Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All Posts in Category: Khám phá

Làm sao để có tiền vào dưỡng lão khi về già?

Mỗi khi nhắc đến viện dưỡng lão, nhiều người tỏ ra không thoải mái khi mức phí phải chi trả để một người cao tuổi sống trong Viện dưỡng lão trung bình là 8-10 triệu đồng. Họ cho rằng với mức phí như thế này thì dưỡng lão chỉ dành cho người giàu.

Thực tế, để tuổi già an nhàn thì mỗi người đều phải chuẩn bị, tích lũy tài chính từ khi còn trẻ. Dưới đây là một số cách giúp đảm bảo bạn có đủ tiền để tham gia viện dưỡng lão khi về già:

1. Bắt đầu tiết kiệm sớm

Bạn bắt đầu tiết kiệm cho tương lai càng sớm thì tiền của bạn càng có nhiều thời gian để sinh sôi nhờ lãi suất và đầu tư. Tôi được nghe một câu chuyện của 2 thanh niên trẻ đang tìm việc cùng nhau, một người là người Anh và người kia là người Do Thái. Một ngày nọ, họ đi trên phố và thấy một đồng xu nằm trên mặt đất. Thanh niên trẻ người Anh bước qua mà không thèm nhìn nó, nhưng thanh niên người Do Thái lại nhặt nó lên. Thanh niên người Anh tỏ thái độ xem thường đối với những hành động vừa rồi của thanh niên Do Thái: “Ngay cả một đồng xu cũng nhặt, đúng là không có tiền đồ!”. Thanh niên trẻ người Do Thái nhìn thanh niên người Anh đang đi xa dần và nói: “Để tiền tuột khỏi tay mình mới là kẻ không có tiền đồ!”

Sau đó, hai người vào cùng một công ty cùng một lúc. Công ty rất nhỏ, lương thấp và công việc rất mệt mỏi, không được bao lâu, thanh niên trẻ người Anh chẳng quan tâm đến công việc nữa và rời đi, còn thanh niên Do Thái vẫn vui vẻ ở lại tiếp tục công việc. Hai năm sau, hai người họ gặp lại nhau trên đường phố, thanh niên Do Thái đã trở thành ông chủ, và thanh niên người Anh vẫn đang tìm việc. Thanh niên người Do Thái giải thích: “Bởi vì tôi sẽ không bỏ lỡ ngay cả một đồng xu như anh đã từng làm, tôi sẽ trân trọng nó, và anh thậm chí không thèm một đồng xu, như vậy thì làm sao có thể giàu có được?” Thanh niên người Anh không phải không quan tâm đến tiền, mà là đôi mắt của anh ta luôn nhìn chăm chằm vào số tiền lớn và coi thường số tiền nhỏ. Bất kỳ người giàu có nào cũng đều tích luỹ từng chút một mà thành. Vậy nên ngay từ khi còn trẻ, hãy nghĩ đến tuổi già an nhàn phía trước để mà tiết kiệm. Mỗi người hãy lập một kế hoạch chi tiêu trong khả năng để tuổi già không phải “gánh nợ”.

2. Xem xét Bảo hiểm Chăm sóc Dài hạn hoặc bảo hiểm nhân thọ.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều công ty bảo hiểm với các gói đa dạng khác nhau. Tùy vào thực tế tài chính và nhu cầu của bản thân để chọn gói phù hợp nhất với mình. Mỗi năm đóng góp một lần, vừa hỗ trợ khi gặp các vấn đề rủi ro vừa giúp tích lũy một khoản tiền lớn khi về già. Sau 20 năm hay 30 năm, bạn có thể rút tiền để trang trải chi phí chăm sóc tại viện dưỡng lão. Phí bảo hiểm thường có lợi hơn đối với những người mua bảo hiểm ở độ tuổi trẻ hơn.

3. Tư duy đầu tư từ sớm

Nhiều người chỉ biết gửi tiết kiệm ở ngân hàng với lãi xuất thấp hoặc chi hết số tiền mình có vào mua nhà, mua xe. Thay vào đó, có thể gửi tiền vào các quỹ đầu tư ủy thác uy tín, lợi nhuận có thể không quá cao nhưng vẫn đảm bảo cho bạn một nguồn thu nhập ổn định bên ngoài thu nhập chính của bạn. Sai lầm của nhiều người là có suy nghĩ phải có thật nhiều tiền mới có thể đầu tư. Thực tế, chỉ cần từ 50 triệu đồng là chúng ta đã có thể bước chân vào đầu tư và có thu nhập thụ động từ đó. Với một số hình thức đầu tư ít rủi ro, bạn có thể thu hồi vốn sau khoảng 12-15 tháng và đảm bảo được nguồn tài chính khi về già.

4. Thu hẹp quy mô

Bạn có thể xem xét thu hẹp quy mô ngôi nhà của mình thành một bất động sản nhỏ hơn, giá cả phải chăng hơn, ít phải bảo trì hơn, giải phóng số tiền mà bạn có thể sử dụng để chi trả cho viện dưỡng lão. Hoặc trước đó, bạn có thể dùng số tiền còn lại đầu tư vào bất động sản như một “của để dành” khi về già.

5. Bán tài sản

Bạn có thể bán tài sản, chẳng hạn như cổ phiếu, bất động sản hoặc ngôi nhà thứ hai, để thanh toán chi phí viện dưỡng lão. Thay vì dành hết số tiền mình có để mua nhà, mua xe cho con cháu thì hãy phòng thân bằng một số tài sản khác mang tên mình để tùy ý sử dụng. Tiền của mình có thể tùy ý sử dụng, không phải e ngại con cháu tranh giành.

6. Tìm kiếm lời khuyên tài chính chuyên nghiệp

Cố vấn tài chính có thể giúp bạn xác định các lựa chọn tốt nhất để tiết kiệm và đầu tư cho tương lai của bạn, bao gồm xem xét thế chấp ngược hoặc bán tài sản

Hãy nhớ rằng, đây chỉ là những mẹo chung và tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến ​​của một cố vấn tài chính để đưa ra một kế hoạch cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu cụ thể và tình hình tài chính của bạn. Họ sẽ giúp bạn xác định các lựa chọn tốt nhất để tiết kiệm và đầu tư cho tương lai của bạn

 

 

Xem thêm

Làm sao để thuyết phục cha mẹ vui vẻ vào sống trong viện dưỡng lão

Thuyết phục bố mẹ vào sống trong viện dưỡng lão có thể không dễ dàng vì họ có thể cảm thấy bất an hoặc sợ mất tự do. Tuy nhiên, có năm cách hữu hiệu giúp bạn thuyết phục họ:

Tìm hiểu về viện dưỡng lão

Hãy tìm hiểu về viện dưỡng lão và những dịch vụ mà họ cung cấp. Hãy giải thích cho bố mẹ rõ ràng về lợi ích của viện dưỡng lão và các hoạt động giải trí và tình cảm mà họ sẽ nhận được. Cụ thể có 4 lợi ích thiết thực khi người cao tuổi sống trong trung tâm dưỡng lão:

Chăm sóc sức khỏe: Viện dưỡng lão cung cấp các dịch vụ y tế chuyên nghiệp và chăm sóc sức khỏe cho người già, giúp họ giữ được sức khỏe tốt hơn.

An toàn: Viện dưỡng lão cung cấp môi trường an toàn cho người già, giúp họ tránh được những rủi ro liên quan đến sức khỏe và an toàn.

Dịch vụ chăm sóc tâm lý: Viện dưỡng lão cung cấp các dịch vụ tâm lý và chăm sóc tâm trạng cho người già, giúp họ giảm đau đớn và cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần.

Cải thiện chất lượng cuộc sống: Viện dưỡng lão cung cấp các hoạt động giải trí và giao lưu cho người già, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm cô đơn.

Các hoạt động trải nghiệm cho NCT tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Các hoạt động trải nghiệm cho NCT tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

Gặp gỡ các người đã sống tại viện dưỡng lão 

Hỏi những người trải nghiệm thực tế để có thông tin chính xác nhất về một sản phẩm, dịch vụ. Hãy gặp gỡ người đã sống tại viện dưỡng lão và hỏi họ về kinh nghiệm của họ. Họ sẽ chia sẻ những điểm hấp dẫn khi ở trong viện dưỡng lão. Điều này sẽ giúp bố mẹ cảm thấy an tâm hơn về viện dưỡng lão. Ít nhất, bố mẹ sẽ không còn hoài nghi về trung tâm dưỡng lão như một nơi bị cho là nơi con cháu đẩy bố mẹ vào để thoái thác trách nhiệm chăm sóc. 

Tìm môi trường giản dị và thân thiện 

Hãy tìm viện dưỡng lão có môi trường giản dị và thân thiện để giúp bố mẹ cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy cùng họ đi thăm và xem xét viện dưỡng lão để giúp họ quyết định. Môi trường càng gần gũi, ít cầu kì thì người cao tuổi càng dễ thích nghi và cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với các cháu chăm sóc và người cùng trang lứa. Chính môi trường không câu nệ sẽ giúp người già đến gần nhau hơn, dễ kết thân và trở thành tri kỉ.

Gặp gỡ những người bạn mới tại trung tâm dưỡng lão

Lựa chọn dịch vụ ở ngắn ngày để bố mẹ trải nghiệm

Trăm nghe không bằng một thấy nên hãy mời ông bà cha mẹ đến ở thử vài ngày trong viện dưỡng lão. Khi có trải nghiệm cùng với các mối quan hệ mới và sự đồng hành của viện dưỡng lão, các ông bà sẽ quen dần và thấy việc thay đổi môi trường sống cũng không quá khó khăn. Ở tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, một số ông bà sau khi ở ngắn ngày đã đăng ký ở dài ngày luôn vì quá thích môi trường có đông bạn bè.

Không nói chính xác mức phí phải đóng cho bố mẹ

Người già thường hay tiết kiệm hoặc e ngại sử dụng dịch vụ nếu họ thấy tốn kém. Vì vậy, cách tốt nhất là không nói cho bố mẹ biết mức phí hoặc chia sẻ như một lợi ích của bảo hiểm. Khi đó bố mẹ sẽ thoải mái tận hưởng cuộc sống ở trong trung tâm dưỡng lão mà không phải lo nghĩ đến chuyện tốn kém.

Những người già, hoặc người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và an toàn tốt hơn, hoặc cần sự chăm sóc tâm lý và giải trí thường xuyên, nên sống trong viện dưỡng lão. Ngoài ra, những người có gia đình không có khả năng chăm sóc hoặc cần một môi trường an toàn và chăm sóc sức khỏe tốt hơn cũng có thể lựa chọn sống trong viện dưỡng lão. Tùy vào nhu cầu và tính cách của bố mẹ, các con có thể tìm cách gợi ý và thuyết phục cho phù hợp.

Xem thêm

Hạnh phúc trong viện dưỡng lão hay cô đơn trong chính ngôi nhà có con cháu?

Tết đến xuân về là lúc gia đình đoàn tụ sau một năm làm việc miệt mài. Đó cũng là lúc để con cái có dịp gần gũi, quan tâm đến cha mẹ mình hơn. Nhưng có nhiều câu chuyện ngoài đời thực khiến ta không khỏi chạnh lòng.

Tết này tôi chứng kiến một câu chuyện “cảm lạnh” về chuyện mừng thọ bố mẹ. Chiều 30 Tết, khi đứa cháu hỏi han các bác, các dì về việc tổ chức mừng thọ cho ông thì câu trả lời là “không biết’. Không ai có kế hoạch gì về việc cùng nhau tổ chức một buổi mừng ông thọ 90 tuổi ấm cúng. Ngay cả đến sáng mùng 1, cả nhà vẫn còn chưa rõ ngày mùng 4 ông có được ra ủy ban để được tôn vinh và chúc mừng hay không vì chưa thấy thư mời. Sau một lúc tranh luận thì mới lộ ra chiếc thư mời đã được gửi tới và đang ở đâu không ai biết.

Tết này tôi cũng chứng kiến một số đại gia đình đón Tết cùng nhau ngay trong Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng từ trước Tết cho đến sau Tết. Cả nhà lúc nào cũng chuyện trò rôm rả khiến bà cười không khép được miệng. Con cháu còn mang vào cho cụ những món ăn ngon tự tay nấu để bà cảm nhận tình cảm gia đình ấm áp và yêu thương gửi gắm trong từng miếng ngon. Mặc dù cha mẹ có ở viện dưỡng lão đi chăng nữa, thì con cái vẫn luôn quan tâm từng chút một, nhất là dịp Tết.

Trong hai câu chuyện trên, chắc hẳn mọi người đều sẽ thích trường hợp vui vẻ trong viện dưỡng lão có con cháu tưng bừng vào ra hơn là sống cùng con cháu vô tâm như câu chuyện đầu tiên.

Tôi cứ băn khoăn không hiểu tại sao người già cứ bám chấp vào những thói quen cũ và nỗi sợ sống xa con cháu, sợ không có người phụng dưỡng bên cạnh để rồi đổi lại là những buồn tủi, hờn trách. Con cái bận rộn không đủ quan tâm, sự khác biệt thế hệ dẫn đến các mâu thuẫn nhỏ tích tụ khi sống chung,… đã dẫn đến những vết nứt trong tình cảm của các thành viên trong gia đình đối với ông bà, bố mẹ.

Nhiều người chọn sống xa con cháu, tự lực, tự cường, tự quản với những lứa người cùng tuổi, cùng thế hệ khi còn đủ sức. Khi cảm thấy sức khỏe giảm xuống, họ chọn viện dưỡng lão là nhà, coi những người chăm sóc như cháu mình. Bỗng nhiên các ông bà ấy thấy cuộc sống mang nhiều ý nghĩa hơn là suốt ngày than phiền con cháu vì chẳng có việc làm nào khác trong những ngày dài đằng đẵng.

Chỉ khi hạnh phúc của mình không còn phụ thuộc vào người khác thì dù ở độ tuổi nào và sống ở đâu thì chúng ta mới có thể vui sống. Và một cụ già hạnh phúc chắc chắn sẽ có những người con người cháu muốn gần gũi, quan tâm.

Xem thêm

Tích tiền để vào viện dưỡng lão cao cấp

Những năm gần đây mô hình viện dưỡng lão xuất hiện khá nhiều tại Hà Nội và thu hút đông đảo người quan tâm. Các dịch vụ được trải dài từ bình dân đến cao cấp. Chính vì thế tư duy về viện dưỡng lão cũng tiến bộ hơn.

Nếu như chục năm về trước khi tôi rủ chồng lên kế hoạch tài chính để về già vào dưỡng lão là chuyện ngược đời, thì hiện tại nhiều người U60 như chúng tôi cũng đều có suy nghĩ như thế.
Theo như tôi tìm hiểu, chi phí vào viện dưỡng lão tại Hà Nội trung bình 8-10 triệu. Có viện rẻ hơn tầm 6-7 triệu/tháng. Hoặc cao cấp hơn có thể 15,20 hoặc vài chục triệu cũng có. Với mỗi mức chi phí thì dịch vụ đi kèm cũng khác nhau. Ở các viện dưỡng lão cao cấp, cuộc sống của người cao tuổi đạt “5 sao” như được ở phòng riêng, hưởng chế độ chăm sóc toàn diện và nhiều tiện nghi đi kèm.

Phòng vip tại cơ sở 3 viện dưỡng lão Diên Hồng với đầy đủ tiện nghi

Để có cuộc sống cao cấp hơn khi về già thì chúng tôi đã vạch ra 1 số kế hoạch tài chính cho tuổi trung niên từ sớm. Hiện tại chúng tôi có 1 căn nhà vừa sửa sang lại tươm tất, rộng rãi. Sau này về già chúng tôi có thể bán hoặc cho thuê.
Năm 2019, với vốn tiết kiệm của 2 vợ chồng, tôi vay thêm anh em họ hàng để làm 20 phòng trọ cho thuê. Đây cũng xem như dòng tiền ổn định để đóng bảo hiểm hàng năm, lo chi phí học hành cho con cái và tích cóp thêm.
Bên cạnh đó 2 vợ chồng tôi vẫn duy trì việc đi làm để có tài chính ra vào, cũng như giúp bản thân phát triển. Những thời điểm căng thẳng thì xin nghỉ không lương để refresh và nạp lại năng lượng.

Người trẻ cần lên kế hoạch tài chính cho tuổi già

Ngoài ra chúng tôi cũng đầu tư đất để dành tại ngoại thành Hà Nội và 1 nguồn tiền tiết kiệm với giá bán hiện tại khoảng 5 tỷ. Ví dụ sau này chi phí vào dưỡng lão của chúng tôi khoảng 40 triệu/tháng. 1 năm là 480 triệu, ở bao nhiêu năm thì cứ vậy nhân lên. Chưa kể những lúc bệnh tật, ốm đau thì sẽ tốn kém hơn. Chính vì thế để sau này về già không phiền con cái, chúng tôi càng phải sử dụng đồng tiền hợp lý, bên cạnh đầu tư thêm để có nền tảng tài chính vững vàng. Kinh tế của gia đình chúng tôi là kém hơn với bạn bè, hàng xóm xung quanh. Vì thế chúng tôi cần cố gắng thêm thì sau này mới có thể vào viện dưỡng lão cao cấp như mong ước.

Nếu ai cũng có ý định vào dưỡng lão như vợ chồng tôi thì mọi người nên tìm hiểu chi phí ngay từ bây giờ. Việc chuẩn bị cho tuổi xế chiều không phải là công việc có thể làm trong ngắn hạn. Tôi tin rằng chỉ chục năm nữa thôi, viện dưỡng lão sẽ là lựa chọn hàng đầu cho người già.

Chia sẻ của cô Đặng Minh Ngọc – Hà Nội

Xem thêm

Người già có nên vào viện dưỡng lão

Hiện nay ở các nước phát triển thì viện dưỡng lão là lựa chọn phổ biến và phù hợp với người già. Nhưng ở Việt Nam quan niệm về chữ Hiếu và việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Phần lớn người già đều thích gần gũi với gia đình con cháu. Vậy giả sử khi ông bà còn khỏe và sống cùng con cái thì điều gì xảy ra. Rõ ràng là khi đó việc trông cháu, cơm nước, dọn dẹp được mặc định là của ông bà. Sáng sớm, trong khi nhiều vợ chồng trẻ ngủ sát giờ đi làm mới dậy, thì ông bà đã phải thức dậy từ sớm để lo cơm nước, lo cho cháu rồi. Báo Hiếu còn chưa thấy đâu, chỉ thấy thêm sự vất vả.

Người già vui đón tết tại viện dưỡng lão Diên Hồng

Nhiều năm sau, khi sức khỏe ông bà yếu đi liệu đã được con cháu báo Hiếu. Với trường hợp con cháu quá bận rộn công việc, học hành, thường xuyên đi công tác không có điều kiện về thời gian để chăm sóc thì có lẽ con cái sẽ thuê giúp việc về chăm, hoặc để bố mẹ già thui thủi một mình ở nhà. Khi đó người già đã cô đơn, nay càng thấy lạc lõng trong chính căn nhà của mình.
Đấy là còn chưa kể đến việc ở chung dễ xảy ra bất đồng do khác nhau về thế hệ, lối sống, suy nghĩ. Vì vậy để tuổi già được thảnh thơi, người già cũng nên thay đổi suy nghĩ của mình. Có thể sống riêng, có thể vào viện dưỡng lão. Con cái tôn trọng quyết định của bố mẹ cũng là một loại báo Hiếu.

Vào viện dưỡng lão người già vẫn được tham gia các hoạt động ngoại khoá, thăm quan các khu di tích

Tôi nghĩ người già nên vào dưỡng lão. Tuy xa con cháu nhưng nếu ở riêng thì số lần được gặp con cháu cũng chẳng nhiều. Hơn nữa vào dưỡng lão còn có bạn già với nhau, có người bầu bạn, được trò chuyện chia sẻ tâm sự, có thể giải tỏa những vướng mắc tâm lý. Được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân. Ngoài ra còn được thăm khám và theo dõi sức khoẻ định kỳ.

Với những người bệnh tật già yếu, con cái bỏ bê không chăm lo được thì mới là bất hiếu. Chứ việc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn thì không gọi là bất hiếu nữa.

Ngày tết thay vì đón cha mẹ về con cái có thể vào thăm tại viện

Tại viện dưỡng lão Diên Hồng, đa phần người già sau khi vào trung tâm đều được cải thiện sức khỏe và tâm lý một cách đáng kể. Bà Đỗ Thị Lan sau khi vào trung tâm được hơn 1 tháng đã có cải thiện rõ rệt. Bà đã có thể chống gậy chữ U để tập đi thay vì ngồi xe lăn, bà khoẻ ra, tinh thần cũng vui vẻ hơn. Thấy sự tiến triển của bà, gia đình cũng vì thế mà yên tâm hơn. Bởi vậy để bố mẹ vào viện dưỡng lão không hẳn là bất hiếu, mà vì muốn người thân được chăm sóc tốt hơn. Nhưng để người già sống tốt hơn, hạnh phúc hơn trong viện dưỡng lão vẫn cần sự quan tâm chia sẻ từ gia đình. Việc lui tới thăm nom cần được duy trì thường xuyên và đừng quên chia sẻ những câu chuyện, tin tức về con cháu, họ hàng… để các cụ cảm nhận được sự hiện diện của mình. Ở đâu không quan trọng, quan trọng là người già cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và được quan tâm thì đó chính là báo hiếu.

Xem thêm

Tuổi già càng khó tính vì… cô đơn

Tuổi già thường đi liền với khó tính

Theo các chuyên gia tâm lý, sự “đổi tính đổi nết” của người già do nhiều nguyên nhân. Họ thường hay kỹ tính cẩn thận trong mọi việc. Cuộc sống bó hẹp trong gia đình nên suy nghĩ đến bản thân nhiều hơn. Ngược lại, lớp trẻ năng động và luôn có xu hướng “hướng ngoại”. Họ có phong cách sống trẻ trung, nghĩ cũng “thoáng” hơn. Điều này gây nên những mâu thuẫn trong các gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà.

Người già thường chỉ loanh quanh trong ngôi nhà cả ngày, bị bó hẹp giữa 4 bức tường, con cái, cháu chắt lại đi làm, đi học nên họ thường xuyên cảm thấy cô đơn. Mặt khác khi con cháu trở về, thường ít hoặc không nói chuyện với ông bà vì nhiều lý do riêng. Cộng với việc khi tuổi cao hơn, họ không còn sức khỏe để bươn chải, lăn lộn với thương trường, cũng chẳng đủ tỉnh táo để làm việc kiếm sống, cũng không còn uy lực để ăn to nói lớn với đàn con…

Đó là một thực tế mà không phải người già nào cũng có thể chấp nhận, họ luôn “ôn cố tri tân” (nhắc lại cái cũ để hiểu biết hơn cái mới) vào hào quang của mình ngày nào. Họ không hiểu rằng giờ đây mình chỉ là “chuối chín cây”, chiếc lá mùa thu và buộc phải sống dựa vào tình cảm, nuôi dưỡng của gia đình và xã hội. Thậm chí nhiều cụ gần như trở thành một gánh nặng cho con cháu với trách nhiệm “bao bọc” miễn cưỡng.

Chính vì vậy, khi hiểu được những thực tế phũ phàng ấy người già trở nên đau khổ, buồn bực và muốn phản kháng. Thậm chí rất nhiều người già lại trở thành “nhi hóa”: Hay khóc, tự ái, mặc cảm, xa lánh, ganh tỵ…

Vậy làm thế nào để người già “dễ tính” hơn?

– Tạo môi trường sống thoải mái cho người già

Nếu người già được sống trong một môi trường thoải mái, giàu tình yêu thương và vị tha thì tâm lý, tính cách họ cũng sẽ rộng lượng, dễ chịu hơn. Các thành viên trong gia đình cần ôn hòa, thoải mái, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn. Người già sẽ sống vui, sống khỏe khi con cháu hiếu thảo, luôn luôn lễ phép và tôn trọng ý kiến của họ. Đặc biệt nên dành nhiều thời gian quan tâm để người già không cảm thấy cô đơn.

Dành nhiều quan tâm hơn tới người già

– Trẻ hóa bản thân

Con cháu làm cho người cao tuổi được trẻ hóa bản thân. Tức là họ biết tự chăm sóc bản thân mình, không tạo gánh nặng cho xã hội và được làm theo những gì họ muốn. Những người cao tuổi về hưu, họ có rất nhiều kinh nghiệm với vốn kiến thức tích lũy được theo năm tháng. Đó là kho báu quý giá cho lớp trẻ nếu họ biết cách “khai phá”. Hãy để người già đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Như vậy họ không cảm thấy mình vô dụng, không giúp được gì cho con cái nữa.

Thêm vào đó, người già trẻ hóa bản thân ở cả tâm hồn và hình thể. Cách ăn mặc, chăm sóc cơ thể một cách khoa học cũng giúp họ giữ được những nét tươi trẻ. Như vậy họ sẽ tự tin hơn trong sinh hoạt và giao tiếp với mọi người.

Lớp trẻ cần thường xuyên nói chuyện, tiếp xúc với người già nhiều hơn. Đồng thời, hướng dẫn họ đọc sách báo, mạng internet, quan tâm đến đời sống, nhu cầu và tính cách của lớp trẻ. Tránh những mâu thuẫn dễ khiến người già “khó tính”, đây cũng là cách làm cho tâm hồn họ không “già cỗi”. Tập thể dục cũng là 1 cách giúp người già tăng cường sức khỏe, bớt “khó tính”

Làm mới và  trẻ hóa bản thân

– Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Người cao tuổi nên duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Lưu ý giảm lượng đường và muối trong bữa ăn. Tăng cường ăn nhiều rau tươi, quả chín và các thức ăn giàu chất chống oxy hóa, ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá. Đặc biệt là tăng cường vận động. Hơn nữa, cần bổ sung lượng sữa phù hợp với cơ thể, phòng chống loãng xương và thiếu chất dinh dưỡng.

– Thú chơi tao nhã

Bạn có thể tìm cho người già những thú chơi tao nhã vừa để tâm hồn thêm thư thái, vừa để rèn luyện sức khỏe. Những thú vui như làm vườn, chơi cây cảnh, chơi chim, chăm bể cá cảnh, nuôi thú cưng hay đi câu cá, đánh cờ… Có nhiều cách chọn sao phù hợp với niềm yêu thích, sức khỏe và điều kiện gia đình, điều kiện kinh tế của người cao tuổi. Tìm đến các thú chơi tao nhã sẽ rút ngắn thời gian rảnh rỗi có thừa của người già, tránh làm họ cảm thấy buồn chán dễ sinh cáu gắt.

Có các thú vui tao nhã

– Gắn bó với tập thể

Người già vẫn cần duy trì gắn bó với tập thể để giảm bớt sự cô đơn và tìm những niềm vui khác nhau cho mình. Bạn có thể khuyên và định hướng họ tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, câu lạc bộ người cao tuổi như câu lạc bộ thơ, diễn văn nghệ… Ngoài ra, có các câu lạc bộ thể dục thể thao hợp lứa tuổi như cầu lông, dưỡng sinh. 

– Suy nghĩ tích cực

Điều quan trọng nhất là chính họ phải có 1 suy nghĩ tích cực. Họ không nên quá phụ thuộc hoặc mong chờ vào con cái. Ngày nay, nhiều người đã chủ động lo liệu cho tuổi già của mình. Ví dụ chủ động tìm hiểu và bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Như đi du lịch đây đó, chủ động tham gia các câu lạc bộ, hoặc tự tìm hiểu và lựa chọn sống trong viện dưỡng lão. Khi đã chủ động về tuổi già, thì cho dù có gặp tình huống nào, người già cũng đều có thể không khó tính.

 

Xem thêm

Trầm cảm ở người cao tuổi

Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta khi chúng ta già đi. Trầm cảm người cao tuổi có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Từ sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi, thú vui và các mối quan hệ trong gia đình, xã hội

Hầu hết người già đều không thể nhận ra các triệu chứng khi họ bị trầm cảm. Vì vậy khi phát hiện ra thì tiến triển bệnh đã khá nặng. 

Các dấu hiệu trầm cảm ở người cao tuổi bao gồm:

  • Cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng.
  • Đau nhức không rõ nguyên nhân
  • Thiếu năng lượng, không có hứng thú với xã hội
  • Giảm cân hoặc chán ăn.
  • Rối loạn giấc ngủ (khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, ngủ quên hoặc buồn ngủ ban ngày).
  • Mất giá trị bản thân (lo lắng về việc trở thành gánh nặng cho con cái).
  • Sa sút trí nhớ.
  • Bỏ bê việc chăm sóc cá nhân (bỏ bữa, quên uống thuốc, không vệ sinh cá nhân).

Nguyên nhân trầm cảm ở người lớn tuổi

Những vấn đề sức khỏe. Bệnh tật, tàn tật, đau yếu đều có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

Cô đơn. Theo một nghiên cứu cho thấy những người già sống một mình khép kín, không có kết nối xã hội thường có tỉ lệ trầm cảm cao hơn.

Người già nên sống vui vẻ

Nỗi sợ hãi. Sau khi về hưu người già thường rơi vào khủng hoảng. Vì với họ về hưu là mất đi địa vị, sự tự tin, sự an toàn về tài chính cũng như tiếng nói trong xã hội. Họ sợ cảm giác dư thừa và vô dụng. Chính những suy nghĩ tiêu cực đó cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi.

Gặp những biến cố trong đời. Với người già khi họ mất đi người thân, bạn bè hay vật nuôi yêu thích cũng sẽ khiến họ rơi vào tuyệt vọng. Khi không thể vượt qua được nỗi đau đó họ dễ rơi vào trầm cảm ở người cao tuổi.

Ngoài ra các bệnh mãn tính đều có thể dẫn đến trầm cảm hoặc làm cho trầm cảm tồi tệ hơn. Bao gồm: Bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường, sa sút trí tuệ,…

Đừng bao giờ cho rằng việc mất đi sự nhạy bén về tinh thần chỉ là một dấu hiệu bình thường ở tuổi già. Đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ. Trầm cảm và sa sút trí tuệ có nhiều triệu chứng giống nhau, bao gồm các vấn đề về trí nhớ , giọng nói và cử động chậm chạp, và động lực thấp, vì vậy có thể khó phân biệt hai bệnh này. Và dù là bệnh nào thì nó cũng cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Cách giúp người lớn tuổi khi bị trầm cảm

Lắng nghe người cao tuổi với sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Đôi lúc chúng ta không cần phải cố gắng “chữa trị” chứng trầm cảm mà chỉ cần ở đó để lắng nghe. Khi người già chủ động chia sẻ thì cũng là lúc họ đang dần mở lòng hơn với thế giới bên ngoài.

Lên lịch cho các hoạt động xã hội thường xuyên. Trầm cảm ít xảy ra hơn khi cơ thể và tâm trí hoạt động. Chính vì thế các hoạt động xã hội, các chuyến đi chơi cùng gia đình, thăm bạn bè, hoặc các chuyến trải nghiệm tại viện dưỡng lão sẽ giúp người già không còn cảm giác cô độc. 

Tham gia các hoạt động vui chơi giải trí

Lên kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn lành mạnh. Những người trầm cảm thường chán ăn, ăn không ngon miệng. Một chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng lại càng làm cho bệnh trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy hãy đảm bảo rằng người thân của bạn đang ăn uống đúng cách. Tăng thêm nhiều nhiều trái cây, rau và protein lành mạnh trong mỗi bữa ăn.

Giúp người thân của bạn tìm được một bác sĩ tâm lý phù hợp, đi cùng họ đến các cuộc hẹn và hỗ trợ về mặt tinh thần. 

Trong trường hợp người cao tuổi có các triệu chứng trầm cảm vừa và nặng thì cần kết hợp thêm nhiều biện pháp hỗ trợ:

Dùng thuốc chống trầm cảm. Đây là loại thuốc có chứa các hoạt chất gây ức chế việc hấp thu serotonin có chọn lọc. Thuốc này giúp tăng hóa chất não trong việc chống trầm cảm. Nhưng có thể gây giòn xương, tăng nguy cơ gãy xương ở người già.

Liệu pháp sốc điện ECT: Đây là liệu pháp điều trị trầm cảm ở người cao tuổi cực kì hữu hiệu. Nhưng tác dụng phụ của nó lại có thể dẫn tới nguy cơ bị mất trí nhớ.

Trầm cảm thường tái phát khi ngừng điều trị quá sớm. Vì vậy chúng ta cần phải đồng hành cùng người cao tuổi để khuyến khích việc điều trị được theo đúng kế hoạch. Từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Việc đưa người già vào trung tâm dưỡng lão cũng sẽ giúp họ có thêm gắn kết với xã hội, thêm nhiều tác động tinh thần. Từ đó giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của trầm cảm.

Xem thêm

Câu chuyện vào dưỡng lão của cụ bà 80

“Diên Hồng là viện dưỡng lão phù hợp nhất với bà”, cô Đinh Thị Vân Chi con gái bà Triệu Thị Phương Xuyến chia sẻ.

Khởi đầu

Bà Triệu Thị Phương Xuyến (80 tuổi) hiện đang sinh sống tại viện dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 4. Bà có 2 người con gái, con gái đầu ở Hà Nội, con gái út bên Mỹ. Trước đây ông bà không sống cùng với con cái, mà ở riêng tại Thụy Khuê cùng với một người giúp việc. Sau khi ông mất, bà cũng không về sống cùng các con, mà tiếp tục ở với giúp việc. Sau 7 năm, sức khỏe bà yếu hơn và bắt đầu có dấu hiệu lẫn tuổi già. Giúp việc lúc đó cũng xao nhãng việc nhà, lại không có chuyên môn y tế nên con gái quyết định tìm một nơi để bà được chăm sóc tốt hơn. 

Đầu tháng 12/2020, bà Xuyến bắt đầu với những ngày tháng đầu tiên tại trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2. Bà Xuyến ở cùng một cụ bà khác trong căn phòng gần 50m2 với đầy đủ tiện nghi. Mỗi ngày sau khi ăn sáng xong, 2 bà lại rủ nhau xuống phòng thể chất, rồi tham gia các hoạt động vui chơi tại trung tâm. Sau khi vào trung tâm bà được các bạn nhân viên xoa bóp, tập luyện nên căn bệnh đau lưng đã thuyên giảm không ít, bà ngủ ngon hơn, ăn uống cũng tốt hơn. Cô con gái thấy vậy cũng yên tâm phần nào.

Mặc dù đã ở quen và rất thích Diên Hồng nhưng lúc nào bà cũng có câu cửa miệng: “Mình phải ở nhà mình chứ, đấy đâu phải nhà mình”. Và bà bàn với con gái mua lại căn phòng mình đang ở. Ngồi trên ghế, bà cẩn thận viết từng chữ trong tờ giấy ủy quyền. Khi biết tin trung tâm đồng ý bán lại cho bà căn phòng đó, bà Xuyến phấn khởi lắm. Bà hí hửng cười bảo với bà Biển, người bạn cùng phòng: “Em mua căn phòng này rồi nhé, bây giờ chị cứ yên tâm ở với em, 2 chị em mình ở với nhau, không phải đi đâu hết”. Rồi bà ngồi ngắm nghía xem cái tủ mang từ nhà đến thì để ở đâu, rồi quần áo, đồ đạc.

Bà Xuyến tham gia hội thao Olympic tại trung tâm

Thay đổi

Cô Vân Chi, con gái bà chia sẻ: “Bà ở Diên Hồng được các bạn chăm sóc rất tốt, bà vui vẻ hẳn ra. Nhưng điểm trừ là không gian sân vườn của cơ sở không nhiều”. Chính vì vậy cô quyết định tìm nơi ở mới cho bà. Đó là một viện dưỡng lão tại Sóc Sơn với khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh, vườn tược, ao hồ. Nhưng lúc này bệnh đau chân của bà lại tái phát, bà không thể đi dạo được. Sân vườn rộng bây giờ cũng không còn phù hợp với bà. Hơn nữa đường xá đi lại xa. Trong lúc đó, cơ sở 3 của Diên Hồng vừa khai trương, vừa gần nhà, vừa có sân vườn, không quá rộng nhưng cũng đủ để các cụ thoải mái đi dạo. Thế nên sau gần 2 tháng ở Sóc Sơn, cô Vân Chi và bà một lần nữa trở về Diên Hồng. Hiện tại bà đang an dưỡng tại cơ sở 4. Hành trình đi dưỡng lão của bà đã được cô Vân Chi ghi lại và đăng tải lên kênh youtube của mình.

Sau những lần thay đổi nơi ở và gần 2 năm sinh sống tại Diên Hồng, cô Vân Chi nhận thấy “Diên Hồng là viện dưỡng lão phù hợp nhất với bà. Càng các cơ sở sau của Diên Hồng thì cơ sở vật chất càng khang trang và hiện đại. Khuôn viên của trung tâm đủ rộng để có cây xanh, bóng mát và không khí trong lành cho các cụ thư giãn. Các cơ sở của trung tâm đều ở những vị trí yên tĩnh, xanh mát, không quá xa trung tâm nên rất thuận tiện đến thăm. Các bạn nhân viên thì có chuyên môn, trẻ trung, yêu thương các cụ, lúc nào cũng vui vẻ và thân thiện. Bây giờ hầu như bà không còn bị đau yếu vặt vãnh như ngày trước nữa, nên cô rất yên tâm khi gửi gắm bà”.

Bà Xuyến cùng các cụ bà chụp ảnh nhân dịp Giáng sinh

Vì trước đây bà từng ở Diên Hồng, nên sau khi quay lại bà cũng đã quen với cuộc sống tại trung tâm. Nơi có những người bạn già, những cháu nhân viên quen thuộc. Sáng sớm bà và những người bạn cùng phòng đi tập luyện, xoa bóp, rồi đi dạo dưới sân, nhâm nhi cốc nước trà. Thi thoảng các bạn dẫn đi chơi đâu đó chụp hình, rồi đi cà phê thưởng thức bánh ngọt đồ uống. Mặc dù bây giờ bà đã lẫn hơn trước, có khi vừa ăn xong bà đã quên mình ăn món gì. Nhưng khi hỏi bà ở trung tâm có vui không, thì bà mỉm cười bảo vui lắm, Hỏi bà có về nhà nữa không, thì bà bảo đây là nhà rồi.

Xem thêm

Tăng cường canxi cho người già bằng việc đi bộ

Chúng ta thường nghĩ bổ sung nhiều canxi sẽ giúp xương chắc khỏe. Nhưng thực tế, chúng ta có bổ sung bao nhiêu đi nữa, điều này cũng là không thể. Ngay cả các phi hành gia sống thời gian dài trên tàu vũ trụ được bổ sung liên tục một lượng lớn canxi, khi trở về Trái đất, họ vẫn bị loãng xương như bao người bình thường khác.

Một điều chúng ta nên biết là dưới tác dụng của trọng lực, xương chúng ta luôn chịu sức ép, không được vận động một cách tự do. Do đó, xương sẽ ngày càng yếu đi. Để có xương cốt rắn chắc, tôi khuyên các bạn nên đi bộ nhiều nhất có thể. Xương của chúng ta càng gánh trọng lực nhiều bao nhiêu, lượng canxi trong xương càng tăng lên bấy nhiêu. Ngoài ra, ở một số trường hợp, như khi cơ thể đang ở tình trạng đói lả, hay vào mùa hè, chúng ta uống quá nhiều nước, khiến cho hệ bài tiết tăng bài tiết các chất khoáng như canxi, natri… qua nước tiểu. Chúng ta sẽ gặp phải vấn đề cơ thể mất đi lượng lớn canxi. Nhưng đó đều là những trường hợp đặc biệt.

Giờ đây các bạn sẽ đặt câu hỏi vì sao người già nói chung tuổi càng cao thì lượng canxi càng giảm. Để cho dễ hiểu chúng ta hãy hình dung xương giống như một ngân hàng mà có thể gửi canxi ở đó. Nếu canxi trong máu giảm ngay lập tức có canxi từ xương bù vào. Nếu điều này tiếp tục tái diễn sẽ dẫn đến hình thành bệnh. Tuy nhiên nếu chế độ ăn uống của chúng ta hợp lý thì lượng ion canxi trong máu hay trong xương đều sẽ được giữ ở mức cân bằng với nhau. Vì vậy lượng canxi nạp vào không quá ảnh hưởng đến chất lượng xương, xương giòn là do chúng ta đi bộ quá ít.

Cho nên ở người già vì ít vận động nên xương ngày càng giòn đi cho dù họ có uống bao nhiêu canxi đi nữa. Một phần lý do của điều này là sự suy giảm các hormone. Hormone dù là ở nam giới hay nữ giới đều kích thích chuyển hóa các protein, tăng cường độ cứng của xương, độ dẻo, dai bền của cơ. Ở nam giới một số trường hợp tới tận năm 80 tuổi hormone vẫn được tiết ra với lượng nhiều như thời trẻ. Còn ở nữ giới hormone bắt đầu suy giảm từ năm 25 tuổi và đến năm 50 tuổi. Vào thời kỳ mãn kinh lượng hormone hầu như không còn được tiết ra nữa. Như thế cơ thể không thể tự duy trì mãi lượng hormone tiết ra, vì vậy chúng ta cần bổ sung lượng hormon thay thế. Hormon có thể thay thế được ở đây là Androgen. Androgen là một hormone thuộc nhóm hormone nam, được sản sinh bởi tuyến thượng thận – cơ quan nhỏ nằm ở phần trên đỉnh thận và là một thành phần không thể thiếu trong nhóm hormone nữ dù hàm lượng chất này ở nữ giới là rất nhỏ.

Những yếu tố phân tích ở trên đều là những yếu tố làm cho xương ngày càng khó lưu giữ được canxi trong xương. Bên cạnh đó việc thiếu vận động khi về già sẽ dẫn đến những cơn đau khớp gối và thắt lưng ngày một rõ rệt. Các cơn đau này sẽ giảm khả năng vận động có thể đến mức phải ngồi xe lăn từ đó xương lại càng yếu hơn. Vòng luẩn quẩn như vậy cứ tiếp tục tái diễn. Khi tôi nói đến đây một số người vốn ít vận động sẽ trở nên hăng hái lạ thường, đến mức sẵn sàng bỏ thời gian ra để đi bộ lên núi ngay lập tức. Tuy nhiên nếu ai trong số các bạn định làm vậy thì không nên vì tăng hoạt động đột ngột sẽ dễ khiến xương và hệ cơ gân khớp bị tổn thương. Chúng ta nên từ từ xây dựng một thói quen, không nên nhất thời làm việc này như kiểu quét nhà “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy”

Tuổi xương của tôi là 28 trẻ hơn gần 30 tuổi so với tuổi đời, và tôi nghĩ có được điều này là do ngày bé tôi rất thích đi bộ. Cho nên quả thực sự lão hóa xương ở tuổi già có muốn liên hệ mật thiết với việc đi bộ lúc nhỏ. Do đó đi bộ khi trẻ rất tốt vì vậy nếu có con các bạn đừng để chúng ngồi yên trên ghế tàu điện hãy cho chúng tự do đi lại. Sự hoạt động đôi chân của chúng lúc đó quyết định sức khỏe của xương chúng mai kia.

Theo tác giả Yoshinori Nagumo

Xem thêm

Tạm biệt trong yêu thương

Trong suốt gần 8 năm hoạt động, Diên Hồng đã chứng kiến biết bao nhiêu ông bà ra đi. Thời gian đầu chưa quen, ai cũng cảm thấy hụt hẫng khi một người đã gắn bó với mình từ miếng ăn giấc ngủ không còn nữa. Một số điều dưỡng còn cảm thấy sợ hãi khi vệ sinh cơ thể của người đã khuất. Cũng ngần ấy thời gian người Diên Hồng cảm nhận được nỗi đau của gia đình các ông bà khi ông bà không còn nữa. Dẫu biết rằng có khóc hay đau đớn nhiều như thế nào thì người mất cũng không thể sống lại được nhưng Diên Hồng vẫn muốn chia sẻ cảm xúc này với những ai đang phải chịu đựng sự mất mát và hi vọng rằng bài viết dưới đây sẽ giúp được điều gì đó.
Tạm biệt một ai đó thật sự không dễ dàng, đặc biệt là người thân của mình, khi cơ thể mình là một phần cơ thể họ.
Chia tay người mình yêu thương cũng không dễ dàng gì, khi mà tâm trí mình đã hoàn toàn hướng tới họ trong một thời gian đủ dài.
Chia tay cơ thể mình càng khó hơn, khi mà tâm trí đã gắn với cơ thể đủ lâu để sử dụng nó cho mục đích và ham muốn của chúng.
Đau khổ, buồn bã, nhớ nhung, mặc cảm tội lỗi, giận dữ, trách móc,… là những cảm xúc thường trực sau sự kiện quan trọng đó. Cảm xúc sẽ lên rất mạnh khi bạn không có gì để làm, khi mặt trời không còn chiếu sáng, và đặc biệt khi bạn nhắm mắt lại.
Ừ, 3 điều trên đủ để biết công cụ chính xác là gì để bạn vượt qua nỗi đau này:
1. Ý nghĩa cuộc sống hiện tại của bạn là gì để giúp bạn làm việc, hướng tâm trí đến đó và biết rằng, người ra đi đã hoàn thành tốt trách nhiệm của họ. Còn bạn, nếu sống trong đau buồn thì bạn sẽ hoàn thành trách nhiệm như thế nào? Người ra đi liệu có vui, có thỏa mãn nếu thấy bạn cứ chìm vào cảm xúc của mình không?
2. Ánh sáng, lửa: Thanh tẩy cơ thể bằng ánh sáng mặt trời và lửa trong nhà. Tập thể dục ngoài trời, mở cửa đón sáng cả ngày, thắp đèn nến cả đêm. Ánh sáng trong căn nhà cũng giúp người ra đi thanh thản hơn. Yoga có Thiền Nến.
3. Sử dụng các kỹ thuật ngủ: Yoga Nidra & Thiền buông thư, các kỹ thuật ngủ có chủ đích để khi nhắm mắt, những hình ảnh gợi lên không tạo ra nhiều cảm xúc tiêu cực kéo bạn vào đau khổ. Các kỹ thuật ngủ có chủ đích cũng giúp bạn gặp được người đó theo hướng tích cực và yêu thương, chứ không phải trong những cao trào cảm xúc của giấc mơ hay ác mộng.
Cuối cùng: người thân và cộng đồng bạn bè luôn tích cực, ở bên cạnh động viên và tạo ra các hoạt động tích cực kéo tâm trí ra khỏi các suy nghĩ tiêu cực là rất quan trọng.
Mong rằng, sau mỗi cuộc chia tay, sau mỗi đau khổ đều là cơ hội cho người ở lại hiểu hơn về mình và sống có ý nghĩa hơn, xứng đáng với những gì người ra đi đã làm cho bạn.
Nguồn: Pham Laskmi
Xem thêm