Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0342 86 56 86/0968 660 115

All posts by Hằng Nguyễn

Thông báo liên quan tới hợp đồng chăm sóc NCT tại Diên Hồng

THÔNG BÁO
(Số: 01/2019/TB-DIENHONG)

Kính gửi: Quý khách hàng của TT DL Diên Hồng

Đầu thư, chúng tôi xin gửi lời chào thân ái tới tất cả các quý khách hàng của Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng. Thông báo này để giải đáp một số thắc mắc hay gặp nhằm làm rõ và giải trình tới tất cả quý khách. Nội dung cụ thể bao gồm:

1- Phí cơ bản và phí hỗ trợ: được tính theo đơn vị tối thiểu là tháng, không phân biệt số ngày trong tháng. Tháng là thời gian được tính từ ngày mùng 1 dương lịch cho tới hết ngày cuối cùng của tháng (dương lịch) đó.
Hai trường hợp cá biệt về tính phí cơ bản và phí hỗ trợ được quy định tại mục 3- và mục 5- của Thông báo này.

2- Các khoản giảm trừ:
Trường hợp người cao tuổi không an dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (sau đây gọi tắt là “TTDL”) trong thời gian hợp đồng có hiệu lực thì được giảm trừ như sau:
>> Trừ 200.000 đồng/ngày-đêm không ở TTDL trong trường hợp bất khả kháng (cấp cứu, đi Bệnh viện, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền,…). (Quy định này được áp dụng với tất cả khách hàng từ ngày 01/03/2019).
>> Trừ 100.000 đồng/ngày-đêm không ở TTDL trong những trường hợp còn lại.

3- Phí cơ bản và phí hỗ trợ tháng đầu tiên của hợp đồng: được TTDL tính toán dựa trên tỷ lệ số ngày từ ngày NCT nhập TTDL tới ngày cuối cùng của tháng so với tổng số ngày của tháng đó. Ví dụ: NCT bắt đầu an dưỡng từ ngày 16/4 thì phí cơ bản và phí hỗ trợ tháng đầu tiên này được tính bằng 15(ngày)/30(ngày), bằng 50% đơn giá tháng của phí cơ bản và phí hỗ trợ quy định trong hợp đồng.

4- Chấm dứt, thanh lý hợp đồng:
Về nguyên tắc đã ký kết trong hợp đồng, các gia đình muốn chấm dứt, thanh lý hợp đồng có trách nhiệm thông báo trước cho TTDL tối thiểu 30 ngày. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, TTDL (linh động) chấp nhận chấm dứt hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng trong các trường hợp sau:
>> Thông báo trước cho TTDL tối thiểu 30 ngày (theo đúng quy định của hợp đồng)
>> Thông báo trước cho TTDL vào tháng trước ngày dự định chấm dứt hợp đồng (Ví dụ: ngày 28/01/2019 thông báo chấm dứt hợp đồng vào ngày 02/02/2019)
>> Trường hợp bất khả kháng, thời điểm chấm dứt hợp đồng là thời điểm gia đình thông báo cho TTDL.

5- Phí cơ bản và phí hỗ trợ tháng cuối cùng của hợp đồng:
>> Trường hợp chấm dứt hợp đồng thuộc 03 trường hợp hợp lệ được TTDL chấp nhận trong mục 4- nêu trên thì phí cơ bản và phí hỗ trợ được tính theo tỷ lệ số ngày từ ngày đầu tháng tới ngày chấm dứt hợp đồng so với tổng số ngày của tháng đó.
>> Trường hợp chấm dứt hợp đồng không thuộc 03 trường hợp hợp lệ được TTDL chấp nhận trong mục 4- nêu trên thì phí cơ bản và phí hỗ trợ được tính tròn tháng. Số ngày người cao tuổi không an dưỡng tại TTDL được tính giảm trừ theo mục 2- ở trên.

6- Trường hợp người cao tuổi rời khỏi Trung tâm vì mục đích cá nhân: TTDL tùy điều kiện có thể phối hợp hỗ trợ nhưng về nguyên tắc không chịu trách nhiệm bố trí người hỗ trợ / chăm sóc người cao tuổi trong trường hợp các cụ rời Trung tâm (đi về nhà, đi chơi, đi mua sắm, đi gội đầu, đi khám bệnh, chữa bệnh,…) trừ trường hợp Trung tâm chủ động tổ chức hoạt động ngoài trời cho các cụ.

7- Vấn đề vệ sinh không tự chủ:
TTDL khuyến nghị sử dụng bỉm, tấm lót đầy đủ cho các trường hợp NCT không tự chủ vệ sinh, nhất là vào buổi tối. Có một vài trường hợp gia đình không muốn sử dụng bỉm, tấm lót cho NCT. Về thực tế, mỗi lần NCT mất tự chủ đại tiểu tiện trên giường là mỗi lần các điều dưỡng viên phải thay toàn bộ chăn ga gối, thay quần áo cho các cụ và nhiều lần phải tắm rửa (ngay trong đêm). Đối với NCT không tự chủ đại tiểu tiện khi không ở trên giường là mỗi lần các điều dưỡng viên phải thay thay quần áo, lau sàn nhà, tắm cho các cụ. Việc này không chỉ khiến việc chăm sóc trở nên rất phức tạp mà còn ảnh hưởng lớn tới giấc ngủ của NCT cùng phòng, phát sinh những rủi ro về an toàn cho tập thể (do sàn trơn trượt), tăng nguy cơ về các bệnh thường gặp tuổi già như loét, viêm phổi, tai biến do phải tắm gội trong đêm.

Rất mong quý khách hàng hiểu, thông cảm và trong chừng mực tài chính bố trí việc dùng bỉm được đầy đủ không chỉ cho người thân của mình mà còn vì lợi ích của cộng đồng.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Xem thêm

Hoạt động giải trí dành cho người cao tuổi

Người cao tuổi dù sống ở môi trường nào cũng cần có những hoạt động giải trí, thư giãn. Đây cũng là cách giúp các cụ nâng cao sức khỏe, độ minh mẫn.

Người cao tuổi thường có xu hướng ngại vận động. Vì vậy, việc thực hiện các trò giải trí, vui chơi đúng tuổi, cần có sự tung hứng nhịp nhàng để các cụ thất vui vẻ, thoải mái là điều cần thiết. Những hoạt động trò chơi giải trí sẽ giúp người già tránh được các bệnh liên quan đến trầm cảm, giúp tinh thần thoải mái, ăn ngon, ngủ tốt hơn. Tại Diên Hồng, hàng tuần đều có những hoạt động phù hợp dành cho các cụ.

Vẽ tranh
Tham gia hoạt động vẽ tranh rất bổ ích dành cho người cao tuổi. Đây là một trò chơi hữu ích để thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và cả sở thích của những người cao tuổi. Bên cạnh đó, việc vẽ tranh cũng sẽ giúp người cao tuổi vận động tay, chân, trí não vì thế sẽ nâng cao sức khỏe, trí tuệ. Tại Diên Hồng, các cụ có thể vẽ tranh bằng sáp, màu nước, màu bột….

Các  cụ tại Diên Hồng vui vẻ cùng nhau vẽ tranh trong giờ giải trí

Ghép tranh
Ghép tranh là hoạt động đơn giản nhưng đòi hỏi cần có sự logic, quan sát và tưởng tượng. Từ nhiều mảnh ghép nhỏ, người cao tuổi sẽ ráp lại với nhau để tạo thành bức tranh hoàn chỉnh. Nhiều cụ mê trò này vì có nhiều hình các cụ thích: cây cối, loài vật, miền núi, người nổi tiếng…

Đi dạo
Đi dạo là hoạt động nhẹ nhàng, thích hợp với nhiều đối tượng trong đó có cả người cao tuổi. Hoạt động đi chậm giúp cơ thể thư giãn, vận động để khí huyết lưu thông, gân cốt dẻo dai hơn. Các điều dưỡng viên tại Diên Hồng thường xuyên có lịch đi dạo cho các cụ hàng tuần được các cụ rất thích vì các cụ còn được ngắm cảnh, chụp ảnh, nghe nhạc, đọc báo trong thời gian ngồi nghỉ.

Đánh cờ
Đánh cờ là một trò chơi mà nhiều cụ ông yêu thích. Trò giải trí này có hiệu quả trong việc cải thiện các kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng tư duy. Đây cùng là một hoạt động giải trí phổ biến của những người cao niên ở nhiều nước. Hình ảnh các cụ đánh cờ, thưởng trà vô cùng thư thái là hình ảnh quen thuộc tại Diên Hồng.

Các cụ ông rất yêu thích chơi cờ hàng tuần

Xếp tháp
Trò xếp tháp được thực hiện bởi các đội chơi và thường các cụ chia làm hai đội. Mỗi đội được phân chia khoảng 10-15 chiếc cốc. Đội nào có thể xếp được cốc thành tháp cao hơn thì đội đó chiến thắng. Các cụ tại Diên Hồng rất hào hứng tham gia trò chơi này, các cụ cùng cổ vũ, động viên nhau cố gắng xếp thật khéo léo, cẩn thận để nhận được nhiều quà hơn.

Tưởng chỉ là trò chơi đơn giản nhưng việc xếp tháp giúp các cụ rèn luyện tay, chân, sự tỉ mỉ và tư duy logic.
Ngoài ra còn rất nhiều trò chơi, hoạt động khác như tập yoga, massage, ngâm chân đá muối, đọc sách, nghe nhạc, …Vì thế mà nhiều cụ thích ở Diên Hồng hơn cả ở nhà là thế.

Xem thêm

Chế độ ăn uống của người cao tuổi tại viện dưỡng lão Diên Hồng

Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe của người cao tuổi. Vì vậy, một thực đơn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng sẽ được khuyến khích tại các viện dưỡng lão.

Sẽ không ít người muốn hiểu rõ hơn về thực đơn hàng ngày của các cụ cao tuổi tại các viện dưỡng lão, nhất là những người đang có nhu cầu gửi gắm người thân. Liệu chế độ dinh dưỡng có được đảm bảo? Có tốt cho sức khỏe của các cụ? Thực đơn có được thay đổi đa dạng hay không?…Tại viện dưỡng lão Diên Hồng, chế độ ăn uống là điều luôn được chú trọng, quan tâm và khiến các cụ thấy vui khỏe hơn mỗi ngày.

1. Chế độ ăn uống đa dạng

Tính đa dạng là điều bắt buộc mà các đầu bếp Diên Hồng cần thực hiện để các cụ có thể thay đổi khẩu vị. Người có tuổi thường kén ăn hơn vì thế việc thay đổi món ăn liên tục sẽ giúp các cụ thay đổi khẩu vị, ăn ngon miệng hơn.

Mỗi ngày, các cụ sẽ ăn 3 bữa chính: sáng, trưa và tối. Ngoài ra có bữa phụ sáng và phụ chiều ( sau khi ngủ trưa dậy).

Các bữa ăn sẽ có 3 món chính: món mặn, canh và rau. Các món đều phải thay đổi từng ngày, từng tuần nhưng vẫn cần đảm bảo chất dinh dưỡng.

Món mặn có thể là kho, nấu, sốt, chiên qua dầu…Món canh thì sẽ ưu tiên những loại rau, củ ngọt, nấu nhừ để lấy nước. Rau xanh cũng sẽ là những loại rau dễ nhừ, mềm, dễ ăn để tiện khi các cụ dùng bữa.
Theo chia sẻ của anh Ngọc – đầu bếp tại Diên Hồng: “ Các món ăn đều phải cắt nhỏ, làm ngắn hoặc mềm để các cụ dễ dùng vì thế khá mất công và thời gian. Nhưng nhìn các cụ ăn ngon miệng, ăn hết suất thì những người nấu bếp như chúng tôi đều cảm thấy vui.”
Bữa phụ thì các cụ có thể uống sữa, ăn bánh, chè, trái cây…

2. Thực đơn đủ dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe

Người già thường mắc chứng khó tiêu, nhai kém, ăn không ngon miệng. Mặt khác, người già cũng thường mắc các bệnh như tiểu đường, huyết áp, viêm khớp, tim mạch, loãng xương…Vì vậy, cần có thực đơn bữa ăn hàng ngày sao cho phù hợp.

Viện dưỡng lão Diên Hồng thực hiện xây dựng thực đơn theo đúng lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng: chú trọng các thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo; các thức ăn được chế biến mềm, dễ nhai; tăng cường các loại rau củ quả và thức uống giàu canxi.

Với những cụ có chế độ chăm sóc đặc biệt sau tai biến như ăn xông, ăn nhuyễn thì đầu bếp lại chế biến riêng cho từng người.

Một bữa ăn chống ngán sau Tết của các cụ tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

3. Xây dựng thực đơn hấp dẫn

Tại Diên Hồng, thực đơn hàng tuần được xây dựng theo đúng sở thích, mong muốn của các cụ và lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng. Món ăn luôn được chế biến cẩn thận, đầy đủ gia vị, chín kĩ để tăng tính ngon miệng. Một trong những chế độ ăn uống xây dựng theo thực đơn tuần được áp dụng cho các cụ:
• Ăn sáng vào khoảng 7h30
• Bữa phụ sáng có thể từ 9h30-10h
• Ăn trưa tầm 11h30
• Ăn phụ chiều khoảng 2h30 chiều
• Ăn tối tầm 4h30-5h chiều

Ngày thứ 1
• Bữa sáng: cháo, bún hoặc mỳ, xôi, hoặc trứng tùy vào nhu cầu của từng người
• Bữa phụ sáng: Hoa quả
• Bữa trưa: Cơm trắng, thịt kho, rau muống luộc, canh cà nấu đậu
• Ăn phụ chiều: Chè đỗ đen
• Bữa tối: Cơm trắng, thịt bò kho, cải thảo xào, canh rau ngót

Ngày thứ 2
• Bữa sáng: Bánh cuốn, cháo hoặc miến
• Ăn bữa phụ: Sữa chua
• Bữa trưa: Cơm trắng, canh rau cải nấu thịt, trứng chiên
• Ăn xế: Bánh bông lan
• Bữa tối: Cơm trắng, cải bó xôi xào, đậu hũ nhồi thịt, canh rau muống

Ngày thứ 3
• Bữa sáng: Phở bò, cháo thịt băm, mỳ tùy nhu cầu
• Ăn bữa lỡ: Sữa không đường
• Bữa trưa: Cơm trắng, canh chua cá lóc, thịt kho
• Ăn xế: Chè đỗ
• Bữa tối: Cơm trắng, thịt kho đậu hũ, đỗ xào, canh mồng tơi

Ngày thứ 4
• Bữa sáng: Bún, miến, cháo
• Phụ sáng: Dưa hấu
• Bữa trưa: Cơm trắng, thịt bò kho củ cải, su su luộc
• Phụ chiều: 1 ly sữa canxi
• Bữa tối: Cơm trắng, canh rau ngót, cá kho

Ngày thứ 5
• Bữa sáng: Cháo, bún, phở…
• Phụ sáng: khoai lang luộc
• Bữa trưa: Cơm trắng, canh khổ qua, thịt kho tàu, sữa chua
• Phụ sáng: Chè đỗ xanh
• Bữa tối: cơm trắng, thịt kho trứng, rau muống luộc

Ngày thứ 6
• Bữa sáng: Miến, trứng lộn, bún
• Phụ sáng: Sữa không đường
• Bữa trưa: Cơm trắng, thịt bò xào rau củ, canh cà chua
• Phụ chiều: Chuối
• Bữa tối: Cơm trắng, đậu hũ sốt cà chua, rau lang luộc

Ngày thứ 7
• Bữa sáng: Cháo đỗ xanh, miến thịt, mỳ thịt bò…tùy nhu cầu
• Bữa phụ sáng: Bánh bông lan
• Bữa trưa: Bún nem, thịt
• Phụ chiều: Sữa
• Bữa tối: Cơm trắng, tôm kho, canh cải xoong, đỗ xào thịt.

Hàng tuần các cụ được đổi bữa với món bún chả hoặc bún nem, …

4. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Ngoài tiêu chuẩn về chất lượng món ăn thì chất lượng thực phẩm, tính an toàn cũng được trung tâm đặt lên hàng đầu. Các loại rau củ, quả, gia vị…đều được mua tại các trung tâm cung cấp thực phẩm an toàn, có chứng nhận của cơ quan chức năng do đó đảm bảo an toàn cho các cụ.

Với người cao tuổi, không chỉ cần có chế độ ăn uống khoa học mà cách chăm sóc, chế độ nghỉ ngơi cũng phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Bạn có thể tham khảo cách chế độ sinh hoạt mỗi ngày của người lớn tuổi tại đây hoặc liên hệ hotline 0342.86.56.86 để được nhân viên của Diên Hồng tư vấn cụ thể.

 

Xem thêm