Nhiều người băn khoăn không biết chi phí để vào viện dưỡng lão là bao nhiêu, có tốn kém hay không? Nhưng thực ra chi phí ở viện dưỡng lão lại hợp lý hơn khi ở nhà mà thuê thêm giúp việc.
Với Diên Hồng, chi phí sinh hoạt hàng tháng khoảng 7,5 – 8 triệu. Đây là chi phí cho một người khỏe mạnh. Trọn gói bao gồm: Chỗ ở tiện nghi (tivi, điều hòa 2 chiều, bình nóng lạnh, giường, tủ quần áo). Có phòng sinh hoạt chung; phòng tập thể dục; giặt giũ. Chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp với người cao tuổi. Xoa bóp bấm huyệt. Chế độ theo dõi sức khỏe hàng ngày, hàng tuần. Bên cạnh còn có các hoạt động vui chơi giải trí, tham gia sự kiện tại trung tâm.
Còn khi sống tại nhà, tiền thuê giúp việc mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Chi phí ăn uống cho cả cụ và giúp việc khoảng 3 triệu. Tiền điện nước, chi phí truyền hình, wifi,,… khoảng trên 1 triệu. Chưa kể các chi phí khác như thăm khám bác sĩ, sửa chữa thiết bị, đồ đạc khi bị hỏng thì một tháng đã tốn kém ít nhất 10 triệu đồng.
Nhiều người cao tuổi và gia đình thấy rằng chi phí sinh hoạt hàng tháng trong viện dưỡng lão còn ít hơn so với ở nhà riêng của họ. Chưa kể giúp việc thường không có chuyên môn về y tế, nên khi xảy ra sự cố thường không xử trí được kịp thời, vậy nên rất nhiều gia đình đã lựa chọn việc vào ở tại các trung tâm chăm sóc thay vì ở tại gia đình.
Ông bà bên nhau đã 64 năm nhưng chưa 1 lần cãi vã, chưa 1 ngày xa nhau, cả một đời “anh-em”, “ông-em” cứ ngỡ như truyện ngôn tình.
Ngày lễ tình nhân, các cụ tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) tự làm thiệp rồi mang đi tặng người mà mình yêu thương nhất. Bà Vũ Thị Dành (84 tuổi) cũng có một cái để mang vào tặng chồng là ông Nguyễn Đình Bưởi (91 tuổi).
Bà vừa cười vừa nói: “Thực ra là em tặng cho ông cả một cuộc đời luôn rồi chứ không phải mỗi cái thiệp”. Ông dễ xúc động, nên nghe bà nói xong ông chực chờ khóc luôn. Thấy vậy bà liền tiến lại ôm rồi vỗ vai, xoa đầu để dỗ ông. Chứng kiến cảnh tượng ấy, dù đã quen nhưng những điều dưỡng ở trung tâm vẫn không khỏi xúc động. Các chị vẫn nhiều lần bảo nhau, ước gì cũng được như ông bà.
Qua lời kể của những người chăm sóc ông bà tại viện, cặp vợ chồng già này quê ở Hải Dương, đã đến trung tâm từ cuối năm 2019. “Từ ngày vào trung tâm là ông bị tai biến, phải nằm tại giường, mọi sinh hoạt đều được các bạn nhân viên hỗ trợ. Còn bà thì vẫn tự sinh hoạt được, nên bà muốn làm mọi thứ cho ông. Từ việc tắm rửa gội đầu, nấu cháo, bà vẫn cùng với điều dưỡng làm cho ông.
Mặc dù bị tai biến nhưng ông vẫn rất tỉnh táo, ông không muốn đi đâu nếu không có bà đi cùng. Mỗi lần đi đâu bà đều thủ thỉ với ông: “Ông ở nhà với các cháu điều dưỡng, em đi một lát rồi về với ông”. Dạo trước bà bị đau cột sống phải sang cơ sở khác để tập luyện, nên ngày nào bà cũng gọi video về để nói chuyện với ông”, đại diện trung tâm kể lại.
Khi ai hỏi về đám cưới của mình, bà Dành thường ngồi trầm ngâm rồi kể lại cái thời đói rách nhưng chẳng khi nào ông bà thiếu tình yêu. Năm 1958, sau đám cưới đơn giản, bà theo ông lên Hà Nội. Ngày bà mang thai đứa con đầu lòng cũng là lúc ông nhận quyết định công tác trên Lào Cai. Mãi đến khi con được 7 tháng thì ông mới được về thăm nhà, nhưng về rồi lại đi luôn. Đến năm 1962, bà chuyển lên Lào Cai làm với ông. Thời gian qua đi, ông bà cùng nhau nuôi dưỡng 4 người con. Đến khi về hưu, không còn nhà ông bà quyết định về Hải Dương tự khai phá, làm ăn.
Nắm tay nhau khi qua không biết bao nhiêu khó khăn của cuộc đời, ông bà chưa từng cãi vã to tiếng hay va chạm gì. Cũng có những bất đồng nho nhỏ nhưng khi cùng nhau chăm sóc các con thì đâu lại vào đấy. Bà bảo, mình cũng ý thức được phải sống làm sao để các con nhìn vào, sống mẫu mực để làm gương cho con, không để gia đình bị tổn thương làm ảnh hưởng đến các con, các cháu. Đến lúc các con lớn lại chỉ còn 2 ông bà cùng nhau ăn, cùng nhau làm, tôn trọng lẫn nhau. Về già bà và ông còn tình cảm hơn lúc trẻ. Cả hai quấn quýt chẳng mấy khi rời, bà vẫn xoa lưng, bóp tay chân cho ông khi nhức mỏi, khẽ ôm hay vỗ về mỗi khi chăm sóc ông. Tiếng gọi “ông”, xưng “em” khiến cả trung tâm bật cười rồi ngưỡng mộ và xúc động.
Tôi thân thiết với mẹ chồng hơn cả chồng tôi. Có nhiều chuyện mẹ chồng chỉ thích tâm sự với tôi chứ tuyệt nhiên không bao giờ kể với con trai. Vậy mà lúc tôi mới về làm dâu, mẹ tôi thể hiện thái độ phản đối ra mặt.
Ngày mới về ra mắt, mẹ chồng tôi đã tỏ ý không ưa gì tôi. Lý do là bà chỉ mong con trai lấy một cô vợ gần nhà. Trong khi tôi là gái thủ đô, tôi và anh ấy đều làm ở Hà Nội nên bà sợ con trai sau này không về quê sống như mong muốn của bố mẹ nữa. Mới cưới xong, vợ chồng tôi chỉ ở nhà ít ngày rồi về Hà Nội đi làm.
Thời gian này mẹ chồng tôi gần như không cho tôi động vào việc gì kể cả nấu cơm. Bà bảo sợ tôi nấu không hợp khẩu vị cả nhà lại không ăn được. Thời gian tôi sống chung với bà cũng ít. Nên thi thoảng mẹ con cũng chỉ nói chuyện dăm ba câu hỏi thăm. Tôi toàn hỏi em chồng xem mẹ thích gì để mua và gửi về. Chắc cũng tôn trọng lựa chọn của con trai và thấy con dâu hay mua cho những món đồ ưng ý nên mẹ chồng tôi cũng thay đổi thái độ, không còn lạnh nhạt như ngày đầu.
Lâu lâu mẹ chồng lại than thở chuyện làm vợ, làm mẹ với tôi. Kiểu như bố chồng tôi mặc định chuyện làm việc nhà là của vợ, hay ham chơi, nhậu nhẹt bên ngoài. Bố chồng tôi cứ thấy ai rủ là đi tối ngày. Nhưng về đến nhà mà thấy nhà cửa không gọn gàng sạch sẽ là càu nhàu. Mẹ chồng tôi vừa kinh doanh buôn bán vừa phải chăm lo nhà cửa lại còn phải hầu chồng mỗi lúc say rượu. Nhiều lúc hàng xóm hay CLB phụ nữ trong xóm rủ đi chùa chiền, đi biển chơi, mẹ tôi lại từ chối không dám đi. Vì bà sợ lỡ mình đi thì bố con nó ở nhà phải làm sao.
Tôi cổ vũ mẹ chồng và mấy thím ở nhà phải “vùng lên” để làm điều mình thích. Và để các ông chồng không nghĩ việc nhà là việc của riêng mình. Mới đầu nói vậy cũng thấy hơi lo. Sợ mẹ chồng nghĩ con dâu bắt nạt con trai mẹ rồi sau bà không ưng thì phiền. Nhưng may là sau đó một thời gian, tôi thấy mẹ chồng thay đổi hẳn. Bà hay đăng ảnh đi chơi, đi hát karaoke với hàng xóm và các thím. Thi thoảng bà cũng mọi người còn ra tận biển tập yoga. Nhìn ảnh mà tôi không khỏi vui mừng. Sau đó bố chồng tôi đã biết tem tém chuyện nhậu nhẹt, biết dọn dẹp nhà cửa, giặt phơi quần áo, cơm nước…cùng với mẹ.
Mãi sau này mẹ chồng tôi mới kể là bà có mơ ước được đi phượt trên những cung đường thênh thang quanh núi. Mẹ ước được ngắm nhìn những thiên đường mây. Mẹ xem trên Tivi, nhìn các đoàn hiking xuyên cung đường đi thoai thoải với những thảo nguyên cỏ xanh dài bất tận, chiêm ngưỡng núi Fansipan hùng vĩ và phía dưới là con đèo Ô Quy Hồ được thu trọn vào tầm mắt nên mẹ cũng ao ước được trải nghiệm một lần. Ấy vậy, con trai mẹ lại thuộc kiểu chỉ thích đi biển và đi nghỉ dưỡng ở resort. Chứ tuyệt nhiên mấy trải nghiệm kia không có chút hứng thú nào. Cuối cùng sau bao lần lên lịch, tôi cũng đã giúp mẹ chồng thực hiện được mơ ước ở tuổi 65.
Giờ đây, ở tuổi 70, sau một lần bị đột quỵ, sức khỏe cũng suy giảm. Nên mẹ tôi bày tỏ mong muốn được vào sống trong trung tâm dưỡng lão. Mẹ đã tự mình đi tham quan và chọn được viện dưỡng lão Diên Hồng. Mẹ bảo nhất nhất phải ở chỗ này vì mẹ thích tính cách vui vẻ của mấy bác ở đây.
Cả nhà ai cũng phản đối. Từ bố chồng, con trai và con gái ruột. Vì mọi người bảo có nhà sao không ở lại vào viện dưỡng lão làm gì. Tôi đã thuyết phục cả gia đình tôn trọng mong muốn của mẹ. Mẹ không muốn làm phiền đến các con. Mẹ cũng muốn sau khi cố gắng một đời rồi thì được nghỉ ngơi thoải mái, tận hưởng tuổi già. Mà thực ra con cái cũng chỉ mong muốn bố mẹ được tận hưởng tuổi già. Giống như thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Hạnh phúc của bố mẹ chính là gia tài quý nhất bố mẹ để lại cho chúng con”
Ấn tượng đầu tiên khi ghé thăm Dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 2 là hình ảnh cây trứng cá được treo đầy những dải dây đỏ, hồng rực rỡ bắt mắt bay bay trong gió. Mọi người ở đây chẳng phải đi đâu xa cũng đã có thể chiêm ngưỡng cây ước nguyện hệt như chuyện cổ tích rồi.
Năm mới đang cận kề, ai nấy đều có những mong ước cho riêng mình. Mỗi người sẽ có một cách thể hiện khác nhau. Còn với các ông bà đang an dưỡng tại Diên Hồng cơ sở 2 lại có một cách gửi gắm thật đặc biệt. Những mong ước của ông bà được gửi vào dải lụa hồng, đỏ sau đó được các bạn nhân viên hỗ trợ và treo chúng lên cây.
Bà Biển cẩn thận buộc sợi dây đỏ lên cây, buộc xong bà thì thầm cầu nguyện. Một bạn nhân viên hỏi nhỏ bà ơi, bà ước gì thế? Bà tủm tỉm cười đáp, “bà ước cho tất cả mọi người được khỏe mạnh, có sức khỏe là có tất cả, ước dịch bệnh được đẩy lùi, để mọi người lại có cuộc sống bình thường”.
Góc còn lại thì các ông bà cũng vừa treo vừa cười nói rôm rả. Bà Mẫn xin một lúc 3 cái để buộc. Bà bảo: “Một cái là ước cho các cụ đều mạnh khỏe; cái này ước cho các cụ ăn ngon, ngủ tốt; còn cái này là sống lâu không chết”. Nghe xong ai nấy đều cười rộ lên. Còn bà Thu nổi tiếng là quan tâm các cháu gái điều dưỡng lắm. Nên bà cũng toàn ước cho sang năm các cháu lấy chồng để bà ăn cỗ.
Không chỉ các ông bà mà các bạn nhân viên và khách tham quan cũng thích thú không kém. Cứ đến Diên Hồng đều tranh thủ chụp một vài tấm hình với cây ước nguyện đó.
Chị Hoàng Thị Thu Ngân (Phó Tổng Giám đốc trung tâm) chia sẻ “Thi thoảng xem trên ti vi hay đọc báo thì thấy các địa điểm du lịch, chùa chiền có những cây ước nguyện để mọi người gửi lời nhắn gửi, lời cầu chúc của mình vào đó. Mà các cụ ở Diên Hồng lại chẳng đi xa được. Chính vì thế ý tưởng về cây ước nguyện ngay tại trung tâm được ra đời”..
Đã gần 5 năm nay, cuốn album ảnh cưới với người đàn ông quen
trong viện dưỡng lão trở thành báu vật, luôn nằm trên đầu giường của bà Nguyễn
Thị Liệu.
Bà Liệu, 77 tuổi, gặp ông Nguyễn Thế Năng tại trung tâm dưỡng
lão Thiên Đức (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) năm 2015. Khi đó bà vẫn đi lại khỏe, còn
ông Năng bị liệt hoàn toàn do tuổi già bệnh tật. Cùng cảnh mất bạn đời đã lâu,
không muốn làm phiền con cái nên ông bà quyết định vào đây. Tính cách ông Năng
hóm hỉnh nên được bà Liệu quý mến.
Cụ Liệu trao khăn cho cụ Năng trong chương trình Điều ước thứ
7. Ảnh chụp album
Ông ở khu B, còn bà ở khu A. Sáng chiều nắng ấm bà hay sang
dìu ông ra ghế đá ngồi, hoặc đẩy xe đưa ông đi dạo dưới tán cây xoài, cây nhãn
cổ thụ trong khuôn viên. Bà còn hay nhờ các điều dưỡng mua thêm đồ ăn vặt để
chuẩn bị bữa phụ cho ông. Một số ngày khỏe, họ bắt taxi lên phố, đổi bữa bằng
những món miến ngan, bánh tôm Hồ Tây…
Năm 2016 có lần bà Liệu sang Séc thăm con cháu. Những ngày
đó ông Năng buồn và ốm hẳn. Nghe con gái ông kể chuyện, bà Liệu gọi về động
viên người bạn già chịu khó ăn uống và hứa sẽ về sớm. Kế hoạch đi ba tháng,
song vì ông mà bà về trước dự định.
Biết hai cụ quý mến nhau, các con cháu hai gia đình đều ủng
hộ, thậm chí hào hứng nghe chuyện hai cụ kể về nhau. Một lần, mấy cô điều dưỡng
trẻ ướm lời: “Bà thách cưới gì để con thay ông chuẩn bị?”. Bà Liệu
nói vui: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao nhé”. Tiếng
cười rộn vang trên khuôn mặt của những mái đầu bạc, đầu xanh.
Mùa đông 2017, câu chuyện của ông Năng – bà Liệu được đưa
lên chương trình truyền hình Điều ước thứ 7 như một chuyện tình yêu đẹp ở tuổi
gần đất xa trời. Ngày hôm đó cả trung tâm vui như ngày cưới. Ông Năng ăn bánh
tôm bà cắt, còn hôn lên bàn tay bà. Hai nhân vật chính chia sẻ rất mãn nguyện
vì ở tuổi này còn tìm được bạn tri kỷ.
Hơn một năm sau cụ ông qua đời. Bà Liệu buồn nhưng biết tuổi
già khó tránh khỏi sinh ly tử biệt, nên chọn cuộc sống tích cực, vui khỏe. Dù
con gái muốn đón sang nước ngoài định cư, bà chỉ muốn ở quê hương bởi bên cạnh
vẫn còn nhiều bạn già. Các con gái của ông Năng gọi bà bằng mẹ và thi thoảng
vào thăm nom.
“Kỷ niệm về những ngày có ông ấy là đẹp nhất trong những
năm cuối đời của tôi”, bà mỉm cười an nhiên trong chiều xuân Hà Nội.
Trái ngược với đoạn tình cảm được ủng hộ của bà Liệu, rung động
của người cao tuổi thường gặp cảnh bị con cái, gia đình ngăn cản, phản đối. Tại
viện dưỡng lão Diên Hồng, không ai không biết mối tình “Ngưu Lang – Chức Nữ”
của ông Đinh Ngọc Thọ, 72 tuổi và bà Lê Thị Nga, 71 tuổi.
Ông Thọ bị yếu chân, phải đi lại bằng gậy, còn bà Nga bị di
chứng sau tai biến không đi được. Vào trung tâm năm 2019, ban đầu hai người ở
cùng một tầng, sống tập thể cùng với vài chục cụ khác. Qua các giờ sinh hoạt
chung mà họ để ý nhau.
Bà Nga có tính “công chúa”, hay nũng nịu và điệu
đà. Ông Thọ rất quan tâm và chăm sóc bà từ cái nhỏ nhất như lấy tăm, nước, đưa
đi dạo. Cứ mỗi lần thấy nhân viên điều dưỡng tập đi cho bà, ông chống gậy đứng
cạnh động viên.
Trước giờ đi ngủ, ông hay mang sang phòng cho bà một chai nước
vì sợ nửa đêm lọ mọ nhỡ ngã. Bà Nga cũng chỉ thích uống chai nước của ông, mặc
dù cụ nào cũng có một bình nước để ở bàn đầu giường.
Tuy nhiên các con bà Nga rất sợ mẹ thân thiết với bạn khác
giới. Ngay từ lúc mới đưa bà vào đây, cô con gái đã cảnh báo: “Mẹ chị rất
‘dại trai’ nên các em tuyệt đối không để phát sinh tình cảm gì ảnh hưởng đến bà
và các con”.
Nhận thấy tâm ý của ông bà dành cho nhau, nhân viên trung
tâm buộc phải báo cho gia đình hai bên. Các con quyết định chuyển ông Thọ xuống
tầng dưới. Những lúc tổ chức sự kiện tập thể sẽ sắp xếp trên nguyên lý “có
bà thì thôi ông” hoặc ngược lại. Tuy nhiên một lần do “trục trặc kỹ
thuật”, nhân viên đưa nhầm cả hai. Các cụ nhìn thấy nhau liền biết lâu nay
bị chia cắt, từ đó tìm cách “trèo đèo lội suối” đến thăm nhau.
Một lần nữa gia đình bà Nga quyết liệt yêu cầu phải tách hai
người. Sau nhiều ngày không thuận, ông Thọ cũng đồng ý tham quan cơ sở 2 của
Diên Hồng ở huyện Thanh Oai. Tới đây thấy không gian rộng rãi, tiện nghi hơn cơ
sở một ở quận Hà Đông, ông đồng ý chuyển.
Ngày chia xa, đôi bạn già bịn rịn. Bà Nga tiễn ông ra tận cổng,
với tay theo lúc tận lúc chiếc xe đi khuất. Quay về phòng bà khóc và bỏ ăn.
Xa nhau đến nay hai năm, họ vẫn quan tâm người kia như thủa
ban đầu. Cứ mỗi lần có nhân viên qua lại hai trung tâm, cụ bà hay bảo:
“Các con cho mẹ gửi lời hỏi thăm bố”, kèm một chút quà bánh, hoa quả
và tờ giấy hỏi thăm. Lần khác, bà nhờ nhân viên mua một bộ cờ tướng tặng ông.
Năm 2021 có sự kiện hoa hậu cao niên, các trung tâm tụ về một
địa điểm. Vừa nhìn thấy nhau, ông bà đã tủm tỉm cười. Nhân viên cũng tạo điều
kiện cho hai cụ ngồi cạnh. Họ lại được ngồi bên nhau hỏi thăm về sức khỏe, miếng
ăn, giấc ngủ và nhắn nhau sống vui khỏe, trước khi chương trình kết thúc phải một
người một ngả…
Dịp Valentine năm nay, Diên Hồng tổ chức hoạt động viết thiệp
tặng bất cứ ai mình muốn. Thế nhưng ông Nguyễn Đình Văn, 75 tuổi, không tin tấm
thiệp hình trái tim của mình đến được với bà Năm, 77 tuổi.
Ông vào trung tâm được gần một năm, còn bà gần hai năm. Cả
hai đều phải dùng xe lăn. Một lần nhìn thấy bà Năm tự bò vào toilet chứ không gọi
nhân viên, ông Văn thấy thương xót, nên từ đó hay hỏi thăm quan tâm và chia sẻ
với bà. Mỗi ngày đến giờ ăn, giờ sinh hoạt chung, ông bảo nhân viên đẩy xe đến
cạnh bà trò chuyện. Tình cảm của họ cứ thế lớn dần.
Con gái ông Văn vào thăm nhận ra bố quan tâm quá mức một cụ
bà nên gặp ngay điều dưỡng trưởng yêu cầu không được để phát sinh tình cảm.
“Bố tôi đào hoa, yêu nhăng, yêu cuội thôi. Nếu để nảy sinh tình cảm sâu sắc,
gia đình tôi sẽ đưa ông về luôn”, người con nói.
Trước tối hậu thư của gia đình, nhân viên buộc phải tách ông
bà. Cả hai đều dùng xe lăn nên vào các sự kiện chung chỉ cần không xếp cạnh
nhau sẽ không có cơ hội nói chuyện. Các cụ cũng hiểu được tâm ý con mình nên từ
đó cũng chỉ hỏi thăm nhau từ xa.
Trước trăn trở của ông Văn không biết tấm thiệp của mình có
tới được bà Năm, nhân viên cam đoan chắc chắn sẽ chuyển. “Vậy cho ông gửi
lời chúc bà nhanh khỏe, sớm đi lại được”, ông nói, rồi đưa tấm thiệp có
ghi rõ ràng tên người gửi, người nhận.
Chị Hoàng Ngân, phó giám đốc viện dưỡng lão Diên Hồng cho biết,
tình yêu ở tuổi này của các cụ rất trong sáng, chỉ mong điều tốt đẹp – cụ thể ở
đây là vui khỏe mỗi ngày đến người kia – chứ hiếm khi vì vật chất hay nhu cầu
nào khác. Song từ phía các con thường nghĩ sâu xa và quan trọng hóa vấn đề. Họ
lo những cảm xúc quý mến nhau này có thế gây ra rắc rối, nên đã dập tắt.
Những người con mới là khách hàng ký hợp đồng, vì thế trung
tâm buộc phải tôn trọng mong muốn của con cái. “Nhưng ở giữa, chúng tôi rất
khó xử. Thật sự chúng tôi luôn mong các cụ vui vẻ, khỏe mạnh nên ai tìm thấy được
tình yêu ở tuổi này cũng rất tốt”, Hoàng Ngân nói.
Sau nhiều lần lựa chọn ăn Tết ở Viện dưỡng lão, cụ bà Vũ Thị Dành (83 tuổi, ở Cẩm Giàng, Hải Dương, hiện đang sống tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng) nhận thấy, ăn Tết ở Viện dưỡng lão vui hơn ở nhà.
Càng về những ngày cuối năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội lại càng diễn biến phức tạp. Để an toàn cho sức khỏe của mình và chồng, bà Vũ Thị Dành quyết định cùng chồng ở lại Hà Nội. Hai ông bà cùng ăn Tết trong Viện dưỡng lão.
Tết Nguyên đán 2022 là cái tết thứ 4 của bà Dành và ông Bưởi tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng.
Bà Dành tâm sự, bà không có mong muốn về nhà ăn Tết. Bởi về quê cũng chỉ có 2 ông bà. Con cái thì ai cũng có gia đình riêng, có công việc riêng, vì thế ông bà cũng không về nhà ai hết.
“Mà hiện tại, tôi xem Diên Hồng như ngôi nhà thứ 2, là quê hương thứ 2 của tôi. Ăn Tết ở đây cũng là ăn Tết ở nhà mình. Nếu con cháu muốn thì có thể vào trung tâm chúc tết ông bà.
Tôi ở đây ăn Tết mấy năm thì nhận thấy rằng, năm nào cũng thế, trung tâm đều tổ chức nhiều hoạt động đón Tết. Vì thế các cụ ai nấy đều thấy vui, mà lại yên tâm, an toàn”.
Cụ bà chia sẻ thêm rằng, năm nay bà còn sắm được cây quất để chơi Tết. Bà hồ hởi kể hôm chợ Tết bà mua được nhiều đồ lắm. Nào là hạt điều, mứt, bưởi để Tết bà mời khách đến chơi. Hoặc là cho con cháu đến thăm.
Cũng giống như bà Dành và ông Bưởi. Nhiều cụ đang sống cũng lựa chọn ăn Tết tại viện và đều cảm thấy rất vui. Cụ bà Nguyễn Thị Biển cho biết, từ hôm Diên Hồng tổ chức các hoạt động đón Tết đến giờ, hoạt động nào bà cũng thích.
Các hoạt động chụp ảnh Tết cho các cụ, chợ Tết, gói bánh chưng đều gây ấn tượng với bà. “Phải mấy chục năm rồi bà mới ngồi lau lá, gói bánh. Bà vui lắm con ạ’’ – cụ Biển hào hứng nói.
Theo bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, người già thường sợ cô đơn, nên mỗi độ Tết đến xuân về, các nhân viên tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng thường sắm sửa những cành đào thật đẹp. Các căn phòng thì được trang trí thêm ấm cúng, biểu diễn văn nghệ giống với không khí Tết gia đình.
Năm nay, các cụ ở Diên Hồng chuẩn bị đón Tết từ rất sớm. Từ đầu tháng các cụ đã cùng các cháu trang trí cổng chợ tết, buộc ruy băng đỏ trên tán cây để cầu may mắn.
Đặc biệt, chợ Tết năm nay diễn ra ấm cúng chỉ nội bộ. Nhưng vẫn sôi nổi với các trò chơi. Ngoài ra còn có các gian hàng ẩm thực, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bánh mứt… và văn nghệ chào xuân. Năm nay các tiết mục được chuẩn bị công phu hoành tráng.
Bên cạnh không gian chợ Tết vui vẻ, ấm cúng còn có nhiều hoạt động khác. Như gói bánh chưng và ngồi trông nồi luộc bánh cũng khiến các cụ rất thích thú.
“Các cụ vui quá còn ríu rít cảm ơn Diên Hồng. Bà bảo mấy chục năm rồi bà mới được trải nghiệm không khí rộn ràng chuẩn bị và gói bánh chưng như thế này. Sau các hoạt động chuẩn bị Tết, các cụ sẽ quây quần ăn bữa cơm tất niên. Một không khí ấm cúng như ở nhà.
Không những thế, thực đơn ngày Tết cũng được Trung tâm thay đổi. Món ăn hàng ngày được đổi thành những món ăn đặc trưng của ngày Tết. Ví dụ như: bánh chưng, giò chả, thịt gà, canh măng… Đến đêm giao thừa các bạn điều dưỡng trực tết còn đi chúc Tết ông bà. Vì vậy mà các cụ ở lại ăn Tết cùng trung tâm vẫn cứ vui tươi, đầm ấm ”.
Thấu hiểu tâm lý của các cụ và giá trị truyền thống của Tết cổ truyền, Diên Hồng luôn cố gắng để các cụ được tận hưởng một cuộc sống thật vui vẻ, thoải mái. Để các cụ đón Tết tại Viện dưỡng lão không hề cô đơn hay buồn tẻ.
Hàng ngàn đời nay người Việt Nam đã tạo dựng nên một kiểu gia đình hết sức đặc thù của cư dân trong một xã hội mà đại đa số làm nghề nông, để rồi từ đó hình thành được một nét văn hóa gia đình tự nhiên đậm đà tính cách Việt Nam là: “Trẻ cậy cha – già cậy con”. Sự gắn bó, phụ thuộc giữa các thế hệ cha con với nhau như vậy là bởi nó đã xuất hiện và tồn tại trong các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội sau đây:
Không gian sống của gia đình đóng khung chủ yếu trong các làng xóm riêng biệt, nên mọi nhà luôn gần gũi bên nhau, các gia đình có điều kiện luôn quây quần, gắn bó, chăm sóc nhau, họ hài lòng sống như vậy và thấy không cần gì hơn, thậm chí có người cả đời không mấy lần bước ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Nghề nghiệp chủ yếu của đại đa số người dân Việt Nam là làm ruộng, chăn nuôi, làm nghề thủ công nhỏ lẻ, nên các gia đình đều phải bao gồm nhiều thế hệ cùng làm, cùng ăn để còn truyền nghề cho nhau, dạy bảo nhau, để duy trì nền nếp gia phong, xây dựng cơ nghiệp cho con cháu.
Từ xưa đến nay người Việt Nam luôn sống trong những điều kiện như vậy và tâm niệm rằng chỉ có cuộc sống gia đình mới đảm bảo cho mỗi người được bình yên từ trẻ đến già, cho nên không ai muốn sống xa rời gia đình, bởi vì đến như người trai trẻ cũng “Xảy nhà ra là thất nghiệp”, thì người già thiếu vắng con cháu sẽ sống thế nào đây ? Đó chính là lí do người Việt Nam coi việc người già phải được con cháu luôn luôn ở bên mình để phụng dưỡng, chăm sóc là lẽ tất nhiên ở đời. Nếu không được con cháu sớm hôm chăm sóc thì đó là tuổi già bất hạnh, còn con cháu không sống chung để chăm sóc bố mẹ thì đó là kẻ bất hiếu, bị người đời chê trách. Đó là nét tâm lí truyền thống văn hoá gia đình rất có giá trị của người Việt, nên ai cũng tôn trọng, nghiêm túc tuân thủ và cố gắng gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ.
Ngoài ra, gần nửa thế kỉ chiến tranh liên miên chống ngoại xâm đã buộc 100% gia đình phải li tán, hàng triệu người con trai, con gái phải từ rã cha mẹ ra đi đánh giặc mà không hẹn ngày về. Hoàn cảnh bi ai này càng khắc sâu tâm lí ước mong có cảnh sống gia đình êm ấm, đoàn tụ, gắn bó suốt đời bên nhau. Nay đã hòa bình dù cực chẳng đã có nhiều người buộc phải tạm thời đi làm ăn sinh sống xa gia đình, nhưng ai ai cũng mong muốn được trở về quê hương đất tổ trong những ngày giỗ tết để báo hiếu cha mẹ và thắp nén nhang tỏ lòng tri ân công đức của tiền nhân. Nét văn hóa đặc trưng này cũng đã được đông đảo bạn bè quốc tế hết sức khen ngợi và ngưỡng mộ khiến chúng ta càng yêu quý, tự hào. Điều này càng có ý nghĩa đối với các thế hệ trong một đại gia đình truyền thống Việt Nam.
Song xã hội luôn phát triển theo những quy luật khách quan của nó. Từ một nền kinh tế thuần nông tự cấp tự túc lạc hậu nước ta đang từng bước tiến lên xây dựng và phát triển nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Nhà nước đã đoạn tuyệt với chế độ quan liêu bao cấp để thực hiện chế độ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hòa nhập với kinh tế thế giới. Những định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nêu trên tất yếu đòi hỏi phải sắp xếp, cân đối lại các yếu tố nhân lực, vật lực, tài lực trong cả nước cho phù hợp với mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ, văn hóa xã hội trong tình hình mới. Quy luật này đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến từng phường xã, làng xóm và từng gia đình từ thành thị đến nông thôn. Xin dẫn ra đây một số nét chính yếu điển hình:
Không gian sống của các thành viên thuộc mỗi gia đình trong xã hội hiện đai đã thay đổi cơ bản: những người lớn thường đi làm xa gia đình, xa quê hương, ít khi sống liên tục lâu dài với gia đình. Họ không có điều kiện đi về hằng ngày để gần gũi, chăm sóc bố mẹ già, vì đường dài, đi lại tốn kém, mất nhiều thì giờ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, nghỉ ngơi và sức khoẻ của bản thân, đồng thời hạn chế hiệu quả công việc làm ăn.
Bù lại, các phương tiện giao thông liên lạc hiện đại đang ngày càng thu hẹp không gian và rút ngắn thời gian để mọi người có thể đi về, gặp gỡ nhau gần hơn, nhanh hơn, thậm chí không cần đi về mà vẫn trực tiếp nói chuyện và nghe nhìn thấy nhau qua chiếc điện thoại di động hoặc máy vi tính…Từ đó giảm được nhu cầu chung sống gần gũi bên nhau, đồng thời cũng giảm bớt được nỗi nhớ nhung, lo âu về nhau, mà vẫn duy trì được tình cảm gần gũi yêu thương thường xuyên với nhau. Bố mẹ già vẫn nhận được sự âu yếm, chăm sóc của con cháu và không cảm thấy mình cô đơn hay bị lãng quên.
Nghề nghiệp trong xã hội hiện đại ngày càng phong phú, đa dạng và chuyên sâu đang tạo điều kiện và đòi hỏi mỗi người phải thành thạo công việc của nghề nghiệp đã lựa chọn. Trong số các thành viên của gia đình hầu như không còn mấy con cháu kế nghiệp của ông cha, ít có anh chị em làm chung một nghề, kể cả khi họ cùng làm việc trong một cơ quan hay doanh nghiệp. Điều này đã loại dần tính chất gắn bó nghề nghiệp giữa các thành viên trong gia đình. Ông bà, cha mẹ ít có khả năng ảnh hưởng đến nghề nghiệp của con cháu, ngoài các lời dăn bảo về đạo đức, tác phong, lối sống chung chung, do đó không có điều kiện truyền nghề để hình thành truyền thống gia đình và vì thế nó cũng giảm bớt sức ép cần sự chung sống thường xuyên trong một gia đình.
Như vậy với tình hình xã hội thực tế khách quan, tự nhiên như trên, liệu bố mẹ già có nhất thiết cứ phải ở chung với con cái thì mới đảm bảo cuộc sống an bình, vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc, đồng thời cũng vẫn đáp ứng được nhu cầu sinh sống độc lập, tự do phát triển của con cháu hay không ? Và nếu như cha mẹ già có điều kiện tách khỏi gia đình ra sống chung với những người cao tuổi xa lạ ban đầu trong các nhà dưỡng lão thì liệu có mất mát gì đáng kể về vật chất và tình cảm không?
Xin khẳng định chắc chắn rằng không hoặc không đáng kể với một số người nào đó !
Bằng sự quan sát, tìm hiểu cuộc sống của người cao tuổi trong một số nhà dưỡng lão và qua trải nghiệm của bản thân, tôi xin nêu ra một số điểm được và mất cụ thể như sau
Cha mẹ già yếu được, mất:
Được giải phóng khỏi việc lo toan nhà cửa, chăm sóc dạy bảo cháu chắt, không phải gánh vác công việc nặng nhọc của ô sin nữa (một mẹ già bằng 3 người ở !), để có cuộc sống an nhàn của tuổi già.
Được tự do sinh hoạt hợp với sức khoẻ, tâm sinh lí người cao tuổi, không bị phụ thuộc vào lối sống năng động, tự do của con cái, đôi khi còn bị ức chế tâm lí tuổi già kiểu “người làm không bực bằng người trực mâm cơm”.
Có được môi trường sinh hoạt tinh thần, giao lưu tình cảm thoải mái với những người cùng lứa tuổi tai nhà dưỡng lão, thay vì phải thơ thẩn ở nhà một mình và chịu cảnh cô đơn, buồn bã, khi con cháu đi làm, đi học từ sáng đến tối mới về. Rồi cũng chỉ hỏi han được dăm ba câu xong là lại ai về phòng nấy với những nỗi niềm riêng tư của mình. Nhiều cha mẹ già không chịu nổi đã từ giã con cháu ở thành phố để về lại với ruộng vườn, quê quán, xóm giềng quen thuộc.
Con cháu khỏe mạnh được, mất:
Được giải phóng gánh nặng lo âu thường trực về bệnh tình, sức khỏe của cha mẹ già, trong khi họ phải dốc hết sức lực, tâm lí cho công việc mưu sinh, nuôi dạy con cái nên người. Cho dù lúc khỏe mạnh cha mẹ vẫn có thể hỗ trợ việc nhà, bảo ban cháu chắt, nhưng nhiều khi lại không đúng ý muốn của mình, mà mình không thể nói thẳng ra vì sợ phật lòng. Còn khi cha mẹ ốm đau thì khỏi phải kể biết bao lo toan nhọc nhằn, mà vẫn khó làm thỏa mãn được những lúc trái tính, trái thói của tuổi già. Điều khác biệt rõ nét nhất giữa con cái và người già là ở chế độ sinh hoạt và ăn uống trong gia đình: trẻ thường thức khuya dạy muộn, già thường ngủ trước và dạy sớm; trẻ thích ăn nhiều thịt cá, còn “già thích bát nước canh, trẻ thích manh áo mới”. Đơn giản thế thôi, nhưng con cháu lại vì thương cha mẹ đã từng chịu đựng gian khổ suốt mấy cuộc chiến tranh, nên có tâm lí cứ muốn bù đắp cho cha mẹ bằng cách dâng hiến mâm cao cỗ đầy với sơn hào hải vị ! Thật là khó hòa hợp ! Nhưng tất cả những nỗi lo lắng này của con cái đều có thể được các nhà dưỡng lão gánh vác, chia sẻ phần lớn, làm hài lòng cả cha mẹ già và con cháu trong gia đình, bởi ở đó mọi thứ nhà dưỡng lão đều giải quyết một cách tương đối khoa học, phù hợp với tâm sinh lí của người cao tuổi.
Giữ lại được quyền lợi và trách nhiệm nuôi dạy con cái từ bé đến lớn, không vì bận rộn công tác, mưu sinh, mà ỷ lại, phó thác cho ông bà, để rồi khi con cái khôn lớn chẳng may không theo đúng được yêu cầu, nguyện vọng của mình đối với chúng, thì phát sinh tâm lý ân hận, tiếc nuối, thậm chí có khi quá đau sót dẫn tới đổ lỗi, trách móc ông bà (cháu hư tại bà mà!), mà quên mất điều chính yếu là “con hư tại mẹ!”
Giữ được bền lâu hơn tình cảm giữa cha mẹ già với đàn con cháu, vì tránh được những mâu thuẫn, va chạm thường ngày, tuy nhỏ nhặt mà vẫn có thể gây chấn thương tâm lí người già cả nghĩ. Người xưa đã đúc kết quan hệ tình cảm gia đình: “Xa thương, gần thường “. Chính có xa nhau mới hay nhớ nhung, quý trọng những kỉ niêm thân thương, âu yếm về nhau, mới chú trọng dành dụm những của ngon vật lạ cho nhau, do đó mỗi khi gặp lại nhau thì tình cảm sẽ càng trở nên nồng nàn, đằm thắm hơn.
Tóm lại, tất cả nhũng điều nói trên cho thấy một điều là: cha mẹ già ngày nay tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của gia đình mà nên khuyến khích các cụ đến an dưỡng tại những trung tâm chăm sóc người cao tuổi, bởi như thế có lợi cho cả người già, con trẻ lẫn toàn xã hội. Vậy tôi rất mong được mọi người dân nhiệt liệt ủng hộ và cũng xin kiến nghị Nhà nước quan tâm thực sự đến việc xây dựng và phát triển mô hình tiên tiến về chăm sóc người cao tuổi trên quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bà Vũ Như Hoa (Đà Nẵng) cùng con gái đã đi một chặng đường rất dài để đến với Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng và coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình.
Sau một lần tai biến, sức khỏe của bà Hoa bị
ảnh hưởng nghiêm trọng. Nuốt kém, nằm một chỗ, phải dùng bỉm cả ngày, giúp việc
không có chuyên môn nên tình trạng sức khỏe ngày một giảm sút. Quá lo lắng cho
sức khỏe của bà, chị Trần Thị Đoan Trang, người con gái duy nhất của bà được gợi
ý đưa bà đến một trung tâm dưỡng lão để được phục hồi chức năng và tăng cường
giao tiếp xã hội với những người cùng lứa tuổi. Đi khắp Đà Nẵng và các vùng lân
cận, không tìm được một trung tâm dưỡng lão nào, chị tìm kiếm thông tin về các
viện dưỡng lão ở Hà Nội. Sau khi tìm hiểu, chị quyết tâm đưa mẹ ra Hà Nội để cải
thiện sức khỏe. Tuy nhiên, những lời cảnh báo của hàng xóm về chuyện thiếu thốn
tại các trung tâm dưỡng lão khiến chị lo lắng, tạm gác lại ý định của mình.
Nhìn mẹ ngày càng yếu hơn, chị quyết tâm bay ra Hà Nội để tìm hiểu thực tế, lựa
chọn một nơi phù hợp cho mẹ và chị tìm thấy Diên Hồng. Bao băn khoăn, lo sợ được
giải tỏa khi chị đến tham quan trực tiếp và ngay hôm sau, chị và mẹ có mặt ở
Diên Hồng.
Ban đầu cuộc sống ở Diên Hồng khá lạ lẫm với
bà. Không dễ gì để thích nghi với cuộc sống mới khi bao nhiêu năm mình vẫn gắn
bó với ngôi nhà của mình. Ấy vậy mà bà đã ở Diên Hồng 2 năm và không muốn về
nhà nữa. Sức khỏe của bà được cải thiện đáng kể nên bà càng thích ở Diên Hồng.
Bà thích được điều dưỡng xoa bóp và thủ thỉ bởi nó cho bà cảm giác như mình
đang ở nhà với con cháu. Trước đây chị Trang vẫn thường bay từ Đà Nẵng ra thăm
bà nhưng năm nay Covid-19 bùng phát đã không cho phép chị làm việc đó thường
xuyên. Chị chỉ biết gọi hỏi thăm và gửi quà từ Đà Nẵng ra. “Mẹ con tôi đã vượt
1000km từ Đà Nẵng để đến với Diên Hồng. Từ quản lý đến điều dưỡng viên đều rất
nhiệt tình chu đáo và lễ phép. Tình hình bệnh của mẹ tôi có phần tiến bộ hơn
khi ở nhà. Các vấn đề về sức khoẻ của mẹ tôi đều được trung tâm sử lý ổn thỏa
mà không cần đưa đi bệnh viện trong tình hình dịch bệnh phức tạp này. Tôi rất
yên tâm khi để bà ở Trung dưỡng lão Diên Hồng. Tiếc là ở xa quá nên tôi không
thường xuyên đến thăm mẹ được”, chị Trang chia sẻ.
Dẫu an tâm khi gửi mẹ ở Diên Hồng, nỗi nhớ
thương và mong muốn được tự tay chăm sóc mẹ lại thôi thúc chị Trang đưa mẹ về
nhà. Bịn rịn không nỡ rời xa nơi mà bà Hoa coi như nhà mình, bà chào tạm biệt
các cháu điều dưỡng để về bên con cháu. Trên hành trình của cuộc đời, chúng ta
có thể để lại những gì vướng víu nhưng những kỷ niệm đẹp thì sẽ mãi vẹn nguyên
và những ký ức của bà về Diên Hồng sẽ còn mãi cũng như các CBNV Diên Hồng cũng
mãi nhớ về bà.
Người Việt thường có quan niệm “trẻ cậy cha,
già cậy con”. Vậy nên, không ít người cho rằng, khi cha mẹ về già mà không tự
tay chăm sóc, gửi vào viện dưỡng lão là bất hiếu?
Định kiến ‘bất hiếu’ cản trở con đưa mẹ vào viện dưỡng lão
Mẹ bị tai biến nằm một chỗ hơn một năm nay
cũng là quãng thời gian chị Nguyễn Thu Hằng (39 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) không
thể yên lòng về cuộc sống tuổi xế chiều của mẹ.
Nhà chị Hằng có 2 chị em gái, cả 2 đều đã lập
gia đình và có cuộc sống riêng của mình.
Từ ngày bố mất, mẹ chị Hằng sống một mình, tự
chăm lo cuộc sống bản thân bằng tiền lương hưu hàng tháng.
Hơn một năm trước, khi mẹ chị Hằng được 70
tuổi thì bất ngờ bà bị tai biến, liệt nửa người bên trái nên bà phải nằm một
chỗ.
Để tiện chăm sóc mẹ già yếu, ốm đau, chị Hằng
cùng em gái thuyết phục mẹ chuyển đến nhà của 1 trong 2 cô con gái để sống cùng
con cháu.
Nhưng do tâm lý tuổi già chỉ thích sống ở nơi
quen thuộc, muốn sống ở nhà mình nên mẹ chị Hằng nhất quyết không chuyển.
Chiều mẹ, chị Hằng tìm người giúp việc chăm
sóc bà và 2 chị em cắt cử nhau mỗi người đến thăm bà một ngày để tiện việc theo
dõi chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt của mẹ.
Vì ở xa nhà mẹ, lại bận đi làm, bận con nhỏ
nên chị Hằng và em gái chỉ tranh thủ đến thăm mẹ được vài phút lúc nghỉ trưa
hoặc khi đi làm về, đồng thời mua thức ăn dự trữ sẵn trong tủ để người giúp việc
nấu ăn cho mẹ.
Còn người giúp việc, do không có kinh nghiệm
chăm sóc người già ốm đau nên họ cũng chỉ có thể hỗ trợ nấu cơm, dọn nhà, cho
bà ăn, vệ sinh cá nhân…
Thời gian rảnh người giúp việc nhà chị lại
tranh thủ đi lượm nhặt đồng nát để bán kiếm thêm tiền.
“Tôi thuê người về để chăm sóc mẹ, không muốn
mẹ ở nhà một mình nhưng cô giúp việc lại thường xuyên vắng nhà. Nhiều khi tôi
đến thăm mẹ, ngồi cả tiếng đồng hồ vẫn không nhìn thấy cô ấy. Nhắc nhiều thì
ngại mà đổi người thì khó…” – chị Hằng tâm sự.
Cũng từng đổi người chăm sóc mẹ nhưng có vẻ
chị Hằng “không mát tay” trong việc tìm người. Có lần chị nhờ người quen tìm
mãi mới được người ưng ý nhưng chị này lại hay về quê.
Hầu như tháng nào chị cũng có việc phải về quê
1-2 ngày và khi đó, chị em chị Hằng lại căng não để tính toán, ai đến trông mẹ
trong những ngày cô giúp việc vắng nhà.
Áp lực nhất là dịp Tết, “Tết thì ai cũng phải
về nhà mình ăn Tết, người giúp việc cũng vậy. Chị em tôi cũng có gia đình
riêng, có nhà chồng nên cũng không thể ở bên mẹ suốt mấy ngày Tết. Đây là bài
toán khó.
Tôi đã tính đến phương án gửi mẹ vào viện
dưỡng lão để mẹ được chăm sóc chu đáo hơn, nhưng họ hàng lại bảo chị em tôi như
vậy là bất hiếu. Chỉ mỗi việc chăm mẹ già mà còn đùn đẩy người ngoài…” – chị
Hằng buồn bã chia sẻ.
Gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão ở có phải là bất hiếu?
Rất nhiều người có suy nghĩ con gửi bố mẹ vào
viện dưỡng lão ở là bất hiếu. Nhưng với bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi, ở Nam
Sách, Hải Dương), người từng nhiều năm sống trong Trung tâm Dưỡng lão Diên
Hồng, “việc các con đưa mẹ vào viện dưỡng lão ở hoàn toàn không bất hiếu, mà là
hành động có hiếu. Bởi, con lo cho mẹ một chỗ ở tốt khi về già, được chăm sóc
chu đáo, yên tâm an dưỡng tuổi già thì còn gì hạnh phúc hơn”.
Kể về hoàn cảnh của mình, bà Biển cho biết, bà
có 6 người con thì có 3 người đang sinh sống ở nước ngoài, 3 người ở trong nước
nhưng đều có gia đình riêng.
Vợ chồng bà sống ở nhà riêng, không gần con
cháu, đến khi ông mất bà Biển sống một mình, tự lo cho cuộc sống của mình.
Các con bà Biển cũng ngỏ ý mời mẹ đến sống
cùng mình nhưng bà từ chối vì bà không muốn phiền đến các con.
Nhưng để mẹ một mình lại có nhiều điều lo
lắng, nhất là những lúc ốm đau không ai biết, không ai chăm sóc.
“Không phải là tôi không thích ở cùng các con
mà là tôi thương con cháu. Vì nếu tôi ở cùng với các con, các cháu thì con cháu
sẽ vất vả với tôi, phải chăm sóc tôi, nhất là những lúc tôi ốm đau chúng sẽ rất
mệt mỏi. Vậy nên, để tốt cho tôi, tốt cho các con, tôi quyết định vào viện
dưỡng lão ở” – bà Biển chia sẻ.
Cũng có người quen khuyên bà Biển thuê người
giúp việc chăm sóc mình, như vậy sẽ được ở nhà của mình tự do thoải mái.
Tuy nhiên, bà Biển cho rằng, việc thuê người
giúp việc có rất nhiều phiền phức. Để chọn được người ưng ý mình sẽ rất khó.
Gặp được người tốt thì không sao, gặp phải người không tốt thì suốt ngày phải
đề phòng họ, phải căng thẳng đầu óc để nghĩ xem cần ứng xử với họ như thế nào.
“Còn ở viện dưỡng lão thì văn minh hơn rất
nhiều. Nhân viên ở đây được đào tạo bài bản để chăm sóc người già. Các bạn nhân
viên vừa trẻ, vừa ngoan, được tiếp xúc với những người trẻ trung, vui nhộn sẽ
làm mình vui, trẻ ra, tôi rất thích điều đó.
Hơn nữa, quan hệ giữa tôi với các cháu nhân
viên tại trung tâm là quan hệ ngang hàng nhau, không phải mối quan hệ giữa chủ
nhà và người giúp việc. Mối quan hệ rất vui vẻ, hài hòa, các cháu giúp bà, bà
yêu mến các cháu, rất thoải mái” – cụ bà vui vẻ nói.
Căn phòng bà Biển ở có lẽ là căn phòng đẹp
nhất của trung tâm, phòng ở ghép 2 người, rộng gần 40m2, với đầy đủ tiện nghi,
chi phí mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng.
“Đây là tôi khỏe mạnh không cần các dịch vụ
chăm sóc khác đi kèm. Còn đối với các cụ sức khỏe yếu, đi lại khó khăn…, mỗi
dịch vụ thêm như tắm gội, xoa bóp, châm cứu, phục vụ vệ sinh cá nhân… sẽ phải
tốn thêm tiền để có người giúp đỡ.
Lương hưu của tôi không đủ để chi trả cho các
dịch vụ trong viện dưỡng lão. Vậy nên các con của tôi lo hết các chi phí ăn ở
tại đây.
Các con bỏ một số tiền khá lớn để tôi chỉ việc
xách đồ đến ở trong không gian sạch đẹp, có người chăm sóc từng giờ, có người
trò chuyện vui vẻ, tham gia các hoạt động tập thể… Nếu nhớ nhà, nhớ con cháu
thì chỉ cần gọi điện là có người đến đón về chơi. Như vậy sao gọi là bất hiếu
được, là rất có hiếu đó chứ” – cụ Biển nói.
Tuy nhiên, sống xa con cháu cũng không tránh
khỏi những lúc bà Biển nhớ người thân. Những lúc như vậy bà sẽ gọi điện thoại,
gọi video, gửi tin nhắn cho các con, các cháu.
Thú vui khác của cụ bà 89 tuổi để vơi đi nỗi
nhớ con, cháu là đọc sách, đọc truyện hàng ngày. Việc cuốn vào tình tiết của
truyện, cuốn vào diến biến tâm lý của nhân vật trong truyện làm cụ Biển không
có nhiều thời gian để nghĩ đến những chuyện không vui.
Bà Biển còn có sở thích là xem lại những kỷ
vật, đọc lại những bài thơ mà người chồng quá cố đã viết tặng mình. Chính vì có
những niềm vui riêng nên cuộc sống của bà trôi qua rất thoải mái, vui vẻ.
Bà không yêu cầu các con, cháu vào thăm mình
vì bà thương con, cháu đi đường xa vất vả, vào ngồi 1 lúc lại phải về không
giải quyết được vấn đề gì. Cứ ở nhà, cần gì thì gọi điện thoại, nhắn tin. Như
vậy, cả bà Biển và các con đều rất thoải mái.
Sống đơn giản nên bà cụ Biển cũng quan niệm
rất đơn giản về hạnh phúc, “hạnh phúc nhất của một người là sống khỏe khỏe
mạnh, khi chết nhẹ nhàng. Sống sao để có được tình yêu quý của các con, các
cháu, chúng chỉ cần gọi hỏi thăm, nhắn cho mình mấy lời là hạnh phúc rồi”.
Không muốn phiền con cháu, cụ bà Vũ Thị Dành (83 tuổi) đã quyết định bán một nửa đất ở quê chỉ trong ‘phút mốt’ và đưa chồng bị tai biến vào ở trong viện dưỡng lão.
Như bao người cao tuổi khác, sau khi về hưu, vợ chồng bà Dành – ông Bưởi (91 tuổi) chuyển về quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương để dưỡng già mà không muốn phiền đến 4 người con.
Với tiền lương hưu của 2 người, chi phí ở quê lại không quá đắt đỏ nên cuộc sống của ông bà trôi qua vui vẻ, thi thoảng ông bà lại đi thăm con cháu đang sinh sống ở các tỉnh thành khác.
Biến cố bắt đầu xảy ra khi bà Dành bỗng dưng bị đau lưng dẫn đến đi lại khó khăn và ông Bưởi bất ngờ bị tai biến gây ảnh hưởng đến vận động.
Hai lần đầu bị tai biến nhẹ nên ông Bưởi phục hồi tốt, vẫn vận động được, nhưng đến lần thứ 3 thì ông bị nặng hơn, không nói được, không đi lại được, phải nằm một chỗ chờ người phục vụ.
“Nếu không vào đây, có thể tôi và chồng đã ra đi từ lâu rồi” – bà Dành trầm ngâm nhớ lại.
Vì đau lưng không đi lại được, chồng thì nằm một chỗ nên cụ bà gọi các con về bàn chuyện mượn người chăm sóc.
Nhưng ở quê tìm người phù hợp cũng khó nên bà trả 12 triệu một tháng để người con rể thứ 2 nghỉ việc về quê chăm sóc vợ chồng mình, kèm theo đó nhờ một người phụ giúp dọn dẹp, nấu cơm hàng ngày.
Mặc dù số tiền chi trả thuê người chăm sóc khá cao nhưng cả con rể và người ngoài đều không có kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc người già, nhất là người bị tai biến, nên tay chân lóng ngóng, gặp rất nhiều khó khăn khi giúp ông thay bỉm, vệ sinh, trở mình…
“Khoản ăn uống của chúng tôi cũng không ra gì, ngày nào thực đơn của tôi cũng quanh quẩn với rau bắp cải, rau xà lách luộc, còn ông thì cháo ninh xương rau củ. Đồ ăn không đủ dinh dưỡng như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe.
Hơn nữa, khu vực gần nhà tôi người ta đang xây dựng nên luôn ồn ào, bụi bặm, ẩm thấp, mùi cống bốc lên rất khó chịu. Suy tính về chất lượng cuộc sống và về sức khỏe của cả 2 vợ chồng, tôi quyết định vào viện dưỡng lão ở” – Bà Dành tâm sự.
Bán đất trong ‘phút mốt’ để lấy tiền đi dưỡng lão
Quyết định đi viện dưỡng lão ở của bà Dành làm các con bà cũng “thở phào” vì sẽ bớt đi phần nào lo lắng cho sức khỏe bố mẹ khi con cái không thể luôn luôn ở gần chăm sóc.
Quen với việc tự chủ và không muốn làm phiền đến các con nên bà Dành tính toán chi phí khi đi viện dưỡng lão.
Qua người quen của con gái giới thiệu, bà biết đến một trung tâm dưỡng lão ở Hà Nội với mức chi phí hơn 20 triệu đồng mỗi tháng cho 2 vợ chồng.
Tiền lương hưu của 2 người không đủ chi trả nên bà Dành đi đến quyết định bán một nửa đất đang ở để “chuyển nhà” vào viện dưỡng lão.
“Vừa nảy ra ý tưởng bán đất là tôi chạy ngay ra đầu ngõ nói với mấy người hàng xóm rằng, biết ai mua đất thì mách để tôi bán. Lúc đầu mọi người cứ nghĩ tôi nói đùa.
Rao bán được khoảng nửa tiếng thì một người hàng xóm sang hỏi mua, tôi bán luôn với giá 2 tỷ mà không cần bàn với các con. Người ta đặt cọc trước 1 tỷ, vài ngày sau thanh toán nốt số tiền còn lại.
Ngay lập tức, tôi cầm luôn số tiền đặt cọc đến đăng ký cho 2 vợ chồng ở tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội)” – cụ bà Vũ Thị Dành vui vẻ kể lại.
Là một người tháo vát và quyết đoán nên chỉ trong vài tiếng đồng hồ bà Dành đã bán đất “chuyển nhà” đến viện dưỡng lão. Nhưng quyết định nhanh nhảu đó của bà cũng gặp phải phản ứng của con trai.
Vì bà bán đất khi ông đang ốm, lại không bàn bạc với các con nên người con trai của bà trách “bà bán đất gì mà như bán đồ đi ăn trộm, bán vội bán vàng mà chạy”.
Trước lời trách móc của con trai, bà Dành vẫn giữ vững quan điểm “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”.
Vợ chồng bà đã tần tảo làm lụng lo cho cả 4 người con có cuộc sống ổn định của riêng mình, mảnh đất này là của để dành của ông bà.
Không muốn sống dựa dẫm vào con cháu nên bà bán tài sản do 2 vợ chồng làm ra để chăm lo cuộc sống của mình.
Nuôi con, cháu để sau này già có người phụng dưỡng?!
Rất nhiều người Việt có suy nghĩ dựa vào con cháu khi về già. “Nuôi con, cháu để sau này về già, con cái chăm sóc, phụng dưỡng, chờ đấy”. Đó là câu trả lời của bà Dành khi được mọi người hỏi về việc sống dựa vào con cháu khi tuổi xế chiều.
Cụ bà 83 tuổi cho rằng, con cái dù có thương bố mẹ đến đâu cũng không thể luôn luôn bên cạnh bố mẹ và không phải ai cũng có điều kiện để sống gần bố mẹ.
“Như nhà tôi, 4 người con mỗi người lấy vợ, lấy chồng và sinh sống ở các tỉnh thành khác nhau nên không thể ở bên cạnh bố mẹ mãi được.
Vào viện dưỡng lão tôi cũng không thể đòi hỏi các con chu cấp cho mình mỗi người vài triệu đồng mỗi tháng. Bởi, cuộc sống của các con cũng có khó khăn, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp.
Vậy nên, việc mình tự chủ được về kinh tế là tốt nhất, vừa thoải mái cho mình, vừa giảm bớt áp lực cho các con.
May mắn là vợ chồng tôi đã có sự chuẩn bị cho cuộc sống khi về già nên không gặp quá nhiều áp lực” – bà Dành chia sẻ.
Đến nay hai vợ chồng bà Dành đã sống ở viện dưỡng lão được 2 năm, căn phòng họ ở rộng khoảng 30 m2, với đầy đủ tiện nghi như ở nhà. Mỗi tháng ông bà phải trả hơn 20 triệu chi phí ăn ở và các dịch vụ chăm sóc.
Tại trung tâm dưỡng lão, nhân viên được đào tạo bài bản về chăm sóc người già nên từ việc cho ông Bưởi ăn, thay bỉm cho ông họ làm rất đơn giản, nhẹ nhàng, khiến ông không bị khó chịu như hồi còn ở nhà. Nhờ được chăm sóc tốt mà sức khỏe của ông có xu hướng cải thiện rõ rệt.
Ngoài chăm sóc vệ sinh cá nhân, ăn uống, ông Bưởi còn được nhân viên tại trung tâm theo dõi huyết áp hàng ngày, theo dõi đường huyết hàng tuần vì ông bị tiểu đường, được xoa bóp bấm huyệt, tập vận động tay chân… Đó là điều làm bà Dành an tâm nhất.
“Vì nếu vợ chồng tôi ở nhà, sẽ không có người hiểu biết về y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho ông. Ở đây có người theo dõi thường xuyên, có dấu hiệu bất thường sẽ được phát hiện, xử trí và đưa đi cấp cứu kịp thời” – cụ bà bộc bạch.
Còn với bản thân bà Dành, lúc mới vào trung tâm bà không đi lại được, phải nằm võng vì đau lưng. Bà tập bò khắp phòng, khắp hành lang đến nỗi 2 đầu gối trầy xước. Nhân viên trung tâm ngỏ ý muốn giúp bà trong sinh hoạt hàng ngày nhưng bà từ chối.
“Bà gọi mấy đứa thì cái gì các cháu cũng làm giúp bà, bà thành ì, sẽ bị phụ thuộc, không vận động dẫn đến liệt nằm một chỗ thì khổ lắm, nên bà chọn cách tự mình cố gắng để làm mọi việc” – bà Dành nói.
Bỏ ngoài tai mọi lời bàn tán của mọi người về việc bà ngày ngày bò khắp nơi, với nỗ lực và sự kiên trì tập luyện, bà Dành đã đứng lên đi lại được bằng xe chữ U. Dần dần, bà bỏ xe, bám theo tường, chống gậy và giờ thì bà đã đi lại được bình thường.
Sức khỏe ông Bưởi cũng tốt lên trông thấy. Hàng ngày đều có nhân viên đến trở mình và xoa bóp cho ông. Dù không nói được, ông vẫn nhận biết, cùng phối hợp với nhân viên tập nâng tay, nâng chây, tập đếm, tập nói hàng ngày.
Sau 2 năm gắn bó với viện dưỡng lão, giờ ông bà coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Giờ đây, cuộc sống của bà Dành trôi qua vui vẻ bên ông, cùng ông tập cử động tay chân, cùng ông tập đếm, tập nói, kể chuyện cho ông nghe, chơi với các con cháu những dịp cuối tuần “đến thăm nhà” ông bà… và thi thoảng trò chuyện với những người hàng xóm, tham gia các hoạt động tập thể do trung tâm tổ chức.