng 9, trên ban công nhỏ ngoài căn phòng mà bà Dành cùng chồng sinh sống, một dáng người nhanh nhẹn len qua hàng cây đậu bắp để hái những quả xanh mướt đang vào độ thu hoạch. Người đó không ai khác chính là bà Vũ Thị Dành (84 tuổi). Thấy tôi bà đon đả cười lớn rồi kéo vào ghế trò chuyện.

Tay chỉ vào mấy cây đậu bắp, bà kể: “Đấy con xem kìa, mới 1 tháng mà cây nào cũng ra hoa, ra quả hết rồi”. Nói đoạn bà đứng dậy mở tủ lấy ra một chiếc hộp nhỏ, bên trong toàn là những quả cà chua bi chín mọng, đỏ tươi. Sau đó bà đặt vào tay tôi một quả, bà bảo cây trái đầu mùa nên để phần mỗi bạn một quả. Rồi bà hăng say kể về đủ loại cây trái, rau cỏ trong khu vườn của mình.

Nói đến việc bén duyên với thú vui này thì thật tình cờ. Hôm đó bà dọn nhà thì thấy có một quả ớt khô, bà mới đem ra chậu cây cảnh để ươm. Thế mà không lâu sau mọc lên một cây xanh tốt. “Đấy, cái cây ớt ngày trước vẫn đang còn kia kìa”, bà chỉ tay vào cây ớt ngoài ban công đầy những quả chín đỏ. 

Cây ớt từ ngày đầu tiên bà trồng, bây giờ vẫn quả vẫn chín đỏ

Sau đó bà trồng thêm hành, rau thơm để lấy cái ăn mỳ, ăn phở sáng sớm. “Khi đó đất không có, mà chậu thì cũng không, nên bà nhờ các bạn nhân viên mua giúp. Tính đến giờ cũng mấy tạ đất rồi”, bà Dành tươi cười kể lại. Được cái bà cũng “mát tay”, trồng cây nào cây nấy lên xanh tốt, rảnh rỗi thì tưới nước, nhổ cỏ, tự nhiên lại thấy cuộc sống có thêm nhiều niềm vui.

Mùa nào thức nấy. Mùa đông thì bà trồng rau cải, xà lách, cà chua. Hè đến thì bà trồng mồng tơi, rau muống, rau ngót,…Có dạo bà vừa ươm được ít cải mầm, mà mưa to quá, bà sợ đám rau bị ngâp hết, nên vội vã tìm nilong để che. Bà chia sẻ: “Bất kỳ việc nào mình làm thì cũng cần phải chăm chút và đặt tâm huyết, chứ không phải miệng nói là yêu thích mà làm thì bỏ bê”. Cũng giống như việc bà trồng cây trên ban công, nhiều người nghĩ đó là điều không tưởng nhưng với bà đó là cả một thú vui, thú vui hiếm có ở Viện dưỡng lão.

Bà Dành đang chăm sóc, tưới nước cho vườn cây

Sáng nay, như mọi ngày, bà cũng chỉ hái 6 quả đậu bắp, 3 quả để xay cháo cho ông, còn 3 quả để luộc với mớ rau lang vừa mua được. Bà bảo hưởng thụ thành quả mình làm ra là điều tuyệt vời nhất. Vậy nên dù đã nhiều tuổi, mọi việc bà đều cố gắng tự làm lấy, kể cả việc chăm sóc ông hàng ngày, bà vẫn làm cùng với các bạn điều dưỡng.

Xem thêm

Cảnh sinh hoạt ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Trung tâm dưỡng lão là nơi chăm sóc người cao tuổi có bệnh nền, sức đề kháng yếu nên công tác phòng dịch COVID-19 được đặc biệt chú trọng. Khi thành phố Hà Nội thực hiện cách ly xã hội, các trung tâm dưỡng lão đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để chống dịch nhưng vẫn cố gắng duy trì trạng thái sống vui, sống khỏe cho các cụ.


Trong ảnh là cảnh sinh hoạt thể dục buổi sáng của các cụ trong trung tâm dưỡng lão lớn nhất Hà Nội hiện nay. Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách trung tâm dưỡng lão này đã chủ động áp dụng chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để thực hiện việc phòng ngừa bệnh dịch lây lan từ bên ngoài vào. Việc thăm nom trực tiếp của gia đình, người nhà đối với những cụ đang sinh sống tại đây dừng từ ngày 3/5. Thay vào đó là “thăm hỏi online” hoặc gọi điện thoại.

Từ ngày trung tâm áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các cụ rất ủng hộ, hưởng ứng. Trong ảnh, các cụ đang tham gia chuẩn bị đồ ăn cho bữa sáng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cao tuổi, bắt đầu từ ngày 24/7, nhân viên đã dọn đồ vào ký túc của trung tâm dưỡng lão này để làm việc và sinh hoạt.

Trung tâm đã tạm ngưng việc sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, thay vào đó, đầu bếp nấu theo thực đơn riêng như cháo, bún phở, đảm bảo kiểm dịch an toàn. Các đơn vị cung cấp thực phẩm phải tuân thủ các biện pháp chống dịch khi giao hàng đến trung tâm. Hàng hóa, thực phẩm sẽ được đặt tại nơi quy định, sau đó bảo vệ sẽ tiếp nhận và gửi lên bếp.
Bữa ăn sáng của các cụ cũng được thay đổi bằng cách chia thành nhiều nhóm ở từng độ tuổi khác nhau.

Mỗi người đều được bố trí suất ăn riêng, không chung mâm. Với những cụ sức khỏe yếu hơn được bố trí ngồi bàn đặc dụng, có ghế tựa đi liền bàn.

Sau hoạt động ăn sáng, các cụ được thăm khám sức khỏe, đo nhiệt độ và thông báo cho các cụ nắm được tình hình sức khỏe của mình.

Trong đợt dịch trung tâm cũng đẩy mạnh các hoạt động thể dục, vui chơi trong nhà để các cụ không thấy cô đơn, buồn chán.

Các hoạt động như tập thể dục nhịp điệu, chơi cờ tướng, cá ngựa, xâu hạt, chuyền bóng, ghép hình hay tổ chức sinh nhật tháng được tổ chức đều đặn, đảm bảo an toàn.

Theo Long Vân – Báo Tiền Phong

Xem thêm

Người già ở viện dưỡng lão vui làm bánh trôi đón Tết Hàn thực

Tết Hàn thực là một trong số các ngày lễ Tết lớn của người dân Việt. Vào dịp này, mọi người thường làm lễ cúng nhỏ và ăn những món đặc trưng, truyền thống, đặc biệt là bánh trôi nước. Hòa chung không khí đó, ngày 3/3 (Âm lịch) tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đã tổ chức cho người cao tuổi làm bánh trôi, bánh chay nhân dịp Tết Hàn thực.

Các dụng cụ, nguyên liệu, nào bột ngũ sắc, nào đường, vừng, khay đựng bánh,… đã được các bạn chuẩn bị kỹ càng từ trước.

Thành phẩm nhiều màu sắc rực rỡ bắt mắt

Các cụ ai cũng háo hức, từ sáng sớm đã rủ nhau từng tốp để đi làm bánh. Bột nếp nhiều màu bắt mắt khiến các cụ ai cũng thích thú, nào xanh, nào đỏ, rồi vàng, trắng được các cụ và nhân viên nhào nặn thành những viên nhỏ, tròn vo, rồi thêm nhân đường bên trong. Chốc chốc ngó thấy nồi nước sôi thì thả bánh vào, chờ đến lúc bánh nổi lên cũng là lúc bánh chín, rồi vớt ra, rắc thêm chút vừng là đã có thành quả ngon lành.

Bánh đã chín, bà vớt bánh ra đĩa thôi.

Các cụ vừa làm vừa trò chuyện rôm rả với nhau, bà Tuyết còn nhẩm nhẩm bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, “bảy nổi ba chìm với nước non”. Ông Bảo thì trước giờ đều ít tham gia hoạt động, mà hôm nay ông cũng ra nặn bánh chăm chú lắm.

Vo vo nặn nặn, các ông bà chăm chú làm bánh quá.

Bà Thướng lúc đầu còn bảo “Tôi không biết làm đâu” nhưng được các bạn nhân viên hướng dẫn một lượt, thế là bà thích làm lắm. Đến lúc gia đình vào thăm bà liền khoe “Mẹ vừa làm bánh đấy, làm nhiều lắm”.

Làm bánh xong thì thưởng thức bánh thôi

Sau một hồi miệt mài làm bánh thì các cụ rửa tay sạch sẽ để thưởng thức thành quả của mình. Trông các cụ ai cũng vui, cũng phấn khởi.

Xem thêm

Vợ chồng già bán nhà vào viện dưỡng lão

Có bốn người con nhưng bà Vũ Thị Dành quyết định bán nhà, chuyển vào viện dưỡng lão chứ “không làm phiền con”, sau ba lần chồng bà bị tai biến.

“Tôi quyết định bán đất và chuyển nhà chỉ trong một buổi sáng. Con trai bất ngờ tới nỗi bảo ‘mẹ bán đất mà như bán của ăn trộm'”, người phụ nữ 84 tuổi quê Cẩm Giàng, Hải Dương, cười vui, kể lại câu chuyện hai năm trước.

“Bà Dành là một người già hiếm hoi thích sống tại đây và xem đây như nhà của mình”, Hoàng Ngân, phó giám đốc một viện dưỡng lão ở Hà Nội đang chăm sóc hơn 200 cụ, chia sẻ. “Đa phần các cụ vào đây khi sức khỏe yếu, con cháu không chăm sóc được”.

Bà Dành (ngoài cùng phải) cùng các bạn già trong viện dưỡng lão một buổi chiều đầu tháng 3/2021. Ảnh: Diên Hồng.
Bà Dành (ngoài cùng phải) cùng các bạn già trong viện dưỡng lão vào một buổi chiều đầu tháng 3/2021. Ảnh: Diên Hồng.

Bà Dành cùng chồng, ông Vũ Đình Bưởi, sống trong viện dưỡng lão này được hơn hai năm. Họ ở trong căn phòng rộng 30 m2, hai mặt thoáng, tiện nghi đầy đủ, có người phục vụ mọi sinh hoạt hay chăm sóc y tế. Mỗi tháng ông bà phải trả hơn 20 triệu đồng.

“Nếu không vào đây, có thể tôi và ông nhà đã ra đi từ lâu rồi”, bà Dành nói.

Thời trẻ, ông Bưởi là cán bộ nhà nước, bà Dành là công nhân. Họ từng trải qua giai đoạn đói khổ, phải chạy chợ nuôi con. Khi con trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong cũng là lúc cặp vợ chồng đã lưng còng, mắt mỏi.

Ba lần tai biến gần nhau cuối năm 2018 khiến ông Bưởi nằm liệt giường. Bà bị đau lưng cũng không đi lại được. Cả hai vợ chồng ốm đau nhưng không muốn phiền con cái nên thuê hai người giúp việc, thậm chí trả lương 12 triệu đồng một tháng cho con rể thứ hai nghỉ việc chăm sóc vợ chồng mình, nhưng cũng chỉ được vài tháng. “Cả con lẫn người ngoài đều không có kinh nghiệm chăm người già hay người đột quỵ”, bà nói.

Một hôm, bà Dành nảy ra ý định vào viện dưỡng lão nên chống gậy ra quán nước nhờ người dân bắn tin muốn bán đất. Ngay trong sáng hôm ấy, có người đến hỏi mua và giao dịch hoàn tất trong vòng nửa tiếng. Bà nhận trước một tỷ đồng đặt cọc và tức tốc khăn gói “chuyển nhà” đến một trung tâm chăm sóc người già ở Hà Nội.

Một nửa tiền bán đất được đóng trước cho trung tâm, một nửa gửi ngân hàng. Bà khoe, chỉ riêng tiền lãi và lương hưu đã đủ cho hai cụ sống trong này, chưa kể đến thu nhập từ bất động sản cho thuê ở Đà Nẵng.

“Giả dụ tôi khư khư giữ lại đất thì bốn đứa con sẽ phải góp tiền hàng tháng. Phương án này liệu có lâu dài không? ‘Đời cua cua máy đời cáy cáy đào’, đã nuôi con khôn lớn và lo cho ở riêng là hết trách nhiệm. Mảnh đất này sẽ là của để dành cho vợ chồng tôi dưỡng già”, bà nói.


Bà Dành nghĩ “Đời cua cua máy đời cáy cáy đào” nên bán đất lấy tiền vào viện dưỡng lão. Trên mảnh đất cũ còn lại 85 m2 làm nơi cho các con cháu lui về. Trong ảnh là cái Tết năm đầu tiên ông bà vào đây. Ảnh: Diên Hồng.

Bà Dành tính được như vậy nhưng không tính được cuộc sống trong viện dưỡng lão. Lúc đi bà mang cho ông hai chiếc áo, đồ đạc của mình cũng qua loa bởi không chắc mình có thích ứng được với cuộc sống mới.

Hồi đó cơ sở dưỡng lão này mới mở thêm, tầng 5 và 6 không có ai. Ông Bưởi nằm bất động trên giường. Bà thì bị đau xương khớp phải nằm võng. Bản tính của một người phụ nữ tháo vát, cả đời tần tảo không cho bà nằm yên để được phục vụ. Đi vệ sinh, rót nước, bà đều xoay xở tự làm, dù mất cả chục phút.

Bên cạnh vật lý trị liệu, bà tập bò theo một video trên mạng. Hành lang rộng thênh thang, bà bò đầu nọ sang đầu kia, miệng nhẩm đủ 1.200 bước thì dừng. Kiên nhẫn ngày qua ngày, mặc cho người xung quanh xì xào vì thấy lạ, đến mùa hè năm đó bà có thể đứng dậy và đi lại bằng xe chữ U. Dần dần bà bỏ xe, đi men theo tường, tới trước Tết vừa rồi thì đi lại được bình thường.

Cụ ông cũng tốt lên thấy rõ. Hàng ngày đều có nhân viên đến trở mình và xoa bóp. Dù không nói được, ông vẫn nhận biết, cùng phối hợp với nhân viên tập nâng chân tay hàng ngày.

Bữa nọ, ông Bưởi ăn xong tự dưng nôn thốc tháo, huyết áp tăng vọt. Ngay lập tức có bác sĩ xử lý kịp thời nên qua được nguy hiểm. Bà Dành tin chắc nếu ở quê thì trên đường thuê taxi chạy 8 km tới bệnh viện, có thể “ông đã không qua được”. “Tất nhiên có những điều viện dưỡng lão không bằng con nhưng nhiều cái còn hơn cả con cháu. Tôi thích ở trong này”, bà Dành bộc bạch.

Chị Thoa, người con út của bà Dành chia sẻ, bố mẹ chị là người chủ động tài chính. Chỉ khi ông bị liệt nửa người, bà mới ra quyết định vào viện dưỡng lão vì không yên tâm để con cháu chăm sóc. Bố mẹ vào trung tâm khiến các con đến thăm cũng khó khăn hơn do ở xa, nhưng trong này luôn có người chăm sóc và yêu thương hai cụ nên các con cháu cũng yên tâm.

“Mẹ tôi là người lạc quan, yêu cuộc sống. Mẹ hiểu rằng niềm vui là do tự mình nên luôn thấy vui với những năm tháng tuổi già ở đây”, chị Thoa chia sẻ.

Bà Dành luôn muốn được tự tay chăm sóc cụ ông. Chỉ những việc không làm được bà mới cần nhân viên giúp đỡ. Ảnh: Phan Dương.
Bà Dành luôn muốn được tự tay chăm sóc chồng. Chỉ những việc không làm được bà mới cần nhân viên giúp đỡ. Bà luôn tích cực tham gia các hoạt động của trung tâm. Đợt thi hoa hậu cao niên, biết mình không có tài năng gì nên bà đã nhờ người dạy cho mình một bài quyền để biểu diễn. Ảnh: Phan Dương.

Giờ đây niềm vui hàng ngày của bà Dành là được phụ điều dưỡng cùng chăm sóc ông và nói chuyện với các bạn già hay đọc báo, “chơi” Facebook, Zalo.

Các cụ trong này gọi bà Dành bằng “chị” vì những chia sẻ tích cực, hướng thiện và sự giúp đỡ bà mang đến cho họ. “Bao giờ bà cũng ở giữa khuyên can các cụ khi có xích mích. Một số cụ có xu hướng đòi hỏi con cháu, bà hay khuyên để cho con cháu được sống đời của chúng”, chị Hoàng Ngân cho hay.

Trong cuộc thi Hoa hậu cao niên của trung tâm mới đây với chủ đề Phụ nữ hạnh phúc, bà Dành mang đến quan điểm khác hoàn toàn số đông. “Phụ nữ hạnh phúc là phải biết yêu chính mình. Chỉ khi biết trân trọng mình thì mới làm được điều tốt đẹp cho những người xung quanh”, bà nói.

Quan điểm này giúp bà đoạt giải Hoa hậu truyền cảm hứng.

Phan Dương

Theo Đời sống, VnExpress

Xem thêm

Tết ấm cúng của người cao tuổi ở viện dưỡng lão

Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cụ già tại Viện dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) quây quần với nhau chuẩn bị một cái Tết giản dị. Không cùng gia đình, không cùng con cháu, các cụ vẫn có đào, quất,… đón một mùa Xuân mới.

Viện dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) hiện là nơi ở của gần 200 cụ ông, cụ bà. Đa số các cụ ở đây đều được con cháu gửi vào, vẫn được chu cấp và thăm nom hàng tháng.

Khi năm mới đang đến gần, nhiều cụ ở Viện dưỡng lão Diên Hồng không trở về cùng gia đình, mà ở lại Viện đón Tết. Theo chia sẻ của nhân viên tại viện dưỡng lão, trước Tết một thời gian, nhiều gia đình đã có kế hoạch đón bố mẹ, người thân về ăn Tết. Nhưng dịch bệnh Covid 19 quay trở lại, vì an toàn cho người thân và cho người già tại trung tâm nên các gia đình không đón về nữa, hoặc nếu đón thì hết dịch mới quay lại.

Online sắm Tết tránh dịch Covid-19

Khác với những năm trước, chợ tết Diên Hồng năm nay theo một hình thức hoàn toàn mới. Người cao tuổi ở viện dưỡng lão Diên Hồng sẽ được cấp cho 1 ví điện tử đã có sẵn 500 tết xu trong đó để mua sắm trong gian hàng thương mại điện tử. Các ông bà không cần có tiền mà vẫn đi mua sắm được nên vô cùng thích thú. Bà Hoàng Thị Cẩm không giấu được niềm vui khi .mua được 1 chiếc áo khoác dạ màu hồng xinh xắn: “Chưa bao giờ được đi chợ tết vui như thế này. Tôi vừa được xem văn nghệ, vừa được cho tiền để đi mua sắm. Tôi đã nhắm cái áo khoác này từ lúc mới treo lên”.

Các trò chơi được lấy cảm hứng từ các hội chợ và trung tâm thương mại như ném phi tiêu nổ bóng bay, ném vòng, ném bóng vào cốc, gắp thú bông cũng khiến các cụ hào hứng.

Hình ảnh ví điện tử được dùng trong chợ Tết

“Những năm trước thấy một số cụ chạnh lòng bảo tiền đâu mà đi chợ Tết, năm nay mình tổ chức quyên góp đồ dùng vừa mới vừa cũ để bán miễn phí trong chợ tết cho các cụ. Nhưng để các cụ không bị lăn tăn tâm lý “của cho là của ôi”, chúng mình bê đến chợ Tết cả mấy cái sàn thương mại điện tử, cấp cả một cái ví có sẵn 500 Tết xu để các cụ thoải mái mua sắm. Và thế là các cụ nô nức đi ngắm rồi chọn mua, các bạn nhân viên thì giống những người bán hàng chuyên nghiệp tư vấn cho các cụ mua được những món đồ ưng ý”, chị Hoàng Ngân – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tự hào nói.

Trong chợ tết còn có các gian hàng hoa, các loại hạt để các cụ sử dụng hoặc mời khách nên ai nấy cũng hứng khởi chọn được món hàng ưng ý. Bên cạnh đó các cụ cũng được thưởng thức các món ăn vặt do chính cán bộ nhân viên trong trung tâm chuẩn bị.

Mùa xuân về trên Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Trong căn phòng nhỏ, bà Vũ Thị Dành (82 tuổi) đang lúi húi chỉnh lại cành đào bích mới mua. Chỉnh xong bà quay sang khoe với ông, ông nhìn một hồi, khóe miệng nở nụ cười thật tươi.

Vợ chồng bà Dành, ông Bưởi đã vào trung tâm được 13 tháng. Điều đáng nói là hai ông bà đã bán mảnh đất dưới quê, dùng số tiền ấy và lương hưu của mình để chọn viện dưỡng lão làm chốn dừng chân. Bà định nghĩa về chữ hiếu rất đơn giản, rằng không cứ con cái phải tự tay chăm sóc, phải ở chung nhà phụng dưỡng mẹ cha thì mới là hiếu.

“Tôi đã coi như đây là ngôi nhà của mình. Nên chẳng có gì lạ khi 2 cái Tết chúng tôi đều đón ở đây. Tết năm trước các con, các cháu còn đến được, chứ năm nay dịch bệnh thế này tôi chỉ mong chúng nó ở nhà bình an, mạnh khỏe là được rồi”, bà Dành chia sẻ.

Hai vợ chồng ông Bưởi, bà Dành trong ngày cận Tết.

Trò chuyện với Ông Nghĩa (90 tuổi), dáng người cao lớn, vạm vỡ, gương mặt vuông vức nam tính và cặp lông mày chữ nhất, giọng nói dầu run rẩy vì bệnh Parkinson – người đã gắn bó với viện hơn 4 năm. Mấy năm trước, con trai duy nhất của ông mất, con dâu và hai cháu nội định cư ở nước ngoài. Ít lâu sau, vợ ông bỏ thế giới này mà đi. Giống với bà Dành, ông Nghĩa cũng đã bán căn nhà trên phố cổ để vào dưỡng lão. Ông bảo: “Tôi không nhớ nhà, vì nhà cũng chẳng còn ai để mà nhớ”. Bởi vậy 4 năm qua, ông đều đón Tết cùng với những người bạn già trong Viện dưỡng lão Diên Hồng, và năm nay cũng không ngoại lệ.

Dịch bệnh Covid 19 quay trở lại bất ngờ khiến gia đình bà Xuân Hồng (80 tuổi) phải tìm phương án khác thay vì đón bà về ăn Tết. “Ba anh chị em chúng tôi đã bàn bạc với nhau đón mẹ về ăn Tết mấy ngày cho gần con gần cháu, nhưng dịch bệnh thế này chúng tôi không thể đón mẹ theo kế hoạch, vừa để an toàn cho mẹ và cho cả các cụ già trong trung tâm”, chị Quyên con dâu bà Hồng chia sẻ. Nhớ lại ngày đó, sau khi ông mất, bà Hồng trở nên sống khép kín, không còn vui cười như trước, lại thêm bệnh nền khiến bà không thể đi lại. Được bạn bè giới thiệu đến trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, gia đình dù không muốn nhưng vẫn đưa bà vào với hy vọng bà có thể vui tươi, hoạt bát như trước. Sau hơn 2 năm bà vào trung tâm, bà không chỉ tìm thấy niềm vui của mình mà còn có thể đi lại được, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với gia đình.

Hơn 10 tháng sống ở trung tâm, bà Đặng Thị Tuyết Sinh (84 tuổi) vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy vui khi sống ở đây”. Bởi theo bà, nơi đây bà được chăm sóc chu đáo, không gian sống yên tĩnh, môi trường trong lành. “Không những thế bà còn được tham gia các hoạt động do trung tâm tổ chức, gần đây nhất là cuộc thi hoa hậu cao niên, bà còn được giải nữa này”, cầm trên tay tờ giấy chứng nhận bà Sinh hào hứng kể.

Cụ Đặng Thị Tuyết Sinh nhận giấy chứng nhận Hoa hậu tài năng đón Tết.

Mái nhà ngày Tết của các cụ cao tuổi

“Bản thân trung tâm cũng hiểu được ngày Tết các cụ mong muốn có con cháu ở bên, muốn có không khí Tết nên Trung tâm đã cố gắng để tạo ra nhiều hoạt động cho các cụ. Ví dụ như tổ chức chợ Tết để các cụ được mua sắm, hay tổ chức trang trí nhà cửa (gắn hoa đào, hoa mai, viết câu đối), bữa ăn cũng được thay đổi để phù hợp với Tết, không những thế đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm chứ không hề tẻ nhạt. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang quay trở lại, người già không được về ăn Tết cùng gia đình”, chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng Giám đốc chia sẻ.

Lan Anh

Báo Đại Đoàn Kết

Xem thêm

Xúc động trước bài thơ mộc mạc của bà Sinh nhân dịp Xuân 2021

Hôm trước, trong buổi sinh hoạt với các ông bà tại tầng 2. Bà Sinh đã làm một bài thơ dành tặng các ông bà.

Khi nhắc đến bà Sinh không ai là không biết bà. Bởi biệt tài “xuất khẩu thành thơ”. Bà là người yêu thơ ca, nghệ thuật, bà kể “Trước khi vào Diên Hồng, bà từng tham gia câu lạc bộ thơ 10 năm, và có hàng trăm bài thơ về các chủ đề khác nhau”. Mà thơ của bà đặc biệt ở chỗ, ai nghe cũng thấy gần gũi, mộc mạc. Vần thơ không mỹ miều, gọt dũa nhưng lại mang đến cho người nghe một ấn tượng khó quên.

Đây là bài thơ “Nhớ quê” mà hôm trước bà đọc tặng cho mọi người.

Nhớ quê

Canh tý năm cũ đã qua

Tân Sửu năm mới âu ca thái hòa

Tranh xuân câu đối đầy nhà

Mọi người mạnh khỏe thật là vui thay

Diên Hồng họp mặt hôm nay

Cùng nhau ôn lại những ngày đã qua

Đẹp thay nghĩa xóm tình nhà

Vui xuân xin hẹn đến mùa sang năm

Lúa ngô xanh ngát một vùng

Trắng trong hương bưởi mặn nồng tình quê

Mỗi năm Tết đến xuân về

Tấm lòng tưởng nhớ làng quê dạt dào

Vườn xuân sắc thắm hoa đào

Tâm hồn lộng gió chẳng nao bụi trần

Xa quê xa cả người thân

Ước mong có những bạn thân bên mình

Quê ơi ta nhớ vô cùng

Quê người trôi lạc nên không năng về

Thơ này tạ lỗi cùng quê

Thơ này tạ lỗi bạn bè anh em

Tàn canh 1 bóng 1 đèn

Nhớ quê thao thức trắng đêm giao thừa

Xem thêm

Bất ngờ với màn sinh nhật Sếp tại Diên Hồng

Mỗi chúng ta, sinh nhật luôn là một được coi là một ngày rất đặc biệt và ý nghĩa. Cũng chính vì vậy mà ngoài việc nhớ đến sinh nhật của mình, chúng ta còn quan tâm hết mực đến sinh nhật của những người thân yêu của mình.

Và tất nhiên, sinh nhật của Sếp cũng quan trọng không kém, điều đó thể hiện tình cảm và sự kính trọng của mọi người dành cho người lãnh đạo của mình.

Chúng tôi không rõ Sếp của các bạn thế nào, nhưng Sếp của chúng tôi, của Diên Hồng lại là một người vô cùng đặc biệt. Anh là người thân thiện, gần gũi với tất cả nhân viên và các cụ. Vì thế sinh nhật anh cũng mang những nét rất đặc biệt, rất riêng và thân thương.

Sinh nhật Sếp và các bộ nhân viên quý 4

Ngày sinh gốc là 9/11, nhưng có lẽ vì yêu thích số 1 nên trong giấy tờ ngày sinh nhật của anh trở thành ngày 11/11. Vì thế chúng tôi hay nói chuyện với nhau về “tuần lễ” sinh nhật Sếp.

11h30p trưa, ngày 9/11.

Tất cả các bộ nhân viên đã có mặt trong phòng giao ban, nhạc, bánh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Lúc anh mở cửa bước vào phòng, cũng là lúc bài hát sinh nhật bắt đầu vang lên du dương. Mọi người cùng hát vang theo nhịp.

Mọi người cùng hát vang bài hát chúc mừng sinh nhật Sếp

Sau phần “dạo đầu” thì tiếp đến là phần trò chơi có một không hai. Trò chơi đầu tiên là bịt mắt đoán tay Vợ. Vì vợ Sếp cũng công tác tại Diên Hồng nên trò chơi này được thực hiện khá dễ dàng. Trò chơi vẫn diễn ra bình thường cho đến khi Sếp cầm tay vợ mình, sờ sờ, rồi nắn nắn, lật trước rồi lật sau, rồi lại nắn sờ. Và cuối cùng…. Sếp đã không đoán đúng tay vợ mình.

Trò chơi sờ tay đoán vợ

Tiếp tục với các trò chơi: Ngửi mùi tinh dầu, đọc lại lời thoại nhân vật Bách trong phim nhà trọ Balanha và đoán nguyên liệu của món mỳ ý thì Sếp đã qua 2/4 trò chơi. Và sau đó bị phạt một hình phạt nho nhỏ. Có lẽ khoảng thời gian ngắn ngủi ngày hôm đó sẽ thật nhiều kỷ niệm với người Sếp, người anh cả của Diên Hồng.

Như đã nói ở trên thì không chỉ ngày 9/11 mà Sếp còn có ngày 11/11 nữa. Và bất ngờ được nằm ở món quà dành tặng cho anh. Có lẽ không ai hình dung ra được món quà ấy: Một nồi thịt kho siêu to. Theo tin tức “mật thám” báo về thì món ăn yêu thích là món thịt kho tàu. Bởi vậy các bạn nhân viên cơ sở 1 đã không ngần ngại đi chọn những miếng thịt tươi ngon nhất và kho trong nửa ngày để được nồi thịt kho thơm mềm, béo ngậy dành tặng vị lãnh đạo yêu quý. Bên cạnh đó, món quà còn là một bó hoa dại đẫm mùi hương của cái nắng, cái gió chiều nay.

Món quà được gói ghém cẩn thận
Cán bộ nhân viên chụp ảnh lưu niệm cùng Sếp

Chẳng phải là những món quà sang trọng, đắt tiền nhưng lại ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đó chính là tất cả lòng tin yêu, kính trọng, là món quà tinh thần vô bờ bến mà tất cả mọi người dành cho anh, người anh cả của Diên Hồng. Có lẽ đó là một ngày nhiều niềm vui với anh, vì nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ trên môi.

Xem thêm