Chào mừng quý khách đến với Diên Hồng

Giờ đón tiếp : 09h00-12h00 & 15h00-18h00 (7/7)
  Liên hệ : 0338 34 22 88/ 0342 86 56 86

All posts by Diên Hồng

Kỷ niệm 60 năm ngày cưới tại TT Dưỡng Lão Diên Hồng

Tôi đến thăm Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng vào một ngày cuối tuần đẹp trời. Đón tôi ngoài cửa là cô nhân viên lễ tân trẻ trung với thái độ nhẹ nhàng, niềm nở. Sau khi đi thăm quan một vòng cơ sở vật chất của Trung tâm chúng tôi có buổi nói chuyện vui vẻ, chia sẻ về các cụ và cuộc sống tại Diên Hồng. Và tôi được nghe một câu chuyện vô cùng xúc động về hai vợ chồng cụ Mỹ và cụ Đường, hai người mới vừa kỉ niệm tròn 60 năm ngày cưới ngay tại Trung tâm.

Cụ ông Nguyễn Thế Mỹ sinh năm 1927, là một sĩ quan quân đội về hưu. Sau khi về hưu cụ còn đảm nhiệm công việc Hội trưởng hội cựu chiến binh của Phường. Cụ bà Đường sinh năm 1929, từng làm việc ở Ban dân vận thành ủy Hà Nội, sau khi về hưu còn đảm nhiệm chức vụ Hội trưởng hội phụ nữ. Trước khi vào trung tâm, hai cụ sinh sống tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hai cụ kết hôn năm 1954 và có 2 người con. Anh con trai cả là sĩ quan quân đội thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Cô con gái làm công chức nhà nước, rồi lấy chồng sinh con và đều bận rộn với cuộc sống riêng. Cụ ông còn khỏe mạnh có thể tự chăm sóc bản thân những việc đơn giản như vệ sinh cá nhân, nấu ăn,… nhưng cụ bà bị bệnh Alzheimer 2 năm nay khiến sinh hoạt hàng ngày trở nên rất khó khăn. Căn bệnh Alzheimer khiến cụ bà thường xuyên mất trí nhớ và hay nhầm lẫn. Cụ cũng gặp khó khăn trong việc nhân biết những điều mới và bị rối loạn về ngôn ngữ.

Do đặc thù công việc và cuộc sống riêng nhiều bận rộn, các con của hai cụ không có thời gian cũng như phương pháp chăm sóc người bệnh hiệu quả. Một mình cụ ông chăm sóc bà vất vả và nhiều khi cũng bất lực vì chứng suy giảm trí nhớ của cụ bà. Cụ ông nhanh chóng bị sút mất 4kg sau một năm chăm sóc bà. Thế rồi, được sự đồng ý của hai cụ, các con đã đưa hai cụ vào Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Diên Hồng để có người chăm sóc chu đáo cho cả hai cụ, cụ ông đỡ vất vả và cụ bà thì được theo dõi, chăm sóc cả về y tế cũng như chế độ chăm sóc, tập luyện đặc biệt dành cho người mắc bệnh Alzheimer.

DH-ky-niem-ngay-cuoi

Tuy cụ bà bị mất trí nhớ nhưng cụ ông luôn ở cạnh và rất ân cần với cụ bà

Ngày 23/11/2014 vừa qua hai cụ đã có buổi tiệc kỉ niệm 60 năm ngày cưới ngay tại Trung tâm, với sự chứng kiến và chúc mừng của tất cả cán bộ, nhân viên của Diên Hồng. 60 năm – khoảng thời gian dài bằng cả đời người ấy, hai cụ đã gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ nuôi dưỡng các con trưởng thành. Giờ đây khi tuổi đã cao, các cụ lại được ở bên nhau và vui hưởng những năm tháng cuối đời tại một Trung tâm chăm sóc người cao tuổi hiện đại, tiện nghi – nơi có những người con, người cháu tuy không máu mủ, ruột thịt vẫn yêu thương và chăm sóc các cụ tận tình. Nhìn hai cụ ở bên nhau, cùng nhau đi dạo, cùng nhau hát, cùng nhau thổi nến mừng 60 năm ngày cưới mà những người trẻ chúng tôi không khỏi xúc động.

DH-ky-niem-ngay-cuoi-2

Hai cụ cùng nhau thắp nến kỉ niệm 60 năm ngày cưới, cùng hát, cùng cười với mọi người tại Diên Hồng

Chia tay Diên Hồng, tạm biệt các cụ già đáng kính và cũng rất đáng yêu tôi trở về nhà mà trong lòng vẫn chưa nguôi xúc động. Chúc cho căn bệnh Alzheimer của cụ bà sớm thuyên giảm và hai cụ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sống cùng con cháu. Cuộc hôn nhân tràn ngập yêu thương, gắn bó và sâu nặng của hai cụ cũng là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo.

Đỗ Thị Thanh Vân – Hà Nội

 

Xem thêm

Tác dụng xoa bóp với người cao tuổi

Tác dụng của xoa bóp

Xoa bóp có tác dụng về nhiều mặt. Thí dụ bằng cách cải thiện dinh dưỡng của các cơ, thúc đẩy nhanh sự đào thải của các sản phẩm phân hủy, XB đặc biệt là XB sâu có tác dụng nâng cao độ co giãn của các cơ. Do tác động của XB, khả năng hoạt động của các cơ đã bị mệt mỏi được hồi phục nhanh hơn so với trong điều kiện hoàn toàn yên tĩnh.

Bằng các thủ thuật xoa bóp khác nhau, có thể tác động đến hệ thần kinh theo nhiều hướng. Thí dụ, các động tác day có tác động kích thích, còn các động tác xoa có tác dụng làm dịu thần kinh theo nhiều hướng. Ngoài ra, xoa bóp còn tạo ra cảm giác dễ chịu. Xoa bóp làm đẩy nhanh sự di chuyển máu và bạch huyết, tăng cường chức năng các tuyến mồ hôi, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Hưng phấn (xung động) xuất hiện ở trong da và cơ khi xoa bóp theo các dây thần kinh đưa tới vỏ đại não và tác động vào hệ thần kinh trung ương.

Vien-duong-lao-xoa-bop01

Kết quả là tác động tốt hơn đến các cơ quan chức năng như hệ tiêu hóa, hô hấp và tim mạch. Mạch máu được mở rộng do ảnh hưởng của xoa bóp sẽ thúc đẩy sự di chuyển của máu trong hệ tuần hoàn.

Các thủ pháp xoa bóp

Vuốt: được tiến hành bằng đầu ngón tay, gan bàn tay, cùi tay trên bề mặt da. Động tác xoa vuốt được làm liên tục theo chiều dọc từ khớp nọ đến khớp kia. Xát: cũng như vuốt nhưng tay đè mạnh lên da hơn.
Bóp: là thủ pháp dùng các ngón tay nắm, kéo và ấn nhẹ cơ, nhẹ nhàng mềm mại di chuyển dần dần các ngón tay từ đầu này đến đầu kia của cơ. Bóp có tác dụng sâu đến phần được XB hơn.

Vỗ, chặt: được thực hiện bằng gan bàn tay hơi cong lại hoặc bằng cạnh bàn tay.
Rung, lắc: được thực hiện ở tay, chân khi cơ bị mất trương lực.

Vien-duong-lao-xoa-bop03

Nguyên tắc khi xoa bóp

Tự XB trong khoảng 10-15 phút sau thể dục buổi sáng hay sau khi đi dạo là tốt nhất. Nguyên tắc chung khi XB là những cơ, nhóm cơ, những dây chằng các khớp cần được thả lỏng. Nếu không, XB sẽ không có tác dụng. Cũng đừng quên rằng, XB và tự XB phải bằng hai bàn tay sạch và tiến hành trên bề mặt da sạch. Không được tiến hành XB khi cơ thể bị viêm nhiễm cấp tính, bị áp-xe, bị nhọt, chàm, phát ban… Móng tay người XB cần được cắt ngắn sạch sẽ. Không XB làm đau, gây đỏ, tím, hoặc làm xuất huyết dưới da.

Vien-duong-lao-xoa-bop02

Một số tư thế khi tự tiến hành xoa bóp

Tư thế 1: ngồi trên giường, tựa thoải mái, hai chân hơi co và thả lỏng. Ở tư thế này có thể vuốt, xát các ngón chân, khớp cổ chân, gân A-sin. Vuốt, xát, bóp, rung cơ bắp chân và các cơ ở mặt trước cẳng chân, khớp gối.

Tư thế 2: ngồi trên giường, chân được XB hơi co, còn chân kia thả xuống sàn, có thể vuốt, xát, bóp, rung các cơ ở mặt trước và trong đùi.

Tư thế 3: nằm nghiêng, có thể vuốt, xát, bóp, vỗ, lắc mặt ngoài đùi.

Tư thế 4: đứng dồn sức nặng sang một chân để được XB thả lỏng. Có thể tiến hành vuốt, xát, bóp, vỗ cơ mông.

Tư thế 5: đứng bằng hai chân, dùng gan bàn tay sau đó là mu các ngón tay để vuốt, xát vùng thắt lưng, các khớp và cơ của lưng.

Tư thế 6: nằm, có thể vuốt, xát, bóp, các cơ của ngực, các cơ liên sườn, vuốt bụng theo chiều kim đồng hồ.

Tư thế 7: ngồi trên giường, chân co ở khớp gối, đặt cẳng tay lên đùi (tay trái lên đùi trái) hoặc ngồi sau bàn tay thoải mái ở phía trước. Có thể vuốt, xát, bóp các ngón tay, gan bàn tay, khớp cổ tay, cơ vai và gáy.

Xem thêm

Vài con số “đáng nể” về sức khỏe người cao tuổi

1. Theo số liệu thống kê, trên thế giới hiện có 483 triệu người trên 65 và dự kiến đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 974 triệu người, xấp xỉ 18% dân số toàn cầu.

2. Trung bình cứ 100 phụ nữ đạt tuổi trên 65 thì ở đàn ông tỉ lệ này chỉ có 72 người. Và cứ 100 phụ nữ đạt trên 85 tuổi thì ở đàn ông tỉ lệ này chỉ có 45.

3. Nhóm người trên 50 có thói quen dùng internet đang tăng nhanh hàng ngày. Theo số liệu thống kê có khoảng 50% người dùng internet thuộc nhóm trên 50 tuổi, riêng Mỹ chiếm tới 40% trong số này.

duonglaodienhong
Vài con số “đáng nể” về sức khỏe người cao tuổi

4. Tính đến 1/11/2005 tại Mỹ có 67.473 người đạt tuổi thọ 100 trở lên.

5. Có rất nhiều lợi thế từ việc kéo dài tuổi thọ. Ví dụ tuổi thọ cao giúp làm tăng hạnh phúc cho những người trong cuộc và gia đình họ. Người trong cuộc được trả nhiều chi phí phúc lợi hơn và chính các hãng bảo trợ cũng thu được nhiều lợi nhuận vì không phải trả chi phí cho y tế, nhất là chi phí chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo.

Riêng tại Mỹ, hai nhóm bệnh ung thư và tim mạch nếu người trong cuộc kéo dài tuổi thọ thì chi phí cho hai căn bệnh này giảm tới 20% (khoảng 10 nghìn tỉ USD), tương đương trên 1 năm thu nhập GDP của Mỹ.

6. Theo sách kỷ lục Guinness thế giới (GWR) thì cụ bà người Pháp Jeanne Louise Calment là người thọ nhất thế giới xưa và nay với 122 năm 164 ngày. Cụ bà này sinh ngày 21/2/1875 và qua đời tại nhà dưỡng lão Arles miền Nam nước Pháp ngày 4/8/1997.

7. Tại Mỹ, nhóm người cao niên dùng khoảng 40% tổng các loại thuốc kê đơn trong khi đó họ chỉ chiếm khoảng 15% tổng dân số của cả nước.

8. Những người cao niên ngày càng dễ mắc bệnh cô đơn và trầm cảm nên có tỉ lệ quyên sinh rất cao. Năm 1997, tại Mỹ, 20% số vụ quyên sinh rơi vào nhóm người trên 65.

9. Duy trì cuộc sống vận động năng luyện tập có thể làm chậm quá trình lão hóa, già nua. Ngoài ra, nó còn làm cho tâm trí con người minh mẫn, thể chất trẻ trung, khỏe mạnh và diện mạo hấp dẫn hơn.

Theo một nghiên cứu dài kỳ công bố năm 1995 ở 9.777 đàn ông độ tuổi trên 20 – 80, các nhà khoa học phát hiện thấy những người đàn ông duy trì cuộc sống vận động, năng luyện tập thì tỉ lệ tử vong giảm tới 44% so với nhóm người duy trì cuộc sống tĩnh tại nằm nhiều, ngồi nhiều.

10. Luyện tập thường xuyên ở nhóm người cao tuổi còn có tác dụng hạn chế suy giảm tỉ trọng xương, giảm rủi ro gãy xương tăng cường cơ bắp và làm tăng quá trình điều phối các hoạt động của cơ thể.

11. Tại Mỹ chỉ có 5% số người trên 65 sống trong các nhà dưỡng lão, trong đó phụ nữ cao hơn đàn ông.Tỷ lệ người già sống trong các viện dưỡng lão tăng lên đáng kể theo độ tuổi: Từ 1% những người 65-74 tuổi, lên đến 28% những người từ 85 tuổi trở lên. Phụ nữ chiếm tới 75% số người già sống tại các nhà dưỡng lão. Các cụ bà rất già (từ 85 tuổitrở lên) chiếm tới gần nửa (48%) số người sống trong các viện dưỡng lão.

12. Cứ 5 người cao tuổi thì có 4 (80%) phải đối mặt với ít nhất một bệnh mãn tính như rối loạn tim, viêm khớp, hoặc loãng xương. Nhóm người trên 75 tuổi có tỉ lệ phải đi khám bệnh cao gấp 3 lần so với những người ở độ tuổi 22 – 44.

13. Theo báo cáo của Cục điều tra dân số Liên bang Mỹ, 16,1% số người Mỹ trên 65 tuổi đang sống trong cảnh nghèo đói. Ước khoảng 10% số người cao tuổi là nạn nhân của tình trạng lạm dụng người cao tuổi, trong đó có các hành vi cố ý của người chăm sóc dẫn đến tổn thương về thể chất, tâm lý hoặc tình cảm.

14. Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), có tới 13 phần trăm người Mỹ tuổi từ 60 tuổi trở ra mắc bệnh suy giảm trí nhớ ở những mức độ khác nhau, đặc biệt là căn bệnh Alzheimer. Căn bệnh này đang có xu hướng “trẻ hóa”.

Ví dụ, nhóm từ 60 – 64 tuổi mắc bệnh suy giảm trí nhớ tăng tới 44,7%, so với 37,8% nhóm nggười trên 85. Dự kiến căn bệnh này sẽ trở thành “đại dịch” tại Mỹ vào năm 2050. Cũng theo CDC, tỉ lệ tử vong ở nhóm người cao niên Mỹ do bệnh suy giảm trí nhớ hiện nay là 33%.

Xem thêm

Mừng thọ Anh hùng lao động Giáo sư Vũ Khiêu

Ngày 17/9/2014, tại làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, phối hợp với Hiệp hội làng nghề Việt Nam, phường Vạn Phúc tổ chức mừng thọ Anh hùng lao động Giáo sư Vũ Khiêu, một học giả, một nhà văn hóa lớn của đất nước.

2014_09_18_05_19_14_hnctvn_gs_vukhieu

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Giáo sư Vũ Khiêu còn được gọi là Đặng Vũ Khiêu bởi ông mang cả họ bên cha và bên mẹ. Sinh ngày 19/9/1916 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông là người học rộng tài cao, thông thạo Hán – Nôm, hiểu biết sâu rộng về văn hóa cổ truyền dân tộc, nắm vững niêm luật của các thể tài văn học cổ phương Đông, đặc biệt là kiên trì luyện bút lông, dấn thân vào con đường sáng tác văn học theo các thể tài cổ, làm thơ phú, viết chúc văn, câu đối…

Đấy chính là điểm nổi trội của Giáo sư Vũ Khiêu so với nhà khoa học khả kính khác của khoa học xã hội và nhân văn đương thời. Vì vậy, ngoài nhà nghiên cứu triết/mỹ học Mác xít hàng đầu của nước ta, Giáo sư Vũ Khiêu tạo dựng cho mình một thương hiệu rất nổi tiếng trong lĩnh vực viết văn tế, văn bia, câu đối, thơ phú… để lại rất nhiều những áng văn thơ bất hủ. Bài văn Truy điệu những lương dân chết đói năm 1945, Chúc văn đọc tại Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2000, lần đầu tiên Nhà nước tổ chức quốc lễ, bài văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ ở Hoa Lư, Ninh Bình….
Những câu đối, bài minh, chúc thư của Giáo sư Vũ Khiêu, là những tinh hoa, những kiệt tác mang yếu tố tâm linh, linh ứng được phát tiết từ một trái tim nhân hậu, bao dung của một danh nhân văn hóa mang tâm hồn Phật, nên có sức tỏa sáng rộng lớn mang tới cho mọi người những điều tốt lành, những ước vọng về hạnh phúc. Ông đã công bố hàng chục công trình, tiêu biểu là công trình “Bàn về Văn hiến Việt Nam”, “Tổng tập 1000 năm Thăng Long”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam”, “Trường Sơn máu lửa, vạn đại anh hùng”.

Giáo sư Vũ Khiêu đã được Nhà nước tặng thưởng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” năm 1996, danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” năm 2000, “Huân chương độc lập hạng nhất” năm 2006.

Nhằm bày tỏ tấm lòng kính yêu, ngưỡng mộ đối với một anh hùng lao động trên mặt trận văn hóa, một Giáo sư tiêu biểu của đất nước, một con người bình dị, nặng tình với gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước, ngày 17/9/2014, tại làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, Tp Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, phối hợp với Hiệp hội làng nghề Việt Nam, phường Vạn Phúc tổ chức mừng thọ Anh hùng lao động Giáo sư Vũ Khiêu, một học giả, một nhà văn hóa lớn của đất nước.

Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, thay mặt Ban tổ chức đã có bài phát biểu chúc mừng, ca ngợi những công lao to lớn của Giáo sư Vũ Khiêu, ông thực sự là tấm gương sáng của người cao tuổi Việt Nam, tuổi cao trí càng cao.

Theo hoinguoicaotuoi.vn

Xem thêm

Lễ khai trương trung tâm dưỡng lão Diên Hồng

NHN Online – Sáng 21/9, tại số U07 / L16 – KĐT Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng đã long trọng tổ chức lễ khai trương chính thức đi vào hoạt động với chức năng: tư vấn, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi.

Đến dự buổi lễ có đồng chí Lưu Vĩnh Xiêm- Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Yên Nghĩa, cùng đông đảo các cụ ông, cụ bà và nhân dân trên địa bàn TP. Hà Nội.

viện dưỡng lão

Các y bác sĩ đang khám và tư vấn cho các cụ tại Trung tâm.

Với nhu cầu thiết thực của xã hội về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Diên Hồng ra đời với cơ sở vật chất hiện đại nằm trong tòa nhà có diện tích 1500m2 gồm: Khu phòng ngủ với 100 giường, khu sinh hoạt riêng từng tầng, khu sinh hoạt chung của trung tâm, góc đọc sách báo; khu vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; khu chăm sóc tích cực; có phòng khám y tế; phòng thủ thuật… đảm bảo cho gần 100 cụ sinh hoạt.

viện dưỡng lão

Tại buổi lễ Ông Lê Hữu Trí – Nguyên là cán bộ giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội đến dự phấn khởi chia sẻ: “Việc đưa vào hoạt động của trung tâm sẽ phát huy tốt vai trò chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhất là những gia đình mà con trẻ đi công tác thường xuyên, xa nhà. Trung tâm sẽ là nơi sinh hoạt, là gia đình thứ 2 của các cụ. Vì người già thường đi liền với bệnh tật, thông qua phòng khám chăm sóc tại đây cũng góp phần nâng cao y đức, tạo môi trường gần gũi để các cụ vui vẻ dưỡng già.”

viện dưỡng lão

Trao đổi với phóng viên ông Lưu Vĩnh Xiêm – Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Yên Nghĩa cho rằng: “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Bề dày kinh nghiệm, chiều sâu trí tuệ, bản lĩnh cách mạng kiên cường, lòng nhân hậu và sự khao khát đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của đất nước là những phẩm chất cao quý để lớp người cao tuổi trở thành chỗ dựa tin cậy cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ cán bộ công nhân viên chất lượng và chuyên nghiệp hi vọng trung tâm Diên Hồng sẽ góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe cho các cụ tốt hơn. Đồng thời phải đảm bảo đúng các chủ chương chính sách của Người cao tuổi…”, ông Xiêm nhấn mạnh.

Người cao tuổi ở nước ta là lớp người đã có nhiều đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và tiếp tục phát huy vai trò người cao tuổi là tình cảm, nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn xã hội./.

Theo Báo Người Hà Nội

Xem thêm