Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

Hợp tác chiến lược với GoCare: Nâng tầm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại dưỡng lão Diên Hồng

Ngày 25/05/2024, tại trụ sở chính của Dưỡng lão Diên Hồng đã diễn ra buổi lễ ký kết giữa Diên Hồng và GoCare. Mục tiêu chính của hợp tác này là phát triển mô hình theo dõi và chăm sóc sức khỏe thông qua sự kết hợp giữa hệ thống viện dưỡng lão Diên Hồng và dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe GoCare. Từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi tại Diên Hồng. Về phía Diên Hồng, có sự tham gia của anh Đỗ Trần Hồ Thắng – Tổng Giám đốc công ty cổ phần Diên Hồng Hà Nội, chị Trần Thúy Nga – Phó Tổng Giám đốc. Về phía Gocare, có sự tham gia của anh Nguyễn Sỹ Hoài – Tổng Giám đốc  công ty TNHH Giải pháp công nghệ Huy Giáp (HGTECHS) và các quản lý.

Anh Nguyễn Sỹ Hoài trực tiếp giới thiệu cách sử dụng ứng dụng và thiết bị Gocare để theo dõi sức khỏe cho các cụ tại Diên Hồng

Nội dung hợp tác gồm các nội dung:

– Cung cấp giải pháp theo dõi sức khỏe: Ứng dụng quản lý sức khỏe cá nhân cho người cao tuổi dựa trên nền tảng theo dõi sức khỏe, hệ thống cloud server, AI, và các thiết bị đo sức khỏe hiện đại.

– Phát triển mô hình theo dõi và chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua trung tâm hỗ trợ 247. GoCare sẽ cung cấp các thiết bị đo lường để theo dõi các chỉ số sức khỏe quan trọng như nhịp tim, huyết áp, nồng độ oxy trong máu,…. Dữ liệu thu thập được sẽ được truyền đến trung tâm giám sát của GoCare, đưa ra các cảnh báo khi có chỉ số bất thường, tư vấn y tế kịp thời và hỗ trợ từ xa khi có trường hợp khẩn cấp.

– Kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe/y tế đi kèm: Người cao tuổi được kết nối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế chuyên sâu khi cần thiết đảm bảo nhận được sự chăm sóc toàn diện và phù hợp nhất.

Sự hợp tác giữa viện dưỡng lão Diên Hồng và GoCare là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam. Hợp tác này sẽ nâng cao trải nghiệm dịch vụ, giúp người cao tuổi tại Diên Hồng sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn

Xem thêm

Chuyện hiếm về gia đình có 3 cha con cùng xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hơn 50 năm trôi qua kể từ khi cả gia đình có 3 cha con “được chọn” xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn vô cùng xúc động, tự hào với những ký ức không bao giờ phai mờ theo dòng lịch sử ấy.

3 cha con cùng xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những ngày này, cả nước đang hướng về kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024). Ngày ngày dòng người đổ về Lăng Bác đông hơn bao giờ hết. Ai nấy đều bày tỏ sự thành kính. Cả cuộc đời hy sinh vì nước, vì dân, tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn ngồi cạnh chồng xúc động khi kể về những ngày tháng được tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Hải

Cảm xúc đặc biệt như bao người, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (80 tuổi) vẫn nhớ như in khoảnh khắc cả 3 cha con bà từng tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 50 năm trước. Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng bà Sơn đã quyết định đóng cửa nhà, chọn viện dưỡng lão là điểm đến cuối cùng sống trọn những năm tháng cuối của cuộc đời.

Theo bà Sơn, trước kia gia đình bà ở thành phố Đà Nẵng, cha mẹ vốn là những người được ông bà cho ăn học chu đáo. Cha bà Sơn là Nguyễn Văn Bé (sinh năm 1912) thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Sau nhiều năm bôn ba tại Lào, trở về nước năm 1946 ông làm Trưởng ty Công chánh Quảng Nam – Đà Nẵng, nhưng khi nghe tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ông tập kết ra Bắc từ năm 1952, đến năm 1954 thì đưa cả nhà ra Hà Nội.

Hình ảnh bà Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng cha và anh trai khi tham gia xây dựng Lăng Bác. Ảnh: NVCC

“Trước đây khi còn nhỏ, chúng tôi là một trong số hàng chục nghìn con em cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, gọi chung là Trường học sinh miền Nam. Học sinh được biên chế vào nhiều trường phù hợp với trình độ, lứa tuổi, hoàn cảnh. Trong đó, trường dành cho nữ ở Hải Phòng, trường dành cho nam ở các tỉnh quanh Hà Nội.

Tôi vẫn nhớ mình được đi trên con tàu Kilinski của Ba Lan chở cán bộ, bộ đội và thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc. Hồi đó tôi còn rất nhỏ nhưng biết đến Bác bằng cả sự kính trọng, ân tình. Bác rất quan tâm đến học sinh miền Nam. Mỗi dịp Trung thu, từng lá thư được Bác gửi đi, khuyên các cháu đoàn kết, trong sinh hoạt hàng ngày phải tự lực cánh sinh, dặn các thầy cô yêu thương học sinh như con ruột của mình. Mọi thứ tốt đẹp nhất Bác đều muốn dành tình cảm cho các cháu thiếu niên nhi đồng – thế hệ tương lai của đất nước”, bà Sơn xúc động.

Hình ảnh hiếm về 2 năm xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Bà Sơn nhớ cha mình khi xây dựng công trình thủy điện Bàn Thạch (Thanh Hóa), với cương vị Chỉ huy phó Tổng đội công trình, liền sau đó ông được sang Liên Xô học đại học thủy lợi (1959). Cầm trên tay tấm bằng kỹ sư trở về nước cùng các cộng sự và hàng ngàn công nhân bắt tay vào việc xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà (Yên Bái), là Phó giám đốc kỹ thuật của nhà máy nhiều năm… Đến năm 1973, dù ở tuổi 61 vẫn chưa nghỉ hưu, ông lại nhận lệnh làm Phó trưởng Ban chỉ huy CT.75808 (mật danh xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Sau đó có thêm người con trai cả của ông Bé là Nguyễn Cát Thạch (hiện 86 tuổi) và bà Sơn được điều về. Vậy là cả 3 cha con cùng sát cánh bên nhau xây dựng Lăng Bác. Ông Thạch khi ấy làm ở bộ phận xây dựng còn bà Sơn là trung tá quân đội ở bộ phận lắp đặt hệ thống thông tin.

Niềm tự hào của người con được cùng tham gia xây dựng Lăng Bác

Trong ký ức của bà Sơn vẫn nhớ như in những ngày cha con cùng làm việc xây Lăng Bác. Cha bà cũng đã dành tâm huyết viết cuốn nhật ký với rất nhiều nội dung, nhưng cảm động nhất là nội dung ghi lại những công việc mà cả 3 cha con ông vinh dự cùng tham gia xây dựng Lăng Bác.

Quang cảnh xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Bà Sơn kể, trong nhật ký của cha có đoạn: “Ban phụ trách là đồng chí Đỗ Mười, Phùng Thế Tài, Vũ Kỳ… Ngày 2/9 năm 1973 khởi công đào móng xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 27/10 đổ mẻ bê tông đầu tiên… ngày 1/7 năm 1975 bàn giao phòng thi hài C5 cho y tế, ngày 19/7 năm 1975 đón Bác về, 19/8 năm 1975 nghiệm thu quốc gia và đến 29 tháng 8 năm 1975 khánh thành…

Về số lượng công nhân làm việc năm 1973 là 352 người, năm 1974 là 1.480 người, năm 1975 là 1.311 người, trong 2 năm cuối dù thi công ồ ạt nhưng không xảy ra tai nạn lao động chết người nào”… càng đọc, càng thấy những con số thi công khổng lồ về đất, đá và sắt thép… cùng với tinh thần hăng say lao động của mọi người, bởi đó là công trình của thế kỷ với tâm niệm “Công trình của tấm lòng biết ơn”.

Theo bà Sơn, vật liệu xây dựng Lăng Bác được mang về từ nhiều địa phương, vùng miền trên cả nước. Nhân dân dọc dãy Trường Sơn còn gửi ra 16 loại gỗ quý. Các loài cây từ khắp các miền được mang về đây như chò nâu ở Đền Hùng, hoa ban ở Điện Biên – Lai Châu, tre từ Cao Bằng…

Bà Sơn cho biết, hiếm có gia đình nào mà vinh dự khi 3 cha con cùng “được chọn” xây Lăng Bác như gia đình mình. Ảnh: Ngọc Hải

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo 4 phương châm: Dân tộc, hiện đại, trang nghiêm, giản dị. Cấu trúc Lăng được chia làm 3 phần: Phần nền xây kiểu bệ tam cấp theo phong cách cổ truyền của kiến trúc Việt Nam; phần thân Lăng cả 4 mặt đều có cột để tạo ra các khoảng trống tựa như các gian của những ngôi nhà 5 gian ở các miền quê Việt Nam; phần mái Lăng hình vát giật tam giác gợi lên nét kiến trúc cổ kính đình chùa.

Lăng có hình vuông, mỗi cạnh 30m, cửa quay sang phía đông, hai phía nam và bắc có hai lễ đài dài 65m dành cho khách trong những dịp lễ lớn. Trước Lăng là Quảng trường Ba Đình với một đường dành cho lễ diễu binh, duyệt binh và một thảm cỏ dài 380m chia thành 240 ô vuông cỏ…

Người dân viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Hưng

Ngay sau khi khánh thành Lăng Bác, ông Bé lại cùng với ông Phạm Hùng (Cố Chủ tịch HĐBT) làm báo cáo tổng kết dài đến 340 trang về quá trình xây dựng Lăng Bác, trước đó riêng ông đã làm tổng kết quá trình xây dựng công trình thủy điện Thác Bà dài 750 trang…

Những dòng hồi ký của cố kỹ sư Nguyễn Văn Bé đã ghi lại những ngày 3 cha con tham gia xây lăng Bác, hơn ai hết bà Sơn cảm thấy vô cùng tự hào, trân trọng những tháng năm mà cha con bà vinh dự được lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Lăng Bác.

“Cha tôi không viết nhiều về mình, ông ghi lại và xem đây như là bản di chúc để con cháu sau này mãi mãi ghi nhớ, tự hào và là động lực để cháu con vươn lên trong cuộc sống, hướng tới tương lai. Có lẽ ở thời điểm đó, hiếm có gia đình nào lại có đến 3 cha con vinh dự cùng được chọn tham gia xây dựng Lăng Bác như gia đình tôi”, bà Sơn nói đầy tự hào.

Khi ấy gia đình bà được bố trí nhà ở số 2 đường Hoàng Văn Thụ, từ đây những bữa cơm trưa, cơm tối, đều rộn vang tiến cha con và đặc biệt vui sướng hơn đó là mẹ của Sơn, sau nhiều năm đằng đẵng một mình nuôi con được tận tay nấu những bữa cơm ngon cho chồng và các con ăn no mà phụng sự công trình trọng đại của đất nước.

“Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ về Bác Hồ tôi đều có cảm xúc rất đặc biệt. Vợ chồng tôi luôn động viên con cháu cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bà Sơn nói thêm.

 

Xem thêm

Buổi lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ: Hành trình mới cho sự phát triển vững mạnh của viện dưỡng lão Diên Hồng

Ngày 14/5/2024 tại trụ sở Huyện ủy Thanh Oai đã diễn ra buổi lễ trang trọng công bố quyết định thành lập chi bộ công ty Diên Hồng Hà Nội, trực thuộc Đảng Uỷ khối Doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước huyện Thanh Oai. Đây là sự kiện mang ý nghĩa trọng đại, đánh dấu một bước phát triển mới trong hoạt động của trung tâm. Và là tiền đề cho sự phát triển vững mạnh của viện dưỡng lão Diên Hồng trong tương lai.
Trao quyết định thành lập Chi bộ Diên Hồng
Sự kiện trọng đại này có sự tham dự của các quý đại biểu, khách quý. Về phía Huyện ủy Thanh Oai có đồng chí Nguyễn Đình Hiếu, Bí thư Đảng Uỷ khối doanh nghiệp ngoài nhà nước huyện Thanh Oai, cùng đại diện các phòng ban, cơ quan liên quan. Về phía Diên Hồng có anh Đỗ Trần Hồ Thắng Tổng Giám đốc công ty, chị Trần Thị Thúy Nga, phó Tổng Giám đốc, Ban Chấp Hành chi bộ cùng đại diện các phòng ban tham dự.
Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp ngoài nhà nước huyện Thanh Oai phát biểu
Trong bầu không khí trang nghiêm, phấn khởi, Bí thư Đảng Uỷ khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đã trao quyết định thành lập Chi bộ cho Ban Chấp hành chi bộ lâm thời. Sau đó, Bí thư chi bộ Trần Thúy Hằng đã tiến hành ra mắt và tuyên thệ nhậm chức.
Bí thư chi bộ Trần Thuý Hằng lên phát biểu tuyên thệ
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Huyện ủy Thanh Oai đã ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Công ty Cổ phần Diên Hồng Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đồng chí cũng yêu cầu chi bộ mới cần tập trung lãnh đạo, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân viên trong công ty nâng cao ý thức chính trị, đạo đức cách mạng, tích cực lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng công ty ngày càng phát triển.
Cũng tại buổi lễ, đại diện Ban lãnh đạo công ty chị Trần Thị Thúy Nga cũng “cam kết hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện để chi bộ tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và kết nạp thêm nhiều đảng viên mới để đội ngũ chi bộ thêm lớn mạnh”.
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển của viện dưỡng lão Diên Hồng. Với sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Thanh Oai và sự nỗ lực của Ban Chấp hành chi bộ, hy vọng rằng chi bộ công ty sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. 
Xem thêm

Dân mạng đua nhau ‘thả tim’ bộ ảnh bằng lăng của 2 cụ bà ở viện dưỡng lão

(VTC News) – Mặc dù tạo dáng rất chân phương nhưng đôi bạn già ở một viện dưỡng lão Hà Nội lại khiến dân mạng “thả tim” ầm ầm khi bộ ảnh họ chụp cùng hoa bằng lăng được chia sẻ.

Không chỉ những người trẻ mới hào hứng chụp ảnh với hoa bằng lăng mỗi dịp tháng 5. Các cụ già cũng thể hiện tâm hồn trẻ trung của mình với loài hoa gợi nhiều hoài niệm của thời thanh xuân. Mới đây, bộ ảnh chụp cùng hoa bằng lăng của hai cụ bà ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) được nhiều hội nhóm, diễn đàn chia sẻ, khiến cư dân mạng đua nhau “thả like, thả tim” vì quá đáng yêu.

Dù bộ ảnh rất mộc mạc, tay nghề chụp ảnh cũng vô cùng “nghiệp dư”, cách tạo dáng của đôi bạn già cũng hếc sức chân phương, nhưng cư dân mạng lại rất thích thú vì nét đáng yêu, thơ trẻ của họ.

Các cụ bà mặc theo phong cách vintage với áo hoa và váy dài, đội mũ điệu đà, tạo dáng bên chiếc xe cub màu vàng, phương tiện “hot hit” ở thời mà hai cụ còn thanh xuân.

Hai cụ bà tạo dáng như thiếu nữ bên xe cub màu vàng.

Tình bạn già ngọt ngào khiến giới trẻ ngưỡng mộ.

Hai nhân vật chính của bộ ảnh là bà Đoàn Thanh Thúy (áo xanh, váy hồng), 78 tuổi và bà Phan Ngọc Quỳnh (áo nâu, váy nâu), 86 tuổi. Họ sống cùng phòng nên rất thân thiết, thường hay kể cho nhau nghe những câu chuyện cũ và nhiệt tình tham gia các hoạt động mà trung tâm tổ chức.

Đại diện Trung tâm Diên Hồng chia sẻ: “Đầu tháng 5, khi hoa bằng lăng nở rộ tím biếc khắp các con phố Hà Nội, các cụ cũng muốn có những bức ảnh đẹp cùng với loài hoa này để làm kỷ niệm. Vì vậy, trung tâm đã lên kế hoạch, chọn trang phục, tiền trạm địa điểm và tổ chức một buổi chụp ảnh cho các cụ. Tất cả ảnh đều do trung tâm tự chụp”.

Buổi chụp ảnh diễn ra khá thuận lợi trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Thời tiết khá mát mẻ nên các cụ không bị mệt, hợp tác với phó nháy một cách ăn ý và phấn khởi. Bà Quỳnh rất vui vì lần đầu tiên được chụp ảnh kiểu “sống ảo”, hào hứng chỉ góc này đẹp, góc kia đáng yêu để ra đứng tạo dáng. Sau đó, bà cụ còn hát tiếng Trung tặng mọi người.

Còn bà Thúy từng chụp ảnh nhiều lần nên tạo dáng rất chuyên nghiệp. Sau mỗi lần chụp, bà cụ đều đề nghị phó nháy chuyển ảnh để lưu vào điện thoại, thi thoảng mở ra xem lại.

Những người thực hiện bộ ảnh muốn gửi gắm thông điệp: “Dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng phải giữ cho mình ngọn lửa yêu đời. Các cụ tại trung tâm dưỡng lão là minh chứng cho điều đó, U90 nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất”.

Bộ ảnh đáng yêu của hai cụ bà được dân mạng nhận xét là “mang nét đẹp vượt thời gian, vượt tuổi tác để hòa vào xu thế”. Nhiều bạn trẻ bày tỏ, họ ước ao sau này về già cũng có bộ ảnh tình bạn với cảm xúc dịu dàng và đầy hoài niệm thanh xuân như vậy: “Bộ ảnh thực sự đẹp, nhìn hai bà cười tươi mà cũng thấy hạnh phúc lây, chỉ mong đến tuổi đó vẫn luôn vui tươi được như hai bà”; “Thời trẻ hẳn hai cụ cũng là một đại mỹ nhân chứ chả đùa, hai cụ như những cô bạn thân trẻ tuổi nắm tay nhau tạo dáng dưới tán bằng lăng tím xinh”; “Các cụ cũng bắt trend chụp hoa bằng lăng như chúng cháu luôn, đáng yêu quá”…

Cùng ngắm những hình ảnh đáng yêu của hai cụ bà bên cây bằng lăng:

Tình bạn tuổi xế chiều khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Bức hình toát lên vẻ tươi trẻ, yêu đời.

Cụ bà tạo dáng với bó hoa bằng lăng trên tay.

Hình ảnh đáng yêu của hai bà truyền cảm hứng đến nhiều người.

“Nàng thơ” bên tán bằng lăng thơ mộng.

Hai cụ bà mặc theo phong cách vintage, nhẹ nhàng.

 

Xem thêm

Những lần đầu tiên đáng nhớ tại Olympic Diên Hồng 2024

Những nụ cười hạnh phúc hay những khoảnh khắc xúc động đến rơi nước mắt đều là những cảm xúc của người chơi trong Olympic Diên Hồng cơ sở 4. Đối với các cụ, khi mắt đã mờ, khi đôi tay đã mỏi, đôi chân cũng chẳng còn nhanh nhẹn thì việc hoàn thành chặng đường 10m thôi cũng đã là cả một sự nỗ lực to lớn rồi.

Bà Kỳ mới vào trung tâm được được hơn 1 tháng, vừa đủ thời gian để bà làm quen với Diên Hồng, với những người bạn mới. Bình thường, bà hay đi chống gậy. Chiếc gậy gỗ tự làm theo bà từ nhà đến khi vào trung tâm. Bà quen như thế rồi, không thích dùng gậy chống 3 chân hay đi bằng gậy chữ U vướng víu. Nhìn bà y hệt như bà cụ trong truyện cổ tích với nụ cười hiền hậu, đôi má đỏ hây hây. 

Lần đầu tiên được tham gia thế vận hội Olympic, bà lại còn là thí sinh tham gia đua gậy chữ U, bà cũng mong chờ lắm. Bước lên thi đấu với sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả, bà chỉ đáp lại bằng một nụ cười móm mém. Phía sau bà là các cháu ra sức hò hét để tiếp cho bà thêm sự tự tin. Về được đến đích, bà cười tươi lắm, cơ mặt lúc đấy mới giãn ra. Bà bảo vui quá, lần đầu tiên đi cái này chứ bình thường bà có dùng bao giờ đâu. Về chỗ rồi, bà vẫn luôn miệng bảo vui quá, có lẽ lâu rồi bà mới được tham gia một chương trình thú vị, vui vẻ như thế này.

Môn thi đánh golf năm nay cũng được đưa vào Olympic cho các cụ thi đấu. Bình thường các cụ chơi dễ dàng lắm nên các cháu cũng tự tin đưa vào. Mà nào ngờ hết cụ này đến cụ khác toát mồ hôi hột cũng không thể nào đưa bóng vào lỗ. Các cháu lại còn sợ dễ quá nên làm khó các cụ bằng quả bóng tennis nữa chứ. Sau một hồi thi đấu, trọng tài quyết định tính kết quả dựa trên vị trí bóng so với lỗ golf, bóng càng gần thì điểm càng cao. Nào ngờ, người giành huy chương vàng lại chính là bà Kỳ. Bà bất ngờ lắm, cứ hỏi lại xem có đúng không. Đôi chân bà trở nên nhanh nhẹn, thoăn thoắt tiền về phía sân khấu để nhận giải, không quên nhoẻn miệng cười thật tươi. Thế là mùa Olympic đầu tiên của bà, bà đã có một chiếc huy chương vô địch thật rồi.

Ông Dũng năm nay cũng lần đầu tham gia Olympic Diên Hồng. Trước đây, ông là kiện tướng cờ vua trong đội tuyển quốc gia. Phong thái của người tham gia thi đấu thường xuyên làm ông khác biệt hoàn toàn với các thí sinh không. Không phải là sự lo lắng, hồi hộp mà ông luôn trong tư thế sẵn sàng và thi đấu hết mình. Ông tham gia thi bộ môn ném bóng dính, đây là bộ môn mới được đưa vào hoạt động của người cao tuổi tại Diên Hồng và lần đầu tiên có tại Olympic Diên Hồng. Với 3 phát ném bóng vô cùng nhanh và dứt khoát của mình, ông Dũng ngạo nghễ quay người về chỗ trong sự hò reo của khán giả. Nhưng vì đối thủ quá mạnh là bà Nhật nên ông đã không thể giành được huy chương vàng. Bà Nhật cứ vừa thi vừa cười nhưng bà ném quả bóng nào cũng dính bảng và mang về điểm số cao nhất, hạ gục tất cả các đối thủ thi cùng bộ môn.

Các cụ cơ sở 4 tham gia với tinh thần vui là chính nên cụ nào cũng vui vẻ, hào hứng mà không hề căng thẳng. Ai cũng thoải mái tận hưởng từng phút giây của buổi thi. Các tiết mục văn nghệ xen kẽ cũng giúp các cụ vực lại tinh thần để tiếp tục thi đấu. Dù không mang về được chiếc huy chương nào nhưng các cụ tham gia thi đấu đều thích lắm, tự hào lắm vì mình được tham gia Thế vận hội Olympic Diên Hồng.

Xem thêm

Thế vận hội thể thao Olympic Diên Hồng lần thứ 8

Vẫn là những cảm xúc hồi hộp, mong chờ trước mỗi mùa Olympic Diên Hồng. Vậy nên năm nào Olympic cũng thật đáng nhớ với những thí sinh tham gia. Đã là năm thứ 8, Diên Hồng cơ sở 1 tổ chức Olympic. Có nhiều cụ đã tham gia rất nhiều mùa trước, không bỏ lỡ mùa Olympic nào từ khi vào, cũng có những cụ mới vào trung tâm, lần đầu biết đến Olympic cho người cao tuổi nên cũng còn bỡ ngỡ lắm.

 Trước ngày thi đấu, cụ nào cũng  hăng say tập luyện để có thể giành được huy chương. Các cụ chưa bao giờ tham gia thì sốt ruột lắm vì không biết các đối thủ của mình mạnh yếu ra sao. Tự nhiên trước mỗi mùa Olympic thì tinh thần thể thao của các cụ lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ai cũng mong khi thi đấu sẽ mang về chiếc huy chương danh giá cho mình.

Ông Việt (NCT đã từng ở Diên Hồng) dù đã khỏe mạnh về nhà trông cháu nhưng dịp nào có sự kiện ông cũng vào trung tâm tham gia cùng các cụ

Olympic cơ sở 1 diễn ra trong tiết trời mát mẻ, dễ chịu dù đã vào hè. Với môn thi “Chuyền cờ tiếp sức”, các cụ sẽ lần lượt vượt chướng ngại vật để đưa cờ cho đồng đội đang đứng chờ ở phía trên. Đội bà Thúy năm ngoái dành được cúp nên năm nay quyết tâm lắm, liên tục bàn chiến thuật với đồng đội, nhất là với ông Súy, người ở vị trí cuối cùng để mang cờ về rổ. Trông dáng vẻ ông Súy đáng yêu lắm, chỉ đứng im nghe bà Thúy chỉ phải làm cái này phải làm cái kia. Nhưng vì đội bà không nhanh bằng đội bạn nên chỉ giành được huy chương đồng. Dù không giành được cúp và huy chương vàng như mong muốn nhưng bà cũng đã hài lòng vì tinh thần đồng đội của đội bà rồi. 

Gương mặt bà Thúy căng thẳng trong suốt phần thi khi bà tập trung cao độ

Sau khi thi xong, cơ mặt bà Thúy mới có thể giãn ra được

Vắng mặt vào Olympic Diên Hồng 2023, năm nay, ông Trung đã quay lại và tiếp tục thử sức với bộ môn bắn súng tại Olympic Diên Hồng 2024. Đã từng vô địch môn bắn súng tại Olympic Diên Hồng 2020, ông Trung cũng tự tin hơn nhiều so với những thí sinh chưa bao giờ tham gia. Nhưng có lẽ để mang thêm về một chiếc huy chương cũng không hề dễ. nữa cũng là một mục tiêu lớn khiến ông trở nên căng thẳng hơn lúc thi đấu. Chờ đến lượt thi đấu, ông cũng hồi hộp lắm. Không chỉ ông mà các cháu cũng hồi hộp theo vì ai cũng mong chờ ông tỏa sáng. Ngồi ở vị trí thi, cầm trên tay chiếc súng bằng 1 tay do chú bị tai biến, nửa người bên trái không thể cử động được, khuôn mặt ông hiện rõ sự lo lắng. Và với sự cổ vũ của khán giả, ông đã làm được rồi. Những phát bắn chính xác đã giúp ông chạm tay đến chiếc huy chương vào duy nhất của bộ môn này. Khoảnh khắc được đeo lên mình chiếc huy chương vàng, ông Trung không còn kìm được cảm xúc. Những giọt nước lăn dài trên má vì hạnh phúc, vì ông đã vượt lên được chính mình.

Những giọt nước mắt đã rơi vì hạnh phúc

Môn thi đua xe lăn có lẽ đã quá quen thuộc với chú Hồng Vinh vì bộ sưu tập của chú đã có đến 4 chiếc huy chương vàng tính từ năm 2020. Năm nay, chú vẫn lựa chọn thi đua xe lăn vì chú vẫn muốn thử sức mình trên đường đua không hề dễ dàng này. Mặc cho căn bệnh tai biến làm chú không thể cử động nửa người bên trái, chú vẫn rất cố gắng để vượt lên chính bản thân mình. 

Chú Hồng Vinh giành huy chương vàng bộ môn đua xe lăn tại Olympic Diên Hồng 2021

Chú Hồng Vinh giành huy chương vàng bộ môn đua xe lăn tại Olympic Diên Hồng 2022

Trước khi thi, mọi người đều đoán chắc chú Vinh sẽ lại giành chiến thắng. Đối mặt với những câu nói của mọi người, chú chỉ bảo “Chưa chắc đã thắng được đâu, phải cố gắng nhiều lắm đấy”. Và rồi không ngoài sự dự đoán của mọi người, chỉ với một tay, chú đã đưa chiếc xe lăn nhanh chóng tiến về đích. Cho đến khi thực sự đeo lên cổ chiếc huy chương vàng thứ 5, chú mới thật sự nhẹ nhõm và nở một nụ cười hạnh phúc. 

Chú Hồng Vinh trong phần thi đua xe lăn tại Olympic Diên Hồng 2024

Không cần là một sự kiện thể thao rầm rộ, Olympic Diên Hồng vẫn luôn mang lại thật nhiều cảm xúc cho các cụ. Mỗi chiếc huy chương, mỗi khoảnh khắc hoàn thành phần thi là bao niềm tự hào của các cụ. Nhìn thấy các cụ mình chăm sóc hằng ngày có thể tự di chuyển, có thể thắng trò chơi mà bình thường các cụ không thể chơi giỏi đến như thế, các bạn điều dưỡng cũng cảm thấy thật hạnh phúc và vui mừng.

Xem thêm

Khai trương cơ sở 5B: Nâng tầm chăm sóc người cao tuổi

Hân hoan chào đón Diên Hồng Cơ sở 5B chính thức khai trương!

Ngày 03/05/2024 vừa qua, Diên Hồng vô cùng hân hoan chào đón sự kiện khai trương chính thức cơ sở 5B, cơ sở thứ 2 trực thuộc khuôn viên của cơ sở 5 EK – Diên Hồng tại Khu Chiến Thắng, Thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội.

Với sứ mệnh mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tinh thần toàn diện cho người cao tuổi, Diên Hồng không ngừng mở rộng mạng lưới cơ sở để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quý khách hàng. Khánh thành cơ sở 5B đã nâng sức chứa của cơ sở 5 lên hơn 60 giường, đem đến nhiều cơ hội hơn cho người cao tuổi được sử dụng dịch vụ chất lượng cao, giá cả phải chăng trong không gian như khu du lịch nghỉ dưỡng của EK – Diên Hồng.

Cùng với đội ngũ nhân viên tận tâm, chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, Diên Hồng cam kết mang đến cho người cao tuổi những trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo nhất. Hãy đến với Diên Hồng Cơ sở 5B để được chăm sóc sức khỏe toàn diện và tận hưởng cuộc sống an nhiên, hạnh phúc!

Xem thêm

Già cậy … viện dưỡng lão (Bài 3)

Ngày càng nhiều người cao tuổi lựa chọn viện dưỡng lão để an hưởng tuổi già.  Điều này cho thấy nhận thức của xã hội cũng như người cao tuổi đã có nhiều thay đổi.

Song, nhìn vào mức lương hưu của đại đa số người cao tuổi hiện nay và chi phí bình quân hàng tháng để vào viện dưỡng lão thì thấy nơi đây là “chốn xa xỉ” với nhiều người.

Bài 3: Không dễ để vào viện dưỡng lão

Chi phí để vào các viện dưỡng lão tư nhân đang cao hơn mức lương hưu của đa số người cao tuổi.

Không phải ai muốn cũng có thể vào

“Khi gia đình đông người ở, không gian sống chật chội, con cái quá bận công việc, bố mẹ lại hay đau ốm không có người chăm, vào viện dưỡng lão rõ ràng là lựa chọn tốt cho chính người cao tuổi và con cái”, bà Trần Thị Liên ở quận Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ.

Tuy nhiên, khi xem lại khoản lương hưu của mình chỉ ở mức 5,5 triệu đồng/tháng trong khi chi phí để vào viện dưỡng lão lên đến cả chục triệu đồng/người/tháng, bà Liên cho rằng viện dưỡng lão là nơi không phải ai muốn cũng có thể vào.

“Không phải riêng tôi mà nhiều người eo hẹp về tài chính dù muốn cũng không đủ tiền để vào viện dưỡng lão”, bà Liên nói.

Thông tin từ BHXH Việt Nam, hiện nay mức hưởng lương hưu bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Nếu tính theo thời giá, người cao tuổi muốn vào nhà dưỡng lão không dễ, cho dù là với mức đóng góp thấp nhất (nhà dưỡng lão tư nhân là 7 triệu đồng/người/tháng).

Theo tìm hiểu của phóng viên, chi phí một tháng ở viện dưỡng lão trung bình khoảng 7-15 triệu đồng, tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng gói trị liệu và chăm sóc y tế khác nhau.

Với mức phí linh hoạt, các viện dưỡng lão cũng có các gói dịch vụ khác nhau để phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Các phòng đơn, đôi, phòng chung sẽ có mức chi phí khác nhau. Như vậy với mức phí cao hơn nhiều so với mức lương hưu của các cụ, chỉ một bộ phận người cao tuổi mà gia đình có điều kiện mới đủ tài chính để tham gia.

Lý giải cho mức phí được cho là khá cao so với lương hưu của các cụ, bà Trần Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão chất lượng cao tại Hà Nội cho biết, vì là dưỡng lão tư nhân nên mọi chi phí doanh nghiệp đều phải chịu từ việc mua đất, xây dựng các cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thuê bác sĩ cùng đội ngũ điều dưỡng viên…

“Để đưa ra mức phí như vậy, chúng tôi đã phải cân nhắc rất nhiều về bài toán tài chính, không thể thấp hơn. Để nhiều người có thể vào được, chúng tôi rất mong Nhà nước ủng hộ bằng cách dành quỹ đất và có ưu đãi về các loại thuế, phí cho những nhà đầu tư, xây dựng mô hình dưỡng lão, chứ không nên cào bằng như các cơ sở kinh doanh khác”, bà Nga đề xuất.

Để các cơ sở dưỡng lão ngày càng phát triển, Nhà nước cần nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách đặc thù.

Giải pháp nào cho viện dưỡng lão giá rẻ

Ông Đặng Tài Tính, nguyên Chánh Văn phòng Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: “Cả nước có gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu trung bình 5,4 triệu đồng/tháng. Hoạt động theo cơ chế thị trường, các trung tâm dưỡng lão không thể đưa ra mức thu thấp hơn vì phải chịu rất nhiều chi phí. Vì thế, chỉ những ai có điều kiện về kinh tế mới có thể chọn nơi đây để an dưỡng lúc tuổi già”.

Theo các chuyên gia, để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế chính sách khuyến khích đầu tư.

Bên cạnh đó, về lâu dài cần nghiên cứu đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi, tạo ra không gian, môi trường cho đầu tư, phát triển; đồng thời, cần có chính sách tạo nguồn lực, dòng tiền cho chăm sóc dài hạn người cao tuổi, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân viên chăm só…

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc một trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi uy tín lâu năm tại Đông Anh, Hà Nội cho rằng, việc khuyến khích nhân rộng mô hình nhà dưỡng lão tư nhân là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của xã hội.

Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các loại hình này như: Ưu tiên thuế, đất đai, nguồn vốn… nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực người cao tuổi, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay: “Mô hình nhà dưỡng lão tư nhân đang được Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển thông qua chính sách xã hội hóa, ưu đãi khi thuê đất, giảm thuế và các hỗ trợ về thủ đăng ký hoạt động, đào tạo nâng cao năng lực nhân viên…”.

Tuy nhiên, ông Toản thừa nhận, số lượng và quy mô các cơ sở còn hạn chế và mới chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.

Vừa qua, Nghị quyết 42-NQ/TW của BCH Trung ương Khóa XIII đã đề cập tới một số chính sách liên quan tới tốc độ già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, trong đó giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành các cơ chế, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia mở rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, các trung tâm cung cấp dịch vụ dưỡng lão.

Theo đó, Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các viện dưỡng lão tư nhân như: Ưu đãi về thuê đất, giảm thuế và các hỗ trợ về thủ tục đăng ký hoạt động, đào tạo nâng cao năng lực nhân viên… xây dựng một khung tiêu chuẩn chung.

Cụ thể đối với việc thiết kế, xây dựng các hệ thống nhà dưỡng lão trên cả nước để làm tiêu chí đánh giá, phân loại và tiến tới xã hội hóa loại hình đặc biệt này.

Việc làm này sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Xem thêm

Viện dưỡng lão Diên Hồng và Autowells ký kết hợp tác thử nghiệm thiết bị theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi

Ngày 16/4/2024, một sự kiện hợp tác mang tính đột phá đã diễn ra giữa Viện dưỡng lão Diên Hồng và Autowells. Hai bên đã chính thức ký kết hợp tác về việc thử nghiệm các thiết bị theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi không ràng buộc, không giới hạn dựa trên vi rung cơ thể con người (FHV*) và AI (trí tuệ nhân tạo) sử dụng BCG (điện tâm đồ đạn đạo). Thiết bị cảm ứng sẽ được đặt dưới đệm tùy theo từng bệnh nhân và có thể đo các tín hiệu sinh học với độ chính xác cao ngay cả khi ở nhiều tư thế, đồng thời cảnh báo đến các thiết bị theo dõi khi có bất thường.

Đại diện Diên Hồng và đại diện Autowells ký biên bản ghi nhớ hợp tác

Sự hợp tác này đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam nói chung và Diên Hồng nói riêng. Thiết bị theo dõi sức khỏe của Autowells được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người cao tuổi, bao gồm:

  • Theo dõi sức khỏe liên tục và chính xác: Thiết bị có thể theo dõi các dấu hiệu sức khỏe quan trọng của người cao tuổi 24/7, giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.
  • Không ràng buộc, không giới hạn: Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, nhẹ nhàng và thoải mái khi đeo, không gây bất kỳ cản trở nào cho người sử dụng.
  • Dễ sử dụng: Thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại nhưng dễ dùng, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Tiết kiệm chi phí: Thiết bị giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi bằng cách theo dõi sức khỏe từ xa và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.

Triển khai lắp thử nghiệm thiết bị theo dõi trên các giường chăm sóc đặc biệt

Viện dưỡng lão Diên Hồng được đánh giá cao là một trong những cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi có quy mô và uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Việc hợp tác với Autowells sẽ giúp Diên Hồng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hy vọng sau thời gian thử nghiệm tại Diên Hồng, sản phẩm sẽ sớm được đưa vào sử dụng rộng rãi để có thể cải thiện quá trình theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi được nhanh chóng và chính xác.

Xem thêm

Già cậy… viện dưỡng lão (Bài 2)

Không còn tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con” như trước đây, ngày càng nhiều người già thích vào sống tại các trung tâm dưỡng lão để an hưởng tuổi già.

Bài 2: Niềm vui ở viện dưỡng lão

 Coi viện dưỡng lão như ngôi nhà thứ hai của mình

Sau 11 năm chồng mất cũng là khi 6 người con đã trưởng thành, có gia đình riêng, cụ Nguyễn Thị Biển (quận Hà Đông, Hà Nội) đã chọn một viện dưỡng lão ở ngoại thành Hà Nội làm ngôi nhà thứ hai của mình.

Ở tuổi 94 nhưng cụ vẫn minh mẫn, lạc quan và tự chủ trong mọi việc.

Trong căn phòng rộng chừng 30m2, cụ Biển sống cùng một cụ bà khác. Mọi thứ đều được bài trí ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi như tivi, tủ lạnh, phòng vệ sinh khép kín.

Đưa cha mẹ vào sống trong viện dưỡng lão, cuối tuần đón cha mẹ về nhà chơi đang là lựa chọn của nhiều gia đình.

Cụ tâm sự, từ ngày cụ ông mất, cụ sống một mình, tự chăm sóc bản thân, chăm sóc vườn tược. Đến khi bị bệnh tuổi già (đau thần kinh hông; dạ dày…) cụ đều tự mình đi taxi vào, ra bệnh viện. Thấy tình trạng của mẹ như vậy không ổn, các con đã gom góp tiền gửi mẹ vào viện dưỡng lão.

“Sau gần 5 năm sống ở viện dưỡng lão, giờ tôi coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Hồi đầu, để tôi đỡ buồn, tuần nào các con, cháu cũng đến chơi. Sau này, khi dần quen cuộc sống ở đây, tôi bảo các con không phải đến thường xuyên mà thu xếp thời gian vào lúc nào cũng được.

Cuối tháng tôi lại được các cháu đón về nhà chơi. 5 năm qua tôi đều ăn tết tại trung tâm, vì ở đây vui hơn, có nhiều hoạt động thú vị hợp tuổi già”, cụ Biển phấn khởi cho biết.

Cụ Nguyễn Thị Biển (thứ 3 từ phải sang) cảm thấy vui và khỏe mạnh hơn sau 5 năm sống trong trung tâm dưỡng lão.

Theo cụ Biển, ở viện dưỡng lão, các cụ được chăm sóc sức khỏe và phục vụ ăn uống rất khoa học.

Hằng ngày, các cụ dậy sớm tập thể dục, được đo huyết áp, giờ ăn, giờ ngủ, sinh hoạt điều độ; các món ăn được chế biến phù hợp người già, được tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu, trò chuyện, chia sẻ giữa những người bạn già nên các cụ thấy rất thoải mái, vui và khỏe hơn.

“Nếu có điều kiện, các cụ nên vào viện dưỡng lão, vừa sướng thân mình, vừa giải phóng sức lao động cho con, cháu, để chúng có cơ hội phát triển sự nghiệp…”, cụ Biển chia sẻ.

Là người ở trung tâm dưỡng lão đã lâu, cụ ông Nguyễn Như Ngà (96 tuổi, phố Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, vợ chồng cụ có hai người con, một trai một gái. Người con trai đang công tác tại TPHCM, con gái sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Cụ bà hiện ở cùng người con trai tại TPHCM.

Các hoạt động thể dục và sinh hoạt điều độ ở viện dưỡng lão đã làm cho sức khỏe thể chất, tinh thần của các cụ được nâng cao.

Trước đây, cụ sống một mình, tự phục vụ bản thân do đã quen nếp sống trong quân đội (cụ Ngà nguyên là Thiếu tướng quân đội, nghỉ hưu đã 30 năm). Tuổi ngoài 80, cụ vẫn có thể đi du lịch nhiều nơi, cả trong và ngoài nước.

Bước sang tuổi 90, bị huyết áp cao, mấy lần gần như đột quỵ, rất nguy hiểm nên các con không yên tâm, muốn thuê người giúp việc nhưng cụ không muốn phiền hà.

Sau đó, các con tìm đã tìm đến viện dưỡng lão và đưa cụ vào. “Sống ở đây, có đội ngũ y tá trực 24/24 sẵn sàng xử lý những tình huống bất ngờ, thực hiện thăm khám hàng ngày, đo huyết áp 3 lần/ngày. Khi huyết áp lên cao được y tá cho uống thuốc nên rất yên tâm”, cụ Ngà chia sẻ.

Nơi góc phòng ở viện dưỡng lão hướng thẳng ra cánh đồng ở khu đô thị đầy ánh sáng, cụ Ngà bảo ở đây không khí trong lành thích hợp an hưởng tuổi già.

Hàng ngày, cụ thực hành lối sống lành mạnh, tập thể dục, tập khí công, thiền, đọc sách, ăn uống thực dưỡng và đặc biệt luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi dịp lễ, tết, 27/7, 22/12 hay sinh nhật… cụ đều được trung tâm tổ chức sự kiện, giao lưu đọc thơ, hát… nên rất vui.

Sống ở viện dưỡng lão, các cụ không chỉ được chăm sóc sức khoẻ, sinh hoạt điều độ mà còn được tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân những ngày lễ của riêng mình.

Các hoạt động thể dục và sinh hoạt điều độ ở viện dưỡng lão đã làm cho sức khỏe thể chất, tinh thần của các cụ được nâng cao.

Như cặp đôi ông bà Nguyễn Gia Hiểu (88 tuổi), Nguyễn Thị Sơn (81 tuổi) là ví dụ. Sống bên nhau 56 năm, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để nuôi dạy các con trưởng thành.

Về già, do con cái bận công việc, sức khoẻ yếu dần, để không phiền con, cháu hai cụ đã đến sống tại trung tâm dưỡng lão cao cấp ở Hà Nội. Nhân kỷ niệm 56 năm ngày cưới của hai cụ, Trung tâm dưỡng lão tổ chức “Lễ cưới kim cương” cho hai cụ.

“Thật xúc động khi chúng tôi sau 56 năm lại được làm cô dâu, chú rể một lần nữa”, bà Sơn nói.

Khi nghe trung tâm nói về ý tưởng tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 56 năm ngày cưới của bố mẹ, chị Đức (con gái lớn hiện sinh sống ở nước ngoài) rất hưởng ứng. Chị nhờ bạn thân đến tham dự và gửi quà chúc mừng bố mẹ.

“Tôi rất vui và xúc động khi thấy bố mẹ luôn khỏe mạnh và yêu thương nhau”, chị Đức nói.

Xem thêm