Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All Posts in Category: Cuộc sống tại Diên Hồng

Cô đầu bếp ở viện dưỡng lão và những điều chưa kể

Chị – Phạm Thu Huyền, người con gái đã bỏ lại sau lưng một công việc với đúng chuyên ngành của mình, để bén duyên với công việc mới, ngày ngày tỉ mẩn nấu những bữa ăn chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi trong viện dưỡng lão.

Hồi đó, Viện dưỡng lão Diên Hồng mở thêm một cơ sở mới. Khi đấy có khoảng 30 người cao tuổi, 1 đầu bếp phụ trách, nhân viên điều dưỡng cũng ít vì thế phải tuyển, thêm một phụ bếp. Một buổi sáng nọ, tay cầm tập hồ sơ chị bước đến phỏng vấn. Tôi vẫn nhớ như in cái dáng người có chút đầy đặn nhưng lại thật nhanh nhẹn và khéo léo của chị.

Một số công việc hằng ngày của chị

Được biết chị tốt nghiệp một trường y, và đang làm cho một phòng khám gần nhà nhưng chị lại đến phỏng vấn công việc của một phụ bếp. Tôi lần mò thì biết được một câu chuyện ý nghĩa đằng sau. Ban đầu, chị không có ý định xin việc ở viện dưỡng lão. Là chị chồng đã lén đăng lý xin việc cho chị. Hôm chị đến phỏng vấn, anh Tổng giám đốc đã hỏi chị một câu: “Điều gì trong cuộc sống khiến em cảm thấy thoải mái?” nhưng chị không trả lời được. Chị trầm ngâm: “Từ lúc chị làm ở phòng khám nọ, chị luôn cảm thấy dằn vặt, không yên lòng. Chị luôn nghĩ nghề y là để cứu giúp mọi người, nhưng rồi vì cuộc sống cơm áo gạo tiền nên chị buộc phải nói ra những lời trái lương tâm”. Và rồi sau cuộc phỏng vấn hôm đó, chị đã có một quyết định táo bạo, thay đổi cuộc sống của chị.

Vài hôm sau chị đến làm, bắt đầu công việc của một phụ bếp. “Chị thấy mọi thứ thật bỡ ngỡ, nhưng cũng thật thú vị. Chân tay cứ lóng ngóng, chẳng biết phải làm gì, mà cái gì cũng muốn thử nhưng lại sợ làm hỏng”. Mỗi ngày trôi đi, chị học được thêm nhiều điều mới lạ. Hôm nào cũng thế, chị đến từ sớm, dọn dẹp sạch sẽ căn bếp của mình, rồi nhặt rau, sơ chế đồ ăn, khi xong thì rửa bát. Mất mấy hôm đầu chưa quen, vì đứng nhiều nên đau mỏi cả lưng, cả chân tay. Những tia nắng sớm rọi vào căn bếp nhỏ, in bóng dáng ấy của chị cứ thoăn thoắt, luôn chân, luôn tay.

Một số công việc hàng ngày của chị

Một thời gian sau, chị được cử đi học một khóa về nấu ăn để có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm bếp núc hơn. Hơn nữa chị đã đạt được danh hiệu “Quả táo vàng” dành cho những đầu bếp giỏi. Từ đó chị được bổ nhiệm lên bếp chính, trực tiếp nấu những bữa ăn cho các cụ. Vốn nấu ăn đã khó, mà nấu ăn cho người cao tuổi lại càng khó hơn. Mỗi cụ một sở thích, mỗi cụ lại mang trong mình những bệnh lý khác nhau. Có cụ phải kiêng cái này, cụ không ăn được ăn cái kia. Trước đây khi còn làm phụ bếp, chị cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ bếp chính. Nhưng đến khi trực tiếp làm chị mới thấy khó khăn. Chị lên mạng tìm hiểu những thực phẩm, cách chế biến những món ăn phù hợp cho người cao tuổi. Ngày nào cũng thế, chị đều đặn lên hỏi các cụ xem “Hôm nay cơm có cứng không? Canh có mặn không? Thức ăn có hợp khẩu vị không?” Nếu chưa vừa thì chị sẽ điều chỉnh qua mỗi bữa ăn. Từ đó chị dần dần có thêm nhiều kinh nghiệm bếp núc.

Kỷ niệm 5 năm thành lập Diên Hồng

Chị Huyền chia sẻ: “Chị đến với Dưỡng lão Diên Hồng có lẽ là do cái duyên, Diên Hồng mang đến cho chị cảm giác thân quen. Nó như một xã hội thu nhỏ, nhưng xã hội này lại rất yên bình, không ồn ào, tấp nập, khiến cho con người ta cứ muốn ở lại mãi. Công việc chị đang làm cũng vậy, nó không đơn thuần là một công việc để nhận lương, mà mỗi ngày trôi qua, chị đều cố gắng làm bằng cả tấm lòng. Mẹ chị cũng từng dặn dò làm gì cũng phải từ cái tâm, nấu ăn cũng thế, chăm chút từng món ăn như chăm chút cho đứa con tinh thần của mình. Mỗi bữa ăn hoàn hảo không chỉ là ăn no mà đó còn là trải nghiệm, là thưởng thức”.

Khi nhắc đến chị, cả nhân viên và người cao tuổi đều tấm tắc khen. Chị hay biến tấu thành những món tươi mới, giúp mọi người ngon miệng hơn sau những giờ làm việc mệt nhọc.

Có thể so với rất nhiều người, chị không nấu nướng giỏi, nhưng chị là đầu bếp của bản thân chị, của người cao tuổi và của chúng tôi. Đôi lúc, cuộc đời bạn có thể nhạt nhẽo, nhưng bạn có thể thêm “muối, đường,..” hay bất cứ gia vị nào bạn cho là cần thiết để có được những “món ăn hợp khẩu vị” của bạn, và mang lại niềm vui cho những người xung quanh bạn.

Xem thêm

Diên Hồng trong tôi

Tôi tìm em giữa trời thu Hà Nội

Những con đường chen chúc hối hả qua

Ánh nắng xanh chiếu rọi vào nơi ấy

Diên Hồng ơi nồng ấm lắm lòng người.

Tôi bắt gặp hai nội tôi ở đó

Có phải chăng tôi cũng đã mơ hồ

Ông quên tên tôi là đứa cháu nhỏ

Yếu ớt ăn, yếu ớt cả nói cười.

Bên kia bà e dè không dứt khoát

Chẳng lẽ ngồi nghe đến tận sáng mai

Vâng không sao cháu xin bà cứ mặc

Bà kể đi, bà cứ kể đi bà.

Viện dưỡng lão chẳng phải nơi đáng sợ

Lá tươi xanh ắt có lá ngả vàng

Nơi yêu thương được nâng thêm phần ngọt

Trái tim này gắng ngăn giọt lệ rơi.

Tôi chắc chắn mình không hề hối hận

Một con đường trăn trở khúc tương lai

Mộng áo trắng cho tôi nhiều chọn lựa

Chạm em rồi tay muốn gỡ lại thôi.

Diên Hồng cho tôi niềm tin thức dậy

Trái tim hồng luôn thấy ánh bình minh

Thành phố hôm nay tươi đẹp lung linh

Trong ánh mắt thắm tình bao bè bạn.

Dẫu mai này đi bất cứ nơi đâu

Diên Hồng luôn hiện hữu chẳng chia lìa

Ấm áp yêu thương trái tim điều dưỡng

Tay trong tay tha thiết mối tình đầu.

Nguyễn Thị Thu Hà – Bài dự thi “Tuổi trẻ Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”

Xem thêm

Nụ cười của người cao tuổi chính là thanh xuân của tuổi trẻ

Tôi gắn bó với Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng một thời gian. Đây là lần thứ 2 tôi được đặt cây bút lên để viết bài dự thi chào mừng sự trưởng thành, lớn lên của Dưỡng lão Diên Hồng tròn 5 tuổi với chủ đề “Tuổi trẻ của Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”. Tuy chỉ là một bài viết dự thi nhưng nó cũng nói nên tất cả những gì mà thời tuổi trẻ của tôi đã gắn bó với nghề nghiệp chăm sóc người cao tuổi ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.

Thời còn mới ra trường ai cũng có ao ước mình sẽ được làm việc ở bệnh viện. Tôi đây cũng muốn được làm trong môi trường đó, vì đó là môi trường tốt để cho tôi được học hỏi chữa bệnh cứu sống mang lại niềm vui cho bệnh nhân khác. Vì vậy tôi chia tay Diên Hồng để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Thế nhưng tôi cũng chỉ làm ở bệnh viện được 1 thời gian vì cuộc sống bộn bề khiến tôi phải dừng ước mơ đó lại. Tôi không làm ở bệnh viện không phải tôi không làm được mà trái lại còn làm tốt. Thời gian làm ở bệnh viện giúp tôi học hỏi được rất nhiều cách xử lý cấp cứu mà Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đang cần đến. Vì vậy quyết định quay trở về ngôi nhà dưỡng lão xưa mà trước đây tôi đã từng gắn bó để tiếp tục cống hiến tuổi trẻ của mình.

Ở đây bệnh nhân hay còn gọi cách khác là Người cao tuổi mà tôi đang chăm sóc hàng ngày nó khác với môi trường bệnh viện mà trước đây tôi đã làm, ở đây Người cao tuổi mỗi người có một bệnh tình khác nhau không ai giống ai. Nhiều người hay bạn bè và cả người thân của tôi nghĩ rằng làm dưỡng lão chẳng học hỏi đúc rút được kinh nghiệm gì trong y học. Nhưng tôi lại học được một điều là biết chăm sóc Người cao tuổi mà rất ít người làm được việc này đó là chăm sóc từng cách ăn uống vệ sinh, nghỉ ngơi và sinh hoạt thể dục thể thao hàng ngày của các Cụ. Điều tôi đáng tự hào rằng mình học trong môi trường bệnh viện được những gì tôi đã đều áp dụng và xử trí cho Người cao tuổi, những pha cấp cứu ban đầu cần thiết ở mọi lúc mọi nơi trong Diên Hồng. Từ đó tôi đã từ bỏ ước mơ mà tuổi trẻ của mình để theo đuổi dưỡng lão Diên Hồng đến cùng, tôi muốn được đi học nhiều hơn nữa về chuyên môn chăm sóc Người cao tuổi và phục hồi chức năng cho những ai đang cần tới tôi, thì dưỡng lão Diên Hồng đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện ước mơ của mình, cho tôi một khóa học đào tạo phục hồi chức năng sau tai biến và đột quỵ tại một bệnh viện lớn. Tuy nó không phải là một khóa đào tạo dài ngày mà chỉ có 4 ngày thôi, mà tôi học được bao nhiêu điều biết tại sao Người cao tuổi sau khi tai biến hay đột quỵ cần phải phục hồi chức năng ngay để cho họ có thể làm những công việc sinh hoạt hàng ngày của mình. Làm ở Diên Hồng tôi thấy đáng buồn một điều rằng những cụ tai biến khá lâu mà người nhà không biết cách phục hồi chức năng sớm nên không thể hồi phục, đi lại như bao nhiêu người khác được mà phải ngồi xe lăn mãi mãi, nhưng đáng tự hào rằng tôi đã phục hồi cho họ biết cách vệ sinh răng miệng, rửa mặt, tự xúc cơm và cầm đồ vật lên…, đó là cái mà tôi đang làm được tại sau khi Diên Hồng đã tạo điều kiện cho tôi một khóa học ý nghĩa. Khi tôi với các bạn phục hồi cho các cụ nhiều lúc cũng nản trí lắm, tạo quá nhiều áp lực vì các cụ đều là bệnh người già không chịu hợp tác và sợ đau những chúng tôi đã rất kiên nhẫn chịu đựng để cho họ, ít ra cũng phải vận động làm được những cái cơ bản mà sinh hoạt hàng ngày thường làm.

Có những Người cao tuổi bị trầm cảm không nói chuyện với ai nhưng khi vào dưỡng lão Diên Hồng được chúng tôi chăm sóc từ A-Z kể cả ngồi nói chuyện cả buổi với cụ mà không thấy phản hồi gì và dỗ dành ăn cũng không ăn, đến ngày thứ 3 chúng tôi tiếp xúc với cụ thấy cụ đã tiến bộ lên rất nhiều rằng đã biết nở nụ cười với chúng tôi và đã tự ăn uống, khoảng 1 tuần sau thì cụ đã quen và bắt đầu đưa đi dạo cụ bắt đầu cởi mở trò chuyện, chúng tôi đã thấy mình thành công và giờ cụ ở được 2 tháng tất cả lối sống sinh hoạt cụ đã tự làm, chứ nhiều bạn trẻ thấy vậy sẽ từ bỏ luôn nhưng chúng tôi làm ở Diên Hồng đây sẽ không từ bỏ mà phải kiên trì “Vì tuổi trẻ là để mang lại tiếng cười niềm vui cho người khác”. Ở đây không chỉ các cấp lãnh đạo ngoài ra còn các bạn đồng nghiệp và các cụ ai cũng cởi mở nhiệt huyết cho công việc chăm sóc Người cao tuổi tại Diên Hồng đó là những điều mà tôi thích và cũng chính là tôi chọn Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng là ngôi nhà thứ 2 của mình vì vậy tôi và các bạn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để cho Diên Hồng phát triển mạnh mẽ hơn đó chính là sức mạnh tuổi trẻ thanh xuân của mình đầy nhiệt huyết mà tôi muốn dành cho Diên Hồng từ những bàn tay tuổi trẻ của chúng tôi. Vì vậy hãy chọn dưỡng lão Diên Hồng để được chúng tôi chăm sóc một cách tốt nhất.

Năm nay Diên Hồng đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc với những mục tiêu đã đề ra, để chào mừng ngày thành lập 5 năm của dưỡng lão Diên Hồng đó là một cách đáng tự hào nên chúng ta cần phải cố gắng để Diên Hồng có tầm nhìn vươn xa ra toàn thế giới. Vì thế tuổi trẻ của chúng ta không ngại ngần gì về chăm sóc Người cao tuổi vì Người cao tuổi cũng như những người thân của chúng ta trong gia đình.

“Vì tuổi trẻ là phải cho đi niềm vui và mang tiếng cười đến cho tất cả mọi người”


Đào Quang Đức – Bài dự thi “Tuổi trẻ Diên Hồng là thanh xuân của chúng ta”

Xem thêm

Viện dưỡng lão dưới cái nhìn của chính người già

Khi nhắc đến viện dưỡng lão, người ta thường nghĩ đến những điều kinh khủng. Vì nhiều người vẫn quan niệm đưa cha mẹ vào đó là “đày đọa”, muốn rủ bỏ trách nhiệm. Nhiều người vẫn có cái nhìn ái ngại cho dù là các cụ tự nguyện vào sống trong viện dưỡng lão. Nhưng để hiểu hơn về cuộc sống ở nơi đây thì không gì hay hơn là đến tận nơi để cảm nhận và nghe chính người già đang sống trong môi trường ấy chia sẻ.

Vừa bước đến Diên Hồng đã nghe xa xa đâu đó tiếng các cụ cười nói rôm rả. Sau bữa sáng là các hoạt động tự do, bàn này các cụ ông đang chơi cờ. Ông Lâm giơ tay lên chống cằm, khuôn mặt đăm chiêu tính toán, suy nghĩ từng đường đi nước bước. Xen lẫn vào không khí căng thẳng là tiếng lách cách va chạm của quân cờ trên mặt bàn. Bàn bên kia các cụ bà ngồi chuyện trò hỏi han nhau: “tối qua bà có ngủ được không”, “hôm nay bếp nấu đồ ăn ngon nhỉ, bà có ăn hết suất không?”, “nhìn bà dạo này lại khỏe ra đấy nhé”. Hay là những nụ cười vui sướng trên khuôn mặt rạng rỡ khi khoe rằng hôm nay con cháu vào thăm mình.

Thời gian rảnh rỗi các cụ rủ nhau chơi cờ.

Vui nhất là gặp và nói chuyện với bà Liên (Hà Tĩnh). Bà đã vào Trung tâm được gần nửa năm. Hai mắt bà nheo lại, khuôn mặt đăm chiêu hồi tưởng lại cái ngày mà bà quyết định sẽ vào viện dưỡng lão. “Hàng xóm bảo bà đừng có vào trong đấy, trong đấy bẩn thỉu mà cái gì cũng thiếu thốn. Nhưng vì con cái khuyên nhủ nhiều quá, dù rất sợ nhưng bà cũng vào ở thử một thời gian xem thế nào”. Nhớ ngày đầu đến trung tâm, bà mang theo rất nhiều đồ, tay cầm cái gối, nách kẹp cái chăn, trong túi thì toàn đồ lỉnh kỉnh, đến cả cái khăn mặt, bàn chải, chậu rửa bà cũng mang theo vì sợ trong đó không có. Tới nơi, bạn điều dưỡng đưa bà đi thăm quan một vòng, bà ngạc nhiên đến độ không thốt nên lời. Và bà cứ hỏi đi hỏi lại: “Đây là viện dưỡng lão đấy à?” Bà chia sẻ: “Vì con cái bận không chăm sóc được cho bà, nên bà vào viện dưỡng lão. Thật lòng mà nói thì cũng nhớ con, nhớ cháu lắm, nhưng vào đây cho con cái yên tâm làm việc, rồi thi thoảng chúng nó vào thăm mình. Các cháu điều dưỡng cũng ngoan lắm, bà coi như con cháu trong nhà”.

Mỗi lần có các bạn tới chơi là bà Liên vui lắm.

Hay như trường hợp của bà Oanh (Hà Nội) vì con bà hay phải đi công tác xa, không thể chăm sóc được cho bà, thuê người giúp việc tầm 1 tuần thì không ai làm, mà để bà ở nhà một mình thì không yên tâm. Vì thế gia đình đã tham khảo và đưa bà vào Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng theo hình thức chăm sóc ngắn hạn. Vừa qua, con cái bà đi nghỉ lễ 2/9 nên gửi bà vào trung tâm. Bà kể, khi bạn bè đồng nghiệp của bà biết bà vào viện dưỡng lão thì ai cũng hỏi thăm. Có người còn bảo sao nhà bà có điều kiện thế lại để cho bà vào đây. Nhưng bà bảo: “Tôi vào viện dưỡng lão là đi nghỉ dưỡng đấy, ở đó sạch sẽ khang trang lắm, lại được chăm sóc cẩn thận, hàng tuần có bác sỹ kiểm tra sức khỏe định kỳ, các cháu điều dưỡng thì tận tình chu đáo”.

Ăn sáng xong các cụ tranh thủ xuống tầng 1 đi dạo.

Ông Đại cười cười, hài hước kể lại: “Ông vào Diên Hồng để thăm một người bạn sống ở đây, ông thấy thích môi trường như thế này, có những người bạn cùng trang lứa, cùng vui chơi theo kiểu tuổi già, đúng kiểu nghỉ dưỡng. Không chần chừ gì cả, ông quyết định vào trung tâm luôn”. Rồi thậm chí có cụ còn “trốn”, làm thủ tục vào trung tâm rồi mới báo với con cháu.

Diên Hồng nơi tình bạn thăng hoa.

Đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng, người già không chỉ được chăm sóc về mặt sức khỏe, có bác sỹ khám bệnh định kỳ, có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với từng loại bệnh lý mà còn được chăm sóc về đời sống tinh thần, được chia sẻ, tâm sự, được vui chơi làm điều mình thích. Đi đến cái tuổi gọi là gần hết đời người rồi thì cuộc sống chỉ cần giản đơn như thế, có người bầu bạn sớm tối, con cháu có thể thăm vào cuối tuần hay lễ Tết thì thì còn gì hạnh phúc hơn với người già.

Xem thêm

Cụ ông ngoại quốc ở Diên Hồng và những điều chưa kể

Một buổi sáng đầu thu, tiết trời trong lành mát mẻ, cái nắng dần ngả sang màu vàng óng, không còn chói chang gay gắt như nắng mùa hạ, một vị khách đặc biệt từ phương xa không hẹn mà đến với Viện dưỡng lão Diên Hồng.

Ông Kwon Sang Soo được Đại sứ quán Hàn tại Việt Nam đưa đến Trung tâm.

Hôm nhập Trung tâm, ông ngồi trên chiếc xe lăn, mặc bộ quần áo đơn giản, đội chiếc mũ che đi gần nửa khuôn mặt. Điều làm mọi người chú ý hơn hết là nụ cười và ánh mắt của ông. Người nào gặp ông cũng cảm nhận được khí chất của người lãnh đạo, một tinh thần lạc quan, một ý chí chiến đấu bất diệt.

Nụ cười của ông luôn mang lại cho mọi người tinh thần lạc quan.

Mỗi người có cơ duyên đến với Diên Hồng đều mang theo những câu chuyện đời của riêng mình. Thật may điều dưỡng Diên Hồng có thể nói tiếng Hàn nên các bạn nhân viên được hiểu thêm về cuộc đời ông. Ngay khi được gặp và nói chuyện bằng Tiếng Hàn với 1 bạn nhân viên, ông quá đỗi ngạc nhiên, khuôn mặt bỗng rạng rỡ lạ thường, rồi ông bắt đầu kể…

Men theo dòng ký ức ông kể, ông sinh ra ở một vùng quê xinh đẹp của xứ sở Kim chi. Tuổi thơ của ông là chuỗi những tháng ngày êm đềm bên gia đình. Bỗng đến một ngày, biến cố xảy ra khiến ông và gia đình ly tán, mỗi người một phương. Từ đó đến nay cũng đã 40 năm rồi.

Giọng ông run run kể rằng: “Tôi đi khắp nơi để tìm gia đình. Ở Hàn Quốc không thấy, tôi đi sang Trung Quốc. Lúc đó vừa không biết tiếng cũng không có công việc, với hai bàn tay trắng tôi cố gắng làm đủ mọi thứ để có tiền trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, vừa làm việc vừa nghe ngóng tin tức của gia đình”. Nhiều lần tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, muốn gục ngã trước số phận nhưng khát khao cháy bỏng để tìm được gia đình vẫn luôn rạo rực trong ông khiến ông không thể từ bỏ.

Rời Trung Quốc ông đến đất nước Việt Nam xinh đẹp. Ông bắt đầu lập nghiệp ở đây bằng việc mở một công ty ở Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mặc dù bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng công ty ngày một phát triển và lớn mạnh. Ông chia sẻ: “Tôi không nghĩ đến việc lập gia đình, lấy vợ sinh con, tôi sợ đến một ngày nào đó rồi cũng phải chia ly mỗi người một ngả”. Ông bắt đầu lao vào công việc, lúc này chỉ có công việc mới khiến ông quên đi nỗi nhớ gia đình da diết.

Tưởng chừng cuộc đời đã bắt đầu mỉm cười với ông, nhưng không, 5 năm trước một cơn bạo bệnh bỗng đổ ập xuống khiến ông bị liệt nửa người. Khi mà nỗi đau đã đến tột cùng khiến cho cảm xúc trở nên chai lỳ thì nó sẽ hóa động lực để ta đi tiếp, ông đã vượt lên nỗi đau để thành công.

Dù bị tai biến liệt nửa người nhưng ông vẫn tự xúc cơm ăn.

“Tôi thích con người Việt Nam, họ rất mến khách, lại nhiệt tình nồng hậu. Con gái Việt Nam rất đẹp, con gái của Viện dưỡng lão Diên Hồng cũng thế, xinh đẹp và khéo léo. Tôi ở đây cũng rất thoải mái, các bạn điều dưỡng còn phục hồi chức năng cho tôi. Trước khi vào đây tôi cũng đã tham quan một số nơi rồi nhưng không hiểu sao tôi lại muốn vào Diên Hồng”. Có lẽ nơi đây có cái không khí ấm cúng như gia đình khiến ông thấy gần gũi, thân quen.

Hằng ngày ông thường đọc báo, xem những tin tức về đất nước Hàn Quốc. Nỗi niềm tìm lại gia đình vẫn cứ đau đáu trong ông. Khi con người ta yếu đuối thì ta thường nghĩ về quê hương, về gia đình, về những điều ấm áp.

“Tôi sẽ không ở đây lâu nữa, cũng sắp đến lúc trở về với quê hương rồi. Dù mới gặp nhau nhưng tôi rất thích nơi này, tôi sẽ nhớ cái tên Diên Hồng” đôi mắt đượm buồn, ông nghẹn ngào nói. Đến cái tuổi hơn nửa đời người rồi, con người ta chỉ mong tìm thấy được bến đỗ bình yên trong tâm hồn. Diên Hồng cũng vậy luôn ấp ủ một ước muốn sẽ là nơi bình yên để các cụ cao niên an dưỡng tuổi già, là ngôi nhà chan chứa tình yêu thương.

Xem thêm

Người già trong viện dưỡng lão “phải lòng” các bạn trẻ.

Đến với Trung tâm một ngày đầu thu, khi mà cái nắng chói chang của mùa hè đã dịu bớt, các bạn, những thực tập sinh của ngành Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn. Ở cái tuổi đôi mươi tràn trề nhựa sống ấy, các bạn đến mang theo nguồn năng lượng tươi mới, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Nụ cười của các cụ khi gặp các bạn thực tập

Khi nhìn thấy các bạn thực tập đến là các cụ cười tươi lắm. Bà Cẩm vốn yêu mến các bạn trẻ nên vừa nghe tiếng các cháu đến, liền đẩy vội cái gậy chữ U, rảo bước thật nhanh ra xem. Vừa thấy các cháu bà liền ôm chầm lấy, cười cười vỗ lưng một đứa mà bảo rằng: “Ôi các cháu của bà, lại đây với bà nào. Các bạn cũng vậy, như những chú chim non sà vào lòng các cụ mà nũng nịu. Thấy cảnh tượng ấy người nhà không khỏi xúc động. Dù chưa một lần gặp mặt, nhưng tình cảm mà mọi người trao cho nhau thật tự nhiên, thân thuộc tựa như đã quen từ lâu.

Không khí ấm áp giữa các cụ với các bạn thực tập.

Vốn mang những định kiến về Viện dưỡng lão nhưng khi đến Diên Hồng. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi gặp gỡ các cụ nơi đây. Cũng giống như bạn Thanh Hải, trưởng nhóm thực tập. Bạn chia sẻ lần đầu tiên đến với Trung tâm bạn rất ngạc nhiên. “Em không nghĩ một Trung tâm dưỡng lão lại có bầu không khí gần gũi, ấm áp đến vậy. Em còn khá bất ngờ vì Trung tâm rất sạch sẽ, trang thiết bị hiện đại, khang trang”.

Một số hoạt động của các bạn thực tập.

Bạn Ngọc Anh cho biết thêm: “Trước đây em có đi thực tập ở một Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng ở đấy toàn là các bạn nhỏ. Còn lần này thì là các cụ, em thấy rất bỡ ngỡ vì không biết phải làm những gì, phải chăm các cụ thế nào? Nhưng dần dần em thấy các cụ rất hiền, lại còn đáng yêu nữa”. Các bạn đều nghĩ các cụ như ông bà của mình vậy, để sau đợt thực tập này lại có thêm nhiều kinh nghiệm để chăm sóc ông bà của mình.

Bạn thực tập cẩn thận cho cụ bà uống sữa.

Phần lớn người cao tuổi thường ít vận động và có suy nghĩ nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Nhưng điều đó lại không tốt chút nào, nó sẽ làm cho cơ thể kém thích nghi và dễ mắc bệnh hơn. Biết được điều đó các bạn thực tập đã hướng dẫn các cụ những bài thể dục nhẹ nhàng. Các bài tập này vừa vận động tay chân để giúp lưu thông máu tốt hơn, giúp cho người già cải thiện sức khỏe. Cụ nào chưa quen hoặc chân tay yếu khó tập là các bạn chạy tới giúp đỡ ngay. “Ông ơi ông giơ tay lên giống cháu này”, “Bà nắm tay lại như thế này bà nhé”. Các cụ thấy vậy cũng động viên nhau cùng tập, vừa vui vừa có sức khỏe.

Các bạn hướng dẫn các cụ tập thể dục.

Đến với Trung tâm các bạn còn mang theo bao nhiêu là hoạt động thú vị, bổ ích. Nào là cùng nhau làm bánh trôi nước, tập vẽ, chơi ném bóng, trồng cây hay gấp những hình con vật ngộ nghĩnh đáng yêu.

Các cụ chơi trò ném phi tiêu.

Còn nhớ cái hôm các cụ chơi ném bóng vào rổ. Bà Bảo với bà Tuyết thách đấu nhau xem ai ném trúng. Kết quả cả hai bà đều ném trượt ra ngoài, xong rồi nhìn nhau cười phá lên sung sướng. Ừ thì các cụ mà, cứ để các cụ làm những gì mình thích, cuộc sống còn được bao lâu mà lo nghĩ.

Bà Tuyết vui vẻ nhìn thành quả của mình.

Bạn Hương Ly chia sẻ: “Em nghĩ mặc dù các cụ được chăm lo chu toàn về sức khỏe nhưng sâu thẳm bên trong các cụ vẫn nhớ con, nhớ cháu nên sẽ cô đơn, buồn tẻ. Vì thế chúng em nghĩ ra những trò chơi hay hoạt động thú vị vừa tạo bầu không khí vui tươi mà các cụ cũng được tự tin làm điều mình thích. Đặc biệt khi trồng cây để các cụ cảm thấy mình vẫn là người có ích”.

Hai bà cháu đang nói chuyện gì mà vui thế nhỉ?

Mặc dù các bạn còn là sinh viên nhưng kỹ năng giao tiếp với người cao tuổi rất tốt. Các bạn còn kể: “Bà Mẫn đáng yêu lắm? Nhưng vẫn lười ăn. Có hôm chúng em còn phải nịnh mãi bà mới chịu ăn cơm. Bọn em thấy các cụ ăn hết xuất cơm thôi là bọn em vui cả ngày rồi.”

Hai bà cháu chăm chú vẽ quá.

Các bạn mới đến có mấy hôm thôi mà các cụ ra chiều thích lắm, chưa thấy các bạn đến là các cụ liền nhắc luôn. Hôm nay người nhà bà Liên vào thăm mang theo ít hoa quả bánh kẹo cho bà. Bà liền nhặt mấy cái bánh bỏ vào một cái túi nhỏ xinh rồi cất đi. Bà bảo cái này bà để dành cho mấy cháu thực tập đấy. Bà Hiền còn đòi nhận cháu dâu luôn, bà bảo bà có đứa cháu trai, cháu nào chưa có người yêu bà giới thiệu cho.

Các cụ chuẩn bị chơi trò gì thế nhỉ?

Bạn Thanh Hải chia sẻ: “Khi mình làm bất cứ điều gì bằng cái tâm thì mình sẽ nhận lại được tình yêu thương. Chúng em đến với các cụ cũng chỉ bằng những tình cảm giản dị, trong sáng, cũng chỉ mong các cụ có được niềm vui”. Thật vậy đến cái tuổi gần đất xa trời rồi, người già cũng chẳng mong sang giàu hay phú quý gì, mà chỉ mong cuộc sống được an nhiên, vui vẻ.

Xem thêm

Nơi các cụ già ngồi xe lăn đua tốc độ, nâng cử tạ bằng giỏ hoa quả

Những môn thi đấu thể thao trong kỳ thi Olympic được “chế” lại thành các trò chơi vận động nhẹ giúp các cụ già rèn luyện sức khỏe.

Trong bộ đồng phục màu xanh, chị Nguyễn Thu Hà – điều dưỡng viên Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội) đi một vòng quanh các cụ già hỏi thăm sức khỏe từng người. Dứt lời, chị lấy chiếc ghế ngồi ngay cạnh cụ Hoàng Thị Cẩm (85 tuổi – một người có thâm niên lâu năm sống trong viện dưỡng lão Diên Hồng) và kể cho chúng tôi về quá trình rèn luyện sức khỏe của gần trăm cụ già tại đây.

Chị Hà hóm hỉnh cho biết, ở đây rất nhiều cụ già đã giành được các huy chương vàng, bạc, đồng ở kỳ thi thể thao do trung tâm tổ chức thường niên. Đó là các trò chơi, các môn thể dục biến tấu từ các môn thi đấu trong Thế vận hội như môn ném lao, ném đĩa, cầu lông, cử tạ, đua xe, bắn súng, bowling…nhưng được tổ chức lại theo một cách rất sáng tạo.

Các cụ già thi môn “đua xe lăn“

“Cụ thể, như môn đua xe được “chế” lại thành các cụ cùng ngồi xe lăn đua cùng nhau. Môn thi cử tạ thì được chế lại 2 giỏ đựng hoa quả 2 bên, thanh tạ ở giữa là một cây gậy nhẹ. Hay như môn bắn súng thì các cụ được bắn súng nhựa với mũi tên có gắn đầu cao su, môn bowling thì các cụ dùng quả bóng ném vào các chai nhựa… Những trò chơi vận động mang lại rất nhiều niềm vui cho các cụ già” – chị Hà nói.

Kể về kỳ thi gần đây nhất, cụ Đính với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt cũng đã xuất hiện nhiều nếp nhăn vì tuổi cao cho hay, cụ mới giành được huy chương đồng trong môn thi bắn súng. Theo cụ, lúc đầu cụ định từ chối thi vì lý do sức khỏe. Tuy vậy, buổi sáng ngày tổ chức thi, vì quá háo hức nên cụ đã nhờ điều dưỡng hỗ trợ thay quần áo đẹp, tết tóc gọn gàng rồi nhanh chóng ăn sáng để xuống sân.

Cụ Đính dù đã 94 tuổi nhưng còn rất minh mẫn
Cụ Đính dù đã 94 tuổi nhưng còn rất minh mẫn

“Ban đầu tôi chỉ muốn xuống cổ vũ cho các cụ khác nhưng thấy không khí náo nhiệt, các cụ thi vui quá, tôi cũng muốn thi môn bắn súng vì không cần dùng sức nhiều”, cụ Đính tâm sự.

Mới giành được huy chương vàng trong môn “đua xe lăn” ở kỳ thi gần đây, cụ Dương Văn Tỵ (93 tuổi) khi thi còn tỏ ra rất hứng thú và hỏi rất kỹ về cách thi như “khi bắt đầu là trọng tài phất cờ hay thổi còi hay hô như thế nào hả cháu? Ông đi như thế này có ổn không?

Cụ chia sẻ: “Lần đầu được dự thi thế này tôi bất ngờ và thấy rất lạ. Sau trò chơi chúng tôi còn có thưởng, đó quả là sự động viên tinh thần cho những người già lần đầu được thi đấu thể thao thế này”.

Người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng thi môn Bowling

Theo các điều dưỡng viên tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, những trò chơi vận động nhẹ như vậy đã phần nào kiểm tra được sức khỏe của các cụ, đồng thời giúp mọi người thường xuyên vận động, tập luyện để tăng cường sức khỏe. Còn với những môn chơi tập thể đòi hỏi sự khéo léo kết hợp nhịp nhàng của các cụ trong cùng đội chơi đã giúp các cụ thể hiện sự dẻo dai, nhanh nhẹn và sự chuẩn xác.

Đây không chỉ là nơi để các cụ thể hiện mình, sự tham gia của đông đảo các cụ cũng truyền cảm hứng để các cụ khác dù sức khỏe yếu nhưng vẫn nỗ lực để hòa mình vào không khí sôi nổi nơi đây. Những hoạt động như thế này giúp giải phóng endorphin làm cải thiện tâm trạng cho người cao tuổi rất tốt.

Theo Phạm Đông – Trần Vương (Lao động)

Xem thêm

Chuyện chưa kể về nơi ở của gần trăm người cao tuổi

Tại Hà Nội có một nơi gần trăm cụ già hàng ngày đang sống và làm bạn với nhau, xảy ra không ít câu chuyện vui, buồn hiếm thấy…

“Mình 18 tuổi”

Có mặt tại Viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 1 (Phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) những ngày đầu tháng 7, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được nghe những câu chuyện về gần trăm cụ già cùng chung sống tại ngôi nhà chung.

Trong căn phòng trung tâm ở tầng 2, vài chục người cao tuổi ngồi tập trung cùng nhau. Nhiều cụ già cùng chăm chú xem các chương trình tivi, có người lại đọc báo, người nghe nhạc và có cụ già thì hướng mắt về phía cửa sổ nhìn về phía xa xa. Họ cùng nhau sống chung, làm bạn với tuổi già và cũng không ít câu chuyện “dở khóc, dở cười” mà không nhiều người tường tận.

Người già trở thành bạn bè thân thiết, chăm sóc nhau trong viện dưỡng lão

Mỉm cười chào hỏi một lượt các cụ già tại đây, chị Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cho hay, ở cái tuổi xưa nay hiếm, người cao tuổi không chỉ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, bệnh tật mà đời sống tinh thần của họ cũng có rất nhiều những khúc mắc. Hiện nay tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 1 có 75 cụ đang sống và sinh hoạt tập thể nên các điều dưỡng cũng phải rất khó khăn để chiều được ý của các cụ.

Chỉ vào những bức ảnh được treo trên bức tường về hoạt động của các cụ già, chị Ngân kể: “Ở đây có những cụ rất tỉnh táo, nhưng khi hỏi tuổi, họ luôn nói mình 18 tuổi và nói với các điều dưỡng tuổi của chúng mình chỉ là chị em thôi. Còn có những cụ khi đi vào thang máy, tại đây có dán gương thì lại bảo sao trong này đông người thế. Các cụ tự đứng trò chuyện với những hình ảnh trong gương, khi hỏi mà không thấy “người trong gương” chào lại thì họ nói ngay “đúng là mất lịch sự”.

Lần “trẻ con” thứ hai

Ở đây cũng có những chuyện mà chắc ai đã làm việc đều khó quên. Như trường hợp bà cụ Nguyễn Thị T (SN 1942, nhà ở quận Long Biên, Hà Nội) luôn nghĩ mình phải chăm cháu, cháu ở nhà không ai trông nên rất hay đòi về để đưa cháu đi học. Những lúc đó, nhân viên của trung tâm lại phải giải thích là cháu đã được đi học rồi thì cụ mới thôi.

Hay có trường hợp của bà cụ Ngô Thị A (SN 1946, quê ở Kinh Bắc, Bắc Ninh) cứ vào trong phòng là đóng kín cửa, chèn hết những vật có thể vào để yên tâm là chỉ có một mình trong phòng. Sau đó, cụ lại lục tung hết đồ đạc trong phòng lên nhưng không nhớ gì cả.

Người cao tuổi vẫn giữ nguyên các thói quen thường ngày ở nhà như nhặt rau giúp nhà bếp

Có một cụ khác cùng phòng với cụ A là bà Sinh. Người này lại hay phân phát những đồ mà bà A đã lấy như quần áo, cốc, khăn mặt, dụng cụ trong phòng cho những người khác…. Cứ như vậy, các điều dưỡng lại phải đi sắp xếp lại lần lượt các đồ trong phòng.

Là người ở trung tâm dưỡng lão lâu năm nhất, bà Phùng Thị Kim Đính (94 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) có khá nhiều kỷ niệm. Mỗi lần biết được lịch con cháu vào thăm là bà lại “cười tít mắt”, chuẩn bị tinh thần từ rất sớm, rồi bà còn bày sẵn bánh kẹo để đợi các cháu tới chơi. Chỉ cần thế thôi là bà đã vui cả ngày. Nhiều khi, bà còn nhờ trung tâm chụp ảnh cho cả nhà để làm kỷ niệm…

Cũng theo chị Ngân, trong ngôi nhà chung này, có những cụ dù đã lớn tuổi nhưng tính tình lại như trẻ con, rất thích nũng nịu, muốn được chiều chuộng nên mỗi lần ăn các điều dưỡng viên phải nịnh thì các cụ mới ăn. Cũng có những khi nhân viên phải đóng giả làm con thì cụ mới chịu ăn. Có lẽ câu nói “một đời người 2 lần trẻ con” lại đúng trong hoàn cảnh này.

Theo Vương Trần – Đông Phạm (Báo Lao động)

Xem thêm

Điều kỳ diệu trong Viện dưỡng lão Diên Hồng

Sức khỏe hồi phục nhanh chóng sau nửa năm sống trong Viện dưỡng lão Diên Hồng của ông Năng trở thành niềm vui sướng lớn lao cho cả gia đình và điều dưỡng chăm sóc

Ông Nguyễn Viết Năng (Hai Bà Trưng, HN) trong mắt các bạn điều dưỡng viên tại trung tâm là một cụ ông “đáng yêu lắm”. Dù đã 104 tuổi, giọng ông vẫn cứ sang sảng. Ông hay kể chuyện tếu lại hài hước nên cả trung tâm ai cũng quý mến ông. Nhìn lại hành trình 6 tháng sống tại Diên Hồng của ông mới thấy những bước tiến đáng kể về sức khỏe đúng là một điều kỳ diệu.

Khi mới đến Viện dưỡng lão Diên Hồng, sức khỏe của ông rất yếu. Cô Nguyễn Thị Hồng – con gái ông cho biết ông không thể ngồi được nên phải thuê xe cấp cứu đưa ông vào. Thời điểm đó ông còn phải ăn qua sonde. Sau khi vào 1 thời gian, ông đã có thể ngồi dậy. Các bạn điều dưỡng cho ông ngồi xe hằng ngày thay vì chỉ nằm một chỗ như trước. Nhờ xoa bóp bấm huyệt hằng ngày, dần dần ông khỏe hơn. Rồi sau 2 tháng ông bỏ sonde và chuyển sang ăn cháo.

Ông Năng rất vui khi gặp lại hàng xóm cũ tại Diên Hồng

Đầu tiên ông ở phòng chăm sóc đặc biệt, khi sức khỏe cải thiện, trung tâm chuyển ông lên tầng 2 dành cho các cụ khỏe hơn. Ông hay hỏi chuyện, kể chuyện vui vẻ với các cụ và nhân viên, tuy ông có bị lẫn 1 chút nhưng những chuyện xưa kia ông rất nhớ. Ông kể: “Ngày xưa ông làm bí thư công ty xây dựng. Công ty xây hết chỗ này chỗ kia”. Ông cũng bảo xưa ông thanh niêm lắm nên giờ chả có mảnh đất nào rồi cười toe toét. Ông luôn nghĩ mình vẫn còn trẻ, khi được hỏi về tuổi, ông chỉ nói mình sinh năm 16, bảo mọi người tự tính. Khi được cho biết mình đã 104 tuổi, ông tỏ ra kinh ngạc, không thể tin được là mình nhiều tuổi như vậy. “Thật à? Làm gì mà nhiều thế?”, mắt ông tròn xoe nhìn bạn điều dưỡng. Thậm chí khi chụp ảnh tự sướng trên điện thoại, ông xem hình vẫn khẳng định người trong ảnh là anh trai của ông chứ nhất định không nhận đó là mình vì người đó già quá.

Cách nói chuyện hài hước của ông làm cho không khí của tầng 2 Viện dưỡng lão Diên Hồng luôn nhiều tiếng cười. Tất cả mọi người, từ điều dưỡng đến các cụ ngồi với ông 1 lúc là cứ phải cười đau bụng. Có lần điều dưỡng hỏi ông về bà Tâm (101 tuổi) ngồi bên cạnh xem ông thấy bà có xinh không thì ông khẳng định là không vì bà này già quá, chắc phải trăm tuổi rồi. Có bạn khen ông đẹp trai phong độ là ông vui sướng, cứ cười suốt, rồi đi khoe khắp nơi.

Vào tháng 4 khi Viện dưỡng lão Diên Hồng tổ chức Olympic người già, con gái ông cũng vào tham gia và cổ vũ cho ông. Thấy ông vui vẻ tham gia các môn thi, cô vui và xúc động lắm. Cô khoe với mọi người “Từ một bệnh nhân nặng, mọi sinh hoạt cá nhân đều tại giường bệnh… Sau 3 tháng vào trung tâm dưỡng lão, ông đã tham gia được một số môn thi đấu thể thao, đặc biệt là cụ còn đạt giải Á quân môn bắn súng. Thật không từ nào diễn tả được niềm vui sướng của gia đình”

Ông Năng tham gia môn thi bắn súng trong Olympic Diên Hồng

Gần đây, ông bắt đầu ăn đc cơm. Ông ăn rất ngon, rất gọn gàng và luôn ăn hết suất ăn của mình. Nhìn ông không ai nghĩ rằng cách đây 6 tháng ông là một bệnh nhân nằm liệt giường. Đúng là khi các bạn điều dưỡng không chỉ có chuyên môn trong chăm sóc người cao tuổi mà còn dành nhiều tâm huyết để các cụ tiến bộ mỗi ngày thì không có gì là không thể.

Xem thêm

Xúc động hình ảnh các cụ U100 thi Olympic người già

Có mặt tại sân thi đấu Olympic người già đầy sôi nổi với những tiếng reo hò, không ai nghĩ đây là sân chơi thể thao của người cao tuổi trong viện dưỡng lão.

8h sáng, tiếng còi vang lên, một nhóm các cụ vừa chạy vừa chuyền tay nhau một chiếc đuốc tượng trưng được làm bằng giấy, ánh mắt đầy tự hào. Đây là nghi lễ rước đuốc mở màn cho chương trình Olympic được tổ chức thường niên tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Các cụ được chọn tham gia rước đuốc là những người khỏe mạnh, minh mẫn và tích cực hoạt động tập thể. Sau đó là các môn thi không khác gì các môn trong Thế vận hội như bắn súng, cầu lông, đua thuyền, cử tạ…nhưng theo một cách rất sáng tạo.

Các môn thi đấu trong Olympic Diên Hồng tương tự như môn thi Olympic nhưng được biến tấu đầy sáng tạo khiến các cụ hăng hái tham gia

Cụ Phùng Kim Đính (94 tuổi) vừa trải qua một đợt điều trị viêm phổi, sức khỏe đang hồi phục nhưng vẫn còn yếu. Khi được thông báo về Olymic, cụ Đính dù rất muốn nhưng sức khỏe không cho phép nên cụ từ chối. Buổi sáng ngày tổ chức, vì quá háo hức nên cụ Đính cảm thấy khỏe ra, cụ yêu cầu điều dưỡng hỗ trợ bà thay quần áo đẹp, tết tóc gọn gàng rồi nhanh chóng ăn sáng để nhân viên đưa xuống sân. “Ban đầu tôi chỉ muốn xuống cổ vũ cho các cụ khác nhưng thấy không khí náo nhiệt, các cụ thi vui quá, tôi cũng muốn thi môn bắn súng vì không cần dùng sức nhiều”, cụ tâm sự.

Cụ Đính dù đã 94 tuổi nhưng còn rất minh mẫn

Thấy thành tích không như ý cộng với bị chóng mặt nên gần hết giờ, bà nhờ điều dưỡng đưa về phòng nghỉ trước. Kết quả là với thành tích của mình, cụ đã giành huy chương đồng. Vì cụ không có mặt vào lúc trao giải nên ban tổ chức mang huy chương lên tặng cụ. Biết mình được giải, cụ rất bất ngờ và thích thú, tự đeo huy chương vào cổ và chụp ảnh lại để kỷ niệm.

Cụ Đính hạnh phúc khi nhận được huy chương đồng

Cũng giống như cụ Đính, khi được mời đăng ký môn “Đua xe lăn”, cụ Dương Văn Tỵ (93 tuổi) ban đầu tỏ ra không sẵn sàng vì chưa từng tham gia cuộc thi nào như vậy. Nhưng khi được điều dưỡng động viên, cụ lấy lại tự tin và bắt đầu dành nhiều thời gian để tập luyện một cách nghiêm túc. Cụ hỏi rất kỹ BTC về cách thi: “Khi bắt đầu là trọng tài phất cờ hay thổi còi hay hô như thế nào hả cháu? Ông đi như thế này có ổn không?”. Buổi tối trước ngày diễn ra, cụ vẫn hăng say thực hành, nghiên cứu chiến thuật ngồi như nào để vững mà đi nhanh. Ngay từ sáng sớm, khi được đưa xuống sân, cụ đòi đứng ở vạch xuất phát để ngâm cứu, đi thử. Và sự nỗ lực không mệt mỏi cùng quyết tâm mãnh liệt, cụ đã giành được tấm Huy chương vàng đầy ý nghĩa.

Cụ Tỵ nỗ lực hết mình để đạt thành tích tốt nhất
Môn đua xe lăn đầy kịch tính trong Olympic Diên Hồng

Ngoài cụ Đính, cụ Tỵ, các cụ khác trong trung tâm cũng rất phấn khởi khi được thi tài ở các môn thi thể thao giống môn thi Olympic nhưng lại phù hợp với sức khỏe của mình, nhất là các cụ lần đầu được tham gia. Các cụ chưa từng nghĩ mình có thể thi được các môn như cầu lông, đua xe, cử tạ nhưng khi được thể hiện ở chính các môn thi thiết kế theo kiểu người già như vậy, các cụ sung sướng vô cùng.

Môn cầu lông được thiết kế theo kiểu “không giống ai”

“Năm nay là năm thứ 3 hoạt động này được tổ chức. Olympic Diên Hồng không đơn thuần là một cuộc tranh tài giành huy chương mà là dịp để người cao tuổi đang sống tại đây gắn kết với nhau hơn, khơi dậy tinh thần thể dục thể thao và đặc biệt là vượt qua chính mình. Có những cụ bình thường luôn né tránh các hoạt động sinh hoạt tập thể vì ngại thì trong không khí sôi nổi của Olympic đã trở nên hoạt bát hơn, nhiệt tình hơn và mọi người không khỏi bất ngờ về thành tích của cụ trong thi đấu”, anh Đỗ Trần Hồ Thắng, Giám đốc Trung tâm cho biết.

Các cụ cũng chơi bowling như ai dù phải ngồi xe lăn

Các nhà khoa học cũng cho thấy người lớn tuổi khi tham gia hoạt động sinh hoạt cộng đồng có thể giảm được một nửa nguy cơ bị chứng mất trí nhớ nhẹ khi lớn tuổi hơn. Các vận động cơ thể cũng giúp họ kéo dài tuổi thọ. Chính vì vậy, những hoạt động như Olympic Diên Hồng là vô cùng cần thiết đối với người cao tuổi và được gia đình hào hứng đón nhận.

Xem thêm